Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Đạo quân Trung Quốc thầm lặng (kỳ 3)


Juan Pablo Cardenal và Heriberto Araújo

Nguyễn Đình Huỳnh dịch

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2015, 2917

2
Con đường tơ lụa mới

"An Nam tiếp giáp Chiêm Thành và trăm giống man di, biên giới với những nước này cần được giữ vững, không để bị lấn chiếm hoặc xâm phạm. Ngoài ra, dân thường cũng như binh lính không được phép qua biên giới, hoặc tự ý đi biển và buôn bán với các nước man di."

Hoàng đế Chu Lệ (1403-1424), chỉ dụ năm 1407 nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp xúc với các nước khác


Sau mười bốn giờ cực hình nằm trên chiếc giường bẩn thỉu, cuối cùng chiếc xe buýt đường dài từ Urumqi cũng đã đưa chúng tôi đi hết con đường chính qua vùng bán hoang mạc đến Horgos. Khi chúng tôi bước ra khỏi xe, không khí ngập tràn mùi não cừu đang luộc trong chiếc nồi gần đấy - chẳng ai biết được nó đã ở đó bao lâu rồi. Phụ nữ và trẻ em bu quanh du khách với các rổ trái cây, bánh kẹo, chân gà dầm và các đặc sản địa phương khác chỉ thích hợp cho người tạp ăn. Giữa những khuôn mặt rậm râu đội mũ doppa truyền thống, những chiếc mũ sặc sỡ của người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, dễ dàng nhận ra chúng tôi trong tỉnh Tân Cương xa xôi và bất ổn này. Tân Cương có nghĩa là "biên giới mới" trong tiếng quan thoại. Có nguồn gốc Hồi giáo lâu đời, khu vực rộng lớn này được bao quanh bởi những dãy núi hùng vĩ và sa mạc, trải dài trên một phần sáu lãnh thổ Trung Quốc. Tỉnh này chiếm 25 phần trăm trữ lượng dầu khí, 40 phần trăm trữ lượng than và khoáng sản của Trung Quốc. Tân Cương chào đón chúng tôi với bầu trời xanh ngắt điển hình của vùng Trung Á và ngập tràn ánh sáng lộng lẫy, những thứ bây giờ hiếm được nhìn thấy ở một nước Trung Quốc công nghiệp hóa với bầu trời ảm đạm và những đám mây xám xịt.

Biển báo giao thông và áp phích bằng cả tiếng quan thoại và tiếng Duy Ngô Nhĩ, với bảng chữ cái có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập, làm nổi bật sự cùng tồn tại đầy kịch tính của hai nền văn hóa - Trung Quốc và Duy Ngô Nhĩ – đã xung đột liên tục kể từ khi triều đại bành trướng nhà Thanh chiếm quyền kiểm soát khu vực này trong thế kỷ 18.2 Chúng tôi thấy ở đây sự gặp gỡ của hai thế giới rất khác nhau: đó là nền văn hóa Duy Ngô Nhĩ với truyền thống sâu đậm và có cội rễ Hồi giáo từ thế kỷ thứ mười, và thế giới Trung Quốc, khao khát phát triển kinh tế và xem các giá trị của đảng cộng sản là tín điều duy nhất. Xung đột giữa hai thế giới dẫn đến ngờ vực lẫn nhau, thù địch, đàn áp và đổ máu. Ngày nay, hai nhóm sắc tộc sống rất riêng biệt: một tộc sống ở phía nam sa mạc Taklamakan đầy hiểm nguy và thực hiện nghi lễ Hồi giáo Sunni trong các giáo đường - một hoạt động bị Bắc Kinh nghi ngờ - trong khi tộc khác chủ yếu sống tại các trung tâm đô thị phía bắc khu vực, nơi họ dùng xe ủi và ban hành các luật lệ mới thúc đẩy tàn phá các khu lịch sử để lấy đất xây ngân hàng, trung tâm mua sắm và quán karaoke bên trong những tòa nhà kính ấn tượng. Khung cảnh ấy cho thấy cuộc đấu tranh giữa truyền thống và hiện đại đang diễn ra trong vùng đất lịch sử trên Con đường tơ lụa xưa, hiện đang được sử dụng như một bàn đạp để đẩy mạnh các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc ở Trung Á.

Như thế, Horgos được giao đóng một vai trò quyết định: hoạt động như một cửa ngõ đi vào Trung Á. Nằm gần biên giới Kazakhstan, hiện nay nó chỉ là một thị trấn vắng lặng, không thu hút du khách, có chừng 20.000 dân nằm ở nơi hẻo lánh. Tuy nhiên, tương lai đang được xây dựng với tốc độ chóng mặt. "Hãy trở lại trong mười hay mười lăm năm nữa, Horgos sẽ đầy khách sạn và nhà chọc trời," Wang Yanjiang, doanh nhân và là phó chủ tịch của hiệp hội doanh nghiệp địa phương cảnh báo. Vừa lái chiếc xe 2 cầu, Wang vừa tự hào giải thích thị trấn đã chính thức vào danh sách các đặc khu kinh tế (SEZ),3 đảm bảo một làn sóng xây dựng cơ sở hạ tầng mới và một khuôn khổ pháp lý hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Mục đích: biến thị trấn thành một trung tâm sản xuất và dịch vụ hậu cần hạng nhất. "Trong mười năm tới, dân số của Horgos sẽ tăng gấp mười, lên 200.000 dân. Số lượng doanh nghiệp cũng thế, sẽ đạt đến 10.000," Wang đoan chắc với chúng tôi.

Nhìn vào vai trò quan trọng của các đặc khu kinh tế trong sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc ba mươi năm qua, không nghi ngờ gì về hiệu quả của các đặc khu và năng lực của Trung Quốc trong việc tiến hành các dự án quy mô to lớn như vậy. Bán đất ở Horgos với giá cả phải chăng, hoặc thậm chí cho không, tạo thuận lợi tín dụng và miễn thuế thu nhập, Bắc Kinh hi vọng sẽ lặp lại thành công dễ dàng từng thấy ở Thâm Quyến.4 Là một làng chài nhỏ gần Hồng Kông, Thâm Quyến đã được chọn là một trong những đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc. Chỉ ba mươi năm sau giờ đây nó đã là một thành phố rực rỡ với mười lăm triệu dân, đầy nhà chọc trời và những con đường thoáng rộng, dài vô tận. Nhờ các khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng mới, ngày nay Thâm Quyến là thành phố giàu thứ hai ở Trung Quốc, khai sinh tầng lớp thị dân trung lưu mới phủ kín thành phố với trung tâm mua sắm, sân golf, xe hơi sang trọng và khu dân cư thông minh. Trong quá khứ Trung Quốc đã ưu tiên khu vực phía đông và đông nam, giờ đây Bắc Kinh sử dụng chính mô hình đó để phát triển miền "Đại Tây" nghèo khó.

Khi xe chạy về phía biên giới, Wang chỉ ba trung tâm mua sắm lớn dọc theo con đường, nơi hàng trăm cửa hàng nhỏ trưng bày mọi thứ từ máy giặt, thiết bị điện đến đồ lặt vặt, búp bê lật đật matryoshka và đồ chơi bông vải. Khi đến biên giới chúng tôi có thể tự mình nhìn thấy Horgos đang chuẩn bị trở thành Thâm Quyến kế tiếp như thế nào. Xe buýt chở các nhà đầu tư Trung Quốc tiềm năng đến từ các tỉnh khác đi qua khu vực rộng 5,2 km vuông do Trung Quốc và Kazakhstan cấp để xây Khu thương mại tự do trong tương lai. Không bị trói buộc của bộ máy quan liêu và thuế suất hiện hành, khu thương mại này sẽ mở đường cho sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu sang các thị trường Trung Á và thậm chí xa hơn vào lãnh thổ châu Âu. Kế hoạch của Bắc Kinh đối với phát triển kinh tế của "tỉnh phản loạn" đã hồi sinh Con đường tơ lụa lịch sử, và giờ đây nó đang cho thấy sức sống đầy ấn tượng như đã từng có nhiều thế kỷ trước.5

Một nguồn cung lao động dồi dào giá rẻ cũng giúp Trung Quốc có lợi thế mạnh mẽ khi triển khai cuộc chinh phục thị trường Trung Á. "Sản xuất ở Kazakhstan tốn chi phí gấp năm lần so với ở Trung Quốc do thuế và tiền lương. Một công nhân Trung Quốc ở Horgos có lương khoảng 18.000 nhân dân tệ (2.000 euro) một năm, trong khi một công nhân Kazakhstan đòi hỏi lương 1200 euro một tháng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp Kazakhstan mất sản xuất và thị phần," Wang giải thích. Chỉ bước qua biên giới tại Horgos là đủ để chúng tôi thấy được sức mạnh của hàng Trung Quốc trong khu vực. Một đạo quân xe tải chất đầy trà, đầu DVD, đồ sành sứ, thiết bị điện và xe đạp Trung Quốc xếp hàng chờ hải quan Kazakhstan kiểm tra. Cánh lái xe tải, hầu hết là người Trung Á to khỏe, rời khỏi xe và giết thời gian bằng bài bạc, rượu và thuốc lá, để lộ răng vàng lấp lánh đặc trưng của người dân Liên Xô cũ khi cười. Các viên chức hải quan ngạo mạn đo, cân và liệt kê các sản phẩm, tự tin vào quyền lực bộ đồng phục xám của mình. "20.000 đô-la là cái giá để đưa một xe tải qua biên giới," Wang nói với chúng tôi, ám chỉ thuế nhập khẩu cắt cổ đánh vào sản phẩm Trung Quốc trong nỗ lực vô ích chống lại cuộc xâm lược không thể ngăn cản trước sự khác biệt to lớn như vậy về chi phí sản xuất: khi đã vào trong lãnh thổ Kazakhstan, chúng tôi đếm được gần 300 xe tải trống không đang xếp dài hàng cây số bên đường, chờ quay lại Trung Quốc lấy thêm hàng. Ở đây, cũng như ở nhiều nơi khác, thuế khóa bất lực chống lại sức thu hút của sản phẩm Trung Quốc.6

Cửa khẩu cho người đi bộ cũng không theo bất kỳ lối nghĩ thông thường nào. Một đám đa sắc tộc khoảng 200 tên trộm đạo, lính tráng và đàn ông vác những túi và thùng hàng cồng kềnh nhồi nhét trong một khoảnh đất chỉ vài mét vuông trước cửa một lối đi hẹp chắn bằng rào sắt. Ở cuối lối đi, một người lính Trung Quốc chờ đợi để kiểm tra hộ chiếu sơ bộ. Đám đông ồn ào, nhễ nhại mồ hôi tàn nhẫn xô đẩy nhau văng khỏi lối đi. Pháp luật duy nhất ở đây là luật rừng; kẻ mạnh nhất lao tới trước không quan tâm mảy may đến tiếng kêu khóc tuyệt vọng của người bị họ giẫm đạp trên đường đi. Kẻ khỏe nhất và nôn nóng nhất là kẻ đầu tiên vượt qua đường biên ở nơi tàn khốc mà triết lý luôn là "tao trước, mày sau." Đám còn lại, chủ yếu gồm phụ nữ to béo và những ông già râu tóc bạc phơ, chờ đợi đến lượt: đây là chọn lọc tự nhiên ở dạng nguyên thủy nhất. Trong khi đó, người Trung Quốc tìm kiếm cơ hội trong cảnh hỗn loạn mua sắm điên cuồng của người Kazakhstan, khách hàng tiềm năng của họ. Họ bán cho người Kazakhstan bìa bọc hộ chiếu và các món đồ vô ích khác, hay cho thuê xe cút kít chở đống hàng mua sắm khổng lồ của những người này - máy truyền hình plasma, máy sấy, quần áo - qua biên giới với chỉ vài đô-la. Tất cả các mặt hàng này có thể bán ở Kazakhstan với giá gấp nhiều lần giá ban đầu.

Vượt qua 350 km từ biên giới Trung Quốc đến Almaty, thủ đô kinh tế của Kazakhstan, có nghĩa là lao đi trên con đường không có dải phân cách giữa các làn và đầy ổ gà: một thế giới khác xa đường cao tốc G-312 nhẵn bóng đã đưa chúng tôi từ Urumqi, thủ phủ của tỉnh Tân Cương, đến Horgos ở biên giới phía bên Trung Quốc. Những chiếc Audi và Mercedes cũ nhập từ Đức sau khi bị những chủ nhân châu Âu thải ra khó nhọc lăn qua các ổ gà trên đường gập ghềnh cho thấy người Kazakhstan ít quan tâm như thế nào đến việc phát triển giao thương đường bộ. Điều này hoàn toàn trái ngược những gì đang xảy ra ở phía bên kia biên giới. Lý do là rất ít mặt hàng Kazakhstan bán sang Trung Quốc - chủ yếu là dầu và khí - thường không được vận chuyển bằng đường này mà bằng đường ống ngầm. Tác động duy nhất của việc cải thiện giao thông đường bộ là thúc đẩy hàng Trung Quốc xâm nhập nhiều hơn vào thị trường Kazakhstan.7

Cảm giác vượt thời gian cũng như không gian này - nhảy một bước lùi về quá khứ - là một cảm giác quen thuộc bất cứ khi nào chúng tôi rời khỏi Trung Quốc bằng đường bộ. Sự tương phản này chủ yếu do cuộc cách mạng gần đây trong xây dựng hạ tầng mới.8 Những cây cầu khổng lồ bất chấp mọi nguyên lý, những đường cao tốc hoàn hảo cắt ngang qua những rặng núi, các tuyến đường sắt kết nối bốn phương của đất nước tạo nên cảnh quan mới của một nhà nước luôn hiểu được tầm quan trọng của việc đầu tư vào mạng lưới giao thông nhằm tăng cường khả năng cai trị.9 Trong quá khứ, quan lại triều đình đi đến những nơi cương vực xa nhất để đảm bảo quyền thống trị của họ. Ngày nay, việc tạo ra cơ sở hạ tầng mới phục vụ cùng một mục đích như trong thời phong kiến: cải thiện kết nối và thương mại giữa các trung tâm đô thị của Trung Quốc cách xa Bắc Kinh hàng ngàn cây số. Tuy nhiên, kết nối giao thông hiện đại cũng đóng vai trò từng bị triều đình phong kiến hạn chế hoặc thậm chí công khai phản đối - mở rộng thương mại của Trung Quốc ra bên ngoài biên giới.10

Như vậy, Trung Quốc đã phá vỡ nhiều thế kỷ cách ly và quay mặt với bất kỳ mối giao tiếp nào với thế giới bên ngoài - ngay cả trong vấn đề thương mại - do lo sợ những hậu quả tiềm ẩn của việc này có thể tác động lên tình hình trong nước. Một ví dụ về sự miễn cưỡng - thậm chí đối lập hoàn toàn - của Trung Quốc phong kiến đối phó với phần còn lại của thế giới được thấy từ trải nghiệm của phái đoàn thương mại đầu tiên của Anh do vua George III cử đến Trung Quốc vào tháng 9 năm 1792. Đoàn gồm các nhà ngoại giao, thương nhân, binh lính, nhà khoa học và họa sĩ do huân tước George Macartney dẫn đầu đến Ma Cao với hi vọng thuyết phục Hoàng đế Càn Long cho phép nước Anh tiếp cận các cảng Trung Quốc và khuyến nghị Bắc Kinh giảm thuế nhập khẩu đánh lên sản phẩm của Anh. Để gây ấn tượng với kẻ đang nắm giữ "Thiên mệnh," đoàn đã cẩn thận mang theo kính thiên văn, phong vũ biểu và đồng hồ trong cuộc hành trình bốn tháng trên suốt chiều dài của Trung Quốc, từ thành phố Quảng Châu ở phía nam - cảng duy nhất cho phép nước ngoài sử dụng - đến Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh ở phía Bắc. Sau cuộc gặp ngắn ngủi với Hoàng đế, Macartney quay về chỉ với một phản hồi thiển cận và đầy thất vọng của vị thiên tử: Chúng tôi không bao giờ coi trọng những đồ tinh xảo, chúng tôi cũng không có bất cứ nhu cầu nào về hàng hóa của quí vị. Vì vậy, về yêu cầu gửi người ở lại thủ đô [Trung Quốc] của quý vị, điều đó không phù hợp với luât lệ của Thiên Triều và chúng tôi cũng thấy rất rõ điều đó chẳng có lợi cho đất nước của quí vị.11

MỌI CON ĐƯỜNG ĐỀU ĐẾN TRUNG Á

Chính phủ Trung Quốc dự báo trong vòng năm năm tới một nguồn đầu tư hàng triệu đô-la sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng ở Tân Cương: tháng 5 năm 2010 Bắc Kinh đã phê duyệt ngân sách dự án khoảng từ 17 tỷ đến 22 tỷ đô-la - tương đương toàn bộ GDP của Bolivia trong năm 2009 - một con số sẽ làm cho tổng chiều dài đường sá trong tỉnh từ 15.000 km hiện nay tăng lên 80.000 km vào năm 2016.12 Ngoài ra còn có một kế hoạch đầy tham vọng đang được soạn thảo nhằm mở rộng mạng lưới đường sắt của nước này, kể cả đường sắt cao tốc.13 Nâng cao hiệu quả kết nối giao thông trong khu vực không chỉ tăng số lượng các tuyến đường phục vụ xuất khẩu sản phẩm Trung Quốc vào Trung Á. Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc, kết nối giao thông được cải thiện cũng sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển các "thị trấn trung tâm," các trung tâm cung ứng và sản xuất quan trọng như trung tâm đang nhanh chóng trở thành hiện thực ở Horgos.

Với quy mô phát triển đã được lập kế hoạch như vậy cho khu vực biên giới phía tây bắc của Trung Quốc, một câu hỏi không thể bỏ qua: mục tiêu đằng sau việc triển khai rộng lớn các nguồn lực này là gì? Từ góc độ trong nước, rõ ràng Bắc Kinh hiểu thấu ảnh hưởng tiềm tàng của phát triển kinh tế có thể tác động đến chiến lược của nhà nước, nhằm ổn định bằng mọi giá tình hình biến động tại Tân Cương. Điều này càng trở nên cấp bách hơn kể từ năm 2009, khi khu vực này trở thành địa điểm bùng phát bạo lực tồi tệ nhất của Trung Quốc kể từ cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989: bạo lực giữa các sắc tộc đã làm 197 người chết và hơn 1.700 người bị thương.

Đồng thời, cơ sở hạ tầng mới sẽ tạo ra cơ hội vô tận cho giao dịch thương mại cả trong lẫn ngoài vùng Trung Á. Xin Guangcheng, chuyên gia về Trung Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý của chúng tôi về cả hai yếu tố: "Chính phủ muốn tạo ra một Thượng Hải mới ở Tân Cương. Họ nhắm đến việc tận dụng lợi thế vị trí địa lý của tỉnh này, vì hơn 70 phần trăm thương mại giữa Trung Á và Trung Quốc đi qua đây. Thách thức lớn nhất chính phủ phải đối mặt để làm điều này là thu hút nguồn nhân lực và đầu tư," Xin Guangcheng giải thích trong một cuộc phỏng vấn kéo dài hai giờ tại Bắc Kinh, được một viên chức tỉ mỉ ghi chép để sau đó trình lên cho các ủy viên của đảng cộng sản xem xét.

