Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Nói và Làm

Hồi nửa cuối những năm 1980, sau khi ông Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng bí thư thay ông Trường Chinh, trên báo Nhân Dân bỗng xuất hiện mục mới Những việc cần làm ngay. Tôi còn nhớ, ở trang nhất tờ báo, mục này nằm góc dưới phải, bài thường rất ngắn, có bài chỉ hơn trăm chữ thọt lỏn trên ô đóng khung bằng bàn tay, cũng có bài dài hơn chút ít thì được leo vào trang trong, nói chung là ngắn.

Cuối bài viết, tên tác giả viết tắt là N.V.L. Sau này thì ai cũng biết đó là ông Nguyễn Văn Linh, hồi ấy dư luận cũng tập trung vào ông Linh, nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn. Chỉ đồn đoán, bàn tán, rồi chế thêm, chẳng hạn ông “Nói Và Làm” viết thế này, ông “En nờ vê e lờ” viết thế kia. Tự dưng ông Linh có thêm bí danh mới là “Nói Và Làm”, “En nờ vê e lờ”.


Ông Hữu Thọ sinh thời có kể lại trong một bài viết về ông Linh: “Lúc đó tôi công tác ở báo Nhân Dân. Tối 24 tháng 5 năm 1987 là phiên tôi trực ban biên tập. Vào khoảng 17 giờ 30, khi mọi người đã về, tòa soạn chỉ còn tôi và ban thư ký trực hôm đó thì đồng chí thường trực ở cổng 71 Hàng Trống đưa vào một phong thư nói là của một người đứng tuổi đi xe ô tô Lada màu sữa gửi ban biên tập. Tuy không đóng dấu hỏa tốc nhưng do phong bì của Văn phòng Trung ương nên tôi mở ngay. Trong phong bì có thư và một bài báo viết tay. Bức thư thì ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ là gửi bài báo, nếu ban biên tập thấy được thì đăng. Còn bài báo có đầu đề "Những việc cần làm ngay", ký tên NVL”.


Những điều ông Linh viết ra cách nay mấy chục năm nếu so với bây giờ chả là cái đinh gì, nhưng hồi ấy chẳng khác quả bom nổ tung trên bàn dư luận. Ông đã thẳng thắn vạch ra những thứ mà đảng và chính quyền lâu nay cố tình giấu diếm, bằng thứ ngôn ngữ giản dị, chất phác, yêu cầu phải thực hiện sửa chữa, khắc phục ngay. Và người ta cũng thừa hiểu, đã đăng trên báo Nhân Dân (tức không phải chuyện đùa), do đích thân Tổng bí thư (dù chưa chắc lắm) yêu cầu thì chỉ còn nước thực hiện ngay thôi. Có lẽ bởi cái uy ấy mà khá nhiều vụ việc được giải quyết chóng vánh. Thời ấy nó thế, chứ như bây giờ, báo Nhân Dân có gào lên năm thôi bảy hồi cũng chả xi nhê gì, thậm chí chúng còn cười khẩy. Một phần do báo hết thiêng. Quả thật bãi bể nương dâu, chả biết đâu mà lần.



Nói chuyện ông Linh, tôi chỉ cốt lôi ra cái thuật ngữ “Nói và làm” chứ không có ý định khen hay chê. Mỗi nhà lãnh đạo cộng sản xứ này đã có cả bộ máy tuyên truyền độc quyền khen rả rích rồi, mình có khen thêm cũng bằng thừa, mà chê thì họ không thích.


Nhân chuyện “Nói và làm” lại chợt nhớ câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, người bị bên thắng cuộc vu cho lấy cắp 16 tấn vàng đem ra nước ngoài khi chạy trốn (khổ, đi người không còn chưa xong, công sức thì giờ đâu mà ôm theo được 16 tấn vàng, thế mà suốt bao năm vẫn ối người tin), cái câu nói đã làm ông ta nổi tiếng: Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm. Có người bảo, trong sự nghiệp của mình, ông Thiệu chỉ thành công ở mỗi câu nói bất hủ này.


Tôi từ lúc được bu tôi đẻ ra đến giờ, hoàn toàn sống trong xã hội do người cộng sản nắm quyền, cai trị. Lúc bé, đầu óc non dại, chả biết gì, còn khi đã nhớn, đã trưởng thành, càng ngày càng thấy xã hội mình sống, và cả những người cai trị mình nữa, là một khối mâu thuẫn. Giữa nói và làm luôn nghịch nhau, dù có được tô vẽ thế nào chăng nữa. Điều dễ nhận ra nhất là họ nói rất hay, còn làm thì ngược lại. Năm ngoái, tôi có dịp trò chuyện với một bậc cao tăng. Ông bảo anh ạ, nhiều người cứ nghĩ chúng tôi tu hành thì quên hết chuyện đời, thoát tục là thoát đời, nhưng không phải thế. Người tu hành, như bậc cao tổ Trần Nhân Tông chẳng hạn, lúc nào cũng canh cánh chuyện đời. Tôi từng này tuổi rổi, trải qua 3 chế độ, thực dân phong kiến, cộng hòa, cộng sản đủ cả, nghiệm ra hầu hết những gì mà người cộng sản tố cáo do thực dân phong kiến gây nên thì họ đều lặp lại, có khi còn trầm trọng hơn. Những thứ họ chống đối, họ lấy đó làm cớ để quyết tiêu diệt đối phương, đến khi họ đứng ra làm chủ xã hội thì cứ nghĩ sẽ không còn đất sống, ai ngờ họ vẫn duy trì và khai thác triệt để. Cái mà họ bảo là xấu trong chế độ cũ, sang chế độ mới vẫn còn đủ cả. 


Từ tâm sự của vị tăng già, sực nhớ trong một buổi họp mặt các giáo viên cũ ở trường tôi từng dạy học, một anh giáo viên cơ hữu nửa đùa nửa thật “Cách mạng là gì? Cách mạng là quá trình làm phong phú hơn lên chính những gì mà người cách mạng từng tố cáo, tiêu diệt”. Ai nghe cũng ngớ người, mà thấy đúng với thực tế.


Tôi lẩn mẩn chiếu lại trong đầu những điều mình đã tai nghe mắt thấy thì quả có thế thật. Vị tăng già và anh thày giáo từng dạy học qua 2 chế độ có sự so sánh, đúc kết hơn mình bởi họ có thực tế, còn mình lâu nay chỉ biết đối chiếu qua sách vở.


Một trong những “tội ác” của thực dân phong kiến là chính sách thuế khóa. Người cộng sản thu hút được đông đảo nhân dân cũng bởi họ hứa với dân rằng sẽ xóa xích xiềng thuế khóa cho dân. Bất kỳ thứ thuế nào của chế độ cũ cũng bị họ lên án, họ gọi đó là bóc lột, bóc lột thậm tệ, bóc lột đến tận xương tủy. Họ quên rằng thể chế nào cũng phải duy trì thuế, và đến khi họ hiểu ra đó là quy luật tất yếu thì họ áp dụng triệt để. Có lẽ chưa bao giờ người dân xứ ta phải chịu nhiều sắc thuế như bây giờ.


