Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Thời đàm


CHẠY VIỆC, AI CŨNG BIẾT, AI CŨNG LÀM, AI CŨNG BÀN, NHƯNG...


CHẠY VIỆC, AI CŨNG BIẾT, AI CŨNG LÀM, AI CŨNG BÀN, NHƯNG...

Khá lâu rồi, khái niệm chạy việc bằng tiền ai cũng biết, nó hiển nhiên như ban ngày vậy (tất nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ chứ không phải là tất cả, ví như mấy bạn trẻ về cơ quan mình, mình còn tốn cà phê mời chúng, huhu, chúng đang ngồi phòng bên kia chứ không đâu xa nhé), giống như việc CSGT "phạt" dấm dúi (mà cũng chả dấm dúi, công khai đấy), là đương nhiên, nó có giá cả hẳn hoi, ngành nào bao nhiêu ngành nào bao nhiêu, thành barem hết...
Đến như cái anh giám đốc bảo tàng Hồ Chí Minh ở GL, đạo mạo thế, uỵch phát nhận tiền, đến 40 triệu, của một cô nhân viên hành chính để nhận cô ấy vào làm, mà cái cơ quan ấy có kiếm chác được bao nhiêu đâu, thế mà cũng mất đến 40 triệu để chạy.

Một dạo mình hay đi bộ với một anh nguyên là cán bộ có cỡ, hàm bí thư cấp huyện, về hưu. Anh than xin việc cho con mất 80 T mà vẫn chưa đâu vào đâu. Ngạc nhiên hết sức, mình bảo cỡ bác mà cũng... tốn tiền à? Ổng bảo cỡ nào chả tốn. Ngạc nhiên là bởi, ông coi đấy là việc đương nhiên.
 

Cũng không phải ngẫu nhiên mà muốn vào cơ quan nhà nước phải chạy tiền để rồi nhận đồng lương mà đằng thằng ra không đủ sống nửa tháng. Nó có rất nhiều kẽ hở, và vì thế mà những tỉnh càng nhỏ thì người tài gần như không về. Về vừa rất vất vả chạy tiền để xin được một chỗ làm, rồi... ngồi chơi nhận lương tượng trưng, phải nghĩ cách để có tiền, trong khi các thành phố lớn, các công ty nước ngoài, họ phỏng vấn trực tiếp, nhận rồi trả lương rất cao cho anh yên tâm làm việc và nhả chất xám cho họ.
 

Cũng không phải ngẫu nhiên mà giờ nhé, hễ con học dốt thì cho đi học trung cấp bậy bạ gì đấy (cũng phải chạy đấy), xong rồi về cơ quan bố hoặc mẹ (cũng phải chạy) rồi vài năm đi học tại chức, vài năm nữa ra trường, có mác ĐV, thế là làm... lãnh đạo, rồi lại tít mù cái vòng tròn ấy. Điều ấy lý giải vì sao tại chức mãi cứ có đất sống, dù nó đào tạo thế nào thì chả nói ai cũng biết...
 

Thế nhưng lạ là, khi các cơ quan chức năng vào cuộc sau phát biểu như sét đánh của vị chủ nhiệm ủy ban kiểm tra thành ủy Hà Nội (nói sét đánh là bởi lần đầu tiên có 1 quan cỡ ấy nói chứ không phải là lần đầu tiên có việc ấy) thì các cơ quan chức năng vào cuộc, và... phát hiện mỗi một vụ chạy chức, hơ hơ...
 

Thế nên, nhớ tên một tác phẩm: Phía Tây không có gì lạ. Đang không có gì lạ cái sự kiện rất lạ kia. Chạy tiền rất nhiều để  vào làm việc nhà nước với đồng lương không đủ sống nhưng rồi vẫn sống và sống sung túc nữa, và vì thế người ta tiếp tục dùng tiền để chạy xin việc???


 http://www.vanconghung.com/2013/01/chay-viec-ai-cung-biet-ai-cung-lam-ai.html

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Truyện thứ hai


MƯA GIÓ BÊN ĐƯỜNG
    

Chiếc Camry đỗ xịch bên đường, chênh chếch bên lối vào một siêu thị, bên trong vắng vẻ. Đây là con đường mới mở chạy lên Ba Vì nên xe có thể dừng bất cứ chỗ nào, không sợ  “Hành giả tôn” sẵn cây gậy như ý trong tay..
 Mười năm về trước chỗ này còn hoang vu. Chỉ có con đường đất sỏi ruồi chạy lên Đá Chông. Trước ngày Hà Tây nhập vào Hà Nội, hình như chính phủ đã có nhã ý mở con đường này to và đẹp lên gấp mấy lần, chạy tuốt qua rừng thông tới sát mép sông Đà.
Người ngồi trong xe là một mệnh phụ dáng quý phái có đôi mắt sắc, cặp môi tô son, nét nghiêm nghị,  trưởng giả. Cạnh bà, một thiếu phụ  trẻ hơn bà ít năm. Cầm vô lăng là một gã trẻ tuổi, mắt dáo dác nhìn ra ngoài, thói quen của người mới cầm lái lạ đường, mỗi lần xe đi hay dừng lại. Mới chỉ có một vài nét sơ khai của một khu phố đang hình thành. Ngã năm rộng, trống huếch trống hoác bày bán đủ thứ. Toàn nhu yếu phẩm dùng cho người nghèo. Khoai lang. Bắp non. Mía.. Hai dãy hàng nước dọc theo lối rẽ vào một trường Cao Đẳng vừa được nâng cấp lên hệ đại học. Được cái không khí trong trẻo, đường xá sạch sẽ. Có lẽ gió Sông Đà và mây trời núi Tản còn thắng thế, ô nhiễm chưa lần mò về đất này..
Mệnh phụ quay sang hỏi thiếu phụ trẻ tuổi:
- Phải chỗ này không em?
- Vâng, đúng chỗ này.. Để em gọi cho con bé xem rẽ lối nào, ở đây thưa nhà chắc tìm không khó..
Bà này phẩy tay, cái phẩy tay dứt khoát của người tự tin ở sức mạnh chỉ huy của mình:
- Thôi khỏi, ta cứ ở đây gọi nó ra. Chỗ bọn nó ở chật chội, chưa chắc xe vào được. Đằng nào thì đi từ sáng đến giờ, đã đến bữa, cũng phải ăn. Nó ra vào uống nước xong, rồi ăn cơm quán luôn thể.
- Nhưng.. Nhưng mà quán ăn ở đây sơ sài lắm, em sợ chị ăn không quen?
- Không sao, chị cô có lẽ cô còn chưa hiểu. Đã từng  chua chát đủ mùi, ăn một bữa có sao?
Thiếu phụ trẻ cười lấy lòng, hai núm đồng tiền sâu thêm trên khuôn mặt tròn như trăng rằm. Có lẽ đây là nét duyên dáng duy nhất còn sót lại của người tăng cân quá mức nhanh chóng.
Hai người mới quen nhau vài tháng trước đây. Đúng là họ chưa có đủ thời gian và sự trải nghiệm để hiểu hết về nhau một cách đầy đủ. Mệnh phụ không nói ngoa, không phải dùng “Lối đòn bẩy” như nhiều người may mắn vào cảnh đời sang trọng, muốn nhắc đến cảnh khổ ải xưa kia để tôn vinh bây giờ. Bà đã rất thật. Chính con đường này bà đã từng đi qua cách đây ba chục năm. Lúc đó đi bằng xe đạp, không phải “xế hộp”như bây giờ. Lại không phải đi không. Hai bên là hai sọt thồ nặng khủng, chở sắn tươi, sắn lát mang về Hà Nội. Người thủ đô bấy giờ như thể nghiện thứ củ này. Có người còn lãng mạn gọi nó là “Sâm Việt Nam”.
Con đường này “những năm gian lao mà anh dũng” ấy vắng tanh vắng ngắt, thưa cả bóng cây. Đi cả chục cây số mới thấy một hai ngôi nhà của dân khai hoang. Đất rặt đá ong, sỏi ruồi, ngoài sắn ra, khó mà trồng nổi thứ màu khác. Sau rồi để tiết kiệm đất, chính phủ chuyển đến doanh trại quân đội, trường lái xe.. Những đơn vị xã hội chỉ cần mặt bằng rộng rãi, không cần đất đai màu mỡ làm gì.
Bây giờ ngồi trong xe bạc tỷ này, bà vẫn nhớ như in cảnh vật những gì xảy ra tưởng như  chưa thật lâu.. Đang mơ màng như thế, Thiếu phụ ngồi bên vỗ nhẹ vào đùi mệnh phụ:
- Kìa, cháu nó ra kia rồi chị!
Bà ta bỏ cặp kính đổi màu như để nhìn cho rõ, bảo cậu tài:
- Còi lên cháu, để em nó biết xe mình đang ở đây!
Từ xa, một cô gái dáng người mai mảnh đang đi lại. Tay cô xách cái xắc nhỏ có con giống bé tẹo, mốt của các cô gái trẻ ưa dùng.. Cô đang đi lại gần. Mệnh phụ có vẻ hồi hộp.Thiếu phụ nhấp nhổm, không yên..

