Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Thái Bá Tân, ông này cái giề cũng thành thơ được - Thế mới tài!


CÔNG AN
Thái Bá Tân
 3-8-2016

Vẫn biết đâu cũng vậy,
Có người nọ người này,
Dẫu sao vẫn lo lắng
Về công an ngày nay.

Trực tiếp tôi ít thấy
Tiêu cực của công an.
Thậm chí không bị phạt
Mấy lần đi sai làn.

Họ hòa nhã, lịch sự,
Cả khi dừng phạt xe.
Chuyện khác tôi không biết,
Nhưng thế là ô-kê.

Nghề của họ vất vả,
Suốt ngày chang ngoài trời.
Nguy hiểm, lương cũng ít.
Tiếp xúc đủ loại người.

Nhưng tôi là một chuyện.
Chuyện khác là hàng ngày
Có nhiều tin không tốt,
Về công an ngày nay.

Về người dân bị đánh
Hay treo cổ trong đồn.
Về ai đó hành xử
Na ná kiều du côn…

Cho nên, không chắc lắm,
Dù thương thì vẫn thương,
Tôi cũng muốn nhận xét
Một vài điều bất thường.

*
Khi lãnh đạo một nước
Phần đông là công an,
Thì đó là dấu hiệu
Nhà nước ấy sắp tàn.

Khi đâu đâu cũng thấy
Công an vàng và xanh,
Thì điều đó báo trước
Cái gì đó không lành.

Công an nhân dân đấy
Mà đánh người, vòi tiền,
Thì hoặc sớm hoặc muộn,
Công an nên đổi tên.

Một nước, nếu quả thật,
Dân chủ và tự do,
Mà lại công an trị,

Thì là điều đáng lo.

Bác Tô Lâm nói đúng,
Ở ta thì miễn bàn –
Giao thông, vi phạm luật
Còn cãi lại công an.
Thậm chí dám gây sự,
Cãi cối rồi cãi chày.
Có khi còn đánh lại,
Vung cả chân, cả tay.

Nước khác thì thôi nhé.
Không xin xỏ dài dòng.
Bảo gì là làm ấy,
Nếu không muốn bị còng.

Công an là đại diện
Cho pháp luật, chính quyền.
Cần phải được tôn trọng.
Và tuân thủ, tất nhiên.


Bác Tô Lâm nói đúng –
Phải xiết lại kỷ cương
Và phải nghiêm trị mạnh
Những ai dám coi thường.

*
Nói đi, phải nói lại.
Pháp luật cần nghiêm mình.
Nhưng công an trước hết
Cũng phải xem lại mình.

Các cụ xưa đã dạy:
Mọi cái có nguyên do.
Sao thằng dân dám hỗn,
Dám chống trả, đôi co?

Thậm chí công an chết
Cũng chẳng buồn tẹo nào.
Dẫu như thế là láo,
Nhưng thử hỏi vì sao?

Công an nào dân ấy.
Điều ấy khỏi phải bàn.
Bác Tô Lâm trước hết
Phải chấn chỉnh công an
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người đẹp thơ hay ai cũng thích cả ông NM ạ!


TÔI RẤT THÍCH CHÙM THƠ HOÀN NGUYỄN TRÊN VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN
Bạn FB thân mến. Từ lâu NM đã giới thiệu thơ của người đẹp Hoang Nguyễn trên TRANG THƠ NGƯỜI ĐẸP blog QUÀ TẶNG XỨ MƯA và trên FB Ngô Minh Khôi. Hôm nay đọc báo Văn Nghệ Thái Nguyên thấy có chùm thơ 2 bài của Hoàn Nguyễn rất hay. NM rất cảm phục sự chọn thơ của BBT Văn Nghệ Thái Nguyên, cám ơn TBT Nguyễn Thuý Quỳnh đã in chùm thơ hay.
HOÀN NGUYỄN
LẲNG LƠ THỊ MẦU
“Ra đấy ăn hôi cỗ Mầu”
Chiếu làng đã trải tranh nhau mà ngồi
Ra đấy mà gặm lộc chồi
Kéo tơ rút ruột bòn nơi cát lầm
Quan nha chốn ấy gian thâm
Vét vơ trên nỗi nhọc nhằn người ta
Ra mà khoác lác, ba hoa
Í ơi một đám bắc loa đến giời
Í này cụ
Í quan ơi
Váy đào em hé lí lơi cụ nhòm
Rằng ngon! Trắng nõn trắng nòn!
Khảo tra cái cớ ai còn lạ chi
Cụ ăn đi
Cụ xơi đi
Không tham danh lợi lấy gì mà no?
Rõ phường một đám mặt mo
Lẳng lơ Mầu thị trát tro mặt đời.
TRONG THƠ EM CHÚNG MÌNH YÊU NHAU
Trong thơ em anh không có tuổi
trong tình anh em vốn dại khờ
Anh như trăng soi
trang trang hồng ánh mặt trời
Anh là gió là mây
hòa vào thơ hòa vào trang viết
tim thơ rung
mến thương tha thiết
không rượu
không trà
mà em say
Phải anh là hoa lá cỏ cây
là bản tình ca
ru em yên giấc...
khăn mềm
dịu dàng lau nước mắt
mặt trời anh lên
em giấu tim này
Người đàn bà trong thơ
mê say
Người đàn ông trong thơ
không tuổi
nép vào
khát khao đắm đuối
nông nổi yêu như thuở ban đầu...
Trong thơ em
chúng mình yêu nhau !
ảNH: TBT- người đẹp Thúy Quỳnh, Hoàn Nguyễn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tư Liêu Văn học:


4 giai đoạn lịch sử dưới ngòi bút của Nhà văn Dương Nghiễm Mậu


Thư Quán Bản Thảo sưu tầm

Trước 1975, Dương Nghiễm Mậu là một tên tuổi rất quen thuộc trên văn đàn miền Nam thời chiến. Văn chương của ông gắn liền với vận nước nổi trôi.
Sau đây là 4  bài văn xuất hiện ở bốn   thời điểm khác nhau. Mỗi thời điểm mang một biến cố lịch sử khó quên:
Bài một:Thời kháng chiến chống Pháp. lúc DNM còn trẻ
Bài hai viết về biến cố năm Mậu Thân (1968)
Bài ba  giải thích về lý do ông không chịu di tản…
Bài bốn được viết vào năm 1994

MỘT

(thời kháng chiến chống Pháp)

GÀO THÉT(trích)

gaothet
…Vì sự xa cách đã quá lâu của chàng với gia đình, nhưng hình ảnh một người nằm chết cong queo với con mã tấu nơi ngực thì chừng như rất rõ ràng, rất bi thảm, một hình ảnh như nằm kề ngay bên, nhắm mắt lại chàng vẫn thấy hiện ra. Bao nhiêu người đã chết như thế. Chàng không thể biết nhưng chắc chắn rất nhiều, những người cha, những người mẹ và cùng lúc những kẻ chết nằm ngoài bãi không ai nhận, không ai chôn cất … Bao nhiêu trẻ con bà già chết oan trong lằn đạn vô tình tàn ác… Đó là thực tế mà nay hiện rõ trong óc và chung quanh Thạch.
Hiền nói:
– Ở quê bây giờ như trạch bỏ giỏ cua chẳng biết chạy đi đâu. Chết lúc nào không biết. Vua Bảo Đại đã về rồi nhưng không biết rồi ra sao? Có điều dân quê chỉ biết làm mà ăn, không biết làm gì hơn, ai muốn làm sao thì làm, họ chỉ chịu đựng. Riêng em, em phải lánh đi, ở nhà không thể được.
Hiền muốn nói cho em tất cả những lo âu của mình, nhưng Hiền cũng muốn có em ở bên. Không phải chàng muốn em khổ, mà muốn có người để san sẻ những lo âu của mình. Ngay lúc đó Hiền lại muốn Thạch không phải khổ như mình, muốn Thạch sung sướng.
Hiền nói:
– Chú Hoành cũng đã ra tỉnh, em biết không?
– Nghe bác nói, nhưng em chưa gặp.
– Mai em phải đi, không thể ở nhà được.
Thạch im. Mẹ và chị Hiền đã vào nhà, bóng hai người đi lui cui trong bóng tối.
Thạch nói:
– Liệu bọn du kích còn trở lại.
– Bây giờ một thì bọn nó qua sông, hoặc đã xuống hầm rồi, lo là lo sớm mai Tây nó về lục soát, lại mất ít gà, lợn, hoặc bò, sớm mai anh sẽ đi với em lên huyện.
Hiền đứng lên:
– Thôi mình vào nhà, sương nhiều thế này dễ ốm lắm. Em thấy đó, đêm người dân cũng không được yên nữa huống chi là ban ngày. Và như thế làm sao để yên tâm làm ăn, ruộng vườn bỏ bê và đói. Nhà mình còn ít ruộng đó mà cày được cho có ăn đâu phải dễ gì, mà bán thì ai có tiền để mua.

