Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

SARS, cúm lợn, Zika và COVID-19: Đâu mới là thảm họa thực sự của loài người?


SARS, cúm lợn, Zika và COVID-19: Đâu mới là thảm họa thực sự của loài người?
Sự bùng phát virus corona nghiêm trọng hơn so với dịch cúm H1N1 hay dịch cúm lợn năm 2009.
Sự bùng phát của virus corona đã dấy lên mối lo ngại mang tính toàn cầu, với 200.000 trường hợp dương tính trên toàn thế giới. Nhưng đối với một số người, sự bùng phát của corona làm họ nhớ lại những dịch bệnh đã từng reo rắc nỗi kinh hoàng những năm về trước, bao gồm SARS, MERS, virus Zika và cúm lợn.
Vậy mức độ ảnh hưởng của virus corona lớn đến mức nào khi so sánh với những đại dịch trước đó?
Trước hết, chúng ta biết rằng virus corona không gây tử vong cao như SARS năm 2003 - đại dịch đã giết chết khoảng 10% trong tổng số 8.098 trường hợp được xác nhận mắc bệnh hô hấp. Và mức độ gây tử vong của corona còn thấp hơn nữa khi so sánh với hội chứng hô hấp Trung Đông, hay còn gọi là MERS, đã giết chết khoảng 34% trong số khoảng 2.500 trường hợp được xác nhận kể từ khi được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 2012 tại Ả Rập Saudi.
Tuy nhiên, cả hai căn bệnh trên đều dễ dàng ngăn chặn hơn so với COVID-19, bởi COVID-19 là căn bệnh được gây ra bởi một chủng virus mới. Đã có hơn 200.000 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona, với tỷ lệ tử vong là khoảng 9%, theo dữ liệu mới nhất .
"Nó đã lan rộng hơn cả SARS và MERS. Ngày càng có nhiều người bị nhiễm bệnh hơn", Aria Bendix, một phóng viên khoa học cao cấp của Business Insider cho biết. "Nhưng rất ít người chết vì căn bệnh này."
Sự bùng phát virus corona nghiêm trọng hơn so với dịch cúm H1N1 hay dịch cúm lợn năm 2009. Hai đại dịch này đã lây nhiễm từ 700 triệu đến 1,4 tỷ người trên toàn thế giới nhưng chỉ có tỷ lệ tử vong là 0,02%. Và trong năm 2015 và 2016, đã có hơn 500.000 trường hợp bị nghi ngờ nhiễm virus Zika, dẫn đến 18 trường hợp tử vong. Zika cũng được cho là gây ra sự tăng đột biến "tật đầu nhỏ" ở trẻ em.
Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi, trong khi virus corona lây lan qua giọt bắn từ đường hô hấp như nước bọt hoặc chất nhầy.
"Đó là lý do tại sao che miệng khi bạn ho hoặc che mặt khi bạn hắt hơi là vô cùng quan trọng để bạn không lây truyền virus sang người khác", Bendix nói. "Mặc dù chúng tôi không biết sự bùng phát sẽ lan rộng như thế nào, các trường hợp nhiễm bệnh đã bắt đầu giảm dần ở Trung Quốc, nơi chủng này bắt nguồn."
Ông cho biết thêm: "Số lượng các trường hợp đang giảm xuống. Ít người bị nhiễm bệnh ở Trung Quốc hơn. Và nếu các quốc gia khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản có thể thực thi một số biện pháp ngăn chặn tương tự, chúng ta cũng có thể thấy dịch bệnh ở đất nước họ giảm dần."
Tham khảo Business Insider

Phần nhận xét hiển thị trên trang

PHẢI BỎ TÙ CÂY SỒI


(Tưởng nhớ thi hào, văn hào Nga Boris Pasternak, tác giả Doctor Zhivago đã sống và viết theo tiêu chí :TỰ DO HAY LÀ CHẾT ! )
Đâu phải bao giờ nhân dân cũng thắng
Nhà độc tài của mọi thời đại và anh
Cần phải thức, mãi mãi thức trắng
Dù anh đã nằm dưới cỏ xanh
Anh đã yêu đất nước mình như một chàng muzich
Cái cách yêu quý phái chẳng hợp thời
Anh đã yêu đến quằn quại, đến xùi bọt mép
Mà thơ anh vẫn bị đe dọa cả đời !
Những nhân vật của Đ ôxtôiepxki
Như cua bò qua văn anh lổm ngổm
Bầu trời xanh từng in dấu anh đi
Treo anh lên vầng mây sớm
Anh bay lên cùng khói bếp lầm lì
Và rơi xuống cùng tuyết trắng …
Lara của anh [2]
Mùa thu của mối tình chết
Sông hồ kia từ độ khỏa thân
Ô i lá phong vàng phủ dần gương mặt đẹp
Tiếng cú kêu thất thần
Em ở đâu con thiên nga bị giết ?
Thơ anh còn dò dẫm dấu bàn chân !
Hỡi chàng Don Quichotte Zivago [3]
Với cối xay gió số phận
Một mình anh chiến đấu đến bao giờ ?
Trái tim nhà thơ
Là trái mìn nổ chậm
Mà tình yêu đến trước hẹn giờ
Nhà độc tài bảo anh :
“- Cứ bốn người dân thì có bốn tên phản động !” [4]
Phải bỏ tù cây sồi
Ai cho mày tỏa bóng ?
Hắn định bắt đi đầy cả gió và thơ !
Ô i bầu trời kia
Anh đã vác trên vai như khổ giá
Và nước Nga- người đàn bà anh yêu
Tia nhìn nàng đóng đinh anh vào tất cả !
Anh tàn phai cùng mùa thu
Cuồng nhiệt cùng bão tuyết
Tóc anh bạc mốc sương mù
Anh là con tuần lộc già phương Bắc
Một đời nghe tiếng sói tru
Trên mồ anh cỏ tiên tri báo trước
Về sự hết thời của bọn độc tài
Ô i đất nước
Anh đã yêu đến băng hoại cả đời !
Khi nhà độc tài tìm cách bất tử
Dẫu nằm xuống đất rồi anh chẳng được yên đâu
Tôi nhìn thấy nhân dân ngồi phán xử
Các thời đại đi qua, thơ lặng lẽ bắc cầu …
Sài Gòn 21-7-1978
Trần Mạnh Hảo
=============
[1] Phim “Sám hối” : một phim hay của điện ảnh Gruzia ( Liên Xô cũ) sản xuất tại Tbilixi, lên án nhà độc tài vĩ đại ( ám chỉ Stalin- cũng là người Gruzia). Phim này khi chiếu ( nội bộ) cho giới báo chí văn nghệ sĩ ở Sài Gòn xem từ năm 1978, đã gây xúc động mạnh mẽ; mượn gió bẻ măng, xem xong phim này, ai cũng thấy hả lòng hả dạ vì được dịp “trả thù” bọn độc tài chuyên chế. Đ ến thời “mùa xuân văn nghệ cởi trói : 1986-1989, phim “Sám hối” mới được chiếu rộng rãi ở rạp cho dân xem. Nay ( 2005) phim này buồn thay, lại bị xếp vào loại phim “phản động” .
[2] Lara : người yêu của bác sĩ Zivago, những nhân vật trong tiểu thuyết “Bác sĩ Zivago” của văn hào ( kiêm thi hào) Nga : Borit Paxtecnăc
[3] Zivago : nhân vật bác sĩ trong tiểu thuyết trên .
[4] Lời tên độc tài trong phim “Sám hối”
( Bài thơ này đã in báo “TUỔI TRẺ – CHỦ NHẬT” số 37-87 ra ngày 20-9-1987)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

HỮU LOAN – GƯƠNG MẶT ĐẼO TỪ ĐÁ


Trần Mạnh Hảo
Năm 2005 tôi về quê, ghé qua thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh ( nay là xã Nga Phượng) huyện Nga Sơn, Thanh Hóa thăm nhà thơ Hữu Loan.
Râu tóc ông bạc phơ, cười nói hết ga, nói không hề biết kiêng nể ai, không hề sợ hãi dù tôi cười bảo : bác à, cháu là công an ngầm đấy, không sợ bị bắt à ?
Ông cười phá lên. Mày là công an à, ông càng chửi tợn, cho mày ghi âm đấy, bí thư huyện ủy về tao còn chửi cha thằng nào mang chủ nghĩa chó chết về làm hại quê hương và dân tộc tao …
Bác có tin cháu thuộc thơ bác không ? Không, Trần Mạnh Hảo là công an làm sao thuộc thơ ? Cái mặt mày không thể làm chó săn được con ạ !
Tôi đọc thuộc lòng cho ông Hữu Loan (có bà Hữu Loan ngồi cạnh), đọc hết “Màu tím hoa sim”, “Đèo Cả”, đọc đến bài “Hoa Lúa”…thì ông can, thôi thôi, tao nhớ mày rồi !
Nhớ sao ? Mày viết bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” phải không ? Thưa phải ! Thế mày đọc bài này cho tao nghe lại nhá !
Tôi đọc bài thơ “Cho một nhà văn nằm xuống” ( tức bài thơ “Khóc Nguyên Hồng)…
Đọc xong, Hữu Loan im lặng, không nói gì, mắt ông hình như rơm rớm. Ngồi một lúc ông nói rất khẽ. Ở đây ăn cơm uống tí rượu với bác nha. Này, bà nó bảo thằng con sang bắt gà làm thịt đãi khách quý…
Sợ làm phiền ông bà, tôi thác cháu phải sang bên Hà Trung có anh bạn hẹn trưa nay rồi…
Ông khen Nguyên Hồng tài năng nhân cách số một. Hồng kém tao 2 tuổi, nhưng chưa đầy 17 tuổi đã thành thiên tài với tiểu thuyết “ Bỉ Vỏ”. Tuổi đời Hồng là em tao, nhưng tuổi văn, tuổi nghề nó là hạng đàn anh. Nó đã bỏ nhà Hà Nội, bỏ lương lậu, chức vụ về thẳng rừng Yên Thế sống như một nông dân. Trước khi bỏ đi, nghe nó chỉ vào cơ quan Hội nhà văn nói, ông đếch chơi với chúng mày nữa, chúng mày đểu lắm…Tao thương thằng Hồng mất sớm, đi lúc mới 64 tuổi.
Mắt Hữu Loan ngấn vài giọt sương. Ông không thương mình mà lại đi thương bạn !
Lần đầu tiên tôi gặp ông Tú Loan trong buổi tờ mờ sáng khoảng năm 1961 khi theo mẹ sang chợ Hói Đào Nga Sơn.
Hữu Loan mang cái vó đã cụp gọng, lưng đeo chiếc giỏ đựng cá, áo cộc tay, quần đùi đều rách vá. Hình như ông đi cất vó đêm về…
Chào bác Tú. Sao cháu biết ta là Tú Loan. Bác Tú thì ai trong cái tỉnh Thanh Hóa này chả biết. Tôi bèn đọc thuộc bài “Màu tím hoa sim” do mình chép trộm trong sổ tay ông anh con bác học cấp 3. Ông Tú ngạc nhiên, bỏ vó xuống, ngồi bên gốc cây bàng bên đường nói chuyện với tôi - một thằng nhóc 13 tuổi…
Sao bác về sớm thế, cất vó suốt đêm à ? Không, từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng là về. Sao không cất vó dạo ban ngày ? À, bị quản thúc tại gia, nên sông của đảng, cá của đảng, mình cất vó kiếm con cá sông cá ngòi là mình ăn trộm của đảng, công an biết thì toi …Thôi cháu đi đi, công an thấy thì rầy rà cho cháu đấy !
Từ đó, tôi không còn gặp ông Tú Loan đi cất vó trộm về nữa. Nghe đồn ông làm nghề thồ đá kiếm tiền mua gạo nuôi vợ con suốt 30 năm…
Sau năm 1986 đổi mới cởi trói cho văn học, đảng nhà nước đã phục hồi hội tịch cho các nhà văn thơ từng bị quy “nhân văn giai phẩm” trong đó có Hữu Loan…
Tôi đã gặp ông Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán…hai lần đại hội…
Các ông ngồi góc cuối, bên ngoài, chào bắt tay thì cười cho qua chuyện, như thể các ông vẫn bị ai đó cầm tù linh hồn, còn sợ hãi dù ngay khi gặp mấy gái xinh hội viên đến bắt chuyện…
Tôi chào bác Tú. Ông cười nói : “ hàng thần lơ láo…”. Hữu Loan không nhận ra thằng bé ngày nào tờ mờ sáng gặp ông ở Nga Sơn đi cất vó về, đọc thơ ông cho ông nghe…
Hôm nay được ngồi trò chuyện với ông hai tiếng đồng hồ. Người ông như đẽo ra từ đá. Suốt 30 năm ông bị quản thúc tại thôn làng về tội “nhân văn giai phẩm”, đi thồ đá cũng là đi thồ trộm, đi cất vó sông ngòi cũng là đi cất vó trộm. Sống cũng trộm, nghĩ cũng trộm, buồn vui trộm…
Chế độ mà ông tham gia xây dựng, đổ xương máu 9 năm đánh Pháp, để cuối cùng ông không hề có độc lập và tự do… Chế độ đã biến ngôi nhà ông thành nhà tù tại gia, giam một con người gần suốt cả cuộc đời trong đói nghèo, rách rưới, chỉ vì ông dám viết ra một phần ý nghĩ thật của mình…
Bây giờ già lắm rồi, ông đếch sợ nữa, ông chửi từ cụ tiên chỉ nhà chúng nó xuống, mà không thằng nào đến bắt ông. Tao thèm ở tù thật lắm. 30 năm nay tao đã ở tù tại gia, sống mà bị quản thúc từ con buồi đến tư tưởng, thì sống làm đếch gì, bắt và bắn tao đi…
Tôi hỏi ông về bài thơ “Màu tím hoa sim” thì ông bảo. Chúng nó thù bài thơ này, thù nhất là từ khi Phạm Duy phổ nhạc. Nó bảo bài thơ kích động bi kịch cá nhân trong kháng chiến. Vợ người lính chết đuối ở hậu phương lãng nhách, có gì mà làm thơ khóc. Tưởng là đi du kích bị địch giết hóa ra sảy chân chết đuối…Bao cô du kích anh hùng xông vào đồn giặc hi sinh sao không viết, lại đi khoe vợ mình bị chết đuối là sao? Tiểu tư sản, vớ vẩn, thi ca gì tủn mủm hạ đẳng thế, làm mất nhuệ khí anh bộ đội Cụ Hồ…
Vâng, cái tội mà đảng vu cho “Màu tím hoa sim” lại chính là cái công lớn của thi pháp Hữu Loan đi vào cái bi kịch cuộc đời. Bi kịch, ô là la, cái mà bút pháp văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa kị nhất, ghét nhất…
Ngày 18-3-2010 Hữu Loan đã đi vào bất tử với hai bài thơ hay nhất đời ông : “Đèo Cả” và “Màu tím hoa sim”… Và cái dáng người gan lì, dũng mãnh, hiên ngang của ông thợ thồ đá, thợ cất vó trộm, thợ sống trộm và nghĩ trộm…như tạc ra từ đá núi Ngỗng ( Nga Sơn) quê hương…
Sài Gòn 18-3-2020
T.M.H.
Ảnh 1: Hữu Loan và TMH
Ảnh 2 : ông bà Hữu Loan.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc nỗ lực xóa hình ảnh 'lò ấp nCoV'


Vài tuần trước, Trung Quốc chật vật đối phó Covid-19. Nhưng giờ đây, họ tung tiền giúp phần còn lại của thế giới đang oằn mình chống dịch.
Thay vì xin trợ giúp từ các nước láng giềng châu Âu để chống Covid-19, Serbia, một quốc gia vùng Balkan, quyết định đặt niềm tin vào Trung Quốc. "Sự đoàn kết của châu Âu không tồn tại. Nó chỉ có trong truyện cổ tích thôi", Tổng thống Serbia Alexanderar Vucic nói khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngày 16/3. "Tôi tin vào người anh em và bạn bè của mình là ông Tập Cận Bình, tôi tin vào sự giúp đỡ của Trung Quốc".
Ông Tập cũng cam kết điều thêm chuyên gia y tế đến Italy trong tuần này. Bắc Kinh đã chuyển 2.000 kit xét nghiệm nhanh cho Philippines.
Đây được coi là một phần trong chiến lược "tấn công quyến rũ" của Trung Quốc, sau khi nước này thực hiện thành công cú "lội ngược dòng" trước Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán. Trung Quốc từng nhận khẩu trang và vật tư y tế hỗ trợ từ gần 80 quốc gia và 10 tổ chức quốc tế và giờ là lúc họ "báo đáp".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Vũ Hán ngày 10/3. Ảnh: NYTimes.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Vũ Hán ngày 10/3. Ảnh: NYTimes.
Từ Nhật Bản đến Iraq, Tây Ban Nha cho đến Peru, Trung Quốc đã cung cấp hoặc cam kết hỗ trợ nhân đạo dưới hình thức gửi vật tư hoặc hỗ trợ chuyên môn. Chiến lược này giúp Trung Quốc có cơ hội thể hiện họ không phải là "lò ấp nCoV" mà là một cường quốc có trách nhiệm trong khủng hoảng toàn cầu.
Họ thế chỗ phương Tây, bên vốn thường gánh vác trách nhiệm trong thảm họa tự nhiên hoặc tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng thúc đẩy chính sách "nước Mỹ trên hết" và dần rút vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế.
"Đây có thể là khủng hoảng toàn cầu lớn đầu tiên trong nhiều thập kỷ không có sự lãnh đạo nổi bật của Mỹ mà thay vào đó là sự dẫn dắt quan trọng của Trung Quốc", Rush Doshi, giám đốc Sáng kiến Chiến lược Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington, nói. Ông nhấn mạnh rằng vài năm trước, Mỹ đã lãnh đạo cuộc chiến chống Ebola toàn cầu.
Trung Quốc đã sử dụng các công cụ và nguồn tài chính dồi dào để xây dựng quan hệ đối tác trên khắp thế giới, dựa vào thương mại và đầu tư. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, họ có lợi thế là nhà sản xuất thuốc và khẩu trang lớn nhất thế giới. Sự hào phóng của họ hiện giờ giúp xoa dịu giận dữ về cách xử lý chậm trễ ban đầu. Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán đầu tháng 12/2019, nhưng đến 20/1 Trung Quốc mới thừa nhận nCoV lây từ người sang người và bắt đầu có biện pháp chống dịch quyết liệt.
"Tôi không biết và tôi cũng chẳng quan tâm", Michele Geraci, cựu thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Italy, nói khi được hỏi liệu ngoài mối quan tâm nhân đạo, sự hỗ trợ của Trung Quốc có phản ánh tham vọng địa chính trị hay không.
Ông nói rằng vấn đề cấp bách là cung cấp nguồn lực y tế để cứu sống nhiều người, điều mà các đồng minh EU không thể hoặc không muốn làm. Nhiều quốc gia châu Âu đã ra lệnh cấm xuất khẩu vật tư y tế. "Nếu có ai lo rằng Trung Quốc đang làm quá nhiều thì hãy nhập cuộc đi", ông nói. "Đó là điều những nước khác nên làm".
Trung Quốc từ lâu đã khao khát thể hiện vai trò nổi bật hơn ở Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, đồng thời tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở ngày càng nhiều nơi trên thế giới, đôi khi cạnh tranh trực tiếp với Mỹ.
"Trung Quốc đang cố gắng sửa chữa hình ảnh quốc tế bị tổn hại nghiêm trọng do cách xử lý dịch kém cỏi ở Vũ Hán vào đầu tháng một", Minxin Pei, giáo sư Đại học Claremont McKenna ở California, viết. "Trung Quốc thể hiện mình là cường quốc thế giới có trách nhiệm và hào phóng khi tặng vật tư y tế cho các nước khác. Họ cũng đang khoe về thành công khống chế Covid-19".
Ngày 18/3, Trung Quốc cho biết sẽ cung cấp hơn hai triệu khẩu trang và 50.000 kit xét nghiệm cho châu Âu. "Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc", Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, viết trên Twitter.
Doanh nhân hàng đầu Trung Quốc Jack Ma thông báo sẽ ủng hộ 500.000 kit xét nghiệm và một triệu khẩu trang cho Mỹ, nơi các bệnh viện đang thiếu vật tư dù đã có nhiều tuần để chuẩn bị đối phó dịch. Hồi tháng hai, Mỹ đã gửi 17 tấn vật tư y tế cho Vũ Hán trên 4 chuyến bay đưa người Mỹ rời thành phố.
"Đây không còn là thách thức mà một quốc gia có thể tự mình giải quyết, nó đòi hỏi tất cả chúng ta chung sức đối phó", quỹ của Ma viết trong một tuyên bố, liệt kê hàng chục quốc gia mà ông đã ủng hộ, bao gồm tất cả 54 nước châu Phi.
Tuyên bố còn trích một bài đăng trên Weibo của ông Ma, trong đó sử dụng khẩu hiệu quen thuộc của chính trị Mỹ: "Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết".
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ nghi ngờ về các hành động hào phóng của Trung Quốc. Nhiều người ở Italy giận dữ chỉ ra rằng Trung Quốc đang bán khẩu trang và các thiết bị y tế chứ không phải tặng chúng và nói rằng một số vật tư chỉ nhằm phục vụ công dân Trung Quốc ở nước này.
Những người khác cảnh báo rằng Trung Quốc đang sử dụng thế mạnh trong sản xuất khẩu trang để "ban thưởng" cho các quốc gia có quan hệ tốt với họ. Trung Quốc sản xuất khoảng một nửa lượng khẩu trang thế giới trước khi Covid-19 bùng phát và họ sau đó tăng công suất sản xuất gần gấp 12 lần, nhưng đang giữ lại phần nhiều sản phẩm thay vì xuất khẩu.
Lý Hưng Can, quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết chính phủ không ban hành bất kỳ quy định ngừng xuất khẩu nào, nhưng họ cần giữ lại hàng để đáp ứng nhu cầu lớn trong nước.
Nhưng nhiều quốc gia đang được Trung Quốc hỗ trợ không mấy quan tâm đến câu hỏi về động cơ của họ. Điều đó đặc biệt rõ ràng ở Iraq, quốc gia vốn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ.
10 ngày trước, một nhóm 7 chuyên gia y tế Trung Quốc đến Iraq, mang theo thiết bị và vật tư y tế, bao gồm hai máy giúp Iraq tăng gấp 4 lần số lượng xét nghiệm họ có thể thực hiện mỗi ngày. "Người dân Iraq đánh giá cao sáng kiến của Trung Quốc", Thứ trưởng Y tế Iraq Jassim Al-Falahi nói.
Trong những ngày sau đó, các chuyên gia Trung Quốc hướng dẫn bác sĩ và giới chức y tế Iraq các bước để chống nCoV, họp từ xa với các lãnh đạo bệnh viện Iraq, theo Hassan Al-Tamimi, lãnh đạo Tổ hợp Bệnh viện Thực hành Medical City ở Baghdad.
Bộ Ngoại giao Iraq ra tuyên bố, nói rõ rằng Covid-19 chỉ là một trong nhiều dự án hai nước hợp tác cùng nhau. Các dự án khác bao gồm khai thác dầu mỏ và nâng cấp lưới điện của Iraq.
Không rõ liệu người Iraq có tiếp nhận đầy đủ các chỉ dẫn phòng dịch của Trung Quốc hay không. Ngày 17/3, trong lễ ký kết lắp đặt phòng thí nghiệm mới tại Medical City, đại sứ Trung Quốc tại Iraq Trương Đào bày tỏ lo lắng.
"Có rất nhiều người trong phòng, những người quan trọng, cố vấn chính phủ và bộ trưởng, nhưng không ai đeo khẩu trang hay găng tay", ông Trương nói với bác sĩ phổi ở Medical City Mohammed Waheen tại sự kiện.
"Thủ tướng nước ông đã ngoài 70 tuổi rồi", đại sứ nói. "Các ông không nhìn nhận mức độ nguy hiểm của dịch một cách nghiêm túc".
Phương Vũ (Theo NYTimes)


HÃY DỪNG LẠI VIỆC LĂNG MẠ "KHÚC RUỘT NGÀN DẶM" VÀ HÃY NHỚ HỌ ĐÃ " LÀM GÌ CHO ĐẤT NƯỚC"


VÊ CHUYỆN VIỆT KIỀU VỀ NƯỚC
Dịch bùng phát đe dọa nhiều dân tộc. Nước Nam ta, không có nước nào làm được như thế, đã huy động sức mạnh tổng hợp, tất cả bộ máy của Nhà nước đều lao vào "Chống dịch như chống giặc" ngay từ khi dịch mới bùng nổ ở Vũ Hán. Không có nước nào huy động sức mạnh tổng lực nhạy bén, đạt hiệu quả như thế. Từ thủ tướng tới bác sỹ, y tá và cả từng sư đoàn bộ đội, công an và chính quyền các cấp vào cuộc.
Chính vì vậy, cho tới hôm nay, dù chúng ta ở ngay cạnh trung tâm dịch, con số lây nhiễm mới trên 70 ca. Số tử vong chưa có.
Được như thế hẳn Việt Nam, nước Nam này xứng danh là nơi Quan tâm Tới Con người và có biện pháp chống dịch tốt nhất.
Trong khi đó nơi hải ngoại, nhiều nước tiên tiến, giàu có, với chủ thuyết tìm "miễn dịch cộng đồng" nên dầu ở xa Trung Hoa đã rất nhiều người nước họ lây bệnh và tử vong.
Chính sách nước ta từ xưa sau cuộc chiến đã coi đồng bào Việt Kiều luôn là bộ phận của đất nước, nên nay đã có chủ trương đón kiều bào về nước khi dịch bệnh lan tràn.
"Về với mẹ" , đấy là lẽ thông thường của đạo lý người Việt. Con cái có ra sao khi đau ốm, hay gặp khó khăn, vẫn tìm về với mẹ, mẹ Việt tuy nghèo nào chối từ, vẫn lại ôm các đưa con vào vòng tay của mình. Chở che cho con cái từng vì nhiều lẽ phải tha phương cầu thực, là đạo đức muôn đời của tộc Việt. Nó cũng thể hiện rằng, Đảng và Nhà nước ta nói và làm với nghị quyết 36 trước sau như một.
Sự kiện xảy ra ở sân bay Nội Bài vừa qua nhiều báo đưa tin, mạng xã hội cũng đưa tin. Tôi thấy cách đưa tin chưa ổn. Nhất là giật tít giật gân.
Tôi đã rất kiên nhẫn xem hai lần vidio Clip toàn bộ cảnh cô gái nọ ở sân bay (áo đen) đôi cô với nhân viên sân bay.
Tôi thấy rõ ràng là cô gái nói nhiều, giọng rất bức xúc nhưng hoàn toàn không như vài báo giật tít và thậm chí có mạng xã hội đưa tin Cô dọa đánh công an. Thái độ cô bức xúc và thiếu bình tĩnh cần thiết chứ khônng có gì quá đáng hay xỉ nhục chính quyền ta, để mà cần lên án gắt gao cả.
Cô gái có nói rằng, chuyến bay của cô hạ cánh xuống lúc 7 h, cô thắc mắc là 3 h chiều vẫn chưa được đi cách li. Lại sân bay để các chuyến bay co cụm lại lẫn lộn, không phân tách nên dễ bị lây nhiễm...
Sự đòi hỏi của cô là mau chóng rời khỏi vùng sân bay đâu có gì sai. Đề nghị của cô chia tách các chuyến bay là ý kiến cần làm.
Nhân viên sân bay đã giải thích nhưng hai người vẫn đôi co.
Phải nhìn rõ vào sự thực ở sân bay mới thấy rằng, mỗi chuyến bay về việc giải phóng hành lý bấy nay vẫn chậm, thường là 2 tiếng. Có lần tôi bay về phải 3 tiếng. Năng lực giải phóng của Nội Bài chưa hẳn là tối ưu. Nay lại thêm chuyện kiểm dịch, phân loại , sắp xếp đi các nơi cách li, các tuyến cách lí, điều đó đòi hỏi khởi động cả bộ máy ngoài năng lực của sân bay, nên không thể giải phóng nhanh khách được.
Khách phải chờ đợi nửa ngày là điều dễ hiểu, nhất là khi nhiều chuyến bay về một lúc.
1- Về phía bà con Việt Kiều nên hết sức thông cảm với tình hình khi đang chống dịch. Chống dịch chứ không phải du lịch. Hầu hết các bạn về để chóng dịch chứ đâu phải du lịch? Bình tĩnh hơn để nhân viên sân bay tìm giải pháp tốt hơn. Việc tranh biện dằng dai ở nơi đang tập trung người bức xúc là không nên và thực ra không giải quyết ngay được vì nhân lực của cả bộ máy có hạn.
2- Về phía sân bay tôi cũng thấy cần tiếp thu ý kiến của cô gái. Phải ngăn cách cô lập từng chuyến bay để tránh lây lan hơn nếu có bệnh nhân. Hàng không cũng bố trí sao đừng quá nhiều chuyến bay hạ cánh khi năng lực có hạn.
3- Sau khi chuyện xảy ra báo chí và nhất là mạng xã hội cũng không cần thiết xới tung chuyện này lên. Thậm chí có người trên mạng xã hội còn giật tít tạo ra những hành vi không có của Việt Kiều trong clip. Từ đó có một vài người quay ra xỉ nhục bà con Việt Kiều, coi họ là đám người bỏ nước ra đi nay quay lại làm khó cho đất nước. Thậm chí nhân sự kiện mắng mỏ Việt Kiều là hành động phải nói là ít suy nghĩ cân nhắc. Đây là một sự suy diễn không tốt, thiếu sự tha lượng tử tế. Hãy đặt địa vị mình bế con như anh thanh niên trong vidio nói về sữa cho con anh.
Tôi đề nghị bè bạn tôi dừng lại và bình tĩnh trước một câu chuyện không hay ho trên. Nhất là trong lúc này, khi đoàn kết chính là sức mạnh của cả dân tộc để chiến thắng dịch.
Mẹ nào chả thương yêu con. Đời tôi đã thấy, ( cũng từng hạn họa) vì thương yêu con mà bao bà mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả cho con cái cả những đứa con hư hỏng. Đồng bào Việt Kiều, trong đó từng có tôi, cũng ít nhiều đóng góp cho đất nước này và đại bộ phận đã ủng hộ đất nước với cả tình yêu quê hương đó thôi.
Nhân đây tôi cũng đề nghị các bạn Việt Kiều hãy ủng họ quý chống dịch của Nhà nước, ai có ít đóng ít, nhiều đóng nhiều để nhà nước cứu thêm những người hoàn cảnh như các bạn.
Chống dịch như chống giặc. Hãy bình tĩnh và đặc biệt không đưa tin giả, tin chưa được kiểm chứng, không thổi phồng quá một hiện tượng nào đó làm tâm trí lòng người bất an nghi ngờ nhau là nhiệm vụ của mỗi người thực sự thương yêu mảnh đất Việt đã quá nhiều đau khổ này.
Chú thích: Tôi ở nước ngoài vẫn còn một hòn máu và nhiều bè bạn. Tất nhiên nếu con tôi về tôi sẽ đón cháu. Cha nào chả thương con. Nhưng cháu đã ở lại...
Trong bè bạn tôi cũng nhiều người không về tự cách li ở Đức. Họ không muốn đất nước khó khăn hơn, như vợ chồng anh bạn Hung Nguyen đã mua vé rồi như mọi năm nay đã hủy vé. Anh bảo, không muốn nước mình nặng gánh thêm. Đấy là một nghĩa cử, nhưng không có nghĩa ai tìm về nước là xấu.
Các bạn ơi ngay cả trong cõi sắp biết chết, tôi từng khát khao muốn sống hy vọng tôi sống sót.
DANTRI.COM.VN
(Dân trí) - Theo số liệu từ cơ quan quản lý hàng không, hôm nay (18/3), có tới 1.095 khách từ châu Âu và 5.700 khách từ khu vực ASEAN trở về Việt Nam.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

Chuyện vua Minh Mạng và tự do ngôn luận



Một trong những điểm lạ lùng độc đáo của vua Minh Mạng là chủ trương mà ngày nay chúng ta ghi trong Hiến Pháp: Tự do ngôn luận. Quốc sử quán triều Nguyễn khi biên soạn bộ Minh Mạng chính yếu đã dành hẳn một thiên, gọi là “Quảng ngôn lộ”, nghĩa là mở rộng đường ngôn luận.
Dưới sự trị vì của vua Minh Mạng, nước Việt ta không những là quốc gia có cương thổ rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc, bao gồm đất liền và biển đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn là quốc gia cường thịnh nhất ở châu Á thời bấy giờ, vượt xa cả Nhật Bản.
Là một minh quân, có lẽ Minh Mạng là vị vua để lại nhiều di sản nhất cho dân tộc về cương vực lãnh thổ, về kinh tế và văn hóa, về quốc phòng, về ngoại giao và các chính sách an dân… Những di sản ấy không chỉ được ghi trong sử sách, mà ngày nay chúng ta còn có thể nhìn thấy trong thực tế, có thể “sờ mó” và thụ hưởng chúng. Các địa giới hành chính, hệ thống phòng thủ biên giới, bờ biển và hải đảo qua các giai đoạn tuy có dịch chuyển, tăng cường, gia cố, nhưng về căn bản đã được thiết lập dưới thời vua Minh Mạng. Ngày ấy nước ta mạnh đến mức có người chặn xa giá dâng thỉnh nguyện xin nhà vua đem quân lấy lại vùng Lưỡng Quảng, vốn thuộc đất Lĩnh Nam của ta từ thời Hai Bà Trưng, về lại cho Việt Nam. Tất nhiên nhà vua không làm cái chuyện tiêu tốn máu xương và thiếu khả thi đó nên bảo người ấy là “cuồng ngôn”, nhưng ông thừa sức khiến cho Trung Quốc không dám động đến một sợi lông chân của người Việt, không dám xâm phạm một ngọn cỏ của nước Việt. Đối với các nước lân bang, ông thực hiện chính sách hòa ái, vỗ về che chở, chứ tuyệt đối không ức hiếp. Ông còn phong quan tước cho các hậu duệ của hoàng tộc Chiêm Thành và trân trọng tấm lòng của họ đối với cố quốc.
Một trong những điểm lạ lùng độc đáo của vua Minh Mạng là chủ trương mà ngày nay chúng ta ghi trong Hiến Pháp: tự do ngôn luận. Quốc sử quán triều Nguyễn khi biên soạn bộ Minh Mạng chính yếu đã dành hẳn một thiên, gọi là “Quảng ngôn lộ”, nghĩa là mở rộng đường ngôn luận. Nhiều bậc minh quân ngày xưa từng xuống chiếu cầu lời nói thẳng, nhưng thường là hư văn, ít tính khả thi. Vua Minh Mạng thì khác, ông rất ghét hư văn, ông hành xử một cách chân thành để đảm bảo thực chất.
Ngay sau khi lên ngôi, nhà vua hạ tờ sắc cho 6 bộ phải nộp tất cả các tờ tấu từ các nơi gửi tới, dù có “hợp lẽ” hay không, bởi vì trước đó các bản tấu dâng lên vua phải lập thành 2 bản, Bộ mở ra xem trước 1 bản, nếu thấy không cần thiết thì giữ lại không dâng lên. Ông làm vậy là để phòng ngừa các quan ở Bộ che lấp nhà vua, tự ý bác bỏ những lời ngay thật. Vua dụ bảo quan Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Thận: “Bề tôi thờ vua có thể phạm đến nhà vua chứ không được ẩn giấu điều phải, điều trái, điều nên làm hay không nên làm, mọi điều nhất thiết phải nói thực”.
Đại thi hào Nguyễn Du lúc đó giữ chức Hữu Tham tri Bộ Lễ. Là một bậc tài danh nhưng Hữu tham tri Nguyễn Du lại nhút nhát ít khi dám tâu bày sự thật, khiến cho nhà vua phải nhắc nhở: “Ngươi cùng quan Hữu tham tri Bộ Lại đã được trẫm tri ngộ, đều nên hết sức mà tỏ lòng thành thật, nếu đã biết thì không điều gì là không được nói, dâng điều phải bỏ điều trái để làm tròn chức vụ, nếu chỉ nín lặng không nói thì còn có ích gì”. Liền theo đó, nhà vua đã ban chiếu tìm người nói thẳng. “Người muốn thấy hình dáng của mình phải nhờ đến gương tỏ, vua muốn biết lỗi lầm của mình phải đợi kẻ trực thần”, tờ chiếu viết, “lời nói các ngươi như vàng ngọc, được nói thẳng những điều lầm lẫn của trẫm mà không phải kiêng kỵ”. Ông không những kêu gọi các bề tôi, những “kẻ sĩ dám trái với nhà vua” mà còn “tìm đường ngôn luận cho đến cả người cắt cỏ, kiếm củi” nói thẳng sự thật về chính sự, về nỗi khổ của dân chúng và về sự sai trái của bản thân hoàng đế.
Do vậy mà vào thời của ông, có rất nhiều bản tấu thẳng thắn của các quan và thường dân, thậm chí có người còn đón xa giá để tâu trình trực tiếp. Mọi lời tấu đều được ghi nhận, điều gì hợp lý được đem thi hành ngay, những lời nói sai thì được nhắc nhở chứ không bắt tội (tất nhiên là trừ những lời quỉ quái hoặc vu cáo sai sự thật xuất phát từ ác tâm, gây tổn hại cho người vô tội).
Năm Minh Mạng thứ hai, vua ngự đến một trường thi, có người ở trấn Kinh Bắc dâng “15 điều quốc sách”, phần lớn là những điều vu khoát (những lời viễn vông không thực tế), người này bị quan sở tại bắt giữ, nhưng nhà vua nói: “Trẫm mở đường cho dân chúng được ngôn luận, đâu có vì câu nói mà bắt tội người ta”, rồi tha cho người ấy.
Năm Minh Mạng thứ tám, có sự kiện Thái Lan đem quân đánh nước Lào, triều thần nghị bàn không nên can thiệp, khi nào Thái Lan đem quân đánh vào nước ta thì mới tấn công. Quan Tham tri Bộ Lại Hoàng Kim Hoán dâng sớ hiến kế không thể bỏ rơi nước Lào, mà phải đem quân đến biên giới để nước Lào biết là có quân viện trợ mà hăng hái phục thù, sau đó ta đem quân tiến vào cùng với quân Lào hợp lực đại trương thanh thế tấn công Thái Lan, sau đó trả lại quốc hiệu và kén người bề tôi để bảo hộ nước Lào, nước Thái sẽ thế suy sức yếu không dám chống lại nước ta nữa. Đình thần nghị bàn cho rằng “Kim Hoán bàn việc binh trên tờ giấy, về lý lẽ, về tình thế, về địa hình nhiều điểm không thi hành được”. Nhà vua bảo đình thần nói đúng, nhưng ông cho rằng sự tâu trình của Hoàng Kim Hoán cũng là hết lòng lo toan việc nước, chẳng qua đó là “ý kiến của một người không tự biết là không hợp lẽ” mà thôi. Dù tờ sớ bị bác bỏ nhưng nhà vua vẫn lưu ý đình thần không nên vì vậy mà lui bước trong việc nói thẳng.
Vào năm Minh Mạng thứ mười bốn, quan Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Khoa Minh tâu rằng, trước đây có một số quân dân Nam bộ do bị ức hiếp nên phải theo giặc (chỉ cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi), nay giặc yên đã ra thú tội để được trở về quê quán, thế mà quan địa phương vẫn nã bắt tra tấn, việc đó gây bất an cho dân. Nhà vua bảo ông đã giáng tờ dụ không trị tội những người bị bắt hiếp phải theo giặc mà nay còn bắt bớ tra tấn và chưa ai nói với ông việc đó cả, “nay Nguyễn Khoa Minh đem việc ấy tâu bày thật đáng ban khen”.
Minh Mạng là ông vua quan tâm đặc biệt đến nỗi khổ của dân chúng. Suốt 21 năm làm vua, năm nào ông cũng giảm thuế cho dân, không năm nào tăng thuế, khi giá lúa lên dân gặp khó khăn thì xuất lúa kho bán rẻ cho dân để bình ổn giá, khi dân gặp hoạn nạn thì lập tức xuất kho cứu tế. Những gì gây phiền hà cho dân, dù là chuyện nhỏ nhất ông cũng kiên quyết bãi bỏ. Quan Nội vụ lang trung Lê Vạn Công thấy dân Quảng Bình phải lấy đá hoa cương cho Nhà nước rất khổ cực, nhân đó tâu: “Việc lấy đá ở tỉnh Quảng Bình không tiện cho dân chúng”. Vua cho kiểm tra thấy đúng, nên lập tức ra lệnh bãi bỏ, phạt quan địa phương và thưởng cho Lê Vạn Công. Nhân đó, giáng tờ dụ cho các quan: “Lê Vạn Công theo chỉ dụ đi bán thóc cho dân, đi qua tỉnh Quảng Bình mà để ý đến điều đau khổ của dân chúng, về kinh bảo trẫm, trẫm rất hài lòng, cho nên đặc cách hậu thưởng để nêu cho những người nói thẳng”.
Dẫn chứng cho việc triều đình cần những lời nói thẳng đến mức nào, nhà vua bảo trước đây ông đã cho trải chiếu trên điện để người muốn tâu việc gì thì quỳ xuống đó cho khỏi lạnh lẽo, nhưng ông không hiểu vì lẽ gì mà suốt hai năm không có ai đến quỳ vào chỗ ấy, cho đến khi gặp mưa to gió lớn ông sai cuộn chiếu đi thì thấy ở dưới còn có lớp chiếu bằng mây, ông mới biết quỳ vào đó đau đầu gối nên không có ai quỳ. Nhân đó ông kết luận: “Đến một việc nhỏ ngay trước mắt mà sự thông minh của trẫm còn không nghĩ tới, huống gì là việc khác”.
Minh Mạng không thích người ta tâng bốc. Ông là nhà thơ lớn, đã để hàng ngàn bài thơ hay, trong đó có nhiều bài là kiệt tác thi ca, nhưng quan niệm thi ca của ông rất khác với các văn nhân đương thời và đến ngày nay vẫn còn mới mẻ. Có lần nhân lúc tan chầu sớm, vua làm bài thơ “Bồn mai thịnh khai” (Chậu mai nở nhiều hoa), rồi gọi các đại thần là Phan Huy Thực, Lê Văn Đức, Hà Quyền đến bình chú. Các ông này tâu : “Học của bậc thánh uyên thâm, lũ hạ thần nông cạn này không thể mong bằng được một phần trong muôn phần”. Vua cười, nhân đó bảo: “Lúc nhàn rỗi vui cười nếu thấy sự việc gì cũng nên nói thẳng, trẫm đâu có đem chữ nghĩa cùng với lũ ngươi tranh hơn kém”. Thời đó, ở Trung Quốc có vô số các vụ án văn chương, nhiều văn nhân thi sĩ vì chữ nghĩa mà bị triều đình nhà Thanh bức hại, trong khi ở nước ta thời vua Minh Mạng không hề có văn nhân nào vì chữ nghĩa mà bị triều đình gây khó dễ. Nhà vua bảo: “Trước ông Dạng Đế nhà Tùy, nhân câu thơ ‘Không hương lạc yến nê’ (Chỗ bờ đập vắng người con chim yến rơi xuống bùn) của Tiết Đạo Thành mà đem lòng nghi kỵ, trẫm rất khinh bỉ”.
Theo HOÀNG HẢI VÂN / MỘT THẾ GIỚI
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc dùng thuốc trị cúm của Nhật để điều trị viêm phổi Vũ Hán



Chính phủ Trung Quốc nói rằng họ đã quyết định chính thức sử dụng thuốc Avigan hay còn gọi là Favipiravir trị cúm của Nhật Bản để điều trị cho người nhiễm virus corona chủng mới, theo NHKđưa tin.
Anti-influenza Avigan Tablets produced by Japan's Fujifilm are displayed in Tokyo on October 22, 2014. Fujifilm said late on October 20 it would increase its stock of Avigan, which has been given to several patients who were evacuated from Ebola-hit West Africa to Europe.   AFP PHOTO / KAZUHIRO NOGI        (Photo credit should read KAZUHIRO NOGI/AFP via Getty Images)
Ông Zhang Xinmin, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ Sinh học Quốc gia, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm thứ Ba (17/3) nói rằng hai tổ chức y khoa Trung Quốc đã phát hiện thuốc Favipiravir có hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).
Ông Zhang Xinmin nói rằng thuốc Favipiravir đã được thử nghiệm lâm sàng tại Vũ Hán (240 bệnh nhân) và Thâm Quyến (80 bệnh nhân).
Ông Zhang cho biết thử nghiệm tại Vũ Hán phát hiện rằng những người dùng thuốc Favipiravir mất trung bình 2,5 ngày để nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường. Trong khi, những người không dùng loại thuốc này phải mất trung bình 4,2 ngày để nhiệt độ cơ thể về mức bình thường.
Quan chức Trung Quốc nói thêm rằng bệnh nhân dùng thuốc Favipiravir có thể hết ho trong khoảng 4,57 ngày, so với 5,98 ngày với những người không dùng thuốc này.
Ông Zhang cho biết thử nghiệm tại Thâm Quyến cho thấy những người dùng thuốc Favipiravir mất 4 ngày để về âm tính sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona. Trong khi đó, những người không dùng Favipiravir, trung bình phải mất 11 ngày mới cho kết quả âm tính.
Theo thử nghiệm lâm sàng nêu trên, khoảng 91% những người dùng thuốc Favipiravir có phim chụp X-ray thể hiện tình trạng phổi được cải thiện, trong khi tỷ lệ này ở người không dùng thuốc Favipiravir chỉ vào khoảng 62%.
Thuốc Favipiravir có mức độ an toàn cao và rõ ràng có hiệu quả trong điều trị”, ông Zhang khẳng định với báo giới.
Theo The Guardian, thuốc Favipiravir do công ty Fujifilm Toyama Chemical sản xuất. Đây là công ty con của tập đoàn Fujifilm của Nhật Bản chuyên sản xuất máy ảnh. Thuốc Favipiravir được phê duyệt sử dụng tại Nhật Bản để điều trị cúm từ năm 2014.
Một nữ phát ngôn viên của Fujifilm nói rằng công ty này không bình luận gì về thông báo của chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng thuốc Favipiravir vào điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới. Fujifilm chỉ sản xuất thuốc Favipiravir theo đơn đặt hàng của chính phủ Nhật Bản và không có ý định thương mại hóa loại thuốc này.
The Guardian dẫn thông tin từ Công ty Dược phẩm Hisun Chiết Giang cho biết hãng dược phẩm này đã được phê duyệt sản xuất thuốc Favipiravir tại Trung Quốc để sử dụng điều trị cúm mùa và các chủng cúm mới ở người trưởng thành. Hiện chưa rõ phía công ty Fujifilm và chính phủ Nhật Bản có phê duyệt cho Hisun Chiết Giang được sản xuất thuốc Favipiravir tại Trung Quốc hay không.
Năm 2016, chính phủ Nhật Bản đã cung cấp thuốc favipiravir trong gói cứu trợ khẩn cấp cho Guinea để nước này ứng phó với dịch virus Ebola.
Các bác sĩ tại Nhật Bản cũng đang sử dụng thuốc favipiravir trong nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Giới y học Nhật Bản hy vọng thuốc favipiravir sẽ ngăn chặn virus corona nhân lên trong bệnh nhân.
Tuy nhiên, tờ Mainichi Shimbun dẫn một nguồn tin từ bộ y tế Nhật Bản cho biết thuốc favipiravir không có hiệu quả đối với người bệnh có triệu chứng nặng. “Chúng tôi đã cho 70 đến 80 người dùng thuốc favipiravir, nhưng dường như thuốc này không có hiệu quả tốt khi virus đã nhân lên nhiều rồi”, nguồn tin nói với Mainichi Shimbun.
Một quan chức y tế Nhật Bản nói với Mainichi Shimbun rằng vào đầu tháng Năm thuốc favipiravir có thể được phê duyệt dùng trong điều trị người nhiễm virus corona chủng mới. “Nhưng nếu các kết quả nghiên cứu lâm sàng bị trì hoãn, thì việc phê duyệt này có thể cũng bị trì hoãn”.
Cổ phiếu của công ty Fujifilm Toyama Chemical đã tăng mạnh vào thứ Tư (18/3) sau những bình luận của quan chức Trung Quốc, đóng cửa phiên buổi sáng tăng 14,7% ở mức 5.207 yen, sau một thời gian ngắn trước đó đạt mức cao nhất trong ngày là 5.238 yen, theo Reuters.
Xuân Thành / Trithucvn

Phần nhận xét hiển thị trên trang