Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

Cuối năm nói chuyện Dịch học



Huyền Cơ

Lúc trẻ tôi vốn không mê mấy món phong thủy, bói toán, nhưng khi có tí tuổi, có nhiều thời gian, thấy người ta bấm bấm ngón tay tính ra người này mạng này, người kia mạng kia, tò mò hỏi xem học nó có khó không, vài người quen động viên, cho mượn mấy cuốn sách, thoạt đầu cũng hơi khó vì các tên gọi đều là chữ Nho cả, nhưng rồi mọi việc dường như khả quan theo thời gian, tôi dần thuộc hết Tý sửu dần mẹo… Giáp ất bính đinh… 

Thừa thắng xông lên, tôi lại học tiếp Hà đồ, Lạc thư, chủ yếu qua mấy cuốn sách củ rích, tất nhiên là dịch từ sách Tàu cả. Đã đến nước này thì làm sao không nghĩ đến kinh Dịch, vì nó là trung tâm của mọi vấn đề mà, thế là tôi lên mạng. Trời ơi! Hóa ra bấy lâu nay mình quá lạc hậu, cái Lạc thư – Hậu thiên bát quái của Tàu đã sử dụng làm mọi thứ hóa ra là sai, cho dù nó đã được hình thành và phát triển hơn 6000 ngàn năm rồi, rồi đến cái Ngũ hành nạp âm của Tàu cũng sai nốt. Tất cả những thành tựu vĩ đại này được một số nhà nghiên cứu kinh Dịch ở Việt Nam đưa ra chừng hơn một thập niên qua. 

Tôi băn khoăn hết sức, bởi vì cứ theo sự suy luận của tôi thì lẽ nào hơn 6000 ngàn năm qua mà chỉ với 8 cái ký hiệu ở tám vị trí, có cái đứng sai vị trí mà hàng tỷ con người lại không nhìn ra, chờ đến nay, ở Việt Nam mới nhận ra cái sai bằng cách đổi quái này sang quái kia, thế là bao nhiêu sách vở viết ra từ trước đến nay trở thành mớ giấy lộn hết. Cái thành tựu đó người ta gán cho Made in Lạc Việt, chẳng biết họ có đăng ký nhản hiệu thương hiệu quốc gia không, nhưng đồng loạt nhiều người đều lấy chung một xuất xứ như thế. 

Tuy nhiên giữa những người dùng chung xuất xứ này lại cũng phủ nhận lẫn nhau, ông thì đổi chổ Tốn Khôn, ông thì đổi ngôi Đoài Chấn nhưng tất cả đều gọi là Dịch học Lạc Việt hay gọi ngắn là Dịch Việt. Không những thế họ còn cho rằng kinh Dịch là của người Việt và tổ chức hội thảo để khẳng định điều đó, thật là tuyệt vời làm sao. Là một người Việt, tôi tự hào biết bao khi thấy các nhà dịch học nước ta dội vào nền văn hóa của Tàu một gáo nước nóng như thế. Tôi tự hào vì họ nên cố đọc những gì họ viết nhưng không tài nào hiểu nỗi, quá khó đối với tôi, không khó sao được khi nó được viết ra bởi những bộ óc thông minh vượt bật hơn hẳn hàng tỷ tỷ bộ não của Tàu hàng mấy ngàn năm qua.

Không những họ chứng minh Lạc thư – Hậu thiên bát quái của Tàu là sai, Ngũ hành nạp âm cũng tầm bậy nốt, mà họ còn chứng minh cho thấy cách nhận thức về phương hướng của Tàu cũng chẳng ra gì. Cứ theo sách Tàu từ xưa tới nay trong dịch học thì Bắc dưới, Nam trên, Đông trái, Tây phải, giờ đây nhân danh Dịch học Lạc Việt, họ đổi thành Bắc trên, Nam dưới, Đông phải, Tây trái. Có thể nói đây là một phát kiến hết sức vĩ đại, bởi vì với phát kiến này không những làm cho Tàu bẽ mặt mà còn cho Tây thấy cái dốt của họ, một mũi tên bắn trúng cả hai con chim. 

Tàu sai thế nào thì như đã nói trên, còn Tây dốt thế nào thì xin nhìn vào hình minh họa sẽ rõ.



 



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đáng tiếc!