**
Gời đất ạ, con lọ lem nào thế này? Bà chủ giật mình. Vẻ mệnh phụ phu nhân đột nhiên biến mất. Thay vào đó là cái nhìn cảnh giác của người buôn bán trao tay có nghề. Nét mặt bà ánh lên tia nanh ác dễ sợ, bà hỏi trống không:
- Là con bé này à?
Thiếu phụ phốp pháp đi cùng bà chưa hiểu ý, vẫn toe toét cười:
-Vâng là cháu đấy ạ, chị bảo không vào chỗ nó nên em gọi nó ra mà.
Bà chủ đã lấy lại vẻ thản nhiên sau cái bất ngờ vừa rồi, bảo:
- Cô xuống đưa cháu vào quán ngay trước kia đi. Tôi cho đánh xe vào..
Phốp pháp lật đật xuống. Hai dì cháu nhìn nhau. Dì buột miệng:
- Mày làm sao thế này? Vừa ốm dậy à ?
- Không, cháu khỏe..
Bà dì nhỏ giọng:
- Khỏe gì mà.. ( Định nói nốt câu: Nhơ nhác như con ăn mày thế này? Mày hại tao rồi) Nhưng dì nói sang chuyện khác:
- Dì đã bảo con là chuẩn bị hẳn hoi, sao lại không biết trang điểm, thoa chút son, phấn? Con gái lớn rồi mà mà.. ( Định nói : Mẹ mày không biết dạy con, con gái, con lứa..). Nhìn ánh mắt của bà dì, con bé hiểu. Nó định chào rồi xin phép trở vào luôn. Dì nó biết, nói:
- Thôi cứ vào đây!
Nó đi sau bà dì mấy bước. Thực tình nó chưa biết dì nó gọi nó ra đây để làm gì? Cái bà nhìn người nửa con mắt kia nữa, nó có quen bà ta đâu? Sự có mặt của bà ta ở đây là như thế nào? Chợt nhớ cái truyện nó đọc đâu đó trên mạng.. Chẳng lẽ chuyện ấy lại xảy ra đối với nó? Có những bà mẹ bán con gái mình cho tụi buôn người, thì việc bà dì làm môi giới không có gì đảm bảo sẽ không xảy ra? Thời buổi khó khăn, cảnh đời linh loạn, người ta vì tiền có thể dám làm tất cả.
Nhất là ánh mắt nhìn của bà ta khi nãy. Lạnh lùng. Tính đếm. Như đi mua hàng chứ không phải gặp gỡ con người. Dì là mẹ. Nếu quả thật có việc này, dì tệ quá.. Nó sẽ hận dì suốt đời. Nhà nó nghèo, bố mẹ là nông dân, nhưng không bao giờ bố mẹ nó chấp nhận chuyện này. Chắc là không phải. Nó hy vọng thế.. Nhưng dù sao chuyện gì cũng phải minh bạch. Nó không quen để người khác dẫn dắt còn mình ở thế thụ động. Nó hỏi :
- Dì gọi con ra đây có việc gì ạ ? 
Dì bấm vào tay nó :
- Nói nhỏ thôi, không có việc tao gọi mày ra làm gì? Tao mất công đưa người ta từ trên nhà đến đây, hàng trăm cây số.. Không có việc tao đi làm gì?
Dì kéo nó vào gốc cây:
- Bà này là tổng giám đốc công ty của dì. Nhà bà ý giàu lắm. Con trai làm giám đốc bên T. Nó đang kén vợ..
- Có quan hệ gì đến cháu? Dì gọi cháu ra là sao ạ?
- Mày ngu vừa thôi.. Tao định làm mối cho mày với con trai bà ý. Vào đấy được có khác nào chuột xa chĩnh gạo. Mà dì lại có phận nhờ..
- Thì ít ra dì cũng phải hỏi cháu trước đã chứ? Bây giờ cháu gặp bà ấy để làm gì. Nói gì với bà ấy. Thôi cháu không gặp đâu..
- Hay mày yêu thằng nào rồi? Mà có yêu rồi, gặp thằng hơn, vẫn cứ phải lảng ra, tìm chỗ mới ngon lành hơn. Người ta ở đời nhìn lên mới hay, chứ nhìn xuống hay gì? Người ta đi cả trăm cây số đến đây, dẫu có không muốn, cũng phải lịch sự chút chứ! Mày định cho dì hết đất làm ăn à?
Nó lấy làm lạ. Thời buổi này sao vẫn còn có người đi tìm vợ cho con, khi hai bên chưa biết nhau mặt ngang mũi dọc thế nào? Hay là có uẩn khúc gì mà anh chàng kia phải để mẹ đi tìm hiểu thay mình? Quê nó đã có chuyện chú dể phải thuê người đi tìm hiểu. Chàng ta lưng gù, teo một bên chân. Đám cưới rất “hoành tá tràng”. Dâu về đến nhà mới vỡ lẽ. Nửa đêm nhân lúc vắng vẻ vội tháo thân chạy ra đường, tìm xe ôm trở về nhà. Kịch bản ấy kể có người không tin. Thời buổi này làm gì còn xảy ra chuyện đó? Nhưng mà có thật trăm phần trăm. Tự nhiên nó thấy hoang mang. Thấy sợ, dù chẳng làm nên tội lỗi gì để phải sợ. Lẽ nào chuyện tai quái ấy lại xảy ra với nó? Lại là do dì, em ruột của mẹ gây nên?
***
Trước lúc ra đi đằm thắm, mặn mà bao nhiêu, giờ thì lơ đãng, nhạt nhẽo bấy nhiêu. Phốp pháp biết ý bà chủ không bằng lòng. Mới tối qua thôi, mụ ấy còn gọi người đến tận nhà phụcvụ, spa cho mình. Tô điểm cho chả khác cô dâu sắp về nhà chồng. Son, phấn toàn thứ thượng hạng. Có tiền vẫn khác. Phốp pháp chả bao giờ dám đụng đến những thứ ấy. Chưa giảm cân thế này, trang điểm cầu kỳ quá ích gì? Nhưng vẫn chiều lòng, không muốn mụ ý phật ý. Nồi cơm nhà mình bây giờ vơi hay đầy lúc này phụ thuộc vào thử biểu tinh thần con người sắc sảo, tinh quái này. Mình chỉ là “tay con” trong cái công ty hết sức mơ hồ mà lại nhiều lợi nhuận này. Thực ra chính mình mới là người kiếm lời về cho mụ. Ngôi vị của mụ trong hệ thống mạng lưới cao ngất ngưởng một phần do mình đóng góp. Hô hào hết anh em, con cháu trong gia đình tham gia “công ty bảo vệ sức khỏe” của mụ. Chả biết rồi ra lợi ích thực sự sẽ đi đến đâu? Đến lúc hiểu ra chuyện đã lỡ rồi. Mỗi năm đóng hàng chục triệu, không phải ai cũng theo được tới cùng. Mà không theo nữa là “Phá vỡ hợp đồng”. Có kiện đến ông thiên lôi cũng chẳng đòi lại được. Hóa ra cái tên khốn nào đó nghĩ ra trò lừa đảo này đã tính đến nước cờ này. Hắn biết phần đông theo vào mạng lưới bề ngoài vô cùng lợi ích, lại có vẻ cởi mở, rất bảo đảm.. Nhưng rồi sẽ bỏ cuộc. “Chó thui nửa mùa hết rơm”. Điều này chỉ xảy ra vài ba năm tiếp sau.. Khi ván đã đóng thuyền, không cưỡng lại được. Biết là biết vậy, theo vẫn phải theo. Tiếp tục cho nhiều con mồi vào tròng. Mỗi người phốp pháp cũng kiếm được vài ba triệu. Trái ý, mụ tìm cách đưa sang cạnh, mình công toi! Còn bao người nhà vì mình dính vào. Tiền tiêu rồi hết. Tính nghĩa tính thế nào đây? Có những thứ mà dù bừa bãi đến đâu cũng không ai dám dẫm đạp vào, đó là tình cốt nhục. Vì ham chút lợi, vô tình mình đưa chị em trong nhà vào cuộc. Mẹ con bé này là một trong số nạn nhân. Chuyện mai mối giống như sự bồi thường. Cốt giữ được tình chị em với mẹ nó. Ai dè cơ sự xảy ra như thế này?
