Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2019

Đổi tiền




Nguyễn Hiến Lê
Chính sách đổi tiền của chính phủ càng thất nhân tâm hơn nữa. Vụ đổi tiền lần thứ nhất xảy ra tháng chín hay tháng mười 1975, và xảy ra rất đột ngột.
● Sáng sớm hôm đó dân chúng mới hay rằng phải đổi tiền nội trong 24 giờ và mỗi người dân già trẻ lớn bé được đổi một số tiền là bao nhiêu đó tôi quên rồi, chỉ còn nhớ số tiền này như gia đình tôi chỉ đủ tiêu trong một tháng hay tháng rưỡi là cùng. Những người làm chủ một hãng, như hãng buôn, nhà in, xưởng chế tạo... có giấy chứng nhận của phường, quận... mới được đổi thêm 1.000 đồng mới (1 đồng mới ăn 500 đồng cũ), tính ra cũng chỉ đủ chi tiêu trong một tháng. Chính quyền không cho biết số tiền còn lại, sẽ giữ tại ngân hàng và sẽ cho rút ra lần lần tùy nhu cầu; thành thử ai cũng hiểu lầm rằng số đó sẽ bị hủy bỏ. Do đó rất nhiều người phẫn uất, tuyệt vọng; có người tự tử, có người đốt hằng thúng giấy bạc, hoặc từ trên lầu vãi giấy bạc xuống đường, không ai thèm lượm; ở Mỹ tho, nhiều tiệm Trung hoa thồn giấy bạc vào cà roòng, thả trôi sông.
● Chỉ thị phải đổi nội trong 24 giờ làm cho mọi người hoảng hốt, tranh nhau đổi, sợ trễ. Nhưng chỉ thị đó, chính cán bộ không tuân theo; ở phường tôi họ cứ nhởn nha làm việc; chín giờ sáng mới tới phòng đổi tiền để xếp đặt công việc, mười một giờ mới quyết định xong, thì nghỉ ăn cơm; một giờ mới phát cho dân đơn khai số tiền có trong nhà. Dân chen chúc nhau ở cửa phòng, đưa sổ gia đình để họ xét họ xét rất lâu như sợ có sổ giả mạo, rồi mới chịu phát đơn. Các tổ trưởng đề nghị tiếp tay họ trong việc đó, họ không cho vì ngờ có thể gian lận.
Đem đơn về nhà khai xong, lại mang tới đề nộp, lại chen lấn nhau lần nữa. Hai vợ chồng tôi thay nhau làm những việc xin đơn, nộp đơn, chiều đó mới xong, mệt đừ.
Trên đơn họ tính trong nhà có bao nhiêu người, cho phép đổi bao nhiêu, tính xong thì khuya rồi, đề sáng hôm sau mới đổi. Họ làm việc rất chậm, mãi nửa đêm hôm sau mới đổi xong. Như vậy là lệnh của chính phủ không được tuân. Có phường năm ngày mà đổi vẫn chưa xong, vì họ phải xét đi xét lại một điều gì đó, tôi không hiểu. Dân chầu chực suốt 5 ngày 5 đêm ở ngoài nắng, dưới mưa, lại không có tiền tiêu (vì trong lúc chở đổi tiền, giấy bạc cũ vô dụng, giấy bạc mới chưa có), nổi lên phản kháng, biểu tình, họ bắt giam một số. Nhưng cũng có chỗ đổi rất mau, chỉ 24 giờ là xong.
Vậy là cấp trên không biết tồ chức hoặc biết tổ chức mà cấp dưới không thèm nghe, tự ý làm sao thì làm, và hạng người ngu dốt, được cơ hội, tha hồ hách dịch, làm khó dân.
● Một cái tệ nữa là không có sự kiểm soát, khiến nhiều cán bộ gian lận, làm giàu. Các cơ quan đổi bao nhiêu tiền cũng được, chỉ cần làm tờ khai. Cơ quan có trong quĩ 100 triệu đồng cũ chẳng hạn thì khai 150 triệu, 50 triệu dư đó đem mua tiền của dân. Dân có tiền không đổi được, bán rẻ cho cơ quan, lấy 50%, 30% thôi, cơ quan lời 50%, 70% chia cho nhau. Thí dụ : tôi có dư 1 triệu đồng cũ không đổi được, đưa cho cơ quan đổi, cơ quan chỉ giao cho tôi nửa triệu (50%) tức 1.000 đồng mới; cơ quan giữ lại nửa triệu, để chia nhau. Đó là chỗ thân tình lắm chứ giá thường là 30%, và gần tới giờ chót chỉ còn 10%. Nửa ngày cuối cùng, người ta tấp nập mua bán như vậy, công an phường chắc biết dư mà chẳng thấy phát giác vụ nào cả.
Lần đó là lần đầu tiên tôi thất vọng, thấy rõ chân tướng chẳng tốt đẹp gì của các đồng chí cách mạng trong chủ nghĩa xã hội đã được Hồ chủ tịch dạy dỗ mấy chục năm. Họ bỉ ổi, bê bối còn hơn chế độ tư bản nữa. Tôi không vơ đũa cả nắm. Cũng có một số liêm khiết, xã hội nào cũng vậy.
Đêm đó 11 giờ khuya tôi mới đổi tiền xong, trả phần của một đứa cháu trong nhà, và trả cho nhà tôi số tiền tiêu riêng của nhà tôi rồi, chỉ còn đâu có 6-7 chục đồng, mà mỗi tháng chúng tôi tiêu ít nhất 50 đồng mới đủ. Tôi chìa cho nhà tôi xem, bảo: "Bao nhiêu tiền tiết kiệm của mình chỉ còn có mấy tấm giấy này thôi!" Nhà tôi làm thinh. Tôi cất tiền rồi, mệt quá, đi ngủ liền.
Sáng hôm sau dậy sớm mới thấy buồn thấm thía. Còn trà tàu Đài loan của một độc giả cho, tôi pha một bình nhỏ, rót một chén đem xuống cho nhà tôi đương quét sân. Rồi tôi đi dạo trong xóm xem dân tình: ai cũng lặng lẽ, đăm chiêu. Nửa giờ sau về nhà. Nhà tôi cho hay đã bán được một lon sữa đặc đủ đi chợ một ngày. Tôi bảo: "Cần gì phải như vậy. Mình còn nhiều đồ khác để bán mà." Nói vậy, nhưng nước mắt tôi cũng rưng rưng vì cảm động.
