Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

Trung Quốc qua Việt Nam mua những khu đất trọng yếu..




Trong hình ảnh có thể có: đám mây, bầu trời và ngoài trời

Thật ra chuyện người Trung Quốc qua Việt Nam mua những khu đất trọng yếu đã xảy ra mấy chục năm rồi, chẳng có chi mới. Từ Bắc chí Nam, những vị trí chiến lược có yếu tố quân sự cũng bị dòm ngó và tìm mọi cách để chiếm hữu. Ban đầu thì mở công ty cộng tác với người Việt có đất, lần hồi tìm đủ mánh khoé, âm mưu để chiếm trọn. Có chỗ thì bỏ tiền ra mua rồi nhờ người Việt đứng tên. Nguy hiểm nhất là mượn danh nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam, lập dự án toàn là nơi trọng yếu, nhất là các vùng dọc bờ biển. Cán bộ lãnh đạo nhiều nơi sốt sắng trợ lực cho âm mưu này. Có chỗ phá luôn đồn biên phòng để giao đất. Có nơi lãnh đạo tỉnh tích cực đến độ trong một thời gian ngắn đã cho ra mấy trăm văn bản thúc hối cán bộ dưới quyền phải thực hiện nhanh dự án giao đất. Lại làm văn thư yêu cầu Sở Tài chính xuất tiền hỗ trợ đền bù giúp doanh nghiệp nữa. Đôi bên cùng có lợi mà. Ngoài biển thì chúng âm mưu chiếm trọn biển Đông. Trên rừng thì chúng ký với địa phương năm bảy chục năm rồi nội bất xuất, ngoại bất nhập, không biết chúng làm gì trong đó. Khai thác rừng hay chế tạo vũ khí hoặc điều khiển tình báo. Ta không kiểm tra được. Kiểu ấy khi có biến, tình trạng nước ta sẽ như bánh mì kẹp thịt, trên rừng đánh xuống, ngoài biển đánh vô, chạy đường nào cho thoát. Tình trạng này trước đây đã có dư luận lên tiếng, nhưng lúc đó có nhiều cán bộ, nhiều sĩ quan cao cấp của quân đội đã trả lời là chưa phát hiện người nước ngoài sở hữu đất đai trên toàn lãnh thổ. Trong lúc đó sân bay Nước Mặn ở Đà Nẵng đã bị bao vây bởi các doanh nhân Trung Quốc. Ở Bình Dương, người Trung Quốc mua đất lập làng, lấy vợ Việt rồi sinh con đẻ cháu tràn lan trở thành như một khu riêng biệt. Ở Tây nguyên tình trạng cũng chẳng khác, có thời gian họ còn đòi mở trường học dạy tiếng Hoa cho cả trăm, cả ngàn đứa trẻ lai sinh ra trên đất Tây nguyên. Ngay ở Sài Gòn, doanh nghiệp đội lốt cũng đã thâu tóm không biết bao nhiêu nhà cửa, đất đai. Con đường phố đi bộ có công ty mua gần hết, thống lĩnh con đường quan trọng của trung tâm thành phố. Ngoài ra biết bao khu đất vàng, biết bao dinh thự đã lọt vào tay các doanh nghiệp ấy,
Tình trạng này kéo dài đã lâu, bây giờ Bộ Quốc phòng lên tiếng thì cũng đã trễ rồi, nhưng có còn hơn không, nhà nước lên tiếng chứng tỏ đã bắt đầu quan ngại và hi vọng sẽ có biện pháp. Còn dân thì thấy lâu rồi, uất ức, khó chịu nhưng nói không ai nghe, kêu không ai lên tiếng trả lời. Người Trung Quốc có lần mua đất, làm bè nuôi hải sản sát căn cứ Cam Ranh. Ở miền Tây chúng mua đất lập trang trại rồi khống chế giá cả, độc quyền thu mua. Thế mới thấy chúng không chỉ quan tâm đến khu vực trọng yếu về quân sự, phòng thủ chiến lược, chúng còn âm mưu về kinh tế. Không có biện pháp cấp bách, giặc sẽ ở trong nhà, lúc nguy biến ta sẽ bó tay thúc thủ. Chơi với kẻ tiểu nhân rất khó đường mà tránh bởi chúng xảo quyệt, ti tiện và bí ổi làm những chuyện không ngờ được.
DODUYNGOC

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

PHỤC HỒI KINH TẾ SAU COVID 19 BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?