Trong phát biểu Xin Guangcheng bóng gió về viễn cảnh một làn sóng khổng lồ người Trung Quốc tộc Hán di cư đến tỉnh Hồi giáo Tân Cương, bị thu hút bởi những cơ hội mới mang lại do đầu tư to lớn của chính phủ và điều kiện ưu đãi về thuế. Sự xuất hiện của hàng ngàn thương nhân, nhà đầu tư và lao động người Hán sẽ có một hậu quả không thể tránh khỏi và hiển nhiên: làm mờ nhạt địa vị thống trị của người Duy Ngô Nhĩ trong bức tranh sắc tộc toàn cảnh của vùng Tân Cương.14 Điều này chẳng có gì mới trong lịch sử của một đất nước mà chính quyền trung ương - dù phong kiến hay cộng hòa - đã thường xuyên sử dụng dịch chuyển dân cư như một công cụ hỗ trợ cho việc chinh phục lãnh thổ và sắc tộc của người Hán.15 Những người cộng sản đã sử dụng rộng rãi tiền lệ này từ lúc nắm quyền, từng bước một và êm thấm buộc các tỉnh Tân Cương và Tây Tạng ương ngạnh vào quá trình đồng hóa sắc tộc và văn hóa. Ngày nay, điều này vẫn đang tiếp diễn với các làn sóng người Trung Quốc tộc Hán từ các khu vực khác di cư đến Tân Cương và Tây Tạng.16 Do đó chẳng nghi ngờ gì kế hoạch phát triển kinh tế vạch ra cho khu vực có một mục đích kép đã được tính toán cẩn thận: làm suy yếu sự phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ bằng thúc đẩy đồng hóa sắc tộc, và sử dụng khu vực này như một bàn đạp để chinh phục các thị trường mới ở nước ngoài.

Kết quả mang lại của sự phát triển này là hết sức rõ ràng cho Tân Cương và người Duy Ngô Nhĩ, nhưng sự tràn ngập các sản phẩm Trung Quốc ở đây sẽ để lại dấu ấn gì đối với các nước láng giềng? Ở bên kia biên giới, kế hoạch bành trướng của Trung Quốc được nhìn với tâm trạng vừa lo lắng, vừa nghi ngờ, vừa cam chịu. Kazakhstan, quốc gia quan trọng nhất trong các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, đang phải chịu những hậu quả thực tế từ sự “xâm lược” của Trung Quốc. Khó để có được bất kỳ dữ liệu tin cậy nào về số lượng sản phẩm của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Kazakhstan,17 một số chuyên gia ước tính con số này khoảng 70 đến 80 phần trăm của toàn bộ thị trường.18 Hàng hóa có đủ, từ thứ cơ bản như thực phẩm đến máy móc, vật liệu xây dựng và các thiết bị điện tử. Sự cạnh tranh từ các sản phẩm của Trung Quốc không chỉ gây ra sự suy thoái của ngành công nghiệp Kazakhstan mà còn khiến nó phải chịu khuất phục. Khi giành được độc lập vào năm 1991, Kazakhstan tiếp quản một nền công nghiệp ảm đạm với công nghệ lạc hậu và các nhà máy không hiệu quả – thậm chí chẳng có nhà máy nào đúng nghĩa. Cùng lúc đó, Trung Quốc lại tràn ngập vốn đầu tư nước ngoài, nhờ đó hiện đại hóa hệ thống sản xuất và trở thành cường quốc công nghiệp như ngày nay. Và vì vậy, luật logic đã thắng: giữa hai nước, Trung Quốc thắng rất dễ dàng.

Trong chừng mực nào đó, giờ đây Kazakhstan đã ở trong tay người láng giềng Trung Quốc, quốc gia mà Kazakhstan trông cậy vào nguồn cung cấp. "Chúng tôi không có lựa chọn. Nếu chúng tôi loại bỏ các sản phẩm Trung Quốc, chúng tôi rốt cuộc phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt sản phẩm nghiêm trọng trên thị trường," Konstantin Syroezhkin, chuyên gia hàng đầu về quan hệ Trung Quốc - Kazakhstan ở Viện Nghiên cứu Chiến lược Kazakhstan tại Almaty, giải thích. Thậm chí một tình thế tiến thoái lưỡng nan cũng không có được, ông nói với chúng tôi. "Nếu chúng tôi hạn chế thương mại với Trung Quốc, chúng tôi rốt cuộc sẽ tự làm hại mình nghiêm trọng. Có 2,5 triệu doanh nghiệp nhỏ ở đất nước này, và hơn 50 phần trăm trong số đó có quan hệ mua bán với Trung Quốc," ông chỉ ra, làm rõ sự tồn tại một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Kazakhstan phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc vẫn đang mở rộng.19 "Đối với chúng tôi, tốt hơn nên là bạn tốt của Trung Quốc. Liệu chúng tôi có thể làm gì khác khi chúng tôi không có ngành sản xuất nào trong nước?," ông kết luận. Tuy còn nhiều năm nữa trước khi Horgos - Thâm Quyến thứ hai - trở thành một đầu cầu mới tiến vào Đông Âu, dường như Trung Quốc đã đi nước cờ chiếu bí đối thủ.

Chỉ cần dạo qua chợ chính của thủ đô Almaty cũng đủ để kể câu chuyện này. Thiếu vắng hoàn toàn sản phẩm trong nước, Kazakhstan giờ đây dường như trong tình trạng phụ thuộc tuyệt đối vào Trung Quốc, nguồn cung cấp cho nước này tất cả các loại sản phẩm có thể nghĩ ra được. Tên chính thức của chợ là baraholka (nghĩa là "chợ" trong tiếng Nga) nhưng có lẽ đúng hơn với thực tế nếu sử dụng từ Trung Quốc, shichang. Trong khi phần lớn thương nhân là người Kazakhstan, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc người Duy Ngô Nhĩ, thì phần lớn hàng hóa được sản xuất trong các nhà máy của Trung Quốc. "80 phần trăm sản phẩm ở đây đến từ Trung Quốc," Igor, người quản lý của một trong hơn hai mươi công ty cho thuê mặt bằng kinh doanh ở ngôi chợ khổng lồ này nói. Các dãy container sắp san sát trong chợ - có đến hàng ngàn cái - được phủ nhanh lớp sơn mới và chuyển thành quầy hàng. Để chúng tôi có thể hình dung về độ lớn của ngôi chợ, hoạt động như một đầu mối trong một chuỗi phân phối trải khắp Kazakhstan và phần còn lại của khu vực cũng như cung cấp địa điểm bán lẻ, Igor cho chúng tôi biết "mỗi ngày có chừng ba mươi xe tải chở container bốn mươi tấn đến"; và đó mới chỉ trong khu chợ của anh. Nói cách khác, tính sơ chúng tôi có thể ước chừng có hàng ngàn tấn hàng hóa luân chuyển qua chợ, hầu như tất cả đều từ Trung Quốc.

Đây là lý do tại sao một số tổ chức xã hội dân sự của Kazakhstan và các phương tiện truyền thông công khai nghi ngờ khả năng của chính phủ chuyên chế do tổng thống đầu tiên (và duy nhất đến nay) của Kazakhstan, Nursultan Nazarbayev, trong việc đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với quốc gia này. Họ cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc bán tài nguyên khoáng sản của Kazakhstan mà không xây dựng nền tảng một chính sách kinh tế bền vững cho các thế hệ tương lai. "Toàn bộ nền kinh tế của Kazakhstan dựa trên sản xuất dầu thô, bán dầu để lấy đô-la Mỹ và dùng số đô-la này để mua các sản phẩm Trung Quốc rẻ tiền. Ở đất nước này ngoài ngành công nghiệp khai khoáng không có ngành công nghiệp nào khác. Không ai hiểu rằng hai mươi năm nữa ở đất nước này sẽ không còn dầu và khi đó sẽ chẳng còn lại gì. Dầu là sự nguyền rủa của chúng tôi. Không có nó chúng tôi sẽ là một dân tộc hạnh phúc hơn," Serikzhan Mambetalin, khi đó là phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Kazakhstan và là tổng thư ký Đảng Xanh của nước này nói. Những chuyến hàng nhập khẩu không ngừng, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng của Kazakhstan và hàng triệu đô-la tín dụng Bắc Kinh cấp cho nước này là nỗi sợ thực sự trong một số bộ phận của xã hội Kazakhstan, những người tin rằng động thái tiếp theo của Trung Quốc sẽ là lãnh thổ.20

Thúc đẩy bởi sức mạnh thương mại và nhu cầu nguyên liệu khổng lồ của mình, Trung Quốc nóng lòng tiến vào Trung Á, một khu vực chiến lược đã có thời kỳ chịu ảnh hưởng của Nga.21 Trước tiên, Bắc Kinh bắt đầu di chuyển vào khu vực này sau sự sụp đổ của Liên Xô, một khi nhanh chóng nhận ra tiềm năng của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Trung Quốc đã có thể tận dụng khoảng trống do Nga để lại khi nước này bận rộn vượt qua sóng gió do tình hình nhạy cảm trong nước. Điều này giúp Trung Quốc âm thầm xâm nhập vào khu vực năng lượng của Kazakhstan có tiềm năng khiêm tốn nhưng giá trị: 1 phần trăm trữ lượng khí đốt của thế giới và 2 phần trăm trữ lượng dầu mỏ của Trung Quốc.22 Mười lăm năm sau, các học giả đồng ý rằng Bắc Kinh đã đóng một vai trò quyết định đối với sự ổn định trong khu vực, chủ yếu vì Trung Quốc xem Trung Á quan trọng đối với an ninh quốc gia. 3.300 km biên giới Trung Quốc chung với các nước trong khu vực này, cũng như việc ở cạnh các tổ ong Afghanistan và Pakistan, đã mang lại lý do thuyết phục cho niềm tin này.

"Không có sự hợp tác của các quốc gia Trung Á, tình hình ở Tân Cương sẽ khó kiểm soát hơn nhiều," Xin Guangcheng từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thừa nhận, dưới ánh mắt cảnh giác của viên thư ký đang giám sát cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Xin đề cập đến việc thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào năm 2001, tổ chức này được Bắc Kinh dựng lên để đẩy mạnh hợp tác quân sự và trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo trong vùng.23 Với ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực, Trung Quốc đã sử dụng SCO để áp đặt kiểm soát cả trong và ngoài lãnh thổ. Mục đích của Bắc Kinh là củng cố đường biên giới khó kiểm soát, có thể mang lại cơ hội tuyệt vời cho lực lượng ly khai Hồi giáo ở Tân Cương hoạt động quân sự. Như vậy, Trung Quốc đã xoay xở để dập tắt bất kỳ hỗ trợ nào dành cho phong trào ly khai Duy Ngô Nhĩ, những hỗ trợ ấy có thể được gom góp ở nước ngoài, từ các cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Kazakhstan và nước khác.24 Lấy cớ chống khủng bố, Bắc Kinh đã tạo ra một bối cảnh địa chính trị mới, điều này không chỉ gây hại cho quyền và tự do của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài,25 mà còn tạo ra mối đe dọa thực sự đối với sự sống còn của sắc tộc này.

KINH DOANH GIỮA QUAN LẠI VÀ CÁC GIÁO CHỦ

Chúng tôi đi từ Turkmenistan vào Iran chỉ trong nháy mắt, nhờ các nhân viên xuất nhập cảnh chẳng chút để ý, một hàng ngắn tài xế xe tải ồn ào và vài câu tán dóc về đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha. Khi chúng tôi vượt qua biên giới, đội tuyển Tây Ban Nha nhìn xuống chúng tôi từ một tấm áp phích màu mè dán trên bức tường cùng với chân dung của hai giáo chủ: Khomeini và Khamenei. Để đến Tehran từ thị trấn biên giới Bajgiran phải vượt trên một ngàn cây số đường hoang vắng băng qua sa mạc chập chùng, các thị trấn và làng mạc xa xôi có phụ nữ mặc áo choàng chador trùm kín người bước đi trong cái nóng thiêu đốt của mặt trời. Một trong những nơi này là thành phố Sabzevar hẻo lánh, được đồn đại là nơi ẩn náu của Osama bin Laden trong vài năm. Chúng tôi đang đi từ Trung Á, và khi càng lúc càng tiến sâu hơn vào cảnh quan đậm sắc vùng Trung Đông, chúng tôi tò mò muốn biết liệu Iran - quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ tư thế giới - có phải quỳ gối trước sức quyến rũ thương mại của Trung Quốc như Kazakhstan hay không.

Cộng hòa Hồi giáo được xem là một thị trường hấp dẫn, nhờ có 75 triệu dân với thu nhập trung bình hàng năm 6.360 đô-la vào năm 2011.26 Tuy nhiên, thị trường này cũng đầy khó khăn, do các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt lên Iran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979,27 Trong khi thương mại giữa Trung Quốc và Iran thực tế là con số không vào cuối thế kỷ 20, vậy mà giao dịch thương mại giữa hai quốc gia hiện nay đạt gần 50 tỷ đô-la, theo các quan chức Iran. Thành quả này bất chấp những khó khăn liên quan đến việc mở thư tín dụng ở Iran28 và những rủi ro vốn có trong một thị trường có môi trường hoạt động ít thuận lợi cho doanh nghiệp.29 Như chúng ta sẽ thấy ở Chương 4 trong trường hợp của ngành khai thác dầu, vai trò của Trung Quốc tại Iran là lấp đầy khoảng trống do các doanh nghiệp phương Tây để lại. Bị ràng buộc bởi pháp luật và bị thúc đẩy từ nỗi sợ làm tổn hại lợi ích của họ ở nước Mỹ hay từ việc né tránh rủi ro bình thường, các công ty phương Tây đã đình chỉ tất cả các hoạt động thương mại bị cấm với quốc gia Hồi giáo này.

Trung Quốc đang chơi một trò chơi nguy hiểm, cố gắng bảo vệ hình ảnh có trách nhiệm trên diễn đàn ngoại giao trong khi vẫn lợi dụng cơ hội kinh doanh từ giao dịch với chế độ Iran. Như thế, Trung Quốc bán mọi sản phẩm có thể tưởng tượng ra cho Iran, từ hàng tiêu dùng, thiết bị điện tử, dệt may và thực phẩm đến đủ loại máy móc, xi măng, nhựa, xe cộ và phụ tùng điện. Hoạt động thương mại này được thúc đẩy hầu như hoàn toàn bởi các thỏa thuận giữa hai chính phủ, vì mức tham gia của khu vực tư nhân đã giảm xuống chỉ còn 20 phần trăm tổng số.30 Một ví dụ nổi bật cho tính chất của mối quan hệ thương mại đang phát triển này, loại quan hệ dựa vào điều kiện chính trị hơn là kinh doanh, là hệ thống tàu điện ngầm Tehran, một bản sao chính xác đến từ Thượng Hải. Sân ga, tàu điện và tín hiệu tất cả đều giống hệt; khác biệt thực sự duy nhất là các toa "dành cho nữ" chen chúc phụ nữ mặc đồ đen từ đầu đến chân. Một ví dụ khác có thể hơi ít lộ liễu nhưng có lẽ quan trọng hơn được nhìn thấy là mối quan hệ chặt chẽ giữa các công ty nhà nước Trung Quốc và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, tổ chức thống trị phần lớn nền kinh tế Iran.

Chuyến đi của chúng tôi đến Tehran rơi vào giữa tháng 6 năm 2010, đúng một năm sau thời điểm xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực chống chế độ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad trong năm 2009. Chúng tôi cũng đến giữa không khí quan hệ căng thẳng giữa Tehran và Bắc Kinh: một số phương tiện truyền thông và các nhân vật thân cận nhà cầm quyền Iran đang phẫn nộ và đầy thất vọng phản ứng hành vi "phản bội" mới đây của người bạn Trung Quốc. Hai tuần trước đó, Bắc Kinh ủng hộ nghị quyết 1929 của Liên hiệp quốc, dù có quyền phủ quyết của một thành viên Hội đồng Bảo an.31 Nghị quyết mới này áp đặt đợt trừng phạt thứ tư chống lại chế độ Iran, siết cổ nền kinh tế Iran thêm một nấc trong nỗ lực buộc Tehran phải từ bỏ chương trình hạt nhân.

Mehdi Fakheri, phó chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Mỏ Iran, đề cập đến các sự kiện này khi mời chúng tôi dùng trà và hạt hồ trăn trong văn phòng của ông ở trung tâm Tehran. Sau hành động gần đây của Trung Quốc mà ông mô tả là "bất chính," ông giải thích "giờ đây có một số quan ngại, liệu có thích hợp không khi đặt tất cả trứng của chúng tôi vào một giỏ. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc đứng về phe Hoa Kỳ và châu Âu trong vấn đề trừng phạt Iran," ông lập luận bằng thứ tiếng Tây Ban Nha hoàn hảo. "Nhiều người trong chính phủ cũng như trong khu vực tư nhân đang tự hỏi liệu có nên xem xét lại quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc. Trung Quốc được hưởng các điều kiện kinh doanh tối ưu ở Iran vì lý do chính trị. Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi cảm thấy bị phản bội. Do đó, nếu quan hệ kinh tế và thương mại có thể được mở rộng vì lý do chính trị, chúng cũng có thể bị cản trở và hạn chế cũng vì chính lý do đó." Dù vậy, sự thật là Tehran có rất ít không gian để xoay xở, và thậm chí còn ít hơn sau đợt trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu trong năm 2012 nhằm hạn chế xuất khẩu dầu của Iran, điều này rốt cuộc có thể dẫn đến sự sụp đổ tài chính của chế độ Hồi giáo. Một mặt, Iran dựa vào nguồn cung cấp Trung Quốc, và sự phụ thuộc này không ngừng tăng lên. Mặt khác, không có quốc gia nào khác trên thế giới cho thấy sự phản đối kiên định như vậy đối với biện pháp trừng phạt đơn phương - khác với trừng phạt của Liên Hợp Quốc - do Mỹ và châu Âu áp đặt lên Iran, là điều mà Trung Quốc cho là không thể chấp nhận vì lý do đặc quyền ngoại giao. Với một chút dè dặt, hỗ trợ của Trung Quốc rõ ràng đang trao cho Iran chiếc phao cứu sinh, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng hết sức quan trọng.

Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc không thoát khỏi sự chú ý của Asadollah Asgaroladi, chủ tịch Phòng Thương mại Iran - Trung Quốc, người đã ủng hộ kế hoạch tăng cường thương mại giữa hai nước thông qua tăng cường quan hệ chính trị. "Khi đến triển lãm World Expo 2010 ở Thượng Hải tôi đã gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Tôi nói với ông ấy thương mại song phương sẽ tăng 50 phần trăm trong năm năm tiếp theo. Chúng tôi có thể đạt được mục tiêu đó chừng nào quan hệ chính trị còn tốt," ông cảnh báo như thế khi ngồi trong văn phòng của mình ở Tehran, các bức tường treo đầy chân dung các nhà lãnh đạo thế quyền và thần quyền.32 Để chứng minh điểm yếu trong lệnh cấm vận mới, Asgaroladi đảm bảo với chúng tôi "40 phần trăm của 15 tỷ đô-la được tạo ra trong thương mại song phương giữa Iran và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất thực ra là thương mại với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa tăng thêm 6 tỷ đô-la." Ngoài thương mại, ông chỉ rõ ra, Trung Quốc đang đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vào lúc này cuộc trao đổi trở nên thú vị khi Asgaroladi dường như bị lôi cuốn đề cập tới thế giới bất khả xâm phạm của đầu tư Trung Quốc ở Iran. Tuy nhiên, khi chúng tôi nài ép ông nói về đề tài này, thì ông kết thúc buổi phỏng vấn bằng cách nói rằng "Tôi chỉ nói có rất nhiều đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác mỏ, nhưng tôi sẽ không cung cấp cho các anh bất kỳ thông tin chi tiết nào hay cho các anh biết ở đâu, vì tôi không muốn rốt cuộc sẽ nhìn thấy điều đó trên báo chí và đặt các doanh nghiệp Trung Quốc dưới sự công kích của Mỹ."

