Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Công lý một phần tư và những kỷ lục liên tục bị phá


XUÂN DƯƠNG/
Công lý một phần tư và những kỷ lục liên tục bị phá
(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
(GDVN) - Từ số tiền bồi thường 7,2 tỷ vụ ông Chấn đến 23 tỷ vụ ông Phi, số tiền bồi thường cho một vụ án oan đã xác lập một kỷ lục mới trong lĩnh vực đền bù oan sai.

Thế là ông Huỳnh Văn Nén được minh oan, được tự do, được các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Bình Thuận tổ chức xin lỗi công khai tại cụm dân cư…

Báo Infonet.vn trong bài “Ông Huỳnh Văn Nén chính thức được tự do, sẽ được xin lỗi công khai” dẫn lời ông Nén viết: “Trong thời gian bị tạm giam ông Nén cho biết mình đã bị đánh đập, ép cung nhiều lần”. [1]

Thời gian bị giam giữ của ông Huỳnh Văn Nén là hơn 17 năm, gần gấp đôi thời gian ông Nguyễn Thanh Chấn bị giam (10 năm). Thế là một kỷ lục oan sai về thời gian bị phá.
Ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình bị tuyên 17 năm tù với hai tội danh “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, trốn thuế”.

Sau hai năm bị giam (1999-2001) Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình xác định vụ án oan sai và trả tự do cho ông Phi; đồng thời TAND tỉnh Thái Bình đã xin lỗi công khai ông Phi tại nơi cư trú.

Từ khi được xác định oan sai, ông Phi đã 6 lần thương lượng bất thành với các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình về việc bồi thường do cả ba cơ quan (Công an, Tòa án, Viện kiểm sát) đều né tránh trách nhiệm”. [2]

Vấn đề là khi Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước có hiệu lực thì Nghị quyết 388 hết hiệu lực và “cơ quan xét xử cuối cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường” nghĩa là ngành Tòa án không thể  đẩy trách nhiệm cho các cơ quan tham gia tố tụng khác.

Việc Tòa án nhân dân Thành phố Thái Bình (cấp dưới) xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình (cấp trên) phải bồi thường cho ông Phi 23 tỷ, đồng thời khẳng định “Công an tỉnh Thái Bình không có trách nhiệm trong vụ việc” nói lên điều gì?

Liệu đây có phải là lời cảnh báo cho thẩm phán tòa án các cấp khi không dựa vào tranh tụng trước tòa mà chỉ dựa vào sự “thống nhất quan điểm” từ trước?

Từ số tiền bồi thường 7,2 tỷ vụ ông Chấn đến 23 tỷ vụ ông Phi, số tiền bồi thường cho một vụ án oan đã tăng gấp 3 lần, nghĩa là xác lập một kỷ lục mới trong lĩnh vực đền bù oan sai. Trong tương lai bao nhiêu kỷ lục nữa sẽ được xác lập?


Sau khi thẩm định xong, TAND Tối cao sẽ chuyển hồ sơ bản án sang Bộ Tài chính để trích ngân sách nhà nước bồi thường cho ông Phi theo đúng quy trình”. [2]Theo luật, Tòa án phải chịu trách nhiệm bồi thường, còn người dân thì chịu trách nhiệm … chi tiền, bởi lẽ theo ý kiến bà Nguyễn Thị Tố Hằng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp):
Vậy thì không thể không đặt câu hỏi, khi mà công lý được thực thi cho một cá nhân (ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Lương Ngọc Phi…) thì công lý cũng lại bất công với quảng đại quần chúng vì tiền bồi thường là lấy từ ngân sách, tức là do thuế của người dân đóng góp.

Kiểu “công lý một nửa” ấy sẽ tồn tại đến bao giờ? 

Không khó để trả lời câu hỏi này. Chừng nào mà số tiền đền bù oan sai còn lấy từ thuế của dân thì các quan tòa vẫn còn “yên tâm” ngồi phán, vẫn không sợ phải bán nhà để đền bù cho hành động trái pháp luật của mình. 
Khi “cơ quan xét xử cuối cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường” - tức là Tòa án (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm…) là đơn vị phải chịu trách nhiệm bồi thường thì hai đơn vị còn lại là Kiểm sát và Điều tra sẽ không liên can.

Đây không còn là câu chuyện “công lý một nửa” mà trở thành “công lý một phần ba” vì chỉ có một trong ba cơ quan tham gia vụ án chịu trách nhiệm bồi thường?

Nói “công lý một phần ba” cũng chưa hẳn là đã đúng, vì các vụ án to nhỏ luôn có sự chỉ đạo của các cơ quan nội chính.
Xin trích dẫn một câu trong bài “Lạm bàn về án bỏ túi” của nhà báo Nguyễn Như Phong đăng trên Petrotimes.vn ngày 15/11/2013: “Đã có những hậu quả xảy ra khi các cơ quan tố tụng máy móc làm theo “ban chỉ đạo”. Mà một khi đã có “ban chỉ đạo” thì oan đến mấy cũng phải bịt đi”.

Khi có “ban chỉ đạo” thì Tòa án không thể tự ý quyết định khung hình phạt nếu chỉ dựa vào tranh tụng trước tòa, đặc biệt là khi “bộ tứ” đã quyết thì thẩm phán chỉ còn cách cúi đầu chấp hành.

Vậy “bộ tứ” là gì mà ghê gớm thế?

Nhóm “tứ tử” này hình thành không phải do “đi đêm” kiểu “Tam cúc” mà có sự chỉ đạo, lại chẳng bao giờ “trình làng” nên nếu có nghi can bị án tù oan thì cũng không thể dựa vào điều luật nào để  kết tội “bộ tứ”. Chợt nhớ trò chơi “Tam cúc” có quy định “đi đêm”, nhờ “đi đêm” có người vớ được “tứ tử”. Khi “tứ tử” trình làng thì họ bỗng nhiên thành người chiến thắng. Nhưng “Tam cúc” chỉ là trò chơi, là sự may rủi ngẫu nhiên, được công khai nên chẳng ai phàn nàn gì.