Đối với người cộng sản, chế độ phong kiến là hình thức xã hội thối nát, lạc hậu, chuyên chế, không có dân chủ… cần phải đánh đổ, tiêu diệt. Không thể tồn tại ông vua ngồi trên đầu trên cổ dân. Không thể cho bọn vua chúa quan lại mặc sức vơ vét của cải đất nước và nhân dân, sống xa hoa, lãng phí trong sự nghèo khó của dân. Tôi còn nhớ hồi nhỏ học những bài về lịch sử trong sách giáo khoa, thấy sách tố cáo các vua triều Nguyễn xây lăng tẩm đền đài, dựng tượng đắp thành bằng mồ hôi nước mắt, công sức nhân dân, coi đó là tội ác. Giờ nhìn lại, thấy cũng chả kém gì. Đủ cả. Xưa chỉ có vua mới được xa hoa, giờ thì nhà tưởng niệm ông này ông nọ mọc khắp mọi nơi, ngay cả ông Nguyễn Văn Linh từng “trong sạch” như vậy họ cũng cho xây cái khu tưởng niệm hoành tráng ở làng Giai Phạm (Hưng Yên) trị giá hàng mấy chục tỉ đồng, mà ai cũng biết tiền chi phí vào đó đương nhiên lấy từ tiền thuế của dân.


Cách mạng luôn kêu gọi chống mê tín dị đoan. Họ từng đập phá bao nhiêu đình chùa, thu hồi đất của bao nhiêu cơ sở tôn giáo, thờ tự; dẹp những cúng bái, lễ hội… nhưng rồi cuối cùng ai cũng có thể thấy thời này là thời con người ta bị thánh thần mê hoặc nhiều nhất, nặng nhất; buôn thần bán thánh đã thành chuyện bình thường, công khai, được sự tiếp tay của chính quyền.


Cụ Hồ từng nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm, coi tiết kiệm là quốc sách. Những thế hệ cầm quyền sau cụ, một mặt kêu gọi học tấm gương đạo đức của cụ, mặt khác phung phí tràn lan, xây nhà cao cửa rộng, công sở hoành tráng, hết xây lại đập, đập lại xây; chi tiền vào những trò hình thức cờ đèn kèn trống, phong trào xổi, băng rôn khẩu hiệu, họp hành liên miên, lãng phí không biết bao nhiêu mà kể.


Nền giáo dục trong chế độ cũ bị người cộng sản quy vào chính sách ngu dân, chỉ đào tạo những kẻ nô lệ, tay sai. Họ đã phá bỏ nhiều giá trị cơ bản của giáo dục cũ để tạo dựng cái mới. Thực tế cho thấy, đến giờ nước ta vẫn loay hoay chưa biết phải phát triển giáo dục như thế nào cho đúng hướng, vẫn vận hành một bộ máy giáo dục chắp vá, lạc hậu, trì trệ. Rồi cứ đà này, chẳng biết nó sẽ đi đến đâu.


Những người cầm đầu chế độ này thường tuyên bố xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là về mặt lý thuyết. Thực tế thì nhiều quyền cơ bản nhất của con người vẫn bị triệt tiêu, bị lờ đi, bị kìm hãm. Người dân không có quyền sở hữu tư nhân về đất đai, xã hợi không có tự do báo chí, con người không có quyền tự do lập hội, biểu tình như Hiến pháp từng quy định. Chỉ riêng cái dự thảo về quyền biểu tình cứ được nâng lên đặt xuống, thụt thò không chịu đưa ra quốc hội, lần khân hết năm này qua năm khác, khóa này qua khóa khác cũng đủ để chứng minh điều đó.


Sự mâu thuẫn giữa Nói và Làm, còn nhiều lắm, không thể kể ra hết được. Vì sao, vì cả xã hội này, chế độ này là một khối mâu thuẫn, nghịch lý vô cùng vô tận.


Nguyễn Thông 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thay chủ tịch, trưởng công an nếu tình hình tội phạm phức tạp



Huy Thịnh
TP - Ngày 1/3, tại hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói: Chủ tịch UBND, trưởng Công an quận, huyện TP HCM phải chịu trách nhiệm về tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội.

Theo Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM, trong năm 2015, TPHCM xảy ra trên 6.000 vụ phạm pháp hình sự, giảm 377 vụ so với năm 2014. Đối tượng trộm cắp, cướp giật thường là thanh thiếu niên nghiện ma tuý, không có việc làm gây bất an cho người dân. Tội phạm giết người, cố ý gây thương tích có khuynh hướng gia tăng về tính chất manh động, liều lĩnh, thủ đoạn dã man.

Hoạt động mua bán dâm chuyển sang chào hàng, môi giới trên mạng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong nhóm ngành nghề nghệ thuật như đào tạo người mẫu, diễn viên. Một số hoạt động tinh vi núp bóng dưới các hình thức dịch vụ trá hình như nhà hàng, spa, massage. Hoạt động mại dâm nam, có yếu tố nước ngoài, xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm... diễn biến phức tạp.

Trung tướng Phong cho biết, sắp tới Công an TPHCM sẽ nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm phòng chống tội phạm, nhân rộng mô hình camera an ninh trật tự tại các phường, xã, thị trấn.

Ông Phong yêu cầu các sở, ban ngành chức năng tham mưu giải quyết vướng mắc, bất cập trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma tuý vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, kiểm tra, giải quyết cơ bản tình trạng ăn xin trên các tuyến đường, nơi công cộng, khảo sát, lắp đặt hệ thống camera quan sát với tiêu chí bao phủ toàn địa bàn TPHCM, vừa phục vụ quản lý đô thị, vừa đảm bảo an ninh trật tự, nghiên cứu đề xuất lập lực lượng bảo vệ du khách do công an hướng dẫn, huấn luyện nghiệp vụ.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói: “Các đồng chí chủ tịch quận huyện, phường xã nếu không làm tròn trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tôi sẽ có ý kiến với Ban Thường vụ ở nơi đó. Đồng chí nào do Ban thường vụ Thành ủy quản lý tôi sẽ báo cáo với Thành ủy. Chủ tịch UBND, trưởng Ban chỉ đạo 138, trưởng Công an phải chịu trách nhiệm về tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn mình, nếu để tình trạng phức tạp kéo dài phải có hình thức xử lý kỷ luật và thay đổi nhân sự".
***

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói: Tôi đề nghị nói cụ thể, không nói chung chung, không lý luận nữa. Bí thư Thành ủy chỉ đạo rồi. Các đồng chí phải làm sao để bước ra khỏi hội trường này về là quyết tâm làm. Chống tội phạm chủ công là công an nhưng trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

SÁCH "ĐẶNG TIỂU BÌNH - MỘT TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT" ĐÃ BỊ CƠ QUAN CHỨC NĂNG THU HỒI


 
PGS.TS Đoàn Lê Giang 



































Tin ấy có thể làm nhiều nhà xuất bản, công ty xuất bản, một số cá nhân yêu thích thú nhâm nhi sách tụng ca kẻ giết hại đồng bào mình chưng hửng, nhưng cơ quan quản lý biết lắng nghe và cầu sự thật hơn họ.

