Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

Triển vọng điều trị ung thư từ Nobel Y sinh 2019

Phát hiện về cách tế bào cảm nhận và thích ứng với mức oxy mở ra chiến lược mới trong điều trị đột quỵ, thiếu máu, ung thư và nhiều bệnh khác. 

Con người và động vật cần oxy để chuyển hóa thức ăn thành năng lượng trong cơ thể. Nếu không có oxy, sự sống không tồn tại. Khi hít vào cơ thể, oxy phá vỡ các liên kết hóa học của thức ăn thành năng lượng cho tế bào sử dụng, thải ra khí CO2. 
Vai trò thiết yếu của oxy trong duy trì sự sống được biết đến từ lâu, song điều vẫn còn bí ẩn là: làm thế nào các tế bào thích nghi và ứng biến với sự thay đổi mức oxy chúng được cung cấp. Ví dụ, các tế bào của chúng ta biết chúng phải "thở" nhiều hơn khi ta tập thể thao hoặc cần nhiều năng lượng - tức cần nhiều oxy? Con người sống ở độ cao - nơi không khí loãng hơn - như thế nào?
Hai nhà khoa học Mỹ William Kaelin và Gregg Semenza, cùng nhà khoa học Anh Peter Ratcliffe, đã giànhgiải Nobel Y sinh 2019 nhờ nghiên cứu khám phá về cách tế bào cảm nhận và thích ứng với sự thay đổi mức độ oxy sẵn có, giải đáp bí ẩn này. 
"Ba nhà khoa học đã phát hiện cơ chế ở cấp phân tử điều hòa hoạt động của gene, đáp ứng những mức oxy khác nhau", thông điệp từ Ủy ban Nobel. 
Cơ thể con người và động vật đã thích ứng mọi cách để đảm bảo các tế bào và mô có đủ lượng oxy. Những nhà khoa học thắng giải Nobel trước đó, trong đó có Corneille Heymans, đã chứng minh động mạch cảnh ở cổ chứa các tế bào đặc biệt có khả năng cảm nhận lượng oxy trong máu và điều khiển nhịp độ hô hấp tương ứng. Nếu lượng oxy thấp, nó điều chỉnh cho ta thở nhanh hơn để nhận thêm oxy vào cơ thể. 
Đầu năm 1990, Gregg Semenza, giáo sư y học di truyền tại Đại học Johns Hopkins, phát hiện một cơ chế thích nghi khác của cơ thể với tình trạng oxy thấp, còn gọi là Hypoxia. Khi lượng oxy thấp, hormone Erythropoietin (EPO) trong cơ thể tăng lên, ra tín hiệu cho cơ thể sản xuất nhiều tế bào hồng cầu hơn, cung cấp nhiều oxy đến các mô hơn. Năm 1995 ông tinh chế và nhân bản HIF (Hypoxia Inducible Factor), yếu tố phiên mã điều chỉnh các phản ứng phụ thuộc oxy. Mỗi HIF gồm hai thành phần: HIF-1α, ARNT.
Ủy ban Nobel công bố ba nhà khoa học đạt giải Nobel Y sinh 2019. Ảnh: New York Times. 
Ủy ban Nobel công bố ba nhà khoa học đạt giải Nobel Y sinh 2019. Ảnh: New York Times.
Nhà khoa học Peter Ratcliffe phát triển nghiên cứu của ông trên cơ sở hiểu biết của Gregg Semenza. Năm 1999, hai nhà khoa học phát hiện cơ chế cảm nhận oxy này "có mặt trong hầu hết các mô, không chỉ trong tế bào thận nơi sản xuất EPO". Semenza tìm ra một phức hợp protein mà ông đặt tên là tác nhân cảm ứng Hypoxia (HIF) là trung gian tạo ra các phản ứng oxy. 
Trong khi Semenza và Ratcliffe tìm ra gene EPO, William Kaelin, giáo sư tại Đại học Y Harvard, đang miệt mài nghiên cứu về một hội chứng di truyền mang tên Von Hippel-Lindau (VHL). Ông tình cờ phát hiện một phản ứng di truyền khác trong cơ thể khi lượng oxy thay đổi. Gene VHL tạo nên một loại protein ngăn chặn sự hình thành ung thư liên quan đến cơ chế phản ứng với thiếu oxy. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy VHL có thể là gene quan trọng nhất trong việc điều khiển sự phản ứng của cơ thể với mức oxy thấp.
Năm 2001, Kaelin và Ratcliffe cho biết một loại chuyển hóa protein tên Prolyl Hydroxylation cho phép VHL nhận biết và gắn vào HIF-1a. Đây là mấu chốt quan trọng trong việc hiểu thêm về cơ chế cảm biến oxy và cách cơ chế này hoạt động.  
