Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Cá chết ắt là thúi - Khó ngửi lâu chỉ lưu lại bài này để chấm dứt!

Bạn không thể đánh thức những kẻ đang giả vờ ngủ
Những cái đầu đang nóng lại thêm nóng khi cuối cùng thì Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp tục khất lần kết luận về nguyên nhân biển chết dù sự việc xảy ra đã 20 ngày. Thật khó có thể hình dung chính quyền Hà Tĩnh, nơi Formosa đặt nhà máy, có thể lựa chọn cá và sinh kế của người dân trong chuyện này. Thay vào đó, họ phải quyết liệt bảo vệ các nhà đầu tư FDI lớn.

Trong hình: Cuộc họp báo dị thường, trong vòng 10 phút đồng hồ của Bộ TN-MT ngày 27/4. Ảnh: Dân Trí.

Có vẻ như ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại của Formosa, đã tâm sự rất đúng về sự lựa chọn hoặc là thép, hoặc là cá.

Nhưng rồi, ông Phàm, người đại diện phát ngôn cho Formosa, đã nhanh chóng bị đuổi việc sau phát ngôn rất thật đó khi ban lãnh đạo Formosa tại Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp báo và cúi đầu xin lỗi.

Trong buổi họp báo đó, lãnh đạo Formosa khẳng định rằng: “Việc có liên quan đến tình trạng cá chết hay không thì các cơ quan chức năng đã và đang điều tra. Chúng ta hãy chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng. Công ty chúng tôi cũng rất mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân cá chết, gỡ bỏ mối nghi ngờ của dư luận”.

Quả bóng lúc này được đá sang cho phía Chính phủ Việt Nam và chính quyền Hà Tĩnh.

Và đúng như lời ông Phàm tâm sự, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã phải lựa chọn “thủy triều đỏ” là nguyên nhân gây ra cá chết hòng lần lữa và né tránh công bố nguyên nhân.

Thật khó có thể hình dung chính quyền Hà Tĩnh, nơi Formosa đặt nhà máy, có thể lựa chọn cá và sinh kế của người dân trong chuyện này. Thay vào đó, họ phải quyết liệt bảo vệ các nhà đầu tư FDI lớn.

Điều đó không liên quan gì đến câu chuyện môi trường kinh doanh tốt nơi chính quyền và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung với nhau, thấu hiểu nhau màngược lại là một sự méo mó trong cạnh tranh.

Cần phải hiểu rằng những đại gia đầu tư nước ngoài luôn được ưu ái, từ thời hạn thuê đất đến thuế thu nhập doanh nghiệp, từ các điều kiện cơ sở hạ tầng, điện nước, nhân lực…

Và các công ty đa quốc gia luôn hiểu được vị thế hùng mạnh của mình và biết cách để chính quyền phải nhượng bộ.

Đấy là điều mà các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là nhỏ và vừa, trong nước nằm mơ cũng không thấy mà chỉ thấy mở mắt ra là hết thanh tra môi trường đến thanh tra thuế dồn dập hỏi thăm.

Chính quyền địa phương buộc phải bảo vệ các nhà đầu tư lớn hàng tỉ đô la Mỹ như Formosa, nếu không thì họ sẽ không đến đầu tư, và địa phương sẽ mất đi một nguồn thu nhập đáng kể.

Như ở Vĩnh Phúc chẳng hạn, với nhà máy Honda hay Toyota, theo lời một chuyên gia, 70% ngân sách của tỉnh này có nguồn thu từ đây. Nhà máy này cũng nuôi sống rất nhiều hộ gia đình và khiến cho kinh tế ở đây phát triển.

Dĩ nhiên, các công ty đó, ngoài các ưu đãi, còn có những đặc quyền riêng. Như Toyota chẳng hạn, dám ra cả điều kiện với Chính phủ đòi hỗ trợ 2 tỷ USD nếu không thì họ sẽ rời bỏ Việt Nam.

Vì thế, cũng không lạ gì khi hầu như các tỉnh thành đang trải thảm chạy đua thu hút nhà đầu tư lớn, với những ưu đãi vượt khung, chưa có tiền lệ trong khi mà các khu công nghiệp, các khu kinh tế mọc như nấm.

Cho nên, cũng thật dễ hiểu là tiếng nói của các nhà đầu tư lớn rất có trọng lượng vì để có được cam kết của nhà đầu tư, chính quyền phải có những cam kết khác.

Vì thế, cũng chính ông Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã khẳng định như đinh đóng cột trên tờ Tuổi Trẻ: “Chúng ta phát triển kinh tế nhưng không bao giờ chấp nhận đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, thì cũng chính ông đã nổi nóng với phóng viên VTV “Em hỏi thế là tổn hại cho đất nước”.

Và cũng chính vì thế cho nên các nghiên cứu chưa thể nào phát hiện ra nguyên nhân độc tố gây ra cá chết có chất nào phù hợp với hơn 40 loại hóa chất mà Formosa nhập khẩu vào để súc rửa đường ống hay không.

Như lời một câu ngạn ngữ của một bộ tộc thổ dân da đỏ ở Mỹ: “Bạn không thể đánh thức một người nếu như người đó đang giả vờ ngủ”.

Trần Hoàng Phi
Theo BSA
http://tiepthithegioi.vn/goc-nhin/ca-phe-sang/ban-khong-danh-thuc-nhung-ke-dang-gia-vo-ngu/
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đất nước tới hồi..bực bội..điên thơ!

ĐẤT NƯỚC MÌNH CHÚNG NÓ QUÁ U MÊ
Đất nước mình lạ lắm phải không?
Thằng Fomosa kia, mày cút ngay khỏi cửa
Đừng xả thải mà giết dần người dân tao nữa
Hãy kệ chúng tao...tự giết lẫn mình...
http://www.haingoaiphiemdam.com/Images/News/DAT-NUOC-MINH-KHONG-NGO-QUA-DAU-EM-635974207620515608.jpg
Đất nước mình lạ lắm phải không?
Ảnh cá chết ở cái hồ xa lắc lơ bên Mỹ
Truyền tay tung lên Phây, rồi uất hận, rồi xót thương rầu rĩ:
Thương lắm cá miền Trung...
Đất nước mình lạ lắm phải không?
Có cái clip dở hơi câu viu bảo cá tèo trong 2 phút
Lại truyền tay nhau tung lên Phây, 
lửa căm hờn trào dâng lên ngùn ngụt:
Thương lắm biển miền Trung...

