Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Không chỗ này thì là chỗ khác, ông là ai mà sẵn chỗ thế nhể??

Ông Đinh Đức Lập lại tiếp tục "ngồi nhầm ghế"
Mười ngày sau khi ông Đinh Đức Lập mất chức tổng biên tập báo Đại đoàn kết, ngày 25/7/2014, Ban thường trực Ủy ban trung ương MTTQW Việt Nam đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Lập làm Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và  Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam. Một vị trí mà theo quy định và yêu cầu của công tác mặt trận ông Đinh Đức Lập không hề có đủ yêu cầu về năng lực, trình độ cũng như phẩm chất đạo đức cần thiết.

Ông Đinh Đức Lập nhận quyết định công tác mới trong lúc chưa hoàn tất việc bàn giao hồ sơ tài chính tại báo Đại đoàn kết. Và cơ quan báo đang có quyết định thanh tra, kiểm toán về tài chính trong thời kỳ ông Lập làm tổng biên tập. từng bị tố cáo có nhiều chuyện nhập nhèm. Trong đó có việc bổ nhiệm cháu ruột Đinh Quang Sơn làm kế toán trưởng, ngang nhiên thực hiện quy trình “cháu trình – chú duyệt”,  biến công tác tài chính của báo Đại đoàn kết như một tổ chức kinh tế gia đình.

Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam được thành lập hồi đầu năm 2013, với chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp; Tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn những vẫn đề lý luận về đại đoàn kết dân tộc; Xây dựng và tổ chức hoạt động bảo tàng Mặt trận, giáo dục truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

Trung tâm này theo cơ cấu tổ chức tương đương với một ban của MTTQ Việt Nam. Vì vậy, với cương vị mới này, ông Lập được tính tương đương vị trí Phó Tổng biên tập tại báo Đại Đoàn Kết. Tuy nhiên, vị trí này theo quy định có yêu cầu rất cao về trình độ học vấn. Người lãnh đạo trung tâm  phải có học hàm học vị ít nhất từ thạc sĩ đến tiến sĩ trở lên.

Yêu cầu này là cần thiết và xuất phát từ thực tiễn công tác mặt trận trong thời gian hiện nay và cho tương lai. Nếu như Mặt trận thực sự có mong muốn trở thành một tổ chức hữu hiệu, thiết thực và có ích cho cuộc sống.

Được bổ nhiệm vào vị trí phó giám đốc của trung tâm đòi hỏi khắc khe về trình độ như thế này song ông Đinh Đức Lập lại sở hữu những thành tích đầy tai tiếng trong chuyện gian lận về bằng cấp, năng lực, trình độ trong rất nhiều năm qua.

Ông Lập từng bị đuổi khỏi ban lãnh đạo của Trung ương Đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh vì tai tiếng xài bằng cấp giả; bị mất chức tổng biên tập báo Đại đoàn kết vì dính dáng tới nhiều hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo. Trong đó, rùm beng nhất và làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của báo Đại đoàn kết và  MTTQ Việt Nam nhất là việc gian lận giải báo chí quốc gia năm 2013 mới đây. [Xem ở đây]
  
Một cán bộ, đảng viên có thành tích đặc biệt gây tai tiếng trong suốt nhiều năm qua như ông Đinh Đức Lập (nhất là những chuyện liên quan tới việc gian lận bằng cấp, giải thưởng…) đã nhiều lần bị tố cáo và bị mất chức, nay lại được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam xem ra không chỉ đáng quan ngại mà còn có vẻ buồn cười và có phần thách thức dư luận.

Khỏi cần phải xem xét về vấn đề năng lực và trình độ chuyên môn của ông Đinh Đức Lập trong vai trò Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam. Vì theo quy định, ông Lập đã không đủ tiêu chuẩn, chưa kể ông này còn có quá nhiều tai tiếng về chuyện xài bằng giả, gian lận giải thưởng, vi phạm nghiêm trọng đạo đức người làm báo, phẩn chất đạo đức cán bộ công chức nhà nước và tư cách đảng viên.

Ông Đinh Đức Lập trong thời gian làn tổng biên tập báo Đại đoàn kết đã có nhiều hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trở thành tổng biên tập ghi được nhiều kỷ lục tai tiếng nhất làng báo Việt Nam trong lịch sử.

Cũng chính vì những thành tích đầy tai tiếng này mà ông Lập tiếp tục bị tố cáo và bị kỷ luật đẫn tới mất chức tổng biên tập báo Đại đoàn kết mặc dù được sự bao che hết mực của ông Vũ Trọng Kim – Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký MTTQ Việt Nam.

Nay ông Kim lại tiếp tục sử dụng “đệ tử” Lập cho một vai trò mới dù ông Lập không hề có đủ tiêu chuẩn theo quy định. Tiền thuế của dân (ngân sách MT được Nhà nước cung cấp) nay được giao cho những cán bộ tha hóa, biến chất như Đinh Đức Lập sử dụng để đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học cho công tác Mặt trận nghe thật xót xa làm sao!

Lịch sử đau thương của báo Đại đoàn kết nay chẳng lẽ lại tái hiện ở Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam chỉ vì sự thao túng của một vài cá nhân nào đó trong tổ chức MTTQ Việt Nam?

Ông Đinh Đức Lập liệu còn có tư cách để trở thành người lãnh đạo một trung tâm đang mang lại nhiều kỳ vọng cho sự phát triển và nâng cấp trình độ hoạt động của hệ thống mặt trận trong tương lai?

Liệu những cán bộ mặt trận đang sống chết với địa bàn, đang cố gắng xây dựng, giữ gìn và phát triển uy tín của Mặt trận tại cơ sở sẽ học được gì từ một người lãnh đạo trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam như ông Đinh Đức Lập?

Hay là chuyện bổ nhiệm này càng làm cho dư luận xã hội nhìn thấy rõ hơn sự tha hóa không thể sửa chữa được của công tác  tổ chức cán bộ trong hệ thống chính trị hiện nay của xã hội ta?

Lợi ích nhóm ra sức bảo kê che chắn cho nhau cùng tham nhũng, tiêu cực bất chấp quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đang kéo lùi sự phát triển của xã hội và đưa đất nước ta tới bờ vực của sự sụp đổ?

Làm hại cho Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực ra không ai còn có thể làm tốt hơn được những kẻ như Đinh Đức Lập cùng nhóm lợi ích của ông ta!

P/S:

Được biết, chiều ngày 15/8/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có buổi làm việc với ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Ban thường trực về thành lập Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam.



Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Phó Chủ tịch UB TW MTTQ Việt Nam - Vũ Trọng Kim  tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước, Vụ Hành chính sự nghiệp và Văn phòng Bộ Tài chính. Tại buổi làm việc, ông Vũ Trọng Kim thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề xuất Bộ Tài chính hỗ trợ một số cơ chế tài chính đặc thù trong quá trình thực hiện Đề án, để Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam sớm được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu về đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. [Xem ở đây]

Phải chăng, ông Đinh Đức Lập được ông Kim điều về Trung tâm mới thành lập này để tiếp tục thực hiện việc giải ngân các khoảng đầu tư công cho công tác Mặt trận (có lợi cho nhóm lợi ích) sau khi ông Lập đã “không hoàn thành nhiệm vụ” giải tỏa lô đất vàng 66 Bà Triệu của báo Đại đoàn kết?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vũ Khoan: Về làm dân mới được nghe nói thật

Mình thích câu này: "Những người dối trên, lừa dưới, nói một đằng làm một nẻo càng không bao giờ được nghe những lời nói thật". Theo mình, khi bác Vũ Khoan đang nắm quyền, từ chức Vụ trưởng, Thứ trưởng, Bộ trưởng rồi Bí thư TW Đảng kiêm Phó Thủ tướng CP, không phải không có người dám nói sự thật với bác, nhưng lúc đó bác có lẽ đang "tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Trung ương", nên nói sự thật với bác không khác gì nước đổ lá khoai. Mặt khác, mình cũng ngờ rằng bác biết sự thật, nhưng lực bất tòng tâm nên bác cũng phải giả điếc, ngậm miệng cho lành đối với bác, mặc kệ dân chúng.


“Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát” – Nhà báo Hữu Thọ.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, bài “Làm dân mới được nghe thật lòng” ngày 9/7 đã có những dòng tâm sự rất hay: “Khi về “làm dân”, có thể tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội khác nhau nên nghe được tiếng nói thật lòng”.

Câu nói này là chiêm nghiệm của một cuộc đời quan chức cộng với 7 năm về hưu mà không tham gia bất cứ một công việc gì để được… làm dân, để được nghe những lời nói thật từ nhân dân.

Nói lên điều này, cũng là day dứt, trăn trở của một người rất nặng lòng với đất nước.

Đọc câu nói trên của ông Vũ Khoan, không thể không nhắc đến một câu nói khá nổi tiếng của GS Hoàng Tụy, một nhà khoa học tài năng và trung thực, một nhân cách đầy tự hào của trí thức Việt Nam về bệnh dối trá trên Dân trí năm 2011: “Sự dối trá đang là mối nhục lớn”.

Lời nói của một nhà khoa học tầm cỡ thế giới, một người nổi tiếng bởi sự thẳng thắn không thể không làm mỗi chúng ta suy nghĩ. Sự dối trá thời nào và ở đâu cũng có nhưng vấn đề là nó xuất hiện với cường độ như thế nào và sự “lan tỏa” đến đâu.

Có thể nói, sự dối trá hiện nay trong xã hội không phải là hiếm mà nó là nhiều, thậm chí rất nhiều. Nó xuất hiện bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu dưới đủ mọi hình thức. Từ những việc đơn giản như buôn gian, bán lậu đến dối trá, lọc lừa, tham ô, tham nhũng và cao hơn là “tham nhũng chính sách” của lợi ích nhóm.

Muốn chống được sự dối trá, tất nhiên phương thuốc hữu hiệu trước hết là phải được nghe lời nói thật.

Thế nhưng, để được nghe những lời nói thật không phải dễ bởi muốn được nghe lời nói thật thì bản thân người nghe phải cầu thị và thật tâm muốn nghe. Nghe theo kiểu lấy lệ, đối phó thì sẽ nhận câu trả lời đối phó, lấy lệ. Đó là lẽ đời.

Tiếp đến, như người xưa đã đúc kết, sự thật thường hay trái tai “Trung ngôn nghịch nhĩ” hay “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Người muốn nghe sự thật ngoài nhu cầu mong muốn tự thân, có tâm thì còn phải có bản lĩnh tiếp nhận những lời “nghịch nhĩ”. Bởi “Lời nói thật đã hơn một lần chết chém”. Những người thiếu bản lĩnh cũng không bao giờ được nghe những lời nói thật.

Song, tất cả những điều trên vẫn chưa đủ nếu như chưa có được sự tin cậy để sẻ chia. Người muốn nghe những lời trung thực trước hết phải là người trung thực, đáng tin cậy. Lời nói thật quý như vàng bạc, chẳng ai dại lại trao vào tay kẻ lừa đảo và dối trá.

Những người dối trên, lừa dưới, nói một đằng làm một nẻo càng không bao giờ được nghe những lời nói thật.
Có lần mình hỏi một bạn trẻ vì sao có thể nói dối trắng trợn như vậy thì nhận được câu trả lời rằng bởi ông ta thích nghe những điều đó và ông ta xứng đáng nhận những điều dối trá đó.

Mình chợt nhớ câu nói của Nhà báo Hữu Thọ trả lời trên báo Nhà báo & Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp đầu năm mới Kỉ Sửu: “Sự thật nó không tự đến mà anh phải tìm đến nó. Rồi anh phải đủ niềm tin ở người ta thì người ta mới nói sự thật với anh. Anh cũng phải có đủ bản lĩnh để sàng lọc, tìm ra những thông tin chính xác. Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát”.

Để được nghe những lời nói thật của dân hôm nay, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan không chỉ về “làm dân” mà ông còn nhận được sự tin cậy của dân.

Xin chúc mừng ông Vũ Khoan vì ông đã “rửa tai” để tiếp cận sự thật.

Bùi Hoàng Tám
( Dân Trí )

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Châu Phi và giấc mơ Trung Hoa


Sau tin về công ty Trung Quốc đề nghị tuyển 2.100 lao động Trung Quốc sang làm dự án ở Trà Vinh gần đây, bức tranh về người lao động Trung Quốc tại châu Phi, nơi mối quan hệ hợp tác giữa hai bên đã được các nghiên cứu và tư liệu báo chí mô tả, có thể là một tham khảo đáng lưu ý.

Trong khi phương Tây còn đang bận rộn với vùng Trung Đông, Trung Quốc đã nhanh chóng tiếp cận châu Phi. Ảnh từ Wordpress

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều nước châu Phi đã không còn có được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Dù giàu có về tài nguyên, nhưng nền kinh tế kiệt quệ do chiến tranh và quản lý nhà nước kém cỏi khiến các nước châu Phi thèm khát đầu tư phát triển từ nước ngoài. Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, khi phương Tây còn đang bận rộn với vùng Trung Đông, Trung Quốc đã nhanh chóng tiếp cận châu Phi.

Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đã chỉ ra rằng các hoạt động của Trung Quốc không hoàn toàn theo kiểu thực dân chủ nghĩa. Khác với đầu tư từ phương Tây thường đi kèm với các điều kiện về thể chế chính trị và luật pháp, các gói đầu tư từ Trung Quốc thường mang tính nhượng bộ và không can thiệp vào nội bộ quốc gia sở tại. Vì thế, những nhà lãnh đạo châu Phi đã dễ dàng dang rộng tay mời chào các công ty Trung Quốc đến đất nước họ. Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của châu Phi. Theo tờ The Wall Street Journal, cam kết đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi năm 2014 là 27,7 tỉ đô la Mỹ.

