Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

"Phản giáo dục chứ giáo dục cái gì"

Sách có nội dung nhảm nhí, thô tục:

(GDVN)- Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, tâm lý cho rằng, việc phát hành, giảng dạy các loại sách có nội dung nhảm nhí, thô tục là cách giáo dục phản giáo dục...


Giáo dục hay phản giáo dục?
Câu chuyện về những cuốn sách dành cho trẻ em với nội dung được cho là nhảm nhí, thô tục, kích động bạo lực đang thu hút sự quan tâm từ phía dư luận.

Sách "Hỏi đáp nhanh trí", do Đức Trí sưu tầm biên soạn (ảnh: Trí thức trẻ)
Dư luận từng tranh cãi về nội dung cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1" do Tiến sĩ Phan Quốc Việt làm chủ biên, với bài học đi trên thủy tinh để rèn luyện... lòng dũng cảm. 

Không những thế, nhiều cuốn sách có nội dung hỏi đáp, kiểm tra tư duy các em bằng những câu hỏi đầy tính bạo lực, đã được phát hành tràn lan, cũng đang bị dư luận lên án.

Hẳn người ta còn nhớ, tháng 11/2014, trên thị trường xuất hiện cuốn sách "Hỏi đáp nhanh trí", do Đức Trí sưu tầm biên soạn, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành, với nhiều hình ảnh ngôn từ được cho là không phù hợp với lứa tuổi học đường.

Theo đó, trang 29 cuốn sách này có nội dung trắc nghiệm: “Anh A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái anh 

A bị làm sao?”.
Minh họa cho câu hỏi này là hình một người đàn ông đang nằm trên máy chém với khuôn mặt sợ hãi.

Tương tự là một câu chuyện khác: “Một người sau khi bị chặt đầu sẽ như thế nào?”. Đáp: “Biến đổi chiều cao”.

Mới đây, thêm một trang sách được cư dân mạng chia sẻ với tất cả sự hoang mang, nghi ngờ về giá trị giáo dục của nó.
Trong trang sách được độc giả chia sẻ, xuất hiện một bức tranh vẽ quang cảnh của khu vệ sinh, trong đó không gian của các cháu học sinh nam - nữ được gộp chung lại làm một.

Kèm theo hình ảnh là câu hỏi được đặt ra cho các trẻ: "Cách đi tiểu của bạn trai, bạn gái trong tranh có gì khác nhau nhỉ?"
Thật khó để đánh giá giá trị thực tiễn từ những cuốn sách này mang lại. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh tỏ vẻ lo lắng khi con em mình được trang bị những kiến thức về  “lòng dũng cảm”, cách ứng xử theo kiểu… chẳng giống ai.

Thu hồi thôi chưa đủ

Cơ quan có thẩm quyền sau khi phát hiện các cuốn sách có nội dung giáo dục không phù hợp đã thực hiện thu hồi…

Cũng liên quan tới nội dung phản ánh nêu trên, hôm 28/8, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục cho rằng, việc phát hành tràn lan, đưa vào giảng dạy các loại sách thiếu nhi, có nội dung không phù hợp với tâm lý lứa tuổi là cách giáo dục phản giáo dục.
Do đó, việc xử lý những sai sót phải xuất phát từ tư duy của nhà giáo dục và đơn vị quản lý.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa (ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống)
“Các ví dụ khi đưa ra giảng dạy, thực nghiệm phải mang tính giáo dục. Tôi chưa thấy ở đâu người ta đưa các hình ảnh quá bạo lực, thô thiển.... để dạy trẻ. Càng không nên đưa các em ra “thí nghiệm” để minh chứng cho bài học của mình.

Tôi lấy ví dụ, trong khi chúng ta đang giáo dục trẻ yêu thương bố, mẹ, yêu thương đồng loại, thì người ta lại đưa ra vấn đề bố bạn A, bạn B bị chặt đầu để hỏi các em, như thế thì giáo dục cái gì? Đó là phản giáo dục chứ không phải giáo dục…”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm dẫn chứng.
Cũng theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, cách thức giáo dục này rất dễ khiến trẻ "ảo giác" về sức mạnh, tính bạo lực trong học đường... gây ra những hệ lụy khó lường.
"Đến khi người ta rút được kinh nghiệm thì mọi thứ có thể đã muộn.
Do đó, vấn đề nội dung giáo dục trẻ nói chung cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng ” chuyên gia tâm lý Trình Trung Hòa lưu ý.

Trong khi đó, PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, từ sự việc trên có thể thấy, tư duy giáo dục của chúng ta đang có vấn đề.

