Trước khi các thành viên của Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị điều tra bởi cơ quan kiểm tra kỷ luật nội bộ của Đảng, họ bị triệu tập đến một cuộc họp. Ngồi bên dưới một biểu ngữ màu đỏ căng ngang, trong trang phục áo sơ-mi trắng, Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và người đứng đầu cơ quan [kiểm tra kỷ luật] của Đảng chính thức tuyên bố mở đợt điều tra đối với các quan chức có hành vi phi pháp.
Thông thường, một hình ảnh về phiên họp thông báo việc thanh tra sẽ đi kèm với thông báo chính thức – một văn bản dài dòng, lan man với khoảng 2.000 từ, trong đó Chánh Thanh tra chính thức truyền tải những lời hô hào đội ngũ cán bộ phải nâng cao tính kỷ luật hơn nữa của lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình đến người đứng đầu cơ quan kiểm tra kỷ luật của Đảng.
Theo thông lệ thì phải có hình ảnh về phiên họp nhưng Thông báo về cuộc điều tra đối với Trung tâm Phòng chống và Xử lý các vấn đề tà giáo, hay còn gọi là “Phòng 610″, trên website của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương hiện bị thiếu hình ảnh về hội trường. Lãnh đạo Phòng 610 cũng không được nêu tên – thay vào đó, cụm từ “người phụ trách chính” đã được sử dụng. Tuy nhiên, các thông báo thanh tra đối với tất cả các cơ quan khác của Đảng và Chính phủ đều chứa đựng những thông tin này.
Hiện chưa rõ việc xử lý bất thường đối với Phòng 610 báo hiệu điều gì. Đây là cơ quan duy nhất mà lãnh đạo của nó không được nêu danh tính, sau vài năm đầy biến động xảy ra với các cấp lãnh đạo cao nhất của cơ quan này. Trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Phòng 610 đã được bảo hộ bởi Giang Trạch Dân – người thành lập cơ quan này để tiến hành chiến dịch chính trị tâm đắc của ông ta – loại bỏ môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công khỏi Trung Quốc. Lãnh đạo Phòng 610 vào thời điểm ấy là cố định (không có sự thay đổi nhân sự).
Quyền lực và uy tín của cơ quan này đã bị một đòn giáng mạnh với sự kiện Thứ trưởng Bộ Công An Lý Đông Sinh bị bắt giữ vào tháng 12 năm 2013. Sau đó, các phương tiện truyền thông của Đảng đã xác định rõ Lý Đông Sinh sử dụng vai trò của mình như lãnh đạo Phòng 610 hơn là vị trí Thứ trưởng của ông ta trong chính phủ, đây là một động thái quan trọng nếu xét đến bản chất của một tổ chức ngoài vòng pháp luật như Phòng 610, các hoạt động và các mối liên hệ trực tiếp của nó với Giang Trạch Dân.
Kể từ khi Lý Đông Sinh bị bắt giữ, các lãnh đạo của Phòng 610 được thay đổi thường xuyên và ngày càng bí mật.
Truyền thông nhà nước đã xác định Lưu Kim Quốc là người đứng đầu Phòng 610, một vài tháng sau khi ông ta được bổ nhiệm vào vị trí Chủ nhiệm Phòng 610. Phó Chính Hoa, người từng là bạn chí cốt của cựu Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang nhưng cũng là kẻ phản bội Chu, đã thay thế vị trí lãnh đạo Phòng 610 của Lưu Kim Quốc trong năm 2015. Tuy nhiên, những tin tức này đã bị kiểm duyệt ngay sau khi nó được công bố. Những người theo dõi những vấn đề như thế đã phải đọc Nhật Báo Sing Tao của Hồng Kông để biết được ông Hoàng Minh, hiện là Thứ trưởng Bộ Công an, đã thay thế Phó Chính Hoa lãnh đạo Phòng 610 vào tháng 5 năm nay.
Kết quả tìm kiếm nhiều lần [trên mạng] cho thấy không có thông tin cập nhật hay các bản tin nào sau đó nói về việc ông Hoàng Minh lãnh đạo bất kỳ hoạt động công khai nào trên cương vị công việc mới của ông. Người ta cũng không rõ liệu ý nghĩa của cụm từ “người phụ trách chính” có phải ngụ ý rằng ông Tập Cận Bình mong muốn giữ Phòng 610 – Gestapo của Giang Trạch Dân – không có người lãnh đạo thực sự?
Phòng 610 được lập ra bởi cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân vào ngày 10 tháng 6 năm 1999 (giải thích vì sao nó có tên là 610), và được giao nhiệm vụ duy nhất là giám sát cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Quốc, bao gồm các bài tập với các động tác chậm rãi và những lời dạy về Chân, Thiện và Nhẫn. Các nguồn tin chính thức của Trung Quốc nói rằng có 70 triệu người học Pháp Luân Công ở Trung Quốc vào năm 1999.
Cảm thấy bị đe dọa bởi sự phổ biến của Pháp Luân Công, Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp môn khí công này vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Quan chức ở các nhánh của Phòng 610 trên khắp cả nước đã chỉ đạo công an địa phương bắt giữ các học viên, và gây áp lực lên các thẩm phán nhằm buộc tội các học viên tại các phiên tòa diễn ra một cách vội vã, phi pháp.
Đến nay, hơn 4.000 học viên Pháp Luân Công đã chết vì bị tra tấn và hành hạ, trong khi hàng trăm ngàn người khác đã bị bỏ tù, theo Minghui.org – trang tin chuyên thông tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Trong một báo cáo được công bố gần đây về nạn mổ cướp nội tạng sống ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có khoảng 1,5 triệu cơ quan nội tạng đã được cấy ghép trong vòng 15 năm qua, người ta tin rằng phần lớn chúng được lấy từ các học viên Pháp Luân Công, những người bị sát hại trong quá trình thu hoạch nội tạng. Nghị viện châu Âu và Hạ viện Hoa Kỳ đã lên án chính quyền Trung Quốc về việc mổ cướp nội tạng.