Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

TỰ DO, VỚI MỘT SỐ NGƯỜI LÀ BI KỊCH

TỰ DO, VỚI MỘT SỐ NGƯỜI LÀ BI KỊCH
Văn Chinh   

Thoạt tiên chỉ vì tò mò, cũng còn vì tôi muốn tham khảo thêm xem mỹ học của cái Khác / cái Tục của phương Tây người ta quan niệm thế nào để nghĩ cho thấu đáo trước một số tác phẩm gần đây tôi cho là có vấn đề về mặt thẩm mỹ. Nhưng rồi, khi đọc đến trang  96 Luận văn thạc sỹ Đỗ Thị Thoan – Nhã Thuyên, tôi bị sốc như có ai động đến mồ mả của nhà mình. Ở đấy, Nhã Thuyên ngợi ca là “một trong những bài thú vị nhất của tập Khi kẻ thù ta buồn ngủ”(Lý Đợi), bài Mới khai quật được bản sắc văn hóa Việt Nam. Lý Đợi viết:
Bản sắc văn hóa Việt Nam
Nó giống như một cái xác chết thối
Giống như một cái gối cũ
Như một vết thương bưng mủ
Được lôi lên từ vũng bùn
Đầy mùi xú uế
Bản sắc văn hóa Việt Nam là một kiến tạo nỗ lực hàng ngàn năm của dân tộc này, lớp cha trước lớp con sau, một nỗ lực giải trung tâm, để không bị Bắc hóa Tây (Ấn/ Pháp) hóa mà làm nên một nền văn hóa đủ trở thành niềm tự hào cho bất cứ dân tộc nào. Chỉ có vài chục năm sau Cách mạng Tháng Tám, khái niệm Đông Dương (indocinese) mà người Pháp áp đặt với một hứa hẹn đầy mị dân, lấy Hà Nội làm thủ phủ của toàn xứ, đã được in trên tiền nhằm vĩnh cửu hóa nó, nhưng văn hóa Đại Việt đã thau chua rửa mặn, lặng lẽ đưa nó ra khỏi tiềm thức mà như tôi được biết, không có bất cứ văn bản nào của Nhà nước bảo làm việc ấy. Chỉ một ví dụ, trong tứ thánh bất tử của Đại Việt, có thánh Tự do yêu đương / hôn nhân (Tiên Dung Chử Đồng Tử) và Mẫu Liễu Hạnh là hai thánh tuyệt nhiên không có trong hệ thống thánh thần Hoa Hạ lấy Tam tòng để áp chế phụ nữ vào trung tâm là đàn ông.
Văn hóa dân tộc vừa là cái nôi vừa là bầu sữa/ nồi cơm Thạch Sanh nuôi lớn mọi con dân về tâm hồn, tâm linh và vì vậy nó luôn có xu thế thiêng hóa. Vì vậy, bất cứ ai là người Việt, khi nghe Lý Đợi nói thế, lại nghe Nhã Thuyên ca ngợi thế, thì đều có cảm giác bị xúc phạm, với một chuẩn mực nào đó, nó có thể bị xem như nhảy bàn độc.
Khoa học và văn chương giống nhau ở chỗ cùng phát hiện cái mới về/ cho (phục vụ) con người. M. Bakhtin có hẳn một công trình khủng thi pháp tiểu thuyết hình thành trên cơ sở trình thức carnaval giả trang, Nhã Thuyên có ghi trong danh mục sách tham khảo nhưng chỉ là để cho ra vẻ, chứ không hề đụng đến nó. Vì đụng đến nó thì còn gì để nói nữa, về giễu nhại, về trung tâm và bên lề? Có thể biện minh rằng, không thể đòi hỏi nhiều hơn về hàm lượng khoa học ở một Luận văn Thạc sĩ. Vâng, nhưng ít nhất nó phải có một gram cũng được, là khoa học, là phát minh cái gì chứ không phải là cái xe đạp.
Mặt khác, sau khi đọc xong Luận văn của Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan, tôi không thêm được gì về mặt nhận thức các phạm trù trung tâm/ bên lề, giễu nhại / nghiêm trang, quyền lực / phản kháng…Cũng không phải nhờ Lacan hay Foucault chợt trở nên thời thượng tôi mới biết đến chúng.  Mà chính là nhờ Kinh Dịch, nhờ cụ Lê Quý Đôn cắt nghĩa hữu và vô, (cái hữu có được là nhờ có cái vô, âm sở dĩ là âm vì đặt bên canh cái dương), nhờ GS Cao Xuân Huy, cái tư duy chủ toàn đặc hữu phương Đông do ông chỉ ra, nó khác với tư duy chủ biệt phương Tây, coi mình là chủ còn tất tần tật là khách thể. Cái gốc chủ khách, trung tâm bên lề là từ phương Tây, chư vị cần điều chỉnh sao đó thì cứ việc; chứ gốc tư duy Đại Việt của chúng tôi là trong tôi có bạn, trong ta có người:
Ăn mày là ai ăn mày là ta
Đói cơm rách áo thì ra ăn mày
Với chúng tôi, không cái gì là bất biến:
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa
Như thế là, trước cả khi tiếp xúc với Kinh Dịch, với cụ Lê, cụ Cao đã có văn hóa Đại Việt giúp tôi sống tự do trong rất nhiều ràng buộc mà Montesquieu gọi là khế ước xã hội. Thằng Mõ, anh Hề (chèo), chú Tễu…Những đánh ghen, hứng dừa, đám cưới chuột trong tranh dân gian, những phù điêu mô tả phồn thực ngay cửa đình là nơi chốn tôn nghiêm, những tượng giao cấu trên mặt trống đồng cổ…chính là những dạng thức giải thiêng. Và đặc biệt các trình thức lễ hội đậm đà dục tính. Hội Phết ở Hiền Quan (Phú Thọ), Xoan ghẹo (gái) là lễ thức hát cửa đình. Có một lễ hội giải trung tâm của dân tộc này mà nếu biết, tôi chắc Michen Foucault – người mà Nhã Thuyên bảo rằng một trong mấy nhà tư tưởng quan trọng nhất của nhân loại sẽ bớt lời hơn. Do “trung tâm” - ở đây là quyền lực hương xã, biết rằng nhiều người phải chịu ấm ức do thiết chế hôn nhân ngoại nhập gây ra, mới tổ chức một lễ hội tắt đèn để giải trung tâm. Sau một ngày cúng tế, đêm làng ra lệnh tắt hết đèn lửa để cho những kẻ yêu nhau mà không lấy được nhau, có thể gặp nhau suốt đêm và muốn “nói với nhau cái gì thì nói” hôm sau về nhà anh chồng (chị vợ) cấm có được phàn nàn, phàn nàn là làng ngả vạ!
Nhân tiện xin nói ngay, rằng tôi vừa nói tục đấy, nhưng là nói “tục” theo cách của người mình là không làm người nghe phải ngượng. Ấy là mỹ học về cái tục của dân tộc này, một mỹ học bất thành văn hay nhiều nhất chỉ có một câu minh triết (người dại để trôn người khôn xấu hổ) nhưng trở thành khế ước xã hội. Câu ca dao, được hát theo điệu ru con sau đây lại vừa có mỹ học của cái Tục vừa có mỹ học của cái Khác:
Hôm nay bố nó đi cày
Có sang một cái ban ngày thì sang
Chính thi pháp độc đáo hiện đang được dán thêm nhãn mới là hậu hiện đại (!) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là sáng tác trên hệ thống lý luận Mỹ học của cái Tục/ cái Khác:
Vành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Trở lên, tôi có nói kỹ về văn hóa Đại Viêt, tôi dùng chữ Đại Việt để nói về một thời kỳ lịch sử dân tộc ta Độc lập và còn chưa hoặc chỉ tiếp nhận văn hóa khác nó trong tư thế chủ động (hội nhập) chứ chưa / không bị áp chế. Và nó có khoa học (nguyên lý) của nó, chứ không hề mờ mịt và như ếch ngồi đáy giếng như Nhã Thuyên, Bùi Chát, Lý Đợi. Một trong những cái bìa tập thơ do nxb Giấy Vụn photocoppy có vẽ con ếch ngậm miệng, tôi nghe nói vậy, nếu có vậy thì nó “đâm ra” có nghịch lý ẩn dụ. Nguyên lý của văn hóa ấy là dân chủ (đặt giải thiêng bên cạnh nơi thờ phụng, bên lề sống hồn nhiên cạnh trung tâm, thơ trào phúng “nhắc khéo đôi vần” trên báo Nhân dân, Từ điển tra ngược trên báo Tiền phong, tranh đả kích tranh vui trên trang 16 báo Văn nghệ …là sinh tồn trên nguyên tắc này) và tự do sáng tạo, tự do sốngbên cạnh những giáo lý mà nó không thể không du nhập do bị cưỡng chế và cuối cùng, nguyên tắc uyển ngữ nhằm đẩy chân trời sáng tạo ra đến vô cùng. Nếu như cả nhà nghiên cứu Nhã Thuyên lẫn các tác giả Mở Miệng cứ nhất thiết gọi sự vật bằng tên của nó, thì nhiều nhất, họ chỉ có thể biến danh từ thành động từ hoặc ngược lại; còn Hồ Xuân Hương và rất nhiều nhà thơ khác, họ có thể sáng tạo đời đời và không thể vơi cạn với chỉ một hai sự vật!
Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan không giấu tham vọng được là người nổi tiếng khi làm luận văn này, chị dẫn lời Nguyễn Quốc Chánh: “Công việc sáng tác bên lề hay ngoài luồng hiện nay ở Sài Gòn và hải ngoại, nếu có ai nhìn thấy nó như nó đang là, thì con mắt sắc của lý thuyết sẽ ló ra.” (trang 11). Và, hình như câu quảng cáo xà phòng cũng gây áp lực cho chị, “đã trắng còn phải trắng như tide” nên Nhã Thuyên luôn sấn sổ vào những nơi không phải chỗ của khoa học và văn chương, là chính trị, sấn sổ để sắc sảo cho bằng được. Nhã Thuyên khẳng định một cách áp chế và trong khi kịch liệt chống đối cái trung tâm / quyền lực/ chính thống để cổ súy cho cái Khác thì chị lại nói về những cái khác so với cái mà chị chú tâm, coi là trung tâm mới, một cách miệt thị vừa cay nghiệt vừa giễu nhại: “Nó (Văn học chính thống) trở nên già cỗi và trở thành lực cản.”Những nội dung như thế có thể tìm thấy nhan nhản, đặc biệt vô lý khi có hẳn một toan tính của tác giả nhằm nhồi nhét vào thành ngữ kiêu hãnh của sỹ khí dân tộc là “sỹ phu Bắc Hà” những tính từ mạt rệp, ươn hèn, lão hóa, đơn trị…Có thể tóm gọn luận văn của chị vào một mệnh đề, tất cả những cái khác Mở Miệng là vứt đi, chỉ trò chơi/ nghịch thơ, thơ rác, thơ dơ của nhóm Mở Miệng mới là Mới, sẽ là Trung tâm Mới của nền văn học nước nhà. Như thế là phản dân chủ, phản tiến bộ và do đó, phản khoa học. Một quan niệm chật chội như thế về dân chủ, về văn học sao có thể tạo điều kiện để đa dạng phong phú hóa một nền văn học, trong đó giọng điệu của người này phải khác không những người kia mà lại còn phải khác ngay chính anh (chị) ta ở tác phẩm trước?
Cũng do thiên kiến một cách hằn học, hách xằng, Nhã Thuyên xổ toẹt những nỗ lực làm mới, làm khác của các nhà văn trong Hội Nhà văn. Cụ Nguyễn Tuân mỗi khi không có gì viết mà muốn viết đều hình dung tờ giấy trắng trước mặt là một pháp trường, nó hủy diệt con người sáng tạo ở cụ. Đó là cảm giác có thật. Nhiều đồng nghiệp mà tôi biết có quan niệm giống tôi: “Khi chưa có phát hiện mới về bí mật chung của con người, thì cách phụng sự văn học tốt nhất là đừng viết gì để trở thành gấy vụn.” Đó là chưa kể nhiều, rất nhiều tác phẩm có tư tưởng nghệ thuật như một phản biện xã hội về cơ chế, về những cái duy ý chí, cái ấu trĩ lỗi thời và các tác phẩm có giá trị như một hồ sơ chống tham nhũng, chống bất công để bảo vệ Con Người được NXB Nhà nước xuất bản và giới thiệu; có những cuốn còn được trao Giải thưởng (thi tiểu thuyết) của Hội Nhà văn Việt Nam (Luật đời, Cha và con của Nguyễn Bắc Sơn; Gió chuyển mùa của Đỗ Thị Hiền Hòa…) Giải thưởng Nhà nước (Thời xa vắng của Lê Lựu) Giải thưởng Hồ Chí Minh (Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng)…   
Ở trên tôi có nói về nguyên tắc uyển ngữ trong đời sống ngôn ngữ, nó tuân thủ lệ luật không làm xấu hổ người khác. Trong đời thường, khi ta khen cô bạn gái có cái áo đẹp, cô ấy biết ta khen lấy lệ, bèn đùa lại rằng, em thì gỉ gì gi cái gì cũng đẹp. Thì cả đám bạn đã biết nghĩa của “cái vắng mặt” nhưng không ai bị xấu hổ. Vì xấu hổ có sứ mệnh quan trọng trong chân kiềng của đạo đức xã hội. Vladimir Soloviev, một thiên tài Nga (1853 – 1900) xác lập chân kiềng ấy, nó gồm thuộc tính biết xấu hổ, lẽ phải và niềm tin tôn giáo. Tính biết xấu hổ là một cơ chế tự nhiên và vô cùng nhậy cảm, là thứ không nên sử dụng thường xuyên, cái gì bị sử dụng thường xuyên cũng bị cùn mòn, bị trơ ra và một khi cơ chế mang phẩm tính ấy bị xơ cứng đến độ không còn bị xấu hổ nữa thì vô cùng nguy hiểm trước là cho nó sau nữa thì cộng đồng phải gánh chịu. Hãy hình dung một người điên lõa lồ đi giữa phố sẽ gây cho xã hội những tai họa gì, như chúng ta đã biết, mạng sex đã gây những gì cho tai họa con người, những bà mẹ 9 tuổi, những hành vi loạn luân…
Thực ra, chẳng đợi đến khi có internet người ta mới nói tục; trong quán bia, trên giường vợ chồng hay thậm chí giữa những người bạn, người ta vẫn hay văng tục như một thứ xả stress và nói cho công bằng, không phải nó không tạo ra khoái cảm. Và thực tế là, khi có internet, có blog cá nhân người ta mới văng ra vô tội vạ, nó giống như sau một ngày đông cứng trong các bộ trang phục, khi bước vào phòng tắm, chúng ta trút bỏ tất để hưởng cảm giác thoải mái nhẹ nhõm. Nhưng, một khi cái tục cái nhảm nhí và thói vô chính phủ bị lạm dụng, nó thành ngay một thứ bệnh; là bệnh của kẻ yếu mà ra gió, của những kẻ chưa hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông đã thành người tự do vô điều kiện, chẳng hạn Bùi Chát sống bám vào tiền do Lý Đợi kiếm mà lại dám nói về tự do và dân chủ…Cũng có một thực tế khác, vì người văng tục luôn tự biết đó là cái “hư”, cái “mất nết” nên thường là các bạn trẻ sử dụng một cái nickname và tạo nên một sân chơi giữa các mặt nạ với nhau. Vì biết như thế, những người am hiểu và lịch lãm, luôn chỉ coi những entry trên mạng là các tiền văn bản; từ điển Wikipedia luôn coi những giải thích trong nó là văn bản mở và mời gọi các netizen bổ sung, chỉnh lý; như ở Việt Nam, chúng ta coi là một dư luận, một lời đồn khi thông tin chưa được kiểm chứng. Bằng vào luận văn đang bàn, tôi biết nhóm (nghịch) thơ Mở Miệng chủ yếu đăng thơ trên các website tienve, damau…khi xuất bản dưới dạng photocoppy được gọi là nxb Giấy Vụn chỉ vài chục bản. Như thế, có thể nói, những phản kháng, những mất vệ sinh môi trường văn hóa của nó còn ở trong phạm vi hẹp, nơi phần lớn cư dân là các nickname – mặt nạ. Tôi lập website cá nhân vào loại sớm, lại làm báo mạng mấy năm, nhưng tuyệt nhiên không đọc chúng, nhất là không bàn về chúng, tôi cố giữ cho không gian sống được trong lành, trước hết vì mình, sau nữa là vì vợ con cháu chắt bạn bè. Tôi nhớ khi phẫn chí vì thi trượt, cụ Tú Xương có cay cú viết: Tế đổi thành Cao mà chó thế/Tiệp trông ra Kiện ối giời ơi thì cụ Nguyễn Khuyến có mỉm cười nhắc nhỏ:Rằng hay thì thật là hay/ Đem giời đối chó lão này không ưa. Cụ Nguyễn, bằng vào chỉ một bài văn sách thi Đình đã cho thấy là một bậc uyên bác sắc sảo trong tư duy khoa học chính trị. Cụ không thể chưa đọc Lê Quý Đôn, rằng “trời và các vì tinh tú chỉ do khí tạo thành” nhưng biết rằng phải để giời đấy làm một mái che an toàn cho đạo đức xã hội. Cần nhắc lại rằng, khi Nietzsche (1844 – 1900) tuyên bố “Thượng đế đã chết” thì đồng thời cái búa của ông cũng đập tan tành con đê niềm tin của nhân loại, khiến lòng tham và cái ác trong mỗi cá thể được “tự do” như nước lũ tràn vào đời sống của mỗi cá thể. Không phải ngẫu nhiên mà Hitler lại coi Nietzsche là bậc tiền bối mặc dầu ông là người chống chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa quốc gia. Đấy là một cái họa của triết nhân vậy. Cho nên, tôi đứng về phía cụ Nguyễn Khuyến, cứ để giời, để cái thiêng lại đấy cho tôi. Có thể mỹ cảm của tôi bị chê là cổ hủ, không hậu hiện đại, nhưng xin cho tôi cố thủ trong Mỹ học về cái Tục/ cái Khác của dân tộc tôi.
       Còn nếu chị Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan coi thơ rác thơ dơ của nhóm Mở Miệng là một thực thể, một đối tượng cần  nghiên cứu thì đó là việc của chị, quyền của chị. Nhưng một khi chị biến nó thành luận văn, để quảng bá nó, truyền bá cho nó, truyền bá cho nó một cách hằn học và cưỡng chế tôi rồi nhất thiết coi cái tục cái nhảm nhí của Mở Miệng là trung tâm của văn học tương lai nước nhà thì chị đã trở thành lực cản cho cái mà tôi coi là mỹ cảm và văn học lành mạnh rồi. Như thế là chị xúc phạm/ làm mất tự do quan niệm của tôi rồi.
      Vâng, nguyên tắc tối thiểu của tự do là tự do của người này không thu hẹp, không làm mất tự do của người khác. Nếu ngược lại, lập tức sẽ bị tai vạ, ít nhất là một cái huých tay trên xe bus; nhiều ra thì bị cả cộng đồng la mắng. Người ta bảo, tự do, với một số người là bi kịch chính là bởi vậy.    