Hôm nào rảnh tôi sẽ phân tích cho các vị biết: những tay bồi bút TQ đang viết sách tụng ca lãnh tụ của họ đã đánh tráo tư liệu để nhồi sọ cho người VN hình ảnh tốt đẹp về lãnh tụ của họ thế nào.

Các bình luận:


Đặng Tiến : Hoan hô cơ quan chức năng. Biết ơn Thầy Đoàn. Thầy đã hành động xứng đáng với sứ mạng của người trí thức hiện đại. Thấy sai trái thì lên tiếng, lên tiếng kịp thời, lên tiếng nhẹ nhàng nhưng kiên quyết,....Kính mong Thầy tiếp tục phân tích sự lắt léo xảo trá của những kẻ bất lương trong giới truyền thông, xuất bản cả của ta lẫn ở tàu. Em thì em tiếp tục mong mọi người tẩy chay sản phẩm của nhà Lao động chừng nào họ lên tiếng nói rõ về cái vụ làm ăn đượm màu nhem nhuốc và có vẻ khiêu khích dư luận này.


Thạch Phạm Xuân: Cảm ơn việc làm ý nghĩa của anh Giang Đoàn Lê đầu năm! Phát giác và ngăn chặn được biệt kích văn hoá! Không thể có sự nhầm lẫn bạn-thù!

Quang Ái Phạm : Cảm ơn bạn Lê Giang nhé. Phải chiến cho bọn nô lệ đồng tiền và ngoại bang sụp đổ

Thanh Tam Vu : Thưa thầy, em rất cảm ơn thầy vì những lời cảnh báo mạnh mẽ trước sách bẩn, hoặc những góp ý cho sách chưa hoàn thiện. Có thể vì sách bị thu hồi mà nhà xuất bản này, nhà xuất bản kia giận dỗi. Nhưng tất cả những người yêu sách cần 1 người bảo vệ mạnh mẽ như thầy!

Nguồn: FB Giang Doan Le
_________________

T:Chúng tôi cũng được biết, việc này chỉ có lệnh miệng mà không có văn bản. Và nếu việc thu hồi được tiến hành thì cũng chỉ một ít tại các hiệu sách đang có bán. Việc thu hồi này chắc chắn không thể thu hết được vì sách này được in lần đầu từ năm 2003 và đến nay đã tái bản nhiều lần ở nhiều nhà xuất bản khác nhau.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Tranh chấp Biển Đông: Phân tích từ lý thuyết trò chơi