“Tôi cho rằng, người viết ra những cuốn sách này có vấn đề về chuyên môn. Họ chưa nghiên cứu kỹ trẻ cần gì và những bài học có lồng ghép nội dung bạo lực, nhảm nhí như thế có tác động như thế nào tới tâm lý trẻ em?
Do đó, tư duy, định hướng giáo dục của người biên soạn, phát hành cần phải xem xét lại".

Nói về nguyên nhân chính dẫn đến những sai sót nêu trên, PGS. Văn Như Cương cho rằng: “Việc biên soạn, thẩm định, phát hành những cuốn sách như đã nêu không được đơn vị xuất bản kiểm duyệt một cách cẩn thận.
Do vậy, để xảy ra những lỗi đáng tiếc thế này có phần lỗi từ người biên soạn và đơn vị quản lý xuất bản”.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nêu giải pháp, vấn đề xử lý sách có nội dung không phù hợp phải được thực hiện trước tiên từ khâu quản lý.

“Bây giờ không thể cứ cho phát hành, rồi thấy sai sót lại thu lại.
Tôi cho rằng, cần làm chặt chẽ từ khâu kiểm duyệt, in ấn trước khi phát hành. Mặt khác, cũng cần xử lý kỷ luật cá nhân, tập thể để xảy ra sai sót khi thực hiện trách nhiệm…”
Xuân Quang


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trước thềm chuyến công du Hoa Kỳ của Tập Cận Bình


Washington Post: Trước thềm chuyến công du Hoa Kỳ của Tập Cận Bình, uy thế Trung Quốc suy giảm

