Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Các doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân liên tiếp vỡ nợ, Trung Quốc nhấp nháy báo động đỏ

Các doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân liên tiếp vỡ nợ, Trung Quốc nhấp nháy báo động đỏ

Thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc đang trên đà vỡ nợ kỷ lục. Kể từ đầu năm đến nay tổng cộng đã có 113,9 tỷ nhân dân tệ trái phiếu không được thanh toán đúng hạn, trong đó có 53 vụ vỡ nợ trái phiếu của công ty tư nhân và 82 vụ của công ty đã niêm yết.

Vụ vỡ nợ trái phiếu mới nhất mà nạn nhân là 1 tập đoàn công nghiệp nằm ở trung tâm của "cơn bão" nợ của Trung Quốc đang làm dấy lên nỗi lo ngại về nhóm các doanh nghiệp tư nhân ẩn chứa quá nhiều rủi ro tài chính. Xiwang, tập đoàn có trụ sở ở tỉnh Sơn Đông, đã không thể thanh toán đúng hạn cho một lô trái phiếu vốn đã quá hạn và đang chật vật tìm cách tái cấp vốn, tránh lún sâu hơn vào rắc rối.
Công ty nào vỡ nợ?
Xiwang Group là một công ty xử lý dầu ngô và thép được thành lập năm 1986, có gốc gác là 1 doanh nghiệp nhỏ xuất thân từ 1 ngôi làng nghèo khó. Tuy nhiên trải qua hơn 30 năm, công ty đã phát triển thành 1 tập đoàn tư nhân hùng mạnh ở địa phương, lấn sân sang các lĩnh vực khác như logistics, bất động sản và thương mại. Đặt trụ sở ở huyện Zouping của tỉnh Sơn Đông, tập đoàn sở hữu 3 công ty đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán: Xiwang Foodstuffs Co., Xiwang Special Steel Co. và Xiwang Property Holdings Co.
Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, tập đoàn có tổng tài sản khoảng 49,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7,1 tỷ USD) và tổng nợ vào khoảng 30,7 tỷ nhân dân tệ. Trong đó 9,9 tỷ nhân dân tệ là nợ quá hạn, bao gồm cả khoản vừa bị vỡ nợ. Công ty không có nợ ở nước ngoài.
Theo website công ty, Xiwang đang sử dụng hơn 16.000 lao động.
Điều gì đang xảy ra?
Xiwang Group không thể thanh toán số trái phiếu trị giá 1 tỷ nhân dân tệ đáo hạn vào thứ 4 tuần trước. Thực ra số trái phiếu này đáo hạn vào ngày 24/10, nhưng các trái chủ đã đồng ý cho công ty thêm 1 tháng nữa để hoàn trả cả gốc và lãi. Hồi tháng 10, Xiwang cũng đã hủy bỏ vụ bán số trái phiếu trị giá 450 tỷ nhân dân tệ.
Tệ hơn nữa, Chủ tịch Wang Yong – người cũng là bí thư đảng ủy ở địa phương, đã sử dụng 617,3 triệu cổ phiếu mà ông sở hữu tại Xiwang làm tài sản cầm cố của 1 công ty đầu tư ở Zouping.
Vụ việc ở Xiwang làm dấy lên nỗi lo ngại về các công ty tư nhân ở Sơn Đông, tỉnh từ trước đến nay vẫn nổi tiếng về việc sử dụng mạng lưới tài sản cầm cố chồng chéo, đồng nghĩa nếu 1 công ty gặp rắc rối thì rất có thể sẽ tạo ra hiệu ứng lây lan.