Vẫn theo nhà báo Như Phong “bộ tứ” bao gồm “công an, viện kiểm sát, tòa án và lãnh đạo địa phương”.
Về phía “bộ tứ”, sau khi tuyên án, rủi có phải bồi thường oan sai thì theo luật chỉ có Tòa án là phải “giơ đầu chịu báng”, nghĩa là trong nội bộ “bộ tứ” với nhau, công lý mới được thực thi một phần tư chứ không phải một phần ba.

Phải chăng đây chính là nguyên nhân khiến nguyên thẩm phán Tòa án Tối cao Bùi Tuấn Chiêm bị khởi tố sau vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn?

Gần đây, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài viết liên quan đếnvụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết tại thành phố Hồ Chí Minh: “Hai lần thừa nhận “họp án”, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã “vi hiến” như thế nào?”. 

Bài báo cho biết Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh thừa nhận đã “phối hợp với Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Cơ quan cảnh sát điều tra TP. Hồ Chí Minh khẩn trương thống nhất những vấn đề cần điều tra chứng minh làm rõ để nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật”.

Khi ba cơ quan này đã ngồi với nhau, đã “thống nhất những vấn đề cần điều tra chứng minh” thì cũng có nghĩa những gì “cần điều tra” và “cần chứng minh” đã được “thống nhất”?
Vậy liệu sự “thống nhất” ấy có được thể hiện khi đưa vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết ra xét xử công khai?
Tài liệu tham khảo:Và câu hỏi không thể không đặt ra là “sự thống nhất” của ba cơ quan tham gia tố tụng có giống câu chuyện “án bỏ túi” hay còn phải chờ cho đủ “bộ tứ” mới có thể kết luận? 

Kết quả của “án bỏ túi” có lẽ ít có nhận định nào chính xác hơn nhận định của nhà báo Như Phong: 

Khi đã thống nhất được mức án của "bộ tứ" này rồi thì phiên tòa diễn ra như… diễn kịch. Bị cáo muốn gì cứ việc trình bày. 

Thẩm phán, hội thẩm nhân dân cũng chỉ là hỏi để cho có. Luật sư cãi thì cũng gọi là để cho có vẻ dân chủ… Người ngồi giữ quyền công tố thì cũng chẳng thừa hơi đâu mà tranh luận với luật sư. Còn thư ký phiên tòa thì lặng lẽ ngồi viết án văn trước…”
Đất nước đang trong tiến trình cải cách tư pháp, sự độc lập của thẩm phán khi xét xử được xem là một trong các yếu tố quyết định đến mức án dành cho nghi can. Một bài viết trên Trang thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải thích về nguyên tắc độc lập xét xử như sau: [3]

Thứ nhất, các cơ quan nhà nước khác không được can thiệp vào việc xét xử của Tòa án, vì chỉ có Tòa án là cơ quan duy nhất được Nhà nước giao cho thực hiện chức năng xét xử;
- Thứ hai, hoạt động xét xử của Tòa án không lệ thuộc vào ý kiến của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Nếu qua phiên tòa xét xử, Tòa án xét thấy cần thiết xử lý khác với ý kiến của các cơ quan đó thì Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để đưa ra quyết định xử lý.
Một khi hoạt động xét xử của Tòa án không lệ thuộc vào ý kiến của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thì có cần cả ba cơ quan này “phối hợp, thống nhất những vấn đề cần điều tra chứng minh” trước khi phiên tòa được mở?

Xin nhắc lại đây là ý kiến được nêu trên trang thông tin của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chắc là những người làm kiểm sát đều đã đọc kỹ, chính vì thế mới cần “phối hợp”, mới cần “thống nhất” để sau này, nhỡ có điều gì xảy ra thì Tòa án phải một mình chịu trách nhiệm?
Thực ra, chịu trách nhiệm cuối cùng lại không phải là Tòa án mà là dân, dân đứng trước vành móng ngựa, dân bị oan được bồi thường thì dân nộp thuế để bồi thường, chẳng ai chịu trách nhiệm nhiều hơn dân và chẳng ai bị thiệt thòi hơn dân, vậy nên câu chuyện “Công lý bịt mắt và quan luôn thắng dân” [4] vẫn là một đề tài còn lâu mới đến hồi kết.
Xem thêm:


Xuân Dương/GDVN
Theo: Ngocduonglc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đưa thi thể ngư dân bị bắn chết ở Trường Sa về Quảng Ngãi


06:37 01-12-2015


Người thân của ngư dân bị bắn chết ở Trường Sa khóc ngất.

Thi thể ngư dân bị bắn chết ở Trường Sa đã được đưa vào cảng Sa Kỳ

Khoảng 5 giờ 45 sáng 1.12, tàu cá QNg 95861 đưa thi thể ông Trương Đình Bảy (1970, trú tại thôn An Hải, xã Bình Châu) bị bắn chết ở Trường Sa cùng 13 ngư dân khác đã cập cảng Sa Kỳ.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cùng các cơ quan chức năng đang có mặt ghi nhận hiện trường trên tàu cá và làm công tác chuẩn bị khám nghiệm tử thi nạn nhân.

Rất nhiều người dân xã Bình Châu đã tập trung về cảng Sa Kỳ để đón các ngư dân.

Người thân của ông Bảy khóc rất nhiều. Trên tàu cá, em Trương Đình Đệ (con ngư dân Bảy) đã được người thân đưa xuống tàu và chăm sóc y tế. Hiện tình trạng Đệ vẫn chưa tốt.