Trụ sở UNESCO tại Paris - Ảnh: AP

Mỹ và Israel chính thức rời khỏi UNESCO 
Tuổi trẻ
02/01/2019 06:03 GMT+7

TTO - Đúng vào thời khắc chuyển giao năm 2019, Mỹ và Israel đã chính thức rời khỏi Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục LHQ, điểm kết thúc cho quá trình đã được công bố hơn một năm trước.

Theo Hãng tin AP, chính quyền của ông Trump đã gửi thông báo rút khỏi UNESCO trong tháng 10-2017 và sau đó thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, có động thái hưởng ứng với quyết định tương tự.


Cả Mỹ và Israel đều lấy lý do rút khỏi UNESCO để phản đối cơ quan đặt trụ sở tại Paris, Pháp này có những chính sách bất công, chống lại Israel như lên án việc chiếm đóng đông Jerusalem của Israel, công nhận các địa danh cổ thuộc Palestine trong khi người Israel cho rằng đáng lẽ là của họ và cấp tư cách thành viên đầy đủ cho Palestine năm 2011. Mỹ cũng yêu cầu "cải tổ cơ bản" với UNESCO.

Ông Danny Danon, đại sứ Israel tại LHQ, ngày 1-1 nói đất nước ông "sẽ không là thành viên của một tổ chức mà mục tiêu của nó là cố tình hành động chống lại chúng tôi, và tổ chức đó cũng đã trở thành một công cụ bị những kẻ thù của Israel thao túng".

Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về việc này vì Chính phủ Mỹ vẫn đang đóng cửa.

Việc rút khỏi tổ chức này của Mỹ và Israel được nhận định sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn với UNESCO về tài chính, vì tổ chức này vốn đã phải xoay xở với tình trạng cắt giảm ngân sách từ năm 2011 khi cả Mỹ và Israel dừng đóng góp ngân sách sau khi Palestine trở thành quốc gia thành viên của UNESCO.

Kể từ đó tới nay, Mỹ, quốc gia có phần đóng góp chiếm khoảng 22% tổng ngân sách hoạt động của UNESCO, đã "nợ" tới 600 triệu USD tiền ngân sách chưa đóng. Đây cũng là một trong những lý do khiến Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi tổ chức. Israel hiện cũng nợ khoảng 10 triệu USD.

Theo Đài Al Jazeera, Mỹ từng rút khỏi UNESCO trước đây, đó là dưới thời chính quyền của cựu tổng thống Reagan năm 1984 với cáo buộc tổ chức này được quản lý kém, tham nhũng và bị lợi dụng để ủng hộ các lợi ích của Liên bang Xô viết. Năm 2003 Mỹ đã gia nhập lại UNESCO.
D. KIM THOA


nhận xét hiển thị trên trang

Không có chuyện thằng còng làm cho thằng ngay lưng ăn!



Ảnh:Ông Trump, ông Assad và ông Tập.

MỸ RÚT KHỎI SYRIA LÀM VỠ KẾ HOẠCH “VÀNH ĐAI CON ĐƯỜNG” CỦA TRUNG QUỐC TẠI TRUNG ĐÔNG
Trần Đình Thu

Trước khi nói về chuyện này tôi xin bày tỏ một sự khinh bỉ đến các tờ báo, các nhà phân tích bình luận, các chính trị gia cánh tả ở Mỹ mà nhiều người gọi là “thổ tả” vì suốt mấy ngày nay đã rêu rao bôi bác quyết định rút quân khỏi Syria của tổng thống Trump.

Thực chất quyết định rút quân khỏi Syria của tổng thống Trump là một tính toán chiến lược nhằm giáng một đòn mạnh mẽ lên kế hoạch “Vành đai con đường” của Trung quốc ở Syria và các nước lân cận tại vùng Trung Đông. 


Chuyện là, trong suốt cuộc chiến chống IS tại Syria, mặc dầu Mỹ đã đổ xương máu tiền của ở Syria nhưng tổng thống Syria Bashar al-Assad lại không thích Mỹ và phương Tây, ngược lại rất thích Trung quốc mặc dầu Trung quốc trong suốt cuộc chiến tranh chống IS thì không làm gì cả. Lúc hòa bình gần đến, Bashar al-Assad chuẩn bị tái thiết Syria, với mức dự kiến tái thiết khoảng 400 tỷ USD, Assad cho Mỹ và Châu Âu ra rìa và chào đón Trung quốc nồng nhiệt. Ngày 15/9, Hội chợ Quốc tế Damascus lần thứ 60 có hơn 200 công ty Trung Quốc tham dự. Hội chợ này là dịp để Syria thu hút các khoản đầu tư trực tiếp của các công ty nước ngoài muốn làm ăn với quốc gia này. Mỹ và EU đều không được mời tới tham dự Hội chợ này.

