Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Tư liệu


Chủ nghĩa hậu hiện đại — Những mảnh nghĩ rời  [chuyên đề  VĂN NGHỆ HẬU HIỆN ĐẠI]


1. Chủ nghĩa hiện đại (modernism) không phải là sản phẩm hay hệ quả của tính hiện đại (modernity): Chủ nghĩa hiện đại là sự hoài nghi, hơn nữa, sự phản đối, thậm chí, phản kháng lại tính hiện đại: Đó là cuộc khởi nghĩa của mấy thế hệ tài hoa, từ Baudelaire đến Apollinaire, Tristan Tzara, André Breton, James Joyce, v.v... nhằm chống lại các bậc tiền bối vĩ đại của họ, từ René Descartes cho đến Francis Bacon, những người xây dựng nền móng tư tưởng cho cả nền văn minh hiện đại ở châu Âu, và sau đó, hầu như ở khắp nơi trên thế giới. Chủ nghĩa hậu hiện đại, ngược lại, là sự đầu hàng đối với tính hậu hiện đại (postmodernity), một sự đầu hàng dễ dàng và nhẹ nhàng, tuy thấp thoáng có chút gì như chua chát, nhưng nhờ thế, cái điều đáng lẽ là một bi kịch lại biến thành một trò đùa. Là trò đùa, lại là trò đùa pha lẫn châm biếm, chủ nghĩa hậu hiện đại tự dưng có ý nghĩa phê phán. Và, vì tính chất phê phán ấy, cộng với tính chất giải thiêng của tiếng cười vốn gắn liền với mọi trò đùa, chủ nghĩa hậu hiện đại bỗng dưng có ý nghĩa chính trị. Ý nghĩa chính trị ấy dẫn đến một nghịch lý khá oái oăm: mặc dù đề cao chủ nghĩa đa nguyên, chủ trương dung hợp mọi giá trị vốn bị gạt ra bên lề có khi cả hàng ngàn năm, chủ nghĩa hậu hiện đại lại bị khá nhiều nền văn hoá ngoại biên, đặc biệt những nền văn hoá hậu thuộc địa, nghi kỵ, và có khi, chống đối kịch liệt.

2. Cho chủ nghĩa hậu hiện đại là sự đánh mất niềm tin đối với các siêu tự sự, Jean-François Lyotard đã lấy niềm tin làm cơ sở để định nghĩa chủ nghĩa hậu hiện đại. Không phải một mà có tới hai niềm tin: niềm tin vào các siêu tự sự và niềm tin vào tính bất khả của các siêu tự sự ấy. Dựa trên niềm tin, chủ nghĩa hậu hiện đại, ngay từ đầu đã gặp khó khăn trong nỗ lực lý thuyết hoá, một khó khăn mà cho đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ sau ngày manh nha như một trào lưu, nó vẫn chưa vượt qua được. Được xây dựng trên nền tảng của một niềm tin bị đánh mất, tự bản chất, chủ nghĩa hậu hiện đại là một thứ văn hoá của sự phủ định, nghĩa là, nói cách khác, nó được định nghĩa không-phải-là-một-cái-gì-đó thay vì là-một-cái-gì-đó. Chủ nghĩa hậu hiện đại, như thế, là sản phẩm và là biểu hiện của sự khủng hoảng, trước hết, là sự khủng hoảng của giới trí thức, đặc biệt trước khả năng tái hiện (representation) của ngôn ngữ, và cùng với ngôn ngữ, mọi diễn ngôn trí thức và nghệ thuật mà cho đến gần đây, nhân loại vẫn thường tin tưởng và tự hào. Mất niềm tin vào khả năng tái hiện, ranh giới giữa diễn ngôn trí thức và diễn ngôn nghệ thuật bị xoá nhoà: khoa học (science) được xem như một thứ thi học (poetics); và lý thuyết về văn học trở thành lý thuyết-như-là-văn-học. Trong lãnh vực văn học, những sự xoá nhoà ấy thực chất là một sự giải phóng: Chúng làm rộ nở cả diễn ngôn lý thuyết lẫn diễn ngôn sáng tạo.

3. Người/dân tộc nào không biết tin tưởng một cách nồng nhiệt sẽ không bao giờ biết hoài nghi một cách quyết liệt: chủ nghĩa hậu hiện đại ở đó, nếu có, sẽ không tránh được sự què quặt. Đó là số phận của Việt Nam chăng?

4. Nghệ thuật nào, tự bản chất, ít nhất ở khởi thuỷ của nó, cũng đều là nghệ thuật ý niệm. Cái gọi là nghệ thuật ý niệm (conceptual art) manh nha từ đầu thế kỷ 20 và bùng phát thành phong trào từ thập niên 1960, thật ra, đã có từ lâu. Nó cũng xưa cũ như chính lịch sử của nghệ thuật. “Khởi thuỷ là ý niệm...”

5. Lịch sử văn học, ở một khía cạnh nào đó, có thể nói là lịch sử các định nghĩa về văn học. Tổng số các định nghĩa ấy càng nhiều và càng đa dạng, diện tích của văn học càng rộng. Diện tích văn học càng rộng, sự phủ định nó càng gặp nhiều thử thách: Đó là những thử thách đáng mơ ước của chủ nghĩa hậu hiện đại.

6. Nhân loại bỏ ra hàng ngàn năm để chuyên nghiệp hoá sinh hoạt văn học nghệ thuật. Kết quả cuối cùng của chuyên nghiệp hoá là thiết chế hoá (institutionization). Chủ nghĩa tiền vệ là nỗ lực đánh sập cái tính thiết chế ấy. Chủ nghĩa hậu hiện đại được xây dựng trên sự đổ vỡ của các thiết chế: tự bản chất, chủ nghĩa hậu hiện đại, do đó, gần với chủ nghĩa tiền vệ hơn là với chủ nghĩa hiện đại, dù trong chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa tiền vệ chỉ còn là một giấc mơ: Chủ-nghĩa-tiền-vệ-hậu-hiện-đại là một giấc mơ của một giấc mơ.

7. Nhà cầm quyền phi dân chủ nào cũng muốn độc quyền viết lại lịch sử để, thứ nhất, tạo nên một thứ đại tự sự hầu hợp thức hoá quyền lực và cách hành xử quyền lực bất chính của họ; và thứ hai, để thực dân hoá trí tưởng tượng của các thế hệ mai sau. Chủ nghĩa hậu hiện đại với chủ trương tương đối hoá lịch sử, truất bỏ chức năng đại tự sự của lịch sử, xem lịch sử như một loại hình tự sự, một câu chuyện của hắn (his-story) hay của ả (her-story), lúc nào cũng bị điều kiện hoá bởi tính văn bản, tự nhiên trở thành một thứ đối-tự sự (counter-narrative) và đối-văn hoá (counter-culture) của các loại chủ nghĩa toàn trị.

8. Trong lịch sử nhân loại từ xưa đến nay, chủ nghĩa hiện đại là giấc mơ lớn nhất về việc nắm bắt hiện thực và tạo nên sự hoà điệu trong hiện thực, ngay cả hiện thực từ trong vô thức hay trong sự ngẫu nhiên, trong khi đó chủ nghĩa hậu hiện đại là cú giật mình thức tỉnh lớn nhất và đầy hoang mang của nhân loại. Hoang mang đến độ mất cả niềm tự tin sau khi đã tỉnh thức.

9. Chủ nghĩa hậu hiện đại là cách nói “Không” trước mọi quy phạm. Sau tiếng “không” ấy là gì? Không cần biết. Quan trọng nhất là nói: Không.

10. Tôi rất thích câu chuyện “thác đao điền” trong lịch sử Việt Nam ngày xưa: Vua Lý Thái Tông thưởng công Lê Phụng Hiểu bằng cách cho ông lên núi Băng Sơn ở Thanh Hoá ném đao; đao bay đến đâu vùng ấy thuộc về điền trang của ông. Viết văn cũng thế. Viết văn là ném chữ vào cái thế giới tối tăm mù mịt của những điều chưa biết và không biết. Chữ bay đến đâu, biên giới của tác phẩm trải dài ra đến đó. Biên giới của tác phẩm trải dài đến đâu, lãnh thổ văn học được mở rộng đến đó. Viết, với các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa, nghĩ cho cùng, là một cách thăm dò chính khả thể và khả tính của cái viết.

11. Cái vốn hiện đại chủ nghĩa dẫn đến việc hình thành chủ nghĩa hậu hiện đại có thể làm bằng văn học bằng tiếng mẹ đẻ nhưng cũng có thể được làm bằng văn học nước ngoài nếu người ta thực sự thâm hiểu nó. Đó là một trong những đóng góp lớn nhất của toàn cầu hoá vào việc phát triển chủ nghĩa hậu hiện đại: Với toàn cầu hoá, trong khi các nước lớn có thể ăn cướp tương lai của các nước nhỏ, các nước nhỏ, ngược lại, có thể ăn cắp quá khứ của các nước lớn, để từ đó, dần dần giành lại tương lai cho mình, trong đó có chủ nghĩa hậu hiện đại.

12. Chủ nghĩa hậu hiện đại không những đánh mất niềm tin vào các siêu tự sự mà còn đánh mất niềm tin vào mọi tự sự. Tự sự, dù lớn hay nhỏ, cũng đều trở thành chơi vơi: chúng là những mảnh ghép rời hơn là một câu chuyện có kết cấu vững chắc. Nhưng con người không thể thoát được tự sự. Tự sự hiện diện khắp nơi, là yếu tố căn bản tạo nên lịch sử, từ đó, ý niệm về bản sắc của cá nhân cũng như của cả cộng đồng. Phải sống với những gì mình không tin: đó là một trong những nghịch lý và bi kịch lớn nhất của chủ nghĩa hậu hiện đại. Trích dẫn (quotation), giễu nhại (pastiche) và siêu hư cấu (metafiction) là những cách thừa nhận sự nghịch lý và bi kịch ấy, đồng thời cũng là cách biến nghịch lý và bi kịch thành những thủ pháp nghệ thuật.

13. Loại hình nghệ thuật nổi bật của chủ nghĩa hiện đại là hội hoạ và thơ; của chủ nghĩa hậu hiện đại là kiến trúc và tự sự; trong tự sự, nổi bật nhất là tiểu thuyết. Nhiều người ta xem chủ nghĩa hậu hiện đại như thời vàng son của tiểu thuyết. Tuy nhiên, trên thực tế, không có lúc nào tiểu thuyết lại đối diện với nguy cơ bị huỷ diệt lớn như thời hậu hiện đại. Để tránh bị huỷ diệt, nó phải biến thành cái gì khác, cái phản-tiểu thuyết, như một số người từng gọi. Có điều, khi cái phản-tiểu thuyết chinh phục được nhiều độc giả, nó lại trở thành tiểu thuyết. Dĩ nhiên, hai cái tiểu thuyết trước và sau ấy khác hẳn nhau. Khác, như đỉnh Lô sơn trong thơ Tô Đông Pha ngày xưa: “Lô sơn yên toả, Triết giang triều / Vị đáo sinh bình hận bất tiêu / Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự / Lô sơn yên toả, Triết giang triều.” (Ai đó đã dịch: “Mù toả Lô sơn, sóng Triết giang / Khi chưa đến đó hận vô vàn / Đến rồi về lại không gì lạ / Mù toả Lô sơn, sóng Triết giang”.)

14. Bất hạnh lớn nhất của những người ôm mộng trở thành nhà hậu hiện đại chủ nghĩa ở Việt Nam là họ không có một siêu tự sự để phá đổ. Siêu tự sự Mác xít ở Việt Nam là thứ siêu tự sự mang tính tôn giáo thời trung cổ hơn là tính chất duy lý thời hiện đại. Chống lại nó là chống lại một thứ dị đoan chứ không phải chống lại một triết lý. Còn tư tưởng Hồ Chí Minh? Ồ, chống lại nó, người ta chỉ tự mình làm cho mình hèn đi.

15. Có những lý thuyết bắt đầu bằng phê bình. Có những lý thuyết kết thúc bằng phê bình. Trong chủ nghĩa hậu hiện đại, vốn gắn liền với giải kiến tạo và hậu cấu trúc luận, lý thuyết là phê bình, hơn nữa, là tự phê bình: sự phản tỉnh mang tính phê phán (critical self-reflection), do đó, trở thành một trong những trung tâm của ý thức hậu hiện đại.

16. Người ta hay nói văn học nghệ thuật giúp tìm hiểu về con người. Với chủ nghĩa hậu hiện đại, văn học và nghệ thuật giúp ta tìm hiểu, hay đúng hơn, kinh nghiệm về những giới hạn của con người, trước hết là giới hạn của ngôn ngữ, của chủ thể tính và của năng lực nhận thức, đặc biệt đối với những cái toàn thể (wholeness). Có thể nói, với chủ nghĩa hậu hiện đại, loài người từ bỏ giấc mơ làm Thượng đế.