Các nhà đầu tư cũng bán tháo trái phiếu niêm yết bằng USD do các công ty ở gần đó phát hành, ví dụ như trái phiếu của nhà sản xuất nhôm China Hongqiao hay công ty phân phối thực phẩm Shandong Sanxing, đẩy giá trái phiếu xuống mức thấp kỷ lục. Trong 1 động thái nhằm trấn an các chủ nợ, China Hongqiao cho biết họ không có ý định giúp Xiwang và không hề có quan hệ làm ăn với công ty này.
Khủng hoảng ở Xiwang cũng ảnh hưởng đến trái phiếu USD được phát hành bởi các công ty khác ở tỉnh Sơn Đông, ví dụ như Shandong Yuhuang Chemical Co., Shandong Sanxing Group Co. và Shandong Ruyi Technology Group Co.
Vì sao vụ này lại gây nhiều chú ý?
Có thể nói Xiwang chính là ví dụ tiêu biểu cho những hệ lụy mà tình trạng các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc mở rộng quá nhanh và đi vay mượn quá liều lĩnh trong vài năm gần đây. Mạng lưới phức tạp mà các khoản bảo lãnh chéo giữa các công ty ở Sơn Đông thêu dệt nên khiến tỉnh này trở thành mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch cắt giảm nợ mà Bắc Kinh đang theo đuổi.
Và trong năm nay thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc đang trên đà vỡ nợ kỷ lục. Kể từ đầu năm đến nay tổng cộng đã có 113,9 tỷ nhân dân tệ trái phiếu không được thanh toán đúng hạn, trong đó có 53 vụ vỡ nợ trái phiếu của công ty tư nhân và 82 vụ của công ty đã niêm yết.
Sơn Đông "đóng góp" khá nhiều trong số này. Theo báo cáo tháng 10 của S&P Global Ratings, tỉnh này có tỷ lệ vỡ nợ cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2019.
Golden Credit Rating International đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Xiwang Group từ mức BB xuống mức C, sau khi hạ từ mức A+ xuống BB hồi tháng trước.
Các nhà đầu tư đang chờ xem liệu Xiwang Group có thể tuân theo 1 kế hoạch tái cấu trúc nợ trong ngắn hạn hay không. Kế hoạch này có thể bao gồm nhiều lựa chọn, từ đảo nợ, xóa nợ cho đến đổi nợ lấy cổ phần, theo Shen Chen, 1 lãnh đạo của quỹ đầu tư Shanghai Maoliang Investment Management LLP.
Nhà đầu tư cũng theo dõi sát sao các công ty khác ở Sơn Đông để có thể phát hiện ra những dấu hiệu bất ổn càng sớm càng tốt.
Cách đây ít ngày, Trung Quốc cũng đối mặt vụ vỡ nợ doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong 20 năm. Nhiều khả năng Tewoo Group - tập đoàn có trụ sở tại Thiên Tân hoạt động trong một số ngành bao gồm cơ sở hạ tầng, logistics, khai khoáng, ô tô và cảng biển - sẽ vỡ nợ trên số trái phiếu niêm yết bằng USD trị giá 300 triệu USD đáo hạn vào ngày 16/12 tới.
Bắc Kinh đang ngày càng cứng rắn hơn trong chuyện giải cứu các SOE ốm yếu, chưa nói đến các doanh nghiệp tư nhân, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa có quý tăng trưởng thấp nhất trong 3 thập kỷ.
Tham khảo Bloomberg
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhật Bản mua đảo cho Mỹ huấn luyện hay làm cứ điểm phòng thủ Trung Quốc?