Các công ty TQ từng làm ăn với Syria trước khi nội chiến nổ ra vào năm 2011. Khi chiến tranh nổ ra thì các công ty này rút đi. Và giờ đây, theo đánh giá của các nhà phân tích, “Vành đai và con đường” sẽ rất phù hợp với Syria trong công cuộc tái thiết. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Tân Hoa xã mới đây, Wafiqa Hosni, Bộ trưởng Các vấn đề đầu tư của Syria nói rằng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad coi TQ là “một quốc gia thân thiện”. Ngay từ năm 2017, Bắc Kinh đã tổ chức Hội chợ các dự án tái thiết Syria đầu tiên tại Bắc Kinh.

Một số nguồn tin cho biết việc Mỹ rục rịch rút quân đã làm cho Syria trở nên bất ổn trở lại. “Tổng thống Trump đang tái khởi động cuộc chơi và tất cả các bên ở đó sẽ phải đi những nước cờ riêng của mình. Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ xem các thay đổi ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng ra sao tới lợi ích của mình tại Syria” - Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại ĐH Phúc Đán, Trung quốc nói với tờ South China Morning Post .

“Nếu tình hình an ninh xấu đi, điều đó sẽ ảnh hưởng tới ý định hợp tác kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Các rủi ro an ninh có thể lan sang các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - nơi Trung quốc có lợi ích kinh tế sâu rộng” - Wang Jian - một chuyên gia Trung Đông tại Học viện Khoa học xã hội TQ nói.

Như vậy việc ông Trump rút quân khỏi Syria là không gì hợp lý hơn. Mỹ không thể dùng xương máu dân của họ ở đó canh cho Trung quốc vào kiếm tiền một cách dễ dàng rồi quay lại chống Mỹ.

Ở đây một lần nữa tôi lại nói về cựu Bộ trưởng quốc phòng Mattis, người phản đối ông Trump rút quân khỏi Syria. Với tầm nhìn của ông này như thế thì việc bây giờ ông Trump mới sa thải cũng là quá muộn màng. Nếu tôi là Trump, tôi phải cho ông này về vườn từ tám hoánh. 

 
nhận xét hiển thị trên trang

Thơ ngoài luồng mà nhức ở trong tim:


Bùi Chí Vinh là chàng thơ ngang tàng nhất Đại Cồ Việt. Có cảm giác chàng làm thơ dễ như thò tay vào trong túi lấy ra... hư không. Ngày trước chỉ có Nguyễn Bính mới làm được như vậy.
Bài thơ sau đây của chàng có một chi tiết không đúng về Mạc Đăng Dung. Song không vì chi tiết ấy mà giảm đi sự tuyệt hay của bài thơ.
Tôi copy về bài thơ này, thay cho nén nhang thắp cho các nạn nhân vừa bị thiệt mạng ở Bến Lức - Long An.
Thơ Bùi Chí Vinh
Đất nước nghèo mạt hạng
Anh bó xác em vào manh chiếu cột sau xe
Bọn quý tộc đỏ tiền muôn bạc vạn
Mở mắt mà coi chân người chết xanh lè
Mở mắt mà coi dân chúng chửi thề
Có đánh bắt xa bờ, cá cũng không ăn được
Vua quan hàng ngày tẩm bổ nhân sâm
Trong khi con nít ốm đau không có thuốc
Đất nước biến thành chư hầu Trung Quốc
Lũ Mạc Đăng Dung quỳ mọp trước thiên triều
Đám Lê Chiêu Thống xem dân như thù địch
Gò Đống Đa đồng nhân dân tệ phủ xanh rêu
Đất nước nghèo bởi một bầy sâu
Gặm tất cả tài nguyên đem dâng giặc
Thân xác Việt Nam mà hồn vía tận nước Tàu
Có biến cố là quay đầu phương Bắc
Đất nước quá nghèo nên anh bó xác
Chở em đi lủng lẳng khóc cuộc đời
Bọn quý tộc đỏ quá giàu nên không dư nước mắt
Chúng dại gì cho nước bốc thành hơi…
BCV
Bình luận

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

Việt Nam 'cứng rắn bất ngờ' với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông


Tư liệu - Một người lính hải quân Việt Nam đứng gác trên đảo Thuyền Chài, 
thuộc quần đảo Trường Sa. 