17. Gần đây, người Việt Nam hay nói đến chuyện đổi mới văn học, nhưng, thứ nhất, hình như không mấy ai băn khoăn về ý nghĩa của chữ “mới”; thứ hai, khẩu khí của người phát ngôn thường rất ư hẹp hòi và, lạ nhất là, rất ư bảo thủ, gắn liền với những mệnh lệnh đầy tính giáo điều: muốn mới thì phải thế này, phải thế nọ, v.v... Nhưng cái mới thực sự bao giờ cũng là cái phi-phải. Nói đến cái mới là nói đến sự đứt đoạn hơn là sự kế tục; là cái còn mù mờ hơn là những gì đã rõ ràng.

18. Sự phát hiện ra tính liên văn bản làm các nhà hậu hiện đại khiêm tốn hơn: họ biết, dù muốn hay không, họ cũng là những con nợ. Tính giải điển phạm (decanonization) lại làm cho họ tự tin hơn: họ biết họ không nhất thiết phải đi theo bất cứ con đường có sẵn nào cả. Nhưng tính giải lịch sử (dehistoricization) lại làm cho họ cô đơn hơn: nghệ thuật mà họ đang theo đuổi, bất kể là loại hình nghệ thuật gì, cũng là nghệ thuật của khoảnh khắc; và bản thân họ cũng chỉ sống trong từng khoảnh khắc, những khoảnh khắc phân mảnh và bất liên tục.

19. Cách tân thực sự trong lãnh vực văn học nghệ thuật là cách tân về phương diện phương pháp sáng tác và ý thức mỹ học. Những thay đổi về phương diện nội dung hay chính trị và xã hội chỉ là những điều kiện làm nảy nở hay nuôi dưỡng sự cách tân chứ không phải là mục tiêu của nó. Đường phố hay ngay cả nghị trường cũng đều quá nhỏ đối với người sáng tạo.

20. Quá trình khu biệt hoá các loại hình văn học nghệ thuật (thơ, nhạc, sân khấu, hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc, v.v...) cũng như khu biệt hoá tác phẩm văn học nghệ thuật và tất cả các loại sản phẩm khác trong xã hội chỉ xuất hiện ở châu Âu vào cuối thế kỷ 18, và ở Việt Nam, từ đầu thập niên 30 của thế kỷ 20 (và chấm dứt khoảng 10 năm sau, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, rồi, tiếp theo là chiến tranh chống Pháp, chiến tranh Nam Bắc, v.v...). Khi chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương giải khu biệt hoá, tính chất khu biệt ở châu Âu đã có hơn 200 tuổi; ở Việt Nam, nó mới chập chững bước vào tuổi... teens! Chưa có gì thành hình, thành nếp cả. Những tập tính tiền-hiện đại vẫn thống trị xã hội và mọi sinh hoạt văn hoá. Bởi vậy, có thể nói đối thủ của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Tây phương là chủ nghĩa hiện đại. Đối thủ của chủ nghĩa hậu hiện đại, nếu có, ở Việt Nam, là... truyền thống nói chung. Trong cái gọi là truyền thống nói chung ấy, mỗi người cầm bút phải tự tưởng tượng cho mình một kẻ thù. Mệt!

21. Thử thách lớn nhất lớn đối với các nhà phê bình, ở thời hiện đại, chủ yếu là năng lực diễn dịch; ở thời hậu hiện đại, là năng lực giải kiến tạo (deconstruct) cái thế giới nghệ thuật được người nghệ sĩ kiến tạo (construct), đồng thời tái kiến tạo (reconstruct) cái thế giới đã được/bị người nghệ sĩ giải kiến tạo; nói cách khác, đó là thứ năng lực sáng tạo.

22. Tác phẩm văn học nghệ thuật hậu hiện đại chủ nghĩa thường có tính chất triết lý dù chúng có thể không có nghĩa gì cả. Nhại Jean-Paul Sartre, chúng ta có thể nói: “Đằng sau bất cứ sự có-vẻ-vô-nghĩa nào cũng có một siêu hình học của... thời đại”.

23. Văn học Việt Nam hiện nay, nói theo chữ của John Barth, là một thứ văn học của sự cạn kiệt (literature of exhaustion). Ý thức về sự cạn kiệt, ở Mỹ, dẫn đến chủ nghĩa hậu hiện đại; ở Việt Nam, một sự cạn kiệt phi ý thức sẽ đơn thuần là một sự cạn kiệt, hay nói theo Nam Cao, một sự “sống mòn”. Và chết mòn.

24. Di sản văn học Việt Nam vừa nghèo nàn lại vừa nặng nề, nặng nề vì chính sự nghèo nàn của nó; nặng nề và nghèo nàn đến độ tôi có cảm tưởng việc không biết đến nó là một điều may mắn cho người cầm bút.

25. Chủ nghĩa hậu hiện đại là một biểu hiện của chủ nghĩa tiền vệ ở một thời đại người ta vừa biết không thể viết như cũ được nữa nhưng cũng không còn tự tin vào cái mới như thế hệ cha anh của họ. Cái mới chỉ còn đơn giản là cái khác. Khác-hoá (otherization) trở thành một mệnh lệnh của nghệ thuật.

26. Trong lãnh vực văn học nghệ thuật, nhất là trong những giai đoạn có nhiều và cần nhiều sự thay đổi, những người biết nửa vời thường dốt hơn những người không biết gì cả: những người sau có thể thay đổi, trong khi đó, những người trước thì thường là không. Có lẽ Jean-François Lyotard cũng nghĩ thế khi đặt tên cho một tác phẩm của ông là Tính hậu hiện đại giải thích cho trẻ con (The Postmodern Explained to Children). Thật ra, cuốn sách ấy không hề viết cho trẻ con. Nó chỉ nêu lên một đòi hỏi: để hiểu, người đọc cần có cái ngây thơ trong sáng, cả trong tâm hồn lẫn trong nhận thức, của trẻ con.

27. Ở giới cầm bút, ngoài yếu tố tài năng, điều tôi quan tâm nhiều nhất không phải là kiến thức, nhất là kiến thức lý thuyết, mà chính là thái độ; trong thái độ, điều tôi thích nhất là sự quyết liệt; trong sự quyết liệt, điều tôi đánh giá cao nhất là sự quyết liệt đối với tiêu chí, ở đó, người ta không cho phép mình lẫn lộn giữa các phạm trù và các giá trị: Theo kinh nghiệm của tôi, đó chính là yếu tố phân biệt tính nghiêm túc, tính chuyên nghiệp và từ đó, triển vọng của người cầm bút trong thế giới nghệ thuật. (Ồ, mà nói như thế thì còn gì là... hậu hiện đại nữa nhỉ?)

28. Hầu như tất cả các đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại đều có thể tìm thấy trong chủ nghĩa hiện đại. Tính chất phân mảnh, đứt đoạn, lắp ghép, giễu nhại, xoá nhoà ranh giới giữa các thể loại, thậm chí, giữa các phạm trù (nghệ thuật / thương mại, đặc tuyển / bình dân), v.v... đều đã manh nha từ các trào lưu đa đa, siêu thực, vị lai và lập thể. Sự khác biệt chỉ là ở mức độ: những sáng kiến mới manh nha ở chủ nghĩa hiện đại trở thành chủ đạo ở chủ nghĩa hậu hiện đại. Và quan trọng nhất, ở thái độ. Nếu chủ nghĩa hiện đại thích tìm kiếm những cái phổ quát, chủ nghĩa hậu hiện đại tìm kiếm những cái đặc thù; chủ nghĩa hiện đại có tính độc thoại, chủ nghĩa hậu hiện đại có tính tương thoại; chủ nghĩa hiện đại chú mục vào những yếu tố trung tâm, chủ nghĩa hậu hiện đại lưu ý đến những tiếng nói bên lề, thậm chí, những tiếng nói bị bóp nghẹt hay bị quên lãng.  Xoay quanh một trung tâm, chủ nghĩa hiện đại đề cao tính chất liên tục, chặt chẽ và thống nhất; chủ trương phi tâm hoá, chủ nghĩa hậu hiện đại khuyến khích tính chất phân mảnh và đứt đoạn. Bản chất của chủ nghĩa hiện đại có tính toàn trị; chủ nghĩa hậu hiện đại có tính đa nguyên. Chủ nghĩa hiện đại tin vào sử tính của các biến cố, chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ tin vào ký ức. Tin vào sử tính cũng có nghĩa là tin vào sự tiến hoá và sự tiến bộ; tin vào ký ức, người ta chỉ tin vào chủ quan tính. Niềm tin vào tính chủ quan đồng nghĩa với niềm tin vào tính tương đối. Tin vào sự tương đối, thật ra, là không thực sự tin vào cái gì cả, hay nói cách khác, chỉ tin vào chính mình và những sự thật có tính điều kiện, chủ yếu là gắn liền với một chu cảnh về lịch sử và văn hoá nhất định.

29. Tất cả những gì chúng ta có đều là văn bản. Ngay chính bản thân chúng ta không chừng cũng chỉ là văn bản. Mọi văn bản đều bị khống chế bởi ngữ pháp và đều có tính liên văn bản. Điều đó có nghĩa là chúng ta vừa bị ngữ pháp hoá lại vừa bị liên văn bản hoá. Bị ngữ pháp hoá là bị quy ước hoá và bị cộng đồng hoá trong khi bị liên văn bản hoá là bị xâm lược bởi cả hệ thống văn hoá và cả ký ức tập thể của không phải chỉ dân tộc mà còn, với những mức độ khác nhau, của cả nhân loại hay một phần nhân loại. Là văn bản cũng có nghĩa là diễn dịch. Số phận của con người là được/bị diễn dịch. Ngay chính phản tỉnh cũng là một hình thức tự diễn dịch. Phản-diễn dịch, khái niệm được Susan Sontag nêu lên như một đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại, thật ra, chỉ là một cách nói: chính bản thân nó cũng cần được diễn dịch.

30. Truyền bá chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam thật khó. Đọc lý thuyết, phần lớn người đọc chờ đợi điều gì? Họ chờ đợi, thứ nhất, một định nghĩa thật ngắn ngọn và thứ hai, một danh sách các tín lý và các nguyên tắc thật rõ ràng. Tiếc, cả hai đều là những thứ bị chủ nghĩa hậu hiện đại từ chối. Sự từ chối ấy là một yếu tính của nó: chủ nghĩa hậu hiện đại không thể hiện hữu nếu không có sự từ chối ấy. Khi chủ nghĩa hậu hiện đại có một định nghĩa và một số kim chỉ nam cố định, nó không còn là nó nữa. Nó lại đi tìm cái nó khác, cái hậu-hậu hiện đại, chẳng hạn.

31. Marx nói: “Các nhà triết học giải thích thế giới bằng những cách khác nhau. Nhưng vấn đề là cải tạo thế giới.” Các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa tin rằng, thứ nhất, khi kiến thức là quyền lực và những cái gọi là chân lý có khả năng, đúng hơn, chức năng hợp thức hoá quyền lực, không có cách giải thích nào không đồng thời là một cách cải tạo; thứ hai, khi chính thế giới cũng là một thứ văn bản, qua các hoạt động diễn ngôn của mình, các nhà triết học và cả giới cầm bút nói chung không phải chỉ giải thích hay cải tạo thế giới. Mà là sáng tạo thế giới. Là làm cho nó trở thành có thực. Có thực như một động thái (activity) hay một tiến trình (process) chứ không phải cái gì đã-có-sẵn như nhiều người, trong đó có cả Marx, nhầm tưởng.

32. Đọc các tác phẩm bây giờ mà chỉ nghĩ đến các cây bút thời 1930-45 hay các thế hệ chống Pháp, chống Mỹ hay chống Cộng là làm nghèo nàn cho chúng và cũng tự làm nghèo nàn cho chính mình; là tự giam cầm tầm nhìn của mình trong cái trục lịch đại cũ kỹ và chật chội. Chủ nghĩa hậu hiện đại là trò chơi địa phương nhưng các khung quy chiếu (frames of reference) của nó lại phải có tính đồng đại và toàn cầu. Chính các khung quy chiếu ấy sẽ dần dần giải lãnh thổ hoá  (deterritorialize) và giải quốc gia hoá (denationalize) văn học. Chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện dịch thuật. Dịch, ờ, thì cũng cần, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ.