Nhật Bản mua đảo ngoài việc làm căn cứ cho Mỹ tiến hành huấn luyện cất hạ cánh trên tàu sân bay, còn được kỳ vọng là cứ điểm phòng thủ trước sự bành trướng của Trung Quốc

Theo Sohu, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga ngày 2/12 cho biết, để giải quyết vấn đề xây dựng cơ sở mới cho lực lượng Quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản tiến hành huấn luyện cất hạ cánh mô phỏng trên đất liền (FCLP) để phục vụ cất hạ cánh trên tàu sân bay Mỹ, Chính phủ Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận với chủ sở hữu đảo Mage, rộng 8km2 tại tỉnh Kagoshima về việc mua lại hòn đảo này với giá 16 tỉ yen (146 triệu USD).
Hiện, Chính phủ Nhật Bản đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng các căn cứ quân sự vĩnh viễn trên hòn đảo này để nhanh chóng tiến hành công tác huấn luyện quân sự. Ông Yoshihide Suga nhấn mạnh, “việc mua đảo Mage có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì và củng cố liên minh Nhật Bản – Mỹ trong khu vực và góp phần nâng cao khả năng phòng thủ của Nhật Bản”.
Đảo Mage sẽ cho phép Mỹ rút ngắn 2/3 quãng đường di chuyển để huấn luyện. Nguồn: Sohu.
Truyền thông Nhật Bản cho biết, Chính phủ Nhật Bản và chủ sở hữu đảo Mage đã đạt được thỏa thuận vào ngày 29/11, tuy nhiên Chính phủ Nhật Bản không tiết lộ chi tiết quá trình ký kết thỏa thuận. Đảo Mage thuộc thành phố Nishinoomote ở tỉnh Kagoshima, đây là một hòn đảo không có người ở rộng khoảng 8 km2.
Năm 2011, chính phủ Nhật Bản và Mỹ đã đạt được thỏa thuận biến đảo Mage trở thành căn cứ cho lực lượng Quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản thực hiện huấn luyện mô phỏng cất hạ cánh cho tàu sân bay. Tuy nhiên, từ sau khi đạt thành thỏa thuận, việc mua lại đảoMage không có tiến triển nào, và Quân đội Mỹ chỉ được phép sử dụng hòn đảo này khoảng 2 tuần/ năm, bao gồm cả đường băng trên hòn đảo.
Quân đội Mỹ từng huấn luyện cất và hạ cánh tại căn cứ Atsugi gần Tokyo, nhưng khu vực huấn luyện này đã bị di dời tới đảo Iwoto vào những năm 1990 do người dân phàn nàn về tiếng ồn. Do đó, các hoạt động huấn luyện bay của Mỹ hiện nay đều diễn ra trên đảo Iwoto. Trong khi đó, các máy bay chiến đấu đều được chuyển từ Atsugi tới một căn cứ quân sự khác của Mỹ ở thành phố Iwakuni, phía tây Nhật, như vậy để có thể tiến hành huấn luyện, các máy bay của Mỹ phải di chuyển với quãng đường dài hơn nhiều lần.
Vì vậy, Washington đã đề nghị Tokyo chuẩn bị một địa điểm thuận tiện và cố định hơn để tập luyện. Đảo Mage cách Iwakuni khoảng 400 km, trong khi đảo Iwoto cách đó 1.400 km, nếu như có thể huấn luyện ở đảo Mage, các máy bay Mỹ sẽ rút ngắn được 2/3 quãng đường di chuyển.
Thị trưởng Iwakuni Yoshihiko Fukuda đã ca ngợi thông báo của Chính phủ Nhật, gọi đó là một bước tiến lớn. “Xây dựng một cơ sở huấn luyện cố định là việc làm cần thiết để giảm bớt lo lắng của người dân địa phương tại Iwakuni”, ông Fukuda nói.
Nhật Bản có thể sẽ xây đảo Mage thành cứ điểm phòng thủ Trung Quốc và cho Mỹ đồn trú định kỳ tại đây. Nguồn: Sohu.
Đối với vấn đề Chính phủ Nhật Bản mua lại đảo Mage, Thị trưởng thành phố Nishinoomote cho biết, việc mua lại đảo Mage của Chính phủ Nhật Bản đã được nhân dân thành phố đồng ý, nhưng họ hy vọng rằng Chính phủ sẽ không xây dựng căn cứ quân sự. Hiện, người dân địa phương cũng thành lập một ban liên lạc để kịp thời ngăn chặn việc xây dựng căn cứ và mời Thị trưởng thành phố tham gia.
Thời báo Asahi Shimbun dẫn lời quan chức trong Chính phủ Nhật Bản cho biết, trong tương lai, ngoài việc cung cấp địa điểm huấn luyện quân sự cho Quân đội Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ xây dựng căn cứ quân sự tại hòn đảo này, không loại trừ trường hợp xem xét cho phép Quân đội Mỹ đồn trú định kỳ tại căn cứ này để tăng cường khả năng bảo đảm an ninh. Trong bối cảnh Trung Quốc tích cực triển khai các hoạt động trên biển, đảo Mage sẽ là cứ điểm phòng thủ quan trọng của Nhật Bản ở khu vực Tây Nam.