Đất nước mình lạ lắm phải không?
Nhân dân ai cũng có chuyên môn, cùng điều tra, cùng đồng lòng kết án:
Chết cá miền Trung: chắc chắn thằng Fomasa phải là thủ phạm
Đứa nào mà bảo chưa có bằng chứng gì: chửi chết nó cho ông.

Đất nước mình lạ lắm phải không?
Ai cũng bỗng nhiên yêu môi trường, yêu thiên nhiên đến lạ
Biết đâu chừng, ngoài kia bao xác cá
Nhân dân mình đã cho chúng lên mâm

Đất nước mình lạ lắm phải không?
Thằng Fomosa kia, mày cút ngay khỏi cửa
Đừng xả thải mà giết dần người dân tao nữa
Hãy kệ chúng tao...tự giết lẫn mình...


(Lê Viết Hải)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cách thức ngu xuẩn đã khiến hàng loạt nền văn minh sụp đổ


>> Sông chết, hồ chết và bây giờ là biển chết
>> Bạn không thể đánh thức những kẻ đang giả vờ ngủ
>> "Nỗi đau của những con cá” bị ngưng biểu diễn tại Huế


Theo READ STATION
Liệu lợi nhuận kinh doanh và bảo vệ môi trường có luôn trong thế đối lập nhau? Liệu có thật là chúng phải bắt buộc phải có lựa chọn một mất một còn “Chọn cá hay chọn thép”?

Bắt đầu chương 15 của cuốn ‘Sụp đổ”, Jared Diamond, một trong những trí thức vĩ đại nhất hiện nay, đã đặt ra một vấn nạn “Các ngành kinh doanh cũng lên án các nhà môi trường thường xuyên lờ đi và không quan tâm tới các thực tiễn kinh doanh, không quan tâm tới nguyện vọng của cư dân địa phương và chính phủ các nước về vấn đề việc làm và phát triển, đặt vấn đề bảo vệ chim chóc lên trên bảo vệ con người, và không khen ngợi các ngành kinh doanh….”

Diamond, bằng trí tuệ bác học và tinh thần dấn thân, đã đi xuyên suốt qua nhiều lục địa, đã đọc hàng nghìn tài liệu về các xã hội cổ đại lẫn ngày nay, để khẳng định rằng tổn hại môi trường là nguyên nhân then chốt nhất trong tất cả các sự sụp đổmà các nền văn minh phải hứng chịu.

Liệu lợi nhuận kinh doanh và bảo vệ môi trường có luôn trong thế đối lập nhau? Liệu có thật là chúng phải bắt buộc phải có lựa chọn một mất một còn “Chọn cá hay chọn thép”?

Quan trọng hơn, không có cái gì là sự lựa chọn “cá hay thép”, chỉ có việc chúng ta học lấy những bài học sụp đổ của các nền văn minh xưa để tiếp tục sinh tồn trên “hòn đảo” trái đất biệt lập này.Bởi "Sự tương đồng giữa đảo Phục Sinh và thế giới hiện đại rõ ràng đến rợn người” ông viết. Nếu hàng ngàn người sống trên đảo Phục Sinh với các công cụ chỉ là đá và sức mạnh cơ bắp của mình đã đủ để phá hủy môi trường của họ và do đó phá hủy xã hội của họ, làm thế nào hàng tỷ người với các công cụ kim loại và điện máylại không thể làm tồi tệ hơn?".

Có lẽ hình ảnh về sự hoang phế của đảo Phục Sinh trong cuốn sách sẽ gợi chúng ta đến sự kiện cá chết hàng loạt dọc bờ biển bốn tỉnh miền Trung. Và không bài học nào là cũ.

Tại Đảo Phục sinh thuộc phía Nam Thái Bình Dương của Chile, có những bức tượng đá khổng lồ nổi tiếng thế giới, gọi là Moai, được những người khai hoang Polynesia dựng lên từ khoảng 1000-1100 sau công nguyên. Ở đây có tới “397 tượng đá được tạc đẽo cách điệu hóa hình những thân mình đàn ông không chân, tai dài, đa số có chiều cao từ 4,5 - 6 mét nhưng bức lớn nhất có chiều cao tới 21 mét (cao hơn cả một tòa nhà năm tầng trung bình) và nặng từ 10-270 tấn.”

Khi nhà thám hiểm Jacob Reggeveen đặt chân lên hòn đảo này lần đầu tiên năm 1772, ông viết: "Ban đầu từ xa chúng tôi thấy đảo Phục Sinh như một đảo cát, lý do bởi chúng tôi tin rằng cát đã phủ lên những thảo nguyên, khiến cỏ bị tàn lụi, làm khô héo hay đốt cháy các loài thực vật khác, bởi bề ngoài khô cằn của hòn đảo khiến người ta có ấn tượng rằng đó là một vùng đất đặc biệt cằn cỗi và nghèo nàn".

Tuy nhiên tất cả những gì nhà thám hiểm nhìn thấy được chỉ là vết tích của một xã hội sụp đổ. Nguyên nhân của sự sụp đổ này là gì?Trớ trêu thay, những tương đá khổng lồ làm đảo phục sinh nổi tiếng lại chính là lý do làm nó suy tàn. Để di chuyển và dựng được những bước tượng kì vĩ như thế, các bộ tộc, do tranh đua xem ai dựng được những bức tượng to nhất nhằm chứng tỏ sức mạnh của mình, đã chặt đến những cái cây cuối cùng trên đảo, để có thể dùng chúng làm bàn di chuyển.

Một sự sụp đổ, không phải do núi lửa phun trào, khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh chết người... mà do chính sự ngu xuẩn của con người tạo ra.