33. Hư vô, thừa thãi, ngẫu nhiên, phi lý, buồn nôn, lưu đày, địa ngục, dịch hạch, ngoại tình,.... đọc lại các từ đã thành sáo ngữ của chủ nghĩa hiện sinh thời trước, chợt nhận ra một điều: chúng đầy cảm tính; chúng nhấn mạnh vào khía cạnh cảm tính của cuộc sống. Những từ ngữ gắn liền với chủ nghĩa hậu hiện đại, ngược lại, lại có tính chất tiến trình: phi tâm hoá (decentralization), gạch nối hoá (hyphenization), giải khu biệt hoá (dedifferentiation), giải lãnh thổ hoá, giải đẳng cấp hoá (dehierarchization), giải thực dân hoá, giải ngoại biên hoá (demarginalization), giải hợp thức hoá (delegitimation), giải hoặc (demystification), giải bản thể luận (deontologization), v.v... Có thể nói chủ nghĩa hiện sinh là thứ siêu hình học của tâm trạng, trong khi đó chủ nghĩa hậu hiện đại lại là siêu hình học của hiện tại hay của sự thay đổi. Nhằm nắm bắt từng sự thay đổi trong hiện tại, thi pháp hậu hiện đại chuyển từ kết quả sang tiến trình, tập trung chủ yếu vào bản thân tiến trình sáng tác, một tiến trình không bao giờ kết thúc. Như chính cuộc đời: không bao giờ có điểm kết thúc. Trừ phi tận thế.

34. Về phương diện thuật ngữ, thời hậu hiện đại cũng là thời nở rộ của các tiền tố (prefix): hết “phản-” (anti-) lại đến “giải-“ (de-), “siêu” (meta-), “đối-“ (counter-), và, đặc biệt, “hậu-“ (post). Có lẽ đây là một trong những biểu hiện rõ nhất về mối quan hệ giữa chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa hiện đại: trong chiều hướng này, có thể nói chủ nghĩa hậu hiện đại là một cuộc đại khủng hoảng của chủ nghĩa hiện đại: chủ nghĩa hậu hiện đại tồn tại bằng sự vắng mặt hoặc biến dạng của một số yếu tố căn bản của chủ nghĩa hiện đại.

35. Chủ nghĩa hậu hiện đại không những làm thay đổi cách viết mà còn làm thay đổi cả cách đọc, thậm chí, cách đọc lại, hay nói theo Derrida: “để viết khác, chúng ta phải đọc lại một cách khác” (to write differently, we must reread differently). Tuy nhiên, chủ nghĩa hậu hiện đại không phải chỉ là một cách đọc và một cách viết. Trên tất cả, nó là một cách nhìn: chính cách nhìn ấy quy định cách đọc và cách viết. Thiếu cách nhìn ấy, nói chuyện hậu hiện đại là điều vô ích: người ta sẽ không hiểu được gì cả.

36. Hầu hết các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa ở Tây phương đều đi sau thời đại của họ: họ xuất hiện khi các điều kiện hậu hiện đại đã có sẵn. Các nhà hậu hiện đại Việt Nam, nếu có, mặc dù xuất hiện sau các nhà tiền phong của chủ nghĩa hậu hiện trên thế giới gần cả nửa thế kỷ, vẫn đi trước thời đại của họ, trên nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá không những ở ngoài ngưỡng hậu hiện đại mà còn mới chập chững ở ngoài thềm của chủ nghĩa hiện đại.

37. Từ xưa đến nay người ta vẫn có khuynh hướng xem biểu tượng Tháp Babel, nơi con người bị Thượng Đế trừng phạt phải nói nhiều thứ tiếng khác nhau thay vì một thứ tiếng thống nhất như trước, là một tai hoạ. Từ quan điểm hậu hiện đại, ngược lại, đó là một dấu mốc lớn của sự tiến bộ, mở đầu cho kỷ nguyên sáng tạo và đa dạng hoá của nhân loại. Có thể nói lịch sử văn học nào cũng là lịch sử hậu-Babel, nơi mỗi cộng đồng, thậm chí, mỗi cá nhân, mê mải đi tìm một tiếng nói riêng cho mình. Cái gọi là sự thống nhất trong quan điểm văn học nghệ thuật, điều mà ở Việt Nam, nhiều người vẫn thích lải nhải, là một điều hoàn toàn vô nghĩa. Nó vừa phản văn học vừa phản trí thức.

38. Một trong những chức năng lớn nhất của văn hoá là tạo huyền thoại (myth-making function). Một trong những chức năng chính của chủ nghĩa hậu hiện đại là giải huyền thoại (demythification): Chủ nghĩa hậu hiện đại, ở phương diện này, dù muốn hay không, cũng trở thành một thứ đối-văn hoá của thời đại. Là đối-văn hoá, chủ nghĩa hậu hiện đại trở thành một thách thức trước mọi quyền lực, và do đó, dưới mắt những kẻ có quyền lực, ngay tính chất phi-chính trị (apolitical) của nó cũng bị chính trị hoá.

39. Không phải nhà hậu hiện đại chủ nghĩa nào cũng là một kẻ phản-duy bản luận (anti-foundationalist) hay phản-yếu tính luận (anti-essentialist), tuy nhiên, một lý thuyết hậu hiện đại chủ nghĩa nhất quán khó mà dung hợp được với niềm tin vào sự hiện hữu của một nền tảng tiền nghiệm và vĩnh cửu nào đó cho mọi kiến thức và “chân lý” do con người phát hiện. Chính trong chiều hướng phản-duy bản luận và phản-yếu tính luận ấy, các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa đã xem Nietzsche, kẻ tuyên bố “Thượng đế đã chết” như là một bậc tiền hô của họ. Dĩ nhiên, “Thượng đế” ở đây không phải là Thượng đế của Cựu Ước hay Tân Ước mà là Thượng đế của nhà siêu hình học, đạo đức học và nhận thức luận, thứ Thượng đế đóng vai trò của vàng hoặc Mỹ kim để bảo chứng cho các hệ thống tiền tệ mà loài người sử dụng. Thượng đế chết, mọi kiến thức đều là những sự diễn dịch (interpretation); mọi diễn dịch đều là những sự thương thảo (negotiation); mọi thương thảo đều có tính quan hệ (relational); mọi quan hệ đều tương đối (relative); mọi sự tương đối đều gắn liền với chu cảnh (contextual): thừa nhận tính chu cảnh ấy, người ta lạc vào tình thế luận (situationalism) hay phối cảnh luận (perspectivism). Lại cũng chính là những chỗ đứng của Nietzsche ngày trước. Hoan hô Nietzsche!

40. Với chủ nghĩa hậu hiện đại, lịch sử — nếu có thể gọi được như vậy — là một cô gái chưa bao giờ có trinh tiết. Không có, nên không bao giờ bị mất. Tính chất độc sáng, do đó, chỉ còn là một hoài niệm và cái gọi là sáng tạo chỉ có một ý nghĩa tương đối, đúng hơn, một ý nghĩa phi-truyền thống: đó chỉ là cách lắp ghép mới của những cái cũ. Ừ, thì cũng mới, chứ sao? Với đá, gỗ, sắt, gạch và ngói cũ, cực kỳ cũ, người ta vẫn có thể xây cất những ngôi nhà mới, hoàn toàn mới, kia mà. Chất liệu không quan trọng: đó là điểm thống nhất giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhưng sau điểm thống nhất ấy là sự khác biệt: yếu tố quan trọng thay thế chất liệu, với các nhà hiện đại chủ nghĩa, là cấu trúc (structure); với các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa là tiến trình hình thành tính cấu trúc (structurality).

41. Khi cố gắng giới thiệu chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam, không nên mơ tưởng đến những mùa thu hoạch ngay tức khắc. Thu hoạch? Chắc chắn sẽ có. Nhưng có lẽ không thể có ngay tức khắc được. Chủ nghĩa hậu hiện đại không phải là một hệ thống thủ pháp để có thể ứng dụng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Sau lưng hệ thống thủ pháp ấy còn có một hệ thống quan điểm; sau lưng hệ thống quan điểm ấy là cả một hệ thống cấu trúc kinh tế, chính trị và xã hội; sau lưng hệ thống cấu trúc kinh tế, chính trị và xã hội ấy là cả một truyền thống văn hoá kéo dài hàng ngàn năm; tất cả góp phần làm nảy nở một ký ức và trí tưởng tượng tập thể cũng như những cảm xúc tương ứng, từ đó, chủ nghĩa hậu hiện đại được hiện hình.

42. Tầm vóc và ảnh hưởng của Mikhail Bakhtin ở Tây phương chắc chắn lớn hơn ở Nga; của Jacques Derrida và Jean-François Lyotard ở Mỹ chắc chắn lớn hơn ở Pháp. Người được phát hiện bao giờ cũng được cộng thêm một cái gì đó từ người phát hiện; nhờ thế, họ giàu hơn chính bản thân họ. Và người phát hiện cũng được giàu hơn chính họ nữa, dĩ nhiên.

43. Tôi thích một câu nói của Susan Sontag, hình như trong cuốn Against Interpretation: “Thế giới chủ yếu là một hiện tượng thẩm mỹ.” Tôi cũng thích nữa câu nói của Joseph Margolis, đâu đó: “Mỹ học là nguyên tắc triết lý mang tính chiến lược nhất của thời đại chúng ta.” Nhưng gây ấn tượng nhất trong tôi là câu nói này của John Cage: “Cái đẹp bắt đầu từ đâu? Và nó kết thúc ở đâu? Nơi cái đẹp kết thúc, đó chính là nơi người nghệ sĩ bắt đầu.” Nhiều người đồng tình với John Cage trong việc tách biệt hai khái niệm thẩm mỹ và nghệ thuật: Với họ, thẩm mỹ không phải là điều kiện cần và đủ cho sự tồn tại của các tác phẩm nghệ thuật. Ngược lại, người ta có thể sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật thực sự không cần có một giá trị thẩm mỹ nào cả. Tôi cho đó không phải là một nghịch lý mà chỉ là hiện tượng thông thường trong những thời điểm giao thời, lúc quan điểm thẩm mỹ cũ đã tàn lụi mà quan điểm thẩm mỹ mới chỉ vừa manh nha, chưa đủ đứng vững thành một tiêu chí đánh giá tác phẩm nghệ thuật.

44. Tác dụng lớn nhất của các trò chơi là dạy người ta biết cách hưởng lạc thú của việc hy sinh bản thân mình cho một luật lệ chung. Tác dụng lớn nhất của nghệ thuật là dạy người ta tìm thấy lạc thú trong việc hy sinh luật lệ chung cho bản thân mình. Có điều bản thân nghệ thuật cũng là một thứ trò chơi, bởi vậy, quan hệ giữa nghệ thuật và trò chơi không phải là thứ quan hệ đối kháng mà là tương tác: ý thức về bản thân hay luật lệ càng cao và việc hy sinh chúng càng gặp nhiều thách thức, cảm giác lạc thú lại càng lớn. Lớn như một cái cao cả.

45. Loài người, suốt cả thời cổ điển và trung đại, bị ám ảnh và choáng ngợp bởi thiên nhiên và thần linh; thời hiện đại, bởi lý trí, và sau đó, bởi vô thức; còn thời hậu hiện đại, bởi kỹ thuật và truyền thông đại chúng. Đối diện với thiên nhiên và thần linh, con người thấy bị khiếp sợ: ý niệm về cái cao cả được hình thành như một sự uy hiếp. Sùng bái lý trí và tò mò trước vô thức, con người say mê theo đuổi những khám phá mới mẻ: cái cao cả chập chờn như một sự quyến rũ. Bị vây bủa bởi kỹ thuật và truyền thông đại chúng, những sản phẩm do chính mình tạo ra nhưng dường như đã trở thành xa lạ và bí ẩn đối với chính mình, ở đó mọi thứ đều trở thành ảo hoá (virtualization) và thế vì hoá (simulation): ý niệm về cái cao cả gắn liền với ý niệm về sự tha hoá. Người ta vẫn bị ám ảnh, vẫn bị choáng ngợp, vẫn hoang mang, nhưng không còn ngưỡng mộ.

46. Những người đã ít nhiều cảm nghiệm và trải nghiệm khí quyển hậu hiện đại sẽ không bao giờ có thể đi lại con đường hiện đại của nhân loại trước đây được nữa. Cũng như một người đàn bà không bao giờ có thể sống lại trọn vẹn cái thời con gái của mình. Không bao giờ.

