Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

chuyện đầu năm hai ngàn mười sáu

 
những đám mây rất ướt
bay qua một trong những ngày buồn đời em. khô rang nước mắt
thân thể vệ nữ ngún lửa
trên sàn những chúc tụng đầu năm
những kẻ thủ ác bắt đầu bày tiệc
bằng phong vị riêng của các nhà giam
mọi người như vừa được tuyên bố. đã tự trói cột mình
tự va đầu vào các nhục hình
để tìm lấy cái chết
 
tôi điên đảo vô chừng
manh nha mọc những hàng cây
trong mảnh linh hồn vốn đã teo tóp dần
một mảnh bám đầy bụi
rêu xanh chỉ là dung nhan bên ngoài lớp vỏ xù xì
2 giờ mỗi sáng sớm. tôi bật dậy như lò xo tự động
ngồi xếp lại. từng mẩu vụn hình hài mình
như kẻ vô tâm chỉ ngồi lắp ghép nhân thân tên vô tích sự
chờ. nghe ấm nước reo.
 
những đường nứt của vỏ địa cầu ở California
hay những nơi khác trên thế giới đã sẵn sàng giáng hoạ
những ngọn sóng thần sẽ vồ chụp
tận nóc các toà cao ốc
nhớ đến biển. không sao quên được
lũ cá cụt đầu trôi giạt vào bờ
lúc ánh đèn biển đã soi đến tận chỗ mình
chẳng lẽ thế giới này thật ra đang bắt đầu khuyết tật?
 
thôi. trôi đi
những đám mây rất ướt
 
 
 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

‘Em bé Hà Nội’ngày ấy - bây giờ



Đã hơn 40 năm bộ phim “Em bé Hà Nội” ra đời và NSND Lan Hương đã ngoài 50 tuổi nhưng khán giả vẫn yêu mến gọi chị là “em bé Hà Nội”.
Khi được đạo diễn- NSND Hải Ninh chọn vào vai diễn Ngọc Hà trong bộ phim “Em bé Hà Nội”, lúc ấy Lan Hương mới 10 tuổi, bản thân chị không bao giờ có thể tưởng tượng được, cho đến tận bây giờ khi đã trở thành bà ngoại, chị vẫn được khán giả yêu mến gọi tên là “Em bé Hà Nội”.
‘em be ha noi’ngay ay - bay gio hinh 0
10 tuổi, NSND Lan Hương vào vai Ngọc Hà trong phim "Em bé Hà Nội"
Bộ phim “Em bé Hà Nội” bấm máy mùa hè năm 1973, nửa năm sau trận Điện Biên Phủ trên không, nửa năm sau khi B52 của Mỹ oanh tạc phố phường Hà Nội. Phim xoay quanh câu chuyện của em bé Ngọc Hà, sau một trận ném bom ác liệt mùa đông năm 1972, Ngọc Hà thất lạc gia đình, cô bé đi tìm bố mẹ, em gái giữa khung cảnh đổ nát, hoang tàn của Hà Nội. 
Câu chuyện đã khiến hàng triệu trái tim khán giả nghẹn ngào trong suốt hơn 40 năm qua. Em bé Hà Nội được đánh giá là bộ phim tái hiện thành công nhất, xúc động nhất hình  ảnh thủ đô Hà Nội sau cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử.
NSND Lan Hương cho biết khi vào vai Ngọc Hà trong “Em bé Hà Nội”, chị đã diễn bằng tất cả sự sợ hãi vốn có. “Tháng 12/1972, khi Mỹ đưa B52 ném bom Hà Nội, khi ấy tôi 9 tuổi sống cùng ông bà ngoại ở phố Hoàng Hoa Thám. Tôi không biết ký ức về những ngày ấy trong trí nhớ của những đứa trẻ 9 tuổi khác như thế nào, nhưng trong ký ức của tôi đó là nỗi sợ hãi kinh hoàng.
‘em be ha noi’ngay ay - bay gio hinh 1
Một cảnh trong phim "Em bé Hà Nội".
Tôi còn nhớ đêm đầu tiên Mỹ ném bom, rất bất ngờ, cả nhà tôi chỉ kịp nhìn thấy mưa bom, chớp giật ầm ầm, sau đó là tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng gào vang lên từ khắp các phố. Gia đình tôi cuống cuồng lao ra hầm trú ẩn cá nhân. Sáng sớm hôm sau, gia đình tôi sơ tán về Bình Đà, Hà Đông. Thành phố hoang tàn, đổ nát. Khắp nơi là tiếng khóc than. Là nỗi kinh hoàng”.
NSND Lan Hương vẫn còn nhớ rất rõ, “Gia đình bà ngoại tôi có 9 người con, chết mất 7 người, chỉ còn lại mẹ tôi và một người bác ruột”.
‘em be ha noi’ngay ay - bay gio hinh 2
Hiện tại NSND Lan Hương đang chung sống cùng người chồng thứ hai là đạo diễn Tất Bình.
Đến bây giờ, hơn 40 năm đã trôi qua, nhìn lại vai diễn của mình, NSND Lan Hương chiêm nghiệm: “Có những điều đạo diễn nói, tôi nắm bắt ngay được, và diễn ngay được. Nhưng cũng có những chi tiết, mình chỉ diễn thế thôi, chứ không hiểu hết được ý nghĩa của nó. Và có những cảnh, đã vận vào đời tôi sau này. Ví dụ như cảnh, em bé Ngọc Hà đứng trước cửa hàng thực phẩm và nói với cô cửa hàng, “cô đừng gạch tên mẹ cháu, em cháu”. 
Nhiều người khen cảnh ấy tôi diễn tốt. Nhưng thực sự, tôi chỉ diễn theo lời bác Hải Ninh thôi, tôi chẳng hiểu gì. Tôi còn quá nhỏ để hiểu hết. Tôi không ngờ, câu chuyện ấy đã vận vào cuộc đời tôi sau này…
… Khi con gái tôi 5 tuổi, vợ chồng tôi ly thân (cuộc hôn nhân đầu tiên-PV), con gái ra nước ngoài sống với bố, vì cuộc sống của tôi khi ấy quá nghèo khổ, vất vả. Thời gian đó, chuyện hộ khẩu quản lý rất chặt. Tôi đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để tên con gái tôi vẫn có trong hộ khẩu gia đình đến tận bây giờ. 
Chỉ là cái tên trong cuốn sổ hộ khẩu, nhưng tôi có cảm giác, khi tên con gái còn ở đó, nghĩa là cháu chỉ đi công tác xa đâu đó thôi, và cháu sắp về. Lúc ấy ngồi xem lại Em bé Hà Nội- tôi mới thấm thía cảnh Ngọc Hà khóc và nói với cô cửa hàng thực phẩm, “cô đừng gạch tên mẹ cháu, em cháu”. Gạch tên có nghĩa mẹ đã chết, em đã chết. Còn tên ở đó nghĩa là mẹ và em chỉ đi đâu đó, lạc đâu đó thôi, và sẽ sớm trở về”- NSND Lan Hương xúc động kể.
Hiện tại NSND Lan Hương đang chung sống cùng người chồng thứ hai là đạo diễn Tất Bình. Hai người không có con chung, đó cũng là điều khiến chị hối tiếc nhất trong hơn 20 năm chung sống cùng người đàn ông này.
Ở tuổi ngoài 50, Lan Hương giờ không bon chen nữa, chị ít xuất hiện trên phim, không đóng kịch. Hàng ngày, 5h sáng chị thức dậy và lên điện thờ để tụng kinh niệm Phật. Lan Hương quan niệm, thờ cúng ở tâm mình nên chị tự thờ cúng ở nhà theo cách của mình.
Ít ai biết rằng, Lan Hương sau ánh đèn sân khấu còn là người yêu thích hội họa. Thời gian rảnh rỗi, chị thường lên căn phòng nhỏ trên tầng 4 để ngồi vẽ tranh. Cảm giác đắm chìm trong giá vẽ hàng giờ và có khi là hết đêm với chị thật thanh bình.
Tranh của chị vẽ toàn là những người phụ nữ khỏa thân ở mọi tư thế. Bản thân Lan Hương cũng không biết tại sao mình lại có sở thích như vậy, chỉ biết rằng, chị luôn nhìn thấy ở phụ nữ một cái đẹp lạ thường.
Đã lên chức bà ngoại đã 6 năm nay. Ở tuổi này, Lan Hương chẳng còn mong muốn gì nhiều, chị chỉ mong con người đến với nhau bằng lòng tốt và hãy biết tha thứ cho những lỗi lầm. Đó cũng là cách sống của chị./.
Theo Tiền phong