Giới khoa học đánh giá cao về công trình nghiên cứu của ba nhà khoa học giành giải Nobel Y sinh 2019. Họ cho rằng hiểu biết mới về cơ chế kiểm soát một quá trình sinh lý thiết yếu của sự sống như thế này có tính ứng dụng lớn lao trong nghiên cứu điều trị nhiều bệnh.
"Hypoxia quyết định rất nhiều căn bệnh, trong đó có trụy tim, các bệnh phổi mạn tính và nhiều loại ung thư", nhà khoa học Andrew Murray tại Đại học Cambridge chia sẻ. "Công trình của ba nhà khoa học và nhóm nghiên cứu đã mở ra hướng đi mới cho những hiểu biết sâu sắc hơn về những căn bệnh nan y phổ biến, cũng như tìm ra chiến lược mới để điều trị bệnh". 
Randall Johnson, thành viên Ủy ban Nobel miêu tả công trình nghiên cứu là một "phát hiện mang tính nền tảng", có thể đưa vào sách giáo khoa môn sinh học. "Đây là khái niệm cơ bản về việc tế bào hoạt động như thế nào. Và từ góc độ này, tôi thấy thật thú vị", ông Randall chia sẻ.
Trong cơ thể, các tế bào ung thư thường "cướp" khả năng đáp ứng oxy của tế bào thường, gây tăng sinh mạch máu nhằm giúp tế bào ung thư phình ra. Người bị suy thận thường phải điều trị bằng hormone mỗi khi thiếu máu. Tuy nhiên nghiên cứu của ba nhà khoa học đạt giải Nobel sẽ chỉ ra các phương hướng điều trị mới, thành viên Hội đồng Nobel Y sinh Nils-Goran Larsson đánh giá.
"Nghiên cứu sinh học mang tính đột phá này giúp chúng ta hiểu biết hơn về cách mà cơ thể hoạt động, từ đó sống khỏe mạnh hơn. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa lớn từ việc phục hồi tổn thương và bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, cũng như cải thiện việc tập luyện", giáo sư Bridget Lumb, Chủ tịch Hiệp hội Sinh lý học (Anh) đánh giá.
 (Theo Vox - New York Times)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có gì mới không?

TTO - Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng - phó chính ủy Quân khu 7 - đã dành khá nhiều thời gian nói về tình hình tại bãi Tư Chính trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội, vào chiều 7-10 ở quận 7 (TP.HCM).

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc làm ảnh hưởng tình hữu nghị - Ảnh 1.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, phó chính ủy Quân khu 7, phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận 7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Tổ đại biểu Quốc hội gồm bà Tô Thị Bích Châu - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - và thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng đã tiếp xúc với cử tri quận 7. Cử tri phản ánh với tổ đại biểu nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt quan tâm về tình hình trên Biển Đông, bãi Tư Chính.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng đánh giá: "Trung Quốc đang vin vào cớ họ có chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa để giành quyền ở bãi Tư Chính. Nhưng ngay cái cớ này cũng đã không hợp lý, vì Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc, họ chỉ chiếm đóng trái phép bằng vũ lực, điều này cả thế giới đều biết. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý về việc này".
Lý giải nguyên nhân Trung Quốc cố ý tạo ra tranh chấp ở bãi Tư Chính, ông Hoàng cho rằng Việt Nam có đường ra biển rộng lớn hơn 3.000km, chưa kể vùng biển xung quanh Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, đường ra biển của Trung Quốc bị bí vì đụng với nhiều quốc gia khác. Do vậy để phát triển ra biển, Trung Quốc có tham vọng xác lập chủ quyền trên Biển Đông.
Theo ông Hoàng, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là hữu hảo từ trước đến nay. Vì tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng tình cảm, quan hệ ngoại giao hai nước.
"Ta cứ nhường nhịn vậy liệu có ảnh hưởng gì đến bãi Tư Chính không? Xin báo với bà con là không. Họ vô quấy phá thì ta đẩy đuổi. Nhưng trong việc giữ gìn chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta vẫn đang thực thi rất tốt" - phó chính ủy Quân khu 7 nói, đồng thời khẳng định:
"Đây là an ninh năng lượng quốc gia, là điều kiện đảm bảo phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm vấn đề này. Xin cử tri an tâm tin tưởng".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị phân tích, dự báo về tình hình Biển ĐôngTổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị phân tích, dự báo về tình hình Biển Đông
TTO - "Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức".
MAI HƯƠNG

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lần đầu tiên tạo ra thịt bò trong vũ trụ


Công ty Aleph Farm thông báo sản xuất thành công thịt từ tế bào bò trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, tiến tới tạo ra thịt sạch không qua giết mổ.
