Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Dù nói thế chứ nói nữa cũng chẳng ích gì, chẳng đi tới đâu với thứ "Bắt buộc phải thế "!






Hiện tại, cái gọi là "phê bình văn học" Việt Nam (trong nước) theo tôi có những điểm chính sau:

1. Các nhà "phê bình hiện thực xã hội chủ nghĩa": Đây là những nhà phê bình ăn lương nhà nước. Có cả một Hội đồng phê bình lý luận cấp trung ương nhưng cái tổ chức này già nua và giáo điều. Họ vẫn viết một cách công thức, gò bó, xa sự thật. Họ nhìn xã hội bằng con mắt giả trá, vẫn cứ đòi hỏi phải theo cái khuôn khổ cũ, vẫn mong mỏi tác giả tìm ra một “con người mới xã hội chủ nghĩa”, dù chính họ biết tỏng chẳng hề có thứ con người kỳ quái đó!

2. Các "nhà phê bình" (thường phóng viên, biên tập viên) trên báo: Họ thường bắt đầu giới thiệu một tác phẩm của một nhà văn bằng các loại câu đại khái: “Tôi quen X (nhà văn, gọi tên suồng sã cho ra vẻ thân tình) ở hội thảo, ở quán cà phê, ở… đâu đó v,v…), và sau đó là rất nhiều từ dùng để mô tả mối quan hệ này, mô tả X sống ra sao, đối xử với bạn bè hay và đẹp như thế nào, có sách là gọi ngay điện thoại để biếu tôi v.v…, và cuối cùng “hạ cố” giành cho một số lời khen chung chung, nhạt nhòa, thậm chí ngu xuẩn vì nó chẳng dính gì đến tác phẩm (bởi họ lười đọc, có đọc cũng đọc lướt qua). Và vì vậy người đọc nghiêm túc, chỉ nhận những thông tin vô bổ về tác phẩm, ngoại trừ cái bìa, hay trang 1 tác phẩm, nơi có … chữ ký nhà văn giành cho người viết cái gọi là “phê bình” đáng phỉ nhổ kia.

3. Các "nhà phê bình" là các cây bút chơi thân nhau trong các Hội nhà văn, các tờ báo. Một khi có tác phẩm của kẻ "cùng hội cùng thuyền" ra đời, họ nhất mực cất lên một giàn đồng ca thắm thiết. Họ thường ca ngợi tác giả ngoài cái họ đang phê bình, ví dụ như X đã đoạt những giải thưởng nào, sách của X được hồ hỡi đón nhận ra sao, X đã ra bao nhiêu đầu sách....Thường nếu đọc bài của họ, người đọc rất dễ nhầm lẫn, cứ tưởng đó là tác phẩm xứng đáng để đọc, nhưng phần lớn là gặp trò lừa đảo.

4. Các nhà phê bình làm dáng với chữ nghĩa: Đây thường là những cây bút quen thuộc, có ý thức làm mới, nhưng thích phô trương “sự học” của mình. Và vì vậy nhiều khi họ dùng quá nhiều từ mơ hồ để phê bình một tác phẩm… ít mơ hồ hơn họ. Những “ngoại biên”, “chiều kích” nào đó của tác phẩm được nhắc đến nhiều lần, nhưng để làm rõ (nhiệm vụ của phê bình) vì sao ngoại biên thì càng đọc, người đọc càng rối rắm!

5. Các nhà văn lớn (tuổi) viết phê bình: Loại này thường xem tác giả như… con em của mình, họ có khi chẳng đọc tác phẩm mà vẫn đưa ra những lời khuyên như kiểu xoa đầu. Thực ra hiện nay các nhà văn Việt Nam sinh trước 1975, không một ai đủ tư cách “xoa đầu” những nhà văn hiện đại. Bọn “ăn bóng” này rất tởm!

Tất nhiên ở đây không cần liệt kê những cây bút "phê bình" là kẻ ăn lương của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, bởi những bút nô này chỉ có một việc thuần nhất là ca ngợi.

Kết: Một số nhà văn thành danh của thế giới không ưa các nhà phê bình vì không chịu nổi sự công kích của họ. Nhưng tại Việt Nam, khi nền phê bình văn học gần như bằng không hiện nay, lại đẩy các tác phẩm nghiêm túc về mặt sáng tạo vào sự quên lãng của công chúng vì ít ai biết đến. Trong khi đó các loại sách nhảm nhí, thông tục lại được quảng bá rộng rãi nhằm thu lợi nhuận. Và giống như “ca sĩ Lệ Rơi”, có những cây bút tầm xoàng sau vài giờ đã thành “nhà văn nhà thơ” nổi tiếng, Hội chợ sách vừa qua tại Sài Gòn và vài cuốn sách vừa ra đời là một mình chứng cho điều tôi vừa nói.

Tất nhiên sống trong một xã hội đang suy đồi về mọi mặt, những cố gắng của một nhà văn ý thức rõ ràng về nghề nghiệp của mình đôi khi vô ích, nhưng họ vẫn miệt mài viết, chịu đựng và sáng tạo như một "nghiệp dĩ" của mình. Nếu những nhà văn đó không thỏa hiệp, không ca ngợi cái xấu vì lợi ích bản thân, tôi nghĩ tác phẩm họ xứng đáng được giới thiệu với công chúng bằng ngòi bút phê bình công tâm, thật sự đọc đến chiều sâu tác phẩm của họ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đằng sau nó là cái gì?



Đang đọc một cuốn tiểu thuyết vừa phát hành trong nước của một nhà văn thân quen. Đọc với tâm thế bạn đọc. Cuốn sách khá cuốn hút. Cũng như sách của những nhà văn tuổi ngoài 40 sống tại Sài Gòn, để có thể xuất bản hợp pháp trong nước nhà văn cần tiết chế một số vấn đề xã hội. Nhưng đề tài tại Việt Nam  mênh mông, không nhất thiết đụng chạm đến chính trị. Ở một mức độ nào đó, nhà văn được tự do thể hiện cách viết, vậy nhưng....

Có thể cho rằng báo chí VN đang suy đồi tận đáy khi tôi vào thử 2 tờ báo lớn nhất là TN và TT (các tờ báo chung địa bàn), vào trang "Văn hóa" và đọc thấy gì? Đó là các tựa như "Nỗi lòng chuyển giới", "fan Việt đội mưa đón JYJ đến VN", "Hương Tràm lộ quần chip", "Vì sao Angelina và Brad Pitt kết hôn...", tuyệt không thấy dòng nào giới thiệu cuốn tiểu thuyết vừa phát hành này, nói chi 1 bài phê bình nghiêm túc còn hiển thị trên giao diện!!!