Asgaroladi, một doanh nhân có cảm tình với chế độ, làm giàu từ xuất khẩu quả hồ trăn, thì là, tôm, trứng cá muối, và nhập khẩu đường, thiết bị điện, và nhiều thứ khác,33 nhấp nhổm khó chịu trong ghế của mình khi cuộc phỏng vấn tiếp tục, đặc biệt là khi chúng tôi xoáy sâu hơn vào chủ đề cấm vận gai góc. Từ trạng thái kích động không giấu được của ông và một số điều ông nói cho thấy rõ ông đang rất nóng lòng đưa ra một thông điệp rất cứng rắn với hai nhà báo phương Tây chúng tôi, nhưng cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình. Không tránh khỏi, cuộc phỏng vấn cuối cùng lạc vào bài diễn văn chống phương Tây cực đoan. Đó là khi chúng tôi hỏi ông về ảnh hưởng của lệnh cấm vận và ông rốt cuộc đã mắc câu.

"Nước Mỹ ngu xuẩn! Chúng tôi muốn quan hệ với phương Tây, nhưng phương Tây giờ đây hoàn toàn xuẩn ngốc!" ông giận dữ hét lên bằng tiếng Anh. Qua cánh cửa phòng đang mở, dường như cả cơ quan Phòng Thương mại có thể nghe được giọng nói giận dữ gay gắt của ông.
"Tác hại của các biện pháp trừng phạt đến mức nào?" Chúng tôi hỏi dồn, cố đổ thêm dầu vào lửa.
"Các biện pháp trừng phạt không hiệu quả. Chúng chỉ làm cho doanh nghiệp tốn kém hơn. Tôi có thể nói rằng Iran mỗi năm nhập khẩu hàng hóa trị giá 60 tỷ đô-la và [con số đó] tăng lên hàng năm. Nhưng tôi sẽ không nói bằng cách nào! Mỹ rất ngu!"

"Thế vai trò của Trung Quốc trong tất cả chuyện này...?"
"Tôi sẽ không cung cấp cho các anh thông tin chi tiết nào. Tôi chỉ cho các anh biết rằng mối quan hệ với Trung Quốc là rất tốt..."
Asgaroladi tiếp tục cuộc tấn công thế giới phương Tây. Lời lẽ lăng mạ ầm ĩ quá đáng của ông vang dội khắp căn phòng. Đột nhiên điện thoại reo. Asgaroladi nhấc máy, lắng nghe và trả lời nhát gừng. Một phút sau, ông cúp máy. Có vẻ như ông vừa nhận được chỉ thị. Ông nhìn thẳng vào mắt chúng tôi và đứng lên.
"Hôm nay thế là đủ!" ông nói lớn, cho thấy cuộc phỏng vấn đã kết thúc.
"Ông Asgaroladi, chúng tôi ở đây để tìm hiểu những gì Trung Quốc đang làm ở Iran và để phản ánh quan điểm của Iran - "
"Mối quan hệ với Trung Quốc là rất tốt. Phương Tây ngu xuẩn! Con mụ người Đức ở Berlin [ám chỉ Angela Merkel] và lão Sarkozy là hai kẻ ngốc!"
"Ông Asgaroladi, chúng tôi không đại diện cho bất kỳ chính phủ nào ở đây - "
"Cuộc trao đổi đã kết thúc!"

Chúng tôi rời khỏi Phòng Thương mại Iran - Trung Quốc với các hộp quả hồ trăn tặng phẩm trong tay, một tràng chửi rủa hay ho và một cú đá vào mông. Nhưng một ít ngọc quý nổi lên từ cuộc trò chuyện dài ba mươi phút của chúng tôi với vị chủ tịch cáu kỉnh: con số ảo thuật - 6 tỷ đô-la - thương mại của Trung Quốc với Iran thông qua các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Gần như vô tình, Asgaroladi đã hé lộ một mẩu thông tin cực kỳ quan trọng khi ông nói về các biện pháp trừng phạt, vì ông phần nào đã chính thức xác nhận Trung Quốc quyết định tiến hành một phần thương mại đối với chế độ của các giáo chủ, thông qua một nước thứ ba thay vì trực tiếp với Iran. Dĩ nhiên điều này sẽ đặt ra câu hỏi, tại sao?

TRUNG QUỐC VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH
HẠT NHÂN CỦA IRAN

Không khó để thấy được ảnh hưởng cấm vận tại sân bay Mehrabad ở Tehran, nơi những chiếc Boeing 727 ọp ẹp và Airbus cổ lổ lăn bánh dọc theo đường băng. Nhiều nhất là những chiếc Tupolev Nga đáng sợ, loại máy bay chế độ Iran có thể dễ dàng mua được nhưng có kỷ lục khủng khiếp về tai nạn ở nước này. Hạ cánh tại Bandar Abbas, thành phố thứ hai của Iran và cửa ngõ chính vào nước này, đặt chúng tôi ngay tại trung tâm của các tuyến đường thương mại bất hợp pháp vào Iran qua Eo biển Hormuz. Bước ra ngoài đường băng cảm giác như đang đứng dưới cái máy sấy tóc khổng lồ trước khi bước ngay vào phòng tắm hơi. Cái nóng gay gắt của sa mạc và không khí ẩm từ đại dương bao bọc thành phố trong làn sương dày đặc u ám, mang lại vẻ ma quái mơ hồ. Các đường phố vắng lặng phủ những mảng cát để lộ những ngôi nhà thấp màu vàng đất, là những cửa hàng sẽ không mở cho đến 5 giờ chiều, và những chi nhánh ngân hàng nằm trong hàng ngũ "danh sách đen" tài chính do Washington và Brussels ban hành. Nhiệt kế lên đến 45 độ. Cái nóng không thể chịu nổi và không có dấu hiệu của sự sống ở Bandar Abbas.

Đứng trên cầu tàu bên ngoài khách sạn Homa, được cho là một khách sạn tốt nhất trong thành phố dù thiết kế đã lỗi thời, chúng tôi có thể nhận ra sự di chuyển chậm chạp từ xa của những chiếc tàu chở dầu xếp hàng một đi qua Eo biển Hormuz, vào ra vùng giàu dầu nhất thế giới này. Gần hơn là những con thuyền nhỏ hơn với thiết kế đáy sâu và động cơ gắn ngoài đang bay qua những con sóng hướng vào bờ biển. Các thuyền này chở nhiều loại hàng hóa, tất cả được đưa vào bất hợp pháp từ Dubai. Khi chúng cập bờ, một đám đông thình lình xuất hiện và nhanh chóng dỡ hàng, rồi biến đi chỉ trong vài phút: từ thuyền chuyển lên xe và từ đó đi đến các đường phố và cửa hàng trên khắp Iran. Gần một phần tư dân số của Dubai có quan hệ với Iran và là nơi đặt trụ sở của 5.000 công ty Iran có đăng ký và hoạt động trong nhiều năm như là một ống dẫn đưa tất cả các loại hàng hóa vào vùng đất của các giáo chủ.

Theo chủ tịch của Phòng Thương mại Iran - Trung Quốc, không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, thực ra mọi thứ không đơn giản như trong những năm trước đây, khi Dubai là trung tâm thần kinh của thương mại - kể cả bất hợp pháp - trong toàn Trung Đông. Từ năm 2007, và đặc biệt từ khi thành viên kém chính thống nhất trong các tiểu vương quốc vùng Vịnh Ba Tư thấy mình cần một gói cứu trợ tài chính từ Abu Dhabi sau cuộc bùng nổ bong bóng nhà đất của mình, tiểu vương quốc này - vốn không có tài nguyên dầu quan trọng nào - đã tăng cường hợp tác với Mỹ và tăng cường kiểm soát các cảng của mình. Điều này đã khiến Tehran phải quay về phương Đông để đảm bảo nguồn cung cấp. Ở đây Iran có thể tìm được đối tác kinh doanh không chút e ngại tham gia vào hoạt động thương mại bị cấm mà lệnh cấm vận và trừng phạt cố hết sức loại bỏ: buôn lậu vũ khí và công nghệ hạt nhân. Bắc Triều Tiên nằm trong số này, theo một báo cáo của Liên hợp quốc vào tháng 5 năm 2011.34 Nước khác là Trung Quốc. Phần chìm của con đường tơ lụa bí mật vươn đến tận trung tâm đầu não của chương trình nguyên tử Iran.

Có phải Bắc Kinh đang chơi trò nước đôi? Trong khi có vẻ mâu thuẫn, thực ra vị thế cụ thể của Trung Quốc đối với Iran đã được tính toán cẩn thận. Một mặt, Trung Quốc nghi vấn sự thống trị của Mỹ ở Trung Đông và tự cảm thấy mình không bị ràng buộc bởi các biện pháp trừng phạt đơn phương do Washington áp đặt. Bắc Kinh giải thích việc áp dụng luật của Mỹ bên ngoài lãnh thổ Mỹ không chỉ là dấu hiệu của tư tưởng kiêu ngạo và bá quyền, mà còn là biến thể hiện đại của ứng xử ngoại giao từng sỉ nhục Trung Quốc trong suốt thế kỷ sau cuộc Chiến tranh Thuốc phiện.35 Mặt khác, Bắc Kinh ủng hộ mục tiêu của Mỹ ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, để thuyết phục Washington rằng Trung Quốc là một đối tác quốc tế có trách nhiệm. Bắc Kinh ý thức thực tế là không thể công khai thách thức Mỹ ở Trung Đông mà không gây tác động rất tiêu cực đến quan hệ song phương, và rộng ra, đến cả phát triển kinh tế trong nước của Trung Quốc.36 Điều này giải thích sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc và cả thực tế là sự ủng hộ này không bao giờ vô điều kiện. Như chúng tôi thấy, Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt, nhưng chỉ sau khi đã trì hoãn và giảm nhẹ hết mức.37

Phương diện ngoại giao đã được che chắn, Trung Quốc hành xử như thế nào trong thực tế? Trước tiên, chỉ nhìn thoáng qua lĩnh vực buôn bán vũ khí cũng đủ để xác nhận rằng trong năm 2007 Trung Quốc đã vượt Nga để trở thành nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Iran.38 Hơn nữa, phân tích do các cơ quan tình báo phương Tây thực hiện cho thấy trong những năm gần đây Trung Quốc đã đóng một "vai trò hỗ trợ quan trọng" cho tham vọng của Tehran phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bắn tới Israel.39 Điều này được xác nhận bởi bằng chứng cho thấy các công ty Trung Quốc đang tiếp tục cung cấp cho Iran các bộ phận, nguyên liệu và hóa chất cho chương trình tên lửa đạn đạo, bất chấp việc tuân thủ lệnh trừng phạt quốc tế.40 Ví dụ, vào cuối năm 2010, vài tháng sau khi phê chuẩn Nghị quyết 1929 của Liên hợp quốc, cả Singapore và Hàn Quốc đã chặn và khám xét những chuyến tàu đang trên đường tới Iran được phát hiện trong vùng biển của họ. Trong cả hai trường hợp, các tàu đó đang chở bột nhôm và đồng phosphor, vật liệu có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và bị cấm bởi lệnh trừng phạt. Cả hai lô hàng đều có xuất xứ từ các công ty Trung Quốc. Ngay sau đó, tháng 5 năm 2011, một báo cáo nội bộ của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc xác nhận việc mua bán công nghệ tên lửa giữa Bắc Triều Tiên và Iran được thực hiện thông qua một "nước thứ ba láng giềng." Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, một nhà ngoại giao cấp cao của Liên hiệp quốc có quan hệ với ủy ban giám sát các lệnh trừng phạt Iran đã xác nhận quốc gia đó với chúng tôi với điều kiện không tiết lộ danh tính: chính là Trung Quốc.41

Đồng thời, Hồng Kông - một trong những cảng bận rộn nhất trên hành tinh - tự chào mời Iran như là một trung tâm tái xuất hấp dẫn y như Dubai đã từng trong thời kỳ hoàng kim. Chừng hai mươi công ty vận tải biển Iran - cần thiết để lẫn tránh cấm vận - đã hoạt động nhiều năm trong thuộc địa cũ này của Anh, giờ đây thuộc chủ quyền của Trung Quốc theo công thức "một quốc gia, hai chế độ.” Cái gọi là "đội tàu ma" có thể làm được điều này sau khi thay cờ và đổi tên những chiếc tàu nằm trong danh sách đen, và cũng nhờ vào khả năng xoay xở có được từ sự bảo lãnh hào phóng do pháp luật Hồng Kông cho phép cũng như sự chểnh mảng rõ ràng của chính quyền Hồng Kông khi thực hiện Nghị quyết 1929.42 Vấn đề này đặc biệt quan trọng vì Hồng Kông có thể nhập khẩu công nghệ có công dụng kép của Mỹ nhờ vào các thỏa thuận song phương được ký kết trong thời kỳ thuộc địa Anh. Các quốc gia mà Washington xem là thiếu nghiêm ngặt trong qui trình kiểm soát của họ - gồm cả Trung Quốc lục địa - không thể mua được công nghệ này.43 Hậu quả đầy nghịch lý của tất cả điều này là công nghệ nhạy cảm của Mỹ có thể đã vào các cảng của Iran nhờ đi qua Hồng Kong.44

Sự dính líu của nhà nước Trung Quốc trong thương mại bất hợp pháp chắc chắn rất bí ẩn. Nó có phải là một quyết định chiến lược được tính toán cẩn thận của chính quyền? Có phải chúng ta đang thấy một hình thức chấp thuận ngầm? Hay là các công ty nhà nước khổng lồ trong ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc tự mình giao dịch không có sự hỗ trợ và ngoài tầm kiểm soát của chính quyền? Tóm lại, chính phủ Trung Quốc dành bao nhiêu cố gắng và nguồn lực để kiểm soát buôn bán bất hợp pháp này? Tại thời điểm này không có câu trả lời cho những câu hỏi như vậy, mặc dù nhà ngoại giao của Liên hiệp quốc nói trên đã xác nhận "vũ khí và hàng hóa khác do Trung Quốc sản xuất đã được phát hiện trong kiểu mua bán này."45 Điều chúng ta biết chắc, Michael Elleman, chuyên gia an ninh quốc tế tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược ở Bahrain cảnh báo, là "việc mua bán này đang tồn tại, nó vẫn tiếp tục tồn tại và [Trung Quốc] không thể hoặc không muốn ngăn chặn. Trung Quốc dường như không sẵn lòng biến nó thành một ưu tiên chiến lược để ngăn chặn những mặt hàng xuất khẩu giúp cho chương trình tên lửa của Iran. Bằng chứng về điều đó rất rõ ràng." Như vậy, ngoài sự ủng hộ ngoại giao nửa vời của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc chống lại sự gia tăng của chương trình hạt nhân của Iran, trong thực tế vai trò của Trung Quốc rất mơ hồ. "Rõ ràng Trung Quốc là một trong những vấn đề lớn nhất khi nói đến việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt," Elleman kết luận.

Đêm đã buông xuống khi chiếc phà mang tên Iran Hormuz 14 rời Bandar Abbas. Hành khách phần lớn là thương nhân và người lao động phổ thông trên đường đến Dubai xây dựng những tòa nhà chọc trời, ngoài ra còn có các gia đình do những phụ nữ mang mạng niqab dẫn dắt. Sau khi tách biệt dứt khoát theo giới tính tại cửa kiểm soát nhập cư, và rồi thêm một lần như thế sau khi lên tàu, đến lúc cuộc hành trình đầy ác mộng bắt đầu. Vượt 100 hải lý giữa cảng của Iran và Dubai đi qua Eo biển Hormuz là bước vào chuyến hải trình mười bốn giờ khốn khổ trên boong một chiếc tàu chậm rì, ọp ẹp, thiếu tiện nghi và nồng nặc mùi xăng. Trong khi đó, một miền đất hứa khác cho các sản phẩm Trung Quốc đang chờ chúng tôi ở bờ bên kia của Vịnh Ba Tư.

QUYỀN LỰC CỦA RỒNG
TRONG TRÁI TIM TRUNG ĐÔNG

"Thưa bà, chúng ta đi đâu?"
"Cửa hàng. Nhanh."
Fei Zhen Xu lầm bầm cộc lốc khi chiếc Porsche Cayenne rồ máy và nhanh chóng đạt tốc độ 140 km một giờ trên đường cao tốc đầy cát của Dubai. Siji, Fei gọi tài xế người Ấn Độ của mình như thế, giữ vô lăng bọc da màu vani bằng một tay và tay kia mở nhạc trên đài phát thanh địa phương. Dubai đồ sộ với những khối kiến trúc bằng kính vô cảm phản chiếu trên kính mát của Fei khi chúng tôi trò chuyện. Tràn đầy năng lượng, cô bận rộn với hai chiếc điện thoại di động, đưa ra một loạt chỉ thị cho nhân viên khi cô nhìn ra dãy nhà chọc trời qua cửa kính màu của chiếc Porsche. "Kinh doanh tại Dubai đang tốt," bà nói, ngã lưng vào ghế. Với giọng khàn khàn và thứ tiếng Anh sai bét, Fei đã kinh doanh mười năm ở một tiểu vương quốc bù đắp dự trữ dầu nghèo nàn của mình bằng cách trở thành một nước có vị trí chiến lược, ổn định luật pháp và chính trị bậc nhất, đảm nhận vai trò một trung tâm tài chính và cung ứng hàng đầu.

Nhìn từ trên cao, Chợ Rồng - mà Fei cứ gọi là là "cửa hàng" - đúng như tên của nó, tạo thành hình dáng của con vật khổng lồ. Khoảng chục kho chứa màu bạc, với mái tượng trưng cho vảy của con rồng, được xếp theo hình chữ S dẫn đến lối vào chính có hình đầu rồng. Dài 1,2 km và diện tích 150.000 mét vuông (bằng ba lần diện tích của sân vận động Wembley, London), Chợ Rồng là chợ lớn nhất bán hàng hóa Trung Quốc bên ngoài nước này. Khu chợ có 4.000 cửa hàng Trung Quốc bán mọi thứ có thể tưởng tượng ra, từ Kinh Thánh hay Kinh Koran ở dạng móc khóa đến cỏ nhân tạo để chống lại sa mạc vàng quệch mà Dubai xây dựng trên đó. Đối diện lối vào chính, một bức tượng thể hiện vai trò được kỳ vọng của Trung Quốc ở đây: con rồng hung dữ quấn quanh quả địa cầu vàng.
Fei đi lại trong "thế giới Trung Quốc" này như cá trong nước. Cô có một cửa hàng giày, một cửa hàng bán túi xách và đồ trang sức, và một nhà hàng trên một lối đi vào loại nhộn nhịp nhất của chợ. "Lấy bất cứ thứ gì anh muốn. Cho mẹ hay bạn gái của anh," cô hào phóng nói với giọng nặng của thành phố Ôn Châu, nơi sinh ra nhiều doanh nhân tài năng nhất của Trung Quốc.46 Khu chợ là thánh đường của kinh doanh: lối đi được sắp xếp theo sản phẩm, bảng hiệu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, quầy đổi tiền và điều hòa không khí chạy hết cỡ. Sản phẩm, doanh nhân nam nữ và phần lớn nhân viên là người Trung Quốc. Nếu không có các cặp vợ chồng người Ả Rập mặc trang phục có thể đoán biết được - phụ nữ mang mạng che mặt niqab màu đen, đàn ông mặc áo dài dishdasha trắng toát – thì ai cũng nghĩ Chợ Rồng đơn giản chỉ là phần mở rộng của Trung Quốc ở Trung Đông.