south-china-sea-dispute-data

Tác giả: Lê Hồng Nhật
  1. Bản chất của tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông
Chủ quyền quốc gia về vùng đặc quyền kinh tế biển và trật tự hàng hải quốc tế đã được phân định rõ theo công ước quốc tế về luật biển (UNCLOS). Tranh chấp chỉ trở nên căng thẳng, khi Trung Quốc đơn phương đòi hỏi chủ quyền, chiếm tới 80% Biển Đông. Và từng bước hiện thực hóa nó bằng việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước lân bang. Ví dụ như vụ đưa dàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam vào năm 2014. Và tiếp đó trong năm 2015, Trung Quốc tiếp tục tôn tạo, xây đắp các đảo nhân tạo trên các bãi đá thuộc Trường Sa, đã chiếm của Việt Nam bằng vũ lực. Để hiểu tại sao những tranh chấp đó có thể xảy ra, chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm về chủ quyền. 
Chủ quyền của một quốc gia (souvereignty) có thể được hiểu theo hai nghĩa chính[1]: (1) Theo sự công nhận của cộng đồng quốc tế, và đi kèm theo đó là các công ước quốc tế về chủ quyền. (2)  Theo khả năng của nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền của quốc gia, mà cơ bản nhất là đảm bảo an ninh quốc phòng;  bảo vệ quyền của người dân khai thác tài nguyên và sinh sống trên nơi mà cha ông họ đã sinh sống, dù là trên đất liền, hay trên biển đảo. Khi hai đòi hỏi này không tương thích nhau, tức là khả năng đảm bảo về an ninh quốc gia không cân xứng với quyền được công nhận bởi công ước quốc tế, thì sự tranh chấp về chủ quyền dễ nổ ra.
Như vậy, chủ quyền quốc gia không phải là một khái niệm tuyệt đối, có tính vĩnh hằng, mà mang tính tương đối. Với sự bất cân xứng vốn có về sức mạnh kinh tế và quân sự giữa các quốc gia, thì các quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự giữa các quốc gia khác nhau, chia sẻ cùng một lợi ích chiến lược, mà nó phù hợp với công ước và luật pháp quốc tế, sẽ tạo ra khối liên minh chính thức hay phi chính thức. Chẳng hạn như việc Mỹ thúc đẩy việc lập ra khối ASEAN trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Sức mạnh của khối hay liên minh, tạo ra một sự răn đe hữu hiệu đối với sự chèn ép hay xâm lấn của bất kỳ quốc gia nào mạnh hơn với một quốc gia nhỏ, thuộc liên minh. Một khi liên minh bị suy yếu đi, thì sự cân bằng về trật tự quốc tế và khu vực bị đảo lộn, do xuất hiện những vùng trống về quyền lực. Tuy nhiên, sự thay đổi về trật tự khu vực đó có trở thành một xu thế hay không, phụ thuộc rất nhiều vào tính chính nghĩa của tiến trình như vậy. Tức là nó có phù hợp với chuẩn mực về trật tự quốc tế, được hầu hết các quốc gia trên Thế giới công nhận hay không.
Những năm 2008 – 2010 chứng kiến cuộc khủng hoảng toàn cầu, bắt đầu từ Mỹ, lan dần sang các nước Tây Âu. Điều đó kéo theo hai hệ lụy: Thứ nhất, Nước Mỹ, do áp lực nợ chồng chất sau 2 cuộc chiến ở Iraq và Afganistan và khủng hoảng kinh tế, đã bị yếu đi rất nhiều về khả năng triển khai sức mạnh cứng để duy trì trật tự quốc tế tại các vùng biển có tính chiến lược. Thứ hai, sự suy yếu đi của kinh tế Mỹ sau khủng hoảng, cộng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, đã làm thay đổi các dòng thương mại, vốn đầu tư quốc tế theo hướng biến các nước thuộc vùng ngoại biên (periphery) xích lại gần hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh kinh tế và quyền lực mềm của Trung Quốc. Việc Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng về kinh tế, thương mại sang các nước thuộc Đông nam Á, Châu Phi, và cả Mỹ Latinh, thể hiện xu thế này. Nói khác đi, trật tự hiện hữu bị yếu đi. Cùng với nó là khả năng bảo vệ chủ quyền của các quốc gia thành viên thuộc liên minh, như Nhật – Mỹ, hay khối hợp tác, như ASEAN, bị thách thức.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đứng trước hai lựa chọn: Thứ nhất, phối hợp với các cường quốc trên thế giới, đứng đầu là Mỹ, nhằm duy trì trật tự khu vực; củng cố sự ổn định và phát triển phồn thịnh, dựa trên hợp tác và thương mại toàn cầu. Thứ hai, thay thế Mỹ, hình thành trật tự thế giới mới và lập liên minh quân sự mới do Trung Quốc đứng đầu, nhằm cưỡng chế sự tuân thủ trật tự mới đó[2].
Trên thực tế, Trung Quốc đã lựa chọn con đường thứ hai làm mục tiêu dài hạn của mình. Tiến trình này bắt đầu bằng việc vi phạm công ước quốc tế về phân chia lãnh hải (UNCLOS) trên Biển Đông, nhằm từng bước biến nó thành vùng biển thuộc Trung Quốc. Điểm cốt lõi ở đây là có sự khác biệt rất rõ ràng giữa tuyến hàng hải quốc tế với tuyến hàng hải thuộc địa phận Trung Quốc. Khi nẩy sinh mâu thuẫn chính trị hay xung đột về lợi ích, Trung Quốc có thể dùng quyền kiểm soát để cấm quốc gia có liên quan thông thương trên vùng Biển Đông, mặc dù về nguyên tắc, Trung Quốc cam kết duy trì tự do hàng hải. Sự chèn ép ở quy mô quốc tế này không thể xảy ra, nếu Trung Quốc không thể áp đặt được quyền kiểm soát trên thực tế (de facto control rights) về vùng biển bị bao quang bởi đường chữ U. Như vậy, xung đột chủ quyền tại Biển Đông hiện nay không phải chỉ là vấn đề song phương, mà là vấn đề về an ninh khu vực và thương mại toàn cầu. Trung Quốc hiểu rất rõ điều đó, và Trung Quốc hiểu rằng, Mỹ, Nhật và các cường quốc khác trên Thế giới, cũng hiểu là Trung Quốc đang toan tính gì. Cuộc chơi chèn ép (holdup problem) trên bình diện quốc tế này thể hiện tham vọng mà Trung Quốc đang theo đuổi trong dài hạn. Việc phân tích kỹ ván bài đó sẽ tạo nên sự đồng thuận quốc tế nhằm giải quyết xung đột hiện thời, được Trung Quốc tô điểm thành xung đột song phương với các nước lân bang về chủ quyền “không thể tranh cãi”, mà Trung Quốc là bên bị xâm hại.
  1. Chủ quyền quốc gia và vấn đề chèn ép
