Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Bài ghi nguyên văn "bài đọc" của Nguyễn Bắc Việt từ Video của VTV (chụp văn bản)

Ngày 04/6/2014, tại phiên họp thứ 7, QH13, ông Nguyễn Bắc Việt đã có một bài đọc “để đời” lạ lùng (khi thảo luận về “tình hình Biển Đông”). Bài đọc đó làm dậy sóng báo lề dân. Độ dài của “bài đọc” là 6 phút 15 giây. 
Gọi là “bài đọc” vì ông chăm chú nhìn vào văn bản. Trông ông giống như cậu học trò lớp hai bị gọi lên bảng đọc bài.
Có lẽ ông Bắc Việt được ai đó “đẩy” cho một bài viết sẵn hoặc được yêu cầu chuẩn bị trước.

Chuyển ngữ từ “ngôn bản” của ông thành “văn bản” tốc ký, ta có một vài thống kê về dùng từ như sau:
-  Liên quan đến đại từ: “tôi” 4 lần; “theo tôi” 4 lần; “chúng tôi” 2 lần; “chúng ta” 15 lần; “chúng ta thì” 01 lần.
-  Liên đại từ phối kết hợp: “thì” 3 lần; “thì tôi” 01 lần; “thì theo tôi” 03 lần; “thì chúng tôi” 3 lần; “thì chúng ta” 1 lần; “thì theo chúng tôi thì” 1 lần

Về diễn đạt, ông đọc văn bản mà từ ngữ lủng củng, lộn xộn. Ngắt câu, dừng đọc không đúng đoạn nên nghe rất tối nghĩa,… 
Về biểu đạt: tay run run mà giọng cũng run run vẽ kích động. Có cảm giác như quá sức với ông và kết thúc khá đột ngột. 
Về nội dung: ông có dẫn một câu trong Di chúc ông Cụ nói về “đoàn kết vô sản” (với “đảng cộng sản Trung Quốc anh em”). Ông đau lòng vì  tình hình biển Đông làm “lình xình giữa hai nước”, khi mà Trung quốc đang xâm phạm lãnh thổ, thềm lục địa Việt Nam; họ đã, đang xây dựng sân bay, căn cứ quân sự trên các đảo cướp được của Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa. 
Ông còn đòi xử lý báo chí; trừng phạt người yêu nước phản đối sự xâm chiếm của Bắc Kinh. 

Rõ ràng ông ủng hộ Bắc Kinh và vin vào Di chúc của ông Cụ. Trước họa mất nước do bọn bành trướng Bắc Kinh, mà ông vẫn kiên định “tinh thần vô sản” với bọn xâm lược. Điều trong Di chúc Cụ mà ông dẫn đã lỗi thời. Thâm chí lỗi thời đến 45 năm! Nếu có sống lại ông Cụ cũng phải thừa nhận sự lỗi thời đó. 
Khi cameraman của VTV lia ống kính qua hội trường, nhiều ĐB không để ý đến “bài đọc” của ông. Nhưng có những gương mặt rất đăm chiêu, thậm chí cả ngạc nhiên, khó chịu, như ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng CA (xem hình). Vì thế, chẳng thấy ai vỗ tay khi ông đọc xong.

Kỳ họp thứ 8 (20/10 – 29/11) hiện đang thảo luận về “Luật Tổ chức Quốc Hội sửa đổi”. Việc nâng cao chất lượng và trình độ đại biểu được cử tri quan tâm. Vấn đề là “đại biểu quốc hội có là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân” (như khoản 1 và khoản 2 của dự thảo luật). 
Rõ ràng, ông Bắc Việt không xứng đáng đại diện cho cộng đồng dân cư 3 huyện Bắc Ninh Thuận, trong đó có cả đồng bào dân tộc Chăm, có cả ngư dân hằng ngày mưu sinh trên Biển Đông và bị Trung Quốc cản trở, khủng bố. 

Ông khác hẳn với ĐB tỉnh láng giềng Bình Thuận (ông Đỗ Ngọc Niễn) mới đây đã đặt câu hỏi: Chúng ta biết hiện nay, Trung Quốc tiếp tục sản xuất các giàn khoan 982, 983, 984... và xây dựng trái phép cả sân bay ở Trường Sa thì phải đặt câu hỏi: Giàn khoan đó đi đâu, máy bay đó đi đâu?” .

Mọi người nên đọc/nghe/xem lại bài phát biểu của Nguyễn Bắc Việt, để biết rằng, ông Bắc Việt đã không xứng đáng là đại diện cho cử tri vùng dân tộc Chăm bắc Ninh Thuận. 
Ông đã biến QH thành diễn đàn chính trị như một hội nghị quốc tế cộng sản cách đây 50, 60 năm. 

Phát biểu của Bắc Việt chẳng khác chi lấy lá vàng mùa thu trước để chắn nẻo xuân sang, kìm hãm sự phát triển” (lời ĐB Đỗ Văn Đương, hôm 21/10/2014). 

Sao Hồng,
23/10/2014

Ông Trần Đại Quang, đang nghe Nguyễn Bắc Việt phát biểuÔng Trần Đại Quang, đang nghe Nguyễn Bắc Việt phát biểu

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đang chăm chúÔng Nguyễn Xuân Phúc cũng đang chăm chú

Có đại biểu phải bịt miệng (sợ văng tục chăng?)Có đại biểu phải bịt miệng (sợ văng tục chăng?)

Bóng ma?
(có người đi lên và xuống bên hành lang khi Bắc Việt đang đọc bài)(có người đi lên và xuống bên hành lang khi Bắc Việt đang đọc bài)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lễ phép với dân..


Hoàng Hải Vân
TNO - Ông Mai Thúc Lân từ trần để lại nhiều thương tiếc cho đồng bào cả nước.

Ông sinh ra ở Quảng Nam, bắt đầu dấn thân phục vụ nhân dân từ chân ruộng vùng Kinh Bắc đến cương vị Phó chủ tịch Quốc hội, cuộc đời ông trải qua biết bao buồn vui sóng gió. Nhưng dù ở cương vị nào, ông vẫn là một cán bộ mẫu mực vì dân vì nước, cuộc đời ông trong veo.

Tôi biết nhiều về ông, nhưng khi viết những dòng này trong tâm tưởng tôi chỉ thấp thoáng bóng dáng một người đàn ông thấp bé xách chiếc cặp bước vào một căn hộ tập thể ở Phương Mai vào mỗi buổi chiều. Đó là nhà của ông, một Phó chủ tịch Quốc hội, một căn hộ bình thường như bao căn hộ bình thường khác của người dân Hà Nội. Hồi đó tôi ở căn hộ ngay tầng trên căn hộ của ông, nên tôi biết rõ. Sau khi về hưu ông mới chuyển về ở một nơi khác, chứ hồi đương chức ông vẫn ở đó.

Trong những ngày nghỉ, lâu lâu tôi lại xuống nhà ông chơi, nói bao đồng chuyện này chuyện khác. Nhà văn Nguyễn Chí Trung, nguyên trợ lý Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, có lần nhắc tôi khi xuống nhà ông Mai Thúc Lân nhớ mang một ít nho biếu cho ông ấy, nghĩ lại thấy tức cười. Tôi chỉ xuống nhà ông ăn trái cây của vợ ông mua về thôi chứ không bao giờ mang nho hay bất cứ thứ gì đến, ông Mai Thúc Lân chẳng bao giờ nhận quà cáp của ai, dù là một gói trái cây, nghe lời xúi dại của ông Nguyễn Chí Trung chắc tôi đã bị mắng.

Thỉnh thoảng tòa soạn cần bài liên quan đến Quốc hội, tôi lại xuống gặp ông phỏng vấn. Gần 15 năm trước, Báo Thanh Niên đăng trên trang nhất bài tôi phỏng vấn ông, với tựa đề Hãy thay các “đơn xin” bằng “giấy yêu cầu”. Ông bảo, lâu nay trong quan hệ giữa công dân với các cơ quan công quyền, cần việc gì bao giờ dân cũng phải làm “đơn xin...”, đó là điều không thể chấp nhận được. Người làm chính quyền là công bộc của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn không ngần ngại nói chính quyền là đầy tớ của dân, chữ đầy tớ đúng nghĩa đen của nó nên Cụ Hồ không để trong ngoặc kép. Chủ mà làm việc gì cũng phải xin đầy tớ thì thật là vô lý. Đó còn là sự vô lễ đối với dân. Bởi vậy ông đề nghị thay tất cả các thứ “đơn xin” bằng “giấy yêu cầu” trong quan hệ giữa người dân với các cơ quan công quyền. Ông biết thay đổi một mẫu giấy tờ chưa thể làm thay đổi được một cung cách đã ăn sâu thâm căn cố đế trong cả một hệ thống, nhưng ít ra điều đó cũng có tác dụng nhắc nhở, rằng người làm chính quyền phải nhớ mình là công bộc nên phải lễ phép với dân.

Bài báo được bạn đọc hoan nghênh, nhưng tất nhiên chẳng có bao nhiêu tác dụng, trừ một thay đổi trong luật Doanh nghiệp, thay “Giấy phép kinh doanh” bằng “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Sự thay đổi này ít có người để ý, nhưng dù sao nó cũng mở đầu cho sự lễ phép đối với dân trong một văn bản pháp luật.

Ông Mai Thúc Lân một đời đau đáu với những oan khuất của người dân. Căn hộ tập thể ông ở trong một chung cư không rào không cổng nên hằng ngày những người dân bị oan vẫn đón ông trên lối đi. Dù rất phiền toái, sáng đi làm gặp họ, chiều về cũng gặp họ, nhưng ông vẫn không né tránh, ông từ tốn nói chuyện với họ khi có thời gian, hướng dẫn họ đến những nơi cần đến và giúp họ những gì ông có thể giúp được.

Tôi không kể những chuyện quan trọng ông đã làm, đã ứng xử, đã đối phó khi là chủ tịch, bí thư tỉnh ủy từ Hà Bắc tới Quảng Nam - Đà Nẵng cũng như khi làm Phó chủ tịch Quốc hội vì tôi không chứng kiến. Các đồng chí và những người cộng sự với ông có lẽ sẽ nói cho lớp người đi sau học hỏi.

Tôi chỉ có thể nói ông là một trong những hòn đá tảng chống tham nhũng, ngăn tệ bè phái và nỗ lực không ngừng nghỉ để góp phần làm cho chế độ, một chế độ mà ông suốt đời phụng sự, thực sự là chế độ phục vụ nhân dân.
***

Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 5 giờ 5 phút sáng 29.10, tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, sau một thời gian lâm bệnh; hưởng thọ 79 tuổi.

Ông Mai Thúc Lân sinh ngày 6.1.1935, quê quán xã Điện Phước, H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là Ủy viên T.Ư Đảng khóa 7, khóa 8; từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó chủ tịch tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang); Phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc; Ủy viên Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội khóa 9; Bí thư tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (sau khi Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách tỉnh).

Trước khi nghỉ hưu, ông giữ cương vị Phó chủ tịch Quốc hội khóa 10 (1997 - 2002). Gần đây nhất, năm 2007, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Dự kiến, lễ tang nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ viếng diễn ra từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 4.11.2014.

Thanh Mai
***

Ẩn chứa tư cách kẻ sĩ

Anh Mai Thúc Lân có lẽ là một trong những người lãnh đạo mà tôi kính trọng toàn diện. Trong công việc, anh là người lãnh đạo có trí tuệ, năng lực, sâu sắc, quyết liệt và quyết đoán. Trong đối xử với đồng chí, anh chân thành, có tình; bản thân luôn thẳng thắn nhưng cũng biết sử dụng, nhận ra mặt mạnh của anh em.

Thời kỳ Quảng Nam - Đà Nẵng tái lập năm 1997, giữa bộn bề công việc và khó khăn của buổi ban đầu, kể cả tư tưởng và băn khoăn của cán bộ từ Đà Nẵng vào công tác... nhưng anh Lân đã quy tụ, tập hợp được, ổn định rất nhanh vấn đề dân tình và quan tình. Con người anh ngó cứng nhắc vậy nhưng thực ra rất mềm, có tính hài hước và nghệ sĩ. Nói về nhân cách Mai Thúc Lân, đó là con người tuyệt vời, trước hết là sự liêm chính, trong sáng, rất ghét cái xấu nhưng chí tình chí nghĩa. Phẩm hạnh của anh, kể cả giai đoạn còn công tác ở Quảng Nam, ra trung ương hay khi nghỉ hưu, đều khiến người khác phải ngước nhìn.

Bản thân tôi học được từ anh rất nhiều điều, về sự kiên quyết, năng lực tư duy, tầm trí tuệ, nhân cách sống. Anh say mê với công việc, sẵn sàng xả thân nhận vai trò lãnh đạo tỉnh Quảng Nam giai đoạn chia tách khi tuổi đã ngoài 60. Anh Mai Thúc Lân có cá tính rất Quảng Nam, luôn gai góc khi đặt vấn đề với cấp dưới hoặc đề xuất với cấp trên. Trong anh ẩn chứa tư cách của kẻ sĩ, thanh cao và tự trọng.

Nguyễn Sự (Bí thư Thành ủy TP.Hội An)

H.X.H (ghi)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tập Cận Bình và phe Giang chơi bài ngửa


Trí Nhân
Ngày 20 tháng 10, phiên họp toàn thể lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc( khóa 18), phe cánh Tâp Cận Bình và phe phái Giang Trạch Dân đứng trước việc chơi bài ngửa trong các vấn đề như vụ án Chu Vĩnh Khang, phong trào “chiếm trung” ở Hong Kong, và cải cách tư pháp

Ngày 20/10/2014, phiên họp toàn thể lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc( khóa 18), phe cánh Tâp Cận Bình và phe phái Giang Trạch Dân đứng trước việc chơi bài ngửa trong các vấn đề như vụ án Chu Vĩnh Khang, phong trào “chiếm trung” ở Hồng Kông, và cải cách tư pháp

Giới bên ngoài quan tâm rằng hội nghị trung ương 4 lần này có hay không việc tiết lộ tội của Chu Vĩnh Khang

Ngày 14 tháng 10, tờ tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã giải thích về chủ để thảo luận của phiên họp toàn thể lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ sắp được mở vào 20/10. Bài viết chỉ ra rằng, vấn đề xử lý tiền nhiệm thư ký ủy ban chính trị pháp luật Chu Vĩnh Khang thế nào, trong ngày thứ tư của cuộc họp, sẽ do hơn 200 vị ủy viên trung ương có mặt quyết định.

Bài viết nói rằng: “ Sau ngày 29/7 năm nay khi Trung ương quyết định lập án thẩm tra với Chu Vĩnh Khang, kết quả thẩm tra thế nào, có khai trừ khỏi Đảng và đưa đến viện tư pháp hay không ? Rất nhiều vấn đề hi vọng sẽ được giải quyết trong cuộc họp lần thứ tư này.”

Ngày 15/10, hãng tin Reuters dẫn 3 nguồn tin nói rằng, phiên họp toàn thể lần thứ 4 Ban chấp hành ĐCSTQ vào thứ 2 tuần sau, hội đồng kỷ luật trung ương sẽ báo cáo kết quả về việc điều tra Chu Vĩnh Khang. Một nguồn tin có liên quan tới các cấp lãnh đạo cho rằng, hội đồng ủy viên trung ương sẽ phê chuẩn đề nghị khai trừ Đảng đối với Chu Vĩnh Khang, và sẽ quyết định rằng có giao ông ta cho viện kiểm sát hay không.