Mấy hôm sau, có lẽ chính phủ thấy chính sách đó khắc nghiệt quá, cho nên ra lệnh cho đổi thêm một số nữa bằng số lần trước. Lại khai báo, lại chầu chực, nhưng lần này mau hơn. Ngân hàng trả lại tôi một số tiền nữa, còn bao nhiêu ghi vào sổ tiết kiệm của tôi. Vậy là chưa mất hết. Từ đó mỗi tháng vợ chồng tôi được rút ra 60 đồng cho hai người, lại bán thêm được một ít sách nữa, cho nên đủ tiêu. Được đâu một năm như vậy rồi chẳng hề có thông cáo, thông báo gì cả, ngân hàng cứ lẳng lặng không phát thêm nữa. Hiện nay trong sổ tiết kiệm của tôi còn mấy ngàn đồng, tôi không nhớ. Sổ đó đã vô dụng rồi, tôi giữ làm kỉ niệm của một thời.
Tóm lại chính sách của nhà nước là muốn quản lí tiền bạc của dân: chỉ cho mỗi gia đình giữ một số đủ mua gạo, rau... trong một hai tháng, còn bao nhiêu gởi ngân hàng hết, phải có lí do chính đáng như đau ốm, cưới hỏi, ma chay... mới được rút ra. Tiến bộ hơn Nga nhiều. Nhưng hậu quả là không ai muốn gởi tiền ngân hàng nữa, và chính sách đó phải bỏ.
Gần đây đọc một cuốn sách tôi được biết chính phủ Sô viết ở Nga sau cách mạng 1917 cũng có một lần đổi tiền cho dân: cứ dưới 3000 rúp (rouble) (tôi không biết một rúp thời đó bằng bao nhiêu quan Pháp) thì một rúp cũ đổi lấy một rúp mới, còn trên số đó thì hai rúp ca đổi một rúp mới. Chính sách đó nhân đạo hơn, không gây bất mãn trong dân chúng. Chính phủ mình đã theo chính sách đổi tiền của họ Mao chăng?
Ba năm sau, năm 1978 lại đổi tiền một lần nữa, mà lần này ở khắp nước. Cũng đột ngột, cũng hạn chế số tiền được đổi, nhưng có tổ chức hơn, đỡ khổ cho dân.
Dù dùng mọi cách đề bình sản (tức quân bình tài sản, san phẳng tài sản), dù dùng mọi cách để trừng trị sự làm giàu thì bất kì thời nào, trong xã hội nào, cũng chỉ được ít tháng lại có sự bất bình đẳng, có kẻ giàu người nghèo. Một người đã nói: phát cho hai người, mỗi người một ổ bánh mì, chỉ một ngày sau đã có sự bất bình đẳng rồi: kẻ ăn hết ổ bánh đã hóa nghèo hơn kẻ chỉ ăn ba phần tư ổ thôi, để dành một phần tư. Như vậy là có sự tích lũy tài sản rồi. Cho nên tại các nước cộng sản lâu lâu phải đổi tiền một lần, hạn chế số tiền được đổi, tịch thu một số tiền quá lớn nữa. Nghe nói ở Nga từ 1917 đến nay đã đồi tiền non 20 lần, không biết lời đó đúng không.
Vụ đổi tiền năm 1978 làm Bắc Việt xôn xao cũng bằng ở trong Nam và cũng có đủ các tệ như ở Nam.
Lần này người ta biết tin trước vài ngày: ai có nhiều tiền (ở Bắc cũng như ở Nam) cũng tung tiền ra mua vàng, xe đạp, vải, tủ lạnh, chén đĩa, bất kì thứ gì với bất cứ giá nào. Có thứ tăng giá lên gấp 10 như vàng, thứ nào tăng ít nhất cũng gấp năm. Có người không biết mua gì, năn nỉ hàng xóm để lại cho con gà, con vịt. Người nghèo có từ nải chuối trở đi cũng đem bán. Ở Bắc có kẻ nhiều tiền quá thồn cả vào một cái bao, chở trên xe đạp, đến một chỗ vắng, làm bộ đánh rớt xuống đường rồi phóng đi như bay. Hạn chế, kiểm soát rất gắt, vậy mà ở Hà nội ngay tối đêm mới đổi tiền, công an lại xét một nhà thấy một số tiền gấp trăm số gia đình đó được phép đổi. Và chính phủ cũng phải làm ngơ.
Sau một phần tư thế kỉ được giáo hóa mà như vậy thì chúng ta phải kết luận ra sao? Có chế độ nào thay đổi được bản tính con người trong một hai thế kỉ không? Bao giờ mới đào tạo được con người xã hội chủ nghĩa để họ xây dựng xã hội chủ nghĩa đây, như Hồ chủ tịch nói?
Mỗi lần đổi tiền là một lần lạm phát. Cứ xét giá sinh hoạt từ 1975 đến nay ở miền Nam thì ít nhất cũng đã có sự lạm phát gấp 10 lần rồi: giá vàng 1975 là 400$ mới, bây giờ (tháng 5-1980) trên 6000$; gạo bán ở chợ thời đó vào khoảng 20 xu mỗi một lít, bây giờ từ 2$ tới 6$, 8$ tùy nơi. Vật giá cũng tăng lên ít nhất là 10 lần.
Giá chính thức thì trái lại, tăng lên rất ít, nhiều lắm là gấp hai; nhưng chỉ công nhân viên được mua gạo với giá đó thôi, còn những nhu yếu phẩm khác thì không có để phân phối; rốt cuộc họ phải mua rất nhiều món ở chợ với giá gấp 10 lần, mà lương không tăng. Tình cảnh của họ thật bi đát. Nạn tà tà, vô kỉ luật, tham nhũng, ăn cắp, buôn lậu phát ra từ đó.
Còn thêm một hậu quả nữa. Dân sợ sự đổi tiền quá, không còn làm ăn gì được; mà dân càng sợ thì càng có nhiều kẻ tung tin vịt ra; mới đổi năm 1978, qua năm 1979 lại có tin đổi tiền nữa, kinh tế hóa khó khăn trong vài tháng, một số kẻ làm giàu thêm, một số nghèo thêm, rồi đầu năm 1980 lại có tin đổi tiền nữa, lần này cũng vịt nữa. Đời sống không được ổn định, dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, chẳng trách bệnh bao tử phát dữ dội, gấp mấy thời trước. Không ai muốn tiết kiệm nữa, kiếm được đồng nào tiêu hết đồng đó; những quán ăn, tiệm cà phê nhiều hơn và đông khách hơn trước ngày 30-4-1975.
...
Trích "Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê"
(Copy From Fb Thú Chơi Sách)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người biểu tình Hong Kong kéo đến lãnh sự quán Mỹ, TQ cảnh báo “rắn”