Jared Diamond, tác giả cuốn sách nổi tiếng toàn cầu "Súng, vi trùng và thép" đưa ra những lý giải về lý do tại sao một số nền văn minh lại thất bại trong cuốn sách Sụp đổ. Diamond liệt kê 5 yếu tố dẫn đến sự diệt vong của một số xã hội lịch sử, trong đó phải kế đến như Maya cổ xưa và người Yacatan, người dân đảo Phục Sinh, người Anasazi, vùng Lưỡi Liềm Trù Phú, Angor Wat, Đại Zimbabwe ...bao gồm:

(1) Tổn hại môi trường.

(2) Thay đổi khí hậu

(3) Liên hệ giữa xã hội và các lân bang thù địch.

(4) Liên hệ với những láng giềng thân thiện.

(5) Cách đối phó của tập thể về mặt chính trị, kinh tế, xã hội trước những khó khăn xảy ra.

Trong đó, 4 nhân tố đầu có thể quan trọng hoặc không, đối với từng trường hợp nhưng yếu tố thứ 5, cách phản ứng của xã hội tới các vấn đề môi trường, luôn luôn đóng vai trò cực kì then chốt, qua những bằng chứng mạnh mẽ không chỉ trong quá khứ, mà còn ở các xã hội hiện đại. Trong chương gần cuối của cuốn sách dày gần 800 trang này, Jared Diamond đưa ra một số lý giải tại sao một xã hội lại đưa ra những quyết định để tự tiêu diệt chính sự tồn tại của họ?Hay áp dụng cho trường hợp đang nóng hiện nay, tại sao đến khi cá chết hàng loạt người dân Việt Nam mới bắt đầu suy nghĩ đến lựa chọn "Chọn thép hay chọn tôm cá".

Tác giả cho rằng có 4 nguyên nhân lớncủa việc tự sát tập thể này. Đầu tiên, là các xã hội không thể tiên liệu được vấn đề trước khi nó xuất hiện. Có nhiều lý do cho việc này. Thứ nhất, vì họ chưa từng trải qua vấn đề này, nên họ hoàn toàn không có kinh nghiệm.Lấy ví dụ như việc nhập cư cáo và thỏ của người Anh vào nước Úc những năm 1800, 1 trong những minh chứng tiêu biểu của sự tác động từ các sinh viên ngoại lại lên môi trường bản địa. "Lũ cáo đuổi bắt và tiêu diệt nhiều loài động vật có vú bản địa của Australia trước kia chưa từng biết tới loài cáo, trong khi thỏ ngốn rất nhiều loài thực vật lẽ ra dành để chăn nuôi cừu và gia súc, lấn át những loài thú ăn cỏ bản địa và tàn phá đất đai bằng những chiếc hang của chúng."Đây cũng là lý do mà tại sao khi tới Úc, bạn sẽ bị các nhân viên nhập cư hỏi xem mình có theo bất kì giống cây, động vật lạ nào đề phòng chúng trở thành địch hại khi sinh sôi nảy nở ở môi trường bản địa. Nền văn minh vĩ đại Maya ở Copan cũng không tiên liệu được rằng "phá rừng trên những sườn đồi sẽ khiến đất trên những sườn đồi bị xói mòn xuống đáy thung lũng”.

Kể cả nhiều khi tiên liệu được, thảm họa vẫn xảy ra, vì chúng ta có xu hướng lãng quên nhiều điều. Ví dụ như "những năm 1950, thành phố Tucson tại Arizona trải qua một đợt hạn hán khắc nghiệt khiến những công dân của thành phố lo ngại và thề sẽ quản lý nguồn nước của mình tốt hơn, nhưng rồi họ cũng sớm quay trở lại cách sống phung phí nước như xây dựng các sân golf và lấy nước tưới cho những khu vườn." Trong trường hợp cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh, liệu những người có trách nhiệm có tiên liệu được trước nạn cá chết mà "có thể" do những chất cực độc được ra biển của nhà máy gang thép kia không? Hay họ cũng lại “quên” mất những thảm họa sinh thái biển có thể đi kèm khi xây dựng những nhà máy có tác động lớn tới môi trường như Nhà máy luyện gang thép Formosa?

Nguyên nhân lớn thứ hai góp phần tạo ra thất bại của quyết định tập thể là mặc dù vấn đề xuất hiện, mọi người lại không nhận thức được nó.Có 3 tác nhân chính phổ biến mà Diamond vạch ra. Thứ nhất, nguồn gốc của vấn đề rất khó nhận thấy. Ví dụ, việc xác định nguyên nhân các chết ở đại dương rất phức tạp. Đến bây giờ, chúng ta mới chỉ loại bỏ nguyên nhân động đất, tràn dầu, dịch bệnh, môi trường nước gây cá chết hàng loạt, còn theo ông Ông Vũ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, vẫn chưa xác định được tác nhân gây ra cá chết hàng loạt nhưng không loại trừ do độc chất được thải ra từ đất liền. Nếu chưa xác định vấn đề, thì rất khó để giải quyết nó

Tác nhân thứ 2 có thể là những người quản lý sống ở những nơi xa xôi, không sâu sát với thực tế.Lý do mà người dân cao nguyên New Guinea có thể phát triển đến tận bây giờ là bởi tất cả người dân trong thung lũng đều sinh sống trực tiếp tại đây, nên khi có bất gì sự thay đổi nào xảy ra, khả năng cảm nhận vấn đề của họ tốt hơn rất nhiều. Tác nhân thứ 3 và phổ biến nhất là do vấn đề diễn ra rất chậm và tích lũy dần theo thời gian, nên rất khó để nhận biết được khi nào nó thực sự hiện hữu. Ví dụ như trong trường hợp xả thải ra biển bắt đầu từ năm 2015, các hoát chất không tiêu diệt các loài cá ngay tức khắc, mà dần dần tích tụ lại theo năm tháng đến một ngày bùng phát, và “có thể” chúng là nguyên nhân gây ra nạn cá chết hàng loạt hiện nay.

Nguyên nhân lớn thứ ba của sự sụp đổ là dù tiên liệu được, dù nhận thức được, nhưng các xã hội lại không nỗ lực để tìm cách giải quyết vấn đề đó.Việc này xảy ra do sự xung đột lợi ích giữa các bên, nghĩa là hành động này có thể "tốt cho tôi, xấu cho anh và tất cả những người khác", và hậu quả thì cả xã hội phải gánh chịu.