Trở vào ngang sân, đưa mắt vào trong nhà bỗng Thạch chú ý tới một vật gì đen ở trên nền đất, chàng đi vào và nhặt lên tay một khẩu súng lục nhỏ, Hiền ngạc nhiên:
– Súng ở đâu đó, em có súng sao?
Thạch giữ khẩu súng trên tay:
– Lúc nãy có một cặp trai gái vào đây. Nếu không nhầm, qua lời họ nói, anh đàn ông là một du kích, còn ả đàn bà là vợ một anh chàng đi lính Ba-ti-giăng đóng ở ngoài quận…
– Chết cha, thật sao.
– Họ kéo nhau vào ân ái ở đây, lúc có hai người vào nhà họ im lặng và ẩn, trong khi vội vàng tên kia đã bỏ quên khẩu súng.
– Thế thì hắn sắp trở lại, nếu không mai cũng trở lại. Em nên bỏ vào đó, nếu mai họ mới lại thì sớm mình hãy cất…  Anh biết là của ai rồi, không ngờ chuyện đó có thực.
– Ai vậy?
– Thằng Trạch và vợ thằng Tích ở cùng xóm. Không ngờ con nhỏ đó lại đến thế. Như thế chưa biết nó giết thằng chồng lúc nào. Chồng nó đâu đến nỗi.
Hiền và Thạch bước lên hiên nhà. Tiếng chị Hiền nói từ trong nhà ra:
– Cháy ở đâu vậy mình? Em sợ cháy dưới phía nhà bác Lĩnh quá.
Tiếng của chị Hiền run vẻ xúc động. Cháy dưới nhà bác Lĩnh, trong trí óc chất phác của chị Hiền hiện ra hình ảnh một căn nhà đổ nát. Gia đình bác Lĩnh vắng mặt. Đã chạy đâu? Hay đã chết? Tình nghĩa với một gia đình mà chị đã mang ơn trong thời gian tản cư khiến chị lo ăn không được. Anh Hiền trả lời:
– Không rõ lắm, nhưng có lẽ không phải nhà bác Lĩnh, vì nhà bác Lĩnh ở về phía sau cây đa, mà vừa xong anh nhìn thấy đám cháy ở mãi phía đầu chùa tay phải.
Tiếng đứa nhỏ khóc, chị Hiền vỗ về và ru. Mẹ Thạch nói run run:
– Đó, con thấy chưa, ở quê nào có yên gì, mẹ muốn con ở nhà cũng không được… Có đêm nào được ngủ yên đâu. Sống chết như trứng để đầu ngọn tre… Một hôm nào đại bác rơi vào nhà này chẳng hạn. Nói dại dột nếu vậy…
– Sao mẹ lại nghĩ thế?
– Thì có bao nhiêu chuyện đâu mình có thể nghĩ mà vẫn đến, nào loạn, nào giặc nào chuyện cha các con.
Chừng như bà mẹ lại bắt đầu khóc. Anh Hiền đã ngồi lên bộ ngựa đang xoa hai chân vào nhau cho đất bột rụng xuống.
-. Mẹ nghĩ quẩn làm gì, có số cả. Chẳng lẽ trời bắt người ta chết hết sao, mà chết hết thì trời ở với ai.
Anh Hiền nằm xuống mệt mỏi. Thạch cũng leo lên và nằm xuống bên:
– Em có thấy sợ không. Chỉ có cách nhau vài chục cây số mà đã thế đó, rồi ở đây qua một dòng sông lại khác nữa…
– Em có mấy đứa bạn nó rủ ra khu. Em hỏi: ra khu làm gì. Chúng bảo đi tranh đấu. Như vậy là thế nào. Tranh đấu cho ai. Em bảo không biết gì hết. Bọn nó la: đồ nô lệ chỉ muốn ăn cứt Tây. Em nghĩ tức mình quá. Sao đơn giản như vậy. Ra xem để rồi trở về làm du kích như họ đó sao. Mà nào phải mình theo Tây gì.
– Nếu em ở đây, em rõ dân chẳng phải không đánh Tây, không đuổi giặc, nhưng họ cần sống, họ lại thấy Việt Minh cũng chẳng thương dân gì. Những gì xưa kia có, họ cũng lặp lại như thế, chỉ khác người. Bây giờ đêm du kích về cũng bắt gà, bắt lợn, lấy tiền, thu thóc cũng đánh đập, bắt bớ phần nhiều vì tư thù, xem ra còn ác hơn cả Tây cả Nhật. Và Tây cũng diễn trò ấy. Thằng dân è cổ ra chịu mọi nhục hình, cắn răng nuốt hận, hé miệng ra có khi toi mạng. Cũng tại dân chẳng theo ai. Nhiều lúc anh nghĩ, hay dân ta quen nô lệ rồi. Chẳng lẽ… có điều, nắm được địa vị, quyền lực ai cũng thành bần, thành ác… Thôi ngủ đi, mai em nên đi sớm… Ở nhà cũng chẳng ích gì.
Anh Hiền trở mình nằm ngoảnh mặt vào phía trong. Thạch cũng xoay nghiêng ra phía ngoài. Đêm tối bít bùng lặng lẽ. Một không khí bít bùng che giấu những cơn sóng ngầm vận chuyển trong cuộc sống. Trong cả vùng Đoài giờ này chắc mọi người vẫn chưa nhắm mắt, hoặc có chăng cũng chỉ thiếp đi vì mệt nhọc.
Nằm đây nghe ngóng, bóng tối vây lấy, như cuộc sống, chàng mới thấu hiểu những đe dọa mà người dân phải chịu đựng, nhất nữa chừng như những đe dọa đến ngay với chính đời sống bản thân và người ruột thịt của chàng. Trong mỗi gia đình đều đã có những người chết, những người chết ở mọi nơi, trong nhiều năm. Mỗi giờ phút đang, hay sắp tới bất cứ ai, một lúc nào đó nhắm mắt chết đi, hoặc mỏi mắt giẫy giụa với cái chết… những gì được học, được nghe nơi nhà trường đã hoàn toàn trái với những gì chàng phải chứng kiến, phải sống trong thực tế. Luật pháp, nhân phẩm, tự do… tất cả những gì chàng đã suy nghĩ đó đều vô lý trước chiến tranh, không cần luật pháp sinh mạng người ta được xét xử một cách mau chóng tàn nhẫn, có chăng nhân phẩm của những người có sức mạnh, đơn giản hơn, của người có một mẩu khí giới cầm tay, con dao nhọn, hay khẩu súng. Chính nghĩa thắng, bao giờ chính nghĩa cũng thắng, những bậc thầy khả kính của Thạch đã nhắc đến nó từ bao lâu nay, nhắc đi nhắc lại… nhưng sao người Việt, với chính nghĩa là đời sống, là dân tộc mình, mà vẫn phải thua dưới sức tấn công xâm lăng của Pháp, của Tàu, những người không có chính nghĩa… cũng như chiến tranh hiện đại, dân chúng có muốn đâu vẫn bị xô đẩy vào các cuộc tàn sát bi đát thảm khốc không sao thoát ra được.
Căn nhà này, xóm làng này, từ bao nhiêu năm trước chàng vẫn hình dung ra một nơi êm đẹp, bình yên cho chàng có thể nương náu, nhờ cậy… như những kỷ niệm trong những mùa hạ đã trải qua, bây giờ… thiên đường đó đã bị tàn phá, tan hoang, và như thế tất cả những gì đã có trong quá khứ sẽ chẳng bao giờ còn trở lại nữa, như những căn nhà chung quanh đã cháy, đã đổ nát, như cha chàng đã chết. Chiến tranh vẫn chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt…
Rất lâu trong đêm Thạch mới ngủ được.
Đoài là một làng nằm trong vùng ngay bên hữu ngạn sông Đáy, ngay bên đường quốc lộ chính Sơn Tây, Hà Nội, và cùng với con đường dọc theo xuống mãi Thanh Quang, Ngã ba Thá… *
Làng Đoài nằm sát ngay bên bờ đê, con đê được coi như vòng đai phân ranh giữa hai vùng chiếm đóng của Việt Minh và Pháp. Đồn chính của vùng đóng ngay nơi chợ Đại Phùng, và dọc theo bờ đê nhiều đồn bót nhỏ tại Quế Lương, Yên Sở… Có thể thấy ở vùng đất đai đặc biệt đó một đời sống điển hình, những điển hình đau khổ, tranh chấp bi đát của cuộc sống dân quê. Trong khi đó chiến tranh vây phủ trên khắp đất nước với sự có mặt của quân đội Pháp bên một chính quyền bù nhìn của Bảo Đại. Đứng về phía Pháp để chiến đấu tự nhận là có chánh nghĩa được sao? Đứng về Việt Minh, nhưng Việt Minh là Cộng Sản… chắc chắn sẽ lựa chọn đứng về phía Việt Minh dù không phải là Cộng Sản… Nhưng tại sao không có một lựa chọn cho một con đường thứ ba…? Điều này Thạch không thể tìm kiếm vì Thạch là thanh niên còn ở tuổi hành động, ở tuổi những cảm tính còn mạnh. Đó là thực tế chua xót nhất.
Qua một đêm ngủ chập chờn những đe dọa không yên, Thạch thức dậy, không khí im lặng và êm mát, không khí mà đã bao lâu nay chàng không được biết đến, được sống và thở với nó. Tại sao lại có chiến tranh, Thạch vẫn tự hỏi một cách vô lý như thế, hỏi để không trả lời. Mà dù có trả lời cũng không thể dứt khoát được. Còn biết làm sao?

(trích Gào Thét của Dương Nghiễm Mậu, Văn Uyển xb 1968, từ trang 52-58)

(*) bản chụp không rõ mấy chữ cuối của câu này.


 HAI
(biến cố Mậu Thân)