47. Nhìn lại lịch sử văn học nghệ thuật thế giới, người ta dễ phát hiện ra hai nghịch lý: thứ nhất, hầu như không có lúc nào và không ở đâu không có sự hiện diện của văn học nghệ thuật, hoặc dưới hình thức sơ khai, có tính dân gian, hoặc dưới hình thức chuyên nghiệp, gắn liền với những người sống hẳn bằng sáng tác; thứ hai, những cái được gọi là văn học nghệ thuật ấy rất khác nhau; khác từ văn hoá này sang văn hoá khác; trong một nền văn hoá, khác từ thời này sang thời khác; trong cùng một thời, khác từ người này sang người khác; khác đến độ người ta dễ ngỡ không có cái gọi là văn học nghệ thuật nói chung, trừ, may ra, một điều căn bản nhất: chất liệu. Nghịch lý ấy dẫn đến một số hệ luận: một, dù có tính chất phổ quát, văn học nghệ thuật vẫn có tính chất văn hoá hơn là tự nhiên; hai, là văn hoá cũng có nghĩa là cái gì được tạo thành chứ không có sẵn; và ba, cái-được-tạo-thành nào cũng có tính lịch sử và hơn nữa, đều có khả năng được tạo thành tiếp hoặc tạo thành lại. Chủ nghĩa hậu hiện đại, một mặt, hoài nghi tính lịch sử, nhưng mặt khác, lại sẵn sàng đảm nhận vai trò tạo thành lại cái gọi là văn học nghệ thuật.

48. Nghệ thuật không phải là những gì có sẵn: Vậy, những gì có sẵn (readymade) cũng có thể trở thành nghệ thuật: Đó sáng kiến của Marcel Duchamp, một trong những sáng kiến có ý nghĩa cách mạng lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật thế kỷ 20, và có ảnh hưởng rất sâu đậm đến mỹ học hậu hiện đại chủ nghĩa.

49. Viết để ngay cả những điều phức tạp nhất cũng có thể được đọc và được hiểu là một cái thú. Viết để đạt đến cái cõi bất khả độc (unreadability) và bất khả quyết (undecidability) lại là một cái thú khác, cái thú thám hiểm vào những vùng biên ải xa xôi không những hiếm người mà còn hiếm cả ánh sáng nữa; ở đó, người ta có thể đùa nghịch với bóng tối và sự vắng vẻ đầy thanh khiết.

50. Tôi đọc được, đâu đó, câu chuyện cười về cuộc đối thoại giữa hai nhà hậu hiện đại chủ nghĩa. Người thứ nhất: “Hai nhà hậu hiện đại chủ nghĩa không bao giờ đồng ý với nhau về bất cứ điều gì.” Người thứ hai: “Ông nói đúng.”


PHÊ BÌNH VÀ TIỂU LUẬN:

Cửa Đá là gì?