Ví dụ các công dân bang Montana, Mỹ đã phải chịu những hậu quả nặng nề vì chính sách của bang đã tạo động lực để các công ty thu lợi cho mình và quên đi lợi ích của xã hội. Tác giả viết: "Năm 1971, tiểu bang Montana thực tế đã thông qua một đạo luật quy định việc này, nhưng các công ty mỏ phát hiện ra rằng họ có thể khai thác các loại quặng có giá trị và sau đó tuyên bố phá sản thì sẽ không phải trả khoản chi phí làm sạch.Hậu quả là các công dân Montana phải gánh chịu khoản chi phí 500 triệu đô-la làm sạch môi trường và ban lãnh đạo của công ty Khai thác mỏ Mỹ ý thức được rằng pháp luật cho phép họ tiết kiệm tiền cho công ty, và tăng cường lợi ích cá nhân của mình thông qua các khoản tiền lương và thưởng cao, bằng cách gây ra tình trạng hỗn độn rồi để lại gánh nặng cho xã hội giải quyết. "

Biển là một của chung, và mọi người sẽ cố gắng thu nhận nhiều lợi ích cá nhân nhiều nhất có thể từ nó. Bởi vì, nếu họ có không làm, thì vì quyền lợi và nghĩa vụ không được phân chia rõ ràng, người khác sẽ tranh mất để giành tư lợi. Do "cha chung không ai khóc", tất cả đều cố gắng gặt hái hết mức đến khi không còn gì còn xót lại, và kết quả sự sụp đổ cả môi trường sinh thái và kéo theo sự sụp đổ của xã hội sống phụ thuộc vào nó. Đó là thông điệp xuất hiện liên tục trong bản trường thiên lịch sử này.

Có một xung đột lợi ích khác xảy ra là giữa những người có quyền quyết định,trong trường hợp này là các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh với lợi ích của những người còn lại trong xã hội,trong trường hợp này trước hết là ngư dân đánh cá ven biển miền Trung. (Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng đã cấp phép cho Formosa tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt biển (cảng Sơn Dương), thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê. Và ống xả xả thải ra biển của Formosa còn được sự cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam. Bình quân mỗi ngày Công ty FHS xả khoảng 12.000 m3 nước thải qua đường ống này.)

Nhìn lại suốt lịch sử thế giới, Diamond viết "việc hành động hay không hành động của những vị vua, những thủ lĩnh và những chính trị gia ích kỷ, chỉ biết quan tâm tới lợi ích của bản thân thường là nguyên nhân khiến xã hội sụp đổ,trong đó có những vị vua Maya, những thủ lĩnh của người Norse ở Greenland và những chính trị gia Rwanda hiện đại đã được thảo luận trong cuốn sách này. Chính do thèm khát quyền lực nên các thủ lĩnh trên đảo Phục Sinh và các vị vua Maya có những hành động khiến hoạt động phá rừng càng thêm trầm trọng chứ không ngăn chặn nó, bởi địa vị và uy tín của họ phụ thuộc vào việc dựng những bức tượng và những đền đài ngày càng lớn hơn so với các đối thủ của mình.”

Bài học thành công ở những xã hội sống sót là làm sao nhóm thiểu số lãnh đạo không thể tách mình ra khỏi những hậu quả do hành động của họ gây ra.Ví dụ trong trường hợp Hà Lan, hành động quyết liệt của chính phủ trong việc bảo vệ môi trường là "do phần lớn dân chúng, cả những chính trị gia và những thường dân, đều sống trên vùng đất nằm dưới mực nước biển,nơi chỉ có những con đê chắn ngang giữa họ và nguy cơ ngập lụt, nên những quy hoạch đất đai ngớ ngẩn của các chính trị gia có thể cũng gây nguy hiểm cho chính bản thân họ. Ở các tỉnh miền Trung, liệu cá chết thì "bữa ăn" của các nhà lãnh đạo có khác đi chút nào không?

Ngoài ra, tâm lý phủ nhận cũng tồn tại khi mọi người không cố gắng chịu bắt tay vào giải quyết vấn đề mà vẫn cố tranh bua rằng mình không sai.Diamond có kể một ví dụ rất hay như sau: "Hãy xem xét ví dụ về một lưu vực sông nhỏ nằm dưới một con đập cao, nếu con đập đó vỡ, nước lụt sẽ nhấn chìm và cuốn trôi tất cả người dân trong thung lũng xuống vùng hạ lưu xa xôi. Khi các nhà điều tra xã hội hỏi những người sống dưới chân đập rằng họ có lo lắng con đập sẽ vỡ không, thì sẽ là bình thường khi những người sống càng xa đập thì càng ít lo lắng so với những người sống gần đập. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, những người dân sống cách đập tới vài kilômét thì lại sợ vỡ đập nhiều nhất, những người càng sống gần đập, càng ít sợ nguy cơ vỡ đập!Có nghĩa là, những người sống ngay dưới đập, và có nhiều nguy cơ bị nhấn chìm nhất nếu vỡ đập lại tỏ ra chẳng hề lo sợ. Đó chính là hiện tượng tâm lý phủ nhận: cách duy nhất để bảo vệ sự tỉnh táo của con người khi hằng ngày phải nhìn vào đập là phủ nhận khả năng nó có thể bị vỡ. Mặc dù tâm lý phủ nhận là một hiện tượng tâm lý cá nhân rõ ràng nhưng dường như nó cũng áp dụng với tâm lý tập thể."

Ví dụ như trong trường hợp này, sau 11 ngày xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, ông Hoàng Dương Tùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thuộc bộ Tài nguyên Môi trường, mới xuất hiện và phán: “Cá chết là có nguyên nhân, chứ không phải tự nhiên mà chết. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân cá chết trên biển là rất phức tạp… Ở đại dương, cá chết có thể là do sức ép của âm thanh, sóng, động đất…”

Hay như tại "tại Thiên Tân (Trung Quốc) hồi tháng 8/2015, sau thảm họa nổ nhà kho chứa hóa chất khiến 114 người thiệt mạng, người dân phát hiện hàng ngàn con cá chết trắng cả bờ sông Hải Hà chảy qua TP Thiên Tân." Cựu lãnh đạo Trung tâm Giám sát môi trường Thiên Tân, cho biết rằng: "cho biết nước sông Hải Hà không có nồng độ xyanua ở mức độc hại. Ông thay vào đó khẳng định cá chết là do sông… ô nhiễm từ trước đến nay, cộng với nhiệt độ cao mùa hè khiến mức ôxy giảm mạnh."