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ý kiến nhà văn Tây...Nguyên:

KHÔNG CẤM ĐƯỢC MẠI DÂM ĐÂU CÁC BÁC ƠI

Hôm nay thấy bác NXP chủ trì cuộc họp sơ kết chống mại dâm và vài thứ liên quan, rồi tivi lại nhấn mạnh bằng mấy phóng sự, ta thấy mại dâm lổm ngổm trên... tv.

Nhà cháu vẫn giữ quan điểm là, không thể nào chống hoặc cấm được mại dâm đâu. Càng chống nó càng xì ra thôi. Về lịch sử, nó có từ khi có... loài người. Về kinh tế, nó là sự mua bán sòng phẳng. Về tâm sinh lý, nó là nhu cầu có thật. Về quản lý, chúng ta đã quản hàng mấy chục năm nay, càng quản càng... vô lý...

Hiện nay, tình dục đã trở thành một trong những nhu cầu đi kèm... du lịch, nó đương nhiên và công khai ở cả các nước cấm và không cấm. Ở Việt Nam ta, hàng năm đã bỏ ra rất nhiều tiền để chống, để cấm, càng bỏ ra thì "sự nghiệp" ấy càng phát triển, hoành tráng hơn, huy hoàng hơn, chuyên nghiệp hơn... mà Đồ Sơn, Quất Lâm, TP HCM, HN và tất cả các tỉnh thành đều có là ví dụ... không điển hình vì nó đã đại trà.

Mà khi cấm không được thì sinh ra rất nhiều tệ nạn. Thứ nhất là nhà nước phải bỏ ngân sách ra để chống để cấm cái mà biết là càng cấm càng chống nó càng... phát triển. Thứ 2 là nó sinh ra một xã hội rất lộn xộn, những khu đèn đỏ công khai dẫu về nguyên tắc nó phải là phi pháp, hoạt động bí mật. Thứ 3 là sinh ra một lớp người "dưới đáy" trong khi lẽ ra họ không phải bị phân biệt đối xử, bị coi thường, bị xúc phạm nhân phẩm như thế. Theo thống kê thì chị em bán dâm là tầng lớp bị bóc lột kinh khủng nhất. Tin mới đưa một ông hẩm hiu nào đó bỏ ra 13 triệu mua trinh môt cháu vị thành niên, thì cháu ấy chỉ được cầm 3 triệu, còn 10 triệu nằm ở cò. Để có thể an toàn bán của cải của chính mình, chị em phải nuôi mặt rô, chủ chứa, các loại chăn dắt, và không loại trừ sự bảo kê của các nhân viên công lực. Tiền đến tay các em chỉ là một số rất nhỏ so với số khách bỏ ra. Ở Đồ Sơn có thời mỗi dù các em chị được 20 ngàn trong khi khách phải trả đến 135 nghìn cho một cuốc...

