Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

ĐẦU NĂM, CHÍNH PHỦ D.TRUMP HỪNG HỰC KHÍ THẾ CHỐNG TRUNG QUỐC


Ảnh: Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định Mỹ sẽ không bỏ qua 
cho các hành động đe dọa của Trung Quốc trên vùng biển quốc tế.

Không chỉ là tổng thống Trump với việc ký đạo luật bán vũ khí cho Đài Loan khiến ông Tập lo lắng mà còn có việc ông quyền bộ trưởng quốc phòng mới Shanahan với tinh thần chống Trung quốc hừng hực khí thế. Ngay trong buổi làm việc đầu tiên ở Lầu Năm Góc trong tư cách quyền bộ trưởng, ông Shanahan đã nhấn mạnh làm gì thì làm cũng không được quên vấn đề Trung quốc và ông lặp lại 3 lần cụm từ Trung quốc một cách rất mạnh mẽ. 

Cách thể hiện đó của một người đang nắm ngành quốc phòng Mỹ cho thấy quan điểm cứng rắn của chính quyền Trump với Trung quốc như thế nào.

Nhưng ông Shanahan không chỉ nói mà ông đã làm. Bằng chứng là ngay ngày đầu năm, quân đội Mỹ đã thông báo với quân đội Nhật về kế hoạch triển khai các tên lửa đất đối hạm trên hòn đảo Okinawa chiến lược của Nhật Bản nhằm tiến hành cuộc tập trận tên lửa đầu tiên tại khu vực này. Theo đó cuộc tập trận này sẽ có súng phóng tên lửa di động và đây được xem là biện pháp đối phó với các cuộc tấn công có thể xảy ra từ các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Như vậy mới có 3 ngày đầu năm mà đã có hàng loạt sự kiện sự cứng rắn nên chắc chắn những ngày tới đây còn có nhiều sự kiện khác nữa.

Cũng cần nói thêm, đây không phải là những sự kiện bột phát mà là chiến lược được chuẩn bị từ lâu và có lẽ trong năm 2019 này Mỹ sẽ tập trung mạnh vào các vấn đề khác như Biển Đông, Đài Loan… vì vấn đề thương mại coi như đã xong. 

Chúng ta quay trở lại vào thời gian hồi tháng 10 năm ngoái. Khi trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Hugh Hewitt Show, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Washington sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc, và đòi hỏi Bắc Kinh cần thay đổi cách hành xử trong các lĩnh vực thương mại, quan hệ quốc tế, quân sự và chính trị.

Nói về Biển Đông, ông John Bolton khi ấy đã nói: 

“Có một số điều Trung Quốc cần hiểu. Chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động tương tự. Họ cần phải hiểu rằng những điều họ đã làm trên Biển Đông không phải là sự đã rồi. Đây không phải là một tỉnh của Trung Quốc và điều đó sẽ không bao giờ xảy ra”.

Ông cũng đã nói về sự cứng rắn của ông Trump: “Họ chưa bao giờ thấy một tổng thống Mỹ cứng rắn như vậy. Tôi nghĩ họ cần phải thay đổi thái độ trên mọi lĩnh vực”.

Đó là những tuyên bố vào hồi năm ngoái còn năm nay thì chính phủ ông Trump thực hiện. Và ông Trump đã triển khai rất sớm ngay từ thời khắc giao thừa 2018 nên chỉ mới 3 ngày mà không khí chống Trung quốc đã nóng hừng hực. 

Tôi nghĩ tới giữa năm nay sẽ có những bất ngờ lớn ở Biển Đông. 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN-TUYỆT PHẢM CUỐI CÙNG CỦA VĂN CAO


Nguyễn Thế Khoa- bây giờ thì “Mùa xuân đầu tiên” đã trở thành một trong những ca khúc hay nhất, phổ biến rộng rãi nhất, được yêu thích nhất trong di sản âm nhạc của Văn Cao, sánh ngang với những tuyệt phẩm bất hủ “Bến xuân”, “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Buồn tàn thu”, “Bắc Sơn”, “Tiến quân ca”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Trường ca sông Lô”, “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”…

Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…
Đến bây giờ thì “Mùa xuân đầu tiên” đã trở thành một trong những ca khúc hay nhất, phổ biến rộng rãi nhất, được yêu thích nhất trong di sản âm nhạc của Văn Cao, sánh ngang với những tuyệt phẩm bất hủ “Bến xuân”, “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Buồn tàn thu”, “Bắc Sơn”, “Tiến quân ca”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Trường ca sông Lô”, “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”… Với khúc valse dịu nhẹ, thư khoan mà sức lay động, thức tỉnh dường như không cùng trên, thiên tài âm nhạc Văn Cao đã phục sinh cùng mùa xuân đại thắng của đất nước.
Họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, kể rằng, từ sau khi sáng tác “Tiến về Hà Nội”, Văn Cao đã thề là sẽ không bao giờ sáng tác ca khúc nữa. Chuyện là cuối năm 1948, khi từ Việt Bắc chuyển về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 3 cùng với Nguyễn Đình Thi, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Tử Phác ở khu căn cứ Chợ Đại (Ứng Hòa, Hà Nội), Văn Cao được hai đồng chí lãnh đạo Liên khu 3 và Thành ủy Hà Nội hồi ấy là Khuất Duy Tiến và Lê Quang Đạo giao nhiệm vụ sáng tác một bài hát về Hà Nội. Văn Cao kể lại, sau một cuộc họp chi bộ, trong bữa cơm, đồng chí Lê Quang Đạo đã nắm chặt tay ông và nói: "Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động. Nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca Sông Lô. Vậy nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!". Đầu xuân 1949, Văn Cao đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, bài hát “Tiến về Hà Nội” ra đời trong niềm vui khôn xiết của ông, bạn bè văn nghệ và các đồng chí Khuất Duy Tiến, Lê Quang Đạo:
Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về...
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh
Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên…
Bài hát ngay lập tức được đồng chí Khuất Duy Tiến cho in trên báo Thủ đô, được lưu truyền trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Liên khu 3 và rất được yêu thích. Tuy vậy, chỉ ít lâu sau, khi một đồng chí lãnh đạo thượng cấp được nghe “Tiến về Hà Nội” và phán rằng đây là bài hát “lạc quan tếu”, “lạc quan tiểu tư sản”, Văn Cao liền bị đưa ra kiểm điểm, bị phê phán khắp nơi. Từ đó, không ai dám hát “Tiến về Hà Nội” nữa…
Kể từ cú sốc ấy, và nhất là sau cái tai nạn Nhân văn nặng nề, suốt 26 năm, trong im lặng và cô đơn, Văn Cao vẫn làm thơ, vẽ, nhưng sáng tác âm nhạc thì không.
Nhưng ngày 30-4-1975, cái “ngày vĩ đại” (Chế Lan Viên) của đất nước đã đến. Bên ly rượu nhỏ trên căn gác nhỏ 108 Yết Kiêu, Hà Nội, Văn Cao thầm lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt gầy guộc, khắc khổ. Những giai điệu chợt trào dâng trong ông. Cả năm 1975, Văn Cao bỗng hào hứng trở về với âm nhạc. Ông nhận sáng tác nhạc cho phim “Chị Dậu” của đạo diễn Phạm Văn Khoa rồi viết cả một bản giao hưởng cho phim “Anh bộ đội Cụ Hồ” của xưởng phim Quân đội. Và trong một lần họp mặt cùng bạn bè ở Chiếu Văn của nhà văn Sơn Tùng, Văn Cao nói rằng ông sẽ có một ca khúc mừng “mùa xuân đầu tiên tổ quốc thống nhất sau 30 năm nhà nước dân chủ nhân dân ra đời, nền cộng hòa được thiết lập”. Chắc chắn phải như vậy rồi. Tác giả Quốc ca là người nhạc sĩ sinh ra để làm nên những khúc ca của các chiến sĩ giải phóng dân tộc, để vĩnh cửu hóa những khoảng khắc, những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước trong âm nhạc với những “Bắc Sơn”, “Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca”, “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Trường ca sông Lô”…Khúc khải hoàn kháng chiến chống Pháp của âm nhạc cách mạng, bên cạnh “Chiến thắng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, “Quê tôi giải phóng” của Văn Chung, là “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao, bài hát “vừa hùng tráng vừa trữ tình” như mong muốn của đồng chí Lê Quang Đạo, được viết từ 6 năm trước đó, trong những ngày khó khăn nhất của cuộc kháng chiên, dù bị phê phán, bị cấm đoán, vẫn được chiến sĩ và nhân dân hát vang ngày giải phóng thủ đô tháng 10/1954. Bây giờ, sau 30 năm xương máu hy sinh, đất nước giành được trọn vẹn độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, Văn Cao không thể im lặng.