Trần Huy Vân
Thứ sáu ngày 11 tháng 1 năm 2013 3:03 PM

(Cảm nhận tiểu thuyết Cửa Đá, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Khi cầm cuốn sách trên tay, đọc tên sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản, suy đoán cuốn sách viết gì. Cửa Đá, một cái tên lạ hoắc, lì lợm, chắc nịch, cao to như trái núi, có phải thế không? Người đời tò mò, tìm cái nút bí hiểm, ấn ngón tay vào đó, cánh cửa im lìm từ từ mở, một thế giới kỳ lạ hiện ra. Từ ngàn xưa, ngày nay và ngàn sau, con người đều bất lực trước tấm cửa đá ấy, không sao tìm ra cái nút kỳ diệu để chỉ việc ấn ngón tay vào, cho hiện ra những điều mình đang tìm kiếm, có phải vậy không? Tôi đã bắt hình dong như thế, trước khi mở sách ra đọc. Trang đầu, Lời tác giả, viết: “Mười sáu chương và lời chót trong cuốn tiểu thuyết này, đều đặt đề từ, được khai thác qua Đại Việt sử ký toàn thư, với mục đích làm cho tác phẩm có nhiều lớp lang, phong phú hơn, mà không cần phải lý giải dài dòng, tựa hồ như cái cánh gà, tạo không gian sana khấu vậy”. Chả có chút gợi mở nào liên quan đến tên sách Cửa Đá cả.
Mười sáu chương chia thành 5 phần, mỗi phần một cái tên.
Phần một: Bọc trứng rồng ngũ sắc, gồm 2 chương;
Phần hai: Viên tướng đội mũ sắt nhọn, gồm 2 chương;
Phần ba: Hợp tác xã là nhà, gồm 4 chương;
Phần bốn: Chuyên viên Thủy Văn Mộc, gồm 5 chương;
Phần Năm: Bầy rồng lại tái hiện, gồm 3 chương.
Các chương không đánh số thứ tự từ 1 đến 16, mà theo thứ tự từng phần, cứ như mỗi chương là một tiểu thuyết cực ngắn vậy. Mở đầu là “Bọc trứng rồng ngũ sắc”, một huyền thoại đã đi vào thế giới tâm linh của người Việt Nam, để luôn tự hào là con Rồng cháu Tiên. Phần cuối: “Bầy rồng lại tái hiện”, thời đại này lại xuất hiện bầy rồng. Vậy chỉ là huyền thoại thôi sao!
Một người bạn, vào loại mọt sách đến gặp tôi, nói:
- Đọc xong cuốn sách này, tôi cứ thấy mênh mang, hư hư thực thực…
- Cái hay của tiểu thuyết là ở chỗ đó, - tôi nói, - chủ đề, cách viết đều rất mới lạ. Ông quen đọc sách theo lối truyền thống, có kết cấu rõ ràng theo trình tự, có tuyến nhân vật chính, phụ, diễn biến theo thời gian, không gian của sự việc… Do vậy, nên đọc Cửa Đá thấy lạ là phải.
Suy cho cùng, trong cõi người ta, cái gì là thật, cái gì là giả đây? Tất cả nháo nhào như trong cõi hỗn mang vậy. Hiện thực trong văn chương, với hiện thực ngoài đời không bao giờ đồng nhất. Cái gọi là hiện thực trong văn chương đã được hình tượng hóa, nghệ thuật hóa theo cảm nhận của nhà văn. Nhà văn miêu tả cuộc sống con người, cảnh vật để nói đến ý tưởng, cảm nhận sâu xa hơn; người ta thường gọi là mạch ngầm văn bản. Thưởng thức một tác phẩm văn học chính là tìm ra cái mạch ngầm ấy, không dễ đâu!
Tiểu thuyết Cửa Đá là cảm nhận của nhà văn theo suốt chiều dài đằng đẵng của lịch sử, từ thuở bình minh của muôn loài; trong đó, con người là nhân vật chính. Ngay chính cõi đang sống đây, chúng ta đã không hiểu hết những gì đang diễn ra, nói gì đến cái thuở hoang sơ sâu thẳm của con người. Cảm nhận cái thời xa mờ, theo cách ăn ốc nói mò thôi, là thật ư? Làm gì có cái thật trong huyền thoại, một thế giới theo tưởng tượng của con người. Nhà văn cảm nhận những huyền thoại ấy theo cõi tâm linh, bằng cách riêng của mình, không độc đáo sao!
Đã có bao nhiêu người ăn ốc nói mò, về quá trình hình thành trái đất và muôn loài. Nhà văn thì nói ngắn gọn thế này: “Quả đất hao hao gióng củ khoai tây, móm méo. Có một điểm đánh dấu đỏ, chú tên: “Thoạt kỳ thủy”… Khu vực đắc địa ấy, phía trên, hai quả đồi chon von và ở giữa là thung lũng, đột ngột lồi lên một cái hang, có vách núi dựng thành vại, phía dưới có khe nước trong mát. Tất cả chỉ có thế. Người đời giải thích, hai quả đồi chính là bầu vú của người mẹ vĩ đại. Thung lũng nứt nẻ, chính là cái bụng bị rạn của người mẹ sau lần mang thai. Cái hang lồi trên núi mang tên nôm là Rốn. Vách núi hiện lên Cửa Đá huyền bí. Nguồn nước trào ra từ khe đá, là nơi bà mẹ nhận phần dương khí của đất trời, rồi sinh ra đàn đàn lũ lũ rặt những người là người. Khe nước đó là khởi nguồn của suối Mẹ Tiên”.
“Một ngày đẹp trời, bầy rồng ngũ sắc bay qua vùng đất linh thiêng này, thấy cảnh thanh bình, cây cối tốt tươi, nước mát trong lành, bèn rủ nhau sà xuống. Đầu tiên là Hắc Long, rồi đến Bạch Long, Hoàng Long, Xích Long, cuối cùng là Xích Giả Long. Bầy rồng uống nước suối Mẹ Tiên, nhả ngọc ngũ sắc vào khe đá ấy. Sau chín tháng mười ngày, khe nước đùn ra năm bọc trứng ngũ sắc, mỗi bọc năm mươi quả. Một tiếng nổ lớn, đất đai vỡ ra thành năm mảnh lớn, trôi dạt trên đại dương. Mỗi mảng lục địa mang theo một bọc trứng, rồi nở thành người mang theo mầu da của từng con rồng: đen, trắng, vàng, đỏ, nâu. Trên vách hang Thạch Đỗ, có cái Cửa Đá hình tròn, nom như mặt trăng, to đến mức con tàu vũ trụ có thể bay vào được, và tự ngàn đời không biết sau Cửa Đá là gì. Cửa Đá huyền bí, vĩ đại, không biết do ai tạo lập, từ đời nào, để làm gì? “Cứ trăm năm, bầy rồng ngũ sắc lại lại về Cửa Đá một lần, báo hiệu sự biến động dữ dội của trời đất”.
Theo cảm nhận của nhà văn, muôn loài, trong đó có con người, đều chung một nguồn cội, do bà mẹ trái đất “móm méo như củ khoai tây” sinh ra. Con người và muôn loài đã chứa biết bao huyền thoại, có phải vậy mà thế giới này luôn ẩn chứa những điều khó hiểu và đầy bí hiểm nữa. Ví như ngay từ buổi còn ăn lông ở lỗ, trưởng bản chết, đám trẻ con nhìn cái xác cháy dở, thèm thuồng, nuốt nước dãi, hỏi: “Không được ăn à?”. Thằng Lừ khỏe mạnh: “Nó ăn không biết no, làm không biết mệt. Bọn con gái bản mê nó nhất. Một đêm nó có thể phủ tất cả con gái bản Hang và trại Suối. Cô nào có chửa đều muốn đẻ con giống nó”. Hoang dã đến độ. Đội quân của “Viên tướng đội mũ sắt nhọn” đến đánh bản Hang, cuộc chém giết ghê người. Bắt được đàn ông, viên tướng đội mũ sắt nhọn hét lên: cung hình (thiến)! “Tức thì bọn lính quỳ xuống, nhất loạt vung lẹm hóp, thiến dái đàn ông… Viên tướng hả hê cười, ra lệnh cho quân lính nhặt cà, ngâm vào bình rượu. Còn đàn bà, “những cô bụng mang dạ chửa, bọn lĩnh đạp cho phọt thai ra. Những cô vú nở, bụng thon, bọn lính vật ngửa ra sân, đồng loạt hiếp”.
Ngay từ thuở hồng hoang, con người đã đã hung dữ dến vậy sao? Cùng một nguồn cội, mà lòng người chất chứa bao nhiêu thù hận, trà đạp tàn bạo lên đồng loại, để thỏa cái chất cầm thú trong mình. Kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu, cá lớn nuốt cá bé đã là bản tính của con người.
*
Cửa Đá, viết theo dòng chảy của suối Mẫu Tuyền, dòng chảy thời gian. Tác giả chọn từng chặng để viết, từ quá khứ đến hiện tại, mầu văn đượm chất huyền thoại, thực đấy, giả đấy, khó nắm bắt là phải. Đang ở đoạn gươm khua giáo gãy, “quân chết như ngả rạ một lượt. Bọn Thổ lệnh cho quân sĩ sẻo dái tù binh, mỗi tên một hòn, rồi cho vào chum làm mắm, khiêng về nước”. Rồi nhà văn giả bắt ngay sang phần ba: Hợp tác xã là nhà, sang cái thời của những con người mông muội đi lên chủ nghĩa xã hội. Thế mà ông Tố Hữu, từng viết:
“ Dân có ruộng dập dìu hợp tác
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê
Chiêm mùa cờ đỏ ven đê
Sớm khuya tiếng trống đi về trong thôn”.
Một bức tranh làng quê thật đẹp, một câu chuyện thần thoại trong thời đại mới. Những con người sau trận “Táo đổ chôn mâm”, rồi “Trí, phú, địa,  hào đào tận gốc, trốc tận rễ”, khiến bao người thác oan… Những người không một ngày cắp sách đến trường, chưa viết nổi cái tên mình, mới viết được từ số không đến số chín, mà lên làm chủ tịch xã. Ông bí thư đảng ủy xã nói: “Trước đây, tôi đi học kinh tế học một tuần”, về giảng với dân làng: “Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là một nền kinh tế có kế hoạch hóa cao độ.
- Giời ạ, lý luận kiểu ấy, chỉ đẻ ra thói quan liêu thôi.
Môn đập bàn quát:
- Đồng chí chống đối phải không? Dân quân đâu? Gô cổ lại cho tôi”.
Mới chỉ có một mớ lý thuyết, chưa được kiểm nghiệm đã bắt tay vào xây dựng một thiên đường hạnh phúc. Công việc đầu tiên của ban chủ nhiệm hợp tác xã phải làm là: “Viết khẩu hiệu rõ to, mỗi nét chữ phải to bằng thân người, để ở xa hàng chục cây số cũng nhìn thấy: “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”, lồ lộ trên Cửa Đá, nhưng không ăn. Viết bằng vôi không bám, viết bằng bột mầu pha nước cơm cũng tuột đi. Cuối cùng, tính lấy chét đục vào cũng không sầy vẩy”. Tạo hóa đã không chấp nhận việc làm hão huyền của con người. Đền Lừ vốn là chốn linh thiêng thờ người có công đức với bản, biến thành kho chứa phân.
Những ai từng sống thời đó, mới hiểu cách viết của nhà văn rất chân thực. Cái gọi là “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”, chỉ là khẩu hiệu thôi, cho nó ra vẻ xã hội chủ nghĩa. Khác chăng, ngày trước, mình cày, cuốc trên mảnh đất riêng của mình, nay mảnh đất ấy là của hợp tác xã, chỉ có điều, nồi cơm ngày càng vơi dần. Lão Hượm nói với con là Ngần:
- Thày mới đi đo đọ sổ điểm về. Ban quản trị cân đối thu, chi, mỗi công được ba lạng thóc. Nhà ta được hai gánh, có nhà chỉ được ba thúng.
- Lại kém năm ngoái, năm ngoái kém năm kia. Củ mài ăn xuống.
Ngôi nhà chung ấy chỉ tồn tại trên danh nghĩa, chả mấy ai quan tâm. Lão Hượm thấy Ngần tiếc con gà nhép bị diều hâu bắt, nói với con gái:
- Một con gà nhép thì tiếc, một cơ đồ thì dửng dưng.
- Tuy là gà nhép nhưng là của mình, còn cơ đồ là của thiên hạ.
Sống chung trong một ngôi nhà, mà không ai quan tâm đến ai, thì làm sao thành ngôi nhà chung được. Chủ nghĩa xã hội là thứ viển vông, cũng như cải khẩu hiệu kia vậy.
Một cách viết chân thực, về một thời đại dài tới nửa thế kỷ, từ lúc gióng trống khua chiêng , bắt người nông dân đưa ruộng đất, trâu bò, nông cụ vào mái nhà hợp tác xã, đến khi nó cáo chung, người ta mới ngộ ra, không thể đem thứ học thuyết mới có trên sách vở, chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người, dùng sức mạnh tàn bạo của chính quyền áp đặt vào cuộc sống, để biến nó thành hiện thực…
Làm sao, chỉ bằng hô khẩu hiệu, mệnh lệnh, bằng lời nói giáo điều là có ngay một xã hội công bằng, dân chủ và có ngay một đồng lúa bội thu? Người ta chẳng từng mơ hợp tác xã xây “cái sân gạch” rộng bát ngát, để phơi những “vụ lúa chiêm” bội thu. Lúa nhiều đến mức, gà  không thèm ăn, bới lúa tìm sâu.
“Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Những con người chân lấm tay bùn, chỉ biết bới đất lật cỏ kiếm sống, thì biết gì về chủ nghĩa xã hội  mà xây dựng với dựng xây! Nhà văn viết những mẩu chuyện gần gũi, chân thực, đan chen trong thế giới cuộc sống của người lao động, ở ngôi nhà hợp tác xã.
Người ta định kẻ khẩu hiệu thật to trên Cửa Đá. Cây sồi thần không cất lên tiếng hát. Chủ nhiệm Môn phá đền Lừ, khi ngồi dưới gốc cây sồi bị cành cộc rơi trúng đầu, tóe máu. Con gà trống dùng hòn- sỏi- tình- yêu để mồi chài gà mái. Chim diều hâu bắt gà con, bố con Ngàn nói chuyện với nhau. Vợ Môn lén đến Cửa Đá, đèn Lừ làm lễ. Môn phục thiện. Ngàn đau đẻ, sinh con gái. Câu cá trộm ao hợp tác. Trai gái đùa bỡn trong đêm chiếu phim. Thín, Lừ thành quỷ ma, thánh thần  mà vẫn quấn quít lấy nhau. Chuyện đẵn cây sồi thần. Hợp tác xã cũng chỉ như toán thợ góp gạo thổi cơm chung. Dân bản bàn nhau về chuyện tiến lên nông trang tập thể. Pháo đài cấp huyện. Tinh thần quốc tế vô sản. Cái áo ba-đờ-xuy. Liên Xô đổ quân vào Tiệp Khắc. Trên đưa đoàn về điều tra chuyện nghe đài địch. Trang ăn phải ếch thần, hóa điên, khác nào nhiễm chất độc màu da cam.  Biện lễ xin suối Mẹ Tiên, bện Sồi, thánh Lừ giải hạn. vv… Một lớp người với cuộc sống, cách nghĩ quanh quẩn, tù túng, cạn hiểu như thế đang là chủ nhân  đích thực để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người ta đang rất tự hào: bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Một quyết tâm sắt đá! Giọng bí thư Môn sang sảng:
- Lưu ý, đảng bộ đã quyết rồi, trên chỉ đạo xuống là phải làm, chứ không được bàn dùn, không ai được đi trái chủ trương, chính sách.
- Tuyên bố như thế cần gì phải bàn. Nên nhớ, dân không phải là vật thí nghiệm đâu nhá. Đừng có bầy ra kiểu này, trò nọ, rồi khi thất bại lại phủi tay, để dân è cổ gánh chịu hậu quả.
- Phản đối sao? Dân quân đâu? Gô cổ lại cho tôi”.
Như thế là dân chủ, là văn minh, là hợp tác xã là nhà xã viên là chủ sao? Bao nhiêu là hoang đường trong cuộc sống đời thường. Người ta quay về với Cửa Đá, suối Mẹ Tiên, đền Lừ, gốc sồi thần để xin phù trợ là phải, không còn biết đặt niềm tin vào đâu nữa. Nền tảng để làm nên xã hội là nhân dân, “dân vi bản”, nhưng lại ngăn cấm cả quyền ăn nói, quyền tranh cãi, bắt tất cả phải tuân theo khuôn phép là dân chủ, tự do sao?
Nhà văn khi chiêm nghiệm, phản ánh hiện thực cuộc sống vào tác phẩm văn học đều có thủ pháp nghệ thuật riêng, rung cảm riêng, hướng tới người đọc bằng những điều mà nhà văn muốn bầy tỏ. Tiểu thuyết Cửa Đá của nhà văn Vũ Xuân Tửu, dường như không có nhân vật nào là chính cả. Có chăng, chuyên viên Thủy Văn Mộc là trọn vẹn hơn cả. Một người có nguồn gốc chân đất mắt toét, mà được ăn học tử tế ngành triết học, chăm chỉ chịu khó hơn kẻ khác, học theo lối vẹt, ghi chép lại lời thầy cho thuộc. Thủy Văn Mộc vùi đầu vào đọc sách. “Mộc cứ lầm lũi đọc cho kỳ hết năm mươi tập Lê-nin toàn tập, rồi chuyển sang sách của Xta-lin”. Thu gom vào trong đầu bao nhiêu là học thuyết, trở thành chuyên viên uốn ba tấc lưỡi, với ngòi bút kiếm ăn. Về làng, gặp lão Côn bán thịt chó. Tiếp chuyện với lão, Thủy Văn Mộc mới ngộ ra, những gì mình thu nhập được cũng chỉ là mớ lý thuyết suông. Nhớ lời bàn của lão Côn, Mộc giật mình, một tay chủ quán ở xó chợ mà tinh thông đến vậy!
Mộc được “các cụ” giao cho viết bài về kinh tế thị trường. Mộc cãi lại:
- Nhưng bọn em học trong trường, các thầy giảng, thị trường là của bọn tư bản lũng đoạn. Kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã nêu, buôn bán nhỏ hàng ngày, hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản.
Trưởng ban thở dài, phẩy tay nói: “Thế nhé”. Mộc hiểu cái phẩy tay là gì rồi. Người ta nói: “Giai cấp công nhân là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”. Ai chôn ai đã rõ như ban ngày.
Mộc đã thấm, mọi thứ học thuyết, bất biết đúng hay sai, suy cho cùng nó là thứ công cụ trong tay gia cấp thống trị, dùng để mê hoặc dân, sao cho mình có phần lợi nhất. Không thể tranh cãi khi những người như Mộc “chỉ là cái lưỡi của bề trên”. Chiêu độc nhất là dối lừa, áp đặt, mệnh lệnh. Chủ nghĩa xã hội là thiên đường, không thể và chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Người ta vẫn không chịu buông tha, lại còn nói, định hướng xã hội chủ nghĩa. Cái hướng đó là gì, lại còn hướng đến chỗ không thể có nữa sao?
Phía dưới Cửa Đá là dòng suối Mẹ Tiên, nơi khởi thủy để sinh ra muôn loài; trong đó, có loài người. Xem ra, tất cả những đứa con của bà mẹ trái đất đều bất hiếu, chúng dùng đủ mọi thủ đoạn, mánh khóe, dối lừa, tàn bạo, nhẫn tâm, độc ác để thỏa mãn tham vọng khôn cùng của mình. Chúng chia nhau từng vùng lãnh thổ, phân thành nhiều quốc gia, hoạch định biên giới, tranh nhau cả vùng nước mênh mông ngoài biển khơi, nói chuyện với nhau bằng sức mạnh bom đạn và sự hủy diệt. Con người với con người chỉ là lang sói. Miệng nở nụ cười, nhưng trong bụng chứa một bồ dao găm. Ngay Cửa Đá, bàn tay của tạo hóa đã xếp đặt cũng bị đốt, đập, đục và còn dùng cả bộc phá hòng mở cửa. Lợi dụng Cửa Đá, suối Mẹ Tiên, đền thánh Lừ, để làm chốn di tích lịch sử, cách mạng, văn hóa, sinh thái để hái ra tiền.
Người ta tìm gì phía sau Cửa Đá ấy? Phải chăng là tìm kho báu vô cùng tận? Biết đâu phía sau cửa Đá là thế giới đại đồng, con người và muôn loài sống với nhau không có cuồng vọng, không có hằn thù, tất cả là bạn? Một thế giới tràn ngập ánh sáng, lúc nào cũng rộn tiếng chim ca, muôn vàn bông hoa đua nở? “Cứ một trăm năm bầy rồng ngũ sắc lại về Cửa Đá một lần, và thường báo hiệu sự biến động dữ dội của trời đất”. Lại đến một trăm năm, lần này, bầy rồng báo hiệu: suối Mẹ Tiên cạn kiệt, đồi Hai Đụn phồng to, hang Rốn rộng huếch, Cửa Đá rung rinh, đền Lừ lắc lư, và hàng sư đoàn người tháo chạy toán loạn như gà nhép gặp diều hâu. Nơi khởi thủy sinh ra không còn nữa, con người trôi về đâu đây?
*
Người viết bài này, xin nói lời cuối cùng:
- Hãy làm đứa con hiểu thảo của mẹ trái đất. Nếu không làm được, thì cũng đừng gây khó dễ cho những đứa con đã sống như thế!
Tháng 1/ 2013
         THV

Truyện thứ tư

LÀM SAO DỪNG LẠI BÂY GIỜ?