Dòng họ Chu Vĩnh Khang có dính líu đến vụ tham nhũng lớn, nhưng tội chủ yếu của Chu Vĩnh Khang là tội đảo chính nhằm lật đổ chính quyền và tội chỉ đạo hệ thống chính trị pháp luật bức hại tàn khốc đến chết các học viên Pháp Luân Công, phạm phải tội phản nhân loại là mổ sống lấy nội tạng các học viên Pháp Luân Công.

Điều mà giới bên ngoài chú ý là, trong kỳ họp toàn thể lần thứ 4 này, khi Chu Vĩnh Khang bị “khai trừ khỏi Đảng”, Tập Cận Bình có công bố cụ thể tội của Chu Vĩnh Khang hay không. Hoặc là Chu Vĩnh Khang vẫn bị coi là một con bài, không xác định cụ thể đối với tội của Chu Vĩnh Khang, để trong thời khắc quan trọng trong tương lai làm tăng thêm tình tiết của vụ án, làm bước đệm để đả kích phe phái Giang Trạch Dân.

Phe phái Giang chuẩn bị dựa vào việc tạo ra cục thế hỗn loạn ở Hồng Kông để ép Tập Cận Bình từ chức

Cuộc biểu tình “chiếm trung tâm” ở Hong Kong tới bây giờ vẫn còn đang tiếp diễn. Kể từ tối ngày 17/10, khoảng 9000 người dân Hồng Kông và sinh viên lại tập hợp tại Mong Kok, chiếm lại “vùng chiếm lĩnh” đã bị cảnh sát dọn sạch vào buổi sáng sớm cùng ngày. Trong khoảng thời gian này, cảnh sát và người dân đã nhiều lần xảy ra xung đột, cảnh sát phun hơi tiêu cay, đặc cảnh dùng dùi cui đánh người dân tay không tấc sắt tạo ra sự việc đổ máu.

Từ ngày 10/6, cuốn sách trắng được xuất bản tại Hong Kong, ngày 17/8, tiến hành “diễu hành phản chiếm trung”, đến ngày 31/8 khống chế quốc hội ĐCSTQ vì đã ngăn chặn tuyển cử phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông, phe Giang không ngừng kích động người dân Hồng Kông, tạo ra sự hỗn loạn trong xã hội, mục đích là chuẩn bị phương thức này để bức bách Tập Cận Bình hạ lệnh điều động quân đội, tạo ra vụ thảm sát “4-6” (sự kiện thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn). Trong khi dư luận trong và ngoài Trung Quốc mạnh mẽ lên án Tập Cận Bình, thì phe Giang sẽ lộ diện “điều chỉnh” lại sai lầm của Tập Cận Bình, khiến cho Tập Cận Bình phải rút lui.

Ngày 29/9, hãng thông tấn Pháp RFI dẫn nguồn tin nói rằng, tổ trường tổ điều phối của ĐCSTQ về các vấn đề Hồng Kông và MaCau là Trương Đức Giang và trưởng đặc khu Hồng Kông là Lương Chấn Anh kiến nghị dùng vũ lực để trấn áp “cuộc cách mạng ô dù”, nhưng khi báo lên Tập Cận Bình, ông ta đã phủ quyết kiến nghị việc dùng vũ lực để trấn áp.

Mặc dù kiến nghị dùng vũ lực đã bị Tập Cận Bình phủ quyết, nhưng phe Giang không vì thế mà chịu để yên. Là một Đảng viên ngầm được phe Giang chuyên tâm bồi dưỡng – trưởng đặc khu Lương Chấn Anh lại một lần nữa từ chối và trì hoãn việc đối thoại với Hội Liên Hiệp sinh viên, bị chỉ trích là có ý kích động làm cho tình hình căng thẳng ở Hồng Kông leo thang nhằm đạt được mục đích làm loạn Hồng Kông

Ngày 29/7, ngày mà Chu Vĩnh Khang bị lập án điều tra, chính quyền ĐCSTQ tuyên bố, cuộc họp toàn thể lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 18 sẽ được khai mạc vào tháng 10, chủ đề của hội nghị là “Y pháp trị quốc” (Chiểu theo hiến pháp pháp luật cai trị đất nước).

Sau cuộc họp toàn thể lần thứ 4, dự tính rằng phe cánh Tập Cận Bình sẽ dùng hình thức “y pháp trị quốc” tăng nhanh tác động về các lĩnh vực như: văn hóa, kinh tế, tư pháp, quân đội; những điều này đối với phe cánh Tập Cận Bình và phe phái Giang Trạch Dân đều có ảnh hưởng. Phe Tập Cận Bình sẽ cố gắng triệt để loại trừ thế lực của phe phái Giang Trạch Dân, điều này sẽ dẫn tới việc hai bên chơi ván bài lật ngửa ở mọi mặt.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngọc Anh sang sông