Người dịch: Lê Anh Hùng
 
Tập Cận Bình | Ảnh: Lintao Zhang

Khi các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ lên kế hoạch cho chuyến thăm cấp nhà nước của Tập Cận Bình sang Washington vào tháng tới, họ hẳn đã mường tượng ra cảnh vị Chủ tịch Trung Quốc đặt chân đến xứ sở này, một cách đầy hình tượng, trên chiếc tàu sân bay bóng bẩy với những băng rôn mang dòng chữ “Giấcmơ Trung Hoa” phấp phới. Thách thức lúc đó đối với họ là làm thế nào để đối phó với một Bắc Kinh mạnh mẽ và tràn đầy tự tin.
Giờ đây, các nhà hoạch định cuộc gặp thượng đỉnh lại đối mặt với một bài trắc nghiệm mới: sau cơn bão kinh tế tháng Tám, Tập Cận Bình đang chèo lái một con tàu chông chênh hơn – vẫn với vẻ bóng bẩy bên ngoài, song lại kèm theo một số chỗ rò rỉ và vài khoang tả tơi. Vấn đề đặt ra là Hoa Kỳ có thể hợp tác thế nào với một Trung Quốc suy yếu hơn và mới trở nên mong manh hầu phục hồi tăng trưởng và ổn định kinh tế, mà không củng cố phong cách chính trị độc đoán của họ Tập?
Điều nghịch lý ở đây là một Trung Quốc bị thương tổn có thể khiến người ta khó đối phó hơn so với một Trung Quốc lành mạnh. “Trung Quốc đang hướng tới một giai đoạn đầy bất trắc và lo lắng trong nước, song điều này không nhất thiết dẫn đến một Trung Quốc ôn hoà hơn trên trường quốc tế” – đó là lời cảnh báo của Kurt Campbell, người từng giúp Tổng thống Obama lèo lái chính sách Châu Á trong nhiệm kỳ đầu của ông. “Họ Tập có thể sẽ thể hiện một lập trường cứng rắn hơn nhằm tránh bất kỳ biểu hiện nào cho thấy tình trạng suy yếu và dễ đổ vỡ.”
Các nhà quan sát Trung Quốc đã cảnh báo rằng một sự “điều chỉnh” kinh tế sắp diễn ra sau nhiều năm tăng trưởng nhanh và cho vay thiếu kiểm soát. Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính, viết trong cuốn “Đối phó với Trung Quốc” mới xuất bản năm nay: “Tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại và mức nợ xấu tăng lên nhanh chóng hiếm khi là một sự kết hợp vui vẻ, và xem ra cơn cuồng say vay mượn của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra rắc rối.”
“Thành thật mà nói, vấn đề không phải là nếu, mà là khi nào thì hệ thống tài chính của Trung Quốc… sẽ đối mặt với một sự trả giá”, Paulson tiên đoán. Từ “khi nào” kia đã cho thấy là bây giờ.
Tập Cận Bình đã đặt ra mục tiêu kép cho mình là cải cách thị trường tự do và trấn áp tham nhũng nội bộ. Cả hai đều là những nỗ lực nhằm củng cố sự ổn định của Trung Quốc và bảo vệ chế độ cai trị của Đảng Cộng sản. Song họ Tập vẫn chưa đạt được những cải cách mà ông ta đã hứa hẹn, và chiến dịch chống tham nhũng tạo ra cho ông ta nhiều kẻ thù bên trong Đảng. Tập Cận Bình từng hy vọng tước bớt quyền lực của một phe nhóm do người tiền nhiệm của ông ta là Giang Trạch Dân cầm đầu; song nhóm này giờ lại được cho là mạnh bạo hơn trong việc chỉ trích họ Tập.
Tập Cận Bình sẽ đến Washington với một vị thế chính trị mong manh mới, cũng như với tình trạng hỗn loạn kinh tế. Ông ta muốn đạt được những biểu tượng quyền lực mà một cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington có thể đem tới. Và ông ta sẽ cự tuyệt những nhượng bộ công khai mà người dân đại lục hiểu là một sự “mất mặt”. “Tất cả là sự thể hiện bên ngoài, dễ thấy về thái độ tôn trọng của người Mỹ”, Campbell giải thích.
Phái diều hâu có thể lập luận rằng thời điểm suy yếu này chính là lúc để gây áp lực lên Trung Quốc. Một số quan chức kỳ cựu ở Lầu Năm Góc đã gợi ý gần đây, chẳng hạn, rằng Hoa Kỳ cần tỏ ra mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định quyền tự do đi lại ở Biển Đông, bằng cách phái máy bay và tàu bè đến nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.
Một cuộc bàn luận chính sách thầm lặng về chủ đề Biển Đông đang diễn ra ở Washington. Các quan chức Lầu Năm Góc lo ngại Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở phục vụ hải quân ở vùng biển tranh chấp, mà không gặp phải sự phản đối của Hoa Kỳ. Phía chủ trương lập trường cứng rắn hơn bao gồm các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực, chẳng hạn như Philippines và Việt Nam, hai quốc gia muốn Hoa Kỳ khôi phục cam kết lịch sử của mình trong việc bảo vệ tự do hàng hải.
Chính quyền Obama cự tuyệt những lời kêu gọi như thế, với lập luận rằng điều đó có thể châm ngòi cho một loạt phản ứng và chống phản ứng vốn dĩ khó lường. Trước thềm chuyến thăm của Tập Cận Bình, Nhà Trắng hầu như chắc chắn là sẽ bác bỏ bất kỳ động thái mang tính khiêu khích nào như thế. “Hãy cho tôi biết điều gì sẽ xẩy ra tiếp theo” là phản ứng thận trọng khả dĩ của Obama trước đề xuất trương cơ bắp quân sự ở Biển Đông, như ở Syria và Ukraina.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới quá bất ổn, Obama có lẽ sẽ theo đuổi một nghị trình hạn chế trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tập Cận Bình. Chủ đề bao trùm có thể là Hoa Kỳ và Trung Quốc, với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang hợp tác vì sự ổn định và tăng trưởng toàn cầu. Những “kết quả” cụ thể có thể bao gồm sự tái khẳng định của Trung Quốc về thoả thuận hạt nhân Iran; một nhóm nghiên cứu chung nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á do Trung Quốc mới khởi xướng với các định chế hiện hành như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới; một nhóm công tác về các chủ đề không gian mạng; một tuyên bố chung thể hiện thái độ quan ngại về Bắc Triều Tiên; và việc hai bên lặp lại những cam kết nhằm hạn chế phát thải carbon trước thềm cuộc hội nghị về biến đổi khí hậu ở Paris vào tháng 12 tới.
Cơn biến động tài chính tuần này, với các thị trường lên xuống từ Thượng Hải cho đến Manhattan, là một lời nhắc nhở về sự phụ thuộc lẫn nhau của nền kinh tế thế giới. Đó là một thực tế không dễ chịu với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Quốc gia nào cũng muốn làm chủ định mệnh của mình – và muốn có khả năng định hình thế kỷ 21 theo cách của họ. Cuộc gặp thượng đỉnh tháng tới có thể sẽ cho thấy những giới hạn quyền lực ngay cả với hai đại cường của thế giới.
Nguồn: Washington Post
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Anh chỉ cần yêu người, yêu đời

CUỘC CÁCH MẠNG BỊ THẤT LẠC – Trịnh Công Sơn, anh đã đến trần gian để làm gì?