Và bởi cứ lén lút thâm thụt thế nên cả người mua và bán nó không ra con người. Nó rất là... súc vật. Thì lúc nãy đây thôi, tivi lại đưa cận cảnh mấy người, cả mua và bán, thỗn thện ngồi trên giường. Là còn có phòng có giường, chứ nhiều phi vụ chỉ cần gốc cây bãi cỏ... rất mất vệ sinh theo nghĩa đen.

Thì bệnh tật ở đấy chứ đâu, AIDS ở đấy chứ đâu?

Chứ nếu cho nó là 1 nghề, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, thì chả ai bị xúc phạm, bị hạ cấp nhân phẩm, mà lại quản lý được bệnh tật, thậm chí thu được... thuế, mà không bị rình mò, lập chuyên án, sống bất an, phải bỏ tiền  ra bắt cóc cho vào đĩa...

Là cả ngày nay bận, giờ ngồi chờ cơm định viết thứ khác, thấy các đc lãnh đạo chính quyền và công an 3 địa phương ở Hải Phòng, Nam Định và Tp HCM bị kiểm điểm vì để mại dâm lộng hành. Huhu xua đuổi ở đấy họ lại dạt lên nơi khác thôi, rồi lại đèn cù thôi, đấy rồi mà xem...

Bèn viết mấy dòng chia sẻ với... chúng ta...
Ảnh này cop trên mạng cho vui, không liên quan đến bài viết...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phân hóa giầu nghèo trong giáo dục là sự phân hóa khốn nạn nhất do con người đẻ ra


6bf1e0df-7ece-425d-abc3-ba539daf8979Hôm nay, trên Face book, dưới nick name Kim Cương, giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường tư thục nổi tiếng Lương Thế Vinh đưa tin : Năm học này theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội , có 18 trường chất lượng cao (CLC) có mức học phí 2,9 triệu/tháng đối với cấp PTCS và 3 triệu/tháng đối với cấp PTTH , cao gấp 150 lần mức 20 ngàn đồng đối với học sinh đại trà ở ngoại thành . Ông đặt câu hỏi “Phải chăng đây là khởi đầu cho một cuộc cách mạng giáo dục ?”. Và ông cảm thán :Rồi đây giáo dục chúng ta sẽ đào tạo ít nhất là hai loại học sinh “học sinh CLC” và học sinh “chất lượng hạng bét” . Nhà giáo già kêu lên “Đau đớn thay”!
Ngay khi đọc status này, tôi đã bình luận “ Phân hóa giầu nghèo trong giáo dục là sự phân hóa khốn nạn nhất do con người đẻ ra”. Comment này đã được nhiều người đồng tình. Thấy chưa nói rõ được ý của mình tôi viết tiếp bài viết này gửi giáo sư Văn Như Cương, người tôi chưa từng một lần giáp mặt nhưng rất kính trọng
Trước hết tôi phải tự giới thiệu , tôi cũng là một nhà giáo đã có 33 năm đứng lớp và 25 năm làm cán bộ quản lý một trường PTTH chuyên nên có thể chủ quan mà nói rằng, với ngành giáo dục VN, tôi hiểu rõ từng chân tơ kẽ tóc . Nhưng từ cách đây 20 năm, chính xác là 19 năm 6 tháng, tôi đã chia tay ngành giáo dục để đi làm một công việc khác thỏa được cái chí tang bồng của mình hơn .Tuy nhiên trong tôi, lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm đối với ngành giáo dục , ngành đã tặng tôi huy hiệu “ Vì sự nghiệp giáo dục”
Dẫn chứng ư ? Năm ông Nguyễn Thiện Nhân từ thành phố Hồ Chí Minh ra Ba Đình làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và dùng con bài “người đương thời” Đỗ Việt Khoa dấy lên ngọn cờ “ chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” , qua Vietnamnet, tôi đã gửi ông thư ngỏ “ Mong Bộ trưởng điềm tĩnh hơn” . Bài này gõ qua google vẫn có thể tìm đọc được và vẫn đầy tính thời sự . Và qua hết đời bộ trưởng này đến bộ trưởng khác , tôi đều có thư ngỏ. Có thể các vị không đọc nhưng bàn dân thiên hạ ai cũng đọc cũng biết thực trạng giáo dục VN
Có thể tóm lược một câu : Từ sau khi ông Nguyễn Văn Huyên qua đời, các đời bộ trưởng kế tiếp từ bà Bình, ông Quân, ông Hạc đến ông Hiển, ông Nhân và bây giờ là ông Luận giáo dục VN ngày càng kém đi. Năng lực , trách nhiệm và uy tín của các đời bộ trưởng cũng càng ngày càng kém đi
Đương nhiên thôi. Các vị đều là các thày mũ cao áo dài , đều mang tính hàn lâm, đào tạo trong các trường danh tiếng nước ngoài , chưa bao giờ hoặc rất ít khi đứng bục giảng một tiết học nên làm sao hiểu được thực trạng giáo dục VN đang thay đổi từng ngày từng giờ theo cơ chế thị trường bất chấp cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cấp dưới cũng vậy, các vụ trưởng, vụ phó , viện trưởng viện phó …có mấy người đã từng đứng lớp nên tham mưu cho Bộ trưởng nhiều chủ trương không sát thực tế , cứ cải tiến, thí điểm hoài và có những chủ trương rất ba láp, vô trách nhiệm . Từng ấy năm, hàng triệu học sinh , những mầm non tương lai của đất nước đã trở thành những con chuột thí nghiệm của cái gọi là “cải cách giáo dục”, “cải tiến chương trình và sách giáo khoa”, “phân ban và không phân ban” … dự án này dự án nọ tiêu hàng chục tỉ đô la mà chất lượng dạy và học “nguyễn vân”
Khi Nhà nước không cứu được giáo dục thì người dân tự cứu mình . Các trường tư thục mọc lên , đặc biệt là tư thục đại học mọc lên như nấm sau mưa thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng bởi ông phải lo sao có đủ 20.000 tiến sĩ mà ông lỡ hứa sẽ thực hiện ! Và nhân nào quả nấy. Hôm nay, xin cho con vào lớp 1 và lớp 10 còn khó hơn vào trường đại học nhiều . Đào tạo cái kiểu đánh trống ghi tên,mạnh ai nấy thu cho nhiều tiền, không lấy giáo dục làm mục tiêu đào tạo con người mà là cơ hội để kinh doanh làm giầu thì than ôi tương lai con trẻ VN hỏng mất rồi !!!
Trở lại câu chuyện mà giáo sư Văn Như Cương bức xúc . Từ hơn hai chục năm nay khi còn dạy học ở một trường chuyên, tôi đã viết trên báo Lao Động một bài phê phán việc mở tràn lan các trường chuyên lớp chọn tạo ra một cơ chế bất bình đẳng trong giáo dục , tạo ra nguồn gốc của tệ học thêm dạy thêm tràn lan mà cho đến nay ông Bộ, ông Sở không thể kiểm soát, không thể ngăn cấm, trở thành bệnh dịch làm khốn khổ các cháu học sinh, suốt ngày đi học thêm, không còn đâu thì giờ vui chơi giải trí tối thiểu , làm khốn khổ nhiều gia đình nhất là những gia đình có thu nhập thấp
500_c388c4c1-d5ec-465d-84f7-1995e241ab6c
Sau bài báo đó, Bộ Giáo dục đã chỉ thị các tỉnh không được mở trường chuyên cấp PTCS nhưng cấp PTTH thì vẫn được phép, được cấp kinh phí. Còn chủ trương bỏ lớp chọn thì chả ai nghe Bộ cả . Mà như đã nói ở trên, còn trường chuyên, còn lớp chọn thì còn học thêm dạy thêm tràn lan . Điều không ít lần được Quốc hội bàn thảo , nhưng có ai nói ra được cái gốc của vấn đề
Quan điểm của tôi là trong một lớp học phải có đủ các đối tượng giỏi, khá , trung bình và kém . Thày giáo phải dạy như thế nào sát các đối tượng để em nào cũng hiểu bài và trong bối cảnh đó những em nào thông minh hơn, chịu khó hơn sẽ đứng đầu lớp , sẽ đỗ đại học điểm cao do tự thân các em chứ không phải do học thêm”trúng tủ”. Nhớ lại ngày xưa đi học , cuối tháng được xếp nhất nhì hoặc trong tốp 5, tốp 10 về khoe bố mẹ thì sướng làm sao. Còn nếu lười học thì “đội sổ” . Học sinh bây giờ không biết “đội sổ” là gì . Cả lớp đều tiên tiến , không có học sinh lưu ban. Cả lớp phải 70,80% học sinh giỏi , và phải trên cả giỏi tức xuất sắc thì cha mẹ mới yên tâm . Bệnh thành tích là đây chứ chả ở đâu cả ông Phó Thủ tướng phụ trách Văn Xã ơi . Tiên tiến xuất sắc mà thi vào lớp 10 , thi vào đại học trượt chổng vó thì vô nghĩa .
Việc trong một lớp có đủ các đối tượng khá giỏi kém, đủ các thành phần giai cấp giầu nghèo, từ con ông phó thường dân đến con ông quan lại cao cấp thì đó là một nền giáo dục nhân bản nhất, bình đẳng nhất
Tiếc thay hiện nay chỉ con nhà giầu mới được theo học các trường có cơ sở vật chất tốt, có đội ngũ giáo viên có chất lượng, còn con nhà nghèo thì “ cố lấy cái bằng lớp 12 rồi tìm việc mà đi làm kiếm sống”và sống chết gì cũng phải cố kiếm lấy cái bằng tốt nghiệp phổ thông. Bằng mọi giá mà Đỗ Việt Khoa năm thi nào cũng xăm soi “đáng ghét”. Xã hội càng phát triển thì phân hóa giầu nghèo càng rõ nét . Người ta có thể giầu lên nhờ kinh doanh làm ăn giỏi và nhờ có chức có quyền để tham những . Người ta sẵn sàng “hy sinh đời bố củng cố đời con” Đó là quy luật khách quan . Nhưng trong giáo dục phải có sự bình đẳng . Ngành giáo dục cả nước và Hà Nội ( kể cả chính quyền)bằng những chủ trương sai lầm đã vô hình trung tạo ra một sự bất bình đẳng , một sự phân hóa giầu nghèo. Nó không chỉ làm các em con nhà nghèo thiệt thòi và nó để lại di chứng đáng buồn trong tâm hồn thế hệ trẻ . Vì thế tôi lấy tên bài viết này là : Sự phân hóa giầu nghèo trong giáo dục là sự phân hóa khốn nạn nhất do con người đẻ ra
An Thanh Lương