Tàu cá cập cảng Sa Kỳ


Em Đệ được chăm sóc y tế


Danh sách ngư dân trên tàu Qnga 95861:1.Võ Văn Hạnh (SN 1981)2. Bùi Văn Huy (SN 1973)3. Nguyễn Khâm (SN 1997)4. Dương Tấn Vỹ (1992)5. Nguyễn Hoàng ( SN 1973)6. Bùi Phú (SN 1978)7. Trương Văn Nam (SN 1988)8. Võ Duy Cảnh (SN 1981)9. Trương Dũng (SN 1991)10. Nguyễn Tấn Kha (SN 1987)11. Võ Văn Năm (SN 1982).12. Bùi Văn Cu (SN 1970, chủ tàu)13. Trương Văn Bảy (SN 1968, bị bắn chết).14. Trương Đình Đệ (SN 1991, con ngư dân Bảy).

Lê Đình Dũng

______________

Thi thể ngư dân bị bắn chết ở Trường Sa 
đã về đến đất liền
 
Tuổi trẻ
01/12/2015 07:09 GMT+7

TTO - 4g15 sáng 1-12 tàu cá của ngư dân Bùi Văn Cu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã đưa xác ông Trương Đình Bảy cùng 12 ngư dân về đến đồn kiểm soát Biên phòng Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ,TP. Quảng Ngãi).
.
Người thân các ngư dân đứng túm lại ai nấy điều thất thần tại cảng Sa Kỳ - Ảnh: Tấn Vũ

Những khuôn mặt phờ phạc sau một hành trình dài, ai nấy đều mệt mỏi. Nhiều ngư dân không nói nổi thành lời dù ai hỏi bất cứ điều gì. Ngư dân Nguyễn Tấn Pha thẫn thờ cho biết “Tôi đang đánh bắt thì thấy tàu chạy và đèn pin pha báo hiệu thì lập tức trở lại tàu. Khi lên đến nơi thì thấy anh Cu vừa khóc vừa nói khản giọng. Còn anh Bảy thì nằm chết trên sàn tàu”.

Thuyền trưởng Cu kể sơ bộ rằng: "Hai xuồng máy chở tám người tới, áp sát thấy thế tôi lập tức nổ máy, anh Bảy chặt giây neo, sau đó tôi kêu anh Bảy vào cabin thì bị một tên trong nhóm này bắn anh Bảy hai phát chết ngả vào người tên này, tôi cứ nghĩ anh Bảy giằng co với tên này nên lao ra giật súng rớt cả ổ đạn, khoảng 5 phút thì tôi xô ngả tên này xuống biển, hai tên đứng phía sau tàu thấy thế cũng bỏ nhảy xuống biển".

"Tôi cho tàu chạy thật xa, sau đó trở lại tìm kiếm 12 ngư dân đi lặn lên tàu. “Những người trên hai xuồng máy mặc đồ dân phục. Không phải quân phục của bất kỳ nước nào. Nhiều khả năng là tàu dân sự nhưng là một nhóm cướp”, thuyền trưởng Cu trình báo với biên phòng Tịnh Kỳ".

Những ngư dân khác khi nghe anh Pha nói vội né ánh mắt về phía biển, chẳng ai nói với ai lời nào. Một số ngư dân cố gắng chỉ những vết đạn cày xới khắp nơi trên tàu mà nói không ra lời.

Ngay sau khi cập cảng Tịnh Kỳ, bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã lấy lời khai ban đầu của thuyền trưởng Cu và ngư dân Trương Đình Đệ là con trai của ngư dân Bảy.

Đồng thời, bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cũng đã kiểm tra các vết đạn để lại trên tàu. Trong đó bên phía mạn trái cabin còn một viên đạn ghim vào thành gỗ.

Bước đầu, thuyền trưởng Cu đưa bốn vỏ đạn còn lại trên tàu cùng với biên bản xác nhận của lữ đoàn 146 Trường Sa đóng tại đảo Đá Nam xác nhận việc ngư dân Bảy bị bắn chết, cùng với lời tường trình sự việc của các ngư dân trên tàu.

Theo cán bộ đồn Kiểm soát Biên phòng Tịnh Kỳ, hiện vẫn chưa thể xác minh chính xác bốn vỏ đạn thuộc loại đạn dành cho súng nào, còn phải chờ cơ quan có chuyên môn xem xét kỹ để kết luận chính xác những vỏ đạn này.

Sau khi làm việc tại đồn kiểm soát Biên phòng Tịnh Kỳ, các ngư dân tiếp tục lên tàu trở về cảng Sa Kỳ, vừa thấy tàu cập bến những giọt nước mắt của người thân vỡ òa. Tiếng nấc nghẹn ngào của mọi người khiến không khí trở nên tang thương.

Trong buổi đón thi thể ngư dân Bảy sáng nay có rất nhiều người trong làng và người thân nhưng không có chị Mai Thị Long (43 tuổi) vợ ngư dân Bảy, người thân cho biết chị quá mệt mỏi, khi nghe chồng về đã ngất lịm đang được người thân chăm sóc tại nhà.

Ngay sau khi lên cảng Sa Kỳ ngư dân Đệ như ngã gục trước mặt người thân, phải nhờ đến sự chăm sóc của người nhà. Sau đó Đệ được tiêm thuốc và chuyền nước ngay tại cảng.

Thi thể của ông Bảy đến 6g30 vẫn còn được để trong khoang đá để bảo vệ. Hiện lực lượng biên phòng đang chờ phòng kỹ thuật hình sự, phòng cảnh sát điều tra và phòng lực lượng an ninh công an tỉnh Quảng Ngãi xuống cảng Sa Kỳ làm các giám định pháp y để tìm hiểu rõ nguyên nhân cái chết của ngư dân Bảy.

Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục cập nhập thông tin vụ việc.