                                               Truyện ngắn của Hồng Giang

Chiều chiều, dọc theo con đường bờ sông tráng nhựa người ta thường bắt gặp một ông lão gầy tong teo, dúm dó, mặt nhăn nhúm đến tội nghiệp.
Ông là một trong những người cao tuổi mê hát chèo ở cái thị trấn này. Người lạ chắc không thể đoán được ông bao nhiêu tuổi với cái hình hài bề ngoài đầy mâu thuẫn của ông.
Người quen thì biết ông đã qua tuổi tám mươi, nếu như gia cảnh an lạc thì đầu năm vừa rồi ông đã khao tuổi thượng thọ rồi.
Con người ta sống được đến cái tuổi ấy là có phúc lớn lắm rồi, cớ sao ông lại luôn than trời, kêu mình bất hạnh?
Ở tuổi ấy, mái tóc ông còn đen, lông mày còn rậm, răng hầu như còn gần đủ, nên mới nói hình dạng bề ngoài nhiều mâu thuẫn.
Ngoài mấy thứ ấy ra, “Các cơ quan đoàn thể” của ông rệu rạo lắm rồi. Chân tay gầy khẳng như các lóng mía, chả thấy da thịt đâu. Đôi mắt và cái mũi lại xuống cấp nghiêm trọng, luôn rỉ thứ nước đùng đục rất hôi. Bộ quần áo trên người dễ đến hàng năm không giặt. Nhìn cái dáng hình tiều tuỵ khốn khổ ấy, thấy ông xách cái mũ bảo hiểm đi đường, có lẽ nhiều người nghĩ ông già này là người cô đơn cô quả, không nơi nương tựa, đang lần hồi kiếm bữa qua ngày?
Gặp xe nào ông cũng vẫy, nhưng chẳng ai dám cho đi, sợ mình làm phúc phải tội. Lỡ ông ngã xuống, các con ông không để cho mình được yên. Chúng đâu có phải người thường? Có chức có quyền cả đấy, toàn là bậc tai mắt trong xã hội, đại diện cho “ngũ liên” : Công, nông, binh, thương, trí ..
Ngay như bản thân ông cũng không phải người vô thừa nhận, ông là ông giáo về hưu, mỗi tháng còn có mấy triệu bạc. Hai ông bà song toàn, sống cả đến ngày nay.
Vườn rộng hàng mấy mẫu, toàn đất thượng đẳng điền. Con cái mỗi đứa một dinh cơ vào loại đàng hoàng nhất nhì trong vùng, con trai con gái hầu hết có ngành nghề hưởng lương nhà nước.
Tính tổng cộng ông có tám người con: Ba trai, năm gái. Như vậy kể về hào con, hào của, ông đều được cả, đâu có kém ai trên đời?
Vậy bảo khổ, không hiểu ông khổ cái nỗi gì? Ông còn bảo ông không bằng anh cu Ất, chữa xe đạp, nhà nó nghèo, nhà ở không bằng cái bếp nhà ông là cớ làm sao?
Ai lạ gì anh cu Ất, quanh năm đào ao, bổ củi thuê? Từ ngày làng lên thị trấn, đất có giá, bán được vài thổ, có tiền, tập tọng xoay ra kinh doanh. Nhưng kinh doanh phải có duyên, có số. Không phải ai đi buôn cũng giàu. Anh buôn thức ăn gia súc, thứ hàng mà khối người nhờ buôn bán nó mà giàu lên, nhưng anh thì lụn bại. Sổ sách luộm thuộm, nhớ nhớ quên quên, cho người ta thiếu chịu, có anh chây bửa không chịu trả .. Tính các nguyên nhân thất thoát thì nhiều lắm. Cộng thêm phần, cả đời đói rách, bỗng chốc có tiền, vợ con đòi ăn đòi tiêu, anh cũng chiều cho thoả thích. Thế là lửa cháy hai đầu, buôn đã lỗ, lại tiêu hoang. Tiền bán đất như là nước lã ra sông, tay trắng hoàn tay trắng.

Nhưng anh Ất không buồn, đời anh khổ mãi quen rồi, lại khổ nữa có làm sao đâu?
Chị Dậu ( Chị Dậu có thật hẳn hoi, chứ không phải chị Dậu nhân vật trong
“Tắt đèn” của Ngô Tất Tố đâu nhé ), lại thân con gà, ra sức bới. Mỗi sáng một thúng bún rối, làm hàng bún riêu kiếm được gạo cho cả nhà. Được cái nết yêu chồng, quý con nên trong nhà lúc nào cũng vui vẻ, yên ắng như ngày mồng một tết. Ngày mà người ta chỉ ở nhà, chỉ nói chuyện vui, không to tiếng cãi cọ vì phải kiêng. Chị chiều anh hết mực, nghe đâu có rượu ngô ngon là mua bằng được về cho chồng.
Chả phải lo nghĩ gì, anh cu Ất làm thêm nghề sửa chữa xe đạp để thiên hạ nhìn vào thấy “có nghành, có nghề”, không phải loại đàn ông ăn nhờ vợ.
Thực ra nghề sửa xe đạp bây giờ đâu còn kiếm được như thời trước, dăm cái nan hoa cũng có tiền ngay?
Xe máy Tàu tràn sang rẻ như bèo, xe đạp mới còn chẳng ai ham, cũ quá người ta bán cho hàng lông gà, sắt vụn, ít khi sửa chữa. Lâu lâu mới kiếm được miếng vá, vài ba ngàn đồng.
Thôi thì ít còn hơn không!
Vả lại, anh là người theo chủ nghĩa lạc quan, coi cái khó, cái khổ như bạn hiền, nên vẫn vui đời!
Chả biết nghe ai xui dục, anh cu Ất dạo này lại sính văn chương chữ nghĩa, thơ ca, hò vè đủ cả.
Lâu lâu có anh nhà thơ ở tỉnh về sửa sang cho vài bài, rồi đem về tỉnh in, anh Ất trở thành “nhân sĩ” của thị trấn này.
Anh còn giỏi chơi đàn Măng đô lin nhất thị trấn. Hễ thị trấn có công việc gì là anh đều có tiết mục “văn nghệ chào mừng”!
Ông giáo Thuần bảo đời anh tươi hơn ông là phải. được cả phần xác lẫn phần hồn .
 Không phải như ông ngoài tươi, trong héo, nom bề ngoài thì đỏ mà thực ra chưa chín khi nào, vẫn chát, vẫn chua trong dạ.
Ông với anh cu Ất là chỗ thân tình từ ngày ông hay lui tới chỗ quán anh sửa xe. đã lấy rẻ thì chớ mà lại hết sức ân cần. Nay kể cả lúc không sửa xe nữa vì không đủ sức đi xe đạp, ông vẫn năng qua lại.
Từ ngày anh Ất chuyển sang làm thơ, thì với anh, ông thân lại càng thân. Ông vốn là cộng tác viên nhiều năm nay của một số tờ báo. Từ hồi có phong trào viết về “người tốt việc tốt” ông đã nổi danh rồi.
Sống ở cơ sở, bao nhiêu điều mắt thấy, tai nghe, ông chỉ moniphe một chút là thành những chuyện cảm động, lay chuyển lòng người. Thêm một số bài thơ trên sáu dưới tám, hay thất ngôn tứ tuyệt, ông đã là cây bút có tiếng trong vùng.
Hai người thân nhau là lẽ đương nhiên, như người ta bảo “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Bây giờ nom tiều tuỵ thế, đi đâu trong cái túi ông xách theo cũng có tập bản thảo, một nửa văn xuôi, một nửa thơ ông sáng tác nhiều năm đã qua.

Nhưng chuyện ông bảo ông không bằng anh Ất là cớ làm sao?

Những người sống lâu năm ở cái làng này, khi nó chưa là thị trấn như bây giờ  đều biết ông giáo Thuần đã có một thời “vàng son” rất đáng tự hào. Lúc xung quanh còn nhiều người thiếu đói, mặc dù đông con ông vẫn hết sức đàng hoàng. Ông còn cho rằng ý kiến bảo rằng:“Đông con, tất nghèo khó” là ý kiến không mấy chính xác. Đó là ý kiến bao biện của anh đầu óc làm ăn kém sáng suốt, không biết đường dạy bảo con cái. Thực ra nếu biết sai khiến con cái cũng giúp được khối việc.
Sáu bảy tuổi chúng có thể chăn trâu, thả bò. Mười hai tuổi trở lên đã có thể cùng phụ cha mẹ làm vườn. Đứa bé thì trông nhà, quét sân, chăn con lợn con gà. Lớn việc lớn, bé việc bé, không có đứa nào ăn không, ngồi rồi cả! Ông giáo không chỉ nói mà đã làm như thế . Con ông thuộc loại ngoan ngoãn chịu thương chịu khó, chắt chịu, nhặt nhặnh, khéo léo nhất trong làng.
Ông là hiệu trưởng trường cấp hai trường làng, lương nhà giáo bấy giờ chưa cao như bây giờ nhưng ông luôn tìm ra cách thu nhập phụ.
Không phải bằng cách xén vào quỹ “Những khoản chi khác” của nhà trường như một số ông hiệu trưởng thời nay, cứ khai vống lên các khoản chi mua sắm trang thiết bị của trường. Cũng không phải o ép, bẻ hành, bẻ tỏi các thày cô trong trường để ép người ta cung phụng, lo lót mình. Thời đó có muốn làm những việc đó cũng khó. Ngân sách chi cho các trường eo hẹp, có muốn bớt xén cũng chẳng lấy đâu ra mà bớt xén. Còn các thày các cô, ông phải chiều họ như chiều vong, nói nặng với họ là không xong, rc rối là họ bỏ nghề ngay lập tức vì đồng lương “bèo” quá không đủ tiền mua gạo. Hầu hết các thầy các cô đều phải phát nương trồng ngô, đỗ cải thiện thêm. Thày cô nào nhà có vốn thì mở hàng tạp hoá ngoài chợ, buôn từ cuốn vở đến chai xì dầu, cân cá mắm ..
Ông không làm như họ. Vườn nhà ông rộng, đất lại tốt, ngoài giờ ở trường về, thời giờ còn lại ông dành cả vào đấy.
Cả một vùng chả có mấy người biết trồng rau, chỉ biết sẵn mấy thứ rau rừng, cứ rau bao, rau đay, rau dớn quanh năm. Phần vì bận công việc nương rẫy đồng áng, phần không có kinh nghiệm nên không mấy người làm. Có trồng cũng chỉ đủ nhà ăn, có đâu bán chợ?
Ông giáo là người nhận ra điều ấy, biết đây là lỗ hổng trong cách làm kinh tế của miền đồng rừng. Ông về quê học kinh nghiệm, lấy hạt giống rau về trồng. Quê ông là vùng rau chuyên canh, công cuộc “đưa rau xanh lên núi” nhờ thế đâu có khó khăn gì?
Mùa nào thức đấy. Mùa hè có rau ngót, rau muống, rau rền. Mùa đông có cà chua bắp cải, cà bát. .
Đất ven sông nên việc tưới tắm cũng rất thuận tiện. Rau vườn nhà ông cứ lên ngời ngời . Chỉ qua mấy vụ, hai vợ chồng đã có chút vốn kha khá. Cả nhà hầu như suốt ngày ngoài ruộng rau.
Mấy cô con gái thay nhau sáng chiều ngồi chợ, vì chúng còn đang học không thể ngồi cả ngày.
Ông không dừng lại ở đây.
Làm kinh tế là phải biết lấy ngắn nuôi dài, biết mở rộng sản xuất. Cả khu vườn rộng hàng mẫu, trừ đám trồng rau, trồng màu, ông rào lại, khoanh vùng nuôi gà. Môi trường còn tốt, chưa có dịch bệnh, đàn gà sinh sôi nảy nở, không thể đếm được có bao nhiêu con? Lại thêm phân gà bồi bổ cho đất vốn đã màu mỡ rồi, không tốn tiền mua đạm hay NPK.
Tiến thêm bước nữa, ông mua mấy con bò giống mang về. Đàn bò cũng
“ Không ngừng phát triển” theo tinh thần đi lên của CNXH. Nhà nuôi không xuể vì đàn bò quá đông, không cai quản hết, ông cho làng nuôi chia. Bò cái đẻ cứ hai con ông lấy một ..
Cứ như thế.. Tiền của như nước chảy vào chỗ chũng, ông giàu không nhất thì nhì trong huyện.
Tiếng tăm đồn ra tới tỉnh ngoài, quan hệ vì thế mà ngày càng mở rộng. Quan lớn quan bé cả tỉnh đều thành chỗ thân tình.
Nhưng ông không quá coi trọng cái đó. Danh tiếng là cái đáng quý, đáng trân trọng, nhưng chưa thiết thực, nếu nó chỉ là danh hão.
Quan trọng là biết để cho tiền sinh sôi nảy nở. Ngân hàng chưa có cơ chế cho dân vay tiền rộng rãi thì ông cho vay, thả lãi kiếm lời. Lãi mẹ đẻ lãi con, cộng ra, cộng vào cứ việc sinh sôi nảy nở.
Có tiền, ông có điều kiện cho con ăn học, đứa nào cũng có ngành có nghề. Cái nghề giáo xưa nay mạt nhất, đang được nhà nước quan tâm. Rồi đây sẽ là nghề có tiền mà đỡ vất vả, phơi nắng, phơi sương. Mấy cô con gái ông cho đi học sư phạm bằng hết. Nghề này về lâu về dài có tương lai và nhất là phù hợp với  đàn bà con gái. Qua kinh nghiệm bản thân, ông biết chắc là như thế.
Anh con cả học nghề xong, ông lo cho nó đi lao động nước ngoài. Thời ấy, những người khác muốn được vậy có mơ cũng không được! Với ông chỉ trong tầm tay.
Chưa có gia đình nào nền nếp, trong ấm ngoài êm như gia đình ông. Vợ con ông còn đòi hỏi gì nữa mà không quý trọng, yêu kính ông?