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Indonesia ngưng dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc



Người lao động
28/01/2016 18:25

(NLĐO) – Năm ngày sau lễ khởi công xây dựng dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung, chính phủ Indonesia quyết định tạm ngưng hợp đồng do phía Công ty phát triển đường sắt của Trung Quốc không nộp đủ các giấy tờ cần thiết.

Indonesia - Trung Quốc “đánh bạc” với dự án đường sắt cao tốc 5,5 tỉ USD

Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia Ignasius Jonan hôm 26-1 xác nhận ông đã từ chối cấp phép xây dựng cho nhà thầu Công ty phát triển đường sắt PT Kereta Cepat Indonesia China (KCIC) vì không nộp đủ giấy tờ liên quan đến dự án nói trên. Hai bên đang tiếp tục thảo luận về một số vấn đề vướng mắc để đảm bảo dự án không trở thành gánh nặng đối với Jakarta.


Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) tham dự lễ khởi công xây dựng 
dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung hôm 21-1. Ảnh: AP

Trong số các điều khoản đang được bàn thảo, Bộ Giao thông vận tải Indonesia yêu cầu KCIC khôi phục nguyên trạng khu vực thi công nếu dự án bị hủy bỏ vì bất cứ lý do nào. Bộ trưởng Jonan cho biết ông không muốn lặp lại sự cố xây dựng đường sắt ở Jakarta năm 2004 do bất đồng giữa chính quyền thành phố và nhà thầu PT Jakarta Monorail.


KCIC được cho là không thực hiện ít nhất 15 yêu cầu đối với dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung, bao gồm việc giải trình kế hoạch kinh doanh, bảo lãnh vốn vay 5% tổng mức đầu tư của dự án và ra “yêu sách” cấp phép để dịch vụ đường sắt hoạt động trước khi ban hành giấy phép khởi công xây dựng. Thậm chí, công ty này còn nộp rất nhiều tài liệu bằng tiếng Hoa cho đối tác.

Theo ông Jonan, dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung được nhượng quyền cho KCIC trong vòng 50 năm. Sau thời hạn này, công ty phải bàn giao lại cho chính phủ Indonesia quản lý, trả hết nợ và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

KCIC cho đến nay đã nhận được giấy phép theo dõi lộ trình, giấy phép của công ty vận tải đường sắt, bản phân tích tác động đối với môi trường và giấy phép sử dụng đất có thu phí đường bộ. Tổng chi phí dự án ước tính 5,5 tỉ USD, trong đó Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cho vay 75%. KCIC cho biết họ phải mua ít nhất 600 ha đất để phục vụ dự án.

Tuyến đường sắt, kết nối thủ đô Jakarta và TP Bandung, tỉnh Tây Java, dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2009. Trước đó, ngày 21-1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tham dự lễ khởi công xây dựng bất chấp các thủ tục giấy tờ chưa hoàn tất.