YÊU THƯƠNG CÓ ĐIỀU KIỆN



Trên đời này, những người đạt tới cảnh giới yêu thương người khác vô điều kiện, không cần bất kỳ giá trị nào thế chấp, thì họ hoặc là thánh và á thánh, hoặc họ là kẻ bất bình thường, vô trí vô não. Với riêng tôi, yêu thương là phải có điều kiện. Không có điều kiện, không thể yêu thương.
Cha mẹ sinh con ra, chăm sóc, dạy bảo con tới nơi tới chốn, nuôi ăn học đường hoàng, tới khi trưởng thành thì phải tự biết lo thân, tu thân. Chừng đó mà không biết suy nghĩ, chỉ lêu lổng phá gia chi tử, làm điều càn quấy để khổ cực cha mẹ, để cha mẹ phải gánh chịu hậu quả đau lòng, thì loại con đó không xứng được yêu thương. Yêu thương chỉ dành cho hiếu tử.
Đứa con sinh nhằm vào một gia đình có bố thì cờ bạc rượu chè bê tha, mẹ thì lăng loàn lười nhác, ăn trộm ăn cắp, không cho con cái được đến trường, bắt con lao đầu vào kiếm sống, thậm chí bóc lột từng đồng bạc mồ hôi nước mắt của nó, thì nó buộc lòng phải nghe lời vì nghĩ tới công sinh thành, chứ đừng đòi hỏi ở nó tình yêu thương. Nếu nó phản kháng, cũng là hợp lẽ.
Một người yêu một người bằng tất cả sự trung thành tận tụy, nhưng nhận lại chỉ là những sự giày vò đau đớn, thì tình yêu đó khó có thể tồn tại lâu dài, hoặc chỉ tồn tại trong hận thù và nước mắt. Tình bạn, cũng tương tự như vậy thôi.
Vài ví dụ trên để thấy, đỉnh cao của yêu thương là lẽ công bằng. Khi không còn công bằng, tất yếu sẽ là từ bỏ. Trong quan hệ giữa người với người đã thế, thì trong quan hệ giữa công dân với thể chế mà anh ta sống trong nó cũng không khác gì.
Một thể chế biết chăm lo cho đời sống người dân, an sinh xã hội đảm bảo, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường giáo dục...đáp ứng tương đối nhu cầu và yêu cầu của công dân, biết lắng nghe chỉ trích để điều chỉnh nhằm đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi của người dân, một thể chế có bầu cử minh bạch, có chế tài văn minh, quyền con người, quyền công dân....được tôn trọng, một thể chế khiến chính phủ điều hành tốt đất nước, để giá trị cuốn hộ chiếu được xếp hạng uy tín, thì thể chế đó là phù hợp ở thời hiện tại và được công dân ủng hộ.
Một thể chế chỉ ru vỗ, ngợi ca công dân khi cần máu của họ, và khi xong chuyện, cướp mọi công lao, vỗ ngực mình là kẻ dẫn đường quang vinh muôn năm, một thể chế chỉ biết tàn phá đất nước, biến đất nước thành bãi rác của thế giới, đầu độc công dân bằng tư duy nô lệ, cai trị người dân bằng roi vọt, ngăn cấm và nhà tù, một thể chế để người dân sống trong nghèo khó và chết trong khổ nhục, một thể chế mà công dân tìm mọi cơ hội rời bỏ đất nước khi có thể, bằng những cách mông muội nhất có thể nghĩ ra, một thể chế khiến công dân phải cầm cuốn hộ chiếu của nước nhược tiểu, còn các chính sách chỉ chăm chăm thu vén lợi ích cho một vài nhóm người, thì thể chế đó thật là vô liêm sỉ khi đòi hỏi người dân phải yêu quý, phải tin tưởng. Không. Chỉ có kẻ đầu óc ngu si đần độn, vô năng thì mới cúc cung tận tụy. Đó là loại nô dân hèn mạt. Phần còn lại, hoặc là họ chỉ giả vờ tin yêu vì sợ roi vọt, tù đày, hoặc là họ không giấu giếm sự căm phẫn. Những người bộc lộ căm phẫn, dù bằng lời nói hay hành động, không có gì sai. Họ chỉ đòi hỏi công bằng. Không đòi hỏi công bằng là không biết yêu thương. Và sự phẫn nộ ngày một dày lên trong dân chúng, là chỉ dấu cho sự cáo chung của thể chế. Điều đó, hợp quy luật và hợp lẽ công bằng. Đó chính là biết yêu thương. Yêu mình và yêu tha nhân.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sự trở lại của vũ khí hạt nhân Mỹ tại Nhật làm Nga - Trung “đứng ngồi không yên"


Nga và Trung Quốc như đang “ngồi trên đống lửa” trước kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở Nhật Bản và liên minh quân sự Mỹ - Nhật. Bắc Kinh và Moscow khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả.