Mô thịt bò nuôi từ tế bào trong vũ trụ. Ảnh: Aleph Farms.
Mô thịt bò nuôi từ tế bào trong vũ trụ. Ảnh: Aleph Farms.
Aleph Farms hợp tác với công ty in sinh học 3D Bioprinting Solutions của Nga nhằm thực hiện quá trình sản xuất. Các nhà nghiên cứu lấy tế bào từ bò, cung cấp dưỡng chất để tế bào phát triển và đặt trong môi trường mô phỏng bên trong cơ thể bò. Tế bào sau đó nhân lên và phát triển thành mô cơ nhỏ trong điều kiện vi trọng lực nhờ máy in 3D sinh học do 3D Bioprinting Solutions phát triển.
"Nghiên cứu tiên tiến này diễn ra trong một số môi trường khắc nghiệt nhất, đóng vai trò như một gợi ý cho phương pháp sản xuất lương thực bền vững, không làm tăng chất thải trong đất, nước và không khí", Aleph Farms cho biết.
Thịt nuôi cấy trong vũ trụ có thể cung cấp thức ăn cho các phi hành gia thực hiện chuyến bay dài ngày vào không gian sâu, cũng như giải quyết tình trạng bất ổn lương thực do bùng nổ dân số trên Trái Đất. Sản phẩm của Aleph Farms chưa có sẵn để kinh doanh thương mại nhưng sẽ sẵn sàng bán ra thị trường trong 3 - 4 năm tới.
Didier Toubia, giám đốc điều hành của Aleph Farms, chia sẻ phương pháp nuôi cấy không chỉ nhân đạo hơn với động vật mà còn có lợi cho môi trường với lượng khí thải tối thiểu. Sản xuất thịt bò kiểu truyền thống đòi hỏi nhiều đất đai và nguồn tài nguyên. Bò phát triển và sinh sản chậm hơn lợn và gia cầm, do đó chúng ăn nhiều hơn, cần nhiều đất và nước hơn.
Thịt bò chiếm 41% lượng khí nhà kính từ gia súc và chiếm 14,5% tổng lượng khí thải toàn cầu, theo Liên Hợp Quốc, nhiều hơn khí thải trực tiếp từ phương tiện giao thông.
"Trong vũ trụ, chúng ta không có sẵn 10.000 - 15.000 lít nước để sản xuất 1 kilogram thịt bò. Thí nghiệm này đánh dấu bước tiến quan trọng đầu tiên hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn lương thực cho những thế hệ tương lai, đồng thời bảo tồn các nguồn tài nguyên tự nhiên", Toubia chia sẻ.
An Khang (Theo CNN


TỌA ĐÀM KHOA HỌC “VÙNG BIỂN BÃI TƯ CHÍNH VÀ LUẬT PHÁP QUỐC TẾ”


Đặng Văn Sinh 
Về danh nghĩa, cuộc tọa đàm do VIỆN NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH VÀ PHÁT TRIỂN của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức, nhưng nội dung của nó, nhất là ở phần THẢO LUẬN, lại có cái gì đó giống như một semina của tổ chức XÃ HỘI DÂN SỰ đang dần dần hình thành trong lòng chế độ cực quyền toàn trị.
Khách mời dự tọa đàm phần lớn là các nhân sĩ trí thức hàng đầu, những nhà khoa học nổi tiếng, trong đó có không ít vị, đang hoặc đã từng đảm nhiệm các chức vụ cao trong bộ máy công quyền như Đại sứ Nguyễn Trung, Đại sứ Nguyễn Trường Giang, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Tiến sĩ Chu Hảo, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Luật sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, Giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Vương, Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Thạc sĩ Hoàng Việt, Thạc sĩ Đào Tiến Thi v.v...
Cuộc tọa đàm bắt đầu từ 8 giờ sáng Chủ nhật, ngày 6 tháng 10 năm 2019, không có thủ tục giới thiệu quan khách với đầy đủ chức danh dài lê thê, mất thời gian và phản cảm như các hội nghị “quốc doanh”. Khán phòng cũng không bài trí băng rôn khẩu hiệu lòe loẹt. Trên bục, chỉ có bát hoa nhỏ, hình như là hoa nilon. Một cuộc tọa đàm khoa học đúng với nghĩa của nó. Điều đáng quan tâm là, các “đồng chí” An ninh Hà Nội đến rất sớm và việc đầu tiên của những viên chức mẫn cán này là yêu cầu Ban Tổ chức tại Khách sạn Công Đoàn Việt Nam (14 Trần Bình Trọng, Hà Nội) chuyển giao danh sách khách mời để họ “chăm sóc”...