DNM- Thời trẻ
 TRONG KHÓI LỬA Ở SÀI GÒN

NGHĨ VÀ VIẾT VỀ HUẾ

Năm giờ sáng ngày ba mươi Tết tôi thức dậy trong thành phố Huế, trời lạnh buốt, sương muối đọng trên những lá cây rơi xuống mặt, xuống cổ buốt như những mũi kim nhọn chích vào da thịt. Những người bạn mới thân và những người bạn cũ đã đến, chúng tôi hẹn nhau đi ăn sáng trước khi trở về Sài Gòn sau một tuần lễ ở lại cố đô, người bạn hơn tôi hai tuổi vừa ở trong quân ngũ bốn năm ra nói với tôi: đã thay đổi ý định chưa. Tôi cười nói chưa, tôi đã nói tôi cũng muốn ở lại, câu chuyện còn dài lắm, nhưng tôi nghĩ có những điều mình không phải nói với nhau mà đã hiểu rồi, tôi trở về vì ở trong đó còn cha già và những người thân yêu, tôi vẫn không ngừng cố gắng để làm những gì tôi có thể làm được, dù đó là một việc nhỏ nhưng tôi không nghĩ việc có mặt của người con cả trong một gia đình trong đêm giao thừa là một việc nhỏ. Anh bạn nhìn tôi. Khu Thành Nội vẫn còn yên ngủ, những đêm liên tiếp không nhắm mắt với tiếng đại bác nổ từ xa, những tiếng súng nhỏ đơn lẻ, tiếng máy bay tản thương đậu xuống trong khu bệnh viện dã chiến khiến cho người tôi khô đi tỉnh táo theo với những ly rượu mạnh và những điếu thuốc đốt không ngừng cháy trên môi. Tôi leo lên sau chiếc xe gắn máy của người bạn, hành lý không có gì ngoài mấy gói kẹo mè xửng, mấy quả nem chua, trong đó còn có quà của một người bạn gửi cho cha mẹ hiện sống ở Sài Gòn. Con đường Hòa-Bình, Hiền Nhơn, Đông Ba còn mù trong sương sớm, chưa có một cánh cửa nào mở, thành phố chừng như vẫn chập chờn trong giấc ngủ cổ tích của mình, giấu hơi ấm và nhịp thở sau những tường gạch sâu mốc ẩm rêu phong, dưới những mái ngói nâu cũ và những tàn cây thấp xanh đen. Cửa thành Đông Ba còn lẩn trong nền trời tối, mấy ngọn điện sáng lên đơn lẻ. Con đường Gia Long những cửa phố đóng kín, một vài người đi xuôi ra phía chợ trong đó có người vác theo một cây mai lớn, vài quán ăn đã mở cửa, trên cầu Gia Hội đã đông người đi lại, trong bến xe, nơi hiên chợ, dưới những quán nhỏ thấp thoáng bóng người qua lại rộn rịp, bến sông những chiếc thuyền chúc đầu vào bờ im lìm với những ngọn đèn nhỏ leo lét không rõ những khuôn mặt qua lại. Bọn chúng tôi, sáu người ghé vào một quán ăn nơi phía ngoài chợ, quán đông người, không còn một ghế trống, những ly cà phê , người bạn nói phải tiễn anh bằng một chầu bún bò Huế mới được. Nhưng hàng bún mọi ngày chưa có, chúng tôi quay xe chạy qua cầu sang nhà ga, trạm xe lên phi trường đặt ở đó, tôi coi đồng hồ: sáu giờ ba mươi, tôi lo trễ, gió thổi ngược lạnh buốt trên da mặt, cây cầu chừng như dài hơn mỗi ngày, dòng sông đen sâu phía dưới, lấp lánh những ngọn đèn ẩn hiện nơi những lùm cây xa trên hai mạn bờ. Khu bến phà sáng chói, ánh sáng làm bật rõ khu đại học màu vôi trắng mỏng. Đài phát thanh, khu đại học, trường Đồng Khánh, trường Quốc học… Nhà ga hiện ra trong bóng tối nhòa nhập, những ngọn đèn xanh, những chiếc xe ca nằm ngổn ngang ngoài khoảng sân trống rộng. Trong nhà những hành khách lặng lẽ trên những băng ghế, chuyến xe chưa bắt đầu, những người tài xế còn đang hí hoáy coi lại máy, bánh xe, chúng tôi vào trong quán gọi mỗi người một ly cà phế sữa, những hơi thuốc đều tiên trong ngày, những lời dặn dò sau chót, những cái bắt tay thắm thiết… Ngồi trên băng ghế lạnh trống, trong xe chỉ có bốn người, một người đàm bà ngồi thu mình im lặng, hai người đàn ông ngồi đối diện nói không ngừng những câu chuyện riêng không rõ ràng. Chuyến xe lăn bánh, tôi vẫy tay từ biệt những người bạn, từ biệt Huế sau những ngày gặp lại cách nhau hơn mười ba năm. Chuyến xe chạy nhanh trên những con đường vắng, dưới những lùm cây mù sương. An Cựu, Gia Lễ, Phú Bài, con đường đá nhỏ chạy giữa những lùm tre xanh lả ngọn, giữa những ruộng lúa xanh trĩu ngọn vì sương mai còn đọng óng ánh. Buổi sáng chạng vạng, những cơn gió lạnh thổi đẩy vào lòng xe, dưới chân những ngọn núi phía xa sương còn đục lờ như những đợt mây thấp. Cánh đồng lúa, những cơn gió lạnh khiến tôi nghĩ tới quê hương miền Bắc. Ở ngoài đó, rất xa, những năm thơ ấu, mưa phùn gió bấc căm căm… Từ biệt Huế sau mười ba năm gặp trở lại, từ biệt bạn hữu, từ biệt căn nhà có vườn cây xanh, có bể nước, có giếng gạch sâu, có tiếng nói một người: bây chừ anh đã thay đổi những ý kiến về Huế chưa…
*
Khi tôi viết những dòng này là ngày mồng bốn Tết, buổi tối trong căn nhà im lặng của những con đường, khu phố chung quanh. Cơn choáng váng của biến cố còn làm tôi vật vờ. Những lo âu, uất ức như còn ứ nghẹn trong lòng ngực. Đêm giao thừa cùng với tiếng pháo nổ thì cũng là tiếng súng của những người cộng sản nổ vào bảy thị trấn miền Trung, trong đó có Huế, chưa trọn một ngày tôi dời khỏi, lo âu về những người thân ở lại đó còn thắc thỏm trong lòng, thì khuya đêm mồng một tết, những tiếng nổ từ xa cùng với trái sáng đầy trên bầu trời Sài Gòn khiến tôi lo âu. Bọn họ cũng trở về đây nữa sao, biến cố đã xảy ra như thế nào sau bức màn của hậu trường chính trị, của những mưu toan, những tham vọng chót ngất… Chỉ có ba mươi sáu giờ hưu chiến cũng không thể có được sao? Sao nói tới những một tuần? Không thể quên đi súng đạn, giết chóc, tàn sát, chất nổ trong một ít giờ sao? Không thể ngồi yên lặng, bên một ly rượu suông, một chén trà nhạt nghĩ tới những ngày đã qua sao? Không muốn nhớ tới những người đã chết, những người thân yêu xa cách mong chờ sao? Không muốn gợi lại một vài kỷ niệm vui buồn, đắng cay trong đời sao? Người ta đã quên hết, quên hết, như một người con gái đã mất hết, quên cả tiếng người như trong một bài hát của Sơn sao? Tôi không muốn nghĩ như vậy, tôi không muốn tin như vậy. Cuộc chiến này chúng ta đều không mong muốn có phải vậy không các người anh em của tôi, những người đã sinh ra lớn lên trong đất nước này, trong cuộc chiến không nguôi này? Mở cửa ra đứng ngoài con đường ngơ ngác ngó lên những trái hỏa châu chói sáng, lòng nghi hoặc, biết hỏi ai, ai biết, bao nhiêu người đã thức dậy trong đêm đó ở thủ đô nhìn nhau tự hỏi với những giả thiết mơ hồ, trong đêm đó những ai còn say mê bên bàn bạc, còn ngủ trong hơi rượu, còn thiếp đi hạnh phúc trong chiếu chăn nồng ấm của vợ trẻ con thơ… Có điều nhiều người đã nghe thấy tiếng súng nổ tưởng như tiếng pháo của những người nào ngái ngủ thức dậy trong đêm nhìn thấy còn phong pháo trong nhà… Nhưng sự thật thì súng đã nổ, nhưng sự thật thì có những người anh em đã ôm lấy súng vượt những quãng đường xa lạ, lặng lẽ tiến tới những mục tiêu giữa lúc mọi người tưởng như ngày xuân còn dài với những hy vọng… Không bao giờ những người cộng sản muốn chúng ta hy vọng, những cầm cầm súng từ khu trở về muốn chúng ta sống với thực tại: một cuộc chiến không trận tuyến, một cuộc chiến như định mệnh khắc nghiệt ôm khít lấy thân thể và số phận chúng ta… Đó là điều chúng ta không mong muốn, nhưng đó là điều chúng ta phải biết nếu muốn còn được sống, dù sống khổ đau…
*