Như đã nêu, mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là nhằm kiểm soát con đường hàng hải quốc tế, đi từ Trung cận đông qua Ấn Độ Dương, và đi vào Biển Đông. Theo đà tăng trưởng kinh tế, con đường biển này ngày càng trở nên có tính sống còn với Trung Quốc[3]. Nhưng nó cũng có tính chất sống còn với Mỹ, Nhật và các nước trong vùng. Một sự hợp tác an ninh hàng hải quốc tế giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật và ASEAN sẽ là lý tưởng cho sự ổn định và phồn thịnh của khu vực. Nhưng việc biến vùng biển quốc tế đó thành lãnh hải thuộc địa phận Trung Quốc, lại là một bảo đảm an ninh hơn cho Trung Quốc, với cái giá là chủ quyền của các nước nhỏ hơn trong khu vực bị xâm hại. Nói khác đi, chúng ta đang chứng kiến một tiến trình mà Trung Quốc đang tìm cách chèn ép các nước nhỏ để vẽ lại bản đồ khu vực. Sự chèn ép, hay tranh chấp song phương về chủ quyền biển đảo, quyền khai thác dầu và đánh bắt cá, chỉ là bước đi ban đầu, được lồng trong một tranh chấp lớn hơn về quyền kiểm soát đường hàng hải chiến lược đi qua Biển Đông, với hơn 1/3 thương mại toàn cầu đi qua vùng biển này. Để tránh một cuộc xung đột về quyền tự do hàng hải trong tương lai, chúng ta phải hiểu rõ sự được mất của mỗi bên trong cuộc chơi chèn ép về chủ quyền song phương, mà Trung Quốc đang tiến hành. Trung Quốc kỳ vọng gì? Và tại sao việc chèn ép các nước nhỏ lại là các bước đệm ngắn hạn cho việc đạt mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là kiểm soát con đường hàng hải chiến lược qua Biển Đông? Việc trả lời các câu hỏi như vậy sẽ cho phép tìm ra cơ chế thúc đẩy an ninh khu vực, thông  qua các giải pháp thương lượng hòa bình.
Để cụ thể, hãy nhìn lại vụ Trung Quốc cắt cáp tham dò dầu khí của Tàu Bình minh 02 của Việt Nam vào các năm 2011, 2012, hay là việc đưa dàn khoan 981 vào lãnh hải Việt Nam vào năm 2014. Hoặc việc Trung Quốc cho xây dựng cột sắt và thả phao ở bãi Amy Douglas vào 2011 và chiếm bãi cạn Scarborough vào 2012. Trước các hành động gây hấn như vậy của Trung Quốc, phía Việt Nam và Philippines có thể có năm lựa chọn chính: Thứ nhất, không có phản ứng gì. Thứ hai, ra công hàm phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc trên các diễn đàn song phương hoặc đa phương, như tại Liên hiệp quốc. Thứ ba, đem vụ việc ra kiện ở Tòa án Quốc tế. Thứ tư, có hành động tự vệ một cách kiềm chế, nhưng thực chất, vẫn sẵn lòng nhân nhượng để tránh xung đột leo thang. Chẳng hạn như việc Philippines cho nhổ các cột sắt, hoặc cho bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và đòi xử họ theo luật. Hay Việt Nam cho lực lượng cảnh sát biển ra yêu cầu phía Trung Quốc di rời dàn khoan 981. Thứ năm, kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền, mà không có bất cứ một sự nhân nhượng nào. Ví dụ như việc Nhật quốc hữu hóa Senkaku; và Mỹ tuyên bố đưa Senkaku vào trong phạm vi của hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ.
Cần phải nói rằng, nếu vụ việc chỉ gói gọn trong xung đột có tính song phương, thì việc ra công hàm phản đối cũng gần giống như không làm gì cả. Mặt khác, việc đem ra kiện tại tòa án quốc tế về tranh chấp đánh bắt cá hay khai thác dầu, thường hết sức tốn kém, mất thời gian và dễ bị làm cho rắm rối, do luật quốc tế không thể đủ chi tiết để áp dụng ngay cho việc xử các vụ kiện như vậy. Cuối cùng, khi xảy ra một chuỗi các vụ tranh chấp liên tiếp, thì tính phức tạp của vụ việc chỉ có tăng. Và nguy cơ xung đột có thể nổ ra. Điều đó dĩ nhiên chỉ có lợi cho bên lớn hơn, dùng sức mạnh để chèn ép, hơn là bên nhỏ hơn, bị xâm hại, nhưng buộc phải phản ứng có kiềm chế và thỏa hiệp. Về lâu dài, điều đó cũng giống như không làm gì để tránh nổ ra xung đột.
Như vậy, xét trên quan điểm của Trung Quốc, việc gây hấn về quyền đánh bắt cá hay khai thác dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia nhỏ hơn trên Biển Đông sẽ có lợi ở chỗ: (i) Trung Quốc có thể giữ cho mức độ xung đột đủ nhỏ, để mâu thuẫn mang tính song phương, mà phía bị xâm hại ít làm được gì để thay đổi cục diện tình hình; và (ii) Chuỗi xung đột phải đủ liên tục và đều khắp ở các điểm chiến lược trên Biển Đông, để biến các sự việc đã rồi thành quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc về việc khai thác các nguồn lợi, mà chỉ quốc gia có chủ quyền được phép làm. Nói rõ hơn, việc Philippines xua đuổi tàu cá Trung Quốc hay nhổ cọc ở bãi đá mà Trung Quốc vừa dựng lên chỉ làm tăng rủi ro bị Bắc kinh tuyên bố rằng, Philippines sẽ phải hứng chịu các hành động “chấp pháp” của Trung Quốc. Sức mạnh quân sự vượt trội và ngày càng mạnh của Trung Quốc khiến cho nước nhỏ trong vùng phải đối mặt với rủi ro là sẽ chịu tổn thất rất lớn, nếu một mình dám cưỡng lại hành động “chấp pháp” của Trung Quốc. Nhìn trước kết cục như vậy, nước nhỏ đó có thể phải ngồi yên không làm gì, ngoài việc ra công hàm phản đối, mà về thực chất cũng là không làm gì. Chính vì logic của sự chèn ép đó, mà Việt Nam ngồi yên, khi Trung Quốc ra lệnh cấm bắt cá trong thời gian dài, trên một vùng biển rộng lớn, bao gồm cả thềm lục địa của Việt Nam. Cam chịu sẽ dần biến thành sự buộc phải chấp thuận quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc đối với Biển Đông. Khi đó, việc có hay không các công ước về luật Biển, bao hàm cả UNCLOS, thì cũng chẳng thể làm được gì nhiều để thay đổi một thực tế: Đường chữ U đã được xác lập dần trên thực tế. Điều đó bao hàm rằng, đường hàng hải chiến lược đi qua Biển Đông, dần sẽ thuộc về Trung Quốc. Các nước khác sẽ buộc phải tuân thủ trật tự mới, được cưỡng chế bởi sức mạnh quân sự của Trung Quốc, theo dự đoán là có thể thách thức Mỹ ở Tây Thái bình Dương vào năm 2030.
Chiến lược chèn ép của Trung Quốc nhằm thôn tính Biển Đông có thể được tóm tắt như sau:
Ngay sau vụ việc Trung Quốc xâm hại quyền khai thác tài nguyên thuộc chủ quyền nước khác, như đánh bắt cá hoặc khai thác dầu của Việt Nam / Philippines. Cụ thể là vụ dàn khoan 981. Nếu không gặp phải phản ứng gì, thì Trung Quốc sẽ ghi được 1 điểm trong chuỗi các bước chèn ép nhằm thôn tính Biển Đông. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam / Philippines bị mất 1 điểm trong việc bảo vệ chủ quyền.
