Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

LUẬT PHÁP THỜI THỰC DÂN


Xứ Nam kỳ thì khỏi cần nói, được hưởng chế độ thuộc địa, còn Bắc kỳ thì sao :
Tờ “Pháp- Viện báo” số tháng 1/1932 có đăng trong mục “Án lệ” vài vụ án khá thú vị :
Bắt đánh bạc đêm tại Hà Nội : Cảnh sát ban đêm xông vào một nhà đang đánh bạc, bắt quả tang, thu giữ tang vật, các đương sự khai là đánh bạc nhưng “là anh em trong nhà tiêu khiển”. Sau khi xem xét tòa án phán quyết : cảnh sát đã xông vào nhà khi chưa có đủ các điều kiện mà pháp luật quy định như : Cảnh sát được phép vào khám xét bất cứ lúc nào nhưng phải có giấy trình báo của 2 nhân viên cảnh sát Pháp hoặc của công dân Pháp, hoặc dân bản xứ có căn cước đích xác khai báo và chứng minh rằng họ hoặc người nhà họ bị sòng bạc bóc lột. Vì thế tòa kêu trắng án, lời khai “anh em tiêu khiển” được coi là thật vì cuộc khám xét của cảnh sát là trái luật nên vô hiệu.
Vụ ông Ngô Đức V. kiện chính phủ Pháp và đòi đích thân Toàn quyền Đông Dương phải ra tòa, đòi phải bồi thường thiệt hại cho ông (khoảng gần 1.000 đồng Đông Dương) vì lỗi của một người lính khố đỏ tên là Nguyễn Hữu B. đã gây ra cho ông tại Đồng Đăng-Lạng Sơn.
Sơ thẩm phán quyết : “Chưa có tiền lệ và xử chính phủ Pháp phải do Tối cao pháp viện”.
Ông V. kháng cáo. Sau khi họp, Tòa án Cai trị đã bác bỏ phán quyết trên, chứng minh ông Ngô Đức V. có quyền kiện chính phủ Pháp, và chính phủ phải bồi thường cho ông V. vì người lính khố đỏ đang là đại diện cho chính phủ Pháp tại Đông Dương.
Vụ xử nhóm cộng sản Trần Xuân Soạn tội “âm mưu lật đổ chính quyền”, tội này rất nặng, từ 20 năm khổ sai đến tử hình.
Nhưng tòa đã không ghép họ vào “tội âm mưu” dù rất nhiều chứng cứ được sở mật thám đưa ra. Cuối cùng một số trắng án, một số bị tuyên án nhưng “không được quá 5 năm”.
Trộm nghĩ : Tòa ngày ấy mà xử như bây giờ với các luật kiểu 79,88, 258…thì nước Việt đã chẳng còn một mống cộng sản nào.
Cũng trong năm 1932, ngày 15/4 Khai giảng trường “Cao đẳng Pháp luật” tại Hà Nội, trong buổi lễ này viên Đốc học phát biểu có đoạn :
“ Các vị đại hiến đến chứng kiến lễ khánh thành ngày hôm nay sở dĩ bước tới cái địa vị cao quý trong xã hội, đều là nhờ ở cái giá trị, cái công lao, cái sự nghiệp của các ngài. Các người chớ tưởng ở đời lại có cách lập thân thế khác nào nữa.
Ở đời mà không có kiên tâm, không có nghị lực thì còn nên sự nghiệp gì. Tôi vẫn biết cái tuổi thanh niên có chứa chan những hy vọng, những tư tưởng mênh mông bát ngát, tức như Bossuet tiên sinh xưa đã nói : ‘Cái tuổi thanh niên khi nhập thế, hình như bất cứ cái gì cũng là hung hăng xô đẩy đi’.
Tuy nhiên, các bạn thanh niên đây là những người đứng đắn, biết điều, lại là con cái của nước Việt Nam này, là nơi vốn lấy sự Kính Tổ, Trọng Thầy làm nền tảng thiên thu cho đường luân lý, là nơi phàm là người có thực tài tất được hiển đạt, không có cái gì làm hãn trở được.
Xứ sở các người, thân thế các người, tương lai Tổ quốc các người đều do các người cả đấy”.
Chao ôi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Nguyễn Đình Hương và chuyện 'đưa' ông Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội - Lê Hiệp