GS. Ian Taylor từ Đại học St. Andrews, Scotland, nhận định trong cuốn sách “Vai trò mới của Trung Quốc ở châu Phi” là những hoạt động đầu tư kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi đã mở ra nhiều cơ hội cho lục địa này nếu các nước châu Phi biết tận dụng một cách thận trọng.

Lời khuyên về sự thận trọng là có cơ sở nếu nhìn vào khía cạnh xã hội của những nước châu Phi đã nhận đầu tư và viện trợ. Cùng với các dự án khai thác dầu khí, khoáng sản và xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, các công ty Trung Quốc còn đem theo một số lượng lớn lao động của họ đến châu Phi. Hàng trăm ngàn lao động Trung Quốc đã được gửi đến đây để làm những công việc khác nhau, từ chuyên gia hóa dầu cho đến lao công cuốc đường. Chỉ riêng ở Sudan, con số lao động Trung Quốc trong năm 2006 đã là 24.000 người. Con số này chắc không dừng lại ở đó với đà tăng trưởng đầu tư vào châu Phi của Bắc Kinh. Các chính sách và hệ quả của nguồn lao động Trung Quốc vào châu Phi đã gây ra những tranh cãi lớn tại lục địa già này.

Mặc dù có vài công ty Trung Quốc tuyển dụng lao động châu Phi, đa số rất hạn chế sử dụng người bản địa. Các quan chức chính phủ và ông chủ công ty Trung Quốc giải thích cho chính sách này là vì có sự khác biệt trong văn hóa, ngôn ngữ và kỷ luật giữa người Trung Quốc với người bản địa, nên tốt nhất là để người Trung Quốc làm việc cùng với nhau. Giải thích này ám chỉ là lao động Trung Quốc làm việc năng suất và hiệu quả hơn những người châu Phi, và qua đó các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc có thể được phát huy tối đa.

Sự bất mãn của nhiều người châu Phi ngày càng tăng, họ yêu cầu được hưởng lợi từ việc khai thác tài nguyên tại đất nước của mình. Cựu Bộ trưởng thương mại Zambia, Dipak Patel, khi còn tại nhiệm đã phải thốt lên: “Lao động Trung Quốc làm cả những việc như đẩy xe vật liệu. Đó không phải là loại đầu tư mà chúng ta muốn. Tôi hiểu là họ có tới hơn 1,2 tỉ người nhưng họ không cần phải gửi dân mình tới châu Phi”.

Cùng chia sẻ lo lắng với người lao động bản địa là các tiểu thương người Phi. Ví dụ như ở Cameroon, thương nhân người Hoa đã trở thành đối thủ cạnh tranh chính trong các lĩnh vực buôn bán nhỏ lẻ. Đến cả những quầy bán bánh rán trên đường phố cũng đang dần chuyển sang tay thương nhân Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các tổ chức lao động và môi trường ở châu Phi đang gia tăng sức ép lên chính phủ của họ để đòi hỏi sự minh bạch trong các chính sách đầu tư của Trung Quốc. Robert Rotberg, Giáo sư Đại học Harvard, đã nhận xét: “Khi các nước châu Phi không xây dựng được những luật lệ nền tảng có tính phối hợp chung và cải thiện khả năng quản trị, Trung Quốc sẽ tiếp tục tận dụng khai thác các quốc gia yếu thế hơn trong công cuộc tìm kiếm tài nguyên và xác nhận quyền lực kinh tế mà hầu như không để ý đến các giá trị và nhu cầu của người dân châu Phi” (trong cuốn sách China into Africa: Trade, Aid, and Influence do Robert I. Rotberg năm 2008.

Paolo Woods, phóng viên ảnh kỳ cựu cộng tác với nhiều tờ báo có tiếng như Time, Newsweek và Le Monde, đã có bộ ảnh tư liệu nổi tiếng phản ảnh sự bùng nổ đáng kinh ngạc của cộng đồng người Trung Quốc tại châu Phi vào năm 2008. Dựa trên các bức ảnh đó, Woods đã cùng với hai nhà báo khác xuất bản cuốn sách ảnh có tên là Hành trình Trung Hoa: Con đường bành trướng của Bắc Kinh tại châu Phi. Woods cũng kể lại khi ông dự hội nghị thượng đỉnh Phi - Trung vào tháng 11-2006, lúc Bắc Kinh công bố số tiền khổng lồ mà họ sẽ đầu tư vào châu Phi, một đại biểu châu Phi ngồi cạnh ông đã thì thầm “Ngay lúc này, chúng tôi cần các lãnh đạo của mình phải thật sáng suốt”.

Huế Dương
( Kinh Tế Sài Gòn )


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Về một con sâu tương đối bệu:


Về một cuộc họp báo bất thành
Xuân Ba 

Hồi tháng 2, tháng 3 năm 2014 thiên hạ râm ran chuyện ông TBT Báo Người Cao tuổi Kim Quốc Hoa với hàng loạt bài viết về cựu Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền…
————
Ông Kim Quốc Hoa
Hồi tháng 2, tháng 3 năm 2014 thiên hạ râm ran chuyện ông TBT Báo Người Cao tuổi Kim Quốc Hoa với hàng loạt bài viết về cựu Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền… 
Bây giờ lại loang nhanh cái tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cử đoàn cán bộ đến phối hợp với tỉnh Bến Tre để kiểm tra, xác minh toàn bộ tài sản và bất động sản của ông Truyền. Thời gian làm việc kéo dài 90 ngày.
Có thể nói trong mặt bằng Tổng Biên tập hiện tại, cái ông Kim Quốc Hoa là một trong những vị… nguy hiểm? ( thời gian bắt đầu Đổi Mới, có nhiều vị TBT như thế lắm, nhưng rồi cứ thưa dần?) 
Nguy hiểm bởi sau một loạt bài viết về những sai phạm này khác của cựu Tổng thanh tra Nhà nước Trần Văn Truyền, ông Kim Quốc Hoa, (không phải nói mồm, mà bằng khẳng định trên tờ báo Người Cao Tuổi rằng Chúng tôi hoàn toàn có đủ chứng cứ về những sai phạm ấy?
Có phải từ những chứng cớ ấy mà Ủy Ban kiểm tra Trung ương đã phải ra tay?
Và mới đây, cũng trên báo Người Cao tuổi, ông Kim Quốc Hoa chỉ đích danh một vị đồng nhiệm ( chuyện này rất chi là hy hữu trong báo giới) cụ thể là ông Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết đã nhận xằng Giải thưởng Báo chí Quốc gia. Ngay sau đó, Hội Nhà Báo Việt Nam đã làm việc với Báo Người Cao Tuổi và ra quyết định rút tên vị này khỏi danh sách giải!
Chợt nhớ câu Nguyễn Trãi họa phúc hữu môi phi nhất nhật ( ý là cái họa cái phúc cái hay điều dở không phải đến ngay một lúc, một buổi mà nó có nguyên nhân sâu xa trước đó) để nói tới một cuộc họp báo ở Hà Giang năm ấy.
Một cuộc họp báo bất thành.
Có lẽ, qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người đã tường về ông Tổng Biên tập ( TBT) Báo Người Cao Tuổi Kim Quốc Hoa!
Trước và sau khi về hưu và đến bây giờ, ông từng là TBT của 6 tờ báo. Hơn hai chục năm nay, ông được coi là khắc tinh của bọn sâu mọt, nhũng lạm. Rồi việc ông liên tục được các nhà chức việc to nhỏ khuyên răn phải hạ bớt đô chống tham những hoặc lờ lớ lơ đi các vụ việc này nọ trên các tờ báo ông phụ trách. Cộng với cả vô số đe nẹt dọa dẫm này khác. Điện thoại của ông luôn có những cuộc đe dọa, dọa giết dọa đặt mìn…
Duyên cớ, khúc nhôi dẫn đến cuộc họp báo có cái tựa như trên đã nói thì dài. Xin vắn tắt thế này. Công ty Sông Lô ở Hà Giang do ông Lê Duy Hảo làm giám đốc, với những quyết định sai lầm độc đoán quan liêu của UBND tỉnh Hà Giang mà ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô trực tiếp chỉ đạo điều hành đã khiến Sông Lô lâm vào cảnh nợ nần và đứng trên mỉệng vực phá sản. Từ kêu cứu của Sông Lô nhiều cơ quan thông tin đại chúng trong đó hăng hái nhất có lẽ là Báo Người Cao tuổi có đến mấy chục số báo liền.
           Trước nguy cơ công ty tan vỡ, hàng trăm lao động bơ vơ, Sông Lô liên tục khiếu nại và sau đó đã khởi kiện ra tòa.
Sát ngày tòa xử, UBND tỉnh Hà Giang bất ngờ nhận… thiếu sót và hứa sửa sai nên Sông Lô rút đơn kiện. Nhưng đùng cái, tháng 3-2007, Chủ tịch tỉnh hà Giang khi đó là Nguyễn Trường Tô lại ký quyết định tiếp tục hủy bỏ việc cho phép Sông Lô đầu tư khai thác mỏ.
Sông Lô lại khởi kiện. Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 9-2007, một việc hy hữu là TAND tỉnh Hà Giang đã dũng cảm công minh đứng về phía người bị hại ( một quyết định không dễ có đối với một Tòa án cấp tỉnh) đã tuyên hủy quyết định nêu trên của ông chủ tịch Tô..
UBND tỉnh Hà Giang kháng cáo nhưng sau đó lại có văn bản rút kháng cáo. Lạ lùng, tiếp đó, UBND tỉnh Hà Giang lại không thực hiện phán quyết của tòa mà gửi báo cáo lên cấp trên nói rằng bản án của tòa là chưa thỏa đáng!
           Những lá đơn kêu cứu của Sông Lô cùng vụ án hành chính với Công ty Sông Lô, trước và sau thời điểm tòa án mở phiên tòa Báo Người Cao tuổi là tờ báo phản ánh đầu tiên. Sau đó đã có hàng chục cơ quan báo chí vào cuộc. Nhưng Báo Người Cao tuổi vẫn là dai dẳng, quyết liệt hơn cả. Hàng chục số báo đeo bám sát sao, cụ thể chi tiết với những phóng sự điều tra sinh động, kịp thời.
Trong một lần gặp TBT Kim Quốc Hoa ở một cuộc họp, hơi ngạc nhiên khi ông cho biết, đến thời điểm ấy Người Cao Tuổi và cá nhân ông không nhận được bất kỳ một văn bản hồi âm nào của UBND tỉnh Hà Giang cũng như cá nhân ông Nguyễn Trường Tô.
Khoảng giữa năm 2008, nhiều cơ quan thông tin đại chúng nhận được giấy mời của chủ tịch Hà Giang với nội dung thông báo chính thức của UBND Hà Giang về Công ty Sông Lô…
           Điện hỏi ông Hoa, nhưng Người Cao Tuổi không có giấy mời.
Ba chiếc ô tô khá sang mang biển số Hà Giang sáng đó xuất phát từ Hà Nội ( xe về Hà Nội từ chiều hôm trước). Đếm thoáng thấy đại diện của 28 cơ quan báo đài Trung ương. Lại có đại diện của các cơ quan lãnh đạo báo chí. Hơn 3 giờ chiều thì lên đến Hà Giang. Chủ nhà bố trí nơi ở chu đáo. Rồi cơm rượu tươm tất.
           Cứ ngờ ngợ, biết đâu TBT Kim Quốc Hoa có mặt? Nhưng ngó quanh không thấy sếp cùng lính lác của ông TBT Người Cao Tuổi đâu cả?
Sáng sau, một cuộc họp báo hơi bị hoành tráng do đích thân ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô chủ trì. Chợt nghĩ đến TBT Kim Quốc Hoa. Bấm máy thì tò te tí ngoài vùng phủ sóng…
           Ngoài chủ sự ông Chủ tịch tỉnh, các nhà báo, còn hiện diện đông đủ người chủ chốt các sở, ngành, huyện, thị… đều được triệu tập.
Một chồng báo địa phương chất ngất được đặt ngay chỗ cửa ra vào, phát miễn phí. Lật nhanh trong đó có đến mấy bài dài với nội dung phản bác lại quan điểm báo Người Cao Tuổi về Sông Lô.
Cũng nhanh, ngay lúc đó, thoáng thấy người của Công ty Sông Lô xuất hiện với tập báoNgười Cao tuổi cũng phát không cho các đại biểu. Nhưng cũng nhanh, bất ngờ năm sáu anh bảo vệ lực lưỡng ào đến cản lại thô bạo và tịch thu báo đã phát!
Đèn đóm được tắt bớt. Trên màn hình là oang oang một phóng sự hơn nửa giờ đồng hồ lần lượt hiển hiện nội dung về Sông Lô về chỉ đạo của UBND tỉnh và người đứng đầu ngược lại với những thông tin trước đó của nhiều báo. Lời thuyết minh vẫn đậm đặc kiên tục cụm từ Báo Người Cao tuổi những là một chiều, sai lạc không khách quan không đúng sự thật vv…
Đèn bật sáng. Ông Nguyễn Trường Tô âu phục chỉnh tề, văn bản trong tay, chất giọng vang, rõ pha chút hùng hồn nói về những thành tích vượt trội của tỉnh nhà trong thời gian qua. Phần thứ hai là như một thứ phản pháo với nội dung như kết tội Công ty Sông Lô “thiếu trung thực, sai lệch, phiến diện…” và phê phán báo Người Cao Tuổi đưa tin sai sự thật, thiếu khách quan, “bôi nhọ” chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang!
Ngó thoáng phía ngoài, từ cổng xa, bên các cánh cửa sổ phòng họp thấy rất nhiều người túm tụm hướng về hệ thống loa công suất lớn được truyền ra…
Giờ giải lao, ông chủ tịch Nguyễn Trường Tô hồ hởi ghé hết đám đông, chỗ này, chỗ khác… Để ý, câu chuyện tình cờ trong đối thoại, tinh những chuyện ngoài lề nội dung cuộc họp báo và phản pháo. Mặc dù ông Chủ tịch cố lái câu chuyện và đối thoại theo ý mình nhưng khách thì có ý… lảng? Cũng không ít đại biểu bắt tay ông Tô với động thái hơi có phần rụt rè! Thoáng đọc được thành lời những cái bắt tay lỏng lẻo ấy mong ông chủ tịch thông cảm chúng tôi có thể đã nghe một chiều không khách quan như đồng chí đã nói…
Giờ giải lao mau chóng chấm dứt. Ông Chủ tịch hào phóng khoát tay nào xin kính mời các nhà báo trên tinh thần khách quan tôn trọng sự thật và công tâm cứ thành thực phát biểu cho…
Một vị từ ngoài cửa, chừng như vào muộn, thoăn thoắt bước vào…
Trời đất ơi, cái người tầm thước mái tóc chải lật, y phục chỉnh tề đang hiện diện trước đông đảo kia chính là TBT Báo Người Cao Tuổi Kim Quốc Hoa!
Không ít những âm thanh ngạc nhiên ngỡ ngàng phát ra từ các đại biểu.
Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa mỉm cười đến bên micro. Chất giọng bình thản. Ông kính thưa ông chủ tịch tỉnh, các đại biểu và các đồng nghiệp vì sự xuất hiện đột ngột này và mong cho phép nói lên những thông tin cần thiết…
Mãi đến lúc này, tôi mới biết ông chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô chưa hề biết mặt ông TBT Kim Quốc Hoa!
Bằng cớ là với vẻ đột ngột, bất ngờ, nhất là khi ông chủ tịch định nói điều gì đó… Nhưng đối diện với vẻ nhã nhặn lịch sự của người tự dưng lù lù xuất hiện, lại thoáng vẻ khuyến khích của nhiều nhà báo, ông Nguyễn Trường Tô đành đồng ý!
Thế là gần như độc chiếm diễn đàn, chất giọng lúc thong thả khi gấp gáp của TBT Kim Quốc Hoa vang lên những điểm cốt yếu nhất, cần phải nói...