Sina ngày 2/12 dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Thái Bình Dương thuộc Sở Nghiên cứu chiến lược Nga cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 từ ngày 22-23/11 vừa qua, nhiều vấn đề cần được giải quyết khẩn cấp trong quan hệ Nga – Nhật đã được đưa lên bàn thảo luận. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Viktorovich Lavrov đã đưa cho Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu một “danh sách” các mối quan ngại về an ninh, tất cả các vấn đề đều xoay quanh liên minh an ninh Mỹ - Nhật.
Nga và Trung Quốc đặc biệt quan ngại trước kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ tại Nhật Bản. Nguồn: Sina.
Bộ trưởng Lavrov chỉ ra rằng, hợp tác quân sự của Tokyo với Washington vẫn là “nút thắt” trong việc làm mới quan hệ giữa Nga và Nhật Bản. Không chỉ vậy, Washington cũng không che giấu và công khai xác định Nga là mối đe dọa chính đối với Mỹ và hợp tác quân sự Mỹ - Nhật, Mỹ đã thiết lập các liên minh quân sự với Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc để đối phó với Nga.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hơn một lần nhấn mạnh rằng ông dự định sẽ giải quyết hoàn toàn các vấn đề tồn tại trong quan hệ Nhật Bản - Nga trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Tuy nhiên, đối với một vấn đề khó khăn như vậy, thì phía Nhật Bản vẫn chưa xác định được khung thời gian cụ thể. Trở ngại quan trọng nhất là sự bất đồng về thái độ ký kết hòa ước ở cấp cao nhất của Chính phủ Nhật Bản.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố, chỉ sau khi các vấn đề lãnh thổ được giải quyết, thì Nhật Bản mới xem xét đến việc thảo luận một hiệp ước hòa bình với Nga. Các chính trị gia Nhật Bản thậm chí còn không công nhận Quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là quần đảo Chishima) thuộc về Nga, mặc dù đã từ bỏ tuyên bố chính thức về việc “Nga chiếm đóng bất hợp pháp”.
Hiện nay, hợp tác quân sự Nhật Bản – Mỹ đã làm cho quan hệ Nga-Nhật ngày càng phức tạp hơn. Tokyo bảo đảm rằng hợp tác quân sự Nhật Bản – Mỹ không bao giờ nhằm vào Moscow, nhưng nội dung hợp tác lại không như vậy. Hơn 47.000 quân Mỹ vẫn đang đóng tại 91 căn cứ ở Nhật Bản, bao gồm các căn cứ lớn của Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến. Điều khiến Moscow lo lắng nhất là việc triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình, bao gồm cả bom hạt nhân, tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản.
Việc Mỹ triển khai tên lửa tại Nhật Bản sẽ phá vỡ thế cân bằng tại khu vực Đông Bắc Á. Nguồn: Sina.
Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo, động thái này chắc chắn sẽ phá vỡ sự cân bằng quyền lực ở khu vực Đông Bắc Á, và sẽ buộc các nước khác như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên thực hiện các biện pháp đối phó. Sự trở lại của vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ ở Nhật Bản cũng sẽ gây ra sự phẫn nộ của người dân Nhật. Nhân dân Nhật Bản không muốn bị bắt làm “con tin” trong “trò chơi” địa chính trị của Washington.
Ngoài ra, theo kế hoạch xây dựng hệ thống chống tên lửa chung Nhật Bản – Mỹ, Washington sẽ cung cấp cho Tokyo hệ thống tên lửa Aegis phiên bản trên đất liền, Nhật Bản chỉ cần thay đổi “nhẹ” là có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ tấn công. Trong bối cảnh Tokyo đang thúc đẩy kế hoạch đổi mới vũ khí của Quân đội, thì điều này hoàn toàn phù hợp với các kế hoạch của Nhật Bản.
Mặc dù Lực lượng Phòng vệ (SDF) của Nhật Bản chỉ đảm nhận các chức năng phòng thủ nhưng với những kế hoạch hiện nay, SDF đang hướng dần đến việc mở rộng khả năng tấn công và thể hiện một động thái “không mấy thân thiện” với các quốc gia xung quanh.
Về phía  Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Cong đã từng tuyên bố “Trung Quốc sẽ không ngồi yên và sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ bố trí tên lửa tầm trung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là bố trí tại Nhật Bản”. Trung Quốc cũng cảnh báo các nước láng giềng của Trung Quốc không nên cho phép Mỹ triển khai các vũ khí loại này trên lãnh thổ. Trung Quốc khẳng định, Mỹ nên ngừng việc phát triển và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa trên phạm vi toàn cầu, hợp tác quân sự Mỹ - Nhật Bản đã làm “rối loạn” cục diện Đông Bắc Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng phản đối mạnh mẽ nỗ lực triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á của Mỹ. Bắc Kinh cho rằng, hành động này có thể gây tác động tiêu cực đến an ninh và làm mất ổn định tại khu vực. Giới chuyên gia Trung Quố cho rằng, hợp tác quân sự Mỹ - Nhật sẽ làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Bắc Á, chủ yếu là lĩnh vực tên lửa.
Căn cứ Okinawa là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ tại Nhật. Nguồn: Sina.
Được biết, hiện Washington và Tokyo bắt đầu thảo luận về việc triển khai các tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, các địa điểm ưu tiên của Washington là Okinawa, Guam và Hàn Quốc. Nguyên nhân chính của việc triển khai tên lửa tầm trung tại Nhật Bản được Mỹ công bố là do trên lãnh thổ Nhật Bản hiện nay có lực lượng đồn trú của Washington, với hơn 40 nghìn quân ở 130 căn cứ quân sự,  Nhật Bản là sự lựa chọn tốt nhất mà Mỹ hướng tới.
Với tầm hoạt động từ 500 – 5500 km, các tên lửa tầm trung của Mỹ bố trí ở Okinawa hay Guam, sẽ đe dọa các vùng lãnh thổ của Nga và Trung Quốc. Nếu số lượng tên lửa lên tới hàng trăm, sức mạnh tấn công hủy diệt tạo ra là rất đáng lo ngại.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Chuyên gia Nhật: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cách làm cho “Trung Quốc nghèo trở lại”