trinh7(Nhân đọc bài viết “Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị” của Trịnh Cung đăng trên website damau.orgngày 01.4.2009)
Trịnh Cung là một họa sĩ nhưng anh viết văn thật chuyên nghiệp. Bài viết đã cung cấp những tư liệu sinh động, ấn tượng mà có thể trước đây nhiều người chưa biết đến.
Tuy nhiên tôi hoàn toàn không ngạc nhiên sau khi đọc xong bài viết ấy. Vì Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ giàu tình cảm, chống chiến tranh, có cảm tình với MTGPMN, và đôi khi cũng muốn làm một chàng hiệp sĩ…
Nhưng chiến tranh không phải vậy. Chiến tranh là hy sinh, đổ máu, là ngục tù. Chiến tranh còn là thủ đoạn, thanh toán nhau, phủ nhận nhau, loại trừ nhau… Trịnh Cung kể rằng ngày 30.4.75 có một ông nhạc sĩ đã “đuổi” Trịnh Công Sơn ra khỏi phòng thu Đài phát thanh Sài gòn là một ví dụ nhỏ nhưng khá điển hình.
Qua bài viết của Trịnh Cung tôi thấy không có gì quan trọng, không có gì để trách cứ, lên án Trịnh Công Sơn, trái lại càng thương anh. Cũng như bao nhiêu người giàu tình cảm khác, rất nhẹ dạ, cả tin, cộng với một chút háo danh, một chút “cơ hội”… gộp lại thành một cái bi kịch nho nhỏ.
TCS không có lỗi gì cả. Anh chỉ có một tấm lòng. Và anh tưởng bở. Tưởng rằng mình có tài, mình nổi tiếng thì sẽ được trọng dụng, có biết đâu rằng chế độ mới không cần “tài”, không cần “nổi tiếng” họ chỉ cần anh có phải đảng viên hay không. Nếu anh đã là đảng viên rồi, lại còn phải xét xem anh có ăn cánh không thì mới được tin  dùng.
Đừng nói Trịnh Công Sơn chỉ là “quần chúng” cảm tình khơi khơi… ngay cả cộng sản thứ thiệt như Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Hộ, Hùynh Tấn Mẫm… cũng vẫn “tưởng bở” như thường. Và sự “tưởng bở” ấy đã dẫn họ đến những kết cục rất bẽ bàng.
Bi kịch của TCS là bi kịch tưởng bở. Tội cho anh, thương cho anh. Anh chẳng bao giờ là cộng sản. Anh không có trong tổ chức của Đảng, của Đoàn hay của cái quái gì cả. Anh chỉ là một nhạc sĩ tài năng và rất mong manh. Gán cho anh bốn chữ “tham vọng chính trị” tôi thấy vừa buồn cười vừa “ép người quá đáng”.
Chuyện TCS có ý định tham gia chính phủ Dương Văn Minh chỉ là chuyện tào lao (chính ông Lý Quý Chung cũng đã xác nhận điều đó). Ông Nguyễn Trần Thiết, một nhà văn miền Bắc, trong suốt tác phẩm dày hơn 1000 trang viết về Dương Văn Minh (do tôi biên tập) cũng không hề có dòng nào nói đến chuyện TCS có ý định tham gia chính phủ Dương Văn Minh.
Sau ngày 30.4.75 rõ ràng là có một cái “mốt việt cộng nằm vùng”: nữ nghệ sĩ Kim Cương cũng đại tá việt cộng, Thanh Nga cũng vi-xi, trung tướng Nguyễn Hữu Có cũng tình báo cộng sản, rồi bây giờ đến lượt Trịnh Công Sơn. Bài viết của Trịnh Cung đã góp phần tạo ra một ảo tưởng “nhà nhà làm tình báo, người người làm tình báo.”  Thực ra không phải như vậy. Thực ra cộng sản thì ít mà ham vui thì nhiều. Chàng nhạc sĩ họ Trịnh của chúng ta cũng thuộc “típ” ham vui đó.
Còn việc sau này (trong “thập niên 90”) TCS hỏi ý kiến Trịnh Cung xem có nên vào Đảng hay không cũng chỉ là chuyện trẻ con. Chắc chắn có vài người trong Hội Nhạc sĩ đã gạ anh, dụ anh vào Đảng để Đảng được dựa hơi danh tiếng anh, và để Đảng khoe với dư luận thế giới rằng “chúng tôi rất thoáng, biết tôn trọng nhân tài”. Thế thôi, nào phải TCS muốn vào Đảng.
Chúng ta đừng làm cho sự việc trở nên nặng nề, vì thực chất trường hợp TCS rất dễ hiểu, rất nhẹ nhàng. Còn việc TCS sáng tác bài “Cho một người nằm xuống” cho Lưu Kim Cương chẳng qua là vì ông ta đã tạo điều kiện cho Sơn “được hoãn dịch” khỏi phải tham dự vào một cuộc chiến tương tàn nhảm nhí.
Đừng nghĩ rằng TCS là một con người chính trị, hãy hiểu rằng Thượng đế đã mời Trịnh Công Sơn xuống trần gian để làm nhạc sĩ. Vì thế không việc gì anh phải “khí tiết cách mạng”, phải kiên định lập trường vì một phe phái nào. Anh chỉ cần yêu người, yêu đời, thậm chí anh chỉ cần “mê gái” và sáng tác cho chúng ta những ca khúc về những tình yêu ấy cũng đã là điều vĩ đại rồi.
Hiểu Trịnh Công Sơn như thế thì ta sẽ đón nhận bài viết của Trịnh Cung một cách nhẹ nhàng.
Một nhạc sĩ có thể viết được một câu tuyệt vời như: “Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn” thì chuyện vào Đảng, chuyện chính trị chính em cũng chỉ là miếng giẻ rách mà người nhạc sĩ tài hoa tình cờ gặp phải trên đường “tìm lại bên sông những dấu hài.”
ĐÀO HIẾU
(Trích từ tác phẩm CUỘC CÁCH MẠNG BỊ THẤT LẠC)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

