Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

SẼ KHÔNG BAO GIỜ THA THỨ KẺ DÂNG ĐẤT CHO NGOẠI BANG VÀ CHUYỆN ĐÒI NHÂN CHỨNG SỐNG TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH ĐẤT ĐAI VÙNG BIÊN GIỚI


  
Trong bài trước Ba triều đại Lê Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn nối tiếp đòi trả lại đất tại phủ An Tây, Hưng Hóa (- BA TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM THỜI CẬN ĐẠI NỐI TIẾP ĐÒI LẠI VÙNG ĐẤT TẠI 10 CHÂU BỊ MẤT BỞI TRUNG QUỐC) chúng tôi đã nêu lên tổng quát rằng sau khi Hoàng Công Toản chạy trốn sang Vân Nam; bởi y là nhân chứng sống trong việc xác định đất đai vùng biên giới, nên  nhà Lê Trịnh kiên quyết đòi hỏi nhà Thanh giao trả y trở về nước ta. Việc đòi hỏi khá cương quyết, kéo dài trong vòng 4 năm trời [1769-1773].
Nhằm khước từ việc trao trả, vua Càn Long cố gắng dựng lên vở kịch đổi trắng thay đen, trong đó các thư từ nhân danh các Tổng đốc, Tuần phủ nơi biên giới gửi sang nước ta, đều  được Càn Long sai Quân cơ đại thần soạn sẵn. Nội dung vở kịch lớn, do triều đình nhà Thanh dàn dựng sẵn từng chi tiết, nhắm biện minh những điều sau đây:

- Nhà Thanh vẫn tuân theo sự thỏa thuận về việc trao trả tội phạm giữa hai nước.
- Lúc Hoàng Công Toản chạy trốn sang Vân Nam, An Nam không kịp thời báo cho nhà Thanh biết.
- Do đó đại Hoàng đế Càn Long quyết định cho an sáp bọn Hoàng Công Toản tại Trung Quốc, không trả về.

Sau đây là văn bản do Quân cơ đại thần, theo lệnh của vua Càn Long, soạn sẵn cho Tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Thị Nghiêu, để viên này gửi đến vua nhà Lê, biện bạch tại sao nhà Thanh bác bỏ văn thư của nhà vua đòi trả Hoàng Công Toản trở về:

Ngày 5 Nhâm Tuất tháng 7 năm Càn Long thứ 38 [22/8/1773]

Lại dụ:
“ Cứ Lý Thị Nghiêu tâu ‘ Xét duyệt văn thư của Quốc vương An Nam, nội dung viên Quốc vương này tiếp nhận lời bác bỏ của bộ không trả bọn Hoàng Công Toản trở về; miễn cưỡng bảo rằng không dám không tuân, nhưng luận điệu vẫn sai trái khăng khăng, lời lẽ rất vụn vặt đáng ghét; xin dùng ý kiến riêng [của viên Tổng đốc] để ban hịch dụ.’

“ Ðáng nên bác, trong tấu triệp đã phê sẵn. Nhưng ở cõi ngoài viết hịch sợ không đủ nghiêm khắc hợp cách; nên đặc mệnh Quân cơ đại thần nghĩ soạn [bản thảo] rồi tiến trình, để gửi cho viên Tổng đốc phát hành…….. Nay gửi dụ này để hay biết, lại gửi trả lại văn thư của An Nam; cùng gửi kèm bản thảo tờ hịch gửi An Nam do Quân cơ đại thần soạn dùm, như sau:

“ Hịch dụ Quốc vương An Nam hiểu rõ: Xét về vụ án Hoàng Công Toản, qua những văn bản trình hỏi của nước ngươi; Bản bộ đường (1) tra xét đầu đuôi vụ án, do trước đó nước ngươi không báo rõ cho Ðốc bộ đường Vân Quí nên gây sự lầm lỡ; nếu như các ngươi báo trước, thì bắt trở về nào có khó gì! Như vụ tên Bác Tam trốn vào nội địa, hiện đã bắt để đưa trở về; nước ngươi hãy xét lấy sự việc thì rõ. Còn về vụ án Hoàng Công Toản, khi tỉnh Vân Nam đã liệu biện xong từ lâu; nước ngươi mới biết được và gửi văn thư khiếu nại nhiều lần, thì đã lỡ rồi không thể truy trở lại; rồi thư trát đi lại nhiều lời nào có ích gì! Bản bộ đường nghĩ nước ngươi trước đây đem lòng thành thỉnh giáo, nên không ngại trăn trở trình bày; còn như trước sau vẫn chấp mê, nghe không ra ngọn ngành, rồi đòi đưa kèm tấu triệp lúc dâng cống; Bản bộ đường đã tùy lúc ngăn trở, bàn sự việc nên theo, và cho biết rằng nếu nước ngươi mạo muội tâu trình, sự việc đem ra bộ bàn sẽ bị bác bỏ.

“ Ngươi, Quốc vương, vẫn cố chấp thiên kiến, sai lầm dâng tấu lên; đại Hoàng đế với tấm lòng rộng như bể, không trách cứ thêm mà cho đưa xuống bộ nghị bàn; nhưng nội vụ đã bị bộ chiếu theo lý mà bác. Có thể thấy được Bản bộ đường lấy lòng thành báo cho biết, ước tính sự việc chính xác không hề vu cáo; ngươi, Quốc vương, cần biết để tỉnh ngộ. Nay bảo rằng nhận được lời bàn của bộ, cẩn thận nghe mệnh, dám đâu không tuân theo; lời nói đó hợp lý. Những vẫn dài dòng thêm những phiền ngôn, múa văn khua bút; đã không thuyết phục được ai,  mà lại làm thêm ghét. Mọi sự do nước ngươi ở nơi hoang dã, không rành thể chế của Thiên triều, nên ngươi có hành động khinh suất như vậy; nhân đó ta có lời khắc thiết chỉ đường. Tại Trung Quốc ta, những lời tâu của các quan, sau khi được bộ nghị bàn và nhận được chiếu chỉ hoặc chuẩn y hoặc bác; tất đều được kính cẩn tuân hành, không dám đem ra biện luận trở lại nữa, vốn kỷ cương nằm trong đó, nhất định không sai chạy. Ngươi, Quốc vương, là nước đời đời được phong, vốn xưng cung thuận, cái đạo thờ nước lớn theo lẽ thường; há lại dùng lời lẽ buông tuồng, có phần sai pháp độ; huống hồ bộ lễ đã dâng sớ đàn hạch rằng viên Quốc vương tấu trái lệ căn bản không hợp; nhưng nghĩ ngươi thường nhật cẩn trọng, nên được khoan thứ miễn nghị, lại được ơn trên chấp nhận cho thi hành. Ngươi Quốc vương đáng phải cảm khích tuân theo, để vĩnh viễn nhận ơn; nếu lại cứ lải nhải thêm lời, tất tự dẫm vào tội lỗi, chắc đó là điều ngươi không muốn. Lệnh trên nghiêm nhặt, không thể mạo phạm; Bản bộ đường thấy được nỗi lòng của ngươi, nên đem điều chính nghĩa ra nói; và đem văn thư ngươi gửi đến bác trả lại. Viên Quốc vương hãy suy nghĩ nghe lời, tuân theo lý, yên phận, khỏi phụ những lời thành thực khuyên răn của Bản bộ đường. Nhân đem lời dụ rõ.” ( Cao Tông Thực Lục quyển 938, trang 17-19)

Trong văn bản nêu trên có nêu vụ nhà Thanh trả lại Bác Tam cho ta, đây chỉ là chiến thuật ‘trả con cá nhỏ’ để ‘bắt con cá lớn’ Hoàng Công Toản; do đó triều đình nhà Thanh tỏ ra rất mẫn cán trong việc trao trả Bác Tam, để cố chứng minh rằng họ đã tuân thủ việc trao trả tội phạm giữa hai nước. Cần lưu ý vụ Bác Tam chỉ là chuyện nhỏ, nhưng chỉ dụ gửi cho Tổng đốc Vân Quí Chương Bảo ra lệnh trả y, đề ngày 13/4/1773, được sử dụng theo độ tối khẩn hỏa tốc 600 (2) dặm 1 ngày, để việc trả lại Bác Tam lại cho An Nam, được thực hiện trước hịch dụ  nhân danh Tổng đốc Lưỡng Quảng nêu tại phần trên, gửi đi vào ngày 22/8/1773. Rõ ràng đây là vở kịch, được soạn để ăn khớp từng chi tiết:

 Ngày 22 tháng 3 năm Càn Long thứ 38 [13/4/1773]

Dụ các Quân cơ đại thần:

“ Bọn Chương Bảo [Tổng đốc Vân Quí] tâu ‘ Người Giao Chỉ tên là Bác Tam có xích mích với viên Thổ mục Nguyễn Ngọc Huân nên bỏ trốn. Bác Tam đem gia quyến trốn vào nội địa, nên bị quân tại đồn trấn bắt được; xin đem Bác Tam cùng gia quyến trả lại nước này để tự họ tra xét.’