TBT Kim Quốc Hoa phát biểu tại cuộc họp báo năm ấyảnh Hoàng Mười
 Ban này thì oang oang vang vang lời của chủ tịch Nguyễn Trường Tô truyền ra hệ thống loa công cộng. Nhưng khi TBT Kim Quốc Hoa nói được một lúc thì hệ thống loa kia đột ngột bị cắt.
Xôn xao một lúc. Nhưng trật tự được vãn hồi. Hội trường vẫn nghe rõ lời ông TBT Kim Quốc Hoa…
( Bây giờ gõ lại những dòng này, cái câu hoặc cái ý mà TBT Kim Quốc Hoa phát biểu trênBáo Người Cao Tuổi về vụ tài sản của ông Trần Văn Truyền Chúng tôi hoàn toàn có đủ chứng cứ về những sai phạm. Cụ thể là ...cũng là cái câu ông nói hôm nào trong phát biểu ở phòng họp UBND tỉnh Hà Giang)
Rộ lên hai tràng pháo tay trong lúc ông Hoa phát biểu.
Không nhớ cụ thể sau đó là những gì… Hình như bao trùm một không khí như là rã đám? Chủ lẫn khách hơi bị gượng gạo? Để ý nhiều đại biểu báo chí không ở lại dùng bữa trưa mà ra ăn ngoài. Hầu hết phới thẳng về Hà Nội.
Một ngày, hai hôm rồi một tuần, một tháng sau… 28 đại diện cơ quan báo chí được mời bữa ấy không có dòng nào viết hay nói hoặc có hình về Sông Lô và cuộc họp báo độc đáo ấy? Như người ta vẫn nói, im lặng là cái cách bày tỏ thái độ?
           Việc làm trái khoáy cùng nỗi oan ức của Sông Lô đã đến tai những người và cơ quan có trách nhiệm.
Qua điều tra xác minh, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đề nghị UBND Hà Giang thực hiện nghiêm túc phán quyết của Tòa án. Nhưng lạ thay, mặc cho Chính phủ liên tiếp chỉ đạo nhiều lần, chủ tịch tỉnh Hà Giang vẫn không chịu thực hiện.
Việc chỉ bùng to và gây xôn xao khi ĐB Quốc hội Lê Văn Cuông dõng dạc trên các phiên chất vấn tại diễn đàn Quốc hội Tại sao Chủ tịch tỉnh Hà Giang phớt lờ chỉ thị của Thủ tướng?Tôi nhớ ngày 2-4-2010, đến lần thứ 8, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: “Yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẩn trương xử lý giải quyết dứt điểm khiếu nại của Công ty Sông Lô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 4-2010.” Rồi tiếp đó, Văn phòng Chính phủ thêm một lần nữa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc để giải quyết dứt điểm các khiếu nại của Công ty Sông Lô.
Lại nhớ đêm làm việc tại huyện Mèo Vạc đầu năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với cán bộ chủ chốt của tỉnh Hà Giang, giữa bao bộn bề cần phải lo toan cho đời sống đang còn gặp nhiều khó khăn của bà con các dân tộc vùng cao Hà Giang, ông chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô đã không quên việc của mình! Ấy là ông đã kính đề nghị Thủ tướng có biện pháp bảo vệ danh dự cho ông khi hàng chục tờ báo cứ xúm vào đánh ông trong vụ Sông Lô như thế? Trong đó ông nhấn mạnh phải nghiêm khắc xử lý Báo Người Cao Tuổi…
Mọi người có mặt khi đó đều chứng kiến, Thủ tướng có nghe lời đề nghị khẩn thiết ấy nhưng… không nói gì!
Nếu có nói thì hơn nửa năm sau, trong Quyết định số 1248/ QĐ-TTg ngày 21-7- 2010 đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đối với ông Nguyễn Trường Tô là một cách trả lời hữu hiệu?
Chắc mọi người tường thêm, Quyết định ấy hàm cả việc vi phạm của ông Nguyễn Trường Tô với công ty Sông Lô chứ không chỉ mỗi khuyết điểm tô hô trong sinh hoạt của ông Tô.
Vĩ thanh
TBT Kim Quốc Hoa phát biểu trong một CLB thơ Người Cao Tuổi
 Không hiểu vì lý do gì, đến tận thời điểm này, Sông Lô của doanh nhân Lê Duy Hảo, vẫn lút chìm trong nợ nần và phá sản. Nguyên nhân chính vẫn là những quyết định của Tòa án Hà Giang ngần ấy năm vẫn không được thực thì!
Mong sao cho những bươn chải gắng gỏi của TBT Kim Quốc Hoa cùng các đồng nghiệp từng dũng cảm kiên trì bảo vệ sự thật không rơi vào… bất thành?
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thêm một cơ hội mới cho Việt Nam

