Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Con người khám phá & con người thích ứng trong "Nỗi buồn chiến tranh"

24 THG 4, 2020


 Chiến tranh nhìn qua số phận cá nhân
     Có một quy phạm thường xuyên chi phối dòng tiểu thuyết Việt Nam viết về chiến tranh vốn đang còn khá lèo tèo. Bất chấp việc chúng được viết ngay trong thời bom đạn hay trong thời bình mấy chục năm về sau, đó thường là những cuốn sách dựng lại cả một bức tranh mở ra theo bề rộng, chiến tranh được ví với một trận cuồng phong, hoặc một cỗ máy khổng lồ có sự vận động cùng lúc của nhiều số phận. Con người trong các tác phẩm đó được miêu tả trong hình thế một nhóm, một tập thể (từ nhỏ đến lớn) có tổ chức, có định hướng rõ ràng, và mỗi cá nhân khi vô tình khi cố ý không hề có ý muốn trở thành độc lập bên cạnh đám đông. Mặc dù vẫn còn những nét riêng tư, nhưng họ không bao giờ tồn tại như những con người tự thân, mà chỉ được xem như người phát ngôn cho một vấn đề của xã hội.
   Chỗ giống nhau giữa Xung kích của Nguyễn Đình Thi và Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu chẳng hạn là cả hai đều bám vào một sự kiện cụ thể (mỗi cuốn sử dụng một chiến dịch “làm nền”) rồi trong đó, một dàn nhân vật đi về lui tới suy nghĩ. Cái mà người ta còn lưu lại trong đầu sau khi đọc là một không khí chiến tranh nói chung, còn vấn đề “con người trong chiến tranh” chỉ là một nhánh phụ. Để hình dung ra con người, bạn đọc phải đi theo lối đường vòng, và chắp nối người này một chút người kia một chút.

   Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh ngả sang một cách viết khác. Thực tế là trong cuốn tiểu thuyết này, người ta có dịp bắt gặp toàn bộ chiến tranh - một cuộc chiến tranh với đủ những địa điểm và những khoảnh khắc tiêu biểu từ ngày đầu đến ngày cuối (không khí Hà Nội khi thành phố bắt đầu tiễn con em ra chiến trường; những chặng đường từ hậu phương tới mặt trận; những ngày sau tết Mậu Thân; giải phóng Sài Gòn…). Song tất cả đều thông qua ý thức của nhân vật Kiên chứ không phải miêu tả trực tiếp. Tức là ở đây, chiến tranh chỉ được thể hiện qua một con người, tác phẩm từ đầu đến cuối men theo những ý nghĩ của nhân vật, dày đặc vui buồn, hối hận, trăn trở, bất lực của anh ta. Trùm lên tất cả chỉ có một đường dây là từng trải của Kiên, mạch suy nghĩ của Kiên, và bao quát hơn là số phận của Kiên. Thật khó đẩy tác phẩm vào trong vòng tay của những khái niệm như “bức tranh toàn cảnh”, hoặc “một thiên sử thi hoành tráng” mà chúng ta quen nghĩ.

     Trong khi mọi sự kiện trước sau bị đảo lộn về thời gian thì chúng lại tỏ ra rất mạch lạc, nếu xét theo sự phát triển của ý nghĩ và tình cảm của nhân vật chính. Mỗi sự kiện cụ thể ngoài ý nghĩa tự thân có thêm một tầng khái quát: này là những lúc vui; này là những lúc chết lặng đi vì buồn; những lần hoang mang tuyệt vọng (không lần nào giống lần nào); một phen kinh ngạc vì cách xử sự của người này người kia. Trong suốt cuốn sách, Kiên như chỉ có một mình. Các nhân vật khác chỉ sống trong ý nghĩ cả Kiên, trong đó có một số nhân vật chỉ ngẫu nhiên được nêu ra rồi mất hút. Bù lại, tự thân Kiên đã khá đa dạng. Gần như không có việc nào của lính mà Kiên không trải qua. Trong anh, chất lính được chưng cất và cô kết lại. Lính nghĩa là không có quyền lựa chọn số phận của mình. Lính nghĩa là gặp đâu hay đấy ngẫu nhiên thất thường trôi nổi theo sự đưa đẩy của hoàn cảnh và không bao giờ dám đặt câu hỏi tại sao mình lại như thế này mà không như thế khác. Lính nhiều khi đồng nghĩa với thụ động, vô vọng, bất lực.

    Cảm giác của chúng ta về chất lính trong Kiên còn được củng cố, bởi với anh, cái chết luôn luôn trở lại như một ám ảnh. Suy nghĩ về cái chết thường trực khi ăn cũng như khi ngủ, khi Kiên đơn độc một mình, cũng như khi anh vui vầy giữa bạn bè. Với người lính này, cái chết là một bộ phận của chính cuộc sống.

    Một trong những lý do khiến cho nhiều người kiên trì lối viết “tập thể nhân vật” nói ở đoạn trên: người ta cho rằng làm thế mới có khả năng xây dựng được những điển hình khác nhau và cái nào cũng cụ thể sinh động, từ đó gộp cả lại khái quát nên thứ “chân dung nhóm” bao quát các kiểu dạng con người đương thời. Xét về khía cạnh nghề nghiệp, tuy không tuyên bố, nhưng dường như Bảo Ninh muốn nói  thật ra một nhà văn không thể biết nhiều như anh ta vẫn tưởng; may ra anh ta chỉ biết chính mình. Và từng con người mới quan trọng, từng con người chính là “vấn đề của mọi vấn đề”, kể cả khi người ta sống và nghĩ về chiến tranh.

Cuộc sống dưới dạng hồi ức
     Ra khỏi chiến tranh, trong Kiên hàm chứa một mâu thuẫn thường trực. Một mặt anh chai lì đi. Mặt khác, trong anh, dòng ký ức về chiến tranh lại cuồn cuộn chảy và những chuyện nhỡn tiền chỉ là đầu mối để anh nhớ lại chuyện cũ, thúc đẩy con người nhân vật  gắng vươn lên để nhận thức về quá khứ. Thành ra cái vẻ uể oải “chẳng biết dùng đời mình vào chuyện gì” (tr 77 – số trang ghi theo bản của Nhà Xuất bản Hội nhà văn, 1991) chỉ là bề ngoài. Trong cái dạng sống riêng của mình, Kiên cực kỳ nhạy cảm và ngầm chứa một khao khát vươn tới không gì cản nổi.

    Sự chai lì thật ra vốn được hình thành dần trong quãng đời cầm súng của nhân vật. Những năm ấy, Kiên đã cảm thấy, “không phải là mình đang sống mà như đang bị mắc kẹt trong cõi đời này” (87). Những gì tốt đẹp trong ý nghĩ và tình cảm sớm bị mất đi. Người ta tự nguyện gác hết suy nghĩ để hành động.Sang  thời hậu chiến rồi cái nếp sống bức bối chật hẹp như thế  còn được tô đậm thêm bằng hàng loạt bất lực khác. Kiên không biết lao vào kiếm sống và hưởng thụ như mọi người. Cả đến những chuyện riêng tư cũng không biết lo, có bao nhiêu việc đáng làm thì Kiên lại đã không làm, đến khi cái câu hỏi khó chịu “đi đâu bây giờ, làm gì bây giờ?” ngày ngày vang lên như một ám ảnh, thì quả thật là một cách xác nhận về tình trạng bế tắc thực sự.