P.Nghĩa (Theo China Post)

___________

Phần nhận xét hiển thị trên trang

5 nguy cơ mất nước!


“5 nguy cơ mất nước gồm:
Một là sĩ phu thức giả ngoảnh mặt đi trước thời cuộc.
Hai là xã tắc tham nhũng tràn lan.
Ba là binh kiêu ngạo, tướng thoái hóa.
Bốn là học trò không kính trọng thầy giáo. 
Năm là trẻ con khinh thường người già”.
(Lê Quý Đôn từng khuyến cáo triều đình như thế).
Cứ nghĩ mãi nước mình còn thiếu điều gì? Cứ nghĩ mãi nước mình đã đủ cả chưa? Rồi... lo lắng và hoang mang.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vân Dung: 'Suốt 13 năm, các Táo chưa một lần cãi vã'



Nhi quỳnh 

"Với người khác điều đó rất khó, nhưng chúng tôi như anh em 'trên bến dưới thuyền' quá hiểu nhau rồi".




Gặp nghệ sĩ Vân Dung ngày cuối năm quả là khó như đếm lá trên cây mùa đông.
Lịch làm việc của chị kín từ sáng đến tận đêm khuya, vừa phải hoàn thành công việc tại Nhà hát tuổi trẻ, vừa phải tập Táo quân lúc tối muộn.
Dẫu vậy, thần thái trên gương mặt của Vân Dung vẫn trẻ trung, tươi sắc như cô gái đôi mươi.
Được trò chuyện cùng chị về công việc bận rộn ngày cuối năm của một “Táo quân”, càng thấy trân trọng hơn từng sản phẩm nghệ thuật người nghệ sĩ mang đến cho khán giả.
Đó là thành quả của những ngày tháng lao động thấm đẫm mồ hôi và trăn trở với nghề không phải ai cũng biết.

Nghệ sĩ hài Vân Dung gấp rút chuẩn bị ghi hình cho Gặp nhau cuối năm - Táo quân năm Bính Thân
Nghệ sĩ hài Vân Dung gấp rút chuẩn bị ghi hình cho Gặp nhau cuối năm - Táo quân năm Bính Thân
13 năm, các Táo chưa một lần cãi vã
- Trong các vai diễn Táo quân của mình, chị thích vai nào nhất?
Từ trước tới nay tôi vẫn thích vai Táo Y Tế nhất khi được phân công đảm nhận nhân vật này. Vai diễn nào trong Táo quân cũng có cái khó của riêng nó. Nam Tào, Bắc Đẩu còn khó nhiều hơn.
Cái khó nhất là phải luôn đổi mới trong từng năm để mang đến điều hấp dẫn nhất cho khán giả. Kịch bản Táo quân tối kỵ việc lặp lại nội dung cũ.
- Các nghệ sĩ như chị phải ứng phó với việc thay đổi kịch bản của Táo quân ra sao?
Thực ra kịch bản luôn là yếu tố xương sống cốt lõi và chúng tôi cần tìm tòi cái mới để đắp thêm “da thịt” vào. Để làm điều đó, toàn bộ ê-kíp từ đạo diễn đến diễn viên đều vắt óc suy nghĩ để vai diễn thêm sinh động.
Kịch bản Táo quân thay đổi cứ 30 phút một lần hoặc 1 tiếng một lần là chuyện bình thường. Lúc nào cũng cần thêm 2 hay 3 nhân sự để đánh máy tại chỗ những chi tiết được sửa.
May mắn đội ngũ làm Táo ai cũng có trí nhớ tốt và nhanh nhạy nên nắm bắt kịch bản rất nhanh.
- Chị đã phải đảm bảo sức khỏe của mình theo phương pháp gì để đáp ứng được lịch tập và diễn Táo quân?
13 năm gắn bó với Táo quân là một chặng đường không hề ngắn. Đôi lúc chúng tôi cũng thấy mệt, sức khỏe nhiều khi không cho phép.
Có người đã 40 tuổi, có người hơn 50 tuổi nhưng nhiều khi phải thức đêm tập đến gần sáng vì ban ngày ai cũng phải hoàn thành công việc của mình.
Nhưng dù mệt vẫn phải cố, vì khán giả đang rất mong chờ Táo quân.