Alan Phan - Tôi quyết định quay về kinh doanh tại Mỹ cách đây 3 năm. Kinh tế Việt Nam đang bước vào một chu kỳ mới mà dân làm ăn chúng tôi gọi là “day of reckoning” (ngày phán xét?); nôm na là khi các bong bóng bắt đầu xì hơi, rác rưởi như nợ xấu, gánh nặng hành chánh, tham nhũng…không còn đủ chỗ để đem “dấu dưới thảm” được nữa. Ở các nền kinh tế thị trường khác, những biến cố tương tự cũng không hiếm (chúng là cá thể của tư bản tham lam)…nhưng những lực đẩy từ chánh phủ đến tư nhân chung sức điều chỉnh; và sau vài năm, phần lớn các cấu trúc, vận hành bắt đầu hồi phục.
Ts Alan Phan
Việt Nam hơi khác. Trong định hướng CNXH, chánh phủ cố gắng điều trị theo lối “bôi dầu cù là”, hy vọng một phép lạ nào đó sẽ “úm ba la” chữa lành mọi bệnh tật. Còn tư nhân thì quen lối làm giàu dựa trên quan hệ với quyền lực nên không nghĩ đến các giải pháp sáng tạo nào khác ngoài việc “lobby” để hưởng cứu trợ, khoanh hay giảm nợ. Với một nhận định như vậy, tôi và nhiều nhà đầu tư ngoại dài hạn khác write-off (xoá sổ) các khoản tiền đã mất ở Việt Nam và đi tìm chân trời mới. (Tuy nhiên, một cơn bạo bệnh kéo dài hơn 1 năm đã làm chậm lại kế hoạch này của tôi).

Trong khi vài nhà đầu tư vẫn đam mê tiềm năng của các quốc gia mới nổi, phiêu lưu vào Myanmar, Ấn Độ, châu Phi…tôi đánh cược vào nền kinh tế Mỹ qua sự năng động của công nghệ mới, hệ thống pháp trị và những lực chuyển trong hai thập kỷ tới trên toàn cầu (Xin xem loạt bài về Lực Chuyển trên web site Góc Nhìn Alan). Sau một năm vất vả để hoàn thiện các chi tiết của kế hoạch kinh doanh, tiếp cận đối tác và mentors (thầy đỡ đầu), lấy xong giấy phép…tôi hứng khởi bắt tay vào việc mới…ở tuổi 69. Tôi đem gia đình đi nghỉ hè 1 tháng để thu nạp thêm năng lượng.

Trong khi đó, như chúng tôi đã tiên đoán, suốt 5 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục tổ chức hội thảo liên miên để bàn về nợ xấu, tái cấu trúc, cải cách cơ chế, hệ thống ngân hàng, phương thức bắt kịp các quốc gia láng giềng….Chúng tôi đều đoán trước kết quả: thành phần có quyền và có tiền có quá nhiều thứ để mất nếu thay đổi, sợ bứt dây động rừng, sợ cạnh tranh trên một sân chơi bằng phẳng… Thành phần bỏ quên bên lề thì vẫn tiêu thụ bia rượu, thuốc lá, số đề… với nhiều kỷ lục mới và vẫn cho là mình hạnh phúc nhất nhì thế giới. Bánh xe kinh tế tiếp tục lăn theo nhịp độ của FDI, kiều hối và ODA. Do đó, điều kiện đòi hỏi dành cho các dự án FDI càng ngày càng dễ dãi để lưu giữ dòng tiền đang rò rỉ từ Trung Quốc. (Lý do chính là vì giá sản xuất tại Trung Quốc cao vụt biến cùng những tệ nạn về ăn cắp bàn quyền, khích động chánh trị Hán hoá của chánh phủ và hệ thống phong bì). Khoản tiền ODA càng vay nhiều càng tốt, lợi lộc càng nhiều…và việc trả nợ thì đã có thế hệ sau lo.

Ở tầm vĩ mô hơn, Việt Nam vẫn coi mình là đàn em ngoan ngoãn của Trung Quốc, có một đồng minh chiến lược với Nga, có những người bạn thân thiết như Bắc Triều Tiên, Cuba, Venezuela…An ninh nội địa vững vàng với gọng kềm kiểm soát và mọi chánh sách ngoại giao đều hướng về mục tiêu “làm vừa lòng mọi người”. Nếu đế quốc Mỹ có phàn nàn về nhân quyền thì ra vài câu tuyên bố lấy lệ, rồi quay lưng bảo nhau…thằng Mỹ nó giàu mạnh nhưng ngu lắm.

Trong bối cảnh đó, khó mà có thể hình dung Việt Nam biến thể thành một con chim cánh cụt…nói gì đến hoá rồng. Nếp sống người dân có thể tăng cao hơn đà tiến chung của nhân loại vì dân Việt thông minh và láu cá hơn; nhưng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn đội sổ về hiệu năng và vị trí.

Tuy nhiên, lá số tử vi của nhà cầm quyền Hà Nội tốt thật. Định mệnh lại tình cờ cho họ thêm một cơ hội mới.

Trung Quốc đem giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam, Putin Nga quay mặt ôm hôn Tập Cận Bình, và các bạn thân thiết như Bắc Triều Tiên, Cuba… hoàn toàn không quan tâm. Một tình thế mới tạo nên một thực tại mới khá phũ phàng, như khi người vợ khám phá ra là chồng đang ăn nằm với nhiều bà vợ khác, kể cả bạn thân của mình. Dĩ nhiên bà vợ vẫn mang nhiều hy vọng là ông chồng sẽ hồi tâm và quay lại với mình để nối lại cuộc đời “16 chữ vàng” như xưa.

Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên với các chánh trị gia chuyên nghiệp. Chơi đểu, lừa gạt, tham lam…là bài học hàng đầu từ Machiavelli, Tôn Tử… Chỉ có những ông già vừa ngu vừa điên…mới ngạc nhiên. Tuy vậy, một sự kiện làm tôi và vài chuyên gia “shocked” là sự can thiệp của Mỹ đã có hiệu lực đến thế nào với Trung Quốc! Vì quyền lợi của tư bản Mỹ trong thế cân bằng của địa chánh trị tại Biển Đông, Trung Quốc đã rút giàn khoan sớm hơn dự định, tránh một cuộc đối đầu bất lợi lúc này với liên minh Mỹ-Nhật-Úc. Dĩ nhiên, đây chỉ là một bước lùi để lấy đà tiến lên hai ba bước sau này…nhưng cũng là một chiến thắng nhỏ cho quyền lực Mỹ.