Nguyen Ngoc Chu


Làm thế nào để phục hồi nền kinh tế và tiếp tục phát triển mạnh sau Covid 19 là vấn đề quan tâm bậc nhất cho những nhà quản lý kinh tế Việt Nam hiện nay. Muốn có biện pháp đúng thì trước hết phải đánh giá đúng tình hình. Trước hết là từ bình diện quốc gia.
I. COVID 19 – ĐIỂM GÃY CHUYỂN HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NHÂN LOẠI
Đại dịch covid 19 là điểm gãy trên đồ thị phát triển của nhân loại. Sau covid 19, đồ thị phát triển của nhân loại đổi hướng. Có thể ví thời kỳ dịch covid 19 diễn ra chính là một cuộc sinh nở. Sau covid 19 là thời kỳ sau sinh nở.
Với Việt Nam, sau covid 19 là một cơ hội mới chưa bao giờ từng có trên bàn cờ chính trị và kinh tế thế giới. Ở đó, Việt Nam đang có cơ hội chơi một sân chơi mới với vai trò mới quan trọng hơn. Vấn đề nằm ở chỗ - là Việt Nam nhìn thấy cơ hội và không bỏ lỡ cơ hội. Trước hết, hãy nhìn cho rõ cơ hội.
II. THAY ĐỔI CĂN BẢN ĐÁNH GIÁ CỦA THẾ GIỚI VỀ TRUNG CỘNG
1. Ở Biển Đông Nam Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã từng kỳ vọng vào nguồn gốc Hoa để chơi một trò chơi đi đêm với Trung Quốc. Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã từng hy vọng vào gốc Hoa để đi đêm với Trung Quốc. Nhưng tàu của Trung Quốc vẫn đâm chìm thuyền cá của Philippines. Tàu địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc sau khi xâm phạm ngang ngược Bãi Tư chính của Việt Nam trong suốt mấy tháng, thì nay đang ngang ngược quấy phá ở vùng biển của Malaysia. Mấy nước trong vùng Biển Đông Nam Á đều sáng mắt, rằng không ai có thể thành công bằng chính sách đi đêm riêng rẽ với Trung .Quốc - bất chấp là gốc Hoa hay đồng ý thức hệ.
2. Các nước Châu Âu cũng đã từng đi đêm song phương với Trung Quốc. Vì thị trường Trung Quốc quá lớn mà không nước nào muốn từ bỏ - đành phải xuống thang. Trung Quốc đe dọa tất cả về rời khỏi thị trường Trung Quốc nếu làm trái ý Trung Quốc. Hãng xe Volkswagen vì thế mà chấp nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc trong phần mềm điều khiển của xe. Đến tỷ phú Bill Gate cũng đi đêm với Trung Quốc.
Bây giờ thì Đức, Pháp, Anh và tất cả các nước ở Tây Âu đều phải đi đến kết luận rằng không thể đi đêm song phương với Trung Quốc; Phải thay đổi căn bản quan hệ với Trung Quốc; Chấp nhận cắt ruột cho trường hợp mất thị trường Trung Quốc.
3. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là một nhà thương mại. Ông xóa bàn cờ mặc cả lại với tất cả các nước để đưa lợi về cho nước Mỹ. Ông gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc cũng chỉ vì mục đích dành lợi thế trong quan hệ song phương.
Nhưng từ dịch covid 19, chính Tổng thống Donald Trump đã quyết định thay đổi bước ngoặt khác nữa về quan hệ với Trung Quốc. Rằng chiến tranh thương mại còn xa cho vai trò chìa khóa trong quan hệ với Trung Quốc. Chiến tranh thương mại không chữa được vết thương Trung Quốc. Vết thương Trung Quốc chỉ có cắt bỏ. Chấp nhận không có thị trường Trung Quốc. Chấp nhận cả tuyệt giao. Đây là điểm khác biệt căn bản so với lá bài chiến tranh thương mại chỉ vì mục đích dành lợi thế về kinh tế.
4. Nhật Bản chấp nhận tháo lui hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc. Australia cũng ý thức rõ không thể nhân nhượng song phương với Trung Quốc - sẵn sàng cho trường hợp triệt thoái. Ấn Độ cũng đã sẵn sàng cho một sắp xếp mới.
5. Cả thế giới chấp nhận sắp xếp lại thị trường cho trường hợp không có Trung Quốc. Một cơ cấu kinh tế toàn cầu mới đang được hình thành với nhân tố Trung Quốc được đưa về đúng giá trị.
6. Nói như vậy không phải là Trung Quốc hoàn toàn rời khỏi cuộc chơi trên bàn cờ mới. Chính thể CHND Trung Hoa sẽ tan biến, nhưng Trung Quốc vẫn tồn tại và hiển diện như một nhân tố quốc tế quan trọng. Chỉ có điều trong một luật chơi mới với vai trò phù hợp.
III. THUẬN LỢI LỊCH SỬ CHO MỘT VAI TRÒ LỚN HƠN CỦA VIỆT NAM
Nếu trước đây, một mình Việt Nam triệt thoái khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là điều rất khó khăn. Nhưng nay cả thế giới cùng lúc triệt thoái khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì đó là điều kiện vô cùng thuận lợi cho Việt Nam. Khẳng định đây là điều kiện thuận lợi lịch sử chưa bao giờ có. Việt Nam không đơn phương trong sắp sếp lại thị trường.
1. Thế giới, cụ thể là Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và một số nước khác, sẽ có khoảng thị trường trống trước đây được cung cấp từ Trung Quốc - thì nay sẽ là cơ hội cho Việt Nam trở thành nhà cung cấp. Khoảng trống này rất rộng lớn, vượt quá khả năng cung cấp của Việt Nam. Rời bỏ thị trường Trung Quốc, Việt Nam không phải lo lắng về thị trường tiêu thụ như trước đây nếu chỉ một mình Việt Nam rời bỏ thị trường Trung Quốc.
2. Tự Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản cũng phải chủ động tìm nhà cung cấp thay thế cho các nhà cung cấp từ Trung Quốc. Như vậy Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản không chỉ mở cửa chào đón mà còn phải chủ động tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam, miễn là Việt Nam đáp ứng đúng tiêu chuẩn và đúng nhu cầu. Đây là quan hệ hai chiều vô cùng thuận lợi.
3. Đến lượt mình, Việt Nam trở thành một thị trường mới thay thế một phần thị trường Trung Quốc cho Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản. Như vậy Việt Nam có cơ hội không chỉ là thị trường tiêu thụ, mà Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản sẽ trở thành các nhà cung cấp cho Việt Nam, thế chân cho các nhà cung cấp từ Trung Quốc.
4. Đây thực sự là cơ hội lớn để Việt Nam có được những nhà cung cấp hàng hóa chất lượng cao, được tiếp cận với công nghệ tiên tiến, ít độc hại. Từ đó sản xuất được những sản phẩm chất lượng tiêu chuẩn Âu - Mỹ - Nhật. Ở mặt khác, đây còn là thời cơ lớn để người Việt Nam được tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao từ Âu – Mỹ - Nhật.