Những ngày đầu xuân 1976, Văn Cao ngồi vào đàn. Mùa xuân thanh bình, thống nhất, cái mùa xuân hằng đau đáu mơ ước của mỗi con người Việt Nam trong suốt 30 năm, có lúc tưởng chừng sẽ không bao giờ đến, cuối cùng đã đến, thật tự nhiên nhưng quá đỗi bất ngờ, thật bình thường nhưng vô cùng kỳ diệu, thật xưa cũ nhưng cũng thật mới mẻ, tinh khôi. Trong nhịp valse dịu nhẹ, khoan nhặt của những “Làng tôi”, “Ngày mùa” hơn 20 năm trước, Văn Cao bắt đầu ca khúc mới của mình bằng những hình ảnh giản dị về cái “mùa xuân đầu tiên” tự nhiên – bất ngờ, bình thường – kỳ diệu, xưa cũ - tinh khôi ấy:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn…
Trong mùa xuân đoàn tụ, sum họp này, ấn tượng nhất, xúc động nhất chắc chắn là hình ảnh những đàn con đã về với mẹ sau ba mươi năm trận mạc với những giọt nước mắt ướt đầm vai áo người chiến sĩ:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh…
Được trực tiếp chứng kiến cái “mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu” nay đã về, được ngây ngất giữa niềm vui bất tận đang long lanh tỏa sáng trong mỗi ánh mắt, mỗi tâm hồn, niềm hạnh phúc nghẹn thắt trái tim người nhạc sĩ chợt run rẩy bật thành lời:
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm...
Văn Cao chợt ý thức đây chính là giờ phút có thể cảm nhận rõ hơn bao giờ cái ý nghĩa lớn lao của những gì đã kết thúc và những gì sẽ bắt đầu. Chiến tranh, chia cắt đã kết thúc, hòa bình, thống nhất đã bắt đầu, nhưng có cái gì đó còn sâu xa hơn, thiết yếu hơn, nhân bản hơn, cần phải được bắt đầu. Và đoạn cao trào vụt sáng, thiết tha, say đắm mà day dứt, trăn trở:
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…
Nói đoạn cao trào này là mơ ước, khát vọng, niềm tin của Văn Cao cũng đúng mà nói đó là nhắn nhủ, là cảnh báo của nhạc sĩ cũng không sai. Chúng ta không khỏi giật mình khi nghe thấy ở đây như vang lên một thông điệp thật quan trọng: nếu từ đây, người không biết quê người, người không biết thương người, người không biết yêu người, thì cái chiến thắng vĩ đại hôm nay sẽ không thực sự có ý nghĩa.
“Mùa xuân đầu tiên” hoàn thành. Sau Tết 1976, ca khúc đã được những người bạn thân thiết của Văn Cao truyền tay nhau. Mọi người vui mừng hiểu rằng thiên tài âm nhạc của Văn Cao đã thực sự phục sinh, người nhạc sĩ lớn lại có một tuyệt phẩm dành cho đất nước, nhân dân của mình. Ngay trong năm 1976, “Mùa xuân đầu tiên” được giới thiệu trên báo Sài Gòn giải phóng và sau đó được các bạn Liên Xô chọn dịch sang tiếng Nga in trong một tuyển tập ca khúc của Nhà Xuất bản Âm nhạc Matscơva và được lưu truyền trong cộng đồng người Việt ở Liên Xô và Đông Âu.
Tuy vậy, ở trong nước, khúc valse dịu nhẹ thủ thỉ tâm tình của Văn Cao không được các đơn vị truyền thông đại chúng và các đơn vị nghệ thuật biểu diễn để ý giữa một biển những tụng ca hào sảng, hùng tráng cùng về đề tài trọng đại này. Đó là chưa kể khi được in trên Sài Gòn giải phóng, một số quan chức văn hóa tư tưởng quá cảnh giác đã lưu ý nhắc nhở tòa báo về cái “chất nhân văn” trong tác phẩm của người từng bị khép vào nhóm Nhân văn Giai phẩm 20 năm trước. Như số phận trắc trở, truân chuyên của thiên tài sinh ra mình, phải 20 năm sau ngày ra đời (1996), sau cả khi Văn Cao mất (1995), “Mùa xuân đầu tiên” mới đến được với đông đảo công chúng trong nước khi các đài phát thanh truyền hình lớn dàn dựng, phát sóng.
Từ đó, “Mùa xuân đầu tiên” dần phát lộ toàn bộ chân giá trị của một tuyệt phẩm, ngày càng được ưa thích rộng rãi và trở thành khúc nhạc lòng của mỗi người Việt Nam mỗi độ xuân về và mỗi khi ngày 30-4 tới với nỗi mong ước khắc khoải:
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người...