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lưu Hiểu Ba (1993) qua bản dịch Phạm Thị Hoài (2013)


Lời dẫn: Tôi đã đọc những bài viết ngăn ngắn như dưới đây của Lưu Hiểu Ba, qua bản tiếng Trung. Hôm nay, thấy có bản dịch qua tiếng Đức của Phạm Thị Hoài trên blog của chị.

Đoạn này được trích ra từ một cuốn sách viết về Lưu Hiểu Ba của nhà văn lưu vong người Trung Quốc là Bối Linh (Bei Ling) hiện đang cư trú tại Đức. Sách đó được Bối Linh viết theo đơn đặt hàng, để hoàn thành, rồi dịch ra tiếng Đức, ở ngay sau thời điểm Lưu Hiểu Ba được nhận Nô-ben Hòa Bình.

Sách đã xuất bản bởi nhà sách nổi tiếng Riva (chuyên về sách kí sự) từ năm 2010. Khi sách vừa ra ở Đức lúc đó, tôi nhớ, báo chí các nơi đều điểm tin cả.

Bản sách mà chị Hoài sử dụng lả bản in năm 2011. Tiếc là chị Hoài không dẫn lại tiêu đề bài viết ngắn này bằng tiếng Đức, cũng như số trang của bài trong sách. Khi có thời gian rảnh, tôi sẽ đưa một bản dịch từ tiếng Trung, để thấy tư tưởng của Lưu Hiểu Ba có được truyển tài đúng sau trùng dịch (dịch hai lần) hay không.

Từ đây trở xuống là bản dịch.