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư, là người đã đề xuất đưa ông Nguyễn Hữu Đang - người bị tuyên 15 năm tù trong vụ án Nhân văn - Giai phẩm, về Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Hương vừa qua đời ngày 3.5 ở tuổi 90 /// Ảnh Ngọc Thắng
Ông Nguyễn Đình Hương vừa qua đời ngày 3.5 ở tuổi 90
ẢNH NGỌC THẮNG
Trong buổi ra mắt cuốn sách Nguyễn Đình Hương - Người con của non sông đất nước giữa tháng 10.2019, nhân những người tham dự nhắc tới ứng xử của ông Nguyễn Đình Hương đối với các nhà văn thuộc phong trào Nhân văn - Giai phẩm, ông Nguyễn Đình Hương chia sẻ câu chuyện ông đã giúp đỡ để đưa ông Nguyễn Hữu Đang, người được cho là “đứng đầu” phong trào Nhân văn - Giai phẩm, từ Thái Bình về Hà Nội.
Tại buổi lễ, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đã nhắc lại câu chuyện về ông Nguyễn Hữu Đang mà ông được nghe chính ông Hương kể lại. Theo ông Hợp thì khi đó, gia đình ông Nguyễn Hữu Đang đã làm đơn gửi Bộ Nội vụ lúc bấy giờ (bây giờ là Bộ Công an) nhưng đơn cứ chuyển vòng vèo rồi không ai giải quyết, nên ông Đang đã tới tìm ông Nguyễn Đình Hương để nhờ ông Hương giúp đỡ.
“Và anh Hương đã ôm cả bộ hồ sơ đó lên gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông Phạm Văn Đồng sau khi nghe anh Hương trình bày xong, không hỏi thêm 1 câu, đã đặt bút viết đồng ý chuyển ông Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội”, ông Hợp kể.
Ông Nguyễn Hữu Đang (1913 - 2007), quê tại Thái Bình. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông Nguyễn Hữu Đang được phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Ngày tuyên bố Độc lập 2.9.1945. Sau đó, ông còn làm Thứ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ lâm thời.
Năm 1958, ông liên quan tới vụ án Nhân văn - Giai phẩm và bị bắt, sau đó bị kết án 15 năm tù. Ông ra tù năm 1973 và ở tại quê nhà ở Thái Bình, tới năm 1993 thì ông về sống tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Hương khi đó chia sẻ: “Trường hợp ông Nguyễn Hữu Đang nói thật là tôi liều. Tôi nhận trước ông Đỗ Mười, trước ông Phạm Văn Đồng là tôi hứa sẽ đưa Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội chứ không thể giam 18 năm, vứt bỏ một nhà trí thức như thế được. Ông Đỗ Mười và ông Phạm Văn Đồng sau đó đều đồng ý”.
Còn ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thì chia sẻ, trước khi mất, Tố Hữu có dặn ông rằng, về công tác tổ chức liên quan tới Hội Nhà văn Việt Nam, có điều gì cứ hỏi ông Nguyễn Đình Hương. Vì thế, ông đã nhiều lần tới hỏi ý kiến ông Hương “nhiều vấn đề không dễ trả lời” như chính sách đối với các nhà văn đã tham gia Nhân văn - Giai phẩm như thế nào sau khi họ trở lại, trong đó có trường hợp “khá gai góc, khó khăn” là nhà báo Nguyễn Hữu Đang.
Ông Thỉnh cho biết, chính nhờ có góp ý, hướng dẫn với tình cảm, sự hiểu biết và khoan dung từ ông Nguyễn Đình Hương, Hội Nhà văn đã có cách ứng xử, chính sách đúng đắn, đầy nhân văn với ông Nguyễn Hữu Đang khi ông trở lại “cuộc sống bình thường”.
“Sau khi xin ý kiến nội bộ từ bác Nguyễn Đình Hương, chúng tôi đã khôi phục lại toàn bộ lương của cụ Nguyễn Hữu Đang từ khi bị xử lý kỷ luật cho tới khi trở lại cuộc sống bình thường. Cụ Đang cũng được cấp 1 ngôi nhà theo tiêu chuẩn của một thứ trưởng ở thời điểm đó”, ông Thỉnh chia sẻ, và cho biết tới lúc mất, ông Nguyễn Hữu Đang rất vừa lòng, không có gì ca thán với Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Hương và chuyện 'đưa' ông Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội - ảnh 1
Ông Nguyễn Đình Hương chia sẻ tại buổi lễ ra mắt sách giữa tháng 10.2019
ẢNH NGỌC THẮNG
Ông Nguyễn Đình Hương cũng chia sẻ thêm, sau khi đứng ra “bảo lãnh” để ông Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội, cũng đã có chuyện xảy ra. Đó là vào ngày giỗ của Phùng Quán, có thông tin nói rằng, các văn nghệ sĩ hẹn tới nhà Phùng Quán tập hợp, biểu tình. Cố Tổng bí thư Đỗ Mười yêu cầu ông Hương phải thu xếp. Ông Hương đã mời ông Nguyễn Hữu Đang tới gặp và đề nghị cùng ông Đang tới thắp hương cho ông Phùng Quán.
“Tôi nói ngày mai tôi và bác (ông Nguyễn Hữu Đang) phải đến với điều kiện chúng ta không làm gì rối cho T.Ư. Nếu có ai đó phát biểu lung tung thì bác phải can đi. Tiếng nói của bác uy tín hơn của tôi…”, ông Hương kể, và cho biết ngày hôm đó, mọi chuyện diễn ra êm đẹp, mọi người chỉ đến thắp hương rồi về.

Trao Giải thưởng Nhà nước cho 4 nhà văn Nhân văn - Giai phẩm

Cũng liên quan tới các nhà văn Nhân văn - Giai phẩm, ông Lê Doãn Hợp kể, vào năm 2006, ông khi ấy là Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đồng thời được giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Sau 2 tháng làm việc thì Hội đồng giải thưởng đã quyết định trao giải thưởng cho 4 nhà văn liên quan tới thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm là Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt và Hoàng Cầm.
Sau khi có thông tin kết quả bỏ phiếu, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc này. “Có ý kiến của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười; có ý kiến của chị Thanh, vợ đồng chí Tố Hữu, nguyên Phó Ban Tuyên huấn T.Ư, Ban Bí thư cũng yêu cầu phải báo cáo”, ông Hợp nói.
“Rất nhiều người nói với tôi rằng, nếu anh phong cho 4 văn nghệ sĩ này thì anh tự đốt lý lịch của anh. Và người nhóm lửa để đốt là bác Nguyễn Đình Hương, đồng hương xứ nghệ của anh”, ông Hợp nhớ lại.
Để giải quyết vấn đề, ông Hợp đã quyết định tới gặp ông Nguyễn Đình Hương. “Tôi đã rất cảm động. Trước hết là vì cử chỉ đón tiếp của bác. Tiếp đó là những lời bác nói ngược lại hoàn toàn những lời đe dọa mà mọi người nói với tôi”, ông Hợp kể.
Ông Nguyễn Đình Hương và chuyện 'đưa' ông Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội - ảnh 2
Ông Nguyễn Đình Hương và các đại biểu tham dự buổi ra mắt sách hôm 17.10.2019
ẢNH NGỌC THẮNG
“Bác Hương nói: ‘Hợp làm đi. Anh ủng hộ. Phải kéo văn nghệ sĩ về với Đảng, về với chúng ta. Điều này không chỉ có lợi cho dự luận trong nước mà còn ở nước ngoài. Và những nhà văn, nhà thơ này bị kỷ luật cách đây 50 năm rồi. Cái sai đã sửa rồi. Bây giờ hàng loạt ưu điểm mà chúng ta vẫn trừng thì nó không công minh mà cũng không công bằng. Hội đồng bỏ phiếu như thế là hoàn toàn chính xác’”, ông Hợp kể lại.
Ông Hợp chia sẻ, sau đó, ông còn được ông Hương cho mượn toàn bộ hồ sơ của vụ Nhân văn - Giai phẩm để xem. “Tôi xem hồ sơ thì thấy, ngoài 2 người bị xử lý nặng nhất là ông Hữu Đang và bà Thụy An thì những người còn lại bị kỷ luật là "treo bút 3 năm, được sáng tác nhưng không được xuất bản". Mà tới khi trao giải thưởng là đã 50 năm rồi (1956 - 2006)”, ông Hợp nói, và cho biết chính ông Hương là người đã giúp ông gỡ một thế bí cực tốt.
Theo ông Hợp, sau đó, khi giải thưởng được trao, dư luận xã hội rất tốt. “Vợ nhà thơ Trần Dần đã đặt 60 triệu tiền thưởng và bằng khen Giải thưởng Nhà nước lên bàn thờ thắp hương đủ 3 tháng 10 ngày. Tôi rất cảm động và trân trọng hình ảnh này khi đến thắp hương. Tất cả là nhờ bác Nguyễn Đình Hương giúp tôi”, ông Hợp nói, và chia sẻ rằng, ông muốn kể lại câu chuyện mà ông chưa từng kể để thấy, tư duy thông thoáng và cũng rất nhân văn của ông Nguyễn Đình Hương với anh em văn nghệ sĩ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Reuters: tình báo Trung Quốc cảnh báo nguy cơ xung đột với Mỹ hậu Covid-19