Tiếng đài phát thanh mất hút trong đêm, tiếng nói ấy nhiều khi là giá trị của thực tại, của một hiện diện, tiếng nói ấy mất đi như bằng cớ của một sự hoang vắng, của sự vô danh. Tôi nghĩ thầm: lại những biến cố nào đây? Buổi sáng ngơ ngác trên những con ngõ còn ngập xác pháo hồng, những thùng rác để ngổn ngang tràn đầy, tiếng nói từ đài phát thanh, lệnh thiết quân luật 24 trên 24 được ban bố, cộng sản quấy phá tại đô thành và nhiều tỉnh, kêu gọi dân chúng bình tĩnh ở lại trong nhà, một vài mẫu tin không rõ ràng: cộng sản tấn công dinh Độc lập qua ngả cổng đường Nguyễn Du, bắn hai phát 57 ly, một xe cam nhông chất nổ, mười tên bị chết tại bộ tư lệnh hải quân, hai tên bị bắt sống, mười bốn tên chết tại đài phát thanh, đài phát thanh hư hại không xử dụng được, tiếng nói nhiều lúc tắt nghẽn, tiếng kêu gọi dân chúng dời khỏi vùng Bà Quẹo trước mười tám giờ, một số người nóng ruột, hiếu kỳ túa ra đường, những tin truyền miệng không rõ ràng: một người làm cảnh sát trong xóm chết tại ngã tư Yên Đổ – Trương Minh Giảng, một người nói người ta chạy từ những Phú Thọ, Bà Quẹo vào Sài Gòn. Một bà nói: họ đông quá trời, họ ùa vào nhà tôi đòi nấu cơm cho ăn, giọng nói nghe không được. Một thanh niên nói: họ đi ngang qua cửa hỏi đường vào khám Chí Hòa phần lớn họ đi chân không, có mang ở tay hoặc ở cổ một miếng vải đỏ… Một người ở Cổng-xe-lửa số 10 chạy xuống nói: giữa đêm có ba người gõ cửa vào nhà, bắt trong nhà ở im, nấu cơm cho ăn… Lệnh cấm đốt pháo được loan truyền, nhưng sau đó một nhà chừng như còn tiếc bánh pháo còn lại mang đốt, tiếng nổ khiến mọi người giật mình chửi lớn… Những lời bàn tán, những dự đoán… Nhưng tất cả đều không biết gì, máy thu thanh tại tất cả mọi nhà đều mở thường trực, tiếng hát có những mấp lại, những tin tức về những vùng đang đánh nhau: trường nữ quân nhân, Ngã tư Xa lộ – Hàng Xanh Việt cộng bị thương chạy ra khu chợ Bến Thành bị bắt, tại khắp các thị trấn đều có cuộc tấn công, đài phát thanh Hà Nội loan báo về sự thừa thắng… Tôi cố gắng phát họa trong đầu về cuộc tấn công với hai mặt chính: một từ phía Quang Trung, Bà Quẹo xâm nhập xuống Ngã tư Bảy Hiền, Phú Thọ: một từ mạn Thủ Đức xâm nhập vào Xa lộ, vào Phú Nhuận, Đa Kao… Tôi cũng chỉ nghĩ tới một số những toán cảm tử, vào để chết, xâm nhập nhân dịp hưu chiến, lợi dụng giới nghiêm được hủy bỏ, chắc họ đã vào từ đêm giao thừa giữa lúc Sài Gòn ngập tiếng pháo… Chúng ta có dự liệu những trường hợp này không, chúng ta có nghĩ tới những người không lúc nào ngủ, lúc nào cũng cầm chắc súng trong tay không?
Buổi sáng tan dần, buổi trưa nắng lên nhàn nhạt, nền trời nhiều mây thấp u ám. Máy bay lượn trên bầu trời, máy thu thanh vẫn những đĩa nhạc cũ chạy rè rè thỉnh thoảng một vài lời nói về tin tức, nhắc nhở, thông điệp thứ hai đầu năm của Tổng thống, buổi trưa trôi qua, buổi chiều âm u thêm, những chiếc máy bay chúc xuống mạn Gò Vấp, Bà Quẹo, những tiếng nổ lớn vang động, đêm xuống, hỏa châu sáng cả một vùng trời, cột khói bốc cao mạn Xa lộ, một vài tiếng nhỏ lẻ tẻ… Đài phát thanh liên tiếp những nguồn tin không rõ ràng, đêm trôi qua nặng nhọc… Những bản tin trên các đài phát thanh nói về những trận đánh ở Nha Trang, Qui Nhơn, Kontum, Đà Nẵng, Huế bị tràn ngập và đang chiến đấy gay go. Tôi nghĩ tới những người bạn mới chia tay nhau hôm ba mươi tết, người bạn hỏi tôi: chúng ta phải làm gì? Tôi nói tôi không bao giờ chấp nhận cộng sản, người bạn đưa cho tôi một lời kêu gọi in ronéo với tiếng Việt và tiếng Anh, đó là lời kêu gọi của các phe tham chiến kéo dài hưu chiến vô hạn định, tiến tới hòa đàm, dưới đó ký tên những giáo sư khoa bảng, một số có những tiếng tăm nào đó, một số đã từng được ưu đãi và thường tự nhận như những phần tử tiến bộ trong giới giáo sư khoa bảng. Người bạn hỏi: nghĩ sao, tôi cười nói ai có việc của người đó, nhưng đừng mặc cảm, tôi lựa chọn sự minh bạch, đừng ai quên bài học liên hiệp trước đây của cha chú mình, tôi không bao giờ tin cộng sản có nhân đạo, họ chỉ có cứu cánh, chỉ có một sự thật, chúng ta có nhiều sự thật, chúng ta yếu trên một phương diện nào đó, yếu vì nắm giữ nhiều sự thật nhưng đó là mối hy vọng để chúng ta thoát ra, sống sót và phục hưng.
*
Sáng mồng ba, những tin tức vẫn mù mờ. Tôi ra đường đi ngược lên phố, mọi con đường vào trung tâm đều bị phong tỏa, hai bên đường cờ treo trong dịp tết vẫn phấp phới, trời âm u không có nắng, những người mang theo bị, va ly đi hớt hải trên đường phố, những chiếc xe nhà binh, binh sĩ cầm súng ngang chạy qua vun vút, những xe cứu thương còi réo hối hả, người ta tụ lại những góc đường, cửa nhà hỏi thăm tin tức. Ông bà ở đâu tới – Dạ trên Phú Nhuận – Tôi ở trên Cây Thị – Nghe nói chúng vào trong bệnh viện Cộng Hòa lấy hết máu, thuốc men và bắt đi những bác sĩ và y tá trực… Gặp một người bạn đi tìm tin tức của vợ chưa cưới, anh nói: nhà phía trong đường Ngô Tùng Châu, Gia Định, bây giờ chỉ có người chạy ra, không ai được vào nghe nói bọn nó kéo vào đó sau khi bị dồn từ khu Tổng tham mưu sang. Có người còn nói chúng đang đào hầm ở trong khu đó nữa, có lẽ chúng tìm đường chạy về phía Gò Vấp cũng như cánh quân ở khu Hàng Xanh, Cầu Sơn đang chạy về phía Thủ Đức. Tôi không biết gia đình cô ấy chạy đi đâu hay vẫn còn mắc kẹt trong đó, đi hỏi thăm những người quen nhưng vẫn không tin tức gì. Trông anh bạn phờ phạc lo âu. Tôi nói sau đây mấy ngày chắc một số người phải chịu tang những người thân, một cái tết người ta sẽ không quên được.
Buổi chiều một ông bạn của cha tôi ghé lại chơi, ông đi chúc tết, ông nói: ở nhà buồn quá không có ai tới chơi, mà mình cũng không dám đi đâu, loanh quanh tôi đi liều, ra ngõ thì gặp một người bị chết ở đó, người ta nói đừng đi nhưng tôi cứ đi, ông mừng tuổi cho mấy đứa nhỏ, ông ăn mặt cẩn thận như ngày tết mà sao trông lạc lõng, đó cũng là hình ảnh tôi gặp ngoài đường, nhiều người vẫn như tiếc rẻ về bộ đồ tết của mình chưa được dùng đến, ông nói vùng Ngã Bảy người ta chạy lên nhiều quá, bọn họ giữ cả một khu lớn từ Ngã Bảy xuống tận Phú Thọ, bọn nó chết đầy trên đường Nguyễn Tri Phương, nhiều nhà bị đốt… Những nhân viên chính phủ không chạy kịp bị bắt và bị giết, chúng dùng từng đoàn trẻ con làm bia đỡ đạn để di chuyển, bởi vậy nhiều đàn bà và trẻ con chết một cách oan uổng… Thằng con tôi đi xuống mạn Nguyễn Văn Thoại về nói trông những xác chết cháy còn lại một chút, những xác chết không toàn thây ở dọc đường… Ngồi nói chuyện một lúc ông nói: bây giờ nghĩ tới đường về tôi thấy lo. Nhà ông ở mãi dưới Phan Thanh Giản.
Mới chiều xuống những con đường đã vắng ngắt, người ta rút vào trong nhà đóng kín cửa. Tôi ngồi im nghe hết đài phát thanh này tới đài phát thanh khác. Trận chiến vẫn tiếp diễn nặng tại nhiều nơi như Huế, Đà Lạt, Bến Tre…
*
Bây giờ Huế ra sao trong cơn lửa đạn này. Tôi nghĩ tới những người bạn, đêm nào Sơn hát một bài còn dở dang, Nhân danh ai anh bắn vào người đồng loại… bài hát viết cho một người đã bị bắn vào bụng, người đó là Ngô Vương Toại, trong buổi Sơn   hát cho các sinh viên nghe tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Bây giờ Sơn ra sao? Căn nhà vườn cây xanh trong Thành nội, vợ chồng Cường, đứa con nhỏ, cô bé Trang ra sao? Quân có còn cơn say không bao giờ dứt, tài thiện xạ của anh có được dùng đến? Những cô gái Huế mái tóc dài, đôi mắt đen lánh quyến rũ sớm mai thức dậy có còn ngồi trước bàn phấn?Bẽ bàng soi sắc gương Tư Mã. Ai điểm trang mà em phấn son… Kha có còn nhớ lời tôi vặn hỏi: tôi mong cho tới khi Kha có một đứa con, đứa con đó một tuổi mà vẫn không thay đổi, khi đó tôi sẽ đợi thêm hai mươi năm để… Những cậu con trai mang mốt Sài Gòn về đi bát trên con đường Trần Hưng Đạo bây giờ làm gì… Những khoang thuyền trống bây giờ chờ đợi ai?… Kha có còn nhớ tôi nói về một bài thơ của Nguyễn Văn Phụng, những hình ảnh không thể quên, những điều phải nhớ như: tình yêu thì bị gậm mòn như đôi guốc mộc, em kéo trên con đường…; và phi lý vô cùng, phi lý không chịu nổi, khi những bạn bè thân tôi vì chủ nghĩa. Nhưng không bao giờ đồng ý hay chịu được những điều khác, quê hương ta thì nghèo, điều đó đúng, nhưng nhất định không bao giờ người dân ngu dốt, người ngoại quốc có thể nhầm để nói như thế, dân ta không ngu, mà dân ta không được học. Nhưng Phụng đã nhận thấy đúng, đúng một cách chua chát khi nghĩ và viết:
Này các anh,khi các anh bàn với tôi về quê hương đất nướcbàn với tôi về vai trò trí thứctôi thấy các anh hút thuốc lá Mỹ khi ăn nhữngchiếc bánh Tàu-chợ-lớn thứ chính cống
Này các anh,khi các anh nói với tôi về chiến tranhbàn với tôi về bổn phậnvà yêu cầu tôi đọc thơ giữa đám đôngtôi thấy các anh mặc veston thắt cravateleo lên một ngôi nhà ba từng làm trường họcđổ thơ ra trên những bánh ngọtđổ thơ ra trên những ly cá phế thủy tinhtôi đã thấy các anh xưng tụng những bài thơ phản                                                                  chiến nhấtvới những đứa con gái đánh phấn và để móng tay dàivới những đứa con gái thích dự bal và yêu nhạc kích                                                                      động (1)