Dẫn chương trình là Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, Phó Viện trưởng Viện Các vấn đề phát triển (VIDS), Thư ký Chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông... Điều khiển cuộc tọa đàm là thiếu tướng Lê Văn Cương và Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao.
Bốn bản tham luận được đọc đầu tiên của tướng Lê Văn Cương, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Thạc sĩ Hoàng Việt và cựu Đại sứ Nguyễn Trường Giang chủ yếu xoay quanh vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế với vận mệnh phát triển của Việt Nam và Việt Nam có nên khởi kiện vụ “Bãi Tư Chính”.
Các tham luận được viết khá bài bản, nêu rõ được nguy cơ mất chủ quyền quốc gia cả về lĩnh vực an ninh lẫn kinh tế nếu Việt Nam không có những đối sách hữu hiệu, trong đó bao gồm cả việc khởi kiện Trung Quốc. Tuy nhiên, các bài viết chỉ tập trung vào đối tượng”khách thể” mà không đề cập đến vai trò “chủ thể” được xem như là một trong những tác nhân khiến tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng có hành vi ngang ngược trên vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. Đó cũng chính là hạn chế khiến các giải pháp đưa ra cũng nửa vời, không dám đụng chạm đến nguyên nhân cốt lõi nên ít gây ấn tượng. Ngược lại, những điều này, nhiều chuyên gia về Luật Biển đã có những bài viết rất chuyên sâu đăng tải trên các trang mạng nổi tiếng như Bauxite Việt Nam, Tễu blog, Thông luận, Diễn Đàn hay Văn Việt.
Tuy nhiên, đến phần thảo luận thì tình hình khác hẳn. Khán phòng sôi động hẳn lên, rất nhiều cử tọa đăng ký phát biểu. Người đầu tiên là Nguyễn Trung, cựu Đại sứ Việt Nam tại Thailand, đã từng tuyên bố ra khỏi Đảng. Ông dõng dạc đọc bản kiến nghị gửi đích danh TBT và BCT, yêu cầu có thái độ và hành động dứt khoát trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, phải chấm dứt tình trạng “đu dây”, nên coi Mỹ là đối tác chiến lược để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Giáo sư Nguyễn Đình Cống bước lên diễn đàn với thái độ vô cùng căng thẳng, lời lẽ dứt khoát, chỉ trích những kẻ cầm quyền hèn nhát tiếp tay cho Tàu cộng, thậm chí còn dùng từ “tay sai” để nhấn mạnh bản chất bọn “Việt gian” bán nước, đặt vận mệnh dân tộc dưới quyền lợi phe nhóm. GSTS Trần Ngọc Vương chỉ ra sự lưu manh của Tàu cộng khi mà chúng dùng phương thức “hoán cải lịch sử”, chỉnh sửa hoặc bịa đặt dữ liệu lịch sử để hợp lý hóa cái gọi là “Con đường tơ lụa trên biển” trong kế hoạch “Một vành đai một con đường” để độc chiếm Biển Đông. Ông cũng chỉ ra, Trung Quốc là một nước lục địa, suốt mấy nghìn năm úp mặt vào đất, rất sợ biển, vì thế “Con đường tơ lụa” của Tập Cận Bình hoàn toàn là trò bịp bợm”.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải trình bày một bài viết mang tính định hướng về trách nhiệm của các nhà cầm quyền Việt Nam trong đối sách với dã tâm xâm lược của Trung Quốc. Đến phần lên án gay gắt tội ác của giặc phương Bắc trong quá trình lịch sử thì bị ban tổ chức “tuýt còi” báo hết giờ. Tác giả “Bão táp triều Trần” nổi nóng phản ứng lại, cuối cùng, bản tham luận vẫn được đọc hết nhưng không khí lúc này khá căng thẳng vì những vấn “nhạy cảm”…
Thiếu tướng Lê Mã Lương là một trong những sĩ quan cao cấp quân đội có phản ứng rất dữ dội trước sự kiện giàn khoan Hải Dương của bè lũ Tập Cận Bình xâm nhập trái phép vùng biển Bãi Tư Chính. Ông khẳng định, vạn nhất, nếu xảy ra xung đột với Tàu, các chiến hữu ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” của ông sẽ lại sát cánh bên nhau, sẵn sàng cầm súng chiến đấu vì nghĩa lớn. Về dàn tướng lĩnh quân đội đông như Quân Nguyên hiện nay, Lê Mã Lương nói một cách hài hước: “Tướng bây giờ hơn hẳn chúng tôi ngày trước vì CÓ NHIỀU TIỀN, mà không hiểu họ lấy đâu ra lắm tiền thế? Tuy nhiên, những tướng như Ngô Xuân Lịch, Lương Cường đều là tướng văn phòng, chưa trải qua trận mạc nên không biết xem bản đồ, không biết thị sát trận địa...”.