Một lựa chọn khác là thay vì ngồi yên, Việt Nam / Philippines có thể có phản ứng tự vệ một cách cương quyết, phù hợp với thỏa thuận khu vực và công ước quốc tế. Nhưng ngay sau khi vấp phải sự phản ứng tự vệ đó của Việt Nam / Philippines, Trung Quốc có thể đáp lại bằng hai cách: Thứ nhất, tôn trọng cam kết của mình về nguyên tắc ứng xử Biển Đông (DOC) và Luật Biển quốc tế (UNCLOS). Khi đó, các bên đạt được sự hòa giải sau xung đột vừa xảy ra. Trung Quốc không ghi thêm được điểm nào trong chuỗi các bước thôn tính Biển Đông (ghi điểm 0). Và Việt Nam / Philippines cũng không bị mất điểm về chủ quyền (tức là “mất” 0 điểm).
Ngược lại, Trung Quốc có thể nuốt lời hứa tôn trọng thỏa thuận khu vực và Luật quốc tế. Cụ thể là Trung Quốc tô vẽ lại vụ việc xung đột vừa xảy ra như mình là bên bị xâm hại và vì vậy, buộc phải có hành động “chấp pháp”. Với sự bất cân xứng về sức mạnh kinh tế và quân sự, phần thắng trong xung đột song phương sẽ thuộc về kẻ nào mạnh hơn, bất kể công lý. Cụ thể là, Trung Quốc ghi được 2 điểm liên tiếp trong chuỗi các bước “xác định lại” trật tự khu vực. Việt Nam / Philippines bị mất 2 điểm. Các tình huống trên được biểu diễn bởi lược đồ sau:
sodo1
Sơ đồ 1: Cuộc chơi chèn ép chủ quyền song phương do Trung Quốc tiến hành
Ta có thể thấy là, nếu Việt Nam / Philippines “phản ứng tự vệ” một cách đơn phương, thì việc “xác định lại” trật tự khu vực sẽ diễn ra nhanh hơn. Nhìn trước kết cục như vậy, thì ngay từ đầu, khi vừa xảy ra việc Trung Quốc gây hấn (vụ giàn khoan 981, hay vụ chiếm bãi cạn Scarborough), Việt Nam / Philippines sẽ chọn việc gửi công hàm phản đối, hoặc kiên trì thuyết phục, tuyên truyền, mà không có hành động tự vệ trên thực tế. Kết cục là Trung Quốc chỉ ghi được 1 điểm. Việt Nam / Philippines chỉ bị mất có 1 điểm về bảo vệ chủ quyền. Dù sao đi nữa, chủ quyền của Việt Nam / Philippines vẫn bị xâm hại.
  1. Đa phương hóa việc xử lý chèn ép lãnh thổ
Trong cuộc chơi chèn ép song phương đã mô tả ở trên, điểm mạnh của Việt Nam / Philippines là công luận quốc tế đứng về phía mình. Tính phiêu lưu trong chiến lược chèn ép của Trung Quốc là nó ngày một đẩy Mỹ và các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Tây Âu, bao gồm cả Úc, và cả Ấn Độ, vào thế phải đối đầu với Trung Quốc trong một cuộc cạnh tranh về tự do hàng hải. Cụ thể là xung đột trong tương lai về quyền tự do lưu thông và an ninh hàng hải ở Tây Thái bình dương, mà nó có thể lan sang Ấn Độ dương,  một khi Việt Nam / Philippines và các nước trong khu vực bị mất dần chủ quyền và rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc. Như vậy, song song với cuộc chơi chèn ép các nước nhỏ, Trung Quốc tiến hành một cuộc chơi khác, giành thế và lực trong cuộc cạnh tranh hay đối đầu trong tương lai về trật tự khu vực với Mỹ, Nhật, Úc và cả Ấn Độ. Xét ở thời điểm hiện tại, hai cuộc chơi này không phải là không liên đới nhau.
Cụ thể là, trước sự chèn ép của Trung Quốc, việc gia nhập vào khối các quốc gia, liên kết với nhau ngày càng mạnh hơn về thể chế tổ chức, trao đổi thương mại, và gìn giữ an ninh khu vực, tự nó sẽ cho phép Việt Nam / Philippines bảo vệ chủ quyền của mình hữu hiệu hơn. Một khi khả năng tự chủ của Việt Nam / Philippines về thể chế tổ chức, kinh tế, và an ninh, tăng lên, thì sẽ làm tăng khả năng “tái cân bằng” (rebalance) ảnh hưởng địa chính trị giữa các cường quốc tại khu vực Đông Nam Á. Tức là làm tăng khả năng đối thoại và hợp tác trong cuộc chơi thứ hai, nhằm bảo vệ trật tự hiện hữu tại khu vực.
Phân tích trên đây cho thấy, cuộc chơi chèn ép chủ quyền song phương mà Trung Quốc tiến hành với nước nhỏ hơn trong vùng đã thay đổi về bản chất. Bây giờ, nó bị kết nối với cuộc chơi khác, nhằm xác định trật tự hàng hải giữa Trung Quốc và Mỹ. Cuộc chơi thứ hai không đơn thuần là sự đối đầu trực diện giữa hai siêu cường. Nó được lồng trong việc hình thành khối các quốc gia liên kết về nhiều mặt trong quan hệ quốc tế, chẳng hạn như việc ký kết TPP, nhằm đối trọng lại với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á, mà tranh chấp Biển Đông là tâm điểm. Để hiểu những kết cục gì có thể xảy ra trong tương lai, chúng ta hãy hiện thực hóa hơn nữa cuộc chơi chèn ép song phương, mô tả ở Sơ đồ 1, bằng việc đưa thêm vào sự lựa chọn của Việt Nam (hoặc Philippines) tham gia vào khối hợp tác giữa các quốc gia, như hợp tác TPP.
Cuộc chơi trong Sơ đồ 2 khác với cuộc chơi chèn ép song phương, mô tả ở Sơ đồ 1, ở chỗ Việt Nam có thêm sự lựa chọn tham dự vào quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực với một khối các quốc gia. Để cho cụ thể, ta hãy lấy triển vọng ký kết TPP làm ví dụ.
Chúng ta đơn giản hóa những chi tiết không cần thiết và giả sử rằng, TPP chỉ bao gồm Việt Nam và Mỹ. Sau khi Việt Nam xin gia nhập TPP, thì Mỹ và Việt Nam sẽ cùng tham dự một cuộc chơi phối hợp, xác định tương lai của TPP. Một triển vọng lạc quan là, Mỹ và Việt Nam sẽ cam kết thúc đẩy các thay đổi về thể chế kinh tế. Chẳng hạn như việc chấm dứt trợ cấp các doanh nghiệp Nhà nước. Quan trọng hơn, đó là việc du nhập dần các thể chế quản trị tiến bộ từ các nền kinh tế thị trường hiện đại vào xã hội truyền thống ở Việt Nam. Nhờ vậy, năng suất lao động và suất sinh lời của vốn tăng lên. Tức là làm tăng khả năng thu hút vốn FDI; cũng như tạo ra dòng lao động có chất lượng cao chẩy vào Việt Nam[4]. Hệ quả là có sự gia tăng giao dịch thương mại hai chiều và tăng trưởng kinh tế bền vững của cả hai quốc gia. Điều này đã diễn ra trong quan hệ song phương giữa Mỹ với Singapore;  Hong Kong, Đài loan, hoặc Hàn Quốc, trong thập niên 1960-70. Và quan hệ hợp tác đó tiếp tục phát triển cho tới ngày nay.
Trong triển vọng trung và dài hạn, sự gia tăng sức mạnh kinh tế – thương mại của toàn khối sẽ cho phép tái cân bằng lại ảnh hưởng của các cường quốc tại Châu Á – Thái bình Dương, trước một Trung Quốc đang lên. Trong bối cảnh như vậy, Mỹ sẽ có lợi ích lớn hơn (và tổn phí ít hơn) trong việc “cam kết” bảo vệ trật tự khu vực và tự do hàng hải tại Biển Đông, mà nó là điều kiện cần thiết cho tự do thương mại trong toàn khối TPP.
so do 2
 Sơ đồ 2: Cuộc chơi chèn ép chủ quyền khi kết nối với cuộc chơi xác định trật tự hàng hải[5]