     Mười ba năm xa cách trở lại Huế, tôi thấy thành phố vẫn như xưa, có chăng một vài thay đổi nhỏ trên những khu thương mãi, và tôi nhớ những điều khi xưa viết về Huế. Sao lại chọn đất này để làm vua? Tôi muốn một ông vua nào đó của nhà Nguyễn thức dậy nơi những lăng tẩm nguy nga cổ kính trả lời cho mình: sao lại chọn đất này để làm vua? Vẫn những con đường năm xưa, những ngôi nhà năm xưa, khác chăng nhiều con đường đã được mang tên mới như Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Hiệu, Mai Thúc Loan, Tăng Bạt Hổ, Đoàn Thị Điểm thay cho những Hộ Thành, Âm Hồn, Đông Ba, Mã Khái, Hiền Nhơn… Không còn muốn cho Huế sống với lịch sử của nó sao? Hãy để cho những thị trấn, những làng mạc giữ lại lịch sử của mình, chính lịch sử nó làm nên tinh thần yêu nước. Những danh nhân chẳng bao giờ muốn mình xóa đi những gì mà người dân sống đã quen thuộc với nó… Tôi nghĩ thế. Bây giờ Huế ra sao? Những cành mai vàng, những chậu cúc, thược dược, những bông hải đường vẫn trổ bông đón chào một mùa xuân không đến với người?
*
Buổi sáng, những cơn thiếp ngủ chập chờn trong đêm khiến người mệt mỏi, tôi vòng lên phía Tân Sơn Nhất, đường vắng tanh, chỉ có những binh sĩ vác súng đứng nơi dọc đường hoặc di chuyển, loáng thoáng một vài người qua lại. Những hàng rào kẽm gai giăng ngang đường, gần các cơ sở, bót cảnh sát, nơi những ngõ vào Sài Gòn, nơi những đầu cầu từng đám người tụ lại vì không được qua, nhiều những phát súng chỉ thiên bắn lên khiến những người tụ lại tản ra. Những xe cứu thương, xe tuần tiễu chạy không ngừng. Những lời nói qua lại về những cuộc lùng kiếm, bắn nhau tại vùng Ngã Năm Bình Hòa, Phú Nhuận, Nguyễn Tri Phương, Sư Vạn Hạnh, Chuồng Bò, Ngã Bảy. Buổi trưa những cột khói cao trên bầu trời xám. Mặt trời úa đỏ. Cháy ở Cầu Sơn, Hành Xanh, Ngã Bảy. Những khuôn mặt hốc hác trên đường phố…
*
Đài phát thanh liên tiếp những thông cáo, kêu gọi và những bản nhạc đủ loại lộn xộn. Theo những lời khuyên tôi không trở về nhà, ngủ trên một chiếc bàn. Tin cho thấy trận chiến đã lắng xuống, cộng quân hoặc tìm cách bám sát vào những khu đông dân chúng, luồn sâu vào trung tâm, tìm cách lẩn ra ngoài hoặc đầu hàng, trái sáng thả đầy trên nền trời cùng những chiếc máy bay đủ loại, tiếng súng nổ ngoài Xa Lộ, khu Cầu Sơn, những con phố vắng hoe không một bóng người. Tin Huế vẫn hoàn toàn đen tối: hai bên vẫn đánh, những cánh quân tìm cách bám lấy những cứ điểm then chốt nơi hai đầu những cây cầu, trong khu Thành nội. Những họng súng nào đang hờm ở Tây Lộc, Kim Long, An Cựu, Bến Ngự… Tới Huế trong những ngày cuối năm, Huế không phải nơi tôi muốn dừng chân lâu, tôi muốn đến một vài nơi khác như Quảng Trị, La Vang, Bến Hải… nhưng tôi không tới được những nơi dự định đó, cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở Đồng Hà, Khe Sanh… Dự đám tang ông thân một người bạn cũ, người bạn mắt đỏ hoe, giọng nghẹn ngào: về tới nơi thì ba em đã mê đi rồi, không nói được nữa, như khi tới nơi ông biết, mở mắt nhìn, miệng mấp máy và ôm lấy đầu… chừng như ba em chờ các con trở về… Nhưng chỉ có người con gái có mặt bên người cha khi hấp hối, còn con trai đi lính trình diện nhập ngũ không trở về kịp, cùng những đứa cháu. Cuộc chiến ở nhiều khuôn mặt tĩnh vẻ đau đớn nhiều hơn, một người cha, người mẹ chết không có một người con ở bên vuốt mắt, chúng đang học ở xa, đang chiến đấu ở mặt trận, ở một tiền đồn nào. Người bạn nói về cái chết của một giáo sư có nhiều con, ông chết ngồi trên ghế một mình… Phần mộ nằm trên một sườn núi cao ngó ra phía cửa biển Thuận An, những viên đá xám tím, đám tang đi trên một con đường gập ghềnh bánh xe tăng, trên sườn đồi không lâu còn là chiến trường, một người kêu đám trẻ không đuợc lên cao, trên đó có đồn binh, một trái mìn nào đó còn quanh đây, chiếc quan tài mệt nhọc trên tay những phu đám leo lên theo những con đường mòn nhỏ một cách khó khăn. Chiếc quan tài trong lòng huyệt, những nắm đất ném xuống, giọng hò nện buồn buồn vang lên trong không khí tịch mịch: còn vài ba bữa nữa, sao đã vội ra đi, bỏ lại con thơ vợ dại, sao không ở lại vui cùng các bạn thân quen, bây giờ chia tay đôi ngả, cách biệt nghìn trùng… Những tiếng khóc nghẹn ngào… Sao không vui cho người đã chết, quên đi cuộc sống này, chết yên lành và được nằm xuống một nấm mồ riêng? Bao nhiêu người chết phơi thây trong những khu rừng hoang vu, bao nhiêu người chết tan xác trong lửa đạn… bây giờ chiến tranh đã ở Sài Gòn, Huế, những thị trấn, chiến tranh một cách thực sự, nhưng không có nghĩa trước đó chiến tranh không có mặt ở Huế. Chiến tranh có mặt ở Huế với tiếng súng vọng vào mỗi đêm, là những bao cát chất trên những cỗ ngựa láng bóng trong những gnôi nhà cổ kính, là những thùng dầu hôi cất dấu trong những hóc tối cùng với những gạo Mỹ. Và trên đường phố đông đặc những người lam lũ không sinh trưởng ở Huế và những khuôn mặt bảnh bao làm lạ với Huế, bên đó là những người hành khất chen nhau nơi các quán ăn. Tôi đã rùng mình khi thấy một bàn tay đen bẩn từ phía sau đưa tới cầm lấy miếng thịt chân giò trong tô bún tôi vừa để xuống bàn. Tôi lánh mình ra bên, một đứa nhỏ và một bà già… Chiến tranh vẽ ra trên khuôn mặt Huế những nét đó, những nét xưa kia không có, có thể ngày nay còn nhiều khía cạnh khác…
Nhưng rồi sau biến cố này Huế có thay đổi gì không? Chắc là không trên những con đường, những căn nhà, những nếp sống như lăng tẩm cổ thành, nhưng chắc sẽ có những biến đổi nơi hành động, những bàn tay lật đi lật lại, những đổi trắng thay đen, những giao động, những lựa chọn? phải thế không? Người ta sẽ không sống được như gỗ đá. Chắc Sơn hiểu, điều tôi đã nói: vì sao mình lại viết? dù nhiều khi cũng trông thấy những bất lực ngay trong những hành động. Nhưng không bao giờ tôi chấp nhận một thái độ hư vô, tôi cố gắng trong phạm vi nào mà tôi có thể cố gắng được, cố gắng từ cái nhỏ nhất, trong công việc, trong đời sống, bởi tôi nghĩ những cái không đáng gì (hay rất thiết thân) đó đang là những mầm mống chính nếu như chúng ta còn muốn thoát ra, muốn mưu đồ, gây dựng lại một cái gì, tôi nói với các anh về một cách phục hưng phẩm cách, một làm lại, mà đầu tiên khởi từ trong mỗi chúng ta. Chỉ có thể bắt đầu từ đó…
*
Những tin tức mơ hồ, những lời truyền miệng không rõ ràng khiến tôi lo âu hơn, tôi muốn trở về nhà, hôm nay là mồng bốn tết, công chức vẫn được lệnh ở lại nhà, giờ giới nghiêm vẫn như cũ nhưng người ta vẫn tìm cách ra đường được tới mức có thể đi, những tiếng súng vẫn nổ ở khu Gò Vấp, Gia Định, Hành Xanh, và mạn dưới là Ngã Bảy, Sư Vạn Hạnh, Minh Mạng, Phú Thọ, Phú Lâm…Người ta nói về những toán cộng quân tìm cách chạy theo những toán người tị nạn, trước đó chúng đã xé nhiều sổ gia đình, căn cước của dân chúng, chúng đột nhập nhà thương Nhi Đồng, một vài toán nhỏ xâm nhập khu Bàn Cờ tuyên truyền, với những lời nhắc đi nhắc lại giống nhau khoảng mươi dòng được học thuộc, đó là những cán bộ khoảng mười bốn , mười lăm tuổi gồm cả phụ nữ. Tin về một vài cán bộ tại Bàn Cờ, Cầu Ông Lãnh bị dân chúng bắt sống đánh chết. Buổi trưa nắng đục, những ngọn khói cao phía Ngã Bảy, Gò Vấp khiến nóng ruột lo âu, nhà mình, nhà những người thân có thoát ngọn lửa hung tàn không. Nhiều vùng ngoại ô vẫn hoàn toàn mất liên lạc. Buổi chiều tôi trở về nhà theo đường Đakao, nơi cầu Bông từng đoàn người từ phía Gia Định chạy sang, nơi cửa một tiệm bánh mì người ta bu quanh tranh nhau mua. Một vài cửa tiệm hủ tiếu mở cửa, giá cắt cổ với tô hủ tiếu lỏng bỏng những nước trong veo. Đường Trần Quang Khải bị cô lập nơi bót cảnh sát, trên các cửa rạp chớp bóng vẫn còn những quảng cáo cho các phim đầu năm