Thằng con trai bà chủ lúc mình vừa đến chiều hôm trước cũng về. Nó khinh khỉnh, trông đã ghét. Mình chủ động bắt chuyện, gây tình cảm. Nó ngó ngơ, như mình là kẻ ở nhà nó.
Đi cùng nó có con bé cảnh sát mới ra trường. Nghe bảo bố nó làm khá to nhưng mẹ nó không thích. Hai bên có hiềm khích từ vụ bắt bớ từ lâu rồi. Mẹ nó bị mất chuyến hàng, bị giam mấy tháng vì tội buôn lậu. Bây giờ hai bên khó lòng ngồi để tính chuyện trăm năm của con cái. Con bé này giòn, xinh. Phốp pháp nhìn không thấy, nhưng mụ chủ bảo “Nó có cái nét ác, cô cứ nhìn kỹ khác biết. Lấy vợ cho con cốt người hiền thục, cảnh sát, cảnh siếc về để dọa ai? Tôi là tôi dứt quyết..”
Tình cờ hôm đi đền Mẫu, hỏi chuyện gia đình. Mụ chủ ao ước tìm được con bé nào tuổi Tỵ làm vợ cho con trai mình. Phốp pháp nghĩ ngay đến con bé cháu gọi bằng dì. Biết đâu công đôi việc. Giải tỏa được sự oán thán của chị gái, thêm chỗ thân tình với bà tổng này? Phốp pháp mở miệng. Bà tổng như bắt được vàng. Hẹn hò mãi, mới có chuyến đi này. Tối hôm đó bà ta nói trắng vào mặt cô cảnh sát kia. Rằng thì. Là. mà.. Cô ấy giận đùng đùng ra gọi tắc xi, giữ thế nào không được. Anh con trai tức tím mặt, không nói không rằng cũng phóng xe đuổi theo. Đến sáng, lúc hai người đi, vẫn chưa thấy về.
Bà tổng bảo: “ Kệ nó. Lớn người, tính trẻ con. Việc này tôi quyết là được. Trước nay bố con nó có dám trái tôi đâu. Cô đừng quan tâm..” Thấy tổng quyết liệt như thế, phốp pháp yên lòng. Chỉ mong chóng đi đến nơi..
****
Bên đường mưa bắt đầu rơi lất phất. Thứ mưa của giêng hai mơ mít, mờ mịt. Không nhìn rõ khung cảnh nữa. Những nếp nhà như bé lại, co ro. Có cái gì đó đặc quánh lại. Khó hiểu. Trên bàn nửa con gà vừa được chặt ra bốc hơi nghi ngút. Chai.cốc.Thìa, nĩa sáng bóng. Đây là quán sang trọng và đắt đỏ nhất vùng này. Bà tổng quả là có cái nhìn tinh tế và biết cách, biết chỗ tiêu tiền. Nhưng đấy là cách đây mươi phút, khi con bé chưa đến gần. Nó ngồi bẽn lẽn. Mang máng hiểu ý của dì phốp pháp. Nó phân vân. Nghi hoặc vì chưa rõ lý do, nhưng nó chắc chắn không xảy ra theo ý nghĩ không hay vừa thoáng qua. Con bé cực nhạy cảm trong những việc như thế này..
 Cách đây mấy hôm trường nó hưởng ứng hiến máu nhân đạo. Nó cho hai trăm cc. Lúc bước ra ngoài nó xây xẩm mặt mày, chúi xuống phía trước. Mấy đứa bạn đi cùng vội dìu nó trở lại.Người ta tiêm cho nó một ống thuốc không biết là thuốc gì. Nửa giờ sau nó về trường. Hơn một trăm ngàn tiền bồi dưỡng nó để quên, hay mất lúc nào, ở đâu đó. Không thể nhớ. Đầu óc u u minh minh như vừa trải qua trận ốm. Người cứ lạnh rồi lại nóng, nham nháp sốt. Đến bữa, cố mà không nuốt nổi bát cơm. Mọi bận cứ đến giờ cơm, bụng cồn cào. Bữa cơm sinh viên thường xuyên ít, chả thấm gì. Ăn xong vẫn thòm thèm dù thức ăn không có gì nhiều. Hôm quả trứng vịt muối. Hôm mấy miếng đậu phụ kho mặn, bát canh lưa thưa vài cọng rau. Vậy mà ăn cứ ngọt đi, trôi luốt trong miệng rất nhanh. Nhưng bây giờ, cơm có cảm giác như cơm nguội, đậu phụ bằng gỗ, canh chua chua.
Bạn nó sợ, gọi điện về nhà báo nó ốm. Bố gọi xuống, nó nói dối: Chỉcảm cúm sơ sơ. Là tại nó. Người ta không bó buộc.  Thể tạng nó yếu, không hiến cũng không ai bảo sao. Hiến máu tự nguyện, ai bắt mình đâu? Nhưng  bạn bè đua nhau, chả nhẽ mình không? Nó cũng đang cần tiền nữa. Tháng trước nhà chưa kịp gửi, vay tạm của bạn, chưa biết trả bằng cách nào?  Tiền bồi dưỡng có khi đủ trả nợ. Bạn bè cùng cảnh học trò áo ngắn, có đứa nào dư dả đâu? Mấy tối liền tự nhiên nó cứ thức chong chong không chợp được mắt. Người như con mõ mương. Mắt hốc sâu. Da trắng nhợt.. Nó biết bà đi cùng với dì nó đang nghĩ gì trong đầu. “Thanh niên bây giờ hư hỏng”. Vẻ ngoài của nó do sinh hoạt thiếu lành mạnh nên bề ngoài như thế chăng? Làm sao bà biết được những gì đã xảy ra?
Tự nhiên lòng tự ái của nó trỗi dậy. Bà ta có quyền gì xét nét nó? Nhìn nó như một món hàng thế kia thì dẫu nhà bà có tám tầng bằng vàng nó cũng không thèm. Con trai bà tốt xấu hay dở ra sao cũng mặc xác anh ta. Anh ta có là con tể tướng nó không quan tâm, chứ đừng nói giám đốc, giám điếc. Thời buổi lạm phát mọi bề thế này, danh xưng cũng chẳng còn cao quý được bao nhiêu mà hóng. Nó thường thôi, nhưng có lòng tự trọng. Đâu phải hạng thấy giàu sang tít mắt, quáng quàng săn đón?
Nghĩ thế, nó cũng làm lơ.Mưa gió bên đường chả có gì đáng xem mà nó cứ quay ra ngoài nhìn ngắm như thể tò mò. Bà tổng càng giận. Bà khẽ nhếch miệng rồi cầm đũa, im lặng. Ăn như như xong việc. Vài câu ngắn ngủi. Xã giao.
Bà qua loa, buông đũa, ra bàn. Tăm xỉa lia loắng.
Chỉ có dì phốp pháp là khó xử. Dì biết bữa ăn này ai phải là người trả tiền? Dì gọi hầu bàn. Bà tổng ngơ như không. Mặt dì xiết đối hối hận. Tươi tỉnh ban nãy biến đi đâu? Có lẽ nó hòa vào màn mưa bí hiểm đang che phủ bên đường.
Khi tâm trạng người ta không vui, mưa xuân đâu có gây được ấn tượng gì?