nhận xét hiển thị trên trang

VIỆC MÌNH LÀM ĐƯỢC ĐỪNG ĐỂ NGƯỜI KHÁC




Luân Lê
2 - 1- 2019
 
Việc mình làm được thì đừng để người khác.

Chúng ta hãy coi đây là một phương châm sống không chỉ trong cuộc sống cá nhân mà cả trong việc hành xử đối với người khác và giáo dục cho những đứa trẻ.

Không phải vì bởi đã có những người dọn rác nên chúng ta có thể xả rác bừa bãi và vô tội vạ để mặc cho những công nhân đó phải cực nhọc dọn dẹp những thứ hổ lốn do chúng ta vung ném ra.

Người Nhật, đi đâu, mỗi cá nhân đều có một túi đựng rác nhỏ gọn và tiện lợi để đựng rác của chính mình nhằm tránh việc phải vứt chúng một cách tuỳ tiện vào đâu đó. Họ coi việc đó là bổn phận và tráhc nhiệm của chính mình trước với môi trường và những người xung quanh. Và do vậy mà đất nước họ trở nên sạch đến mức mà cá có thể sống được ở trong các cống rãnh chứa nước thải sinh hoạt và sản xuất.

Việc mình làm được thì đừng để người khác.

Hãy lấy đó làm phương châm để tự mình ý thức mọi hành động của mình và để giáo dục những đứa trẻ trở nên văn minh với cùng một nhận thức như thế. Điều đó không chỉ tốt cho bản thân mà còn hữu ích cho cả những người khác và cho cả môi trường sống. Chính chúng ta sẽ thôi tuỳ tiện trong việc xả thải, và tự thấy có trách nhiệm để cân nhắc trước khi thực hiện những hành động kiểu đó.

Ở nhiều quốc gia châu Âu, họ quy định mỗi gia đình phải phân loại rác ngay tại tư gia với từng loại, nhóm rõ ràng, nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng. Ví dụ nhóm rác hữu cơ có thể phân huỷ và không thể phân huỷ, nhóm vô cơ không thể phân huỷ và có thể tái chế...vì vậy, việc ra nơi công cộng và xả thải bừa bãi chính là việc xâm hại vào trật tự quản lý hành chính về môi trường. Những người thu gom rác vừa vất vả, lại vừa khó thể nào xử lý được việc phân loại các loại rác được người dân thải ra khắp nơi như thế.

Từ việc đó, có thể đưa đến một triết lý giáo dục dành cho những đứa trẻ, đó là muốn tự lập, tự chủ và tự tin để từ đó trở nên tự do thì “việc gì làm được thì đừng để người khác”. Chúng ta sẽ có một thế hệ văn minh và độc lập, có thể tái thiết lại được đất nước đang rơi vào những suy đồi và tha hoá mọi mặt ngày hôm nay và giai đoạn lịch sử khốc hại này.