Quay lại thế cờ mới của Việt Nam. Cách đây vài năm, Myanmar phải thoát Trung bằng một động thái quyết liệt cần nhiều can đảm và vốn chính trị của các lãnh đạo. Theo một lời đồn, khi biết Myanmar muốn ngã về phương Tây, Trung Quốc đã bật đèn xanh để vài phần tử Miến Điện thân Trung Quốc thực hiện một cuộc đảo chánh. Âm mưu bất thành và định mệnh Myanmar bước vào một chu kỳ mới. Việt Nam may mắn hơn. Với sự tranh chấp công khai hoá toàn diện và với sự bầy tỏ ý muốn thoát Trung của đa số dân Việt, các phần tử thân Trung Quốc phải cẩn thận dè chừng trong mọi hành động.

Đây là cơ hội mới hiếm hoi cho những lãnh đạo Việt Nam muốn rẽ qua một con đường mới.

Nhiều người Việt “tư hào” là mình sẽ không cần theo ai hay thoát ai. Việt Nam có con đường riêng của mình. Tôi hiểu đó là con đường xuống bãi sình lầy chúng ta đã tới đích sau 70 năm cố gắng. Không dựa trên bất cứ một triết thuyết cao siêu nào về chính trị hay kinh tế, tôi có thể đoan chắc là trên mọi chiến trường hay thương trường, trừ khi bạn là một siêu cường, hay một lãnh đạo, bạn “phải” chọn phe. Không có sức mạnh nội tại mà đòi “trung lập”, thì sớm hay muộn, bạn sẽ bị cả hai phe tiêu diệt (nhiều khi chỉ cho bỏ ghét).

Tôi thực sự không biết các lãnh đạo Việt Nam sẽ chọn lựa như thế nào. Sẽ ngã về một nền kinh tế tư bản thị trường pháp trị của phương Tây như 98% các quốc gia khác đang làm; hay sẽ theo lời khuyên của hoàng đế cách mạng Fidel Castro đứng hẳn về một trật tự mới do Trung Quốc và Nga đang thiết lập? Dù thế nào, nó sẽ không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt và công việc của tôi hay triệu người gốc Việt trên khắp thế giới.

Tôi chỉ biết rằng ân sủng của Ơn Trên đang cho Việt Nam một cơ hội mới. Như trong những video games, nút RESET đã được bấm. Quê hương và dân tộc đang chờ đợi.

Có thể chúng ta lại sẽ chẳng làm gì. Như suốt vài chục năm qua. Mọi người còn quá bận lo chuyện cá nhân và gia đình? Mong là định mệnh Việt Nam không hẩm hiu như vậy.

Alan Phan

PS: “ Không có quyết định nào khó khăn hơn, chịu nhiều thử thách hơn và khó đoán được thành quả hơn… là nắm cơ hội để đem đến một trật tự mới – There is nothing more difficult to take in hand, more perilous to conduct, or more uncertain in its success, than to take the lead in the introduction of a new order of things. – Niccolo Machiavelli)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Về một loại chó săn trong phê bình văn nghệ

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguyễn Vĩnh Nguyên/Viet-studies 
 Chuyện tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của tôi (Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phương Nam book & NXB Hội nhà văn, 2011) bất ngờ bị Sở Thông tin -  Truyền thông TP.HCM ra công văn thu hồi trên địa bàn Sài Gòn cách đây gần 3 năm là một chuyện cũ, rất cũ.

Ngay cả lúc khi sự việc đang xảy ra và gây sự quan tâm của báo chí dư luận, thì tôi vẫn khước từ bày tỏ thái độ liên quan đến chuyện luận về nội dung, chất lượng hay “giá trị nghệ thuật” của nó. Tôi vẫn nghĩ, công việc của tác giả đã xong rồi; nên dành quyền phán xét cho người đọc và giới chuyên môn. 

Từ bấy đến nay, tôi thực tình không muốn nhắc lại chuyện cũ vì tin rằng, nơi xuất bản, giới chuyên môn, báo chí công tâm đã bàn luận khá kỹ về nó; chuyện nó có mắc cái tội mà cơ quan công quyền kia nêu ra hay không, thực ra là đã quá rõ. Chuyện cơ quan công quyền kia đúng hay sai về chuyên môn trong một lệnh cấm cục bộ, thực ra, những ai quan tâm đến đời sống văn nghệ lành mạnh hẳn không quá khó để nhận biết. 

Chuyện cũ hôm qua, tưởng đã được qua. Từ bấy đến nay, tôi cũng đã ra hai đầu sách mới, đó là: Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và các thứ khác (do Alphabooks & NXB Lao động Xã hội, 2012) và Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta (NXB Trẻ, 2014). Tôi vẫn đang tiếp tục theo đuổi sự độc lập trong sáng tác.

Nhưng thật ngạc nhiên, qua vài người bạn viết, nay tôi nhận được bài báo của tác giả Đỗ Ngọc Yên, đăng trên tờ Nhân dân cuối tuần:http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/van-nghe/item/23844502-nhieu-loan-sach-van-chuong-tai-ban.html, trong sự xúc động được vinh dự làm đối tượng theo dõi lâu năm của tác giả một bài báo, tôi nhận thấy cần trả lời cho thật minh bạch một vài điều mình biết chắc, vì chuyện không chỉ liên quan đến cá nhân tôi, mà liên đới với nhiều phía, nhiều người khác; cũng tiện thể, bày tỏ thái độ cá nhân với một kiểu làm nghề chữ nghĩa mà theo tôi, là không đứng đắn và văn minh.

Thứ nhất, đây là một bài báo ẩu, khó chấp nhận được. Sự lười biếng, cẩu thả trong thông tin được thể hiện ngay ở việc ông Đỗ Ngọc Yên nhắc đến tên cuốn sách ba lần trong bài viết, thì đến hai lần là không chính xác. Xin nhắc lại để ông Yên rõ, tiện cho việc đính chính, tựa sách chính xác là  lưng chừng nhìn xuống đám đông chứ không phải “Trên lưng chừng nhìn xuống đám đông” như ông đã viết. (Ở đây, cũng cho thấy luôn sự yếu kém, thiếu nghiêm túc trong nghề của Ban biên tập tờ Nhân dân Cuối tuần!)