Chuyên gia Nhật: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cách làm cho "Trung Quốc nghèo trở lại"
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Đồng thời, một số chuyên gia cho rằng, con đường để TQ giành quyền kiểm soát khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ rất "quanh co" khi đối mặt với Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Trong một báo cáo được công bố vào thứ Tư (27/11), nhóm chuyên gia tại Viện Chính sách Quốc tế Lowe (Australia) cho biết, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua Mỹ về số lượng các cơ quan ngoại giao được thiết lập trên toàn thế giới. Báo cáo khẳng định, đây là một bằng chứng khác về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, mặc dù ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc ở châu Á và thế giới đang gia tăng nhưng nước này không dễ giành quyền kiểm soát khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vì Mỹ và các đồng minh, đối tác ở châu Á đang thực thi nhiều biện pháp nhằm kiểm chế tham vọng mở rộng của Trung Quốc.
Trung Quốc ngày càng mở rộng tham vọng toàn cầu
Báo cáo Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu năm 2019 của Viện Chính sách Quốc tế Lowe cho biết, Trung Quốc hiện có 276 văn phòng ngoại giao trên toàn thế giới, nhiều hơn Mỹ ba văn phòng.
Chia sẻ trên Twitter, bà Bonnie Bley, tác giả chính của báo cáo viết: "Trung Quốc thay thế Mỹ về mạng lưới ngoại giao lớn nhất thế giới, đồng thời, ngoại giao Mỹ đang bước vào giai đoạn cận biên".
Theo phân tích của Viện chính sách quốc tế Lowy, hiện tượng này có thể được hiểu là điềm báo của việc chuyển giao quyền lực địa chính trị. "Đó là một bằng chứng khác về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc", báo cáo khẳng định.
Chuyên gia Nhật: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cách làm cho Trung Quốc nghèo trở lại - Ảnh 1.
Trung Quốc đang mở rộng tham vọng toàn cầu, theo chuyên gia Australia. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc rất khó để giành quyền kiểm soát khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tại một cuộc hội thảo của Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ diễn ra vào thứ Ba (26/11), các chuyên gia từ Philippines, Nhật Bản và Ấn Độ khẳng định, Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác ở châu Á đã và đang hành động để ngăn chặn tham vọng mở rộng của Trung Quốc .
Sức mạnh của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn vững chắc
Chuyên gia phân tích chính trị Philippines Richard Heydarian cho biết, con đường để Trung Quốc giành quyền kiểm soát ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ "quanh co" hơn dự kiến. Bởi trước hết, sức mạnh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn còn rất lớn.
Ông nói: "Đầu tiên, sức mạnh Mỹ và sự dẻo dai cùng ảnh hưởng của sức mạnh này ở châu Á đã bị đánh giá thấp. ... Tất cả đều nói rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ vì GDP của Trung Quốc quá lớn. Tuy nhiên, sức mạnh quốc gia không chỉ nằm ở sức mạnh kinh tế, mà còn nằm ở sức cạnh tranh, tài nguyên sinh thái, nguồn nhân lực, tiêu chuẩn mức sống người dân, công nghệ...".
Chuyên gia Philippines cũng nói rằng, mặc dù Tổng thống Donald Trump đã bị chỉ trích vì rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương nhưng uy tín của Mỹ hiện vẫn đang tăng lên đối với nhiều quốc gia châu Á.
"Có rất nhiều chỉ trích đối với Tổng thống Trump, như rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, làm suy yếu vị thế của Mỹ tại khu vực này (khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương) v.v... Tuy nhiên, đối với một số quốc gia, vùng lành thổ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tham vọng của Trung Quốc như Philippines thì chính quyền đương nhiệm đáng tin cậy hơn chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama", ông Heydarian nói.
Ông này lấy "hoạt động tự do hàng hải" của quân đội Mỹ làm dẫn chứng, cho biết, hoạt động tự do hàng hải của quân đội Mỹ - dưới thời chính quyền Tổng thống Trump - diễn ra thường xuyên với quy mô rộng hơn. Ông nói rằng, mặc dù mối quan hệ Mỹ-Philippines hiện có chút căng thẳng nhưng chỉ riêng trong năm 2019, hai nước đã có hơn 290 hoạt động quân sự chung.
Chuyên gia Nhật: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cách làm cho Trung Quốc nghèo trở lại - Ảnh 2.