Nhưng sự đời không ai biết trước được ngày mai nó sẽ như thế nào?

****
Đã năm sáu giờ chiều, gần tối rồi mà vẫn nắng như đổ lửa. Ông giáo cố gắng lết đôi chân rã rời của mình cho mau về đến nhà. Hôm nay anh cu Ất về tỉnh nhận giải thưởng về bài dự thi viết về nghành giáo dục nên không có nhà. Nếu không ông đã ghé vào đấy, ngồi chơi một lúc cho lại sức. Nhân thể đọc cho anh ta nghe bài thơ ông vừa viết đêm qua. Ông viết bài thơ chủ yếu để giải tỏa tâm trạng của mình với những nỗi đau nhân tình thế thái, nỗi hận với vợ với con, hận với đời, nếu không viết ra, ông sẽ không chịu được.
Ông cũng chẳng vội gì, về nhà lúc này mất điện, nóng như thiêu như đốt, lại không có người trò chuyện thì vội về để làm gì? Hơn nữa mấy hôm nay ông thấy trong người đuối qúa, có muốn vội cũng không được. Nhưng anh Ất không có nhà, ông không muốn vào nhà khác. Ở thị trấn này, xứ u tì quốc tăm tối nhất nước nam từ ngày gia cảnh ông có chuyện lục đục, người ta đã nhìn ông với con mắt khác.
Xưa thì thấy ông từ xa, đã có người cười cười, nói nói, chạy ra đón tay dắt vào, vì khi ấy ông còn có của, cho vay, cho mượn, giúp dập người này người khác. Nay thì họ bơ ông như củ khoai hà, nhìn nhận ông như kẻ sa đoạ, rượu chè.
Bạc, đúng là “Bạc như dân, bất nhân như lính”. Ý nghĩ chua chát thoáng qua trong đầu, làm miệng ông đắng ngắt.
Nhưng cũng chẳng trách họ được, ông biết thằng con trai ông không muốn ông lui tới bất cứ nhà ai ở thị trấn này, chỉ vì ông hay mang chuyện của nó ra than vãn với họ. Mà người ta không muốn mất lòng nó, nó đang là người giữ gìn an ninh trật tự, có một tý chức, tý quyền ở đây. Chả ai muốn nó mất lòng, để ý soi mói đến mình nếu chứa chấp ông hay ông năng lai vãng. Cái thằng con ông sinh ra, nuôi nấng, gây dựng để cho nó có ngày hôm nay. Trong ba đứa con trai, ông vất vả với nó nhiều nhất, cũng là đứa làm ông đau lòng nhất.
Hồi vợ nó bỏ nó, nó chán đời, mấy lần tự vẫn mà không chết. Lần nặng nhất uống thuốc sâu, phải đi bệnh viện rửa ruột, nếu ông không có tiền, làm gì nó còn sống đến ngày hôm nay?
Người ta bảo uống phải thứ thuốc ma quỷ đó, thần kinh bị ảnh hưởng, chẳng đâu muốn nhận nó vào cơ quan nhà nước.
 Vậy mà ông chạy chọt, lo liệu mãi nó cũng có chút địa vị. Từ ngày có quy định mới, nó vĩnh viễn hưởng lương nhà nước cho đến già thì về hưu. Hơn cả bí thư, chủ tịch do dân bầu, nếu không trúng chắc cũng về vườn.
 Lộc nước như thế, đáng nhẽ nó phải biết ai là người lo cho nó chứ?
Cứ như nó ai người ta vời? Nó tưởng ti toe ba miếng võ “Cứt gà” mà được trọng dụng hay sao? “Nhầm to rồi con ơi! Mày là đứa bất nhân, bất hiếu, rồi đời mày sẽ gặp quả báo thôi con ạ!”
Thằng anh nó, con vợ cầm quyền trong gia đình, đối với ông cũng không hơn gì. Chính nó cũng nhiều lần nói thẳng vào mặt ông :“Ông già rồi mà không đứng đắn, nát rượu, gái gú làm con cái xấu hổ. Bao giờ ông chết tôi chôn, chứ tôi không muốn nhìn thấy ông nữa” .
Ông hận lắm, nó đâu phải người ngoài, không biết chuyện mà kết luận nói với ông những điều như thế ?
Ngày ông với mẹ nó ra toà, nó đâu biết nỗi khổ trong lòng ông? Người ta ở tuổi xưa nay hiếm mà còn phải ra toà ly dị thì có nỗi đau, nỗi nhục nhã nào hơn? Cực chẳng đã ông mới phải làm như vậy. Đâu phải chuyện trai trên dưới dưới gì để chúng mang tai mang tiếng?
Chung quy cũng bởi bà ấy quá đáng quá. Một chuyện hiểu nhầm, có bé xé ra to, lôi kéo cả đàn con lên án ông, coi thường ông, uất ức quá ông mới phải hành xử như vậy.
Ông về dưới Phủ Đoan với bà sau này, tuy không làm đám cưới, nhưng cũng có đăng ký hẳn hoi, cũng có dăm mâm biến báo xóm làng. Đâu phải là chuyện gì mờ ám?
 Chẳng qua lấy chỗ dựa lúc tuổi già, đâu còn “nụ cà hoa mướp” gì mà chúng nghĩ ông là người trăng hoa?
Nhà cửa, đất đai, tài sản ông để lại hết cho cho bà ấy và các con, có mang một tý một mảy nào của nhà đi đâu? Chúng nó chẳng thương thì ông tìm đường lo lấy thân ông vậy?
Nhưng nào chúng để cho ông yên? Chúng vu cho người ta là thấy ông có lương hưu, có của dấu  ngầm, tìm cách quyến rũ lừa đảo ông, để đến nỗi uất quá người ta chịu không nổi. Bà ấy phải vừa khóc vừa gạt nước mắt nói với ông rằng: “ Thôi ông về trên ấy, thỉnh thoảng tôi lên thăm, chứ ông ở đây các anh các chị ấy làm tôi xấu hổ quá, chết mất ông ạ!”
Rồi chúng bày trò đón rước ông về, bỏ ông ở nhà thằng con bất nhân ông vừa nhắc đến.
Khốn khổ, người già đêm thường ít ngủ.
Ông dậy đi ngoài, nó bảo ông phá rối không cho vợ chồng con cái nó ngủ. Bữa ăn không đứa nào mở mồm ra chào mời ông lấy một câu. Ông bỏ tiền mua rượu bố con cùng uống, nó bảo nó “không thèm, cứ uống cho lắm vào rồi nói bừa nói bãi”
Mỗi tháng ông đưa nó cả hai triệu bạc mà nó không bằng lòng. Nó bảo ông già rồi giữ tiền làm gì? Lại mang cho gái hẳn?
Ối con ơi là con! Ăn tiêu như nhà mày mỗi tháng chi cho bố cũng chỉ đến năm trăm là cùng, bố đưa cho cả hai triệu, mày vẫn chưa cho là đủ ư? Hay là có bao nhiêu phải đưa cả cho mày? Tao còn phải phòng khi ốm đau, lúc khách xa, bạn gần, đi đình đi đám nữa chứ? Chả nhẽ đến lúc đó lại ngửa tay ra xin vợ chồng mày?
Vẫn biết “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày” Nhưng đối xử với bố như hiện nay thì con ác, con tệ lắm con ạ!
Răng bố là răng giả, vợ chồng con cái nhà mày cứ mua toàn xương củ chối về gặm với nhau, bố có ăn được miếng nào đâu? Ông bảo cháu bớt một tý nấu cho ông bát cháo, nó vằn mắt :“ Nhà này không có thói nước lọ cơm niêu, ăn ma ăn mọi, có gì cả nhà cùng ăn, đừng có vẽ chuyện”
Vậy thì ông ở với vợ chồng nhà nó sao được?  Ông đành dọn đi chỗ khác. May mà gần nhà ông có cái nhà gianh cũ của vợ chồng một anh nghiện siđa mới chết, còn bỏ không, ông nói khó với bố mẹ anh ta cho ở nhờ.
Vợ anh này từ khi chồng chết, chán đời đi đâu biệt tích.. Tình cảnh như thế, người ta  chẳng khó dễ với ông làm gì.
Ông ở một mình, đúng là nước lọ cơm niêu, hôm nào khoẻ khoẻ thì tự nấu lấy ăn, hôm nào mệt thì đi ăn quán.
Được cái may, quán xá bây giờ mở rộng, muốn cơm có cơm, muốn cháo có cháo, không như ngày nào, có tiền trong túi mà chịu nhịn đói.
Ông không dám mua nhiều, làng xóm bây giờ loạn lắm, đề đóm, cờ bạc nên xểnh cái gì ra là mất cái đấy. Chổi cùn, rế rách con nghiện nó cũng không tha! Thôi thì cứ mua ít một, hết lại mua.
Vì thế ngày nào cũng phải lếch thếch đi chợ.
Cầu trời cho mạnh chân khoẻ tay, chả biết sống chết lúc nào,  đến đâu thì đến!
Ông ngồi dưới tán của cây keo ven đường mà nghĩ lẩn thẩn bấy nhiêu chuyện..  Hai hàng nước mắt tự dưng tràn qua mặt, xuống miệng mặn chát. Chưa bao giờ ông cám cảnh như lúc này.
Người đời thường ao ước sống lâu trăm tuổi. Nhưng sống lâu như thế mà cảnh ngộ như thế này thì sống để làm gì?
Chợt có chiếc xe con đỗ ngay trước mặt. Ông chưa hiểu chuyện gì, đã thấy một người trên xe to béo, phốp pháp, cổ đeo cà vạt đỏ, nhảy xuống. Người đó đi lại phía ông ..
Khách lạ nhìn ông rất lâu, nét mặt anh ta đầy vẻ lưỡng lự, như không tin ở mắt mình. Anh ta đã phải mất mấy tiếng đồng hồ chạy xe vòng vòng hỏi thăm và được người ta chỉ đến chỗ này, chẳng lẽ..?
Ông giáo Thuần cũng ngạc nhiên không kém. Lâu lắm rồi có ai nhìn ông như thế đâu? Với nhiều người, cả đến vợ con ông, đã lâu ông không còn tồn tại trên đời.
Nhưng mà biết đâu được? Sống đến tuổi này, ông biết đời người thật lắm chuyện bất ngờ.
Biết đâu một học trò nào đó của ông ngày trước, bây giờ thành đạt, nhớ đến thầy? Một anh “Va xi li” nào đó thăm thày giáo cũ, như bài văn ông từng giảng cho học trò ngày nào? Hay một nhà từ thiện muốn ra tay giúp đỡ người có hoàn cảnh cơ nhỡ một cách trực tiếp, không muốn qua trung gian vì sợ tiền của mình bỏ ra không đến tay người cần cứu trợ?
 Thoáng qua trong đầu ông bao nhiêu giả thiết. Ông định hỏi, chưa kịp mở miệng, người kia lên tiếng:
- Cháu hỏi không phải, cụ có phải là cụ Thuần không ạ?
- Vâng, chính tôi đây, nhưng ông là ai mà lại hỏi thăm tôi?
Người đó vội ôm chầm lấy ông:
- Chú Thuần ơi ! Cháu là Nhân con bố Thìn đây. Sao chú ra nông nỗi này? Cháu về quê, người ta kể chú thím ở trên này đàng hoàng lắm cơ mà ?
Ông giáo đẩy người khách lạ ra một chút để nhìn rõ mặt, chịu, ông chưa đến nỗi lú lẫn nhưng không thể nhận ra anh ta là ai? Nhưng tên người anh ta vừa nhắc đến ông làm sao quên được?
 Dù đã năm mươi năm trôi qua, ông vẫn nhớ. Người ấy là anh trai ông, dù có lâu hơn thế cũng không thể quên .. Nhưng nghe nói ông ấy chết từ lâu rồi cơ mà? Cái vóc dáng người trước mặt ông, cả giọng nói như có cái gì giống nhau lắm, thôi đúng rồi ..
Hai chú cháu ôm nhau khóc, đứng lặng hồi lâu. Một già một trẻ, người sang trọng, kẻ bần hàn.
Người cháu nhắc lại câu vừa ban nãy đã hỏi:
- Sao chú lại ra thế này hả chú?
Ông giáo cười, nụ cười đẫm nước mắt :
- Chuyện dài lắm cháu ạ! nói một lúc không hết được. Chỉ tại chú vô phúc, vợ hỏng, con hư mới ra nông nỗi .. Thôi bây giờ vào nhà chú cái đã, chú kể cho con nghe sau, ai lại đứng giữa đường, giữa chợ thế này ?
Người cháu đỡ ông lên xe, ông không quên mang theo cái túi xách lem luốc, anh ta đỡ lấy, giở ra xem: miếng đậu phụ trắng nhợt đã vỡ nát, trộn lẫn gói bún đã nguội ngắt từ bao giờ. Anh bảo ông bỏ lại, ông chần chừ tiếc rẻ, một lúc sau mới chịu vất xuống rãnh nước đang chảy ri rỉ ven đường.
Trước khi nổ máy cho xe chạy anh ta bảo :
-  Chú không thể về nhà với bộ dạng thế này được! Bây giờ chú đi với cháu, cháu thuê khách sạn ngoài thành phố, đêm nay chú cháu ta nghỉ ngoài đó. Cháu có mua quần áo biếu chú đây, muốn gì chú cũng phải tắm rửa, thay đồ, mai mới về. Chú là nhà giáo kia mà, ai lại ăn mặc như thế này?
Ông giáo bảo :
- Không cần như thế đâu, “quen sợ dạ, lạ mới sợ áo quần”, ở đây người ta lạ gì chú? Chú cứ mặc như thế này là được rồi. Gặp được cháu là chú mừng rồi!
Anh ta nhất định không nghe, cho xe chạy thẳng ra thành phố. Đi ngang qua nhà mình, ông chỉ cho người cháu thấy ngôi nhà xây của mình, ngôi nhà hai tầng sơn màu vàng nhạt, núp dưới tán cây nom đâu có đến nỗi nào?
 Người cháu có vẻ không hiểu những gì đã xảy ra cho người ruột thịt của mình, anh ta chỉ chau mày, không hỏi, cho xe chạy nhanh hơn .