"Trời còn để có hôm nay"".. Qua cầu hoạn nạn, đắng cay..mặn tình. Ngày vui không của riêng mình - Mấy ai có được nghĩa tình quê hương?

Làng xóm bắc rạp, bắn pháo hoa đón ông Đoàn Văn Vươn

Hoàng Anh
Ông Đoàn Văn Vươn về đến nhà trong niềm vui và xúc động của bà con xã Vinh Quang, Tiên Lãng (Hải Phòng). Họ chuẩn bị pháo giấy và bắc rạp làm cơm chiêu đãi người nông dân.
Sau chặng đường hơn 80 km từ trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh, Hải Dương) về tới quê nhà xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), ông Đoàn Văn Vươn cùng vợ con và những người bạn thân ghé đình Đông, nơi thờ tiến sĩ bộ hộ thượng thư Nhữ Văn Lan để báo cáo với tiên tổ.
14h, người nông dân lại được đi trên mảnh vườn tại quê nhà. Ra đón từ đầu ngõ là những người bạn thân thiết cùng sinh hoạt trong Liên chi Hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng. Họ đã chờ ông từ tinh mơ.
Những quả pháo giấy liên tiếp bắn lên, chào mừng ông trở về.
Lần lượt từng người ôm ông chúc mừng.
Làng xóm tại xã Vinh Quang ai nấy đều mừng rỡ khi thấy ông vẫn khỏe mạnh như xưa. Trước đó, họ đã bắc rạp tại mảnh vườn ngay chân đê chuẩn bị tiệc chiêu đãi.
Trở về nhà sau nhiều năm đi xa, ông Vươn bước thẳng ra khu đầm mà bấy lâu nay ông vẫn đau đáu nỗi lo toan. Ông cho biết, trong những ngày tới khi ổn định mọi thứ sẽ tiếp tục công việc nuôi trồng thủy sản, gia cầm trên mảnh đất 40 ha này.
Nhìn người vợ hiền và đưa con út khỏe mạnh, ông Vươn cho biết không lâu nữa ông sẽ bắt tay vào những công việc còn đang thực hiện dang dở.
Phát biểu trong buổi lễ đón mình và người em ruột Đoàn Văn Quý, ông Vươn gửi lời cám ơn tới bà con làng xóm, bạn bè đã luôn ủng hộ và giúp đỡ vợ con ông khi đang phải thụ án.
Nhiều người không giấu nổi giọt nước mắt xúc động khi nghe ông tâm sự về
những tháng ngày sống trong trại giam.
"Tình cảm mà mọi người dành cho tôi thật ý nghĩa và lớn lao. Tôi về sớm với cộng đồng thật là một niềm hạnh phúc, nhất là được tiếp tục phụng dưỡng người mẹ già mà bấy lâu anh em tôi luôn thấp thỏm, đợi chờ, lo lắng", ông xúc động nói.
Sau nhiều giờ hội ngộ, nhiều người vẫn rưng rưng nước mắt vì vui sướng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGUYỄN BẮC SƠN khổ đau như nước chảy qua cầu


Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn nổi tiếng với tập “Chiến tranh Việt Nam và tôi” có những câu thơ ấn tượng: “Mai ta đụng trận ta còn sống. Về ghé Sông Mao phá phách chơi. Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm. Đốt tiền mua vội một ngày vui…”. Sau năm 1975, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn sống và viết ở quê nhà Phan Thiết- Bình Thuận. Sáng ngày 4-8-2015, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đã qua đời, hưởng thọ 72 tuổi. Tiễn biệt ông, mời đọc lại chùm thơ 5 bài để hiểu thêm một số phận “khổ đau như nước chảy qua cầu”




CÃI PHẬT
Phật bảo đời người như bể khổ
Ta cười sướng khổ bổ sung nhau
Còn sống còn vui còn múa hát
Khổ đau như nước chảy qua cầu