Thứ Hai, ngày 09/09/2019 09:00 AM (GMT+7)

Trung Quốc sẽ không tha thứ cho bất cứ hành động nào chia cắt Hong Kong khỏi đại lục, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố.


Người biểu tình Hong Kong kéo đến lãnh sự quán Mỹ, TQ cảnh báo “rắn” - 1
Người Hong Kong biểu tình trước lãnh sự quán Mỹ.
Theo Reuters, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố “rắn” sau khi người biểu tình Hong Kong kéo đến lãnh sự quán Mỹ đề nghị giúp đỡ. Trung Quốc nhấn mạnh rằng Hong Kong là một phần khổng thể tách rời và mọi hành động chia tách nào sẽ bị “nghiền nát”.
Tờ China Daily nói cuộc biểu tình hôm 8.9 ở Hong Kong là bằng chứng cho thấy các thế lực bên ngoài đứng sau biểu tình. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo “người biểu tình nên đừng nên tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của chính quyền”.
Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần cáo buộc thế lực bên ngoài tìm cách gây tổn thương Bắc Kinh, thông qua việc kích động hỗn loạn ở Hong Kong.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đã hủy bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi vào tuần trước, nhưng tình hình vẫn chưa lắng dịu.
Người biểu tình đòi hỏi nhiều quyền lợi hơn kể từ khi Anh trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc năm 1997.
“Hong Kong là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và đó là ranh giới mà không ai có thể thách thức, dù là người biểu tình hay các thế lực bên ngoài”, bà xã luận đăng ngày 9.9 trên tờ China Daily viết.
“Biểu tình ở Hong Kong không phải vì quyền lợi hay dân chủ. Đó là kết quả của thế lực bên ngoài can thiệp. Sự kiềm chế của chính quyền trung ương đang bị hiểu nhầm, mọi hành động chia tách sẽ bị nghiền nát”, báo nhà nước Trung Quốc viết.
Trong một bài xã luận khác, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã kêu gọi sự thượng tôn pháp luật và cảnh báo Hong Kong sẽ phải trả giá đắt tiếp để tình hình bất ổn tiếp tục lan rộng.
Hong Kong chính thức rút dự luật dẫn độ sau 3 tháng người dân biểu tình dữ dội
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lâm Trịnh Nguyệt Nga chiều nay đã tuyên bố chính thức rút dự luật dẫn độ gây ra tình trạng...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“TẤM GƯƠNG” LỚN CỦA HAI VỊ BỘ TRƯỞNG



Nguyễn Ngọc Dương
Có thể nói “nhị vị đại nhân” Nguyễn bắc Son và Trương Minh Tuấn nay không còn thời cơ để rút kinh nghiệm cho cuộc đời mình. Tuy nhiên, “tấm gương” của hai ông lại là bài học quý cho những kẻ đang vênh vang, mũ cao áo dài.
1.SỰ GIẢ DỐI VỀ NHÂN CÁCH: Khi đang chót vót trên ghế, ông Tuấn cho ra đời cuốn sách “Phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” thì quần chúng nhân dân không ai nói gì, người ta chỉ cười khẩy. Sau khi ‘ngã ngựa’ thì có nhiều người bảo vứt mẹ cái cuốn sách dạy đời đi, dạy chó nó nghe. Nhưng Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) thì cho rằng: “…Không có cơ chế nào để thu hồi cuốn sách này cả nhưng chính cuốn sách đã thể hiện sự nói một đằng, làm một nẻo. Cuốn sách là minh chứng cho thái độ thiếu trung thực, lừa dối của ông Trương Minh Tuấn, bộc lộ trước đảng viên và người dân. Theo tôi, không cần thiết phải thu hồi, cứ để như vậy bởi chẳng có ai đọc làm gì và tự khắc cuốn sách sẽ chết," (1).

2. DÙNG QUYỀN LỰC ĐỂ DỌA DÂN và HÃM HẠI CẤP DƯỚI: Ông Nguyễn Bắc Son phát biểu: “Dùng facebook nói xấu Đảng, Nhà nước phải bị nghiêm trị”. Giống y thời Phong kiến, nói xấu vua (phạm húy) thì bị nghiêm trị. Trong khi ở chế độ dân chủ, văn minh, người dân được nói hết những gì mà mình không vừa lòng đối với Tổng thống, Bộ trưởng, Chính phủ…, nhưng không ai bị coi là nói xấu, là phạm pháp, những ý kiến “trái tai” mà đúng, đều được lắng nghe và điều chỉnh, nhờ đó mà người lãnh đạo và Chính phủ ngày càng hoàn thiện. Còn nói sai thì không chấp, bởi bộ máy công quyền được xác định là tổ chức làm thuê cho dân.
Cái bộ TTTT mới được sinh ra chưa lâu, do yêu cầu quản lý báo chí, truyền thông trong tình hình mới, chứ trước kia những chức năng ấy chỉ là những bộ phận của các bộ khác. Rõ ràng là bây giờ nó quan trọng, nó có vị thế, nhất là đối tượng quản lý của nó là cả hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình, internet. Người ta bảo cái hệ thống ấy là “quyền lực thứ tư”, thì cái bộ do những ông này làm bộ trưởng còn ngồi trên đầu quyền lực thứ tư. Được quyền phán xét, trừng trị, quyền để cho một Tổng biên tập, một Thư ký tòa sọan, một phóng viên của bất kỳ tờ báo nào trong số gần 800 tờ báo của cả nước, hay một bloger, một facebooker có được yên ổn hay phải “lên bờ xuống ruộng”.
Có không ít vụ kỷ luật, phạt, đình bản báo này, báo nọ không được nhân dân tâm phục, khẩu phục. Nên nhớ, khi Tòa xử án phải lấy pháp luật làm căn cứ, nhưng vẫn có tranh biện để làm rõ việc áp vào luật có đúng không, có bị lợi dụng luật để xử oan cho đối tượng không. Đằng này, lẽ phải cứ thuộc cấp trên, dân biết dù không phạm luật nhưng nó “đụng chạm” vào những nơi cấm kỵ, nên coi như “tai nạn nghề nghiệp”. Thực ra, không một phóng viên nào, Tổng biên tập nào, nhất ở những tờ báo danh tiếng như Tuổi trẻ chẳng hạn lại ấu trĩ đến mức đưa tin trái pháp luật. Luật báo chí chỉ cấm nói sai sự thật, bịa đặt…, chứ không thấy có điều khoản nào “trừ vùng cấm”. Tuy nhiên, khi “chạm vào vùng cấm”, thì họ cũng phải ngậm bồ hòn, vì thấp cổ bé họng.
3.THAM LAM VÔ ĐỘ: Đã lên đến “quan thượng thư” là trải qua nhiều chức tước quan trọng lắm rồi. Với quá trình ấy, cuộc sống thiết tưởng đã vương giả rồi. Thế mà vẫn “quyết liệt chỉ đạo” để bán cho bằng được 95% cổ phần AVG cho Mobifone làm thiệt hại nhiều ngàn tỷ của nước, của dân, chỉ vì để được nhận hối lộ. Có người tính nhẩm, với số tiền hơn 3 triệu đô la ông Son nhận hối lộ thì với mức lương bộ trưởng (khoảng 15 triệu đồng/tháng), sẽ tương đương 400 năm lương! Không biết ông ấy sống được mấy trăm năm?
Khi cái bóng quyền lực quá lớn thì pháp luật cũng chả là cái đinh.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tập Cận Bình “đả hổ”: số liệu kinh người