Các nghệ sĩ ăn mì tôm tập luyện Táo quân
Các nghệ sĩ ăn mì tôm tập luyện Táo quân
- Đã có 13 năm gắn bó với các nghệ sĩ trong chương trình "Gặp nhau cuối năm", chị đánh giá như thế nào về những bạn diễn cùng mình?
Các Táo trong ê-kíp Táo quân, đặc biệt là Nam Tào, Bắc Đẩu và Ngọc Hoàng là những người rất thông minh, tự tin, nhiệt tình và sống rất tình cảm.
Ai cũng là người giỏi nhưng cái tôi của họ không quá lớn, họ rất khiêm tốn và nhường nhịn, đặc biệt với phụ nữ.
Tôi đánh giá cao những người anh em trong Gặp nhau cuối năm. Phải sống yêu thương và nhường nhau thì các Táo mới có thể làm việc cùng nhau đến 13 năm – quãng thời gian đủ dài cho một em bé lớn lên.
Trong từng ấy năm, chúng tôi chưa một lần giận dỗi hay cãi vã.
Với người khác điều đó có thể rất khó nhưng ê-kíp Táo quân lại coi như chuyện đơn giản thường ngày, vì chúng tôi như anh em “trên bến dưới thuyền” đã quá hiểu nhau.
- Là phận nữ trong cả ê-kíp các “Táo ông”, kỷ niệm nào chị nhớ nhất khi được các đàn anh nhường nhịn?
Kỷ niệm thì nhiều lắm, có khi được mọi người nhường hết phần ngon, có khi tất cả đang đi ăn, không thấy tôi có mặt là 5, 7 cú điện thoại liên tiếp hỏi xem tôi “đang ở đâu, mau đến ngay đi”.
Hay khi tôi bị ốm ai cũng gọi điện hỏi thăm, từ anh Thắng, anh Khánh đến bác Long hỏi xem tôi “bị sao, đã đỡ chưa”. Mọi người thường xuyên quan tâm, hỏi han tôi, ai cũng ga lăng và thích… thể hiện.
- Theo chị, vì đâu nghệ sĩ hài Xuân Hinh chưa một lần tham gia Táo quân dù tên tuổi anh ấy khá lớn, phải chăng vì anh không hợp với ê kíp Táo như lời đồn?
Thực ra tập Táo quân vào lúc đêm hôm mà bản thân nghệ sĩ Xuân Hinh rất bận rộn, đặc biệt vào dịp Tết.
Hơn nữa nghệ sĩ Xuân Hinh thường làm đĩa hài Tết nên có thể anh ấy khó sắp xếp để tham gia cùng ê-kíp Táo quân chứ không phải vì không hợp.
Trên sân khấu, tôi và anh Xuân Hinh vẫn thường diễn cùng nhau rất tung hứng vì cả hai phối hợp khá ăn ý.
Khi đi lưu diễn, tôi không đòi hỏi khách sạn 5 sao hay 4 sao

Vân Dung trong hậu trường một buổi tập kịch
Vân Dung trong hậu trường một buổi tập kịch
- Chị và các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam gặp những khó khăn gì trong những chuyến lưu diễn nước ngoài?
Các nghệ sĩ Việt khi đi lưu diễn nước ngoài rất vất vả vì không có thời gian mà vẫn phải xoay sở một “núi” công việc, vừa phải quay gala vừa phải tập để diễn, chưa kể đến chuyện di chuyển hàng nghìn cây số.
Chúng tôi phải tận dụng thời gian cả ngày lẫn đêm.
- Khá nhiều ca sĩ người Việt từng phải chịu khổ khi đi lưu diễn nước ngoài, còn các nghệ sĩ hài thì sao?
Có lẽ chúng tôi có một phần may mắn vì trước khi đi lưu diễn, tất cả mọi thứ cần phải ràng buộc với nhau trên giấy tờ. Khi được mời đi nước ngoài, tôi không đưa ra đòi hỏi gì quá đáng với đối tác.
Tôi không cần khách sạn phải 5 sao hay 4 sao, nhưng cũng không muốn phải làm phiền ở nhờ nhà một người Việt nào bên đó.
Còn về chuyện ăn uống, tôi xin phép đoàn cho tôi được ăn cơm Việt vì bản thân không ăn được đồ Tây. Cả hai phía, mình và đối tác mời lưu diễn cần phải tôn trọng lẫn nhau.
- Bí quyết diễn hài "diễn như không diễn" của chị là gì?
Thực ra nói bí quyết thì không hẳn, chỉ đơn giản mình chịu khó học hỏi, biết ngó trước ngó sau một chút, quan sát mọi người trong cuộc sống để tích góp trở thành vốn để mình diễn.
Mỗi con người có một lối sống riêng, cách thể hiện riêng nên đó chính là kho tàng không bao giờ cạn kiệt giúp tôi có được phong cách diễn mới mẻ.
- Vai diễn nào chị rất muốn thể hiện nhưng chưa có dịp trải nghiệm?
Hầu như tuýp nhân vật nào tôi cũng từng trải qua, khó tính có, dễ tính có, trung niên hay trẻ trung, già cả cũng đều có, cả ngô nghê cũng có. Có lẽ vai sát thủ lạnh lùng là chưa từng “kinh qua”.
Không biết mình có làm được hay không nhưng cứ tưởng tượng ra thế đi. Có lúc xem phim hành động, tôi cũng hay thử nghĩ xem nếu mình đóng vai đó, khán giả có thấy hay không hay là tôi lại phì cười.
- Khi công việc bận rộn, chị nhận được hỗ trợ nào từ phía gia đình?
Ông bà giúp tôi rất nhiều trong việc đưa đón cháu đi học vì tôi quá bận. Tôi cũng không có ý định hướng cho con theo nghiệp của mẹ. Khi con đã lớn, con sẽ là người tự mình quyết định, đam mê và theo đuổi điều gì.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

...hội chứng “củ khoai tây”


