Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Sống xa hoa trong sự nghèo khổ của cộng đồng là bất nhẫn!

Bùi Hoàng Tám


(Dân trí) - Nghèo khó không thể là “công trạng” và giàu có cũng không phải là tội lỗi. Thế nhưng sống xa hoa trong một xã hội còn nghèo khó, ăn chơi phè phỡn khi đồng bào mình còn nghèo khổ thì chắc chắn cũng không phải là lối sống đẹp mà có gì đó còn như bất nhẫn.

Việt Nam ta giàu hay nghèo? Có lẽ trước câu hỏi đó, câu trả lời không ngần ngại với nhiều người là nghèo hoặc chí ít, chúng ta mới vượt qua ngưỡng một quốc gia nghèo.

Theo bài báo “Toàn xe siêu sang: Ai nói Việt nam nghèo?” đăng trên Vietnam Net của tác giả Trần Văn Tuấn thì với hơn 90 triệu người dân, thu nhập của cả nước năm 2014 dù đã rất cố gắng cũng chỉ có thể đạt khoảng 171,4 tỷ USD .Trong đó, “khoảng hơn 9 triệu người nghèo trên cả nước chỉ thu nhập khoảng 5 tỷ USD trong năm nay – tương đương với 550 USD/người/năm so với con số 1.900 USD trung bình của cả nước.

Con số này đồng nghĩa với một thực tế rằng sau gần 3 thập niên đổi mới và được  đánh giá cao về thành tích giảm nghèo, tại năm 2014 này Việt Nam chúng ta vẫn còn có tới hơn 9 triệu người dân đang sống với mức thu nhập thấp”.

Thế nhưng nhìn vào độ “chơi sang” của giới đại gia, showbiz thì Việt Nam ta không hề kém cạnh. Thậm chí, tỉ phú nhiều nước phải “ngả mũ” trước sự xa hoa của một nhóm nhỏ những người giàu có. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu USD để làm những chuyện khác người.

Đó là chuyện một đại gia mua cho vợ cái giường 6 tỉ đồng (khoảng 300.000 USD) chỉ để “cho người nước ngoài biết” hay tạc 3 bức tượng 3 người vợ từng phụ bạc, ôm tài sản của ông ta ra đi.

Một đại gia khác ở Tuyên Quang còn bỏ ra 4 tỉ VND để sắm cho mình một cái kính.

Một đại gia đất Hà thành thì bỏ ra 140 cây vàng để dát vàng cho cái… toilet.

Trong lĩnh vực xe cộ, một đại gia có dàn siêu xe với gần 20 chiếc. Trong đó có 6 chiếc được đóng theo cặp bao gồm bộ đôi Lamborghini Gallardo, bộ đôi Lamborghini Murcielago LP640 màu đen và màu cam, bộ đôi Aston Martin Rapide, bộ đôi coupe Bentley Continental GT, bộ đôi limousine và hai chiếc Rolls-Royce Ghost. Số còn lại là những siêu xe và xe sang như Ferrari 458 Italia, Cadillac, BMW M6.

Trong giới showbiz  chân dài, người mẫu chuyện mua sắm cũng kinh hoàng. Một cô ca sỹ tàng tàng cũng dễ dàng tậu cho mình một chiếc váy tiền tỉ.

Một cô “người mẫu chân dài” vô danh cũng có thể dận lên đôi giày vài trăm triệu không còn là chuyện lạ.

Không chỉ giới chân dài, người mẫu, đại gia, ngay cả giới “bình dân” cũng ăn chơi không kém. Con số tiêu thụ hàng tỉ lít bia, rượu cả nước mỗi năm khiến nhiều quốc gia phải… kính phục!

Thực ra, việc tiêu xài là tiền của họ và quyền của họ, không ai có quyền ngăn cản hay đàm tiếu.

Nhưng nếu suy nghĩ kỹ một chút, hãy đặt câu hỏi tiền của họ ở đâu ra vậy? Tất nhiên, họ sẽ có hàng ngàn cách lý giải, song người dân thì chỉ có mấy câu hoài nghi thôi.

Dân chúng hoài nghi bởi với mức tiêu sài “tầm cỡ thế giới” nhưng trong giới đại gia, chúng ta không (hoặc chưa) có dù chỉ một thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Trong giới nghệ sĩ cũng tương tự, có lẽ hiếm có ai chỉ nhờ tiền cát sê trên sàn diễn mà dám mua một cái váy vài ba tỷ đồng.

Đối với người bình thường, có lẽ không cần nhắc lại con số năng suất lao động của một người Singapo bằng… 15 người Việt.

Đó là chưa kể có những quan chức chỉ số tiền mất trộm ở cơ quan cũng lên tới… 3 tỉ đồng!

Tất nhiên là không có chuyện cào bằng và cũng không cổ súy cho tư tưởng “cướp của người giàu chia cho người nghèo”. Từ cổ xưa, xã hội đã có người giàu, kẻ nghèo. Nghèo khó không thể là “công trạng” và giàu có cũng không phải là tội lỗi.

Thế nhưng, sống xa hoa trong một xã hội còn nghèo khó, ăn chơi phè phỡn khi đồng bào mình còn nghèo khổ thì chắc chắn cũng không phải là lối sống đẹp mà có gì đó còn như bất nhẫn.

Mới biết các tỉ phú lừng danh trên thế giới đã sâu sắc, uyên thâm như thế nào khi họ dành hầu hết tài sản của mình để làm từ thiện.

Và phải chăng đó cũng là khoảng cách giữa “đại gia” của ta và tỉ phú của thế giới?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Dân tộc lành tính này liệu có vươn tới đỉnh cao?