Sức mạnh của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn rất chắc chắn. Ảnh: Reuters
Theo VOA (Mỹ), sau khi ông Trump lên nắm quyền, Nhà Trắng đã thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương để thay thế Chiến lược trở lại châu Á của chính quyền cựu Tổng thống Obama và dần dần đưa những nội dung mang tính thực chất. Trong Báo cáo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tháng 8/2019, Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng, Ấn Độ-Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên và cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.
Nhật Bản vượt Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở châu Á
VOA nhận định, sáng kiến ​​Vành đai và Con đường thường được coi là một công cụ để Trung Quốc mở rộng tham vọng toàn cầu. Tuy nhiên, ở châu Á, Nhật Bản mới là nhà đầu tư lớn nhất vào các dự án cơ sở hạ tầng khu vực này.
Dữ liệu khảo sát của Fitch Ratings (Mỹ) vào tháng 6 cho thấy, Nhật Bản dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh phát triển cơ sở hạ tầng ở  Đông Nam Á, bao gồm tổng giá trị các dự án cơ sở hạ tầng nhận đầu tư nước ngoài của khu vực này, đạt 367 tỷ USD, gần gấp 1,5 lần Trung Quốc - quốc gia đang đứng thứ hai với 255 tỷ USD.
Hiện tại, Nhật Bản có 240 dự án cơ sở hạ tầng tại 11 quốc gia Đông Nam Á, còn Trung Quốc có 210 dự án.
Ngoài ra, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang ngày càng bị hoài nghi và được coi là một "bẫy nợ". Một số quốc gia như Malaysia, thậm chí đã tiến hành đàm phán lại các dự án này.
Về mặt cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, học giả Nhật Bản Satoru Nagao thuộc Viện nghiên cứu Hudson cho biết, mặc dù quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản đã được cải thiện kể từ năm 2017, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến đến thăm Nhật Bản vào tháng 5 tới nhưng nhiều người Nhật vẫn chưa thực sự tin tưởng Trung Quốc và khẳng định, Tokyo sẽ tiếp tục đồng hành cùng Mỹ.
Chuyên gia Nhật: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cách làm cho Trung Quốc nghèo trở lại - Ảnh 3.
Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc đang bị hoài nghi là đã tạo ra những "bẫy nợ ngoại giao" đối với các nước tham gia. Ảnh: VOA
Ông nói: "Trung Quốc là mối đe dọa đối với Nhật Bản. Trung Quốc chưa nhận được sự tin tưởng từ Tokyo. Nhật Bản hoan nghênh chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc...".
Ông này tiết lộ, người Nhật tin rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cách đúng đắn để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc; bởi như vậy, Mỹ có thể làm cho "Trung Quốc nghèo trở lại". Điều này cũng lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã rời Trung Quốc chuyển sang Đông Nam Á.
Ấn Độ tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ
Phát biểu ở hội thảo, ông Dhruva Jaishankar, chuyên gia công tác tại Observer Research Foundation (Ấn Độ), cho biết, ông đã đến thăm nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các quốc gia này đều lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc, chủ yếu thể hiện ở bốn khía cạnh sau: Chính sách không rõ ràng, chủ nghĩa trọng thương trong phát triển kinh tế, tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và không tôn trọng quy tắc quốc tế trên một số phương diện.
Ông Jaishankar nói rằng, sự khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng được phản ánh ở bốn khía cạnh: Tranh chấp biên giới, thâm hụt thương mại song phương, an ninh khu vực và quản lý toàn cầu. Ông nhận định, sự cạnh tranh của Trung Quốc với Ấn Độ mang tính kết cấu và khó thay đổi.
Để đối phó với sự gia tăng của Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã có những bước đi trong những năm gần đây. Kể từ năm 2017, Ấn Độ đã tăng cường giám sát vùng biển Ấn Độ Dương, tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và tăng cường hội nhập kinh tế với các nước Đông Nam Á.
Chuyên gia Ấn Độ nhấn mạnh, những nỗ lực này của New Delhi phần lớn phù hợp với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.
Ông này cho biết, người Ấn Độ đang rất ủng hộ quan hệ đối tác Mỹ-Ấn. Một khảo sát năm 2017 của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy, chỉ có 9% người Ấn Độ không hoan nghênh Mỹ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRỜI ƠI!