Thạc sĩ Đào Tiến Thi, người đã nhiều lần xuống đường tham gia biểu tình chống Tàu, từng bị công an Hà Nội “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” như với “thế lực thù địch”, đã nói rõ, vì sao vụ giàn khoan Hải Dương của Tàu đột nhập Bãi Tư Chính như thế mà nhân dân vẫn dửng dưng, không tỏ thái độ gì. Nguyên nhân là bởi người dân đã rơi vào tình thế “tan nát cõi lòng”, hết tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, bởi lẽ, nếu thể hiện tinh thần yêu nước mà xuống đường biểu tình là bị công an đánh thập tử nhất sinh sau đó tống vào “kho”...
Một đại biểu (rất tiếc tôi không nhớ tên) là cán bộ cấp Vụ, cho biết, cách đây hơn hai mươi năm, nhóm của ông tìm được nguồn ngân sách 100 triệu VND làm một chuyên đề như là công trình khoa học về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với vũng lãnh hải chủ quyền của Việt Nam. Thành phần nòng cốt của nhóm nghiên cứu có cả tướng Lê Văn Cương và cựu Đại sứ Nguyễn Trung. Công trình hoàn thành, được gửi đến tất cả các UVBCT mối vị một bản, nhưng quái lạ thay, qua bốn năm đời Thủ tướng, cho đến lúc ông về hưu mà không có một hồi âm (!?)...
Buổi chiều, số đại biểu ở lại tham dự thảo luận vẫn khá đông, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, trong một phát biểu ngắn, ông còn cảnh báo, nếu không khởi kiện Trung Quốc, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ khởi kiện Việt Nam theo kế sách Tôn Tử “Biến khách vi chủ”. Lúc ấy, từ vị thế nguyên đơn, ta sẽ trở thành bị đơn và, rất có thể Bãi Tư Chính sẽ vĩnh viễn bị mất như Hoàng Sa và một phần đảo Trường Sa.
Dù tôi đã đăng ký nhưng phải chờ mãi mới đến lượt. Ý kiến của tôi ngắn gọn, nhất trí về việc khởi kiện Trung Quốc, nhưng đó là vấn đề kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn, nên để cho các chuyên gia về LUẬT BIỂN thực hiện sẽ có hiệu quả hơn. Việc rốt ráo cần làm ngay là liệu ĐẢNG CÓ DÁM KIỆN HAY KHÔNG? Nếu không dám kiệm Tàu mà chỉ thích dùng những từ ngữ mơ hồ như “thời gian chưa chín muồi”, “Liệu khởi kiện ta có khả năng thắng được” và “không nên gây căng thẳng làm phức tạp hóa Biển Đông” như những lời “muôn năm cũ” của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, thì bàn làm gì, mất thời gian vô ích.
Rõ ràng là lòng dân thời nay đã xa rời Đảng, mất lòng tin với Đảng. Nếu Đảng sợ Tàu sau những lần “đi đêm” với Bắc Kinh, qua mặt nhân dân, ký kết nhiều văn bản bất lợi, có hại cho đất nước, dân tộc, giờ, muốn lấy lại niềm tin và lòng yêu nước của dân thì sự kiện Bãi Tư Chính phải được tin minh bạch hóa từng ngày, từng giờ qua các phương tiện thông tin đại chúng. Sau lưng Đảng là cả một dân tộc có truyền thống mấy ngàn năm chống giặc phương Bắc. Hơn thế nữa, chúng ta còn mấy triệu người Việt định cư ở nước ngoài vừa có tiềm lực kinh tế, vừa có trình độ chuyên môn và tinh thần yêu nước. Nên tổ chức cuộc TRƯNG CẦU Ý DÂN một cách công bằng khách quan, chắc chắn nhân dân sẽ có thái độ đồng thuận chống bành trướng. Như vậy, tức là Đảng lấy dân làm gốc, “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, thách Tập Cận Bình dám đem quân sang đất Việt.
Thời cơ vàng thoát Trung đã đến liệu Đảng có dám tận dụng?
7.10.2019
Đ.V.S.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cô gái Indonesia lần đầu kể về nghi án ám sát Kim Jong Nam


Siti Aisyah kể lại cách những nghi phạm Triều Tiên lừa cô tham gia trò đùa truyền hình thực tế, để rồi vướng vào vụ ám sát đầy tinh vi khiến cô và Đoàn Thị Hương ở tù hơn hai năm.
“Nếu làm tốt hôm nay, cô sẽ thành diễn viên nổi tiếng toàn thế giới”, đạo diễn ghé lại nói với Siti Aisyah, làm cô hồi hộp.