    Thời bình cũng như thời chiến, Kiên đều đơn độc. Chung quanh anh là những người vừa ra khỏi chiến tranh đã lập tức quên lãng, lao đầu vào cuộc kiếm sống. Trong con mắt họ, Kiên như một kẻ mộng du.

     Nhưng chỉ cần đứng lùi ra xa một chút, nhìn chặng đường chiến tranh như một phân đoạn lịch sử, chúng ta sẽ thấy ngay rằng kẻ tỉnh táo không phải là cái đám đông hỗn độn kia, mà chính là Kiên. Đám đông lao vào kiếm ăn thực ra đang mê muội. Ngược lại người chiến binh sống vất va vất vưởng và tưởng đời mình như bỏ đi, mới là kẻ sáng suốt.

     Nhà văn Pháp J. Cocteau từng viết về mối quan hệ giữa một thi sĩ với hoàn cảnh: “Ở đây chỉ một mình thi sĩ là người sống giữa những người chết, và chính trong giờ phút ấy thi sĩ đã làm mồi cho chính sự chết - nó đang sống hơn là thi sĩ sống.” Tình cảnh của Kiên cũng có những nét tương tự.

    Hồi ức làm nên lý do để sống của những người lính đã sống hết mình với chiến tranh. Trong lịch sử văn học nhiều nước, hàng loạt cuốn tiểu thuyết viết về những người lính ấy được viết bởi sự thôi thúc phải nói to lên cái lời đề nghị đơn giản: không được quên lãng. Một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nga V. Rasputin mang tênHãy sống và hãy nhớ (bản dịch tiếng Việt đổi đi một chút, gọi làSống mà nhớ lấy). 
Còn ở Việt Nam, cuốn truyện vừa của Nguyễn Minh Châu mang tên Cỏ lau cũng có một ý tương tự. Câu chuyện xoay quanh công việc đám lính hậu chiến đi tìm hài cốt những người chết. Sau khi bảo rằng vùng này đất tốt quá chừng, vô khối là đất mà chỗ nào cũng chỉ có giống cỏ lau mọc, tác giả viết, “Với bao nỗi toan tính hối hả trong thời bình, mỗi con người chúng ta có lẽ đôi khi cũng là một cánh rừng cỏ lau giàu sức sống, rất chóng lãng quên những người lính đã ngã xuống”. Bởi lãng quên đe dọa đến chính cuộc sống, người ta phải tiến hành cuộc chiến đấu dai dẳng để chống lại nó. Viết văn với Nguyễn Minh Châu hay Bảo Ninh nói ở đây chính là để chống lại sự lãng quên đó.

Lạ hóa chính mình lạ hóa hoàn cảnh 
Những ai đã đọc Thời xa vắng, hẳn nhớ cách của Lê Lựu viết về quá khứ trong đó: quá trình tham gia chiến đấu của Sài không được miêu tả cặn kẽ. Song nhà văn vẫn làm cho người đọc thấy rõ Sài là một sản phẩm của chiến tranh, chỉ chiến tranh mới đẻ ra những con người tương tự.

Có thể nói một đặc trưng của bản thân Sài là thái độ quan liêu với chính mình.  Sài cũng ghi xương khắc cốt rằng mình lớn lên, bắt đầu làm người thực sự từ trong chiến tranh. Song thực chất cái con người của chiến tranh ở đây nó là thế nào, nó cụ thể ra sao  Sài không biết và trước tiên là không thèm để ý. Ngược lại Sài cứ nhơn nhơn như không, lại còn luôn tự lừa mình rằng chẳng có điều gì mà mình không hiểu, và rộng hơn tự hào rằng ra khỏi chiến tranh mà bản thân cái phần tốt đẹp trong con người mình vẫn còn nguyên vẹn.

    Niềm tự tin được đẩy lên thành một ảo tưởng ấy đã làm nên cả đặc trưng của nhân vật trong Thời xa vắng. Thứ tự tin nông nổi và có vẻ như đáng yêu đó là nguồn gốc của bao thất bại đến với Sài về sau. Con người rút cục trở thành tù nhân của hoàn cảnh và càng lao đầu vào hành động tình thế càng trở nên tuyệt vọng.

     Bề ngoài Kiên của Bảo Ninh không được như Sài. Dường như anh không ra khỏi chiến tranh. Mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, anh không biết. Những trò hưởng lạc, anh không màng. Nhưng vẫn có thể nói so với Sài, Kiên vượt lên một bực ở chỗ toàn bộ sức sống của anh tập trung vào việc nhận diện chiến tranh. Nghĩ về nó. Ngày đêm ăn ngủ lúc nào cũng có nó. Muốn khôi phục lại bộ mặt của chiến tranh như nó vốn vậy. Để làm việc đó, anh sẵn sàng để cho ký ức nổi lên hỗn loạn, với dụng ý rằng sau đó tìm cách kiểm soát nó, lý giải nó một cách chủ động.

     Lúc nào chiến tranh cũng được Kiên nhìn như thuở ban đầu. Anh đến với nó từ một sự vô tư không thành kiến. Luôn luôn thú thực rằng mình chưa hiểu. Luôn luôn sợ quên, sợ nhầm. Nghĩa là Kiên đã dọn lòng một cách thanh thản, đã tạo cho mình khả năng đối diện với một thực tế khó nhằn và có được ý chí ngoan cường trong việc chinh phục nó chiếm lĩnh nó. Nói cho đúng ra, khi tự nhủ rằng với cuộc chiến tranh ấy, mình phải viết, thật ra anh đã bước đầu khách quan hóa nó, tách nó ra khỏi mình, lạ hóa nó để tiêu hóa nó. Có thể nói Kiên đã tìm thấy một đối tác tốt để đồng hành trên suốt quãng đường đời còn lại.

    Có một sự thực là từ lúc chưa xung vào quân ngũ đến lúc trở về, quan niệm của Kiên về vị trí và mối quan hệ của mình với chiến tranh là nhất quán.
    Một mặt, như Kiên từng xác định, giữa cuộc chiến tranh to lớn, anh “chẳng là gì cả” mà chỉ là một thứ  đinh ốc nhỏ, hoặc như chữ anh dùng “loại con sâu cái kiến” trong cuộc biến động vĩ đại; và anh bằng lòng với số phận đó.
    Mặt khác, hình như ở Kiên luôn luôn có một con người nữa, tách ra bên ngoài để soi xét mọi chuyện, và đây là khía cạnh tự do bên trong, nó làm nên tầm vóc của nhân vật. Lúc đã suy nghĩ thì nhân vật không còn bị một ràng buộc nào. Không bị bắt vít vào những quan niệm thông thường. Không bị ảnh hưởng của những đồng đội chung quanh. Một cái gì cơ bản hơn, những nguyên tắc của việc làm người - nếu có thể nói như thế - chi phối anh, len lỏi trong những suy nghĩ của anh. Những kiến thức mà tuổi trẻ anh đã tiếp nhận được từ  những người thân và bè bạn của nền giáo dục ở nhà trường thường xuyên trở lại để giúp anh so sánh đối chiếu với thực tế trước mắt.

       Trong cái vẻ ương ương gàn gàn, Kiên vượt lên trên những người thông thường. Có thể nói trong văn học Việt Nam, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi, ở đó con người giữ nguyên được cảm giác ngạc nhiên kỳ lạ về chính cuộc sống mà họ đã sống. Nhờ thế, một cuộc chiến tranh chưa được biết tới lại hiện ra sắc nét và độc đáo, nghĩa là không giống cuộc chiến thông thường mọi người vẫn hiểu.

Nhận thức như một lẽ sống
Trong cảm nghĩ của Kiên, chiến trường có lúc có cái không khí rờn rợn của một cuộc sống không thực. Có những khu vực ở đó, “chim chỉ bay không kêu, măng nhuốm màu đỏ “, và “rất nhiều hồng ma, một loại cây ưa máu” (các tr.7, 13). Mà toàn bộ đời sống sau chiến tranh khi được phản ánh vào tâm trí Kiên cũng vậy, nó có cái không khí “ nửa nhà thương nhà đòn”, như chữ dùng của tác giả.

Sự tỉnh táo trong cái nhìn hiện thực của con người này sớm bị thách thức. Thường xuyên, Kiên cảm thấy mình lạc lõng chơi vơi chẳng biết bấu víu vào đâu.

Như vậy là Kiên đã thất bại đã đầu hàng, như nhiều nhân vật nông nổi khác? (Có lúc anh đã tự nhủ: “mình chả trở lại thành người được đâu!”).

Song đó chỉ là một phía. Trong hoàn cảnh nhiều điều trái ý, khao khát nhận thức của Kiên – một khao khát chẳng những bao giờ cũng âm ỉ mà nhiều lúc lại còn bừng sáng lên đột ngột - đã trở thành cái phao để anh bấu víu. Nó mang lại cho anh lẽ sống. Kiên cảm thấy đời mình không còn ý nghĩa gì khác ngoài việc nghĩ về chiến tranh và khôi phục lại bộ mặt thực của nó. Các hồi ức của Kiên không dừng lại ở mức độ cảm giác mà vươn tới trình độ của một nhận thức. Mối quan hệ của Kiên với chiến tranh được đặc trưng bởi tự ý thức sâu sắc của nhân vật về môi trường mà mình có mặt. Sống vốn đã là để nhận thức. Với chiến tranh cũng vậy. Nơi người ta thường cho rằng mỗi con người phải quên mình đi cho hành động, thực ra lại là mảnh đất tốt cho những suy nghĩ, phản bác, thể nghiệm, kiểm tra, chấp nhận...

Chỉ cần có ít kinh nghiệm về tiểu thuyết viết về chiến tranh ở Việt Nam, người ta đã thấy những nhận thức đã đến với Kiên như vừa phác họa là vượt lên trên sự thông thường, là lạc lõng xa lạ, và đây là điều đã được nhiều nhà phê bình gọi ra. Nó cũng là nguồn cơn của nhiều giận dữ mà các đồng đội hôm qua đã đổ lên đầu tác giả. Tuy nhiên, chỉ cần gạt bỏ thành kiến và lòng tự ái bẩm sinh, những người đã trải qua chiến tranh sẽ thấy con người Kiên là hoàn toàn bình thường. Và nhận thức của anh về chiến tranh không phải là suy nghĩ theo nghĩa thông thường, mà là sự vận động trong đầu óc thực thụ:

--  Nó mang màu sắc kinh nghiệm cụ thể, kết quả của một sự tìm tòi cá nhân chứ không phải kinh nghiệm bày đàn, một thứ chân lý do người ta học đòi nói leo, bị áp đặt và không có thẩm tra thể nghiệm.

-- Nó là cái gì người ta cố từ chối mà không từ chối nổi, chứ không phải nông nổi bốc đồng, một thứ làm dáng, ra cái điều suy nghĩ, ý  nghĩ vừa đến trong đầu  đã kêu toáng lên dọa mình dọa người.

-- Nó (sự suy nghĩ ấy) lung linh tồn tại như một cơ thể sống. Trong khi ở nhiều cuốn tiểu thuyết hậu chiến khác, chiến tranh là đơn giản, chỉ có một nghĩa, dễ hiểu (để rồi dễ quên dễ chán) thì ở đây, mặc dù đã sống với nó hết lòng, con người lại vẫn như là chưa hiểu cái gì đã đến với mình  trong những năm tháng không bình thường ấy.

Nhận thức ở đây đồng nghĩa với khám phá, khám phá không bao giờ ngừng. Trong cái sự chật vật để đi đến nhận thức, con người như đã ở vào trình độ sống hiện đại, chứ không phải loại người thiên về hành động và chỉ biết giải thích công việc mình làm theo những công thức có sẵn.

Một đối trọng đầy sức ám ảnh

Bên cạnh Kiên thì trong tác phẩm, Phương là nhân vật nổi lên hơn hết. Trong cảm giác chung về nỗi buồn mênh mông và như một thứ không khí phả vào từng trang tác phẩm, không chỉ có nỗi buồn xé lòng của Kiên mà còn có nỗi buồn dai dẳng, nỗi cay đắng nằm tận đáy lòng của Phương. Khi Kiên đi sâu vào nhận thức để giải mã cuộc đời, cái đối tượng có sức ám ảnh với nhân vật không chỉ là chiến tranh mà còn là Phương nữa.

Trong các bài hát lẫn trong thơ ca lưu truyền ở Hà Nội trước 1975, người phụ nữ những năm chiến tranh thường được hiện ra như những cô gái nhanh nhảu tháo vát, nếu không đi thanh niên xung phong hoặc làm giao liên đưa bộ đội vào chiến trường thì đó cũng là người con gái ở lại hậu phương chung thủy đảm đang, thay thế chồng con cha anh trong những công việc đàn ông thường làm. Họ hết sức năng động trong phạm vi những việc cụ thể, nhưng lại đơn giản sơ lược trong đời sống tinh thần, và thường thiên về những giọt nước mắt sùi sụt, để rồi sau đó lại đột ngột cứng cỏi một cách kỳ lạ đến mức khó hiểu, nếu không nói là giả tạo. Có thể bảo đó là nét đặc biệt của người Việt nói chung, song ở phụ nữ, người ta nhận ra những biểu hiện lý tưởng.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, Phương trước tiên vượt lên mẫu người con gái  thường gặp không chỉ trong các sang tác của dòng văn học chính thống đó để trở nên gần như một ngoại lệ. Hãy bắt đầu bằng hình ảnh Phương trước ngày tiếng súng bắt đầu nổ. Đó không phải chỉ là hình ảnh của hòa bình hạnh phúc mà ngay từ lúc ấy, Phương đã là con người của một nhận thức mới. Trong khi Kiên tính chuyện ra đi, lao vào hành động, thì Phương lại có cái nôn nao khó tả, nó là nỗi dự cảm trước một điều lớn lao đang xảy tới. Toàn bộ sự nhạy cảm của Phương được huy động khiến cho người ta cảm thấy Phương như vượt hẳn lên so với người bạn trai cùng tuổi. Phương nói ra những điều lớn lao một cách trực tiếp như là lịch sử đã ứng vào miệng cô. Buổi tối bên bờ biển (trong đợt Phương với Kiên đi nghỉ) có cái không khí huyền bí của một thời điểm mặc khải, khi con người chợt nhận ra điều bí mật. Từ lúc chưa ai cảm thấy, thì hình như Phương đã cảm thấy chiến tranh tới gần. Và nhất là những gì Phương phản ứng trước cái thực tại sắp tới đó thì thật bất ngờ mà suy cho cùng lại thấy rất có lý. Ngay từ lúc này người ta đã thấy Phương sâu sắc hơn Kiên. Phương không chỉ sống với cuộc đời trước mắt mà còn sống với những ký ức từ thuở người Việt viết nên Chinh phụ ngâm và ru con bằng những câu ca dao “Con cò lặn lội bờ sông  Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”.

Nếu sự chừng mực trong tiếp nhận chiến tranh ngay từ khi tiếng súng chưa nổ khiến Phương có cái vẻ tiên cảm đến mức lạc lõng so với con người đương thời, thì cái cách Phương hiểu về thời đại của mình càng sâu sắc lạ thường, một cách hiểu mới mẻ đến mức người ta phải nghi ngờ. 
Nói chung trong cách xử sự, Phương là con người vượt ra ngoài thông lệ. Đoạn tác giả để cho Phương cảm thấy gần với cha Kiên hơn là Kiên, Phương đứng bên cha Kiên trong cái lần ông họa sĩ này đốt tranh… bị một số người cho là giả tạo. Nhưng lô-gich của Phương là vậy. Phương và cha Kiên tự nhận là những kẻ lạc thời và lạc loài, song sự thật, họ là tinh hoa của thời đại họ, là những con người của nhân văn nhân đạo, của vĩnh cửu.

Ngay từ đầu, với trình độ hiểu biết của mình, Phương dường như đứng ngoài không gian thời gian. Từ chỗ đứng đó Phương tìm ra nguồn sức mạnh tinh thần để hòa hợp với xã hội. Kiểu nghĩ trí tuệ một cách bản năng như thế giúp Phương không cứng nhắc trước cuộc đời. Việc Phương tự biến đổi theo hoàn cảnh mà chúng ta thấy về sau như có thêm bảo đảm rằng con người tưởng như ngoại lệ này vẫn là trường hợp bình thường. Trong Phương có cái phần mà nhiều người khác có, nhưng lại lảng tránh.
     
Thích ứng để tồn tại   
Trong những lần bàn về cuốn sách của Bảo Ninh, một số người có nhắc tới nền văn học xô - viết viết về chiến tranh, và những bộ phim làm theo cảm hứng của những tác phẩm tinh hoa trong nền văn học đó, kiểu như Khi đàn sếu bay qua hoặc Bài ca người lính. Trong những tác phẩm ấy, các nhân vật nữ hiện lên như những con người sẵn lòng để người yêu ra đi, nhưng trong lòng xiết bao đau đớn. Rồi ngay trong lòng hậu phương bản thân họ cũng bị vùi dập. Tình cảnh đáng thương xảy ra theo nghĩa con người trở nên suy đồi mặc dầu họ không muốn. Họ quay ra rượu chè chơi bời, tức chìm dần vào những lầm lạc. Yếu đuối tầm thường tồn tại trong họ ngay bên cạnh cái cao đẹp, cái sang trọng. Song không phải vì thế mà họ đáng trách: họ chỉ là nạn nhân của cuộc chiến.
Phương trong Nỗi buồn chiến tranh có những nét gần với các nhân vật người Nga nói trên.
Ở Phương không có cái kiêu ngạo đầy ảo tưởng “ví đây đổi phận làm trai được - thì sự anh hùng há bấy nhiêu” (thơ Hồ Xuân Hương).
Phương cũng không phải mẫu người con gái cam chịu hoặc gồng mình hy sinh, lấy sự đau khổ làm số phận.
Thế thì đâu là nhân tố Việt Nam còn lại trong lòng người con gái kỳ lạ này?
Đó là sự thích ứng.
Qua miệng bà mẹ của Phương, tác giả sớm nhận xét  Phương có xu thế vươn tới sự hoàn hảo và mơ ước nhập thân vào cuộc sống(tr 238). Chỉ cần có chút kinh nghiệm trường đời, người ta sẽ hiểu ngay là thật vô phúc cho người đàn bà Việt Nam nào hội trong mình cùng một lúc cả hai phẩm chất trái ngược đó. Bởi sự sống ở đây bao giờ cũng mang trong mình nó sự vô thường, sự dang dở. Muốn hoàn thiện thì người ta trước sau không tránh khỏi gãy nát, sụp đổ. Cũng may mà ở Phương, sự nhạy cảm vẫn mạnh hơn, và cô biết từ bỏ cái ao ước ban đầu kia để giữ lấy cho mình phẩm chất thứ hai.
Sự thích ứng đến với cô một cách tự nhiên. Thích ứng như sự phá bỏ nguyên tắc bất chấp mọi điều kiện. Thích ứng cao hơn tự do, cao hơn lòng tự trọng. Thích ứng với nghĩa có thể đầu hàng, có thể giả tạo, có thể từ bỏ chính mình, miễn sao được sống.
Có lẽ phải nói tới những gì lưu truyền trong máu huyết  thì mới giải  thích được sự thích ứng của  Phương, một  sự thích ứng ấy không chỉ nhanh nhạy mà còn bền chắc và trở thành yếu tố chủ yếu làm nên sự sống của nhân vật .

Đầu tiên là sự thích ứng với những đổi thay bất ngờ và không kiểm soát nổi mà  chiến tranh mang lại. Bước ngoặt này xảy ra ở chỗ nhà ga Thanh Hóa. Phương theo tiễn Kiên. Lúc ấy cả hai từ Hà Nội vào và đã trải qua một hành trình kinh khủng. Giờ họ rơi tõm vào cái ga bị ném bom. Trong lúc lạc Kiên, Phương bị rơi vào tay một  thằng đểu. (Đây là một thứ tình thế phổ biến, chiến tranh ở đâu cũng có, tuy rằng lại ít khi được nói tới trong các tiểu thuyết Việt Nam -- bởi  đằng sau đó, người ta luôn luôn đọc ra mặt trái của chiến tranh.)
So với những xô đẩy mà Kiên phải chịu thì sự mất mát của Phương là lớn hơn nhiều. Nhưng chúng ta hãy xem họ phản ứng như thế nào?
Sau cơn lê lết đau đớn ê chề, Phương nhanh chóng hồi phục.Mặc dầu trong con mắt người bạn trai, bề ngoài, cô vẫn cứ lộng lẫy “mềm mại, mịn màng”, tóm lại là tuyệt mỹ (tr 269) song thực chất đã khác.
Với Kiên, sự thích ứng của Phương là cả một tội lỗi. Phương của anh đã mang tội phản bội, tội đầu hàng, “quỳ gối trước cái số phận mới mẻ” (tr 264) và chàng thanh niên không bao giờ tha lỗi cho cô gái về cái tội để cho kẻ khác xúc phạm tới cái tuyết sạch giá trong mà lại quên ngay được, và trở về với đời sống bình thường dễ dàng như vậy.
Trong khi Kiên đau đớn, Kiên bực tức, Kiên muốn người bạn gái phải tự xỉ vả, tự xử tội mình, phải muốn chết đi vì xấu hổ, thì ngược trở lại, Phương coi tai họa như một cái gì tự nhiên phải đến và không hề có mặc cảm phạm tội. Cô không bị ràng buộc vào những quan niệm cổ lỗ như phần lớn con người đương thời. Với cô, chung thủy hay phản bội lúc này chẳng có ý nghĩa gì cả.

Một lý do huyền bí nào đó đã mách bảo nhà văn lấy đoạn này làm cao trào của truyện và đưa nó vào phần kết, xem nó như cái chìa khóa để hiểu toàn bộ tâm lý nhân vật. Đây là thời điểm đánh dấu sự vượt cao của Phương so với Kiên, không phải chỉ trong ý nghĩ mà còn trong hành động. Từ đây, Phương như trở thành một con người khác. Phương như vừa tự phát hiện ra một cái gì rất mạnh của mình mà trước đây, mình không thấy hết, và một người như Kiên càng không thấy hết.

Nhớ và quên đều có lý 
Sau khi đã có sự thích ứng thứ nhất – thích ứng với chiến tranh – thì sự thích ứng thứ hai ở Phương - thích ứng với hoàn cảnh hậu chiến – sẽ đến một cách tự nhiên, mặc dầu nó xảy ra một thời gian dài và diễn biến với nhiều cung bậc hơn.

Một điều đối lập ai cũng thấy khi so sánh Phương và Kiên sau chiến tranh: trong khi Kiên đào bới vào ký ức và tin tưởng ở sứ mệnh người tiên tri của quá khứ mà mình tự nguyện đảm nhận thì Phương gần như có thái độ ngược lại.

Sơ đồ suy nghĩ của Kiên bao gồm mấy bước. Ra đi trong náo nức; sớm thất vọng khi nhập cuộc và bắt đầu cảm thấy cần tìm hiểu sự thực về chiến tranh; đến thời hòa bình, cái định hướng suy nghĩ này của anh càng trở nên rõ rệt. Trong thâm tâm, Kiên mang máng cảm thấy rằng đẻ mình chìm vào mạch nghĩ như vậy là có lỗi. Giá kể có thể giống như mọi người, buông mình trong lười biếng, lẫn mình đi giữa đám đông, thỏa thiệp với chung quanh thì thật tiện. Nhưng bản chất con người buộc Kiên phải làm khác. Có một cái còn quan trọng hơn sự chung sống hòa hợp với mọi người chung quanh, thậm chí cao hơn hạnh phúc theo nghĩa thông thường, đó là tìm ra sự thực đời sống. Tính chất nhất thiết của quá trình nhận thức khiến cho Kiên có cái chất mà các nhà nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết thường nhấn mạnh: sẵn sàng chống lại hoàn cảnh; đi đến cùng trên con đường đã chọn.

Theo cách hiểu thông thường, thì rượu chỉ làm cho người ta say sưa quên lãng. Đằng này Kiên lúc nào cũng khát rượu, vậy mà anh rất tỉnh, càng rượu càng tỉnh, rượu giúp anh sáng suốt tập trung sức lực vào suy nghĩ. “Chỉ có người nào biết bỏ qua những cái lặt vặt thì mới nhận ra được cái chủ yếu của đời sống” — cái nghịch lý ấy ở đây lại được ứng nghiệm.

Nhìn vào những cuộc phiêu lưu trong văn học thế kỷ XX, nhà nghiên cứu văn học Pháp M. Alberes có một phát hiện khá thú vị. Đại ý ông bảo rằng nay là lúc người ta không đòi hỏi nghệ thuật phải đi vào khám phá ý nghĩa bí mật của sự vật mà nó, nghệ thuật, chỉ được dùng như một phương tiện giúp con người tự vấn và thách đố lại mọi ảo tưởng cũng như sự lừa dối. Kiên sẽ phải viết tiểu thuyết là vì như thế.

Còn Phương. Khi nói thẳng khi quanh co, song bao giờ Phương cũng kiên trì một thái độ: nếu mọi chuyện hôm qua là không thể giải thích thì  và cách tốt nhất để sống là hãy quên hết chuyện cũ. Khi thấy không thể thuyết phục Kiên chấp nhận suy nghĩ của mình, giống như một kết cục tất yếu, Phương đã bỏ đi trong sự nhớ tiếc khôn nguôi của Kiên. Đi như là một sự lãng quên tuyệt đối.

Chúng ta nên hiểu sự kiện này như thế nào? Trước hết, với Phương đây là bước đi hợp với logic. Nếu Kiên là con người của tình thế trước mắt thì Phương là con người của một cuộc đời dài rộng hơn. Kiên là cái duy lý mà chúng ta vốn thiếu trong khi Phương là cái duy cảm mà người Việt có thừa. Kiên đầy hào hứng trong việc miên man sống với ký ức vì thật ra Kiên vẫn là mình, vẫn giữ được mình trong chiến tranh. Còn Phương, sau cái bề ngoài nhởn nhơ và cái vẻ đẹp nguyên vẹn kia, thật ra cái cô Phương “bậc thày thích ứng” kia đã không còn là mình nữa.
    Xét ở một phương diện nào đó, nhờ thích ứng mà Phương vẫn tồn tại. Nhưng xét trên một phương diện khác, con người Phương hôm nay không phải là Phương hôm qua nữa  Phương không còn sống với đúng nghĩa của sự sống.
    Bề ngoài là một tính cách lạc lõng so với số đông phụ nữ Việt Nam “anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang” mà báo chí thời chiến vẫn tuyên truyền và được xã hội mặc nhiên coi là có thật song Phương là tập đại thành của tính cách cố hữu mà người Việt nào cũng mang sẵn trong máu: sự thích nghi, thích nghi đến đánh mất mình đến đầu hàng hoàn cảnh.
    Trong khi đó, Kiên lại phiêu lưu giống như anh chàng hiệp sĩ Tây Ban Nha mà người Việt vừa xa lạ vừa thích thú -- Đông Ki Sốt.
      Kiên chẳng có gì là Việt Nam cả nhưng nhờ thế Kiên gần với nhân loại hơn.

Song hành như những thách thức 
    Chỉ cần đứng tách ra một chút để chiêm nghiệm đời sống tinh thần của xã hội những năm chiến tranh, thì người ta phải nhận là qua việc dựng lại diễn biến của nhân vật Phương, Nỗi buồn chiến tranh có thêm một tầng ý nghĩa mới. Phương với tác giả không phải chỉ là chỉ một cách để ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ như nhiều cây bút phê bình đã viết. Nhìn lại, trong cả cuốn tiểu thuyết, ta thấy hình ảnh Phương làm nên một cái nền vững chãi cho Kiên. 
    Bên cạnh Kiên, Phương là một kẻ đồng hành để so sánh. Một kẻ đối thoại quyến rũ. Và một cách nhìn đời khác, một thách thức. Lúc gần gũi và thông cảm với nhau, Phương là cái phần cao đẹp mà Kiên không vươn tới. 
    Lúc bị cuộc đời hành hạ, Phương là kẻ biết mau mắn chấp nhận để tồn tại, có cách nghĩ thực tế hơn hẳn so với nỗi đau đớn khôn nguôi của Kiên. Với việc bỏ đi xa để lại cho Kiên niềm nuối tiếc, Phương trở thành tượng trưng cho cuộc đời gần gũi đấy mà bí ẩn đấy, cái cuộc đời vừa  tẻ nhạt chán chường vừa đầy sức quyến rũ mà trong một phút xuất thần, Lưu Quang Vũ đã kêu lên như một lời thú nhận:

Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi
Về cuộc đời ghê gớm ta yêu 

     Tình thế Phương thời hậu chiến không được nói nhiều, song cái lý riêng của tình thế đó thì đã rõ. Nhân vật tồn tại như một biểu hiện của cái mệt mỏi buông xuôi thấm vào đám đông sau chiến tranh. Sau những năm tháng bất thường, nó xoay con người đến nát tươm, nó làm cho con người trở thành méo mó kỳ dị…, người ta vẫn muốn sớm quay về cuộc đời bình thường. Nhất là sau một cuộc chiến quá sức, biết mình không thể hoàn lương trở lại, người ta muốn tạm đắp điếm cho xong, muốn tìm một sự bình yên cần kíp cho cuộc sống trước mắt, dù biết là nó giả tạo. Theo mạch thời gian, thấy càng về sau Phương càng mất hình mất dạng, càng như tan biến đi, trong khi đó Kiên càng kiên trì hơn với những câu hỏi ám ảnh, càng trở thành chính mình. Phương là sự bình ổn với bất cứ giá nào, bình ổn để nhắm mắt sống cho qua cái hiện sinh ngoài tầm kiểm soát; ngược lại  Kiên – trong hành động nhận thức của mình - lại nổi bật lên như là yếu tố hư vô mà thách thức và do đó thúc đẩy cuộc đời đi tới.

     Việc miêu tả quá trình song hành giữa hai nhân vật có sự bổ sung cho nhau như Phương và Kiên khiến cho hình ảnh con người trong Nỗi buồn chiến tranh như được gợi mở với nhiều chiều kích rộng rãi. Trong khi ghi nhận hai nhân tố có thực trong đời sống, đồng thời tác phẩm còn tồn tại như lời mời gọi cuộc đối thoại mà lẽ ra xã hội hậu chiến nên đón nhận.
     Dù những đề xuất ấy không được chính thức hưởng ứng, song trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam hậu chiến, các nhân vật như Kiên như Phương vẫn hiện diện, và đấy là cái làm nên lý do trường tồn của tác phẩm. Không mấy khi, nhà văn Việt Nam xây dựng được những nhân vật có ý nghĩa thách thức như thế.

2006 - 07 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phong kiến?

Ngồi xó bếp nói chuyện thế giới:

Xứ An Nam ta, người cộng sản làm cách mạng là để đánh đuổi thực dân, lật đổ phong kiến thối nát, thậm chí còn quá đà "trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ". Có nghĩa là... đéo chơi với phong kiến. Mày mà lòi ra, ông chặt không còn một mống. Hồi tôi còn bé, biết cả chuyện con cái nhà lý lịch phong kiến không được vào đoàn, không cho đi học, thậm chí không bắt vào bộ đội. Đánh phong kiến là cứ đánh diệt tận gốc, trường kỳ, tiệt nọc thì thôi.

Nhưng họ (cộng sản Việt) lại anh em thân thiết với đám cai trị Triều Tiên. Bọn ấy miệng thì rao theo CNXH nhưng phong kiến đặc sệt. Rõ nhất là cha truyền con nối. Đây là đặc điểm số 1, hàng đầu của nhà nước phong kiến. Thằng bố chết, truyền thằng con, con chết, truyền thằng cháu, cứ thế chút chít chụt chịt. Nối nhau làm vua, làm thiên tử, mà nó gọi chệch thành tổng bí thư, chủ tịch. Thiên tử cái con bà nhà nó, chướng bỏ mẹ.

Bọn phong kiến nó kiểu cách vậy, nên thiên hạ đang lăn tăn thằng con của Ủn mới 10 tuổi khó có thể kế vị. Thôi, xin các ông các bà. Cho nó chơi game thì được. Muốn để nó sống thì đừng bắt nó làm vua. Tôi đảm bảo, thằng học lớp 3 ấy mà làm vua, chỉ hôm trước hôm sau toi ngay. Bố nó đã gieo rắc căm hờn, hận thù cho quá nhiều người rồi, chưa kể ông nó, cụ nó trong 2 triều đại trước, mà một trong những “thành tích” là chống phá Việt Nam kịch liệt vụ Campuchia cũng như vụ chiến tranh chống quâm xâm lược Trung cộng năm 1979.

Lạ là ở chỗ, mấy ông bà xứ này, chả biết lợi dụng được gì ở đám phong kiến ấy mà cứ anh em thân thiết hữu nghị với nó, khen nó, bắt tay bắt chân, mời nó chơi đàn bầu, lâu lâu lại cấp cho vài nghìn tấn gạo. Để làm gì, cạnh tranh với Tàu cộng chăng, tranh thủ được nó thỉnh thoảng khen vài câu chăng...

Xin các ông các bà, đã đánh phong kiến rồi lại còn bợ đỡ phong kiến, thói đâu có cái thói như thế. Nghỉ chơi ngay với thằng du côn phong kiến XHCN ấy đi. Đừng có ôm rơm rặm bụng.

Nguyễn Thông 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“THỰC TẾ” VÀ “THỰC DỤNG”


Thông Điệp Cuộc Sống

Có một lần, một người bạn Mỹ dạy học chung với tôi bảo với tôi rằng: “Người Việt Nam bọn mày lúc nào cũng bảo người Mỹ bọn tao sống thực dụng. Bọn tao không sống thực dụng mà sống thực tế. Tao ở Việt Nam hơn chục năm nay thấy người Việt Nam mới sống thực dụng“.
Hơi nóng mặt, tôi hỏi lại: “Thế mày định nghĩa thế nào là thực tế, thế nào là thực dụng?”
Bạn tôi bảo:
“Sống thực tế là hiểu rõ thực trạng cuộc sống, không mơ mộng hão huyền hay tìm cách trốn tránh thực tại.
Sống thực tế là hiểu rõ năng lực và giá trị thực của bản thân để có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình.
Còn sống thực dụng là bất chấp thực tế, bất chấp năng lực thực sự của mình ra sao mà chỉ chăm chăm giành được cái lợi nhỏ trước mắt, ngoài ra mặc kệ hậu quả sau này nghiêm trọng thế nào.”
Đã từng sống ở Mỹ một thời gian dài, tôi biết bạn tôi nói đúng.
Ở Mỹ, học sinh học vừa sức, không nhồi nhét, không quan tâm đến thành tích và cũng không có khái niệm trường chuyên lớp chọn. Bằng cấp đối với họ chỉ là một tờ giấy chứng nhận rằng họ đã đạt yêu cầu về mặt kiến thức lẫn chuyên môn ở một trình độ nhất định, không có gì ghê gớm cả. Cái họ quan tâm là trên thực tế, năng lực và kiến thức của anh có tương xứng với bằng cấp và vị trí của anh trong xã hội hay không. Ở Việt Nam thì bằng cấp và thành tích là thước đo quyết định địa vị cũng như thu nhập. Cha mẹ ép con cái học cố sống cố chết để vào trường chuyên lớp chọn rồi vào đại học. Học xong đại học thì phải cố bơi cho được cái thạc sĩ. Tất cả không phải vì kiến thức mà chỉ vì chỗ đứng trong xã hội. Kết quả là học được gì không quan trọng, có sử dụng được không cũng không quan trọng, thậm chí bằng giả cũng chả sao. Cái quan trọng nhất là kiếm sao cho được nhiều tiền.
Ở Mỹ, mỗi lần một công trình được thi công, người ta phải tính toán sao cho thiên nhiên ở đó bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất, hệ cân bằng sinh thái ít bị tổn hại nhất, môi trường sống của người và động thực vật không bị phá hoại, vì họ hiểu được một vấn đề thực tế rằng tài nguyên thiên nhiên là những di sản vô giá bắt buộc phải bảo tồn cho thế hệ sau.
Còn ở Việt Nam, miễn là kiếm được ít tiền bỏ túi, người ta sẵn sàng xả độc ra biển, hút cát dưới sông, phá rừng xây thuỷ điện, thậm chí san bằng cả một khu bảo tồn sinh thái độc đáo để xây resort, gắn cáp treo bất chấp hậu quả về sau.
Ở Mỹ, người dân quan tâm đến bầu cử, đến chính trị vì họ biết họ có quyền công dân cũng như mọi quyết định chính trị của họ đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của gia đình họ.
Ở Việt Nam, người dân chỉ lo kiếm tiền vun đắp cho bản thân được ngày nào hay ngày nấy. Họ thờ ơ dửng dưng với những bất công tiêu cực của xã hội miễn sao những điều đó không xảy ra với họ là được. Tham nhũng tràn lan, nợ công tăng vọt, doanh nghiệp quốc doanh thất thoát nghìn tỉ… đối với họ đều không phải là vấn đề đáng bận tâm nếu ngày mai vẫn còn bia để dô dô.
Ở Mỹ người dân thể hiện lòng yêu nước bằng cách gắn lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng và sự cường thịnh của quốc gia. Họ không làm những điều có lợi cho bản thân nhưng đi ngược lợi ích cộng đồng.
Ở Việt Nam, người ta thể hiện lòng yêu nước bằng cách ngồi tự hào khoe khoang bề dày lịch sử dân tộc với những chiến công của tổ tiên, hoặc lên cơn mê sảng vì một giải bóng đá khu vực hoặc lên mạng không tiếc lời thoá mạ một thằng Tây nào đó dám cả gan nói xấu Việt Nam. Còn lại họ thản nhiên dùng đủ mánh khoé xấu xa để giết đồng bào mình và trục lợi từ việc đó, từ việc rải đinh ra đường cho tới việc bơm hoá chất độc hại vào thực phẩm.
Ở Mỹ, người dân cân bằng cuộc sống bằng niềm tin tôn giáo. Họ đến nhà thờ để tìm sự yên bình trong tâm trí và sinh hoạt cộng đồng giúp đỡ những người cùng đức tin.
Ở Việt Nam, người ta đi lễ chùa, đền, miếu cầu tiền bạc, cầu trúng số, cầu thi đậu, cầu chức quyền… như thể thánh thần sẽ vì những thứ hương hoa xôi thịt rẻ tiền mà thoả mãn lòng tham không đáy của đám người trần mắt thịt.
Ở Mỹ, những dịp cưới hỏi hay ma chay, giỗ chạp là những sự kiện riêng tư. Họ tổ chức đơn giản, trang trọng và chỉ mời những người thực sự có ý nghĩa với họ.
Ở Việt Nam, ma chay hiếu hỉ cưới xin là những dịp tốt để làm rùm beng tốn kém vừa để chứng tỏ với thiên hạ vừa để kiếm tiền mừng.
Ở Mỹ, người ta dạy trẻ con cách tự lập, cách ứng xử giao tiếp, cách bảo vệ bản thân không bị xâm phạm, cách thoát hiểm… những kĩ năng thực tế con người cần để tồn tại và phát triển trong xã hội.
Ở Việt Nam, người ta nhồi vào đầu bọn trẻ một mớ kiến thức cao siêu nhưng vô dụng với đích đến là những bằng cấp.
Ở Mỹ, người ta đánh giá trí thông minh và năng lực của con người qua sự sáng tạo, phát minh và đóng góp cho xã hội. Anh là ai không quan trọng, miễn sao anh có đóng góp cho xã hội thì anh sẽ được sự công nhận và tưởng thưởng xứng đáng.
Ở Việt Nam, năng lực của con người được đánh giá qua, gốc gác, sự khôn lỏi ma lanh và khả năng dùng thủ đoạn để thăng tiến. Đóng góp cống hiến là chuyện hết sức xa vời.
Lối sống thực tế và lối sống thực dụng không hề giống nhau mặc dù chúng dễ gây ra nhầm lẫn. Lối sống thực tế mang đến những sự phồn vinh vững mạnh và lâu dài vì nó được xây dựng trên nền tảng vững chắc của những giá trị thực.
Ngược lại lối sống thực dụng triệt tiêu và đảo lộn những giá trị thực tiễn để tạo ra cái lợi nhỏ trước mắt, để lại những tác hại khôn lường. Chọn lối sống thực dụng, chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho lựa chọn thiếu sáng suốt này.
Hãy Like và share nếu bạn thấy thú vị!
Sưu tầm.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nga ghi nhận kỷ lục buồn, thế giới cảnh giác bùng phát làn sóng Covid-19 mới

Trong lúc nhiều nước bắt đầu nới lỏng, rồi gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế nhằm dập dịch Covid-19, một số nước khác như Pháp hay Nhật quyết định kéo dài lệnh phong tỏa để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch lần thứ hai.

Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 2/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận ít nhất 3.478.970 ca dương tính với virus corona chủng mới và 244.481 trường hợp trong số đó đã tử vong. Song, 1.107.840 bệnh nhân Covid-19, tương đương gần 1/3 tổng số ca bệnh, đã hồi phục sau điều trị.
Nga ghi nhận kỷ lục buồn, thế giới cảnh giác bùng phát làn sóng Covid-19 mới
Người dân đổ xô đến công viên trung tâm ở New York, Mỹ để tận hưởng ngày nắng đẹp hôm 2/5. Ảnh: Reuters
Cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai ở Mỹ
Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19, với tổng số ca nhiễm (1.158.881 người) và tử vong (67.293 người) tính đến sáng sớm ngày 2/5 đều cao nhất thế giới. Chỉ trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 27.851 ca nhiễm mới Covid-19 và 1.540 người thiệt mạng vì dịch.
Theo CNN, mặc dù tốc độ lây lan của virus corona chủng mới tại nhiều nơi thuộc Mỹ đang chững lại nhờ các biện pháp giãn cách xã hội nhưng bác sĩ Anthony Fauci, một chuyên gia y tế hàng đầu Mỹ và thành viên đội đặc nhiệm chống Covid-19 của Nhà Trắng cảnh báo mọi người không nên chủ quan. Ông Fauci cho rằng, dịch Covid-19 nhiều khả năng sẽ tái bùng phát lần hai khi có thêm nhiều bang nới lỏng hoặc dỡ bỏ sắc lệnh yêu cầu người dân ở nhà và nhanh chóng khôi phục đời sống kinh tế - xã hội bình thường như trước kia.
Hãng tin AP ghi nhận, thời tiết đẹp trên khắp nước Mỹ tuần qua đã khiến hàng nghìn người bất chấp khuyến cáo đổ xô đến các bãi biển hoặc công viên để tắm nắng, giải nhiệt.
Tại bang New York, tâm chấn của dịch Covid-19 ở Mỹ, Thống đốc Andrew Cuomo kêu gọi người dân tuân thủ việc giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Nhà chức trách cũng cử khoảng 1.000 cảnh sát và nhân viên của các công viên nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng chống dịch.
Nga ghi nhận kỷ lục buồn
Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Nga có thêm 9.623 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới, mức tăng cao nhất trong ngày từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 124.054 người. Tổng số ca tử vong vì dịch trên toàn quốc hiện là 1.222 người, tăng 53 trường hợp so với một ngày trước đó.
Theo báo RT, sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 tại Nga gần đây có thể một phần do việc tăng xét nghiệm diện rộng ở thủ đô Moscow, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch tại quốc gia này. Chỉ trong ngày 2/5, Moscow đã ghi nhận thêm 5.358 ca mắc mới Covid-19.
Thị trưởng Moscow Serge Sobyanin cho biết, thành phố đã tăng gấp đôi công suất của các trung tâm xét nghiệm và tăng xét nghiệm kháng thể lên 10 lần trong tuần qua. Moscow đang cân nhắc thiết lập các bệnh viện dã chiến tại những khu liên hợp thể thao và trung tâm mua sắm để đối phó với sự gia tăng các bệnh nhân Covid-19.
Nhà chức trách Nga kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm việc giãn cách xã hội, đồng thời hy vọng các biện pháp xét nghiệm tốt hơn sẽ giúp tăng cường công tác kiểm dịch và cho phép can thiệp y tế sớm với các ca bệnh nghiêm trọng.
Nga ghi nhận kỷ lục buồn, thế giới cảnh giác bùng phát làn sóng Covid-19 mới
Nhân viên y tế Nga đang lấy mẫu xét nghiệm kháng thể Covid-19. Ảnh: Sputnik
Pháp kéo dài sắc lệnh khẩn cấp y tế đến tháng 7
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 2/5 thông báo, sau một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bộ trưởng, chính phủ nước này nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế đã ban hành trên toàn quốc từ tháng Ba, đến tận ngày 24/7 để ngăn chặn dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo BBC, nhà chức trách Pháp vẫn có kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp phong tỏa kể từ ngày 11/5. Các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống sự lây lan của virus corona chủng mới sẽ được điều chỉnh theo từng vùng.
Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner lưu ý, "nếu đáp ứng các điều kiện", mọi người sẽ không còn phải xin phép để ra ngoài đường nữa. Song, Thủ tướng Édouard Philippe sẽ có thể "thực hiện các biện pháp bằng nghị định để điều phối hoạt động di chuyển của người dân cũng như việc sử dụng các phương tiện giao thông".
Phát biểu sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Castaner nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ phải chung sống với virus corona chủng mới trong một thời gian. Học cách chung sống với virus này là điều cần làm trong những tháng tới".
Pháp hiện vẫn là "điểm nóng" về dịch Covid-19 trên thế giới với hơn 168.000 ca nhiễm Covid-19 và 24.760 trường hợp trong số đó đã tử vong.
Châu Âu thận trọng nới lỏng phong tỏa
Dù châu Âu vẫn là "điểm nóng" về dịch Covid-19 nhưng nhiều nước trong khu vực đã cho nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 trong hơn một tuần trở lại đây.
Tại Tây Ban Nha, người lớn hôm 2/5 đã bắt đầu được phép ra ngoài tập thể dục lần đầu tiên trong 7 tuần qua. Trẻ em dưới 14 tuổi đã được quyền làm điều này từ cách đây 1 tuần.
Thủ tướng Pedro Sanchez tuyên bố, chính phủ sẽ phân phát miễn phí khoảng 6 triệu khẩu trang, chủ yếu tại các điểm giao thông công cộng và trao thêm 7 triệu khẩu trang cho các địa phương nhằm phục vụ cuộc chiến chống Covid-19.
Tây Ban Nha hiện là "ổ dịch" Covid-19 lớn thứ hai thế giới sau Mỹ với 245.567 ca dương tính với virus corona chủng mới và 25.100 trường hợp tử vong.
Ngoài Tây Ban Nha, các biện pháp phong tỏa cũng đang được dỡ bỏ dần dần ở một số nước châu Âu khác, dù quy định giãn cách xã hội vẫn còn hiệu lực. Một số nước cũng yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi đi mua sắm tại các cửa hàng và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nhằm làm chậm lại sự lây lan của virus corona chủng mới.
Xét về số trường hợp thiệt mạng vì Covid-19, Italia hiện là nước đứng đầu châu Âu và thứ hai thế giới sau Mỹ với 28.710 người, tiếp sau đó là Anh với 28.131 người.
Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Italia ghi nhận thêm 474 ca tử vong vì dịch, cao hơn nhiều ngày trước đó và thêm 1.900 người mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 209.328 người.
Cùng thời gian, Anh có thêm 621 bệnh nhân Covid-19 đã tử vong và 4.806 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc tính đến sáng 3/5 lên 182.260 người.
Các tin đáng chú ý khác về dịch Covid-19:
- Bộ Y tế Nhật cho biết sẽ khởi động hệ thống báo cáo Covid-19 trực tuyến từ ngày 10/5 và triển khai trên toàn quốc từ ngày 17/5 nhằm giảm bớt gánh nặng cho các trung tâm y tế đang phải vật lộn ứng phó với dịch. Chính phủ Nhật dự kiến sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp khoảng một tháng để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch. Hiện đã có 14.305 người ở đất nước mặt trời mọc dương tính với virus corona chủng mới với 455 trường hợp trong số đó đã thiệt mạng.
- Chính phủ Singapore ngày 2/5 đã công bố kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm dập dịch, trong đó một số cư dân sẽ được phép ra ngoài tập thể dục từ ngày 5/5; một số dịch vụ như chế biến thực phẩm, vận chuyển thức ăn, đồ uống, giặt là, làm tóc, ...  được phép khôi phục hoạt động từ ngày 12/5. Tất cả các doanh nghiệp sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 1/6. Tính đến sáng sớm ngày 3/5, Singapore ghi nhận ít nhất 17.548 ca mắc Covid-19 với 17 trường hợp đã tử vong.
- Reuters dẫn lời Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Mario Victor Leonen ngày 2/5 thông báo, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan Covid-19 trong các các nhà tù đông đúc, không thể thực hiện biện pháp giãn cách, nước này đã cho phóng thích 9.731 tù nhân. Hai nhà tù ở đảo Cebu là những nơi chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 cao nhất ở quốc gia này, với tổng số ca nhiễm là 349 người trong tổng số hơn 8.000 tù nhân. Tính đến sáng sớm 3/5, Philippines ghi nhận 8.928 ca dương tính với virus corona chủng mới và 603 trường hợp tử vong.
- Theo giám đốc cảnh sát quốc gia Malaysia, nước này đã bắt đầu đưa những người nhập cư bất hợp pháp vào các cơ sở tạm giữ tập trung nhằm ngăn chặn virus corona chủng mới lây lan. Tính đến hết ngày 2/5, nhà chức trách địa phương đã bắt giam hơn 700 người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp trong chiến dịch truy quét tại thủ đô Kuala Lumpur, giữa lúc chính phủ áp lệnh hạn chế đi lại trên toàn quốc để kiểm soát dịch Covid-19. Malaysia hiện đã có 103 trường hợp tử vong trong tổng số 6.176 ca mắc Covid-19.
- Tiến sĩ Maria van Kerkhove, giám đốc kỹ thuật Chương trình các tình huống y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng chúc mừng Vũ Hán, tâm chấn của dịch Covid-19 ở Trung Quốc vì thành phố hiện không còn ca nhiễm virus corona chủng mới ở tình trạng nặng. Bà Kerkhove cũng ca ngợi các cư dân địa phương đã tuân thủ nghiêm các biện pháp phong tỏa và cách ly trong gần 3 tháng để dập dịch thành công.
Tuấn Anh