DIỆU ÂM
Mắt người như cánh hoa sen xanh
Mắt của rừng nai mắt của tình
Một sáng ta về ngây ngất nhớ
Âm thầm thu phát những âm thanh

GIAI NHÂN VÀ SÁCH VỞ
Ta đọc ba ngàn quyển sách
Xong rồi chẳng nhớ điều chi
Ta chỉ nhìn em một cái
Sao mà nhớ đến mê si


CHIẾN TRANH VÀ TÔI
Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
rừng giáp rừng gío thổi cỏ lông măng
đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt

Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời
hãy tưởng tượng mình đang đi picnic

Kẻ thù ta ơi, các ngài du kích
hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
hãy tránh xa ra ta xin xí điều
lúc này đây ta không thèm đánh giặc

Thèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốc
thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
kẻ thù ta ơi, những đứa xâm mình
ăn muối đá và hăng say chiến đấu

Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
xem chiến cuộc như tai trời ách nước

Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí

Lũ chúng ta sống một đời vô vị
nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
chọn trời đêm làm nơi đốt hỏa châu
những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc

Mượn bom đạn chơi trò pháo tết
và máu xương làm phân bón rừng hoang


BỎ XỨ
Mười năm nhỉ, mười năm khuất nhục
Ngồi khua ly trong quán cô hồn
Cô độc quá người thanh niên khí phách
Trời đất bao la mà không chỗ dung thân.

Kỳ lạ nhỉ, giờ đây ta bỏ xứ
Theo trái phong du níu gió lên trời
Xin bái biệt cổ thành với nhà ga hoang không thiết lộ
Khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi.

Xin bái biệt những người tin rằng thi sĩ chết
Và hi hô tát cạn dòng sông
Khi giã từ, ta tặng cho các ngươi cái búa
Ðể đốn đời thánh hạnh của cây thông.


Ở Ðà Lạt, ngoài khung cửa kính
Giàn su xanh thở ấm má em hồng
Và tôi, kẻ mười năm không áo lạnh
Biết đời mình đủ ấm hay không?

Ở Ðà Lạt ta tha hồ cuốc đất
Và tha hồ ẩn hiện giữa ngàn cây
Sẽ đi tìm cây cần trúc nhỏ
Ra hồ ngồi, câu đá câu mây.

Ở Ðà Lạt, lạc đàn dăm bảy đứa
Còng lưng ra mà cõng ba-lô
Những hào sĩ đứng bên bờ nhật nguyệt
Vỗ tay cười khinh lớp sóng lô nhô.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tưởng gì? hóa ra được mỗi cái mả to tốn đất!

Mộ của HỮU ƯỚC sẽ to hơn mộ của những nhà văn nổi tiếng ?


Hữu Ước trò chuyện với Ma Văn Kháng: “Đỗ Phủ tài năng lớn như thế mà ngôi mộ thì sè sè nắm đất bên đường, cô quạnh vậy. Trong khi mộ Bạch Cư Dị thì hoành tráng, nguy nga trên một đồi thông rất đẹp bên sông Hoàng Hà, một di tích văn hóa, ngày ngày nườm nượp người tới thăm viếng. Nó là do cái gì vậy? Nó là do thi sĩ họ Bạch vốn là một chức quan lớn đời nhà Đường… Đời nó thế mà, bác. Rồi bác xem. Khi chết, chắc là mộ tôi sẽ to hơn mộ nhiều nhà văn các bác nhé!”


ĐỖ PHỦ VÀ BẠCH CƯ DỊ

MA VĂN KHÁNG

Mồng 3 Tết Giáp Ngọ 2014, nhà văn – trung tướng Hữu Ước đến thăm và tặng quà Tết. Hàn huyên chuyện trò quanh chuyện văn chương, tôi nói, mình rất thích chùm thơ cảm tác anh viết dạo anh đi thăm Trung Quốc.
Hào hứng Hữu Ước đọc luôn hai bài, một “Viếng mộ Đỗ Phủ”, một “Viếng mộ Bạch Cư Dị”.

Viếng mộ Đỗ Phủ
Một nấm mồ xanh ông với ông
Cô đơn lạnh lẽo có buồn không?
Mây trời sông nước còn đây cả
“Thiên cổ văn chương, thiên cổ sự”

Nhưng rồi vẫn cứ là như thế
Ai kẻ qua đường thương khóc ông!
Lưu danh thiên cổ cho ai nhỉ?
Một nấm mồ xanh ông với ông.