Fei đến Dubai tìm kiếm cơ hội mới. Khi Chợ Rồng khai trương vào năm 2004, cô quyết định đầu tư vào vị trí chiến lược nằm giữa giữa châu Á và châu Phi này. "Dubai là địa điểm tuyệt vời để kinh doanh vì rất dễ lấy được thị thực và thuế rất thấp," cô ấy nói với chúng tôi. Thuế nhập khẩu chỉ 5 phần trăm nếu sản phẩm được bán ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, hoặc miễn thuế nếu nó được tái xuất. Bốn mươi tuổi, Fei sống một mình, xa con trai đang học kỹ thuật tại Vương quốc Anh, và chồng đang điều hành các nhà máy của gia đình ở Ôn Châu. Thành phố này là thủ đô toàn cầu của giày dép, bật lửa và kính mát, vì trên 70 phần trăm của toàn bộ các mặt hàng này trên thế giới được sản xuất ở đây. Fei về Trung Quốc một năm chỉ hai lần. "Một lần vào dịp Tết Trung Quốc và một lần để kiểm tra các nhà máy và mua hàng," cô nói với chúng tôi trong văn phòng của mình, nơi chúng tôi nhìn thấy một bức tranh in thần tài và một pho tượng ngọc bích màu xanh lá cây và xám. Chúng tôi tự hỏi kinh doanh thành công như thế, tại sao cô không ủy thác công việc cho người khác để có thể tận hưởng cuộc sống giàu sang hay dành thời gian với con trai mình. "Tôi bắt đầu làm việc lúc 8 giờ sáng đến khi tối mịt. Tôi không bao giờ nghỉ một ngày. Công việc của tôi mang tính chuyên nghiệp: Tôi đam mê kiếm tiền. Và điều đó cũng góp phần vào sự thành công của đất nước chúng tôi," cô nói thêm.

Bộ óc sáng tạo đằng sau thử nghiệm mang tên Chợ Rồng - mà các nước khác như Mexico đang nỗ lực sao chép - là Abdullah Lootah.47 Năm 2004, nhà kinh doanh thanh lịch, mày râu nhẵn nhụi, sinh ở Dubai, nói tiếng Anh hoàn hảo dù hơi lắp và có hai mươi năm kinh nghiệm trong kinh doanh với Trung Quốc, bắt đầu quá trình thành lập trung tâm phân phối này giúp cho người mua từ Trung Đông và Đông Phi tiếp cận sản phẩm Trung Quốc. Nhờ đó thương nhân có thể không phải đi đến Nghĩa Ô, chợ bán buôn lớn nhất thế giới nằm ở phía đông Trung Quốc, nơi mỗi năm có ít nhất 200.000 thương nhân Ả Rập đến để mua hàng dự trữ.48 Lootah kể với chúng tôi cách thức anh bắt đầu ý tưởng chuyển tuyến mua bán sản phẩm giữa Trung Đông, châu Phi và Trung Quốc để đưa nó đi ngang qua Dubai. "Chúng tôi chỉ nghĩ đến một tổng kho hoặc một trung tâm phân phối lớn, nhưng sau đó chúng tôi quyết định dựng lên một khu chợ. Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi thăm Dubai vào năm 2003 và nói với chúng tôi bà thích ý tưởng này và chính phủ Trung Quốc sẽ ủng hộ. Chúng tôi lập một nhóm gồm hai người Ả Rập và 120 người Trung Quốc. Tất cả bắt đầu như thế," Lootah nhớ lại, trong tiếng reo liên tục của chiếc BlackBerry.

Khoảng 2.000 doanh nghiệp - "tất cả đều là người Trung Quốc. Điều đó không thể khác được" - và 6.000 người lao động và doanh nhân Trung Quốc chung hưởng thành quả mang lại từ trung tâm phân phối giúp đưa sản phẩm Trung Quốc đến các ngóc ngách xa nhất của khu vực. "Mọi người đến đây từ Iran, Iraq, Oman, các quốc gia Ả Rập, các nước châu Phi... Họ đến Chợ Rồng bởi nó là một khu chợ tiện lợi cho việc mua các sản phẩm. Địa điểm đóng một vai trò quan trọng, cũng như ngôn ngữ, vì họ không cần phiên dịch," Lootah tiếp tục.

Thuộc sở hữu của chính quyền Dubai thông qua công ty đầu tư Dubai World và công ty con Nakheel, xây dựng Chợ Rồng chỉ mất mười tháng. Chưa đầy một năm sau nó đã bán sạch mặt bằng có thể sử dụng cho các công ty trưng bày sản phẩm và thương nhân. "Về bản chất, người Trung Quốc muốn kiểm soát mọi khía cạnh của doanh nghiệp. Điều đó rất khó. Nhiều nhóm người Trung Quốc đã tới và cố gắng thâu tóm quyền kiểm soát mọi thứ, nhưng ở đây điều đó thực sự không thực hiện được.

Chúng tôi bảo họ chúng tôi sẽ đối xử với tất cả mọi người như nhau và qui trình đó sẽ rất minh bạch. Ví dụ, họ muốn làm như ở Kazakhstan, nơi Trung Quốc đã mua các cửa hàng, nhưng ở đây chúng tôi là chủ nhân và chúng tôi có quyền lực. Chúng tôi đã đặt ra các giới hạn," Lootah giải thích. Do đó, chính phủ đã tìm cách để thu hút các nhà kinh doanh và sản phẩm Trung Quốc mà không phải từ bỏ quyền kiểm soát doanh nghiệp. Mỗi người bán phải đóng tiền thuê tối thiểu 1.500 đô-la một mét vuông để trưng bày sản phẩm. Ngoài ra, người bán hàng phải trả nhiều dịch vụ khác, như điện ánh sáng, nước, chỗ ở, thị thực và giấy phép kinh doanh, tiền thu được sẽ chuyển về quỹ đầu tư của nhà nước. Công ty vận tải biển lớn thứ hai thế giới thuộc nhà nước Trung Quốc, COSCO,49 đảm nhận vận chuyển hàng hóa đến khách hàng cuối cùng từ nhà kho khổng lồ diện tích 40.000 mét vuông - một sân vận động Wembley khác - nằm kế bên Chợ Rồng.

Nhiều dạng thương nhân tụ tập ở trung tâm thương mại này, từ người dùng tiền tiết kiệm cả đời để thành lập một cửa hàng đến triệu phú kiểm soát mọi công đoạn kinh doanh của mình từ khâu sản xuất đến giao hàng tại Dubai. Lootah, từ chối cung cấp cho chúng tôi bất kỳ số liệu nào về số lượng doanh nghiệp do Chợ Rồng tạo ra, tuy nhiên lại cho chúng tôi biết tất cả các doanh nhân Trung Quốc bắt đầu kinh doanh theo cùng một cách. "Khi mở doanh nghiệp của mình, người Trung Quốc vừa là chủ, vừa là phu khuân vác, thủ quỹ, lái xe và bán hàng... Anh ta là công ty một người. Tại sao anh ta lại làm như thế? Để anh ta có thể hiểu chính xác cách thức doanh nghiệp vận hành, đến khi thuê một ai đó, người đó không thể lừa bịp anh ta."

Chợ Rồng và hàng ngàn người Trung Quốc sinh sống, đầu tư và làm việc ở Dubai không phải là dấu hiệu duy nhất của sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược với trữ lượng dầu to lớn này. Trên bờ Vịnh Ba Tư, một hòn đảo nhân tạo được xây dựng cách bờ biển Dubai 280 mét là nơi có khách sạn mang tính biểu tượng nhất trong khu vực: khách sạn bảy sao Burj Al Arab, được nhiều người xem là khách sạn sang trọng nhất thế giới. Với kiến trúc hình cánh buồm của con tàu bằng kính lung linh cao 310 mét, khách sạn có sân bay trực thăng riêng, đội xe Rolls-Royces và 202 phòng hai buồng (trong khách sạn này không có loại phòng nào khác). Vàng lá và máy truyền hình plasma làm nên không gian hào nhoáng quanh phòng, khách có thể tận hưởng bể sục bằng đá cẩm thạch Ý, những tấm thảm Ả Rập xa hoa nhất và các loại nước hoa Pháp thanh lịch nhất; nói cách khác, mọi thứ xa hoa - nếu không nói ngoa - là dành cho các nhà triệu phú mới nổi của châu Á.

Đi vào công trình mang tính biểu tượng của Dubai này - "tháp Eiffel của Tiểu Vương quốc Ả Rập," theo lời của một trong những nhà tài trợ - là việc không dễ dàng. Một điểm kiểm soát đầu tiên cách tòa nhà 250 mét ngăn cản bất kỳ khách nào không được mời đến bữa tiệc riêng tư này. Chỉ có thể vào được khách sạn nếu bạn đã đặt phòng trước hoặc, nếu mục đích chỉ để thưởng thức ẩm thực của khách sạn, phải ứng trước 100 đô-la một người. Ở quầy lễ tân, một nhóm nữ tiếp viên, nhân viên khuân vác và hầu bàn nhịp nhàng di chuyển vào vị trí như trong một vở ballet Nga, phục vụ trà và trái cây sấy khô chào mừng khách. Nhạc cổ điển âm vang khắp sảnh tiếp đón rộng mênh mông có nước bắn ra từ một đài phun ăn nhịp với Bach hay Mozart. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, một nhóm khách Trung Quốc đang chụp ảnh ở sảnh lễ tân trước khi lên xe limousine đang chờ. "Người Trung Quốc đã trở thành khách hàng quan trọng nhất của khách sạn. Cách đây không lâu một nhóm người Trung Quốc đã đặt 50 phòng ở đây," một cô gái Thượng Hải mảnh mai làm tiếp viên tại khách sạn giải thích.

Khủng hoảng kinh tế năm 2008 đột ngột chấm dứt sự hoang phí của du khách Anh Mỹ giàu có, cho đến lúc đó là khách hàng lớn nhất của khách sạn. "Cách đây ba năm khách hàng Trung Quốc chỉ chiếm 4 phần trăm doanh thu của khách sạn. Năm 2011 con số này tăng vọt lên 26 phần trăm và chúng tôi đang hy vọng con số này sẽ lên đến 29 phần trăm vào cuối năm 2012," David Loiseau, người Pháp vạch ra chiến lược kinh doanh khách hàng Trung Quốc được Jumeirah Hotel Group, chủ sở hữu của Burj Al Arab chấp thuận, giải thích. Trong các kỳ nghỉ lễ của Trung Quốc như Tết Âm lịch, các hoàng đế mới của khách sạn có thể chiếm tới 60 phần trăm lượng khách. "Khoảng 15 nghìn khách Trung Quốc đã đến thăm khách sạn này trong năm 2011, chủ yếu từ Quảng Đông, Thượng Hải và Bắc Kinh. Chúng tôi có một chiến lược sẵn sàng để phát triển phần còn lại của các thành phố lớn ở phía tây Trung Quốc. Đây là một thị trường mạnh mẽ vừa mới nổi và đến năm 2020 sẽ có đến 100 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài hàng năm," Loiseau nói với chúng tôi, nhắc đến một con số lớn đến khó tin sẽ là giấc mơ trở thành sự thật đối với ngành du lịch.

Tùy theo mùa, mỗi khách Trung Quốc trả từ 2.200 đô-la và 4.000 đô-la riêng tiền phòng cho chỉ một hoặc hai đêm trong tòa lâu đài của sự xa hoa và thừa mứa này. Trước nhu cầu ngày càng tăng, khách sạn buộc phải thích ứng với sự thay đổi trong cơ cấu khách hàng bằng cách tiến hành một số điều chỉnh, như đào tạo nhân viên nói tiếng quan thoại và thuê đầu bếp có thể chế biến các món ăn Quảng Đông hoặc Tứ Xuyên. Cuộc tấn công của người tiêu dùng Trung Quốc vào khu vực sang trọng này có thể được xem như là khúc dạo đầu cho điều có thể diễn ra trong tương lai gần: xuất khẩu Trung Quốc sẽ trở nên tinh vi hơn cho đến một ngày các sản phẩm của gã khổng lồ châu Á chiếm vị trí quan trọng nhất trong giấc mơ của tầng lớp giàu có trên thế giới.

GIA ĐÌNH ZHANG ĐẾN CHÂU PHI

Zhang Qi cuối cùng cũng đến dù hơi muộn sau hai cuộc gọi thúc giục, theo cuộc hẹn với chúng tôi tại Câu lạc bộ Belge ở Kinshasa. "Xin lỗi vì đến trễ. Tôi theo dõi thị trường chứng khoán Hồng Kông và chỉ ngủ có hai giờ," ông giải thích khi đặt thân hình đồ sộ vào chiếc ghế ngoài sân của điểm nghỉ ngơi quy mô nhỏ nhắm vào tầng lớp giàu có của thủ đô Congo. Sự có mặt của ông ngay lập tức gây ít nhiều sự quan tâm và thu hút một vài khách đang vui đùa trong bể bơi của câu lạc bộ hay nhấm nháp ly gin pha tonic tại quầy bar của sân vườn. Các nhân viên cũng đến để chào ông. “Comment vas-tu, mon pote?” (Khỏe không, anh bạn?) Ông hỏi thăm người phục vụ bằng tiếng Pháp, trước cả khi chào ông thị trưởng của thủ đô Congo. "Một người bạn tốt của tôi," Zhang giải thích.

Thực tế là Zhang Qi giữ vai trò gì đó trong một tổ chức của cả hai thế giới Trung Quốc và không - Trung Quốc ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), có lẽ là quốc gia có quá khứ thuộc địa xáo động nhất ở châu Phi cũng như có vài trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới. Cội nguồn từ Ninh Ba, Zhang Qi đã sống hai mươi lăm năm ở đất nước này, nơi mà, ông nhớ lại, ông đến "khi hai mươi ba tuổi, độc thân, với bằng thạc sĩ tài chính và không biết một chữ tiếng Pháp." Lúc đó, chỉ có khoảng một trăm đồng hương của ông sống ở nước này, phần lớn là nhân viên sứ quán hay bác sĩ được Bắc Kinh cử đến như là một phần của gói viện trợ Trung Quốc cấp cho châu lục này từ 1960.50 Zhang nhớ lại những ngày đó Zaire - tên của nước này khi đó - là, đến giờ vẫn vậy, một nơi thù địch đối với doanh nghiệp, với một bộ máy quan liêu rối ren và pháp luật cực kỳ khắc nghiệt. Đó là lý do tại sao chú của ông - thành viên duy nhất của gia đình Zhang xoay xở để di cư sang Hồng Kông với một phần tài sản của gia đình trước khi cộng sản tịch biên vào năm 1949 - đã cử ông sang mở một nhà máy sản xuất chảo nồi ở thủ đô này vào năm 1986. Nhiệm vụ của ông là quản lý sản xuất và bán hàng cả ở thị trường trong nước và nước láng giềng Congo-Brazzaville.

"Chú tôi là nhà đầu tư, nhưng ông không bao giờ ở đây. Trong hai mươi năm sản xuất, tôi nhớ ông đến đây chỉ một hoặc hai lần. Tôi trông coi mọi thứ. Chúng tôi sử dụng 750 lao động địa phương và 28 công nhân Trung Quốc, là kỹ thuật viên và đầu bếp. Chúng tôi mở cửa một ngày 24 giờ và kiếm được một năm 150.000 đô-la," ông nhớ lại khi nghịch ba chiếc điện thoại di động của mình, đã được tắt trong suốt cuộc gặp. "Lúc đầu tôi không biết gì về kinh doanh. Tôi phải làm việc 20 giờ một ngày, bảy ngày một tuần. Chỉ trong ba tháng tôi sút mất bảy cân. Chưa đầy nửa năm tôi đã nói được một chút tiếng Pháp và bắt đầu hiểu cách làm việc ở đất nước này."

Hiểu biết về thế giới kinh doanh ở Congo có nghĩa là, ví dụ, phải biết rằng không thể làm ra bất kỳ loại lợi nhuận nào mà không phải ăn chia với nhà chức trách. "Chúng tôi đã phải biếu một phần cổ phiếu của chúng tôi cho một trong những nhân vật thân tín nhất của tổng thống, bởi trong những năm 1990, luật pháp vô cùng phức tạp và khắt khe. Thực tế là không thể tạo ra lợi nhuận bằng con đường làm ăn hợp pháp. Trong một số thương vụ chúng tôi thậm chí trở thành đối tác của tổng thống. Họ không làm bất cứ điều gì, tất nhiên: họ không đóng góp cả vốn lẫn kinh nghiệm. Nhưng chúng tôi đã cống nộp cho họ một tỷ lệ phần trăm và điều đó đã giúp chúng tôi,” Zhang giải thích. Ông nói với chúng tôi, guanxi - thuật ngữ Trung Quốc dùng để chỉ mạng lưới quan hệ - được tiếp tục cho đến ngày nay đã giúp ông ta trở nên "quan trọng hơn cả đại sứ Trung Quốc ở đây." "Khi đại sứ quán Trung Quốc có vấn đề khó xử họ gọi tôi. Tôi biết tất cả mọi người ở đây, tất cả các vị tướng. Tôi khác biệt bởi tôi thường xuyên tiếp xúc với những người đứng đầu ở đây. Khi tôi nói chuyện với một đối tác kinh doanh đặc biệt, cũng giống như tôi đang nói chuyện với tổng thống. Và tôi có một mối quan hệ tốt với con trai của tổng thống. Chúng tôi là bạn thân: chúng tôi cùng nhau đi Trung Quốc, đi hộp đêm. Tôi cảm thấy thật thoải mái."

Năm 1991, sau năm năm ở nước này, Zhang kết hôn. Đó cũng là lúc ông và vợ - vốn là đồng minh lớn nhất của ông trên thương trường - bắt đầu chinh phục thị trường Congo. Vào tháng 9 năm 1991, họ đã tận dụng các cơ hội nảy sinh từ hậu quả cuộc sụp đổ kinh tế do nạn binh lính cướp bóc gây ra ở Kinshasa và các thành phố lớn khác của nước này.51 "Thật nguy hiểm. Người ta đến tất cả nhà của người da trắng để cướp đồ. Tôi chưa bao giờ thấy người dân Congo hung dữ hay điên cuồng như thế. Họ phá hủy cửa hàng, nhà cửa và đánh đập phụ nữ da trắng. Họ tấn công bất cứ ai không đen: Trung Quốc, Ấn Độ, người phương Tây," ông nhớ lại. "Vào lúc đó tôi đã biết tất cả mọi người trong nước này. Tôi vay một người bạn Trung Quốc 250.000 đô-la và tôi đã vận chuyển 52 container vào Congo: 50 container chất đầy giày thường và giày thể thao, tổng cộng 3 triệu đôi. Hai container khác chứa hàng dệt may, chủ yếu là trang phục phụ nữ." Tất cả sản phẩm này đến từ "công xưởng thế giới."

Các nhà đầu tư nhỏ Bỉ và Pháp đã rời khỏi nước này sau khi các siêu thị và các cửa hàng của họ bị cướp phá, và Zhang đã tận dụng khoảng trống họ để lại chiếm lấy một phần thị trường. Đó là thời cơ để trở thành "Số Một" trong lĩnh vực bán lẻ, ông nhớ lại. Ông bắt đầu đi Trung Quốc thường xuyên hơn để mua trực tiếp từ các xưởng giày dép, tổ chức công tác cung ứng của doanh nghiệp, và ông bắt đầu giàu lên nhanh chóng. Chỉ trong 3 tháng ông đã có thể trả lại số tiền đã vay - "250.000 đô-la, tại thời điểm đó có giá trị tương đương 2 triệu đô-la ngày nay" - và ông tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh trong cả nước. Chưa đầy một năm, hoạt động kinh doanh của ông đã tăng gấp đôi và ông bắt đầu nhập 100 container một lần. Ông cũng tạo ra mạng lưới cửa hàng cùng với các đối tác kinh doanh Ấn Độ và Bồ Đào Nha để phân phối hàng hóa của mình khắp Congo, từ Lubumbashi ở cực nam tới Kananga ở trung tâm nước này. "Tôi mở bốn cửa hàng ở Kinshasa. Tôi bắt đầu nhập nhiều hàng hóa hơn và tôi cũng trở thành nhà cung cấp chính cho các doanh nghiệp khác. Một số nhà máy ở Trung Quốc chỉ sản xuất hàng hóa cho tôi. Chẳng bao lâu người Trung Quốc khác trong nước này bắt đầu bắt chước và làm tràn ngập thị trường. Nhưng tôi đã nhanh chóng phản ứng bằng cách thay đổi sản phẩm và tìm kiếm hàng hoá có lợi nhuận lớn hơn."

Ông nhanh chóng mở khoảng mười lăm cửa hàng trên khắp tất cả trung tâm đô thị lớn và xoay xở giữ cho chúng luôn đủ hàng với nguồn cung liên tục, một thách thức to lớn trong quốc gia lớn thứ mười hai của thế giới có đường sá và hạ tầng ở trong tình trạng hư hỏng thảm hại. Để kiểm soát đế chế của mình, ông bay suốt chiều dài đất nước trong một máy bay hạng nhẹ, sống sót kỳ diệu trong một tai nạn ở phía bắc. "Tôi đảm bảo có một nhân viên Trung Quốc tại từng cửa hàng để kiểm soát tiền bạc của tôi. Tôi biết họ lừa dối tôi, ăn cắp tiền lãi và biết họ tăng giá tôi ghi trên mặt hàng và không nộp hết tiền cho tôi. Họ cũng giả mạo số liệu bán hàng, nhưng tôi không phiền vì điều đó. Họ sống ở vùng sâu vùng xa không có truyền hình, điện, sinh hoạt xã hội. Ở đó cuộc sống rất khó khăn và lựa chọn duy nhất của tôi là chấp nhận điều đó. Tôi kiếm được cả đống lợi nhuận, vì vậy có thực sự quan trọng không nếu bị mất 5.000 đô-la khi kiếm được 100.000?

Với lòng quả cảm và mạng lưới quan hệ rộng lớn, Zhang tự hào mình là "một người rất mạnh mẽ," đã ở lại đất nước này khi bạo lực liên tiếp bùng nổ. Kể cả mùa hè ác mộng năm 1991. "Tôi đưa tất cả công nhân Trung Quốc của tôi về Hồng Kông, còn tôi không có bất kỳ lựa chọn nào: tôi phải ở lại. Nhà máy là của chú tôi và tôi phải bảo vệ nó. Tôi tự nhốt mình trong nhà máy cùng với người đầu bếp Trung Quốc để bảo vệ nhà máy. Binh lính đến nhà máy của tôi nhưng tôi đã có tám người lính bên cạnh và chúng tôi đã cố hết sức để không cho chúng đột nhập nhà máy. Chúng tôi xoay xở để tống khứ chúng vào phút cuối. Tôi gặp may, vì hai tháng trước cuộc cướp bóc tôi có cảm giác điều gì đó sẽ xảy ra và vì vậy tôi đã yêu cầu lính của đội bảo vệ tổng thống đến bảo vệ chúng tôi."

Bốn mươi tám tuổi, hiện Zhang đã là một triệu phú. Hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu sản phẩm Trung Quốc của ông vẫn đang rất mạnh. Chủng loại sản phẩm ông nhập từ Trung Quốc đã tăng lên 2.000 mặt hàng và mạng lưới phân phối của ông đã vươn khắp lãnh thổ quốc gia rộng lớn này. "Tài sản của tôi đủ lớn để tôi và thế hệ tiếp theo của gia đình có một cuộc sống tốt đẹp," ông cười, thừa nhận. Ông cũng đã đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình vào nhiều ngành khác nhau (khai thác mỏ, gỗ, bất động sản, năng lượng) và đã "bảo đảm an toàn" cho tài sản của mình, theo cách nói của ông, để tránh bất kỳ việc lặp lại nào sự kiện năm 1949. "Người Trung Quốc không tin vào chính quyền. Không ai biết liệu lúc nào đó trong tương lai họ sẽ làm điều cộng sản đã làm trong năm 1949. Đó là lý do tại sao tôi để tiền ở Hồng Kông." Địa vị xã hội của ông cũng tăng lên, với cô con gái đang theo học tại Đại học Columbia và làm việc bán thời gian cho ông trùm đầu tư Mỹ Warren Buffett. Tuy nhiên, đam mê kinh doanh của Zhang, điều thừa hưởng từ tổ tiên,52 đã ngăn cản bất kỳ ý tưởng nghỉ hưu nào. "Đó là vấn đề: Tôi không biết khi nào tôi nên nghỉ hưu. Vì tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều cơ hội kinh doanh ngoài kia, vì thế tôi cố gắng tiếp tục làm việc chăm chỉ."

TÁI TẠO MÔ HÌNH KINH TẾ CHÂU ÂU THUỘC ĐỊA

Ngày nay bất cứ du khách nào tình cờ đặt chân lên châu Phi đều thấy rõ hiện tượng mà những câu chuyện như chuyện của Zhang giúp minh họa: hàng hóa Trung Quốc có mặt ở mọi ngóc ngách của lục địa này, từ Cape Verde đến Nam Phi ngang qua Senegal, Chad hay Mozambique. Ở tất cả những nơi này, một tỷ lệ đáng kể trong số 750.000 người Trung Quốc chính thức sống ở châu Phi53 đã tham gia kinh doanh bán lẻ, mở cửa hàng ở tất cả các trung tâm đô thị và khống chế một lĩnh vực cho đến gần đây thường bị chi phối bởi doanh nhân địa phương hay người nhập cư cũ.

Có thể nhìn thấy một ví dụ rõ rệt ở Dakar, nơi thương nhân Trung Quốc thống trị con đường chính của thủ đô Senegal với các cửa hàng bán đủ loại sản phẩm có thể tưởng tượng ra của Trung Quốc, nhập từ chính Trung Quốc. Câu chuyện hài của người Dakar - với ít nhiều cay đắng - về con đường Allee du Centenaire, mà một số người gọi là "đại lộ Mao" do người bán lẻ địa phương và người Li-băng thấy mình buộc phải rời khỏi khu vực vì các doanh nhân "đỏ" bán hàng với giá không thể cạnh tranh.54 Hơn 2 triệu cư dân Dakar là một mục tiêu đáng kể đối với thương nhân Trung Quốc, những người bắt đầu đến đất nước này hai mươi năm trước. Tuy nhiên, sức mạnh do người Trung Quốc thể hiện khi mở mang doanh nghiệp cũng đưa họ đến các quốc gia có thị trường khiêm tốn, như Cape Verde, thuộc địa thanh bình cũ của Bồ Đào Nha mà ngày nay là một trong những nước ổn định nhất ở châu Phi. Chỉ trong 15 năm người nhập cư Trung Quốc đã mở hơn 50 cửa hàng trong tám hòn đảo có người ở của quần đảo này, vốn là nơi cư trú của khoảng nửa triệu dân.55

Rõ ràng sự xuất hiện của sản phẩm Trung Quốc ở châu Phi - do việc tham gia của Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 thúc đẩy56 - đã có tác động tích cực với người dân châu Phi, giờ đây có thể tiếp cận hàng hóa Trung Quốc giá rẻ mà trước đây họ không có khả năng mua. Chính sách thuế quan được cải thiện của Trung Quốc, kết quả của việc nước này tham gia WTO, đã đóng vai trò quyết định trong cuộc xâm lược của các sản phẩm Trung Quốc trên toàn thế giới, nhưng đó không phải là nhân tố tác động duy nhất: Trung Quốc cũng đã lợi dụng hiệu quả sự bảo hộ luật pháp của WTO mới có được khi nó là đối tượng của các biện pháp bảo hộ của nước thứ ba áp đặt. Mỹ là thế lực thúc đẩy đằng sau các cuộc đàm phán vì hy vọng làm tràn ngập Trung Quốc với các sản phẩm của mình, vì thời điểm đó gã khổng lồ châu Á không có các doanh nghiệp lớn và khả năng cạnh tranh có vẻ hạn chế. Trên thực tế, giờ đây điều ngược lại với những gì người Mỹ hy vọng đã diễn ra: sản phẩm "Made in China" đang thống trị thị trường thế giới.

Số liệu kinh tế vĩ mô thể hiện rõ sự bùng nổ thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc, giờ đây đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu lục, đạt trên 166 tỷ đô-la trong năm 2011, gấp sáu lần năm 2000, dù nền kinh tế Bắc Phi chịu tác động kinh tế của tình trạng hỗn loạn ở các nước như Libya và Ai Cập. Gã khổng lồ châu Á quay sang châu Phi tìm nguồn cung cấp dầu, khoáng sản, gỗ và các nguyên liệu khác, trong khi cũng lợi dụng thị trường châu Phi để giải tỏa đống hàng sản xuất của mình. Như vậy, các nguyên liệu thô Trung Quốc mua ở châu Phi là đầu vào cho các nhà máy và phân xưởng với giá trị gia tăng do hàng triệu công nhân sẵn có góp phần, tạo ra các thành phẩm để Trung Quốc bán khắp khu vực.

Bắc Kinh viện vào "tính bổ sung" của các giao dịch kinh tế của nó với châu Phi, Trung Á và Mỹ La-tinh để biện minh cho các quan hệ kinh tế này. Tuy nhiên, trong thực tế công thức "thành phẩm của tôi đổi lấy nguyên liệu của anh" mà Trung Quốc áp dụng trong quan hệ thương mại với các khu vực này chắc chắn làm liên tưởng đến hệ thống thuộc địa phương Tây sử dụng trước đây để thiết lập quyền bá chủ.57 Hệ thống này do Vương quốc Anh đặt ra trong thế kỷ 19, khi cuộc cách mạng công nghiệp biến nước này thành cường quốc đứng đầu thế giới trong thời đó. Ngày nay được Bắc Kinh phỏng theo, mô hình của Anh dựa trên việc sử dụng thuộc địa vừa như nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên như bông vải, vừa như thị trường cho các sản phẩm tuôn ra từ các xưởng dệt của Manchester có sản lượng vượt quá nhu cầu quốc gia rất lớn.58 Không giống đế quốc Anh thời kỳ đó hay như Nhật Bản thế kỷ 20, Trung Quốc không có lực lượng quân sự chiếm đóng ở nước ngoài. Tuy nhiên, mục tiêu của Trung Quốc ở châu Mỹ và châu Phi vẫn như thế: đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu, đảm bảo thị trường mới cho sản phẩm của mình, và xây dựng quan hệ thương mại trên nền tảng này. Như Osvaldo Rosales, một quan chức cao cấp của Ủy ban Kinh tế Mỹ và Caribe (ECLAC), nói một cách thuyết phục với hãng tin Notimex của Mexico, "Chúng tôi bị buộc chặt với Trung Quốc, trung tâm phát triển kinh tế trong thế kỷ 21, với cơ cấu xuất khẩu có từ thế kỷ 19, cơ bản sử dụng các sản phẩm thiết yếu.” Giám đốc Phòng Thương mại và Hội nhập quốc tế của ECLAC chỉ trích: trong thực tế 90 phần trăm xuất khẩu của Mỹ La-tinh sang Trung Quốc là tài nguyên thiên nhiên chưa qua chế biến hoặc chỉ chế biến thô, trong khi nhập khẩu của các nước này từ Trung Quốc là thành phẩm. "Mối quan hệ cơ bản là liên ngành; nói cách khác, chúng tôi xuất khẩu nguyên liệu thô và nhập khẩu thành phẩm. Hơn nữa, chúng tôi xuất khẩu sang Trung Quốc ít hơn nhiều so với xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới," Rosales thêm vào. Trong năm 2011, cán cân thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ La-tinh là 46 tỷ đô-la nghiêng về phía Trung Quốc.

Một số tiếng nói từ bên trong chính quyền Trung Quốc công khai thừa nhận tính chất thiệt thòi của tình trạng này. Trong một cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh với Liu Guijin, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề châu Phi, Liu thừa nhận những tác động khó giải quyết của cơ cấu kinh tế này, đặc biệt ở châu Phi, "85 phần trăm nhập khẩu từ vùng này vào Trung Quốc là tài nguyên thiên nhiên." "Chúng tôi không thể tiếp tục quan hệ thương mại với châu Phi như hiện nay. Cùng với các đối tác của chúng tôi tại Mỹ và châu Âu [các nước cũng nhập khẩu phần lớn tài nguyên thiên nhiên], chúng tôi cần phải làm gì đó để giải quyết vấn đề, để đa dạng hóa cơ cấu thương mại... Tuy nhiên, phần trách nhiệm lớn nhất thuộc về các nước châu Phi, các công ty và chính phủ của họ. Họ cần phải sử dụng thu nhập từ thương mại mở rộng với Trung Quốc một cách đúng đắn để đa dạng hóa nền kinh tế của mình, để hỗ trợ các ngành công nghiệp nhỏ và vừa... Họ phải đi theo mô hình phát triển của Trung Quốc," ông nói với chúng tôi, đề cập đến những năm 1980 và 1990, khi Trung Quốc xuất khẩu tài nguyên và sử dụng thu nhập để tạo ra giá trị gia tăng trong nền kinh tế nội địa.

Dù tổng quan tình hình cho thấy rõ ràng nhu cầu tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc là nguyên nhân tạo ra lợi ích kinh tế cho khu vực, sự có mặt của Trung Quốc như là một đối tác kinh doanh ở châu Phi cũng có những tác dụng phụ không thể tránh khỏi, như đã xảy ra ở những nơi khác trên hành tinh. Điều này có thể được nhìn thấy ở các nước đã có sẵn một mức độ hạ tầng công nghiệp nhất định - như Ma-rốc, Lesotho, Nam Phi và Nigeria - nơi sự xuất hiện của sản phẩm cực kỳ cạnh tranh của Trung Quốc đã làm sụp đổ một số ngành công nghiệp. Điều này không chỉ là tổn thất doanh thu bán hàng ở thị trường trong nước mà còn trên cấp độ quốc tế.

Trường hợp ngành dệt may là một ví dụ kinh điển. Sự kết thúc vào năm 2005 của Hiệp định Dệt may (MFA), vốn áp đặt hạn ngạch để ngăn chặn các nước như Trung Quốc làm tràn ngập thị trường thế giới với hàng dệt may giá rẻ và khả năng cạnh tranh vô địch, đã gây hậu quả nghiêm trọng cho các nhà sản xuất quần áo châu Phi có ba phần tư xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Hàng ngàn nhà sản xuất nhỏ, vừa và lớn đã buộc phải đóng cửa doanh nghiệp, và hàng trăm ngàn việc làm bị mất trên toàn châu lục, từ Swaziland đến Kenya và Ethiopia, sau khi các thị trường này bị ngành công nghiệp Trung Quốc lớn hơn và cạnh tranh hơn nhiều thu tóm từ năm 2005.59 Tình huống tương tự cũng nảy sinh ở châu Mỹ, nơi có xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2001 đến năm 2006 giảm 13,1 phần trăm do cạnh tranh của Trung Quốc.60

Tất cả cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai, nhất là khi Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn mà không đánh mất địa vị thống trị của mình trong các ngành sử dụng nhiều lao động.61 Điều này có nghĩa Trung Quốc không chỉ tiếp tục xuất khẩu hàng điện tử, giày dép, dệt may và đồ chơi giá rẻ, mà còn cạnh tranh - như thực tế đã làm - trong thị trường thiết bị điện tử chất lượng cao, máy móc và năng lượng tái tạo. Có thể thấy một ví dụ về điều này trong lĩnh vực ô tô, đang được phát triển với tốc độ cao tại Trung Quốc. Ngoài mục tiêu cạnh tranh với các công ty Đức, Mỹ và Nhật Bản trên thị trường nội địa Trung Quốc với hơn 12 triệu xe bán ra hàng năm (thị trường lớn nhất thế giới), các công ty Trung Quốc đã dấn thân vào nhiệm vụ xuất khẩu xe sang châu Phi, điểm đến hàng đầu - thậm chí trên cả châu Á - cho xe Trung Quốc.62 Hơn nữa, Trung Quốc cũng bước vào các lĩnh vực công nghệ cao trước đây dành cho Mỹ và châu Âu, như hàng không, xe điện và viễn thông.63 Một ví dụ không thể bác bỏ là công ty Trung Quốc Huawei, nhà sản xuất sản phẩm viễn thông lớn thứ hai thế giới, có khoảng 20 phần trăm doanh thu từ châu Phi.64

SIÊU THỊ TRUNG QUỐC Ở ARGENTINA

Một thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính đã quét sạch sự giàu có trước đây của Argentina, Buenos Aires vẫn là một thành phố tuyệt vời với vẻ ngoài đâu đó giữa Madrid và quận 5 của Paris. Với quán café, quầy sách và nhà hát ở mọi góc phố, thành phố này luôn giữ vẻ quyến rũ khiến du khách yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, bất chấp những vết tích của suy giảm kinh tế.

Ở đây, người nhập cư Trung Quốc đang tiến hành một chiến lược thành công để kiểm soát một hình thức khác nhằm bán sản phẩm Trung Quốc: lĩnh vực siêu thị có lợi nhuận hấp dẫn. Cộng đồng người nhập cư Trung Quốc ở Argentina - ước tính khoảng 75.000 người - bắt đầu đến nước này từ những năm 1990, tạo ra điều đã trở thành một hiện tượng đương đại. Những người di cư không một xu dính túi này đã cùng nhau chia sẻ gian khổ để kiếm vận hội mới ở Argentina. Phần lớn họ đến từ Phúc Kiến ở đông nam Trung Quốc, tỉnh nổi tiếng là nguồn gốc của nhiều cộng đồng di cư định cư khắp nơi trên thế giới. Cũng như những gì vẫn xảy ra trong các cộng đồng Trung Quốc ở nước ngoài, những người nhập cư mới đến Argentina được sự hỗ trợ của đồng hương đã sinh sống ở nước này, giúp chuẩn bị giấy tờ, cung cấp giúp đỡ tài chính và tìm việc làm. Nói cách khác, những người mới đến nhanh chóng nhận được sự bảo trợ của người đồng hương.

Điều như thế vẫn tiếp tục cho đến nay. Kết quả là tạo ra một đế chế gồm hơn 8.900 siêu thị trên toàn lãnh thổ Argentina. Các cửa hàng địa phương này đã thay thế các cửa hàng tiện lợi do người nhập cư Tây Ban Nha hay Ý làm chủ trong nhiều thập niên trước đây. "Mỗi tháng chúng tôi mở 22 cửa hàng mới," Miguel Angel Calvete giải thích, ông là tổng thư ký của Phòng Cửa hàng và Siêu thị thuộc sở hữu của cư dân Trung Quốc (Casrech), đại diện cho 7.000 siêu thị và đã trở thành một nhóm vận động hành lang quan trọng ở nước này.

Trang mạng của Casrech có hình ảnh ban điều hành cấp cao của tổ chức chụp tại Casa Rosada, dinh Tổng thống ở Buenos Aires, phấn khởi đứng cạnh Tổng thống Cristina Kirchner, người họ tháp tùng trong những chuyến thăm Trung Quốc của bà. Và điều đó có lý do chính đáng: Casrech hiện kiểm soát 30 phần trăm lĩnh vực siêu thị và cạnh tranh với tất cả các nhà phân phối lớn, như công ty khổng lồ Carrefour của Pháp và công ty Wal-Mart của Mỹ, những công ty đã phải chịu nhiều tổn thất do cạnh tranh. Các siêu thị Casrech sử dụng hơn 19.000 người và, theo Calvete, có thể tạo nên doanh thu hàng năm 8,3 tỷ euro.65 Hơn nữa, Casrech đã bắt đầu bành trướng, tung ra thương hiệu riêng của mình và phát triển kinh doanh trên mọi khía cạnh. Tổ chức khổng lồ này đã xoay xở để chiến thắng trong cạnh tranh nhờ hệ thống mua hàng tập trung. Điều này cho phép các siêu thị Casrech cung cấp năm mươi nhu yếu phẩm tiêu dùng trong nước cho khách hàng với giá thấp hơn đối thủ cạnh tranh từ 5 đến 15 phần trăm. Chênh lệch to lớn này thu hút khách hàng và loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

"Cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài giống như một phân hội Tam điểm khổng lồ," Calvete giải thích sự phát triển nhanh chóng và được tổ chức tốt của các siêu thị Trung Quốc ở Argentina. Điều này giải thích tầm quan trọng cơ bản của việc "là người Trung Quốc" khi tham gia kinh doanh. Do huyết thống Trung Quốc và những quy ước xã hội lâu đời, những người mới đến nhận được tài chính, tư vấn và hỗ trợ để dựng lên cửa hàng riêng của mình mà họ sẽ không bao giờ là chủ sở hữu hoàn toàn." Thông thường nhiều người Trung Quốc có cổ phần trong các siêu thị. Người góp tiền nhiều nhất sẽ kiểm soát việc kinh doanh, nhưng quyền sở hữu luôn luôn chia sẻ," Calvete nói. "Trong thực tế, mười hai gia đình Trung Quốc kiểm soát toàn bộ công việc kinh doanh. Họ là những người đầu tiên đến đây và họ có cổ phần - tuy nhỏ - trong tất cả các siêu thị." Ông kể với chúng tôi Casrech cũng hoạt động theo cách này ở Bolivia, Chile và Ecuador và đang có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm sang Peru bằng cách sử dụng mạng lưới chifas (các nhà hàng Trung Quốc ở quốc gia này).

Báo chí và một số chính trị gia đã cảnh báo chống lại các hoạt động kinh doanh của các ông chủ siêu thị người Trung Quốc mà họ cáo buộc trốn thuế, có quan hệ với mafia Trung Quốc, và không tôn trọng luật vệ sinh của nước sở tại. "Casrech đã mạnh mẽ vận động hành lang chính quyền Argentina. Đây là cách họ tránh phải nộp một vài loại thuế," Gustavo A. Cardozo ở Đại học Quốc gia Tres de Febrero giải thích. "Lý do lợi nhuận của doanh nghiệp thấp có thể vì nó là công cụ rửa tiền," ông chỉ ra. Bất chấp sự chỉ trích, các ông chủ Trung Quốc không lẫn tránh việc chứng tỏ quyền sở hữu các siêu thị của họ: có thể nhìn thấy họ ngồi ở cửa ra vào, canh chừng lãnh địa của mình, trong khi những người nhập cư Bolivia làm việc tại quầy thịt hay sắp xếp các kệ hàng và các khách hàng người Argentina suốt ngày tấp nập ra vào, mang lại một nguồn thu vô tận cho doanh nghiệp.

Lục quân Mỹ sẽ tập trận quy mô lớn với chủ đề Biển Đông


Lính dù thuộc Lục quân Mỹ trong một cuộc diễn tập ở Thái Bình Dương

13:05 - 02/08/2019

Các cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc điều động lực lượng từ Mỹ đến Biển Đông và gồm nhiều phần nội dung mà lục quân Mỹ chưa từng tiến hành trên quy mô lớn.

Tờ Philippine Daily Inquirer ngày 2.8 dẫn lời Chỉ huy Lục quân Thái Bình Dương Mỹ Robert Brooks Brown tuyên bố các cuộc tập trận chính của Mỹ trong năm 2020 sẽ tập trung vào bối cảnh Biển Đông. 

Tướng Brown cho hay lực lượng của ông sẽ tiến hành 2 cuộc tập trận chính trong tài khóa 2020 ở Thái Bình Dương và châu Âu. 

Lục quân Mỹ có khoảng 85.000 binh sĩ đồn trú tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sẵn sàng tham gia các cuộc tập trận như Pacific Pathways” (tạm dịch Lộ trình Thái Bình Dương hay USARPAC).

Tuy nhiên, các cuộc tập trận trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc điều động binh lực nhanh chóng từ Mỹ đến Thái Bình Dương. Kế hoạch bao gồm đưa đại bản doanh của một sư đoàn và nhiều lữ đoàn đến trong vòng 30-45 ngày. 

“Họ sẽ đối diện với thách thức di chuyển đến Thái Bình Dương, nơi đã có lực lượng trú đóng sẵn. Chúng tôi không đến Hàn Quốc, chúng tôi sẽ thực sự đến với bối cảnh (Biển Đông) nơi chúng tôi sẽ ở quanh vùng biển này, và một bối cảnh nữa chúng tôi có thể tiến hành là ở biển Hoa Đông”, ông Brown cho biết. 

Cuộc tập trận sẽ gồm nhiều phần nội dung mà lục quân Mỹ chưa từng tiến hành trên quy mô lớn. Theo ông, các lực lượng có thể sẽ đến Philippines, Thái Lan và có thể phối hợp với các nước khác như Malaysia, Indonesia và Brunei. 

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang dự các cuộc họp với ASEAN tại Thái Lan và lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành vi "cưỡng ép" ở Biên Đông.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam tại bước ngoặt mới


Nguyễn Quang Dy - Thế kỷ 21 có nhiều nghịch lý, vì biến số (variables) ngày càng tăng và hằng số (constants) ngày càng giảm, làm chính trị quốc gia và trật tự thế giới biến đổi khó lường. Trong khi thế giới thay đổi quá nhanh (theo biến số) thì tư duy con người thay đổi quá chậm (theo hằng số), như một nghịch lý trong nhận thức về thế giới. Sử gia Yuval Harari cho rằng thế kỷ 21 là thời kỳ “hậu sự thật” (post truth) với nhiều “tin vịt” (fake news), làm người ta dễ ngộ nhận.
Bài này đề cập đến mấy vấn đề lớn có nhiều biến số, đang thách thức Việt Nam tại bước ngoặt mới năm 2019: (1) Trung Quốc đang bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính. (2) Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp tai họa do quá nhiều đập thủy điện. (3) Đối đầu Mỹ-Trung có thể làm cho Việt Nam “lợi bất cập hại”. (4) Trước bức tranh địa chính trị đầy bất trắc, muốn thoát hiểm Việt Nam phải quyết điều chỉnh chiến lược và cải tổ thể chế, trước khi quá muộn. 

Khủng hoảng bãi Tư Chính

Sự kiện dàn khoan HD-981 (5/2014) là một cú sốc, gây khủng hoảng Biển Đông, xô đẩy Việt Nam về phía Mỹ, như “hệ quả không định trước” (unintended consequence). Nhưng sự cố đó có lẽ chưa đủ mạnh để thắng nguyên trạng. Quan hệ Trung-Việt tuy xa hơn “nhưng không quá xa”, và quan hệ Mỹ-Việt tuy gần hơn “nhưng không quá gần” (Alexander Vuving). Việt Nam vẫn cố giữ thăng bằng với Mỹ-Trung, với chính sách quốc phòng “ba không”.

Tháng 7/2019, nhóm tàu khảo sát HD-8 và tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam tại bãi Tư Chính, gây khủng hoảng Biển Đông một lần nữa và đang xô đẩy Việt Nam về phía Mỹ. Trước đó (7/2017 và 3/2018) Việt Nam đã bị họ đe dọa phải bỏ dở dự án “Cá Kiếm Nâu” (lô 136) và “Cá Rồng Đỏ” (lô 07-05).

Đồng thời, Trung Quốc đã tập trận, bắn thử tên lửa đạn đạo diệt hạm (ASBM) và cho một phi đội gồm 3 chiếc Su-35 hiện đại (trong số 24 chiếc) tập tấn công mục tiêu trên Biển. Theo Derek Grossman (RAND), Biển Đông là nơi lý tưởng để PLA thử tác chiến trên biển, vừa để rút kinh nghiệm, mà không sợ Mỹ can thiệp, và có thể thắng trận. (“Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight”, Derek Grossman, Diplomat, May 14, 2019).


Ngày 19 và 20/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam và Mỹ đã lên tiếng phản đối Trung Quốc và đòi họ rút tàu về. Mỹ là quốc gia đầu tiên (và đến nay là duy nhất) đã lên tiếng gián tiếp ủng hộ Việt Nam, trong khi các nước khác là đối tác chiến lược với Việt Nam vẫn chưa lên tiếng. Tuy lập trường của Trung Quốc trái với luật biển (UNCLOS) và phán quyết của PCA, nhưng truyền thông của họ hoạt động có lẽ hiệu quả hơn Việt Nam.

Trong khi đó (ngày 24/7/2019) Trung Quốc đã công bố Sách Trắng có tựa đề “Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”, trong đó cáo buộc “Mỹ đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”. Đây là Sách Trắng mới của Trung Quốc (kể từ năm 2015), trong khi Việt Nam vẫn chưa có Sách Trắng mới (kể từ năm 2009). Riêng về Biển Đông, Sách Trắng mới của Trung Quốc đã khẳng định “tình hình nhìn chung vẫn ổn định và đang cải thiện, trong khi các nước đang điều tiết những mối nguy cơ và sự khác biệt một cách hợp lý”.

Gần đây, hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM-13) tại Bangkok (11/7/2019) không đề cập đến Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, và tàu hải cảnh của họ vi phạm vùng EEZ của Philippines, Malaysia, và Việt Nam. Hội nghị ngoại Trưởng ASEAN (31/7/2019) tuy ra được tuyên bố chung về Biển Đông, nhưng không nêu đích danh Trung Quốc. Tình hình Biển Đông khủng hoảng do Trung Quốc bắt nạt các nước khu vực, nhưng họ khẳng định “đang có hòa bình và ổn định tại Biển Đông, không cần nước ngoài can thiệp”.

Đằng sau việc cho tàu hải cảnh quấy rối và đe dọa hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại bãi Tư Chính, Trung Quốc còn có một thông điệp nữa là không ai có thể thăm dò và khai thác dầu khí tại “vùng biển tranh chấp” nếu không có sự đồng ý của họ. Nói cách khác, trong khi Trung Quốc chưa thể khai thác nguồn dầu khí tại đây, thì cũng không ai được đụng tới. Ý đồ của Trung Quốc là biến bãi Tư Chính (nằm trong vùng EEZ của Việt Nam) thành “vùng biển tranh chấp” và áp đặt “đường lưỡi bò” để kiểm soát như “cái ao của họ”.

Trung Quốc chắc nhận thấy rằng cứ bắt nạt và cưỡng ép từng nước sẽ có kết quả, với chiến thuật “bẻ từng chiếc đũa” như “tầm ăn dâu” để thay đổi nguyên trạng trên thực địa và biến nó thành “chuyện đã rồi” trong một “vùng xám” (grey area) mà họ có lợi thế so sánh tại Biển Đông. Chắc Trung Quốc sắp tới sẽ tiếp tục bắt nạt Việt Nam để đạt được mục tiêu, bất chấp phản ứng của các nước dựa trên luật quốc tế. Chính sách bành trướng của Trung Quốc không hề thay đổi, vì họ chưa bao giờ tôn trọng luật quốc tế hay tuân thủ phán quyết PCA.

Việt Nam có 67 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, nhưng trong “đường lưỡi bò” (phi pháp) mà Trung Quốc áp đặt. Lần trước (2017-2018), Việt Nam đã im lặng chịu thua Trung Quốc ép EVN-Repsol ngừng dự án “Cá Kiếm Nâu” (lô 136-01) và Cá Rồng Đỏ” (lô 07-05). Lần này, Trung Quốc định quấy rối, ép PVN-Rosneft ngừng dự án “Lan Tây-Lan đỏ” (lô 06-01). Nếu Việt Nam để mất 2 lô này (hay chấp nhận chia đôi với Trung Quốc), thì sẽ mất thêm nhiều lô khác, vì tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ.

Tại hội thảo lần thứ 9 về Biển Đông (CSIS, July 24, 2019), Greg Poling (AMTI Director/CSIS) nói rằng nếu Mỹ và các nước khu vực không cứng rắn, thì vài năm tới Trung Quốc sẽ kiểm soát được Biển Đông. Trong khi Malaysia và Việt Nam đã chuyển thái độ từ im lặng nay lên tiếng mạnh mẽ và tiếp tục khai thác dầu khí, bất chấp Trung Quốc quấy rối và đe dọa, thì Philippines vẫn tỏ ra mềm yếu, không dám lên tiếng phản đối Trung Quốc. 

Theo Poling, nếu kháng cự thì Bắc Kinh sẽ lùi bước, nên “Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro không phải là không làm gì cả, mà là củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Philippines cần làm rõ bất kỳ một cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào Philippines sẽ dẫn đến can thiệp của Mỹ, đồng thời kiên trì khẳng định chủ quyền của mình để Trung Quốc hiểu rằng bắt nạt không có kết quả”.

Theo Bonnie Glaser (senior advisor/CSIS), Việt Nam không có hiệp ước phòng thủ tương hỗ với Mỹ nên dễ bị Trung Quốc bắt nạt (mà Mỹ không làm gì được). Dù Mỹ có lên tiếng mạnh mẽ nhưng chưa đủ buộc Trung Quốc rút tàu về. Chắc Trung Quốc đánh giá thấp phản ứng của Việt Nam. Nếu họ không rút tàu về thì Việt Nam có thể kiện ra tòa và có thể thắng kiện. Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ về quân sự, dù Mỹ không từ bỏ lập trường trung lập đối với tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Chính quyền Trump đang “mở rộng phạm vi định nghĩa về lợi ích của Mỹ trong khu vực”, để bảo vệ quyền hợp pháp của các nước tại Biển Đông. Bonnie Glaser cho rằng điều này rất quan trọng đối với Việt Nam và Philippines.

Khi Trung Quốc cho tàu hải cảnh đến vùng biển Malaysia để quấy rối hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza (ngoài khơi bãi cạn Luconia), báo chí chính thống của Malaysia lúc đầu cũng không đưa tin (mà chỉ có mạng xã hội lên tiếng). Tại Việt Nam cũng vậy, lúc đầu Hà Nội đã chỉ đạo báo chí trong nước im lặng (cho đến 19/7/2019). Dường như Malaysia và Việt Nam “không muốn làm to chuyện”, để âm thầm giải quyết với Trung Quốc. Điều đó dẫn đến nghịch lý lần này tuy vấn đề nghiêm trọng, nhưng người dân không bức xúc như trước.

Theo Lê Thu Hương (ASPI/ANU), vừa qua Việt Nam đã giữ im lặng khá lâu và không cho báo chí đưa tin vì mấy lý do chính. Một là Hà Nội muốn kiểm soát tâm trạng bức xúc của người dân Việt Nam vốn ghét Trung Quốc, có thể bùng phát thành biểu tình dẫn đến bạo động như năm 2014 (vì sự kiện dàn khoan HD-981). Hai là Hà Nội hy vọng có thể vận động Mỹ và các nước khác lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam. Nhưng từ năm 2018, khi Việt Nam quyết định hoãn triển khai 15 thỏa thuận hợp tác với Mỹ (chắc để làm vừa lòng Trung Quốc) hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt (năm 2019) dường như đang chững lại.

Theo Đô đốc Scott Swift (former Pacific Fleet Commander), tuy những hoạt động tuần tra vì tự do trên biển (FONOP) của tàu chiến Mỹ tại Biển Đông là cần thiết, nhưng lâu nay không hiệu quả vì không gắn kết với một chiến lược lớn mang tầm quốc gia. Scott Swift cho rằng tuần tra FONOP cần tiến hành cách nhau “4 tuần một lần”, chứ không phải “6 tuần một lần” như hiện nay, và nên công bố kế hoạch tuần tra FONOP “ba tháng một lần”, chứ không phải “mỗi năm một lần” như hiện nay. Nhưng ông cũng cho rằng hải quân Mỹ không nên tham gia bảo vệ các hoạt động thăm dò hay khai thác dầu khí của các nước khu vực.

Để răn đe các hành động đe dọa xâm lấn và bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, “Dự luật Trừng phạt vì Biển Đông và biển Hoa Đông” đã được 13 Thượng nghị (của cả hai đảng) do TNS Marco Rubio đưa ra Quốc Hội (23/5/2019). Một khi được thông qua, luật này sẽ là một công cụ hữu hiệu để răn đe Trung Quốc phải nghĩ lại trước khi có hành động vi phạm luật. Sau vụ đối đầu tại bãi Tư Chính, ngày 26/7/2019, ông Eliot Engel (Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ) đã lên án “sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông đang đe dọa Việt Nam và coi thường luật pháp quốc tế”.

Khủng hoảng sông Mekong

Sông Mekong dài 4.800km có hệ sinh thái đa dạng thứ hai thế giới (chỉ sau Amazon), nhưng có quá nhiều đập thủy điện đã làm dòng sông bị kiệt quệ và biến dạng, đe dọa cuộc sống gần 60 triệu dân trong lưu vực sông Mekong. Riêng Trung Quốc đã làm 11 đập thủy điện lớn trên thượng nguồn (Lan Thương) sản xuất tới 21.300 megawatt, trong khi Lào có 64 đập thủy điện (nhưng nhỏ hơn) sản xuất được 6.000 megawatt. Theo các chuyên gia về môi trường, “Trung Quốc đang kiểm soát hoàn toàn sông Mekong” (Reuters 24/07/2019).

Năm 2016, Trung Quốc đã bất ngờ giảm lưu lượng nước từ thượng nguồn, làm mực nước sông Mekong giảm xuống thấp tới mức kỷ lục, gây ra hạn hán lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đến tháng 7/2019, Trung Quốc lại bất ngờ giảm lưu lượng nước, lấy cớ phải bảo trì mạng tải điện, làm nguồn nước chỉ còn một nửa (thấp nhất từ trước đến nay). Thực ra, sau sự kiện Bãi Tư Chính, Trung Quốc có thể đóng tất cả các đập trên thượng nguồn.

Lâu nay, người ta thường đề cập đến 3 nguyên nhân chính làm giảm thiểu nguồn nước sông Mekong. Một là hạn hán do lượng mưa quá ít như hệ quả của biến đổi khí hậu (hiện tượng el nino). Hai là giảm lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc). Ba là kế hoạch tích nước lại để chạy thử máy phát điện tại đập Xayaburi (Lào). Nói cách khác, đó là mối đe dọa thường trực đối với đồng bằng sông Cửu Long (Nam Bộ).

Ngoài 11 dự án thủy điện lớn tại Vân Nam (như Cảnh Hồng), Trung Quốc định làm thêm 20 dự án nữa. Ngoài mấy dự án lớn như Xayaburi (năm 2012 bị kiện nhưng không dừng), hay Don Sahong và Pak Beng, từ 4/2019 Lào đang làm tiếp dự án Pak Lay trên dòng chính của sông Mekong. Kết quả là hàng chục triệu dân sống trong lưu vực sông Mekong trở thành nạn nhân của thiên tai (biến đổi khí hậu) và nhân họa (do quá nhiều đập thủy điện).

Theo Ủy Ban sông Mekong (Mekong River Commission), mực nước sông Mekong đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Theo báo cáo của Cục Khí tượng và Thủy văn Lào (18/7/2019) mực nước sông Mekong tại Vientiane thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Bangkok Post (16/7/2019) đưa tin mực nước sông Mekong ở Thailand đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 100 năm qua. Hệ quả khủng khiếp của tình trạng đó là nguy cơ hạn hán lớn (do thiếu nước từ thượng nguồn) và ngập mặn (từ Biển) đang đe dọa đồng bằng sông Cửu Long.

Các đập thủy điện (tại Trung Quốc và Lào) không chỉ làm giảm lưu lượng nước, gây ra hạn hán, mà còn làm giảm lượng phù sa cho đồng bằng sông Cửu Long, gây xói mòn và làm ngập mặn vùng đồng bằng ven biển. Theo giới khoa học, thuỷ điện không phải là năng lượng tái tạo và không sạch vì khí thải vô hình từ lòng hồ nhả ra nhiều (ngang với điện than). Theo một báo cáo của tổ chức OXFAM, tổn thất kinh tế do các đập vùng hạ lưu là 7 tỉ USD.

Có thể nói, sự sống còn của hai vùng kinh tế trọng điểm là đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, với khoảng 23% tổng dân số cả nước và gần 60% tổng lưu lượng dòng chảy hàng năm ở Việt Nam, đang bị đe dọa bởi thiên tai và nhân họa. Sông Mekong không chỉ là vấn đề của Việt Nam với Trung Quốc mà còn là một vấn đề của “Tiểu vùng Mekong” (Mekong sub-basin). Nói cách khác, đây là một vấn đề lớn có ý nghĩa chiến lược tại khu vực “Indo-Pacific”. Vì vậy, các nước “tứ cường” (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) có vai trò rất quan trọng.

Đối đầu Mỹ-Trung

Sự biến động trong quan hệ Mỹ-Trung, từ hợp tác chiến lược chuyển sang đối đầu chiến lược, đang làm đảo lộn chính trị quốc gia và trật tự thế giới. Quá trình đó còn đang định hình và chưa ổn định trong thời kỳ quá độ. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là trò chơi quyền lực trong thời kỳ quá độ, mà thời gian, không gian, và hệ quả chưa xác định. Trong bối cảnh đó, tuy Việt Nam “vừa có lợi vừa có hại”, nhưng không khéo sẽ “lợi bất cập hại”.

Theo Bloomberg và Politico (29/7/2019), chính quyền Trump đã nói rõ với Việt Nam rằng họ “phải có biện pháp để giảm mức thâm hụt thương mại” (gần 40 tỷ USD năm 2018, tăng gấp đôi so với năm 2014). Theo Lighthizer (USTR) “các doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt với một loạt các rào cản thương mại ở Việt Nam”. Trước đó, Tổng thống Trump đã gọi Việt Nam là nước “lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”. (Fox News, 26/6/2019). Chỉ số thâm hụt thương mại là một trong những điều kiện để Việt Nam có thể rơi vào nhóm các nước thao túng tiền tệ đối với Mỹ, và trở thành mục tiêu tiếp theo bị Mỹ áp thuế (sau Trung Quốc).

Theo Minxin Pei, “thay đổi quan trọng nhất là Mỹ áp dụng lập trường đối đầu với Trung Quốc. Cách tiếp cận đó của Trump thay thế cho chính sách hợp tác kéo dài nhiều thập kỷ, không chỉ dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn làm dấy lên nỗi ám ảnh về xung đột vũ trang ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan”. (“The US Needs to Talk About China”, Minxin Pei, Project Syndicate, July 22, 2019).

Nhưng đó không chỉ là quan điểm riêng của Trump mà các quan chức an ninh quốc gia và các nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng coi Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài và nghiêm trọng nhất đối với vị thế toàn cầu và lợi ích sống còn của Mỹ. Tuy thuế quan của Mỹ có thể tập trung vào mục tiêu làm suy yếu tiềm năng kinh tế lâu dài của Trung Quốc, nhưng động lực cơ bản vẫn là làm suy yếu vị thế chiến lược của quốc gia này.

Về kinh tế, các biện pháp thuế quan của Trump có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ vì chúng làm đổ vỡ mối quan hệ kinh tế đã được xây dựng hơn bốn thập kỷ qua. Nhưng về chiến lược, chính sách Trung Quốc của Trump hoàn toàn đối địch với Trung Quốc. Sự thay đổi cơ bản này đã gây bức xúc cho một số học giả về Trung Quốc và các nhà hoạch định chính sách giàu kinh nghiệm của các chính quyền trước. Gần 100 người trong số đó, bao gồm cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ, cũng như những người hay chỉ trích chính sách và hành vi của Trung Quốc, vừa gửi một bức thư ngỏ kêu gọi Trump “không nên coi Trung Quốc là kẻ thù”.

Tuy đa số người Mỹ ủng hộ Trump chống Trung Quốc như “đồng thuận quốc gia mới”, nhưng họ muốn Trump lý giải chính sách Trung Quốc của Mỹ. Trong một thể chế dân chủ như nước Mỹ, với một cộng đồng có dân trí cao, người Mỹ không dễ dàng nhắm mắt tin vào quyết định của một tổng thống như Trump, nhất là về chiến lược đối với Trung Quốc. Đây là vấn đề hệ trọng không chỉ đối với vận mệnh nước Mỹ mà còn với trật tự thế giới.

Theo một khảo sát gần đây của Pew (tháng 8/2018), chỉ có 38% người Mỹ nhìn nhận tích cực về Trung Quốc, trong khi có tới 47% người Mỹ nhìn nhận tiêu cực. Chỉ có 29% người Mỹ được hỏi cho rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc là nguyên nhân chính làm cho họ lo ngại, trong khi có tới 58% người Mỹ được hỏi lo lắng về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ trong mắt của đa số người Mỹ, mục tiêu chính của quan hệ với Trung Quốc là bảo vệ lợi ích kinh tế, chứ không phải để bắt đầu một cuộc đối đầu về địa chính trị.

Nhưng một cuộc đối đầu về địa chính trị dường như chính là điều mà chính quyền Trump đang muốn tạo ra, làm cho sự thay đổi chính sách Trung Quốc của Mỹ diễn ra ngoài tầm giám sát của người dân vì không có tranh luận. Theo Minxin Pei, Một cuộc tranh luận như vậy là hết sức cần thiết vì phần lớn người Mỹ không biết về mức độ thay đổi trong chính sách về Trung Quốc của Mỹ. Hệ quả lâu dài của nó khiến Mỹ có nguy cơ rơi vào một cuộc xung đột không biết bao giờ kết thúc. Trong một nền dân chủ, chính phủ không thể theo đuổi một cuộc đấu tranh lâu dài với kẻ thù địa chính trị mà không có sự ủng hộ lâu bền của dân chúng.

Để cuộc tranh luận đáng tin, chính quyền Trump phải trả lời mấy câu hỏi quan trọng về chính sách Trung Quốc. Đầu tiên và quan trọng nhất là mục tiêu tối hậu của chính sách đó là gì? Câu trả lời có thể bao gồm cách làm thay đổi hành vi và chính sách nhất định của Trung Quốc để ngăn chặn sức mạnh kinh tế và quân sự của họ (hoặc thay đổi chế độ của họ). Chính quyền Trump còn phải lý giải cách để đạt được các mục tiêu trên. Liệu chủ trương “tách rời kinh tế” (economic decoupling) được ưu tiên bởi những quan chức diều hâu về Trung Quốc trong chính quyền Trump, có phải là một chiến lược hiệu quả và khả thi không?

Các tác giả của bức thư ngỏ cho rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm tách Trung Quốc khỏi nền kinh tế toàn cầu “sẽ làm tổn hại vai trò và uy tín quốc tế của Mỹ, và làm suy yếu lợi ích kinh tế của tất cả các quốc gia”. Liệu Mỹ có thể thuyết phục được các nước khác bao gồm các đồng minh truyền thống, ủng hộ những nỗ lực đó hay không, hay Mỹ sẵn sàng đơn phương hành động? Những người ký bức thư ngỏ gồm các nhà kinh tế, chính trị, và tư tưởng nổi tiếng, đưa ra một tuyên bố có đầy đủ cơ sở, cho thấy quan điểm chung của họ về Trung Quốc. Đã đến lúc chính quyền Trump phải làm rõ tầm nhìn và mục tiêu của mình.

Bức tranh địa chính trị

Về chính trị, Trump đang có lợi thế sau khi kết quả điều tra và điều trần của Robert Mueller làm tiêu tan hy vọng của phe Dân Chủ muốn luận tội ông (về quan hệ với Nga). Sắp tới, để đối phó với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, Trump có thể tăng cường chơi “lá bài Nga”. Kinh tế Mỹ đang phát triển tốt là một lợi thế lớn của Trump đối với cử tri Mỹ (dù họ thích hay ghét Trump). Về đối ngoại, chính sách về Trung Quốc của Trump được sự “đồng thuận quốc gia” của lưỡng đảng và quốc hội cũng như nhiều người Mỹ có tâm trạng “bài Trung”.

Trong “bức thư ngỏ”, gần 100 nhân sỹ Mỹ không phản đối chính sách Trung Quốc của Trump (về chiến lược), mà chỉ muốn Trump lý giải và mềm dẻo (về chiến thuật), đừng coi Trung Quốc là kẻ thù và đừng đối xử quá rắn với các đồng minh truyền thống, làm cho Mỹ bị cô lập. Nhưng với chủ trương “dọn sạch bãi lầy Washington”, Trump đã làm mất lòng nhiều người trong giới trí thức và báo chí Mỹ. Đây không phải lần đầu, cũng không phải lần cuối mà họ lên tiếng chỉ trích Tổng thống Trump trong cuộc tranh luận lớn (national debate).

Theo Elizabeth Economy (CFR) “thay đổi chính trị là một trò chơi lâu dài, và trò chơi đó chưa kết thúc” (Political change is a long game, and the game is not over). Còn Ali Wyne (RAND) cho rằng “Washington sẽ khôn ngoan nếu hiểu nguy cơ tất yếu: chấp nhận số phận đóng vai hiện thực. Mỹ và Trung Quốc không thể che đậy mãi sự khác biệt”. (“America’s China Policy hasn’t failed, but it needs to be recalibrated”, Ali Wyne, WPR, May 2018).

Dù tiếp kết cục tranh luận thế nào, đối đầu Mỹ-Trung vẫn là vấn đề quốc tế nổi bật trong thế kỷ này khi chiến tranh thương mại tiếp tục theo quy luật “vừa đánh vừa đàm”. Trong khi vấn đề Bắc Triều Tiên đang “giảm nhiệt”, do xu thế hoà hoãn (với Mỹ) và hòa giải (với Hàn Quốc), thì vấn đề Biển Đông và Đài Loan đang “tăng nhiệt” như thùng thuốc súng. Đó là hai điểm nóng có nhiều rủi ro trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung tại khu vực Indo-Pacific.

Sau khi quân sự hóa và củng cố được các tiền đồn tại Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã lấn chiếm, gây căng thẳng tại Scaborough (Philippines) và bãi Tư Chính (Việt Nam). Đó là hai vị trí xung yếu mà họ tìm cách thâu tóm, vì vậy phải coi bãi Tư Chính là “làn ranh đỏ” (red line) cũng như Scaborough. Nếu Trung Quốc làm chủ được bãi Tư Chính, họ sẽ kiểm soát được Biển Đông, khống chế khu vực Indo-Pacific, và tiến tới thống trị thế giới.

Tại Campuchia, Trung Quốc tìm cách thâu tóm các vị trí xung yếu, như Sihanoukville và Koh Kong (có căn cứ hải quân Ream và sân bay Dara Sakor). Tại Việt Nam, họ tìm cách thâu tóm Tây Nguyên, Vũng Áng, Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc. Trung Quốc còn gây sức ép với các nước láng giềng để làm các dự án hạ tầng lớn có ý nghĩa chiến lược (như đường cao tốc Bắc-Nam tại Việt Nam). Các đặc khu và dự án hạ tầng lớn này nằm trong “sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) nhằm thực hiện ý đồ chiến lược lớn của Trung Quốc.

Điều đáng lưu ý là Trung Quốc gây căng thẳng trong bối cảnh TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng có kế hoạch đi thăm Mỹ (trong mấy tháng tới). Liệu sức ép này của Trung Quốc có đủ sức ngăn cản chuyến đi đó không, sau khi Thủ Tướng và Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam đã đi thăm Trung Quốc, như một cách bày tỏ thiện chí để cân bằng quan hệ với hai nước lớn. Nếu Trung Quốc gây sức ép mạnh hơn, liệu Việt Nam có ngả hẳn theo Mỹ? Liệu năm 2019 có chứng kiến một bước ngoặt mới khi Việt Nam điều chỉnh chiến lược và đổi mới lần hai?

Gần đây, nhiều người lập luận rằng Việt Nam phải dựa vào Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc, nhưng nhiều người khác lập luận rằng Việt Nam phải dựa vào nội lực của mình, không thể dựa vào nước khác. Năm 1974, Mỹ không cứu đồng minh khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, và năm 1988, Nga cũng không cứu đồng minh khi Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa. Tuy hai lập luận trên đều có lý nhất định, nhưng không nên đơn giản hóa vấn đề mà khẳng định hay phủ định vai trò của đồng minh, vì “chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.

Việt Nam đã sai lầm khi cô đơn và âm thầm đối đầu với Trung Quốc như vừa qua (7/2019) cũng như trước đây (7/2017 và 3/2018). Ngày 3/7/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Việt Nam không loại trừ các biện pháp pháp lý và Việt Nam sẽ cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm thích hợp để khởi kiện Trung Quốc”. Nhưng 5 năm qua, Việt Nam vẫn chưa kiện Trung Quốc, làm cho họ càng lấn tới. Dù Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của PCA, nhưng kiện là cơ sở để đấu tranh pháp lý và truyền thông. Dư luận khuyên Việt Nam quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và kiện Trung Quốc ra PCA (như Philippines) trước khi quá muộn. Theo Alexander Vuving (APCSS/Hawaii) nếu Việt Nam kiện sẽ thắng 100%.

ASEAN và “Tứ cường” (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn) cần lên tiếng kịp thời và hành động mạnh mẽ để bênh vực Việt Nam khi bị Trung Quốc bắt nạt. Biển Đông không chỉ là không gian sinh tồn của Việt Nam (và mấy nước ven biển) mà còn là nơi hội tụ lợi ích chiến lược của các nước khác. ExxonMobil và PVN cần triển khai sớm dự án Cá Voi Xanh (lô 118) và liên kết với các đối tác khác (như Nhật, Úc, Ấn) để cùng khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính “bất chấp Trung Quốc” như ông John Bolton (cố vấn An ninh Quốc gia) đã tuyên bố (17/10/2018).

Thay lời kết

Bàn cờ Biển Đông giống như “cờ vây” (Weiqi) nên rất khó chơi. Mỹ và Trung Quốc tuy đối đầu (về chiến lược) nhưng vẫn vờn nhau “vừa đánh vừa đàm” (về chiến thuật). Việt Nam tuy có quan hệ đối tác chiến lược với 12 nước, nhưng khi bị bắt nạt bởi Trung Quốc (là một “đối tác chiến lược toàn diện”) thì vẫn cô đơn, không có đồng minh thực sự để bênh vực. Đó là một sự thật trớ trêu và là một nghịch lý đáng xem lại về nguyên tắc “ba không”.

Muốn tìm giải pháp khả thi để Việt Nam thoát hiểm lúc này rất khó như (như nghịch lý), vừa phải tránh ngộ nhận (nhầm lẫn chiến lược với chiến thuật, mục tiêu với phương tiện), vừa phải chơi cờ thế (hedging) để từng bước thoát Trung. Người Việt phải coi lợi ích quốc gia trên hết, vì sa vào lợi ích nhóm sẽ tự phân hóa và làm triệt tiêu mất sức mạnh dân tộc. Nói cách khác, Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược và cải tổ thể chế, trước khi quá muộn.

Tham khảo

1. “America’s China Policy hasn’t failed, but it needs to be recalibrated”, Ali Wyne, May 2018, in “US-China Rivalry in the Trump Era”, WPR Report, October 2018.

2. “Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight”, Derek Grossman, Diplomat, May 14, 2019.

3. “The US Needs to Talk About China”, Minxin Pei, Project Syndicate, July 22, 2019.
4. “Beijing’s South China Sea stance is driving Vietnam into America’s arms”, Le Hong Hiep, South China Morning Post, July 25, 2019.
5. Presentations at the 9th Seminar on the South China Sea, CSIS, July 24, 2019.

6. “Here’s How China and America’s Missiles in the South China Sea Stack Up”, David Axe, National Interest, July 31, 2019.
NQD. 1/8/2019.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 1-8-19

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thế giới đổi thay, Việt Nam tiếp tục "ba không" ?


Mạnh Kim - Không có hình ảnh nào khiến “vực dậy niềm tin” người dân trong các sự kiện căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc bằng tấm ảnh Reuters chụp Phạm Bình Minh nhìn chằm chằm Dương Khiết Trì, khi Dương đến Hà Nội ngày 18-6-2014 để giải quyết cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981. Thế nhưng cái “ánh mắt nảy lửa” ấy đã chẳng kéo dài. Sau khi Dương về, Hà Nội lại nhũn nhặn. Từ năm 1998 đến giờ, thế giới đã thay đổi cực kỳ khủng khiếp. Từ năm 1998 đến nay, gần như không có nước nào là không thay đổi chính sách đối ngoại để phù hợp với bối cảnh địa chính trị mới. 

Từ năm 1998 đến nay, Trung Quốc đã lột xác toàn diện. Bắc Kinh liên tục cập nhật và thay đổi các mô hình đối ngoại, với việc đưa ra hết khái niệm này đến khái niệm khác, để làm sao thực hiện thành công chiến lược bành trướng siêu vĩ mô của họ. Từ cái gọi là “tân hình đại quốc quan hệ” (quan hệ nước lớn kiểu mới); “chu biên ngoại giao” (ngoại giao với các quốc gia láng giềng); “mệnh cộng đồng thể” (cộng đồng có chung vận mệnh); đến “tẩu xuất khứ” (chiến lược đầu tư ra nước ngoài)… 

Đến thời Tập Cận Bình, Bắc Kinh thậm chí cho dẹp tiệm cái công thức ngoại giao cốt lõi của Đặng Tiểu Bình (“lãnh tĩnh quan sát, ổn trụ trận cước, trầm trứ ứng phó, thao quang dưỡng hối, thiện vu chủ thuyết, quyết bất đương đầu” – thường được gọi gọn là “thao quang dưỡng hối”).

Dưới thời Tập, Bắc Kinh đã công khai bày tỏ tham vọng hiện thực hóa đại kế hoạch “Trung Quốc mộng”, với giấc mơ trở thành cường quốc bá chủ hành tinh. Tập không nói vu vơ. Tập làm rất quyết liệt ! Điều có thể thấy rõ nhất là mô hình “Nhất đới, Nhất lộ”.

Ấy thế, từ năm 1998 đến nay, Việt Nam vẫn trung thành với chính sách “ba không”(Không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước nào để chống nước khác).

Việt Nam vẫn “kiên quyết” “đấu tranh ôn hòa và chính nghĩa”. Việt Nam chẳng có công thức hay mô hình đối ngoại nào mới. Và Việt Nam vẫn “thể hiện lập trường rõ ràng trước Trung Quốc”… Từ năm 1998 đến nay, Việt Nam luôn nép mình dưới cái bóng ngày càng to dần của Trung Quốc.

Một cái công hàm “phản đối” ở thời điểm này thì có giá trị gì. Một cái nhìn “nảy lửa” giờ cũng chỉ “đọng lại” trên một tấm hình. Việt Nam cần phải làm gì? Hà Nội dường như luôn cho người dân thấy họ lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng biết làm gì, như thể họ không nói gì nhưng họ đang làm rất quyết liệt, từ năm 1998 đến nay…

Chừng nào Dương Khiết Trì hoặc Vương Nghị lại qua Hà Nội để "xử lý" cuộc khủng hoảng bãi Tư Chính? Chắc chắn một điều là Trung Quốc không bao giờ để mất Việt Nam, trừ khi bản thân Việt Nam thật sự muốn thoát khỏi cái bóng Trung Quốc.

FB MẠNH KIM 02.08.2019


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

Nga đang trở nên phụ thuộc vào TQ như thế nào?


Đó là một mối quan hệ tay ba của chính trị toàn cầu. Kể từ sau Thế chiến II, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ đã nhiều lần hoán đổi đối tác với nhau. Sự sụp đổ của hiệp ước Trung-Xô sau cái chết của Josef Stalin dẫn đến chuyến thăm của Richard Nixon đến Trung Quốc vào năm 1972 và chính sách hòa hoãn của Mikhail Gorbachev với Trung Quốc 30 năm trước. Cặp đối tác ngày nay, giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình, đã được củng cố vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Trong mỗi trường hợp, quốc gia bị bỏ lại một mình dường như luôn phải trả giá, bằng cách bị dàn trải về mặt quân sự và ngoại giao.
Lần này thì lại khác. Mặc dù nước Mỹ bị bỏ rơi một mình, cái giá chủ yếu là do Nga gánh chịu. Trung Quốc thống trị mọi khía cạnh của quan hệ đối tác song phương. Nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp sáu lần nền kinh tế Nga (tính về sức mua) và sức mạnh của nó đang tăng lên, trong khi của Nga giảm đi. Điều tưởng là một cách tuyệt vời để Putin quay lưng lại với phương Tây và phóng đại ảnh hưởng của Nga đang trông giống như một cái bẫy, nơi đất nước ông sẽ khó thoát ra. Còn lâu mới là một quan hệ đối tác bình đẳng, Nga thậm chí đang dần trở thành một nước “chư hầu” của Trung Quốc.
Điều đó nghe có vẻ như là một nhận định quá cay nghiệt. Nga vẫn là một quốc gia có vũ khí hạt nhân với một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Họ đã hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình và, như ở Syria, đã không ngần ngại sử dụng chúng. Tuần này các máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tuần tra chung lần đầu tiên, gây ra báo động khi Hàn Quốc cho biết một máy bay Nga đã xâm nhập vào không phận của họ.
Nhưng thực tế thì Nga đang nhanh chóng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với nguyên liệu thô của Nga: Rosneft, công ty dầu khí quốc gia Nga, phụ thuộc vào tài chính của Trung Quốc và đang ngày càng chuyển hướng nguồn dầu xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi Nga tìm cách đối phó với vị thế bá quyền của đồng đô la, đồng nhân dân tệ lại đang dần chiếm một phần lớn hơn trong dự trữ ngoại tệ của nước này (tỷ lệ đô la Mỹ giảm một nửa xuống còn 23% trong năm 2018, trong khi tỉ lệ của đồng nhân dân tệ tăng từ 3% lên 14%) . Trung Quốc cung cấp các thành phần quan trọng cho các hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga. Và Trung Quốc là nguồn cung cấp các thiết bị an ninh và thiết bị mạng mà Putin cần để kiểm soát người dân của mình. Tháng trước, Nga đã ký một thỏa thuận với Huawei, một công ty viễn thông Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách đen, để phát triển thiết bị 5G, khiến Nga càng bị cắm sâu vào không gian Internet do Trung Quốc kiểm soát.
Điều này phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc muốn có một tình bạn lâu dài với Nga, ít nhất để bảo đảm an ninh biên giới phía bắc, nơi từng xảy ra đụng độ vào năm 1969 và là một nguồn gây quan ngại vào những năm 1990 khi Nga trông như thể đang trôi dạt vào quỹ đạo của phương Tây. Nga cũng đóng vai trò tiên phong trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm đâm thủng các tư tưởng phương Tây về nhân quyền và dân chủ phổ quát, điều mà cả hai nước đều coi là một sự kích động hướng tới “cách mạng màu”.
Putin có thể chỉ ra một số lập luận nhằm nâng đỡ cho mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, bên cạnh sự thù địch chung của họ đối với các tư  tưởng tự do. Một là sự ứng phó tùy biến. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, được áp đặt sau khi Putin sáp nhập Crimea, sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và việc sử dụng chất độc thần kinh ở Anh hai năm sau đó, đã khiến Nga không còn nhiều lựa chọn thay thế. Ông Tập cũng đã che chắn cho hành động quân sự của Nga ở Syria, và, ở một mức độ nào đó, là ở Crimea. Trái ngược với cuối thế kỷ 17, khi Peter Đại đế coi Châu Âu là tấm gương về sự tiến bộ, Putin lại có thể lập luận một cách chính đáng rằng tương lai bây giờ thuộc về Trung Quốc cùng hệ thống chủ nghĩa tư bản nhà nước của nước này.
Tuy nhiên, Putin đã nhầm. Thứ nhất, phiên bản chủ nghĩa tư bản nhà nước của Nga chủ yếu nhằm tìm kiếm đặc lợi, tham nhũng, mang lại những “giấy phép” làm giảm năng suất cho các nhóm thân tín của Putin, giúp họ tự do rút ruột kho bạc quốc gia – đây cũng là một lý do tại sao đầu tư của Trung Quốc vào Nga khá hạn chế. Ngoài ra còn có mâu thuẫn giữa các tuyên bố của Putin về khôi phục lại sự vĩ đại của Nga và thực tế ngày càng rõ ràng cho thấy Nga ngày một phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này tạo ra căng thẳng ở Trung Á. Bởi vì sự ổn định ở khu vực này rất quan trọng đối với an ninh nội địa của Trung Quốc – Bắc Kinh muốn Trung Á ngăn chặn từ xa chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan – Giải phóng quân Trung Quốc hiện đang đóng quân ở Tajikistan và tiến hành các cuộc tập trận ở đó mà không cần tham khảo ý kiến của Nga.
Và, ở một mức độ nào đó, mục tiêu của Nga và Trung Quốc là khác nhau. Có một giới hạn đối với việc người dân Nga bình thường chấp nhận từ bỏ các quyền tự do kiểu phương Tây. Nếu chế độ nắm giữ quyền lực thông qua các công nghệ của Trung Quốc, nó sẽ gây ra sự phẫn nộ của người dân đối với Trung Quốc và các cơ quan Nga mua sắm các công nghệ đó.
Ai có thể nói khi nào các mâu thuẫn đó sẽ được biểu hiện? Hãy tưởng tượng Putin về hưu vào năm 2024, theo đúng quy định của hiến pháp, và người kế nhiệm ông cố gắng đánh dấu sự thay đổi bằng cách đưa Nga rời xa Trung Quốc và quay về châu Âu. Chỉ lúc đó mới rõ là ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nga sâu đậm đến mức nào và Bắc Kinh sẵn sàng gây áp lực tới đâu nhằm duy trì ảnh hưởng của mình. Vị tổng thống tiếp theo của Nga có thể thấy Nga đã không còn không gian để tự xoay sở nữa.
Điều này có đồng nghĩa với việc phần còn lại của thế giới, đặc biệt là phương Tây – nên tìm cách kéo Nga ra khỏi vòng tay Trung Quốc trước khi quá muộn hay không? Ý tưởng đó sẽ hấp dẫn đối với các nhà ngoại giao và nhà phân tích cho rằng Nga quá quan trọng đến mức phương Tây không nên xa lánh. Nhưng có vẻ không phải vậy. Hiện nước Mỹ không phải chịu hậu quả đáng kể nào từ sự liên kết giữa Tập và Putin như trong thời Chiến tranh lạnh trước đây. Mặc dù Nga và Trung Quốc thực sự làm suy yếu quan niệm của phương Tây về các giá trị phổ quát, nhưng với việc Tổng thống Donald Trump đang nắm quyền tại Nhà Trắng, các giá trị đó cũng hầu như không còn được áp dụng phổ quát nữa.
Hơn nữa, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nga cũng có mặt tích cực. Một cường quốc đang suy yếu và đầy giận dữ như Nga có thể nguy hiểm; họ có thể cảm thấy cần phản kháng để cho thấy mình vẫn là một thế lực đáng kể, ví dụ như bằng cách bắt nạt Belarus, hoặc bằng cách khơi dậy nỗi sợ hãi lâu đời về sự bành trướng của Trung Quốc vào vùng Siberia rộng lớn. Nhưng Trung Quốc không hứng thú với các cuộc khủng hoảng quốc tế, trừ khi các cuộc khủng hoảng đó do họ tự tạo ra. Với tư cách là đối tác của Nga, Trung Quốc có thể giúp đảm bảo an ninh dọc theo biên giới chung giữa hai nước và kiềm chế những hành động thái quá của Nga trên phạm vi toàn cầu.
Sự kiên nhẫn ngọt ngào
Thay vì tìm cách chọc ngoáy Nga hoặc cố gắng dụ dỗ Nga quay đầu lại, phương Tây nên chỉ ra sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc và kiên nhẫn chờ đợi. Sớm hay muộn, một vị tổng thống như Alexei Navalny (thủ lĩnh phe đối lập Nga) hoặc một người như ông sẽ lại nhìn về phía Tây. Đó là khi Nga sẽ cần nhất sự giúp đỡ từ phương Tây. Và đó cũng là khi chủ nhân Phòng Bầu dục nên học theo Nixon, và đến thăm Moskva.
Biên dịch: Phan Nguyên

Phần nhận xét hiển thị trên trang

So sánh giữa người Việt và người Mỹ





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Câu chuyện nhân văn

ĐÊM TRỰC !!
0 giờ
Một người đàn ông đến cấp cứu vì đau quặn bụng. Khi mình đến khám, ông ta cứ luôn miệng nói : Tôi quen anh giám đốc A. Tôi có làm ăn với chị trưởng phòng B. Có lẽ do ông ta nghĩ rằng, khi nói ra những mối quan hệ ấy, mình sẽ làm việc chu đáo hơn. Mình đã đáp lời rằng :
- Anh có thể thôi nói tên và chức vụ của người khác. Anh hãy nói về chính anh đi, tên, chức vụ và bệnh của anh.
Ông ta trố mắt ra nhìn mình, phải mất vài phút sau ông ta mới có thể bắt đầu khai bệnh.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng hay như vậy, bạn nhỉ? Cứ vỗ ngực tự hào chứng tỏ với nhau rằng : tôi là con ông D, cháu bà C, tôi quen biết ông E và có mối quan hệ thân thiết với bà F, thay vì chúng ta nói về chính mình.
Nhưng một người trưởng thành thật sự lại là người luôn tự đứng vững trên đôi chân mình, can đảm chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, không dựa vào ai cả, không đổ thừa ai cả.
---
0 giờ 30 phút
Một người phụ nữ 70 tuổi, được đưa đến phòng cấp cứu trong tình trạng suy kiệt nặng, da xanh niêm nhạt, thở ngáp cá, toàn thân khai mùi phân dãi. Khi mình xử trí cấp cứu xong, mình hỏi hai người con gái ăn bận rất bảnh bao và thơm tho : Bệnh nhân bị bệnh gì trước đây, điều trị ở đâu, và diễn tiến nặng bao lâu rồi?
Mình đã ngỡ ngàng khi nhận được một câu trả lời : Bệnh tim mạch và u hạch gì đó không rõ, mẹ tôi đã khó thở cả tháng nay rồi, nhưng tôi nghĩ không sao nên không đưa đi khám bệnh.
- Hai chị là con ruột?
- Ừ con ruột.
Mình im lặng thở dài khi kết quả xét nghiệm và MSCT trả về là bệnh Lymphoma ác tính di căn não, di căn phổi, đái tháo đường, suy thận... Làm sao mà cứu chữa? Mẹ thì chỉ có một trên đời.
Tuần trước mình có đi dự đám tang của một bệnh nhân rất thân. Và đã chứng kiến những giọt nước mắt ăn năn của người con út.
- Bác sĩ biết sao không, cả bốn tháng nay tôi chưa gặp mẹ, dù nhà tôi và nhà mẹ cách có vài bước chân. Ai ngờ trưa hôm thứ 7, nhận điện thoại báo mẹ đã mất rồi... Giá như tôi ...
Thật, càng lớn tuổi, mình càng sợ trực cấp cứu. Không phải vì sức khoẻ vì chuyên môn hay vì áp lực phải tiếp xúc phơi nhiễm với những bệnh lây nhiễm hay vì có thể bị hành hung bất cứ lúc nào. Mà vì cứ phải chạm vào thật sâu bên sau mỗi con người dù mình không muốn...
1 giờ sáng
Bệnh nhân nam 23 tuổi, cơ thể gầy teo, nấm trắng đầy miệng đến cấp cứu vì tiêu chảy. Khi mình giải thích tình hình bệnh và đề nghị nhập viện thì bệnh nhân không chịu vì không có tiền.
- Em điện thoại kêu ba mẹ vào viện đi.
- Ba mẹ em li dị hồi em còn nhỏ xíu. Em sống với bà, mà bà ở tuốt dưới Vĩnh Long, em nói thiệt, em bị nghiện ma tuý đá và bị nhiễm HIV.
- Nhưng nếu em không nằm viện thì phải làm sao?
- Em cũng không biết nữa.
Nhìn cơ thể bệnh nhân chi chít những hình xăm, mái tóc nhuộm vàng khè ... sao mà khác quá với cách bệnh nhân trả lời.
- Em chỉ nghĩ mình đau đến đây để bác sĩ cấp cứu...
Mình lại thở dài, dù tiếng thở dài chẳng làm đêm ngắn lại. Phần lớn những người sa ngã và lầm lạc thường được lớn lên trong gia đình không có hạnh phúc, cha mẹ ly dị, hay nghiện rượu, cờ bạc và thuốc lá. Có bao giờ mỗi bước chân đi, mỗi quyết định trong cuộc đời, chúng ta đều cẩn trọng?
Sinh con rất dễ, nhưng nuôi dưỡng con lại rất khó! Khó vô cùng.
2 giờ sáng
Một thanh niên sỉn rượu đến để may những vết thương vùng mặt và lưng do bị chém. Khi điều dưỡng hỏi phần hành chính, thì anh ta nạt nộ đập bàn : Sao không khâu liền đi, cứ hỏi mấy cái vớ vẩn làm gì?
- Muốn khâu thì phải làm hồ sơ khai tên tuổi bị đánh ở đâu chứ, rồi còn phải kí tên yêu cầu khâu chứ.
- Tao đ* khai. Bây giờ tao hỏi tụi mày có khâu không thì bảo? Tụi mày có tin tao chém tụi mày bây giờ không?
Mấy anh bảo vệ nghe ồn ào, báo ngay cho công an. Và thanh niên sỉn rượu vừa thấy bóng công an lập tức bỏ chạy. Mới đó còn hùng hổ đòi đâm đòi chém ...
Thật, những người có xu hướng hung bạo và dễ kích động thường là những người sống trong sự sợ hãi và yếu đuối.
Vì sao khi đi trên phố mấy thanh niên trẻ hay nẹt bô rồ ga? Vì sao giữa đám đông mấy người trung niên kia ăn bận diêm dúa trang điểm cầu kì?
Bởi vì trong sâu thẳm họ khát khao được chú ý, khát khao được công nhận... nhưng họ chẳng có gì đặc biệt, buộc họ phải hành động như thế. Họ lạc loài!
3 giờ sáng
Một người đàn ông, 50 tuổi được đưa vào cấp cứu vì đau đớn vùng hạ sườn phải. Ông ta la hét inh ỏi :
- Bác sĩ đâu rồi? Tụi bây chết hết rồi hả? Tao vào bệnh viện cả tiếng rồi mà chẳng thấy tụi bây đâu...
- Bác sĩ đây, anh mới vào mà, y tá còn chưa kịp lấy dấu hiệu sinh tồn...
Người nhà vội nói bệnh nhân và quay qua nói với mình : Bác sĩ thông cảm, tại ảnh bệnh ung thư đường mật di căn gan, di căn hạch giai đoạn cuối rồi nên đau đớn và hay la hết. Bệnh Viện C đã cho về, khuyên gia đình, bệnh nhân muốn ăn gì thì cứ cho...
Đêm dường như sâu hơn với tiếng thở dài.
Nỗi đau niềm thống khổ là có thật, luôn hiện diện bên trong mỗi con người. Ai cũng đau cũng khổ, có người nhờ nỗi đau mà vượt lên được chính mình, tìm ra được con đường giải thoát và an lạc, nhưng cũng có người bị chết chìm trong đó.
Lẽ thường, khi người ta gần đến bên kia con dốc cuộc đời, cận kề cái chết, người ta sẽ buông bỏ hết những sân si, người ta sẽ chấp nhận và mỉm cười... Đằng này ...
Bốn giờ sáng
Một người phụ nữ đến cấp cứu vì đau đầu ngủ không được. Trong khi mình đang viết bệnh án thì nghe bà ta kêu lên : Chú bác sĩ và cô y tá kia, mau trả điện thoại lại cho tôi.
- Bà coi lại cẩn thận đi, tụi con đâu có lấy điện thoại của bà.
- Cô nói gì? Chỉ có cô và chú bác sĩ kia lại gần tôi... Không cô thì chú kia lấy. Báo bảo vệ hay công an ngay đi.
Bệnh nhân ngồi bật dậy, khác với lúc mới vào nhăn nhó khó chịu mệt mỏi.
- Ôi mẹ ơi, mẹ nói cái gì kì lạ vậy? Con giữ điện thoại của mẹ đây. Tại con đi đóng tiền tạm ứng nhập viện nên mẹ không biết.
- Vậy hả? Tao tưởng hai đứa này nó ăn cắp.
Bé Khánh vừa định lên tiếng, mình vội ngăn lại và thì thầm : Thôi bỏ đi em.
Mình nhớ một câu chuyện trong Phúc Âm, có người đến hỏi : Nếu ai đó tát vào má con thì sao? Chúa Giêsu đã trả lời : Con hãy đưa luôn má còn lại cho người ta tát. Và nếu có ai xin con cái áo khoác bên ngoài, con cũng hãy cởi luôn cái áo khoác bên trong mà cho.
Thường chúng ta chỉ đến với Thượng Đế khi bị đau khổ, mất mát, muốn mà chưa được...
Và khi chúng ta bị ức hiếp bị bắt nạt, chúng ta mong là luật công bằng, luật nhân quả được thực thi.
Nhưng Thượng Đế luôn im lặng. Ngài dạy : Hãy tha thứ, hãy cho đi nhiều hơn.
Bởi chỉ những người yếu đuối, thiếu thốn, bị bỏ rơi ... mới dùng đến bạo lực và đi xin.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma từng nói : Cây lúa nào hạt non hạt lép thì nó đứng thẳng vươn cao. Còn những cây lúa nặng trĩu hạt luôn oằn mình xuống dưới thấp.
Cái Tôi của ai nhỏ bé thì tâm lượng người đó mênh mông!
- Vô Thường -
Fb GS Tôn Thất Tùng
***Dưới đây có nhiều câu chuyện thú vị! Hãy để lại biểu cảm để tôi biết bạn đã đọc. Bạn có thể Share nếu muốn!!! Cảm ơn rất nhiều!

Phần nhận xét hiển thị trên trang