“ Việc làm đúng; vụ Bác Tam đã được tra xét rõ. Tại Giang Bang, Giao Chỉ y bị Thổ mục Nguyễn Ngọc Huân sinh sự; nhưng không tiện cho lưu lại nội địa; đáng đem bọn Bác Tam trở về lại nước này gấp để họ điều tra giải quyết. Ðáng theo lệ trước đây đã giải Nguyễn Ngọ Hán, trả về từ Quảng Tây; vẫn truyền hịch cho Ủy viên của viên Quốc vương tiếp nhận tại biên giới. Hãy truyền dụ này với độ khẩn 600 lý [1 ngày], để chuyển cho Chương Bảo, Lý Hồ [Tuần phủ Vân Nam] hay biết. ( Cao Tông Thực Lục quyển 929, trang 13 )

Riêng vụ Hoàng Công Toản thì văn bản ngày 22/8/1773 nêu trên viện cớ rằng lúc y mới trốn sang, An Nam không chịu đòi về; chờ đến khi đại Hoàng đế cho an sáp mới đòi, nên cương quyết không trả. Ðiều này trái với sự thực; ngược dòng thời gian, ngay sau khi Hoàng Công Toản chạy sang Vân Nam, thì vào tháng 10 năm Càn Long thứ 34 [1769] Trấn mục Hưng Hóa Hoàng Ðình Thể đem việc Hoàng Công Toản làm giặc, chạy sang Trung Quốc; nhưng viên Tri Châu Kiến Thủy Trương Nhan Liệt, toa rập với Tri phủ Lâm An Trương Nhược Ðình trả lời rằng trong lãnh thổ Trung Quốc không có tên đó:

Ngày 6 Bính Tý tháng 4 năm Càn Long thứ 36 [19/5/1771]

Dụ các Quân cơ đại thần:

“ Chương Bảo tâu nội dung về văn thư phúc đáp An Nam đòi đưa Hoàng Công Toản trở về. Cứ theo lời bẩm của Trương Nhược Ðình, lúc bấy giờ giữ chức quyền Tri phủ Lâm An cho biết viên quyền Tri châu Kiến Thủy Trương Nhan Liệt trình diện, đưa một văn thư của viên Trấn thủ Hưng Hóa, An Nam, tập nã Hoàng Công Toản. Y cùng viên quyền Tri châu bàn nên phúc đáp những lời rằng trong lãnh thổ nội địa không có tên đó. (Cao Tông Thực Lục quyển 882, trang 9-10)

Qua sử liệu nêu trên, chứng tỏ triều đình nước ta đã làm đúng thủ tục, ngay khi sự việc xẩy ra, đã cho quan lại địa phương Hưng Hóa liên lạc hàng ngang với quan địa phương Trung Quốc tại châu Kiến Thủy để đòi cho được tội phạm Hoàng Công Toản trở về . Sự việc này mặc dù chánh sử Thanh Thực Lục chép đầy đủ, nhưng vua Càn Long coi như không biết, cho rằng lúc Hoàng Công Toản mới chạy sang Trung Quốc, An Nam chưa hề gửi văn thư đòi trả về, nên bảo thuộc hạ A Quế vặn hỏi rằng “Ðã trốn vào nội địa, sao không sớm báo cho quan tại biên giới xin nhờ tầm nã; cớ sao khi nghe tin nội địa an sáp, mới gửi văn thư xin bắt trở về?”:

Ngày 10 Nhâm Ngọ tháng 10 năm Càn Long thứ 35 [26/11/1770]

Quân cơ đại thần bàn rồi tâu:

“ Cứ theo lời tấu của bọn Phó tướng quân A Quế rằng tiếp nhận di văn của Quốc vương An Nam, nhân đó tra biết rằng năm ngoái bọn Hoàng Công Toản mang quyến thuộc đến nội phụ, được ban dụ cho an trí ngoài biên giới. Viên Quốc vương cho biết viên Di mục Hưng Hóa, trong địa phương có trại Mãnh Lại giáp giới với trại Mãnh Thiên thuộc châu Kiến Thủy [Trung Quốc], đem sự việc trình báo; nên mới nêu ra.

“ Nhưng Hoàng Công Toản khốn cùng đến xin qui phụ, đã được an sáp, viên Quốc vương sao lại được tự tiện hướng về nội địa đòi hỏi. Vả lại nếu bảo bọn Hoàng Công Toản đã mang tội với người nước này; nếu biết rằng đã trốn vào nội địa, sao không sớm báo cho quan tại biên giới xin nhờ tầm nã; cớ sao khi nghe tin nội địa an sáp, mới gửi văn thư xin bắt trở về? Xin ra lệnh bọn A Quế, lập tức gửi văn thư bác trách, mới đúng cách.”

Nhận được chiếu chỉ:

“ Y theo lời bàn thi hành gấp.” ( Cao Tông Thực Lục quyển 870, trang 24-25)

Vua nhà Lê quyết không dừng bước, bèn theo con đường chính thức giao dịch giữa hai nước, gửi thư cho Lý Thị Nghiêu, Tổng đốc tỉnh Lưỡng Quảng,  yêu cầu được gửi Sứ thần sang triều đình nhà Thanh dâng biểu trình bày. Sau khi Tổng đốc Lưỡng Quảng tâu lên, vua Càn Long bèn sai Quân cơ đại thần soạn sẵn thư cho viên Tổng đốc, dùng viên này làm trung gian, khuyên vua nhà Lê đừng tiếp tục tâu lên. Lại đưa ra thủ tục đầy khó khăn rằng nếu dâng biểu lên phải chờ vào kỳ cống, phải soạn biểu văn riêng phụ gửi vào để cho bộ duyệt, cùng hù dọa rằng sự việc đưa lên sẽ bị đại Hoàng đế quở trách:

 Ngày13  Giáp Thân tháng 2 năm Càn Long thứ 36 [28/3/1771]

Dụ các Quân cơ đại thần:

“ Lý Thị Nghiêu tâu rằng ‘Quốc vương An Nam gửi văn kiện liên quan đến văn thư phúc đáp của Chương Bảo [ quyền Tổng đốc Vân Quí] bác việc đòi hỏi Hoàng Công Toản trở về; thanh ngôn rằng sẽ sai Ủy viên dâng bản tâu lên. Hiện đã gửi thư cho tỉnh Vân Nam liệu biện để đợi Chương Bảo  phúc đáp; hoặc dùng ý kiến mình [Lý thị Nghiêu] gửi hịch văn bác bỏ; hoặc gửi dùm viên Quốc vương bản tâu lên. Nay xin được chiếu chỉ cho biết để tuân hành.’