Chúng ta không thể thay đổi được lịch sử, nhưng chúng ta có thể tạo ra lịch sử và có thể quyết định được nó tồn tại theo cách nào. Và chúng ta, vào một lúc nào đó, có thể sẽ hối tiếc về lịch sử khi nhìn lại, nhưng chính vì thế đừng để điều hối tiếc đó xảy ra mới là điều tốt đẹp hơn cả.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

“Có những người bán rẻ Tổ quốc vì quyền lợi cá nhân”


"Có những người lúc đầu khi chưa có quyền lực thì tốt, nhưng sau đó, khi đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư hỏng, thành người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì ngai vàng của cá nhân".
LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết mới nhất của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, xung quanh một vấn đề mà ông luôn trăn trở - quyền lực và kiểm soát quyền lực.
Quyền lực như “con ngựa” bất kham, người không đủ nhân cách mà giao cho họ cầm cương thì nó sẽ tung phá, gây đổ ngã và làm chết cả người ngồi trên yên ngựa. Quyền lực là "con dao" hai lưỡi, có thể phục vụ cho đời và cũng có thể làm hại đất nước nếu rơi vào tay những kẻ bất tài, tham lam.
Năm 2011, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cập, dù là mới thoáng qua, việc kiểm soát quyền lực. Rất tiếc là chủ trương đó chưa được triển khai thực hiện cụ thể. Trước và trong Đại hội XII, Tổng Bí thư của Đảng ít nhất đã hai lần nhấn mạnh phải kiểm soát quyền lực.
Gần hai năm trước, trong bài “Tham vọng quyền lực và sự tha hóa”, tôi có viết ý kiến về kiểm soát quyền lực và trả lời phỏng vấn của báo chí về việc này. Thời gian gần đây một số tờ báo có đặt vấn đề phỏng vấn tôi yêu cầu nói tiếp ý kiến về kiểm soát quyền lực. Đó là lý do khiến tôi viết tiếp bài này trao đổi thêm để bạn đọc tham khảo.
Kiểm soát quyền lực, Vũ Ngọc Hoàng, Liên Xô sụp đổ, Diễn biến hòa bình, Tham nhũng, Lợi ích nhóm
TS Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Câu hỏi trước tiên cần nói thêm là vì sao phải kiểm soát quyền lực? nếu không kiểm soát quyền lực thì sẽ thế nào?
Mặt tiêu cực của quyền lực
Quyền lực vốn là của cộng đồng nhân dân, khởi đầu là thế, và mãi mãi cũng là thế, không phải của thần linh, không phải của bất kỳ cá nhân ai, của một gia đình trị hoặc một tộc họ nào; cũng không phải của bất kỳ một tổ chức nào khác.
Từ lâu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được và đã nhiều lần khẳng định trong các Nghị quyết rằng quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân không trực tiếp nắm giữ tất cả, mà chỉ nắm giữ một số vấn đề then chốt (sẽ nói sau), còn lại là ủy quyền cho nhà nước quản lý và sử dụng quyền lực để bảo vệ và phục vụ nhân dân, kiến tạo một quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, trong lịch sử, đã từng có không ít trường hợp những người (hoặc nhóm người) bằng các thủ đoạn chính trị đã cướp đoạt quyền lực của nhân dân, biến nhân dân thành đối tượng bị cai trị. Nhân dân sau khi ủy quyền thì mất quyền, còn người được ủy quyền thì dần dần bị quyền lực làm tha hóa. Họ sử dụng quyền lực không phải để bảo vệ và phục vụ nhân dân như mục đích ban đầu, mà để phục vụ lợi ích của cá nhân, gia đình, dòng họ, cho một nhóm người, họ quay lại ức hiếp nhân dân, biến nhân dân từ chủ nhân của quyền lực thành đối tượng bị chèn ép, bị ức hiếp, bị tước đoạt.
Ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào, quyền lực cũng luôn có hai mặt. Mặt tích cực, nó là công cụ hữu hiệu bậc nhất để tập hợp lực lượng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu như quyền lực ấy được trao cho những con người có nhân cách tốt.
Mặt tiêu cực, nó luôn làm tha hóa những con người và bộ máy sử dụng quyền lực nhưng lại yếu kém về nhân cách và không có cơ chế tốt để kiểm soát quyền lực. Sự tha hóa như vậy có từ trong bản chất tự nhiên của con người và quyền lực. Có những người lúc đầu (khi chưa có quyền lực) thì tốt, nhưng sau đó, khi đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư hỏng, thành người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì ngai vàng của cá nhân.
Cá biệt có những người thay đổi bản chất rất nhanh, chỉ sau một lần bỏ phiếu, họ gần như trở thành một người khác hẳn, từ dáng đi, cách nói, cách bắt tay. Họ khệnh khạng hơn, có vẻ "oai vệ" hơn, "bề trên" hơn. Khi người ta đến được đỉnh cao của "chiến thắng" trong quyền lực thì đấy là lúc người ta bắt đầu thua, mà trước tiên là thua chính mình.
Trên đỉnh cao của quyền lực ít ai nhìn thấy tai họa ẩn chứa vốn có từ bên trong quyền lực ấy, nếu không phải là người lãnh đạo có nhân cách lớn, minh triết uyên thâm, có khả năng vượt qua chính mình và ma lực cám dỗ của quyền lực, để tịnh tâm nhìn xa trông rộng. Khi đã có trong tay tất cả thì đấy cũng là lúc tự mình bắt đầu đánh mất dần.
Tha hóa quyền lực dẫn đến sụp đổ chế độ  
Việc kiểm soát quyền lực trước tiên là để bảo đảm cho quyền lực luôn thuộc về đúng chủ nhân của nó, tức là thuộc về nhân dân, được sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm quyền. Khi quyền lực bị lạm dụng thì tất yếu sẽ tha hóa bộ máy cầm quyền, và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tha hóa đạo đức xã hội.
Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, không phải do ai phá và cũng không ai cản nổi.
Có những suy nghĩ rất ấu trĩ sai lầm khi cho rằng nắm cho chắc lực lượng vũ trang là có thể đẩy lùi sự sụp đổ. Không đâu! Liên Xô ngày trước cả quân đội và lực lượng an ninh KGB còn rất mạnh, bậc nhất thế giới, vậy mà đến một lúc, khi sự tha hóa đã đến ngưỡng, thì cả một chế độ được cho là thành trì ấy bỗng chốc đổ ào, đến mức không tưởng tượng được, không hiểu nổi.
Nhiều người đã giải thích rằng do địch phá bằng “diễn biến hòa bình”... Không phải như thế đâu! Đấy là cách giải thích miễn cưỡng, không có cơ sở khoa học, tự trấn an mình. Địch thì lúc nào mà chả phá ta? Do phá ta nên nó mới là địch. Địch mà không phá ta mới là chuyện lạ.
Phá là việc của địch, còn ngã đổ là chuyện của ta. Nếu cử đổ lỗi cho địch thì rồi chẳng biết cách nào mà sửa. Địch phá Liên Xô ư? Phá sao bằng thời kỳ trước đó, khi 14 nước đế quốc tập trung bao vây nhà nước nhân dân còn non trẻ, rồi nội chiến, rồi chủ nghĩa phát-xít đã tập trung cao độ lực lượng với nửa nghìn sư đoàn thiện chiến trong đại chiến thế giới lần thứ 2 để tiêu diệt Liên Xô, nhưng không tiêu diệt được.
Ngược lại, Liên Xô đã lớn mạnh thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Sao bây giờ địch giỏi vậy, tài tình vậy, chẳng tốn một viên đạn mà Liên Xô vẫn đổ ào không cứu vãn được, cứ như một cơn đột quỵ dữ dội và bất ngờ. Địch mà giỏi như vậy thì thật đáng kính phục?
Những nhà tuyên truyền “ngây thơ” đã vô tình tâng bốc địch, vậy mà cứ tưởng thế mới là có lập trường địch - ta. Bản chất của vấn đề Liên Xô đổ là tự đổ, do tha hóa quyền lực mà đổ, do không thể tự đứng được nữa mà đổ, do thối nát mà đổ, chứ chẳng phải ai xô ngã được.