======

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Tập truyện ngắn của Hồng Giang

Tới đây HG sẽ XB tập truyện ngắn mới của mình gồm 15 truyện. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa. Đa tạ sự quan tâm và những góp ý của mọi người cho tác giả để hoàn thiện cuốn sách được tốt hơn.
 Truyện thứ nhất:

CHUYỆN LẠ MÙA THU
                            
      - Cứ đi thẳng vào trong cái hẻm ấy, may còn chỗ cho thuê trọ! - Gã xe ôm nói nhõn một câu sau khi nhận tiền xe, rồi vội vàng đi ngay. Miệng nói, nhưng mắt cứ đảo liên tục, dớn dác tìm khách mới. Mồ hôi dầu lấm tấm trên mặt, bui và gió làm nhòe nét mặt, nên không biết gã đã bao nhiêu tuổi?
 Thành không lạ chỗ này. Hình như ngày xưa nó là cánh đồng rau thì phải. Con mương tưới bây giờ thành lối thoát nước. Nước đen như pha mực tàu, bốc lên mùi nồng nồng, chua chua, thum thủm. Nắng hạn đã lâu, vậy mà nước lai láng mặt đường, có chỗ đọng thành vũng. Khỏi phải nói, nếu trời mưa cả khu vực sẽ biến thành dòng sông là cái chắc.
Thành phố phình lên, phát triển vội vàng, tạm bợ, cảnh tượng cứ như vừa qua một trận động đát, mới tạm thu dọn qua loa.
Hai bố con vào sâu trong ngõ. Chỗ nào cũng nói: “ Hết chỗ rồi, ai bảo đến chậm?”. Rẽ sang một ngõ khác, bên cạnh một công trường xây dựng, biển đề “ Nhà máy chế biến thức ăn gia súc”. Thành lẩm bẩm:” Thiếu gì chỗ mà lại dựng nhà máy thức ăn gia súc ngay nội đô như thế này?”. Gần chỗ ông ở cũng có một nhà máy y hệt thế. Rác thải của nó chất cao như quả đồi. Nước bẩn từ khu sản xuất chảy ra đen xịt một quãng sông. Những nhà ở gần đó trồng rau cũng không mọc được vì nước thải ngấm vào đất. Không thể nuôi nổi con gì. Chó mèo mang về vài hôm là lăn cổ ra chết. Có chăng chỉ muỗi và con người còn sống được.
Người ở xung quanh nhà máy da cứ bợt đi như đói ăn, ngâm nước lâu ngày. Ô nhiễm nặng, ăn gì cho lại?
Một chỗ ở gần nơi như thế, xem ra cũng không dễ. Nhà nào cũng lèn đủ số có thể cho sinh viên trọ. Các loại “thợ” từ khắp các tỉnh về, người đi chợ, thu mua phế liệu, cả những ả cave váy cũn cỡn, mặt nhoe nhoét phấn. Một khung cảnh méo mó, xộc xệch, bệ rạc, lộm cộm không sao nhớ nổi.
Đang đi, một ả chặn ngang đường:
- Bác đang muốn tìm nhà trọ?
- Vâng, cô biết chỗ nào làm ơn chỉ cho tôi, cảm ơn quá..
- Vậy bác đi theo cháu..
Hai bố con lưỡng lự một chút rồi đi theo. Dãy nhà trọ từ xa giống như kiểu “nhà chuồng gà”, từng ngăn, từng ngăn một, giống hệt nhau, cửa quân bài sơn xanh đồng loạt cất ngay bên dòng mương. Có lẽ để khỏi nhìn thấy dòng nước hôi hám nên tất cả các phòng đều xoay lưng lại, tựa vào hàng dừa lá xanh thẫm. Dừa là giống cây ưa gần thứ nước bẩn và mặn này, lá cứ xanh thẫm lên, nom ám muội ra làm sao đâu! Đi được một quãng, vẻ nhấp nhởi từ hai cô gái lạ biến mất. Có cái gì quen quen như.. “những người cùng làng”. Giọng một cô chùng xuống:
- Trọ ở đây vô giá lắm bác ạ. Triệu rưỡi tháng, một phòng. Năm mười triệu cũng có. Sinh viên tỉnh lẻ về, bác chọn chỗ này là chính xác đấy!
Hôm qua một người quen dẫn hai bố con sang phố bên. Hỏi giá, người ta đòi tháng   mười lăm triệu! Thế mà vẫn có khách thuê.
Gặp thằng cháu họ, nó mừng quýnh, đưa vào phòng nó vừa thuê tháng trước. Phòng nó có điều hòa nhiệt độ, ti vi, tủ lạnh, chỗ nấu ăn, tắm nóng lạnh.. Hỏi giá bao nhiêu một tháng, nó bảo “ Hai mươi chai, có bếp ga nhưng cháu toàn ăn cơm hàng, ngại nấu nướng..”.
Nó rủ thằng con ông ở chung với nó, ở một mình “chán như con gián”, ấy là nói theo cách của nó! Ông hiểu ngay ý nó muốn gì? Thằng con ông ở đây khác gì thằng đầy tớ cho nó? Quyét dọn, giặt quần áo cho nó đã đành, không đấm lưng, xoa bóp cho nó mới là lạ? Có thể thằng con ông không ngại những việc đó, nhưng ông ngại. Ông từng nghe nói về thằng này. Có lần bố nó về quê than về nó. “Sướng thế đấy nhưng học hành có ra gì đâu? Suốt ngày gái gú, bài bạc, nghe nói dính dáng cả đến ma túy nữa”. Gần mực thì đen. Nó bảo nó cho ở không, tiền trọ nó trả, ông cũng không dám nhận lời, đành nói lảng :
- Chú có chỗ rồi, sang đây thăm anh ăn ở thế nào thôi, để anh em biết chỗ của nhau, khi cần thì qua lại.
-Vâng, nếu có chỗ rồi thì thôi, cũng không sao – Miệng nó nói vậy, mắt nhìn nghiêng nghiêng ra điều hiểu trong bụng ông đang nghĩ gì, chẹp miệng, quay vào.
Con ông nói nhỏ vào tai bố, khi ra đến ngoài đường:
- Bằng thu nhập cả năm của nhà mình bố ạ!
- Chuyện, cả bố lẫn mẹ nó đều là giám đốc, cỡ quan tỉnh, nhà nó thiếu gì tiền? Nếu nó học được như mày, bố nó đã cho du học bên Hoa Kỳ rồi. Mang tiếng là đi học, nó ít khi đến lớp. Nó thuê hẳn một thằng hàng ngày mang cặp đến trường học thay nó.. Mày bì với nó thế nào được!
Ông không ngờ thằng con ông nói:
- Nó không bì được với con thì có. Sướng thế chứ sướng nữa, cũng chẳng giá trị gì. Nhìn cái mã nó là con biết học hành chẳng ra gì! Học không cầu kiến thức thì đi học để làm gì? Khổ cho bố mẹ, không có ích cho mình, không ích cho ai. Bố mẹ hết thời dựa vào đâu? Dù cho có của ăn hết đời sau, sống thế con cũng không ham!
Ông mừng, ra nó cũng biết nghĩ, vậy mà ông cứ lo.. Nhưng vẫn bảo:
- Anh đừng có chủ quan! – Miệng nói thế, nhưng ông thấy mắt lại cứ cay cay, cũng là con người cả! Con người ta thì chẳng thiếu thứ gì. Con mình đến chỗ ở cũng phải hà tiện, nói gì cái ăn cái mặc? “Thôi thì cố lên con nhé!” như người ta nói.. Thấy tủi thân, không biết đang giận cái gì? Bố cái thằng này ngày xưa cùng học với mình ở trường B.K. Nếu không được chiếu cố diện gia đình chính sách, chắc chẳng thể nào tốt nghiệp. Cái thằng chân tay to, đầu óc đơn giản, trán ngắn, mặt vành ra hai bên như cái bánh đúc méo thế mà có số sướng, con nó bây giờ lại sướng hơn con mình..
Mới nghĩ đến đấy, đã đến nơi.
Cô gái đã cửa mở phòng, mời hai bố con vào. Cô rót cho mỗi người một cốc nước lọc, nói như phân trần:
- Bác đừng đánh giá chúng cháu nhé. Chẳng qua chúng cháu cũng cũng vì hoàn cảnh. Bác là nhà báo cháu biết không giấu bác được. Ở đời ai chẳng muốn đẹp muốn giòn? Ai muốn thế này đâu ạ?
- Sao cô biết tôi làm báo?
- Hôm vừa rồi cháu thấy bác trên ti vi nhận giải thưởng báo chí. Gặp là cháu nhận ra ngay, hóa ra bác là đồng hương, chỉ khác huyện..Chỉ xin bác đừng viết gì về chuyện gặp cháu ở đây, bác nhé!
- Chuyện ấy cô đừng lo. Báo chí nước mình chỉ nói cái hay cái đẹp. Nói điều phức tạp làm gì?  Thôi bỏ qua chuyện đó, cô bảo có chỗ cho trọ, chả nhẽ chỗ này ư?
- Không sao đâu bác ạ? Chỗ này gần trường, em nó lại không có xe máy, chẳng tiện sao? Hai chị em cháu ban đêm bận “đi làm”, chỉ ở nhà ban ngày. Em nó thì ngược lại, tuy là ở chung, nhưng không cùng nhau.. Nếu bác thuê riêng một phòng hơi cao tiền.. Hay là cứ tạm như thế đã, nếu em rủ thêm được bạn tìm thuê phòng chung nhau sau cũng được..