“ Viên Quốc vương đã gửi thư, đáng phải truyền hịch phúc đáp, cũng không cần phải chờ Chương Bảo liệu biện. Nay đã ra lệnh Quân cơ đại thần thay mặt Lý Thị Nghiêu soạn bản cảo (3) tờ hịch, để gửi cho Quốc vương nước này biết. ……:

“ Hịch dụ để Quốc vương An Nam hiểu rõ:

 Tiếp văn thư gửi đến cho biết việc Hoàng Công Toản xin đầu thuận nội địa, Quốc vương đã đòi về, nhưng chưa được đem trở về, và muốn Bản bộ viện  thay mặt chuyển đạt. Nhân tra án này liên quan đến Ðốc bộ viện  Vân Quí lo liệu; đầu đuôi vụ án đều xẩy ra tại tỉnh Vân Nam , Bản bộ viện không thể phân tích sâu đầu đuôi, và cớ sao phải làm phiền Thiên tử  nghe. Nhưng đọc kỹ văn thư gửi đến, thấy rằng nước ngươi lo liệu việc này đầu đuôi không được thỏa đáng. Nếu như người này thuộc loại trốn tránh, thì lúc mới trốn đáng thông tư ngay cho Ðốc bộ viện Vân Quí để ngăn việc lén xâm nhập; thì Hoàng Công Toản không thể mượn cớ xin tá túc, và Ðốc bộ viện Vân Quí không thể cho lưu giữ, và sẽ giúp các ngươi bắt giữ khi bọn chúng còn ẩn náu nơi hoang dã. Ðến khi bọn Hoàng Công Toản đã đầu thuận, Ðốc bộ viện Vân Quí cho rằng nước các ngươi thần phục đã lâu, vốn rất cung thuận; lê dân (4) khốn cùng của nước ngươi cũng là con đỏ (4) của Thiên triều, nên thương sự lưu lạc mà an sáp; đó là ngưỡng theo ơn sâu chiếu cố người xa xôi của Thiên tử, giúp nước các ngươi chiêu tập người cùng khổ.

“Ðến khi viên Quốc vương biết được đã trốn vào nội địa và đã được an sáp, thì chỉ nên trình bày đầu đuôi việc cha con Hoàng Công Thư (5) đắc tội và yêu cầu Ðốc bộ viện Vân Quí điều tra liệu biện; thì tỉnh Vân Nam sẽ điều tra rõ ràng, há lại dung người mang tội tại thuộc quốc. Ngươi trước đây đòi hỏi Ðốc bộ viện Vân Quí để mang bọn chúng về xử trị, sự đòi hỏi thẳng thừng bằng được như vậy, nên không lạ trong đó có những lời trách. Rồi ngươi nhận được tư văn của Ðốc bộ viện Vân Quí, lại có lời phẫn hận,  càng không thận trọng đúng cách. Còn việc bảo sẽ viết bản tâu, rồi sai Ủy viên đệ tấu; nay tra về lệ qui định cho các ngoại Phiên, thì chỉ có kỳ đi cống mới có bản tâu dâng lên trước, mà bản tâu này phải chờ bộ phúc chuẩn mới được đưa lên; ngoài ra các văn án khác đều thuộc loại thông tư mà thôi. Nếu như viên Quốc vương muốn chờ đến lúc cống, dâng văn bản phụ với tấu triệp, Bản bộ đường khó mà ngăn cản; Ðại hoàng đế xem qua rồi sẽ giao cho bộ bàn, bộ sẽ không chấp thuận thi hành [như lời xin]. Nếu không theo thủ tục mà gửi tấu triệp đến biên giới, Bản bộ viện cũng không dám làm trái lệ, để tấu thay. Nhưng Quốc vương nghĩ đến Bản bộ viện là Ðại thần nơi biên giới, đã đem những lời thỉnh cầu, thì không thể không thực tình báo cho biết. Quốc vương từ trước tới nay giữ lễ, đại Hoàng đế quyến luyến gia ơn, nay lại vì thiên kiến, dùng lời quá khích, thấy được thiếu thận trọng. Thảng hoặc điều này Thiên tử nghe được, thì không khỏi bị khiển trách. Còn  về nội dung vụ án này, Bản bộ viện cần gửi cho Ðốc bộ viện Vân Quí lo liệu, ngoài ra phúc đáp trước cho Quốc vương để châm chước liệu biện ỗn thỏa, để không phụ lời khuyên giải của Ðốc bộ viện.”… ( Cao Tông Thực Lục, quyển 878, trang 19-22)      

Dù cho Tổng đốc Lý Thị Nghiêu ngăn cản, vua nhà Lê vẫn kiên quyết xin gửi cống sứ sang để trình bày vụ Hoàng Công Toản. Vua Càn Long không thể không chấp nhận, nhưng chuẩn bị rằng một khi biểu văn đưa lên, thì đưa qua bộ và nội các để họp bàn bác bỏ. Càn Long đọc văn thư của vua Lê, thấy sử dụng những điển cố xác đáng để đả kích như ‘Yêu cầu sửa sang việc chính trị tu sửa giáo hoá’ (Tề chính tu giáo, chính nghị minh đạo) hoặc ‘Nếu không đếm xỉa đến nghĩa lý phải trái…’ (Nhược bất vấn nghĩa lý chi thị phi); nên nghi rằng có người Trung Quốc chạy trốn sang An Nam viết giúp; lời suy luận thực quái gỡ, vì An Nam là nước văn hiến, về đường chữ nghĩa nào phải nhờ đến ai:

Ngày 13 Mậu Thân tháng 3 năm Càn Long thứ 37 [15/4/1772]

Dụ các Quân cơ đại thần:

“ Cứ theo lời tâu của Lý Thị Nghiêu ‘ Quốc vương An Nam cố chấp mê muội đem vụ án Hoàng Công Toản phụ tâu lúc nạp cống., nên không cần phải gửi văn thư phúc đáp.’ Viên Quốc vương cố chấp ý kiến mình, nhất định muốn trình tâu, viên Tổng đốc cho rằng không cần gửi văn thư phúc đáp là đúng. Ðợi tấu triệp của y tới nơi, giao cho bộ bác bỏ; viên Tổng đốc lúc này cũng không cần tranh luận với họ.

Riêng duyệt văn thư của viên Quốc vương, trong đó có những cụm từ như “ tề chính tu giáo, chính nghị minh đạo” ( sửa sang việc chính trị tu sửa giáo hóa, bàn lẽ phải làm sáng đạo) , hoặc như “ nhược bất vấn nghĩa lý chi thị phi” ( nếu không đếm xỉa đến nghĩa lý phải trái) vv…đều thuộc loại cũ kỹ vu khoát không hợp thời, chuyên dùng nhai văn nhả chữ, chắc từ tay tên Hán gian nào đó viết. Biên giới An Nam tiếp giáp với Quảng Tây, dân nội địa qua lại rất tiện; sợ quân gian không tuân pháp luật trốn vào nước này, việc này rất quan hệ. Nay truyền lệnh cho Lý Thị Nghiêu lưu tâm tra xét, thông sức các cửa quan ải, nghiêm mật xét hỏi, nếu gặp người phạm vào việc cấm đoán ra vào, thì tra xét kỹ trị năng tội này.”

Ðem dụ này truyền để hay biết. (Cao Tông Thực Lục quyển 904, trang 32-33)

Qua biện pháp mềm mỏng tranh luận qua văn thư và gửi Sứ giả đến triều đình nhà Thanh phân trần, không có hiệu quả; nhà Lê tỏ ra cương quyết, cho biết sẽ mang quân đến vùng Thập Châu, bắt những người Trung Quốc tại trại đó giải tống sang Trung Quốc, cùng hoạch định lại biên giới:

Ngày 13 Ðinh Mùi tháng 9 năm Càn Long thứ 47 [19/10/1782]                

……‘ Cứ lời trình của viên Quốc vương khai rằng Thập Châu thuộc An Tây  đường sá xa xôi, nhân sau cơn binh lửa, dân nội địa thừa cơ hội trà trộn vượt chiếm nhận đất thuộc Quảng Lăng, Lai Châu đổi tên thành Mãnh Lạt, Mãnh Lại, rồi cho lệ thuộc vào nội địa. Nên đợi đến mùa mát, sai người đến Thập Châu, tìm bắt phạm nhân giải tống sang, điều tra ra vùng đất biên giới chưa rõ ràng đáng được hoạch định lại.’ (Cao Tông Thực Lục quyển 1164, trang 39-41)

Văn thư vừa mới gửi đến cho Tổng đốc Vân Quí Phú Cương, thì mùa thu năm đó chúa Trịnh Sâm mất, nên mọi việc đành bỏ dở.
                                                   *
Mãi cho đến thời Gia Khánh [1804], trong dịp nhà Thanh cho phép những người Việt Nam từng theo vua Lê Chiêu Thống lưu vong trở về nước. Nhân dịp này tại Ô Lỗ Mộc Tề thuộc tỉnh Tân Cương, nơi địa phương bọn Hoàng Công Toản bị an sáp, viên Ðô thống cai quản xứ này gửi văn thư hỏi triều đình nhà Thanh có bằng lòng cho bọn Hoàng Công Toản trở về nước hay không. Vua Gia Khánh gửi chỉ dụ cho biết rằng Nguyễn Ánh [Gia Long] vốn thuộc cựu thần nhà Lê, mà bọn Hoàng Công Toản là cừu địch nhà Lê, xét vì an toàn cho bọn này, nên không cho trở về:

Ngày 6 Nhâm Tuất tháng 8 năm Gia Khánh thứ 9 [9/9/1804]

Lại dụ:

“ Hôm nay Quân cơ đại thần tâu bộ hình chuyển văn thư cho biết căn cứ Ðô thống Ô Lỗ Mộc Tề báo rằng tại địa phương Ðầu Ðồn thuộc xứ này, vào năm Càn Long thứ 36 [1771] an sáp người Di là bọn Hoàng Công Toản, gồm 22 hộ; những người này nên hay không nên chấp thuận cho trở về nước. Qua Quân cơ điều tra rõ, Hoàng Công Toản là hậu duệ họ Mạc, nhân họ Lê diệt Mạc nên đổi họ để trốn, cư trú tại trại Mãnh Thiên. Lại bị An Nam đánh, sức không chống nỗi, đem quyến thuộc hơn 100 người, vào năm Càn Long thứ 34 [1769] khẩn cầu nội phụ. Ðã được cho an sáp gần biên giới; rồi viên Quốc vương nước này xin đưa về để trị tội, nên bi bác và cho an sáp tại Ô Lỗ Mộc Tề.

Những gia đình An Nam này với những người đi theo Lê Duy Kỳ được cho trở về; tình tiết không giống nhau, nên khó có thể liệu biện  cùng một cách. Nay truyền dụ cho viên Ðô thống, nếu như lúc này các hộ thuộc bọn Hoàng Công Toản không xin trở về nước, thì gác lại không cần bàn đến. Nếu bọn y nhân các các hộ theo Lê Duy Kỳ đều được chấp thuận cho trở về nước, rồi lại khẩn cầu xin hồi hương, thì viên Ðô thống cần dụ rằng: Bọn ngươi vốn là cừu địch với họ Lê nên đến đầu thuận nội địa, nhưng hiện tại Nguyễn Phúc Ánh, người được nước, vốn thuộc cựu thần nhà Lê. Ðại Hoàng đế lo rằng các ngươi sau khi trở về nước sẽ không có chỗ nương dựa, nên vì lòng thể tuất không đưa các ngươi giao cho nước này. Các ngươi đáng an cư lạc nghiệp, không nên nghe những điều quấy. Dụ một cách minh bạch như vậy, bọn chúng sẽ cảm khích về sự ban ơn. Ðem dụ này truyền lệnh để hay biết. ( Nhân Tông Thực Lục quyển 133, trang 12-13)

Vua Gia khánh cho rằng Hoàng Công Toản cừu địch với nhà Lê, Nguyễn Phúc Ánh [tức vua Gia Long] thuộc cựu thần nhà Lê, nên cũng không dung cho Hoàng Công Toản. Lập luận này hết sức miễn cưởng, vì qua lịch sử Việt Nam thì họ Nguyễn tại phương Nam và nhà Lê Trịnh phương Bắc phân tranh hàng thế kỷ; vậy họ Nguyễn đâu còn là thần dân nhà Lê! Chỉ có một điều duy nhất mà nội bộ triều đình nhà Thanh biết rõ, là bất cứ triều đại nào tại Việt Nam, hoặc Lê, Nguyễn hay các họ khác, sẽ không bao giờ tha thứ kẻ dâng đất cho ngoại bang, và nếu có được bọn Hoàng Công Toản trong tay, ắt sẽ dùng nó để làm bằng cớ đòi cho bằng được vùng đất bị mất.

HỒ BẠCH THẢO

Chú thích

1.Bản bộ đường, hay Ðốc bộ đường: lời tự xưng của vị quan lớn đứng đầu một cơ quan. Ðốc bộ viện: chỉ viên Tổng đốc và cơ quan dưới quyền
2.Hỏa tốc: thời Thanh Càn Long sử dụng ngựa chạy tiếp sức làm phương tiện truyền tin nhanh, độ tối khẩn hay hỏa tốc là 600 lý [342 km.] 1 ngày; với độ khẩn này, phải thay đổi ngựa chạy tiếp sức suốt ngày đêm.
3.Bản cảo: bản nháp. Bản này do Quân cơ đại thần soạn sẳn để Tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Thị Nghiêu chép lại rồi gửi sang An Nam.
4.Lê dân: dân đen, con đỏ tức xích tử; hai từ này đều chỉ dân thường.
5.Hoàng Công Thư tức Hoàng Công Chất, cha Hoàng Công Toản.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thu nhập bình quân người lao động Việt Nam thua Singapore, Malaysia vài chục lần - Tính "ưu việt" ở đâu?


Thu nhập bình quân người lao động Việt Nam thua Singapore, Malaysia vài chục lần

Phải đến năm 2035 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới có thể đạt hơn 10.000 USD, tức là chỉ tương đương GDP/người của Malaysia hiện nay.

Theo tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD.
GDP bình quân đầu người đi sau vài chục năm
Mặc dù GDP bình quân đầu người đã tăng 57 USD so với năm 2014, song Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988, của Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.
Như vậy, với GDP bình quân đầu người năm 2015 tăng thêm 57 USD, phải đến năm 2035 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới có thể đạt hơn 10.000 USD, tức là chỉ tương đương GDP/người của Malaysia hiện nay.
Đáng chú ý là khoảng cách GDP/người của Việt Nam ngày càng xa so với thế giới. Nếu như năm 1990 khoảng cách GDP/người của Việt Nam so với thế giới là 4.000 USD thì đến nay khoảng cách này đã tăng lên gấp đôi với 8000 USD. GDP/người của Việt Nam tăng lên mức trên 2.109 USD, nhưng GDP/người của thế giới tăng vượt lên mức trên 10.000 USD.
Một trong những nguyên nhân khiến cho GDP/người của Việt Nam thua xa các nước trong khu vực và ngày càng có khoảng cách so với thế giới, đó là nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế và năng suất lao động thấp.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (Ciem), nếu như trước năm 2008 tăng trưởng bình quân là 7,8% mỗi năm thì từ năm 2008 đến nay chỉ tăng 5,9%, tức là chênh lệch tới 2 điểm phần trăm.
“So với các nước trong khu vực, nếu tăng trưởng 5% thì đến năm 2035 GDP của Việt Nam vẫn thua xa Thái Lan. Nếu tăng trên 7% may ra mới đuổi kịp được, còn 5% chắc chắn tụt hậu” - ông Cung nhận định.
Ngoài ra, năng suất lao động chưa được cải thiện, tăng chủ yếu nhờ chuyển dịch lao động cũng là lý do khiến cho GDP bình quân đầu người Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Thu nhập bình quân người lao động cũng thua xa vài chục lần
Theo bà Nguyễn Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp (Tổng cục Thống kê), năng suất lao động của Việt Nam đã tăng qua các năm. Theo đó, năng suất lao động năm 2015 (PV-một trong các cách tính của Tổng cục thống kê về năng suất lao động là GDP/tổng số người làm việc bình quân) là 79,3 triệu đồng, như vậy tương đương 3.657 USD.
Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, thì năng suất lao động của người Việt Nam tăng 6,4% so với năm trước. Tính bình quân 17 năm trở lại, năng suất lao động của toàn xã hội tăng 24 triệu đồng/lao động, tương đương 1.600 USD/lao động/năm.
Tuy nhiên, bà Vân cho rằng mặc dù năng suất lao động tăng nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu so sánh về số tuyệt đối mức tăng năng suất lao động thì khoảng cách ngày càng được thu hẹp, song nếu so sánh về giá trị tuyệt đối, tức là GDP/tổng số người làm việc bình quân, lại có sự chênh lệch lớn.
Cụ thể, nếu tính theo sức mua năm 2005, thì năng suất lao động của Singapore gấp 29,2 lần so với Việt Nam, thì đến năm 2013 khoảng cách này giảm chỉ còn 18 lần. So với Malaysia giảm từ 10,6 lần xuống 6,6 lần; so với Thái Lan khoảng cách năng suất lao động giảm từ 4,6 lần xuống 2,7 lần; Philippines giảm từ 3,1 xuống 1,8 lần.
Tuy nhiên, so với GDP/tổng số người làm việc bình quân thì Việt Nam lại thua xa so với các nước trong khu vực. Theo đó, Singapore tăng từ 62.052 USD năm 1994 lên 92.632 USD; Malaysia tăng từ 21.142 USD lên 30.317 USD; Thái Lan tăng từ 7.922 USD lên 9.311 USD.
Như vậy, mặc dù năng suất lao động của VN trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên giả định VN và một số nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007 - 2012 thì phải đến năm 2038 VN mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.
An Ngọc
Theo Trí thức trẻ
TỪ KHÓA

Giá dầu thấp - "con dao hai lưỡi" đối với kinh tế thế giới

Giá dầu thấp - "con dao hai lưỡi" đối với kinh tế thế giới


Giới chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng giá dầu thấp nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho các công ty năng lượng và những nền kinh tế đang trỗi dậy vốn lệ thuộc nhiều vào dầu thô xuất khẩu.