Thật khó để nhận lỗi khi mình sẽ phải là người chịu trách nhiệm chính thức!

Nguyên nhân lớn thứ 4 của sự thất bại về chuyện các xã hội tự đào hố chôn mình do là họ đã cố gắng giải quyết, nhưng lại không thành công.Rừng đã chặt hết, đất đã bạc màu, đê đỡ vỡ, nước đã nhiễm độc quá nặng, cá đã chết hàng loạt, mọi vấn đề đã nằm ngoài khả năng giải quyết, và xã hội chỉ chờ đến ngày sụp đổ.

Điển hình như trường hợp ở Nhật Bản với cơn ác mộng mang tên "hội chứng Minamata." Bất chấp những cảnh báo từ người dân và các nhà bảo vệ môi trường, chính phủ đã để mặc "nhà máy sản xuất acetaldehyde của Tập đoàn Chisso tại thị trấn này đã đổ thải trái phép gần 27 tấn chất metyl thủy ngân không qua xử lý vào vịnh Minamata. Lượng hóa chất khổng lồ này đã tích tụ trong sò và cá của vùng vịnh, đầu độc người dân Nhật Bản. Năm 2001, có khoảng 1.700 trong số 2.200 người bị chết vì bị ảnh hưởng bởi độc chất từ nhà máy hóa chất ở miền Nam Nhật Bản, là do bị ngộ độc vì ăn cá ở địa phương. Sau hơn 50 năm dai dẳng, tòa án Nhật Bản vẫn còn đang phải thụ lý nhiều vụ kiện bồi thường liên quan đến bệnh Minamata, theo Japan Times."

Tựu chung, Diamond đã xác định ra bốn lý do chính mà xã hội có thể đưa ra những quyết định tại hại.

Thứ nhất, họ không tiên liệu trước được vấn đề.

Thứ hai, đến khi vấn đề xuất hiện, họ cũng không biết.

Thứ ba, đến khi biết được vấn đề, họ cũng không cố gắng giải quyết vì mâu thuẫn lợi ích.

Và thứ tư, khi mọi chuyện đã quá muộn, họ muốn cũng không thể hoặc việc giải quyết sẽ quá tốn kém.

Kết thúc chương 14 của cuốn sách Sụp đổ, Diamond vẫn đặt hi vọng vào những nhà lãnh đạo tài ba,bên cạnh những nhà lãnh đạo ấu trĩ đã đưa xã hội của mình đến sụp đổ.

Ông viết: "Những lãnh đạo như vậy thường phải đối mặt với những lời chỉ trích hay nhạo báng bởi họ hành động trước khi mọi người nhận thấy sự cần thiết của những hành động đó.Nhưng cũng còn nhiều nhà lãnh đạo can đảm, sáng suốt và mạnh mẽ như vậy xứng đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Họ là những tướng quân của Tokugawađã chặn đứng tình trạng phá rừng từ rất lâu trước khi chúng trở thành thảm họa như đảo Phục Sinh; Joaquín Balaguer, (cho dù vì bất kỳ động cơ nào) đã ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp bảo vệ môi trường ở phía đông bán đảo Hispaniola, phần cộng hòa Dominica, trong khi những đồng nhiệm ở phía tây Haiti không làm được như vậy; những thủ lĩnh người Tikopiachịu trách nhiệm trước quyết định diệt trừ loài lợn gây hại cho môi trường trên đảo, mặc dù lợn là loài vật được yêu quý tại Melenesia; và giới lãnh đạo Trung Quốc áp dụng chính sách kế hoạch gia đình trước khi dân số Trung Quốc trở nên quá đông và có thể trở thành thảm họa dân số như ở Rwanda. Những nhà lãnh đạo đáng khâm phục đó còn bao gồm Thủ tướng Đức Konrad Adenauervà những lãnh đạo Tây âu khác quyết định hy sinh lợi ích của đất nước để thống nhất châu âu thành một Cộng đồng Kinh tế châu âu, với mục tiêu chính là giảm khả năng gây ra những cuộc chiến tranh khác ở châu Âu. "

Từ những bài học đó, với Việt Nam, giải pháp khả dĩ nhất, có lẽ như Diamond nói về các xã hội cổ xưa: “người lãnh đạo phải dũng cảm nhận biết được đâu là vấn đề đang phát sinh hay chỉ là một vấn đề tiềm tàng, và áp dụng những biện pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn đề trước khi nó trở thành một cuộc khủng hoảng dễ bùng nổ."

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trao đổi lại với cô giáo văn Trần Thị Lam, trường PTTH chuyên Hà Tĩnh


Bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo văn Trần Thị Lam, trường PTTH chuyên Hà Tĩnh rất hay, làm gì có "hiệu ứng xấu". Trong xã hội mạng, bài thơ được đánh giá cao, đã được phổ nhạc. Nhưng có ai đó đã động lòng "nhắc nhở"!
Ý thơ rất hay, đã nhắc tôi nhớ đến cái buồn rất dung dị và rất khó quên của Onga Becgon- nữ thi sĩ Nga (tác giả của bài thơ nổi tiếng “Mùa lá rụng”).
Đằng sau những cái "ngộ", "lạ", "buồn", "thương" trong bài thơ là cả một tình yêu đất nước chân thành của một cô giáo trẻ dám nhìn vào sự thật.
Tôi làm khoa học, không biết viết văn, chẳng biết làm thơ, nhưng tôi thấy bài thơ này của cô giáo Trần Thị Lam xứng đáng để đọc hơn nhiều tác phẩm văn học được giải thưởng.
Nên đưa vào sách giáo khoa bài thơ này để giáo dục các cháu học sinh biết chịu đựng gian khổ để trả nợ cho cha ông, để đừng mơ tới "rừng vàng, biển bạc", để đừng hoang tưởng về cái bánh chưng "to nhất thế giới", để đừng tự hào về ngôi trường mang tên "Lê Văn Tám", và, để đừng đưa về quê mình những dự án như Formosa.
Với thói quen phản biện, đọc bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam, tôi muốn “đóng thế” Becxonop- nhà thơ Nga (tác giả giả tưởng của bài thơ nổi tiếng “Chuyện tình mười năm trước”), cố đáp lại như sau:
ĐẤT NƯỚC MÌNH “NGỘ” THẾ ĐÓ EM ƠI!
(Trao đổi lại với cô giáo văn Trần Thị Lam, trường PTTH chuyên Hà Tĩnh)
Bài thơ em có “hiệu ứng” gì đâu
Mà người ta đã động lòng “nhắc nhở”,
Nỗi buồn của em- nỗi buồn một thuở
Đất nước mình “ngộ” thế đó em ơi!
Xưa máu ông cha đã đổ khắp nơi
Nay ai cần, những tượng đài nghìn tỷ
Chiếm đất, hại dân, nói lời hoa mỹ
Đất nước mình “lạ” thế đó em ơi!
Phải gánh trên lưng món nợ muôn đời
Khi đâu còn những “rừng vàng, biển bạc”
Nô lệ, đói nghèo có chi đâu khác
Đất nước mình “buồn” thế đó em ơi!
Con thuyền kia có nhớ sóng ra khơi
Vươn đảo xa, hay bên bờ cá chết
Cứ nằm im, vì niềm tin đã hết
Đất nước mình “thương” thế đó em ơi!
Bốn mốt năm ta lại tới một thời
Làm kẻ ăn xin giữa đời trơ trọi
Mà sao trong thơ, nay em còn hỏi
Ai vẫn đứng đây, “kiên định” với trời!
TS. Nguyễn Thành Sơn
Hà Nội, 30.4.2016
Nhờ bạn nào có địa chỉ của cô giáo Trần Thị Lam chuyển giúp, phổ nhạc được thì càng tốt.
Xin cám ơn.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Huế: Công an 'vào tác phẩm trình diễn’


image
Một nghệ sĩ thuộc nhóm Viet Art Space nói về buổi trình diễn nghệ thuật đường phố về chủ đề môi trường bị công an tạm dừng giữa chừng tại bờ nam cầu Tràng Tiền, TP. Huế sáng 29/4.

image
Ý tưởng "Nỗi đau của những con cá” đã được các nghệ sĩ Lê Nguyên Mạnh, Maxime Lacino (người Pháp), Lý Trực Sơn, Nguyễn Văn Hè, Phạm Chí Líp, Trần Nhật, Philip Pham chuyển tải trong màn trình diễn.

image
Trên fanpage, Viet Art Space tự giới thiệu “là một tổ chức nghệ thuật uy tín, hỗ trợ các nghệ sĩ phát triển các công việc sáng tạo”.

“Qua các hoạt động mang tính xã hội và phi lợi nhuận, Viet Art Space là ủng hộ cho cộng đồng nghệ sĩ, tạo ra một diễn đàn hữu hiệu và bền vững nhằm phổ biến hiệu quả các sáng tạo và các đàm luận liên quan đến nghệ thuật, khuyến khích sự nỗ lực của các nghệ sĩ, thúc đẩy và trao đổi nghệ thuật Việt Nam với thế giới”.

image
Từ trái qua phải: Ông Trịnh Đình Minh – Marketing Manager PYS Travel, ông Vũ Tuấn Anh – Giám Đốc Truyền Thông Trung tâm Nghệ thuật Viet Art Space.

Lúc 14:00 hôm 29/4, ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc truyền thông Viet Art Space nhưng ông bảo không tiện trả lời do “đang phải làm việc với công an phường Phú Nhuận, Thành phố Huế, về buổi trình diễn”.

Tương tác

image
Sau đó, qua điện thoại, nghệ sĩ Lê Nguyên Mạnh nói: “Đây là lần đầu tiên tôi có màn trình diễn nghệ thuật đường phố, chương trình mang tính ngẫu hứng, trong chuỗi hoạt động của nghệ sĩ ba miền đến tham dự Festival Huế nên chưa kịp xin phép cơ quan chức năng”.

image

“Buổi trình diễn được khoảng 30 phút thì công an xuất hiện, yêu cầu dừng lại. Tôi nghĩ việc công an tham gia tương tác với tác phẩm nghệ thuật cũng là điều tốt và buổi diễn sáng nay đã được công chúng Huế đón nhận nhiệt tình”.

image
Nghệ sĩ Lê Nguyên Mạnh cho hay là chưa thể công bố clip buổi trình diễn nghệ thuật do công an đang tạm giữ máy quay

Ông Mạnh cho hay: “Tất nhiên nếu xin phép được thì tốt hơn, vì nghệ sĩ cũng phải làm theo quy định pháp luật. Nhưng tôi cũng không chắc là nếu xin phép thì có được duyệt”.

image
“Với tôi, điều quan trọng của một buổi trình diễn nghệ thuật đường phố là cảm xúc đem lại cho công chúng và ngẫu hứng của nghệ sĩ, chứ không nhất thiết chủ đề phải liên quan đến chính trị”, ông Mạnh nói thêm.

Ông cũng nói: “Tôi cũng như các nghệ sĩ khác trong nhóm làm nghệ thuật từ trái tim. Nếu chính quyền ban hành lệnh cấm chúng tôi biểu diễn sau vụ này thì rất chán!”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Ashton Carter ủng hộ dỡ bỏ các hạn chế bán vũ khí cho Việt Nam


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter - Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 28/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết ông sẽ ủng hộ việc dỡ bỏ những hạn chế bán vũ khí cho Việt Nam.

Đây được coi là tín hiệu mới nhất về các mối quan hệ đang tan băng giữa Việt Nam và Mỹ, trong bối cảnh hai nước có mối quan tâm chung đó là sự tăng cường quân sự của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện John McCain rằng ông có ủng hộ việc Washington dỡ bỏ hạn chế vũ khí đối với Việt Nam hay không, Bộ trưởng Carter nêu rõ: “Tôi đã thảo luận vấn đề này trước đây và tôi đánh giá cao vai trò của ngài. Vâng, tôi ủng hộ”.