Viếng mộ Bạch Cư Dị
Cũng là danh họa cầm thi
Bên thì cô quạnh, bên thì đông vui
Người yêu kẻ ghét duyên trời
Giọt sương chỉ thắm trên đôi má hồng
Trời xa đất có gần không?
Gọi mây mây tản, gọi giông giông buồn
Thế nhân an phận thủ thường
Phù du một thoáng, xót thương một thì

Đọc xong, Hữu Ước lắc lắc đầu:
- Đỗ Phủ tài năng lớn như thế mà ngôi mộ thì sè sè nắm đất bên đường, cô quạnh vậy. Trong khi mộ Bạch Cư Dị thì hoành tráng, nguy nga trên một đồi thông rất đẹp bên sông Hoàng Hà, một di tích văn hóa, ngày ngày nườm nượp người tới thăm viếng. Nó là do cái gì vậy? Nó là do thi sĩ họ Bạch vốn là một chức quan lớn đời nhà Đường!
Nhìn tôi, Trung tướng nheo nheo mắt, khiêm nhường và như tự giễu mình, cười nhẹ nhẹ:
- Đời nó thế mà, bác. Rồi bác xem. Khi chết, chắc là mộ tôi sẽ to hơn mộ nhiều nhà văn các bác nhé!

Trích “Nghệ thuật và cuộc đời” – Nhà văn và Tác phẩm số 9.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đi tù lời lãi có khi - Đời chưa thậm khổ mấy khi gặp tài?

NGUYỄN DU đã xuất hiện trong giấc mơ NGUYỄN VIỆT CHIẾN những ngày ở tù



Tôi mơ thấy mình bất ngờ được gặp cụ Nguyễn Du đi câu trên sông đêm. Hoá ra cụ ra sông câu từ lúc trời còn mưa to lắm. Nón áo đến giờ còn lướt thướt ướt ròng. Trên tay cụ là một chiếc cần trúc. Và cụ mang theo một bầu rượu, giắt ở thắt lưng. Đầu đội nón lá, chân đi đất, cụ Nguyễn câu gì trong đêm mưa ấy. Chỉ có giời mới biết. Và chỉ có thi ca được biết mà thôi. Được gặp một thiên tài viết mấy ngàn câu lục bát khiến quỷ thần cũng phải rung động, tôi bàng hoàng hỏi thăm cụ: “Thưa đại thi hào, trong đêm mưa lớn thế này, người ra sông đêm câu gì vậy? Cháu nghĩ đêm nay hình như cụ không phải ra sông câu cá chơi, có phải vậy không, thưa cụ?”. Nghe tôi hỏi, cụ Nguyễn Du đăm chiêu nhìn tôi chốc lát, như muốn phán truyền điều gì đó. Rồi cụ tươi tỉnh chỉ dòng sông trước mặt và nói: “Anh bạn thơ trẻ, anh nghĩ cũng gần đúng đấy. Trong đêm mưa lớn thế này, ta ra sông không phải để câu cá chơi đâu. Dòng sông lớn đang cuồn cuộn chảy trước mặt chúng ta kia đâu phải là dòng sông bình thường. Đó là dòng sông văn đấy. Nó đang thức dậy khát khao sau nhiều đêm thiếp ngủ trong lãng quên, anh bạn trẻ ạ! Và đêm nay, ta ra câu chữ trên dòng sông văn ấy…”



GẶP CỤ NGUYỄN DU TRÊN SÔNG ĐÊM

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Đêm ấy mưa thật to. Bốn bề tối đen. Vạn vật thiếp đi trong giấc ngủ sợ hãi. Tôi như bị cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Tôi như bị chìm rất sâu trong một đêm mưa lớn. Không cha mẹ. Không vợ con. Không bạn bè. Bốn bề gió mưa tăm tối. Bốn bề thăm thẳm cô đơn. Ngoài trời. Họ nhà sấm một mình gieo rắc tai hoạ. Sét gầm gào, xé toạc cả một vùng đêm bằng những ngọn roi điện khét lẹt, nhức nhối. Thị giác tôi, thính giác tôi, thân thể tôi, tâm thức tôi, ký ức tôi… bị bỏng rát, nát tươm. Bởi những tia chớp quất xuống liên hồi như muốn dày xéo. Như muốn hành hạ. 