Dân tộc lành tính này liệu có vươn tới đỉnh cao?
Featured Image: Tuckster

Tôi muốn viết bài này rất lâu rồi. Thuộc lòng Quốc ca ngay năm mới lên hai, tôi không dám nói lòng yêu nước của bản thân lớn lao hơn bất kỳ ai cả. Nhưng tôi đã thấy đau – nỗi đau kéo dài năm này qua năm khác, khi tôi dần lớn lên…
Tôi trăn trở nhiều, trong ám ảnh tâm trí tuyệt nhiên chưa khi nào nguôi nỗi khát khao bí bách: Đến bao giờ Việt Nam – đất nước tôi mới có thể đứng trên đỉnh cao của hoàn cầu, viễn cảnh mà các dân tộc khác phải nghiêng mình kính phục, cắp sách vở sang theo học hỏi đây? Không rõ mọi người mong mỏi điều đó đến đâu, còn tôi chắc lẽ ôm nỗi sầu này đến cuối đời mất, nếu toàn thể dân tộc cứ mãi bằng lòng khiên cưỡng trước vị thế “anh học sinh trung bình”, không tài nào khá khẩm hơn được nữa.
Lịch sử dân tộc tôi đầy rẫy những trang hào hùng chống giặc ngoại xâm, ngay cả những kẻ thù sừng sỏ nhất đều đã nếm mùi thất bại cay đắng trên mảnh đất chúng tôi. Đành rằng đó là những hồi ức vô cùng đẹp đẽ, niềm tự hào lớn lao của dân tộc chúng tôi. Song nó kèm theo bao vết thương khó lành, mà tôi cho sự tổn thương trong tinh thần dân tộc là ghê gớm nhất.
Tôi, một 9X trẻ người non dại, nhiều khi ngẫm đến dòng chảy lịch sử nước nhà, vô hình chung thấy hoài nghi: Liệu còn chiến tranh nữa không? Nó sẽ đến vào thế hệ chúng tôi hay con cháu chúng tôi? Lại cầm súng ra trận ư?… Chẳng việc gì phải sợ quân thù xâm lược nhưng không quốc gia nào muốn bị xâm lược cả! Tôi chắc chắn một điều như thế! Nước ngoài nó dám đem quân đánh mình chẳng qua vì nó thấy mình yếu thế hơn nó, ví như trong bóng đá thì khi nào ta cũng ở thế “cửa dưới” phải thi đấu với đội “cửa trên”. Giả thiết mình mạnh hơn, nó nào dám động đến một sợi lông!
Xưa kia ngoại bang xâm lấn lãnh thổ, thì giờ đây các quốc gia phát triển xem chúng ta như mảnh đất màu mỡ cho họ đầu tư, giành giật, thao túng thị trường. Họ vẫn thế, cuồng vọng và tham lam, không bao giờ chịu từ bỏ địa vị chủ động ngỡ là của riêng. Còn chúng ta, khi nào mới vọt tiến thành kẻ đi chinh phục đây?
Giữ thế thủ mãi, lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng các thế lực thù địch, tâm trí đâu mà phát triển quốc kế dân sinh? Trong khi phạm vi an ninh quốc gia của người Mỹ đã vượt xa biên giới họ cả nửa vòng Trái Đất kìa?
Hai dân tộc Bách Việt và Do Thái có quá khứ đau thương không khác gì nhau, thậm chí chúng ta may mắn hơn chút khi giữ được lãnh thổ, còn họ mất sạch trong quãng thời gian dài đằng đẵng mấy nghìn năm, cho đến ngày khôi phục lại phần nào. Hai dân tộc ấy đều kiên cường và thông minh. Nhưng giờ đây, đất nước do những người phục quốc Do Thái năm xưa dựng xây mới được mấy chục năm đã tiến xa đến đâu? Nước Việt ngàn tuổi của chúng tôi đã tiến xa đến đâu? Có lẽ không cần phải so sánh điều khập khiễng này!
Tư duy đổ lỗi cho thiệt hại đến từ những cuộc chiến trong quá khứ là điều không thể chấp nhận được. Chiến tranh có thể tàn phá nhiều tài sản, nhưng dưới góc độ kinh tế, nó không khác nhiều so với những thảm họa như thiên tai, chỉ làm mất đi lượng vật chất nhất định chứ nào đâu có gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát, khủng hoảng,… Những vấn đề trên nếu xảy ra lại đến từ những nguyên nhân khác.
Vin vào sai lầm trong thể chế kinh tế có lẽ còn là kiểu đổ lỗi tàn nhẫn hơn. Đâu khác nào phủ định tiền nhân? Thử làm phép so sánh nhé: Trong khi Cuba chưa cải tổ toàn diện nền kinh tế chỉ huy, bị cấm vận khó khăn hơn chúng ta, mà GDP bình quân đầu người vẫn cao hơn của Việt Nam một bậc. Xa hơn nữa, Liên Xô với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu ấy đã phát triển rực rỡ trong hơn 70 năm tồn tại, chỉ thua Mỹ. Thật lòng mà nói, thể chế kinh tế nào cũng có mặt lợi mặt hại, vấn đề là cách thức vận hành ra sao mà thôi. Chính sách không sai, song hễ áp dụng là ở mỗi nơi lại cho ra những kết quả khác nhau, cá biệt còn trái ngược nhau.
Phàm là dân Việt Nam mà đổ hết tội lỗi, nguyên do dẫn đến những yếu kém của đất nước cho Đảng cầm quyền, cho Nhà nước thì thực sự không có chút lương tâm nào. Hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản của chúng tôi đã lãnh đạo toàn dân đạt được nhiều thành tích trong kháng chiến cũng như khi hòa bình, quả tình với điều kiện đất nước thì làm được vậy đã là ổn lắm. Tôi không nghĩ một Chính phủ nước ngoài nào, giả sử họ được thuê quản lý đất nước tôi, có thể làm tốt hơn!
Điều tôi phàn nàn nhất là về bộ máy tuyên truyền hiện tại, nó quá ư kém cỏi nên làm chúng ta mất rất nhiều từ hình ảnh, vị thế quốc gia đến nguồn nhân lực, lòng tin của nhân dân,…Ngày xưa ta chiến thắng kẻ địch mạnh có phần góp công lớn từ nghệ thuật tuyên truyền dân vận thì nay, thẳng thừng mà nói, rõ ràng chúng ta đang có nguy cơ thua báo chí phương Tây và mạng xã hội đó.
Tôi viết bài này như lời tự trách, tự sỉ vả mình. Mở rộng hơn, tôi nhìn thấy lỗi trong tất cả chúng ta. Bất kỳ ai bằng lòng với tình hình xã hội hiện nay thì không còn gì để nói. Còn muốn mơ mộng thế hệ con Lạc cháu Hồng ngày sau sẽ chiếm lĩnh đỉnh cao kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học,… của nhân loại thì phải mạnh dạn sửa mình ngay từ hôm nay. Không “lột xác”, sao có thể thành người khác?
Tôi cho là “dân tộc tính” của người Việt ta có những vấn đề không lợi cho sự phát triển. Chúng ta quá “lành tính” và cực kỳ coi trọng sự “lành tính” ấy!