Ông Carter không cung cấp chi tiết, song tuyên bố này được đưa ra trước khi Tổng thống Barack Obama có chuyến thăm theo kế hoạch tới Việt Nam vào cuối tháng 5.

Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương bán cho Việt Nam hồi tháng 10/2014, gần 40 năm sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam tuần tra và phòng thủ tại biển Đông trong bối cảnh những thách thức hàng hải của Trung Quốc ở khu vực này ngày càng tăng.

Giới chức Mỹ cho biết các thương vụ bán vũ khí trong tương lai có thể bao gồm các hệ thống vận tải đường không.

Theo Vietnam+

Quyền lực (Power)

power

Tác giả: Lục Minh Tuấn
Quyền lực là phương tiện để bảo đảm sự an ninh và tồn tại, thực hiện lợi ích và là mục tiêu mà mọi quốc gia tìm kiếm. Quyền lực theo đó thể hiện qua khả năng của một quốc gia trong việc thực hiện một hành động nào đó. Mặc dù đối với chủ nghĩa hiện thực, quyền lực là khái niệm cốt lõi, nhưng những học giả theo trường phái này vẫn không thống nhất được với nhau cách hiểu về quyền lực. Điều này còn tuỳ thuộc vào việc nhìn nhận khái niệm quyền lực là một khái niệm mang tính tĩnh hay động.
Đối với những người cho rằng quyền lực mang tính tĩnh, họ hiểu quyền lực là sự tổng hoà của tất cả các nguồn lực về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ cùng nhiều yếu tố tĩnh khác của một quốc gia như tài nguyên, lãnh thổ…, từ đó cho phép một quốc gia có khả năng thực hiện một hành động nào đó. Quan niệm này dẫn đến cách hiểu về quyền lực tuyệt đối của một quốc gia. Đối với những người quan niệm quyền lực có tính động, họ đặt quyền lực của một quốc gia trong tương quan với các quốc gia khác. Qua đó, quyền lực của một chủ thể được đánh giá bằng cách đặt khả năng của chủ thể đó trong quan hệ với các khả năng của các chủ thể khác, và quyền lực từ đó có tính tương đối.
Trong quan hệ quốc tế, khi chủ thể chính là các quốc gia thì quyền lực đương nhiên được hiểu là quyền lực của quốc gia. Chính vì vậy quyền lực là khả năng của quốc gia đó trong việc gây ảnh hưởng lên hành vi của quốc gia khác phù hợp với mục đích của mình.Quan điểm này đã kết hợp được tính chất động và tĩnh của quyền lực. Đồng thời, quan điểm này cũng cho thấy việc đo lường quyền lực góp phần quan trọng vào việc giải thích và dự đoán hành vi của một quốc gia trong quan hệ với các quốc gia khác.
Các thành t quyn lc ca mt quc gia
Nhiều học giả cho rằng quyền lực của một quốc gia được nhìn nhận phụ thuộc vào các yếu tố: địa lý, dân số, kinh tế, khoa học công nghệ, quân sự và các yếu tố tinh thần. Đây cũng là những thành tố cơ bản nhất quyết định sức mạnh của một quốc gia, đồng thời cũng là thước đo hiệu quả khả năng ảnh hưởng của quốc gia đó.
Đầu tiên phải kể đến yếu tố địa lý. Đây là một thành tố lâu đời và tồn tại gắn bó nhất của quyền lực, bao gồm vị trí địa lý, diện tích đất đai, địa hình và khí hậu. Đây là những yếu tố cấu thành có ảnh hưởng tương hỗ đến quyền lực của quốc gia. Một quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi như gần cảng biển, nằm trên những con đường thương mại sầm uất, có diện tích vừa phải, địa hình đồng bằng và khí hậu ôn hoà chắc chắn sẽ có nhiều điều kiện để phát triển, tăng cường quyền lực; nhưng đồng thời sẽ trở thành mục tiêu thâu tóm của nhiều quốc gia khác, như Trung Quốc là một điển hình. Trái lại, một vùng đất có vị trí xa xôi, diện tích rộng nhưng địa hình đồi núi gập ghềnh, khí hậu khắc nghiệt như xứ Gaul ở Châu Âu thời kỳ cổ đại sẽ gặp khó khăn trong việc hình thành một nhà nước có nền kinh tế phát triển, nhưng lại có lợi thế về việc phòng thủ chống quân thù.
Thứ hai là yếu tố dân số. Dân số mang tính chi phối đối với nhiều khả năng của một quốc gia như khả năng sản xuất, xây dựng, quốc phòng… Trong thời chiến, dân số cần thiết cho việc xây dựng lực lượng quân đội của quốc gia. Nước Pháp năm 1815 nhờ có dân số đông đảo nên đã quy tụ được một đội quân khổng lồ gần 2 triệu người, nhờ vậy đã nhanh chóng đáp trả lại sức tấn công mạnh mẽ của liên minh chống Pháp trên khắp Châu Âu. Trong thời bình, dân số cần thiết cho mọi ngành nghề từ công nông nghiệp, đến thương nghiệp. Tuy nhiên, một quốc gia đông dân không hẳn là một quốc gia hùng mạnh, mà điều này tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Hà Lan là một quốc gia có số dân trung bình ở Châu Âu, nhưng nhờ tài đi biển và khả năng kinh doanh, người dân Hà Lan đã biến quốc gia này trở thành một cường quốc hàng hải của khu vực trong thế kỷ 16.
Thứ ba là yếu tố kinh tế. Kinh tế là một trong những thành tố cơ bản của quyền lực, là công cụ để thực hiện quyền lực trong quan hệ quốc tế. Một quốc gia có nền kinh tế phát triển sẽ có khả năng chi phối các quốc gia khác bằng đồng tiền của mình. Đây là điều mà nước Anh thời cận đại đã thực hiện để xây dựng ở Châu Âu những đồng minh có thể bảo vệ quyền lợi trên lục địa của quốc gia này. Yếu tố kinh tế vì thế càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế, khi các quốc gia tăng cường cạnh tranh bằng sức mạnh kinh tế thay vì thông qua chiến tranh. Những quốc gia có sự phát triển về công thương nghiệp ngày càng nắm giữ nhiều quyền lực trong tay. Thời kỳ cận đại ở Châu Âu với những phát triển về thương mại hàng hải đã lần lượt xuất hiện các cường quốc như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Thụy Điển và Anh. Những cường quốc lục địa như Pháp, Phổ, Áo với sự thua kém về phát triển kinh tế thương nghiệp đã không thể cạnh tranh với sự lớn mạnh của các cường quốc hàng hải.