Kiểm soát quyền lực, Vũ Ngọc Hoàng, Liên Xô sụp đổ, Diễn biến hòa bình, Tham nhũng, Lợi ích nhóm
Có những người có quyền lực trong tay trở nên tha hóa. Ảnh minh họa: Shutterstock/Thanh niên
Tham nhũng, lợi ích nhóm lan cả vào chốn thiêng liêng
Đặc điểm chính trị quan trọng nhất của xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) chân chính là quyền lực thật  sự và luôn luôn thuộc về nhân dân. Chỉ khi ấy mới có một nền chính trị thật sự tốt đẹp và bền vững.
Thực tế lịch sử nhân loại đã cho thấy: nhà nước của chủ nô, của vua và các tập đoàn phong kiến, nhà nước của quan lại tha hóa (như Liên Xô giai đoạn sau chẳng hạn) và nhà nước của tài phiệt (tư bản hoang dã thời kỳ đầu) cuối cùng đều phải ngã đổ và kết thúc. Chỉ có nhà nước của dân, thật sự của dân, thì mới bền vững lâu dài, vì dân là vạn đại.
Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực vừa là giá trị nhân văn của một xã hội tiến bộ, phòng chống sự tha hóa của Nhà nước và xã hội, đồng thời là để thực hiện mục tiêu XHCN chân chính, để có được một nhà nước bền vững lâu dài phục vụ nhân dân.
Khi quyền lực không được kiểm soát thì mặt trái của nó chính là tác nhân quan trọng nhất làm tha hóa cán bộ, tha hóa những con người được trao quyền lực, rồi tha hóa cả bộ máy, làm cho bộ máy bị biến chất, không còn là nhà nước của dân, mà dần dần thành nhà nước phản bội nhân dân.
Trong bất kỳ điều kiện nào, sự tha hóa quyền lực ở cán bộ và các cơ quan lãnh đạo quản lý, đều là nguyên nhân lớn nhất làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa suy đồi, dân tộc bị mất dần sức mạnh nội sinh, xã hội trì trệ và quốc gia không thể hưng thịnh, không có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu XHCN tốt đẹp mà nhiều người đã từng mong ước cũng trở nên xa vời và mơ hồ.
Lịch sử nước ta đã từng có nhiều lần do tha hóa quyền lực mà dẫn đến mất nước. Hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng bị sụp đổ vì tha hóa quyền lực. Triều đại sau được dân chúng ủng hộ lên thay, rồi cũng tha hóa tương tự, lặp lại như cũ. Ngay cả những triều đại đã một thời rất huy hoàng, có công lao to lớn bậc nhất với lịch sử dân tộc nhưng sau đó cũng tha hóa và sụp đổ (như nhà Lý, nhà Trần, Hậu Lê và Tây Sơn chẳng hạn).
Nhiều năm qua lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã rất nhiều lần đề ra chủ trương và kêu gọi phải chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực, cũng đã mất nhiều công sức cho công việc khó khăn và vất vả này, nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế. Tình hình tham nhũng, “lợi ích nhóm” chẳng những không dừng lại, mà đang còn khá phổ biến và phức tạp, gây nhức nhối xã hội, đau đầu các cơ quan lãnh đạo đất nước. 
Nó cứ lan rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước đến nay thường được cho là trong sạch, thiêng liêng (như lĩnh vực dạy người, cứu người, an ninh quốc gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả nhà thờ, chùa chiền, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách đền ơn đáp nghĩa…).
Điều đó có nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất là chưa làm tốt việc kiểm soát quyền lực, nói thẳng và mạnh hơn là quyền lực về cơ bản chưa được kiểm soát, từ đó dẫn đến tha hóa cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý.
Vũ Ngọc Hoàng
*Tiêu đề, các tiêu đề phụ của bài viết do Tuần Việt Nam đặt.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tho hai ngoai:

“Khoa học-kỹ thuật là then chốt”
Trần Ngọc Cư

Có một bạo chúa xưa, dù chưa xưa cho lắm,
Của một vương quốc đói nghèo và thiếu ốc-xy,
Nơi nếu cái cột đèn có chân, nó cũng muốn bỏ đi.
Bạo chúa nói ba điều, hai sai và một đúng —
“Tiến hành một lúc ba cuộc cách mạng:
“Cách mạng văn hoá, cách mạng quan hệ sản xuất,
“Cách mạng khoa học-kỹ thuật,
“Mà cách mạng khoa học-kỹ thuật là then chốt.”
Vế sau nghe được, nhưng chẳng thấy thi hành,
Đất nước tiếp tục đói nghèo, lầm than, vô vọng,
Ra ngõ gặp thi nhân làm thơ trầm uất,
Hoài niệm một thời vàng son không có thật bao giờ.
Tôi là con chim Việt
Đậu phải cành mềm, bị bão tố cuốn phăng,
Làm đủ thứ nghề tha phương cầu thực.
Ở tuổi xế chiều, tài tận lão lai,
Nếu tôi có lời nào để khuyên con cháu,
Thì “khoa học-kỹ thuật vẫn là then chốt.”
Dễ kiếm việc làm trong thời buổi khó khăn,
Khu vực hi-tech, dược-y ít bị người kỳ thị,
Nhất là “người da trắng thượng đẳng” thời này
(Khu vực sản xuất teo dần, họ đâm ra hậm hực.)
Đừng chọc giận họ, này con cháu nhập cư,
Một điều nhịn là chín sự lành,
Tránh xa nội chiến lạnh đen vàng đỏ trắng.
Thành ngữ Mỹ có câu, “Keep up with the Jones,”
Tôi khuyên cháu mình “Keep up with the Patels,”
Sánh vai với dân hi-tech đến từ châu Á,
Những Patel, Nguyễn, Chen, Kim, Wu...
Đang làm giàu cho Twitter, Google, Microsoft…
Và nhờ thế, tìm được ấm no.
Công nghệ cao, Thông minh nhân tạo,
Trật tự thế giới mới đang được hình thành,
Dân chủ Mỹ được Nga-Tàu đem chơi bài ba lá
Qua diễn đàn mạng, các bot, các troll farm…
“Khoa học kỹ thuật vẫn là then chốt,”
Tôi hỏi Sophia, cháu ngoại vừa mới hết cấp ba,
“Vào đại học, con định theo ngành gì đây nhỉ?”
Rất hồn nhiên cháu bảo, “Văn chương,”
Một khung cửa hẹp không dẫn đến Thiên đàng.
Đó là điều xưa nay tôi vốn sợ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÕNG THƠ VỀ QUÊ


 Nhạc sĩ Cõng mẹ đi chơi ‘cõng’ thơ Bùi Giáng

ta cõng thơ từ núi đồi châu mỹ
về phương nam tìm chỗ ngủ cho thơ
hồn đại lục những mùa tình hoang phí
làm thơ ta già yếu đến bơ phờ.

ta đâu biết đồng bằng xưa đã khóc
từng cánh chim đói khát kéo nhau bay
đá cũng tự nẩy mầm trong hang hốc
nuôi rong rêu khổ nạn giữa đêm dài.

ta tìm đất cho thơ ta ẩn trú
giữa quê hương nồng mật ngọt ca dao
nhưng chỉ thấy những thành trì biệt phủ
nằm nghêng ngang trên tầng đất bạc màu.

ta trở về hồn lênh đênh nỗi nhớ
màu áo ai vừa phai nhạt bên sông
đêm đã thắp đèn khuya trên bến chợ
phù sa ta vẫn bám nước ngược dòng.

ta cõng thơ như một tên hành khất
tim ứ tràn luồng tư tưởng bơ vơ
lang thang tìm giữa đền đài cao ngất
khoảng đất thừa làm chỗ ngủ cho thơ.

PHẠM HỒNG ÂN
 (Valley Center, 06/11/2018)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đoàn Luật sư TP HCM xóa tên 320 luật sư




Người lao động
02/01/2019 17:33 

(NLĐO) - 320 luật sư không đóng phí thành viên liên tục nhiều năm nên bị Đoàn Luật sư TP HCM xóa tên

Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM vừa ban hành quyết định xoá tên 320 luật sư khỏi danh sách Đoàn Luật sư TP.

Quyết định này nêu rõ 320 luật sư ra khỏi Đoàn Luật sư TP HCM kể từ ngày 27-12-2018 với lý do không đóng phí thành viên liên tục nhiều năm.

Quyết định do luật sư Nguyễn Văn Chung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, ký ban hành

Danh sách 320 luật sư được công bố công khai trên website của Đoàn Luật sư TP HCM.

Khoản 5, Điều 40, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định luật sư không đóng phí thành viên thì bị xử lý theo quy định sau đây:

- 12 tháng không đóng phí thì bị đoàn luật sư thông báo công khai trong phạm vi đoàn luật sư;

- 18 tháng không đóng phí sau khi đã được thông báo công khai thì đương nhiên bị đoàn luật sư xóa tên khỏi danh sách luật sư của đoàn luật sư.
Di Lâm


Phần nhận xét hiển thị trên trang