Cái văn hóa đề cao sự “lành tính” đã tích tụ nhiều ngàn năm nay

Tôi nghe kha khá chuyện cổ tích, mô típ lúc nào cũng đều là “ở hiền gặp lành”, và rồi nhân vật được ngợi ca kiểu gì cũng thánh thiện đến mức hoàn hảo. Trong khi xem thần thoại Hy Lạp, các vị thần mà họ tưởng tượng ra tuy có nhiều quyền năng nhưng trái lại, vẫn đầy ắp bản năng, kẻ tật xấu này, người thói dở kia. Họ khách quan và tôn trọng cá tính con người, trong khi ta luôn cố gò ép bản thân học theo một hình mẫu toàn thiện. Vậy thì ai muốn xây mới nữa, ai thèm sáng tạo?
Trong cuộc sống, phương châm được tôn sùng luôn là “một điều nhịn là chín điều lành”, khiến người ta dễ dàng chấp nhận cái cũ, cái sai, cái bất cập, cái lạc hậu, cái bảo thủ, miễn là chưa đạt mức quá thể đáng. Trong khi một nền khoa học phát triển đòi hỏi người ta phải liên tục đấu tranh, phản biện, khai thác cải tiến từ những sai sót nhỏ, không ngừng phát hiện ra cái mới mặc dù nó “chẳng giống ai”, tìm ra chân lý đến cùng,…
Chúng tôi chống ngoại bang ngay từ những ngày đầu lập nước. Các chính phủ cai trị dân chúng đa phần đều đi lên từ cuộc chiến chống ngoại xâm. Họ anh hùng đấy, nhưng là kiểu anh hùng đồng nhất. Chính phủ lập nên từ cuộc chiến chống ngoại xâm hầu như không phải tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân, họ giải thoát dân chúng khỏi kiếp nô lệ thì tự giác nhân dân đã theo họ, trung thành với họ đến cùng rồi. Thế mới dở! Bởi sau khi đánh thắng giặc, họ như người “ngồi mát ăn bát vàng”, cứ ung dung tận hưởng thành quả, chẳng việc gì phải nát đầu nghĩ chính sách “kinh bang tế thế” làm gì, để lôi kéo, thu hút sự ủng hộ của quần chúng, cho nhọc.
“Kiêu binh hãn tướng” từ bao đời nay luôn là như thế! Nhân dân hầu như không nhìn thấy bất cập mà đấu tranh cho đến khi triều đình suy tàn, thế nước vỡ lở ra. Họ hiền lành quá mà! Đồng điệu quá mà! Tôn sùng chủ nghĩa anh hùng dân tộc, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, sống bằng niềm tự hào vinh quang chói lọi mãi để đến lúc nhìn ra mình bị ăn mòn tư duy thì đã quá muộn.
Trong cuộc sống thường ngày, chẳng mấy ai ưa những kẻ khác thường, lập dị. Cha mẹ bao giờ cũng đòi hỏi con cái phải làm sao cho bằng chúng bằng bạn, phải hòa mình vào tập thể, người ta làm thế nào thì mình theo thế đó, cứ đa số mà theo. Những đứa con ngoan là những đứa trẻ biết vâng lời. Học trò giỏi là những trò tuyệt đối trung thành, lĩnh hội được hết những kiến thức thầy cô giáng và trả bài không sót một câu.
Thời còn học phổ thông, tôi nhớ thằng bạn ngồi cạnh tôi, nó ngông cuồng lắm: Đi học không chịu nghe thầy cô giảng, thích thì học, chán thì nghỉ. Ngoài Toán và Hóa ra, hầu như cậu ta không để ý tới môn học nào khác nữa. Đi thi, cứ bài khó nhất cậu ta chọn làm, còn những bài dễ cậu ta luôn bỏ qua. Kết quả học tập lúc nào cũng chót bảng. Ấy vậy mà sau này vẫn thi đỗ đại học Bách khoa. Ngày đó, trong lớp chỉ có tôi thấy cậu ta có tài, còn thầy cô và hầu hết các bạn trong lớp đều không coi cậu ta ra gì cả. Người Việt mình là như vậy đấy.
Trong công việc, mẫu người được các nhà quản lý ưa chuộng thường là những kẻ dễ sai bảo, biết cách lấy lòng số đông. Nói tài năng không được coi trọng hẳn là chưa đúng. Nhưng phẩm chất riêng biệt của từng cá nhân bị xem nhẹ là vấn đề bộc lộ quá rõ ở xứ ta. Với những người dị biệt, có chút tài mọn nhưng hơi lười, hay cãi sếp chẳng hạn, hoặc không chịu kết giao với anh em đồng nghiệp, hoặc nhiều tật xấu,…sẽ sớm bị tẩy chay ngay. Chẳng ai chịu sử dụng những con người ấy cả.
Than ôi! Chúng ta vốn nổi tiếng là dân tộc khoan dung, nhưng sao ta khắt khe với thực tài quá vậy, săm soi đến từng ly! Vô hình chung chúng ta đã bỏ quên một lượng chất xám khá lớn. Chúng ta quên mất một điều rằng: Những phát minh lớn nhất thời đại này đa phần xuất phát từ chính ước mơ, mong muốn được làm việc nhàn hạ hơn của con người, từ sự lười nhác ngay trong tâm tưởng chúng ta đó!
Phải thừa nhận rằng chúng ta chịu khó học hỏi. Bất cứ cái gì hay của thế giới, ta đều học theo. Nhưng học rất rập khuôn, học không đến nơi đến chốn, học mà không chịu sáng tạo thêm gì. Người ta nói dân tộc tôi giỏi “biến cái của người khác thành cái của mình”, tôi cho là không phải, ta chỉ giỏi nhái mà thôi. Xu thế vọng ngoại đến là cuồng, đâu cần biết cá tính dân tộc là gì. Trong khi ở nước ta có bao vấn đề đặc sắc mà không quảng bá được rộng rãi trên toàn thế giới, không đủ trình độ để rao giảng cho người ngoại quốc về đất nước mình.
Chính sách phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục của ta là chính sách a dua. Điều đó khiến Việt Nam ta có nền công nghiệp đa dạng không kém gì Âu – Mỹ – Nhật, các lĩnh vực nghiên cứu tràn lan không thiếu thứ gì, hệ thống trường lớp đồ sộ giảng dạy tất cả những chuyên ngành mà thế giới này sở hữu. Nhưng rất hiếm ngành, nghề, lĩnh vực vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao thế giới, mà đa phần đều ở mức trung bình.
Sao không bỏ bớt đi? Phát triển kinh tế nên tập trung vào nông nghiệp, du lịch sinh thái và công nghệ thông tin đi; nghiên cứu khoa học cơ bản và công nghệ sinh học đi; dạy kỹ thuật canh nông, nấu ăn và văn hóa ẩm thực đi; chạy theo những thứ phù phiếm kia làm gì?
Đường lối ngoại giao hòa bình của chúng ta rất thành công, nhưng có một điều tương đối dở: Lập trường của chúng ta không dứt khoát trước những vấn đề quốc tế, hay phát biểu nước đôi, chẳng rõ là ủng hộ bên nào. Bởi vậy, chúng ta “chơi được” với tất cả các quốc gia nhưng hiếm khi có “bạn thân”. Thực tế chỉ ra rằng, nếu không thực sự thân thiết với một vài quốc gia phát triển, thật khó để họ có thể dốc lòng dốc sức giúp đỡ chúng ta đi lên phồn thịnh.
Trong số du học sinh, kiều bào Việt ở nước ngoài, cứ ngỡ họ tiếp thu được trọn vẹn tinh hoa từ các quốc gia phát triển thì “dân tộc tính” cũng khác biệt phần nào. Song tôi thấy về cơ bản là giống trong nước. Họ, tuy sở hữu số ít là các nhà khoa học lỗi lạc, không ngừng vươn lên đỉnh cao tri thức nhân loại, nhưng đa phần vẫn an phận thủ thường, tự huyễn hoặc với mức sản xuất hàng năm hơn trăm tỷ USD của cộng đồng hải ngoại so với trong nước, cá biệt có kẻ rảnh rỗi còn thường xuyên lên mạng bới móc tình hình quê hương xứ sở mình chứ tuyệt nhiên không thấy đóng góp gì.
Trí thức học ở nước ngoài không đủ bản lĩnh về nước đối mặt với khó khăn sóng gió, hầu như toàn đi chọn môi trường làm việc thuận lợi hơn. Trung thành với nếp suy nghĩ ấy thì biết bao giờ mới đem lại đột phá cho quê hương, non sông gấm vóc? Nơi nào còn quan liêu, tham nhũng, còn trì trệ cơ chế, thì mới cần nhiều người tài để đấu tranh thay đổi, thi triển hết mọi phẩm chất và năng lực để thành danh, há không phải vậy sao? Ai dám dấn thân, lịch sử sẽ gọi tên. Nhưng buồn thay, đa phần trong số chúng ta không có được bản lĩnh ấy.
Tôi nghĩ “dân tộc tính” không phải điều bất biến mà có thể thay đổi. Để có được cá tính riêng, bản sắc riêng phải rèn luyện mới thành. Hãy tập suy nghĩ coi mình như kẻ mạnh trước đã. Từng cá nhân nên thay đổi quan điểm, nghĩ lớn làm lớn, hiên ngang mà sống giữa đời, đừng cam chịu khom lưng uốn gối làm gì.
Thời nay nước ta chưa giàu có, nhưng đã hết khổ đau cùng cực, chuyện mưu sinh ở mức sống cơ bản ta có thể lo liệu được. Mang nặng mãi mấy thứ cơm áo gạo tiền lặt vặt thì không làm nên nổi trò trống gì đâu. Tôi quan niệm rằng, phàm đã sống được mấy chục năm ở trên đời thì hãy cố gắng làm thật nhiều cho xã hội mình đang sống, khi thác xuống còn nhiều người ghi nhớ. Sinh ra hữu danh mà khi chết đi thành kẻ vô danh thì buồn tủi vô cùng.
Nên vấn đề cốt lõi ở mỗi cá nhân làm sao phát huy được cá tính độc lập mạnh mẽ, sáng tạo, đột biến, “dân tộc tính” còn lẩn khuất đâu đó ngay trong tâm hồn, thần trí chúng ta. Có vậy mới hòng thay đổi lớn được!
“Dân tộc lành tính” này rồi sẽ đi đến đâu? Đáp án nằm ngay trong mỗi con người mang dòng máu Việt chúng ta, nhất là thế hệ trẻ của tôi và các bạn!

Duy Hùng
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Rỗng…


Rỗng…
Featured Image: John Holcroft

Liệu bạn có đang sống? Phải chăng bạn nghĩ đây là một câu hỏi ngớ ngẩn và vô vị. Nhưng không bạn ạ, cái tôi muốn hỏi là sống một cách có ý nghĩa, sống trọn vẹn với cuộc đời, sống chứ không phải chỉ tồn tại. Liệu bạn có đang sống như thế, liệu xã hội loài người có đang sống như thế? Đã bao giờ bạn suy nghĩ thật nghiêm túc về những thứ “rỗng” trong thế giới tự nhiên và đời sống con người.
Vậy “rỗng” là gì? Theo từ điển tiếng Việt “rỗng” có nghĩa là không có phần lõi hoặc không chứa đựng gì. “Rỗng” cũng có nghĩa là lỗ hổng. “Rỗng” của thế giới tự nhiên chính là rỗng của vật chất, có thể hiểu là sự thiếu thốn, không đầy đủ về mặt vật chất. Đó là cái “rỗng” mà chúng ta có thể đổ đầy nó bằng một thứ vật chất khác. Nó khác với cái “rỗng” của con người là cái “rỗng” của tinh thần và tâm hồn, là cái “rỗng” về mặt nhận thức và giá trị.
“Rỗng” trong thế giới tự nhiên là tính chất “trung lập” không thể tách rời. Bởi trong cuộc sống này không có thứ gì là hoàn hảo, mười phân vẹn mười cả. Có một sự vật tồn tại ắt có những lỗ ” rỗng” bí ẩn về nó mà ta chưa thể lý giải, ắt có những khía cạnh, khiếm khuyết mà ta cho dù có đối chiếu ở mọi góc cạnh, mọi phương diện vẫn không thể tìm ra… “Rỗng” về vật chất là sự thiếu hụt của một khía cạnh trong đời sống. Nó không tách rời mà tồn tại song song với sự sống. Có sự “rỗng” mới thôi thúc con người không ngừng phát triển và đi lên với khát khao lấp đầy sự “rỗng”. Bởi đó là bản chất của tính chinh phục của con người. Vậy nên theo lý thuyết triết học mới nói rằng “rỗng” của tự nhiên là căn nguyên của mọi vật, để sinh ra năng lượng tạo lên vật chất.
Bởi “rỗng” là trạng thái khởi nguyên của mọi vật, nên câu hỏi đặt ra là: “Rỗng” có giá trị không? Mặc dù “rỗng” là căn nguyên của mọi vật, nhưng những thứ “rỗng” thường không được coi trọng. Bởi con người chỉ quen nhìn mọi vật ở bề ngoài bằng một “đôi mắt rỗng” chứ đâu xem xét từ bản chất của vấn đề, từ mọi góc độ đánh giá.
Có một sự “rỗng” cũng không được coi trọng như vậy, đó là sự rỗng trong tâm hồn con người, là biểu thị cho sự ăn mòn nhận thức và nhân tính. Như vấn đề mà ban đầu tôi đã đặt ra. Liệu bạn có đang sống? Tất nhiên mỗi người có một quan niệm riêng của mình về sự sống. Thế nhưng những ý tưởng sai lầm về nhận thức có thể khiến chúng ta mất đi sự sống thật. Vài người cho rằng cuộc sống chính là những nhu cầu vật chất chúng ta đang nắm giữ, theo đuổi. Có người cả cuộc đời chạy theo những thứ vật chất xa hoa phù phiếm, và cứ nghĩ rằng vật chất tỷ lệ thuận với chất lượng của cuộc sống.
Tôi không phủ nhận những giá trị lợi ích của vật chất nơi cuộc sống hằng ngày, nhưng bạn có hay không nhìn vào mặt trái của chúng. Ngày nay bạn cứ mải miết chạy theo những thứ xe hơi đắt tiền, nhà cửa sang trọng, y phục đẹp đẽ… Bạn cứ chăm chút cho vẻ ngoài hào nhoáng bằng những thứ vật chất xa xỉ phẩm và nghĩ rằng chúng có thể giúp bạn nâng cao giá trị bản thân và ý nghĩa cuộc sống. Nhưng không, nó chỉ biến bạn thành những con người giả dối, những con người sống vì đồng tiền, thứ bạn sở hữu trong tay không phải là giá trị bản thân mà là sự suy đồi về nhân cách.
Chạy theo vật chất, con đường tưởng chừng như tươi sáng ấy lại cũng có thể là lỗ hổng không đáy nuốt chửng đi hạnh phúc của bạn. Cứ mãi lo chạy theo nhưng thứ vật chất ngoài thân thì đến bao giờ bạn mới chịu bắt đầu sống thật? Của cải vật chất chỉ là những dụng cụ và đồ dùng trang bị cho cuộc đời. Nếu cứ mờ mắt mà chạy theo nó chẳng mấy chốc chúng ta lại biến thành nô lệ cho của cải vật chất và là đầy tớ cho những ước vọng bất tận. Trong khi đó sự sống thật sự lại trốn chạy xa và khiến chúng ta cảm thấy cuộc đời thật trống rỗng. Nhưng sự thật là những suy nghĩ, định kiến sai lầm của chính bản thân bạn, chính chúng ta đã tạo ra những sự “rỗng” về tinh thần và mặt nhận thức trong con người mình.
Về quan niệm của sự sống, một số người lại nghĩ: con người ta sống vì cái danh. Điều này đúng nhưng lại không toàn diện. Người ta vẫn nói “miệng lưỡi thế gian” vô cùng đáng sợ. Sống để giữ gìn thanh danh là điều đúng đắn, nhưng nếu ai lại quá đề cao mải mê chạy theo cái danh thì kết quả hoàn toàn ngược lại. Có những người dùng tiền để mua bằng cấp, địa vị, có những người dùng sự giả dối tốt đẹp để che đậy đi bản chất thực bên trong. Con người ta lắm khi vẫn mang trong mình cái “sĩ diện” cái “tôi” cá nhân quá lớn.
Nhiều người lên Facebook để khoe thân, khoe tài sản, số khác thì giả vờ làm người tốt. Có những người khoe khoang sự sung túc, đủ đầy của bản thân mình. Một số bộ phận trẻ hèn nhát, yếu đuối thay vì đối mặt với khó khăn thì lại giãi bày trên các trang mạng xã hội, thay vì thể hiện tình cảm trực tiếp lại viết những dòng mùi mẫn để nhận sự đồng cảm thương xót của những người quen xa lạ. Gặp một vụ tai nạn trên đường thay vì giúp đỡ người bị nạn theo sức của mình thì các bạn lại lôi điện thoại ra quay clip, chụp hình rồi mang khoe với bạn bè bằng những gương mặt giả vờ xót xa đau đớn. Có những nhà từ thiện quảng bá hoạt động ủng hộ của mình trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, khua chiêng gõ trống, chỉ sợ không ai biết mình là “người tốt”.
Con người hay mang trong mình những chiếc mặt nạ giả dối và tô vẽ cho những ánh màu hào quang chói rực, tự hào cho mình sự “hữu danh vô thực”. Một cá thể đi bằng đôi chân giả sẽ khiến cho cả một cộng đồng người cùng đi bằng đôi chân giả – một xã hội rỗng tuếch! Họ chú trọng bằng cấp, danh hiệu, thích tạo ra những thành tích vô bổ, theo đuổi những kỷ lục tầm thường… – một xã hội quá chú trọng đến vẻ trang sức bên ngoài cộng đồng trong khi cái thực bên trong – phẩm cách của công dân trong cộng đồng không hề tương xứng. Xã hội khi đó sẽ trở thành giả dối, nói như Vũ Trọng Phụng thì đó là cuộc đời “chó đểu”. Sự giả dối ấy sẽ tạo ra một lỗ hổng trong chính nhân cách của con người, bởi một người sống giả thì làm sao có thể mang một trái tim thật.
Trong cuộc sống của mỗi con người sự “rỗng” là cái đáng sợ hơn cả. Không có mục đích hoặc đi với những mục đích sai lầm, họ cứ sống sôi nổi trong đời như “manh rẻ rách trên những dòng sông”. Sự “rỗng” trong đời sống con người thật đáng sợ, bởi nó sẽ bắt chính chúng ta phải trả giá bằng hạnh phúc, bằng cả cuộc đời. Bill Gates đã từng nói rằng:
“Điều đáng sợ trong cuộc sống của một con người là sự rỗng tuếch… Đối với tôi điều quan trọng nhất ở con người là sống như thế nào? Chứ không phải là tồn tại ở trên đời.”
Sống thực đi nhé! Đừng “rỗng” nữa! nhìn thẳng vào chính mình và bắt đầu lại!

Silent Wind

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bùi Ngọc Tấn và Chuyện kể năm 2000


Số phận một tác phẩm văn chương lớn lúc nào cũng phải bao gồm đầy đủ cả hạnh phúc và bất hạnh. Chuyện kể năm 2000 là một sự kiện hạnh phúc của nền văn chương Việt Nam, và kể từ đó, tức là trải hết năm “lệnh” - theo cách tính đầy hào phóng của những người tù - thật bất hạnh, nó vẫn cứ là sự kiện lớn nhất của nền văn chương ấy.

Năm 2000, chắc là khoảng giữa năm, qua những mối quan hệ mà tôi chỉ nhớ là rất loằng ngoằng và thật ra không còn muốn nhớ cụ thể nữa, một nhà văn ở Hà Nội đồng ý cho mượn hai quyển Chuyện kể năm 2000. Phải đến tận nhà ông, đâu đó ở mạn Bà Triệu-Triệu Việt Vương ngay lập tức để lấy mang về. Thời ấy, đến gõ cửa nhà một người không quen vào đúng giờ cơm tối vẫn còn chưa trở thành một điều gì vi phạm quá đáng lắm đối với tập quán sống vẫn chưa trôi hết khỏi quán tính làng xã, phố huyện.
Chuyện kể năm 2000 ngay tắp lự đưa ta về với một tập quán sống nơi thành phố miền Bắc vào cái thời đã được Bùi Ngọc Tấn vĩnh cửu hóa bằng một cách miêu tả: “pha lê hóa”. Những người bạn tới nhà chơi, ngồi ở chỗ cái bàn con con uống nước, cửa để mở, hàng xóm đi qua đi lại nhìn rõ bên trong, thỉnh thoảng lại có ai đó đến gửi nhờ thứ đồ nào đấy (trong Chuyện kể năm 2000 là anh tù tên Giang gửi những chiếc xe đạp đánh nghẽođược, nguồn cơn để anh Giang đó tiếp tục đi cải tạo thêm một đợt vô tăm tích nữa), và trong ký ức lũ trẻ con sống ở nhà tập thể hồi ấy chắc chắn là có những người khách đến ngủ nhờ một đêm, vài đêm hoặc thậm chí nhiều đêm, những người không còn chắc chắn lắm có phải họ hàng không, rồi sau đó họ biến mất không để lại dấu vết, giống như già Đô trongChuyện kể năm 2000, một nhân vật chất chứa rất nhiều thương xót, tủi hổ của tác giả, người bạn tù chỉ lo sợ sẽ chết trong tù, tức là rũ tù, nhưng khi đã được ra tù, ở nhờ đêm đêm nhà tác giả được một thời gian thì chỉ tìm cách xin quay trở lại trong tù, và bởi không được như vậy nên đi ăn cắp ngang nhiên, nhưng ngay cả sự ăn cắp này cũng không thành công, mà chỉ khiến ông trở thành niềm vui thú cho bọn trẻ con Hải Phòng.

Cái năm 2000 ấy, sau khi đứng ngoài cửa không dám vào nhà, chỉ kịp nhìn thấy một mâm cơm rất tương phản với những gì nhà văn ở mạn Bà Triệu-Triệu Việt Vương ấy viết về thú ăn chơi rực rỡ của dân Hà Nội, là đến lúc đọc ngốn ngấu hai tập sách, một mạch cho đến “đoạn Ngụy Như Cần”, tức là đoạn cuối. Những lần đọc sách mượn như ăn cướp thời gian ấy cũng là một phong vị của những năm Hà Nội ngày trước.

Đoạn người tù tên Tuấn đến gặp Ngụy Như Cần, giờ đọc lại, đẹp như một bức tranh: “Vừa nhô ra khỏi vạt rừng, bắt gặp con suối chặn ngang, con suối dẫn tới Ngụy Như Cần, hắn bỗng khựng lại vì suýt vấp phải đàn bướm. Một dải bướm vàng bay ngang qua mặt hắn. Hàng triệu con bay dọc suối. Những cánh bướm màu hoa cải như một dải lụa dập dờn trên không trung uốn lượn theo con suối ngoằn ngoèo. Nó từ đâu trôi tới và còn đi đâu nữa. Nó trôi giữa những hàng cây bên suối cành lá khum khum làm thành một đường hầm. Nó cong xuống sát mặt suối để tránh một tán cây xòe ngang. Nó bốc lên vì một cành cây khô gẫy nằm chỏng chơ bên suối. Những cánh bướm vàng tươi, mỏng manh giống hệt nhau bay theo một hướng như trảy hội, quấy động không khí, lấp lánh lấp lánh trên nền xanh đen nghiêm nghị của rừng” (t.2, tr.335).

Đọc lại một tác phẩm văn chương, thường gồ lên một nỗi sợ hãi mơ hồ là lần này đọc ta sẽ thấy nó bé đi, không còn lớn lao như trong ký ức, mà ký ức thì hay phản bội, hay đánh lừa và giả dối (“đạo đức giả”, giống như Bùi Ngọc Tấn hay nhắc tới trong Chuyện kể năm 2000). Chuyện kể năm 2000không thuộc vào hạng tác phẩm này, thêm thời gian chỉ càng làm nó tăng thêm sức nặng. Sức nặng ấy là từ cách nhìn của một tiểu thuyết gia.

Giống như đoạn tả đàn bướm trên đây, Chuyện kể năm 2000 có những khoảnh khắc rất đặc biệt, đó chính là những gì ta có thể gọi là “epiphany”, những chớp lóe thiên tải nhất thì, những đường nét ảo diệu làm một bức tranh có cái nền vô cùng u ám bật lên, sắc nét trong một bố cục hơi dị thường nhưng ăn sâu vào trí nhớ, không thể nào quên. Bóng cây xoan in trên tường nhà đối diện trong những đêm ân ái của cặp vợ chồng trẻ; thời khắc người tù tìm được những viên than đặc biệt tình cờ mà có do rễ cây cháy ngún xuống âm ỉ tạo ra - và những rễ cây ấy đã nói cho người tù biết bao nhiêu điều bí ẩn; giây phút tắm suối rồi lạc vào một cái hang có con tôm trắng; cái lúc cả một cái cây bỗng cháy đùng đùng đỏ rực giữa đêm khuya gần lán tù với những con người vừa hoảng sợ vừa háo hức; phiên tòa xử gí điện con chuột “Chí Văn Chuột”: những “epiphany” ấy tạo ra đường nét, dẫu là những nét chìm – en filigrane - cho một tác phẩm, khiến nó trở nên không còn giống bất kỳ một tác phẩm nào nữa. Đặc biệt là vài khoảnh khắc rất bất chợt khi nhân vật thấy như thể mọi thời gian chập vào với nhau, không còn phân chia quá khứ, hiện tại, tương lai nữa. Cảm giác về thời gian đã hoàn toàn bị xáo lộn khi người ta ở trong tù quá lâu, sự tập trung về tinh thần và tâm trí đạt đến một mức độ sẽ không thể có được nếu vây xung quanh vẫn là những lao xao của cuộc sống, dù cho có là “pha lê hóa” hay không.

Và nhất là, cả bộ tiểu thuyết dài đến vậy, rất nhiều chi tiết, rất nhiều câu chuyện, nhưng vô cùng nhất quán ở cái phong vị chung, nó là thể hiện bằng ấn tượng của một cách nhìn riêng biệt: từ đầu đến cuối, nhân vật là một người hiểu đời, hiểu về chia ly đứt ruột, bần cùng, cái đói, tình yêu, nhọc nhằn chữ nghĩa, thất bại và thất vọng, nhưng thủy chung, con người ấy hiểu đời mà không lõi đời, hết ngây thơ những vẫn không thôi mơ mộng.

Tôi còn nhớ không rõ lắm từ hồi đọc Chuyện kể năm 2000 vào năm 2000 rằng Bùi Ngọc Tấn có nói đến cảm giác của mình, rằng những gì ông chịu đựng chính là một cách thức “gánh hộ cho những người khác”. Đoạn ấy đây, tuy pha vị mỉa mai nhưng không phải là không chân thật:

“Còn hắn, hắn hy sinh cái quý nhất: Tự do. Là cũng để cho chiến thắng. Hắn chịu đựng khổ nhục, đau đớn là để cho chiến thắng. Chiến thắng cần phải được đảm bảo bằng sự an toàn tuyệt đối ở hậu phương, hậu phương pha-lê hóa… Ít nhất việc bắt hắn cũng có tác dụng răn đe những người khác, nếu hắn không có tội. Đóng góp vào việc răn đe, hướng mọi người toàn tâm toàn ý vào một mục tiêu duy nhất là sự đóng góp tích cực. Có nhiều cách đóng góp. Cách đóng góp của hắn đáng kể lắm chứ. Nó cũng được làm bằng đời người. Nó cũng được làm bằng nước mắt” (t.2, tr.221).

Những người đã trải qua những kinh nghiệm ghê gớm có cái nhìn đặc biệt; cái nhìn này càng đặc biệt hơn nếu người trải qua kinh nghiệm không chuốc lên người mình một sự bi lụy dễ dàng hoặc không gục ngã. Sau nhà tù, có người trở nên điên dại chỉ chăm chăm đi quét tước dọn dẹp hoặc phá tan hoang một khu vườn cam để lấy chỗ trồng củ ráy (nhân vật Sơn), có người lại tiếp tục như trước (nhân vật Giang), lại có người tuy có chịu thua nhưng không đầu hàng (già Đô), cũng có người tự kết liễu cuộc đời mình (Ngụy Như Cần). Ứng xử như thế nào với kinh nghiệm đã trải qua là vấn đề của Chuyện kể năm 2000.

Một thời gian sau khi ra tù, nhân vật cố tìm mọi cách để đòi lại hơn một nghìn trang bản thảo bằng giấy pelure bị công an tịch thu trước đó; chắc đã có lúc với Tuấn, đấy chính là lẽ sống, một cách thức để chống chọi. Nhưng một con người đã trải qua những “epiphany” rạng rỡ đến lúc cũng hiểu ra, mọi tài sản của một cuộc đời đã qua cũng mất đi giống như chính cuộc đời ấy. Hơn một nghìn trang bản thảo ấy có lẽ cần mất đi, hoặc cháy thành tro, để từ tro tàn ấy mà dựng nên một cuộc đời khác, những trang bản thảo khác, những trang bản thảo đích thực của một sứ mệnh.



Lần đầu tiên tôi gặp Bùi Ngọc Tấn là tại một nơi từ đó có thể nhanh chóng đi tàu xuống Marseille. Lần ấy và cả những lần sau này tôi chưa bao giờ hỏi đã bao giờ ông đến Marseille để biết không khí cuộc sống một thuở xa xăm của già Đô, người bạn tù thân thiết của ông.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lệ Rơi lên sóng VTV1: Thánh nhân đãi kẻ khù khờ


Ngọc Khánh
TNO - Chàng thanh niên có cái nickname Lệ Rơi (tên thật là Nguyễn Đức Hậu, ở huyện Thanh Hà, Hải Dương) xuất hiện trong chương trình Cuộc sống thường ngày trên kênh VTV1 ngày 27.12 lại khiến cộng đồng mạng một lần nữa “dậy sóng”.

Chỉ khi hình ảnh Lệ Rơi trả lời phỏng vấn trong trường quay chương trình  Cuộc sống thường ngày tối 27.12 xuất hiện dày đặc trên Facebook, tôi mới biết đến "sự kiện" này.

Sau nửa năm nổi tiếng trong cộng đồng mạng, "chàng trai trồng ổi" lên sóng truyền hình quốc gia vẫn giản dị như ngày nào, chiếc áo khoác đen, vẫn nói ngọng, làn da rám nắng và mái tóc không chuốt keo bóng bẩy. Trả lời phỏng vấn, Lệ Rơi cho biết: “Em hát không có hay nhưng quan trọng là tình cảm của em dành cho anh em và mọi người”.

Tôi cứ ngỡ rằng dư luận có những ý kiến trái chiều, cho rằng chương trình “nhảm nhí”, “câu khách”... là do Lệ Rơi trả lời quá lố, “nổ” hoặc người dẫn nói rằng “gặp chàng trai hát hay”. Nhưng xem trọn cuộc phỏng vấn với tiêu đề “Gặp gỡ chàng thanh niên hay hát” này, tôi thấy cách làm của êkíp sản xuất chương trình này rất ổn, không có “sạn”. Thông điệp chương trình đưa ra rõ ràng: “Hãy sống với niềm đam mê của mình”.

Thật khó hiểu khi một chương trình rất đời thường như chính tên gọi của nó lại bị dư luận “ném đá” dữ dội như thế. Có lẽ, một bộ phận dư luận đã quá quen với hình ảnh những người nổi tiếng hào nhoáng trả lời phỏng vấn trơn tru trên màn hình nên không chấp nhận được một Lệ Rơi ăn nói quê mùa, không quần áo thời trang nhưng chất phác, hiền lành.

Lệ Rơi là khách mời để trò chuyện về tình yêu với âm nhạc, cách giao lưu với bạn bè trên mạng chứ không nói về kỹ thuật để hát hay. Lệ Rơi không phải tội phạm, chẳng có lý do gì mà không được nói lên những đam mê ca hát rất lành mạnh của mình.

VTV1 đâu phải chỉ dành riêng cho một ai đó? Đây là kênh thông tin đại chúng, phản ánh cuộc sống muôn màu. Rõ ràng, thông điệp trong cuộc trò chuyện với Lệ Rơi đã cho thấy chân lý của nhân sinh giấu trong những điều đơn giản, bình thường. Xin đừng cứng nhắc, khắt khe để rồi làm tổn thương người khác.

Từ “phòng thu” trên giường ngủ, Lệ Rơi đã bước lên sóng truyền hình quốc gia.

Câu chuyện của Lệ Rơi tương tự như Susan Boyle, người phụ nữ Scotland béo phì, mái tóc xơ xác, mặc chiếc váy cũ kỹ, có phần đãng trí đã trở nên nổi tiếng trong chương trình Tìm kiếm tài năng nước Anh năm 2009. Sự tương tự ở đây không phải là giọng hát mà là niềm đam mê.

Ai cũng có cơ hội để thay đổi hoàn cảnh sống của chính mình, chỉ cần giữ được lòng nhiệt huyết, khát khao. Thay vì đứng ngoài chê bai, “ném đá”, bạn hãy lan tỏa niềm lạc quan và tình yêu cuộc sống như Lệ Rơi đang làm. Có thể một ngày bạn cũng sẽ nổi tiếng, bởi “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ

Ngô Minh

             Cách đây mấy năm, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tập chân dung văn nghệ sĩ viết theo lối văn chương độc đáo của nhà văn Nguyễn Quang Lập có tựa là Bạn văn. Cuốn sách dày 456 trang gồm những bài viết tài hoa mà Nguyễn Quang Lập viết đăng báo trong hai ba năm nay. Sách phác thảo gần 100 chân dung văn nghệ sĩ quen biết của nhà văn, có người đã mất, có người đang sống và viết trên khắp cả nước. Đây là những bài đã được in trên báo Tuần San Thanh niên, chuyên mục Giai thoại . Sau đó in trên blog Quê choa của Bọ Lập trong entry Bạn văn.  Blog Quê choacủa Nguyễn Quang Lập là một trong ít blog nóng nhất trên thế giới mạng hiện nay. Chỉ mới 4 năm, từ 2007 đến nay đã có  mấy chục triệu người truy cập. Một trong Entry của Blogquechoa lôi cuốn công chúng mạng nhất là chân dung văn nghệ sĩ, tức bạn văn. Lối văn chương này Nguyễn Quang Lập gọi là “khẩu văn”, tức là văn nói, một phong cách sáng tạo mới của Lập, rất  phù hợp với cuộc sống nghe nhìn nhiều hơn đọc hiện nay. Đây là cuốn sách thứ hai Lập đến với bạn đọc theo lối văn này. Cuốn trước là Ký ức vụn rất được độc giả chào đón.
             Trong Bạn văn có chân dung  người nổi tiếng và người không mấy nổi tiếng , nhưng tất cả đều được vẽ bởi những nét phác thảo hóm hỉnh, sâu sắc mà đậm chất  dân gian nên rất nổi bật. Có cả những câu chửi thề, nói tục. Lập viết tục nhưng không tục, vì đó là “một thứ mắm muối dư vị rất riêng, được Bọ Lập gia giảm có liều lượng vừa đủ  làm cho câu chuyện mặn mòi , làm đậm đà cho nhân vật được nói đến “ (Lời thưa đầu sách của Phạm Xuân Nguyên). Ví như tính cách mẹ Đốp rất quyết liệt của nữ nghệ sĩ xinh đẹp, chị MYZ trong bài Người đẹp: ”...Một đạo diễn từ Hà Nội vào làm vở, thấy chị thì thích lắm , làm bộ quan trọng , gọi chị ra riêng, nói anh muốn giao vở này cho em, có có thích không , chị nói em thích lắm. Ông này nói tối nay đi ăn tối với anh nhé, chị cười  nói ăn tối xong rồi sao nữa anh, ông này cười cười, nói em còn hỏi anh câu đó. Chị nói thôi, để em tụt quần  cho anh chơi ngay bây giờ, ăn uống làm gì cho mất thời giờ. Nói xong thì tụt quần liền. Ông đạo diễn vội vàng quay mặt, bỏ đi liền. Từ đó không dám ho he gì nữa.”
            Văn nghệ sĩ là những người lắm tài, nhiều tật, Nguyễn Quang Lập không hề né tránh cái “tật” đó mà viết về nó vừa ngộ nghĩnh, vừa sắc bén, cười ra nước mắt. Mỗi chân dung chỉ ba bốn trang sách khổ 13 x 20 cm, mà người nào ra người nấy, không lẫn và rất dễ đọc, vì ngắn. TrongBạn văn  có rất nhiều cái tên cứ nhắc đến là muốn mở sách đọc ngay như Trần Dần, Xuân Diệu, Nguyễn Minh Châu, Hữu Thỉnh, Xuân Sách, Phan Tứ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Phùng Quán, Thạch Quỳ, Hoàng Ngọc Hiến , Trần Vàng Sao, Đỗ Trung Quân., Hồng Ánh, Trọng Đài.v.v..
                Mỗi người một nét nhấn, rất ngắn, rất hài hước, mà đọc là nhớ như khảm vào tâm trí. Nhà văn Nguyễn Minh Châu luôn thu mình lại , khi đi hội thảo thì :”Vào cuộc người ta nói đông nói tây, anh cứ ngồi khóm róm, nơm nớp sợ người ta gọi đến tên mình, y chang cậu học trò không thuộc bài. Anh nói ông ạ, trên đời này tôi hãi nhất là người ta bắt tôi đi nói chuyện...” Còn nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ  xinh đẹp, hay thương  người và cả tin, khi đi sáng tác  ở Nha Trang, có ông nhà văn đeo lấy tán. Dạ không chịu. Thế là “ ông này giả đò đi thẳng ra biển, nói Dạ không yêu anh thì anh chết đây, rồi cứ thế lội ào ào. Chị hoảng quá, hai tay vẫy vẫy như khoát nước, cuống quýt hét ầm lên , nói yêu yêu vô đi vô đi, yêu yêu vô đi vô đi . Viết về tài đọc sách của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Bọ Lập viết :” nó đọc nhanh kinh hoàng...Đọc đâu nhớ đấy, nhớ rất kỹ, rất chi tiết thế mới phục. Cùng một cuốn sách,  mình nhằn mất cả tuần, nó chỉ xơi vài giờ là xong, thế mà động đến chi tiết nào mình đều phải hỏi nó”. Còn nhà văn Nguyễn Khắc Phê thì  “ Đi đâu có khát nước cháy cổ anh cũng cố chạy về nhà  uống nước chứ chẳng chịu mất cho quán nước một xu, còn bảo vào quán uống chén trà thì anh cười lắc đầu , nói trà ở nhà mình cũng có, vô đó mần chi...”.v.v..
            Nguyễn Quang Lập quan sát rất sắc sảo, chỉ một nốt ruồi dưới cằm của ông Tường ( nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) cũng biểu hiện khác nhau tùy theo tình cảm  của nhà văn. “Đêm đó tại Đại học Sư phạm Huế, hàng ngàn  sinh viên kín đặc hội trường lớn đón anh Sơn ( Trịnh Công Sơn). Hiếm khi nào thấy anh Tường xúc động, hồi hộp đến thế, cái nốt ruồi to dưới cằm anh giật giật liên hồi”. Mọi người ngưỡng mộ đến thế, nhưng đến khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn  lên sân khấu chỉ nói vài câu và hát đúng một bài Em là hoa hồng nhỏ, rồi xuống, làm Hoàng Phủ lại không vừa lòng, “ mắt anh Tường thoáng buồn, cái nốt ruồi đứng im phăng phắc” ( Chuyện nhỏ hai người bạn)
                  Viết chân dung  hài hước, ngắn thế, nhưng mỗi người Nguyễn Quang Lập cũng lẩy ra được những dấu lặng của  cuộc đời rất xúc động . Giữa thời khăn khó cơm áo, nhà thơ Thạch Quỳ, ông đồ gàn xứ Nghệ thì :”...Hồi này xứ Nghệ có phong trào nuôi hươu sao, một con hươu cái đến mấy chục triệu. Anh khoác vai chị ( chị Nhã, vợ) hôn đánh chụt , nói em có biết anh mơ gì không , anh mơ sáng mai ngủ dậy , bên anh không phải là em mà là một con hươu sao... Chị  không cười, nước mắt rân rấn. Anh cười khấc khấc khấc, chẳng phải cười, nghe như anh cố khạc ra  mấy cục đắng ngắt.”.
              Viết về “khẩu văn” của Nguyễn Quang Lập, nhà văn Bảo Ninh cho rằng :” Anh viết dường như rất dễ, nhưng sự dễ ấy trái ngược hoàn toàn với dễ dãi. Đố anh dễ dãi nào viết được như thế....Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi “. Bảo Ninh nói  chí lý. Nhưng tôi lại  muốn nghĩ thêm. Bọ Lập viết dễ ,viết nhanh vì đã phát kiến ra được lối văn “khẩu ngữ” gần gũi với đông đảo người đọc. Chỉ có lối văn này mới tạo ra được phong cách hài hước, buồn cười mà cuốn hút người đọc.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

10 loại cây, quả 'độc' đình đám nhất năm 2014


Bưởi bàn tay Phật, dưa hấu tí hon, nhãn tím kì lạ, cà chua, bí đao, khoai lang khổng lồ… là những loại quả độc, lạ và đẹp mắt xuất hiện trên thị trường năm qua.

Bưởi bàn tay Phật: "Độc", lạ, đẹp mắt
Được đánh giá là loại quả "độc", lạ, đẹp mắt, những trái bưởi lễ có hình dáng bàn tay Phật chính thức xuất hiện tại 4 ngôi chùa phía Nam và 4 ngôi chùa ở phía Bắc vào những tháng cuối năm. Sau 3 năm thử nghiệm, những người trồng cây hạnh phúc vì đã hoàn thành sản phẩm mà họ rất tâm đắc. 

Đây là sản phẩm bưởi Năm Roi có hình 2 bàn tay ốp vào, được áp dụng công nghệ, kỹ thuật tạo hình 3D để thiết kế hình dáng. Dự kiến trong dịp tết Nguyên đán sẽ có từ 1.000 đến 3.000 quả “Bưởi lễ Cát Tường” được tung ra thị trường.


Dự kiến sẽ được xuất khẩu, quả bưởi đặc biệt này không chỉ có hình dáng lạ mà phần ruột bên trong cũng có thể ăn được. Do được bọc trong lớp nhựa trong thời gian dài nên nhiều nông dân cho rằng ,chất lượng quả bưởi đảm bảo sạch. Đồng thời khi sản xuất đại trà, quả bưởi sẽ có giá thấp, rất phù hợp với túi tiền người tiêu dùng trong tương lai.


Dưa hấu hơn 9 tháng không thối, vẫn... to lên từng ngày trên đĩa thờ

Đó là quả dưa hấu của gia đình anh Lê Văn Quới ngụ ấp Long Định, xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Quả dưa giống Hồng Cúc, có vỏ ban đầu màu vàng nhưng sau đó đã ngả dần sang màu xanh và vẫn từng ngày... to lên dù chỉ bày trên bàn thờ.

Anh Quới cũng khẳng định là không dùng bất kỳ một loại chất bảo quản hay bất kỳ hóa chất nào. Việc chăm sóc cũng không có gì đặc biệt. Quả dưa mới chưng chỉ có chu vi đo được 81cm, nhưng ở thời điểm nói trên quả dưa đã “lớn lên” thêm gần 3 cm (đo được là gần 84cm).


Những quả nhãn tím kì lạ của lão nông Sóc TrăngNhãn tím là một sản phẩm đột biến gene do nông dân Trần Văn Huy (ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) phát hiện rồi chiết cành, nhân giống cách đây hơn 10 năm.


Suốt 10 năm liền, gia đình ông Huy trồng và nhân giống cây nhãn tím này theo kiểu “ăn chơi” và chưa chú ý đến việc bán ra thị trường. Giống nhãn này được biết đến khi mới đây, chính quyền địa phương đề nghị ông đem 5kg đến trưng bày ở Khu du lịch Mỹ Phước (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) trong dịp Tết Đoan Ngọ và khoảng 6kg dự thi trái cây ngon trong hội chợ tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre).


Cà chua khổng lồ, mỗi trái nặng 1kg

Đó là khu vườn cà chua của bà Phạm Thị Thu Cúc ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), cho mỗi trái nặng với khối lượng từ 600 g đến 1 kg, gấp 15-20 lần so với loại thường.Vườn cà chua của bà Cúc trồng giống mới xuất xứ từ Hà Lan.

Đây là cà chua Beef cao cấp, thường được dùng kèm với các loại thức ăn nhanh. Điểm đặc biệt của giống này là trái nặng từ 600g đến 1 kg, trong khi cà chua mà đa số nông dân trồng phải 15-20 quả mới được một kg. Bà Cúc là người đầu tiên trồng thành công cà chua Beef ở Lâm Đồng.


Cây không khí cực lạ, gây “sốt”

Những ngày cuối tháng 9 năm nay, do sự hiếu kỳ, người dân miền Tây nườm nượp đi mua cây không khí, một dạng cây kiểng lạ mới vừa được du nhập vào miền Nam để về làm cảnh.

Đặc tính của cây là không cần đất, chỉ cần không khí và thỉnh thoảng phun nước là cây sống tốt. Đặc biệt loại cây này có hoa cũng giống như hoa Lan (đẹp và lâu tàn). Ở thời điểm cây không khí trổ hoa, tại TP Sa Đéc, các cửa hàng bán đều đã cháy hàng. Trước nhu cầu ngày càng cao mà nguồn cung không đủ, đã có một số nhà vườn nhân giống để sản xuất loại cây không khí này.



Trái mướp dài cả mét chỉ sau 2 tuần, loằng ngoằng hệt... rắn lục

Vườn mướp có hình thù kỳ lạ này thuộc sở hữu của một người dân trồng trước cửa nhà ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Được biết, sau khi nhận được hạt giống từ một người bạn ở Gò Công, Tiền Giang, người dân này đã đem về trồng và kết quả thu được thật bất ngờ.

Sau khi trồng khoảng một tháng rưỡi, anh này thấy khá "choáng" về hình thù kỳ lạ của những trái mướp. Loại mướp dài rất nhanh. Thoạt nhìn qua ai cũng giật mình vì giống con rắn lục. Trong số 4 quả hiện có, chỉ sau 14 ngày ra quả thì đã có chiều dài tới 1,15m.



Buồng chuối siêu “mắn” ở Đăk Lăk, mỗi ngày “đẻ”... 2 nải

Những ngày cuối tháng 8 năm nay, rất nhiều người hiếu kỳ đã tìm đến nhà anh Trần Thanh Hải (thôn 4, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) để xem cây chuối kỳ lạ. Đây là cây chuối được anh Hải mua về trồng hơn 1 năm. Trước đó 4 tháng, cây chuối bắt đầu trổ bắp rồi ra quả.

Sau đó, dù buồng chuối đã dài hơn 2m và có đến hơn 150 nải (trung bình mỗi nải có 16 trái, to đều) nhưng vẫn chưa có dấu hiệu ngưng “đẻ”. Cứ mỗi sáng thức dậy, buồng chuối lại tiếp tục nở thêm ra hai nải mới, trong khi đó, phần bắp vẫn còn rất to, chưa có dấu hiệu teo lại nên có thể cho ra hàng chục nải chuối nữa. Nhiều người đã ngỏ ý mua lại với giá vài triệu đồng nhưng chủ nhân của nó vẫn không muốn bán.



Củ khoai lang to ngang ngửa bé 1 tuổi

Sáng 3/1, anh Trần Công Tuấn ra sau vườn ở quán cà phê Làng Báo 2 của mình (đường Mậu Thân, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để cho gà ăn thì phát hiện phần đầu của củ khoai lang trồi lên mặt đất.

Cứ tưởng là củ khoai bình thường, nhưng khi anh dùng tay nhổ lên thì phát hiện củ khoai to ngoài sức tưởng tượng. Trong lượng củ khoai nặng 4,3 kg. Nhìn củ khoai khủng, nhiều khách đến uống cà phê tỏ ra thích thú.



Bí đao khổng lồ nặng cả tạ, to như heo rừng

Những quả bí đao khổng lồ có cân nặng lên tới 30-80 kg ở Mỹ Thọ, Phù Mỹ- Bình Định đã khiến cho những ai lần đầu chiêm ngưỡng cũng phải thốt lên: bí khổng lồ! Những trái bí khủng nặng trĩu được người nông dân chằng đỡ bằng những sợi dây nơm hoặc những tấm lưới chắc chắn.

Những quả bí đao ở đây thường có cân nặng trung bình khoảng 50 kg, có khi lên tới 70 kg, dài 60 - 90cm. Đường kính của những quả bí này lớn đến nỗi vòng tay của bé gái cũng không ôm hết.



Phụ nữ Việt “phát sốt” săn giống dưa hấu tí hon

Dưa hấu tí hon không còn là loại quả quá xa lạ với người châu Âu, song nó mới chỉ du nhập vào Việt Nam và ngay lập tức đã được chị em phụ nữ “săn đón” nhiệt tình. Được biết, ruột của dưa hấu tí hon không đỏ mà xanh nhạt. Khi thưởng thức, nó giòn như dưa chuột và có vị chua thanh mát.

Đó là loại quả có chiều dài chỉ khoảng 3cm, nhỏ bằng 1/20 kích thước trung bình của trái dưa hấu thông thường. Tuy nhiên về tỷ lệ chiều dài, bề ngang và màu sắc, mẫu mã của hai loại dưa hấu này giống hệt nhau. Có cảm giác như, dưa hấu tí hon chính là hình ảnh thu nhỏ của trái dưa thường.

Theo Hồng Liên/Dân Việt


Phần nhận xét hiển thị trên trang