Dù tăng mấy ngày qua, giá dầu thô vẫn ở dưới ngưỡng 40 USD/thùng và thấp hơn rất nhiều so với mức 110 USD/thùng cách đây 18 tháng.
Giá dầu thấp đã làm lợi cho những nước nhập khẩu dầu và cho người tiêu dùng. Trung bình giá xăng ở Mỹ hiện đã giảm xuống dưới mức 53 xu Mỹ/lít - một "món quà Giáng sinh sớm" cho người lái xe ở Mỹ. Họ từng phải trả 50 USD để đổ đầy bình xăng nhưng bây giờ chỉ khoảng 37 USD. Điều này có nghĩa là một khoản tiền 115 tỷ USD được thêm vào nền kinh tế Mỹ hay một khoản tiền tiết kiệm hàng năm 555 USD cho mỗi người lái xe.
Trong khi đó, theo nhận định của nhà kinh tế C. Fred Bergsten, đối với những nước sản xuất dầu, giá cả sụt giảm là tin xấu. Những nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt như Saudi Arabia đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của mình, và đang bị thâm hụt ngân sách, trong khi Venezuela đang đối phó với tình trạng lạm phát cao và nền kinh tế đình trệ và nước giàu dầu mỏ Azerbaijan buộc phải phá giá đồng tiền của mình, giảm hơn 30% so với đồng USD.
Vì hầu hết nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD, một số người nói rằng giá cả sụt giảm là do tỷ giá hối đoái nhưng nhà phân tích Peter Cardillo của công ty First Standard Financial nói nhu cầu suy yếu và nguồn cung dồi dào là những yếu tố tác động lớn hơn nhiều.
Một số chuyên gia cho rằng giá dầu sẽ không sớm tăng lên trong thời gian tới. Dự báo mới từ cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy giá dầu sẽ giảm nhiều hơn nữa - xuống thấp tới mức 20 USD/thùng vào năm 2016.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mới đây dự báo rằng giá dầu toàn cầu sẽ vào khoảng 70 USD/thùng vào năm 2020 và 95 USD/thùng năm 2040. Tổ chức này cho rằng tình trạng dôi dư dầu hiện nay sẽ tan biến khi nhu cầu gia tăng.
John Demopoulos, một chiến lược gia về thị trường thuộc công ty Argus Media nhận định dự báo của OPEC cũng giống như dự báo thời tiết sẽ ra sao trong bốn năm tới. Ông Demopoulos nói rằng ông không thấy có dấu hiệu nào trước mắt cho thấy giá dầu sẽ tăng đáng kể trong năm 2016./.
Theo Vietnam+

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Đời có người như thế"!- Những dòng cảm động của Vũ Từ Trang..