Để cho cụ thể, ta xem rằng, nếu Trung Quốc “tôn trọng thỏa ước”, bao gồm cả  UNCLOS, thì Mỹ sẽ được lợi 4 điểm. Ngược lại, nếu Trung Quốc muốn  “xác định lại” bản đồ khu vực, nhưng Mỹ  giữ “cam kết” bảo vệ trật tự hiện hữu, thì Mỹ vẫn được lợi ròng là 1 điểm. Với điều kiện là TPP được làm cho có hiệu lực. Về phía mình, Trung Quốc cũng sẽ thấy có lợi hơn trong việc “tôn trọng thỏa ước”, vì nó thúc đẩy giao thương quốc tế và có lợi cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (được 1 điểm). Lựa chọn đó rõ ràng là tốt hơn việc “xác định lại” bản đồ khu vực, vì Trung Quốc sẽ vấp phải cam kết của Mỹ và các quốc gia khác trong việc duy trì công ước quốc tế về biển, UNCLOS. Trong đó có quy định về vùng đặc quyền kinh tế của từng quốc gia, và quyền tự do hàng hải quốc tế (mất 1 điểm).
Như vậy, khả năng cam kết duy trì trật tự khu vực được làm cho có hiệu lực. Điều đó bao hàm rằng, thay vì bị chèn ép song phương, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ hợp tác đa phương TPP (được 1 điểm). Nhìn thấy triển vọng đó, Việt Nam sẽ tham gia TPP và cam kết cải cách thể chế kinh tế. Chuyến thăm lịch sử của Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ đã đánh dấu sự khởi đầu của một tiến trình như vậy.
Nhưng một cách thực tế, chúng ta phải nhìn nhận một khả năng khác, là sau khi Việt Nam gia nhập TPP, cuộc chơi phối hợp giữa Việt Nam và Mỹ đem lại kết cục tồi: sự khác biệt về thể chế tổ chức, khoảng cách về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh giữa hai nền kinh tế ngày càng mở rộng. TPP vẫn chỉ là sân chơi của các quốc gia đã phát triển nhất. Và sự thay đổi về thể chế, theo hướng thúc đẩy tiến bộ về kinh tế và xã hội ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, bị dậm chân tại chỗ hoặc bị đảo lộn.
Trước một Trung Quốc đang lên, và sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong vòng một thập kỷ tới, thì các nước nhỏ ở vùng ngoại vi, bao gồm cả Việt Nam, sẽ rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc. Và chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ sẽ bị suy yếu nghiêm trọng; hoặc có nguy cơ bị phá sản. Mỹ sẽ đứng trước một triển vọng là có lợi ích ít hơn nhiều (và tổn phí cao hơn nhiều) trong việc “cam kết” bảo vệ trật tự khu vực, bao hàm cả việc duy trì công ước quốc tế về luật Biển (UNCLOS) tại khu vực có tranh chấp là Biển Đông. Trong khi đó, hiệp định tự do thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN, hoặc với Hàn Quốc và Nhật Bản, có thể phát huy ảnh hưởng, làm yếu liên kết TPP. Trung Quốc khi đó sẽ trở nên quyết đoán hơn trong tranh chấp trên Biển Đông.
Như vậy, có sự thay đổi về kỳ vọng được / mất trong chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể là, nếu Mỹ tiếp tục giữ “cam kết”, thì tổn thất có thể sẽ lớn hơn, so với việc Mỹ “thỏa hiệp” với Trung Quốc, một khi Trung Quốc quả quyết hơn trong việc khẳng định chủ quyền đơn phương tại Biển Đông. Ngược lại, Trung Quốc sẽ chịu tổn thất nhiều hơn, nếu không nắm quyền kiểm soát tuyến đường hàng hải huyết mạch. Vì nó đảm bảo cho thương mại của Trung Quốc với Châu Á và phần còn lại của Thế giới không bị làm chao đảo bởi tranh chấp, dẫn đến xung đột trên biển.
Nói khác đi, Trung Quốc có chiến lược trội (dominant strategy) là “xác định lại” trật tự khu vực. Trong khi Mỹ sẽ phải chịu tổn phí cao hơn nếu giữ “cam kết”, hơn là “thỏa hiệp”. Vì vậy, Mỹ sẽ nghiêng về phía “thỏa hiệp”.  (Xem sơ đồ 3, phần phụ lục).
Kết cục này giống như nhánh cuối, về bên phải ở Sơ đồ 2. Nó thể hiện việc Trung Quốc sẽ lựa chọn “xác định lại” trật tự khu vực (được 3 điểm), hơn là “tôn trọng thỏa ước”. Rõ ràng rằng, Trung Quốc được lợi hơn nhiều, một khi “cam kết” tái cân bằng của Mỹ tại Châu Á – Thái bình Dương không được làm cho có hiệu lực. Và Mỹ sẽ bị thiệt (mất L điểm); nhưng tổn thất đó vẫn ít hơn, so với trường hợp không chấp nhận “thỏa hiệp” với Trung Quốc. Việt Nam sẽ bị thiệt hại nhất trong trường hợp này (-K điểm, và K là một số rất lớn), vì bị bỏ rơi bởi hầu hết các nước lớn trên bàn cờ địa chính trị trong khu vực.
Như vậy, cuộc chơi phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam, sau khi Hà Nội gia nhập TPP, mang tính quyết định. Nếu sự phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam trong việc cải cách thể chế có bước tiến triển rõ ràng, thì có sự gia tăng quan hệ thương mại hai chiều. Điều đó làm thu hẹp dần sự khác biệt giữa hai quốc gia, như trong quan hệ giữa Mỹ với bốn con rồng Châu Á. Khi đó, tất cả các bên liên quan, kể cả Trung Quốc, sẽ có lợi trong việc hợp tác nhằm duy trì ổn định khu vực và phát triển thương mại. Vì vậy, tranh chấp khu vực sẽ có chiều hướng được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình. Ngược lại, nếu sự phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam bị thất bại, thì điều đó làm tăng khả năng xảy ra tranh chấp nóng hơn trên Biển Đông, mà Mỹ sẽ ít bị thiệt hơn, nếu thỏa thuận với Trung Quốc trong việc “chia sẻ lại” vùng ảnh hưởng.
Dù gì đi nữa, sự thất bại trong chiến lược tái cân bằng vẫn sẽ là một tổn thất mang tính chiến lược dài hạn. Nếu tổn thất do suy giảm ảnh hưởng địa chính trị tại Châu Á đối với Mỹ (-L) là rất lớn, thì “cam kết” tái cân bằng của Mỹ cần phải làm cho có hiệu lực. Điều đó bao hàm rằng, trong cuộc chơi phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam, phía Mỹ cần có một sự cẩn trọng trong thiết kế chính sách hỗ trợ cải cách thể chế tại Việt Nam. Vấn đề là, thể chế là một dạng vốn (capital). Và cũng như mọi dạng vốn, sự thay đổi thể chế chỉ có thể diễn ra từ từ (Arrow, 1994). Do vậy, cải cách ở Việt Nam cần có lộ trình và mục tiêu rõ ràng, nhằm tăng khả năng cam kết đổi mới thể chế (Dixit, Nalebuff, 1992). Nhờ đó, Việt Nam sẽ từng bước hiện đại hóa nền kinh tế trong khuôn khổ hợp tác TPP. Điều đó sẽ đóng góp vào việc tái cân bằng ảnh hưởng địa chính trị giữa Mỹ, Nhật Bản và cả Ấn Độ, đối với Trung Quốc tại Châu Á.