5. Không những thoát khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc, mà quan trọng hơn, là cơ hội chưa bao giờ có để Việt Nam thoát khỏi giai tầng công nghệ hàng hóa chất lượng kém mà bước lên một bằng công nghệ cao mới, ở cả 2 mặt, sản xuất và tiêu dùng. Đây chính là thời cơ để Việt Nam bước vào hàng ngũ các nước công nghệ phát triển.
6. Việt Nam, chưa bao giờ như bây giờ, đang có cơ hội mở cánh cửa để được tham gia giữ một vai trò cùng với “Bộ tứ kim cương” – Mỹ Nhật Ấn Úc trên bàn cờ địa chính trị Ấn Độ - Thái Bình Dương. “Bộ tứ kim cương” là nhân tố số 1 trong bàn cờ địa chính trị Ấn Độ - Thái Bình Dương. “Bộ tứ kim cương” quả thật đang cần có thêm một người chơi là Việt Nam ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
7. Việt Nam, cũng chưa bao giờ, có một cơ hội như bây giờ sau covid 19, để bước lên một mặt bằng quan hệ mới với Châu Âu. Châu Âu đã nhận ra các quái tật trong quan hệ với Trung Quốc. Sự thay đổi quan hệ của Châu Âu với Trung Quốc sau covid 19 sẽ có tác động dịch chuyển mạnh mẽ lên quan hệ Châu Âu với Việt Nam. Châu Âu với hạt nhân EU - luôn là một trụ cột quan trọng bậc nhất của tiến bộ nhân loại. Việt Nam luôn phải lấy EU làm một trụ cột xây dựng quan hệ trong suốt tiến trình phát triển.
8. Cũng chưa bao giờ, Việt Nam có cơ hội rộng mở bước lên bậc thang mới trong quan hệ với siêu cường số 1 thế giới là Hoa Kỳ - như sau dịch bệnh covid 19. Sự thay đổi quyết liệt của Hoa Kỳ trong quan hệ với Trung Quốc tạo nên một chấn động dịch chuyển quan hệ Hoa Kỳ với các nước - trong đó có Việt Nam. Vấn đề nằm ở chỗ, Việt Nam biết di chuyển đến vị trí nào vào lúc cả bản cờ đang di chuyển.
9. Cũng chưa bao giờ, Việt Nam có cơ hội xây dựng mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc như sau dịch covid 19. Không phải Việt Nam cắt đứt với thị trường Trung Quốc, mà Việt Nam lập lại sự bình đẳng trong quan hệ với thị trường Trung Quốc. Hiểu đúng nghĩa cả thị trường hàng hóa lẫn thị trường chính trị.
10. Sau dịch covid 19, cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao quan hệ với Nga, Hàn Quốc, khối Asean, Canada, Israel và nhiều nước khác nữa.
IV. CÓ LỢI CHO CHÍNH TRUNG QUỐC
Không phải triệt thoái khỏi Trung Quốc là bài xích Trung Quốc. Cũng không phải triệt thoái khỏi Trung Quốc là Trung Quốc sụp đổ. Sự triệt thoái khỏi Trung Quốc thực chất là lập lại một sự cân bằng sòng phẳng mới. Sự cân bằng sòng phẳng mới này có lợi cho chính Trung Quốc.
1. Trong một thời gian dài nhiều thập niên, nước CHND Trung Hoa đã chơi một trò chơi gian lận với thế giới. Ăn cắp bí mật công nghệ. Ăn cắp bản quyền. Nhái công nghệ. Nhái hàng hóa… Dựa trên tất cả những điều đó, Trung Quốc đã chiếm đoạt lợi thế thương mại, kiếm lời kếch sù từ gian lận. Trung Quốc liên tục trong nhiều năm, nhờ sự không sòng phẳng mà có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
2. Nhờ những điều gian lận, nhất là ăn cắp bí mật quân sự, Trung Quốc nhanh chóng trở thành siêu cường. Nhưng sức mạnh siêu cường của Trung Quốc được đặt trong bàn tay cai trị của chính quyền Bắc Kinh đã trở thành hiểm họa cho thế giới và cho chính nhân dân Trung Quốc.
Trung Quốc lợi dụng sự lớn mạnh về quân sự để bành trướng ở Biển Đông Nam Á. Trung Quốc lợi dụng sự lớn mạnh kinh tế để đi chiếm đoạt các dự án kinh tế ở các nước rồi biến thành lãnh thổ trá hình của Trung Quốc. Trung Quốc lợi dụng sự lớn mạnh kinh tế để cho vay, đưa các nước nghèo vào quỹ đạo khống chế, biến thành phụ thuộc… Tóm lại CHND Trung Hoa sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để bành trướng sự thống trị cả thế giới.
3. Sự bừng tỉnh của thế giới trong quan hệ với CHND Trung Hoa đưa đến một cấu trúc quan hệ mới. Trong đó Trung Quốc buộc phải chơi một trò chơi sòng phẳng. Nó thúc đẩy sự sáng tạo ngay chính trong Trung Quốc thay cho trộm cắp sáng chế. Nó thúc đẩy Trung Quốc sản xuất hàng chất lượng cao thay vì hàng nhái hàng giả. Nó làm cho Trung Quốc lương thiện hơn. Nó làm cho thế giới bớt kỳ thị Trung Quốc.
4. Triệt thoái sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của thế giới sẽ làm lao đao chính quyền Trung cộng – dẫn đến sự cáo chung. Sẽ đến thời điểm Trung cộng được thay thế bởi một Trung Quốc mới - với vị trí tương ứng trên trường quốc tế.
5. Nhân dân Trung Quốc không cần sự giàu có nhờ ăn cắp. Nhân dân Trung Quốc không cần sự rộng lớn nhờ cướp đoạt lãnh thổ. Nhân dân Trung Quốc thừa khả năng đưa Trung Quốc thành cường quốc có vai trò lớn trên thế giới trong một cuộc chơi sòng phẳng.
V. ĐỪNG BỎ LỠ CƠ HỘI
Cứ mỗi lần Trung Quốc đóng cửa biên giới là Việt Nam lao đao. Việt Nam đã ngàn lần lao đao vì Trung Quốc mà vẫn chưa thức tỉnh.
Con virus corona nhỏ nhoi từ Vũ Hán đang làm cho các quốc gia khổng lồ trên thế giới phải lao đao. Điều khác biệt với Việt Nam - là các quốc gia này sực tỉnh mà quyết tâm rời bỏ Trung Quốc.
Một cuộc triệt thoái khỏi sự ảnh hưởng toàn diện của Trung Quốc trên toàn thế giới đã khởi động. Việt Nam sẽ ‘Vươn vai Thánh gióng’ nếu biết cuốn mình theo cơn bão thoát Trung Quốc của toàn nhân loại. Cuộc sinh thành nào cũng khốc liệt.
Muốn bùng phát kinh tế sau covid 19 hãy bắt đầu bằng cuộc triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc cùng nhân loại. Không phải cắt đứt, mà xóa bỏ sự mất cân bằng. Tài năng của lãnh đạo được kiểm nghiệm chính là vào thời điểm gãy khúc của lịch sử.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Rò rỉ dữ liệu của Học viện Quân sự Trung Quốc cho thấy có 640.000 người nhiễm dịch, gấp 6 lần số công bố