Truyện ngắn

Võ Thị Hảo
Cậu bé tám mươi ba
Hôm qua, giờ Dậu, Ngọc Anh sắp xếp xong hành lý.
Hành lý của cậu bé tám mươi ba tuổi bao giờ chẳng gọn gàng.
Thậm chí tã lót cũng không mang. Quanh giường đầy bỉm. Nhưng Ngọc Anh chỉ mang theo tấm vải liệm. Trắng nhạt nhẽo. Lạnh.
Cần gì vải ấm. Ngọc Anh đang trên đường tới nhà xác. Trên một băng ca có năm bánh xe.
Bánh xe quay ba trăm sáu mươi. Đi đằng nào cũng xong. Phòng chờ. Phòng mổ. Phòng hồi sức cấp cứu. Nhưng giờ Dậu, hôm nay, chiếc băng ca đi sang nhà xác. Ở đó nhiều ngăn. Mỗi ngăn có một người chẳng mang theo hành lý. Nằm như cá đã bị lột truồng từ biển rồi quấn giấy bạc trong khay lạnh.
Ngọc Anh nằm ngăn nắp, đợi đến lượt. Miệng ung dung ngậm một đồng tiền. Lộ phí. Lót tay cho người chèo thuyền qua bến sông Mê. Qua sông Mê là đến Trời.
Ngọc Anh từng ngần ngừ trước nhiều món đồ, cách đây hơn một năm. Bộn bề tám mươi ba. Mang đi hay bỏ lại khi biết chắc rằng mình bị bệnh ung thư đại tràng.
***
Tập thơ này mình có mang theo không?
Không mang.
Thế những bài thơ về chị Hồng của Ngọc Anh, Ngọc Anh có mang không?
Không mang.
Chị Hồng như một viên ngọc bị đập vỡ, rồi bị nhay cắn giữa đôi hàm răng lởm chởm. Sao Ngọc Anh không mang linh hồn chị theo cùng?
Thế bài thơ về chị Phượng, người chị cả lầm lụi, chịu phận mù chữ ngày ngày lam làm cật lực cho đàn em ăn học, rồi có tám đứa con đói khát. Chị chết trong cơn mơ có đủ tem phiếu cho đàn con được một bữa no, Ngọc Anh có mang theo không?
Đương nhiên là không.
Đời chị Phượng hiu hắt thế, sao Ngọc Anh không mang?
Thế chiếc tráp sơn son thiếp vàng đựng đầy sách của cha. Ông Cửu, một người từ quan về làng dạy học và bốc thuốc. Ông không lấy tiền chữa bệnh của người nghèo. Ông lại chết bởi tay của những người ông đã cứu sống. Bây giờ Ngọc Anh có mang theo?
Không mang.
Sao không?
Vì ta làm sao mang được nỗi oan ức lên trời.
***
Rồi vợ, rồi con, rồi cháu, rồi còn hai người chị. Chị Nhạ đang sống mà hồn đã phiêu du tận chín tầng trời, chẳng dính dáng gì đến chiếc giường đầy tã lót và bỉm. Toàn thân chị bé xíu như thân con sáo sậu. Ngày ngày chị được người nhà bế vào ra xê dịch giữa chiếc giừơng và toa-lét như đứa trẻ ba tháng tuổi. Còn chị Tân, mắt bồ câu mở to táo tợn, người đẹp một vùng xưa kia, tính khẳng khái, thề không lấy chồng, ngón tay trỏ chĩa ra đằng trước bặm trợn chỉ vào thế sự, Ngọc Anh có mang theo không?
Không.
Cả những viên thuốc mua từ bệnh viện. Thuốc đặc trị. Biệt dược. Thuốc mới sản xuất đang được thử nghiệm trên cơ thể chuột bạch, khỉ, chó và trên cơ thể người của các nước đại loại như có cùng tầm cỡ và thể chế như nước của Ngọc Anh. Mạng của một nhà thơ tám mươi ba tuổi cũng có giá trị gần ngang mạng một con thỏ hoặc con khỉ vàng về phương dịên thử mức độ tác dụng của các loại thuốc mới toanh.
Chẳng mang theo gì, kể cả ngôi nhà bên vườn hoa Thiên chúa. Người ta gọi thế, là vì vườn hoa ấy đã mọc lên thật nhanh, khoả lấp những tiếng khóc, những kẻ chôn chân và tiếng cầu nguyện. Sáng sáng chiều chiều Ngọc Anh ra vườn hoa, sải bước qua lại dối già, trong tâm trí lại duyệt qua duyệt lại cảnh bắt bớ tù đày và những lời nguyền rủa.
Ngọc Anh để lại hết. Chỉ mang theo tấm vải liệm và một đồng tiền đơn độc qua bến sông Mê.
Chết rồi mà còn phải ngậm tiền trong mồm để đi đút lót mới được qua sông. Đồng tiền khạc nhổ vị tanh tưởi quỳ lạy trong miệng. Ngọc Anh chết rồi nên không thể nhè đồng tiền ra khỏi miệng. Đành cứ thế mà đi.
***
Ở nơi Ngọc Anh bỏ lại, là tiếng khóc.
Vợ khóc ngất. Dù biết trước cả hai năm về cuộc sửa soạn hành lý của Ngọc Anh.
“Em thôi khóc, được không?
Tám mươi ba năm trên trần thế là một chuyến nhảy cóc quá dài. Giá như ta có thể tùy ý chọn đường nhảy cóc ngắn hơn. Đằng nào thì cũng chỉ trong chiếc đĩa lầy lụa ấy. Nhảy chi cho mệt.
Em là người hiểu biết. Vậy thì hãy xắn tay áo tang, đi mua lụa đỏ. Em quấn lụa đỏ vào người, trông đẹp như một cô dâu già vẫn còn bảy phần xuân sắc. Thì cứ coi như em là cô dâu. Thời ta cưới em đâu có mặc áo cô dâu. Hồi đó ta cố tỏ ra giản dị áo nâu chân lấm để được sống sót. Giờ thì em mặc áo cô dâu đi. Cô dâu không còn trinh trắng thì mặc áo đỏ. Tại sao cô dâu lại phải còn là trinh trắng? Ta đã nhiều lần nói với em rằng chẳng lẽ cái màng mỏng dớ dẩn ấy lại ngang giá một kiếp người hay sao?
Nên cô dâu thì mặc áo đỏ. Em hát đi. Ta chỉ cần hát ru. Ta không cần tiếng khóc. Ta được em hát ru mà tiễn đưa ta qua bến sông Mê mới phải. Ta đi trước. Ta đứng bên kia bờ sông Mê mà hát, đợi em qua. Ta không bắt em phải cười mừng. Nhưng hãy thôi khóc. Đám tang của ta là lễ mừng. Mừng ta đã ra khỏi cuộc đời này.
Cớ gì mà em phải khóc. Ta đi.
Kể từ giờ này, phút này, em khỏi phải vờ vịt. Em khỏi phải nặn ra vô số nụ cười, trước mặt những người chỉ bằng tuổi con cháu em. Ta nằm trên giường, cố chống đỡ với những cơn đau, xót xa thấy cái cột sống thẳng thớm của em chùn nhụt xuống, vai so lại như một mụ gù. Em không quen nịnh nọt. Em có gì phải xin đâu. Em dốc hết chỗ vàng mồ hôi nước mắt gom góp cả đời trong con lợn đất phòng khi đói khó. Đưa ta vào bệnh viện, chỗ vàng trong con lợn đất của em chỉ nuôi ta được một năm.
Năm nay, em đã phải vay giật cầm cố chỗ nọ chỗ kia. Bà vợ ông hàng xóm giường bên, cũng bị bệnh ung thư, thì thào kể rằng bà ta trông thấy em ở chỗ bán máu. Ta đã trốn khỏi giường bệnh. Ta đã sống đủ rồi. Mà sao em cứ ngang ngạnh như một con lừa. Em gầy hốc má vì nhịn cho ta chữa bệnh. Ta là một con bò đã bơi qua sông. Bên kia sông chưa hẳn đã có cỏ non nhưng bên này sông thì cỏ đã chết khét hết rồi, sao em còn bắt ta trở lại. Thì em cứ để cho lũ “lương y như hổ báo” ấy quẳng ta chỏng trơ ngoài sân, như bao người không có tiền đút lót hoặc ngờ ngệch đang kêu khóc ngoài kia, cho ta đi nhanh tới miền cực lạc. Thế mà xấp phong bì trong túi em cứ cộm lên như một chiếc bướu ghê tởm. Khi em nhìn thấy mũi tiêm của cô y tá vừa chọc vừa xoáy vào bắp tay ta khiến mặt ta tái mét vì đau, mặt em đanh lại, từ đó em đã học được cách biến hoá với những chiếc phong bì. Cũng như khi em đi xin học cho cháu nội. Cũng như khi em có việc phải đụng đến những công quyền.
Ta nhìn em phải co rúm trước người khác. Ta vô dụng quá. Ta trốn vịên ba lần. Ta đã nói với em rằng tính ta ưa ngọt. Ta run lẩy bẩy. Chỉ còn chút hơi tàn, nhưng mỗi ngày ta những muốn cầm dao giết người hàng chục lần. Một kẻ mặc đồ bệnh viện cháo lòng, đứt hết cúc như ta, mặt gầy má hóp mà múa dao giết người, kể cũng là cảnh hấp dẫn đáng xem đấy chứ. Giết xong cái lũ vô đạo ấy, ta sẽ tự giết ta và có thể em nữa, vì ta cũng nổi điên lâu rồi và một người cứ nai lưng ra mà phục vụ một kẻ điên vô dụng đằng nào cũng chết như ta thì còn đáng sống nữa không. Mỗi khi thấy người bệnh bị hắt hủi, mạt sát, thấy những bàn tay héo hon gầy guộc run rẩy rút phong bì đút lót, là ta lại nổi điên. Hoá ra ta cũng có máu giết người. Em nói bây giờ ai cũng trở nên hung hãn khác thường. Ta cũng thế thôi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng chắc ta sẽ không giết em đâu. Làm sao có thể chém vào cái cổ ba ngấn trẻ cả trăm năm như cái cổ của em được nhỉ.
Thế thì em sẽ bỏ đi ngay khi ta ra viện và ngủ một giấc thật dài cho bõ chứ. Em không thể ở cùng với cái giống người hung hãn như ta. Ta cũng đã nói với em rằng ta không thể đến bệnh viện để nhìn cảnh những người bị cụt chân, vỡ đầu, máu me lênh láng, nằm suốt đêm kêu xin van lạy trên chiếc cáng ngoài hành lang bệnh vịên. Khách ở cái chợ khổng lồ quái gở này quá đông. Mỗi ngày là một chuyến tàu tốc hành chở đến bệnh hoạn và tai nạn. Khách đi tàu còn chen chúc thêm những kẻ chết mòn trong chất độc tẩm ướp vào đồ ăn rẻ và áo quần đang ùn ùn chở về từ bên kia biên giới, vì bụi bẩn và khí thải, rồi đang tự diệt chủng vì tai nạn giao thông và nhiều thứ hay ho khác.
Hành khách không đếm xuể, trên những con tàu chết chóc. Họ nằm đấy, tha hồ kêu khóc rên siết. Nếu người nhà không tống tiễn họ vào giường bệnh bằng một phong bì, họ sẽ chết. Mà ta mong họ chết đi cho rảnh nợ. Như ta đã luôn mong ta chết vậy. Có hay gì ngâm mình mãi trong những vũng lầy này. Tất cả đã chai sạn, tim đã luyện thành gang thép. Máu chỉ về tim ấy khi nghe tiếng xào xạc của đồng tiền.
Ngừng đi. Sao em cứ khóc. Một cậu bé tám mươi ba tuổi chết thì có gì đáng tiếc. Ta đã sống quá dai dẳng trên cõi này. Xưa nay em vẫn cứ hay khóc thế mà thôi. Ngày ngày em nấu nướng, giặt giũ, chăm bẵm. Em nhìn và nghe ta đọc thơ như nghe một đứa trẻ. Em bao dung. Em lượng hải hà. Em là kẻ độc ác. Em níu giữ ta với cuộc đời này quá lâu. Một cuộc nhẩy cóc khổ hạnh.
Lẽ ra, ta đã được ngậm món lộ phí này mà qua sông Mê từ rất lâu rồi, nếu không có em ngăn ta lại.
Ta chỉ muốn làm một đứa trẻ. Một kẻ đồng ấu ngay giữa tuổi hai mươi. Rồi ba mươi rồi bốn nhăm rồi năm mươi rồi bảy mươi. Trời để ta sống lâu là trời đày ta đó. Ta đâu muốn trải bể dâu.
Đừng khóc nữa em, người đàn bà thương khó.
Dưới tấm vải liệm lạnh lẽo của bệnh viện, ta chợt thấy nhồn nhột. Hình như khi tắm nước thơm cho ta, em còn quên một vật nho nhỏ.
Vật đó nằm ở khuỷu tay ta. Thâm và cứng. Như một con vắt đã chết tái. Nhưng không để ý kỹ thì không biết. Tay ta trắng, dày, hồng và mịn. Ngoài nhìn lành lặn như không xây xước. Cha ta đã lặng người khi nhìn thấy bàn tay của ta. Người nói bàn tay này sẽ an nhàn và không phải chạm tay đến gươm đao giết người.
Riêng ta biết. Em biết. Và chị Hồng ta thì biết.
Đó là vết cắt ngang động mạch. Khi em tìm thấy ta. Trong cái lô cốt mà ta đã tự giam mình.
Ta đã giam mình được bao lâu? Ta không biết. Ta chỉ đếm ngày nắng. Ta không đếm ngày mưa.
Lần đầu tiên ta vào xà lim, ta chưa có em. Trước khi tự giam mình trong chiếc xà lim chật hẹp tại gia, ta sửa soạn đã chu đáo. Một chiếc giỏ bé xíu, đủ để đựng gạo rang và nước. Khi đói, ta thả giỏ xuống. Chị Ba ta bỏ vào đó vài nắm gạo rang. Nếu là cơm hay thức ăn khác, ta sẽ dốc tuột giỏ xuống và nhịn đói. Ôi ta làm khổ chị ta biết bao nhiêu. Một kẻ thấy mình bất lực, tự giam trong xà lim để trừng phạt. Nước uống cũng là nước gạo rang, Ta nhai nuốt chầm chậm để chầm chậm qua ngày.
Ta giam mình vào đó, sau bữa cha ta và mẹ ta bỗng dưng bị người ta đuổi ra khỏi nhà. Cha ta chết trong hắt hủi và bệnh tật mà ta không thể làm gì được. Người bị lôi xềnh xệch ra khỏi gian nhà đầy sách và đàn và sáo cùng chiếc tủ to bằng cả gian nhà chứa đầy ngăn kéo đựng các vị thuốc bắc. Rồi cha ta và mẹ ta, hai người ngơ ngẩn đi về hai hướng. Họ không cắt nghĩa nổi điều gì đã xẩy ra.
Cha ta phải để lại hết quần lành áo tốt. Rách rưới lỗ chỗ như tổ ong, không còn chốn nương thân, người đi ở nhờ con rể. Nhà con rể cũng bị cướp đoạt, chỉ còn chiếc vại mẻ. Con rể bị chết trong tù ngục của cái chính thể mà anh ta và chị ta cùng các anh em của anh đã hiến của cải và máu xương để dựng nên. Anh rể ta chết dưới lưỡi rìu vung lên từ các đồng chí của mình. Cha ta bị tra tấn, chết trong ốm đói và tủi hận.
Ta đã giam mình vào xà lim ấy sau khi chị ta, người chị lưng ong, miệng cười ngơ ngác, đẹp nhất vùng. Bao nhiêu tri phủ rồi quan đầu triều đánh tiếng mối mai đều từ chối, chỉ tính chuyện hiến mình cho độc lập tự do và người cày có ruộng. Rồi một đêm nắm tay đồng chí vào sinh ra tử có nhau, trở thành vợ chồng. Lấy nhau rồi khi giành được chính quyền, đã tưởng là từ nay dân chủ cộng hoà độc lập tự do hạnh phúc, thì lại bụng chửa vượt mặt chạy đôn đáo đưa cơm cho chồng bị bắt đi đày nơi rừng thiêng nước độc. Chị được gì nhỉ? Của cải lớn nhất mà chị có là một cái dạ dày trống rỗng và bệnh hậu sản mòn. Nhịn cho người khác ăn là sự nghiệp của chị. Nhịn ăn nuôi chồng trong lao tù. Thời trước, chồng chị bị đày biệt xứ trong những nhà tù chốn rừng thiêng nước độc thuộc địa. Còn thời sau, may mắn hơn cho chị, chồng chị chỉ bị các đồng chí bần cố nông bỗng dưng bắt quỳ gai mít phơi nắng ngoài sân đình, bị cả làng nhảy vào mặt xỉa xói là thành phần bóc lột rồi trói chân tay, giam vào nhà kho đợi xử tử. Những gian nhà kho nhung nhúc rắn rết thì ở đâu cũng có.
Ta đã buộc mình ở đó, sau khi thấy chị đói ăn vàng mắt. Nếu không có đứa con nhỏ mới sinh, đương nhiên là chị ta nhảy xuống Bến Đò Oan. Đã nhiều lần, ta nhìn thấy đuôi mắt chị. Chị âu yếm nhìn sóng nước Bến Đò Oan. Chị nghĩ đến những người oan khổ đã chọn nơi này để giải thoát kiếp nạn. Chị cuối cùng cũng không dám chết. Và chị bị hậu sản mòn. Cả đời ta đã trôi qua trong một góc trái tim tê lạnh, khi nghĩ đến đôi mắt của chị ta.
Ta giam mình vào xà lim của ta, để tự cắt nghĩa: “Cái gì thế nhỉ?”.
Chị ta đã cứu ta ra khỏi xà lim, bằng đôi mẳt trũng sâu của chị. Chị xanh rớt. Tay bế đứa nhóc mới sinh. Nó dài như một cái giẻ rách. Chị đến trước cửa xà lim ta. Chị nở nụ cười ngây thơ ở tuổi bốn mươi lăm. Thân chị chẳng còn thịt, chỉ còn da. Mà cái đứa trẻ trên tay chị cũng toét mịêng cười ngây ngô.
Trời ạ. Ta ra khỏi xà lim. Tóc ta bạc trắng. Tóc chổng ngược lên trời như rễ cỏ. Chân ta sụm xuống. Nắng và gió. Ta thấy ngoài kia tiêu điều như vừa qua một trận lốc dữ dằn.
Em biết không.
Em thì em biết rõ lắm về cái vệt nâu như một con vắt chết tái, đang cồm cộm lên dưới lần vải liệm của ta này, vì cái ngày đó cũng chưa xa.
Khi đó, ta đã là một ông già.
Thế mà cậu bé ham chơi trong ta vẫn trỗi dậy. Nó thích nghịch ngợm. Nó không ở nhà ngâm vịnh cùng một ông già. Nó bỏ thân mình già nua của ta để đi chơi.
Nó ra trường học. Nó tới cửa hàng. Nó đi thăm thú người quen cũ. Nó đến công sở. Nó bật ti vi. Nó nghe đài đọc báo. Nó tới nhà chùa xem người ta dâng cúng. Nó tới nhà thờ nghe người ta cầu nguyện. Nó đi khắp chốn khắp nơi. Nó thăm thú những tượng đài. Nó thật mải chơi.
Rồi nó trở về. Lúc đó, vào giữa trưa. Ta thấy rùng mình, lên cơn sốt rét. Thế là đứa trẻ mải chơi đã trở về. Nó trở nên còm nhom. Nó run lẩy bẩy, nép vào thân ông già này. Nó van vỉ ta rằng hãy giam hãm nó. Van vỉ ta rằng hãy mau mau chết đi. Hoặc chí ít, cũng đừng bao giờ để nó xổng ra ngoài nữa.
Đứa trẻ tươi tốt ấy mắt bỗng đỏ ngầu. Và nó bất giác sai khiến cánh tay già nua của ta. Cánh tay già nua của ta cầm lấy con dao thái rau. Rồi chúi vào một xó. Rồi nhanh nhẩu đoảng, nó cắt ngang động mạch ở khuỷu tay ta.
Ta nhìn thấy máu chảy. Ngoài cái màu đỏ đáng ghét ra thì cũng không có gì ghê gớm như ta tưởng. Ta thiu thiu ngủ. Thì cứ chết đứa trẻ. Nó sợ hãi. Ta vô dụng quá. Người hèn như ta, một đứa trẻ cũng không trông cậy được. Hết chỗ ẩn náu. Thì chi bằng cho nó cùng tấm thân gìa nua này qua bến sông Mê. Sớm ngày nào hay ngày ấy.
Thế mà em lại về. Tiếng guốc. Ta nghe như trong mơ. Rồi thì là tiếng kêu khóc. Rồi cấp cứu. Rồi em gọi chị Hồng đến. Chị chẳng thương xót, chẳng dỗ dành. Giang thẳng cánh tay gầy guộc tát cho ta một chiếc. Nẩy đom đóm mắt.
Ta mỉm cười.
Thế mà sống thật. Thế rồi thì lại giỏ gạo rang và sợi dây. Ta tự giam mình vào xà lim lần thứ hai.
Em không biết đâu. Những ngày trong xà lim đó là những ngày hạnh phúc.
Ta thấy cha ta, mẹ ta. Ta thấy các cô dì chú bác. Ta thấy các đồng chí môi hở răng lạnh nhưng máu chảy mà ruột không mềm.
Cha ta và mẹ ta nói: Con ơi! Con là đứa trai duy nhất trong nhà. Đích tôn đấy. Nay chúng ta chết đi mà chẳng có chỗ để thờ. Căn nhà cũ sau sửa sai người ta vẫn cướp thế, không trả lại. Sao con không về tìm nền nhà cũ? Cha còn ba rương sách và một cây đàn tỳ bà chôn ở dưới đó.
Ta thật bất hiếu. Ta biết cái nền nhà đó. Mấy chục năm nay rồi. Những bàn chân bẩn thỉu giẫm lên. Ta chẳng thể trở về nơi đó, đào bới cái nơi ấy lên mà tìm đàn và sách cho cha. Thì ta trốn trong xà lim. Suốt đời, ta đã mang bụng chửa. Cái thai trong bụng là rương sách và cây đàn tỳ bà của cha ta. Chửa mà không đẻ được. Thế thì chết đi cho đỡ đau.
Thế thì đứa trẻ trong ta cũng được chôn cất.
***
Ta ơn em. Em biết không.
Nhưng mà em cứ mãi khóc thế. Nay thân xác ta đã được sang phòng ướp lạnh. Bệnh viện này đang đập bỏ nhà xác để xây lại. Kinh phí cũng chẳng đáng bao nhiêu. Chi nhiều cho bệnh viện làm gì. Những kẻ phải lê thân vào bệnh viện này là những kẻ yếu. Họ chỉ có một cái mồm. Cái mồm đang bận rên rỉ vì đau đớn thì làm gì còn hơi mà kêu ca chỗ này chỗ khác. Cứ để tiền đó xây bao nhiêu chỗ nguy nga mà bọn thường dân cùng nghệ sĩ như ta cả một đời chẳng thể bén mảng vào.
Và như thế thì ta đang nằm đây, sang cái nhà xác này, do con trai ta, cũng nhờ ân oán mấy năm làm báo, đã liên hệ được cho ta một chỗ nằm. Ta nằm ngoan trong ngăn lạnh. Giữa những cái xác khác.
Xếp hàng. Đợi đến lượt. Thế là trật tự. Muôn năm. Thân xác ơi! Linh hồn ta chào mi. Hỡi kẻ thân quyến. Ta gửi lại các người một thí dụ về thân xác.
Bây giờ thì ta tung tẩy gặp kẻ lái đò qua sông Mê.
Một người đàn bà áo nâu. Chân choãi ra, nhỏ thó như đứa bé mươi tuổi, nách cắp tám đứa con, đang cầm tờ tem phiếu, vẫy gọi ta bên này sông.
Ôi! Chị Phượng. Chị chết trước em hai mươi mốt năm, sao giờ này chị còn nấn ná nơi này?
Chị Phượng không trả lời, chỉ khóc ra máu đỏ.
Bên kia, có một người áo the nâu, khăn tím, tóc vấn trần. Miệng nở nụ cười ngây ngô rạng rỡ.
Chị Hồng! Chị qua bên kia bờ rồi. Kìa trong tay chị là chiếc roi ngũ sắc. Dải mây vấn vít tha thướt. Chị đi chăn mây sao? Cánh đồng mây lộng lẫy kia là của chị.
Cho em đi chăn mây cùng chị nhé. Rồi ta sẽ đón chị Phượng qua.
Tội nghiệp chị Phượng. Tám đứa con. Đói khó. Giấc mơ có đủ tem phiếu để nuôi con đã đông cứng trong chị. Chị chết vào ngày ấy, chưa có nổi một đồng tiền để ngậm trong miệng mà qua bến sông Mê.
Kìa thấp thoáng bóng cha và mẹ. Nào, cha hãy đưa tay cho con. Móng tay dài nửa tấc đã bị bật máu. Mà tay cha vẫn gẩy đàn. Trong không khí. Chẳng có cây đàn nào. Mà tiếng đàn cha vẫn vang. Đục trầm níu sa ruột.
Nào đừng gẩy đàn nữa. Cha. Đưa tay đây. Dìu con qua sông. Rồi ta về thăm nhà cũ.
Hôm nọ, cháu Bảo ở Hải Phòng kể chuyện. Con cho rằng là nó nằm mơ. Nhưng ta cứ thử về xem.
Nó nói, ở nhà cũ của cha mà đã bị người ta cướp mất, đêm nào cũng văng vẳng tiếng đàn sáo, tiếng ngâm thơ và múa hát.
Và bóng một người đàn ông cao gầy, tóc búi, cứ chấm bút lông vào mạch máu đang chảy ở khuỷu tay mình mà viết lên những trang giấy trắng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

VIỆT NAM PHẢI TÂY PHƯƠNG HÓA ĐỂ PHÁT TRIỂN DÂN TỘC

Ngô Tùng Phong

clip_image002
Lời tòa soạn Văn hoá Nghệ An:
Hội nhập quốc tế và hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chính trị quốc tế hiện nay, việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải tỉnh táo, khách quan, có tư duy sáng suốt, có tầm nhìn xa và trên hết, phải thực lòng yêu nước. Trên tinh thần đó chúng tôi giới thiệu bài viết của Ngô Tùng Phong bàn về con đường phát triển đất nước để bạn đọc có thể tham khảo.
I. Lý do phải Tây phương hóa
Vì sao Tây phương hóa?
Kể từ thế kỷ 15, khi các nước Âu Châu chế ngự được kỹ thuật vượt biển, và bắt đầu cuộc xâm chiếm thế giới, tất cả các quốc gia không thuộc vào xã hội Tây phương, không trừ một nước nào đều bị sự tấn công mãnh liệt của họ. Hoàn cảnh mỗi quốc gia bị tấn công đều khác, nhưng chung qui tất cả các phản ứng'đều có thể liệt vào hai loại.
Các cuộc chinh phục thường thường tuần tự diễn ra theo một bối cảnh không thay đổi. Trước hết, các chiến thuyền ngoại quốc đến yêu cầu được trao đổi thương mãi với người bản xứ. Một thời gian sau họ thương thuyết được đặt những thương quán thường trực tại các hải cảng họ thường lui tới và theo liền với các thương quán, những phong tục mới được đưa vào cùng với những người có nhiệm vụ thương mãi.
Nếu số người càng ngày càng đông thì chẳng bao lâu nhu cầu về tinh thần lại đòi hỏi sự có mặt của những nhà tu sĩ.
Cho tới giai đoạn này các nhà cầm quyền bản xứ, dầu có ngạc nhiên và ít nhiều báo động đối với các kỹ thuật tiến bộ của người ngoại quốc, cũng chưa thấy cần phải có một thái độ đối phó. Nhưng từ giai đoạn này, mãnh lực của tín ngưỡng mà giáo lý Gia Tô đã hun đúc cho người Tây phương trong mấy thế kỷ, bắt đầu làm cho các nhà cầm quyền bản xứ lo ngại. Họ lo ngại trật tự cổ truyền của dân tộc sẽ bị sự xâm nhập của một vật ngoại lai, bởi vì các tu sĩ Gia Tô, tin tưởng nơi sứ mạng thiêng liêng của mình đối với nhân loại, nên lúc nào cũng tìm cách thi hành phận sự truyền giáo.
Bản năng tự vệ.
Phản ứng tự nhiên của các nhà cầm quyền bản xứ, là bản năng tự vệ của một sinh vật đối với sự xâm nhập của một vật ngoại lai vào trong nội bộ cơ thể của mình. Mà một tôn giáo mới là một vật ngoại lai vô cùng nguy hiểm cho trạng thái điều hòa của một xã hội. Bởi vậy cho nên, phản ứng của các nhà cầm quyền là bảo vệ trạng thái điều hòa của xã hội bằng cách đóng cửa không để cho vật ngoại lai xâm nhập. Trong thực tế và trong lĩnh vực chính trị một thái độ như vậy có nghĩa là bài ngoại, và bế quan tỏa cảng không tiếp nhận những luồng gió ở ngoài đưa vào. Đó là thái độ tự nhiên và hợp với bản năng tự vệ của mọi sinh vật, và cũng là thái độ của hầu hết các dân tộc bị Tây phương tấn công khi nhận thức nguy cơ đe dọa xã hội mình. Lịch sử đã chứng minh rằng một thái độ như vậy sẽ đắc thắng nếu đồng thời, kỹ thuật vật chất có đủ tiến bộ và lực lượng võ trang có đủ hùng hậu để làm hậu thuẫn, bằng không, thái độ đó sẽ là một tử lộ.
Lý trí phản công.
Thái độ thứ hai là thái độ của một vài nước như Nga, Nhật và sau này là Thổ Nhĩ Kỳ. Thay vì đóng cửa lại đê sống trong nhà và phủ nhận thực tế đang xảy ra ngoài ngõ mình, vì sợ vật ngoại lai xâm nhập vào và gây xáo trộn trong nội bộ, các nước trên đây đã có can đảm để nhìn nhận sự thật và đủ lý trí để trấn áp bản năng, phân tích thực tế và tìm được đường sống. Một sự tình cờ lịch sử đã đặt vào nhiệm vụ lãnh đạo các quốc gia đó, những người sáng suốt khác thường khả dĩ dẫn dắt dân tộc họ lựa chọn tìm được sanh lộ trong một giai đoạn quyết định cực kỳ nguy hiểm.
Thái độ thứ nhất có tính cách phòng thủ và bản năng. Thái độ thứ hai có tính cách lý trí và phản công. Đứng trước nguy cơ, thái độ thứ nhất có nghĩa là thi hành một biện pháp dễ nhưng đưa đến thất bại, thái độ thứ hai là thi hành một biện pháp khó nhưng đưa đến sự thành công.
Trong thực tế, trong các quốc gia đã lựa chọn thái độ thứ nhất, các nhà lãnh đạo đã đóng cửa các hải cảng, đánh đuổi người ngoại quốc ra khỏi lãnh thổ, bài trừ tất cả các di tích của họ để lại. Nhưng những người này, chẳng bao lâu sẽ trở lại với những khí giới tân tiến hơn, và những lực lượng võ trang tổ chức hoàn bị hơn và sẽ chiến thắng dễ dàng những khí giới lạc hậu và những lực lượng vô tổ chức của người bản xứ. Và sau đó, tất cải điều gì mà họ không chiếm được bằng lối thương thuyết thì họ lại chiếm được bằng võ lực. Hơn nữa, sự giao hảo giữa hai quốc gia sẽ không còn và nhường chỗ lại cho sự kiện người chiến thắng thống trị kẻ chiến bại. Hậu quả dành cho các dân tộc lâm vào hoàn cảnh ấy như thế nào, chúng ta đã rõ. Nguyên nhân của sự thảm bại cho nhiều dân tộc chỉ ở chỗ bản năng tự vệ của họ quá mạnh lấn áp cả trí sáng suốt, nên các nhà lãnh đạo không nhận thức rằng kỹ thuật lạc hậu của mình kém xa kỹ thuật của địch, và kỹ thuật đã kém thế thì không làm thế nào hậu thuẫn cho bất cứ chủ trương chính trị nào được.
Trái lại, trong các quốc gia đã lựa chọn thái độ thứ hai, thì các nhà lãnh đạo đã nhận thấy nguy cơ do vật ngoại lai mang đến cho trạng thái điều hòa của xã hội mình. Tuy nhiên, đồng thời họ cũng đủ sáng suốt và óc thiết thực để nhận xét rằng kỹ thuật lạc hậu của nước mình không làm sao bảo đảm thắng lợi trong một cuộc chiến tranh. Và vì vậy mà phương pháp hay nhất để bảo vệ xã hội bị đe dọa bởi các sự vật ngoại lai lại chính là việc mở cửa để đón các luồng gió ngoại lai vào. Bởi vì chỉ có cách đó mới giúp cho họ chế ngự được những kỹ thuật của địch thủ, để chống lại địch thủ.
Như chúng ta đã thấy, đằng nào chúng ta cũng không tránh được sự xâm nhập vào nội bộ xã hội chúng ta của các vật ngoại lai. Nhưng trong thái độ thứ nhất sự xâm nhập sẽ xảy ra bằng võ lực, ngoài ý muốn của chúng ta và chúng ta sẽ không chủ động được. Trong thái độ thứ nhì, chúng ta tự ý để cho sự xâm nhập thực hiện và vì vậy nên chúng ta chủ động được sự xâm nhập đó. Và chính vì chúng ta chủ động được sự xâm nhập đó mà các giá trị ngoại lai thay vì phá vỡ được trạng thái điều hòa của xã hội chúng ta, chỉ có thể thay đổi được trạng thái đó. Trong khi đó một sự xâm nhập không thể kiểm soát được sẽ làm sụp đổ trạng thái điều hòa của xã hội. Và, trong một xã hội bình thường, việc thay đổi trạng thái điều hòa là một sự kiện thông thường, trái lại sự sụp đổ là một tai biến.
Tóm lại, đứng trước sự tấn công của Tây phương, con đường chết là con đường bế quan tỏa cảng ngăn cấm không cho văn minh Tây phương xâm nhập vào xã hội của nước bị tấn công; con đường sống lại là con đường mở cửa đón rước văn minh Tây phương để học chế ngự kỹ thuật của Tây phương mà chống lại Tây phương.
Nước Nga, sau nhiều thế kỷ chống lại sự tấn công của Tây phương, đã tìm thấy sự thật như trên, và nhiều trong lịch sử nước Nga đã chiến thắng các cường quốc Tây phương sau khi đã Tây phương hóa kỹ thuật của mình. Nhưng cũng nhiều lần bị Tây phương chiến thắng vì kỹ thuật của Tây phương tiến triển không ngừng trong khi người Nga không làm cho kỹ thuật đã lấy của Tây phương phát triển. Đây cũng là một điều vô cùng quan trọng trong việc Tây phương hóa mà chúng ta sẽ phân tích tỉ mỉ sau này.
Những nhà lãnh đạo Nhật, trong giai đoạn nước Nhật bị Tây phương tấn công, đã nhận thấy được ngay những biện pháp cần thiết phải thi hành trong giờ phút quyết liệt cho dân tộc. Thành công của họ như chúng ta mục kích ngày nay là một xác nhận rõ rệt nhất về sự lựa chọn đúng hay không giữa hai thái độ.
Ngày nay, thái độ mà nước Nga và nước Nhật đã lựa chọn trước một sự tấn công của một nước tiến bộ hơn về kỹ thuật, đã được công nhận khắp nơi, và đã được nghiên cứu và đúc thành một giải pháp khoa học, khả dĩ áp dụng cho các nước khác trong hoàn cảnh đó. Công cuộc mà ngày nay Trung Hoa đang dốc hết cố gắng của toàn dân để thực hiện chỉ là một sự chấp nhận thái độ của Nga và Nhật đã chọn. Và các nước chậm tiến khác hiện nay cũng đang cố gắng đi vào con đường đó.
Tuy nhiên, trước đây có nhiều người lãnh đạo chủ trương một thái độ vô cùng cực đoan. Sau khi chiến bại rồi, và nước nhà đã bị ngoại quốc thống trị, hay chủ quyền đã sứt mẻ, và vận mạng quốc gia không còn do mình chủ động được nữa, nhiều nhà lãnh đạo vẫn chủ trương bảo vệ cho đến kỳ cùng trạng thái điều hòa của xã hội cũ. Đó là một công cuộc nhất định phải thất bại.
Bởi vì các giá trị tiêu chuẩn của xã hội kết hợp thành một trạng thái điều hòa, cũng có một đời sống như sinh vật. Nghĩa là giá trị tiêu chuẩn cũng sinh nở, phát triển, trưởng thành, suy đồi và chết. Như vậy trong trường hợp chiến bại, các giá trị tiêu chuẩn cổ truyền sẽ chết lần, vì chủ quyền không phải người bản xứ trọn nắm, vận mạng quốc gia không phải họ chủ động, thì các giá trị tiêu chuẩn cổ truyền một mặt không ai vun tưới, một mặt bị các giá trị ngoại lai, đang chiến thắng, tấn công ồ ạt và đả phá uy tín.
Như vậy, các sự kiện lịch sử, trong vòng năm thế kỷ sau này, đã chứng minh rằng khi một nền văn minh bị một nền văn minh khác, chế ngự được những kỹ thuật tinh xảo hơn, tấn công, thì con đường sống của nền văn minh bị tấn công, là mở cửa đón lấy các kỹ thuật của địch thủ.
Trường hợp Ấn Độ
Tuy nhiên, năm trăm năm là nhiều đối với đời sống của một người. Nhưng với đời sống của các quốc gia, năm trăm năm không phải là nhiều. Và chúng ta có thể tự hỏi rằng: thái độ trên, đành rằng là thái độ lợi nhất mà các quốc gia bị tấn công phải lựa chọn, trong thời gian vài thế kỷ. Nhưng nếu thời gian dài hơn, liệu thái độ ấy có lợi cho quốc gia hơn thái độ cố gắng bảo vệ các giá trị tiêu chuẩn cũ không? Chắc chắn rằng những người hành động không bao giờ nghi ngờ nữa. Câu hỏi trên tiêu biểu cho quan điểm của một sử gia.
Và trường hợp Ấn Độ là một trường hợp có thể đưa ra để làm hậu thuẫn cho thái độ cố gắng bảo vệ các giá trị tiêu chuẩn cũ. Sau thời gian thống trị của đế quốc, các giá trị tiêu chuẩn cũ của Ấn Độ có vẻ, chẳng những còn đủ sinh lực để hấp dẫn quần chúng, lại còn có vẻ sáng chói ra khắp hoàn cầu, mang các thần-thể-tính của văn minh Ấn Độ để đối chọi lại với tính cách kỹ thuật vật chất của văn minh Âu Mỹ.
Các nghi vấn nói trên, có thể giải đáp bằng các nhận xét dưới đây:
– Nếu năm trăm năm là một thời gian chưa đủ dài để chứng minh rằng thái độ tiếp đón các kỹ thuật ngoại lai là thích hợp nhất, chúng ta có thể tìm trong lịch sử, những thời đại có những biến cố như thời đại của chúng ta, và lấy phản ứng của các quốc gia lúc bấy giờ, làm tài liệu nghiên cứu để soi tỏ thêm vấn đề.
Trong lịch sử, thời đại đế quốc La Mã hưng thịnh và chinh phục các quốc gia trong cái thế giới được biết lúc bấy giờ, là một thời đại có nhiều biến cố có thể so sánh được với những biến cố của thời đại hiện nay. Cũng có một nước mạnh, thuộc một nền văn minh tiến bộ, đi chinh phục những nước kém về kỹ thuật, thuộc một nền văn minh đã suy nhược. Cũng có những quốc gia, nhất định không theo mới, và, cuốn mình lại, sống cô lập và chết mòn để bảo vệ các giá trị tiêu chuẩn truyền thống. Cũng có những quốc gia, mở cửa đón tiếp các kỹ thuật mới, và, thực hiện công cuộc phát triển dân tộc, để sống ăn nhịp với các cường quốc. Lịch sử là một bài học. Bài học của lịch sử Hy Lạp - La Mã mà chúng ta dẫn chứng đây lại xác nhận rằng thái độ của các nước tiếp nhận kỹ thuật của kẻ địch là đúng.
– Trường hợp của Ấn Độ là một trường hợp khác thường khiến cho chúng ta nhận định sai lầm về thực tế. Ông Gandhi là người đã chủ trương mạnh mẽ nhất thái độ bảo vệ các giá trị tiêu chuẩn cũ và triệt để bài xích văn minh Tây phương. ông cực đoan đến nỗi hô hào đồng bào của ông, không nên mặc áo bằng vải dệt ở các xưởng ở Anh quốc hay dệt ở Ấn Độ, trong các xưởng của người Anh nhập cảng từ Anh quốc, mà chỉ nên mặc bằng vải tự tay mình dệt lấy.
Sức mạnh tinh thần của ông Gandhi rất phi thường và ông đã tỏ ra nhìn thấy vấn đề một cách sâu sắc, do đó ông đã khắc phục được sự trọng vọng của nhân loại. Và ngày nay, sự thất bại của ông bộc lộ rõ rệt ở chỗ các đệ tử trung thành của ông đang xây dựng cho Ấn Độ một bộ máy quốc gia theo kiểu Tây phương và các đồng bào của ông đang nỗ lực Tây phương hóa.
Những cuộc tranh đấu anh dũng và uy tín cá nhân sáng lạng của ông Gandhi, hợp với sự ca tụng, chính của người Tây phương, đối với thần thể tính của triết lý án Độ, cả, trước và sau, thời kỳ bị đế quốc thống trị, làm cho một số đông có cảm tưởng rằng thái độ bảo vệ các giá trị tiêu chuẩn cũ có thể thích hợp hơn thái độ đón tiếp các kỹ thuật mới của Tây phương. Và, văn minh Ấn Độ, xây dựng trên nền triết lý tôn trọng thần thể tính được xem như có thể đối phó một cách đắc thắng với nền văn minh thường được gọi là kỹ thuật và vật chất của Tây phương. Nhưng một cuộc phân tích tỉ mỉ và một sự đối chiếu với thực tế không xác nhận cảm tưởng trên.
Người Tây phương ca tụng thần thể tính của triết lý Ấn Độ cũng như ca tụng bất cứ sáng tạo nào của nhân loại có một giá trị thật là cao cả. Và thái độ khách quan, khoa học, và tìm hiểu đó là một trong các bí quyết thành công của văn minh Tây phương. Cho nên sự ca tụng của người Tây phương đối với triết lý Ấn Độ không có nghĩa là triết lý của Tây phương khiếm khuyết thần thể tính. Và sự kiện thần thể tính của triết lý Ấn Độ đạt đến chỗ cao siêu và hấp dẫn lý trí thuần túy, lại không có nghĩa là triết lý Ấn Độ có thể thiết thực giải quyết các thực tế đời sống cho nhân loại, mục đích cuối cùng của mọi hệ thống triết lý.
Lý do của tình trạng đó ở chỗ, khi phải lựa chọn một trong hai quan điểm căn bản cho các hệ thống triết lý: nhận sự sống hay là không nhận sự sống, thì triết lý Ấn Độ đã chọn quan điểm không nhận sự sống. Theo quan điểm ấy, cho sự sống ở cuộc đời này là không có thực và nhân loại cần tìm và đạt cho được sự sống ở một nơi ngoài thế gian này, chúng ta không phán đoán xem quan điểm đó đúng hay là không đúng. Chúng ta chỉ nhận xét rằng, ngay lúc khởi điểm, quan điểm ấy đã tự mâu thuẫn với mình bới vì, sự sống của nhân loại, nghĩa là sự phát triển hay suy vong của các nền văn minh trên thế giới, cũng như sự sống hằng ngày của mỗi người, là một sự kiện mà không ai có thể phủ nhận được. Tìm cách giải quyết các vấn đề đặt ra bởi sự sống, bằng cách phủ nhận sự sống thì đương nhiên các vấn đề đặt ra bởi sự sống không còn nữa. Nhưng như thế thì hóa ra không giải quyết gì cả.
Chính vì chỗ đó mà triết lý Ấn Độ, mặc dù đã đạt đến một mức độ cao siêu mà ít khi tư tưởng của nhân loại đã với tới được lại không thể giải đáp được các vấn đề của nhân loại cũng như đã không giải đáp được các vấn đề của dân tộc Ấn.
Sau một thời gian biến hóa lâu dài, triết lý của Tây phương, ngày nay xây dựng trên căn bản thiết thực nhận sự sống, đã tẩy xuất được mâu thuẫn nguyên khởi giữa hệ thống tư tưởng và thực tế của đời sống, mà các triết lý không nhận sự sống đều mắc phải, nên đã thổi vào nền văn minh của Tây phương một sinh lực chưa từng thấy trong lịch sử của nhân loại Và chính sinh lực đó đã bảo đảm cho người Tây phương ưu thế mà họ vẫn giữ đến ngày nay. Các sự kiện trên càng rõ rệt hơn nữa, nếu chúng ta nhớ lại rằng, đã có một thời, triết lý Tây phương cũng đã lấy sự không nhận sự sống làm căn bản, và lúc bấy giờ nền văn minh của họ cũng đã trầm lặng thay vì chói sáng và chinh phục như ngày hôm nay. Chỉ từ khi nền triết lý của Tây phương thoát khỏi sự tự kiềm hãm mình trong một quan điểm trừu tượng của lý trí, để mạnh bạo đụng đầu vào thực tế của đời sống, thì văn minh của Tây phương mới phát triển như chúng ta thấy ngày nay.
Nếu phải dùng một hình ảnh để cho lý luận được nhận thức dễ dàng hơn, thì chúng ta có thể nói rằng triết lý của Tây phương đã có lúc, một mình, lên đến và sống say mê trong không khí cao siêu của đỉnh núi thần thể tính. Nhưng triết lý đó lại đủ khách quan và can đảm để nhận thấy rằng nhiều vấn đề của nhân loại không giải quyết được từ trên đỉnh núi đó, và, nếu các vấn đề của nhân loại không giải quyết được thì triết lý đã thất bại trong nhiệm vụ của mình.
Vì vậy cho nên triết lý Tây phương đã mạnh bạo từ bỏ không khí cao siêu và thoát tục của đỉnh núi, vùi mình xuống đống lầy của thực tế, sống với nhân loại để tìm cách giải quyết các vấn đề của sự sống. Triết lý của Tây phương đang thành công, và hiện nay nó đang cùng nhân loại leo lên triền của một ngọn núi khác. Nhưng mặc dù đang thành công, triết lý Tây phương lại đầy cái khiêm tốn của những người đã đụng chạm với thực tế và đang cố gắng đi lên.
Trái lại, triết lý của Ấn Độ vẫn còn say mê với không khí cao siêu và thoát tục của đỉnh núi thần thể tính, không rứt nổi mình ra khỏi không khí trong và thoát khỏi đó, nên chưa ý thức rằng, từ trên đỉnh núi đó, các vấn đề mà đời sống đặt ra cho dân tộc Ấn không giải quyết được. Ngày nay, khi đụng đầu với triết lý Tây phương và mặc dù, hay, chính là vì, bị dồn vào thế yếu, triết lý Ấn Độ vẫn còn trù trừ, chưa cương quyết lội xuống bùn lầy của thực tế vì sợ mất tính chất cao siêu và thoát tục của mình. Vì tính chất cao siêu và thoát tục là lý do hãnh diện của những người chưa có vật lộn với thực tế.
Nói một cách khác nữa, và dùng một hình ảnh thô sơ, thì triết lý Tây phương có thái độ của các vị Bồ Tát và triết lý Ấn Độ có thái độ của người nhập Niết Bàn.
Vì những lý do trên đây mà, mặc dầu cái bề ngoài có vẻ trái ngược với luật chung, ngày nay xã hội Ấn Độ, cũng như xã hội của tất cả quốc gia đã bị đế quốc thống trị, cùng lâm vào một hoàn cảnh trầm trọng, như chúng ta thấy trên đây. Và các biện pháp mà các nhà lãnh đạo Ấn Độ cần áp dụng cũng là những biện pháp cần thiết cho các quốc gia đồng hoàn cảnh. Và công cuộc phát triển dân tộc Ấn Độ mà chính phủ Nehru và chính phủ kế tiếp đang theo đuổi hàm một sự thú nhận rõ rệt rằng Ấn Độ mặc dù có Gandhi và mặc dù có một triết lý cổ truyền cao siêu, vẫn phải đương đầu với các vấn đề thiết thực và vật chất của các quốc gia chậm tiến.
II. Tất yếu phải Tây phương hóa
Tây phương hóa là một sự kiện không từ chối được.
Trên đây chúng ta đã phải suy luận dông dài về trường hợp của Ấn Độ. Bởi vì, công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa là một công cuộc liên hệ đến sự sống còn của dân tộc. Và, mặc dầu đầy khích động, nhưng sẽ đòi hỏi nhiều cố gắng liên tục trong nhiều năm, ở mọi người, và đòi hỏi nhiều hy sinh nặng nề ở mọi tầng lớp nhân dân. Cố gắng liên tục sẽ làm cho dân chúng mệt mỏi, hy sinh nặng nề sẽ gây phẫn nộ cho dân chúng. Trong hoàn cảnh đó nếu người lãnh đạo không quả quyết tin vào công cuộc phát triển, nếu toàn dân không tin rằng công cuộc phát triển là con đường sống duy nhất của dân tộc, thì công cuộc phát triển không sao thực hiện được.
Vì vậy cho nên, một điều vô cùng thiết yếu là sự tin tưởng rằng, công cuộc phát triển dân tộc chúng ta bằng cách Tây phương hóa là một sự kiện lịch sử dĩ nhiên, không thể tránh được và ngoài công cuộc phát triển ấy ra, dân tộc chúng ta không còn một lối thoát thứ hai. Một sự tin tưởng tuyệt đối như vậy chỉ có thể có được khi nào các trường hợp đều được xem xét một cách không thiếu sót để cho các nghi vấn đều được giải đáp.
Và khi các điều kiện trên đã thỏa mãn đầy đủ rồi, thì tất cả mọi người Việt Nam chúng ta đều phải quả quyết tin rằng, chúng ta cần phải dốc hết nỗ lực để thực hiện công cuộc phát triển dân tộc, bằng cách Tây phương hóa xã hội chúng ta, một cách toàn diện mà không do dự.
Thật sự ra, công cuộc Tây phương hóa xã hội chúng ta đã tự nó bắt đầu thực hiện từ ngày người Pháp bước chân lên đất này. Chúng ta chỉ cần nhìn quanh chúng ta: nhà ở cũng kiến trúc theo kỹ thuật và kiểu mẫu Tây phương, giải trí cũng tổ chức theo Tây phương, thức ăn cũng nấu theo Tây phương. Phần lớn các cử động trong đời sống của chúng ta đều rập khuôn theo Tây phương. Nhìn lại chính con người của chúng ta, dù chúng ta ở thành thị hay thôn quê, chúng ta thấy rằng tất cả con người chúng ta đều Tây phương hóa từ đầu tới chân: tóc hớt theo Tây phương, áo và quần cắt theo lối Tây phương, may bằng những cái máy do Tây phương sáng chế, giây nịt và giày là sản phẩm của Tây phương. Đi ra, chúng ta dùng xe đạp của Tây phương hay xe hơi của Tây phương. Vì vậy cho nên, những người còn ngồi nhà mà nói là phải giữ lại phong tục Việt Nam để bảo vệ quốc hồn quốc túy là những người tự dối mình.
Nếu đã như thế thì, trên kia chúng ta còn đặt thành vấn đề sự cần thiết của công cuộc Tây phương hóa, có phải là một hành động thừa không? Thừa, mà cũng không thừa.
Thừa đối với những người vẫn chưa chịu nhận rằng, dầu họ không có muốn Tây phương hóa và họ có chủ trương bảo cựu đến mức độ nào đi nữa, thì chính con người của họ cũng đã Tây phương hóa đi rồi.
Không thừa, đối với chúng ta, là những người mong muốn thực hiện được công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa toàn diện. Công cuộc Tây phương hóa xã hội chúng ta mà ngày nay chúng ta mục kích những hiện tượng, như trên đã kể, là một công cuộc Tây phương hóa bắt buộc, dẫn dắt đến tình trạng tan rã của xã hội chúng ta. Xã hội chúng ta bị Tây phương hóa, chớ không phải tự ý Tây phương hóa. Vì vậy mà cuộc Tây phương hóa đã được thực hiện một cách không đường hướng, không mục đích và chỉ lên đến một mức độ thấp kém. Cũng vì vậy mà chúng ta không chủ động được công cuộc Tây phương hóa đã qua của chúng ta, và không có thể dẫn dắt nó vào một chiều hướng và đến một mức độ có ích cho công cuộc phát triển dân tộc.
Trái lại công cuộc Tây phương hóa mà chúng ta phải thực hiện cho dân tộc là một công cuộc Tây phương hóa tự ý muốn, đo đó, có đường hướng và có mục đích. Chúng ta sẽ chủ động cuộc Tây phương hóa này và sẽ đưa nó đến một mức độ đủ cao để xã hội chúng ta tìm được những tiêu chuẩn giá trị mới khả dĩ tạo cho nó một trạng thái điều hòa mới.
Như thế nào là Tây phương hóa có đường hướng?
Dưới đây chúng ta sẽ chứng minh rằng, trên phương diện dân tộc, một công cuộc Tây phương hóa chỉ hữu hiệu khi nào được thực hiện toàn diện và đạt đến mức độ đủ cao.
Như thế nào là Tây phương hóa toàn diện?
Trong số các nhà lãnh đạo các quốc gia bị Tây phương tấn công, những người có thái độ đóng cửa bảo vệ giá trị cũ, như ở Trung Hoa và ở Việt Nam, cũng như những người có thái độ mở cửa để đón văn minh Tây phương như ở Nga và ở Nhật, tất cả đều sớm nhận định rằng sở dĩ Tây phương thắng thế là, trước tiên, nhờ ở kỹ thuật võ trang và kỹ thuật tô chức.
Và giữa hai thái độ cực đoan như chúng ta đã phân tích trên đây phần đông lại lựa chọn một thái độ dung hòa và khôn ngoan nhất. Thái độ nửa chừng dựa trên lý luận sau đây:
Tây phương hóa có giới hạn.
Chúng ta chiến bại vì vũ khí của chúng ta kém về độ tinh xảo và quân đội chúng ta thua về tổ chứcVậy, để chống lại địch thủ một cách hiệu quả và lâm thời thắng địch thủ, chúng ta chỉ cần học, một là kỹ thuật sử dụng vũ khí tối tân, lúc đầu mua của chính những quốc gia Tây phương, sau học kỹ thuật để chế tạo lấy; hai là kỹ thuật tổ chức quân đội theo Tây phương. Với hai khí giới đó chúng ta có thể hy vọng thắng địch để bảo vệ được các tiêu chuẩn giá trị truyền thống của xã hội của chúng ta. Như thế có nghĩa là chúng ta chỉ cần canh tân quân trang và cải tổ quân đội là đủ, mọi cơ cấu khác trong xã hội vẫn giữ nguyên vẹn. Nhưng, lịch sử của các quốc gia đã áp dụng thái độ đó trong hành động lại chứng minh rằng, sự thật thì các sự kiện đã xảy ra không như những người lãnh đạo của các quốc gia ấy dự định.
Sau khi đã quyết định canh tân quân trang và cải tổ quân đội các nhà lãnh đạo nói trên một mặt gởi người xuất dương du học các nước Tây phương để hấp thụ kỹ thuật mới, một mặt mướn người chuyên viên Tây phương đến tại xứ để vừa huấn luyện người, vừa để xây cất các xưởng chế tạo vũ khí.
Vì sao người Tây phương lại đến nhận lãnh trách nhiệm chế tạo các vũ khí đó và vì sao các cường quốc Tây phương nhận đào tạo các chuyên viên ngoại quốc như vậy, mặc dù họ vẫn biết, cũng như mọi người đều biết, rằng làm như vậy là họ sẽ trao cho địch thủ những khí giới đang bảo đảm ưu thế của họ? Có nhiều lý do khiến cho người Tây phương, cũng như những cá nhân của các quốc gia khác, đã hành động như vậy. Trước hết là vì bị quyền lợi vật chất quyến rũ. Thứ hai giữa các cường quốc trong nội bộ xã hội Tây phương cũng có nhiều mâu thuẫn chính trị khiến cho mỗi cường quốc, trong một cuộc tranh giành ảnh hưởng ác hệt, sẵn sàng tìm đồng minh cho mình ở những quốc gia ngoài xã hội Tây phương. Và sau hết, trong thời kỳ đi chinh phục thế giới, kỹ thuật Tây phương đã đạt đến một trình độ rất cao và tạo cho người Tây phương một sự hãnh diện và tự tin mãnh liệt cho đến nỗi, nếu không phải vì lợi và vì ngoại giao, thì họ cũng không ngần ngại mà hành động như họ đã làm. Dầu sao, như chúng ta sẽ thấy sau này, những lý do trên là những yếu tố thuận lợi, mà toàn bộ tạo thành cơ hội giúp cho các dân tộc ngoài xã hội Tây phương thực hiện công cuộc phát triển của mình.
Tây phương hóa có giới hạn nhất định thất bại
Trở lại vấn đề canh tân quân trang và cải tổ quân đội.
Sau giai đoạn thi hành các biện pháp nói trên một thời gian, các nhà lãnh đạo thu lượm được một kết quả mong muốn: quân đội, võ trang bằng vũ khí của Tây phương và tổ chức theo lối của họ, đã trở thành một lực lượng làm cho ngoại quốc phải kính nể. Nhưng, cũng chẳng bao lâu sau đó, sang giai đoạn thứ hai, chính các nhà lãnh đạo đó lại nhận thấy thêm rằng, nếu muốn duy trì cái lực lượng quí báu vừa mới tạo được thì việc huấn luyện chuyên viên, chỉ giới hạn trong lãnh vực quân sự, lại không đủ. Đi sâu vào một chút, lại tìm ra là tinh xảo của vũ khí Tây phương bắt nguồn từ các phát minh của khoa học Tây phương, và, ngoại trừ mọi vấn đề tổ chức vật chất, sức mạnh tinh thần của quân đội Tây phương lại do tư tưởng cá nhân của mỗi người chiến binh và tư tưởng cá nhận lại do hoàn cảnh xã hội tạo ra.
Như vậy, muốn nuôi dưỡng một lực lượng quân sự, đã được canh tân, lại phải đặt vấn đề hấp thụ học vấn Tây phương và như thế, là phải canh tân nền giáo dục. Và muốn gieo cho người chiến binh một sức mạnh tinh thần như của người chiến binh Tây phương lại phải tạo cho họ hoàn cảnh xã hội tương tự, nghĩa là phải cải tạo xã hội. Mà cải tạo xã hội thì phải thay thế các giá trị tiêu chuẩn cũ. Như vậy thì, rốt cuộc lại, phải bỏ giá trị tiêu chuẩn cũ, điều mà các nhà lãnh đạo đang nói đây không dự định làm và cũng không muốn làm, vì sở dĩ các nhà lãnh đạo này chủ trương canh tân quân đội là với mục đích bảo vệ các giá trị truyền thống của xã hội của họ.
Ngoài ra, sự canh tân quân đội lại đương nhiên mang đến một hậu quả khác mà các nhà lãnh đạo cũng không ngờ. Những người muốn học về tổ chức quân đội theo Tây phương, trước tiên phải học ngôn ngữ Tây phương để đọc sách về kỹ thuật tổ chức quân đội của Tây phương. Nhưng khi đọc được ngôn ngữ của Tây phương rồi, thì không làm thế nào cấm họ đọc các sách khác của Tây phương trong những lĩnh vực khác: chính trị, văn hóa, hay xã hội. Do đó, và vì đã sẵn trong đầu sự cảm phục chính đáng đối với Tây phương trong lĩnh vực quân sự, những người này tự nhiên nẩy ra sự cảm phục Tây phương trong lĩnh vực xã hội và chính trị. Và họ sớm nhận thức rằng sức mạnh của quân đội Tây phương cũng như tính cách tinh xảo của vũ khí Tây phương là những kết quả đương nhiên, trong lĩnh vực quân sự của tổ chức xã hội và chính trị của Tây phương. Như vậy, họ tin rằng không thể nào có được một quân đội hùng mạnh theo mới mà không có một tổ chức xã hội và chính trị theo mới. Và chính những người này sẽ biến thành những cái mầm của cuộc cách mạng chính trị và xã hội sau này. Các sự kiện trên đây lại giải nghĩa cho chúng ta thấy vì sao mà ở một nước Thổ Nhĩ Kỳ, và nhiều nước khác ở Cận Đông, chính quân đội lại hướng dẫn các cuộc cách mạng chính trị và xã hội trong đầu thế kỷ hai mươi.
Trở lại vấn đề canh tân quân đội trên đây, sau khi đã canh tân quân đội, trong giai đoạn thứ nhất đến giai đoạn thứ hai, các nhà lãnh đạo sẽ đứng vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ tiếp tục cuộc canh tân quân đội, thì bắt buộc họ phải đi đến chỗ cải tạo xã hội. Đó là điều họ không thể làm được, bởi vì mục đích của họ khi canh tân quân đội là để bảo vệ các giá trị tiêu chuẩn cũ.
Nhưng nếu họ ngưng lại cuộc canh tân quân đội, thì việc bảo vệ các giá trị tiêu chuẩn cũ, cũng sẽ không thực hiện được đối với sự tấn công của Tây phương. Hơn nữa, mộtcuộc duy tân, một khi đã manh nha, tự nó sẽ tạo ra trong cơ thể của xã hội, bắt đầu duy tân, những lực lượng càng ngày càng bành trướng để phát triển cuộc duy tân. Nếu những lực lượng ấy được hướng dẫn sẽ đưa đến một cuộc duy tân có mục đích, nếu không, cuộc duy tân sẽ hỗn loạn. Nếu các nhà lãnh đạo lại dùng bạo quyền, như đã xảy ra ở Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu thế kỷ hai mươi, để hoặc là bãi bỏ công cuộc theo mới hoặc là ngưng cuộc canh tân trong những giới hạn họ muốn, mặc dù họ vẫn biết rằng hành động như vậy vẫn không cho phép họ bảo vệ các giá trị tiêu chuẩn cũ, thì lực lượng cách mạng, lãnh đạo do những người ở trong quân đội đã hấp thụ được, chẳng những kỹ thuật quân sự mới, mà lại thêm những tư tưởng chính trị và xã hội mới, sẽ nổi lên lật đổ các nhà lãnh đạo này.
Công cuộc Tây phương hóa, nhất định phải toàn diện
Tóm lại, nếu đóng cửa không đón tiếp văn minh Tây phương, thì, vì kém kỹ thuật, sẽ bị Tây phương chiến bại, và biến thành thuộc địa hay bán thuộc địa. Sau khi chiến bại rồi sẽ bị Tây phương hóa nhưng công cuộc Tây phương hóa sẽ không được hướng dẫn và sẽ đưa đến những kết quả thảm hại mà chúng ta biết.
Nếu muốn Tây phương hóa có giới hạn để bảo vệ các giá trị cũ thì, một là công cuộc bảo vệ sẽ không thực hiện được và quốc gia sẽ lâm vào tình trạng của các nước đóng cửa không tiếp đón kỹ thuật Tây phương. Hai là sẽ tạo hoàn cảnh cho một cuộc cách mạng nội bộ để đưa đến một cuộc Tây phương hóa toàn diện. Như vậy thì, đằng nào rồi những sự kiện lịch sử cũng sẽ đưa đến một cuộc Tây phương hóa toàn diện. Nếu đã thế thì thượng sách không phải là nên tự ý Tây phương hóa toàn diện hay sao? Có như vậy một mặt chúng ta sẽ có thể rút ngắn thời gian, một mặt chúng tạ mới có thể chủ động được công cuộc Tây phương hóa đế cho những chấn động, mà chắc chắn một công cuộc như vậy sẽ gây ra cho xã hội ta, không có thể phá hoại xã hội ta, như trong trường hợp một cuộc Tây phương hóa không hướng dẫn.
Tóm lại, một công cuộc Tây phương hóa chỉ hữu hiệu khi nào chúng ta được tự ý thực hiện nó và thực hiện toàn diện, nghĩa là trên lĩnh vực quân sự, chính trị, xã hội và theo đó là kinh tế và văn hóa.
Nếu ta tự ý Tây phương hóa, thì chúng ta chủ động được công cuộc Tây phương hóa của chúng ta và chúng ta sẽ bảo vệ được độc lập và xã hội, nhưng nhiều giá trị tiêu chuẩn phải được đổi mới.
Nếu chúng ta không tự ý Tây phương hóa thì rồi cũng bị Tây phương hóa. Nhưng cuộc Tây phương hóa sẽ không được hướng dẫn, không đường lối và không mục đích. Sở dĩ sự kiện phải diễn tiến theo cơ thức như đã phân tích trên đây là bởi vì một nền văn minh là một toàn bộ quân bình, gồm có các tiêu chuẩn giá trị, có hiệu lực trong các lĩnh vực.
Nếu chúng ta thâu nhận những thực hiện của Tây phương trong một lĩnh vực nào đó thì sớm hay muộn những thực hiện đó cũng lần lần kéo đến và bắt buộc chúng ta thâu nhận những thực hiện của Tây phương trong một lĩnh vực khác có liên hệ. Một mặt khác, nếu chúng ta đã thâu nhận những kỹ thuật trong một lĩnh vực thì lần lần chúng ta sẽ thâu nhận những nguyên tắc khoa học, đã làm căn bản cho sự phát minh ra các kỹ thuật đó. Và nếu chúng ta thâu nhận các nguyên tắc khoa học, thì chúng ta lại đi đền chỗ thâu nhận lối suy luận đã tạo ra các nguyên tắc khoa học. Nghĩa là cơ thức của sự Tây phương hóa đi từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng, và từ cương vị thấp đến cương vị cao, từ lĩnh vực cụ thể đến lĩnh vực trừu tượng. Và sự diễn biến, tự nhiên sẽ đến không có gì ngăn trở được. Bởi vì những yếu tố, mà toàn bộ hợp thành một trạng thái thăng bằng, trong một nền văn minh, không thể tách rời ra được. Sự sống, của từng yếu tố, tùy thuộc sự có mặt của các yếu tố khác. Nếu chúng ta nhận yếu tố kỹ thuật quân sự, sớm muộn gì chúng ta cũng phải nhận yếu tố khoa học, bới vì, mỗi yếu tố, không thể sống một mình được, tất sẽ tự gây lại trạng thái thăng bằng từ đó nó đã phát sinh, và trong đó nó có thể sống mạnh.
Trong sự liên lạc giữa hai văn minh, một việc này lại mang đến một việc khác và tuần tự sẽ mang đến hết toàn bộ văn minh mới.
Ví dụ, nếu chúng ta mặc vải dệt ở các nhà máy Tây phương, thì chẳng bao lâu chúng ta lại nhập cảng những nhà máy tương tự để dệt vải theo Tây phương tại xứ ta. Lần lần, chúng ta lại sản xuất các nhà máy tại chỗ, và, chừng đó người nông dân của chúng ta lại bỏ đồng ruộng để lên làm việc tại các nhà máy, và lúc bấy giờ, ngoài giờ làm việc họ lại thích các lối giải trí của Tây phương, và lần lần đầu óc của họ cũng nghĩ theo Tây phương, và cuối cùng, họ sẽ Tây phương hóa, từ vật chất lẫn tinh thần. Đó là một định luật xã hội nghiêm khắc.
III. Tây phương hóa thế nào, kinh nghiệm của Nga và Nhật
Như thế nào là Tây phương hóa đến mức độ đủ cao.
Bài học của nước Nga
Trong lĩnh vực này lịch sử của nước Nga là một bài học vô cùng quí báu.
Nước Nga ở phía Đông Âu châu. Đối với Âu châu, nước Nga là một tiền đồn, mỗi khi các bộ lạc du mục Mông Cổ và Hung-nô ở các đồng hoang phía Đông Bắc Á châu xua quân đánh phá các dân tộc đã định cư trên hai đại lục Âu, Á. Vị trí địa dư ấy, đã dẫn dắt đến các sự kiện lịch sử quan trọng sau đây. Quan trọng đến nỗi, sau mấy ngàn năm biến cố khuynh đảo, nó vẫn còn chi phối nặng nề các nguyên tắc ngoại giao giữa Nga và các cường quốc Âu Mỹ. Và đây là một ví dụ, hết sức sáng tỏ, để chứng minh rằng, trong đời sống của một dân tộc, một thời gian mấy thế kỷ hay mấy ngàn năm vẫn chưa thấm vào đâu. Và cuộc cách mạng Sô Viết của nước Nga lại làm cho các sự kiện này trở thành một bằng cớ hết sức đích xác để chứng minh rằng dĩ vãng của một dân tộc do hoàn cảnh địa dư và sự kiện lịch sử tạo thành, không có thể san bằng được dù là bằng một cuộc cách mạng vô cùng táo bạo, để xây dựng tương lai.
Ngay từ thế kỷ thứ X, nước Nga đã có những sự liên lạc thường xuyên và chặt chẽ với đế quốc La Mã; khi đế quốc này chỉ còn ảnh hưởng ở phía Đông Địa Trung Hải và đặt kinh đô tại Constantinople, phía Bắc nước Hy Lạp, Gia Tô giáo cũng đã chia làm hai phái, Tây phái, Giáo chủ ở tại La Mã và Đông phái, Giáo chủ ở tại Constantinople, chống báng nhau vì nhiều điểm về hành giáo và nghi lễ. Nước Nga, vì liên lạc với Constantinople nên ngả theo Gia Tô Đông phái, trong khi các nước Âu châu đều được Tây phái La Mã truyền giáo. Sự kiện này vừa là cái mầm chia rẽ giữa nước Nga và các nước Âu châu, lại vừa là một di sản tinh thần chung cho hai bên. Vì vậy mà trong lịch sử bang giao giữa Nga và Âu châu, tùy theo hoàn cảnh, có lúc thì sự kiện trên có hiệu lực như là một cái mầm chia rẽ, có lúc lại có hiệu lực là một di sản tinh thần chung.
Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIII, tính cách di sản tinh thần chung lấn thế, nên sự mậu dịch rất thịnh hành giữa hai bên. Và nhiều cuộc hôn nhân chính trị, một yếu tố vô cùng quan trọng trong thời quân chủ, đã xảy ra giữa giòng vua Nga và các giòng vua Anh Pháp. Nếu tình trạng này kéo dài thì, mặc dầu những điểm dị đồng giữa hai phái Gia Tô, di sản tinh thần chung có lẽ đã thắt chặt các nước Âu châu và nước Nga lại làm thành một khối, và lịch sử đã có nhiều sự thay đổi lớn lao.
Nhưng sau đó, vào thế kỷ thứ XIII, các bộ lạc Mông Cổ, dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn và các vị vua kế tiếp đã đưa quân đánh chiếm gần hết Châu Á và một phần lớn Âu châu, lập thành một đế quốc gồm các nước Đông Âu ngày nay (Ba Lan, Hung Gia Lợi, Ru-ma-ni, Bulgarie) cả nước Nga, hết trung bộ Châu Á, nội Mông Cổ, Tây Tạng và hết nước Tàu. Sự đế quốc Mông Cổ thống trị nước Nga trên 150 năm, ngày nay, vẫn còn lưu lại nhiều di tích vật chất và nhất là một sự kiện mà hậu quả lịch sử vô cùng lớn lao trong nhiều thế kỷ: sự thống trị của Mông Cổ đã cắt đứt hết các dây liên lạc nối liền nước Nga với khối văn minh Tây phương đang phát triển.
Trong khi nước Nga bị xâm chiếm, và, nhờ vị trí tiền đồn của nước Nga mà các nước khác ở Tây Âu đã thoát sự đô hộ của Mông Cổ, thì các nước này, chẳng những không có lúc nào tìm cách cứu viện một đồng minh cùng chung một di sản tinh thần, ngược lại, đã lợi dụng hoàn cảnh suy vong của Nga, để cắt xén và chiếm nhiều phần đất thuộc lãnh thổ Nga.
Trong những lúc đó, chính là tính cách mầm chia rẽ đã thắng tính cách di sản tinh thần chung của sự kiện mà chúng ta vừa nêu lên ở trên. Và sau khi đế quốc Mông Cổ tan rã, nước Nga thâu hồi độc lập, thì từ đó sự bang giao giữa Nga và các nước Tây Âu lúc nào cũng mang dấu vết cay đắng của thời kỳ vừa qua. Do đó, lịch sử của cuộc bang giao giữa hai bên chỉ là một cuộc chiến đấu không ngừng, kéo dài cho tới ngày nay, lúc thì Tây Âu chiến thắng, lúc thì Nga chiến thắng, và chúng ta đang sống vào một thời kỳ mà Nga đang chiến thắng Tây Âu.
Luôn luôn, Tây Âu nắm phần thắng những lúc nào mà kỹ thuật của họ tiến bộ hơn của Nga. Nhưng yếu tố dân đông và đất rộng của Nga, lần nào, cũng cứu Nga thoát khỏi một sự chiến bại hoàn toàn. Sau đó, các nhà lãnh đạo Nga lại tìm cách thâu thập các kỹ thuật mới và khi hai bên đã ngang nhau trên phương diện kỹ thuật thì yếu tố dân đông lại đưa phần thắng cho Nga. Thời gian qua, kỹ thuật của Tây phương lại tiến bộ hơn trước và đồng thời mang thắng lợi về cho Tây phương. Tấn tuồng lại cứ như thế mà tiếp tục diễn tiến, qua nhiều thế kỷ, lúc bên này được bên kia thua, và lúc bên kia được bên này thua.
Thâu thập kỹ thuật.
Lúc đầu sự thâu nhập kỹ thuật Tây phương không khó khăn, bởi vì sự cách biệt giữa hai nền kỹ thuật chỉ nằm trong một vài phát minh được xem như là những bí mật quan trọng.
Kỹ thuật chưa tiến bộ nhiều, phương pháp nghiên cứu chưa có qui củ, các phát minh còn thô sơ và rời rạc, thỉnh thoảng tình cờ mới tìm được một phát minh mới. Và quốc gia nào nắm được một phát minh mới, tuy thô sơ nhưng hiếm có đó, thì đã nắm được trong tay một sức mạnh vô địch làm nghiêng hẳn cán cân lực lượng về phía mình.
Ở Trung Hoa, thời đại nhà Đường, vào thế kỷ thứ VII, sự tình cờ đã đưa đến cho Đường Thế Dân một phát minh, ngày nay chúng ta xem là thông thường, nhưng đã làm đảo lộn thế giới lúc bấy giờ: yên ngựa có chân đứng. Trước đó, người cưỡi ngựa chỉ ngồi trên ngựa, hai chân buông lỏng, vì vậy mà thăng bằng không vững và kỵ binh chỉ là một phương tiện vận tải. Với phát minh mới, người ngồi trên lưng ngựa vững như dính liền với thú và kỵ binh trở thành một khí giới tấn công vô cùng sắc bén và dũng mãnh. Chỉ nhờ có hai sợi dây da thô sơ buộc vào yên ngựa, nhưng lại có một tầm quan trọng rộng lớn không ngờ, mà nhà Đường, đã chuyển thế lâm nguy của Trung Hoa lúc bấy giờ, đang sống dưới sự đe dọa xâm lăng thường xuyên của các dân tộc du mục Trung Á, thành một thế chiến thắng. Và nhà Đường chẳng những đã đánh bại các dân tộc xâm lăng, giữ vững độc lập cho Trung Hoa, lại còn chinh phục ngược lại các lãnh thổ của họ, lập thành một đế quốc hùng cường mà nền văn minh đã chói sáng khắp thế giới lúc bấy giờ trong hơn ba thế kỷ. Tất cả những thành tựu đó chỉ nhờ cặp chân đứng yên ngựa.
Hơn thế nữa, cặp chân đứng yên ngựa, sau khi đã chấn hưng Trung Hoa đến cực độ, lại còn mãnh lực xoay chiều luồng sóng chinh phục, lúc đó đang chảy từ Tây sang Đông, thành một luồng sóng chinh phục từ Đông sang Tây. Các dân tộc du mục Trung Á sau khi bị Trưng Hoa chinh phục và đồng thời thâu thập được phát minh mới, nguyên nhân chính yếu của sức mạnh của nhà Đường, đã quay lại chinh phục các dân tộc láng giềng ở phía Tây và lân hồi làn sóng chinh phục lại chuyển từ Đông sang Tây. Phát minh chân đứng yên ngựa cũng theo làn sóng đó mà đi từ Đông sang Tây.
Cuối thế kỷ VII cặp chân đứng yên ngựa đã nhập vào xã hội Hồi Giáo, và nhờ nó mà xã hội này đã chinh phục gần hết các phần đất bao quanh Địa Trung Hải.
Ví dụ trên kia cho ta thấy vai trò vô cùng quan trọng của kỹ thuật trong đời sống của các dân tộc. Lịch sử, trong thời kỳ khoa học chưa phôi thai, còn nhiều trường hợp như vậy: làm chủ được một phát minh kỹ thuật mới có nghĩa là làm bá chủ một vùng.
Nhưng, cũng chính ký ức những trường hợp như vậy đã làm cho những nhà lãnh đạo các quốc gia ngoài xã hội Tây phương, sau này, như chúng ta đã thấy, lầm tưởng rằng, chỉ thâu nhận được kỹ thuật mới của Tây phương là đủ bảo vệ nền văn minh cũ. Họ lầm bởi vì, sau khi khoa học đã phát triển sự nghiên cứu đã có qui củ, sự tìm tòi đã có phương pháp, các phát minh không còn rời rạc nữa và trở thành một toàn bộ di sản của một nền văn minh. Cho nên, như chúng ta đã biết, nếu chúng ta thâu thập một kỹ thuật Tây phương thì chúng ta phải thâu thập hết toàn bộ kỹ thuật Tây phương.
Trở lại vấn đề cuộc chiến đấu giữa Nga Sô và các cường quốc Tây phương, chúng ta hiểu rõ vì sao, lúc đầu, sự thâu thập kỹ thuật Tây phương không khó đối với Nga. Nhưng về sau, từ lúc khoa học đã bắt đầu phôi thai, các phát minh kỹ thuật càng phức tạp hơn, và sự thâu thập càng khó khăn hơn.
Chúng ta thấy rõ sự tiến triển của cường độ khó khăn, khi chúng ta ý thức rằng lúc đầu sự thâu thập một kỹ thuật mới có thể thực hiện được một cách âm thầm, sau các chiến trận hoặc trong những cuộc trao đổi thương mãi. Nhưng về sau, có lúc chính đại đế Pierre nước Nga đã phải đích thân hai lần cải trang sang viếng các nước Âu Châu cùng với một đội binh chuyên viên để thâu thập kỹ thuật Tây phương. Và sau đó đã bắt đầu kêu gọi đến kỹ thuật gia Tây phương bằng những lợi lộc hấp dẫn.
Thâu thập khá năng sáng tạo kỹ thuật.
Sự thâu thập càng ngày càng khó khăn này là một lý do khả dĩ giải thích một phần vì sao mà trong cuộc chiến đấu với Tây phương, Nga nhiều lần bị kỹ thuật của Tây phương lấn áp. Lý do thứ hai dưới đây, có tính cách trừu tượng hơn nhưng lại minh biện hơn.
Trong việc thâu thập kỹ thuật, Nga vẫn theo các nếp cũ, cho nên vẫn tìm cách thâu thập các kỹ thuật, chớ không bao giờ tìm cách thâu thập khả năng của lý trí, khả dĩ sáng tạo được kỹ thuật. Do đó, một khi Nga vừa chế ngự được một 'mớ kỹ thuật, thì óc sáng tạo của Tây phương đã đẻ ra những kỹ thuật mới, tinh xảo hơn. Thành ra lối thâu thập cũ nếu có thể áp dụng ở thời kỳ tiền khoa học, thì vào thời kỳ khoa học chỉ vừa đủ để cho những người áp dụng chạy theo đuôi Tây phương.
Nguyên do ở chỗ trước kia các phát minh kỹ thuật là một sự tình cờ, thỉnh thoảng mới nẩy ra lúc thì nơi này lúc thì nơi khác. Nhưng từ ngày xã hội Tây phương đã chế ngự được khoa học, phương pháp hóa sự nghiên cứu, qui củ hóa sự tìm tòi thì các cuộc phát minh trở thành liên tục và biến thành một thế độc quyền của những ai chế ngự được khả năng sáng tạo khoa học. Vì vậy mà vấn đề thâu thập kỹ thuật trước kia đơn sơ và ở vào trình độ bắt chước, sau khi khoa học đã phát triển, phải được đưa lên đến trình độ chế ngự khả năng sáng tạo khoa học. Phải như vậy, nếu những người thâu thập kỹ thuật Tây phương không muốn lúc nào cũng chỉ chạy theo đuôi Tây phương và lúc nào cũng bị kỹ thuật Tây phương chi phối.
Nghĩa là công cuộc Tây phương hóa chỉ hữu hiệu khi nào được thực hiện đúng đến mức độ đủ cao.
Đó là bài học mà nước Nga, sau nhiều thế kỷ kinh nghiệm và bằng một giá rất đắt, đã thâu thập được. Và đó là một bài học vô giá cho các nước ở trong tình trạng phải Tây phương hóa để bảo vệ sự sinh tồn của mình.
Chính nước Nga đã áp dụng ngay bài học đó trong cuộc cách mạng 1917. Và chung qui cuộc cách mạng 1917 của Nga chỉ là một cuộc Tây phương hóa toàn diện và tự đặt cho mục đích phải đến mức độ đủ cao. Nghĩa là phải làm thế nào khắc phục được khả năng sáng tạo khoa học của Tây phương. Cuộc Tây phương hóa ở Nga đã toàn diện, nhưng cuộc Tây phương hóa của Nga đã đến mức độ đủ cao chưa?
Thời gian còn sớm quá nên chúng ta chưa có thể trả lời quả quyết được Tuy nhiên, sự sáng tạo các hỏa tiễn liên lục địa, các vệ tinh và hành tinh nhân tạo, các phi thuyền không gian, và nhiều phát minh khác trong mọi lĩnh vực, tuy không kích thích dư luận đại chúng, nhưng vẫn không kém phần quan trọng trên địa hạt khoa học, vượt hẳn khả năng sáng tạo của nhiều quốc gia Tây phương, là những triệu chứng cho chúng ta đoán rằng Nga đã thành công. Tuy nhiên, hãy còn sớm quá để chúng ta trả lời một cách dứt khoát. Ví dụ dưới đây lại thêm phần rõ rệt về tính cách tối quan trọng của mức độ đủ cao của công cuộc Tây phương hóa.
Trường hợp của Nhật
Cái hay phi thường của các nhà lãnh đạo Nhật thời Minh Trị lúc bị Tây phương tấn công, là, mặc dầu không có cái kinh nghiệm chiến đấu trong mấy thế kỷ chống Tây phương như Nga, lại nhìn thấy ngay sự cần thiết của một công cuộc Tây phương hóa toàn diện. Nhưng có lẽ quan niệm về cao độ của công cuộc Tây phương hóa không được rõ rệt lắm cho nên đến ngày nay, mặc dầu công cuộc Tây phương hóa của Nhật đã thành tựu một cách không ai phủ nhận được, sự chế ngự khả năng sáng tạo khoa học của Nhật chưa có dịp xuất lộ một cách rõ rệt như của Nga. Trái lại một vài trường hợp lịch sử chứng minh rằng người Nhật trong công cuộc Tây phương hóa toàn diện, chưa đạt đến mức độ đủ cao.
Lúc khởi đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương giữa Nhật và Mỹ, các phi công Mỹ đều khiếp sợ thành tích, tốc độ tầm hoạt động, sự dễ lái, hỏa lực và sức chịu đựng của loại phi cơ khu trục của Nhật gọi là Zéro. Và các cường quốc đều xem khu trục cơ của Nhật là một thực hiện bậc nhất trong thế giới của khoa học hàng không Nhật. Nhưng sau hai năm chiến tranh, trọng khi Mỹ lần lần cho xuất hiện những loại phi cơ vượt hẳn loại phi cơ Zéro về mọi mặt; thì Tổng Tham Mưu Nhật và kỹ thuật hành không Nhật vẫn không sáng chế được một loại phi cơ nào hơn loại Zéro được. Do đó sự làm chủ không phận lọt vào tay Mỹ và chiến thắng cuối cùng về Mỹ như chúng ta đều biết.
Có thể nhiều yếu tố đã ảnh hưởng cùng một lúc để đưa đến sự kiện trên. Nhưng một điều chắc chắn là trong số các yếu tố đó, có sự kiện là cuộc Tây phương hóa của Nhật, mặc dù đã kết quả rất tốt đẹp, vẫn chưa đi đến chỗ chế ngự một cách đầy đủ khả năng sáng tạo khoa học của Tây phương.
Trong thời bình, mặc dầu những bí mật của quốc phòng vẫn được mỗi quốc gia giữ gìn kỹ lưỡng, các tin tức khoa học vẫn được trao đổi giữa các cường quốc tiến bộ, hoặc bằng lối trao đổi văn hóa thông thường, hoặc bằng lối tình báo bí mật.
Do đó, sự chênh lệch giữa các nước về kỹ thuật không đến đỗi to tát lắm. Nhưng trong thời kỹ chiến tranh, cố nhiên là những luồng giao hoán đều gián đoạn và mỗi nước phải sống với cái vốn sáng tạo riêng của mình. Lúc bấy giờ, nếu trình độ chế ngự khả năng sáng tạo khoa học của nước mình chưa đủ cao thì kỹ thuật sẽ sút kém và ảnh hưởng nặng nề đến chiến cuộc.
Trường hợp trên đây của Nhật xác nhận hai điểm:
Tây phương hóa đến mức độ đủ cao.
1 -Tính cách thiết yếu của sự đạt đến mức độ đủ cao của công cuộc Tây phương hóa.
2. Đạt đến mức độ đủ cao của công cuộc Tây phương hóa là một điều vô cùng khó khăn.
Nếu chúng ta không đạt đến mức độ đủ cao trong công cuộc Tây phương hóa thì chính là mục đích của công cuộc Tây phương hóa chúng ta không đạt được. Nghĩa là những kết quả của một công cuộc Tây phương hóa không đủ cao, sẽ không giúp cho chúng ta bảo vệ được sự tồn tại của dân tộc, lý do chính, vì đó mà chúng ta nhận định rằng công cuộc Tây phương hóa là cần thiết.
Nước Nhật, trong công cuộc Tây phương hóa của họ, đã đạt được nhiều kết quả mà, chẳng những chúng ta và các nước cùng đang theo đuổi công cuộc Tây phương hóa, đều thán phục, mà đến các nước Âu Mỹ cũng ngợi khen. Thế mà, trong giờ phút quyết liệt của cuộc chiến đấu quyết định sự thắng bại của dân tộc, thì kỹ thuật của họ vẫn chưa sánh kịp với kỹ thuật Tây phương. Xem thế đủ biết rằng, việc chế ngự được khả năng sáng tạo khoa học không phải là việc dễ làm. Nếu chúng ta đã quan niệm rằng sự đạt đến mức độ đó là thiết yếu, thì việc đạt được vẫn còn là một việc vô cùng khó khăn. Nay nếu chúng ta không đặt vấn đề ấy là cần thiết, thì chắc chắn là không bao giờ chúng ta chế ngự được khả năng sáng tạo khoa học của Tây phương. Và như thế là chúng ta đã đầu hàng trước khi ra trận.
Tất cả các điều trình bày trên kia lại càng xác nhận quan điểm cho rằng, công cuộc Tây phương hóa toàn diện và việc đạt được đến mức độ đủ cao là thiết yếu cho sự sống còn của dân tộc chúng ta. Và bởi vì một công cuộc Tây phương hóa như vậy sẽ vô cùng khó khăn và đòi hỏi ở toàn dân những nỗ lực lớn lao và những hy sinh nặng nề, thì nếu không phải chính chúng ta chủ trương và lãnh đạo lấy, thì chắc chắn rằng không làm thế nào chúng ta có thể thực hiện được công cuộc Tây phương hóa của chúng ta.
Độc lập để Tây phương hóa.
Sau khi đã phân tích như vậy rồi, chúng ta mới nhận thấy rằng chủ trương của một số nhà cách mạng trước đây, đề nghị nên hợp tác với Pháp để duy tân Việt Nam, là một chủ trương sai lầm. Sai lầm vì những người ấy đã không phân tích vấn đề thấu đến tâm, nên tưởng rằng người ngoại quốc có thể trách nhiệm một công cuộc Tây phương hóa như chúng ta đã trình bày ở trên. Thật sự, trong thời kỳ người Pháp ở đây, chúng ta đã có một cuộc Tây phương hóa.
Nhưng chính vì sự thống trị của người Pháp ở đây, nên cuộc Tây phương hóa đó không làm sao được hướng dẫn theo một chiều hướng có ích lợi cho đần tộc. Vì vậy cho nên, đã mang đến những hậu quả vô cùng tai hại, mà chúng ta đều biết.
Như thế, điều kiện tiên quyết và thiết yếu để thực hiện cho được công cuộc Tây phương hóa là phải độc lập. Có độc lập chúng ta mới chủ động được vận mạng của chúng ta và lãnh đạo được công cuộc Tây phương hóa, mà sự thành hay bại quyết định tương lai của chúng ta trong mấy thế kỷ sắp tới đây.
Theo đó thì, những nhà cách mạng đã chủ trương hợp tác với Pháp đã đi sai đường lối. Chủ trương của họ chỉ có thể dung nạp với tác dụng của một chiến thuật giai đoạn, để có thể đỡ khổ cho dân chúng. Chính chủ trương của những nhà cách mạng chống Pháp một cách cực đoan là một chủ trương đúng. Vì vậy mà như chúng ta đã biết, và như chúng ta sẽ phân tích chi tiết hơn sau này, các nhà lãnh đạo Việt Nam theo đường lối Cộng Sản, đã hành động đúng hoàn cảnh khi họ tự qui tụ dưới lá cờ Cộng Sản của Nga Sô trong giai đoạn chiến đấu giành độc lập. Nhưng độc lập không phải là mục đích, mà chỉ là một điều kiện khẩn thiết, như chúng ta vừa thấy trên đây, để có thể thực hiện được cuộc phát triển dân tộc Và khi bước sang giai đoạn phát triển dân tộc, sự tự qui tụ dưới lá cờ Cộng Sản còn có phải là một hành động lợi ích cho dân tộc không? Sau này chúng ta sẽ trả lời với chi tiết câu hỏi đã nêu lên. Bây giờ ta chỉ nên biết rằng mặc dầu sự tự qui tụ dưới lá cờ Cộng Sản, đã đưa đến nhiều kết quả trong công cuộc chiến đấu giành độc lập. Nhưng không phải vì những thành tích ấy mà có thể quả quyết rằng nếu muốn đạt đến những thành tích khả quan tương tự trong giai đoạn phát triển, chúng ta lại cần phải qui tụ dưới lá cờ Cộng. Sản, như nhiều người đã nghĩ. Hoàn cảnh đã thay đổi và vấn đề đã thay đổi, thì giải pháp không thể giữ như cũ được.
Tây phương hóa và bản chất dân tộc.
Trong phạm vi vấn đề Tây phương hóa, chúng ta còn phải trả lời một câu hỏi. Nếu chúng ta phải thực hiện cuộc Tây phương hóa toàn diện và đến mức độ đủ cao như trên đã nói thì liệu bản chất của dân tộc chúng ta có còn tồn tại nữa không? Và, nếu sau cuộc Tây phương hóa mà bản chất của dân tộc đã mất, thì công cuộc Tây phưỡn hóa có còn đáng để chúng ta theo đuổi để thực hiện với tất cả sự gian lao và hy sinh của toàn dân chăng? Và đã hư vậy thì chúng ta thực hiện công cuộc Tây phương hóa để bảo vệ cái gì?
Trước hết chúng ta nên nhận xét các sự kiện đã xảy ra nếu chúng ta không tự ý Tây phương hóa. Như chúng ta đã thấy, nếu chúng ta không tự ý Tây phương hóa, thì trước hết chúng ta sẽ mất độc lập và sẽ mất chủ quyền định đoạt vận mạng của dân tộc chúng ta. Sau đó, cuộc Tây phương hóa vẫn sẽ thực hiện đối với chúng ta, nhưng không phải chúng ta lãnh đạo và hường dẫn. Một cuộc Tây phương hóa không được hướng dẫn sẽ mang đến sự tan rã của xã hội chúng ta.
Và nếu thật sự một cuộc Tây phương hóa tự ý và có lãnh đạo không làm tan rã xã hội, lại có thê làm mất bản chất của dân tộc, thì chúng ta có thề quả quyết rằng một cuộc Tây phương hóa bắt buộc và không hương dẫn, làm tan rã xã hội, chắc chắn sẽ làm mất mười lần hơn bản chất dân tộc của chúng ta.
Như vậy giữa hai thái độ tự ý Tây phương hóa và bắt buộc Tây phương hóa, không còn có thể do dự nữa. Làm thế nào cũng phải lựa thái độ tự ý Tây phương hóa, dù mà, vì cuộc Tây phương hóa đó mà bản tính dân tộc của chúng ta có bị mất. Nếu thật sự có mất, ít ra chúng ta cũng còn bảo vệ được độc lập chủ quyền, sự toàn vẹn của xã hội.
Nhưng chúng ta sẽ chứng minh dưới đây rằng, không có gì có thể cho chúng ta quả quyết là công cuộc Tây phương hóa, như chúng ta chủ trương, sẽ đưa đến sự mất bản chất dân tộc.
Trước hết chúng ta cần phải tìm hiểu một công cuộc Tây phương hóa toàn diện đòi hỏi ở chúng ta những thực hiện gì.
Sau đó chúng ta cũng tìm hiểu một công cuộc Tây phương hóa đến mức độ đủ cao đòi hỏi ở chúng ta những thực hiện gì? Dựa trên đó chúng ta sẽ có đủ tài liệu để trả lời câu hỏi nêu lên ở đầu chương này.
Cơ thức Tây phương hóa
Như đã trình bày trên đây,. nguồn gốc của một cuộc Tây phương hóa tự ý, trước tiên hết, là ý chí muốn thâu thập kỹ thuật tổ chức quân đội và kỹ thuật võ trang quân đội.
Thường thường thì các nhà lãnh đạo, chủ trương thâu thập các kỹ thuật trên, đều có ý định muốn ngừng lại sau giai đoạn đó. Nhưng mà như thế là phủ nhận một định luật xã hội không làm sao tránh được: khi hai nền văn minh gặp nhau, liền tháo chốt cho một giòng sự kiện tuần tự diễn tiến theo một cơ thức nhất định. Và với tất cả nỗ lực và phương tiện có thể vận dụng được, thì ngay ở giai đoạn này, các nhà lãnh đạo, đã bắt đầu công cuộc Tây phương hóa cũng không còn có thể ngưng lại được nữa. Công cuộc Tây phương hóa sẽ thực hiện với họ hay là không có họ. Theo một cơ thức nhất định, sau lĩnh vực quân sự, làn sóng Tây phương hóa sẽ làm tràn đến lĩnh vực cơ cấu chính trị. ít khi mà lĩnh vực cơ cấu chính trị được Tây phương hóa một cách êm ái, trừ ra khi nào chính các nhà lãnh đạo đã ý thức được rõ rệt vấn đề tự ý Tây phương hóa, như ở nước Nhật. Thường thường thì sau nhiều cuộc chánh biến, các cơ cấu chính trị của chế độ cũ, nhường chỗ cho những cơ cấu chính trị theo kiểu Tây phương. Ví dụ chế độ quân chủ chuyên chế nhường chỗ cho một chế độ quân chủ lập hiến theo kiểu Anh hay một chế độ cộng hòa theo kiểu Pháp, hoặc một chế độ Tổng Thống chế theo kiểu Mỹ. Bới vì lĩnh vực chính trị là một lĩnh vực chi phối tất cả đời sống của quốc gia, cho nên sức kháng cự lại làn sóng Tây phương hóa thường mạnh nhất ở lĩnh vực này, và công cuộc Tây phương hóa cũng đẫm máu nhiều nhất ở lĩnh vực này.
Nhưng sau đó, từ lĩnh vực cơ cấu chính trị sang lĩnh vực giáo dục và sản xuất kinh tế thì công việc lại trở nên dễ dàng và như không còn gặp trở lực nữa. Bắt đầu từ đây, công cuộc Tây phương hóa lại bước sang một giai đoạn mới. Từ trước chủ trương Tây phương hóa chưa hoàn toàn thắng lợi và phải nhiều cam go lắm mới lọt vào được nội thành của xã hội bị tấn công. Nhưng từ đây, chủ trương đã chiếm được
thành rồi, sang giai đoạn mới, công cuộc Tây phương hóa toàn diện sẽ không gặp những trở lực do chủ trương thủ cựu dựng lên nữa. Sự thành tựu hay không của công cuộc Tây phương hóa, từ lúc này, chỉ còn tùy thuộc ở quan niệm một công cuộc Tây phương hóa đến mức hay không đến mức của người lãnh đạo.
Tây phương hóa sâu và rộng, hay là thất bại và sụp đổ.
Giai đoạn mới này lại còn có một đặc điểm khác. Từ trước tới đây chủ trương Tây phương hóa chỉ liên quan đến số người lãnh đạo. Chủ trương Tây phương hóa cũng họ mà chống đối cũng họ. Nhưng từ đây trở đi, vân đề Tây phương hóa, đã ngã ngũ ở trong giới của họ, mới bắt đầu lan ra đại chúng. Và cuối cùng thì sự thành công hay thất bại của công cuộc Tây phương hóa lại ở chỗ sự Tây phương hóa có thật sự lan rộng và ăn sâu đến đại chúng không? Nếu sự Tây phương hóa có lan rộng và ăn sâu đến đại chúng thì, trong một thời giai ngắn hay dài, tùy theo những biện pháp áp dụng để thực hiện công cuộc Tây phương hóa, sự Tây phương hóa sẽ ăn rễ ở quần chúng. Và ngược lại những sinh lực phát sinh từ quần chúng đã bắt đầu Tây phương hóa, lại hợp thành một hậu thuẫn vừa củng cố vừa thúc đẩy công cuộc Tây phương hóa.
Trái lại, nếu sự Tây phương hóa không lan rộng và ăn sâu đến đại chúng thì, trong một thời gian ngắn, quần chúng sẽ ly khai với nhóm người lãnh đạo, và xã hội sẽ rơi vào một tình trạng phân ly rất là nguy hiểm cho sự tiến bộ của cộng đồng. Một bên, một thiểu số Tây phương hoá, một bên, khối đại đa số vẫn sống theo các giá trị tiêu chuẩn cũ. Sự cách biệt sẽ rất trầm trọng giữa hai bên, và công việc lãnh đạo không thể thi hành được, giữa hai khối người không sử dụng cùng một lối suy tưởng và không cùng tôn trọng những giá trị tiêu chuẩn chung. Trong trường hợp đó, sự nắm chính quyền của nhóm người, đã ly khai với đại chúng, là một hiện trạng bất thường chỉ duy trì được bằng những biện pháp cảnh sát cứng rắn. Tình thế đã chín mùi cho một cuộc cách mạng. Cách mạng sẽ bùng nổ, khi nào khối quần chúng được một lãnh tụ qui tụ bằng uy tín cá nhân, hay được một đảng phái qui tụ bằng một đường lối, hay nữa, khi nào có một cuộc ngoại xâm. Xem thế chúng ta nhận thấy rõ tất cả các nguy hại nếu công cuộc Tây phương hóa thất bại trong giai đoạn này và đồng thời cũng ý thức tính cách thiết yếu của một sự thành công.
Tây phương hóa nửa chừng.
Bây giờ chúng ta trở lại các giai đoạn tiến triển của công cuộc Tây phương hóa. Những công cuộc Tây phương hóa, phân nửa thất bại, của các quốc gia ở Cận Đông giúp cho chúng ta một bản kê khai, khá đầy đủ, về sự tiến triển của công cuộc Tây phương hóa trong từng giai đoạn. Nhờ đó chúng ta được biết chắc chắn các sự kiện dưới đây.
Từ lúc chủ trương Tây phương hóa đã lọt vào thành nội cơ cấu chính trị của một quốc gia rồi, thì từ đó sự lan tràn sang lĩnh vực giáo dục và kinh tế không gặp khó khăn nữa.
Từ hai lĩnh vực này, công cuộc Tây phương hóa mới bắt đầu ăn sâu và lan rộng vào đại chúng. Ở nhiều quốc gia Cận Đông ý chí Tây phương hóa đến mức này là mãn hạn, vì sự kém khả năng huy động quần chúng của chính quyền Trung ương.
Trong trường hợp đó, công cuộc Tây phương hóa sẽ bắt đầu thất bại và sẽ mang đến những hậu quả không tốt, như chúng ta đã thấy trên kia. Cũng nhờ ở những sự thất bại, nhận thấy ở trên, mà chúng ta được biết rằng trong các lĩnh vực của đời sống quốc gia, thì lĩnh vực đời sống thông thường, mà ngày nay chúng ta quen gọi là lĩnh vực xã hội và lĩnh vực văn hóa, là hai lĩnh vực có sức kháng cự nhiều nhất đối với sự Tây phương hóa, sau lĩnh vực tín ngưỡng mà chúng ta sẽ bàn đến, một cách riêng biệt, sau này.
Sở dĩ như vậy, là vì hai lý do. Trước hết sự Tây phương hóa càng đi sâu vào những lĩnh vực liên quan đến số đông người, sức kháng cự càng mạnh, bắt nguồn ở sức thụ động của quần chúng. Lý do thứ hai là, sức kháng cự càng mạnh khi đụng đến các lĩnh vực liên quan đến những di sản tinh thần của dân tộc. Nếu hai lý do trên lại có cơ hội gặp nhau ở một lĩnh vực thì sức kháng cự lại còn mãnh liệt hơn nữa: Ví dụ như lĩnh vực tín ngưỡng và tôn giáo.
Cho đến ngày nay, chưa có một cuộc Tây phương hóa nào, kể cả hai cuộc Tây phương hóa thành công nhất của Nga Sô và của Nhật, đã vượt qua được lĩnh vực tôn giáo. Sự kiện này giải thích vì sao mà thế giới hiện nay, mặc dầu ở dưới sự chi phối hoàn toàn của kỹ thuật Tây phương, vẫn chia ra làm nhiều khu vực văn hóa và tôn giáo rõ rệt.

Phần nhận xét hiển thị trên trang