Chỉ trong vài tuần, cô gái Indonesia mới ngoài 20 tuổi đã được một nhóm làm phim trả nhiều tiền hơn toàn bộ lương cô từng kiếm được.
Họ trao cho cô công việc khá đơn giản: bước đến và bôi dầu dưỡng da trẻ em lên mặt những người lạ ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Từ xa, nhóm làm phim sẽ quay lại phản ứng của những người đó. Cô được trả 119 USD cho mỗi “trò đùa” như vậy.
Nhóm làm phim nói vì làm việc rất tốt, Siti có thể được họ đưa sang Mỹ. Nhưng cô vẫn còn phải thực hiện một trò đùa cuối cùng: một VIP (nhân vật quan trọng) ở sân bay Kuala Lumpur. Như mọi lần, nhóm làm phim đổ chất lỏng vào lòng bàn tay Siti, chỉ cho cô mục tiêu, rồi bảo cô đi tới.
Thế nhưng, khác hẳn mọi lần, trò đùa lần này sẽ mang lại tai vạ cho Siti. Mục tiêu lần này không phải người lạ, mà là người được cho là Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Và chất lỏng lần này không phải là dầu trẻ em, mà là chất độc thần kinh VX.
Co gai Indonesia lan dau ke ve nghi an am sat Kim Jong Nam hinh anh 1
Siti Aisyah (trái) và Đoàn Thị Hương, hai cô gái bị bắt giữ sau vụ sát hại người mang hộ chiếu có tên Kim Chol - được cho là Kim Jong Nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: AP.
Bị lôi cuốn bởi những đồng tiền dễ dàng
Trong vòng nửa giờ, người mang hộ chiếu có tên Kim Chol chết một cái chết đau đớn. Chất độc này đi vào cơ thể ông và làm tê liệt nội tạng.
Không hề biết về bi kịch này, Siti đi quanh sân bay trong ba giờ, mua sắm và ăn trưa, trước khi trở về khách sạn nơi cô làm nhân viên massage.
Chưa đầy 48 giờ sau, Siti và Đoàn Thị Hương, cô gái Việt Nam 28 tuổi, bị bắt giữ. Họ bị giam suốt hơn hai năm, bị cáo buộc tội giết người, trước khi được thả về nước dưới sự bảo vệ của chính phủ vào đầu năm nay, theo South China Morning Post.
Hình ảnh hai cô gầy gò, sợ hãi được cả thế giới biết đến. Nhưng giờ đây, Siti, năm nay 27 tuổi, trông đã khỏe khoắn hơn, tăng từ 49 kg lên 62 kg kể từ khi được thả hồi tháng 3. Cô sống cùng cha mẹ ở ngôi làng nhỏ, bụi bặm bên ngoài Serang, Java, Indonesia. Cha cô, Hasan Asria, 54 tuổi, sống bằng công việc bán me và các loại gia vị.
“Tôi không hề hiểu rõ hành động của mình”, cô nói. “Họ nói sẽ giúp tôi thành ngôi sao. Tôi cảm thấy thật ngốc vì đã tin tưởng dễ dàng như vậy”.
“Tôi cảm thấy tồi tệ về chuyện xảy ra và ước mình đã không tham gia”, Siti trải lòng.
Co gai Indonesia lan dau ke ve nghi an am sat Kim Jong Nam hinh anh 2
Siti (giữa) chụp ảnh cùng cha mẹ ở Java. Ảnh: Red Door News.
Lớn lên ở vùng quê, chuyển đi từ năm 12 tuổi, và chỉ biết đến Triều Tiên nhờ phim ảnh Hàn Quốc, Siti không có tố chất gì của một kẻ ám sát.
Cô lấy chồng sớm năm 16 tuổi và sinh con năm 17 tuổi, nhưng đã ly thân với chồng. Cô là một trong hàng nghìn cô gái trẻ từ các vùng quê nghèo của Indonesia tìm đến Kuala Lumpur hoa lệ, làm mọi nghề để kiếm sống.
Một buổi sáng tháng 1/2017, một tài xế taxi Malaysia tiếp cận cô. Người này nói có khách đang tìm diễn viên cho show truyền hình thực tế, và nói cô có ngoại hình khá hợp.
Được khen, Siti tìm đến ngay hôm sau để gặp “James”, người tự giới thiệu là nhà sản xuất truyền hình người Nhật. Trên thực tế, người này là công dân Triều Tiên có tên Ri Ji U, theo South China Morning Post.
Trong những tuần sau đó, theo lệnh “James”, cô bôi dầu trẻ em lên mặt những người lạ rồi xin lỗi và rời đi. Họ trả cô những khoản tiền dễ dàng. Chẳng hạn, lần đầu tiên, cô nhận được 95 USD để chơi khăm ba người. Các mục tiêu đều quá kinh ngạc và không biết phản ứng ra sao.