Ông Thành biết cũng không còn cách nào khác. Đêm hôm qua hai bố con phải thuê tạm một phòng, vừa tối vừa chật mà phải trả ba trăm ngàn một ngày một đêm. Nếu thuê cả tháng tiền đâu cho xuể ? Lương của hai vợ chồng có lẽ chỉ đủ thuê phòng cho con.. Còn bao nhiêu khoản khác lấy ở đâu? Ông đành chép miệng:
- Chú có việc phải về gấp, thôi có gì hai chị giúp đỡ em, rồi chú sẽ tính sau.. Bây giờ trưa rồi, ta tìm chỗ nào ăn cái đã..
    Thằng con không nói gì, nó lúng túng, mặt cứ đỏ lên như bị sơn ăn mặt. Nó biết  “Khổ học” là như thế nào, về sau càng tốt chứ sao? Ông nghĩ trong bụng như vậy..
**
Ông Thành, bố nó về sau bữa ăn cực kỳ tốn kém đối với nó. Hai con bé  “đồng hương” đòi trả tiền, ông không nghe. Có bốn người, ăn uống chả có gì nhiều, hết gần nửa triệu bạc.
Nó nhớ lại hồi cuối năm, đi Tam Đảo về, bố nó kể rất hài hước; “Mùa này trên đó vắng khách lắm, hàng nào cũng có người chổng mông mài dao, vớ được “quý khách” nào chém cho bằng chết..” Ở Hà Nội nó không thấy ai mài dao, mà chặt chém cũng ghê phết, có kém gì đâu? Chả khác nào lỗ đen, bao nhiêu tinh tú nó đều nuốt chửng hết. Không biết mình sống, ăn ở thế nào đây? 
Con bé già tuổi hơn, người gày, tóc ngắn là đứa thạo. Nhìn vẻ ưu sầu của nó như đoán được, bảo:
- Bọn chị muốn đưa bác đến chỗ “ngon lành cành đào” đãi cho cụ một bữa, chứ ăn hàng ngày tiền đâu đến chỗ ấy? Có chỗ gần nơi bọn mình ở, ăn rất rẻ, chỉ tội không được ngon, cậu có chịu không?
 Nó thành thực:
- Em ở nhà quê, ăn uống thế nào cốt xong bữa. Các chị ăn được, chắc em không dám chê..      
Thế mà đến chiều, phải cố lắm nó mới khỏi buồn nôn khi và miếng đầu tiên vào miệng. Cơm sống, cơm nát lẫn lộn. Còn thịt không biết gồm những thứ thịt gì, vừa hôi vừa chua rất khó tả, cứ nhơn nhớt như vừa vớt ở dưới ao lên. ( Sau này nó mới biết đó là những thức ăn thừa ở các khách sạn, nhà hàng được thầu về đây bán cho học sinh, sinh viên, người lao động vãng lai ). Còn canh thì khỏi nói, nom cứ vàng như dưa, chắc là rau ôi, mua cả đống ngoài chợ về.
Vậy mà khách vẫn đông, không đủ chỗ ngồi. Gian hàng hơn chục mét vuông kê mấy cái bàn, mỗi cái mỗi kiểu, chỉ rộng bằng nửa cái bàn học của trẻ em mẫu giáo. Ghế cũng không khuôn khổ nào, cái thấp cái cao. Chủ hàng có chân trong nhóm buôn phế liệu, nên mới có kiểu bàn ghế như vậy. Cái nào cũng cáu bẩn, nứt nẻ, ít cái còn nguyên vẹn.
Ngay cả mái lợp, vách tường cũng bao gồm đủ thứ thập cẩm. Vỏ phuy đựng nhựa đường, tôn cũ, bìa các tông.. Vá víu, xiêu vẹo rất buồn cười.
Được cái bà bán hàng sởi lởi, nói ngọt như mía. Thì bà cũng từng cảnh lấm láp, than bụi, bốc xếp, khuân vác mà nên. Bà mới vừa thoát cảnh đầu do, mặt muội ít năm lại đây nhờ thu mua sắt vụn, giờ bà vẫn chưa bỏ nghề cũ, đưa con cái từ quê lên, thuê đất, mở thêm cái hàng ăn này.
Ngoài giá rẻ hơn các chỗ khác, nếu thực khách cơ nhỡ, bà vẫn cho ăn thiếu, bán chịu cho. Bên trong cái tủ quây bằng lưới mắt cáo đựng thức ăn còn thấy quyển sổ khá dầy dính đầy mỡ lợn, than đen nhẻm dành ưu tiên cho các thực khách đó. Sinh viên nhà chưa gửi kịp tiền, người làm công chưa đến tháng lương.. có thể đến đây trông cậy vào bà.
Xong bữa nó cứ thấy bụng binh bích, tưng tức. Vội lấy mấy viên Cơloxit ra vã vào miệng. Nghĩ chắc kiểu này khó mà sống được lâu quá! Người ta cứ nói vệ sinh thực phẩm đâu đâu. Có thể những chỗ nhếch nhác như thế này không ai để mắt tới.
Nhà nó ăn uống cũng chẳng sang trọng, ngon lành gì nhưng được cái sạch sẽ. Cơm canh nóng sốt, rau của nhà trồng không có cá thịt ôi thiu như chỗ này.
Nhưng vẫn còn may. Có mấy đứa học Kinh Tài gọi điện đến bảo chỗ bọn nó không có hàng ăn. Phải đi cả chục cây số mới đến. Hỏi chúng mày làm thế nào? Bọn nó bảo : “ Cái khó ló cái khôn”. Giời ạ, “Khôn” cái con tiều. Chui vào nhà toa let nấu vụng cơm vì chỗ trọ cấm đun nấu trong nhà. Có hôm chủ trọ bắt được chửi như té nước vào mặt.. Từ bé đến giờ nó chưa thấy ai nấu nướng như thế bao giờ. Có đứa “Thông minh” hơn, giấu nồi cơm điện vào ba lô, giả vờ vào thư viện, cơm chín là lúc trả sách đứng dậy. Thảo nào có lần nó đọc ở đâu đó về sự hồi sinh của “văn hóa đọc”. Có lẽ các bác nhà văn hay tin này thì vui lắm! Nếu không các bác ấy viết để làm gì nhỉ?
Mỗi tháng mẹ nó bảo sẽ gửi cho hai triệu. Trừ tiền trọ, tiền điện, nước mỗi ngày chia ra, còn bốn mươi ngàn đồng. Quy ra đô la Mỹ như người ta tính, xấp xỉ hơn một đô! Nếu không ăn ở đây, còn chỗ nào thích hợp hơn? Còn khá hơn những đứa bố mẹ là nông dân. Bọn chúng chỉ có một đô la một ngày. Không biết bọn nó sống bằng cách nào? Chắc là phải đi làm thêm đủ loại công việc. Chỉ nghĩ đến thôi nó đã cảm thấy như bị xúc phạm. Cái tự ty, tự ái vặt của con nhà nghèo thường vùng lên, phẫn nộ không đúng chỗ như vậy.. Nhưng mà rồi cũng phải làm thôi, còn những bốn, năm năm nữa mới ra trường chứ đâu phải ngày một, ngày hai. Bố mẹ làm sao chu cấp mãi được, chưa kể ở nhà có chuyện gì? Ốm đau, tai ách chẳng hạn..
Hai con bé vẫn rì rầm cái gì đó, chưa ăn xong. Nó bảo về trước. Hai con ừ, không giữ..
Ra tới cửa có một thằng cao to lêu đêu đâm xầm vào nó. Nó định gừ.. nghĩ mình “ma mới”, lại thôi. Thằng kia vội rú lên:
- Khánh hả?
- Ừ!
- Xuống khi nào?
- Mới!
Chuyện vài câu, thằng kia bảo:
- Tao cũng trọ gần đây, nửa ngày đi học, nửa ngày  đi làm thêm, nếu mày thích hôm nào tao giới thiệu cho chỗ có việc?
Nó mừng húm, nhưng vẫn bảo:
- Ờ, để tao xem thế nào đã..
**
Căn phòng rộng hơn chục mét vuông. Kê một cái bàn nhỏ bằng nhựa, để son phấn, đồ trang điểm, mấy thứ vặt vãnh.. Kế bên chiếc giường gỗ ván tạp cũng hình quân bài. Một tấm đệm cũ trải phía trên. Hai cô gái nhường nó nằm trên giường, nó không nghe.
Dù sao nó cũng “Nam tử hán”, làm sao lại tranh chỗ của phái chân yếu, tay mềm? Cái đệm cũ trải ra phía đối diện thành chỗ nằm của nó. Độc nhất chiếc quạt để bàn không có lồng bảo hiểm, hỏng tuốc năng không còn quay được, dùng chung cho cả phòng..
Hà nội sang thu rồi mà bức bối chưa dịu. Hơi nóng từ mái tôn úp xuống, hơi người bốc lên, ngột ngạt như ở trong hầm. Dưỡng khí ở đây có lẽ chỉ bằng nửa ở quê nhà, nơi bạt ngàn cây xanh. Gần như ngày nào cũng cắt điện. Lúc đó chỉ muốn chạy ra ngoài bờ mương, nhưng mùi xú khí bay lên, thốc vào mũi không sao chịu nổi. Về đến nhà, cả hai cô gái chả cần ý tứ gì nữa, cởi hết quần áo ngoài, chỉ mặc áo con và mỗi chiếc quần đùi.
Một thứ mùi gì đó là lạ hòa quyện vào gian phòng khiến nó nôn nao, khó thở. Tiếng xe cộ, tiếng máy trộn bê tông ở gần đấy vọng vào, tiếng ồn ngoài đường vọng tới.. Tất cả như hỗn hợp tiếng động của một cơn dông, tiếng cựa mình của con quái vật khồng lồ làm nó xây xẩm mặt mày. Nó tự trấn an là do mình chưa quen. Đang sống ở nơi thanh bình, yên tĩnh nên chưa thích nghi với môi trường sôi động nơi đây. Nhưng đến bao giờ thì thích nghi, với nó giờ này hoàn toàn chưa biết?