***

Nhà ông phó chủ tịch, kiêm trưởng ban công an thị trấn hôm nay có việc lớn. Xe lớn xe nhỏ đậu thành bãi dài, người ta phải cử cả đội thanh niên bảo vệ tay đeo băng đỏ để hướng dẫn xe vào nơi canh giữ. Người ra vào tấp nập, loa đài inh ỏi. Các bà các cô mặc áo dài, môi son, tay cầm xắc nhỏ.
Các ông mặc com lê, cà vạt, giày da mới.
Đám thanh niên càng nhiều màu vẻ, đương nhiên cả những cô cậu ăn mặc kỳ quặc, tóc xanh, tóc đỏ mà thường ngày ông phó chủ tịch không ưa.
 Nhưng hôm nay những việc ấy chẳng ai để tâm đến nữa, đang trong ngày vui mà!
Hai dãy nhà bạt lớn dựng trên bãi đất hôm qua còn trồng ngô, đã lên râu vừa được phá bỏ, san đầm phẳng phiu .
Một chiếc Phông lớn được căng ở rạp chính có hàng chữ mạ vàng “ Lễ mừng thượng thọ cụ Đăng Minh Thuần tám mươi tuổi”. Phía bên trái có bức ảnh ông giáo Thuần chụp bán thân ở tuổi năm mươi, Phô tô sốp kiểu mới, chỉ hao hao giống người thật ngoài đời. Nhưng chuyện ấy không sao, “ Nghệ thuật luôn là thứ làm cho con người ta đẹp thêm lên, có khi còn hơn hẳn đời thường”! Khi treo bức ảnh này lên, mọi người tranh cãi bảo là nó không giống mấy, để treo bức khác, anh cu Ất đã bảo thế và giữ nguyên chủ ý của mình.
Ai cũng cho thế là phải, mà cụ Thuần khi ở tuổi năm mươi cũng đẹp lắm chứ, ai chả có lúc già? Tranh cãi làm gì cho mất công?
Tám người con của cụ, không thiếu một người. Anh cả đang là giám đốc công ty tư nhân có một cái tên rất lạ “ Khai thác tiềm năng và phát triển văn hoá Dân tộc”. Công ty anh đang sưu tầm các loại nhạc cụ ở địa phương về làm mẫu, rồi chế tác mới để kinh doanh.
Thời Du lịch được nâng lên thành ngành công nghiệp không khói, những thứ ấy đang được ưa chuộng. Các Video ghi hình hát then, hát lượn, cả ca trù, hát hầu đồng cũng là mặt hàng bán rất chạy. Vì thế mà công ty ngày càng phát triển.
 Hai người em trai đứng kề bên. Ai cũng nét mặt hớn hở, cười nói ân cần bắt tay, đón tiếp khách. Cô gái út là chủ trang trại nuôi đà điểu thay mặt chị em gái đứng ngoài cửa tươi cười hướng dẫn khách vào bàn ngồi. Các cô còn lại người nào việc nấy, vui như ngày hội!
Mà đúng là ngày hội thật, không phải ngày hội làm gì có nhiều hoa tươi, nhiều tiếng cười, nhiều đèn sáng rực rỡ như ngày hôm nay?
Anh Ất được ban tổ chức cử làm MC. Buổi lễ chưa chính thức khai mạc, trong khi chờ đợi anh đang hát một bài nghe rất chi mủi lòng:
“ Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn .. mà chảy ra ..
Là người.. sống ở trên đời .. biết nhớ công cha mẹ,.. mới là người hiền nhân ..
Vì đâu anh nên người tài ba?
Hãy nhớ công sinh thành
Vì Người mà có ta ..a..a”
Tiếp đến là tiết mục chào mừng của các cháu trường mầm non mà cô con gái thứ hai của cụ giáo làm hiệu trưởng. Các cháu mặc đồng phục nom xinh xắn, bó hoa ôm trước ngực, vẻ mặt trong sáng hồn nhiên, ca vang bài “ Cháu yêu bà”. Bài hát tuy không phù hợp lắm vì đây là mừng thọ cụ ông, nhưng mà không sao. Tấm lòng con trẻ, ai lại bắt bẻ bao giờ?
Ông chủ tịch thị trấn hôm nay đích thân thay mặt chính quyền cơ sở, sau lời giới thiệu của anh cu Ất, ông thong thả, bước dõng dạc lên bục có cài sẵn Micơrô, ông dõng dạc tuyên bố khai mạc buổi lễ, hàng tràng vỗ tay vang dội. Người ta để ý thấy cụ giáo Thuần rơm rớm nước mắt khi nghe ông nêu quá trình công tác, cống hiến của cụ trong sự nghiệp “trồng người” của địa phương.
Một cụ đại diện cho người cao tuổi lên nêu lại quá trình giống hệt vị chủ tịch thị trấn một lần nữa, chỉ thêm sau đó cụ đọc tặng một bài thơ có nhan đề là:
“ Niềm vui lúc tuổi già” .
 Bài thơ tương đối dài, đại ý là khi người ta về già, người ta nên để cho đầu óc thanh thản, chả tội gì mà lo, chả tội gì mà buồn, quên tuổi tác, quên oán thù và quên bệnh tật, ủng hộ con cháu nó làm công việc xã hội, đừng phàn nàn gì nữa.
Cuộc đời nó thế, con cháu mình nó thế.. Nghĩ ngợi, thắc mắc cũng chẳng giải quyết được việc gì!
Một vị ở trên tỉnh về, vị này đang có cương vị quan trọng nên nói năng kiệm lời.
Vị cám ơn thày giáo cũ, tri ơn công dạy dỗ của thày nên mình mới có ngày hôm nay!
Lại hàng tràng vỗ tay vang dội!
Đáng lẽ như các buổi lễ khao thọ khác, cụ giáo cứ việc ngồi yên một chỗ để mặc cho người ta tán thưởng, chúc tụng mình.
Nhưng trong hoàn cảnh riêng của mình, cụ cảm thấy không nói, không được. Tay cầm mic của cụ run run, cụ cố trấn tĩnh như ngày nào đứng trên bục giảng:
-Kính thưa các cụ, các ông các bà, các vị quan khách đại diện cho các ban ngành của tỉnh, của huyện, của thị trấn .. Tôi vô cùng xúc động trước những tình cảm tốt đẹp của tất thảy quý vị và bà con lối xóm đã dành cho tôi .. Quá trình tham gia công tác xã hội của tôi cũng đạt được một số thành tích. Ban nãy ông chủ tịch thị trấn và cụ hội trưởng hội người cao tuổi đã nói rồi. Tôi xin không nhắc lại nữa. Tôi muốn nói như một chuyện tâm tình với tất cả mọi người có mặt hôm nay ở đây. Có thể sắp tới đây, tôi sẽ phải xa mọi người mãi mãi.. Tôi có người cháu con anh trai tôi, đang định cư ở nước ngoài. Cháu muốn đưa tôi về trông nom từ đường họ Đặng của tôi ở dưới quê, vì hiện nay không có ai có thể làm tốt việc này hơn tôi được..
Vài người ở dưới xì xào :
- À thì ra thế, chả trách có lễ mừng thọ này.. Chắc là ông cháu bỏ tiền ra khao thọ cho chú đây chứ đám con ông ấy nếu muốn thì đã làm từ lâu rồi.
- Suỵt, bé cái mồm chứ, đèn nhà ai rạng nhà ấy, nói thế đến tai ..
- Thì có ai nói sai gì đâu?
- Thôi để yên xem ông cụ còn nói gì nữa kìa.
Giọng cụ giáo nghe chừng đã mệt :
- Làm người ai cũng có lúc thế này, lúc thế khác. Thường thì người ta “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đạy lại”. Tôi thì lại muốn sòng phẳng, thành thật với chính bản thân mình. Tôi cũng không tốt hẳn như mọi người nghĩ đâu. Cũng có lúc cho vay nặng lãi, rồi thương người vô lối như trường hợp cái bà ở dưới phủ Đoan. Hôm nay bà ấy tôi cũng mời, không hiểu vì sao bà ấy không đến. Con người ta đến già thì dở, tôi cũng không phải thần thánh gì, mà bảo sáng suốt mãi được, nhưng lại hay xen kẽ vào công việc xã hội của con cái, nên các con tôi nó ghét. Nhân tiện đây bố xin lỗi các con, tính bố các con không lạ, quan liêu cửa quyền, lợi dụng chức vụ để cầu lợi cho mình là bố không ưa. Có sai là sai ở cái khác chứ không mắc những cái này ..
Đến đây ông phó chủ tịch không chịu được nữa, ông vội chạy lên bục đỡ cụ giáo xuống: “ Bố mệt rồi, bố xuống nghỉ đi, mọi người đang vui”. Cụ giáo nhìn anh con trai thứ cười nhạt: “ Con không muốn thì bố không nói nữa, bố cũng đành thôi vậy”!
Không biết do bị dừng lời đột ngột, hay do cao tuổi không đủ sức ngồi thêm nữa, cụ nhờ người đưa vào trong nghỉ. Hai môi mím chặt, mắt ươn ướt, cụ Thuần không nói thêm lời nào ..
Ngoài rạp, giọng Ất vẫn nói lanh lảnh :
- Vì tuổi cao, sức yếu đáng lẽ cụ giáo còn tâm sự với chúng ta đôi ba câu chuyện trước lúc cụ về xuôi, nhưng do sức khoẻ cụ đã dừng lời .. Một lần nữa thay mặt ban tổ chức cám ơn những lời chí tình của cụ, kính chúc cụ sống lâu trăm tuổi! Sau đây ban tổ chức xin giới thiệu ..
Ông con cả ghé tai bảo ông phó chủ tịch:
- Chú vào xem bảo bọn nó có gì cho mang lên đi, không lôi thôi nữa!
Một lát sau cỗ được bưng lên. Chưa có đám nào cỗ làm to, sang, trọng như đám này!
Người cháu “Việt Kiều yêu nước” nhìn thấy tất cả, nhưng anh ta ngồi im, không nói gì ..
Tiếng hò dô “trăm phần trăm” vang trời.. Bỗng đâu cô gái út hốt hoảng chạy ra ghé tai anh Việt kiều yêu nước:“ Hỏng rồi, anh vào trong nhà xem thế nào?”. Vị Việt kiều phốp pháp vội chạy vào. Ông giáo mắt trợn ngược, trừng trừng toàn lòng trắng. Khóe mép ông xùi bọt trắng như nước miếng cua buổi trưa nắng. Vị thất sắc bảo đứa em:
- Cô ra cho dừng ngay lại, ông nhà mình nguy rồi!
Cô gái út vội chạy ra. Ngoài rạp ồn ào như chợ vỡ. Đang rượu tưng bừng, ngất ngây con gà tây!
Làm sao dừng lại được bây giờ?