“Tôi kiếm được 400 ringgit (95 USD) cho 15 phút làm việc. Còn ở khách sạn, tôi massage chỉ được 20 ringgit cho mỗi khách”, Siti nói với South China Morning Post.
Đến một ngày, Siti được đưa đến thủ đô Phnom Penh của Campuchia, để thực hiện trò đùa tại sân bay, vì nhóm người Triều Tiên tin rằng Kim Jong Nam sẽ đi qua đây. Tuy nhiên, Kim Jong Nam lại thay đổi lịch trình. Vì vậy, Siti được sai thực hiện trò đùa lên hai người lạ khác, nhận thù lao 600 USD.
Siti còn được đưa tiền để mua vé máy bay đi Macau, điểm ăn chơi ưa thích của Kim Jong Nam, nhưng rồi phải hủy, vì ông Kim một lần nữa thay đổi kế hoạch.


Co gai Indonesia lan dau ke ve nghi an am sat Kim Jong Nam hinh anh 3 Co gai Indonesia lan dau ke ve nghi an am sat Kim Jong Nam hinh anh 4
Hai nghi phạm Triều Tiên trong nhóm “làm phim” đã lừa Siti trong âm mưu ám sát ông Kim Jong Nam. Bên trái là “James” có tên thật Ri Ji U. Ảnh: Red Door News.
Cảnh quay cuối cùng,Đoàn Thị Hương đột ngột xuất hiện
Nhóm nghi can Triều Tiên tiếp tục “rình” mục tiêu Kim Jong Nam. Cuối cùng, ông này trở lại Malaysia để gặp đặc vụ Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại một khách sạn ở Langkawi, và trao đổi một laptop chứa đẩy dữ liệu để lấy những xấp tiền 100 USD, trước khi đến thủ đô Kuala Lumpur.
Hai ngày trước vụ ám sát Kim Jong Nam, nhóm của James cho Siti 200 USD, khiến cô ngạc nhiên, nhưng nói là tiền thưởng vì cô đã làm tốt. Cô dùng tiền để tiệc tùng với bạn bè ngay tối hôm sau, thậm chí còn đến muộn giờ hẹn buổi sáng tiếp theo với nhóm người Triều Tiên ở sân bay Kuala Lumpur để thực hiện cảnh quay mà họ hứa sẽ khiến cô nổi tiếng thế giới.
“Tôi không tin mình sẽ nổi tiếng, nhưng tôi muốn nhận tiền”, Siti nói. “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến tiền”.
“Họ nói mục tiêu là một sếp lớn trong công ty họ”, cô nói. “Họ nói ông ấy rất kênh kiệu và có thể nổi giận, nên tôi cần hành động rồi rời đi nhanh nhất có thể”.
Co gai Indonesia lan dau ke ve nghi an am sat Kim Jong Nam hinh anh 5
Ảnh chụp từ camera an ninh cho thấy Kim Jong Nam (trong hình tròn màu đỏ), đang nói chuyện với nhân viên sân bay, sau khi bị bôi chất VX lên mặt, ở sân bay Kuala Lumpur ngày 13/2/2017. Ảnh: Fiji TV/Reuters.
Sau 90 phút chờ, khi thấy mục tiêu, họ rót chất lỏng vào tay của Siti. Siti bước đến một cách đầy lo lắng, sẵn sàng từ đằng sau bôi chất lỏng lên mặt Kim Jong Nam, người đang làm thủ tục cho chuyến bay Macau. Nhưng khi cô còn cách Kim Jong Nam chỉ hai bước, Đoàn Thị Hương bỗng vụt qua trước mặt cô từ hướng khác, và lấy tay vuốt qua mắt ông Kim. Siti kinh ngạc.
“Ông ấy trông khó chịu, tức giận”, Siti nói. “Ông ấy có vẻ giàu có, và rõ ràng đang tức giận. Tôi chắc chắn ông ấy sẽ báo cảnh sát. Tôi sợ quá và chạy đi”.
Siti và Hương chạy về các hướng khác nhau, vào các phòng vệ sinh khác nhau để rửa tay, một hành động gần như chắc chắn đã cứu mạng họ.
Sau đó hai hôm, cảnh sát đến khách sạn nơi cô làm việc. Cô tưởng đó là đợt trấn áp các lao động nước ngoài như thường lệ. Nhưng họ đến tìm cô, và cô khai rằng cô có tới sân bay để quay video. Ở đồn cảnh sát, cô mới biết mình dính líu đến vụ ám sát người anh của một vị nguyên thủ. Cô không thể tin những gì vừa nghe. Chiếc áo của cô vẫn còn dấu vết của chất độc VX.