Ra đụng vào chạm với người khác giới, với nó chả khác đụng phải dây điện để trần, chạm phải lửa. Có muốn tránh cũng không được. Nó thường vờ quay mặt nhìn đi chỗ khác, không để mắt tới hai cô gái. Quả là sự bất tiện, dù đã có ý nhưng thường xuyên va chạm vào nhau. Các cô cũng chỉ hơn nó dăm ba tuổi, sự hơn kém có thể san bằng bất cứ lúc nào nếu nó có ý nghĩ u ám.
Ý nghĩ này dằn vặt nó. Bứt dứt. Không yên.
Ngày hôm sau, khi nó ở trường về, nó thấy hai cô đang hí húi nấu cơm. Họ mua thanh lý được bộ bếp ga của một người trọ phòng bên vừa rời đi chỗ khác. Có thể là người bán xong chuyến hàng, hay một cô rửa bát cho nhà hàng nào đó giờ về quê lấy chồng. Của ai cũng không thành vẫn đề, ý ngĩa ở chỗ từ nay trở đi, ăn uống sẽ được cải thiện.
Nhìn vẻ mặt hớn hở của hai ả cùng phòng nó đọc ra điều đó. Nhưng hạnh phúc, niềm vui ở đời thường có giá đắt. Được ăn ngon hơn, rẻ hơn theo ý mình cũng đồng nghĩa với nỗi khổ cực về nóng nực.  Bình thường nhiệt độ đã ba bảy, ba tám độ. Đun nấu trong nhà nhiệt độ sẽ tăng thêm ba bốn độ nữa. Trừ người trực tiếp nấu ăn, kẻ không phận sự xin mời ra ngoài bờ kênh hóng mát.
Ai đã qua kênh Nhiêu Lộc chắc chắn sẽ biết sự ô nhiễm ở đó so với nơi đây chưa là cái đinh gì! Một kiểu “Xóm chiếu” xưa, ngay giữa lòng Hà Nội.
Cũng may là hai cô gái thường ra khỏi nhà từ lúc trời xâm xẩm tối. Họ về khi nào, nó cũng không biết vì lúc đó nó đã say giấc, khi về khuya nóng bức giảm đi ít nhiều. Cửa thường nó không đóng, chỉ khép hờ vì nó ngại phải dậy khi các cô về gọi. Có hôm họ không về, nó đoán có đại gia nào đón họ đi “pích ních” đâu đó ít ngày.
Trong nhà không có đồ đạc gì đáng giá nên không lo trộm cắp, dù xung quanh việc đó thường xuyên xảy ra. Không mấy ngày không có tiếng kêu khóc, cãi vã, chửi bới vì ai đó bị trộm đồ..
Nó có duy nhất cái láp tốp cũ của bố mang theo là đáng kể. Ông Thành phải dùng chung máy tính với vợ để con mang đi.
Học công nghệ thông tin, dù nghèo đến đâu, bắt buộc phải có máy. Nếu không chả khác gì ở nhà quê đi cày không trâu, đi câu không có cần câu vậy! Nó có ý giữ gìn lắm. Lúc nào cũng kè kè bên người, “Vật bất ly thân”. Mà trong phòng nào có tủ ỷ gì đâu mà bảo cất cơ chứ? Sự cẩn thận của nó như đã được “mặc định” rồi. Ngồi ăn, láp tốp để lên đùi, khi ngủ quàng dây đeo vào cổ, như bóng với hình. Dù rằng thực ra cái láp tốp cũ không đáng mấy  tiền. Nếu bây giờ mang ra hiệu cầm đồ, quá lắm, may được hai triệu bạc.
Máy tính là thứ hàng hóa mất giá nhanh chóng như xe lao dốc. Vừa mua trong hàng ra, vì cơ nhỡ, hay không thích, bán lại ít nhất mất non nửa tiền. Mười mấy triệu, có khi chỉ còn lại bốn năm, dù  nhãn hiệu “xịn” thế nào cũng chung số phận, hơn kém nhau không đáng kể.
Nhưng đây là máy của bố. Là báu vật đối với nó. Nếu mất nó, lấy đâu ra tiền để mua cái mới?  Mua máy cũ còn chưa chắc nữa là.. Nó cẩn thận là phải..
Không ai ngờ, có một ngày cái láp tốp thân thiết ấy vĩnh viễn ra đi.
Nó học được bài học gì về cuộc sống của chàng sinh viên trẻ vừa bước ra đời?
**
- Tao không hiểu người như bố mày làm sao lại hớ như thế? Không nghe có câu
“ Thằng nghiện chớ nghe, ca ve chớ tin” à? Làm sao lại tìm chỗ ở chung cho mày với hai con bé đấy được?
- Ai không là người? Cũng có người tốt, người xấu. Không thể đánh giá người ta bằng công việc. Chẳng qua cũng vì hoàn cảnh đưa đẩy cả thôi. Bố tao bận về gấp, có chuyến thăm của ông gì to lắm, tao không biết, bố tao không thể vắng mặt. Ông phụ trách mảng “thời sự chính trị” của báo mà. Định ở tạm mấy ngày “chống móm” cái đã rồi tìm chỗ sau, ai ngờ..
Không để nó nói hết câu, thằng Ngân cao kều gạt đi:
- Còn nghĩ như thế, mày còn khổ. Nghề nghiệp nào làm lâu cũng có cái “Đạo” của nó nhập vào. Nhưng mà thôi, không bàn chuyện ấy nữa, tốt xấu mặc mẹ nó! Giờ thử xem có cách nào lấy lại cho mày cái máy tính được không? Mày đã báo công an chưa? Chẳng nhẽ chịu nó hả? Đấy mày thấy chưa, có phải tự nhiên nó sốt sắng mời rồi đưa ông già mày với mày đến chỗ nó đâu? Không có chuyện tự nhiên người đời tốt với nhau như thế, thằng ngu ạ!
 - Có báo cũng chẳng ích gì.. Đây mày xem – Nó đưa cho thằng Ngân kều tờ giấy gấp làm tư, xé ra từ một quyển vở con. Trong đó viết :
“Chị lạy chú, khi chú tỉnh giấc thì chị đã đi rồi. Nếu chú còn thức chị cũng không dám nói chuyện này với chú. Xin chú đừng nói việc này với bất cứ ai, nhất là đừng đi báo CA!  Không những không làm gì khác được mà con chị sẽ nguy thêm. Chẳng qua bất đắc dĩ chị phải làm vậy, Con chị bị bệnh trọng, nếu không có tiền cháu sẽ chết! Chị đã hết cách rồi, không còn đường xoay sở. Tháng này ít khách quá, kinh tế khủng hoảng, ai còn đi chơi lúc này? Tiền chị kiếm chỉ đủ mồm mình ăn, không lẽ để con chết? Coi như chị mượn chú cái máy tính, cầm mua thuốc cho cháu. Kiếm được tiền, chị sẽ chuộc lại gửi trả chú, để cháu được sống. Trăm ngàn lần xin chú tha thứ cho chị. Dù xấu xa đến đâu chị cũng là con người, vẫn biết điều hay lẽ phải, không phải là súc vật, không biết gì.. Nhưng không còn cách nào khác. Chú có đánh, có giết chị cũng cam lòng và không hận chú. Chỉ xin chú rủ lòng thương, tha cho chị lần nàỳ . Kính thư!”
Đọc xong lá thư, Ngân kều bừng bừng nộ khí:
- Đúng là chó cắn áo rách. Lấy của ai không lấy, lấy của thằng trò nghèo như mày.. giọng lưỡi đàn bà thối, chỉ mày mới tin. Tao thì nhổ toẹt vào những lời mẹ mìn của nó.. Nhưng thôi, cứ tạm gác đó đã. Bây giờ mày tính thế nào? Chả nhẽ mày cứ tiếp tục ở đấy với con kia?
Khánh ngẩn mặt, lúng túng. Ngân kều lưỡng lự một lúc rồi bảo:
- Thôi, ngay bây giờ chuyển sang chỗ tao. Tao với mày dùng chung máy của tao. Tao sẽ đưa mày đến chỗ tao làm. Có việc, vài tháng dành tiền mua cái khác. Chỉ tội chỗ ở hơi chật một chút, hai thằng nằm dở đầu đuôi là ổn chứ gì?
Nó không ngờ, thêm một lần, lại lấy sai lầm này để sửa sai lầm khác!
***
Quán cà phê thằng Ngân kều đưa đến là một quán đặc biệt vắng khách. Điều đó đối với chị chủ quán không thành vấn đề. Chồng chị ta đang công tác ở nước ngoài. Chị mở quán cho “vui cửa vui nhà”. Nhân viên chị tuyển chỉ là nam, không phải nữ. Đặc biệt “phải cao ráo, điển trai cho quán sáng sủa, tươi vui”. Nó may mắn hay không còn chưa rõ, đấy lại là câu chuyện khác. Chỉ biết giờ nó đỡ chật vật, nao núng, rắc rối trong tình cảnh thiếu một nơi che mưa che nắng và nhất là cần có việc làm thêm để sống hàng ngày.
Đột nhiên hôm ấy Hà nội mưa rất to. Từ ngày biến đổi khí hậu, đây là trận mưa được ghi vào lịch sử thời tiết nước nhà. Sấm sét vang trời, một điều lạ chưa từng xảy ra vào mùa thu..