Thứ hai, theo như những gì tác giả bài báo “Nhiễu loạn sách văn chương tái bản” đề cập, thì cuốn “Trên lưng chừng nhìn xuống đám đông” đã nằm trong diện “nối bản, tái bản, in lậu, đổi tên sách, rồi tiếp tục cho in lại”. Đây lại là một thông tin không chính xác. Vì: nơi nắm tác quyền, đầu tư xuất bản cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông là công ty Phương Nam book chưa từng tái bản cuốn sách này lần nào kể từ sau khi có công văn thu hồi sách trên địa bàn Sài Gòn của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Còn việc cuốn sách có bị “nối bản”, “in lậu”, “đổi tên sách”, “rồi tiếp tục cho in lại”  thì cho đến nay cơ quan quản lý thị trường, tòa án ở Việt Nam chưa từng nêu được chứng cứ hay kết luận nào có liên quan nên không thể nói mò, nói bừa. Thiết nghĩ, ông Đỗ Ngọc Yên cần làm rõ luận điểm của mình để tránh sự áp đặt, vu khống, gây bất lợi về mặt pháp lý, có thể phương hại đến hoạt động kinh doanh của công ty đầu tư và nhà xuất bản đã đứng tên cấp phép cho cuốn sách nêu trên.

Thứ ba, sau khi gom rất nhiều cuốn sách (mà có lẽ nhiều trong số đó, ông chỉ mới đọc qua loa… cái bìa!) vào diện “kém giá trị, thậm chí bị dư luận xã hội cho là có vấn đề, song chúng vẫn được in đi, in lại nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau như: nối bản, tái bản, in lậu, đổi tên sách, rồi tiếp tục cho in lại”, thì cây bút phê bình văn nghệ trên tờ Nhân dân Cuối tuần đã không giấu được cái giọng điệu mông muội quy chụp: “Những dạng sách nêu trên không những không bồi đắp cho tâm hồn và trí tuệ của công chúng, mà tệ hơn, chúng còn hướng người đọc đến những chuyện bậy bạ, tầm thường, cố tình khoét sâu, tô đậm những mặt tiêu cực, những góc khuất, mảng tối trong đời sống xã hội và đời sống cá nhân con người. Điều ấy, dù vô tình hay cố ý cũng đã góp phần làm băng hoại đạo đức cá nhân và xã hội, xói mòn lòng tin của công chúng vào bản chất tốt đẹp của con người.
(…)
Nói vậy để thấy, không nghi ngờ gì nữa, trách nhiệm trước hết ở đây là phía tác giả-những cây bút lợi dụng tinh thần dân chủ và cởi mở trong quá trình hội nhập của nước ta từ khi mở cửa nền kinh tế (1986), để du nhập những thứ cặn bã của văn hóa nước ngoài qua mạng internet và các trang mạng xã hội. Cùng đó là các nhà xuất bản, công ty sách tư nhân hay những đầu nậu sách luôn tìm mọi cách lợi dụng các khe hở trong công tác quản lý để chạy theo lợi nhuận kinh tế. Nhiều cuốn sách đã bị cơ quan chức năng thổi còi, thậm chí thu hồi, cấm phát hành vẫn được in đi, in lại nhiều lần dưới các hình thức khác nhau”

Những điều trên liên quan tới quan điểm về văn nghệ, tôi chỉ dẫn lại như một cách nhấn mạnh để mỗi người đọc văn minh có thể tự luận xét, miễn bàn thêm ở đây, tốn chữ.

Thứ tư, có một ý trong bài viết mà cá nhân tôi rất quan tâm, với tinh thần thượng tôn pháp luật của một công dân được tác giả Đỗ Ngọc Yên “khai sáng” cho: “Có thể khẳng định chắc chắn rằng, không một đơn vị, cá nhân làm sách nào lại không vui vẻ nộp dăm ba triệu đồng tiền phạt hành chính, bởi khoản tiền nộp phạt như vậy chẳng thấm tháp vào đâu so với lợi nhuận mà hàng ngàn cuốn sách ấy mang lại. Theo pháp luật hiện hành, những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về lĩnh vực xuất bản nhiều lần như vậy phải bị khởi tố, nhưng đáng tiếc là cho đến nay chưa hề có một vụ án dân sự nào về lĩnh vực này”.

Người viết ra được những dòng trên, hẳn cũng biết những cái sai trong bài báo (từ tên tác phẩm, chi tiết thiếu thẩm định chính xác trong thông tin liên quan đến việc việc tái bản, nối bản sách) đều là những thứ, mà chiểu theo luật báo chí, tờ báo và tác giả cần phải có trách nhiệm tương thuộc, đính chính rõ ràng để tránh sự ngộ nhận cho độc giả. 

Khởi tố “những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật” là một ý tưởng hay, nhưng nếu không tự chứng minh cụ thể được điều đó, thì trước hết, theo tôi, nên áp dụng khởi tố đối với những kẻ lạm quyền, sử dụng ngòi bút, danh nghĩa phê bình, phương tiện báo chí để đi chụp mũ, vu khống người khác một cách hùng hổ công khai.

Cuối cùng, đây mới là phần chính bày tỏ thái độ của tôi, nói một lần cho xong chuyện. Theo Wikipedia thì có ba loại chó săn cơ bổn:

1/ Chó săn đuổi hay còn gọi là chó săn rượt là những con chó săn mà chủ yếu săn bắt bằng tốc độ và tầm nhìn thay vì bởi đánh hơi và kiên nhẫn theo dấu như những con chó săn đánh hơi. Thông thường những con chó săn này thường đi theo bầy và hay phối hợp tấn công con mồi.

2/ Chó đánh hơi là loại chó săn mà chủ yếu săn bằng mùi hương chứ không phải là tầm nhìn, chúng không chạy nhanh. Các giống chó này thường được coi là có mũi nhạy cảm nhất trong số các loài họ chó. Hầu hết chúng có ngoại hình dài, tai rủ giúp thu thập mùi hương từ không khí, đặc biệt là chúng có lỗ mũi lớn và ẩm ướt để xử lý mùi hương tốt hơn.

3/ Chó săn chim hay chó định vị là loại chó hỗ trợ trong việc tìm kiếm của thợ săn trong một trò săn bắn và thường là các loài chim, chúng dùng để làm chó tha mồi và chó chỉ điểm tìm ra vị trí con mồi khi bị thợ săn bắn hạ.

Đọc bài viết của ông Đỗ Ngọc Yên, tôi đã nghĩ, Wikipedia nên sớm cập nhật thêm một loại chó săn mới. Loại này vừa chỉ điểm, vừa ăn sẵn, vừa nhớ mùi lâu, vừa hung hăng, vừa theo bầy, và dĩ nhiên, là vừa trung thành, vừa hăng hái đến kệch cỡm – chó săn trong phê bình văn nghệ. 

Những người lạc quan chủ nghĩa nói với nhau rằng, loài này chó săn này đã tuyệt chủng trên thế giới. Và có thể cũng sắp tuyệt chủng ở Việt Nam. Kinh nghiệm của tôi là sống ba năm thì mới may mắn gặp được một hai con.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
Sài Gòn, 25.7.2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang