Vào tháng 4/2017, một vài luật sư chúng tôi xuống giữa điểm nóng nhất của Đồng Tâm, với 38 chiến sỹ cảnh sát bị giữ ở nhà văn hoá mặc dù được chăm sóc đầy đủ.
Và những xung đột gay gắt nhất được làm cho bớt đi trong vòng một tuần mà sau đó là cuộc đối thoại để đi đến những cam kết của mỗi bên - chính quyền Hà Nội, vài người trên Trung ương và nhân dân xã Đồng Tâm. Một bí thư đảng uỷ xã bị kỷ luật vì đứng về phía người dân và trước đó nhiều cán bộ ở xã này, thậm chí huyện Mỹ Đức đã bị xử lý trong vụ án hình sự về quản lý đất đai.
Ngay khi xung đột thực sự được coi là đỉnh điểm nhất, mọi việc vẫn được hoá giải khi có sự thương thuyết và giải quyết bằng cả sự hoà giải lẫn pháp lý, trên toàn bộ là niềm tin của người dân đặt vào các luật sư là một cứu cánh cuối cùng trước sự biến đó. Và kết quả là những cam kết chính trị đã được xác lập một cách rõ ràng trước bàn dân thiên hạ.
Không hiểu sao, đến rạng sáng ngày hôm nay lại có sự cưỡng chế nào đó được diễn ra, không hiểu là trên cơ sở văn bản nào và quyết định về vấn đề gì. Hậu quả là 3 cảnh sát và một người dân bị chết. Đây là một mất mát của một nền tảng xã hội, mà cuối cùng là xung đột không được giải quyết, trong khi nhân mạng thì đã hoàn toàn thiệt hại.
Tôi chưa hiểu được cách tính toán từ những người thực thi chính sách và nắm quyền bính trong trường hợp này. Khi đứng gần với người dân và đối thoại với họ, không có bức tường nào mà không bị hạ xuống và không gì không thể giải quyết được. Dùng cưỡng chế khi vẫn còn căng thẳng và chưa có phương án cụ thể xử lý thoả đáng cho sự vụ, việc nhanh chóng thực thi có thể đưa đến những thiệt hại về lâu dài, mặc dù cách thức thực hiện là chóng vánh.
Những người chết đều là người Việt. Những nền tảng an ninh đang bị đặt vào sự thiệt hại cũng là nền tảng chung của người Việt. Điều này quan trọng hơn đối với chức trách người quản lý tầm vĩ mô, nếu giải quyết sự vụ với tâm thức vi mô, nó sẽ không đưa tới những kết quả tốt đẹp.
Vấn đề Đồng Tâm ban đầu là vấn đề pháp lý, sau đó là vấn đề chính trị, và khi vấn đề thứ hai được giải quyết, mọi thứ lại trở về vấn đề pháp lý đơn thuần. Vậy tại sao không để mọi biện pháp pháp lý được thực hiện công khai và chủ động từ cả hai phía, kể cả việc khởi kiện ra toà án về các quyết định từ phía chính quyền đã ban hành ra?
Những sự việc về đất đai chưa khi nào thiếu hậu quả nghiêm trọng. Và đây là vấn đề của chính quyền phải cân nhắc xem xét rằng những nguyên cớ đến từ đâu và cần giải quyết theo cách thức nào, chứ không phải đi tới cưỡng chế mạnh tay trong khi những khúc mắc chưa đi tới sự triệt để trong việc giải đáp các đòi hỏi từ phía người dân.
Trong việc quản lý và điều hành, mỗi tổn thất đều là một ngoại lệ. Và nếu là tính mạng con người thì sự mất mát ấy không thể cứu vãn lại được, mà nó là điều cần và buộc phải tránh trong các sự vụ.
Người Việt chúng ta đã quá nhiều đau buồn rồi.
Phần nhận xét hiển thị trên trang