Với góc độ người đọc, tôi cho rằng những nhà văn vẫn cày cuốc bằng chữ, vẫn viết những cuốn tiểu thuyết đầy tìm tòi, mang tính sáng tạo rõ nét rất xứng đáng được giới thiệu, quảng bá, phê bình trên các trang báo, hơn là để sách ra và chìm nghỉm giữa những dòng "văn hóa" phản cảm. Họ chấp nhận cuộc chơi qua cửa kiểm duyệt của các nhà xuất bản để được in sách hợp pháp theo luật hiện hành, nhưng họ vẫn bị “làm lơ” bởi chính các tờ báo, các trang văn hóa văn nghệ.

Tại Việt Nam hiện nay, việc giới thiệu sách mới nhiều khi nhiêu khê mà người cầm bút có sĩ diện thường không chấp nhận. Đó là phải thân quen, cần biết “phải chăng” với các phóng viên, các trưởng trang văn  hóa nghệ thuật, còn muốn được hẳn một chiến dịch PR rầm rộ thì còn nhiều thứ khác nữa, ngoài quen biết, quán xá và cả vài điều khó nói...

Bỗng nghĩ đến những cuốn sách tầm phào, ví như một cuốn ngôn tình Việt của một nữ MC, hay như vài ba tập thơ dễ dãi, lại được giới thiệu rùm beng gần đây, và rất đáng được đặt dấu hỏi đằng sau nó là gì?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tham Khao Trung Quoc:

TẬP CẬN BÌNH CHUẨN BỊ HẠ BỆ GIANG TRẠCH DÂN

Giang

Thời gian còn lại của Giang Trạch Dân chỉ còn được đếm từng ngày. Kẻ thống trị hệ thống chính trị của Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ qua hiện đang bị điều tra tại chính sân sau của ông ta, thành phố Thượng Hải.
Tin về đoàn điều tra chống tham nhũng của lãnh đạo đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình đến làm việc tại Thượng Hải đã được thông báo rộng rãi. Một công bố ngắn gọn vào ngày 11 tháng 8 trên trang web chính thức của Viện kiểm sát tối cao Thượng Hải, cơ quan chịu trách nhiệm việc điều tra và truy tố tội phạm, cho biết cuộc điều tra đang được tiến hành một cách nghiêm túc.
Doanh nhân nổi tiếng Vương Tông Nam, chủ tịch của Tập đoàn Thực phẩm Bright, đã bị bắt vì hối lộ và biển thủ công quỹ. Đó được cho là tội ác sẽ bị xét xử của Vương, nhưng hành vi phạm tội thực sự của ông ta là do có mối quan hệ chặt chẽ với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và con trai của Giang là Giang Miên Hằng.
Thượng Hải là bệ phóng cho tham vọng chính trị quốc gia của Giang Trạch Dân và ông ta đã hình thành cơ sở quyền lực cho mình tại đây.
Giang từng là người đứng đầu Đảng của Thượng Hải từ năm 1985 đến năm 1989. Đối mặt với một phong trào dân chủ mạnh mẽ vào năm 1989, Đặng Tiểu Bình đã rất ấn tượng với cách làm mạnh tay của Giang trong việc xử lý các bất đồng chính kiến ở Thượng Hải, trong khi nhiều vị lãnh đạo ĐCSTQ khác thì đứng bên lề.
Sau khi cách chức Tổng bí thư Triệu Tử Dương vì sự cảm thông của ông đối với sinh viên, Đặng Tiểu Bình đã đưa Giang Trạch Dân đến Bắc Kinh. Sau khi nắm quyền, Giang đã lần theo dấu vết và trừng phạt tàn nhẫn những ai bất đồng chính kiến trong vụ ‘xe tăng’ vào đêm mùng 4 tháng 6.
Sau khi nắm quyền ở Bắc Kinh, Giang cất nhắc những cán bộ không mấy tiếng tăm ở Thượng Hải vào các vị trí quan trọng trong Đảng. Họ hình thành một đội ngũ lãnh đạo chủ chốt để Giang có thể sử dụng để chi phối hệ thống chính trị của Trung Quốc trong hơn 20 năm.
Nhắm mục tiêu vào Giang
Hơn 19 tháng qua, người đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình đã thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng, đồng thời đã hạ bệ các đồng minh thân cận nhất của Giang Trạch Dân.
Đỉnh cao của chiến dịch này là việc thông báo công khai cuộc điều tra chính thức về cựu chiến lược gia an ninh Chu Vĩnh Khang vào ngày 29 tháng 7. Dự đoán sự sụp đổ của Chu sẽ đánh dấu hồi kết cho cuộc thanh trừng phe phái đối lập trong Đảng của Tập đã nhanh chóng bị xua tan.
Ngay sau khi có thông báo về Chu, Nhân Dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã công bố một bài bình luận có tiêu đề “Hạ bệ con hổ lớn Chu Vĩnh Khang chưa phải là sự kết thúc của chiến dịch chống tham nhũng”. Bài báo chỉ ra rằng Chu đã được cấp trên nâng đỡ. Ai cũng biết rằng Giang Trạch Dân là người đã cất nhắc Chu.
Mặc dù bài báo đã nhanh chóng bị gỡ bỏ, nhưng vẫn đủ thời gian để được sao chép và lan truyền rộng rãi trên toàn mạng Internet Trung Quốc.
Hai tuần trước đó, Thời báo Đại Kỷ Nguyên đã báo cáo rằng cố vấn hàng đầu của Giang Trạch Dân là Tăng Khánh Hồng đã bị bắt. Nếu chiến dịch chống tham nhũng trở thành một hoạt động càn quét, thì sau đó mục tiêu hợp lý tiếp theo chính là Giang Trạch Dân. Những con hổ lớn khác đều đã bị hạ bệ.
Việc bắt giữ Vương Tông Nam vào tuần trước đã khiến cho Giang bị tổn thất. Nếu Giang không thể bảo vệ Vương tại Thượng Hải, thì sau đó ông ta sẽ bị tước bỏ quyền lực tại thành lũy thâm sâu nhất của mình.
Nếu những động thái vừa qua mới chỉ là màn mở đầu, thì sau khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra hàng ngàn vụ trước đây tại những nơi khác ở Trung Quốc, thì hiện nay nó đang được thực hiện tại Thượng Hải, tạo ra một cuộc điều tra bủa vây từ ngoài vào trong. Ủy ban kiểm tra đang tấn công vào những mắt xích yếu nhất ở ngoại vi để chúng phơi bày các mối liên hệ với trung tâm và sau đó tiến hành từng bước cho đến khi mục tiêu cuối cùng bị bao vây và vô hiệu.
‘Bế tắc’
Theo cơ quan ngôn luận nhà nước Tân Hoa Xã, 85.000 quan chức đã bị điều tra trong vòng 6 tháng qua.
Mặc dù phạm vi điều tra của chiến dịch này rất rộng lớn, tuy nhiên tại một cuộc họp vào ngày 26 tháng Sáu của Bộ Chính trị, Tập Cận Bình đã phàn nàn rằng lực lượng tham nhũng và chống tham nhũng đang ở thế “bế tắc”.
Bốn ngày sau đó có thông báo rằng bốn quan chức cấp cao đã bị thanh trừng trong cùng một ngày: cựu lãnh đạo quân sự hàng đầu Từ Tài Hậu; cựu Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, và nguyên phó chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc Vương Vĩnh Xuân; và Lý Đông Sinh, cựu thứ trưởng Bộ Công an và là người đứng đầu phòng chuyên trách đàn áp Pháp Luân Công.
Bất chấp sự thanh trừng mạnh mẽ này, phe của Giang vẫn có những động thái chống cự.
Ngô Phạp, trưởng ban biên tập tạp chí các vấn đề Trung Quốc bằng tiếng Hoa có trụ sở tại Hoa Kỳ, gần đây đã nói với NTDTV rằng quân đội đang tiếp tục theo dõi Quách Bá Hùng, nay đã nghỉ hưu, là một trong những nhân vật được Giang Trạch Dân bổ nhiệm vào vị trí cao trong lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Ngô Phạp cho biết “Một số khu vực quân sự, bao gồm cả Quân khu Quảng Châu và Quân khu Bắc Kinh, đã hoàn toàn không nghe theo sự chỉ đạo của Tập Cận Bình. Họ làm theo lệnh của Quách Bá Hùng và phe của ông ta”.
Cuộc chống cự của Quách là theo chỉ thị của phe Giang, bất chấp lệnh từ Trung ương Đảng.
Trong mười năm Hồ Cẩm Đào là người đứng đầu danh nghĩa của ĐCSTQ, đã có một câu nói phổ biến ở Trung Quốc là “một trật tự không bao giờ vượt quá xa cổng ra vào của Trung Nam Hải.” Trung Nam Hải là trụ sở chính và là khu liên hợp lãnh đạo của ĐCSTQ tại Bắc Kinh.
Để Tập Cận Bình được biết đến là người hoàn toàn thống lĩnh ĐCSTQ, ông ta cần phải nhổ tận gốc phe cánh của Giang, cũng có nghĩa là phải hạ bệ Giang.
“Cuộc sống và cái chết”
Nhưng ông Tập chậm chí có một lý do mạnh mẽ hơn để theo đuổi chiến dịch của mình vì kết quả của nó chính là: sự sống còn.
Trong bài phát biểu ngày 26 tháng 6 trước Bộ Chính trị, Tập được cho là đã nói rằng: “Trong cuộc chiến chống tham nhũng, cuộc sống và cái chết và danh lợi là vô nghĩa đối với tôi.”
Tập đã học được bài học về mối đe dọa đối với cuộc sống của mình trước khi chính thức được bầu vào vị trí cao nhất của Đảng. Theo những người trong Đảng, việc phát hiện ra kế hoạch đảo chính chống lại Tập Cận Bình là cùng lúc với những động thái trong chiến dịch chống lại Giang Trạch Dân và phe của ông ta.
Sau khi cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân xin tị nạn tại Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô vào tháng Hai năm 2012, ông ta đã bị chuyển đến Bắc Kinh. Sau đó Trung ương Đảng biết được rằng Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai – cựu Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh – là người Giang đã từng muốn cất nhắc lên vị trí Tổng Bí thư, đã có dự định hạ bệ Tập ngay sau khi ông nhậm chức.
Các mối đe dọa đối với Tập vẫn chưa chấm dứt mặc dù âm mưu đảo chính đã bị vỡ lở. Đại Kỷ Nguyên báo cáo rằng trong khoảng thời gian các nhà lãnh đạo Đảng tập trung tại Bắc Đới Hà vào mùa hè năm 2013, Chu Vĩnh Khang đã từng nỗ lực ám sát Tập với một quả bom được hẹn giờ tại một hội nghị và trong một dịp khác với một cây kim độc khi Tập đến thăm một bệnh viện.
Vào ngày 6 tháng 8, Tạp chí Thế giới (World Journal) bằng tiếng Hoa có trụ sở tại Hoa Kỳ đã đăng bài về những tin đồn được lưu truyền rộng rãi trong quân đội Trung Quốc rằng Quách Bá Hùng đã lên kế hoạch thực hiện một cuộc đảo chính.
Động cơ
Trong khi truyền thông phương Tây đã bắt đầu quan tâm hơn đến cuộc chiến sống còn giữa Tập và Giang, thì các thông tin quan trọng đang dần hé lộ động cơ của cuộc chiến này. Họ cho rằng nền chính trị Trung Cộng đang ở vào thời điểm vô cùng nguy hiểm.
Rõ ràng là nếu Tập thể hiện sự yếu kém của mình trước kẻ thù, ông sẽ bị thua. Nhưng tại sao Giang Trạch Dân cần phải cho rằng Tập là kẻ thù trí mạng của mình?
Câu trả lời cho câu hỏi này nằm ngoài tầm hiểu biết của các phương tiện truyền thông: đó chính là chính sách đàn áp Pháp Luân Công.
Giang Trạch Dân đã cấu kết với Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai, Lý Đông Sinh và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của ĐCSTQ để thực hiện tội ác tày trời đối với nhân dân Trung Quốc.
Theo văn phòng báo chí của Pháp Luân Công, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ kể từ khi Giang phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công vào tháng Bảy năm 1999.
Theo thông cáo báo chí vào thời điểm đó, chiến dịch này đã tìm cách nhổ tận gốc môn tu luyện tinh thần truyền thống của Trung Quốc được 100 triệu người dân Trung Quốc tập luyện vào năm 1999. Do đó nó đã thiết lập trạng thái chiến tranh cho chế độ cầm quyền nhằm làm việc trái lương tâm lên 1/13 dân số Trung Quốc, xử lý họ như những tội phạm hình sự khi họ nỗ lực tuân theo các nguyên tắc của Chân Thiện Nhẫn.
Các học viên bị giam giữ thường bị tra tấn và tẩy não. Theo trang web của Pháp Luân Công Minghui.org, 3.776 trường hợp đã được xác nhận bị chết vì tra tấn và lạm dụng. Do khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin từ Trung Quốc, số lượng học viên thực tế bị chết được cho là cao hơn nhiều lần.
Ngoài ra, các học viên còn là mục tiêu bị thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Trong năm 2011, các nhà nghiên cứu David Kilgour và David Matas, các tác giả của cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest) đã điều tra về hoạt động mổ cướp nội tạng cưỡng bức, và nhà báo điều tra Ethan Gutmann, tác giả của “Sự tàn sát: Giết người hàng loạt, thu hoạch nội tạng, và Giải pháp bí mật của Trung Quốc đối với vấn đề bất đồng chính kiến” (The Slaughter: Mass Killings, Organ Harvesting, and China’s Secret Solution to Its Dissident Problem) ước tính rằng trong những năm 2000-2008, có tới 62.000 học viên đã bị giết để lấy nội tạng. Hiện nay con số này có thể là nhiều hơn hàng chục ngàn.
Giang Trạch Dân và phe của ông ta sợ Tập Cận Bình vì Tập không liên quan đến tội ác chống lại nhân loại này. Có khả năng Tập sẽ chấm dứt cuộc bức hại. Nếu Tập làm như vậy thì sự kêu gọi việc bắt những kẻ có trách nhiệm trong việc này ở Trung Quốc sẽ chiếm áp đảo.
Để tránh phải chịu trách nhiệm, phe Giang Trạch Dân đã tìm mọi cách để giành lại quyền lực, cũng đồng nghĩa với việc cố gắng hạ bệ Tập.
Hệ thống tham nhũng
Tập không phải là lãnh đạo ĐCSTQ đầu tiên sử dụng tham nhũng để tấn công kẻ thù của mình, nhưng trong trường hợp của phe Giang Trạch Dân, chiến dịch chống tham nhũng này không chỉ là một cái cớ. Nó nhắm đến một hệ thống quyền lực chính trị.
Giang Trạch Dân được coi là một tên hề ở Trung Quốc, nhưng ông ta đã biết cách điều hành để trở thành người quyền lực nhất tại Trung Quốc trong hơn 20 năm qua. Bằng cách cho phép tham nhũng ở mọi cấp lãnh đạo của Đảng, Giang đã mua lòng trung thành của cấp dưới đối với ông ta.
Các nhà bình luận về chiến dịch của Tập cho rằng tham nhũng như thể rằng đó đơn giản là cách thức điều hành của ĐCSTQ. Khi làm như vậy, họ đã bỏ qua quy mô tham nhũng trên diện rộng của phe Giang, thực sự vượt xa bất cứ điều gì được biết trước đó.
Các nhà bình luận cũng thường viết một cách khá vô cảm, và thiếu đi mặt cấp bách của vấn đề này đối với người dân Trung Quốc.
Khi người dân Trung Quốc nghĩ về tham nhũng, họ không nghĩ về những chiếc ô tô Audi lấp lánh đi trên đường phố hoặc sự nuông chiều của tình nhân hay những bữa ăn xa hoa.
Họ nghĩ về cuộc sống bên trong những ngôi làng ung thư. Họ nghĩ về thực phẩm nhiễm độc, nước nhiễm độc, và không khí không còn trong lành.
Họ nhớ đến hệ thống trại cải tạo lao động đã gần như chấm dứt hoạt động trước khi Giang lên nắm quyền và làm thế nào mà dưới quyền ông ta số lượng trại cải tạo lại tăng nhiều đến như vậy.
Họ biết về “hệ thống duy trì sự ổn định” – do Chu Vĩnh Khang sử dụng để chống lại các học viên Pháp Luân Công – cướp nhà cửa và trang trại của những người phản đối sự đàn áp này.
Người dân Trung Quốc cũng nhìn thấy một xã hội không còn ràng buộc đạo đức. Họ lướt qua câu chuyện kinh khủng này đến câu chuyện kinh khủng khác trên Internet và tự hỏi, làm thế nào các giá trị đạo đức của dân tộc mình lại suy đồi đến vậy?
Bằng cách này và vô số những cách khác, cuộc chiến chống tham nhũng của Tập hứa hẹn cho người dân Trung Quốc sẽ thoát khỏi sự bất bình nhức nhối.
Hạ bệ Giang
Ý nghĩa lớn nhất của việc khôi phục lại các luật lệ này, bằng việc chống tham nhũng, sẽ là việc hạ bệ chính Giang Trạch Dân.
Khi các cán bộ Đảng thấy rằng Giang đã nằm dưới sự kiểm soát của Tập, thì mạng lưới ảnh hưởng của Giang khắp Trung Quốc sẽ bắt đầu phân rã.
Ông Tập có thể hy vọng sau đó người dân Trung Quốc sẽ có thể tin tưởng vào một ĐCSTQ thuần khiết, nhưng sự tin tưởng của người dân Trung Quốc vào sự hồi sinh của Đảng đã qua rồi.
Chiến dịch của Tập Cận Bình sẽ chấm dứt một kỷ nguyên, nhưng con đường dẫn tới tương lai vẫn chưa rõ ràng.
(Theo Epoch Times)
Theo FB Bình Lê Thọ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Con đường khổ nhọc


