Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Bài tham luận tại Lễ tưởng niệm 100 năm sinh Vũ Trọng Phụng

Liên minh ma quỷ trí thức rởm và lưu manh – một phát hiện thiên tài của Vũ TrọngPDF.InEmail
Văn Chinh   



Trên đường đến Cống Mọc ăn giỗ nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có nói về một bước ngoặt của bản đồ chính trị thế giới sau Thế chiến 2, là các chính khách bắt đầu chú ý đến giới trí thức, vận dụng triết học của họ vào chính trường, ví dụ, sau Hiện sinh của Jean Paul Sartre, Châu Âu không đánh nhau nữa mà chung sống hòa bình và hợp tác để mỗi cư dân sống tốt có một cuộc đời duy nhất của mình.
Đó là một nhận xét rất quan trọng. Hôm ấy, do chỉ cùng ngồi xe đi một đoạn đường ngắn, tôi chưa kịp nói những ý kiến mà hôm nay xin trình bầy tại đây, như sau.
Thực ra, ngay khi lập nước, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã dựa vào nền tảng tri thức luận của các trí thức ưu tú nhất thời ấy của xứ sở. Lenine từng nói một câu bất hủ: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.” Còn ở ta thì có một thành ngữ “Không thầy đố mày làm nên” xác lập địa vị không thể thay thế của trí thức. Tuy nhiên, ở Phương Đông, người ta mới chú trọng đến mưu sĩ – mà họ gọi là quân sư trong các âm mưu tranh bá đồ vương của mình, chỉ đến thế kỷ XX, phương Đông, trong đó có Việt Nam mới bắt đầu chú ý đến giới trí thức như một kiến trúc sư thời thế. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hại lần mời 2.600 đại trí thức đến Bắc Đới Hà làm Hội nghị Diên Hồng nhằm xin ý kiến tháo gỡ bế tắc hiện tại, vạch hướng tương lai; một lần bởi ông Đặng Tiểu Bình và mới đây bởi ông Hồ Cẩm Đào. Sau Đại hội VI, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có cuộc gặp gỡ văn nghệ sỹ tại số 10 Nguyễn Cảnh Chân, số lượng ít hơn và khuôn khổ cũng chỉ xung quanh phạm vi quan hệ giữa Đảng và Văn nghệ sỹ chứ chưa phải là các sáng kiến làm cho đất nước sớm trở nên hùng cường, nhưng tiếng vang của cuộc gặp đã là rất lớn. Vâng, tôi ước mơ có một Hội nghị Bắc Đới Hà ở cả quy mô và phạm vi tương ứng, bàn luận rộng ra khắp các lĩnh vực, cố nhiên quan tâm hàng đầu của Hội nghị là xác định hệ thống lý luận kinh tế chính trị kết tinh được cả văn hóa Đại Việt lẫn tinh hoa tri thức thế giới hiện thời.
Chúng ta từng quá tin vào các trí thức ưu tú đại biểu mà không tính đến khả năng các tài năng bị quyền lực và nền hành chính làm tha hóa, làm diễn biến hòa bình sau một chặng dài nắm quyền lực của họ. Chúng ta cũng từng quá tin vào mặt phải của liên minh TRÍ THỨC – VÔ SẢN mà không tính đến sức mạnh của liên minh ma quỷ TRÍ THỨC RỞM – VÔ SẢN LƯU MANH, để cho đám âm binh này lớn nhanh như nấm độc sau mưa, như Xuân Tóc Đỏ - Văn Minh đủ thời gian áp sát liên minh chân chính, tạm gọi là Liên minh DƯƠNG và hậu quả là nó bị Liên minh ÂM làm xói mòn, lấn át.
Cố nhiên, chỉ những ai ác ý hoặc ấu trĩ mới suy luận rằng Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ (xuất bản năm 1938) để ám thị thời thế hôm nay. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều, một khi hình tượng của nhà văn trở thành chân lý nghệ thuật thì sức sống của nó sẽ văng xa vào mọi ngóc ngách đời sống, chẳng những giúp cắt nghĩa chuyện đã xa xưa mà còn giúp phòng ngừa bệnh trạng tái phát cho cả mai sau. Văn Minh – Xuân Tóc Đỏ là một ví dụ.
Văn Minh là một trí thức nửa vời, dạng như các con ông cháu cha bây giờ không đủ điểm sàn, bèn du học. Hắn chả học được gì, đã đành, vì ở Pháp người ta dạy học trò bằng tiếng Pháp mà cái “vốn tiếng Pháp Thanh Xuân một năm” thì không đủ để nghe giảng. Vậy thì Văn Minh học bằng cách bắt chước, là cái cách người Việt mình rất giỏi như TS Nguyễn Văn Huyên đã khảo sát thấy. Hắn bắt chước trò làm công nghiệp thời trang của người Tây, cả cái kiểu PR bằng truyền thông, bằng những hoạt động tài trợ sân quần vợt, tài trợ thi đấu, trưng bầy “bộ sưu tập tang lễ” dị hợm, lố bịch độc đáo trong đám tang ông nội của mình nhằm quảng bá lôi kéo thị hiếu của kẻ giầu xổi, đánh vào tính hãnh tiến rởm đời của họ v.v…Và, để kiếm tiền, hắn lao ra hoạt động xã hội thúc đẩy nhanh quá trình Âu hóa – bây giờ ta gọi à “hội nhập”, bất chấp hở hang, gợi dục cùng những hệ lụy của nó là trái với luân thường đạo lý và đi ngược lại với thị hiếu thẩm mỹ tinh tế của người Việt. Xin lưu ý, y phục tinh tế, đẹp và giản dị của Đại Việt giúp người Việt tự tin nó khác hẳn với anh nông dân dúm dó trong bộ Comples hoang mang như là kẻ đi mượn; biến ý thức độc lập tự chủ của dân Việt thành mặc cảm tự ti đồng hồ của Tây có bao giờ sai. Cũng xin lưu ý, một trong các hành vi đầu tiên của ông Đặng Tiểu Bình khi tái quyền là comples hóa, váy ngắn hóa Trung Quốc, giúp phá vỡ nhanh hệ thống bao cấp vì khi cả xã hội đã bị lôi cuốn vào thói đua nhau ăn mặc thì lập tức nó cuốn người ta vào cuộc trường chinh bất tận là đua nhau kiếm tiền; nhưng cũng nó góp phần phá vỡ nhiều gia đình, mà gia đình, về mặt triết học, đã là hạt nhân làm nên tầm vóc đế quốc Trung Hoa cổ trung đại. Hậu quả của nó, như mọi người đều biết, là chứng  “nội bế, ngoại nhiệt”- bên trong bế tắc, bên ngoài gây hấn, mất lòng ba bề bốn bên, là chứng nan y hiện chưa có thuốc chữa.
Phát hiện ra nét điển hình của trí thức rởm Văn Minh – một cái tên người có hàm nghĩa vừa dị hợm vừa ám thị, Vũ Trọng Phụng cũng nhìn ra tính chất và sức mạnh nguy hiểm của nó, của văn minh nhưng với thể tạng ốm yếu của mình – ông sẽ chết vì bệnh lao phổi một năm sau khi viết Số đỏ, ông liệu sức không thể “làm gì” nó, chỉ còn biết cười cợt nó, cảnh báo nó cho mọi người nhìn thấy. Ôi, nếu như ông còn sống đến năm 1987, thọ 75 tuổi thì Vũ Trọng Phụng thể nào cũng được mời dự cuộc gặp tại số 10 Nguyễn Cảnh Chân. Khi dự họp, nhất định ông sẽ không kêu khổ nhục, nhà văn chứ có là bố thiên hạ đâu mà không khổ nhục dưới một gầm giời khổ nhục; tôi tin chắc chắn nhà văn sẽ khuyên cần tránh cái họa compes hóa, váy ngắn hóa Việt Nam mà cần hội nhập bằng tất cả tinh thần Đại Việt ngàn năm và vĩ đại của mình. Nhưng lịch sử làm gì có nếu, thương ôi.
Trí thức rởm thì có thể liên minh với ai để tạo nên sức mạnh? Nó không thể bén mảng đến cửa nhà cụ nghè ông cử. Quan lại, những quan lại đứng đắn cũng cấm cửa loại người này. Giới thương nhân và công nghiệp đứng đắn thậm chí còn tránh Văn Minh như tránh hủi, vì nó đe dọa đến nghiệp nhà truyền thống của họ. Vậy thì hắn chỉ có thể liên minh với gã ma cà bông vô nghệ nghiệp là Xuân Tóc Đỏ - một gã vô sản lưu manh. Vũ Trọng Phụng tả gã: Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ thuở bé, ở với bác bị bác đuổi vì thói xấu vô đạo đức và Xuân trở thành kẻ lang thang bụi đời: "Thằng Xuân lấy đầu hè, xó cửa làm nhà, lấy sấu ở các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát. Bán cao đơn hoàn tán trên xe lửa, và vài ba nghề tiêu xảo khác nữa. ánh nắng mặt trời làm tóc nó đỏ như tóc Tây. Cảnh ngộ đó tạo nó  nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục tuy nó tinh quái lắm, thạo đời lắm." Từng làm nhiều nghề, mỗi nghề lại mang đến cho gã môi trường sống mới, giúp phát triển tính cách và thủ đoạn sống mới như khi gã kiếm sống bằng nhặt banh ở sân quần vợt thì gã đã đặt được một chân vào cửa giới thượng lưu; nhưng Xuân có những mặt ổn định không hề thay đổi, đó là bản chất vô giáo dục, vô văn hóa. Còn chính Xuân thì miêu tả về mình một cách thủ đoạn, có khi chân thành như một thách thức: "Tôi thì danh giá quái gì. Hạ lưu. Ma cà bông. Nhặt banh quần. Không đứng đắn." có khi lại tỏ ra kiêu ngạo, hợm hĩnh một cách lố bịch. "Xuân Tóc Đỏ càng kiêu ngạo làm bộ làm tịch bao nhiêu thì lại được thiên hạ càng kính trọng bấy nhiêu!" Đó là các chiêu thức gã học được từ xã hội thượng lưu, có thể nói gọn, Xuân Tóc Đỏ quyết chí bầy ra hình ảnh siêu nhân của gã trước nhân quần, bằng tất cả mánh lới gã học được từ hầu khắp các môi trường sống của mình, từ hạ lưu đến thượng lưu, đặc biệt là giới thượng lưu rởm, trong đó có bà Phó Đoan và Văn Minh.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng viết về cuộc gặp giữa Văn Minh và Xuân qua môi giới việc làm của bà Phó Đoan. Đối với bà, là một cách quẳng đi chưa dứt khoát cái thằng người mà bà muốn nó không đứng đắn thì nó lại cứ đứng đắn, còn với Văn Minh, đây có vẻ như vô tình ngẫu nhiên, nhưng tài năng bộc lộ chính ở chỗ cứ như là ngẫu nhiên mà thực ra lại là tất yếu. Một xã hội phát triển, một công ty đang mở mang phát triển bao giờ cũng thiếu nhân công, cửa hàng Âu hóa của ông bà Văn Minh cũng thế và trong tình thế ấy, chẳng sớm thì muộn, hắn sẽ gặp những người như Xuân, không cần trí thức lắm, vì hắn kỵ trí thức, chỉ cần có vẻ trí thức là được rồi; Xuân lại quen thuộc cả hai thế giới thượng lưu và hạ lưu, đi về giữa hai chỗ này như ra vào nhà mình. Không ai thích hợp hơn Xuân Tóc Đỏ trong ý đồ mở mang phát triển hiệu may Âu hóa của Văn Minh. Nói một cách khác, liên minh giữa trí thức rởm với vô sản lưu manh là một tất yếu lịch sử trên tiến trình văn minh một xã hội. Hiện chúng ta có rất nhiều ví dụ sống về những kẻ như Xuân Tóc Đỏ và Văn Minh, nó như minh chứng sống về sự sống lâu bền của tác phẩm văn học mà, nói như Nguyễn Khải, “.Số đỏ’ là cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học."
Từ đây, cặp đôi Văn Minh Xuân Tóc Đỏ như hình với bóng, kẻ này tung, người kia hứng và ngược lại. Điều thú vị là tình huống phát triển truyện cũng là tình huống phát triển tính cách và mặc dù với giọng điệu phúng dụ cười cợt nhưng tác giả lại cực kỳ hiện thực trong khai triển tâm lý. Xuân từng nhặt banh quần thì, với sở trường trèo me hái sấu, gã nhanh chóng học lỏm mà biết chơi quần vợt; với kinh nghiệm bán thuốc lậu trên tầu điện ngoài bến xe, gã biết vài chiêu về y lý. Văn Minh liền mưu toan biến cái “sở trường”của liên minh thành sức mạnh, trước hết nhằm xây dựng hình ảnh trang trí cho liên minh do mình làm thủ lĩnh. Hắn giới thiệu Xuân nguyên sinh viên trường thuốc rồi khi xuất hiện tình huống ông nội ốm, hắn liền cho Xuân chữa bệnh dù biết chắc Xuân sẽ cho ông nội mình uống “nước cống” âu cũng là một cách kinh doanh. Nếu không khỏi, chắc Văn Minh sẽ có nhiều bài bào chữa, nói thí dụ, “chữa được bệnh chứ ai chữa được mệnh” và nếu khả năng này xẩy ra, Văn Minh sẽ ngư ông đắc lợi về món tài sản thừa kế. Nhưng may, Xuân là gã luôn luôn gặp may, thì số đỏ mà lại. Vậy là danh xưng Xuân – nguyên sinh viên trường thuốc trở thành quan Đốc. Với khả năng quần vợt của Xuân, hắn bơm thổi, hắn “đầu tư” bằng mánh lới để Xuân trở thành vô địch quần vợt. Và cao trào của tiểu thuyết đã được viết thật tuyệt vời bằng trường đoạn Xuân “chịu thua”nhà vô địch Xiêm La để tránh họa chiến tranh, gã trở thành người anh hùng cứu nước. Đây là một trường đoạn hấp dẫn bất ngờ vào bậc nhất, đến các đạo diễn Hollywood cũng phải ghen tị dù nó bộc lộ đầy khiếm khuyết ba via. Ở đây có sự tráo trở của phương pháp, cái ba via bịa đặt lại trở thành yếu tố nhấn đậm sự vô lối, sự lố bịch và kệch cỡm của một xã hội nhố nhăng như nước suối trong vừa hòa vào dòng sông ô nhiễm bởi cặn bã văn minh, lại tạo cho trận thi đấu quần vợt một không khí thời đại. Cho đến khi cổ động viên hô lớn "Xuân Tóc Đỏ vạn tuế, sự đại bại vạn tuế” thì tôi ngờ rằng đến chính Lỗ Tấn cũng phải giật mình.
Nhưng sức sáng tạo của người mà chỉ một năm sau nhà văn Nguyễn Tuân đã phải viết “Một đêm họp đưa ma Phụng” còn dồi dào, như nham thạch trào sôi từ núi lửa. Không thể không kinh hoàng khi ông hạ bút viết về cái vẫy tay của Xuân Tóc Đỏ chào quần chúng hâm mộ gã. Ông viết về cái chiến thắng thật của thói hãnh tiến  rởm, về cái chiến thắng thật của một liên minh ma quỷ giữa trí thức rởm và vô sản lưu manh thật tài tình và thật lắm dư ba. Dư ba đến mức, nó cho phép chúng ta liên tưởng đến cái vẫy tay chào thế kỷ của những kẻ lưu manh nhưng lại được chính nhân quần vồ vập đón chào.
 