với những dòng chữ chúc tết. Tôi quay trở lại đường Hiền Vương, rẽ xuống Hai Bà Trưng, Cầu Kiệu bị chận lại, tôi rẽ Yên Đổ, không có lối sang, tôi rẽ Công Lý trở về Trương Minh Giảng, những con đường vắng hoe, những chuyến xe tuần tiễu, xe cứu thương và xe nhặt xác chạy trên những con đường không người, trên lề đường nơi nào cũng còn vương đầy xác pháo hồng, cùng đó những đống rác cao nghệu hôi thối, trước những cửa nhà, bên những đống rác nhiều khóm hoa cúc vàng, thược dược héo rũ. Đó là những tặng vật của ngày tết để lại trên đường phố hoang vu. Thất lạc, chết chóc, nhà cháy, đói… những người từ ngoại ô trở vào hỏi nơi tạm trú và trạm tiếp tế. Một người đàn ông đứng tuổi nói tới cảnh trở về khu nhà mình ở gần Cầu Sơn: thúi quá, cách xa tôi đã thấy thúi, không về được, người vật chết trong những căn nhà đổ, cháy… Một người nói, ở Phú Nhuận dọc theo đường rầy xác chết ngổn ngang, đường rầy bật tung… Một người nói, ở dưới nghĩa trang Đô Thành người ta đào những hố lớn lấp nhiều người xuống bằng xe ủi đất. Xóm tôi ở đêm trước chúng về tuyên truyền dân chúng khua thùng sắt tây, bắn bị thương một tên, chúng rút chạy xuống phía lạch bỏ lại hai chiếc xuồng, nhiều con ngõ được rào bít lại. Nhiều nhà đông nghịt vì những người ở những vùng lửa đạn chạy về tá túc. Những bà nội trợ kiểm điểm lại, gạo, dầu, nước mắm… Trong hơn hai mươi năm trời nay lúc nào người dân Việt cũng sống trong thắc thỏm, lo âu, sửa soạn… những biến cố rồn rập trong một tình cảnh kinh hoàng, nghẹt thở cho nên chừng như ai cũng phòng bị, sống như trong những truyện trinh thám nghẹt thở có lẽ vì vậy những người Việt không còn thích đọc truyện trinh thám nữa vì đã sống hơn cả trinh thám: tình, tiền, máu, nước mắt, đàn bà những cái đó làm thành những chất liệu trinh thám. Ngoài cái đó người Việt còn phải sống với những chất liệu khác nữa: tham vọng, quyền lực, những chất liệu cao độ nghẹt thở, chết chóc… Trong lúc tôi cũng như bao nhiêu người khác với những lo âu chồng chất, nhìn đứa trẻ tha thủi hất chân trong những đống xác pháo tìm kiếm, chắc nó muốn tìm những chiếc pháo xịt, tôi thấy như mình đã mất đi một cái gì, những đứa trẻ ấy rồi đây nó có quên đi được nó đã lớn lên trong một tình cảnh như thế nào không? Và đến khi nó lớn cuộc chiến này đã hết chưa? Tôi mong cho tới lúc nó lớn sẽ còn đi tìm những chiếc pháo như hiện nay thay vì phải chơi với súng đạn, nghe những tiếng nổ chát chúa…
Nước Việt ta rồi đây phải xây dựng như thế nào? Sơn nhắc tôi ở Huế khi về hãy viết về quê hương ngày mai đó: nhà ở, vườn cây, lối đi, y phục trong một nước Việt tương lai phải như thế nào? Một đền thờ Việt Nam phải sao? Có phải chúng ta muốn mang đến một hy vọng trong tình cảnh đen tối hiện tại? có phải chúng ta tự tìm cách an ủi chúng ta không? Còn thực tại thì sao? Đó là điều tôi muốn được hỏi những người anh em. Cho tới khi tôi viết những dòng này vẫn còn những người đang chết, súng vẫn nổ…
K. thân mến, khi tôi viết cho anh những dòng này thì trên tờ lịch ghi ngày mồng mười Tết, chúng ta chia tay vừa đúng 11 ngày, sáng sớm tinh mơ, sương muối lạnh buốt, trời chạn vạng ở Huế chúng đã uống những cà phê sữa trong sân ga chia tay nhau, mới đây mà tưởng như đã xa lắm, có lẽ vì chúng ta cũng như mọi người đã phải sống những giờ phút dài nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, bao nhiêu biến cố đã xảy ra, bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu viên đạn đã nổ thay cho những tiếng pháo đầu xuân, và tôi đang cố hình dung, tự hỏi: Huế bây giờ ra sao, các bạn hữu mình ra sao? Những trận chiến đã diễn ra trên đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, cầu Trường Tiền, cửa Thượng Tứ, Đông Ba… những nơi mà mấy ngày trước chúng ta đã từng đi dạo, từng ngồi uống cà phê nói những chuyện nghiêm trọng và nhiều chuyện tầm phào khác? Trận chiến cũng đã tới con đường Hòa Bình có căn nhà êm ấm của gia đình Cường, lan tới quán cà phê Cô Dung, quán cà phê Mợ Tôn, quán bún bò mà nhiều người biết tiếng dưới hầm nhà xẹc? Những gói thuốc nổ đã làm sập cầu Trường Tiền những nhịp cong trắng soi mình xuống dòng Hương giang, làm gục cầu Bạch Hổ trên đó có con đường sắt xuyên Việt? Tôi cố nhớ, cố hình dung xem với trận chiến đang diễn ra đó đã làm khuôn mặt Huế hôm nay như thế nào nhưng quả thật tôi không thể hình dung ra được. Có điều chắc chắn trong vòng mười ngày qua lửa đạn đã trở lại Huế…
*
K. còn nhớ không, trong những ngày cuối năm ngắn ngủi, ngồi giữa những bạn bè tôi đã nói với anh tất cả những gì tôi nghĩ một cách thiết tha. Tôi cũng xác nhận với K. rằng: tôi không chấp nhận cộng sản, tôi cũng không có một ảo tưởng gì về nó. Tôi phải nói trước như vậy với K. để sau đó chúng ta có thể nói với nhau một cách rõ ràng. Điều này K. cũng xác nhận với tôi. Con người cọng sản cho tới nay đã trở thành một con người lạc hậu, nó không còn là giai đoạn của những Gorki, Lỗ Tấn… của những ngày khởi đầu cách mạng, chúng ta cũng xác nhận kinh nghiệm mà cách mạng vô sản đã mang đến cho chúng ta. Chúng ta bằng năng lực và sáng suốt của tuổi trẻ đã nhìn thấy những khuyết điểm, những tệ trạng ở phần đất và xã hội chúng ta đang sống, chính trong môi trường đó chúng ta tin rằng chúng ta có thể làm được một cái gì. Có thể tôi là một người lạc quan, như K. đã thấy, nhất là khi tôi nói với K.: những người quốc gia ở miền Nam, chúng ta là hy vọng của thế giới này, chúng ta đang phải chịu những thử thách, hy sinh lớn lao nhất, chúng ta kinh nghiệm qua cả con đường hư hỏng , chúng ta, mỗi người đều cầm nắm nhiều sự thật trong tay, chính điều đó khiến chúng ta yếu, nhưng cũng chính điều đó khiến chúng ta giữ được chúng ta không lao vào vực thẳm để sau đó có thể phục hưng, sống lại… những anh em miền Bắc của chúng ta cùng những người cộng sản khác tại miền Nam chỉ có trong tay một sự thật, chỉ nhìn thấy một con đường, bởi vậy lúc này họ khỏe hơn chúng ta, nhưng chính con đường độc nhất đó, sự thật độc nhất đó đang đưa họ tới vực thẳm vì đó là sức khỏe của cuồng tín… Tôi thành thật tin như vậy. Anh đã đọc cho tôi nghe những bài thơ phản chiến, tôi cùng K. đã nghe những bài hát phản chiến, tôi và K. đã cùng đọc những lời kêu gọi của những giáo sư khoa bảng về việc kéo dài hưu chiến vô hạn định… Chúng ta đã nói về cảnh huống dân tộc ta trong cuộc chiến tàn khốc này. Tôi cũng đã nói với K. hãy giữ những ý kiến riêng của mình nếu tin đó là đúng, nhưng không được ngụy biện, không bao giờ đòi người khác phải chấp nhận ý kiến của mình… Những điều đó liên hệ với nhau nói lên một sự thật. Nhưng để được sống chúng ta buộc phải chấp nhận, như K. đã chấp nhận bốn năm hơn trong quân ngũ, chấp nhận cuộc chiến, chiến đấu và phấn đấu trong bao dung, với con tim và khối óc của một người.
*
K. thân mến, cuộc chiến đã không chỉ diễn ra trong những đồng ruộng núi đồi, cuộc chiến đã diễn ra ngay trên những đường phố quen thuộc, sự thật nói lên đây là một cuộc chiến không có trận tuyến, bao nhiêu bế tắc, bao nhiêu mâu thuẫn, bao nhiêu quyền lợi, bao nhiêu tranh chấp đang dồn chứa trên quê hương này. Sức chúng ta có hạn, trong tầm sức có được chúng ta làm việc. Nếu mỗi người chúng ta đều như thế chúng ta sẽ làm thành một sức mạnh lớn. Điều đó chắc K. đồng ý với tôi. Tôi mong mỏi cho tới khi những dòng chữ này đến được với K. cuộc chiến đã đến những giai đoạn khác, K. vẫn không thay đổi, K. vẫn còn là những người sống sót cùng với những bạn hữu khác. Chúng ta phải sống, sống cho tới lúc chúng ta có thể vừa làm việc, vừa có thời giờ nghỉ ngơi dẫn người vợ hiền, đàn con nhỏ đi dạo trên những bến sông và nhìn thấy cuộc chiến này như một dĩ vãng không bao giờ muốn nhắc lại, đó là niềm mong ước của tôi và chắc cũng là miền mong ước của K. và những người Việt khác…
(VĂN số 100 & 101 tháng 2-1968)
(2-68)
(1): Trích 10 năm Giáo Dục Đại Học Huế. Đặc san 1968