Hai tuần sau, cô được gặp luật sư, và lần đầu ra tòa, cô bị cáo buộc giết người, tội danh mang án tử hình ở Malaysia.
“Tôi hoảng sợ nhận ra mình có thể phải chết”, cô nói. “Tôi bối rối, ngày nào cũng khóc trong vòng ba tháng. Tôi không ăn, uống gì được”.
Co gai Indonesia lan dau ke ve nghi an am sat Kim Jong Nam hinh anh 6
Ảnh camera an ninh ghi lại hình ông Kim đang được đưa đi cấp cứu. Ảnh: Fuji TV/AP.
Muốn làm lại từ đầu
Siti bị biệt giam trong năm đầu tiên, chỉ được đọc kinh Koran và gọi điện 15 phút mỗi tuần với gia đình. “Cha mẹ không bao giờ hỏi tôi về vụ án. Họ đã xem hết trên TV, không muốn tôi phải suy ngẫm thêm nữa”, cô nói.
Cô khó chấp nhận việc “James” và đồng bọn đã lừa cô. “Họ tỏ ra tốt bụng và tôi nói với họ nhiều chuyện cá nhân. Thật kinh khủng khi họ đã đổ thuốc độc lên tay tôi mà không hề nghĩ đến tính mạng tôi”.
Chỉ tháng 3 vừa qua, sau khi được thả, và tìm tên trên YouTube, cô mới nhận ra vụ việc này lớn thế nào. Cô được chào đón như một nhân vật quan trọng khi về nước, bay cùng các quan chức chính phủ Indonesia trên máy bay riêng, và được đưa tới gặp Tổng thống Joko Widodo. Cuối cùng, cô cũng đã nổi tiếng thế giới, nhưng với cái giá quá đắt.
Cảm động nhất đối với Siti là khi đoàn tụ với con trai, Rio, sau hai năm. “Con nói tôi bế nó lên, nhưng bé lớn đến mức tôi không bế được nữa”, Siti nói. “Tôi đã nói mẹ xin lỗi... con chỉ cười và ôm tôi thật chặt”.
Co gai Indonesia lan dau ke ve nghi an am sat Kim Jong Nam hinh anh 7
Siti đến tòa án ở Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 25/10/2017. Ảnh: AP.
Luật sư của Siti, Gooi Soon Seng, người đã đi khắp nơi để thu thập bằng chứng cho thấy cô là “con tốt thí” trong một vụ ám sát tinh vi, mừng vì thân chủ được thả, nhưng cũng tiếc vì chưa có cơ hội phơi bày những bằng chứng về thủ phạm.
“Đó là một âm mưu tinh vi”, ông nói. “Nếu theo đúng kế hoạch, ông Kim Jong Nam sẽ lên máy bay rồi mới chết. Sẽ là một vụ lên cơn đau tim, không nhận được nhiều chú ý”.
“Theo các chuyên gia tôi nói chuyện, hai cô gái sống được là vì rửa tay trong vòng 15 phút. Da bàn tay dày nên chất độc VX khó thẩm thấu”.
Co gai Indonesia lan dau ke ve nghi an am sat Kim Jong Nam hinh anh 8
Siti Aisyah và luật sư Gooi Soon Seng ở Kuala Lumpur ngày 11/3, sau khi cô được trả tự do. Ảnh: Kyodo.
Những nghi can Triều Tiên đã trốn được về Bình Nhưỡng. Với ông Gooi, công lý chưa được thực thi.
“Một mạng người vô tội bị cướp đi. Những người âm mưu vụ ám sát này phải bị đưa ra xét xử”.
Nhưng Siti thì phải lo những điều thực tế hơn, như học lớp online để trở thành nhân viên làm đẹp. Cô muốn bắt đầu lại từ đầu.
“Tôi muốn làm việc ở trung tâm thẩm mỹ ở Jakarta”, cô nói với South China Morning Post. “Tôi muốn tương lai tốt đẹp hơn. Nếu được, có thể con tôi sẽ lên sống với tôi”.
Mọi người vẫn nhận ra Siti. “Trong làng, mọi người thường đùa với tôi và nói ‘cô nổi tiếng rồi’. Khi tôi đi chợ, mọi người vẫn đến chỗ tôi và nói: ‘Cô là Siti Aisyah’”.
“Có ai nghĩ một người như tôi, chỉ học hết cấp 1, mà lại được cả thế giới biết đến”, Siti tự hỏi, chiêm nghiệm về tai tiếng toàn cầu của mình.
Trọn Thuấn  / Zing


Phần nhận xét hiển thị trên trang