--








Chúng ta bị công lí của chính mình đè bẹp



Tháng 1 20, 2013
Lưu Hiểu Ba
Phạm Thị Hoài dịch
Tiểu luận sau đây của Lưu Hiểu Ba được in trên tờ Central Daily Newsở Đài Loan ngày 5-6-1993, nhân 4 năm Sự kiện Thiên An Môn. Lời phê bình các khuyết điểm của giới trí thức phản kháng Trung Quốc và phong trào sinh viên năm 1989 xuất phát từ trải nghiệm trực tiếp của ông. Khi phong trào nổ ra, ông đã bỏ dở chương trình nghiên cứu và giảng dạy của mình tại một số trường đại học Hoa Kỳ, mua một tấm vé không khứ hồi bay về Bắc Kinh ngày 27-4-1989 để hỗ trợ các sinh viên của mình trên Quảng trường. Tại đây, ông hướng dẫn và tranh luận với các sinh viên về phương pháp và mục đích đấu tranh, tham gia những cuộc đàm phán giữa sinh viên và chính quyền, và tham gia tuyệt thực ở giai đoạn cuối từ ngày 2-6. Ông bị coi là một trong những kẻ “giật dây” của phong trào và bị kết án tù lần thứ nhất, đến đầu năm 1991. Song ngay cả với tiểu sử ấy, các ý kiến phê phán của ông vẫn gây sóng gió trong phong trào dân chủ Trung Quốc, nhất là với những gia đình nạn nhân của vụ thảm sát 4-6.
Giới thiệu tiểu luận này trong bản dịch tiếng Việt, tôi tin rằng nó sẽ là một tham khảo bổ ích cho phong trào dân chủ Việt Nam.
Người dịch
_______________
Giới trí thức phản kháng và các lãnh tụ sinh viên Trung Quốc, những người tự thấy mình là anh hùng và chiến sĩ dân chủ, đều chỉ biết đến dân chủ từ sách vở. Họ không có khái niệm gì về việc thực hành nền dân chủ đó. Họ không hề biết phải xây dựng nền dân chủ như một hệ thống chính trị và một tòa nhà pháp lí như thế nào và phải đưa những nội dung gì vào đó. Trước khi phong trào dân chủ năm 1989 nổ ra, nhà vật lí thiên văn, giáo sư Phương Lệ Chi, được coi là một Sakharov của Trung Quốc, đã bỏ qua cơ hội bảo vệ quyền con người theo đúng luật pháp. Ông được Tổng thống Bush mời gặp nhưng bị chính quyền cản trở. Và ông đã lặng lẽ chấp nhận, không một lời phản đối. Cả đến khi phong trào dân chủ bùng nổ, ông Lưu Tân Nhạn, nhà bất đồng chính kiến được coi là “lương tâm xã hội của Trung Hoa”, vẫn đề cao chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội. Vẫn giữ nguyên lòng trung thành từng mất rồi lại được khôi phục của mình. Còn phong trào hiện tại thì được lãnh đạo bởi những người thậm chí không hiểu cả những nguyên lí cơ bản của dân chủ. Như thế, làm sao mà thành công được? Tình trạng đó chỉ có thể sinh ra những than vãn hời hợt về hệ tư tưởng.
Khi cảm giác về nghĩa vụ gánh vác một sứ mệnh lịch sử bị đẩy lên thái quá, các sinh viên đã đánh mất khả năng tỉnh táo để tự nhận định và khả năng tự kiềm chế để đạt hiệu quả cao. Họ không biết rằng những đôi vai mảnh khảnh của họ không gánh nổi một định mệnh nặng trĩu như vậy. Họ không cưỡng được sự cám dỗ rằng mình có thể đem lại công lí và tưởng rằng cứ lấy sinh mạng ra trả giá thì chính quyền sẽ buộc phải nhượng bộ hơn – mà không hề nhận ra rằng điều đó rốt cuộc là vô nghĩa. Mạng người có gây nổi một ấn tượng nào với chính quyền không? Có đánh thức nổi đám đông đang ngủ vùi không? Cái chết có đem đổi lấy công lí được không? Chẳng lẽ chỉ những ai sẵn sàng hi sinh tính mạng mới có quyền bàn về công lí chăng? Người ta trách các sinh viên là chỉ đầy lòng dũng cảm và nhiệt huyết mà không đủ lí trí. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi cô Sài Linh, lãnh tụ đứng đầu phong trào sinh viên, sau này thoát được ra nước ngoài tị nạn, phát biếu: “Trên Quảng trường Thiên An Môn khi đó, quan trọng nhất là đức hi sinh và lòng dũng cảm chứ không phải đầu óc và lí trí. Chúng tôi là những anh hùng của phong trào dân chủ 1989.”
Từ trên bốn thập kỉ nay Trung Quốc không hề có kinh nghiệm gì với dân chủ. Hàng ngày chúng ta chỉ trải qua và chứng kiến những tranh giành và thủ đoạn tàn bạo của hệ thống chuyên chế. Khi tham gia một cuộc cách mạng, chẳng hạn như Cách mạng Văn hóa, chúng ta lập tức thấy mình là những nhà cách mạng vĩ đại nhất. Khi gia nhập phong trào dân chủ, chúng ta thấy mình dân chủ hơn người. Chúng ta tuyệt thực cho dân chủ. Chúng ta hi sinh cho dân chủ. Vì thế chúng ta đinh ninh rằng mọi hành động của mình đều bắt nguồn từ công lí cao nhất, rằng tiếng nói của mình là chân lí duy nhất, rằng mình sở hữu quyền lực tuyệt đối. Như thế, chân lí trở nên tuyệt đối, công lí trở nên tùy tiện và dẫn đến cưỡng bức, còn dân chủ thì trở thành một đặc quyền. Quảng trường Thiên An Môn đã biến thành một phòng thí nghiệm thử chân lí, thử độ cứng của bản lĩnh và độ sâu của ý thức về phẩm giá. Nó cũng đã biến thành nơi mà người ta vừa dấn thân cho công lí, vừa thực thi quyền lực. Không có mặt ở đó, không đến đó để bày tỏ con người mình, là chống lại dân chủ và chống lại công lí, là hèn nhát. Quảng trường Thiên An Môn đã biến thành hòn đá thử lửa. “Tôi đã có mặt ở đó”, “Tôi cũng từng đến đó”, những câu nói ấy đã được coi là chứng chỉ của ý thức dân chủ và lương tri xã hội.
Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta không cần hợp tác, chúng ta tùy ý kết bè kéo cánh, chúng ta lập ra các tổ chức, chúng ta cử người lãnh đạo, chúng ta lập các hội công nhân và sinh viên tự quản, chúng ta tuyệt thực, chúng ta tổ chức các nhóm tranh luận, các nhóm trí thức, phóng viên, cảm tử quân, chí nguyện quân và hướng đạo sinh. Không ai chịu nghe ai, chẳng người nào chịu dưới trướng người nào.
Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta căm thù Đảng Cộng sản tột độ và lên án Đảng bằng những bộ quần áo đẫm máu trên thân thể chúng ta. Chúng ta nghiến răng chửi kẻ khác, chúng ta thỏa sức bôi nhọ, chúng ta cho phép mình nói những điều như: chúng tao sẽ bắn vỡ sọ mày, chúng tao sẽ bỏ mày vào vạc chiên, chúng tao sẽ chôn sống mày. Chúng ta cho phép mình chửi rủa và thậm chí hành hung những kẻ không đi cùng chúng ta. Chúng ta cho phép mình thanh toán ân oán giang hồ cá nhân, nhân danh công lí.
Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta ngang nhiên truyền bá những điều bịa đặt, chúng ta phao tin vịt giữa thanh thiên bạch nhật. Ai phản bác thì chúng ta khăng khăng rằng mình có quyền làm như thế hoặc tìm cách đánh lận rẻ tiền. Chúng ta cho phép mình phao lên rằng Đặng Tiểu Bình đã chết, Lý Bằng đã bỏ trốn, Dương Thượng Côn đã bị đánh đổ, Triệu Tử Dương đã được khôi phục danh dự, Vạn Lý đã thành lập một nội các mới ở Canada. Quảng trường Thiên An Môn, biểu tượng của phong trào dân chủ, biến thành một lò chế tin đồn, càng ngày càng tung ra nhiều điều dối trá. Một số người tham gia sự kiện ngày 4 tháng Sáu sau này thoát được ra nước ngoài thì đảo lộn tình tiết, thêu dệt tin đồn và dùng miệng mà phun ngập máu ra Quảng trường. Để có lợi cho bản thân, họ cố ý phóng đại tội ác và sự tàn bạo của Đảng Cộng sản. Báo chí quốc tế vì thế mà bị xỏ mũi.
Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta chỉ cho riêng mình quyền tự do ngôn luận và cấm người khác được hưởng quyền ấy. Chúng ta cũng hành xử hệt như Mao Trạch Đông và không dung thứ một chính kiến nào khác. Hệt như đám tay sai của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng ta cũng kiểm duyệt những hình ảnh không hợp ý ta do phóng viên chụp được, chúng ta cũng tịch thu phim và đập nát máy ảnh. Để chính quyền hết cớ đàn áp, chúng ta đã nộp cho công an ba thanh niên Hồ Nam, là những người đã phun mầu lên chân dung Mao, để rồi họ bị kết án 15, 18 và 20 năm đọa đày trong ngục tối.
“Công lí của phong trào dân chủ” đã trở thành một hăm dọa, hễ ai có chính kiến khác là bị gây áp lực và đành câm miệng. Cuộc tuyệt thực đã phong các sinh viên lên hàng những vị thánh bất khả xâm phạm của cách mạng. Vì họ sẵn sàng hi sinh mạng sống, nên chẳng ai dám hé răng phê bình họ nữa. Vậy là các “anh hùng” thì tắt công tắc lí trí, những người còn lại thì lặng im.
Những điều vừa trình bày có thể giải thích, vì sao một công lí trên giấy thì được săn lùng cuồng nhiệt, còn công lí tỉnh táo của hiện thực thì bị gạt ra ngoài.
Nguồn: Dịch theo bản tiếng Đức trong Bei Ling, Der Freiheit geopfert, Riva, München 2011

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đừng tưởng!

Đừng tưởng!
Khuyết danh
Đừng tưởng cứ núi là cao
C
ứ sông là chảy, cứ ao là tù
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ trên là sáng cứ tu là hiền

Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
Cứ nhiều là được cứ tiền là xong
Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc không trông là mù

Đừng tưởng cứ trọc là sư
Cứ vâng là chịu cứ ừ là ngoan
Đừng tưởng có của đã sang
Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây
Đừng tưởng cứ uống là say
Cứ chân là bước cứ tay là sờ
Đừng tưởng cứ đợi là chờ
Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần
Đừng tưởng cứ mới là tân
Cứ hứa là chắc cứ ân là tình

Đừng tưởng cứ thấp là khinh
Cứ chùa là tĩnh cứ đình là to
Cứ già là hết hồ đồ
Cứ trẻ là chẳng âu lo buồn phiền
Đừng tưởng cứ quyết là nên
Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua
Dưa vàng đừng tưởng đã chua
Sấm rền đừng tưởng sắp mưa ngập trời
Khi vui đừng tưởng chỉ cười
Lúc buồn đừng tưởng chỉ ngồi khóc than

***

Đừng tưởng cứ nốc là say
Cứ hứa là thật, cứ tay là cầm
Đừng tưởng cứ giặc – ngoại xâm
Cứ bè là bạn, cứ dân là lành
Đừng tưởng cứ trời là xanh
Cứ đất và nước là thành quê hương

***

Đừng tưởng cứ lớn là khôn
Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng
Đừng tưởng chẳng có thì không
Chẳng trai thì gái, chẳng ông thì bà
Đừng tưởng chẳng gần thì xa
Chẳng ta thì địch, chẳng ma thì người
Đừng tưởng chẳng khóc thì cười
Chẳng lên thì xuống, chẳng ngồi thì đi
Đừng tưởng sau nhất là nhì
Gần quan là tướng, gần suy là hèn
Đừng tưởng cứ sáng là đèn
Cứ đỏ là chín, cứ đen là thường

Đừng tưởng cứ đẹp là thương
Cứ xấu là ghét, cứ vương là tình
Đừng tưởng cứ ghế là vinh
Cứ tiền là mạnh, cứ dinh là bền
Đừng tưởng cứ cố là lên
Cứ lỳ là chắc, cứ bên là gần
Đừng tưởng cứ đều là cân
Cứ đông là đủ, cứ ân là nhờ
Đừng tưởng cứ vần là thơ
Cứ âm là nhạc, cứ tờ là tranh
Đừng tưởng cứ vội thì nhanh
Cứ tranh là được, cứ giành thì hơn
Đừng tưởng giàu hết cô đơn
Cao
 sang hết ốm, tham gian hết nghèo

***
Đừng tưởng cứ bến là neo
Cứ suối là lội, cứ đèo là qua
Đừng tưởng chồng mẹ là cha
Cứ khóc là khổ cứ la là phiền
Đừng tưởng cứ hét là điên
Cứ làm là sẽ có tiền đến ngay
Đừng tưởng cứ rượu là say
Cứ gió là sẽ tung bay cánh diều
Đừng tưởng tỏ tình là yêu
Cứ thơ ngọt nhạt là chiều tương tư

***
Đừng tưởng đi là sẽ chơi
Lang thang dạo phố vào nơi hư người
Đừng tưởng vui thì sẽ cười
Đôi hàng nước mắt lệ rơi đầm đìa
Đừng tưởng cứ mực là bia
Bút sa gà chết nhân chia cộng trừ…
Đừng tưởng cứ gió là mưa
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…
Đừng tưởng thu là lá tuôn
Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.

Đừng tưởng cứ thích là yêu
Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay
Đừng tưởng tình chẳng lung lay
Chỉ một giấc ngủ, chẳng may … có bầu.
Đừng tưởng cứ cầu là hên,
Nhiều khi gặp nạn, ngồi rên một mình.
Đừng tưởng vua là anh minh,
Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
Đừng tưởng tìm bạn tri âm,
Là sẽ có kẻ mạn đàm suốt đêm.
Đừng tưởng đời mãi êm đềm,
Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.

Đừng tưởng cười nói ân cần,
Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.
Đừng tưởng trong lưỡi có đường
Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười
Nhiều khi nói móc biết cười làm sao
Đừng tưởng khó nhọc gian lao
Vượt qua thử thách tự hào lắm thay
Đừng tưởng cứ giỏi là hay
Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần
Đừng tưởng cứ quỳnh là thơm
Nhìn đi nhìn lại hóa ra cúc quỳ
Đừng tưởng mưa gió ầm ì
Ngày thì đã hết trời dần về đêm
Đừng tưởng nắng gió êm đềm
Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng
Đừng tưởng góp sức là chung
Chỉ là lợi dụng lòng tin của người
Đừng tưởng cứ tiến là lên
Cứ lui là xuống, cứ yên là mằn

Đừng tưởng rằm sẽ có trăng
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu
Đừng tưởng cứ khóc là sầu
Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nước là trong
Cứ than là hắc, cứ sao là vàng
Đừng tưởng cứ củi là than
Cứ quan là có, cứ dân là nghèo
Đừng tưởng cứ khúc là eo
Cứ lúc là mạc, cứ sang là giầu
Đừng tưởng cứ thế là khôn!
Nhiều thằng khốn nạn còn hơn cả mình
Đừng tưởng lời nói là tiền
Có khi là những oán hận chưa tan
Đừng tưởng dưới đất có vàng
Vàng đâu chả thấy phí tan cuộc đời


***
Đừng tưởng cứ nghèo là hèn
Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong.
Đừng tưởng quan chức là rồng,
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì.
Đời người lúc thịnh, lúc suy
Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.
Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.

Ai ơi nhớ lấy đừng quên…!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà báo, nhà văn..băn khoăn chuyện đời!

"CON ĐƯỜNG" TRỞ THÀNH NHÀ BÁO.