Ba
(tháng 4-1975, khi miền Nam bị hấp hối)


Bài thứ ba được sưu tập từ tạp chí THỜI TẬP số 23 THÁNG 4-1975, giai thích về lý do ông không chịu di tản…

DƯƠNG NGHIỄM MẬU

MỘT LỜI


8-4-2016 9-11-49 PM
1- Ngày lên đường ra đi, nơi phi trường, trước khi lên máy bay, người bạn tiễn chân nét mặt ưu tư cho tôi biết: giặc đã vào Ban Mê Thuột, trận đánh còn ở đó … lòng dạ không yên, những tin tức trên màn ảnh nhỏ, trên mặt báo nơi nước ngoài càng làm cho tôi lo âu hơn. Kontum, Pleiku … những nơi tôi đã từng sống.
Lòng cồn cào nghĩ về quê hương, nơi những người thân yêu đang sống. Đoàn người lên đường với khoảng tới trên 200 cây số … tôi lo âu nghĩ, rồi mình có dịp trở về để chết nữa không? Chín ngày đi, đáng lẽ là một chuyến đi đáng ghi nhớ, thì cuối cùng với tôi là những ngày buồn. Ngày trở về, tôi không ngồi yên được, chỉ mong sao đặt chân trở về quê nhà. Lúc phi cơ đáp xuống Tân Sơn Nhất, đặt chân xuống mặt đất tôi chảy nước mắt với bao nôn nao. Ôm lấy con thơ vào lòng, giữ lấy tay vợ, tôi tưởng như mình vừa trải qua một biến động. Tôi thấu hiểu rằng, chẳng bao giờ tôi muốn rời xa quê hương mình, gia đình mình. Nơi đây tôi đã chọn lựa và tôi sẽ chẳng thể đi đâu.
Những bản tin, những trang báo mỗi ngày, mỗi giờ cho tôi thấy những bi thảm và những hào hùng. Hàng trăm ngàn người với đôi bàn tay trắng đã lên đường trong một ý thức chọn lựa. Ở đây, dù xấu xa bẩn thỉu, nhưng nó vẫn còn hơn phải sống dưới chế dộ Cộng Sản. Những bước chân đi tới phía đông, băng rừng, vượt núi, cái chết khít khao đã nói lên khẳng định đó. Nhưng vì đâu mà phải sống trong cơ sự này? lỗi vì ai? ai phải chịu trách nhiệm?
Không phải chỉ có Phước Long, Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum mà bây giờ còn cả Quảng Ngãi, Quảng Tín, Trị Thiên, Bình Long… Người anh từ Huế vào, người còn ngẩn ngơ. Người chị bàng hoàng nói tới đoạn đường vượt Hải Vân vào Đà Nẵng… Những chiếc xe như súc vật, những xác nguời nằm như lá khô, pháo kích không ngừng, những bà mẹ, đứa bé bò trên mặt đường và chiếc bình sữa… Trong cồn cào của thời sự, những sự việc làm tôi chóng mặt. Tôi tự hỏi: có phải đã tới lúc mà mình phải cầm lấy mũi nhọn, phải, chỉ có thế trong chọn lựa một khi cơn lốc đến. Tôi không thể có một chọn lựa đầu hàng để sống như trâu chó. Tôi chỉ thương hai tấm con thơ… Có thể một cơ sự như thế sẽ đến không?
2- Phải làm gì bây giờ? một người hỏi tôi thế, rồi hai người hỏi tôi thế. Bây giờ không phải là để hỏi như thế. Câu hỏi là: từ trước tới nay anh đã làm những gì? Anh có trách nhiệm gì với hiện tại này không?
Với riêng tôi, nhìn lại quá khứ từ 15 năm trở lại đây tôi có thể hài lòng để nghĩ rằng mình đã làm hết, đóng góp hết những gì có thể làm, có thể đóng góp. Lập trường dứt khoát của tôi đã hơn một lần được xác định trên những giòng chữ viết. Ở đó bao hàm một phấn đấu không cùng.
Nhập ngũ, rồi lên đường tới những vùng trận địa, nay nơi này, mai nơi khác kéo dài trong nhiều năm, nhận trách nhiệm.
Tôi đã lên tiếng về những gì tôi thấy, tôi nghe, tôi nghĩ, ở đó là cuộc chiến đấu của những chiến sĩ, là tiếng kêu thất thanh của người dân trong lửa đỏ, là cảnh điêu tàn của quê hương. Hơn ai hết, tôi mong ước một hòa bình trở lại. Bao nhiêu người khác cũng đã làm thế, hoặc hơn thế. Với thực tại này, khi truy nguyên tìm câu trả lời về trách nhiệm, nó không thuộc về tôi nữa. Và hiển nhiên, con đường lựa chọn, tôi tiếp tục. Phải làm gì bây giờ, câu hỏi ấy không còn ý nghĩa với tôi. Và tôi trả câu hỏi lại cho người khác, cho những người khác.
3- Văn chương có thể làm được gì trong tình thế này? Hãy gạt câu hỏi sang một bên. Hãy tưởng tượng tới một cảnh, người cầm bút ra nơi tuyến đầu, bên kia là giặc với những họng súng, rồi ở đó, người cầm bút lên tiếng: hỡi quân giặc, hãy đầu hàng và bỏ súng xuống … Với tiếng hô thật lớn, liệu giặc kia có đầu hàng, bỏ súng xuống hay cút đi không? Hay nói chưa hết câu, người cầm bút đã bị bắn gục? hoặc bằng một cách khác, những thơ truyện được đưa tới mặt trận… Đặt người cầm bút và văn chương vào một cảnh huống như thế là một sai lầm quá lớn. Đặt vấn đề như thế tức là phủ nhận văn chương và sức mạnh của nó. Bắn gục giặc cướp, bắt giặc đầu hàng, đuổi giặc đi xa, đó việc của những chiến sĩ nơi tuyến đầu. Nó không phải việc của người cầm bút, của văn chương. Mà văn chương thiết lập sức mạnh, cho những chiến sĩ, không phải trong một lúc, trong một giờ. Và như thế câu hỏi được đặt ngược trở lại: trong quá khứ, người cầm bút cũng như văn chương của ta đã làm được gì?
4- Cha tôi nói: hồi này thầy không ngủ được. Tôi không biết nói sao. Nhìn lại, trên 60 tuổi, bao nhiêu thăng trầm, những bôn trải từ 1945, để rồi năm 1954 ra đi với bao nhiêu ngậm ngùi. Lên đường, cha tôi vẫn nghĩ tới ngày trở lại, một hai năm nữa. Nhưng rồi không phải là một hai năm, hôm nay đã qua hai mươi năm, đứa em ngày lên đường mới 20 ngày hôm nay đã đến tuổi nhập ngũ… Rồi giặc nó vào tận đây sao? Tôi hiểu những gì cha tôi đang nghĩ, cũng như bao nhiêu người khác đã từng lựa chọn và tin tưởng. Ba mươi năm một cuộc chiến chưa ngừng lại và những tan nát còn không ngừng đổ tới… Năm 1954 gần một triệu người đã ra đi, bây giờ lại thêm một triệu người khác lên tiếng bằng chọn lựa. Có những người trong hai mươi năm đã phải phấn đấu để lập lại đời sống của mình không biết bao nhiêu lần. Tôi chưa thấy có một dân tộc nào lại phải sống trong kinh hoàng như thế. Dù phải chịu đựng, nhưng tất cả một đời sống lúc nào cũng là một phấn đấu. Có dân tộc nào bền bỉ và dũng mãnh như thế. Vậy thì tại sao cả khối dân tộc ta phải sống trong nhục nhằn, đau khổ chừng ấy. Bằng một cách nói tiêu cực: vận nước ta như thế sao? Hay nói với bằng chứng của lịch sử: chúng ta phải trả cái nợ máu của cha ông ta?
Có người đến hỏi tôi: có đi ra ngoại quốc không? Tôi đã trả lời dứt khoát: Tôi sống và chết tại nơi này. Người ấy hỏi: anh chấp nhận sống chung với người Cộng Sản? Tôi nói: tôi không phải là một con chó để nay sống với chủ này, mai sống với chủ khác chỉ vì miếng xương chúng liệng ra. Tôi tin tưởng con đường tôi đi. Có một nơi là lẽ phải và ánh sáng. Có một nơi là lẽ trái và bóng tối. Có trắng và đen không thể nhập nhằng được. Nếu tôi có chết chăng nữa, điều ấy tôi không ân hận. Lịch sử đã chứng minh rằng: nhiều khi cái chết là một điều tốt hơn là sống. Chết đi cho người khác sống, cho lẽ phải và sự thực sống chết như thế cần thiết. Tôi bình tĩnh với quyết tâm đó.
Này những tên bất lương, hãy vơ vét, hãy chạy đi cho mau tiếp tục sống làm đầy tớ cho những tên chủ, và hãy đừng bao giờ ngửng mặt lên, hãy quên đi, đừng bao giờ nhắc đến hai tiếng Việt Nam.
5- Người phi công nói: chuyến bay đã không còn chỗ, nhưng người mẹ đã cố gắng đẩy đứa con lên, rồi người mẹ đứng lại, một tay đưa lên vẫy. Chiếc trực thăng bay lên và tôi nhìn thấy người mẹ quì xuống như cầu nguyện. Đẩy đứa con lên, tôi không quên được hình ảnh ấy. Có một nơi được gọi là hy vọng và cõi sống. Và một nơi là cõi chết. Có phải người mẹ kia đã muốn gửi đi đứa con trong hy vọng không? Khi trở lại, chúng tôi không còn thấy người mẹ đâu nữa. Dù sao tôi cũng còn hy vọng và cầu nguyện cho đứa trẻ kia gặp lại người mẹ thân yêu…
Sống tự do hay là chết. Điều đó được viết bằng xương và máu. Tôi mong ước mọi người cùng tôi góp lời cầu nguyện: cho chúng ta được sống làm người và thoát qua cơn thử thách này. Tương lai tùy nơi chúng ta với niềm tin đã có.#
(Tạp Chí THỜI TẬP 23 THÁNG 4-1975)


Bốn (Sau 1975)


Bài thứ bốn là 2 đoạn ngắn trong một truyện vừa  gồm 22 đọan nhan đề “Về Nhà” được viết sau 1975 giữa lúc chúng ta nghĩ là sẽ vĩnh viễn không bao giờ được đọc văn ông nữa.
Bài này  được trích từ tập truyện ” Lênh đênh qua Cửa Thần Phù” do Văn Mới xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2009.
Liên lạc nhà xuất bản: P.O Box 287 Gardena, CA 90248