Nói khác đi, cuộc chơi phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam là một quá trình phối hợp dài hạn (repeated game). Đó không phải là một cuộc chơi ngắn hạn (one-shot game), mà chỉ cần đội cái mark là thành viên TPP thì sự thần kỳ về kinh tế sẽ đến ngay, như nhiều người ở Việt Nam nghĩ, hay kỳ vọng. Quan trọng hơn, việc cho rằng TPP sẽ đem lại cái lợi chóng vánh, mà không cần phải nỗ lực hiện đại hóa về tổ chức nhằm du nhập tiến bộ công nghệ, thì sẽ chỉ làm tăng hơn nữa khả năng rằng, kết cục tồi sẽ xảy ra. Sẽ không có một sự chuyển mình thần kỳ, mà thay vào đó là sự thụt lùi về thể chế và kinh tế. Hoặc tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa bị làm cho đảo lộn. (Xem chứng minh ở phần phụ lục).
Như vậy, làm cho mọi người hiểu rằng, TPP là một tiến trình hợp tác dài hạn, nhằm đem lại ổn định và thịnh vượng cho khu vực, là làm tăng khả năng đạt được kết cục tốt cho mọi thành viên trong khu vực, kể cả Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam. Và việc tạo ra một ảo tưởng về sự thay đổi chóng vánh có tính thần kỳ, sau đàm phán TPP, thì sẽ chỉ làm tăng khả năng đưa đến kết cục ngược lại: sự phá sản của chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Và Việt Nam có thể bị bỏ rơi trong cuộc chia lại quyền ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế giữa các nước lớn tại khu vực.
  1. Kết luận
TPP không phải là một “cây gậy thần”, chỉ cần dựa vào đó, mà không cần phải có nỗ lực gì cả. Và TPP cũng không phải là cái ô bảo hộ của một nước lớn giành cho Việt Nam, trước sự chèn ép của một nước thứ ba. Việt Nam phải chủ động làm tăng khả năng phối hợp với các quốc gia đã phát triển ở lĩnh vực, mà mình có lợi thế so sánh lớn nhất. Xét trên quan điểm địa lý trong thương mại quốc tế, lợi thế lớn nhất của Việt Nam không phải là lao động rẻ, mà chính là vị trí quan trọng của nó trong việc duy trì ổn định và làm tăng hiệu quả của luồng vận tải thương mại qua Biển Đông.
Như vậy, sự phối hợp có thể bắt đầu bằng việc tận dụng lợi thế tuyệt đối về vị trí địa lý nhằm khai thác nguồn tài nguyên biển. Không đơn giản chỉ là dầu khí hay hải sản. Như đã gợi ý, quan trọng hơn rất nhiều, đó là đường hàng hải chiến lược qua Biển Đông, với hơn 1/3 giá trị thương mại toàn cầu đi qua đó. Tiềm năng phát triển kinh tế và vị thế địa lý chiến lược của Việt Nam có thể tạo ra sự bổ trợ lẫn nhau, cho phép Việt Nam tham dự ngày càng nhiều hơn vào việc khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ và ngày một tăng này[6]. Việt Nam có thể sử dụng không cảng và hải cảng chiến lược, như Cam Ranh, làm kho dự trữ và nơi cung cấp hậu cần, neo đậu và sửa chữa, bảo trì cho các tàu thuyền quốc tế đi qua tuyến hàng hải từ Biển Đông sang Ấn Độ Dương và ngược lại. Các dịch vụ logistic đó cho phép tăng tính an toàn và hiệu quả, hay giảm chi phí và rủi ro trong vận chuyển trên không và trên biển. Vì vậy, nó làm tăng sự đóng góp của Việt Nam vào giá trị thương mại của đường vận chuyển quốc tế dọc theo Biển Đông. Ở đây có sự ghép nối giữa lợi ích thương mại và bảo đảm an ninh đa phương, mà các bên liên quan đều hưởng lợi. Do đó, giá trị của sự phối hợp là rất lớn. Từ các điểm nút chiến lược ven biển, như Cam Ranh, sự bùng nổ về giao dịch, vận chuyển quốc tế, sẽ cho phép các dòng vốn, công nghệ, và các phương thức tổ chức hiệu quả lan truyền vào Việt Nam. (Điều mà đã diễn ra tại Singapore vào thập kỷ 1960 -70 ở thế kỷ trước). Các nguồn lực này sẽ tạo nên sự tăng trưởng dựa trên đổi mới tổ chức và sáng tạo (hay vốn tri thức); kéo theo sự hoà nhập mạnh của Việt Nam vào chuỗi thương mại toàn cầu, thông qua hợp tác TPP. Dẫu rằng TPP không xuất hiện vào ngày mai. Nhưng một tiến trình hợp tác như vậy có thể bắt đầu từ ngày hôm nay. Sự hợp tác đó có thể làm thay đổi các tính toán về nước cờ địa chính trị của các nước lớn, theo hướng có lợi cho tiến trình hiện đại hóa Việt Nam. Nói rõ hơn, việc khai thác lợi thế về thông thương và tăng cường giao dịch quốc tế chính là làm tăng giá trị kinh tế của chủ quyền và sức mạnh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Lê Hồng Nhật tốt nghiệp Tiến Sĩ kinh tế học tại Đại học Stanford (Mỹ), hiện công tác tại Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG HCM và là nghiên cứu viên không thường trú (Non-Resident Senior Fellow) tại  Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM.
Bài nghiên cứu được xuất bản lần đầu trong series Working Papers của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, ĐH KHXH&NV TPHCM.
———————
———————
[1] According to Stephen D. Krasner (1999), the term “souvereignty” could be understood in two main ways: (1) domestic sovereignty – actual control over a state exercised by an authority organized within this state. (2) international legal sovereignty – formal recognition by other sovereign states.
[2] Theo Viện nghiên cứu của Trung Quốc, Unirule (2011)
[3] Hiện tại 80% dầu của Trung Quốc vận chuyển qua con đường biển quốc tế này.  Khối lượng chuyên trở dầu sẽ tăng từ 10 triệu thùng (10 millions barrels) một ngày vào năm 2002 lên 20 triệu thùng một ngày vào năm 2020.
[4] Điều này ngược với suy nghĩ của nhiều chính sách gia tại Việt Nam cho rằng lợi thế lao động rẻ và suất thuế thấp đánh vào việc sử dụng tài nguyên, như đất đai, là cái thu hút FDI. Nếu không có sự tiến bộ về tổ chức và công nghệ, thì khả năng thu hút FDI ngày càng có xu hướng chậm lại, khi tỷ lệ FDI/GDP ngày càng cao.
[5] Trong Sơ đồ 2, cuộc chơi chèn ép song phương được viết gọn lại là kết cục Việt Nam “không phản ứng”. Và bên cạnh đó, Việt Nam có lựa chọn là gia nhập TPP.
[6] Theo dự đoán của các chuyên gia và các tổ chức có uy tín, tới năm 2050, Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại có thể chiếm đến 50% GDP toàn cầu. Vì vậy, giá trị thông thương trên đường biển quốc tế qua Biển Đông sẽ là vô cùng lớn trong tương lai.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/03/02/tranh-chap-bien-dong-phan-tich-tu-ly-thuyet-tro-choi/#sthash.suhVLgBA.dpuf
Phần nhận xét hiển thị trên trang