Sách mới

 Hiện tượng luận về văn học


Nhà phê bình văn học trẻ Ngô Hương Giang hiện đang công tác tại Viện Triết học, vừa xuất bản công trình “Hiện tượng luận về văn học”.  Phê bình văn học trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần Dẫn nhập của cuốn sách này.

Hien tuong luan Ngo Huong Giang Sách mới: Hiện tượng luận về văn học (tác giả Ngô Hương Giang)
Tên sách: Hiện tượng luận về văn học
Tác giả: Ngô Hương Giang
Khổ sách:  14 x 20,5 cm
Số trang:  282 trang
Trình bày bìa: Nguyễn Anh Vũ
Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết với NXB Hội nhà văn, 2013
*
Dẫn nhập
Có lẽ chưa một khoa học nào lại có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng thế giới thế kỷ XX và XXI như Hiện tượng luậnHiện tượng luận, như ông tổ của nó, Edmund Husserl đã chỉ ra, trước hết, nó là một môn học về bản chất các hiện tượng; và lập trường của nó kêu gọi chủ thể tính bằng phương pháp truy nguyên bản chất hãy quay về với chính sự vật. Trải qua những phê phán và không ngừng phê phán, Hiện tượng luận đã phát triển và hoàn thiện lập thuyết của Husserl, với nhiều nhánh khác nhau, mà mỗi nhánh ấy đều có ảnh hưởng nhất định tới các lý thuyết văn học “đình đám” trong 2 thế kỷ này.
Hiện tượng luận thông diễn của M. Heidegger (Hermeneutical Phenomenology) đã đặt nền cho lý thuyết thông diễn học trong văn học, với sự góp mặt của nhiều tên tuổi vĩ đại như H. Gadamer, D. Hirsch, Paul De Man, P. Ricoeur, đặc biệt là sự mở ra với thuyết Giải cấu trúc (Deconstruction) với các tên tuổi như J. Dérrida, M. Foucault, J. Habermas… Hiện tượng học tri giác của Maurice Merleau Ponty  từ khi ra đời đã nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trong các khoa học nhân văn, đặc biệt là lý thuyết tiếp nhận trong văn học, ở phương pháp phê bình ấn tượng, phê bình trực giác. Những phương pháp này có sức ám ảnh lớn tới phê bình h(ậu)iện đại, mà chúng ta sẽ thấy sau này. Ở Việt Nam, trước 1975, việc tiếp nhận Hiện tượng luận chủ yếu từ Hiện tượng luận tri giác của Merleau Ponty, mà trong phần lịch sử vấn đề, chúng tôi sẽ nói rõ hơn. Hiện tượng luận hiện sinh như là sự phát triển trực tiếp trên nền tảng Hiện tượng luận tiên nghiệm của E. Husserl, có tác động trực tiếp tới lý thuyết văn học hiện sinh, lý thuyết cơ cấu luận tinh thần với các tên tuổi lớn như J. Sartre, K. Jasper, G. Marcel, J. Lancan, J. Piaget…
Sự kết hợp giữa hiện tượng luận với chủ nghĩa Marx của các triết gia lớn như L. Althusser, K. Popper và đặc biệt là Trần Đức Thảo có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tư tưởng châu Âu. Xây dựng trên nền của khoa Hiện tượng luận, P. Ricoeur đã thấy ở luận lý nơi Husserl những giới hạn cần bổ sung, đặc biệt là phép phân tích ngôn ngữ như là trung giới giữa chủ thể ý hướng tính và đối tượng mà ông kế thừa từ Hiện tượng luận thông diễn của Heidegger, đã xây dựng nên thuyết Thông diễn hiện tượng luận (Phenomenological Hermeneutics) (hay còn gọi là thông diễn học chiết trung). Trong đó, việc khai sinh vĩ đại của tư tưởng, tạo đà cho sự hiện diện chủ nghĩa Hậu hiện đại những năm 60 của thế kỷ XX, có thể xem là đóng góp lớn nhất trong lịch sử tư tưởng của Hiện tượng luận. Những lý thuyết gia kỳ cựu của Hậu hiện đại đều là những học trò ưu tú của mái trường Hiện tượng luận được khởi ra từ Husserl. F. Lyotard trước khi là vị chủ thuyết của Hậu hiện đại đã từng là người phổ biến Hiện tượng luận vào các khoa học nhân văn như thể lời “rào trước đón sau” cho sự xuất hiện của lý luận Hậu hiện đại. J. Dérrida, trước khi viết cuốn Writings and Difference đã là môn đồ xuất sắc của Hiện tượng luận qua cuốn Speech and Phenomena, Of spirit: Heidegger and the question… J. Habermas trước khi là nhà lý thuyết Hậu hiện đại từng là người ra sức khẳng định Hiện tượng luận tiên nghiệm của Husserl, chúng ta có thể thấy qua cuốn sách có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng Hậu hiện đại nơi Habermas của Tom Rockmore:  Habermas on Historical Materialism (Studies in Phenomenology and Existential Philosophy). Các tác giả như R. Rorty, M. Foucault, J. Culler đều là những nhà nghiên cứu về Hiện tượng luận, bằng lối phân tích ngôn ngữ sử tính của Heidegger và lý thuyết tín hiệu của Husserl… Chỉ chừng đó thôi, chúng ta đã thấy sự ảnh hưởng lan rộng mạnh mẽ của Hiện tượng luận như thế nào.
Với lời đề dẫn vào căn bản Hiện tượng luận (Introduction to phenomenological basic) ở trên, chúng ta phần nào thấy được tính cấp thiết của đề tài. Vì vậy, nghiên cứu Hiện tượng luận về văn học, chúng tôi làm công việc kép của nhà nghiên cứu, giới thiệu những vấn đề căn cốt của Hiện tượng luận ở vai trò triết học, đồng thời hướng cái nhìn cụ thể ấy vào một hiện tượng cụ thể trong thế giới hiện tượng là: Văn học. Do đó, đề án này không phải là sự ứng dụng lý thuyết Hiện tượng luận vào văn học, đúng hơn là, nuôi tham vọng phát triển một nhánh độc lập Hiện tượng luận về văn học trong hệ thống Hiện tượng luận. Như vậy, đây không chỉ đơn thuần là công trình lý luận văn học, mà, nó còn là triết luận văn học trong tinh thần Hiện tượng luận, điều này sẽ giúp chúng ta tránh khỏi sự nhập nhằng trong quan điểm cũng như vướng víu vào sự độc đoán của lý thuyết, điều mà đương thời, Husserl ra sức phản đối. Hiện tượng luận về văn học sẽ đem đến cách nhìn đúng đắn về bản chất của khoa học nhân văn và lý thuyết văn học, nó tiếp nhận bình đẳng các quan niệm, các ý kiến trái chiều trong diễn giải.
Có thể khẳng định ngay rằng, đến thời điểm này, ở Việt Nam chưa có chuyên luận nào viết về Hiện tượng luận trong văn học. Các nhà nghiên cứu Hiện tượng luận ở Việt Nam, hoặc diễn giải thuần lý thuyết triết học, hoặc chỉ giới thuyết Hiện tượng luận như một phương pháp phê bình trong văn học, hoặc chỉ là những bài phê bình có tính ứng dụng lý thuyết Hiện tượng luận vào một vấn đề, một tác phẩm văn học cụ thể.
Việc tiếp nhận lý thuyết Hiện tượng luận trong vai trò triết học ở Việt Nam cũng không thực sự phổ biến. Ngoài tác phẩm lập thuyết kinh điển của Trần Đức Thảo có tên Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng, đến nay chúng ta cũng chỉ có ba chuyên luận khảo về Hiện tượng luận với vai trò là triết học, một cách chính thống (tức được in ấn và công bố). Hai tác phẩm xuất bản trước 1975 và một tác phẩm xuất bản năm 2011, ngoài ra còn có các chuyên khảo đăng tải trên mạng Inernet của Trần Văn Đoàn có tên Thông diễn học và khoa học nhân văn, trong đó, ông dành 2 chương để bàn về Hiện tượng luận.
Như chúng tôi đã chỉ ra, Trần Đức Thảo là người duy nhất ở Việt Nam đã sáng lập (chúng tôi nhấn mạnh) Hiện tượng luận duy vật ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX. Trong công trình Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng, Trần Đức Thảo đã kéo Hiện tượng luận từ Husserl đến gần với chủ nghĩa Marx, tác phẩm chứng tỏ ông đã đọc và nghiên cứu rất kỹ về những truy luận của Husserl. Tuy nhiên, với việc quá ép mình vào chủ nghĩa Duy vật, nên Trần Đức Thảo đã hiểu chưa đúng phần nào đó Husserl, đặc biệt là trong diễn giải về Subjectivity. Hơn nữa, đúng như lời tự thuật của Trần Đức Thảo, ông chưa từng đọc cuốn Cartesian meditations ( Những suy niệm trong tinh thần Descartes)nên ông đã xem hoạt động hướng về thực tiễn của chủ thể là hành vi thuần tâm lý mang tính chủ quan, trong khi đó, chính Husserl đã phê phán điều này ở Descartes, và phát triển cái Tôi suy tưởng của ông lên mức cao hơn của Tôi-tiên nghiệm, đạt tới cảnh giới cao nhất trong việc thông hiểu bản chất hiện tượng.
Trước 1975, ở miền nam Việt Nam có hai công trình biên khảo về triết học Hiện tượng luận, một của Trần Thái Đỉnh và một của Lê Thành Trị, tuy nhiên như đã nói, hai công trình này chỉ mang tính chất diễn giải, dọn chỗ cho sự dẫn nhập chứ chưa thực sự là một công trình nghiên cứu đúng nghĩa. Trần Thái Đỉnh với cuốn Hiện tượng học là gì? (Hướng Mới xuất bản 1968) là sự diễn giải 16 trang dẫn nhập cuốn Phenomenology of Perception (Hiện tượng luận về Tri giác) của Maurice Merleau Ponty, trong đó nhấn mạnh chủ yếu vào lập trường Hiện tượng học cùng những quan điểm của nó. Lê Thành Trị với Hiện tượng luận về hiện sinh là một công trình biên khảo về Chủ nghĩa hiện sinh nhưng dưới góc nhìn Hiện tượng luận, chứ không phải là công trình thuần biên khảo về Hiện tượng luận.
Năm 2011, NXB Chính trị quốc gia có cho ấn hành chuyên khảo của Nguyễn Trọng Nghĩa về Hiện tượng luận mang tên Hiện tượng học của Edmund Husserl và sự hiện diện của nó ở Việt Nam. Theo tôi, đây là công trình diễn giải lại 2 cuốn sách chính của Husserl là Ideas và Logical Investigations, cùng cuốn của Trần Đức Thảo, cho nên việc hiểu sai Husserl là điều không tránh khỏi. Đóng góp lớn nhất của cuốn biên khảo này là giới thiệu một cách dễ hiểu những vấn đề căn cốt của Hiện tượng luận tiên nghiệm mà Husserl đã tạo dựng và gây ảnh hưởng suốt hai thế kỷ XX – XXI.