Báo cáo nội bộ của Trung Quốc cảnh báo nước này đang đối diện làn sóng thù địch từ quốc tế vì dịch Covid-19 và có thể dẫn đến xung đột quân sự với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc gặp ở hội nghị G20 tại Osaka (Nhật Bản) hồi tháng 6.2019 /// Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc gặp ở hội nghị G20 tại Osaka (Nhật Bản) hồi tháng 6.2019
REUTERS
Reuters ngày 4.5 dẫn nguồn tin tiết lộ Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc, cơ quan tình báo hàng đầu của nước này, đã trình báo cáo cho giới lãnh đạo, kết luận rằng làn sóng chống Trung Quốc trên toàn cầu t trong thời điểm dịch Covid-19 đang ở mức cao nhất kể từ sự kiện ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Do đó, báo cáo nêu rằng Trung Quốc cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất sau dịch Covid-19 là xảy ra xung đột quân sự với Mỹ.
Báo cáo cảnh báo rằng cảm giác chống Trung Quốc gây ra từ đại dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác làm gia tăng sự phản đối đối với các dự án thuộc sáng kiếnVành đai, con đường của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ có thể tăng cường hỗ trợtài chính và quân sự cho các đồng minh trong khu vực, khiến tình hình an ninh châu Á dễ biến động hơn.
Báo cáo kết luận Mỹ coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh kinh tế và là thách thức cho nền dân chủ phương Tây.

Phiên bản của điện tín Novikov

Nguồn tin của Reuters cho biết cộng đồng tình báo Trung Quốc so sánh báo cáo nói trên với những văn kiện đã hình thành nên cục diện Chiến tranh lạnh sau Thế chiến 2 giữa Liên Xô và Mỹ.
Cụ thể, nguồn tin coi báo cáo của Trung Quốc giống với Điện tín Novikov, do đại sứ Liên Xô tại Mỹ Nikolai Novikov gửi về nước vào năm 1946, nhấn mạnh sự nguy hiểm từ tham vọng kinh tế, quân sự của Mỹ hậu Thế chiến 2.
Trước đó, nhà ngoại giao Mỹ George Kennan từ Moscow gởi bức điện tín về nước, nêu rằng Liên Xô không nhìn thấy khả năng cùng tồn tại hòa bình với phương Tây và việc kiềm tỏa lẫn nhau là chiến lược tốt nhất về lâu dài.
Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc chưa bình luận về thông tin của Reuters trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không có thông tin liên quan.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus không bình luận trực tiếp về báo cáo của Trung Quốc nhưng nói rằng giới chức Bắc Kinh có trách nhiệm đặc biệt là phải thông báo với người dân và thế giới về mối đe dọa của Covid-19.


Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

NHÀ VĂN THUẦN PHONG - NGÔ VĂN PHÁT VÀ VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN NĂM 1956.


(Nguyễn văn Luân.)
Trong những năm làm việc tại Tòa Đô Chánh Saigon, tôi có dịp góp phần trông coi việc xây dựng và tu bổ đường xá, lúc thì tại Khu Kiều Lộ Saigon Tây (Chợ Lớn) gồm 6 quận 5, 6, 7, 8, 10 và 11, lúc thì tại Khu Kiều Lộ Saigon Đông (Saigon) gồm 5 quận 1, 2, 3, 4 và 9. Hàng ngày họp với các ông cai lục lộ phụ trách từng khu vực, nghe báo cáo đường thì ngập nước sau cơn mưa, đường thì có ổ gà, nhựa đường tróc hết trơ lớp đá xanh đá đỏ nền đường, đường thì dân xây cất trên lộ giới tràn ra lề đường, nên tôi gần như thuộc lòng tên hơn 300 con đường.
Qua bao nhiêu năm lịch sử của thành phố, hầu hết đều có tên Tây như:
• Boulevard Charner
• Boulevard Galliéni
• Boulevard Kitchener
• Boulevard Norodom v.v
Sau hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 chính quyền Pháp bàn giao cho chính phủ Bảo Đại, với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Để đánh dấu việc dành độc lập từ tay người Pháp, Toà Đô Chánh Sàigòn được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất. Trong lịch sử của các thành phố có bao nhiêu lần đổi tên hàng loạt toàn bộ các con đường như thế này? Có lẽ vô cùng hiếm hoi.
Việc đối chiếu tên các danh nhân trong lịch sử 4000 năm để đặt tên đường sao cho hợp lý không phải dễ. Chỉ nghĩ đơn thuần, khi dùng tên Vua “Trần Nhân Tôn” và Tướng “Trần Hưng Đạo”, người làm dưới trướng của Vua, để đặt tên cho 2 con đường thì đường nào to và quan trọng hơn? Câu hỏi nhỏ như vậy còn thấy không đơn giản, huống chi cân nhắc cho ngần ấy con đường trong một thời gian gấp rút thật không dễ.
Lúc bấy giờ công việc này được giao cho Ty Kỹ Thuật mà Phòng Hoạ Đồ là phần hành trực tiếp. May mắn thay cho thành phố có được nhà văn Ngô Văn Phát**, bút hiệu Thuần Phong, có bằng Cán Sự Điền Điạ lúc ấy đang giữ chức Trưởng Phòng Hoạ Đồ.
Năm 1956, sau hơn ba tháng nghiên cứu, ông đã đệ trình lên Hội Đồng Đô Thành, và toàn bộ danh sách tên đường ấy đã được chấp thuận. Khi tôi vô làm năm 1965 và hàng ngày lái xe đi công trường, đụng chạm với các con đường mới cảm nhận được sự uyên bác về lịch sử của ông. Nhìn những tên đường trên họa đồ, khu nào thuộc trung tâm thành phố, khu nào thuộc ngoại ô, đường nào tên gì và vị trí gắn bó với nhau, càng suy nghĩ càng hiểu được cái dụng ý sâu xa của tác giả.
Các đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang mạch lạc với sự cân nhắc đánh giá bao gồm cả công trạng từng anh hùng một lại phù hợp với điạ thế, và các dinh thự đã có sẵn từ trước. Tác giả đã cố gắng đem cái nhìn vừa tổng quát lại vừa chi tiết, những khiá cạnh vừa tình vừa lý, đôi khi chen lẫn tính hài hước, vào việc đặt tên hiếm có này. Tôi xin kể ra đây vài thí dụ, theo sự suy đoán riêng của mình, bởi vì ông có nói ra đâu, nhưng tôi thấy rõ ràng là ông có ý ấy:
• Đầu tiên là những con đường mang những lý tưởng cao đẹp mà toàn dân hằng ao ước: Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất. Những con đường hoặc công trường này đã nằm ở những vị trí thích hợp nhất.
• Đường đi ngang qua Bộ Y Tếthì có tên nào xứng hơn là Hồng Thập Tự.
• Đường de Lattre de Tassigny chạy từ phi trường Tân Sơn Nhất đến bến Chương Dương đã được đổi tên là Công Lý, phải chăng vì đi ngang qua Pháp Đình Sàigòn. Con đường dài và đẹp rất xứng đáng. Ba đường Tự Do, Công lý và Thống Nhất giao kết với nhau nằm sát bên nhau bên cạnh dinh Độc Lập.
• Đại lộ Nguyễn Huệ nằm giữa trung tâm Sàigòn nối từ Toà Đô Chánh đến bến Bạch Đằng rất xứng đáng cho vị anh hùng đã dùng chiến thuật thần tốc phá tan hơn 20 vạn quân Thanh. Đại lộ này cũng ngắn tương xứng với cuộc đời ngắn ngủi của ngài.
• Những danh nhân có liên hệ với nhau thường được xếp gần nhau như Đại Lộ Nguyễn Thái Học với đường Cô Giang và đường Cô Bắc, cả ba là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Hoặc đường Phan Thanh Giản với đường Phan Liêm và đường Phan Ngữ, Phan Liêm và Phan Ngữ là con, đã tiếp tục sự nghiệp chống Pháp sau khi Phan Thanh Giản tuẫn tiết
• Những đại lộ dài nhất được đặt tên cho các anh hùng Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi và Hai Bà Trưng. Mỗi đường rộng và dài tương xứng với công dựng nước giữ nước của các ngài.
• Đường mang tên Lê Lai, người chịu chết thay cho Lê Lợi thì nhỏ và ngắn hơn nằm cận kề với đại lộ Lê Lợi.
• Đường Khổng Tử và Trang Tử trong Chợ Lớn với đa số cư dân là người Hoa.
• Bờ sông Sàigon được chia raba đoạn, đặt cho các tên Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, và Bến Hàm Tử, ghi nhớ những trận thuỷ chiến lẫy lừng trong lịch sử chống quân Mông cổ, chống Nhà Nguyên cuả Hưng Đạo Đại Vương vào thế kỷ 13.
• Cụ Nguyễn Du, mà thầy đồ Thiệp, người dạy học vỡ lòng cho tôi, khi nói chuyện với cha tôi, bao giờ cũng gọi với danh xưng Cụ Thánh Tiên Điền. Cuốn truyện Kiều của cụ ngày nay được chúng ta dùng như là khuôn mẫu cho tiếng Việt, khi có sự tranh luận về danh từ hay văn phạm, người ta thường trích một câu Kiều làm bằng. Vậy phải tìm đường nào đặt tên cho xứng? Tôi thấy con đường vừa dài vừa có nhiều biệt thự đẹp, với hai hàng cây rợp bóng quanh năm, lại đi ngang qua công viên đẹp nhất Saigon, vườn Bờ Rô, và đi ngang qua Dinh Độc Lập, thì quá xứng đáng. Không có đường nào thích hợp hơn. Tuyệt! Vườn Bờ Rô cũng được đổi tên thành Vườn Tao Đàn làm cho đường Nguyễn Du càng thêm cao sang.
• Vua Lê Thánh Tôn, người lập ra Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, cũng cho mang tên một con đường ở địa thế rất quan trọng, đi ngang qua một công viên góc đường Tự Do, và đi trước mặt Toà Đô Chánh
• Trường nữ trung học Gia Long lớn nhất Sài gòn thì, (trớ trêu thay?), lại mang tên ông vua sáng lập nhà Nguyễn. Trường nữ mà lại mang tên nam giới! Có lẽ nhà văn Thuần Phong muốn làm một chút gì cho trường nữ trung học công lập lớn nhất thủ đô có thêm nữ tính, nên đã đặt tên hai đường song song nhau cặp kè hai bên trường bằng tên của hai nữ sĩ: Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm. Chùa Xá Lợi nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan thấy cũng nhẹ nhàng.
• Thẳng góc với hai đường Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm là đường Hồ Xuân Hương. Ba nữ sĩ nằm bên cạnh nhau, thật là có lý, nhưng có lý hơn nữa có lẽ là đường Hồ Xuân Hương đi ngang qua bệnh viện Da Liễu. Tác giả những câu thơ “Vành ra ba góc da còn thiếu, Khép lại hai bên thịt vẫn thừa” mà cho mang tên đường có bệnh viện Da Liễu có lẽ cũng xứng hợp.
Ông Nhà Văn - Trưởng Phòng Họa Đồ quả là sâu sắc.
Rất tiếc là lúc vào làm việc thì Thuần Phong Ngô văn Phát đã về hưu nên tôi không được hân hạnh gặp mặt. Mãi sau này mới có dịp đọc tiểu sử của ông, mới hết thắc mắc làm sao chỉ là một công chức như tôi mà ông đã làm được việc quá xuất sắc và hi hữu này.
(Từ Fb Nguyễn Văn Đực)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cảnh sinh hoạt miền Bắc thời xưa qua tranh Thang Trần Phềnh


 
Thang Trần Phềnh là họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông vẽ nhiều tranh chủ đề văn hóa, lịch sử... sống động. 9 bức màu nước "Sinh hoạt Việt Nam xưa" là một minh chứng.
Canh sinh hoat mien Bac thoi xua qua tranh Thang Tran Phenh hinh anh 1 Sinh_hoat_VN_xua.jpg
Chùm tranh ký họa màu nước lấy bối cảnh miền Bắc. Trong hình là một "ban nhạc đường phố" dạo xưa với những nhạc công đang cùng phối hợp chơi nhạc bên manh chiếu với đàn nhị, phách, trống ban và một nhạc cụ nhìn như đàn bầu.
Canh sinh hoat mien Bac thoi xua qua tranh Thang Tran Phenh hinh anh 2 Sinh_hoat_VN_xua_1.jpg
Tranh thể hiện một cửa hàng ăn được dựng lên ven đê sông Hồng. Hậu cảnh là hình cây cầu Doumer, tức cầu Long Biên ngày nay.
Canh sinh hoat mien Bac thoi xua qua tranh Thang Tran Phenh hinh anh 3 Sinh_hoat_VN_xua_3.jpg
Những người đẩy xe cút kít với bánh gỗ chở những chú lợn đã bị trói gô lại; xe cút kít, hay xe tay bánh gỗ là một phương tiện vận chuyển cầm tay quen thuộc dạo xưa và đã có mặt trong nhiều bưu ảnh về Đông Dương thời Pháp thuộc.
Canh sinh hoat mien Bac thoi xua qua tranh Thang Tran Phenh hinh anh 4 Sinh_hoat_VN_xua_2.jpg
Một góc đường phố họp chợ với những phụ nữ trong bộ tứ thân, nón quai thao cùng các gánh hàng. Tiền cảnh là phở gánh lưu động quen thuộc của Hà Nội trước tháng 8 năm 1945.
Canh sinh hoat mien Bac thoi xua qua tranh Thang Tran Phenh hinh anh 5 Sinh_hoat_VN_xua_4.jpg
Một quán nước giải khát dựng tạm nằm ven hồ (hoặc sông). Hình ảnh xe điếu hút thuốc lào, hay gọi là điếu bát quen thuộc dạo xưa nhưng rất lạ lẫm đối với người trẻ hiện tại.
Canh sinh hoat mien Bac thoi xua qua tranh Thang Tran Phenh hinh anh 6 Sinh_hoat_VN_xua_5.jpg
Góc phố khá giàu qua những ngôi nhà san sát và có cả kiến trúc phương Tây cùng đủ lớp người với chị em gái chít khăn mỏ quạ, áo tứ thân và đôi giày Gia Định ra dáng trung lưu phổ biến trước 1945 đang ngắm nghía một món hàng của chú khách. Trong khi đó bên cạnh là hình ảnh chú bé như vẻ đang mời chào thuê cho một cửa hiệu, món thuốc... nào đó.
Canh sinh hoat mien Bac thoi xua qua tranh Thang Tran Phenh hinh anh 7 Sinh_hoat_VN_xua_6.jpg
Tranh thể hiện nghề mộc. Những người thợ đang chạm trổ các vật dụng giống như các liễn đối hay được trang trí trong nhà hay đền thờ.
Canh sinh hoat mien Bac thoi xua qua tranh Thang Tran Phenh hinh anh 8 Sinh_hoat_VN_xua_7.jpg
Cảnh sinh hoạt ở một ngã ba đường thể hiện người cửu vạn mặc áo tơi đẩy hàng bằng xe tay bánh gỗ, những phụ nữ với gánh hàng trên vai và cả người gánh nước. Dạo xưa ở Hà Nội có nghề gánh nước thuê và nghề này vào đầu năm mới "ăn nên làm ra" vì được gia chủ mừng tuổi lấy may.
Canh sinh hoat mien Bac thoi xua qua tranh Thang Tran Phenh hinh anh 9 Sinh_hoat_VN_xua_8.jpg
Bức tranh có tên gọi "Xem bói". Đây là bức duy nhất trong chùm tranh "Sinh hoạt Việt Nam xưa" được đặt tên. Bức xem bói trông như dạng phác thảo giống bức này từng được triển lãm tại Rome năm 1931.
Nguồn: Sách "Thang Trần Phềnh (1895-1973) / Zing

Phần nhận xét hiển thị trên trang

’52 câu chuyện’ của bậc thầy truyện ngắn Nga Anton Chekhov


Cuốn sách cho phép độc giả tiếp cận thế giới văn học đa diện nhiều màu sắc của nhà văn Nga Chekhov, một trong những cây bút truyện ngắn có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
“Nạn dịch tả hoành hành khắp nơi, đâu đâu cũng cách ly, đâu đâu cũng là nỗi sợ hãi”, Anton Chekhov viết trong một lá thư vào năm 1890. Vị bác sĩ 30 tuổi, khi ấy đã nổi danh về tài văn chương, phải đối mặt với nỗi kinh hoàng của nạn dịch tả đang tàn phá khắp châu Âu và châu Á.
Chekhov được cử đến 25 ngôi làng ở địa phương để giúp đỡ, nhưng từ chối mọi khoản thù lao.
"Chẳng còn thời giờ đâu mà nghĩ đến văn học", trong những bức thư, ông than thở về chuỗi tháng ngày sống trong dịch bệnh cô đơn và buồn chán, song vẫn thừa nhận: "Nếu nhìn từ bên ngoài vào thì thật ra, trong đại dịch này có rất nhiều điều thú vị".
“Một con người lớn lao, thông minh, và biết quan tâm đến mọi sự”, Maxim Gorky yêu mến và ngưỡng mộ Anton Chekhov cả ở tài năng và ở nhân cách lớn. Đối với Lev Tolstoy, ông "thật cao đẹp và vĩ đại".
Ông khiến người ta liên tưởng đến "vị bác sĩ tốt" trong vở nhạc kịch cùng tên của Neil Simon hay hình tượng "bác sĩ Zhivago" trong tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga Boris Pasternak, Chekhov là hiện thân của sự khiêm nhường, nhẫn nại và tử tế, New York Times nhận định.
Ông bỏ tiền để xây thư viện, trường học, chữa chạy miễn phí cho hàng nghìn người nghèo. Ông đến Siberia để vận động cải cách nhà tù, trong khi vẫn hết lòng giúp đỡ gia đình - gồm cả hai người anh em trác táng và người cha vũ phu đã khiến họ trải qua những năm tháng tuổi thơ khốn khổ.
Chekhov xem sự bình thản và tự tại là “lẽ sống”, như có lần ông từng viết: "Chỉ có những người tự tại mới có thể nhìn mọi thứ một cách rõ ràng, người tự tại mới có thể làm việc một cách công bằng và chính trực".
"Cuộc sống như nó vốn có"
New York Times nhận định nghệ thuật vốn thường chẳng dễ dung hòa giữa sự vĩ đại của cái ta chung rộng lớn và cá tính của cái tôi riêng biệt, vậy mà văn học của Chekhov lại hòa quyện cả hai điều đó, tạo nên một hấp lực mạnh mẽ khó có thể lý giải.
Nhà văn mà bao thế hệ cảm phục vì trái tim nhân hậu lại đồng thời sở hữu một giọng văn lạnh lùng, thậm chí đôi lúc (có vẻ như) “tàn nhẫn”. Chekhov luôn muốn tách mình ra khỏi những gì ông nhìn thấy, như một người ở ngoài lề, để khách quan ghi lại tất cả - Một người có khả năng nhận ra “rất nhiều điều thú vị trong đại dịch” để khắc họa đủ loại tính cách hèn mọn, tầm thường của đời sống hàng ngày: kẻ lười biếng ăn không ngồi rồi, kẻ khoe khoang, những kẻ sắp chết và hoang tưởng.
'52 cau chuyen' cua bac thay truyen ngan Nga Anton Chekhov hinh anh 1 anton_chekhov_undated.jpg
Nhà văn người Nga Anton Chekhov (1860 - 1904). Ảnh: AF Archive.
Chekhov tâm niệm "điều khiến cho văn học trở thành nghệ thuật chính xác là sự mô tả cuộc sống như nó vốn có". Ông đã lột tả chân thật và sâu sắc cuộc sống, tư tưởng, tình cảm của mọi tầng lớp con người trong “buổi hoàng hôn” của nước Nga, thẳng thắn phơi bày tất cả sự khủng khiếp của xã hội cũ nhỏ nhen, trì trệ.
Văn học của ông khiến con người phải đối mặt với hiện thực để rồi đánh thức trong họ khát vọng về một sự thay đổi lớn lao cần phải có để thoát khỏi cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt.
Nhà cách tân lớn của truyện ngắn
Tuyển tập Fifty-Two Stories (52 câu chuyện) - tập hợp những truyện ngắn đặc sắc của Chekhov được dịch sang tiếng Anh bởi Richard Pevear và Larissa Volokhonsky vừa ra mắt hồi tháng 4 - đã cho thấy sự đa dạng đáng kinh ngạc trong phong cách nghệ thuật của bậc thầy truyện ngắn người Nga.
52 tác phẩm trải dài toàn bộ sự nghiệp văn học của Chekhov, phong phú từ đề tài đến cách thể hiện, cho phép độc giả tiếp cận một thế giới văn học đa diện nhiều màu sắc của Chekhov với đủ loại nhân vật, tính cách và thân phận đến từ mọi miền nước Nga. Trong số đó có cả những truyện từ thời kỳ đầu sáng tác của ông và một số tác phẩm chưa từng được dịch sang Anh ngữ như Reading (Đọc) hay An Educated Blockhead (Gã đần có học).
'52 cau chuyen' cua bac thay truyen ngan Nga Anton Chekhov hinh anh 2 1.jpg
Bìa cuốn sách Fifty-Two Stories (52 câu chuyện) của Anton Chekhov. Ảnh: New York Times.
Chekhov bắt đầu văn nghiệp khoảng năm 1880, với những truyện ngắn, tiểu phẩm hài đăng ở góc của những tờ báo nhỏ. Ông từng cộng tác thường xuyên với tạp chí “Oskolki” - cái tên có nghĩa "Những mảnh nhọn" - cũng là một mô tả xác đáng dành cho các sáng tác của Chekhov.
Một kiểu "truyện (như) không có chuyện" - thường lấy chất liệu từ đời sống sinh hoạt hàng ngày, giản dị, ngắn gọn và hài hước, nhưng cũng đầy gai góc và sâu cay. Tỉ như truyện Joy (Niềm vui) kể về chàng trai trẻ sung sướng tự hào khoe với bố mẹ mình được lên báo - về việc anh này suýt nữa thì mất mạng vì say xỉn.
Chekhov tự nhận xét rằng các truyện ngắn ở thời kỳ đầu của ông “dở tệ”. Dù vậy ở đó độc giả vẫn nhận ra dấu ấn đặc trưng của nhà văn Nga trong những cái kết đột ngột, cách ông tháo mở nút thắt đầy bất ngờ.
Ông thường phàn nàn chuyện các "tiểu phẩm hài" của mình bị cắt xén, khiến chúng trở nên ngớ ngẩn và tẻ nhạt. Điều tương tự đã không xảy ra với bản dịch của Pevear và Volokhonsky, hai dịch giả nổi tiếng từng dành giải thưởng dịch thuật với tác phẩm Anna Karenina và Chiến tranh và Hòa bình (Lev Tolstoy).
Các tác phẩm sau khi được chuyển ngữ bởi Pevear và Volokhonsky vẫn giữ trọn vẹn tinh thần của nguyên tác với sức lay động mạnh mẽ. Có lẽ là bởi vì sức hút của văn học Chekhov không nằm ở kỹ thuật diễn ngôn hay cốt truyện.
Ngôn ngữ của ông ngắn gọn, cốt truyện giản đơn thậm chí đôi khi là vay mượn. Nhưng chính lối diễn đạt cô đọng mà đầy sức chứa, sự phản ánh xác thực đời sống qua cái nhìn khách quan đầy cẩn trọng, chính cách mà Chekhov đặt các nhân vật của mình vào tình thế phải phá bỏ mọi “hàng rào phòng thủ" và buộc họ phải phơi trần bản chất, đã khiến cho các tác phẩm của ông có sức rung cảm mãnh liệt đối với độc giả bao thế hệ.
“Nhà văn làm ta muôn thuở say mê”, Gorky khẳng định “sức mạnh của tài năng Chekhov chính là ở chỗ ông không bao giờ bịa đặt ra một điều gì… Ông không nói thêm điều gì mới, nhưng điều ông nói được diễn đạt một cách giản dị, thật hùng hồn sáng rõ, giản dị đến mức đáng kinh ngạc, chân xác đến không thể nào phủ nhận được”.
“Ông ấy đã tạo ra một bút pháp mới, hoàn toàn mới cho cả thế giới mà tôi chưa gặp ở đâu”, Tolstoy nói về các tác phẩm của Chekhov. Với 25 năm sáng tạo nghệ thuật, ông đã có những đóng góp quan trọng cho tiến trình văn học Nga và văn học thế giới thế kỷ 20, với vai trò là nhà cách tân lớn trong lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn và kịch.
Chekhov sớm phát hiện mình mắc bệnh lao phổi trong những năm thiếu thời, căn bệnh nan y đã cướp đi cuộc sống của ông ở tuổi 44, khi sức sáng tạo còn rất dồi dào. Ông để lại một di sản văn học đồ sộ, phong phú gồm khoảng 800 truyện: một bức tranh văn học lớn lao đã khắc họa sinh động mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội Nga đương thời.
Ngụy An / Sách hay ?Zing

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngọc Tân “Giọng ca vàng ” với nhiều biến cố cuộc đời.



Ngọc Tân
Thời gian vừa rồi tôi có mấy chuyện vui liền, nào là thành công với cuộc triển lãm hội họa cá nhân bày 50 bức bán được 38, số còn lại không phải ế, mà là tiếc tôi đóng cửa triển lãm sớm, mang tranh về, nào là ra mắt cuốn sách 'Phố Hoài" được bạn đọc hồ hởi đón nhận. Trong niềm vui ấy, có một nỗi nhớ âm thầm của tôi với Ngọc Tân, một người bạn thân, một tri âm tri kỷ.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi Ngọc Tân là nhân vật chính, có tựa đề “Lời cuối cho em” cũng bán rất chạy, lượng phát hành tới gần 10 ngàn cuốn. “Lời cuối cho em” là tên bài mà Ngọc Tân hay hát, là bài tôi rất thích, trong đó nhớ nhất câu: “Đừng nhìn anh bằng đôi mắt buồn vời vợi…”. Bây giờ chả còn ai “sến” thế này, thích là đến, chứ không phải dài dòng như hồi chúng tôi, chỉ dừng ở chỗ “lời qua tiếng lại” như thế. Ấy nhưng lại rất sâu nặng.
Tôi đã nhiều lần vẽ phác thảo chân dung Ngọc Tân, nhưng chưa bức nào hoàn thiện ưng ý. Chúng tôi coi nhau là bạn, hồi đầu Ngọc Tân còn nghèo, tôi là người bỏ vốn cùng anh làm show ca nhạc “Biển của một thời”, sau thêm nhiều show khác, vốn của tôi anh đã trả hết, lương quản lý (bà bầu) của tôi là 1 triệu/ ngày, trong khi cát xê của các ca sĩ hàng đầu chỉ 700 ngàn…
“Sòng phẳng để tồn tại” là điều nhiều nghệ sĩ cho rằng tồi tệ, không thanh tao lãng mạn, họ không ngờ rằng chính cái à uôm, cái thiếu sòng phẳng đã giết chết nhiều mối quan hệ tốt đẹp, nhất là có chung chuyện làm ăn, kinh tế. Tôi từng trở về từ nước ngoài về nên hiểu và thích lối sống này, nhưng chưa tiện nói thì chính anh đề nghị. Tình bạn của chúng tôi tồn tại bền lâu, kể cả bây giờ, khi anh không còn nữa, tôi và vợ anh vẫn còn chơi với nhau, thương nhau như chị em gái là nhờ cái chuẩn đặt ra đó...
Ngọc Tân
Nhớ lại, lần gặp đầu tiên, tôi mới ở nước ngoài về cũng có phần “long lanh” một chút, Ngọc Tân theo đoàn Bông Sen từ Nam ra Hải Phòng diễn, tôi chờ nhận hàng ở cảng, rảnh rỗi, vào đằng sau cánh gà - phòng hóa trang thăm Thanh Hoa, gặp Ngọc Tân ở đó. Chúng tôi đều sững người nhìn nhau qua gương, để rồi cuộc làm quen diễn ra nhanh chóng…
Dần dần, mỗi lần ra Hà Nội là lần chúng tôi gặp nhau cà phê cà pháo. Cả nhóm thân nhau có Nguyễn Thụy Kha, Tào Tuấn Phương, Lê Dung, một cô gái tóc vàng - tôi quên tên và 2 chúng tôi. Ngọc Tân nghiện cà phê, rượu chỉ nhấp nửa ly là không chịu nổi.
Cuộc đời Ngọc Tân với số phận của kẻ vượt biên không thành, vợ chết ngoài biển, tàu dạt vào Hà Tĩnh sau cơn bão, tiền không còn, phải đổi chiếc đồng hồ thủy quân lục chiến lấy ván chôn cất vợ qua lời kể của anh vào những lần gặp nhau, khiến tôi rất thương cảm.
Tôi thương Ngọc Tân, người có giọng ca bẩm sinh, con một phụ nữ hát trong ca đoàn nhà thờ Hàm Long nhưng không học trường lớp nào, ở nhà làm nghề chữa đồng hồ với bố ở Phố Huế. Nhờ nghệ sĩ gạo cội Trần Khánh đến chữa đồng hồ phát hiện ra nên được vào làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, dạy ký xướng âm trên sóng phát thanh và thi thoảng được đứng trong dàn đồng ca của Đài. Anh thực sự vô danh cho đến khi hát song ca với ca sĩ Thanh Hoa. Cho đến lúc Thanh Hoa đã là NSND thì Ngọc Tân vẫn là ca sĩ tự do, công việc bấp bênh, không chỉ ngoài biên chế mà lên sân khấu hát còn phải lấy tên Ngọc Hà, Bảo Hà… vì cái lý lịch đi tù ấy.
Ngọc Tân
Tôi gặp Ngọc Tân trong hoàn cảnh ấy và cũng trong thời gian tôi thân với nhạc sĩ Trần Tiến. Hai người ấy là một cặp bài trùng. Ngày đó không ai hát những bài của Trần Tiến hay như Ngọc Tân: Lý qua cầu, Tạm biệt chim én, Ngẫu hứng sông Hồng, Ngọn lửa cao nguyên, Tiếng đàn Cha Pi, Vết chân tròn trên cát… Những bài hát trong dự án sáng tác cho Trung ương Đoàn chủ đề “Sinh đẻ có kế hoạch” của Trần Tiến đều do Ngọc Tân vỡ bài.
Phải nói thêm rằng, ngày đó nhiều ca sĩ chỉ hát theo bản năng, có người không đọc được bản nhạc, Ngọc Tân và Thanh Hoa là số ít trong những ca sĩ cầm bản nhạc mới hát mẫu cho người khác… Tiếng hát của Ngọc Tân cực kỳ đặc biệt, cũng dòng nhạc như nhau, cũng phù hợp những bài hát của Trần Tiến nhưng Quang Lý hát một hiệu quả khác, mượt hơn, tình hơn nhưng Ngọc Tân hát sang hơn, lắng hơn, đau đớn khắc khoải hơn với đặc trưng ở chất giọng hơi khàn, nhưng quãng rộng và ở tiếng nấc nghẹn mà không sến…
Có dạo cả 3 chúng tôi đều làm việc với ông bầu Vũ Ân Khoa. Trần Tiến có ban nhạc Đen Trắng làm việc với vợ chồng Ngọc Lễ, Phương Thảo… Sau Trần Tiến làm riêng ban nhạc “Đồng Nội” với ca sĩ trẻ Hồng Ngọc. Ngọc Tân rủ tôi làm show riêng. Vậy là từ 1979, năm Ngọc Tân dự cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Con người và biển cả ở Đức, có giải thưởng để rồi lận đận kế tiếp lầm than cho đến 1994, 15 năm sau Ngọc Tân sáng rực dưới ánh đèn Nhà hát Lớn Hà Nội, với 5 đêm liền “Biển của một thời”.
Ngọc Tân
Nói là làm bầu, nhưng thực ra mọi việc Ngọc Tân làm từ A đến Z, chứ không phải tôi. Tuy nhiên, anh cũng cần tôi: “đối nội, đối ngoại”, từ xin giấy phép, trả lời truyền thông, thiết kế sân khấu và tờ rơi và vé, vẽ pa-no, áp phích… đến tổ chức bán vé, thu tiền, trả cát- xê, thu xếp các chuyến đi xa đi gần cho diễn viên... Nhất là, nếu lỗ thì tạm thời ứng thanh toán, nhưng chưa bao giờ lỗ.
Ngọc Tân có số lấy vợ đẹp. Người đầu là chị Hà, làm việc ở Bệnh viện Đống Đa, sinh cho anh cậu con trai Bảo Long đẹp như thiên thần, nhưng chị đã mất trong chuyến đi tìm cuộc sống miền đất hứa gặp phải bão biển hồi 1981. Bảo Long hát hay đàn giỏi theo gien bà ngoại và bố nhưng cũng giỏi kinh doanh nên không theo nghề ca hát. Người vợ thứ hai, vốn cũng quen biết Trần Tiến, là diễn viên Khóa I của Nhà hát Kịch Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, Nguyễn Thị Kim Thoa là cảm hứng để bài “Tạm biệt chim én” ra đời…
Nguyễn Thị Kim Thoa kém Ngọc Tân 11 tuổi, một vẻ đẹp Hà Nội “dịu dàng bên đám cỏ, đợi chờ con én những chiều xa rất xa…”. Những ngày đầu khi Ngọc Tân còn khó khăn Thoa luôn cùng chồng chia sẻ nỗi lo kinh tế gia đình. Con gái Phương Thảo của họ nếu đi thi hoa hậu, chắc phải ngôi số 1. Ngọc Tân yêu thương vợ con, kể từ khi làm show riêng, anh đã đem về một đời sống dễ chịu cho gia đình, mua nhà mới, sắm ô tô, mở nhà hàng thuê người quản lý…
Ngọc Tân
Tôi tự cho rằng, anh đánh giá được tình bạn của chúng tôi nên trong cuộc sống hạnh phúc của mình anh luôn có tôi, và dĩ nhiên, tôi cũng như anh, có một cuộc sống riêng tốt đẹp, chúng tôi kết hợp với nhau để làm tốt hơn cho bản thân mỗi người. Thân nhau đến mức năm nào đi đền Bà Chúa Kho anh cũng rủ tôi đi (anh không biết tôi không tin vào việc vay mượn ấy). Khi xin Thày viết sớ cho gia đình mình anh cũng bảo tôi xin cho gia đình tôi đi...
Mọi thứ đang tốt đẹp thì anh phát hiện ra mình có vấn đề về gan (thảo nào chỉ một giọt rượu cũng khiến anh ngứa ngáy tột bực). Quyết không đầu hàng số phận, Ngọc Tân tìm đủ mọi cách cả về phương diện y tế hiện đại lẫn phương diện tâm linh. Nhưng rồi anh không qua khỏi... Trước đó, anh có ý nguyện, nếu anh chết hãy đưa anh về Hà Nội, nơi anh sinh ra, nơi anh yêu dấu, nơi anh hát đắm say nhất, hay nhất “Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó” (Lê Vinh), nơi có các em ruột anh đang sinh sống và nhất là được làm phép xác tại Nhà thờ Hàm Long…
Nhớ về anh, tôi nhớ về một trong những người bạn mà tôi từng yêu mến, tận tâm đóng góp trí tuệ và công sức của mình trong những việc họ làm, như là phép cộng sinh tốt đẹp nhất mà loài người biết lựa chọn. Nhớ về một giọng ca vàng, một giọng ca được người đương thời yêu mến với hơn 150 show diễn riêng từ Nam ra Bắc qua Trung show nào cũng chật khách, mà nếu không có tôi giúp việc thì cũng có thể có người khác. Nhớ về một người có nghị lực phi thường, có tình yêu cuộc sống, có lòng tự trọng và nhân cách nghệ thuật. Và tôi vẫn nhớ rằng, hồi còn sống anh đã từng bảo mình: “Văn thì anh biết rồi, sao em không tiếp tục con đường hội họa?’’…
Nhà văn Trần Thị Trường
Ảnh: Đình Toán / Thiết kế: Quốc Dũng
Phần nhận xét hiển thị trên trang