Bộ đội Biên phòng làm việc với các ngư dân trên tàu - Ảnh: Trần Mai

Các ngư dân kéo neo buộc tàu vào đồn biên phòng Tịnh Kỳ trình báo - Ảnh: Trần Mai


Bốn vỏ đạn còn sót lại trên tàu - Ảnh: Trần Mai


Đầu đạn còn dính lại trên cabin tàu cá - Ảnh: Trần Mai


Một cháu bé còn chưa hiểu rõ nổi đau quá lớn của làng chài - Ảnh: Tấn Vũ

Trần Mai - Tấn Vũ


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vua Bảo Ðại – Sống lưu vong, chết nghèo khó


Huy Phương/Người Việt
Theo lời kể của thứ phi Mộng Ðiệp với ông Bảo Ân, cuối năm 1955, sau khi bị truất phế, bề ngoài không ai biết cựu hoàng nghĩ gì, nhưng theo bà, ông đã có một thời gian bị trầm uất, mất ngủ và phải dùng thuốc an thần. Ông nói là ông rất lo cho Ðức Từ Cung. Sau này nghe tin Ðức Từ Cung bị đuổi ra khỏi Cung An Ðịnh, cựu Hoàng Bảo Ðại lại càng lo hơn, tối không ngủ được. Cựu hoàng hút thuốc lá liên miên, và thường bỏ nhà đi “bụi đời” (nguyên văn), không biết đi đâu, chỉ những lúc đau ốm hay cạn tiền mới trở về với bà Mộng Ðiệp.
Chân dung Hoàng Ðế Bảo Ðại. (Hình: Tài liệu của gia đình ông Bảo Ân)
Cũng theo lời tường thuật của ông Bảo Ân: “Sau cú ‘sốc’ đó cựu hoàng không muốn tin ai nữa, không muốn tiếp xúc với ai, ông bảo bà Mộng Ðiệp đưa tiền rồi đeo cái túi xách lên vai đi 3-4 ngày, đôi khi đi cả tuần đến khi đau ốm hoặc hết tiền mới trở về. Khi hết bệnh ông lại đi tiếp, hỏi ông đi đâu thì ông nói đi loanh quanh đây thôi. Có khi bà Mộng Ðiệp phải bảo Hoàng Tử Bảo Sơn và anh Jean Bui (con riêng của bà) theo dõi cựu hoàng, thì ông giận bà suốt hai tuần. Có lần cựu hoàng lên cơn sốt rét nằm trên băng ghế, dưới hầm metro, cảnh sát đem ông về đồn và gọi điện thoại cho Hoàng Tử Bảo Long đến bảo lãnh ông về, rồi khi hết bệnh ông lại đi nữa.”
Thứ Phi Mộng Ðiệp nói với Bảo Ân: “Nhà dì giống như cái trạm, hết tiền hay đau bệnh thì ngài mới về. Vì vậy khi Hoàng Hậu Nam Phương qua đời năm 1963, ở Chabrignac, không ai biết ngài ở đâu để thông báo. Ðiều này làm ngài rất buồn và cứ băn khoăn trách móc dì mãi!”
Nghèo khổ và cô đơn
Năm 1967, Công Chúa Phương Minh sang Pháp theo sự sắp xếp hôn nhân của gia đình nhưng không thành, thấy hoàn cảnh của vua cha cô đơn và tội nghiệp, nên cô tình nguyện ở lại để săn sóc cha.
Lúc này cựu hoàng đã dùng thuốc ngủ rất nặng, có lần uống thuốc xong, nằm vắt tay lên trán, vừa suy nghĩ vừa hút thuốc. Khi thuốc ngấm, ông ngủ hồi nào không biết, điếu thuốc trên tay rơi xuống áo cháy phỏng cả ngực, nên lần sau mỗi lần ông dùng thuốc ngủ, cô Phương Minh đứng đó canh chừng đến khi ông ngủ rồi mới dám đi làm công việc. Tuy ở Paris, Phương Minh cũng chỉ gặp Hoàng Tử Bảo Long một lần và chưa hề giáp mặt Bảo Thăng và các công chúa Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung. Quốc Trưởng Bảo Ðại có nhiều vợ và nhiều dòng con, khi Nam Phương Hoàng Hậu qua đời, ông cũng không hay biết, điều đó đã tạo thêm sứt mẻ trong gia đình.
Từ trái sang phải: Bà Ưng Thi, cựu Hoàng Bảo Ðại, bà Monique Baudot, ông Ưng Thi (Paris 1995). (Hình: Tài liệu của gia đình ông Bảo Ân)
Ðời sống ở Paris cũng khó khăn, vất vả, cô con gái của cựu hoàng, phải đi làm tiếp viên trong một nhà hàng Trung Hoa để có phương tiện để sống gần cha và chính cô, cũng phải nhận sự trợ giúp từ mẹ ở Sài Gòn. Trong thời gian này, hầu hết sự chi dùng của ngài là do tiền của Ðức Bà Từ Cung gởi qua. Mặc dầu các con cũng thường hay lui tới thăm ngài, nhưng ngài không bao giờ đề cập đến vấn đề tiền bạc, và cũng không ai nghĩ đến chuyện giúp đỡ ngài. Theo lời cô Phương Minh kể lại, khi có tiền thì hai cha con rủ nhau đi nhà hàng, khi hết tiền thì nhiều ngày chỉ có một bữa ăn.