Liệu TBT và những đồng chí của ông có quyết liệt tận cùng, “chinh chiến” với hội chứng “củ khoai tây”, phát triển đất nước bằng chính những cải cách mang tính sinh tử, sống còn?
Hà Nội và những tỉnh miền núi phía bắc, miền Trung những ngày này, chưa bao giờ gặp phải những cơn mưa rét giá lạnh thấu xương. Thậm chí, lần đầu tiên băng tuyết phủ trắng xóa một số vùng cao. Hàng trăm trâu bò ngã quỵ, chết rét. Còn trẻ em miền núi nhiều nơi chỉ phong phanh tấm áo mỏng, thật xót đau. Dù không ít đoàn từ thiện đã nhanh chóng chuyển gạo, áo ấm chia sẻ cho người dân vùng khó khăn.
Người già và cuộc cờ “05 cầm”
Tổng Bí thư, Đại hội Đảng XII, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung, Chính phủ
Đại hội Đảng lần thứ XII. Ảnh minh họa: VietnamNet
Vậy mà xem ra, cơn giá lạnh của tạo hóa vẫn không thể làm giảm bớt “sức nóng” quan tâm sự kiện chính trị lớn nhất của năm mới 2016- Đại hội Đảng XII. Tin tức nhân sự cấp cao là điểm đỉnh của mối quan tâm, liên tục được cập nhật trên các trang báo, mạng XH. Hàng trăm bài báo, ý kiến trong nước, nước ngoài phân tích tình hình, đoán già đoán non về đội ngũ sẽ cầm cương nảy mực của quốc gia. Có gì lạ đâu. Quốc gia nào cũng vậy. Xưa nay, người dân luôn nhìn vào tài năng, trí tuệ, bản lĩnh của những người lãnh đạo đứng đầu sóng ngọn gió.
Mà nước Việt can trường và khổ đau, nội lực còn nhiều yếu kém sẽ “ra gió” thế nào trên hành trình hội nhập để phát triển?
Cuối cùng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã xuất hiện- ông Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí thư ĐCSVN đã tái đắc cử.
Ông không phải là gương mặt xa lạ với chính trường VN. “Trận mạc” của ông trước khi dấn thân vào hoạt động chính trị, từ cơ sở, là lĩnh vực nghiên cứu, lý luận xây dựng Đảng. Năm qua đi tháng qua đi, ông dấn thân vào công tác quản lý, trưởng thành với một bề dày vị thế hiếm có- Ủy viên BCH TƯ Đảng (khóa VII, VIII, IX, X, XI), Ủy viên Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng (khóa VIII, IX, X, XI). Và là Tổng Bí thư ĐCSVN khóa XI.
Chính vì thế, khi thông tin về các nhân sự cấp cao còn chưa ngã ngũ, báo chí nước Việt đã có nhiều bài viết như nói hộ lòng dân đang nhức nhối cùng kỳ vọng, vào sự thay đổi tươi sáng hơn diện mạo XH trước những cơn sóng cả Biển Đông, sự đục khoét của giặc nội xâm, lợi ích nhóm, lo lắng cho sự hưng vong của quốc gia.
Một luật sư Lê Đức Tiết (Ủy ban Trung ương MTTQ VN) cho rằng TBT phải có những phẩm chất đặc biệt. Theo ông, tri thức có nhiều bao nhiêu, đạo đức có tốt bao nhiêu nhưng nếu không biết tạo ra thời cơ, nắm bắt thời cơ thì chưa đủ. Nghệ thuật người lãnh đạo là tạothời cơ và nắm bắt thời cơ (VietNamNet, ngày 27/1)
Tổng Bí thư, Đại hội Đảng XII, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung, Chính phủ
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VietnamNet.
Nắm bắt thời cơ có thể coi là “bí kíp” làm nên và xoay chuyển, thay đổi vận mệnh một dân tộc. Và với nước Việt, TPP sắp tới, vừa là thử thách những cũng là một thời cơ lớn để nước Việt chuyển mình theo nhịp độ phát triển của thời đại? Một Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu IV, người vào sinh ra tử nhiều chiến trận, nhắn gửi: Phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ chủ quyền của dân tộc, nhất là biển đảo. Biển Đông là vấn đề sống còn của cả dân tộc. (VietNamNet, ngày 25/1).
Cũng như luật sư Lê Đức Tiết, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vô cùng day dứt về quốc nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, khi ông cho rằng: Đảng phải kiên quyết đấu tranh loại trừ bằng được những vấn nạn này. Đó là vấn đề bức xúc số một của Đảng, của dân, bởi nó làm suy yếu sức mạnh của Đảng, của quốc gia.
Nhưng người viết bài chú ý và tâm đắc nhất với những bí quyết đầy tính triết lý, sản phẩm của sự nghiên cứu thâm sâu của người xưa trong cuộc cờ chính trị, điều binh khiển tướng, mà TS Nhị Lê, Phó TBT Tạp chí Cộng sản chia sẻ với báo VietTimes trước đó (ngày 18/1)
Theo ông Nhị Lê, bí quyết đó là “05 cầm”: Một là, cầm Đạo. Đạo là đường. Con đường phải đi, nền tảng phải giữ, nguyên tắc phải nắm lấy và phát triển bằng mọi giá. Hai là,cầm Cương. Ba là, cầm Tướng. Bốn là cầm Tâm. Năm là, cầm Thời. Đây chính là tầm nhìn thời cuộc. Khả năng tiên liệu thời thế, tầm nhìn chiến lược.
Còn theo người viết bài, tất cả những gửi gắm, đòi hỏi và kỳ vọng vào những giải pháp của người đứng đầu Đảng ta, những người lãnh đạo cao cấp, chỉ đòi hỏi họ hai điều: 1- Cần có tư duy trẻ, để hiểu thời thế, vận mệnh đất nước, hiểu thời đại và những quy luật thực tiễn. 2- Biết hành động thông minh, khôn ngoan, quyết đoán. Trước những nguy cơ lớn, mà ông Nhị Lê- Phó TBT Tạp chí CS đã nhìn nhận- hội chứng “củ khoai tây”:
Đó là, bề ngoài tưởng một khối thống nhất, nhưng bên trong thì năm bè, bảy mảng. Một số tổ chức đảng là tập hợp những “củ khoai tây” trong cái bao tải. Cắt cái dây một cái là nó bung ra mỗi củ khoai tây lăn một góc. Các tổ chức chi bộ đảng có nguy cơ thành hàng ngàn những “bao tải khoai tây”.
Còn gì đáng sợ hơn sức mạnh … hội chứng “củ khoai tây”?
Liệu nhân dân có thể trông đợi ở ông, và những đồng sự của ông, trong cuộc cờ mới- với giặc nội xâm, lợi ích nhóm- bằng vũ khí, tư duy và năng lực hành động đều rất trẻ, cho dù tóc đã bạc sương?
Trong giờ phút ra mắt quốc dân đồng bào, thay mặt Ban CHTW Đảng khóa XII, ông nhấn mạnh thông điệp của tập thể lãnh đạo Đảng gửi tới cả dân tộc, gói gọn trong mấy chữ:Gần dân, trọng dân, vì dân, nói đi đôi với làm.
Người trẻ và chân lý ở… thực tiễn
Ngược với hình ảnh TBT Đảng CS là một người “tái đắc cử”, tóc bạc trắng, có hai đại biểu lần đầu được bầu đều trúng cử với “số phiếu bầu ấn tượng”, theo bình luận của VietNamNet, ngày 26/1, trở thành UVTƯ chính thức khóa này, đều rất trẻ, cũng đồng thời là Bí thư Tỉnh ủy/ Thành ủy trẻ nhất nước khi nhậm chức. Họ đều đã từng nổi tiếng khi được bổ nhiệm. Đó là Nguyễn Thanh Nghị (sinh năm 1976), Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang và Nguyễn Xuân Anh (cũng sinh năm 1976) Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Với một nền chính trị VN lâu nay thường do người có tuổi “cầm chịch” thì hiện tượng hai ĐB này quả khiến dư luận XH nổi như… cồn. Nhưng ngoài lẽ trẻ già, dư luận xôn xao bàn tán còn do nhân thân họ khá “đặc biệt”.
Bởi lẽ Nguyễn Thanh Nghị là con trai trưởng của người đứng đầu Chính phủ, là TSKH ngành Kỹ thuật Xây dựng (ĐH George Washington, Mỹ), nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc TP HCM. Rồi Thứ trưởng Bộ Xây dựng khi mới 35 tuổi và là thứ trưởng đương nhiệm trẻ nhất VN. Trở thành UV dự khuyết tại ĐH Đảng XI, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, rồi trở thành Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015-2020).
Còn Nguyễn Xuân Anh là con trai trưởng của người từng là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ, là tiến sĩ Quản trị Kinh doanh, từng là phóng viên công tác tại báo Thanh niên trước khi trở thành UV dự khuyết TƯ Đảng, UV Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2015-2020).
Phải công bằng mà nói rằng, cho dù cả hai đều cho rằng, nhờ truyền thống gia đình và nỗ lực bản thân, cho dù mọi việc đề cử, bổ nhiệm đều “đúng quy trình”, thì việc tiến quá nhanh trên con đường hoạn lộ cũng buộc họ, những người trẻ tuổi giữ những chức vụ quan trọng của quốc gia phải đối mặt với những áp lực dư luận hoài nghi đa chiều, không đơn giản.
Nhưng cũng phải công bằng mà nói, họ- hơn hẳn thế hệ cha chú họ ở trình độ, học vấn đào tạo bài bản. Mặt khác, họ có “bàn đạp” gia đình, và kinh nghiệm hoạt động chính trị “cha truyền con nối”, lại tiếp cận nhanh chóng công nghệ thông tin, thông tin đa chiều của thời hội nhập. Điều đó rất có thể giúp họ sớm trưởng thành, có tư duy già dặn, bản lĩnh chính trường trong việc xử lý các tình huống nảy sinh từ thực tiễn.
Chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: Đất nước những năm tháng thật buồn, hàm chứa nỗi đời nhức nhối của nhà thơ, đồng thời còn là UV Bộ Chính trị Ban CHTW ĐCSVN khoá IX; ĐBQH khóa X, cựu Bộ trưởng Văn hóa. Liệu sự nhức nhối đó sẽ được những nhân sự cấp cao, những lãnh đạo già, trẻ khóa này “hóa giải” ra sao, trước hội chứng “củ khoai tây”, trước quốc nạn tham nhũng, lợi ích nhóm phổ biến?
Nhất là thời cuộc này, người dân chỉ tin và kiểm chứng cái tài cái đức của người lãnh đạo ở thực tiễn. Bởi chân lý không ở lời nói hay, nói giỏi, mà là ở thực tiễn. Sẽ chỉ tin, khi các chính sách ban hành hàm chứa Thông điệp của TBT mới đây gửi đi: Gần dân, trọng dân, vì dânnói đi đôi với làm, biến thành thực tiễn đời sống.
Đổi mới là sống còn
Tại ĐH Đảng XII, có một tham luận gây chấn động dư luận XH, làm dấy lên rất nhiều lời bàn tán của các trang mạng. Đó là tham luận của ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư.
Ông là người từng có những phát ngôn rất ấn tượng, thẳng thắn, như nói hộ nỗi lòng người dân. Và bây giờ, trên bục diễn đàn tại ĐH Đảng XII, trước vận mệnh dân tộc- tiến lên hay chấp nhận mãi mãi tụt hậu- tham luận của ông, thẳng thắn, trung thực, đã được dư luận chia sẻ, ủng hộ. Ông Nguyễn Sinh Hùng, UV Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, người điều hành phiên thảo luận đã nhận xét: Bài phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rất tâm huyết, thẳng thắn, nhìn thẳng vào tình hình đất nước (TT, ngày 22/1).
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách.
Cơ sở của kiến nghị này chính là thực tiễn đất nước qua 30 năm đổi mới, với những hay dở, tốt xấu, khẳng định và khiếm khuyết cùng tồn tại.