Tiểu luận

Con đường đến với văn chương

Có bao nhiêu cách để trở thành một nhà văn?
Có lẽ là nhiều cách. Cách đầu tiên và phổ biến nhất là khi viết văn được coi như một nghề thì thường người viết đi từ học hành đúng chuyên ngành mà nên. Đó là những người đã chọn viết lách như là một nghề để lập thân và để kiếm sống. Cũng giống như bao nghề nghiệp khác, điều này cũng là hiển nhiên.
Và khác những nghề khác, dù có khi chẳng bao giờ được coi như là một nghề, nhưng nếu có đam mê mạnh mẽ thôi thúc, sẽ có nhiều cách “lắt léo” để trở thành một kẻ viết lách. Có thể tôi là một trường hợp như vậy...

Thuở học trò tôi học khá môn toán và các môn khoa học tự nhiên khác. Tuy rất ham đọc sách và đọc tất tần tật những cuốn sách vớ được, nhưng hầu hết mọi người, kể cả tôi, chẳng ai nghĩ có ngày tôi sẽ viết văn. Đối với tôi thời ấy, viết văn là một công việc gì đó thật xa lạ.
Thời đó có một thứ nghịch lý buồn cười về văn chương: trong khi cái danh xưng “nhà văn” nó luôn gieo trong lòng lũ học trò một sự ngưỡng mộ có phần sang trọng (điều này chủ yếu đến từ các nhà văn tiền chiến) thì trong thực tế, phải cùng đường lắm mới phải đi học văn, nghĩa là lấy môn văn làm môn chính để đi thi đại học rồi vào đời.
Tất cả là từ cái mục đích kiếm cơm mà ra. Kiếm cơm cho tương lai, hay tương lai có thể kiếm được cơm, luôn là mục đích tối thượng của một kẻ đi học. Bởi vậy niềm đam mê văn chương (nếu có) trở thành một thứ quá xa xỉ. Đây là trở ngại khổng lồ nhất cho một kẻ học toán muốn theo văn chương, và thường chẳng có ai vượt qua được chọn lựa này (nếu giả dụ cái kẻ học toán ấy đam mê văn chương thật sự).

Còn có một thứ ngộ nhận khác đã thành nếp sâu trong suy nghĩ của nhiều người khi họ luôn cho rằng: cặp toán – văn nó cũng giống như cặp văn – võ của ngày trước. Nghĩa là một bên là những gã áo dài quần thụng chuyên về sách vở còn bên kia là những kẻ võ biền chỉ được cái “tứ chi phát triển”.
Điều này luôn dẫn đến nhiều hệ luỵ trong suy nghĩ của bọn học trò. Thuở đó tôi cứ nghĩ, toán và văn là hai thế giới khác hẳn, riêng biệt và những kẻ trong đó chẳng có điểm gì giống nhau. Cho nên, thường đám học toán sẽ làm bộ như chẳng khi nào quan tâm đến văn, kể cả việc đọc sách văn học. Còn cái bọn học văn thì suốt ngày ôm mấy cuốn sách cốt chỉ để học cho thuộc mấy cái dàn bài phân tích mẫu. Đây là lối học văn huỷ diệt tâm hồn. Bởi vậy rất khó hình dung nếu một ai đó lại vừa giỏi văn lại vừa giỏi toán.
Toán – văn đã trở thành gần như là một cặp phạm trù đối lập không có điểm chung.
Nếu để ý sẽ thấy còn có nhiều thứ “đối lập” giả tạo như vậy nữa trong môi trường XHCN. Chẳng biết căn cớ của chuyện này là đâu, có khi là từ não trạng “biện chứng duy vật” mà ra. Cái phép biện chứng này nó đòi hỏi kẻ vận dụng phải tìm cho ra các cặp đối lập, nếu không có thì phải nặn cho ra, để từ đó mới có cơ sở đưa ra các hợp đề.
Theo tôi, ở con người, trí thông minh có vẻ đa dạng, nhưng thực chất đều dựa trên nền tảng luận lý. Đối với tôi, tư duy logic trong toán học cũng chẳng khác gì so với các tư duy luận lý trong sáng tạo văn chương. (Dĩ nhiên, ở đây, phải loại bỏ những thứ “giả văn học” đi. Những thứ văn chương dối trá đó không cần đến năng lực sáng tạo, đó chỉ là sự bịa tạc). Chúng có cùng hình thái, chỉ có công cụ sử dụng, đối tượng ứng dụng và sự biểu lộ trong mục đích thực tế là khác nhau. Tôi chẳng bao giờ cho rằng các suy tưởng trong “hình học phi Euclid” lại kém “tưởng tượng” hơn trong các sáng tác của Kafka, hay ngược lại.
Nhưng cái gì đã làm nên sự khác biệt giữa hai công việc làm toán và viết văn?
Đó chính là những “cảm hứng nhân sinh”.
Một bên lấy các nguyên tắc thuần lý làm đối tượng cho nguồn cảm hứng sáng tạo với công cụ là các ký hiệu, còn bên kia là từ đời sống con người với công cụ là ngôn ngữ.
Nói chung, thứ văn chương mà tôi tâm đắc là thứ dựa trên nền tảng luận lý và niềm cảm hứng nhân sinh.