ÁNH TRĂNG
VÀ NGƯỜI ẨN MÌNH TRONG NGÕ NHỎ
Vũ Từ Trang
Xin nói ngay, không phải tôi viết về tác phẩm “ Ngõ hẻm dưới ánh trăng ” của nhà văn Áo rất nổi tiếng - Xtêfan Xvaig, mà tôi muốn viết về nhà văn Nguyễn Bản, người cùng quê tôi, có truyện ngắn “Ánh trăng” mà tôi yêu thích.
Ông sinh năm 1931. Mồ côi mẹ khi mới sáu tuổi, nhưng ấn tượng về người mẹ rất sâu đậm trong tâm trí ông. Đấy là người mẹ đảm đang, tháo vát. Bà từng đi buôn tơ tầm, biết chút ít tiếng Pháp. Ấy mà cơn bạo bệnh, bắt bà ra đi khi mới hai mươi bảy tuổi. Theo tập tục làng quê vùng phủ Từ Sơn dạo ấy, người bố của ông phải tìm kiếm ngay người phụ nữ về gánh vác tề gia nội trợ thay người vợ vừa quá cố. Bà mẹ kế của ông cũng là người con gái làng Đình Bảng, có ông bố làm bầu gánh hát tuồng. Những năm trước cách mạng, quê tôi rất nhiều gánh hát. Không riêng Đình Bảng, mà bên Đa Hội, Đồng Kỵ, Tấn Bào... thôn nào cũng có mấy gánh hát. Ngày xuân, vùng Kinh Bắc hội hè đình đám liên miên làng này làng kia, các gánh hát thỏa sức đi thi thố, so tài biểu diễn. Bầu gánh hát là những tay chơi, có máu mặt, rộng bang giao và lắm tiền bạc. Ấy nhưng gia đình bà mẹ kế của ông dạo ấy lại đang bị phá tán cơ nghiệp vì gánh hát. Có hiểu qua đời tư của ông, mới rõ thêm vì sao người phụ nữ luôn là hình tượng chủ đạo trong văn ông. Những khuôn mặt, những tính cách, những cảnh đời éo le của bao người phụ nữ trong thôn xóm in hằn trong tâm trí ông. Để rồi sau này, qua các trang viết của ông, họ lại xuất hiện thấm đẫm trong cảm xúc yêu thương.
Những năm tuổi thơ, ông được sống ở quê rất ít. Đang học ở trường quê, năm 1944, gia đình cho ông ra Hà Nội, học ở trường Chu Văn An. Rồi chiến tranh kháng Pháp, ông chuyển lên Thái Nguyên, học trường Lương Ngọc Quyến. Năm 1949, ông về học chuyên khoa toán ở trường Hàn Thuyên, Bắc Ninh. Ngày ấy, ông là học sinh giỏi toán của trường. Nếu đi theo con đường toán học, cuộc đời ông hẳn đã sang một trang khác. Nhưng nghiệp văn chương đã kéo ông đi như một định mệnh. Ông thi vào trường đại học sư phạm văn khoa khóa đầu, tốt nghiệp năm 1956. Người thầy dạy trực tiếp và ảnh hưởng nhiều tới tri thức của ông, là giáo sư có hai bằng tiến sỹ văn và luật bên Pháp về nước, thầy Nguyễn Mạnh Tường. Những bạn học cùng khóa cùng đam mê văn chương, như Cao Xuân Hạo, Cao Huy Đỉnh, Văn Tâm... Mỗi khi nhớ lại thời học đại học, ông luôn thấy đấy là thời tươi trẻ nhất của mình. Nghĩ về thầy Nguyễn Mạnh Tường, ông luôn biết ơn và ông luôn nhớ câu mở đầu mỗi tiết học mà thầy rất tôn trọng học trò “ Thưa các bạn, hôm nay tôi xin trình bày về...”. Ông đã sớm nhận ra, kiến thức là những gì còn lại sau những gì quên đi tất cả.
Sắp tốt nghiệp trường sư phạm văn khoa, cũng là lúc các khuynh hướng sáng tác văn học ngoài xã hội mở ra nhiều hướng. Nhóm Nhân văn giai phẩm ra đời, với các ấn phẩm mới, tác động rất nhiều tới tầng lớp trí thức, nhất là lớp trí thức trẻ như ông. Khóa học Đại học văn khoa cùng ông dạo ấy, có tới một phần ba sinh viên dính líu, liên lụy đến nhân văn giai phẩm. Không biết có phải là số phận, hay là quy luật tất yếu của thời cuộc không; nhưng rõ ràng việc dính líu đến nhân văn giai phẩm, dù chỉ là mê đọc, hoặc cổ xúy trào lưu sáng tác, mà hầu hết số phận của bạn bè cùng lớp ông chịu nhiều lao đao, lận đận. Sau này, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, đã nhìn nhận, đánh giá lại sự kiện nhân văn giai phẩm, thì số phận lớp tri thức trẻ bị ảnh hưởng vòng sóng ngoài của cơn sóng nhân văn giai phẩm dạo đó, cũng được phục hồi danh dự. Họ được thẳng thắn nghĩ suy, lao động sáng tạo theo lý tưởng sáng tác văn học là nhân học, hướng về cái đẹp đích thực, để phục vụ nhân dân cao đẹp hơn. Với năng lực tự thân, với hoài bão trong sáng, đa phần lớp người này, đã tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật đích thực, phụng sự nhân dân và đất nước. Nhà văn Nguyễn Bản, là một trong số các nhà văn điển hình chịu thiệt thòi của thời kỳ đó.
Năm 1956, tốt nghiệp đại học sư phạm, ông được phân công về dạy văn ở trường cấp ba Hàn Thuyên. Ngày ấy, được là học trò của trường Hàn Thuyên đã là vinh dự rồi, chứ kể gì lại là thầy giáo của trường. Vì Hàn Thuyên là trường trung học điển hình lâu năm của vùng Kinh Bắc, nơi hội tụ nhiều thày cô, nhiều học trò kiệt xuất. Không biết có phải tính lãng mạn, bồng bột của tuổi trẻ không, hay là tôn thờ cái đẹp theo lối của mình, mà trong một tiết học, ông đã đem bài thơ “ Lời mẹ dặn ” của Phùng Quán ra dạy. Nhà thơ Phùng Quán khi ấy đang là nhân vật cộm cán của nhóm nhân văn giai phẩm. Sự việc động trời này, cùng với một số sáng tác văn, thơ, kịch chưa công bố; năm 1959, ông bị đình chỉ giảng dạy và bị điều về làm nhân viên phòng phổ thông của Ty. Năm 1960, ông lại bị đưa xuống hợp tác xã nông nghiệp Phật Tích, đi thực tế. Ai cũng biết, đấy là hình thức cấp trên xử lý kỷ luật với ông. Những tháng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những người nông dân, từ một anh giáo thư sinh, ông đã làm việc cật lực như một người nông dân thực thụ. Bao chuyện làng chuyện xóm, bao cảnh đời lam lũ, bao tình cảm chân tình, trong sáng dưới lũy tre làng, đã gom góp tư liệu, làm vốn liếng cho trang viết sau này của ông.
Một ngày từ Phật Tích về Bắc Ninh, trên chuyến tàu khách ì ạch, ông sững người khi thấy người bán báo dạo trên tàu, rao báo Văn Học, có in truyện ngắn “ Giá trị mới ” của ông. Đấy là truyện ngắn đầu tiên mà ông được in trên báo. Báo Văn Học ngày ấy thật cao sang đối với người cầm bút. (Truyện ngắn này, sau được đọc trên Đài tiếng nói Việt Nam và có được Nhà xuất bản Ngoại Văn dịch ra tiếng Nga, Anh, Pháp). Giây phút ấy, ông như quên hết vất vả, nhọc nhằn của ngày tháng đi thực tế vừa trải qua. Niềm khao khát cầm bút càng cháy bỏng trong tâm trí ông. Ông tin cuộc đời rồi sẽ không phụ ông, ông tin rồi mình sẽ viết được những trang văn mình muốn viết.
Nhưng có lẽ cái tính cương trực và thẳng thắn ngay từ nhỏ, đã gây cho ông không ít phiền toái. Ông có kể một việc xảy ra từ ngày ông còn dạy ở Hà Bắc, tôi nghe mà ám ảnh mãi. Ấy là một buổi học tập chính trị toàn ngành trong tỉnh, được tin có vị cán bộ cao cấp của Bộ về nói chuyện. Khi gần trăm thày cô đang ngồi ở hội trường chờ vị cán bộ kia, thì bên cạnh ông, là một ông giáo cứ nhấp nha nhấp nhổm đứng ngồi không yên. Hỏi sao vậy? Ông giáo thật thà thưa rằng, phải quan sát, kẻo ông ở Bộ đến mà không đứng dậy chào kịp thời, thì sợ ông ấy trù úm. Nghe nói thế, ông bực quá. Ông chợt nhớ đến một nhân vật hèn kém của A.Tsêkhốp và ông nghĩ làm quái gì mà ông giáo này phải hèn thế? Thế là lúc ông ở Bộ đến, ông cứ ngồi lỳ mặc mọi người đứng hết lên chào. Sự việc này, làm cả hội trường hôm ấy ngạc nhiên. Ông tự thấy làm như thế là không phải. Ông với ông ở Bộ kia nào có vướng mắc gì đâu, chỉ vì ông thấy bực với cái hèn của ông giáo nọ.
Tôi gặp ông khá muộn, mặc dù đọc văn của ông rất lâu rồi. Một buổi sớm, lần theo địa chỉ, tôi đến thăm ông. Ông một mình ở ngôi nhà nhỏ, trong ngõ nhỏ làng Ngọc Hà. Ngôi nhà gọn gàng, sạch sẽ. Ông đang mải dịch sách. Trên bàn làm việc của ông là bộ từ điển Việt Anh dày cộp của Bùi Phụng và tập bản thảo đang viết dở. Ông say sưa kể vì sao ông đã dịch tiểu thuyết “ Ba người lính ngự lâm” của nhà văn Alexandre Đumas Cha, mặc dù trước đó, đã nhiều người dịch và in sách rồi. Bản dịch tiểu thuyết này của ông được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành, chiếm nhiều cảm tình của độc giả, bởi sách mang nhiều cảm xúc của riêng ông. Hình như ông đồng cảm được vẻ đẹp với nhà văn người Mỹ gốc Hoa AnChee Min, nên ông dịch liền ba cuốn tiểu thuyết “Đỗ quyên đỏ”, “ Nữ hoàng phong lan” và “ Nữ hoàng cuối cùng”. Được biết, cuốn nào in ra cũng được bạn đọc đón nhận nhiệt liệt. Tôi hỏi ông, một nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc, vậy thời gian nào ông dành để dịch thành công nhiều cuốn sách văn học giá trị vậy? Ông bảo rằng, ông đã khước từ mọi ham hố đám đông, chỉ đóng cửa ngồi tập trung cho viết và dịch sách. Ông là người chung thân một thể loại truyện ngắn và đã in gần chục tập truyện ngắn.” Bức tranh màu huyết thạch”, 1992.” Mùi tóc Thảo”, 1993. “ Truyện ngắn Nguyễn Bản”,1994. “Nợ trần gian ”,2004. “ Những cánh hoa quỳ dại”,2006.“ Mặt trời đồng xu”, 2007. “ Thời chuồn chuồn cắn rốn”, 2011... Truyện ngắn “ Ánh trăng” của ông in trên báo Văn Nghệ, 1992, rồi được giải trong cuộc thi truyện ngắn của báo, đã khẳng định vị trí ngòi bút của ông. Tôi như thấy văn ông luôn toát lên vẻ đẹp của con người, vừa thánh thiện vừa trần tục, vừa mơ hồ vừa cụ thể; như để khẳng định, cuộc đời dù có mệt mỏi mấy, thì con người vẫn cần có tình yêu thương và tình yêu thương vẫn luôn tồn tại.
Có người nói, chỉ khi đất nước đổi mới, truyện ngắn Nguyễn Bản mới ra đời. Điều này, theo tôi chỉ đúng một phần. Sự thành công của nhà văn Nguyễn Bản, chính bởi ông luôn đi theo một con đường riêng, luôn khám phả vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người, dù trong mọi tình huống. Nếu nói rộng ra, cuộc đời ông qúa nhiều thăng trầm, nhưng ngòi bút của ông lại luôn tin yêu con người, phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người. Chính vẻ đẹp đó, đã cứu rỗi con người, giúp con người vượt lên và cao hơn tiền tài, địa vị, bạo lực.
Muốn viết được những điều đó, tôi biết, ông phải có niềm tin rất lớn ở con người. Ông đã phải trả giá cho niềm tin. Một con người tuổi đã ngoài tám mươi, một tri thức tinh thông, vậy mà ông chấp nhận cuộc sống lặng lẽ một mình. Không phải xuất phát từ sự ích kỷ, cái chính, vì ông muốn được sống tự do tuyệt đối theo đúng nghĩa của nó.
Ông kể tôi nghe chuyện quê hương. Ông rất yêu quê, nhưng ông lại không thể sống ở quê. Cái làng Đình Bảng của ông vốn nức tiếng giàu có bao đời. Cái làng rất rộng, một làng đã thành một xã. Nơi đây, tám vị vua triều Lý phát tích. Lại là làng cách mạng, có đội du kích nổi tiếng từ thời chống Pháp. Ông xa làng từ nhỏ. Khi người bố ông còn sống, ông thường về quê thăm bố. Ông càng nhớ ngôi nhà tuổi thơ khang trang và ấm cúng đã bị giặc phá tan hoang, chỉ còn mảnh sân gạch. Năm 1984, bố mất, mấy anh em bán mảnh đất quê, ông mất quê từ đấy. Đời sống xô dạt đó đây. Bạn cùng trang lứa thưa vắng dần, người xa quê, người quá cố. Cuộc đời ông lại không được mấy suôn sẻ, nên mỗi bận về quê, ông càng thấy bùi ngùi. Làng quê thì ngày càng giàu có. Làng đã chuyển thành phố phường. Các nhà máy, các công ty mọc lên choáng ngợp quanh làng. Đời sống thương mại hóa lấn lướt, hầu như không mấy ai ở làng để ý tới sứ mệnh nhà văn. Ông như càng xa lạ với chính quê của mình. Tôi càng thấm thía, cô đơn là sự đồng hành của người nghệ sỹ.
Ông có hỏi thăm mấy người làng tôi, bạn trang lứa thưở học trò với ông. Đấy là ông Tùng, ông Kim. Một ông thì cũng ở xa quê, một ông thì đã thành người thiên cổ. Ông Kim con cụ Lý, nhà ở ngay cạnh đình làng. Tuy trưởng thành trong gia đình chức sắc thời phong kiến, nhưng anh em nhà ông Kim đều theo cách mạng rất sớm. Rời trường học, ông sớm hoạt động cách mạng, rồi trở thành sỹ quan cao cấp trong quân đội. Ông Chấn, anh trưởng của ông Kim, là người trong sáng, ảnh hưởng nhiều tới người em là ông Kim, bạn của nhà văn. Đời thưở nào, vì chán cái hủ tục quê kiểng, ngày cụ Lý mất, khi ban chạ của làng vào phục dịch việc chuyển linh cữu người chết ra nghĩa trang, ông cố tình hay quen mồm ở công sở, không “Thưa trình quan viên chạ...”, mà ông lại “Mời các đồng chí uống nước hút thuốc”. Cả ban chạ bất bình, không ai bảo ai, đồng loạt đứng dậy không thèm uống nước hút thuốc, mà xấn vào khênh áo quan cụ Lý ra phần mộ cho xong việc. Ông Kim khi ấy hoảng quá. Dưới con mắt nhà văn, ông Nguyễn Bản bảo rằng, đất lề quê thói quá nặng nề. Nhưng đã là người quê, thì phải theo quê, biết làm thế nào được. Ông muốn viết một cuốn sách ngợi ca cái lề lối tốt đẹp, phê phán cái xấu, cái lạc hậu ở quê, mà chưa viết được.
Lại nói về ông Tùng, bạn học của ông. Ông Tùng là người xóm Tây làng tôi, tính tình sởi lởi, nhã nhặn, được nhiều người dân nể trọng. Ông là con trưởng cụ Chánh. Tuy bố có vai vế của làng thời phong kiến, nhưng anh em nhà ông Tùng lại đi theo cách mạng rất sớm. Họ sớm trở thành những đảng viên kiên định. Ông Tùng trước khi nghỉ hưu, giữ chức chủ tịch huyện, mà chủ tịch huyện của mấy chục năm về trước như ông, đương nhiên là phải có phẩm chất trong sạch rồi. Câu chuyện bi kịch trong nhà ông Tùng, có thể là một cốt truyện ngắn hay cho một cây bút chắc tay. Chả là, thời cải cách ruộng đất, Cụ Chánh thân sinh ra ông Tùng, vốn là người yêu nước, nhưng bị quy chụp là địa chủ cường hào. Rồi cụ chịu án tử hình. Trên đường cách mạng, được tin dữ, ông Tùng cắn chặt răng kẻo bật khóc. Mãi sau này, ngày sang cát đổi áo cho bố, ông Tùng ràn rụa nước mắt vái hài cốt người bố, rồi cúi xuống gỡ viên đạn đồng còn găm trên xương sọ bố mình, lặng lẽ bỏ túi. Cử chỉ ấy, ít người nhận biết. Chỉ đến khi về nhà, trên bàn thờ gia tộc, trước khung ảnh thờ cụ Chánh, thấy có đĩa sứ nhỏ đặt viên đạn đồng.
Nhà văn Nguyễn Bản lặng người khi nghe tôi kể chuyện. Ông bỗng nghĩ về bà ngoại của mình. Với sáu sào ruộng thuê cấy rẽ, mấy năm ăn rè hạt tiện, bà tích cóp được ít tiền ngược chợ Chu thăm người cháu ruột là bộ đội đang đóng quân trên ấy. Không gặp cháu, trên đường quay về quê, bà gặp nhà văn Nguyễn Bản đi chỉnh huấn, bà dốc hết những đồng tiền còn lại “cho cháu và đồng đội bồi dưỡng để học tập tốt”. Về tới quê, bà bị quy địa chủ. Phẫn vì oan ức, bà nhảy xuống ao tự tử, may mà có người cứu kịp thời thoát chết. Câu chuyện bi hùng này, đã làm hồn cốt cho truyện ngắn “Hành hương giữa hai bờ lau cháy” của ông in trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Ông trầm ngâm như muốn nói, cuộc sống còn nhiều sai lầm đau đớn. Sứ mệnh nhà văn, là làm sao viết được những trang sách hiện thực nhất, sâu sắc nhất, để nhắc nhở con người hãy đừng để nhầm lẫn tiếp nữa. Dù nhầm lẫn thế nào, thì vẫn là đau xót lắm. Nhìn lại một lớp người cùng trang lứa với ông, người ở quê, người ngoài Hà Nội, ai cũng có nét giống ông, ấy là một thế hệ chịu nhiều thua thiệt. Có lẽ lịch sử một quốc gia nào cũng có những thế hệ phải chịu nhiều hy sinh. Sự hy sinh thầm lặng. Họ chấp nhận và không oán thán.
Đọc văn của nhà văn Nguyễn Bản, tôi không thấy sự oán thán nào. Ông như chỉ biết tôn vinh cái đẹp, ca ngợi sự nhân ái, ấm áp trong quan hệ con người. Có thể là quan hệ của tình yêu trai gái, tình chị em, tình mẹ con. Những nhân vật phụ nữ trong văn của ông, tôi như thấy người nào cũng đẹp, cũng đáng yêu. Cuộc đời ông nhiều chua chát, vậy mà văn ông luôn ánh lên vẻ đẹp thánh thiện. Phải chăng ông biết phát hiện vẻ đẹp ẩn sâu trong mỗi người? Những vẻ đẹp chìm khuất này, hình như khó nhận thấy ở cái thời mà cuộc sống vật chất sôi sục, gấp gáp, hối thúc con người. Ấy nhưng, nếu thử tĩnh tâm lắng nhìn, thì vẫn thấy cái đẹp kia, lẩn khuất hoặc lóe hiện bất chợt ở đâu đó. Văn chương, nghĩ cho cùng, làm sao để cho con người biết yêu thương con người hơn, thánh thiện với nhau hơn. Sứ mệnh cao cả của con chữ, muôn đời là vậy!
Chuyện văn chuyện đời hình như cứ đan chéo con người ông. Ông kể rằng, thời gia đình ông đổ vỡ hạnh phúc, ông buồn lắm. Nhưng ông không oán trách ai. Ông đã lặng lẽ nhường cả nhà cửa cho vợ con, ôm đống sách vở đến ở nhờ căn nhà người quen. Người quen này làm việc trong ngành công an, nhưng mê văn chương, hiểu cốt cách ông, sẵn sàng mời ông đến ở ngôi nhà chưa dùng trong phố. Trong thời gian đó, ông gặp cảnh ngộ một người phụ nữ còn trẻ, luôn phải chịu bạo lực của người chồng nghiện rượu, vũ phu đánh đuổi khỏi nhà. Thương cảm cảnh cơ nhỡ người phụ nữ kia, ông liền mời cô đến ở cùng, khi có sự đồng ý của chủ nhà. Cô gái kia đã ở cùng ông một thời gian dài. Thấy chuyện một người đàn ông cao tuổi sống cùng cô gái trẻ, nhiều người xung quanh dị nghị, đàm tiếu. Ông vượt qua những ánh mắt soi mói thiếu thiện chí đó. Ông chỉ giản dị nghĩ, mình trong sáng, thì chả sợ gì. Ông muốn nói với chính ông, hãy yêu thương một con người cụ thể, hãy sống tốt và có hành sử tốt với một người cụ thể, thế là đủ!
Chuyện đâu chỉ đơn giản thế. Chính khi ông đang là chỗ an ủi, chỗ dựa tinh thần cho người con gái đang cơ nhỡ, mong manh đó, ông lại khuyên cô trở lại với gia đình, với số phận chính mình. Cô gái đành nghe lời ông khuyên, mặc dù rất thèm sự che chở của ông. Cô đã cố gắng trở về với gia đình của mình. Nhưng sự đổ vỡ vẫn là đổ vỡ. Cô càng nhớ ông. Không đơn thuần nhớ sự nương tựa, chở che. Không đơn thuần tình cảm nam nữ. Có cái gì cao cả hơn những thứ đó. Đó là ánh sáng văn hóa ông soi dọi vào cô, mà cô đã nhận được. Khi ông ra Hà Nội sống, ở quê một thời gian, cô cũng lần ra Hà Nội tìm việc làm thuê, cốt chỉ mong có cơ hội được gặp lại ông một lần nữa. Tôi không muốn bàn việc làm đó đúng hay sai, nhưng tôi thấy ông dũng cảm sống đúng theo lối của ông nghĩ. Và ông được hưởng hạnh phúc đền đáp theo lối riêng của nó.
Văn chương đã đem đến cho ông nhiều hệ lụy và nhiều hạnh phúc. Chuyện xảy ra đã hơn chục năm, khi tập truyện ngắn “ Bức tranh màu huyết thạch” của ông được phát hành. Có một độc giả vì mê văn ông, đã từ Sài Gòn ra tận Bắc Ninh tìm gặp ông. Đấy là một cô gái trẻ, xinh đẹp, tri thức, có bản lĩnh. Cô kể, truyện nào của ông in ra, cô cũng tìm đọc. Cô còn trân trọng đóng bìa cứng, để gìn giữ. Ngày cô bảo vệ luận án tiến sỹ khoa học tại Sài Gòn, cô gửi thư ra, ngỏ ý muốn mời ông vào dự. Sự có mặt nhà văn là sự động viên lớn đối với cô. Nhà văn Nguyễn Bản đã thu xếp tiền mua vé, vào Sài Gòn cho kịp ngày vui của độc giả yêu quý văn mình. Trong buổi báo cáo luận án tiến sỹ của cô, giữa đông đảo khuôn mặt trí thức Sài Gòn, có hình ảnh một người đàn ông cao tuổi, ăn vận giản dị. Đó là nhà văn Nguyễn Bản. Cô hãnh diện được chụp ảnh kỷ niệm cùng nhà văn mình ngưỡng mộ.
Câu chuyện ông kể, tuy bình dị, nhưng tôi thấy đó là phần thưởng quý biết bao của nghề viết văn vốn đang bị coi nhẹ trong thời buổi kinh tế này.
Con người biết bỏ qua mọi hám hố hư danh, điều này không phải dễ dàng. Bao năm nay, nhà văn Nguyễn Bản biết lùi lại, rời xa những hám hố đó. Ông dồn tâm sức vào viết và dịch. Ông tự trào nói vui rằng, ngôi nhà nhỏ ở ngõ nhỏ làng Ngọc Hà này, là ông mua bằng đồng tiền sạch. Đó là tiền tích cóp từ nhuận bút viết văn và dịch sách.
Có một nhà văn quý trọng ông, từng viết về ông với căn nhà lẻ một. Trong nhà, hầu như cái gì cũng một. Một chiếc giường, một chiếc tủ, một cái bàn viết, một cái gáo múc nước. Và đương nhiên ông sống một mình. Ông muốn sống theo nghĩa tự do tuyệt đối. Tôi muốn nói thêm, trên tường căn phòng nhỏ của ông, cũng duy nhất treo một bức tranh. Đó là bức tranh chân dung sơn dầu do nhà văn Đỗ Chu vẽ tặng ông. Bức tranh vẽ từ hồi ông còn ở Bắc Ninh. Bữa ấy, nhận bức tranh ướt tươi sơn dầu, về nhà ngắm nhìn, ông thấy khuôn mặt mình trong tranh tươi trẻ quá, ông liền lấy đầu ngón tay di di màu cho nét mặt mình thêm khuất lấp, xa xăm. Ông thú vị với bức tranh đó. Thuyên chuyển chỗ ở mấy nơi, ông đều đem theo bức tranh này. Ông nói vui, đó là bức tranh đồng tác giả. Tôi như thấy một ánh trăng huyền diệu ánh lên từ bức tranh đó.
Tháng 2-2012
V.T.T
Buổi sáng mưa phùn gió rét, tới thăm nhà văn Nguyễn Bản, tôi giật mình vì thấy ông vẫn ngồi cậm cụi dịch sách. Năm nay, ông đã tám mươi tư tuổi. Với tôi, ông là nhà văn viết truyện ngắn hay nhất trong số ít các nhà văn viết truyện ngắn hay của nước ta. Truyện của ông luôn ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn con người, giầu chất nhân văn. Bạn đọc yêu truyện ngắn, hẳn không thể quên các truyện: Ánh trăng, Mùi tóc Thảo, Bức tranh màu huyết dụ, Sự thiêu đốt dịu dàng.... của ông. Ông là tác giả
giả của gần chục tập truyện ngắn và sách dịch. Quê ông miền Kinh Bắc, làng ông cách làng tôi một con đường sắt. Tuổi thơ của tôi, ngày ngày, vẫn băng qua con đường sắt để tới trường làng ông học. Cuộc đời của ông đầy nỗi truân chuyên. Ông chấp nhận trả giá đắt, để có tự do tuyệt đối, theo lối sống của ông. Ông là nhà văn không tham gia Hội nhà văn Việt Nam, nhưng anh em trong Hội, những người viết chân chính, rất nể trọng ông. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, đã từng vận động ông vào Hội, nhưng ông đều cảm ơn, khéo từ chối, với lý do tuổi cao sức yếu rồi. Tuy không vào Hội, nhưng ông luôn làm việc hết mình với sự nghiệp văn chương cao cả theo lối của mình.
Trong lúc nói chuyện, có nhắc về truyện ngắn "Mặt trời đồng xu" của ông, mà tôi thích. Ông liền lấy trong ngăn kéo bàn làm việc cuốn sách cũ nát, in bốn tiểu luận văn học dịch. Chính cuốn sách này, đã gợi ông viết truyện ngắn có tên "Mặt trời đồng xu" sau này. Cuốn sách phiêu diêu hơn sáu mươi năm, nay tình cờ lại trở về với ông. Góc trái trang sách, còn ghi : Quán Triều, 15-10-1951 và chữ ký của ông. Ông kể lại, bữa ấy, vì mê sách quá, ông vét những đồng tiền cuối cùng trong túi để mua cuốn sách và chấp nhận nhịn đói ngày đó. Niềm thiêng liêng với văn chương, đã hướng ông sống chết với nó. Chuyện đã sáu mươi bốn năm, đấy là thời trai trẻ theo cách mạng lên chiến khu Việt Bắc.Tôi xin phép ông chụp lại mấy trang sách cũ nhiều kỷ niệm của ông, để giới thiệu với các bạn trên fb thân mến của tôi.
Phần nhận xét hiển thị trên trang