Suốt 12 năm, bao nhiêu đơn kêu OAN cho HỒ DUY HẢI với đầy đủ bằng chứng oan sai, nhưng cứ đùn đẩy nhau... Nay cơ quan Giám sát từ Trung ương về thẩm tra mà Viện trưởng Viện KS Ong An nói thế này! Thật ngu muội và tàn ác ngoài sức tưởng tượng!
Trần Đình Thu
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT TỈNH LONG AN: "GIẾT QUÁCH TỬ TÙ HỒ DUY HẢI ĐI CHO RỒI, GIAM GIỮ LOẠI NÀY RẤT CỰC"
Xin nhường lời cho mọi người bình luận còn tôi tôi hết từ ngữ để bình luận rồi

Phần nhận xét hiển thị trên trang

MỘT TIN VUI, MỘT TIN BUỒN


Tin vui là ông Trump đã ký 2 đạo luật về Hong Kong vừa được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua : Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong và Luật cấm bán các công cụ cho chính quyền Hong Kong đàn áp người biểu tình. Hai đạo luật này được coi là sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với phong trào đòi khôi phục tự do cho Hong Kong và ngăn cản Bắc Kinh vi phạm nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”. Hai đạo luật đã được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua với đa số phiếu gần tuyệt đối, bởi vậy dù Trump có ký hay không thì chúng chắc chắn sẽ có hiệu lực. Nhưng Trump đã ký, bất chấp sự phản ứng gay gắt của Trung Quốc.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh cùng một đám ăn theo (trong đó có đám ăn theo ở Việt Nam) hồ đồ cho rằng hai đạo luật nói trên là "can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Ô hay, các đạo luật chỉ áp dụng cho chính phủ Mỹ chứ có buộc Trung Quốc phải tuân theo hay áp đặt cái gì cho Trung Quốc đâu. Đơn giản là, nếu như tôi xem xét thấy anh vi phạm nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ” thì tôi sẽ không áp dụng ưu đãi thương mại cho Hong Kong mà tôi đang ưu đãi nữa, và tôi cũng không bán dùi cui hơi cay cho cảnh sát của anh dùng để đàn áp biểu tình. Muốn mua hay bán với ai cái gì, mua rẻ bán rẻ hay mua mắc bán mắc là quyền của tôi, liên quan gì đến anh ! Anh muốn có lợi thì chấp nhận điều kiện của tôi, không chấp nhận thì thôi, tôi không ép. Chẳng lẽ đạo lý đơn giản đó cũng phải cần được thông não mới hiểu sao !
Tin buồn là Giáo sư sử học Hà Văn Tấn đã từ trần. Thầy Hà Văn Tấn uyên thâm, nghiêm cẩn và khiêm cung, là nhà sử học “chính thống” tôi ngưỡng mộ nhất. Tôi không quan tâm đến “tứ trụ” trong giới sử học được nhiều người đề cập. 4 nhà sử học mà tôi ngưỡng mộ là thầy Hà Văn Tấn, thầy Lê Mạnh Thát, thầy Trần Quốc Vượng và thầy Diệp Đình Hoa. Với những nỗ lực cao nhất mà các thầy có thể, các thầy đã không để cho các sử liệu bị chính trị giáo điều làm cho biến dạng.
Mỗi lần nhìn thấy một “sử gia” cao đạo thét lác trên các diễn đàn, tôi lại nghĩ đến thầy Hà Văn Tấn. Hơn 10 năm nay, tôi vẫn thầm mong thầy Hà Văn Tấn khỏe lại để chặn bớt chủ nghĩa giáo điều đang lộng hành trong giới sử học nước nhà, nhưng thật đáng tiếc. Thầy Hà Văn Tấn mất đi tạo thêm một khoảng trống cho sự “lăn tăn” lộng giả thành chân của đám trí thức nhân danh “sử học”. Quá buồn !
HOÀNG HẢI VÂN
(Hình thầy Hà Văn Tấn mượn từ báo Tuổi Trẻ. Hình ông Trump mượn từ BBC)

Phần nhận xét hiển thị trên trang