DƯƠNG NGHIỄM MẬU
VỀ NHÀ

17.
Con đường đưa lên cổng trại đã hiện ra trước mắt. Người trẻ nhìn người tóc bạc. Người tóc bạc mỉm cười vẻ cam chịu. Một toán người đang từ con đường nhỏ đi lên. Một bà già, một cô gái, hai thanh niên thấp nhỏ, rớt lại phía sau một bé trai gầy ốm, bụng ỏng, da vàng, khuôn mặt già khô, kẻ mang người vác, hẳn đây là những cư dân trong vùng. Người đàn ông tóc bạc lên tiếng hỏi:
– Cụ ơi, chỉ giúp cho cháu đường ra bến sông…
Bà cụ đứng lại lặng im một lúc rồi mới trả lời như cố gắng để hiểu những âm thanh nghe được :
– Đi theo tôi…
Toán người đi trước, hai người đàn ông lặng lẽ theo
sau. Không một lời trao đổi. Tới chỗ ngã ba, bà cụ già ngừng lại chỉ tay về phía trước:
– Đi thẳng đây tới bến sông.
– Cám ơn cụ.
Chưa kịp nghe hết lời cám ơn bà cụ và toán người đã rẽ vào con đường nhỏ phía tay trái, đằng xa, thấp thoáng sau những ngọn cây mấy mái nhà nhỏ. Người trẻ tuổi thốt thành lời: – Về nhà.
Người tóc bạc nhìn sang người bạn đồng hành:
– Về nhà?
– Tôi nói về toán người chúng ta vừa gặp. Họ trở về nhà với con đường quen thuộc. Tôi với anh cùng tìm đường trở về nhưng sự trở về của anh khác với chuyến trở về của tôi: những gì đang đợi?
Tiếng thở dài nghe lạnh buốt. Hai người cất bước mà trước mặt là một con đường thẳng. Người tóc bạc quay lại nhìn quãng đường phía sau:
– Từ đây đi ngược lên là trở lại trại 7. Nếu biết trước mình đi ngay từ đầu có khi đã tới bến sông. Cái cổng trại xa hút thế kia…
Người trẻ như nghe thấy tiếng ai nói trong đầu: đã ra khỏi cổng thì đừng nhìn lại nếu không muốn trở lại đó. Đi và không nhìn lại. Người thanh niên với những bước đi dài hơn, nhanh hơn…
18.
Từ đâu? Câu chuyện bắt đầu từ đâu? Tại sao lại như thế? Tại sao hàng triệu người nối nhau bước chân vào những nơi giam hãm? Tội gì? Mình có tội ư? Tiếng kẻng khua. Những củ sắn. Những đêm tối. Những ngày nắng lửa. Những đêm lạnh cóng run rẩy. Phảng phất những mảng nhỏ sáng tối nhòe nhoẹt. Những vạt màu chàm. Màu trắng nhoa nhuếch. Tiếng giọt nước rơi chậm đều trên tấm tôn han rỉ. Những chuyển đổi không ngừng. Đây là đâu? Vẫn là đất quê hương mình đó chứ? Không lẽ? Không nhìn để khỏi trở lại nơi ấy. Những người nơi khác cũng giống như thế? Những nơi khác. Những tên gọi khác. Trở về. Chuyến đi ngày nào còn ghi khắc…
Tiếng bước chân, tiếng mở khóa, tiếng cửa sắt kêu nghiến, tiếng xích sắt va đập vào nhau. Không khí khô đặc lặng câm. Từng bóng người rời khỏi những khuôn cửa sắt. Từng bước chân thoát nhanh khỏi những hành lang mờ tối. Nền xi măng cứng nham nhở. Những nét mặt như tượng đá. Hình như không có một cử động nào. Hình như hơi thở cũng được giữ lại…
Khoảng sân rộng, ánh sáng ngọn đèn vàng nhòe nhoẹt làm cho những khuôn mặt như giống nhau với chiều ánh sáng, chẳng thể phân biệt ai già, ai trẻ, ai trắng ai đen. Tất cả chỉ có một màu và những độ đậm nhạt khác nhau của ánh sáng…
Một giọng nói khô lạnh cất lên:
– Nguyễn Văn K … Nguyễn Văn X… ra ngoài, mang theo đồ…
Câu nói như ngắn lại. Đám đông lặng câm như bắt đầu cựa quậy. Vài bóng người di chuyển, ít tiếng nói không rõ, rì rào những âm thanh côn trùng. Không nghe thấy một lời trao đổi. Mấy bóng người di chuyển chậm chạp với bị cói trên tay…Tiếng cửa sắt rú buốt, tiếng xích sắt va đập, tiếng khóa…Những bước chân xa dần rồi mất hút. Những con mắt nào nhìn ra cửa theo những gót chân khuất ngoài hành lang. Ở xa, nơi cuối dãy nhà là khoảng sân xi măng. Bao nhiêu mắt đã nhìn và cố gắng ghi nhớ: mấy bóng người đã đi qua, ngoài những K. những X. là những ai đó đã từng gặp chưa hay chưa bao giờ gặp? Một giọng nói rõ, tỉnh táo: Chuyển trại, sắp thêm đợt mới.
Những tiếng động vang lên trên những hành lang trong khoảng thời gian ngắn rồi lặng im trở lại. Nghe như có tìếng một cành khô rơi gãy trên một mái tôn nào. Tất cả như khóa chặt, như vùi sâu, như hàn kín…
Trong khoảng sân xi măng từng người một lặng lẽ tập trung người trước người sau lần lượt xếp thành hàng. Đêm và những ngọn đèn vàng từ trên cao chiếu xuống. Trên mái nhà, trên những ban công những bóng đen với súng chĩa xuổng. Tiếng ho vang lên từ một người tượng nào?
– Nguyễn Văn K.
– Có mặt.
– Tên cha tên mẹ?
– Nguyễn Văn Q. Trần Thị L.
– Lê Văn Đ.
– Có mặt. Cha vô danh. Mẹ Nguyễn Thị B.
– Đặng Đình H.
– Có mặt. Cha vô danh, mẹ vô danh…
Tiếng gọi tên khô lạnh. Những giọng nói khác nhau. Có nhiều Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Tư… Thêm tên cha mẹ như một xác minh. Người ta phát hiện ra trong đám có cả trường hợp hai anh em ruột cùng đang ở đây. Có những người cha vô danh và những bà mẹ vô danh…
Khoảng sân đặc kín người. Có mấy tiếng ho. Có tiếng động như một cái lon sắt rơi xuống mặt sân cứng. Những người mặc đồng phục vây quanh không nghe một tiếng người.
Người đứng trên cao gọi tên với cuốn sổ cầm tay sau cùng đi xuống chỉ tay đếm từng hàng người, rồi những chiếc còng được mang tới, hai người chung một còng. Tiếng sắt, tiếng khóa liên tiếp vang lên. Người cầm cuốn sổ trở lại chỗ cũ, trong yên lặng tiếng nói vang lên rõ từng tiếng:
– Có ai hỏi gì không?
– Thưa cán bộ…
Một giọng nói yếu và hiền vang lên từ phía góc sân. Có một vài cái đầu động đậy như muốn nhìn về phía tiếng nói:
– Cái gì?
Im lặng một lúc, một cơn ho từ đâu đó.
– Tôi chưa có còng.
Người cầm cuốn sổ đi xuống, mấy người mặc đồng phục chụm đầu vào nhau. Trong đám người nghe như có tiếng cười ở chỗ nào đó.
– Yên lặng. Trật tự.
Tôi chưa có còng. Tôi không có còng. Tôi mất còng. Mọi người đều có còng sao mình lại không có còng. Lẻ loi quá, không có tình bầy đàn. Tôi không có còng, tôi không ở trong đám đông này, tôi bị gạt ra, loại ra khỏi đám đông này. Tôi phải có còng. Tôi ở trong đám đông này. Tiềm thức hoang dã bầy đàn? Tôi chưa có còng? Sao thế. Bao nhiêu nhà máy sản xuất súng đạn, bom mìn, xích còng đã được xây dựng? Phải xây thêm bao nhiêu nữa, sản xuất thêm bao nhiêu nữa cho ai cũng có còng? Chưa hay là không nhận ra một cái còng hay nhiều còng đã được đeo lên người, từ chân tới tay, từ đầu tới cổ. Bao nhiêu cái ách đã khoác lên vai như những con trâu con bò đang phải bước đi trên đường bùn lầy lội với cái cày nặng kéo theo. Tôi chưa có còng. Và khi nào: Chúng tôi chưa có còng? Cho tới lúc ai cũng có một cái còng, khi đó còng để làm gì? Một vật trang sức?
Lần lượt từng hai người chung nhau một cái còng kẻ tay trái, người tay phải bước lên xe. Thế là hai con người bổng trở thành cai tù của nhau. Một thằng muốn bỏ chạy ư . Làm sao chạy, cả hai cùng lòng chạy, nhưng kẻ cao người thấp, kẻ chân ngắn, người chân dài? Đâu phải chỉ những cái còng không bao giờ bị rỉ sét? Còn bao nhiêu sợi dây thừng, bao nhiêu sợi dây điện không hư được dùng để trói kẻ này với kẻ khác, thành một dây, thành một chùm.
Từng hai người một chung một còng bước lên rồi cùng ngồi xuống, sát bên nhau. Tất cả lặng lẽ, trật tự. Những cánh cửa sắt trên xe đóng lại. Sát cửa, hai người đồng phục súng cầm tay ngồi ngoài cùng với đôi mắt như không động đậy và da mặt khô cứng. Tấm bạt nhựa kéo lên phủ kín. Kẻ không có còng lặng lẽ và chậm một mình bước lên xe sau chót. Tiếng còi ré lên, đoàn xe nổ máy rời khu trại lao vào đêm tối…
(Gia Định năm 1994)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà ông Trần Văn Truyền là... cái đinh!



FB Le Duc Duc
... Nhưng lâm tặc là ai? Bao nhiêu bài báo, thước phim nói về nạn phá rừng , lên án lâm tặc giết rừng không thua gì…Taliban hay IS giết người nhưng hỡi ôi, cứ coi túp lều lâm tặc đang ở, cái giường vợ lâm tặc đang nằm, cái bàn con lâm tặc ngồi học, cái bát lâm tặc đang ăn, tấm chăn lâm tặc đang đắp…thì biết lâm tặc thực sự là ai !

CÁI NHÀ- CÁI GHẾ- CÁI TỦ -CÁI BÀN… CHẮC KHÔNG BÉ NHƯ CON… VI KHUẨN :-)

- "Nhà ông Trần Văn Truyền là ...cái đinh!"

một chú em đã gào lên với tôi như thế trong điện thoại hồi năm trước , khi thiên hạ mắt chữ O mồm chữ A về dinh thự của ông Tổng thanh tra Trần Văn Truyền.

Chú cứ nhắc đi nhắc lại “ Cái tòa nhà của ông Truyền không là “cái đinh” gì so với biệt phủ quan chức trên Tây Nguyên này anh ơi. Những dinh thự này tường cao hào sâu, trong vườn có đủ cả chuồng nuôi cọp nuôi gấu, nơi công múa , xó dơi bay…nơi thưởng trà, vọng lâu uống rượu, hầm rượu ngàn lít đủ món từ ngâm pín cọp đến sừng tê…

(Ngay ở nhiều tỉnh nghèo Tây Bắc, tôi cũng từng nghe nhiều biệt phủ của quan chức có cả bể bơi và sân tenis ...cho dù dân Tây Bắc nghèo vào hàng đệ nhất xứ mình) 

Sau khi alo tình hình như thế, chú em lại gào tiếp : "Vua ngày xưa chả là cái đinh, ông Truyền chả là cái đinh"

… Thì cũng nghe nói thế chứ chưa mình tận mắt thấy thì cũng không nói gì được.

Mình cũng biết khá nhiều người thường dùng đồ gỗ trong nhà như một thứ xác lập đẳng cấp của nhau. Thấy anh sếp Sở X có bộ ngựa (phản gỗ) mặt liền tấm rộng vài mét thì một anh Y khác sẽ tậu một cặp “độc bình” gỗ thủy tùng to vật vã để cho mày biết , thấy anh A có bộ salon bạc tỷ thì chú B sẽ chơi ngay cái tượng Di Lặc gỗ mun phải dùng cẩu đặt vào vườn…Chuyện như rứa muôn trùng không kể xiết!!!
Hôm thấy chú em Hữu Danh Trương đưa loạt bài dinh thự quan chức trên đó, rồi các bên liên quan nói đi nói lại , chuyện phá rừng ở nước mình đâu chỉ ở Tây Nguyên. Đi qua những heo hút Tây Bắc , tôi đã thấy hầu hết đều trọc lóc núi đồi …

Nhưng lâm tặc là ai? Bao nhiêu bài báo, thước phim nói về nạn phá rừng , lên án lâm tặc giết rừng không thua gì…Taliban hay IS giết người nhưng hỡi ôi, cứ coi túp lều lâm tặc đang ở, cái giường vợ lâm tặc đang nằm, cái bàn con lâm tặc ngồi học, cái bát lâm tặc đang ăn, tấm chăn lâm tặc đang đắp…thì biết lâm tặc thực sự là ai.

Ừ thì cứ như giải trình của các quan chức Tây Nguyên thì họ rất trong sáng, không có chuyện cơ ngơi biệt phủ…Thôi thì “của chìm” các ngài đã cất kỹ, nhưng mà của nổi là cái nhà -cái bàn- cái giường- cái ghế- khu vườn…còn kia, nếu quả thực các ngài trong sáng, không xa hoa gỗ lạt, không khoe của hơn thua bằng bộ bàn cái ghế, thì hãy mời các anh giai vào quay phim đi, quay rõ ràng cái bàn cái ghế cái tủ cái giường rất đơn sơ đạm bạc để chứng minh là các anh chân thành giản dị, học tập tấm gương... không hề sống xa hoa, tách rời quần chúng.

Nếu chứng minh được thế, trình ra chiếu ra cho quảng đại dân chúng thấy rõ nhà cửa tôi như thế như thế, bàn ghế tủ giường như thế như thế, không có lầu vọng nguyệt với hầm rượu tiền tỷ thì tôi dù chân cò tay nhện đi nữa cũng sẽ cố mà vả vào mặt mấy cái thằng em của tôi chuyên đi nói xấu , vu khống cán bộ khoe khoang đồ gỗ, gường tủ xa hoa, cửa nhà rình rang gỗ quý , hehe!

Cây ngay sợ gì chết đứng! Chứng minh phần nổi thoy mà, việc giề phải..sợ?

(Ảnh trong tút : "lối đi" (xin nhắc lại: LỐI ĐI) bên trong ngôi nhà gỗ đơn sơ của một cựu chủ tịch huyện ở Đak Lak- mới chủ tịch huyện mà chơi dư lày thì dân người ta cứ rứa mà suy ra , hehe )
Phần nhận xét hiển thị trên trang