Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

Cơ hội trường sinh bất lão trong tầm tay?


Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Trên đường đi đến phòng thí nghiệm vào một buổi sáng trời nắng đẹp ở Texas, nhà sinh vật học phân tử Vương Mộng vẫn chưa thể đoán ra được điều gì đang đi bà khi bà đến nơi: hàng chục ngàn con sâu đang ngọ nguậy trong những chiếc hộp khác nhau.
Khi bà nhìn vào từng hộp, trong đầu bà từ từ lóe lên một ý nghĩ. Những gì mà bà thấy có thể giúp chữa trị một trong những tình trạng gây suy giảm sức khỏe nhất ở nhân loại: tuổi già.
Các căn bệnh liên quan đến tuổi già, chẳng hạn như ung thư, thấp khớp và Alzheimer, khiến 100.000 người chết mỗi ngày trên toàn thế giới. Tuy nhiên ngày càng có nhiều nhà khoa học cho rằng không nhất thiết phải như vậy.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Chương trình The Inquiry của BBC World Service đã hỏi những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về bản chất của tuổi già và về những công nghệ mũi nhọn có thể giúp 'chữa trị' được nó - từ vai trò của hệ vi sinh vật cho đến nội tạng được in 3D.

Sống thọ hơn xưa

Nói chính xác thì tuổi già là gì? Nếu bạn có thể nhìn sâu được vào cấp độ phân tử, bạn có thể thấy những tổn hại nhỏ nhưng lớn lên dần dần và lan ra các tế bào, các cơ và cơ quan trong cơ thể.
Cuối cùng, toàn bộ cơ thể bắt đầu bị ảnh hưởng của sự những tổn hại tiếp tục tích tụ này.
"Đến khi chúng ta không thể nào sửa chữa kịp thì cơ thể bắt đầu già đi," bác sỹ người Đan Mạch Kaare Christensen nói.
Christensen làm bác sỹ trong nhiều năm cho đến một ngày ông quyết định rằng ông đã chữa trị người bệnh đủ rồi. Giờ đây ông điều hành Trung tâm nghiên cứu Tuổi già Đan Mạch nơi ông tìm cách giúp cho mọi người không bị bệnh ngay từ đầu.
Ông chỉ ra rằng chúng ta đã chứng kiến một số tiến bộ.
Vào thời giữa thập niên 1800, tuổi thọ trung bình vào khoảng 40 ở hầu hết các nơi trên thế giới, ông cho biết, còn giờ đây một số nước Bắc u tuổi thọ trung bình đã gần đạt tới 80 và phần còn lại của thế giới đang gần bắt kịp.
Đó chủ yếu bởi vì tỷ lệ tử vong của trẻ em và trở sơ sinh sụt giảm chứ không phải vì bản thân tuổi thọ con người tăng lên.
Nhưng ngay cả khi như thế, vẫn có một thay đổi khác đầy hứa hẹn.
"Con người giờ đây đã sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn," Christensen nói.
"Ví dụ, điều mà chúng ta nhận thấy dễ dàng là răng. Bạn có thể thấy rằng răng của người già đang ngày càng tốt hơn qua từng thập kỷ."
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Ông giải thích rằng răng là một dạng thước đo sức khỏe nói chung. Tình trạng răng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ăn uống đàng hoàng và hấp thụ dinh dưỡng của chúng ta.
Răng khỏe mạnh cũng là chỉ dấu cho thấy những cơ quan khác của chúng ta có khỏe mạnh hay không.
Christensen nói rằng người già giờ đây không chỉ có hàm răng tốt hơn mà còn có kết quả kiểm tra trí thông minh tốt hơn, mà ông cho là nhờ vào chất lượng sống được cải thiện trên khắp thế giới.
"Đó là do toàn bộ điều kiện sống tốt hơn, giáo dục tốt hơn… và loại công việc nào mà bạn có," ông nói.

Thay tạng hỏng

Ông tin rằng những tiến bộ này sẽ tiếp diễn. Nhưng trong bao lâu?
Kỷ lục về sống lâu trên thế giới từng được ghi nhận hiện nay thuộc về một phụ nữ người Pháp có tên là Jeanne Louise Calment, người sống đến 122 tuổi.
Điều thú vị là bà qua đời vào năm 1997 - hơn 20 năm trước. Kể từ đó có nhiều chuyện đã xảy ra.
Nhà vật lý sinh học Tuhin Bhowmick đến từ một gia đình làm nghề thầy thuốc chữa bệnh ở Bangalore, Ấn Độ.
Ông nhớ một buổi trò chuyện bên bàn ăn tối trong gia đình về những bệnh nhân mà cha và các chú bác của ông không thể cứu được.
Hễ mỗi khi ông hỏi tại sao không thể chặn được tử thần, cha ông trả lời rằng họ đã cạn hết mọi phương cách. Thuốc men, suy cho cùng, cũng có giới hạn của nó.
"Tôi lúc đó nghĩ rằng: 'Được rồi, con sẽ không làm bác sỹ mà sẽ làm người chế tạo thuốc y dược'," Bhowmick nhớ lại.
Ông nói chết do tuổi già thường là do các cơ quan trọng yếu như tim, phổi hay gan không còn hoạt động tốt như trước.
Nếu bệnh nhân có thể nhận được nội tạng vẫn còn hoạt động tốt từ một người hiến tặng thì các y sẽ như cha của Bhowmick có thể giúp cho người bệnh cơ hội sống lần thứ hai. Nhưng tất nhiên là không phải trường hợp nào cũng như vậy.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Vấn đề là có nhiều người cần tạng hơn số người có thể hiến. Người già trên khắp thế giới đang xếp hàng dài để được hiến tim hay thận, nhưng còn phải kiếm đúng loại tạng phù hợp. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân chờ mòn mỏi cho tới chết.
Bhowmick nghĩ rằng thay vì chờ đợi được người khác hiến tạng, nếu chúng ta tự tạo ra được nội tạng thì sao? Câu hỏi này đã khởi động ở ông công cuộc tìm kiếm cách tái hiện ra nội tạng hoạt động được mà cơ thể bệnh nhân không đào thải.

In tạng 3D

"Giả sử bạn cần một lá gan và bạn đã được chụp CT hoặc chụp MRI cho thấy đúng kích thước và hình dáng của lá gan bạn trên máy tính," ông giải thích. "Bạn có thể đưa cái khuôn đó vào máy in 3D để in ra một lá gan nhân tạo có y chang kích thước và hình dạng đó."
Tuy nhiên, thay vì sử dụng khay mực bình thường, máy in của Bhowmick sử dụng loại mực được làm từ protein và tế bào - mà không phải là tế bào bất kỳ mà là tế bào của chính bệnh nhân. Điều này có nghĩa là có rất ít khả năng cơ thể từ chối tiếp nhận nội tạng mới này.
Nhóm nghiên cứu của ông đã tạo ra được cơ gan người nhân tạo đầu tiên của Ấn Độ; bước kế tiếp sẽ là nâng quy mô lớn để tạo một lá gan ngoài tí hon - một bước ngoặt mà ông ước tính rằng sẽ mất thêm năm năm nữa. Bhowmick hình dung rằng lá gan ngoài sẽ là một thiết bị nhỏ và di động bên ngoài cơ thể để bệnh nhân có thể đeo nó mà đi tới đi lui.
Trong vòng từ tám đến mười năm, ông hy vọng sẽ đạt đến mục tiêu: khi đó ông sẽ tạo ra được một lá gan hoạt động được để có thể cấy ghép vào bên trong cơ thể người.
Nhưng nếu một người bị suy chức năng một cơ quan, liệu điều đó có chỉ ra rằng họ đang sắp sửa kết thúc vòng đời tự nhiên của họ? Sẽ làm sao nếu tim và phổi cũng không hoạt động nữa?
Bhowmick tin rằng mỗi trường hợp đều khác nhau.
"Nếu bạn thay thế một cơ quan vốn là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân tử vong, thì người đó có thể sống thêm 20 năm nữa bởi vì chỉ có gan của người đó bị suy chứ não và tim thì không," ông giải thích.

Vai trò của hệ vi sinh

Ông ước đoán con người có thể sống lâu đến mức nào? Với những phát minh này, ông nói, nếu như bạn sinh ra sau năm 1981 hay sau đó thì bạn có nhiều khả năng sống thọ đến 135 tuổi.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Bà của Vương Mộng qua đời ở tuổi 100. Cụ sống khỏe mạnh và vẫn hoạt động cho đến cuối đời. Chứng kiến bà mình càng ngày càng già trong khi vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn đã khiến cho bà Vương tự hỏi về những bí mật của sự lão hóa.
Bà Vương giờ là giáo sư di truyền học phân tử tại Trường Y Baylor ở Mỹ. Bà đã tiến hành các thí nghiệm về một trong những lĩnh vực lý thú nhất của y khoa - hệ vi sinh vật trong cơ thể người.
"Đó là những vi sinh vật li ti sống chung với chúng ta từ đường tiêu hóa bên trong cơ thể cho đến da bên ngoài cơ thể," bà giải thích. "Chúng có mặt khắp nơi."
Bạn không thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường, nhưng vi sinh vật có ở khắp nơi bên ngoài và bên trong cơ thể chúng ta.
Đa phần là vi khuẩn, nhưng cũng có thể là nấm mốc, virus hay các vi sinh vật khác.
Trước đây, các nhà khoa học không để ý đến chúng nhiều. Nhưng giờ đây chúng ta đã biết rằng chúng có ảnh hưởng sâu sắc đến cơ thể chúng ta.
Các nghiên cứu mới đây cho thấy hệ vi sinh cũng quan trọng đối với chúng ta cũng như một cơ quan bổ sung vậy. Nó có thể ảnh hưởng cách chứng ta xử sự và thậm chí là cách phản ứng như thế nào với các loại thuốc khác nhau.

Thí nghiệm đột phá

"Đôi khi hệ vi sinh khiến chúng ta bị bệnh, nhưng mặt khác chúng cũng có vai trò rất quan trọng để giúp chúng ta khỏe mạnh," bà Vương nói.
Bà muốn biết liệu hệ vi sinh có tác động đến quá trình lão hóa hay không.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Để kiểm tra, bà quyết định nghiên cứu một loài sâu chỉ có vòng đời từ hai đến ba tuần - vừa đủ ngắn để tiến hành 'thí nghiệm vòng đời' về sự lão hóa.
Vấn đề đặt ra là điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thay đổi hệ vi sinh của loài sâu này? Liệu chúng sẽ sống lâu hơn?
Bà Vương đã chọn một trong các loại vi khuẩn sống trong ruột con sâu, biến đổi bộ gien của chúng để tạo ra nhiều phiên bản khác nhau và sau đó cho những nhóm sâu riêng biệt ăn những vi khuẩn này.
Ba tuần lễ sau - khi mà lẽ ra chúng đã chết hết - bà đến để kiểm tra.
"Tôi cảm thấy thật phấn khích bởi vì chúng tôi đã tìm thấy một số con sâu không chết," bà nhớ lại. "Chúng vẫn còn sống khi chúng tôi đến kiểm tra."
Những con sâu già thường giảm hoạt động, nhưng những con có hệ vi sinh mới không chỉ ngọ nguậy nhanh hơn khi chúng già mà còn ít có khả năng mắc bệnh hơn.
Có khả năng một ngày nào đó các bác sỹ sẽ có thể kê những loại thuốc có công dụng như vậy cho chúng ta. Liệu nó có thể giúp chúng ta sống lâu bao nhiêu?
"Một số đồng nghiệp của tôi nói rằng, 'Bà biết không, tôi nghĩ là con người có thể sống tới 200, 300 tuổi',", bà Vương nói. "Cá nhân tôi thì nghĩ 100 tuổi đã là con số lớn rồi."

Khi tế bào phá hoại

Có điều gì đó kỳ lạ khi chúng ta già đi.
Khi các tế bào già đi, chúng tự phân chia để thay thế những tế bào chết hay đã hao mòn, tuy nhiên đây không phải là quy trình hoàn hảo.
Tế bào càng phân bào nhiều chừng nào thì càng nhiều khả năng nó trở thành già chừng đó và tiến gần đến cuối vòng đời. Nhưng thay vì chết đi, chúng vẫn nằm đó, hoạt động một cách phá hoại và tương tác với những tế bào xung quanh. Điều đó gây nên đủ thứ vấn đề.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Những tế bào già này gần như 'đầu độc' những tế bào khác khiến chúng cũng trở nên già đi. Và khi chúng ta già đi, ngày càng có nhiều tế bào bị lão hóa cho đến khi chúng tràn ngập cơ thể.
Lorna Harries, giáo sư di truyền học phân tử tại Đại học Exeter, Anh, có lẽ đã tìm ra một cách để đối phó với thành phần già đi quá khích này.
Trước đây, bà đã từng yêu cầu một nhà nghiên cứu mới mà bà làm việc chung thử cho hóa chất vào những tế bào da già để xem điều gì xảy ra.
Để kiểm tra tuổi của tế bào da trong quá trình thí nghiệm, họ sử dụng một loại thuốc nhuộm đặc biệt vốn sẽ chuyển các tế bào sang màu xanh nếu chúng già đi.
"Điều mà tôi nghĩ là sẽ xảy ra là những tế bào vẫn giữ màu xanh," bà Harries nói. "Nhưng thực ra không hề như vậy… chúng đã quay lại thời kỳ trẻ trung và trông giống những tế bào trẻ."
Bà không tin vào kết quả này, do đó bà yêu cầu sinh viên đó làm lại thí nghiệm. Hết lần này cho đến lần khác, kết quả vẫn như vậy - và Harries lại bắt sinh viên này làm lại và cô ấy đã làm đi làm lại khoảng chín lần, Harries nhớ lại.

Làm trẻ lại tế bào

Thí nghiệm này trên thực tế đã làm trẻ lại các tế bào già và biến chúng thành tế bào trẻ.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Đó là thí nghiệm đầu tiên từ trước đến nay đã đảo ngược quá trình lão hóa ở tế bào người.
Một số người cho rằng phát hiện này sẽ là chìa khóa giúp nhân loại sống lâu hơn. Harries đã bắt đầu nhận được những cuộc điện thoại từ các nhà đầu tư và các nhà khoa học trên khắp thế giới.
Tuy nhiên Harris không khoa trương lắm về mức độ sống thọ của con người. Bà tin rằng con người có tuổi thọ tối đa tự nhiên.
Ngay cả khi như thế, bà vẫn hy vọng rằng chủ đề nghiên cứu của bà sẽ cho ra đời một thế hệ mới những loại thuốc chống suy thoái cho những chứng bệnh như mất trí nhớ hay bệnh tim mạch.
"Điều mà tôi hy vọng là điều này sẽ cho phép chúng ta có một cách chữa trị sẽ giúp giải quyết những chứng bệnh này cùng một lúc để cho những người bệnh vốn phải mất sớm có thể tiếp tục sống cho đến tuổi thọ mà tự nhiên cho phép," Harries nói.
Có lẽ sẽ có một ngày chúng ta sẽ có thể thay thế những nội tạng bị hư tổn, uống thuốc bổ có khả năng tái tạo hệ vi sinh trẻ trung và ngăn chặn các tế bào bị lão hóa.
Nếu chúng ta đi theo dự đoán của Tuhin Bhowmick thì những người trẻ hiện nay có thể sống đến 135 tuổi.
Và cho đến khi các bạn đến được mức đó - năm 2116, nếu bạn sinh vào năm 1981 - thì ai có thể biết được nhân loại còn làm được gì nữa?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tết của Lộc Hưng



Tuần sau là vào chương trình nấu bánh chưng cho tết của đồng bào Vườn rau Lộc Hưng. 

Tôi đã đọc những bài báo viết về Lộc Hưng nôi dung tóm gọn đại loại :

- Nơi có bọn tệ nạn
- Noi có thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa
- Nơi có bọn cất nhà trái phép
- Nơi có tài liệu tuyên truyền chống nhà nước 
- Nơi vân vân vân và vân vân…


Hầu hết những bài báo ấy đều hoặc không dám để tên thật hoặc bút danh, cũng…không ai biết là ai. 

Nặc danh là điều tối kỵ đầu tiên của người cầm bút. Khi nặc danh nghĩa là không dám chính danh. Những bài báo ấy vô giá trị, hoặc chỉ có giá trị của thứ thần kinh tội nghiệp và rất…tội nghiệp vì hèn nhát hay nịnh bợ.

Trở lại vấn đề Lộc Hưng, tôi vẫn khẳng định : thương phế binh VNCH ư ? Vẫn cứ là đồng bào, hệt như thương phế binh của cuộc chiến Tây Nam hay cuộc chiến chống Trung Quốc 1979. Hoàng Sa ư ? Vẫn là liệt sĩ, những người bảo vệ hy sinh vì đất nước. 

Khi kẻ thù còn không dám gọi tên thì mọi thương binh đều là đồng bào. Côn đồ du đãng ư ? Không có côn đồ du đãng nào bằng kẻ cướp như nhà thơ Nguyễn Duy gọi tên :“Cướp từ bàn giấy cướp ra cánh đồng…”

Vài hôm nữa, ngọn lửa những nồi bánh chưng sẽ bập bùng. Dù tìm một địa điểm khơi lửa hoàn toàn không dễ dàng, khi biết đó là hàng trăm chiếc bánh của Lộc Hưng, và những người cùng khổ ấy sẽ không chỉ một mình hưởng thụ. 

Sẽ mang đi phân phát cho những người cùng khổ khác ngoài Lộc Hưng, trong cùng một quận của mình, lá nát đùm lá …nát bét. Thật tuyệt mà cũng thật ngậm ngùi, nhưng tình người lớn hơn tất cả. Không có âm mưu thủ đoạn, sự vu cáo nào có thể ngăn chận được tình đồng loại.

Bôi nhọ [có thể] cứ bôi nhọ, vu cáo [có thể] cứ vu cáo, nhưng sự thiêng liêng của cái tết cổ truyền và tình người đủ sức im lặng bước qua.

Hãy chờ ngọn lửa bập bùng ngày cận Tết ấy.

Hãy chờ và hãy tin đấy chính là tuyên ngôn im lặng nhất của người với người.

Sự im lặng của ngọn lửa, dù có thành tro tàn cũng vẫn âm ỉ giữ ấm trong tro tàn.

ĐỖ TRUNGQUÂN 19.01.2019

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hoàng Sa trong trí nhớ người Việt



Vào ngày này của 45 năm về trước, Trung Quốc đưa quân đánh chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa, do Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa quản lý hợp pháp, trước sự làm ngơ của Hoa Kỳ. Miền Bắc giữ im lặng, vì há miệng mắc quai. 

Trong thời kỳ căng thẳng sau chiến tranh biên giới đẫm máu 1979, sự kiện Hoàng Sa được đưa vào sách trắng của Bộ Ngoại giao, tố cáo việc Trung Quốc lợi dụng Việt Nam đang có chiến tranh, đánh chiếm Hoàng Sa như một bước đệm trong âm mưu thôn tính và nô dịch toàn cõi Đông Dương. 

Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, danh từ Hoàng Sa hoàn toàn biến mất trên báo chí chính thống của Việt Nam. Cho đến trước khi vấn đề Hoàng Sa được rụt rè đưa trở lại, hầu như người dân Việt Nam không hay biết gì mấy về phần lãnh thổ này. 

Thông tin về Hoàng Sa bị kiểm soát chặt chẽ đến mức ông Hữu Thọ, khi làm tổng biên tập báo Nhân Dân, trong một bài in trên báo, sơ suất để lọt hai chữ Hoàng Sa, liền bị ông Đỗ Mười gọi lên quạt cho một trận. Nguyên văn lời kể của ông Hữu Thọ tại Trường Viết văn Nguyễn Du: Cụ Mười đọc báo, gầm lên bảo: Thằng Thọ làm hỏng hết đại sự rồi! Rồi cụ lôi cổ tôi lên quạt cho một trận”.

Chính thể này đã mắc sai lầm quá lâu trong việc tuyên truyền cho người dân về phần lãnh thổ có tên là Hoàng Sa. Trong khi Trung Quốc thì tận dụng mọi cơ hội để nhét vào đầu hơn một tỉ dân của họ về cái gọi là “chuỗi ngọc trai của đất mẹ Trung Hoa vĩ đại”, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 

Một học sinh cấp ba của Trung Quốc cũng sẵn sàng bảo Việt Nam và một số nước đang ngày đêm hút trộm dầu của Trung Quốc! Vì họ được học như vậy, rằng thế hệ trẻ Trung Quốc có nghĩa vụ phải thu hồi các lãnh thổ ấy về cho đất mẹ Trung Hoa! Thậm chí họ đã đặt hẳn cả thời hạn, nghe nói là nhiệm vụ đó phải hoàn tất trước năm 2049?

Không thể phủ nhận việc công khai tuyên truyền về biển đảo của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, đã thấy chút dấu hiệu của “bản lĩnh dân tộc”. Nhưng mọi việc vẫn cứ như gà mắc tóc, ấm ớ và không rõ ràng. Những phản ứng yếu ớt, đơn điệu, nhàm chán của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao trong mấy chục năm qua mỗi khi nhắc đến chủ quyền lãnh thổ trước một gây hấn nào đó của Trung Quốc ngoài Biển Đông, là một bằng chứng. 

Tôi không thấy tí gì gọi là sự khôn ngoan chính trị trong những phát ngôn ấy, trái lại, nó chỉ chứng tỏ một sự bạc nhược là có thật. Nguy hại hơn, những tuyên bố kiểu như vậykhiến dư luận mất dần sự chú ý về một vấn đề rõ ràng là vô cùng lớn, mà họ không thể đứng ngoài cuộc. Người dân có quyền nghĩ, có vẻ như Nhà nước đã buông xuôi, nói thì cứ nói, đòi thì cứ đòi, khẳng định thì cứ khẳng định, nhưng thực chất là đã chấp nhận an bài ?

Rất may cho dân tộc này là vào lúc nước sôi lửa bỏng, đã kịp có một phong trào dân sự rộng lớn, được hình thành và kết nối thông qua mạng xã hội. Hoàng Sa trở lại mạnh mẽ, làm nhức nhối tâm thức cộng đồng, là nhờ ở phong trào này. Mạng xã hội cần phải tiếp tục nói không mệt mỏi cho người dân rằng Hoàng Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể thương lượng, hiện vẫn còn bị ngoại bang tàn bạo chiếm đóng. Cần phải cho các thế hệ người Việt ghi nhớ điều này, một cách rõ ràng và chính xác về bản chất. 

Chỉ trên cái nền tảng sự thật ấy của hiện tình đất nước, mới có thể đề ra được các sách lược thông minh và đúng hướng trong việc gắn kết chặt chẽ với ai thì có lợi cho việc bảo vệ lãnh thổ. Nếu chúng ta, vì kém cỏi đành thoái thác nhiệm vụ to lớn ấy cho thế hệ tương lai, thì đừng tiếp tục bịt tai, bịt mắt, bịt miệng họ?

TẠ DUY ANH 19.01.2019

nhận xét hiển thị trên trang

LỜI DI CHÚC CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG


Nguyễn Lương AnhTuấn
LỜI DI CHÚC CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG
(1258-1309)
“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo.
Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo.
Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu.
Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải.
Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn.
Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước.
Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp.
Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta.
Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta, từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.
Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn : 
“Một tấc đất của Tiền nhân để lại,
cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”.
Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”. 
--------------
19.01. 1974-19.01.2019 Tưởng nhớ đến các anh hùng đã hy sinh để vệ chủ quyền của đất nước.
Những kẻ rắp tâm dâng đất đai, biển đảo cho giặc sẽ đời đời bị nguyền rủa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tin Biển Đông Mới Nhất Tối 18/1/2019: Trung Quốc đáp trả CỰC GẮT vụ Mỹ B...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Công nghiệp mấy chấm cũng có mặt trái



Cách đây mười lăm, hai chục năm, mọi người hăm hở nói về toàn cầu hóa, về thế giới phẳng tương tự như sự hăm hở chúng ta đang chứng kiến chung quanh khái niệm cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu như mặt trái của toàn cầu hóa đã được xác định rõ, mặt trái của công nghiệp 4.0 lại chưa được nhắc đến hoặc bị chìm lấp trong sự hứng khởi mà khái niệm này đem lại.

Kinh tế toàn cầu chỉ còn lại vài tay chơi khổng lồ

Mặt trái đầu tiên của cuộc cách mạng công nghiệp, dù thứ ba hay thứ tư, chính là sự thống trị của một số doanh nghiệp, làm bóp nghẹt tinh thần cạnh tranh, chặn đường tham gia thị trường của các doanh nghiệp khác.

Hiện chúng ta đang lệ thuộc vào Google khi tìm kiếm thông tin, vào Facebook khi tạo dựng các mối quan hệ xã hội ảo, vào Spotify hay Apple Music khi nghe nhạc trực tuyến… Trước đây hàng trăm hàng ngàn doanh nghiệp cạnh tranh để bán hàng cho chúng ta nhưng nay khi nghĩ đến mua hàng trực tuyến chỉ còn lại một số rất ít như Amazon (hay tại Việt Nam, chỉ vài ba tên tuổi như Lazada, Tiki hay Shopee, Sendo). Các khách sạn, muốn bán được phòng cho bên ngoài, ắt phải dựa vào một số dịch vụ đặt phòng trực tuyến và chịu phụ thuộc vào họ như Agoda hay Booking.com.

Thử tưởng tượng chúng ta không khoái cách ứng xử của Facebook, rất muốn ủng hộ một mạng xã hội khác nhưng con đường để một doanh nghiệp nào đó vươn lên xây dựng một hệ sinh thái như Facebook là cực kỳ khó khăn. Chúng ta đã có trải nghiệm trong việc này: khi Uber rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á nhường sân chơi lại cho Grab, cứ tưởng viết một chương trình ứng dụng đặt xe rồi kêu gọi lái xe tham gia là chuyện dễ làm nhưng chưa có doanh nghiệp nào trong nước vươn lên kịp thời để thế chỗ Uber.

Cái cách nguồn vốn khởi nghiệp, vốn mạo hiểm đổ vào các doanh nghiệp như Uber hay Grab làm các nơi khởi nghiệp khác khó lòng cạnh tranh. Họ rót vào một số doanh nghiệp những khoản tiền khổng lồ để định hình một dịch vụ mới với kỳ vọng thu được lợi nhuận trong tương lai còn trước mắt là để khỏi tụt hậu trong thời công nghiệp 4.0. Uber hay Grab hay cả GoViet không để tâm đến thu chi sao cho nhanh chóng huề vốn và có lãi. Mục đích của họ chỉ là tăng trưởng nhanh chóng để đem lại giá trị cho phần vốn đầu tư của giới tài chính thì làm sao những doanh nghiệp bình thường với kế hoạch lời lỗ cụ thể cạnh tranh lại nổi.

Tài chính ăn hết

Bạn có biết Jeff Bezos, người sáng lập và hiện là chủ tịch Amazon, năm 2017 chỉ nhận lương chừng 80.000 đô-la nhưng tài sản của ông ta hiện lên đến 163 tỷ đô-la và tài sản này cứ gia tăng từng phút từng giây. So với mức lương trung bình của nhân viên Amazon là 28.000 đô-la/năm thì cứ 10 giây gia sản của ông ta tăng còn hơn mức đó.

Trong nền kinh tế số, tài sản của những người giàu nhất hành tinh ngày càng phình to ra. Trước đây Oxfam nghiên cứu tính toán thấy 1% người giàu nhất thế giới có tài sản nhiều hơn 99% dân số còn lại nhưng đó là vào năm 2015. Giờ chỉ cần 9 người giàu nhất cũng đã có gia sản bằng một nửa số dân của cả hành tinh, tức 4 tỷ người.

Trước đây một người muốn lọt vào danh sách 100 người giàu nhất cần phải tích lũy sản nghiệp qua nhiều thế hệ. Nay Mark Zucerberg, tay sáng lập Facebook, chỉ cần chừng hơn 10 năm để trở thành người giàu thứ 5 toàn thế giới, với tài sản khoảng 71 tỷ đô-la. Các thanh niên khởi nghiệp ngủ một đêm thức dậy trở thành tỷ phú là chuyện không còn hiếm hoi nữa.

Nếu chọn cách nói ngắn gọn nhất, có thể nói cách mạng công nghiệp 4.0 thay con người bằng máy móc, từ sử dụng trí tuệ nhân tạo đến tự động hóa các dây chuyền sản xuất, từ xe tự lái đến vạn vật kết nối, máy móc sẽ đảm nhận nhiều công việc trước đây do con người thực hiện. Như vậy lợi nhuận của nền kinh tế không còn phải chi một phần khá lớn cho lao động nữa mà dồn về cho vốn.

Nói cách khác, toàn cầu hóa là cách giới doanh nghiệp tìm nguồn lao động rẻ nhất để tiết kiệm chi phí; chuyển nhà máy từ Mỹ qua Trung Quốc có thể làm dân lao động Mỹ mất việc làm, lao động Trung Quốc thêm việc làm nhưng phải nhận đồng lương ít hơn, phần chênh lệch rơi vào túi dân tài chính. Nay công nghiệp 4.0 không cần tìm nơi lao động rẻ nhất nữa, giới chủ chỉ cần đầu tư vào máy móc, khấu hao dần và một lần nữa tài chính lại hưởng phần chênh lệch.

Người lao động bị vắt kiệt

Trước đây công nhân còn có sức mạnh thương lượng thông qua số đông và tổ chức kiểu như công đoàn. Nay nền kinh tế số dẫn tới những nghề tự do, tham gia vào thị trường lao động bằng mối liên kết lỏng lẻo hơn nhiều. Vì tham gia với tư cách cá nhân nên người lao động đánh mất sức mạnh thương lượng. Đó là tình cảnh của những công nhân trong nền kinh tế chia sẻ mà có thể là hình thức lao động chủ yếu trong công nghiệp 4.0. Uber rút ra khỏi Đông Nam Á hé lộ cho thấy số phận của những người lái xe trước đó được Uber o bế và khi không cần nữa, đã bị gạt ra rìa như thế nào.

Hãy lấy một ví dụ khác, Google Translate và nhiều ứng dụng dịch thuật khác, dù chưa hoàn chỉnh nhưng đã có những bước tiến đột phá. Người ta có thể dùng Google Translate để dịch nháp một văn bản nhanh như chớp, xong rồi bỏ công ra chỉnh sửa cho khớp với văn bản gốc, viết lại câu cú cho trôi chảy – nói chung là người dịch đã có thể trông cậy vào tiến bộ công nghệ để tăng năng suất lên nhiều lần. Bên cạnh đó, công nghệ cũng giúp việc liên lạc khắp thế giới thuận tiện như ngồi cùng tòa nhà; số lượng người dịch ở các nước đang phát triển gia tăng nhanh chóng. Thị trường dịch thuật bị xáo động khi nguồn cung về người dịch tăng vọt, giá cả bị cạnh tranh đẩy xuống mức thấp chưa từng có. Người dịch phải bỏ công sức gấp nhiều lần so với trước mà chưa chắc đã có thu nhập bằng như cũ vì miếng bánh phải chia cho gấp mấy lần so với trước.

Mặt khác, hàng triệu người trước đây kinh doanh nhỏ lẻ nhưng bị đẩy vào tình cảnh phá sản vì các mô hình mới như Amazon phải trở thành công nhân cho bộ máy đó, thu nhập thấp hơn, làm việc quần quật hơn. Cũng đã có những cảnh báo về việc công nghiệp 4.0 hay tự động hóa sẽ lấy đi nhiều công ăn việc làm nhưng dường như chưa ai hoảng hốt vì các cảnh báo này. Hàng triệu công nhân may mặc sẽ thất nghiệp không ngăn được doanh nghiệp đầu tư vào robot biết cắt may quần áo vì lúc đó biết đâu biên lợi nhuận của họ sẽ tăng cao hơn bây giờ. Người làm chính sách vẫn say sưa với viễn cảnh hàng may mặc chất lượng đều tăm tắp vẫn sẽ được xuất đi các nước vì chưa nghĩ đến hậu quả nặng nề mà hàng triệu công nhân mất việc kia sẽ đè nặng lên xã hội.

Cứ hình dung như thế này sẽ thấy: Năm 1990 ba công ty lớn nhất Detroit có tổng doanh thu 250 tỷ đô-la, thuê mướn 1,2 triệu công nhân; năm 2014, ba công ty lớn nhất Silicon Valley có doanh thu gần tương đương là 247 tỷ đô-la nhưng chỉ tuyển dụng có 137.000 nhân viên. Tiền thu được thay vì trả lương cho công nhân nay được rót cho tư bản tài chính.

Phá vỡ nhiều cơ cấu xã hội

Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi tận gốc rễ ở nhiều ngành nghề, nhiều lãnh vực. Chỉ cần nhìn vào ngành báo chí sẽ thấy chưa chắc thay đổi như thế là điều tốt đẹp cho xã hội. Trước đây báo chí tồn tại là nhờ quảng cáo và miếng bánh quảng cáo ngày xưa chỉ chia cho các mảng rất rõ như báo in, radio, truyền hình, quảng cáo ngoài trời, cùng lắm là quảng cáo di động in trên thân xe. Nay miếng bánh quảng cáo chia phần lớn cho các mạng đang chiếm hết thời gian của người xem như Facebook, YouTube, Google… Trên không gian của các gã khổng lồ đó, rất nhiều tay chơi mới xuất hiện giành thêm một số khách hàng trước đây của báo chí nữa. Vì thế báo chí suy yếu, co cụm và thu nhỏ lại là điều không thể tránh khỏi.

Ngày nay ai cũng có thể trở thành một nguồn giải trí và nhờ đó được trả công bằng tiền quảng cáo. Còn báo chí với chức năng cung cấp thông tin đã trở thành thứ yếu, không cạnh tranh nổi với các nguồn giải trí kia.

Thế nhưng xã hội thiếu vắng báo chí sẽ bị lấp đầy bởi tin đồn, tin vịt, tin giả… Cơ chế kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải của báo chí bị bỏ qua trên các kênh thông tin khác. Con người, hàng ngày bị phơi nhiễm các nguồn thông tin không chính thống chắc chắc sẽ bị tác động để cuối cùng trở thành người để cảm xúc chi phối thay vì tin vào dữ kiện khách quan do báo chí đem lại. Thay thế các định chế lâu đời như báo chí bằng Facebook hay Twitter thì liệu có đáng đánh đổi không?

Nhìn tổng quát, bài toán của nền kinh tế khi bước vào một giai đoạn mới là rất rõ ràng: sẽ có nhiều người hưởng lợi nhiều nhất và cũng sẽ có nhiều người khác chịu thiệt hại nhiều nhất do những thay đổi mà cuộc cách mạng này đem lại. Hăm hở với khái niệm 4.0 một cách chung chung là một sự hăm hở đầy rủi ro. Ngó lơ đi nơi khác cũng đưa xã hội vào tình thế bế quan tỏa cảng ngày xưa. Cả hai thái độ đều có thể dẫn đến sai lầm. Chỉ có hiểu rõ những mặt trái của công nghiệp 4.0 trong khi tiếp nhận nó, sử dụng nó ở mức độ tốt nhất cho xã hội bằng cách lường trước những tác hại có thể xảy ra mới mở ra những giải pháp khả thi.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một thế giới đầy nghịch lý Các



Các mâu thuẩn nổi lên trong năm tới sẽ định hình cho dòng chảy thời sự của cả năm.

Toàn cầu hóa 4.0 cho ai?

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên tại Davos năm tới (từ 22-25/1/2019) chọn chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0”. Điều này không lạ vì nhà sáng lập và giám đốc điều hành WEF, ông Klaus Schwab là người thường xuyên nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điều lạ là thay vì ca tụng tiềm năng “đổi đời” của cuộc cách mạng công nghiệp này, nhiều người gắn khái niệm “Toàn cầu hóa 4.0” với những thử thách to lớn mà nhân loại đang phải đối diện và tìm cách giải quyết.

Viết trên tờ Project Syndicate, bà Winnie Byanyima, giám đốc điều hành Oxfam International hỏi thẳng: “Toàn cầu hóa 4.0 cho ai?” Một mặt thừa nhận những lợi ích to lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đem lại cho mọi người, mặt khác, bà lo sợ đây là một cuộc đua xuống đáy mới, làm bùng nổ bất bình đẳng và gieo rắc sự bất mãn khắp nơi. Đúng là mô hình phát triển kinh tế trong mấy chục năm qua đẩy thế giới vào một sự chênh lệch giàu nghèo khó tưởng tượng nổi: năm ngoái 1% người giàu nhất lấy hết 82% thu nhập toàn cầu; gần như một nửa nhân loại chỉ cần đột ngột mắc bệnh hay mất mùa là sẽ rơi ngay vào cảnh cùng cực. Trong khi đó các vấn đề dai dẳng như biến đổi khí hậu, phân biệt chủng tộc, phân biệt nam nữ hầu như không có chút tiến triển nào. Thế nên các đột phá trong công nghệ, kiểu như trí tuệ thông minh nhân tạo, tự động hóa, vạn vật kết nối… để làm gì, chúng phục vụ cho ai, ai sở hữu chúng?

Nếu dòng tự sự về toàn cầu hóa giai đoạn mới vẫn do các tay tỷ phú ở Silicon Valley chủ động dẫn dắt nhằm tăng thêm chút giá cổ phiếu, giảm thêm chút thuế; nếu chính phủ các nước ngồi lại với nhau chỉ để tính chuyện giảm thuế cho hàng hóa của nhau rồi rót tiền thuế của dân cho các dự án với tham vọng thống trị thị trường thế giới… thì toàn cầu hóa 4.0 chẳng khác gì toàn cầu hóa của ba bốn thập niên trước.

Thế nhưng kỳ vọng một diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức ở khu nghỉ dưỡng sang trọng Davos sẽ giải quyết vấn đề bất bình đẳng toàn cầu là một điều không tưởng. Với Klaus Schwab, “toàn cầu hóa” (globalization) khác với “chủ nghĩa toàn cầu” (globalism). Theo ông, trong khi toàn cầu hóa là một hiện tượng thúc đẩy bởi công nghệ và sự dịch chuyển của ý tưởng, con người và hàng hóa thì chủ nghĩa toàn cầu là hệ tư tưởng ưu tiên một trật tự thế giới tân tự do hơn là các lợi ích quốc gia. Ý ông muốn nói toàn cầu hóa là không thể tránh được còn chủ nghĩa toàn cầu lại là một chọn lựa mang tính chính trị. Thế nhưng chính những người theo chủ nghĩa toàn cầu lại thúc đẩy cho một thế giới toàn cầu hóa thì tính sao?

Rõ ràng những người yếu thế trong cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay càng chịu thua thiệt vì mô hình phát triển sắp tới càng dựa vào lợi thế sở hữu vốn, sở hữu trí tuệ và công nghệ, những tài sản giới công nghệ có sẵn còn người thường ngày càng đánh mất. Ngay chính dữ liệu của người dân mà cũng bị đem ra đánh đổi, mua bán nói gì đến thứ khác.

Khó thoát kiếp gia công làm công xưởng cho thế giới

Ba bốn thập niên vừa qua, Trung Quốc học rất thuộc bài “toàn cầu hóa” nên đã trở thành cơ sở sản xuất hàng hóa khổng lồ cho cả thế giới: mở cửa đón làn sóng đầu tư nước ngoài muốn tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, đồng thời cải cách môi trường kinh doanh, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển để tiếp nhận kinh nghiệm sản xuất, quản lý từ khu vực đầu tư nước ngoài, dần dần tiến lên các bực thang cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thế nhưng một khi Trung Quốc muốn thoát khỏi vai trò này, đề ra chiến lược “Made in China 2025” nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc vươn lên dẫn đầu các ngành công nghệ mới, họ đã bị Mỹ tìm mọi cách cản trở. Tin tức cả năm 2018 xoay quanh những diễn biến được gọi là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hết bên này áp thuế lên hàng nhập khẩu của nước kia đến những cáo buộc thao túng tỷ giá… Tuy nhiên, đằng sau những thông tin này là cả một chiến lược Mỹ muốn triển khai để trói tay Trung Quốc không cho bước lên các bậc thang cao hơn. Nói cách khác, Trung Quốc được hoan nghênh tham gia toàn cầu hóa nhưng muốn có chính sách theo chủ nghĩa toàn cầu lại bị chặn đường.

Đó là bởi Trung Quốc trở thành một chiếc gai nhọn làm Mỹ khó chịu: thâm hụt thương mại ngày càng lớn trong khi công nhân Mỹ mất việc làm về tay Trung Quốc; nước này lại tìm mọi cách để thụ đắc bí kíp công nghệ, kể cả buộc doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao mới được làm ăn ở nước này; nay Trung Quốc lại có tham vọng vượt lên đứng đầu trong những lãnh vực mũi nhọn như viễn thông, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… Các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc đang đi đầu trong công nghệ 5G trong khi doanh nghiệp Mỹ chưa có gì trong tay. Mỹ có gì Trung Quốc cũng có cái tương đương để cạnh tranh như Baidu, Alibaba và Tencent. Trung Quốc lại đang phát triển mạnh những công nghệ vẫn còn ở thời kỳ sơ khai tại Mỹ như xe chạy bằng điện, tự động hóa trong sản xuất, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều lãnh vực.

Lý do Mỹ đưa ra là Trung Quốc đã sử dụng các doanh nghiệp nhà nước, nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước để tạo ra đột phá trong kế hoạch “Made in China” 2025 nên không công bằng với các doanh nghiệp khác. Các dấu hiệu cho đến nay cho thấy có thể Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ Mỹ, giảm bớt tham vọng “Made in China” 2025 để tránh hậu quả tai hại của cuộc chiến thương mại đang diễn ra, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Điều hay là Mỹ không “chạy đua vũ trang” bằng cách hậu thuẫn cho các doanh nghiệp lớn của họ để cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ngược lại, họ đang hành xác các doanh nghiệp này như liên tục bắt CEO của Google, Facebook ra điều trần. Ngày xưa họ từng ép Microsoft không được dùng thế độc quyền của Windows để chèn ép các ứng dụng duyệt web khác; ngày nay cũng có nhiều ý kiến muốn chẻ nhỏ Google ra để tránh độc quyền. Đó là bởi họ hiểu chỉ có chống độc quyền triệt kể, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh mới làm doanh nghiệp của họ lớn lên thật sự. Và cũng nhờ vậy, ngày trước Google mới thoát khỏi cái bóng của Microsoft để lớn mạnh. Trung Quốc e còn lâu mới học được bài học này.

NVP

Phần nhận xét hiển thị trên trang