Inra Sara


Câu chuyện Cham – Đời là nhẹ 04. Giải cứu Tagalau 3
Sau sự cố “Mĩ Sơn đường về” ở Tagalau 2, khi biết nhà thơ Nông Quốc Chấn và Hội VHNT các Dân tộc Thiểu số VN không đứng bảo lãnh theo diện “châm chế sắc tộc” nữa, cánh cửa nhiều nhà xuất bản đồng loạt ngán cái bản mặt khách không mời mà đến có tên Tagalau. He hé mở để rồi…:
- Ôi anh Sara, rồng đến nhà tôm, bác làm được như vậy là quý lắm, nhưng…
Thế là bản thảo Tagalau 3 lưu lạc qua mấy nhà từ tháng 6-2002 hết Katê qua Tết Nguyên Đán sang Rija Nưgar rồi Katê 2003. Mãi sau tôi mới được chị trưởng Ban biên tập nhà nọ ghé tai cho hay có chỉ đạo [miệng] ngầm. Ừ, thì là chuyện hậu trường, thực hư ai mà mò được. Tôi chỉ biết bà con đang mỏi cổ chờ. Thiếu tiền ư? Mạnh thường quân cho nè. Đồng Mỹ, đồng Việt Nam, đồng tiền chung châu Âu. Vài nhà xuất bản lại hứa. Không ai hiểu tại sao. Tôi chạy qua nhạc sĩ Tantu mư-ung cầu cứu:
- Chắc phải lội ra Hà Nội quá, anh ơi. Tôi sẽ cầm theo bản thảo Tagalau 3 với thẻ Hội Nhà văn Việt Nam gặp riêng Hữu Thỉnh, đặt lên bàn ông chủ tịch lá bài “hoặc anh in Tagaglau, hoặc tôi trả lại anh cái thẻ”.
Cũng anh hùng chớ bộ! Có lẽ bản mặt tôi lúc đó méo chả kém khỉ bóc phải cứt gà, mắc cười hết biết, nên anh nhạc sĩ này mới chộp ngay cơ hội mà lên lớp:
- Hehe… lần đầu tiên trong đời ông anh được thưởng thức sắc mặt thảm thương của thằng em. Nhưng huỡn đã. Này nhé, Cham mà bỏ túi thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã khó, có được vị thế như thằng em bây giờ càng khó bội phần. Anh thấy Trạm thừa trình độ “mát” để giải bài toán này mà…
Công án âm âm u u vậy mà làm tôi đốn ngộ.
… Không ai có thể hát thay chúng ta
nơi đây và lúc này
cả hôm sau có lẽ.
Không bay đi đâu để gặp ai cả, tôi trụ Sài Gòn và chơi bài liều: Tăng trang, in màu cả bốn bìa và chung chi cho đầu nậu… chạy! Ông bà trời vẫn chưa chịu thôi chơi khăm. Đùng cái hơn mười triệu đồng quỹ Tagalau cất trong chiếc samsonite theo tay tài xế Taxi tham lam bay mất sau chuyến tháp tùng bà xã ra Đà Nẵng. Không ai có thể chạy thay tôi, tôi lại phải chạy. Đã hết đâu. Nhà xuất bản kêu thay tên đổi họ Tagalau. Mỗi đứa con cần khai sinh tên riêng, chớ đứa nào đứa nấy đánh số như đường sá bên Mỹ vậy ngó hổng đẹp. - Dạ vâng. Vẫn chưa xong. Sách xuất lò mừng hết cỡ vội vội vàng vàng chuyển ra Phan Rang cho kịp phục vụ đồng bào đồng chí và các bạn, thì anh đầu nậu giữa trưa nắng hớt hải chạy qua nhà tôi kêu: “Thu lại, thu lại hết, anh ơi”. Phải có Inrasara chủ biên! Thế là chở về, nhập kho, xé và dán… mới thành ra Katê mới (Tagalau 3) - Chủ biên: Inrasara.
Hú vía! Tôi vỡ cười một tiếng rõ to rồi phóng xe qua quán A Sồi tự thưởng một chầu bia hơi cô độc.
Đối thoại ngắn với một bạn thân ở Sài Gòn:
– Mầy chớ tưởng mình ngon, Tagalau chẳng có gì là ghê gớm lắm đâu.
– Không có gì ghê gớm còn đỡ, mình thấy nó chả là gì cả.
– Chả gì cả à? Mầy nghĩ thế thật à?
– Ừ… thì mình có nghĩ hay nói giả bao giờ đâu!
– Tao không hiểu quái mầy! Chả là gì sao mầy bỏ công sức hay tiền bạc ra làm?
– Đấy, mâu thuẫn và phi lí vậy đó. Cứ sống trọn vẹn với sự phi lí ấy đi, thì sẽ hiểu!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sài Gòn cần sớm có quy định mặc áo phao khi tham gia giao thông.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một thung lũng tình yêu khác:

“Thung lũng mỹ nữ” khan hiếm đàn ông ở Brazil

(Dân trí) - Nghe có vẻ như chuyện thần thoại Hi Lạp, nhưng lại là sự thật ở một thị trấn nhỏ hẻo lánh, nằm khuất nẻo sau những ngọn đồi ở đông nam Brazil, nơi có rất nhiều phụ nữ nổi tiếng xinh đẹp khắp nước đang tìm kiếm tình yêu.



Phụ nữ ở Noiva do Cordeiro đang mời gọi đàn ông độc thân đến với họ.
Phụ nữ ở Noiva do Cordeiro đang "mời gọi" đàn ông độc thân đến với họ.
Chuyện thần thoại có thật đó diễn ra ở Noiva do Cordeiro, vùng xa xôi ở đông nam Brazil. Ở cộng đồng 600 dân đẹp như tranh vẽ này, đàn ông khan hiếm hoặc nếu có thì đi làm xa ở thành phố, buộc những người phụ nữ xinh đẹp phải một mình gánh vác các trách nhiệm của thị trấn.
Tình trạng này đã khiến một số phụ nữ vốn nổi tiếng xinh đẹp ở khắp Brazil tại đây phải lên tiếng "mời gọi" đàn ông độc thân đến với họ.
“Ở đây, những cô gái độc thân như chúng tôi chỉ có thể gặp những người đàn ông hoặc đã kết hôn hoặc lại có quan hệ họ hàng với chúng tôi. Mọi người đều là họ hàng của nhau”, Nelma Fernandes, 23 tuổi, cho biết.
“Đã rất lâu rồi tôi chưa hôn người đàn ông nào. Chúng tôi đều mơ mộng được yêu, được kết hôn. Nhưng chúng tôi muốn sống ở đây và không muốn phải rời thị trấn đi tìm chồng. Chúng tôi muốn làm quen với những người sẵn sàng rời bỏ cuộc sống của riêng họ và đến đây trở thành một phần của cuộc sống của chúng tôi. Nhưng trước tiên họ phải đồng ý làm những gì chúng tôi nói và sống theo quy định của chúng tôi”.
Noiva do Cordeiro, có nghĩa là “Cô dâu cừu”, từ lâu đã nổi tiếng là một cộng đồng “nữ quyền”, sau khi người sáng lập Maria Senhorinha de Lima định cư ở đây. Maria Senhorinha de Lima từng bị kết tội thông dâm và bị trục xuất khỏi quê nhà bà vào năm 1891.
Một trong những người cháu của bà, Delina Fernandes Pereira, hiện vẫn ở “thung lũng mỹ nữ” này, cách thủ phủ bang Belo Horizonte khoảng 90km. Bản thân Pereira cũng gây ra nhiều tranh cãi khi cưới một mục sư năm mới 16 tuổi. Pereira cho rằng thị trấn vẫn phải chịu đựng những định kiến vì quá khứ được cho là “đáng xấu hổ” của mình.
Phụ nữ ở đây gánh vác hầu hết trách nhiệm trong cộng đồng, bao gồm cả việc hoạch định và các vấn đề tôn giáo khác.
Elida Dayse, người tổ chức chuyến thăm tới khu vực cho biết: “Có vẻ như phần lớn dân cư là phụ nữ, nhưng một phần cũng bởi đàn ông rời đi lên thành phố làm việc trong những ngày trong tuần”. Tuy nhiên, một số phụ nữ ở thị trấn này sợ rằng sự hiện diện quá nhiều của đàn ông ở đây sẽ phá hỏng lối sống khác biệt của họ.
Rosalee Fernandes, 49 tuổi, cho biết: “Chúng tôi có Chúa trời trong trái tim mình. Nhưng chúng tôi không nghĩ chúng tôi cần nhà thờ, kết hôn trước một linh mục hay cần linh mục ban phước lành cho con cái chúng tôi. Đây là những quy định do đàn ông tạo ra”.
Fernandes cũng cho biết thêm: “Có rất nhiều điều phụ nữ làm tốt hơn đàn ông. Thị trấn của chúng tôi đẹp hơn, ngăn nắp hơn và đoàn kết hơn khi đàn ông không làm chủ. Khi có vấn đề hay tranh cãi nảy sinh, chúng tôi giải quyết theo cách của phụ nữ, cố gắng tìm đồng thuận hơn là xung đột”.
Phụ nữ quản lý Noiva do Cordeiro bằng sự đồng thuận.
Phụ nữ quản lý Noiva do Cordeiro bằng sự đồng thuận.