Thứ tư là khoa học công nghệ. Đây cũng là một trong những yếu tố cơ bản của quyền lực, giúp tạo ra sự vượt trội một cách nhanh chóng trong tương quan về quyền lực giữa các quốc gia. Việc tận dụng được những yếu tố tiến bộ về khoa học công nghệ sẽ khiến cho một quốc gia chiến thắng sự cạnh tranh của các quốc gia khác. Chiến thắng của Hà Lan đối với Tây Ban Nha, và sau này là chiến thắng của Anh đối với Hà Lan là bằng chứng điển hình của ưu thế từ việc tận dụng được các yếu tố khoa học công nghệ. Các quốc gia như Nga và Áo, do kiềm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ, nên phải chịu sự suy yếu trong một thời gian dài. Nhật Bản và các nước Tây Âu cũng đã tận dụng rất tốt những thành quả của việc phát triển khoa học công nghệ để vượt lên trở thành hai trong ba trung tâm kinh tế – tài chính lớn nhất thế giới, ngang hàng với Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Thứ năm là yếu tố về sức mạnh quân sự. Một đội quân hùng mạnh cũng chính là thành tố cơ bản tạo nên và tăng cường quyền lực của một quốc gia. Đây không chỉ là đòn bẩy để cấu thành quyền lực, mà còn là phương tiện để duy trì và đạt đến một quyền lực cao hơn. Một quốc gia có sự phát triển về kinh tế, nhưng không có một quân đội hùng mạnh, sớm muộn sẽ trở thành mục tiêu thôn tính của các đội quân xâm lược hùng hậu. Trường hợp của Saxony ở Châu Âu cận đại là minh chứng cho điều đó, khi những vùng này có tiềm năng phát triển công nghiệp, nhưng với một đội quân yếu kém đã sớm đưa Saxony trở thành vùng đất bị các nước lớn xâu xé. Trong khi với trường hợp của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai thì ngược lại. Với một lãnh thổ rộng lớn và mật độ dân cư thưa thớt, nếu không nhờ vào sự tinh nhuệ và tinh thần chiến đấu quả cảm của lực lượng Hồng quân thì Liên Xô sẽ đã nhanh chóng trở thành vùng chiếm đóng của quân đội Đức.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là các yếu tố tinh thần, ở đây bao gồm các yếu tố tư tưởng, uy tín, văn hoá, truyền thống, khả năng lãnh đạo và công luận. Đây là những yếu tố trừu tượng, không có khả năng đo lường, nhưng có tác động mạnh mẽ đến quyền lực của một quốc gia. Đối với các quốc gia Châu Âu thế kỷ 18, yếu tố về khả năng lãnh đạo đóng vai trò tối quan trọng đối với việc vận hành một quốc gia. Đây là thế kỷ mà chính sách đối nội lẫn đối ngoại của các nước đều in đậm dấu ấn của những nhân vật lãnh đạo. Một nước Nga trong thế kỷ 18 suy yếu, lạc hậu, nhưng nhờ sự dẫn dắt của Peter Đại Đế đã tiến hành cải cách, chuyển mình thành một cường quốc hùng mạnh. Một nước Phổ chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, với sự lãnh đạo của Hoàng đế Frederick đệ Nhị, cũng nhanh chóng phục hồi và trở nên giàu có.
Các dạng quyền lực
Những thành tố trên cấu thành “quyền lực cứng” của một quốc gia. Ngày nay, người ta ngày càng nói nhiều về vai trò của quyền lực mềm, vốn được Joseph Nye, cha đẻ của khái niệm này, định nghĩa “là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ”. Theo Nye, sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hoá, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu như Susan Strange cũng phân quyền lực ra làm hai dạng: quyền lực quan hệ và quyền lực cấu trúc. Quyền lực quan hệ là khả năng của một chủ thể buộc chủ thể khác phải làm hoặc không được làm một điều gì đó. Trong khi đó, quyền lực cấu trúc là khả năng hình thành và quyết định cấu trúc của nền kinh tế chính trị toàn cầu cùng các quy tắc mà theo đó các quốc gia và các tổ chức quốc tế vận hành.
Quyền lực cấu trúc ít trực tiếp hơn quyền lực quan hệ, nhưng có hiệu lực hơn trong một vài tình huống. Nhiều học giả cho rằng dù Mỹ không có lợi thế nổi trội về quyền lực quan hệ trong thế giới ngày nay như trong những năm đầu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhưng Mỹ vẫn là quốc gia lãnh đạo trong số các quốc gia dân chủ công nghiệp và nắm trong thay rất nhiều quyền lực cấu trúc. Ví dụ, trong tương quan quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, mặc dù cả hai nước đều có quyền lực quan hệ khá lớn dưới dạng “cây gậy” để trừng phạt và “củ cà rốt” để khen thưởng, nhưng Mỹ có lợi thế hơn về quyền lực cấu trúc trong cuộc mặc cả với Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ có ưu thế hơn trong việc gây ảnh hưởng tới vị thế của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế thông qua việc sử dụng ảnh hưởng của mình ở các tổ chức quốc tế quan trọng như WTO, WB, IMF. Chính vì vậy có thể nói quyền lực cấu trúc có thể bổ sung hoặc thay thế cho quyền lực quan hệ. Trong những cuộc mặc cả giữa hai siêu cường, quyền lực cấu trúc sẽ có hiệu lực hơn quyền lực quan hệ do quyền lực cấu trúc ít có khả năng gây đối đầu và dẫn tới sự trả đũa lẫn nhau hơn so với quyền lực quan hệ.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/04/30/quyen-luc-power/#sthash.ogmpt4Qg.dpuf
Phần nhận xét hiển thị trên trang