Tổng Bí thư, Đại hội Đảng XII, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung, Chính phủ
Ảnh minh họa: Zing.
Thành tựu lớn nhất, là VN đã chuyển được nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, làm thay đổi căn bản cuộc sống của cả đất nước, đưa đất nước phát triển. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể trong hệ thống chính trì gần như không thay đổi
Công tâm mà nói, đây không phải đề xuất gì mới mẻ.
Cũng theo ông Bùi Quang Vinh, cách đây 05 năm, ĐH XI của Đảng, trong chiến lược phát triển kinh tế XH 2011-2015 cũng đã nêu rõ, phải kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới. Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội.
Trong thực tế, đổi mới kinh tế là khá rõ, nhưng đổi mới về thể chế chính trị hầu như chưa làm, công cuộc đổi mới 05 năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả mong muốn.
Như vậy trong thực tế, công cuộc đổi mới của nước Việt mới đi bằng… một chân.
30 năm đổi mới, với các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, là cả thời gian khá dài để họ đưa nền kinh tế của họ từ nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu trở thành nền kinh tế phát triển. Trong khi qua 30 năm đổi mới, nước Việt vẫn còn ở một giai đoạn tuy có những thành tựu nhưng tốc độ vẫn chỉ là “nhúc nhích”.
Những kiến nghị mang nội hàm như của ông Bùi Quang Vinh thật ra đã được đề cập khá nhiều với các cách diễn giải khác nhau, trên báo chí, ở rất nhiều bài viết. Có điều sự hấp dẫn và “trọng lượng” của phát ngôn đó chính là vì ông là một Bộ trưởng, dám nói thẳng trên diễn đàn ĐH Đảng những bất cập của một thể chế quản lý, mang tính ràng buộc trách nhiệm rất cụ thể.
Hội chứng “củ khoai tây” và “lợi ích nhóm”
Mặt khác, ngay cả trong những thành tựu kinh tế, cũng đã có những chuyển dịch chi phối đáng suy ngẫm. Người viết bài chú ý đến nhìn nhận của Ts Vũ Thành Tự Anh-  Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), tại Tọa đàm Mùa xuân do báo Người Đô thị tổ chức gần đây, khi ông cho rằng:
Nếu như trước năm 1986 và cho đến thập niên 1990, những quyết sách của các nhà lãnh đạo đất nước có thể đúng hoặc sai, nhưng thường không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân hay phe cánh, trái lại đều xuất phát từ thái độ chân thành. Bằng sự chính trực ấy, những sai lầm của nền kinh tế tích tụ trong một thập niên kể từ 1975 được thế hệ lãnh đạo sửa sai với tinh thần cầu thị.
Đấy cũng chính là điều khác biệt cơ bản so với những năm gần đây.
Không có được ý chí sửa sai ấy, nền kinh tế bắt đầu bộc lộ hàng loạt trục trặc từ 2008. Hô hào tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách DNNN, khu vực ngân hàng, đầu tư công… thực ra chỉ có tính hình thức, là cách “mua thời gian”, đẩy những trục trặc về tương lai.
Đó là gì, nếu không phải là diện mạo của lợi ích nhóm? Mà mọi giải pháp đổi mới để tháo gỡ những khiếm khuyết của thể chế quản lý, không thể không tính đến yếu tố này, như một vật cản khủng trên hành trình phát triển của quốc gia.
Nếu như chống tham nhũng đã khó, thì chống hiện tượng lợi ích nhóm (tiêu cực) còn khó hơn, và nhiều khi là không tưởng. Vì nó nguy hiểm ở chỗ rất ảo, tuy lợi ích rất thật. Ở góc độ nào đó, lợi ích nhóm cũng là hội chứng… “củ khoai tây”.
Và vì vậy, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã đưa ra được những giải pháp mang tính nguyên lý, căn cốt lâu dài. Đó là xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại, nền kinh tế thị trường đầy đủ, xã hội dân chủ, phát triển, thịnh vương cao. Thúc đẩy hiện đại hoá nền kinh tế, song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân. Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm. Bảo đảm công bằng xã hội cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy xã hội trung lưu phát triển…
Thì người viết tâm đắc với những giải pháp trước mắt, cụ thể nhưng cực kỳ cấp thiết. Vì chỉ có thế, mới góp phần tạo ra sức mạnh nội lực một quốc gia.
Đó là xóa bỏ tư duy và cơ chế xin- cho, đặc biệt trong khu vực kinh tế nhà nước, tạo môi trường kinh doanh công bằng lành mạnh, theo đúng nghĩa- kinh tế thị trường “đầy đủ”. Nhất là nay mai, thềm nhà có… TPP. 
Là thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự độc đoán, chuyên quyền. Kiểm soát quyền lực không gì hữu hiệu bằng mở rộng dân chủ, lắng nghe sự phản biện, kết hợp với cải cách tư pháp.
Liệu TBT và những đồng chí của ông có quyết liệt tận cùng, “chinh chiến” với hội chứng “củ khoai tây”, phát triển đất nước bằng chính những cải cách mang tính sinh tử, sống còn?
Kỳ Duyên
Nguồn:http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/287333/tong-bi-thu-va-hoi-chung-cu-khoai-tay.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

PGS Trần Lâm Biền: Đừng nôn nóng đề cử hầu đồng là di sản thế giới





(TT&VH) - Tôi không tán thành ý tưởng đệ trình hầu đồng lên UNESCO để hi vọng được xếp hạng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể, ít ra là trong lúc này. Chúng ta chưa hề có một quá trình nghiên cứu và tìm hiểu cặn kẽ về hiện tượng này, trong khi hầu đồng hiện tại đã biến đổi quá nhiều so với bản chất thật của nó - PGS Trần Lâm Biền, Cục Di sản Văn hóa, khẳng định. Điều đáng nói, dù phản đối ý tưởng này nhưng ông chính là một trong những người có thâm niên nghiên cứu và bênh vực đạo thờ Mẫu cũng như tục hầu đồng từ nhiều năm nay.
Đồng “tỉnh” thì không có giá trị
PGS Trần Lâm Biền cho biết:
- Thật sự, hầu đồng sẽ rất hay nếu tiếp cận nó như một hiện tượng văn hóatâm linh. Muốn vậy, người ta phải tìm hiểu đầy đủ về đạo thờ Mẫu - “bệ đỡ” của hầu đồng. Đi xa hơn, cần hiểu được một hệ thống rất phức tạp những thần linh, tín ngưỡng, cách tư duy... liên quan tới dòng chảy của trục xương sống ấy. Khái niệm hầu đồng mới được nghiên cứu như một hiện tượng văn hóa từ khoảng 15 năm nay. Nhiều khi, bản thân giới nghiên cứu cũng có những sai lầm và lệch lạc trong việc tìm hiểu về nó. Điển hình là trường hợp liên hoan hầu đồng tại Kiếp Bạc cách đây vài năm, do một cơ quan nghiên cứu tổ chức. Kiếp Bạc là nơi thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo - TT&VH), và có tục lên đồng thật, nhưng đó là dòng Thanh Đồng trừ tà sát quỷ, khác hẳn với hình thức hầu đồng của đạo Mẫu. Vậy mà nơi tổ chức lại bố trí đưa hầu đồng của đạo Mẫu vào điện thờ... 
PGS Trần Lâm Biền
 
* Nhưng về bản chất, sự độc đáo của hầu đồng có xứng đáng để được đệ trình lên UNESCO không, theo ông?
 
- Về hình thức, hầu đồng chỉ có ý nghĩa nếu người hầu đồng thật sự đạt tới trạng thái yoga tinh thần một cách cao siêu. Có nghĩa, khi đó họ sẽ quên hết thực tại và bắt đầu tiếp cận được những bồng bềnh ảo ảnh thực hư, ẩn chứa trong tâm hồn và tư duy con người. Nếu không có điều ấy thì hầu đồng chỉ là một hình thức diễn xướng mà thôi.
Để phân biệt điều ấy, dân gian vẫn gọi vui bằng các khái niệm “đồng tỉnh” và “đồng mê”. Chẳng hạn, cách đây vài chục năm, hầu đồng không được tán thành. Có những con đồng tổ chức hầu đồng “chui” tại nhà, đang say sưa lên đồng nhưng cơ quan kiểm tra bước vào thì vẫn biết bỏ điện thờ chạy té tát. Như vậy là “đồng tỉnh” đấy (cười). Và “đồng tỉnh”, tôi cho rằng không có giá trị.

Hầu đồng đã đi xa khỏi bản chất của nó
* Vậy, ở góc độ diễn xướng, chẳng lẽ hình thức hầu đồng không có giá trị nào ư, theo ông?
- Tôi khẳng định lại, nếu không đạt tới tình trạng vẫn được gọi là “yoga tinh thần” thì hầu đồng chỉ là một buổi diễn xướng đơn thuần. Sự độc đáo nếu có nằm ở việc người hầu đồng trong cùng một vấn đồng lần lượt vào nhiều vai khác nhau... Nhưng chỉ vậy thì không đủ, cái ấy nghệ thuật sân khấu còn làm tốt hơn nhiều.
Theo như tôi biết, hầu đồng nguyên thủy không thay đổi nhiều trang phục theo từng giá đồng như vậy, và việc ban lộc, ban tiền cho người xem cũng chỉ là rất tượng trưng thôi. Còn khi vào đến thành thị hiện nay, hầu đồng nặng về phô trương, hình thức và bị biến tướng đi khá nhiều. 
Hầu đồng. Ảnh có tính chất minh họa
* Ông có thể nói cụ thể hơn?
- Tạm thời, tôi chưa nói tới việc hầu đồng bị lợi dụng vào mục đích mê tín dị đoan. Nhưng, đi vào thành thị, hình thức hầu đồng dần chịu sự chi phối của kinh tế, thương mại khi người ta gắn nó với các yếu tố của đời thường. Chẳng hạn là tâm lý “tốt lễ dễ kêu”, đồ lễ càng đủ đầy, càng nhiều càng tốt. Làm như vậy thì hầu đồng đã đi xa khỏi bản chất của nó quá nhiều. Rồi nói thẳng, các buổi hầu đồng hiện nay, “đồng tỉnh” thì nhiều mà “đồng mê” thì ít...
* Vậy quan điểm cuối cùng của ông là...?
- Muốn đệ trình lên UNESCO, chúng ta hãy đệ trình hầu đồng với đầy đủ những độc đáo và bản sắc riêng của nó, chứ không phải là khoe mẽ nhảy múa. Nếu không, đừng mong UNESCO công nhận nó vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể. Nói thẳng, trên thế giới họ đã quan tâm rất nhiều tới văn hóa dân gian, đã từng hiểu thế nào là saman giáo (các hình thức tôn giáo tín ngưỡng có hiện tượng thần linh “nhập” vào con người - PV) , từng hiểu những vấn đề về tâm linh, tín ngưỡng ở những vùng sâu của châu Phi và châu Mỹ Latin. Kiến thức, phương pháp và quá trình nghiên cứu của họ rất đầy đủ, đầy đủ hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta mang nghệ thuật hầu đồng tới, họ sẽ nhìn ngay được phần nào là thật, phần nào là giả trong đó.
Muốn đưa hầu đồng lên UNESCO phải chuẩn bị đầy đủ, phải nghiên cứu cẩn thận và làm bởi nhiều bộ óc lớn, phải có những người thật sự đau đáu đắm chìm với nó, chứ không phải là đơn giản cứ đệ trình lên là xong đâu.
* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Nguyên (thực hiện)

http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/pgs-tran-lam-bien-dung-non-nong-de-cu-hau-dong-la-di-san-the-gioi-n200908010119065.htm


Phần nhận xét hiển thị trên trang