Gần đây, có báo thống kê lại số liệu các quan chức ngã ngựa trong 4 năm kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm chính quyền Trung Quốc. Các con số khiến người ta phải giật mình.
chinh bien Tap Can Binh
Ngày 22/8, trang báo nhà nước “Nhân Dân Luận Đàn” đăng bài “Chuyên gia thảo luận đặc điểm của quan chức cấp cao hủ bại: Quan – Thương cấu kết là con đường chính, sinh hoạt hủ hóa là hiện tượng”, phân tích đặc điểm của quan trường hủ bại tại Trung Quốc. Trong đó, tác giả chỉnh lý và thống kê số quan chức bị bắt điều tra từ sau Đại hội 18 (từ 15/11/2012 đến 31/7/2016) so sánh với từ lúc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến nay.
Từ lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm chính quyền vào năm 1949 đến Đại hội 18, số lượng quan chức cấp cục của tỉnh trở lên bị “ngã ngựa” là 145 người, tính bình quân là mỗi năm có 2,3 người bị điều tra và kết án. Tuy nhiên, chỉ riêng từ sau Đại hội 18 đến nay mới có 4 năm, bình quân mỗi năm có 45 người bị bắt điều tra, tính ra so với lúc trước là gấp khoảng 20 lần.
Từ năm 1978 đến trước Đại hội 18, số quan chức cấp quốc gia bị bắt điều tra chỉ có 4 người. Tuy nhiên, chỉ từ Đại hội 18 đến nay chưa đầy 4 năm thì đã có 2 quan chức cấp phó và 1 quan chức cấp trưởng cấp quốc gia đã bị “ngã ngựa”, tính số lượng người thì tương đương với 35 năm trong quá khứ.
Báo mạng “Tài Tân” lúc trước cũng thống kê, sau Đại hội 18, Ủy ban Kỷ luật Trung ương (UBKL) đã thông báo xử lý theo kỷ luật đảng 108 quan chức cán bộ.
Tờ “South China Morning Post” ngày 8/7 cũng đăng bài viết cho biết, 4 năm sau Đại hội 18, có 13 ứng viên cho Ủy viên Trung ương ĐCSTQ đã “ngã ngựa”. Số lượng tương đương với 91 năm trước đó cộng lại: từ năm 1921 lúc ĐCSTQ thành lập cho đến năm 2012 là 91 năm, tổng lại chỉ có 9 người bị loại.
Từ sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm chính quyền đã quyết liệt “đả hổ”, cô lập và thanh tẩy các thành viên thuộc phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đang là các quan chức giữ chức vụ trưởng các cơ quan chính quyền hay giữ quyền lực quan trọng trong ĐCSTQ. Ông Tập Cận Bình bố trí lại nhân sự, đã cho điều tra và bắt hơn 100 người giữ chức từ Phó cục trở lên trong đảng, chính quyền và quân đội, đa số bị bắt đều là các nhân vật trọng yếu của phái Giang.
Sau Đại hội 18, trong số 204 Ủy viên Trung ương, đã có đến 9 người là Ủy viên Trung ương bị bắt điều tra: Tưởng Khiết Mẫn, Lí Đông Sinh, Dương Kim Sơn, Lệnh Kế Hoạch, Chu Bản Thuận, Dương Đống Lương, Tô Thụ Lâm, Vương Mân.
13 ứng viên cho Ủy viên Trung ương bị bắt bao gồm: Lí Xuân Thành, Vương Vĩnh Xuân, Vạn Khánh Lương, Trần Xuyên Bình, Phan Dật Dương, Chu Minh Quốc, Phạm Trường Bí, Vương Mẫn, Dương Vệ Trạch, Cừu Hòa, Dư Viễn Huy, Lữ Tích Văn, Lí Vân Phong.
Trong số đó, đại đa số đều là quan chức phái Giang, hoặc là có quan hệ chặt chẽ với các quan chức cấp cao của phái Giang.
Từ Tài Hậu, Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch v.v. từng bị chỉ trích là “bè lũ bốn tên mới”. Tháng 9 năm ngoái, có phân tích của quân đội Trung Quốc, bài “Tin tức quân sự toàn cầu” cho biết những người như Từ Tài Hậu, Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Bùng, Lệnh Kế Hoạch và Tô Vinh v.v. đều có liên quan chặt chẽ đến ông Giang Trạch Dân.
Ngoài ra, trang web của Cục kiểm sát thuộc UBKL ngày 11/8 cũng công bố, nửa đầu  năm nay đã có 41 cán bộ cấp cục của tỉnh bị xử lý kỷ luật, trong toàn quốc có 163.000 người bị xử lý, trong đó có 134.000 người bị xử lý kỷ luật đảng.
Tự Minh / Trithucvn


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

Chuyện về vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên



Theo wikipedia, năm 1976, Chu Văn Tấn được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Tuy nhiên, không lâu sau đó, quan hệ Việt - Trung trở nên căng thẳng và xấu đi nhanh chóng, cao điểm là việc Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Văn Hoan trốn sang Trung Quốc và cuộc chiến tranh Việt - Trung vào năm 1979. Do có quan hệ gần gũi với Hoàng Văn Hoan, ông bị nghi ngờ và bị cách chức, bị cô lập chính trị và quản thúc tại gia, xa gia đình cho đến ngày qua đời. Sau này ông được phục hồi danh dự cũng không công khai như khi bị cách chức. Ông mất năm 1984 tại Hà Nội. Khi mất, Ông được an táng tại Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. Hiện nay phần mộ của Ông đã được gia đình cải táng và đưa về nghĩa trang của gia đình tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Chuyện về vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
03/09/2019 Trần Kiến Quốc - Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Chính phủ lâm thời, gồm 15 thành viên: Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Ngoại giao - Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm thứ trưởng Quốc phòng - Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phạm Văn Đồng cùng các bộ trưởng: Trần Huy Liệu, Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Phạm Ngọc Thạch, Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Tố và 2 Ủy viên chính phủ Cù Huy Cận, Nguyễn Văn Xuân.

Thiếu tướng Chu Văn Tấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng 
Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc (2.1951) . Ảnh TL
Ngày 2/9/1945, Chính phủ ra mắt quốc dân. Ngày 3/9, họp phiên đầu tiên.
Bài viết sau đây xin giới thiệu về một trong những thành viên chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Bộ trưởng Quốc phòng Chu Văn Tấn.
Ông sinh năm 1910 trong một gia đình thổ hào người Nùng, thuộc tổng Lâu Thượng, châu Võ Nhai, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Cụ Chu Văn Hòa, thân phụ ông, từng tham gia nghĩa quân Hoàng Hoa Thám chống Pháp. Năm 1927, tốt nghiệp tiểu học ở Thái Nguyên, ông đi dạy học ở Bắc Hà. Thời gian (1931-1932), từng làm nhân viên địa chính và cai quản lính dõng cho chính quyền thực dân Pháp tại Võ Nhai.

Là người có học vấn và có tinh thần tự trị, ông thường xuyên đấu tranh với những quan chức thực dân để giảm áp bức và sưu thuế, vì vậy rất có uy tín với dân chúng trong vùng. Chính vì vậy, những người Cộng sản đã tìm cách bắt liên lạc và vận động ông tham gia cách mạng nhằm tranh thủ một thủ lĩnh địa phương để lôi kéo đồng bào các dân tộc trong vùng. Năm 1934 Chu Văn Tấn chính thức gia nhập hàng ngũ những người cộng sản. Dưới sự hướng dẫn của những người Cộng sản, ông bí mật xây dựng các đội tự vệ bán vũ trang Tràng Xá, Võ Nhai. Năm 1936, Chu Văn Tấn gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương với bí danh là Tân Hồng.

Khởi nghĩa Bắc Sơn

Năm 1940, Chu Văn Tấn tham gia Đội Du kích Bắc Sơn gồm 32 chiến sĩ, do Lương Văn Tri làm chỉ huy, còn ông là phó. Sau khi khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri bị phục kích hy sinh, ông chỉ huy tiểu đội thoát vây về được Pắc Bó. Thời gian sau, nhận chỉ thị của Trung ương, Chu Văn Tấn trở về Võ Nhai, xây dựng Trung đội Cứu quốc quân 2, với 47 chiến sĩ. Cùng với Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, Cứu quốc quân của Chu Văn Tấn nhanh chóng phát triển, đánh du kích ở Tràng Xá, phát triển về Đại Từ, cướp được nhiều vũ khí của quân Pháp. Đội quân du kích của ông nổi tiếng khắp vùng làm cho các đội quân của Pháp hễ nghe tới tên ông đều tỏ ra khiếp sợ, coi đó là mối hiểm họa cực kỳ to lớn đối quân đội Pháp.

Tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (5/1945), 2 tổ chức này hợp nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Tháng 8/1945, Chu Văn Tấn có tên trong danh sách Chính phủ lâm thời và là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên.

Chuyện ghi lại của một cán bộ cấp dưới

Thân tình với đại tá Kim Sơn - chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân, Ủy viên thường trực Ban Liên lạc Việt Nam Giải phóng quân – tôi được nghe ông kể: “Đầu tháng 8/1944, Đội du kích Tam Đảo, Quân Chu (sau này là trung đội Việt Nam giải phóng quân Phạm Hồng Thái) có vinh dự được đón “một đồng chí thượng cấp của đoàn thể” đến thăm. Đó là đồng chí Tân Hồng, cùng đi còn có 2 đồng chí Chu Phóng và Hà Châm. (Sau này tôi mới biết đồng chí Tân Hồng là Chu Văn Tấn). 

Là “thượng cấp” nhưng đồng chí có một tác phong vô cùng bình dị; cùng ăn những bữa cơm đạm bạc với măng chua, rau rừng; cùng ngủ với chúng tôi trên sàn nứa không có manh chiếu trong cái lán trống tuềnh toàng giữa rừng sâu. Có đêm đồng chí ngồi nói chuyện với chúng tôi tới khuya bên ngọn lửa bập bùng. Cứ nhẩn nha nói những chuyện thật giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc: Tại sao dân ta lam lũ thế này mà vẫn đói, vẫn rách? Rồi giải thích vì giặc Nhật, thực dân Pháp áp bức, nên chúng ta phải đánh đổ chúng… Rồi phải làm sao cho nhiều người dân hiểu điều này. Do vậy, đội du kích phải mở rộng vùng hoạt động ra các làng xã lân cận: lên phía bắc, xuống phía nam, làm thông “con đường Nam tiến”, bắt liên lạc với các đồng chí trong trại giam Bá Vân, với cơ sở của đoàn thể ở Phổ Yên, ở Hiệp Hoà và bên Vĩnh Yên, Phúc Yên…

Lần thứ hai, chúng tôi lại được gặp đồng chí vào ngày 21/4/1945, khi đồng chí cùng đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đi dự Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ ở Hiệp Hoà, Bắc Giang trở về Thái Nguyên. Cùng đi với còn có đồng chí Lý (Hoàng Hữu Kháng) – một trong 12 đồng chí vượt ngục chợ Chu, sau này là người bảo vệ của Bác Hồ. Các đồng chí lại giao cho chúng tôi nhiệm vụ phải đánh Nhật để mở rộng khu vực giải phóng, giữ vững đường liên lạc với Trung ương ở dưới xuôi, đưa đón các đoàn cán bộ của đoàn thể và Mặt trận ở dưới xuôi lên căn cứ địa Việt Bắc và trở về. Đồng chí Văn còn căn dặn về chủ trương của đoàn thể đối với người Pháp là thành lập Mặt trận nhân dân Đông Dương chống phát xít Nhật…

Lần thứ ba, tôi được gặp đồng chí Chu Văn Tấn ở Định Biên Thượng trong buổi lễ đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất Cứu quốc quân với Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân diễn ra ngày 15/5/1945, theo nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Khi này đồng chí Võ Nguyên Giáp là tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân, còn đồng chí Chu Văn Tấn là chính trị viên.

Tại hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào tháng 8/1945 dưới sự chủ trì của Bác Hồ đã “thống nhất lực lượng vũ trang toàn quốc” thành Việt Nam Giải phóng quân vẫn do 2 đồng chí phụ trách.

Tháng 6/1945, thành lập Khu giải phóng gồm các tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái và các địa phương phụ cận. Ban chỉ huy Khu giải phóng gồm các đồng chí: Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Đức Thanh (Đàm Minh Viễn - anh trai đồng chí Đàm Quang Trung) và đồng chí Phạm Văn Đồng. Sau này tôi mới biết đồng chí Chu Văn Tấn đã là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1936, đã sinh hoạt trong các chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Thái Nguyên; được Trung ương Đảng chỉ định tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ từ năm 1941.

Vị tướng có biệt danh “Hùm xám Bắc Sơn”

Có một điều ít ai biết rằng, người Pháp luôn đặt câu hỏi về vị tướng mang biệt danh “Hùm xám Bắc Sơn” đã từng khiến họ mất ăn mất ngủ. Thời gian 1967-1968, ông Gérald Guillaume - đạo diễn người Pháp, sang Việt Nam làm bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh - chân dung một lãnh tụ. Viết xong kịch bản và quay xong những thước phim nhựa tư liệu về Hồ Chí Minh, ông Gérald đề đạt nguyện vọng dựng thêm bộ phim về một nhân vật lãnh đạo khác nhưng phải “rất Việt Nam”. Nghe xong, Hồ Chủ tịch vui vẻ: “Đồng chí Vũ Kỳ sẽ lo thủ tục đưa đoàn lên Việt Bắc, làm phim về “Hùm xám Bắc Sơn”!”.

Biệt danh "Hùm xám Bắc Sơn" chính là do binh sĩ Pháp đặt cho Chu Văn Tấn từ thời kỳ chỉ huy Cứu quốc quân hoạt động ở Đại Từ. Đạo diễn Gérald lên Thái Nguyên, vào Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Đoàn làm phim được thượng tướng Chu Văn Tấn tiếp đón thịnh tình. Sau đó đích thân ông đưa đoàn về phỏng vấn và thực hiện quay tại Phú Thượng, rồi dẫn đi lấy tư liệu ở các địa danh lịch sử mà Đội Du kích Bắc Sơn, Trung đội Cứu quốc quân từng chiến đấu. Trở về Hà Nội, đạo diễn Gérald Guillaume tâm sự: “Ông Chu Văn Tấn là một con người vĩ đại theo đúng nghĩa của từ này!”.

Trở thành Bộ trưởng Quốc phòng

Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc gồm các ông Trường Chinh,Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào ngày 14 và 15/8/1945 đã quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc. Hội nghị đã bầu bổ sung Chu Văn Tấn vào BCH Trung ương. Một ngày sau đó, 16/8, Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào đã bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh đứng đầu và Chu Văn Tấn được bầu là Ủy viên… 

Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa - cướp chính quyền, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên ra mắt quốc dân đồng bào. Chu Văn Tấn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Ông giữ chức vụ này cho đến ngày 2 tháng 3 năm 1946. Năm 1948, Chu Văn Tấn là một trong 9 vị thiếu tướng đầu tiên được Hồ Chủ tịch ký quyết định phong hàm. Năm 1959, Chu Văn Tấn cùng Văn Tiến Dũng là 2 thượng tướng đầu tiên, được phong vượt cấp từ thiếu tướng lên. 

Thượng tướng Chu Văn Tấn từng là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ (1941-1945); Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa I, II và III (1945-1976). Ông từng đảm đương các chức vụ: Khu trưởng Khu 4, Tư lệnh kiêm Bí thư Liên khu 1, Tư lệnh kiêm Bí thư Khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc, đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V (1960-1976), trong đó từ khóa III đến khóa V làm Phó chủ tịch Quốc hội....

Ông mất ngày 22/5/1984 tại Hà Nội.

Tình bạn của 2 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Được dự hội ngộ của ông Trần Kháng Chiến và ông Chu Thành, con trai của 2 vị tướng Trần Tử Bình và Chu Văn Tấn, mới hay, cuối năm 1940 Trần Tử Bình từng nhận chỉ thị của Trung ương “tổ chức đánh chiếm thị xã Phủ Lý (tỉnh lị Hà Nam), ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn” nhưng sau đó có lệnh dừng. Tuy chưa gặp mặt nhưng Trần Tử Bình đã rất quý trọng Chu Văn Tấn. Sau ngày 9/3/1945, lợi dụng Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, Trần Tử Bình đã tham gia tổ chức cho hơn 100 tù chính trị vượt ngục Hỏa Lò thành công, sau đó về chiến khu Hòa Ninh Thanh. Tới Hội nghị quân sự Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) từ 15 tới 20/3/1945, ông Trần Tử Bình mới gặp ông Chu Văn Tấn. Sau đó Chu Văn Tấn lên Thái Nguyên xây dựng An toàn khu còn Trần Tử Bình về chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Sau ngày 19/12/1946, 2 ông cùng công tác ở Bộ Tổng tư lệnh trên Việt Bắc. Sau chiến thắng Việt Bắc Thu đông 1947, 2 ông lại cùng được cụ Hồ phong quân hàm thiếu tướng, rồi năm 1950 cùng tham gia xét xử Vụ án tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu. Tình bạn càng trở nên thân thiết.

Hòa bình lập lại, năm 1959, Chu Văn Tấn được phong hàm thượng tướng, còn Trần Tử Bình nhận nhiệm vụ đi làm đại sứ ở Trung Quốc. Tuy xa cách nhưng 2 ông vẫn giữ liên lạc.

Vừa nhận nhiệm vụ xây dựng Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1), Chu Văn Tấn còn nhận nhiệm vụ động viên, tổ chức đồng bào các dân tộc miền núi xây dựng con đường mang tên Đường Hạnh Phúc, dài 20 km, vượt dốc đá tai mèo, nối liền thị xã Hà Giang với Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc thuộc 8 tỉnh miền Bắc đã lao động quần quật trong 6 năm ròng (1959-1965), với trên 2 triệu lượt ngày công để hoàn thành con đường này. Riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi, đánh lấn từng centimet để thông đường trong 11 tháng. Và 14 thanh niên xung phong đã bỏ mình tại đây.

Là đại sứ ở Bắc Kinh, có quan hệ với các đồng chí trong Đảng cộng sản Nhật, ông Trần Tử Bình đã nhờ bạn mua cho chiếc đài Sony dùng 3 pin đại, để nghe tin tức từ trong nước. Một lần về nước, biết bạn mình thường xuyên phải đi công tác xa nhà, xa cơ quan, không có điện, không có phương tiện nghe tin tức; vậy là ông Bình đưa chiếc đài quý của mình cho bạn. Chỉ là chiếc radio 3 băng (sóng trung, sóng ngắn và FM) nhưng ngày đó rất giá trị. Vậy mà họ sẵn sàng chia sẻ, nhường nhịn nhau không hề toan tính.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2019

http://baovannghe.com.vn/chuyen-ve-vi-bo-truong-quoc-phong-dau-tien-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-19590.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đã tới lúc Việt Nam rất cần Trí thức vì nước, không vì hư danh


Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, 2 tháng 9 2019
Xã hội Việt Nam đang có vấn đề thừa học hàm học vị nhưng thiếu trí thức. Nhà văn Nam Cao bằng truyện ngắn „Đôi mắt" nổi tiếng đã phê phán tầng lớp trí thức „trùm chăn" thờ ơ với thời cuộc, không đi theo kháng chiến. Giáo sư toán học Hoàng Tuỵ, khi trở thành một Trí thức nhận xét: "Chạy theo danh hão, chạy theo quyền lực, chạy theo chức tước, là căn bệnh thời đại của trí thức Việt Nam." Có lẽ không chỉ đối với Nam Cao, Giáo sư Hoàng Tuỵ, mà còn với đa số người Việt nam, trí thức chỉ giản dị là những người có một trình độ học vấn nhất định và vì thế có trí thức tích cực, thì cũng có trí thức "trùm chăn", có trí thức chạy theo danh hão, theo quyền lực.

Đây là một sự ngộ nhận đã góp phần quan trọng gây không ít trở ngại cho sự hình thành tầng lớp Trí thức tại Việt Nam. Trí thức không chỉ là một danh từ, mà còn là - và trên hết là - một danh hiệu đáng tự hào.

Chỉ những ai, bên cạnh các điều khác, không hề biết đến "trùm chăn", không chạy theo danh hão, theo quyền lực,... mới có thể trở thành Trí thức. Không phải cứ tốt nghiệp đại học, được công nhận là nhà văn, nghệ sĩ thì đã là trí thức. Người ta chỉ có thể trở thành một Trí thức bằng những hoạt động dấn thân.

Đòi công lý cho người bị oan

Năm 1895 Toà án nước Pháp tuyên án sĩ quan pháp binh Alfred Dreyfus tội phản quốc và phạt ông tù chung thân, dù không có chứng cứ, không chỉ ra được động cơ làm gián điệp của ông. Mặc dù vậy, đa số công chúng Pháp vẫn coi Dreyfus có tội. Sau đó người ta tìm ra tên gián điệp thực sự là Thiếu tá Esterhazy, nhưng lại được Toà án tuyên vô tội.

Khi đó, Emile Zola - nhà văn, nhà báo và hoạ sĩ - đã viết thư ngỏ với tiêu đề "Tôi buộc tội" (J'accuse), lên án mạnh mẽ quân đội và chính phủ về mặt đạo đức, phê phán sắc bén những sai phạm về thủ tục tố tụng và đòi hỏi công lý cho Dreyfus.

Vụ Dreyfus với sĩ quan gốc Do Thái Alfred Dreyfus (1859-1935) ra trước tòa ở Rennes, đã làm bùng lên phong trào phản đối của trí thức Pháp bảo vệ ông.

Thư ngỏ của Emile Zola có tiếng vang lớn và thu hút hơn 2000 nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ, người làm nghề tự do, ký tên vào danh sách những người yêu cầu trả tự do cho Dreyfus. Clemenceau cho công bố danh sách này trên tờ "Le Journal" ngày 23/01/1898 và lần đầu tiên ông đặt tên cho danh sách ấy là " Sự Phản đối của các Trí thức".

Sự phản đối của các Trí thức đã thúc đẩy một cuộc thảo luận toàn dân về những giá trị trừu tượng như Sự thật và Công lý, mà sau cùng đã dẫn đến ân xá và trả tự do cho Dreyfus.

Từ đó đến nay, ở rất nhiều quốc gia, khi đề cập đến vai trò của cá nhân trong sự tồn vong của dân tộc, đối với sự phát triển quốc gia, Trí thức đã trở thành một danh hiệu để chỉ những người có khả năng và sự dấn thân như những người trong danh sách "Sự phản đối của các Trí thức".

Họ là những người có khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, biết dấn thân cho điều mình tin là đúng vì lợi ích cộng đồng và sự phát triển đất nước. Trí thức chính là nguồn hình thành tầng lớp ưu tú của xã hội, gồm những người được xã hội kính trọng, có ảnh hưởng rộng lớn và quan trọng mang tính định hướng cho sự hình thành các giá trị cốt lõi của xã hội, đến sự phát triển đất nước.

Nhưng cũng có nơi Trí thức được xem như tiếng chửi rủa, miệt thị. Trong chế độ quốc xã của Adolf Hitler, Trí thức được dùng để chỉ những ai chống lại Chủ nghĩa và Đảng Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa, phải bị cô lập và loại bỏ ra khỏi xã hội.

Thông thường, để có khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, người ta phải được đào tạo để có một trình độ học vấn nhất định. Nhưng không hiếm người có được khả năng đó qua kinh nghiệm sống, qua tự học, Ngược lại, nhiều người được đào tạo có bằng cấp, mà không có khả năng phân biệt ấy.

Nền giáo dục Việt Nam hiện đại, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà đặc biệt là do mục tiêu và triết lý giáo dục không đúng, khó có thể trang bị cho học sinh, sinh viên khả năng suy nghĩ độc lập, biết tự chủ phân biệt đúng sai, tốt xấu, mà không phụ thuộc vào ý thức hệ tư tưởng, vào các giá trị đạo đức, cũng như quan điểm chính trị chính thống.

Trí thức ra đời cùng thay đổi công nghệ và thời cuộc

Vì vậy, hầu như không có tiền đề cho sự hình thành Trí thức. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ thông tin qua mạng Internet, cơ hội tự học, tự hoàn thiện bản thân ngày càng nhiều, cũng góp phần hình thành những cá nhân có khả năng phân biệt của một Trí thức.

Trí thức phân tích, đặt câu hỏi, bình luận và phê phán các sự kiện, hoạt động của xã hội trong các buổi bàn luận, tranh luận công khai để người dân biết và có thể đánh giá. Không có các buổi này, cũng không thể hình thành Trí thức.

Một đặc trưng quan trọng của Trí thức, là họ tranh luận, nói về các sự kiện, các hoạt động về cơ bản là không đụng chạm đến quyền lợi cá nhân mình. Quan điểm, cách nhìn và thái độ của Trí thức độc lập với chính quyền. Chúng có thể phù hợp, hoặc ngược lại với chính quyền.

Giới trẻ VN ngày nay đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với kiến thức của nhân loại

Nếu phù hợp, đó sẽ là một động lực quan trọng cho sự phát triển đất nước một cách sáng tạo. Nếu không, và khi bị chính quyền theo dõi, trấp áp, Trí thức sẽ trở thành những nhà đối lập.

Nói một cách khác, Trí thức vừa là người tạo ra các giá trị tư tưởng, vừa là người phê phán chúng; vừa là người ủng hộ chính quyền, vừa là người đối lập.

Nhưng, tự bản chất của mình, Trí thức thực thụ không bao giờ là mối nguy hiểm cho xã hội, không bao giờ là người phản bội tổ quốc.

Những Trí thức có thể hình thành một mối quan hệ đặc biệt và không chính thức với nhau để hình thành một nhóm, một cộng đồng Trí thức.

Nhưng đó là phải là một cộng đồng hình thành trên cơ sở tuyệt đối tự do, tự nguyện và không ràng buộc.

Các tổ chức, Hiệp hội đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng cầm quyền, của chính quyền, hoặc có lãnh đạo là các cán bộ đảng, chính quyền về hưu, không thể là cộng đồng có thể hình thành Trí thức, hay bảo đảm được sự hoạt động của Trí thức.

Sự dấn thân của Trí thức thể hiện trước hết ở lòng dũng cảm và bằng mọi cách nói lên những vấn đề xã hội quan tâmTS Nguyễn Vân Nam

Sự dấn thân của Trí thức thể hiện trước hết ở lòng dũng cảm và bằng mọi cách nói lên những vấn đề xã hội quan tâm hoặc cần phải quan tâm, dù có thể nghịch tai nhà cầm quyền.

Khi truyền thông chính thức không có chỗ cho những buổi tranh luận công khai, khi phải trình bày ý kiến của mình trong khuôn khổ một tổ chức chính thống, theo một gợi ý bắt buộc về nội dung, người Trí thức chắc chắn sẽ tìm đến những khả năng khác.

Ngày nay, sự kết nối dễ dàng - và không thể ngăn chặn - với các trang mạng xã hội, các tổ chức truyền thông quốc tế, đã tạo ra những diễn đàn thuận lợi cho hoạt động của Trí thức ở bất kỳ quốc gia nào.

Chúng ta gọi các sinh viên mới tốt nghiệp, nhà văn, nghệ sĩ trẻ,...là trí thức, trong khi họ chưa thể là Trí thức; gọi các nhà khoa học trưởng thành, văn nghệ sĩ "cây đa, cây đề" là trí thức, trong khi thiếu hẳn các điều kiện xã hội, các buổi tranh luận tự do, công khai, để họ có thể trở thành Trí thức.

Nhưng lại trông đợi, hy vọng và đòi hỏi họ phải có đầy đủ những giá trị và tác động tích cực của một Trí thức đúng nghĩa. Đó là một nghịch lý không thể chấp nhận, không thể tiếp tục dung dưỡng.

Muốn xây dựng được một xã hội văn minh dân sự, một đất nước phát triển mạnh mẽ bằng sức sáng tạo, chúng ta sẽ phải cần Trí thức. Nhưng, người ta không thể đào tạo Trí thức, mà chỉ có thể tạo điều kiện để hình thành Trí thức.

Ở Việt Nam, ngoài việc phải cải tổ một cách căn bản hệ thống giáo dục và quan niệm đúng đắn về Trí thức, có lẽ chỉ cần loại bỏ những rào cản, trở ngại, hiện đang không khuyến khích sự xuất hiện Trí thức, đồng thời cần minh định rõ: Trí thức không phải là nguyên nhân gây bất ổn xã hội, là mối nguy hiểm cho chế độ.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Nguyễn Vân Nam, giáo sư đại học Humboldt, CHLB Đức. Hiện ông đang sống và làm việc ở TPHCM.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

CÒN BAO NHIÊU NGUYỄN BẮC SON?


Nguyen Ngoc Chu

Bắt Nguyễn Bắc Son là thành tựu của TBT Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc chống tham nhũng. Nhưng câu hỏi “ Còn bao nhiêu Nguyễn Bắc Son?” sẽ cho thấy con đường chống tham nhũng không có hồi kết. Mà câu trả lời buộc mỗi người có hiểu biết phải nghĩ sang giải pháp khác.
CHÁY NHÀ MỚI RA MẶT CHUỘT
Việc ông Nguyễn Bắc Son khai đưa tiền cho con gái, mà con gái chối bỏ, là sự đớn hèn của bậc làm cha, là nỗi hổ thẹn của đạo làm con, là nỗi đau của toàn xã hội.
Khai đưa tiền cho con gái - dù là quỷ kế thoát tội cứu tiền, thì ông Son cũng không thoát được 5 tội lớn ở đời:
1. Tội của mình lại đẩy sang cho người khác.
2. Khai đưa tiền cho con, đúng sai chưa biết, là lôi con vào vòng nguy hiểm.
3. Khai đưa tiền cho con, nếu không đúng mà con cứ nhận để giữ đạo hiếu là bắt con phải chịu tội oan.
4. Khai đưa tiền cho con, buộc con phải trả lời, dù đúng sai con đều chối bỏ, là đẩy con vào tội bất hiếu.
5. Không dám che chở con là trái đạo lý tự nhiên của trời đất.
Từ khi nào bố không gánh tội mà phải đổ tội cho con? Từ khi nào con không dám chịu tội thay cho bố? Đạo Cha Con mà còn không giữ được thì cầu mong chi tính kẻ sĩ liều thân của người dưng? Cay đắng thay điều đó lại xảy ra ở tầng lớp “thượng thư” của xã hội – thua xa những người dân chân đất đầu trần.
THẤY GÌ TỪ TRƯỜNG HỢP ÔNG NGUYỄN BẮC SON?
Trường hợp ông Nguyễn Bắc Son cho ta thấy rất nhiều điều, mà dưới đây chỉ là một phần trong số đó.
1. Lôi con vào vòng tội lỗi như ông Nguyễn Bắc Son là hủy hoại Đạo Cha Con.
2. Không dám gánh tội mình là thất bại của nhân cách khí khái.
3. Hàng ngũ bộ trưởng đáng ra phải là hàng ngũ tinh hoa hoa của xã hội, nhưng ăn hối lộ như ông Nguyễn Bắc Son thì là thuộc vào hàng sâu bọ ở đáy xã hội.
4. Ăn hối lộ chỉ 3 triệu USD mà để mất 300 triệu USD là sự ngu dốt. Nó phản ánh trình độ của tập hợp mà ông Son là thành viên.
5. Ở cương vị bộ trưởng mà ông Son ăn hối lộ trắng trợn và nhiều như vậy thì thấy được tình trạng tham nhũng trong xã hội thảm họa đến mức độ nào.
6. Ông Son là kẻ trộm cướp mà lại rao giảng đạo đức dạy đời, thì biết sự giả dối trong xã hội kinh khủng ra sao.
7. Ông Son là trợ lý tin cậy của người lãnh đạo cao nhất nước, thì ai dám tin vào lãnh đạo cấp cao?
8. Ông Son là tội phạm nặng mà lại được khen thưởng huân huy chương cao, thì ai tin vào giá trị huân huy chương?
Có thể còn kéo dài danh sách này. Nhưng càng kéo dài càng tê tái.
ĐIỀU RÚT RA
“ Còn bao nhiêu Nguyễn Bắc Son?”là câu hỏi mà đáp số là một số quá lớn, khó đếm. Câu hỏi hợp lý ngược lại là “ Có ai không phải là Nguyễn Bắc Son?”
“ Còn bao nhiêu Nguyễn Bắc Son?” là một câu hỏi đau đầu những ai muốn làm trong sạch hàng ngũ Đảng và thành viên Chính phủ. Bởi vì đó là con đường không có điểm cuối. Người bình thường cũng thấu hiểu, rằng cách tốt nhất chỉ có thể là xây mới, chứ không phải là gia cố.

Phần nhận xét hiển thị trên trang