Không thể gì cản nổi cơn thịnh nộ cuồng điên của gió mưa trong đêm ấy. Gió như muốn bứt trụi những mái nhà yên lành bằng bàn tay đen tối của mình. Có cảm tưởng, chỉ những gì thấp bé hơn ngọn cỏ, chỉ những gì xác xơ nén chịu mới được tồn tại một cách phù du, vật vờ trong kiếp sống ấy. Mưa đêm xối xả đập xuống mặt sông. Một con sông lớn đang dâng lên trước mặt tôi. Dâng lên mãi. Nuớc lạnh. Mưa cũng thật lạnh. Chỉ còn lại trái tim trong ngực tôi thoi thóp ấm và phù sa. Phù sa như máu của một miền châu thổ trong tôi bị dẫm đạp, bị hành xác.
Rồi mưa cũng ngớt dần. Rồi trăng lên trên sông vắng. Và trên bãi cát đêm chảy dài như một mộng mị. Một ám ảnh dưới trăng. Tôi mơ thấy mình bất ngờ được gặp cụ Nguyễn Du đi câu trên sông đêm. Hoá ra cụ ra sông câu từ lúc trời còn mưa to lắm. Nón áo đến giờ còn lướt thướt uớt ròng. Trên tay cụ là một chiếc cần trúc. Và cụ mang theo một bầu rượu, giắt ở thắt lưng. Đầu đội nón lá, chân đi đất, cụ Nguyễn câu gì trong đêm mưa ấy. Chỉ có giời mới biết. Và chỉ có thi ca được biết mà thôi.
Được gặp một thiên tài viết mấy ngàn câu lục bát khiến quỷ thần cũng phải rung động, tôi bàng hoàng hỏi thăm cụ: “Thưa đại thi hào, trong đêm mưa lớn thế này, người ra sông đêm câu gì vậy? Cháu nghĩ đêm nay hình như cụ không phải ra sông câu cá chơi, có phải vậy không, thưa cụ?”. Nghe tôi hỏi, cụ Nguyễn Du đăm chiêu nhìn tôi chốc lát, như muốn phán truyền điều gì đó. Rồi cụ tươi tỉnh chỉ dòng sông trước mặt và nói: “Anh bạn thơ trẻ, anh nghĩ cũng gần đúng đấy. Trong đêm mưa lớn thế này, ta ra sông không phải để câu cá chơi đâu. Dòng sông lớn đang cuồn cuộn chảy trước mặt chúng ta kia đâu phải là dòng sông bình thường. Đó là dòng sông văn đấy. Nó đang thức dậy khát khao sau nhiều đêm thiếp ngủ trong lãng quên, anh bạn trẻ ạ! Và đêm nay, ta ra câu chữ trên dòng sông văn ấy. Ta nói điều này cho anh biết. Chỉ có trong những đêm mưa lớn của đời người như anh đang từng phải trải qua, người thơ mới có thể ra sông văn câu được những bài thơ, tứ thơ, những câu chuyện văn chương hay nhất trong cuộc đời cầm bút của mình, nghe chưa…” 

Nói xong, cụ Nguyễn Du lấy bầu rượu tưới xuống dòng sông văn trước mặt, rồi vừa đi, vừa ngâm nga mấy đoạn Kiều. Bóng cụ khuất dần sau mưa đêm. Cũng trong đêm mưa ấy, khi trăng đã lên và mưa đã ngớt. Tôi còn nghe thấy trên sông văng vẳng tiếng hát của một người con gái trẻ ở làng bên ra sông giặt lụa. Tiếng hát trong văn vắt như một dải lụa mềm dưới trăng. Tôi choàng tỉnh dậy, sau giấc mơ kỳ lạ ấy và thức suốt một đêm mưa lớn để làm bài thơ "Gặp Nguyễn Du trên sông đêm" dưới đây. Mong ghi chép lại cuộc gặp gỡ thú vị, may mắn vừa diễn ra, để ghi nhớ những lời dạy bảo ân tình của cụ Nguyễn Du:

Đêm mưa gặp Nguyễn trên sông
Đầu đội nón lá, chân không mang giày
Ông ra câu cá sông này
Một chiếc cần trúc phất đầy mưa đêm
Ông dốc bầu rượu tưới lên
Dòng sông mặt sách còn thiêm thiếp nằm
Các người ngủ suốt trăm năm
Nguồn thơ đã cạn, nguồn văn đã mòn
Dậy đi thôi, nước vẫn còn
Sông vẫn đang chảy từ nguồn cội xa
Sông là bạn học của ta
Ta học sông cách phù sa đắp bồi
Sông văn chảy dọc cuộc đời
Nguyễn ngồi câu chữ dưới trời mưa đêm
Có cô gái trẻ làng bên
Ra sông giặt lụa vào đêm Nguyễn về
Thế rồi. Đêm ấy. Bờ đê
Mưa thì đã tạnh. Trăng thề đã rơi
Hình như họ đã thành đôi
Sông thơ chảy usốt một trời Nguyễn Du
Truyện Kiều ông viết trong mơ
Ngoài sông tiếng đập lụa như vẫn còn
Lụa như trăng. Giặt chẳng mòn
Nàng Kiều đêm ấy vẫn còn trên sông
Người lụa đã nhận ra ông
Đầu đội nón rách, chân không mang giày
Ông ra câu chữ sông này
Một chiếc cần bút phất đầy trăng đêm
                            6-2008


Phần nhận xét hiển thị trên trang