Nhưng cho dù thế nào, nói cho chính xác, thứ văn chương mà tôi đề cập ở trên, trước tiên phải là văn chương trung thực. Trung thực nghĩa là kẻ viết phải viết đúng cái mà mình cảm nhận được, phải “bất tự khi dã”. Để có những tác phẩm có giá trị, người viết, ngoài các năng lực bẩm sinh, cần phải tôi luyện và học hỏi từ nhiều nguồn. Nhưng để có thể được gọi là văn chương – theo cái nghĩa đích thực nhất của từ này – thì phải trung thực.
Đừng bắt tôi phải định nghĩa nhiều hơn về văn chương trung thực: nó thuộc về cảm nhận. Và nó chủ yếu thiên về khía cạnh đạo đức hơn là kỹ thuật. Một khi bạn đã biết về những thứ văn chương dối trá, bạn sẽ chẳng khó khăn gì để nhận ra được nó. Có một sự khác biệt rất lớn giữa văn chương trung thực với thứ văn chương bịa tạc, cho dù vẻ bề ngoài chúng giông giống nhau. Chẳng có gì huỷ diệt niềm đam mê văn chương hơn những thứ giả danh văn chương ấy.
Khi bạn sinh ra và lớn lên, rồi được giáo dục hoàn toàn trong một bầu khí quyển đạo đức dối trá, không những bạn sẽ rất khó nhận ra sự trung thực mà còn sợ nó nữa, thậm chí là thù ghét nó. Nếu thế giới này cứ mãi mãi lùi lại như thời cách đây vài chục năm... có lẽ sẽ chẳng có ai thắc mắc gì về những tác phẩm “xuất sắc” của nền văn chương hiện thực XHCN. Nhưng dòng chảy của văn minh nhân loại luôn luân chuyển... Đó là sự xuất hiện của internet, và từ đó là biển thông tin. Đến một lúc, tình cờ vén đám mây dối trá đó lên, bạn nhận ra có nhiều thứ tươi sáng ngoài kia...

 Vâng, có nhiều cách để đến với văn chương nhưng sẽ chẳng có cách nào mà không phải do đam mê dẫn dắt và sự trung thực soi đường. Nhưng đôi lúc, để niềm đam mê ấy trở nên hiện thực, cũng phải cần những khích lệ. Đối với tôi, T. v là niềm khích lệ lớn lao để tôi bước vào con đường viết lách.

Cho nên nếu bạn đam mê văn chương thì hãy viết ngay đi, cho dù bạn đang làm nghề gì. Hãy viết, trước khi chết.
Vả lại, ở cái xứ này, ngoài việc viết lách thì còn có thể làm được gì khác nữa?

Trà Đoá

Thơ Trần Hữu Dũng

Phập phù vỉa hè Sài Gòn
 
Vỉa hè Sài Gòn phơi bày lổn nhổn
Nắng/gió/bụi đời/chất giang hồ lãng tử
Vẽ nên chân dung một thế hệ bơ vơ
Nơi chơi trò địa ngục/thiên đàng
 
Vỉa hè Sài Gòn thức sớm và ngủ muộn
Ăn trộm giấc mơ tuổi trẻ phập phù
Ngoằn nghoèo bay theo đường tưởng tượng
Hét tên nhau, hậm hực bỏ đi
Cố sáng tạo lại mọi thứ nhớp nhơ, xoá sạch ký ức nâu
 
Rồi bạn đi tù, em biệt tăm xa xứ
Vỉa hè hiện nguyên hình trong nỗi nhớ
Giống trang nhật ký ố vàng xao xác gió mùa hè
Lập loè đốm lửa ma trơi thiêu cháy bao điều hư tưởng.
 
 
 

Gặp bạn

Trời xanh màu mắt
Người qua núi
Câu hát
Bàn tay vời cố nhân
Sỏi đá muôn đời không biết nói
Đầu không nghoảnh lại
Đường đâu gần?

Lại vẫn loanh quanh câu chuyện cũ
Trời nồng
Khó nói chuyện thế nhân
Biết cả
Mà không như.. gì cả
Rượu tàn
Trăng mỏi
Lòng băn khoăn !

Thân mãi vật vờ cây bên suối
Khéo uốn qua bao đợt lũ tràn
Xơ xác thân gầy còn cười gượng
Sau nhà nghe tiếng trẻ râm ran

Gặp bạn thêm rầu
Lòng thương bạn
Được mấy mươi năm một kiếp người?
khôn khéo cả đời lo tránh hão
Không thà
Một ngày được dong chơi?


Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Giả vờ






Bạn thân mến của tôi, tôi biết khi nghe lời nói thật
Anh sẽ giả vờ ngáp vặt, quay đi
Chúng ta chưa quen những lời gay gắt
Khiến gười ta có thể bỏ đi,
hay có thể quay về..

Mặc dù điều nói ra không có gì khó lắm
Thường vẫn xảy ra
Phơi,
phóng mỗi ngày..
Những điều vô tình người ta kể cho tôi,
Hay có lúc chính tôi người trong cuộc

Chúng ta đông đảo = nhưng thực ra chúng ta cực kỳ đơn độc !
Không rõ người ngồi gần ta khi ấy nghĩ gì?
Người ta nói..
Không hiểu vì sao lại nói ?
Những câu nhàm
chẳng biết để làm chi ?

Thì thôi cứ giả vờ nghe
Tán nhăng, tán cuội chuyện : “Chè đỗ đen”
Tai dày rồi cũng nên quen
Uốn lưng mãi cũng sẽ nên nghiệp nhà !
Giả vờ
Hay thiệt
Ha Ha !!

Thơ tôi viết..


Bệnh của người đời!

Name:  chicken_4178.jpg
Views: 25495
Size:  190.4 KB

Bệnh gút
Béo phì
Và vô cảm..
Đang bao vây trái tim con người..
Chưa có bao giờ người ta quan tâm nhiều đến vậy
Thời trang
Son phấn và vui chơi
Nắc nẻ thâu đêm là những trận cười..

Những lớp mỡ dày lên khuôn mặt
Ánh hoàng kim soi trong mắt yêu đời!
Đường lắm xe
Quán ba đông chật
Và rất nhiều..
 hờ hững bàn tay..

Mấy cụ trí thức già ngồi bên cửa sổ
Nhớ thời liệt oanh
ngửa cổ kêu trời
Thương đất nước từng là “Lương tâm thời đại”!
Sao hôm nay ..
Tình yêu ấy đâu rồi?

Tìm đâu ra những người đan sọt?
Để ta mang vô cảm vô tình..
Mang hết cầu an và nịnh nọt
Chôn sâu ngàn thước dưới chân mình..
Biển trong lại như ngàn đời vẫn thế..
Như bao đời ngày xanh..
Vẫn xanh !


Thơ ba ta:

thế gian ngày chưa tận

thế gian ngày chưa tận
em chưa lên thiên đàng
tôi không sa hoả ngục
mình vẫn còn lanh quanh

ta bắt đầu ngày mới
dành cho nhau nụ cười
giữa cuộc đời muốn khóc
con người rồi dễ thương ..