Nhiều khi cạn tiền, túng thế, cựu hoàng phải bảo Phương Minh chạy đi “vay mượn” những người quen biết.
Cho mãi đến năm 1971, Phương Minh hay tin mẹ đau nặng, cô trở về Sài Gòn và bị kẹt lại sau khi cộng sản chiếm miền Nam.
Cũng năm này, Bảo Ðại kết hôn với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp kém hơn 30 tuổi (Monique Baudot sinh năm 1946.) Bảo Ðại vào đạo Thiên Chúa, có tên thánh là Jean-Robert.
Ở Paris, cựu Hoàng Bảo Ðại không có nổi một căn nhà, nơi mà cựu hoàng ở với bà Monique trong những ngày cuối đời là do một người Pháp yêu mến để cho cựu hoàng ở không lấy tiền. Có lần, theo lời kể của bà Mộng Ðiệp, bà Monique đã xúi nhà vua kiện ra tòa án để lấy các tài sản của bà thứ phi, nhưng nhà vua đã không bằng lòng. Cuộc hôn nhân cuối cùng với bà Monique đã đưa đến chia rẽ trong gia đình cựu hoàng, từ đó không ai đến thăm viếng ông nữa và gần như vị vua cuối cùng của triều Nguyễn sống trong cảnh nghèo khó và cô đơn. Năm 1982, nhân khai trương Hội Hoàng Tộc ở hải ngoại, Bảo Ðại lần đầu tiên sang thăm Mỹ với tư cách cá nhân, cùng đi với cựu hoàng có bà Monique.
Sau khi cựu Hoàng Bảo Ðại kết hôn với bà Monique thì các con đều xa lánh không lui tới, thăm viếng. Ông mất ngày 31 Tháng Bảy 1997 tại Quân Y Viện Val-de-Grâce, Paris, hưởng thọ 85 tuổi. Ðám tang Bảo Ðại được tổ chức một cách lặng lẽ vào lúc 11 giờ ngày 6 Tháng Tám năm 1997 tại nhà thờ Saint-Pierre de Chaillot số 35 đại lộ Marceau, quận 16 Paris và linh cữu được mai táng tại nghĩa địa Passy trên đồi Trocadero, không hề thấy sự hiện diện của thân thích gia đình, trừ bà Monique, người vợ cuối cùng ở bên cạnh, với cờ tam tài của Pháp Quốc và Hội Cựu Quân Nhân Pháp.
‘Hoàng Tử’ Bảo Ân xin hai chữ ‘công bình’
Ðể kết thúc 5 kỳ báo viết về cựu Hoàng Bảo Ðại và tấm lòng của đứa con trai lưu lạc Bảo Ân, không có gì hơn là mời bạn đọc hiểu nỗi lòng của ông, được ghi lại trong bài diễn văn thay mặt gia đình, dự định đọc trong lễ khánh thành lăng mộ cựu Hoàng Bảo Ðại năm 2006 không thành.
Ðám tang Vua Việt với cờ tam tài của nước Pháp. Bà Monique đứng giữa các cựu sĩ quan Pháp (1997). (Hình: Tài liệu của gia đình ông Bảo Ân)
Hoàng Tử Bảo Ân đã biện bạch nỗi lòng của một đứa con “bất hiếu” và xin hai chữ “công bình” cho phụ hoàng:
“Năm 1980 tại Huế, tôi đã từng khóc để tiễn biệt Ðức Bà Nội tôn kính của chúng tôi là Ðoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung về với tổ tiên, liệt thánh nhà Nguyễn. Một lần nữa, 1986, tôi lại khóc để vĩnh biệt mẹ thân yêu của chúng tôi là bà thứ phi Lê Phi Ánh, và bây giờ, mặc dầu trễ chín năm do hoàn cảnh, cuối cùng tôi cũng đến được nơi đây để mong một phần nào làm tròn bổn phận của một đứa con hơn 50 năm qua, ao ước được gặp lại cha mình, nhưng rồi mãi mãi niềm ao ước đó chẳng bao giờ thành hiện thực. Ngày nay đứng bên mộ phần của cha, xin cúi đầu kính cẩn dâng lên ngài lời cầu xin được tha tội!”
“Nói về cuộc đời của Cha tôi, lâu nay có nhiều dư luận trái ngược nhau. Ngày hôm nay, bên mộ phần ngài, tôi không muốn biện minh những gì ngài đã làm cho dân tộc của ngài, mà chỉ xin quý vị, cùng tất cả những người Việt Nam khác, hãy bỏ qua những khác biệt chính trị mà chỉ xét vấn đề trên từng bối cảnh lịch sử của đất nước, xin vui lòng nhìn vào lương tâm mình, không phải để tìm trong đó lòng bác ái hay một tình cảm riêng tư, bởi vì cha tôi, không muốn và cũng không chờ đợi sự rộng lượng đó của quý vị, mà chỉ xin quý vị tìm trong đó một đức tính cao thượng và lòng trung thực để trả lại cho ngài hai chữ ‘công bình’ trong lịch sử.” (Bảo Ân)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Chuyện như đùa!

Thành quỷ xài tiền như công tử Bạc Liêu, hết tiền cải nhau ỏm tỏi.

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Thành ủy thành phố Bạc Liêu khóa mới trao hoa
cho các đồng chí không tái cử nhiệm kỳ m
ới
_______________________
06:37 ngày 30 tháng 11 năm 2015
Sáu Nghệ
Thành ủy Bạc Liêu hết tiền hoạt động

TP - Lãnh đạo Thành ủy Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, kinh phí chỉ còn đủ trả lương và tiền điện nước đến hết tháng 11, sau đó chưa biết lấy tiền đâu trả lương. Kinh phí hoạt động đã thiếu mấy tháng nay. Bên cạnh đó, thành ủy còn nợ nhiều tỷ đồng.
Vì nợ nần, tại phòng làm việc của Chánh văn phòng Thành ủy Nguyễn Quốc Minh đã xảy ra vụ “náo loạn”. Sáng 16/10, ông Minh cùng kế toán Văn phòng Thành ủy Đỗ Thu Hương có buổi làm việc về bàn giao công nợ, có Phó Bí thư Thành ủy Trà Văn Bắc dự.
Làm việc xong, ông Bắc ra về nhưng bà Hương không đồng ý, chỉ tay vào mặt ông Bắc và hỗn loạn xảy ra. Nhiều người chạy đến, lập biên bản với gần chục chữ ký, có cả Đội trưởng Đội bảo vệ. Theo biên bản, bà Hương “cầm bình trà ném mạnh xuống bàn, bình trà bị bể, văng mảnh vỡ khắp phòng, bể một khay đựng bình, ly”.
Bàn giao nợ giữa lãnh đạo mới và cũ, sau đại hội Đảng nhiệm kỳ mới. Theo biên bản bàn giao tài chính ngày 18/8, quỹ cơ quan còn hơn 2,748 tỷ đồng, nhưng thực tế không có tiền. Thủ quỹ Phan Thị Hơn cho biết, tháng 1/2015, nhận bàn giao từ thủ quỹ cũ, sổ sách ghi 1,8 tỷ đồng nhưng thực tế đã không có tiền mặt.
Phó chánh Văn phòng Trịnh Thu Phương, người được ủy quyền điều hành kinh phí của cơ quan, cho biết thêm, từ năm 2014 trở về trước có hơn 1,738 tỷ đồng đã chi mà chưa quyết toán được; mấy tháng đầu năm 2015 cán bộ nhân viên ở Thành ủy tạm ứng 1,691 tỷ đồng cũng chưa thanh toán. Trưởng phòng Tài chính - Kế toán của thành phố Bạc Liêu, ông Huỳnh Chí Nguyện, nói rằng, ít nhất phải thuyết minh làm rõ hơn 2,5 tỷ đồng đã chi tiêu.

Đang quá rối rắm thì chiều 21/9, thêm biên bản bàn giao công nợ giữa lãnh đạo cũ và mới, liệt kê nhiều khoản chi từ biên soạn lịch sử Đảng đến tiếp khách, khám sức khỏe cho cán bộ, tổng cộng hơn 2,818 tỷ đồng.

Ngày 14/10, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Hoàng Thiển, lại gửi đến Văn phòng Thành ủy Bạc Liêu thông báo nợ các loại bảo hiểm gần 478 triệu đồng.
Hiện chưa biết hàng tỷ đồng nợ nần đã được sử dụng như thế nào, chỉ biết dự toán ngân sách năm 2015 cho Thành ủy Bạc Liêu chỉ còn 1,593 tỷ đồng để chi tiêu trong 5 tháng, từ tháng 8 đến 12.
Lãnh đạo Thành ủy nói, số tiền đó không đủ trả lương và tiền điện nước, không còn tiền để hoạt động. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu đã cử cán bộ xem xét nợ và việc chi tiêu thời gian của Thành ủy Bạc Liêu.

Nguồn Tiền phong

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bao giờ mới hết phải nuôi báo cô những cán bộ, công chức vô dụng?


Trong ngôn ngữ dân gian, báo cô hay nuôi báo cô có nghĩa là nuôi người chỉ ăn hại, không giúp ích được gì. Trong gia đình, dòng họ, dù bị lên án là đồ báo cô nghĩa là kẻ vô tích sự nhưng không thể vất đi như một món đồ hư hỏng, thủng bẹp. Gia đình ấy, dòng họ ấy kể cả những bậc cha già, mẹ héo hoàn cảnh cơ hàn vẫn phải nuôi báo cô kẻ ấy.
Từ bếp núc, xó nhà chuyện nuôi báo cô một đứa con, đứa cháu “ăn tàn phá hại” lại trở thành vấn đề cần quan tâm trên nghị trường khi ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói thẳng ra là, chúng ta đang nuôi báo cô nhiều cán bộ, công chức không có năng lực thực thi công vụ. Theo nhận xét của ông Quyền, có đến 40%(!?). Không biết ông nghị sĩ này lấy con số 40% ở đâu ra, có đủ cơ sở tin cậy hay không. Xin lưu ý là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhận xét, có khoảng 30% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ nghĩa là thuốc diện Nhà nước phải nuôi báo cô. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ báo cáo trước Quốc hội con số 0,46% nghĩa là cứ 1.000 cán bộ chỉ có 4 cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu đúng vậy thì đây là con số rất nhỏ, không ảnh hưởng gì đến công vụ. Vậy số công chức thuộc diện Nhà nước phải nuôi báo cô là bao nhiêu? Hơn ai hết, những người đứng đầu đều có thể phân loại “quân” của mình, biết ai làm rất tốt, tốt hoặc ấm ớ hội tề. Họ khác ông Quyền ở chỗ, biết mình biết ta không “dám” sa thải ai vì chưa biết chừng mình bị sa thải trước!Theo một kế hoạch đã công bố, dự kiến từ nay đến năm 2021 Nhà nước ta sẽ tinh giản biên chế gần 30 vạn cán bộ, công chức, viên chức tức là khoảng 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện có. Hiểu một cách nôm na là, cứ 10 người sẽ phải giảm 1 người. Có thông tin là để làm được việc này, ngân sách cần mấy ngàn tỉ đồng.
Ấy thế mà nhiều đại biểu Quốc hội vẫn lo ngại, liệu có thực hiện được không? Chuyện “giảm chỗ nọ, tăng chỗ kia” và trên thực tế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức ăn lương Nhà nước không những không giảm mà còn tăng lên thời gian qua đều đúng quy trình và có lý do chính đáng.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội , chúng ta có tội với những người làm việc bằng 5 người khác đang làm. Chúng ta không thể cào bằng như hiện nay mà phải tính lại cho đúng với năng lực thực tế của từng vị trí công việc. Nếu không làm được thì động lực phát triển trong bộ máy Nhà nước bị triệt tiêu, đến một lúc nào đó người có năng lực sẽ chán và buông xuôi. Ông Quyền bảo, nếu cho ông toàn quyền ông sẽ sa thải 40% nhân viên!
Vị ĐBQH “muốn được toàn quyền” tâm sự: Khi còn là chuyên viên, công việc 1 tuần ông làm 2 ngày là hết, thời gian còn lại ông dành học ngoại ngữ, nghiên cứu. Lúc lên vụ phó, công việc 1 tuần ông làm 3 ngày là hết. Lúc làm vụ trưởng, ông chỉ cần 2 vụ phó nhưng bị ép phải nhận thêm 2 phó nữa.
Tình trạng lạm phát vụ phó là có thật. Ở vụ nọ chỉ có hơn 10 người mà vẫn có 2 hàm vụ trưởng. Một đơn vị khác, bên cạnh ông trưởng có tới 12 cấp phó và 7 thành viên suýt soát hàm phó. Chả thế mà Chủ tịch Quốc hội đã truy đến cùng Bộ trưởng Nội vụ về chức danh ngầm hưởng lương để có câu trả lời là phong cấp này là sai quy định làm phình biên chế.
Các chuyên gia đều chỉ ra rằng, hiện trạng nuôi báo cô này do định biên không rõ ràng, du di biên chế quá mức và không có cơ chế gì khuyến khích một người làm việc của 2-3 người. Ngược lại, người làm nhiều càng va chạm, khi bỏ phiếu, bình bầu lại mất phiếu.
Kéo theo đó là nghịch lý người được việc lương cũng như người vô tích sự.
Theo quy trình hiện nay, tinh giản biên chế không dễ dàng chút nào cả, lệ thuộc vào rất nhiều quy định. Người đứng đầu đơn vị không có quyền trong việc quyết định số lượng cán bộ, muốn tăng, muốn giảm thì phải cấp trên, trên nữa quyết định. Biên chế vẫn là lá bùa hộ mệnh linh thiêng. Người ta chấp nhận lương thấp, công việc sai chuyên môn cốt có biên chế suốt đời.
Vậy ai sẽ xử lý vấn nạn nuôi báo cô công chức vô tích sự này? Không thể đẩy lên cấp trên được. Hãy tưởng tượng trong 5 năm giảm biên chế, mỗi năm giảm 60.000 người, các bộ, các tỉnh đùn đẩy danh sách cần cho ra khỏi biên chế này lên Chính phủ xử lý sẽ ra sao? Hết ngày dài lại đêm thâu, thủ tướng, các phó thủ tướng thay nhau rà soát danh sách, trích ngang, nâng lên, đặt xuống từng trường hợp sa thải ngay hoặc cần chiếu cố, ưu ái…thì còn đâu thời gian lo đại sự!
Các chuyên gia đề xuất, chỉ cần định biên và khoán kinh phí, đồng thời thực hiện hai việc này, những người đứng đầu sẽ có cách xử lý được không phải chỉ 10% như phương án của Bộ Nội vụ mà có thể là 20%, thậm chí 40% công chức, viên chức.
Tuy nhiên, sắp đại hội không vội được đâu!
Theo NĂNG LƯỢNG MỚI

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bộ Tộc Bị Lãng Quên | Thổ Dân Sống Biệt Lập Trong Rừng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đừng lo - và có lo cũng không được!

"Mẹ ơi, Thế chiến III liệu sẽ ra sao..."
Tất cả chỉ vì vài nước muốn lật đổ một ông Tổng thống kia hả mẹ? "Đôi lúc chuyện bé xé ra to, con người ta mất kiên nhẫn và mất định hướng, chỉ cần một sự kiện châm ngòi thế là mọi thứ biến thành một mớ hỗn độn".

"Tại sao người ta lại đánh nhau ở Syria hả mẹ"? Ảnh: Reuters

Mẹ ơi, kể lại cho con nghe đi, Thế chiến I từ đâu mà ra hả mẹ?
Con yêu, mẹ nói rồi mà, chuyện xưa lắm rồi. Một thế kỉ chứ có phải ít đâu.
Đi mà, mẹ.
Phức tạp lắm con ạ. Con có thật sự muốn nghe không?

Có ạ.
Chuyện buồn lắm. Thế giới khi đó được tổ chức theo một trật tự nhất định, và cái trật tự đó bị phá vỡ, với cái giá phải trả là hàng triệu mạng người.
Ôi trời. Thế trật tự thế giới khi đó ra sao ạ?
Ngày xưa thế giới là tập hợp những đế quốc, họ kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn, với nhiều kiểu người khác nhau, và một số trong đó muốn có quyền tự quản, thay vì bị chi phối bởi một ông quốc vương ở xa lắc xa lơ.
Vâng.
Đế quốc Áo-Hung là một trong số đó. Họ có rất nhiều cung điện nguy nga tại thủ đô Vienna, nơi người ta đến nhảy múa ở các dạ hội sang trọng. Họ kiểm soát một khu vực lạc hậu của châu Âu bấy giờ, gọi là Balkan. Nhưng người dân ở đây không thích cách cai trị này.
Một ngày nọ, năm 1914, thái tử Áo-Hung và phu nhân đã bị ám sát tại một thành phố Balkan mang tên Sarajevo. Hung thủ là một người Serbia muốn đòi lại sự tự do cho những người Slav phía nam khỏi ách thống trị của đế quốc.
Hình ảnh Thái tử Áo-Hung và phu nhân ngay trước lúc bị ám sát. Ảnh tư liệu: WikiMedia
Hình ảnh Thái tử Áo-Hung và phu nhân ngay trước lúc bị ám sát. Ảnh tư liệu: WikiMedia
Chuyện cũng lớn thật. Rồi sao nữa hả mẹ?
Đế quốc kia tức giận lắm, họ bắt Serbia phải phục tùng hàng loạt mệnh lệnh nếu không sẽ gây chiến. Quốc vương ở Vienna tự tin lắm, vì ông ta có một anh bạn thân, một thế lực mới nổi tên là Đức.
Serbia cũng có một anh bạn tốt tên là Nga, cũng to lắm. Nhưng Serbia cứ lúng túng chần chừ, cũng như con mỗi khi phải làm bài tập về nhà vậy, thế là Áo-Hung đem quân sang đánh.
Rồi sao nữa ạ?
Thế rồi Đức tuyên chiến với Nga. Nga lại có anh bạn tên Pháp, anh này rõ ràng cũng chăng ưa gì Đức. Thế là Đức tấn công Pháp, thông qua một anh tên Bỉ. Điều này lại kéo một anh tên Anh vào. Anh cũng lại tuyên chiến với Đức.
Một đế quốc khác, đang trong thời kì suy tàn, là Ottoman, rốt cục cũng tham chiến cùng phe Đức và Áo-Hung. Phe Anh-Pháp cũng chào đón sự xuất hiện của Mỹ, một thế lực mới nổi.
Sau vài năm chiến tranh, 16 triệu người đã thiệt mạng. Kết quả là đế quốc Áo-Hung, Đức, Ottoman và Nga sụp đổ.
Tất cả chỉ vì một cặp đôi bị ám sát? Lạ ghê mẹ nhỉ.
Đôi lúc chuyện bé xé ra to, con người ta mất kiên nhẫn và mất định hướng, chỉ cần một sự kiện châm ngòi thế là mọi thứ biến thành một mớ hỗn độn con ạ.
Mẹ ơi, chuyện này chắc không xảy ra lần nữa đâu nhỉ?
Không đâu con ạ.
Bây giờ thế giới có còn đế quốc nào nữa không mẹ?
Một số người vẫn gọi Mỹ là đế quốc dù họ không có vua. Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất này, với quân đội đóng trên khắp thế giới và rất nhiều nước phụ thuộc vào họ, nương nhờ sự bảo vệ của họ. Nhưng Mỹ đang yếu đi con ạ.
Mẹ ơi, thế giới bây giờ có giống với lúc nãy mẹ nói không, cái chuyện mà trật tự thế giới đang từ thế này chuyển sang thế kia, và rất nhiều người phải bỏ mạng đó mẹ?
Không hẳn thế, con yêu ạ. Ý con nói người ta bỏ mạng ở đâu?
Ở Syria đó mẹ. Mẹ ơi, nước Syria này là sao ạ?
Đây là một nước nhỏ với sự pha trộn của nhiều sắc tộc và tôn giáo, nó xuất hiện sau khi Đế chế Ottoman do quá suy yếu mà sụp đổ.
Tại sao người ta lại đánh nhau ở Syria hả mẹ?
Phức tạp lắm con ạ. Con có thật sự muốn nghe không?
Có ạ.
Ở Syria, một nhóm người nước này thấy Tổng thống của họ cư xử giống như một quốc vương độc tài nên đã nổi dậy chống lại ông ta. Ông ta bắn trả lại họ.
Mỹ, Anh, và Pháp, cùng nhiều nước khác nữa, không thích điều đó. Họ nói họ ủng hộ phe nổi dậy, nhưng không hẳn.
Ủng hộ những không hẳn là sao hả mẹ?
Vì như mẹ nói đấy, Mỹ đang yếu đi.
Vâng, rồi sao nữa ạ?
Ông Tổng thống kia có một người bạn vừa to vừa khỏe tên Nga, và một người bạn khác cũng to khỏe không kém là Iran. Cả hai đều ủng hộ ông ta.
Vậy ông ta thắng hả mẹ?
Không hẳn. Phần đông trong số những người muốn loại bỏ ông Tổng thống này là người Hồi giáo dòng Sunni. Họ được một nước có tên Saudi Arabia ủng hộ, nước này đa số là người Sunni. Họ lại ghét Iran, và từng hậu thuẫn những phần tử cực đoan người Sunni.
Lại có anh Thổ Nhĩ Kỳ, hậu duệ của Đế chế Ottoman, cũng ghét ông Tổng thống Syria kia, và cũng ủng hộ phe nổi dậy. Nhưng anh Thổ Nhĩ Kỳ này còn ghét một nhóm người khác hơn cả ông Tổng thống kia, đó là người Kurd.
Họ ghét người Kurd đến nỗi phải lén lút hậu thuẫn những phần tử cực đoan người Sunni, những kẻ chuyên đi chặt đầu và thậm chí bắn giết người dân ở các thành phố phương Tây, chỉ để mượn tay tiêu diệt người Kurd.
Mẹ ơi, khó hiểu quá.
Syria cũng bị chia ra làm nhiều mảnh, như Đế chế Ottoman khi xưa vậy. Bây giờ anh Nga đang dội bom kẻ thù của ông Tổng thống kia, anh Mỹ thì đánh bom những kẻ chặt đầu, anh Pháp cũng làm như anh Mỹ.
Anh Thổ Nhĩ Kỳ lại bắn rơi máy bay của anh Nga. Anh Nga tức lắm. Người Kurd thì muốn sở hữu lãnh thổ mà họ nghĩ đáng ra phải thuộc về mình từ 100 năm trước. Anh Saudi Arabia thì lúc nào cũng chực chiến với anh Iran.
Nhưng chiến sự căng thẳng nhất ở Syria, nơi hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng.
Tất cả chỉ vì vài nước muốn lật đổ một ông Tổng thống kia hả mẹ?
Đôi lúc chuyện bé xé ra to, chỉ cần một sự kiện châm ngòi thế là mọi thứ biến thành một mớ hỗn độn con ạ.
Mẹ ơi, vậy Thế chiến III liệu sẽ ra sao?
Đừng lo, con yêu, mọi thứ nay khác rồi.
Thật không mẹ?
Thật chứ. Chúng ta có sự sống, có tự do, có mưu cầu hạnh phúc. Chúc mừng Ngày Lễ Tạ ơn, con yêu.

theo Trí Thức Trẻ

http://soha.vn/quoc-te/me-oi-the-chien-iii-lieu-se-ra-sao-p10030r20151127040017233.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang