Đài BBC dẫn nhận định của các chuyên gia về kinh tế và chính sách công Việt Nam cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra cho thấy Trung Quốc cũng có điểm yếu, Việt Nam nhân dịp này nên thay đổi nhận thức, tư duy kinh tế.
Ngày 27/2, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Dịch cúm này cũng cho thấy những điểm yếu của Trung Quốc, chứ không phải Trung Quốc là quá mạnh và giỏi về tất cả các mặt.
Điều này càng cho Việt Nam thấy lệ thuộc vào bất cứ nước nào thì cũng tệ, nhưng lệ thuộc vào một nước mà có nhiều vấn đề kể cả trong quan hệ riêng với mình, cũng như những vấn đề nội bộ của họ thì lại càng tệ hơn. Cho nên muốn hay không thì phải vượt lên, cùng nhau và vượt lên vào lúc này, không là sẽ quá muộn”.
Bà Phạm Chi Lan nêu quan điểm: “Tất cả chuyện này cho thấy các ngành kinh tế Việt Nam đã bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, và rất cần phải tiến hành sớm mạnh mẽ và một cách căn cơ để nhìn về trung hạn và dài hạn, không thể để nền kinh tế của mình phụ thuộc mãi vào Trung Quốc như thế này được.
Phụ thuộc mãi như vậy thì Việt Nam vẫn chỉ ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị và mỗi lần Trung Quốc có bất cứ một vấn đề gì thì Việt Nam sẽ có thể gặp khó khăn lớn. Tôi nghĩ cái đó là điều chắc chắn phải làm. Vấn đề tái cơ cấu như thế nào cũng đã được bàn đến, các doanh nghiệp đều khuyến nghị với chính phủ không chỉ những giải pháp trong ngắn hạn để hỗ trợ họ trong lúc khó khăn này.
Ví dụ như giảm lãi suất ngân hàng, giãn nộp thuế, hỗ trợ cho một số ngành đang gặp khó khăn nhất, đồng thời họ cũng đề nghị mạnh mẽ với chính phủ có chính sách giúp cho họ tăng cường đầu tư và nội lực để có thể có sức chống chịu tốt hơn khi có những biến động kinh tế trên thế giới, cũng như ở Trung Quốc”.
PGS.TS Phạm Quý Thọ nói về ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19 đối với Việt Nam: “Sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam đã bị phản ứng kép, tác động kép. Thứ nhất là chuỗi cung ứng bị suy giảm, bị gẫy hết rồi. Ví dụ như các phụ tùng, linh kiện điện tử, đặc biệt là xe ô tô…, rất nhiều phụ kiện về dệt may, các nguyên, phụ liệu dệt may mà chúng ta nhập của Trung Quốc đến 60 – 70%, thậm chí là hơn, tùy từng mặt hàng mà ở Việt Nam làm cũng rất là nguy.
Một số nhà máy có cả chuyên gia Trung Quốc làm, người ta chưa quay về (Việt Nam), chưa hết dịch thì người ta chưa về và chúng ta lệ thuộc vào việc đó, cho nên rất nhiều nhà máy không hoạt động được.
Ví dụ rất rõ ở tình Hà Nam, một số nhà máy phụ thuộc vào các chuyên gia này. Nếu không có cũng không hoạt động được. Hoặc một số nơi hoạt động rất cầm chừng. Còn nếu như kéo dài nữa, tôi nghĩ rằng rất là nguy hiểm.
Còn một tác động kéo nữa là tiêu dùng giảm rất rõ. Ai cũng phải lo. Bởi vì không biết tình hình này kéo dài đến bao giờ, mà chúng ta tiền cũng chưa nhiều lắm, cho nên một số lo dòng tiền nhảy vào tích lũy.
Ví dụ, vàng cũng tăng vọt lên, có những hôm tăng đến 2 – 3 triệu đồng một lượng. Bất động sản giờ cũng rất là xấu, tình hình bất động sản xấu lắm, đặc biệt là không thể bán hàng được, tức là cầu rất là thấp.
Các dự án tới cũng rất khó khăn, cho nên về ngắn hạn, chúng ta thấy rất rõ.
Còn chính phủ đối phó như thế nào? Tôi nghĩ là thông thường các nước mà “yếu” như (chúng ta) Việt Nam, thì hay dùng tài khóa hoặc là chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trước Tết chúng ta đã bơm ra một lượng rất lớn rồi để phục vụ Tết nguyên đán, bây giờ bị cái này, nếu bơm thêm thì lạm phát rất cao, với chỉ số lạm phát trong tháng một cao vượt lên so với năm ngoái, cái đó không nên”.
Nghịch lý đáng ngại
Việc tìm giải pháp gắn liền với phân tích nguyên nhân, về vấn đề Việt Nam được cho là có sự “lệ thuộc quá mức” vào kinh tế Trung Quốc, trong dịp này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề cập về gốc gác, khởi nguyên của vấn đề: “Những người lãnh đạo Việt Nam cũng đã ít nhiều nhận thức được vấn đề này, cho nên cố gắng của Việt Nam trong việc đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế là điều đã được đưa ra ngay từ đầu khi Việt Nam đổi mới.
Trong những phương châm về Đổi mới của Việt Nam đối với quan hệ đối ngoại đã đưa ra ngay từ lúc đó là phương châm đa dạng hóa, đã phương hóa các quan hệ, ngay từ đó, chính nhờ chính sách mở cửa của Việt Nam theo hướng đó mà công cuộc đổi mới của Việt Nam trong một thời gian dài, nhất là những năm đầu đã có những thành công và tạo ra được những bước chuyển khá là nhanh chóng, sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng nghèo, khủng hoảng trước đó. Như vậy, trong thời gian đầu Việt Nam đã làm khá tốt công cuộc Đổi mới của mình về phương diện kinh tế đối ngoại.
Tiếc rằng khi Việt Nam đã tham gia được phần nào vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, có được quan hệ xuất khẩu tốt hơn với một số quốc gia khác và thu hút việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì dường như Việt Nam lại có phần nào đó lãng quên yêu cầu về đa phương hóa, đa dạng hóa trong các quan hệ kinh tế, cụ thể nhất là trong việc phát triển một số ngành kinh tế quan trọng. Thành ra, để Việt Nam dần dần thu hút được đầu tư nước ngoài nhiều, xuất, nhập khẩu tăng lên, ký được nhiều hiệp định thương mại với các nước, kể cả tham gia WTO (Tổ chức thương mại thế giới), cũng như ký các FTA (hiệp định thương mại tự do) với một loạt nước khác nhau, nhưng Việt Nam càng ký được nhiều FTA, càng hội nhập, thì lại càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Đó là một nghịch lý rất đáng ngại, không bình thường.
Đáng lẽ, khi mở cửa thị trường, quan hệ với nhiều nước, phải mở nhiều hơn các quan hệ với các nước khác và chuyện phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ phải giảm đi, nhưng với Việt Nam, sự phụ thuộc lại tăng lên, trong khi hội nhập toàn cầu, đó là điều đáng ngại.
Trong một thời gian dài, Việt Nam chưa thực sự dấy lên những nỗ lực cần thiết, một là để tăng cường nội lực cho mình, hai là để tận dụng tất cả những cơ hội, hội nhập mà Việt Nam có được. Thành ra, tất cả những cố gắng đàm phán để cho nước này, nước kia mở cửa thị trường, rồi rút cục người được hưởng lợi nhiều nhất lại là các nhà đầu tư nước ngoài, sau đó là Trung Quốc”.
Nguồn: TKNB – 03/03/2020.