Rò rỉ dữ liệu của Học viện Quân sự Trung Quốc cho thấy có 640.000 người nhiễm dịch, gấp 6 lần số công bố
Ảnh chụp màn hình trang web của của Đại học Quốc phòng ĐCSTQ. (Ảnh: Foreign Policy)
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị nghi ngờ che giấu dịch bệnh nghiêm trọng trong nước. Gần đây, truyền thông Hoa Kỳ đã tiết lộ bản đồ dữ liệu lớn về tình hình dịch bệnh của Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc phòng, trong đó phát hiện có hơn 640.000 ca nhiễm dịch ở trên khắp 230 thành thị cả nước Trung Quốc. Hơn nữa, đây mới là dữ liệu thống kê chưa đầy đủ.
Vào ngày 13/5, Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Hoa Kỳ công bố dữ liệu nghi ngờ là "tham chiếu nội bộ" của ĐCSTQ do một người đưa tin ẩn danh cung cấp. Dữ liệu được Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc phòng ở Trường Sa, Trung Quốc làm ra. Trường này thuộc Quân ủy Trung ương của ĐCSTQ. Cơ sở dữ liệu này đã được tích hợp vào bản đồ trang web có tên "Dữ liệu lớn chống dịch để quay trở lại làm việc" (URL: https://www.nudtdata.com.cn/). Mặc dù bản đồ để công khai, nhưng nó không được biết đến rộng rãi.
Theo Foreign Policy mặc dù dữ liệu không toàn diện, nhưng nó rất phong phú, bao gồm hơn 640.000 thông tin cập nhật phủ rộng tới ít nhất 230 thành phố. Nói cách khác, có hơn 640.000 thông tin hiển thị số trường hợp bệnh nhân với địa điểm cụ thể. Mỗi dữ liệu cập nhật đều có vĩ độ, kinh độ của vị trí và số trường hợp được xác nhận nhiễm dịch trong khoảng thời gian từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4.
Vào ngày 15/5, trang UP Media của Đài Loan đã kiểm tra trang web trên, khi phóng to bản đồ dữ liệu có thể thấy dữ liệu tình hình dịch bệnh của mỗi tiểu khu, bao gồm số ca chẩn đoán, số ca nghi nhiễm, số ca tử vong, số ca được chữa khỏi và số ca nhiễm bệnh không triệu chứng... Tuy nhiên, khi nhấp vào hàng trăm ký hiệu dịch bệnh trên bản đồ đều không cho thấy "số ca tử vong". Ngoài ra, có nhiều địa điểm chỉ hiển thị "đã từng có dịch", nhưng không có số liệu ca nhiễm cụ thể.
Dữ liệu dịch bệnh trên bản đồ có thể hiển thị chính xác từng tiểu khu. (UP Media lấy từ bản đồ trang web "Dữ liệu lớn về chống dịch để trở lại làm việc")
Nhiều địa điểm chỉ hiển thị "đã từng có dịch" mà không có dữ liệu. (UP Media lấy từ bản đồ trang web "Dữ liệu lớn về chống dịch để trở lại làm việc")
Góc dưới bên trái của bản đồ hiển thị nhóm nghiên cứu, phát triển và đơn vị sản xuất của cơ sở dữ liệu, đồng thời tuyên bố rằng bản đồ đã thu thập thông tin từ nhiều tỉnh và ủy ban xây y tế thành phố, Tencent và các kênh khác, nhưng cho biết không đảm bảo dữ liệu là hoàn toàn chính xác.
Hiện tại, các phóng viên NTDTV đã cố gắng truy cập bản đồ và phát hiện trang web không thể mở được.
Trên bản đồ vẫn hiển thị số ca chẩn đoán được xác nhận tại các tỉnh do ĐCSTQ thông báo chính thức. Tuy nhiên, hơn 640.000 dữ liệu cập nhật cho thấy dữ liệu này lớn hơn nhiều so với số liệu thông báo chính thức. Mặc dù 640.000 thông tin cập nhật không thể hiện chính xác là 640.000 trường hợp được xác nhận, nhưng chúng cũng phản ánh một phần dữ liệu ca lây nhiễm thực sự.
Bản đồ vẫn hiển thị dữ liệu chính thức được công bố (Up Media lấy từ bản đồ trang web "Dữ liệu lớn chống dịch để quay trở lại làm việc")
Trên bản đồ có nhiều ký hiệu ‘đã từng có dịch’, cho thấy cơ sở dữ liệu vẫn chưa thống kê hoàn toàn số liệu các ca được xác nhận nhiễm dịch. Hơn nữa, cái gọi là "người nhiễm bệnh không triệu chứng" (dương tính nhưng không có triệu chứng) không được đưa vào dữ liệu công bố chính thức của ĐCSTQ. Vì vậy, có thể phán đoán số ca nhiễm bệnh thực tế ở Trung Quốc lớn hơn nhiều so với dữ liệu 640.000 này.
Vào cuối tháng 3, các cố vấn khoa học của Anh đã thông báo cho Thủ tướng Johnson rằng số ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc đã bị ĐCSTQ che giấu và làm giảm đi từ 15 đến 40 lần. Nói cách khác, dựa trên 80.000 chẩn đoán được xác nhận mà ĐCSTQ công bố tại thời điểm đó, số ca nhiễm bệnh thực tế ở Trung Quốc là từ 1,2 triệu đến 3,2 triệu. Và đây mới chỉ là một ước tính cho tháng Ba.
Minh Thanh / Theo NTDTV



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Có những “bên thua cuộc” khác


Thế giới là cuộc cờ vĩ đại mà các cường quốc thường là những tay “chơi cờ độn nước”. Kẻ thức thời nên biết chọn loại cờ nào. “Ai cho kén chọn vàng thau tại mình”. Cờ Tàu, tốt muôn đời vẫn là con tốt, kể cả khi nó chiếu được tướng. Cờ Tây, chơi đến tận hàng cuối, tốt có thể về hậu. Nhưng cờ Tây thì phải đi với nhau đến tận cùng mới có kết quả. Phải biết gắn mình vào thế trận chung với các quân cờ khác, dù đó là vua hay hậu, tượng, xe, để đi đến thắng lợi.
Hệ tư tưởng trong chiến tranh Việt Nam nhiều khi chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Ta – Tây – Tàu, giữa đồng chí cùng “phe” vẫn thấu thị được bản chất các sáo ngữ. Sau chiến tranh, những tưởng ý thức hệ hết chỗ đứng. Nhưng không! Cứ mỗi thập kỷ qua đi, dưới lá bài “cùng chung vận mệnh”, một dạng hệ tư tưởng trá hình, Bắc Kinh lại đạt được những bước tiến mới trên con đường độc chiếm Biển Đông và bành trướng xuống Đông Nam Á. Cái “vỏ” bốn tốt và mười sáu chữ vàng liệu có cứu được Việt Nam thoát khỏi cuộc xung đột mới trên đất liền hoặc ở tận mãi ngoài các đảo xa?
“Ông Liên Xô bà Trung Quốc…”
45 năm về trước, ngày 15/5/1975, tại một cuộc mit-tinh lớn ở Hà Nội, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định, thắng lợi từ cuộc kháng chiến của Việt Nam “cũng là thắng lợi của các lực lượng xã hội chủ nghĩa”. Mặc dầu tuyên bố thế, nhưng vốn “đi guốc trong bụng” Trung Quốc và Liên Xô nên ông Lê Duẩn biết rất rõ, 30/4/1975 chính là ngày mà ý chí độc lập của người Việt đã cho “đo ván” những kẻ muốn lợi dụng ý thức hệ để chia cắt đất nước, đẩy dân tộc Việt Nam vào cuộc phân tranh dai dẳng.
Chỉ cần “soi” các mục tiêu sâu xa của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc suốt thời kỳ chiến tranh, có thể thấy anh Cả lẫn anh Hai hẫng hụt như thế nào trước các hiệu ứng ngày 30/4/1975. Bắc Kinh từ 1954 bằng mọi cách đã thao túng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, với mục tiêu kéo dài, nếu có thể thì vĩnh viễn, chia cắt giải đất hình chữ S, biến nó thành khu đệm để Trung Quốc làm quân bài ngã giá với Mỹ hay cạnh tranh với Liên Xô. Mục tiêu xa hơn nữa là trong quá trình “chống lưng” cho Việt Nam và các lực lượng cộng sản châu Á, Trung Quốc luôn luôn rắp tâm dọn đường để đưa hàng triệu nông dân từ đại lục tràn ngập lãnh thổ Đông Nam Á.
Liên Xô, khiêm tốn hơn, chẳng có tham vọng lãnh thổ hay di dân. Tuy nhiên, khi đấu tranh võ trang ở miền Nam có dấu hiệu mạnh lên, lo sợ ảnh hưởng đến đường lối “chung sống hoà bình”, Mátxcơva đã đe Hà Nội chớ giải phóng nửa nước bằng con đường bạo lực! “Đốm lửa” ấy có thể thiêu rụi cả “cánh đồng” cách mạng. Đấy cũng là căn nguyên của cuộc sát phạt “xét đi… xét lại” gây báo tang thương cho một bộ phận tinh hoa trong nội bộ cộng sản Việt Nam. Nhưng với diễn tiến các sự kiện, về sau Mátxcơva đã lần lượt cho hàng loạt đoàn tàu chở đầy ắp các thiết bị và khí tài quân sự sang Hà Nội để viện trợ cho chiến trường.
Một mặt, Liên Xô dùng Việt Nam kềm chân Mỹ, để bản thân được rảnh tay ở trời Âu, đối phó với cả Tây lẫn Đông Âu. Mặt khác, muốn “làm le” với thế giới về sức mạnh của ba dòng thác, dùng cuộc kháng chiến của Việt Nam để khuếch trương thanh thế với tư cách là “thành trì của cách mạng thế giới”. Bên tung bên hứng! Về phần mình, Việt Nam cũng tự nhận đất nước là nơi tập trung các mâu thuẫn thời đại, cho nên “nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ vui gì hơn làm người lính đi đầu/ trong đêm tối, tim ta thành ngọn lửa!” (Tố Hữu).
Tuy nhiên, “soi” từ cấp độ đại chiến lược, các đế chế như Trung Hoa hay Xô Viết ít khi chịu làm tù binh cho bất cứ một phương án duy nhất nào. Họ bao giờ cũng chuẩn bị nhiều con bài trong tay cùng một lúc. Nếu cho rằng cả Bắc Kinh lẫn Mátxcơva cũng đều lãnh đủ như các “bên thua cuộc” khác với hệ quả không đảo ngược thì quả là không đúng. Ngay cả trước năm 1975, khi chủ trương ép Việt Nam đánh Mỹ theo tiến độ riêng của mỗi nước thất bại, Trung Quốc và Liên Xô vẫn gây cho Việt Nam một số khó khăn.
Lịch sử ghi lại hai sự kiện ngoại giao chấn động: chuyến thăm Bắc Kinh (tháng 2/1972) và Mátxcơva (tháng 5/1972) của tổng thống Richard Nixon. Nixon đến Trung Quốc, dù lúc bấy giờ giữa hai nước chưa có quan hệ ngoại giao, nhằm ép Hà Nội ký một hiệp ước hòa bình có lợi cho Mỹ. Nixon hy vọng, sự xích lại gần nhau giữa Mỹ với hai đồng minh hàng đầu của Hà Nội sẽ khiến cho Bắc Việt Nam nhượng bộ trong các cuộc hoà đàm Paris. Nhất là về cuối, lãnh đạo Liên Xô bắn thông điệp muốn Việt Nam kết thúc cuộc chiến tranh tỏ ra tốn kém đối với đất nước này.
Tự nhận là “NATO phương Đông”
Ngày 15/5/1975, trong khi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn từ Hà Nội đang nhiệt liệt gửi đến nhân dân Camphuchia anh em – bạn chiến đấu cùng chiến hào – “lòng biết ơn vô hạn và tình đoàn kết sắt son”, thì một số đơn vị bộ đội Việt Nam, với súng AK và ba lô con cóc, chỉ sau có một bữa trưa duy nhất liên hoan mừng thắng lợi (đúng trưa 15/5), đã lại lên đường ra tiền tuyến, giáp chiến với Khmer Đỏ đang say máu “cáp Duồn” (chặt đầu người Việt) ngay tại các tỉnh trên biên giới Tây Nam.
Nhưng cũng gần 4 năm sau thời điểm ấy, chiều 11/4/1979, đại sứ Trung Quốc bên cạnh “Khmer Dân chủ” quần áo nhếch nhác bẩn thỉu, nước mắt đầm đìa, đã cùng với bảy đồng nghiệp, nuốt hận đào tẩu qua đất Thái Lan. Lần đầu tiên, đại diện của một vương triều trung tâm (Trung Quốc) buộc phải rút khỏi vùng đất chư hầu (Campuchia). Bỉnh bút Naya Chanda trong tác phẩm “Vietnam’s Invasion of Cambodia, Revisited” đã mô tả khoảnh khắc 41 năm về trước, khi các cố vấn Trung Quốc buộc phải lang thang trong rừng già Campuchia suốt 61 ngày, ngủ trong các lều lợp cỏ tranh, ăn đồ hộp trên đường tháo chạy.
Tuy nhiên, mẻ lưới lớn trước đó Trung Quốc đã “cất” được vào tháng 10/1971 là thay thế Trung Hoa Dân quốc nắm giữ chiếc ghế hội viên thường trực tại HĐBA/LHQ. Trung Quốc trở thành một trong những trung tâm quyền lực có tiếng nói và ảnh hưởng trên vũ đài thế giới. Bắc Kinh còn tự xưng là “NATO phương Đông”, khi Đặng Tiểu Bình sang tận Mỹ để tìm kiếm nguồn đầu tư cho nền kinh tế đang yếu kém của mình. Sau thời điểm đó, Trung Quốc trắng trợn cưỡng chiếm biển đảo của Việt Nam, mở các gọng kìm trên mặt trận Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm chảy máu Việt Nam suốt hơn 10 năm ở Campuchia…
Nếu giải ảo sâu hơn các động lực chiến lược, trước khi cuộc chiến kết thúc, Trung Quốc đã chuyển chính sách trên đại cục cũng như trong quan hệ với Việt Nam. Tiên liệu được kết quả của chiến tranh, Trung Quốc nhanh chóng triển khai ngay những quân bài mới. Trước lúc Dương Văn Minh gặp đại diện “bên thắng cuộc”, Trung Quốc đã cho người bắt liên lạc, động viên “Big Minh” cầm cự, hứa sẽ đổ quân tiếp viện, giúp Sài Gòn dựng chính quyền mới ở miền Tây Nam bộ.
Sự thật hắc ám nói trên không chỉ được biết đến qua tiết lộ của Dương Văn Minh, mà còn qua nhiều phản ứng cấp thời, cả công khai lẫn bí mật, của ban lãnh đạo Ba Đình. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch từng nhận xét, trong quá trình điều chính sách, Trung Quốc đổi đồng minh như thay đồ lót. Một trong những thay đổi lớn hồi bấy giờ chính là “cái bẫy” mang tên Khmer Đỏ mà Trung Quốc đã dựng ra trước đấy để hiện thực hoá mưu đồ, không chia cắt được thì tiếp tục làm cho Việt Nam “chảy máu”.
Vậy là thời kỳ khoác áo ý thức hệ như những anh em đồng chí giữa Hà Nội và Phnom Penh dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh chấm dứt. Chiến lược lợi dụng hệ tư tưởng lúc bấy giờ không còn tác dụng. Cùng khi ấy, chính sách dùng Việt Nam tiêu hao “đế quốc Mỹ”, để Liên Xô tạo thế cân bằng vũ khí chiến lược trên toàn cầu cũng “cuốn theo chiều gió”. Nghiêm trọng hơn, giai đoạn liền kề, Liên Xô ngày càng mắc phải mưu sâu kế hiểm, rơi vào vòng xoáy của chiến tranh lạnh và bị kiệt sức trong cuộc chiến tranh giữa các vì sao.
Tuy nhiên, do bất an trước các mối hiểm hoạ thường trực của Trung Quốc, chỉ sau cột mốc 30/4/1975 ba năm, vào ngày 3/11/1978, Hà Nội đã ký với Mátxcơva “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác”. Hiệp ước là một văn kiện “có ý nghĩa chính trị xuất sắc” (lời Tổng Bí thư Brejnev). Nhưng chính văn kiện xuất sắc ấy đã cung cấp như một cái cớ để Trung Quốc “dạy cho Việt Nam bài học”. Điều này cho thấy “lá nho” ý thức hệ không chỉ bị xung đột Xô – Trung chôn vùi dưới lòng sông Ussuri năm 1969, mà tình đoàn kết Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Trung Quốc cũng bị tan thành mây khói trong các trận đánh đẫm máu trên chiến trường biên giới Tây Nam (1979) và chiến tranh biên giới phía Bắc (từ 1979 đến 1989).
Liên Xô – Bên thua cuộc kép
Trên thực tế, Liên Xô đã phải gánh chịu một tình huống “thua cuộc kép”. Chiến tranh kết thúc đã tước mất “cái bẫy để kìm chân Mỹ”, đồng thời Mátxcơva không đủ lực để bảo vệ Hà Nội khỏi sự trừng phạt của Bắc Kinh. Trong khi ấy, khủng hoảng về kinh tế – xã hội trên đất nước Xô viết ngày càng bộc lộ rõ. Việt Nam và Liên Xô không thể tiếp tục thực thi bản Hiệp ước như cũ. Trên một số lĩnh vực, hợp tác song phương bắt đầu có nhiều dấu hiệu suy giảm. Mátxcơva cắt dần viện trợ cho Hà Nội.
Thậm chí, đế chế Xô Viết lại dấn bước trên “con đường đau khổ” mới. Liên Xô tiếp tục bị “toang” ở Đông Âu. Để tranh thủ Trung Quốc, Mátxcơva đành phải gây sức ép buộc Hà Nội sớm đưa ra một thời gian biểu rút quân triệt để và dứt khoát khỏi Campuchia. Tình trạng “thua cuộc kép” này của CCCP và sự tụt giảm trong các mối quan hệ Việt – Xô kéo dài cho đến khi Liên Xô và cả hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ hoàn toàn vào năm 1991. Và cái kết cục bi thảm của “tấn trò đời” ý thức hệ lần này cũng chính là sự tiếp nối các tình tiết “sông Ussuri 1969” và “Mekong 1979” mà thôi.
Như vậy, ý thức hệ thực ra đã chết trong các cuộc đánh nhau giữa Liên Xô với Trung Quốc, Việt Nam với Campuchia, Trung Quốc với Việt Nam. Nhưng chủ nghĩa dân tộc – câu chuyện ngàn năm ấy – bao giờ cũng mới và có sức sống mãnh liệt. Vấn đề được thua trong mọi cuộc xung đột chỉ mang ý nghĩa tương đối. “Trong mọi cuộc chiến tranh bất kể bên nào thắng thì nhân dân đều bại”. Nguyễn Duy đã đúng! Chỉ có người Việt, từ cả hai chiến tuyến, chịu mất mát và khổ đau. Còn các ông lớn – Mỹ, Liên Xô hay Trung Quốc – họ đều tính lỗ lãi theo hệ giá trị riêng của mỗi bên liên quan đến cuộc chiến. Các cuộc chiến tranh Đông Dương không phải là ngoại lệ.
Điều lạ lẫm là ngay cả khi Trung Quốc và Liên Xô đã sớm gạt bỏ vai trò bung xung của hệ tư tưởng để đi vào “bốn hiện đại hoá” (1976) và “перестройка” (cải tổ, 1986), thì lãnh đạo Việt Nam, tuy đã giương ngọn cờ “đổi mới” (1986) nhưng vẫn kiên định chủ nghĩa quốc tế vô sản, vẫn gắn “độc lập dân tộc” với “chủ nghĩa xã hội”. Bắc Kinh hẳn nhiên đã lợi dụng và gây sức ép tối đa qua các chủ trương nửa vời này (appeasement), buộc Hà Nội đi vào hội nghị Thành Đô (9/1990), để lại những hệ luỵ về sự can dự của Trung Quốc đối với hậu trường chính trị Việt Nam cho mãi tới tận hôm nay.
Theo “Địa-chính trị trong chiến tranh Việt Nam” của James Burnham, chuyên gia phân tích từ Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), tiền thân của Cục Tình báo Mỹ CIA, lịch sử dường như lặp lại một vòng tròn định mệnh. Trong một báo cáo đề ngày 20/11/1964, Burnham nhận xét: “Cuộc chiến tại Việt Nam không phải là vấn đề địa phương, vấn đề cục bộ. Đó là một chiến trường quan trọng trong cuộc tranh giành châu Á, Tây Thái Bình Dương và Biển Đông”.
Hơn nửa thế kỷ, Biển Đông giờ đây lại dậy sóng dữ. Nhưng lần này, “các vai diễn” thay đổi và lời tiên đoán năm xưa của Kissinger (Việt Nam sẽ phải nhờ Mỹ để xử lý mối bang giao với Trung Quốc) dường như được chứng nghiệm. Covid-19 đảo lộn nhiều thứ, nhưng có một thứ bất biến. Đó là mâu thuẫn Trung – Mỹ sau đại dịch sẽ không thuyên giảm, thậm chí nhiều chuyên gia đánh giá một cuộc chiến tranh thế giới mới, mang tính tổng lực đã/đang diễn ra trên thực tế. Tình trạng Washington và Bắc Kinh nặng lời công kích và tiến hành trả đũa lẫn nhau trên mọi phương diện đang truyền đi những tín hiệu báo động đến hầu hết các chuyên gia về an ninh quốc tế.
Nói bang giao Việt – Mỹ quan trọng, nhưng nó luôn quan trọng vì nhân tố thứ ba là nhìn nhận từ cái lăng kính địa-chính trị nghiệt ngã nói trên. Hiện nay, cuộc cờ khu vực/thế giới ngả theo hướng: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và châu Âu đều đang trải qua những biến động dữ dội, khôn lường qua đại dịch Vũ Hán. Mỹ và Trung Quốc đều đang cố gắng khai thác tối đa thất bại của phía bên kia để phục vụ cho lợi ích đối nội, đối ngoại. Các nước đều đang khai triển những bước khác nhau nhưng cùng chuẩn bị cho một cuộc thư hùng mới trong tương lai.
Mỹ Trung giành nhau “chiếu trên” để tái định hình trật tự thế giới, Liên bang Nga (tuy GDP chưa bằng Italy, chỉ ngang một tỉnh lớn của Trung Quốc) vẫn mơ “giấc mơ” của Liên Xô cũ về tầm ảnh hưởng ở Á – Âu. Nói lại câu chuyện “ông Liên Xô bà Trung Quốc/ ông đi guốc bà đi giầy…” trên bối cảnh này là để làm nổi bật cái minh triết của người dân Việt, cái hằng số bất di bất dịch trong bang giao quốc tế. Mọi quốc gia trên đời, lúc nào và bao giờ cũng hành động xuất phát từ lợi ích quốc gia – dân tộc. Mọi mỹ từ vàng son hay có cánh đều chỉ để che đậy cái thực tế nghiệt ngã bên trong.
“Vỏ” ý thức hệ, “ruột” Đại Hán
Thật ra từ năm 1968, nhà tình báo vĩ đại Phạm Xuân Ẩn, trong một báo cáo mật gửi về Trung tâm, đã thể hiện tầm nhìn sáng suốt của mình khi ông phân tích: “Cuộc đấu tranh chống Mỹ là trước mắt và có thời gian, nhưng kẻ thù nguy hiểm và lâu dài nhất sau này của Việt Nam chính là Trung Quốc, chứ không phải là Mỹ”. Xin được nhắc lại là từ 1968, con người có tên như cuộc đời ấy đã khẳng định như thế. Không rõ, văn phòng giúp việc các Tổng bí thư ĐCSVN sau này, có sao lưu bức điện với nội dung chiến lược quan trọng ấy cho các thế hệ lãnh đạo sau 1990?
Nhiều nhà nghiên cứu khác trong và ngoài nước cũng đều nhấn mạnh đến cái gọng kìm địa-chính trị của Trung Quốc đối với Việt Nam là vấn nạn thiên thu, dù dưới màu sắc ý thức hệ như thời chiến tranh hay là tham vọng Đại Hán như ngày nay. Và vị thế địa chính-trị ấy cũng lại là con dao hai lưỡi, nó có thể giúp đất nước vươn lên, nhưng cũng có thể đẩy lùi một Việt Nam loay hoay giữa ngã ba đường vào thời kỳ Bắc thuộc mới và kéo dài như sinh thời ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo.
Trong công hàm gần đây nhất ngày 17/4/2020 gửi Tổng thư ký LHQ, Trung Quốc đã “cương quyết yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và vật dụng trên các đảo và đá ở Trường Sa”. Rõ ràng, giải pháp đối với Việt Nam lúc này là phải sớm hội nhập vào không gian Ấn Thái Dương tự do và rộng mở (FOIP) để huy động bằng được sức mạnh toàn diện của dân tộc và của quốc tế. Khó có thể tin rằng sự giàn xếp sau hậu trường giữa hai đảng cộng sản về “kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội” hay “vận mệnh tương thông, văn hoá tương đồng” có thể làm thay đổi chính sách “sát ván” của Bắc Kinh đối với Hà Nội.
Càng để lâu tình hình bất định như hiện nay, Việt Nam càng tiếp tục bị Trung Quốc lợi dụng, thế giới hiểu nhầm. Trung Quốc đang gấp rút biến các đảo cưỡng chiếm thành chuỗi căn cứ giúp họ có đủ sức mạnh để cấm đoán tàu bè qua lại. Bắc Kinh hoàn toàn phớt lờ các phản kháng của Hà Nội, khiến cho sự chia rẽ trong nội bộ Việt Nam ngày càng sâu sắc.
Thế giới là bàn cờ vĩ đại mà các cường quốc thường là những tay “chơi cờ độn nước”. Việt Nam muốn hay không cũng đang trong bàn cờ chung ấy. Vấn đề là phải thức thời, biết chọn chơi loại cờ nào? “Còn như vào trước ra sau/ Ai cho kén chọn vàng thau tại mình” (Kiều của Nguyễn Du). Cờ Tàu, tốt muôn đời vẫn là con tốt, kể cả khi nó chiếu được tướng. Cờ Tây, chơi đến tận hàng cuối, tốt có thể về hậu. Việt Nam có cơ để trở thành một cường quốc tầm trung. Nhưng cờ Tây thì phải đi với nhau đến tận cùng mới có kết quả. Phải biết gắn mình vào thế trận chung với các quân cờ khác, dù đó là vua hay hậu, tượng, xe, để đi đến thắng lợi.
Có thể chia sẻ với TS. Đỗ Kim Thêm từ “Diễn đàn Thương mại và Phát triển LHQ” (UNCTAD): Tỉnh thức về thân phận của dân tộc là vấn đề kiến thức, xác định ý muốn để thay đổi là vấn đề của quyết tâm chính trị, vấn đề của sự chọn lựa! Chúng ta cùng giúp nhau tỉnh thức trong tình tự dân tộc. Đất nước đang đứng trước nguy cơ! Hy vọng, hồn thiêng sông núi vẫn phù hộ cho con dân nước Việt. Đất nước mỗi khi lâm nguy chắc chắn sẽ xuất hiện một Trần Nhân Tông hay một Lê Thánh Tông, kể cả nếu gốc gác là nông dân thì chí ít cũng phải có một khát vọng lớn như anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.
*
Sự hung hăng của Trung Quốc trong cuộc trường chinh “Nam tiến” ngày càng đặt Việt Nam trước tình thế không thể kéo dài mãi chính sách “lửng lơ con cá vàng”. Việt Nam không thể chần chừ giữa ngã ba đường. Người dân sau đại dịch đang kỳ vọng lãnh đạo sẽ chớp được thời cơ có một không hai hậu Covid-19 để hành động. Phải khắc phục ngay tình trạng không bình thường trong nội trị và ngoại giao. Bời những ai quan tâm đến thời cuộc đều lấy làm tiếc, vì niềm tin của quần chúng vừa mới le lói sau đại dịch nay lại đang mất dần qua phiên giám đốc thẩm về tử tù Hồ Duy Hải, hay xử sơ thẩm vụ người mẹ đơn thân đánh BOT Huệ Như.
Liệu cái khung khổ “cùng chung vận mệnh” có cứu Việt Nam thoát khỏi một cuộc xung đột mới do Trung Quốc gây ra trên đất liền hoặc ở tận mãi ngoài các đảo xa? Liệu lời kêu gọi phải bám chặt lấy thị trường Trung Quốc để phát triển có khả thi, khi cả về trình độ marketing lẫn tiền bạc doanh nhân Việt vẫn còn dưới cơ các nhà buôn Tàu. Nhưng xử lý các vấn đề làm ăn với Trung Quốc như thế nào khi như chính các chuyên gia phải thừa nhận, chúng ta chưa có chủ nghĩa dân tộc về kinh tế? Các chuyên gia cảnh báo rằng, bối cảnh cả chính trị lẫn kinh tế hiện nay khác xa với năm 2000, nhất là giờ đây Trung Quốc đã chế ngự được Lào và Campuchia, khóa chặt lối ra bán đảo Đông Dương của Việt Nam./.
Đinh Hoàng Thắng / Viet-Studies.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

GIƯƠNG SÚNG TRÊN TẦNG CAO NGẮM BẮN NGƯỜI QUA ĐƯỜNG


Trần Xuân
Ngày 6 -5 -2020 vừa qua, công an Cầu Giấy và công an Hà Nội đã tiến hành bắt khẩn cấp Vũ Tấn Dũng 38 tuổi và Đặng Trần Đức 46 tuổi về tội nhiều lần dùng súng bắn chim đứng trên tầng cao ngắm bắn người dưới đường.
Theo lời khai ban đầu thì trong nhiều ngày qua chúng đã dùng súng hơi Bengian loại sát thương cao đứng trên tầng 14 chung cư Trung Hòa, Cầu Giấy thách đố nhau ngắm bắn người đi lại dưới đường để...mua vui (?!).
Đã có rất nhiều người dính đạn bị thương làm đơn trình báo công an, còn dân quanh đó thì rất hoang mang lo sợ. Hiện công an Hà Nội đã bắt giữ hai tên tội phạm nguy hiểm này, mở rộng điều tra, củng cố hồ sơ để truy tố trước pháp luật.
*** ***
Sự việc này làm chúng ta nhớ đến cách đây 2.700 năm ở nước Tấn thời Xuân Thu cũng xảy ra trường hợp tương tự.
Thế kỷ thứ 7 TCN Tấn Tương Công cho xây Đào Viên, hàng ngày đưa mỹ nữ, nhã nhạc đến yến ẩm, bắn chim. Vì có phường hát diễn trên đài nên dân chúng xúm xít quanh bốn góc vườn đứng xem. Một hôm Linh Công nổi hứng nói với Đồ Ngạn Giả :"Bắn chim không thú bằng bắn người. Ta cùng nhà ngươi thi bắn, ai bắn trúng mắt được giải nhất, bắn trượt bị phạt một đấu rượu ".Dứt lời, Linh Công bắn bên hữu, Ngạn Giả bên tả, nhiều người bị trúng tên kêu la, dẫm đạp lên nhau chạy tán loạn. Linh Công nổi giận truyền cho quân sĩ đồng loạt bắn ra như mưa làm nhiều người chết và bị thương, tiếng kêu khóc vang một góc trời. Linh Công khoái trá ném cung, cười ha hả, nói :"Ta chơi ở đây chưa hôm nào vui như hôm nay !"
Không thể ngồi nhìn một tên bạo chúa làm chủ đất nước, Tướng Triệu Xuyên đã phát động quân sĩ làm binh biến, giết chết Linh Công.
Tưởng trò tiêu khiển dùng cung bắn người man rợ có một không hai chỉ xảy ra một lần trong lịch sử loài người. Nào ngờ sau 27 thế kỷ sự việc ghê rợn này lại tái diễn ở Việt Nam, ngay giữa thủ đô Hà Nội. Chắc chắn hai tên côn đồ thủ ác Dũng và Đức tới đây cũng sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng.
Ảnh hai tội phạm Dũng và Đức

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nguyễn Văn Nghị từng được nhắc đến trong vụ Hồ Duy Hải là ai?


 Thứ năm, ngày 14/05/2020 13:32 PM (GMT+7)
Trong vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Nghị (trú huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) từng được xem là nghi phạm số 1. Tuy nhiên, sau đó cơ quan điều tra cho rằng, Nghị có tình tiết ngoại phạm nên được loại khỏi hồ sơ.
Phiên giám đốc thẩm xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải đã kết thúc nhiều ngày. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao.
Nguyễn Văn Nghị từng được nhắc đến trong vụ Hồ Duy Hải là ai? - Ảnh 1.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Đình Việt
Tuy nhiên, sau khi phiên giám đốc thẩm kết thúc, dư luận vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến vụ việc này. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đưa ra phán quyết chưa phù hợp về vụ án. Nhiều ý kiến khác lại tỏ ra đồng tình và cho rằng bản án đã thuyết phục, đúng người, đúng tội.
Đáng chú ý, trong các ý kiến tranh cãi, nhiều độc giả bày tỏ phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của người tên Nguyễn Văn Nghị. Vậy Nguyễn Văn Nghị là ai?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông tin ban đầu khi vụ án được phát hiện, Nguyễn Văn Nghị (quê xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) được xem là nghi phạm số 1 vì là bạn trai của một nạn nhân.
Ngày 15/1/2008, sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tiến hành lấy lời khai ba thanh niên quê ở tỉnh Vĩnh Long, tạm trú tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) do có mối quan hệ với hai nạn nhân bị giết tại Bưu điện Cầu Voi. Sau đó, cơ quan điều tra tiếp tục câu lưu một thanh niên được xác định là nghi can chính trong vụ án.
Bước đầu, cả ba thanh niên này đưa ra được chứng cứ ngoại phạm. Đối tượng đang bị câu lưu là Nguyễn Văn Nghị, ngụ tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), là bạn của ba thợ bạc tiệm vàng K.L, có dấu hiệu nghiện ma túy. Nghị là một trong hai bạn trai của nạn nhân N.T.A.H.
Vào đêm xảy ra vụ án 13/1/2008, người dân địa phương thấy Nghị đi xe máy đến Bưu điện Cầu Voi gặp hai nận nhân H. và V. Người dân địa phương còn miêu tả Nghị mặc quần jean, khoác bên ngoài chiếc áo gió rộng.
Ngay trong ngày 14/1/2008, sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã cử trinh sát đến tất cả những địa chỉ mà Nghị thường xuyên lui tới nhưng không gặp anh ta. Sau đó, cơ quan điều tra cử trinh sát mai phục tại nhà cha mẹ của Nghị ở Cai Lậy (Tiền Giang) đến nửa đêm thì nghi can xuất hiện, các trinh sát thực hiện biện pháp áp giải về cơ quan điều tra lấy lời khai.
Theo tin ban đầu, Nghị cố tình đưa ra chứng cứ ngoại phạm nhưng không có cơ sở thuyết phục nên cơ quan điều tra quyết định câu lưu để làm rõ.
Tuy nhiên, vài ngày sau, Nghị được cho về. Cơ quan điều tra cho rằng, Nghị có tình tiết ngoại phạm khi đưa ra nhân chứng xác định vào thời gian từ 20 giờ 10 ngày 13/1/2008 cùng bạn uống nước tại một quán cà phê tại thị trấn Cầu Voi.
Chủ quán cà phê cũng xác nhận điều này vì tối đó có một sự việc rất đặc biệt, lúc uống cà phê thì giữa Nghị và một thanh niên khác xảy ra tranh cãi về việc "nhìn đểu" khiến chủ quán phải can ngăn. Cáo trạng xác định vụ án xảy ra khoảng 20 giờ 30 và Nghị muốn giết người thì phải có mặt trước đó tại hiện trường.
Trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND Tối cao cũng đề cập, ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị không được điều tra làm rõ.
Trong suốt quá trình kêu oan cho con trai, mẹ của Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Loan cùng luật sư nhiều lần yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ vai trò của Nguyễn Văn Nghị nhưng không được xem xét.
Ngày 13/5/2020, PV Dân Việt có mặt tại xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để tìm thông tin về Nguyễn Văn Nghị nhưng người dân địa phương đều cho biết, sự việc đã xảy ra khá lâu nên không nhớ rõ.  
Trong khi đó, theo sổ dân cư lưu tại UBND xã Tân Hội cũng thể hiện, địa phương này không có ai tên Nguyễn Văn Nghị.
Cao Hùng - Đình Việt

Phần nhận xét hiển thị trên trang