Ngoài 3 công trình trên, cuốn biên khảo triết học có “tính cách” Hiện tượng luận, mà đúng hơn là tác phẩm phê phán tư tưởng Sartre nhìn từ Heidegger của Tam Ích có tên Sartre và Heidegger trên thảm xanh (Hồng Đức xuất bản 1969) có thể xem là cuốn sách đáng đọc. Tam Ích, người đã ướm bàn chân triết văn của mình vào bên trong dấu chân của Sartre, cho nên, cuộc đời ý thức ý hướng nơi ông cũng giống Sartre – “Anh hùng nạn nhân của ý thức khốn khổ” (André Niel). Song, chính Sartre và Heidegger trên thảm xanh đã “định luận” giá trị nơi con người ông, đặt ông vào thảm xanh của triết lý, tư tưởng và văn học. Tác phẩm là văn bản phê phán tư tưởng Sartre, đặc biệt là tinh thần nệ Pour Soi của ông. Tác giả cuốn sách đã đặt Sartre bên cạnh Heidegger, mà đúng hơn là đặt cái Être của Sartre bên cạnh cái Sein của Heidegger, đặt bản thể luận Pour Soi của Sartre bên cạnh Dasein của Heidegger. Từ đó để thấy, hành trình ý thức nơi Sartre là hành trình của “những thất bại”, hành trình của những đuổi bám phi giới hạn, của ý thức vượt thoát. Ý thức đó nơi Sartre luôn vượt thoát khỏi Sartre, nhưng cũng chính nó đẩy Sartre vào bi kịch của ý thức tự quy. Đặt Sartre bên cạnh Heidegger, với Tam Ích là một “ý đồ” rất rõ ràng. Tuy cùng trên thảm xanh của triết lý sự sống, nhưng người dắt bóng triết học lên tấm thảm vinh quang ấy chính là Heidegger, mà nói đúng ra, Heidegger đã “ẵm bế” “dẫn dắt” tư tưởng của Sartre lên thảm xanh. Cái bóng vinh quang của triết học thảm xanh ấy đổ từ trên đỉnh đầu Heidegger xuống bàn chân “giao động” nơi Sartre. “Vụ án” triết học Heidegger chính là phần Tam Ích dùng để “soạn diễn từ tưởng niệm” số phận “triết lý” Heidegger, chính thức quàng lên “vai” người khổng lồ về tri thức ấy vòng nguyện quế được đan cài từ muôn “lời vàng tiếng ngọc”. Đó là tác phẩm lớn đáng đọc nhất của Tam Ích.
Ngoài công trình lớn của Tam Ích, có thể kể đến một số tác giả, tác phẩm biên khảo triết học có “tính cách” Hiện tượng luận như Trần Thái Đỉnh với Triết học hiện sinh (Thời Mới in năm 1967)Lê Tôn Nghiêm với Đâu là căn nguyên tư tưởng? hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger (Trình Bày ấn hành năm 1970), Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương (Lá Bối ấn hành năm 1970), Những vấn đề triết học hiện đại (Ra Khơi ấn hành năm 1971),Nghiêm Xuân Hồng với Đi tìm một căn bản tư tưởng (Giao Điểm  ấn hành năm 1967), Nguyên tử hiên sinh và hư vô(Hoàng Đông Phương ấn hành năm 1969), Ngô Trọng Anh với Đường trở về (Ca Dao  ấn hành năm 1973), đặc biệt là Phạm Công Thiện với Im lặng hố thẳm (An Tiêm ấn hành năm 1967), Ý thức bùng vỡ (Đồng Nai ấn hành năm 1971), Hố Thẳm tư tưởng (Phạm Hoàng ấn hành năm 1970)…
Hiện tượng luận trong triết học ở Việt Nam còn được các tác giả nghiên cứu bàn luận trong các số của Tập san Tư tưởng, do Viện Đại học Vạn Hạnh ấn hành suốt từ 1968 trở đi, đặc biệt là trong các số 1, 2, 3, 6 với các tác giả như: Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Ngô Trọng Anh, Phạm Công Thiện, Trần Công Tiến…Tuy Hiện tượng luận đã xuất hiện khá sớm ở Việt Nam, nhưng sự hiện diện của nó chưa đủ và chưa có hệ thống cho một sự hiểu xuyên suốt. Ngoài ra, trong một số sách giới thiệu các tư tưởng hiện đại, Hiện tượng luận được đề cập cũng chỉ với tính chất dẫn nhập như Nguyễn Hào Hải với Một số học thuyết triết học phương Tây hiện đại, Phạm Minh Lăng với Mấy trào lưu triết học phương Tây …
Trong văn học, Hiện tượng luận xuất hiện chủ yếu ở lĩnh vực phê bình, khảo cứu với vai trò một phương pháp.
Trước 1975, Lê Tuyên được xem là người “nổ phát súng” tiên phong cho phương pháp phê bình Hiện tượng luận trong văn học. Qua hai công trình Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày (do Đại học Huế ấn hành 1961) và Nguyễn Bỉnh Khiêm và thảm trạng trí thức trong thân phận làm người, Lê Tuyên đã đặt nền tảng cho phê bình hiện tượng luận văn học ở Việt Nam, qua cái nhìn mơ mộng được phóng xuất ý hướng tính về đối tượng. TrongChinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày, qua “cái nhìn về cuộc đời”, “cái nhìn vào số phận” với “không gian và hiện hữu lưu đày” “không gian mơ về từ mộng”, “không gian và hiện thực li bôi”, “không gian và chủ thể yêu thương”, Lê Tuyên giải mã nguyên nhân tấm thảm trạng bi kịch lưu đầy trong tâm thức của người Chinh Phụ. Nàng đã ném cái nhìn định kiến chủ quan về phía người chồng đang biền biệt chốn biên cương. Bi kịch của nàng là bi kịch của cấp nghĩa và cho nghĩa, nhưng không phải bằng quá trình hoàn nguyên tiên nghiệm sau khi đã quy giản bản thân, mà là cái nhìn phóng chiếu theo sự mơ vềhình ảnh của người chồng sẽ trở về trong tâm thế “mũ mão cân đai đề huề”.
Nàng đã đem cái nhìn mơ mộng về sự xuất hiện của người chồng lý tưởng nhằm hướng tới, phóng xuất về phía hình ảnh người chồng đang biệt xứ. Đến khi nhận ra sự thực, chính người chồng lí tưởng ấy đã “bóp méo” ý thức tiên nghiệm mà nàng hướng về chồng mình. Chính khát vọng cuộc sống hạnh phúc đã trở thành “thiết chế thông tin” vây hãm, lấn át, che mờ con người thực, con người hoàn nguyên hiện tượng luận nơi nàng. Khi nhận ra thì mọi sự đã rồi, người ra đi kẻ ở lại, ánh trăng trên đầu không soi tỏ nỗi lòng se thắt, quặn đau của tâm thức lưu đầy tuyệt vọng ấy. Trong số những cuốn phê bình về Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, đây là cuốn đáng đọc nhất. Từng lời, từng chữ như phóng chiếu, xuất thể những tinh anh và tâm thức mơ mộng. Chủ thể tính muốn vượt thoát hoàn cảnh, nhưng đời không cho vượt thoát, quy hồi nội giới để ẩn mình, sống trong cảnh lưu vong tinh thần. Người Chinh Phụ, cũng như tác giả của cuốn Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày nhiều lúc đã vượt biên tinh thần để trốn thoát đau khổ, nhưng vượt qua lằn ranh tinh thần này thì lại vướng vào sự tuyệt vọng của lằn ranh tinh thần khác. Cả đời chỉ đuổi bắt những mộng mơ cô độc không dứt.
Các tác giả như Nguyên Sa, Nguyễn Văn Trung, Đặng Phùng Quân, Huỳnh Phan Anh là những nhà văn kiêm nhà phê bình nhà nghiên cứu triết học, đã đưa Hiện tượng luận vào văn học trong vai trò lược khảo, nhận định, dẫn nhập những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống văn học, cần phải khai thác. Nguyên Sa (Trần Bích Lan) trong cuốn Quan điểm văn học và triết học đã dành hai mục lớn ở phần 1 đểgiới thiệu về Hiện tượng luận trong sáng tạo và phê bình văn học. Nguyễn Văn Trung đã cụ thể hoá Hiện tượng luận tri giác của Merleau Ponty trong bộ đôi quan trọng của ông là Ngôn ngữ và Thân xác, Ca tụng thân xác. Ngoài ra, Nguyễn Văn Trung cũng bàn rải rác trong bộ Nhận Định 6 tập của ông (đặc biệt là trong các tập I, II, III và VI). Đặng Phùng Quân thì dành hai phần lớn trong ba phần của cuốn sách Triết học và văn chương để chỉ bàn về văn học dưới cái nhìn Hiện tượng luận của Merleau Ponty như các mục “Văn tự và siêu hình học”, “Đọc/ Viết”, “Bản văn”, “Ngợi ca viết”…Huỳnh Phan Anh trong Đi tìm tác phẩm văn chương dành hẳn một phần lớn, quan trọng để bàn về cái nhìn Hiện tượng luận trong văn học, với các mục “Hành trình tác phẩm”, “Ám ảnh của tác phẩm”, “Phê bình và chống phê bình”…Và, còn nhiều tác giả khác bàn luận trong các tạp chí đặc chuyên về văn học.
Sau 1975, Việc giới thiệu hiện tượng luận trong văn học không phổ biến, nó chỉ nằm trong các sách biên khảo về lý thuyết văn học có tính chất phác thảo, giới thuyết chứ không chuyên sâu. Phương Lựu trong cuốn Mười trường phái phê bình văn họcphương Tây đương đại đã dành một mục để giới thuyết về Hiện tượng luận từ triết học tới mỹ học và phê bình văn học. Phạm Văn Sĩ trong Về tư tưởng và Văn học phương Tây hiện đại cũng đã để một mục bàn về Hiện tượng luận của Husserl, khi tác giả nhấn mạnh tới thân phận con người trong văn học. Đặc biệt, trong cuốn Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa, Đỗ Đức Hiểu dành một phần lớn để phê phán hiện tượng luận của Husserl và Sartre. Có thể nói, phần I của cuốn sách là sự thất bại của Đỗ Đức Hiểu khi đánh giá về các tư tưởng Hiện sinh và Hiện tượng luận, cuốn sách do vậy đã suy sút nhiều so với ý tưởng ban đầu của nó.
Từ năm 2000 trở lại đây, các công trình nghiên cứu lý thuyết của Husserl trong văn học cũng không phổ biến. Trong đó, có thể nói công trình Tác phẩm văn học như là quá trình của Trương Đăng Dung là chuyên luận “hiếm” trong nền/hệ thống lý luận văn học ở Việt Nam. Được đào tạo bài bản trong tinh thần hiện tượng luận ở phương Tây, lại trực tiếp nghiên cứu chuyên sâu, Trương Đăng Dung có những đánh giá hợp lý về bản chất văn học cũng như những giới hạn của nó. Văn học giờ đây không phải/ không nên là tấm gương tự nhiên, mà làtấm gương của thế giới tinh thần, phản ánh trung thực thế giới ý niệm mà chủ thể thẩm mỹ có được khi hướng về đối tượng. Thành công của công trình là điều cần ghi nhận.
Ở đây, chúng tôi không đề cập đến những ấn bản dịch, vì nó thuộc về vấn đề tiếp nhận chứ không phải nghiên cứu. Thậm chí, ngay cả dịch phẩm thì các tác phẩm bàn về Hiện tượng luận cũng không xuất bản nhiều ở Việt Nam. Trước 1975, có hai tác phẩm nghiên cứu về hiện tượng học được dịch ở Việt Nam làHiện tượng học áp dụng vào các khoa học nhân văn của J. Lyotard và Hiện tượng học là gì? của P. Thevenaz, cùng tác phẩm kinh điển của M. HeideggerHữu thể và Thời gian do nhà Quê Hương ấn hành. Trong số những dịch phẩm, thì cuốn Hiện tượng học và cuộc khủng hoàng triết lý của Edmund Husserl được nhà Ca Dao dự định cho ấn hành, nhưng sau vì lí do nào đó, nó bị đình bản.
Nghiên cứu Hiện tượng luận về văn học, chúng tôi đặt giới hạn nhận thức của mình ở những vấn đề của Hiện tượng luận, trải dài từ triết học tới mỹ học, từ Husserl, Heidegger, Ponty, Sartre, Trần Đức Thảo, Ricoeur tới Gadamer, Jauss, Ise, Ingarden trong chương 1 của công trình.Từ điểm đứng Hiện tượng luận trong triết học, chúng tôi luận giải nó vào hiện tượng cụ thể là văn học, với ba phạm vi nghiên cứu lớn là: tác giả, ngôn ngữ và nhà phê bình/người đọc ở chương 2, 3 và 4 của công trình.
Theo đó, Hiện tượng luận về văn học bao gồm bốn chương:

Chương 1. Hiện tượng luận và Hiện tượng luận về văn học
Trong phần này, chúng tôi phác thảo tiểu lược đồ về sự hình thành, phát triển và đỉnh cao của Hiện tượng luận, từ người sáng lập Edmund Husserl với Hiện tượng luận tiên nghiệm (Transcendental Phenomenology), qua Hiện tượng luận thông diễn (Hermeneutical Phenomenology) của Martin Heidegger, rẽ ngoặt cùng Maurice Merleau Ponty với Hiện tượng luận về tri giác (Phenomenology of Perception), rồi trở lại Hiện tượng luận hiện sinh (Existential Phenomenology) của Jean Paul Sartre, bên cạnh Hiện tượng luận truyền thống (Traditional Phenomenology) với những “gã khổng lồ” về tri thức như G. W. F. Hégel, I. Kant, R. Descartes. Đồng thời, với chương này, chúng tôi hướng tới xác lập lập trường Hiện tượng luận và mối quan hệ mật thiết của nó với văn học trên các bình diện khác nhau của nhận thức luận.

Chương 2. Bản thể luận của tác phẩm văn học
Với việc xem tri giác như là bản thể luận của tác phẩm văn học, chúng tôi đi tìm căn nguyên hình thành ý niệm ấy. Từ việc xem tri giác như là trung giới của chủ thể tính (Subjectivity) và đối tượng tính (Objectivity), trung giới trong quan niệm của Heidegger về cái thực thể lưỡng diện (Entité bi- face) Dasein. Chương này, đồng thời hướng tới khẳng định bản thể của hoạt động Hiểu và sáng tạo văn học là tri giác. Với việc đặt lại các vấn đề then chốt trong diễn giải và kiến lập thế giới trên văn bản, chúng tôi cùng lúc làm công việc phê phán tư tưởng Sartre, khi ông xem Pour Soi như là căn bản nhận thức của sáng tạo thế giới bằng ý thức ý hướng tính. Vấn đề bản chất ngôn ngữ cũng được đặt ra trong chương này. Từ việc xem bản chất ngôn ngữ như là sự “lừa dối” đối với ý thức ý hướng tính (Intelligibilité), chúng tôi đặt ngôn ngữ trong lòng của biểu tượng, để thấy, chủ thể đọc và chủ thể viết chỉ thực sự lập thức khi họ có được tự do trong việc lựa chọn biểu tượng và xác lập khái niệm. Yếu tố quy định chủ thể tính có được quyền tự do lựa chọn biểu tượng cũng như xác lập khái niệm chính là tri giác và không đi ra ngoài tri giác tính.

Chương 3. Giảm trừ hiện tượng luận văn học
Giảm trừ hiện tượng luận văn học là chương quan trọng nhất. Từ việc đi tìm lý luận sơ khởi để chứng minh nền tảng của sự Hiểu và sáng tạo nằm ở tri giác tính, chúng tôi mở truy vấn tới vấn đề: Làm thế nào, thông qua tri giác, chủ thể tính có thể trở về chính sự vật/ đối tượng như lập trường Hiện tượng luận xác lập? Câu trả lời cho truy vấn ấy đã có ở chương này. Chỉ bằng và thông qua con đường giảm trừ/quy hồi/quy giản hiện tượng luận, chủ thể tính có thể trở về với sự vẫy gọi, chào đón từ phía đối tượng sau khi đã vượt qua tri giác tiên nghiệm về nó. Sáng tạo đi ra từ đây! Và lập thức cũng đi ra từ đây! Sự muôn màu muôn vẻ, sự tiến bộ của tri thức, sự thông tuệ, lóe chiếu của tư tưởng văn học cũng đi ra từ đây. Tất cả những vấn đề ấy được gói gọn trong định đề triết học nổi tiếng của Edmund Husserl: “Hãy trở về với chính sự vật”.

Chương 4: Vấn đề chân lí trong văn học
Với việc cung cấp một tiểu lược đồ về bản chất của diễn giải văn học, chương này nhằm hướng đến một khoa hiện tượng luận thông diễn về văn học. Trong đó, với việc xem chủ thể tính như là căn nguyên của sự sáng tạo và phá hủy “thế giới”, tạo đà cho sự phát triển một nền văn học khai phóng, ôm trọn quá trình sáng tạo và thẩm định/ phê bình văn học. Qua “khảo cổ học về tư tưởng” và “trật tự tri thức”, những phê phán về tư tưởng triết học cũng như văn học, được thực hiện cùng lúc, phác họa tương đối đầy đủ diện mạo lý thuyết triết – văn kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến hết kỷ 20, mở ra hướng nghiên cứu mở cho phân môn Triết học văn chương mà chúng tôi dự định sẽ triển khai trong các công trình kế tiếp.

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

TƯ LIỆU

Vài ghi nhận về văn học hải ngoại năm 201


 
Nguyễn Mạnh Trinh
Vào dịp đầu xuân, thử nhìn về một năm sách báo đã qua ở hải ngoại. Bài viết dưới đây dựa vào một số tác phẩm mà chúng tôi có được trong tay. Xin nêu ra một vài ghi nhận. 

Vài nhà xuất bản…

Trước hết xin nói về một số nhà xuất bản. Như nhà xuất bản Văn Mới với Nguyễn Khoa Kha, Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư hay Tiếng Quê Hương của Uyên Thao...

Văn Mới là một nhà xuất bản đã đóng góp rất nhiều tác phẩm cho văn học Việt Nam ở hải ngoại. Trả lời câu hỏi tại sao lại có sự trì trệ trong ngành xuất bản, Nguyễn Khoa Kha cho biết: “Những thập niên trước, khi người Việt bắt đầu lưu lạc ra hải ngoại, sách báo không có nhiều. Chúng ta rất trân quý những cuốn sách được mang theo và rồi những cuốn sách của văn học miền Nam trước 1975 được in lại và phát hành... Nhưng những năm về sau, thời giờ rảnh rỗi ít hơn mà phim chưởng, video ca nhạc cũng như chương trình trên TV đã chiếm nhiều thời giờ của người đọc sách. Những thế hệ sau, trẻ hơn nên tiếng Việt không nhuần để đọc và đời sống hội nhập với dòng chính nên bận rộn với chuyện học hành, công việc, ở nhà thì truyền hình, iPhone, iPad… nên thời giờ đọc sách Việt ngữ gần như không có.