Dạo này, cứ gặp mình là nhiều tên bạn tru tréo: Báo chí cái phải gió gì thế mày, khoan bàn chuyện nội dung, nội viết cho đúng chính tả thôi cũng không nên hồn. Cứ tưởng...
Ngày trước khi mới vào nghề mình cũng cứ tưởng, nhưng hóa ra....;-))
Cứ bảo đấy là nghề nghiệt ngã đòi hỏi cao này kia...nhưng con đường trở thành nhà báo với nhiều người, dễ không thể tả và có thể chẳng cần đến kiến thức trình độ gì ráo trọi, chỉ cần: có bố mẹ anh chị em bà con đang làm ở 1 đài bào nào đấy, kế đó là có tiền, kế nữa là có ông to bà nhớn đỡ đầu...bất luận là ai cũng trở thành nhà báo tất !
Không phải là tất cả, nhưng có lẽ đến 80% là thế !
1. Rớt tốt nghiệp PTTH với nhiều người khác thì con đường học hành hay sự nghiệp nọ kia vẻ như là đã đóng cái kịch. Nhưng nếu có bố hay mẹ làm ở 1 tờ báo thì điều đó chả nghĩa lý gì. Chả hiểu tự bao giờ người ta có qui định ngầm là những người làm trong nghề thì được 1 đến 2 xuất cho con em vào làm, bất kể con em họ có năng khiếu, có khả năng báo chí hay không. 
Cái này gọi là cha truyền con nối được chăng?
Và thế là khi người khác còn đang long tóc gáy mài nhẵn đít quần ở các giảng đường hay chạy bục mặt kiếm cơm, thì những ông bà tú hụt ấy ngày ngày nghiễm nhiên hoặc vác máy quay phim hoặc số sách lon ton theo các đàn anh đàn chị đi lấy tin viết bài. Ngày kiếm tiền tối đi bổ túc thi tốt nghiệp lại, sau đó thi vào 1 lớp tại chức vừa học vừa làm, tằng tằng vài năm bằng cấp đủ cả mà lại còn kiếm ra tiền ! 
Trình thì thế nào? Những "còn nối" mà mình biết ấy, trình hãi hùng không thể tả. Đại loại là viết những câu dzư lày: từ nay em đã có một người bạn cùng chung chí hướng trên con đường học tập, đấy là chiếc xe đạp. Hoặc trợn mắt cãi với rằng: hợp tác thì là T chứ không phải C,  viết hợp tác là sai viết như nàng "hợp tát" mí là đúng !
Cơ bản thế mà còn sai, đừng mong gì hơn. 
Con hát thì mẹ khen hay. Bố là sếp con là nhân viên, vào cuộc họp bố gọi con là đồng chí, khen con như sao sáng như nhân tài mới trồi ra. Đi làm thì luôn được bố( mẹ) và những người dưới quyền bố(mẹ) "ưu tiên" hết cỡ, nghĩa là không phải đi vùng sâu vùng xa, đứa nào chạy bục mặt kiếm tin bài chứ những ông bà "con nối" ấy nghiễm nhiên ngày nào cũng có tên trên bảng phân công công việc, đảm bảo mỗi ngày đều có thu nhập.
Đố đứa nào dám ho he chê bai. 
2. Không đến mức rớt tốt nghiệp trung học và cũng vào được ĐH như ai, nhưng cái sự học hết sức làng nhàng, đại loại chơi nhiều hơn học. Dám nói thế vì chỉ cần kiểm tra vài kiến thức cơ bản nhất cũng ú ớ thì đủ biết, sự học ra sao. Học cái nghề đòi hỏi đọc nhiều, đi nhiều mà ngại cả đôi thì thôi rồi. Thế nhưng con đường vào nghề từ thực tập cho đến đi làm cứ như trải lụa nhờ bố làm quan to. Nàng về thực tập thôi thì đã được chào đón như công chúa hồi cung, sáng lên cơ quan trình diện, chiều bố chiêu đãi cả phòng và toàn bộ sậu lãnh đạo 1 chầu tại nhà hàng sang trọng nhất, uống bia nhiều đến nỗi một vị bảo: đái ra bia. Vì cái sự bia bọt chiêu đãi không chỉ một lần mà nhiều lần lẫn cái chức của bố mà kỳ thực tập của nàng thực chất chỉ là đi chơi và cụng ly rổn rảng với các liền anh. Tin bài thì sếp "nhẹ nhàng" giao cho 1 lão làng "giúp em nó", bài báo cáo kết quả thực tập thì lấy bài của PV cứng cựa nhất xóa tên đi, thay tên nàng vào nộp về trường. Thế là xong 1 kỳ thực tập mỹ mãn cả đôi bên. Đương nhiên sau đó công chúa hồi cung lần 2 và cũng được cúc cung tận tụy phục vụ như kỳ thực tập, và dù làm cả năm trời vẫn không phân biệt nổi đâu là HĐND, đâu là UBND nhưng tuyệt đối, không ai phê nàng câu nào cả, mà có khi ngược lại, uy lực của những bữa tiệc chiêu đãi và chức của bố nàng đã thực sự "xoay được ngòi bút biên tập" ! 
3. Chưa hề tốt nghiệp THPT, lăn  lóc đủ nghề, sau đó nhờ quen thân với sếp của một tờ báo, chàng nghiễm nhiên trở thành phóng viên. Mang tiếng là phóng viên nhưng việc chính của chàng là: tối tối nếu sếp cần chàng có thể phóng xe máy đi mua bánh mì mang tới nhà cho sếp và gia đình ăn khuya, đi đón phu nhân cho sếp mỗi chiều, sếp nhậu ở đâu thì chạy tới vinh hạnh trả tiền cho sếp...Những chuyện này chẳng cần dòm dỏ để ý gì cả, vì chàng thường hãnh diện khoe ra với đồng nghiệp, thậm chí nhiều khi đồng nghiệp khác cáu vì chàng bỏ ngang xương công việc, thì chàng trợn mắt long trọng mà rằng: Tui phải đi đón con cho sếp chớ bộ ! Vẻ như, chàng khinh rẻ tất thảy những người khác vì không được làm Osin cho sếp như chàng.
.....
  Với những "đầu vào" như thế này, bảo sao đầu ra không" ngô vẫn hoàn ngô". 
Nói thế, bởi sau nhiều năm làm việc, vẫn chỉ quẩn quanh với những tin lễ tân, khai mạc cái này bế mạc cái kia khánh thành cái nọ tặng quà chỗ kia.... vẫn cứ câu cú không chấm không phẩy, vẫn cứ ngơ ngác trước những vấn đề mà cả xã hội đang nhao nhao bàn tán, viết về dân tộc mà không phân biệt được đâu là người Cill, người Lạch, người Mạ hay người Chu Ru; viết về cây cafe thì chịu chết không biết đâu là Robusta đâu là Catimo đâu là Arabica; không phân biệt được đình và đền, không biết hết các đơn vị hành chánh của một địa phương, các thuật ngữ khoa học hay chuyên môn vẻ như là một cánh rừng rậm...có cảm tưởng như chẻ đầu ra đổ chữ vào thì đảm bảo chữ nghĩa cũng sẽ theo tất cả các lỗ có trên đầu trên mặt mà trào tuôn ra hết...
Đó là sự thật, không hề thêm thắt chút nào. 
Kiểu tuyển dụng "cha truyền con nối" như thế này chỉ có một lợi ích duy nhất là : mỗi khi cơ quan có hội họp gì thì mỗi gia đình chỉ cần cử 1 người đi đại diện là xong ! 
Và với kiểu tuyển dụng này, những sinh viên báo chí học hành nghiêm túc, thực sự có năng khiếu nghề nhưng không thân không quen không tiền không bạc, càng không có bố hay mẹ làm nghề báo  khó lòng mà kiếm được một chỗ chen chân.
Bi kịch hay là sự khốn nạn của một nghề trót mang cái tiếng "sang"?
Chỉ biết, sự ghét bỏ, sự khinh miệt của nhiều người với nghề này là chẳng oan sai chút nào. Và trong đó sự đóng góp của những "con nối" cũng chả bé chút nào !


Phần nhận xét hiển thị trên trang