“Chúng tôi chia sẻ mọi thứ, thậm chí cả đất đai canh tác. Không ai cạnh tranh với ai ở đây. Mọi người vì một người và một người vì mọi người”.
“Cả thị trấn gần đây đã tập trung giúp mua một cái TV màn hình rộng lớn cho trung tâm cộng đồng của chúng tôi, để chúng tôi có thể xem opera cùng nhau”.
“Và luôn có thời gian để dừng lại, buôn chuyện, thử quần áo của nhau và làm tóc, đánh móng tay, chân cho nhau”, cô cho biết thêm.
Trung Anh
Theo Telegraph

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhân việc có nhiều tin đồn về ông Nguyễn, đăng lại bài này ( theo Infonet ):

Chuyện chấn động của ông Nguyễn Bá Thanh hơn 10 năm trước

Cuộc nói chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh tối 24/7/2003 là cuộc "đại phẫu" gây chấn động người dân, cán bộ trong và ngoài nước.
Để bạn đọc có dịp so sánh giữa ông Nguyễn Bá Thanh vừa được uỷ nhiệm làm Trưởng Ban Nội chính TƯ với ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó vừa lên làm Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, chúng tôi xin giới thiệu lại bài tường thuật cách đây 10 năm về cuộc nói chuyện này:

"Đà Nẵng bắt đầu cuộc đại phẫu đau đớn nhưng lành mạnh"

Sau quyết định kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Sở Xây dựng và cách chức Trưởng BQL các dự án xây dựng và công nghiệp dân dụng Đà Nẵng gây chấn động tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vừa tiếp tục có buổi nói chuyện vào tối 24/7 với gần 1.500 cán bộ công chức đang làm những công việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Ông Nguyễn Bá Thanh trực tiếp tham gia thi đấu bóng đá và quyên góp ủng hộ các nạn nhân cơn siêu bão Xangsane năm 2006 ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam 
Qua hơn 28 năm sau ngày giải phóng, lần đầu tiên Đà Nẵng có một buổi nói chuyện “vô tiền khoáng hậu” như vậy. Suốt gần 2 tiếng rưỡi đồng hồ, các cán bộ công chức Đà Nẵng - trong đó có không ít “vị quan” mới đây còn hoạch hoẹ dân – chen nhau ngồi cả xuống đất vì hội trường không đủ ghế, lắng nghe vị tân Bí thư Thành uỷ nói chuyện. Họ bật cười vì những câu nói tếu, rồi chợt đau nhói khi ngẫm lại ý nghĩa thâm sâu đằng sau nó. Để rồi tự thấy mình trở nên lành mạnh hơn, có nhiều dũng khí hơn để làm “lãnh đạo và đày tớ” của nhân dân!

4 nỗi sợ lớn

Không giấy, không tờ, vừa kết thúc buổi làm việc với một vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước CHDCND Lào sang thăm là ông Nguyễn Bá Thanh đến thẳng hội trường, lên ngay diễn đàn và bắt đầu câu chuyện. Hẳn nhiên ông đã chuẩn bị rất kỹ, chứ không như một Phó Giám đốc Sở Địa chính – Nhà đất Đà Nẵng, khi được gọi lên gặp ông (lúc ấy ông Nguyễn Bá Thanh là Chủ tịch UBND TP - PV) đã phải uống... 3 ly rượu để lấy bình tĩnh nhưng cuối cùng cũng chẳng nói được gì vì... không “thuộc bài”.

Không hề vòng vo, ông vào đề luôn: “Sở dĩ có cuộc gặp hôm nay là vì một sự kiện quan trọng vừa diễn ra: Đà Nẵng được Chính phủ công nhận là đô thị loại 1. Tất nhiên chỉ mới “là” đô thị loại 1 thôi, còn để “làm” cho nó thực sự trở thành đô thị loại 1 được người khác tâm phục khẩu phục thì còn gian nan lắm. Nhưng chưa chi đã có người vội nảy sinh tư tưởng chủ quan, và tôi rất sợ từ điều đó sẽ dẫn tới 4 cái mất lớn hơn!”.

Cái mất đầu tiên, ông sợ, là mất thời cơ - điều mà Đà Nẵng đã tạo ra và tận dụng rất tốt khi từ một TP "cấp huyện" (đô thị loại 2 thuộc tỉnh QN-ĐN cũ) trở thành TP trực thuộc TƯ, và hơn 6 năm sau đã là đô thị loại 1. “Nếu không làm mạnh hơn nữa, Đà Nẵng sẽ mất cơ hội vượt lên trở thành TP động lực của miền Trung, chỉ sẽ là một anh làng nhàng trong khu vực mà thôi!”.

Ông Nguyễn Bá Thanh trực tiếp tham dự một phiên toà có tiếng kêu oan của người dân 
Từ đó, ông lo đến cái mất thứ hai: “Nếu tốc độ phát triển của TP trì trệ, không đáp ứng sự trông đợi của nhân dân thì cán bộ sẽ bị kỷ luật, bị thay đổi hoặc hạ tầng công tác. Chưa kể nhiều người tranh thủ quơ quào, kiếm chác còn sẽ bị luật pháp trừng phạt. Vậy là mất cán bộ!”.


 Một khi cán bộ thoái hoá, biến chất như vậy sẽ dẫn đến cái mất gì nữa? “Mất lòng dân – ông nhấn mạnh - Và một khi dân không còn tin chúng ta nữa thì cái mất thứ tư đau lòng hơn cũng rất dễ xảy ra: Mất chế độ!” - ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.
Ông nói rõ: “Đừng nghĩ là dân không biết gì. Trình độ dân trí bây giờ cao lắm, họ thấy hết, biết hết những trò nhũng nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà, nguyên tắc cứng nhắc... tồn tại trong đội ngũ cán bộ chúng ta nhưng không dám nói vì sợ bị trù dập. Họ là dân mà, nên chỉ cầu xin hai chữ bình an. Nhưng nếu được bảo vệ, họ sẽ nói hết. Khi ấy thì không thể che giấu đi đâu.

Dân nhìn đội ngũ cán bộ chúng ta cũng như các anh chị đang nhìn tôi vậy. Tôi ở trên này nhìn xuống chỉ thấy cả rừng người, không phân biệt được anh nào áo xanh, áo đỏ. Nhưng các anh chị ở dưới nhìn lên thì tôi chỉ ho một tiếng, nghiêng đầu sang phải, liếc mắt sang trái một chút là cả ngàn con mắt đều thấy. Dân nhìn chúng ta vậy đó. Bài học Thái Bình vẫn còn đau lắm. Cũng có sự kích động, có những phần tử xấu len vào nhưng chủ yếu là do chúng ta thôi. Dân như nước, đẩy thuyền lên là nước mà lật thuyền cũng là nước. Chúng ta phải sớm tự soi rọi lại mình chứ đừng để xảy ra tức nước vỡ bờ!”.

Cuộc đại phẫu tê tái

Từ cái nhìn, cái biết ấy của dân, ông Nguyễn Bá Thanh đem soi rọi vào đội ngũ cán bộ, công chức TP Đà Nẵng và khẳng định, họ đã làm được rất nhiều việc. Trong đó có không ít việc được nhân dân cả nước ghi nhận, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, các tỉnh thành bạn kéo đến học tập... “Nhưng đây không phải là lúc chúng ta ca tụng nhau. Thành tích hãy để cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Còn sư đoàn ngồi trước mặt tôi đây phải là sư đoàn làm, sư đoàn chiến đấu. Ai mang tư tưởng công thần thì xin mời đi sư đoàn khác!”.

 Ông đặt thẳng câu hỏi với ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Công an Đà Nẵng: “Có cái gì ở trạm CSGT Kim Liên (trên QL 1A ở cửa ngõ phía Bắc Đà Nẵng) mà ai vô CSGT cũng đòi cho ra đứng đó. Chỉ ít lâu sau là ai nấy khấm khá cả lên. Tiền ở đâu ra, tài sản ở đâu ra, dân biết hết, còn các anh có biết không?”.
Với sự rạch ròi đó, ông chỉ rõ hàng loạt sai lầm, khuyết điểm đi cùng những “nhân vật” của sự quan liêu, trì trệ, thoái hoá, biến chất – tuy không nhiều nhưng đang tồn tại lẩn khuất trong đội ngũ cán bộ, công chức ở nhiều cơ quan có trách nhiệm tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với dân. Ông nhấn mạnh: “Người dân ngứa sau lưng, gãi không tới nên họ mới nhờ mình gãi. Nếu mình gãi không trúng, cứ nhè trước bụng mà gãi, coi chừng họ gai mắt, đạp xuống sông Hàn uống nước như chơi. Phải bắt cho trúng mạch, gãi cho đúng chỗ “ngứa” của người dân. Đừng cứ ngồi nói lý luận với nhau mà không chịu làm!”


Với ngành thuế, ông nêu ví dụ: Chủ một quán ốc hút ở ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thị Minh Khai đến khóc ở Uỷ ban vì thuế từ 260 ngàn tăng lên 500 ngàn đồng/tháng. Ông giả làm người ăn ốc, vào quán này mới biết quán rất ế vì địa thế không tốt, chủ quán lại kém khâu ăn nói. Ông kêu Cục phó Cục Thuế Đà Nẵng Dương Tấn Lực lên hỏi: “Người ta buôn bán như thế mà thuế tăng gấp đôi, lên đến cả chỉ vàng/tháng thì làm sao sống cho nổi? Anh làm lãnh đạo mà không chú ý, để cán bộ hành dân ra bã đó nghe!”.

Với lực lượng Thanh niên xung kích, ông phê phán thẳng: “Với những kẻ cố tình vi phạm, lạng lách, đánh võng thì không dám làm gì, còn mấy bà trong quê ra, đem chục trứng, mớ rau kiếm sống, lẽ ra chỉ nên nhắc nhở họ thì hùng hùng hổ hổ đổ rổ rau của người ta ra đường. Ai bảo anh làm chuyện vô lễ với dân như vậy?”.

 

“Ở rạp xiếc, người ta cho mấy con thú ăn hột gì đó thì nó diễn. Một lúc sau lại ngồi lì ra, quất mấy roi cũng không đi, khi nào được ăn thứ hột đó nó mới diễn tiếp. Hãy cẩn thận kẻo mình lại giống như mấy con ở rạp xiếc, không cho ăn là không làm. Kể cả hố xí, mới ngồi thì thấy hôi, mà ngồi một hồi cũng quen. Tôi sợ nhất là thói quan liêu, hách dịch, vòi vĩnh... trở thành thói quen của cán bộ mình. Sợ kinh khủng!” –

Ông Nguyễn Bá Thanh
 
Với kiểm lâm, ông chỉ ra: “Người ta mang cả khúc gỗ lớn đi trên đường chứ có phải ở rừng ở núi gì đâu mà khó bắt thế? Hoá ra là cùng đường dây cả, lỡ làm ăn với nhau “thâm niên” rồi, lâu lâu bắt một cú biểu diễn thôi!”. Cũng với ý đó, ông hỏi lãnh đạo Sở VHTT: “Liệu có nên giải tán Đội kiểm tra liên ngành 814 hay không? Hô hào nào là quy định ánh sáng rồi kiểm tra, cấp phép... thế mà tệ nạn trong mấy karaoke đèn mờ vẫn tràn lan!”.

Với các ngành Xây dựng, Địa chính, Quy hoạch, Thuỷ sản - Nông Lâm, các BQL dự án..., ông cũng chỉ thẳng nhiều biểu hiện vòi vĩnh, bắt chẹt nhưng lại rất sở hở trong công tác quản lý. Từ kiểm định sai đến không làm hết trách nhiệm giám sát chất lượng công trình, cố tình gây khó dễ đã tạo nhiều khó khăn lớn đối với nhu cầu thiết yếu của người dân trong việc ổn định nơi ăn chốn ở, xác định sở hữu nhà đất..., kể cả làm ách tắc các công trình trọng điểm. Nhiều cán bộ, công chức không thông cảm với nỗi khổ của người dân phải di dời, có người vô trách nhiệm làm gần 20 hộ dân thuộc dự án mở rộng sân vận động Chi Lăng bị thiệt hại từ 5 – 50 triệu đồng, gây phản ứng gay gắt trong dân.

Ngược lại, có người nhận đút lót mà làm sai để bị kiện, có người là cán bộ địa chính mà “đạo diễn” cho dân kê khống để kiếm thêm tiền đền bù chia cho mình, móc nối  với cò đất chọn lô ngon mua lại giấy đất để bán kiếm lời... Vậy mà việc quản lý, xử lý của lãnh đạo các cấp còn tỏ ra rất bất cập, đơn cử như ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Địa chính – Nhà đất: “Ông bảo đuổi mấy chục cán bộ nhưng chỉ có một anh đi tỉnh khác, còn lại đều chạy từ chỗ này qua chỗ kia mà ông không biết. Chỉ biết mình hoàn thành “nhiệm vụ” đuổi, rồi thôi!”.

Kể cả với nhiều công trình thiết yếu của TP thì các cơ quan này cũng tỏ ra rất trì trệ: “Các anh không thấy xấu hổ khi Đà Nẵng là đô thị loại 1 mà tìm hoài không ra nhà vệ sinh công cộng hay sao? Không có nhà vệ sinh, người ta đi bậy ra đường làm sao phạt được? Khó gì chuyện đó mà tôi đã đích thân năm lần bảy lượt đưa các vị đi tìm đất, vậy mà mấy năm rồi vẫn chưa ra nhà vệ sinh công cộng? Khó gì cái đài hoả táng mà nói mấy năm rồi vẫn không có?

Tình trạng giết mổ lậu tràn lan khiến dân kêu không thấu trời vì ô nhiễm, vì tiếng ồn. Vậy mà nói mãi một cái lò giết mổ tập trung vẫn chưa có. Mấy anh ở Sở Thuỷ sản – Nông lâm hình như chưa bao giờ thức đêm đến mấy lò mổ tư nhân để hiểu nỗi khổ của dân ở quanh đó phải không?... Tôi tin không phải khó làm, nhưng các anh ôm nhiều quá, cứ sợ chia ra thì mình mất quyền lợi. Nhưng ôm vô mà sức không làm nổi. Vậy là mọi chuyện cứ ách tắc kéo dài”...

Đau nhói hơn nữa là khi ông đề cập đến tình trạng nhũng nhiễu xảy ra ở Sở LĐ-TB-XH và Sở GD-ĐT: “Tôi đã nói anh Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Sở LĐ-TB-XH) bao nhiêu lần là phải thành lập một bộ phận chuyên trách lo chuyện nhà đất, chính sách cho các Bà mẹ VNAH, các gia đình thương binh liệt sĩ. Khi người ta đến đưa đơn, mình tiếp nhận, hỏi han cặn kẽ rồi trực tiếp đi lo cho người ta. Vậy mà cũng không! Nhiều người công trạng chưa có gì, trình độ cũng chẳng là bao nhưng lớn tiếng hạch sách, xúc phạm những người đã hy sinh xương máu cho mình có cái chỗ ngồi hiện tại. Ai cho phép làm điều vô lễ ấy?

Với ngành GD-ĐT, giáo viên sau khi hết thời hạn đi miền núi, lẽ ra phải được tiếp nhận theo đúng quy định. Vậy mà cũng buộc họ phải chung chi, một chai rượu chưa chịu, phải mấy chục triệu mới cho làm, cho dạy. Có những giáo viên từ trên núi về, hoàn cảnh rất nghèo, rất đáng thương, vậy mà cũng "chặt đầu, lột da" cho được. Họ cầm những đồng tiền đó mà không thấy xấu hổ. Bữa ni ai muốn xin vô chỗ nọ, chỗ kia đều phải tiền hết, bất kể người giỏi, bất kể người xứng đáng được nhận. Đau lòng quá đi, tức không chịu được!”...

Chính thức tuyên chiến!

Ông nhìn đồng hồ: 21h45. “Nói những chuyện thế này tôi có thể nói đến 6 giờ sáng, các anh chị có đủ sức nghe không!”. Một thoáng im lặng. Rồi gần như cả hội trường đồng thanh: “Nghe!” - một phản ứng lành mạnh sau cơn đau tê tái dù ông Nguyễn Bá Thanh vẫn chưa nêu ra hết. Nhưng ông không tiếp tục đề cập đến những biểu hiện kém vui nữa mà định hình các biện pháp sắp tới: “Là cán bộ, công chức phải có tấm lòng với dân. Nhưng tấm lòng đó phải thể hiện bằng hành động chứ không thể nói suông được. Ai cũng nói cán bộ là công bộc của dân, nhưng nên nhớ, Bác Hồ dạy chúng ta, “cán bộ phải là người lãnh đạo, là đày tớ trung thành của nhân dân”. Nghĩa là cán bộ phải tiên phong, đi đầu với một tinh thần tận tuỵ trong phong trào cách mạng để quần chúng noi theo chứ không chỉ có nghĩa “cán bộ là công bộc”. Công bộc mà giàu có, quyền thế như rứa thì cho dân làm công bộc với!”.

Với tinh thần đó, ông phát động trong toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân Đà Nẵng phong trào “tìm và diệt” tiêu cực. Ông cho hay: “Sắp tới Thành uỷ, UBND TP sẽ nghiên cứu hình thành đường dây nóng để cán bộ, nhân dân phản ảnh những tiêu cực mà mình phát hiện thấy. Riêng số điện thoại của tôi luôn luôn công khai (0903500205), ai phát hiện ở đâu có những vị cán bộ, công chức vô lễ với dân, sách nhiễu dân thì cứ gọi cho tôi.

 

Trước đây, tôi chưa nói thì có khi còn châm chước bỏ qua, chỉ nhắc nhở. Nhưng sau buổi nói chuyện này rồi, tôi chính thức tuyên chiến với tệ nạn quan liêu, hách dịch, vòi vĩnh... của đội ngũ cán bộ, không thể chấp nhận những cán bộ như vậy được nữa. Với tư cách Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, tôi sẽ phối hợp với lãnh đạo UBND TP tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm!”.

Ông Nguyễn Bá Thanh
 
Về những vấn đề cụ thể hơn, ông nêu rõ: “Hạn cuối đến 31/12/2003, nếu còn một hộ chính (bên cạnh hộ chính có thể còn có các hộ phụ) nào bị giải toả trắng mà chưa được bố trí đất tái định cư thì Trưởng BQL các dự án phải bị cách chức. Mà không chỉ các Trưởng Ban đâu, nếu phạm vi trách nhiệm rơi vào các vị giám đốc Sở thì cũng cách chức luôn. Các BQL dự án cho dân mua đất tái định cư được nợ từ 5 – 10 năm (trước đây chỉ 5 năm) không phải trả lãi suất, không buộc phải trả từng năm mà trả vào ngày cuối cùng của thời hạn cũng được.

Các chung cư đang bố trí cho các hộ nhà chồ, hộ xoá đói giảm nghèo, nay cho họ hết. Sắp tới xây tiếp hàng chục chung cư nữa để bố trí cho các hộ gia đình chính sách, người nghèo... Người già, người tàn tật được ưu tiên bố trí ở tầng 1. Công khai ra, vì sao anh được bố trí ở tầng 1, chứ không phải nhận năm bảy triệu rồi đưa vào đó. Các hộ chính sách nghèo lâu nay ở nhà Nhà nước, sau khi hoá giá còn nợ năm ba triệu thì xoá cho họ, riêng một trăm mấy chục ngôi nhà giữ làm công sản thì lên danh sách công khai.

Phòng Tiếp dân của TP lúc đầu làm được, nhưng nay thấy có vẻ uể oải, phải chấn chỉnh lại. Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp lưu ý điểm nóng về đền bù giải toả và tái định cư ở khu vực Hoà Khánh; BQL các dự án Tuyên Sơn, Đò Xu, Cẩm Lệ, Bình An, An Hoà... khẩn trương đẩy tiến độ vì mùa mưa gió đã đến gần, nhất là các công trình trường học cho kịp năm học mới...”

“Tự soi rọi lại mình, chúng ta thấy bên cạnh những thành quả vẻ vang vẫn còn nhiều bất cập mà nếu không kịp thời khắc phục, sửa chữa e rằng tình hình sẽ còn phức tạp hơn. Hy vọng với sự tự giác của đội ngũ cán bộ, công chức và sự hợp tác của nhân dân, tình hình sẽ ngày càng tốt đẹp hơn lên!” – ông Nguyễn Bá Thanh bày tỏ chân tình.

Theo Infonet.
Phần nhận xét hiển thị trên trang