“Một sự kiện nữa là sách vở, báo chí ở trong nước được đem bầy bán ở các tiệm sách chiếm cả nửa tổng số rồi. Sách ở trong nước có nhiều điều kiện thuận lợi để in ấn, lại vừa hấp dẫn vừa rẻ. Những chủ nhân tiệm sách nắm được thị hiếu ấy nên chú trọng nhiều đến việc bầy bán các văn hóa phẩm từ trong nước. Mặc dù hiện chúng ta có rất nhiều trung tâm dạy Việt ngữ đủ mọi trình độ ở các trường học, chùa chiền, nhà thờ. Con em chúng ta phải nói tiếng Việt giỏi để thành một tiềm năng cho chúng ta hy vọng. Cây có cội, nước có nguồn. Cội nguồn tiếng Việt chúng ta vững, thì văn hóa Việt cũng vững vàng để ngành xuất bản cũng có ảnh hưởng tốt theo. Đó là những ý kiến thô thiển của chúng tôi về những vấn đề mà chúng ta tìm hiểu. Năm mới, hy vọng sẽ tốt đẹp như những câu chúc lành cố hữu của dân tộc Việt Nam.”

Nhà văn Trần Hoài Thư, chủ nhân một nhà xuất bản khác, Thư Ấn Quán, cũng có nhận xét: “Việc xuất bản gắn liền với việc phát hành. Theo ý tôi, việc phát hành đang ở vào tình trạng bi quan nên việc xuất bản không lấy gì sáng sủa cho mấy. Tác giả hầu như chỉ dựa vào việc ra mắt để hy vọng sách đến tay độc giả (?). Chứ tác giả chỉ chờ độc giả tìm đến thì quả khó khăn. Người đọc càng ngày càng vắng do hậu quả từ Internet, báo chợ, băng đọc truyện... Nói tóm lại, mỗi tác phẩm ra đời là cả một sự hy sinh lớn của tác giả. Tuy vậy, không nên thấy nhiều tác phẩm được quảng cáo xuất hiện mà nghĩ đến trăm hoa đua nở. Hãy nghĩ đến những thùng đầy sách chất trong nhà kho, không biết làm sao để tiêu thụ cho hết.

“Không phải riêng gì trong ngành xuất bản của người Việt hải ngoại, mà ngay cả người Mỹ cũng thế. Bởi vậy, phương pháp ‘Book-On-Demand’ (In theo nhu cầu) ngày càng được phát triển.

“Thư Ấn Quán là một cơ sở dựa vào phương pháp này. Vui và hãnh diện lắm anh à. Từ nay không cần lệ thuộc vào nhà in nữa.  Và hãnh diện vì đây là sáng kiến của mình, do mình tự tìm tòi, khảo cứu và sáng tạo. Từ nay, không cần nhìn tác phẩm của mình tồn kho chất đống nữa. Chỉ in theo yêu cầu. Nhờ vậy mà trong vòng hơn ba năm, Thư Ấn Quán đã thầm lặng xuất bản hoặc tái bản 42 tác phẩm. Có cuốn in chừng 50 tập. Có cuốn trên 700 tập. Có cuốn in tặng, có cuốn bán. Ngoài ra, chúng tôi còn cho ra đời tạp chí Thư Quán Bản Thảo, không một trang quảng cáo thương mại, chỉ dành để biếu tặng. Qui tụ hầu hết các bạn hữu chúng ta, mà đa số ở trong nước. Tính đến nay đã 16 tập rồi. Mỗi tập dày khoảng 200 trang. Cũng nhờ ở tấm lòng của người đọc nên tạp chí này càng ngày càng sống vững. Hiện tại chúng tôi đang tập trung chuẩn bị làm số về các nhà văn đã quá cố hay còn ở trong nước, rất qui mô và dồi dào tài liệu. Đặc biệt là bài vở do bạn bè của các nhà văn ở trong nước thực hiện.”…”

Nhà văn UyênThao, người chủ trương nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, có lần đã phát biểu: “Một sự thực đáng buồn là hiện tại ở thời điểm bây giờ văn học Việt Nam hải ngoại đang ở trong tình trạng trì trệ cả về người đọc lẫn người viết. Độc giả Việt ngữ dần dần số lượng càng eo hẹp vì nhiều lý do và người viết thì cũng hao hụt, lớp lớn tuổi ra đi và lớp trẻ hơn chưa đủ để thay thế.
 Nhưng có một sự kiện lạ đáng ngạc nhiên: hàng tuần hàng tháng vẫn có những cuốn sách mới ra đời và ở những nơi đông dân cư Việt Nam vẫn có những buổi ra mắt sách trang trọng. Như vậy chúng ta có nên lạc quan về tình trạng xuất bản sách không?”

Năm nay, sự thực có lẽ bi quan nhưng ở bề mặt nổi vẫn có nhiều điều để hy vọng. Có những  người nặng nợ văn chương đã kiên quyết làm  những công việc mà ai nhìn vào cũng thấy đầy trở ngại. Như hai nhà văn Uyên Thao và nhà văn Trần Phong Vũ thành lập tủ sách Tiếng Quê Hương tới nay đã hơn 12 năm và đã xuất bản được 54 tác phẩm với những cuốn sách đẹp, phần lớn là bìa cứng, có giá trị, đúng tiêu chuẩn về nội dung và hình thức. Dù có sự giới hạn độc giả cũng như giảm bớt mãi lực sách vở vì suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng thành quả đã đạt được của tủ sách Tiếng Quê Hương cho phép chúng ta có những nhận định đầy hy vọng.

Tủ sách này được thành lập vào đầu năm 2000, vài tháng sau khi nhà văn Uyên Thao đặt chân lên nước Mỹ, và tác phẩm đầu tiên được phát hành vào tháng 9 cùng năm là tập truyện ngắn Thân Phận Ma Trơi của Nguyễn Thụy Long, một nhà văn còn sống ở trong nước.

Trong năm 2012, cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc của nhà phê bình văn học Thụy Khuê đã bán hết và đang sửa soạn tái bản. Tác phẩm biên khảo này do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ấn hành. Những nhà văn trong Nhân Văn Giai Phẩm không những đã tạo thành một biến cố quan trọng trong lịch sử văn học mà còn là một biến cố trong lịch sử chính trị Việt Nam. Thế mà trong một thời gian dài, sự thật bị chế độ Cộng sản thay đổi và người dân miền Bắc lúc ấy hầu như biết sự thật này theo cung cách một chiều của chế độ. Về sau này, qua cuộc đổi mới, mới có những sự kiện được nhìn lại, được phân tích và nhận định từ những chứng liệu cũ. Do đó, sự thật lịch sử văn học chính trị được phần nào bạch hóa.

Một cuốn sách khác, Cung Trầm Tưởng, một hành trình thơ (1948-2008), cũng là một tác phẩm độc đáo của nhà xuất bản Tiếng Quê Hương. Thường thường, các nhà xuất bản khá ngại ngùng khi in thơ, nhất là một tuyển tập thơ dày hơn 600 trang bìa cứng. Thế mà, sự đón nhận của độc giả khá nồng nhiệt. Tác phẩm ghi nhận những chặng đường thi ca của một thi sĩ trải dài theo những tiến trình của văn học Việt Nam.

Với Cung Trầm Tưởng, ở giai đoạn đầu tiên, thơ là tình ca, là những cảm giác mới lạ của trái tim nguyên xi, của một thời tuổi trẻ. Và sau năm 1975, thơ in ở hải ngoại là những cảm xúc của con người trong nghịch cảnh của đời sống. Thơ của suy tưởng của những tháng ngày tù tội của một người chọn lựa thế đứng chính trị của mình chống lại chế độ độc tài áp bức…

…và một vài tác giả/tác phẩm

Năm 2012, nhà văn Nhật Tiến đã hoàn tất 4 tác phẩm. Với bộ sách 3 cuốn đã hoàn tất Hành Trình Chữ Nghĩa, trong cương vị của một nhà văn ông phác họa lại một chặng đường văn học của mình với những thời điểm lồng trong đời sống lịch sử dân tộc. Đây là một tư liệu văn học ghi chép lại những sự kiện nhưng không theo thứ tự thời gian. Tác giả từ những thời điểm đáng nhớ của lịch sử để có những nhận xét về sinh hoạt văn chương trong thời gian và không gian lúc đó. Và, tác phẩm Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác ghi chép về một thời đại đặc biệt của dân tộc gửi cho những thế hệ sau.…

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp cho tái bản thi tập Tôi Cùng Gió Mùa và in thêm hai tác phẩm mới là Thơ Nguyễn Xuân Thiệp (gồm những bài thơ sáng tác sau năm 1975) và tập tạp bút Tản mạn bên tách cà phê. Dù là thơ hay văn, ông cũng viết với tâm hồn của một thi sĩ. Những bài viết trên tạp chí Phố Văndo ông chủ trương là những tùy bút đi gần với cuộc sống hiện tại nhưng là những ý nghĩ lãng mạn và thú vị của một người tìm được ý nghĩa của cuộc nhân sinh. Thơ của ông trầm lắng, không phải là những suy tư xốc nổi mà là những giọt nước thuần khiết nhỏ xuống từ những mạch ngầm tưởng như thinh lặng mà ngầm chứa những xao động như sóng cuộn ở tâm tư. Đọc thơ về thời kỳ tù ngục lưu đầy của Nguyễn Xuân Thiệp tôi hiểu được sự nâng niu nghệ thuật và thái độ sống thực viết thực của kẻ sĩ Việt Nam trong cơn biến động của lịch sử.

Tản mạn bên tách cà phê của Nguyễn Xuân Thiệp với đề tài của những bài viết thay đổi tùy theo ngẫu hứng của tác giả. Có những chuyện trọng đại như nội chiến Hoa Kỳ, chiến tranh Việt Nam, mái nhà thế giới, cách mạng văn hóa bên Trung Hoa, cách mạng nhung ở Tiệp Khắc. Cũng có chuyện về những sinh vật hèn mọn như con ve, con dế, bầy chim én, con hải âu, hay những vật tưởng như tầm thường - cánh diều, cái chong chóng, hòn đá, chiếc lá vàng, ngọn rau con cá trong vàm, cái nhẫn cỏ. Lại có cả những bài viết về các món ăn hấp dẫn: thịt chó và phở, rau càng cua, bát canh hoa lý, món giả cầy ăn trong một chiều trở lạnh, măng hầm chân giò và miến xào lươn, món crawfish ăn ở tiệm Golden Corral cùng với cô ca sĩ một đêm mưa lái xe lạc đường...

Nhà văn Nguyễn Văn Sâm trình làng hai tác phẩm. Một là tập truyện Quê Hương Vụn Vỡ gồm 20 truyện ngắn xoay quanh không gian và thời gian ở quê nhà và xứ người. Những mảnh đời đặc biệt Việt Nam qua văn phong rặc ròng Nam Bộ đã tạo thành một tác phẩm độc đáo của văn học Việt Nam ở hải ngoại. Tác phẩm thứ hai Người Hùng Bình Định nổi loạn Truông Mây do Nguyễn Văn Sâm giới thiệu và phiên dich là một công trình văn hóa lớn. Dịch từ văn bản chữ Nôm Văn Đoan Diễn Ca, ông đã làm sống lại truyện Chàng Lía, một anh hùng dân giả mà hai câu ca dao mô tả: Chiều chiều én liệng Truông Mây/cảm thương chú Lía bị vây giữa rừng. Trong công việc tái tạo lại những tác phẩm văn học cổ bị thất truyền, ở trong nước có cả một viện Hán Nôm với số nhân viên cả trăm người mà mỗi cuốn sách phải cả chục năm mới xong thì ở hải ngoại một loạt các tác tác phẩm chữ nôm do Nguyễn Văn Sâm và một vài người cộng tác phải là một công việc biểu lộ nỗ lực hết mình. Công việc ấy có lẽ phải có sự đóng góp của nhiều người hơn để những gia tài văn hóa dân tộc không bị mai một.

Nhà xuất bản Văn Mới năm qua đã in Căn nhà An Đông của mẹ tôi, một tư liệu văn học viết dưới hình thức truyện ngắn và hồi ký của nhà văn Nguyễn Tường Thiết. Ở đây bóng dáng một nhà văn lớn, một nhà cách mạng, một nghệ sĩ bao trùm và qua tác phẩm của Nguyễn Tường Thiết, chân dung Nhất Linh, thân phụ của tác giả, rõ nét hơn với cả những chi tiết đời thường làm người đọc thích thú bất ngờ. Kể lại chuyện mình cũng như kể lại chuyện của người cha qua hình bóng căn nhà của mẹ ở chợ An Đông, những trang hồi ký hoặc truyện ngắn như những nhát cọ phác họa lên bức tranh chân dung sinh động và có nhiều nét gần gũi với độc giả qua những thế thời của vận nước điêu linh.

Những Người Muôn Năm Cũ tập truyện ngắn Huy Phương, một người nổi tiếng với thể loại tạp ghi. Tác phẩm gồm 18 truyện ngắn với những mảnh đời và những phận người của quá khứ và hiện tại, của khung trời quê hương hay nơi chốn lưu lạc. Nhân vật của Huy Phương là tổng hợp của nhiều nhân dáng mà có khi trong những độc giả có những nét tương tự. Đời người lính nối tiếp thành đời người tù, rồi đời người bị lưu vong ở chính quê hương mình lại thành đời người lưu lạc thực, những mảng đời ấy, những tâm tư ấy đã dàn trải lên những trang sách để mỗi người nhìn lại mình chính xác hơn và cũng ngậm ngùi thêm cho đất nước dân tộc trong một thời đại bi đát.

Với nhan đề chỉ có một chữ độc nhất, những tác phẩm của Song Thao đã mở ra một phương trời mà chữ nghĩa như những vó ngựa đi vào những cuộc trường hành. Phiếm 12 nối tiếp 11 tác phẩm đã xuất bản từ trước với những đề tài và phong cách viết gợi lại rất nhiều óc tò mò của độc giả. Từ đời sống thực đến văn chương, từ khoa học đến nghệ thuật, từ những nhân vật nổi bật của lịch sử Việt Nam và thế giới, những câu hỏi mở ra từ một chữ ngắn ngủi nhưng dài ra từ những khai triển, những sưu khảo để người đọc có ấn tượng rõ hơn và cũng hiểu biết vấn đề thấu đáo hơn. Phiếm của Song Thao là những câu chuyện kể xoay quanh một đề tài được viết bằng một thứ ngôn ngữ sinh động có lúc làm độc giả nở nụ cười nhưng chính yếu vẫn là trình bày những điều có thể mới lạ nhưng cũng có thể đã có nhiều người biết. ĐọcPhiếm, có thể bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu. Từ những bài viết, là những thế giới khác nhau, có lúc ảnh hưởng thời cuộc nhưng có lúc là những vấn đề muôn thuở của con người. Yêu thương, giận hờn, hiền lành, đạo đức, những cảm quan của con người được đào xới để làm nổi bật ra sự sống động của văn chương.

Cũng trong năm 2012, mặc dù không phải là tác phẩm thuần túy văn học, người đọc có thể có trong tay tập hồi ký Ký Ức Huỳnh Văn Lang trải dài từ những không gian, thời gian khác nhau và chia thành ba thời kỳ mà tác giả đã đề cập đến trong bài mở đầu. Quyển thứ ba, viết về thời kỳ sống lưu vong, từ ngày 27 tháng Tư năm 1975 đến nay. Đối tượng là đời sống của một người tị nạn với một gia đình một vợ bốn con. Tác phẩm chú trọng mô tả cuộc sống những người tị nạn trong một môi trường văn hóa và kinh tế của một xã hội còn nhiều xa lạ với người Việt Nam.

Và sau cùng nhà văn / khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh năm qua cũng đã cho in tác phẩm Vui Đời Toán Học. Thường trong ý nghĩ chung của mọi người văn chương và toán học dường như có một chút gì xung khắc nhau. Một bên thì khô khan, một bên thì lãng mạn. Nhưng đọc Vui Đời Toán học của nhà văn Nguyễn Xuân Vinh, độc giả dường như không thấy cái cảm giác tiền chế ấy.

Bài viết này không phải là một tổng kết tình hình văn học hải ngoại năm 2012. Lý do vì văn học Việt Nam ở hải ngoại trải rộng ra cả thế giới chứ không chỉ ở vài thành phố có người Việt trên đất Mỹ mà còn ở nhiều nước khác, quốc gia khác. Và khó lòng một cá nhân với tài liệu hạn hẹp dù cố gắng cũng không thể nào đưa ra được một cái nhìn đầy đủ hơn. Do đó bài viết này chỉ là những ghi nhận của một người thu lượm được từ một số sách vở báo chí trong tầm tay, những điều mình đọc thấy, cảm thấy về một dòng sinh hoạt văn học gần gũi và phiến diện.

Âu cũng là một thiếu sót đáng tiếc.[NMT]

Thư giãn chút chút!

Tuyệt phẩm chém gió

TIEU LUAN

Đứng về phía những cái mới

Cái mới luôn là một chủ đề có tính khiêu khích đồng thời là một thành quả đáng tự hào sau những nỗ lực, can đảm tìm tòi của mỗi chủ thể. Nhất là cái mới, sự sáng tạo mới trong văn học nghệ thuật. Nhận thấy những tuyên bố ủng hộ cái mới, đứng về phía những cái mới, những mở đường lúc nào cần thiết và có giá trị thiết thực, Phê bình văn học xin giới thiệu với bạn đọc một chủ trương như thế của tuần báo Nghệ thuật cách nay hơn 40 năm.
 *
Vai trò người làm văn học nghệ thuật tiến bộ và ý thức, trước thực trạng bi đát củavăn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay phải là một vai trò tiên phong mở đường. (…)
Những bước chân sáng tạo của chúng ta bởi vậy chỉ có thể là những bước chân thủy triều tiến về trước mặt. Cuộc hành trình trí tuệ của người cầm bút, bởi vậy, chỉ có thể là cuộc hành trình bắt gặp những chân trời trước mặt mênh mông.
Văn học nghệ thuật Việt Nam vẫn thiếu vắng thật nhiều những lượng không khí mới, những đỉnh núi cao, những vùng biển rộng, những thí nghiệm can đảm, những khám phá táo bạo nhưng cần thiết. Phải làm cái việc hồi sinh văn học. Phải tiêm vào cái hình hài xanh xao nhọc mỏi là thực trạng nghệ thuật (…. )* nước Việt bây giờ, những lượng máu đầy làm thành sự sống mãnh liệt rút ra tự nguồn sinh lực vô tận của thực tế đất nước thiên hình vạn trạng.
Diễn đàn này đứng về phía những phá vỡ và những mở đường
Cái mới. Những cái mới. Muôn vàn. Bốn phía. Bên trong ta những mầm hạt đang xôn xao cựa mình. Bên ngoài ta (…) phá toang những giam nhốt siêu hình. Chặt đứt những lưu đày quá khứ. Không thèm đi nữa trong những khuôn mòn nẻo thuộc. Trên những vang bóng một thời còn thấp thoáng, đã tắm đẫm nhiều rồi, hãy thôi đừng nhỏ nữa, những giòng lệ tiếc thương. Cái mới. Những cái mới đang đợi chờ được chuyên chở, bằng những chuyên chở tràn đầy, vào văn học nghệ thuật chúng ta. Kể làm sao cho hết những cái mới. Thời đại chúng ta là thời đại của con người chinh phục và chế ngự đời sống, đòi lại cái vai trò chủ động, đang đi ra chỗ đứng dưới mặt trời.
Diễn đàn này đón đợi những mặt trời.
Cho nên, song song với chủ đích khởi đầu là triệu tập, liên kết, thực hiện một họp mặt đông đảo chưa từng thấy giữa tất cả những người làm văn học nghệ thuật chân chính (…), diễn đàn này còn muốn đặt mình là đất thí nghiệm cho những tài năng mới, điểm khởi hành cho những lên đường mới, nơi phát xuất và hình thành những chứng tích rực rỡ về thế nào là tâm trạng, khát vọng đích thực của xã hội thời đại chúng ta, phản chiếu qua tâm hồn thể hiện qua ý thức chúng ta.
Đi vào đời sống. Hòa nhập tận cùng vào thực tế đất nước. Vận dụng ý thức như một mũi nhọn khơi đào suốt thấu tới những tầng đáy sâu thẳm cho lộ nguyên hình chân tướng sự thật. Đó là thái độ của những người đến họp mặt với nhau ở đây. Để lên đường.
Từ một họp mặt đến những lên đường, và diễn đàn này đã đứng ở phía đó, phía những cái mới.

Phe binh van hoc

Phê bình văn học Việt Nam hiện nay, một số thách thức và giải pháp

Đỗ Văn Hiểu
I
Sau cải cách mở cửa 1986, phê bình văn học Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, thoát khỏi cái khung tư tưởng “văn học phục vụ chính trị”, “văn học là vũ khí đấu tranh giai cấp”, thoát khỏi xu hướng nghiên cứu phê bình chủ yếu tìm tòi “tính Đảng, tính Nhân dân, tính giai cấp…” để chuyển sang thời kì nghiên cứu bản thể luận, trong đó xu hướng chủ yếu là tìm kiếm tính thẩm mĩ của văn học. Bước sang thế kỉ mới, cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa xã hội, đời sống văn học cũng xuất hiện những nhân tố mới đòi hỏi phê bình văn học kịp thời điều chỉnh thích nghi.
II
1.Bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu hướng xã hội tiêu dùng tác động đến toàn bộ xã hội, và hoạt động văn học cũng không ngoại lệ. Ở nước ta, đã đến lúc bàn đến vấn đề kinh tế – hàng hóa, hàng hóa – kinh tế, sản phẩm văn hóa cũng được nhìn từ góc độ hàng hóa, quy luật thị trường chi phối hoạt động văn học, từ sáng tạo đến xuất bản, lưu thông, truyền bá. Hiện tượng sáng tác để tặng nhau đã lùi sâu vào quá khứ (tất nhiên hiện nay, vẫn có những người bỏ tiền ra tự in thơ, in truyện tặng nhau, nhưng là số ít, và hầu như không có ảnh hưởng gì đến đời sống văn học), hiện tượng nhà văn ăn lương để sáng tác cũng không chiếm phần lớn như trước nữa, đã xuất hiện những nhà văn hoàn toàn sống bằng ngòi bút của mình, chính vì thế, họ cần phải quan tâm đến vấn đề tiêu thụ, đến lợi nhuận, từ đó kéo theo hàng loạt những biến động trong động cơ sáng tạo, quan hệ giữa tác giả và độc giả cũng như bản thân quá trình sáng tạo. Để có thể tiêu thụ được sản phẩm của mình, nhà văn không thể chỉ quan tâm đến việc phơi bày những tâm tư, cảm nhận, tư tưởng của mình về thế giới, về nhân sinh, mà còn phải đặc biệt quan tâm đến nhu cầu của độc giả cùng thời, từ đó điều chỉnh việc chọn đề tài, cách viết, và thậm chí cả tốc độ viết. Không phải ngẫu nhiên, văn học Việt Nam hiện nay xuất hiện hàng loạt các sáng tác viết về đời sống của giới trẻ “năng động, nổi loạn, cô đơn, hưởng thụ”[1]và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ giới trẻ. Khi lí luận tiếp nhận văn học được đưa vào Việt Nam, các nhà nghiên cứu phê bình vẫn chưa tập trung nghiên cứu sự tương tác giữa người sáng tạo và người tiếp nhận dưới ảnh hưởng của kinh tế thị trường, điều đó đồng nghĩa với việc chưa thực sự chú ý đến sự ảnh hưởng của lượng độc giả thực tế trong cơ chế hàng hóa đến bản thân quá trình sáng tạo của nhà văn. Sáng tác chạy theo thị trường rất dễ hủy hoại những giá trị thẩm mĩ vốn có của văn học. Nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra lo lắng trước vấn đề này. Nhưng không ai dám khẳng định một cách dứt khoát toàn bộ những tác phẩm hướng tới phục vụ nhu cầu thị trường đều là tác phẩm vứt đi. Cho dù thế nào đi nữa, những tác phẩm hướng tới phục vụ thị trường vẫn đã và đang tham gia trực tiếp vào hoạt động văn học, bao gồm cả hoạt động sáng tác, truyền bá và tiếp nhận. Ở Trung Quốc, sự xuất hiện và ảnh hưởng của văn học 8x là sản phẩm tiêu biểu nhất cho dấu hiệu của cơ chế thị trường trong hoạt động văn học. Trào lưu này xuất hiện trước tiên là do các nhà xuất bản muốn tìm kiếm một lực lượng sáng tác mới, một lực lượng tiêu thụ sản phẩm sáng tạo mới, sau đó, bằng các chiêu lăng xê, quảng cáo, họ đã tạo nên các “thương hiệu” như Hàn Hàn, Quách Kính Minh, Lâm Thiên Vũ… Trong thời điểm hiện nay, chúng ta thể nghiệm sâu sắc vấn đề “Độc giả: thượng đế của văn học”[2]. Đứng trước thực tế này, phê bình văn học sẽ phê phán gay gắt, coi sáng tác phục vụ thị trường là rác rưởi hay tìm cách lí giải, điều chỉnh hướng đi của sáng tác để phát huy những nhân tố tích cực của thị trường? Những gì thuộc về quy luật thì không thể cưỡng lại được. Trong một lần trả lời phỏng vấn trên truyền hình, đạo diễn Nguyễn Hoàng khi trả lời câu hỏi: nếu phải lựa chọn giữa làm phim nghệ thuật và phim thị trường, ông sẽ chọn cái gì? Ông đã không ngần ngại trả lời “chọn làm phim thị trường”. Ông cho rằng, làm phim nghệ thuật, chủ yếu cho một số ít nhà phê bình điện ảnh ngồi tấm tắc với nhau, còn làm phim thị trường, có khán giả thì mới có tiền, và điều cơ bản hơn, độc giả chính là sức sống, là lí do ra đời và tồn tại của nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Vì thế, trong thời điểm hiện nay, có lẽ, cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề độc giả, vấn đề người tiếp nhận trong toàn bộ hoạt động văn học, đồng thời chú ý hướng tới khám phá, phân tích nhu cầu thị trường, tâm lí độc giả cũng như sự tương tác giữa nó với nhà văn và bản thân quá trình sáng tạo. Cũng không nên vội vàng phủ nhận những tác phẩm xuất hiện với mục đích phụ vụ thị trường tiêu thụ. Dù thế nào, đây cũng là một hiện tượng tồn tại thực tế ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện văn học hiện nay.
2. Sự phát triển của phương tiện truyền thông và sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng cũng tác động không nhỏ đến toàn bộ hoạt động văn học. Sự phát triển của điện ảnh, truyền hình, video, internet, máy ảnh, các trò chơi điện tử, karaoke…tạo ra xu hướng đề cao chức năng vui chơi giải trí và thể nghiệm thị giác của văn hóa. Dường như mọi lĩnh vực đều được thị giác hóa, hình ảnh hóa. MTV làm âm nhạc được thị giác hóa, truyền hình, điện ảnh đã làm văn học được thị giác hóa…Điều này dẫn đến hiện tượng không ít người thích xem phim hơn đọc truyện, khả năng tưởng tượng nắm bắt hình tượng thế giới nghệ thuật trong tác phẩm văn học thông qua ngôn từ bị ảnh hưởng.[3] Trong bối cảnh văn hóa thị giác trỗi dậy, văn học bị đẩy ra bên lề, ở một góc độ nào đó, vị trí của nó trong cộng đồng nghệ thuật bị giảm sút., nhưng nó lại tìm thấy cơ hội phát triển của mình trong sự “hợp tác” với điện ảnh. Trong hoàn cảnh này, văn học không thể không chú ý đến việc thực hiện chức năng giải trí, không thể không chú ý đến vấn đề văn hóa đại chúng. Khi văn hóa đại chúng trỗi dậy thì tất cả những thứ thuộc về kinh điển có xu hướng bị giải trừ, những thứ thuộc về “đại tự sự” bị tấn công, biên giới của văn hóa tinh anh bị thu hẹp. Ngày nay, rất ít người đủ nhẫn nại để đọc những cuốn tiểu thuyết hàng trăm trang với những tư tưởng triết lí sâu sắc kiểu như Tội ác và trừng phạt của Dostoiepski hay Suối nguồn của Ayn Rand, kéo theo tình trạng coi trọng những tác phẩm “cỡ nhỏ”. Sự xuất hiện của Sát thủ đầu mưng mủ (đã bị thu hồi) như một biểu hiện cực đoan của sự đề cao chức năng tiêu khiển của văn học cũng. Diêu Văn Binh từng nói: “Tiêu khiển giải trí vốn là nhu cầu đời sống tinh thần bình thường của con người, nhưng nếu coi nó là giá trị chủ yếu, từ đó hình thành mô hình tiêu dùng tinh thần theo kiểu “ăn nhanh” thì không chỉ làm cho văn hóa trở nên tầm thường đơn điệu mà còn khiến cho đại chúng trả nên đơn điệu tầm thường”[4]. Độc giả của văn học Việt Nam hiện nay ít nhiều bị ảnh hưởng bởi bầu không khí trỗi dậy của văn hóa đại chúng với sự đề cao chức năng giải trí tiêu khiển và văn hóa thị giác đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sáng tạo văn học. Sự biến đổi của thị hiếu thẩm mĩ cũng là một vấn đề mà phê bình văn học hiện nay cần quan tâm, từ đó có thể lí giải một số khía cạnh khác của hoạt động văn học.
3. Sự xuất hiện của internet tạo ra biến đổi lớn về lực lượng sáng tác, phương thức sáng tác, xuất bản, truyền bá, cách đọc và sự tương tác giữa tác giả và độc giả. Với internet, sáng tác văn học không còn thuộc về số ít người mà thuộc về tất cả mọi người, ai cũng có thể sáng tác và công bố tác phẩm của mình, chỉ cần một máy tính nối mạng, một website hoặc đơn giản chỉ cần một account là có thể công bố tác phẩm của mình. Văn học mạng ra đời, văn học blog xuất hiện với tốc độ viết nhanh, phần lớn thiên về phơi bày cá nhân, việc lấy một nickname đã khiến cho người sáng tác tự do trong việc bộc bạch những gì thuộc về riêng tư thầm kín. Việc dùng máy tính để sáng tác cũng làm cho quá trình sáng tác khác hẳn với dùng giấy mực sáng tác. Việc dùng máy tính sáng tác không đòi hỏi nhà văn phải trải qua quá trình cấu tứ nghiêm ngặt hoàn chỉnh, không cần thiết phải sắp xếp thỏa đáng viết gì trước viết gì sau, chuẩn bị kết thúc như thế nào, không nhất thiết phải chuẩn bị đầy đủ chu toàn tài liệu mới có thể ngồi viết. “Vì con chuột máy tính chỉ vào đâu là có thể thêm hoặc xóa đi ở đó, cấu tứ hoàn chỉnh rõ ràng trở thành thừa thãi, sự chuẩn bị đầy đủ tài liệu cũng không cần thiết. Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến đâu viết đến đó, viết đến đâu nghĩ đến đó”[5]. Khi hoàn thành sáng tác, chỉ cần một cú kích chuột là tác phẩm được công bố rộng rãi trên internet, đến với đông đảo mọi người, không cần thông qua biên tập, kiểm duyệt. Đối với kiểu sáng tác này, dấu vết bản thảo như một căn cứ để người nghiên cứu nắm bắt quá trình tư duy, quá trình sáng tác của nhà văn cũng không tồn tại. Cách đọc trên mạng dưới sự chi phối của phương thức tìm kiếm, lên mạng chỉ cần gõ một từ, chúng ta có được hàng trăm kết quả, đang đọc văn bản này lại vội vàng chuyển sang văn bản khác khiến cho việc đọc thiên sang nắm bắt thông tin, ít nhiều làm mất đi sự “trầm tư” trong tiếp nhận, mà trầm tư mặc tưởng mới là trạng thái phù hợp nhất với sự tiếp nhận văn học. Trước kia, sự tương tác giữa tác giả và độc giả rất hạn chế, nhưng với internet, khi nhà văn công bố tác phẩm của mình, họ có thể trực tiếp nhận được các comment phản hồi phong phú, tức thì, thông qua đó nhà văn có thể nắm bắt được số lần view và các chiều hướng phản hồi, từ đó điều chỉnh cách viết cũng như quyết định cho tác phẩm được xuất bản thành sách hay không xuất bản thành sách. Không những thế, tác giả không chỉ thông qua tác phẩm giao lưu với độc giả của mình, mà còn có thể trực tiếp trao đổi với độc giả tạo nên tính liên tục, trực tiếp, tức thì trong giao lưu. Comment của độc giả ở một khía cạnh nào đó cũng chính là một kiểu phê bình, vì thế, sự tồn tại của sự tương tác giữa tác giả và độc giả không chỉ tạo nên tính dân chủ, cởi mở mà còn góp phần tạo nên cục diện “đại chúng hóa” trong phê bình văn học. Trước những biến động lớn như vậy, phê bình văn học ViệtNam hiện nay cần phải làm gì để thích ứng? Một điều rất dễ nhận thấy là bản thân phê bình văn họccó tính hiện đại, tính cập nhật, tính thời sự, thì trong hoàn cảnh internet phát triển, văn học mạng trở thành một bộ phận không thể thiếu của văn học, phương thức sáng tạo, tiếp nhận và truyền bá đã khác xưa, thì phê bình văn học càng phải nâng cao hơn nữa tính kịp thời, nhanh nhạy trước các hiện tượng văn học, đồng thời phải quan tâm nhiều hơn đến cơ chế sáng tạo, tiếp nhận trong thời đại kĩ thuật số.
4. Xu hướng thẩm mĩ hóa đời sống thường nhật và đời sống thường nhật hóa hoạt động thẩm mĩ ở Việt Namcũng tác động mạnh mẽ đến phê bình văn học. Trong xã hội hiện nay, những loại hình nghệ thuật kinh điển trước kia là nơi thể hiện tập trung tính thẩm mĩ như vũ đạo, âm nhạc, điêu khắc, kịch, tiểu thuyết, thơ ca, hội họa…,đặc biệt là những môn nghệ thuật quý tộc không còn chiếm vị trí trung tâm nữa. Tính thẩm mĩ, tính văn học mà nghệ thuật kinh điển theo đuổi bị suy thoái, thay vào đó là sự mở rộng phạm vi thẩm mĩ và sự hưng thịnh của một số hoạt động mang chuẩn thẩm mĩ mới như quảng cáo, ca khúc thời thượng, thời trang, phim truyền hình nhiều tập, thiết kế môi trường, quy hoạch đô thị, trang trí nội thất… Cái đẹp, nghệ thuật hiện hữu ngay trên những tờ quảng cáo. Môi trường hoạt động nghệ thuật trước kia giữ một khoảng cách nghiêm ngặt với đời sống thường nhật thì ngày nay lại nhập vào đời sống đại chúng, hoạt động nghệ thuật xuất hiện nhiều hơn ở các quảng trường, trung tâm mua sắm, siêu thị cao cấp, hoa viên trung tâm và các không gian khác. Ở những môi trường này, hoạt động văn hóa, thẩm mĩ, buôn bán, hoạt động xã hội hòa làm một, giữa chúng không tồn tại ranh giới rõ ràng. Xu hướng đời sống thường nhật hóa thẩm mĩ xuất hiện điển hình hơn ở các nước phương tây phát triển, nó là sản phẩm của chủ nghĩa tiêu dùng, của văn hóa tiêu dùng. Mặc dù xã hội Việt Nam chưa phải là xã hội tiêu dùng, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, chủ nghĩa tiêu dùng ảnh hưởng toàn cầu, ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn, mức độ ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu dùng càng ngày càng rõ nét. Trong chủ nghĩa tiêu dùng, giá trị hàng hóa không nằm ở giá trị trao đổi vốn có mà nằm ở việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Tiêu dùng trở thành cơ sở quy loại của tất cả, đồng thời cũng thành cơ sở cho hoạt động văn hóa nghệ thuật. Con người không chỉ tiêu thụ hàng hóa vật chất mà phần nhiều là tiêu dùng quảng cáo, tiêu dùng thương hiệu, kí hiệu…Chúng ta đang dần dần tiến vào thời kì văn hóa hàng hóa hóa, tiến vào thời đại tiêu dùng. Sự phát triển của truyền thông đại chúng cũng góp phần không nhỏ vào việc hình thành xu thế đời sống thường nhật hóa thẩm mĩ ở Việt Nam. Đào Đông Phong khi nghiên cứu về vấn đề này ở Trung Quốc đã từng nói: “Không thể phủ nhận, thẩm mĩ hóa đời sống thường nhật và đời sống thường nhật hóa hoạt động thẩm mĩ đã tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong phương thức sản xuất, truyền bá, tiêu dùng của văn học nghệ thuật và toàn bộ lĩnh vực văn hóa, thậm chí thay đổi định nghĩa liên quan đến “văn học”, “nghệ thuật”…Điều này nên xem là sự khiêu chiến đối với nghệ thuật, đồng thời cũng là cơ hội hiếm có của nó”.[6]Thẩm mĩ hóa đời sống thường nhật đã xóa bỏ khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống. Trong bối cảnh này, thật khó để có thể tìm thấy cái gọi là “thuần văn học”.Phê bình văn học nếu lẩn tránh hiện tượng thẩm mĩ hóa đời sống thường nhật, lảnh tránh sự mở rộng phạm vi thẩm mĩ, chỉ tập trung nói về những tác giả tác phẩm kinh điển trong lịch sử, nếu chỉ căn cứ trên những tác phẩm như vậy để khái quát thành quy luật vĩnh hằng của văn học thì khó có thể thiết lập được quan hệ tích cực với đời sống thường nhật và môi trường công cộng, cuối cùng sẽ tự làm mình khô héo. Vì thế, trong thời điểm hiện nay, phê bình văn học không thể chỉ dừng lại ở “nghiên cứu nội tại”, cần phải mở rộng phạm vi nghiên cứu mà cụ thể là thiết lập hướng phê bình văn hóa, như vậy mới có thể tiến hành phân tích giải thích sâu sắc nguyên nhân xã hội sâu xa dẫn đến sự xuất hiện của các hiện tượng văn học. Giáo sư Kim Nguyên Phủ từng khẳng định: “Chuyển hướng văn hóa của văn học đương đại là xu thế phát triển chung của lịch sử, đồng thời cũng là kết quả vận động của các yếu tố nội tại của văn học.[7]
5. Bối cảnh toàn cầu hóa cũng tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực khoa học xã hội, trong đó có phê bình văn học. Đối với phê bình văn học ở một quốc gia, toàn cầu hóa không còn nghi ngờ gì nữa đã trở thành một góc nhìn không thể thiếu. Toàn cầu hóa là sự thể nghiệm mang tính tương hỗ, tính cộng sinh toàn cầu của con người hiện đại, là “phương thức tư duy có tính tương tác hoặc cộng sinh toàn cầu khi chúng ta khảo sát một vấn đề thực tại nào đó, tức là phương thức tư duy khảo sát một vấn đề của một khu vực nhất định xuất phát từ sự tương tác mang tính toàn cầu. Mỗi sự thay đổi ở một khu vực không đơn giản do khu vực đó quyết định mà là có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với khu vực xa xôi khác trên thế giới hoặc với sự phát sinh thế này hoặc thế khác của chỉnh thể thế giới”.[8] Toàn cầu hóa không đơn giản là toàn cầu nhất thể hóa, “khi nói đến văn hóa toàn cầu hóa không có nghĩa đơn giản chỉ là chỉ xu thế toàn cầu nhất thể hóa của văn hóa, mà là khảo sát hiện tượng văn hóa ngày nay từ góc độ toàn cầu hóa, nhìn ra quan hệ tương tác, cộng sinh giữa các khu vực trong quá trình văn hóa, đặc biệt là nhìn thấy sự đối thoại đa nguyên giữa văn hóa các dân tộc trong quá trình văn hóa toàn cầu.”[9]. Toàn cầu hóa tất nhiên dẫn đến xu hướng đối thoại đa nguyên văn hóa, và trong sự đối thoại đa nguyên này, văn hóa mỗi dân tộc quyết không chấp nhận sự đồng chất hóa, mà ngược lại, nỗ lực tìm kiếm vẻ riêng biệt độc lập của chính mình. Trong thời điểm hiện nay, phê bình văn học nên vận dụng góc nhìn toàn cầu hóa nhằm khảo sát, phân tích lí giải các hiện tượng văn học bằng cách đặt nó vào trong môi trường rộng lớn hơn với những biến đổi, thẩm thấu, nhìn thấy tình khác biệt, tính đa nguyên, tính đa dạng, sự liên quan của hiện tượng văn học được sinh thành. Toàn cầu hóa mang lại một cái nhìn mới đồng thời cũng tạo nên những thách thức mới cho phê bình văn học. Trong thời đại toàn cầu hóa, tính chất “tạp giao, thẩm thấu lẫn nhau” giữa các hiện tượng nổi lên như một đặc trưng tiêu biểu. (ở đây, “tạp giao” chỉ trạng thái các hình thái văn hóa khác nhau (bao gồm cả hứng thú thẩm mĩ, thể thức nghệ thuật, hình thức văn học…) cùng tồn tại, “thẩm thấu lẫn nhau” chỉ trạng thái các hình thái văn hóa khác nhau cùng tồn tại và thẩm thấu vào nhau). Trong bối cảnh này, văn học thể hiện rất rõ tính liên văn bản. Văn bản văn học được tạo thành từ sự tạp giao tương hỗ giữa hai thể loại trở lên, như tiểu thuyết, thơ ca, kịch, nhật kí, phóng sự, và tìm cách dung hòa nhiều phương thức thể hiện như tự sự và trữ tình, độc thoại và đối thoại, ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ sách vở, ngôn ngữ phổ thông và ngôn ngữ địa phương, hiện thực và lãng mạn….Cũng chính vì thế, sáng tạo văn học luôn hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa chồng chéo, không ngừng sinh thành và mất đi, dường như không có giới hạn nào trong việc sinh thành hình tượng, tạo nên sự xuất hiện, phát triển của hình tượng, độc giả có thể căn cứ vào bản thân mình tại “thời điểm đó” để tiếp nhận từ những góc độ khác nhau, có được những thể nghiệm khác nhau. Tác phẩm văn học kiểu này dường như chỉ là những phiến đoạn, những mảnh vỡ ghép lại, người đọc có thể tự do tổ hợp lại theo hứng thú, kinh nghiệm, trình độ của mình. Mỗi thể loại xuất hiện trong tác phẩm của thể hiện những nét riêng của mình, nhưng dưới sự tổ hợp của nhà văn, thông qua cảm nhận của người đọc mà có được sự cộng hưởng vừa thống nhất vừa đa dạng. Phê bình văn học hiện nay cũng cần lưu ý đến vấn đề này và xem nó như một biểu hiện của văn học thời kì toàn cầu hóa. Trong thời đại toàn cầu hóa, ở nước ta, các lí thuyết phê bình phương Tây được giới thiệu một cách rộng rãi tạo nên cục diện mang tính đa nguyên trong lí thuyết phê bình văn học. Phê bình kí hiệu học, Phê bình phân tâm học, Tự sự học, Chủ nghĩa cấu trúc, Mĩ học tiếp nhận,Phê bình nữ quyền…. đã được giới thiệu vào ViệtNam và gặt hái được những thành quả nhất định. Vấn đề đặt ra là vận dụng các lí thuyết ngoại lai như thế nào cho phù hợp với thực trạng văn học Việt Nam, phê bình văn học Việt Nam phát triển như thế nào trong sự tương tác với các lí thuyết phê bình phương Tây?
III
Có thể nói phê bình văn học Việt Nam hiện nay đang đứng trước vô vàn thách thức mới mà sức tác động của cơ chế thị trường, xã hội tiêu dùng, sự bùng nổ của phương tiện truyền thông kĩ thuật số, sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng, sự phổ cập của internet, bối cảnh toàn cầu hóa mới chỉ là những biểu hiện dễ nhìn thấy nhất, tác động rõ nét nhất đến toàn bộ hoạt động văn học, từ khâu sáng tác, xuất bản, truyền bá đến tiếp nhận. Ứng phó với mỗi một thách thức có một cách giải quyết riêng, nhưng trên tổng thể, vấn đề đặt ra phê bình văn học hiện nay là thích ứng hơn nữa với diễn biến mới của thực tiễn văn học, tự trang bị quan niệm, cách tiếp cận phù hợp. Cần tổ chức dịch thuật giới thiệu một cách có hệ thống các lí thuyết phê bình phương Tây hiện đại, từ đó sàng lọc, vận dụng vào tìm hiểu văn học nước nhà, hình thành cục diện đa diễn ngôn trong phê bình văn học.