Việt Nam 'cứng rắn bất ngờ' với Trung Quốc
về vấn đề Biển Đông

31/12/2018
Reuters
VOA Tiếng Việt

Việt Nam đưa ra những yêu sách cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc đàm phán về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Asean và Bắc Kinh, Reuters đưa tin.

Theo bản thảo bộ quy tắc đang được đàm phán mà phóng viên Reuters có được, phía Hà Nội muốn đặt ngoài vòng pháp luật nhiều hành động mà Bắc Kinh đang tiến hành trên khu vực Biển Đông trong suốt nhiều năm qua, trong đó bao gồm việc xây dựng các đảo nhân tạo, triển khai các loại vũ khí phong toả biển như hệ thống tên lửa. 


Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thúc đẩy những điều khoản nhằm ngăn chặn Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên khu vực Biển Đông, một động thái mà Bắc Kinh đã từng đơn phương thực hiện trên khu vực biển Đông Trung Hoa vào năm 2013. 

 
Đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma (Ảnh của CSIS)

Cũng theo Reuters, Hà Nội yêu cầu các nước tham gia đàm phán minh định yêu sách của họ về chủ quyền trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế. Động thái này nhiều khả năng nhắm vào “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, vốn bao trùm phần lớn diện tích Biển Đông. 
Trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở tại Singapore cho rằng những đòi hỏi của Việt Nam khá bất ngờ:

“Ở một mức độ nào đó, các đòi hỏi này có thể là bất ngờ, vì nó thể hiện sự cứng rắn của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông nói chung và trước Trung Quốc nói riêng, trái với chỉ trích của một số người. Trong các yêu cầu của Việt Nam, tôi thấy ấn tượng trước đề nghị cấm thành lập ADIZ ở Biển Đông. Lâu nay các nhà làm chính sách của Việt Nam lo ngại về điều này, và người ta thường nói về việc Việt Nam nên ứng phó ra sao nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông, mà ít nói tới việc làm sao để ngăn chặn điều đó xảy ra ngay từ đầu. Vì vậy đưa ra đề nghị này là một bước đi khôn ngoan của Việt Nam”.

Tuy vậy, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cũng nhấn mạnh rằng, cần thời gian để đánh giá xem Việt Nam có tiếp tục theo đuổi những yêu sách cứng rắn này hay không.

“Cần lưu ý rằng đây mới là lập trường đàm phán ban đầu, và ở giai đoạn này tất cả các bên đều đưa ra phương án cao nhất, với mục tiêu là có thể có sự đánh đổi, hoặc điều chỉnh xuống đến mục tiêu thực sự mà các bên muốn. Vì vậy chúng ta vẫn cần theo dõi xem Việt Nam có thực sự kiên định với những lập trường nay hay không, hay sẽ có những điều chỉnh theo thời gian”.

Đàm phán hứa hẹn “gay cấn”

Về những yêu sách của phía Trung Quốc, tài liệu mà Reuters có được còn xác nhận những thông tin được đưa ra trước đây rằng Trung Quốc muốn ngăn chặn những cuộc tập trận chung giữa các quốc gia trong khu vực với các cường quốc bên ngoài, “cấm cửa” các tập đoàn dầu khí bên ngoài Trung Quốc, và Đông Nam Á, tham gia khai thác tài nguyên trong khu vực biển Đông, trừ khi có sự đồng ý của tất cả các nước tham gia vào COC.

Đây là những yêu sách mà các chuyên gia cho rằng một số thành viên của ASEAN sẽ phản đối kịch liệt.

Từ lâu, Việt Nam đã triển khai những dự án khai thác dầu khí chung với các tập đoàn dầu khí đến từ Nga, Mỹ, Ấn Độ trên khu vực Biển Đông. Tuy nhiên mới đây, trước sức ép từ phía Trung Quốc, dự án khai thác dầu khí tại mỏ Cá Rồng Đỏ giữa Việt Nam và tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha đã phải “tạm dừng” vô thời hạn.

Trả lời câu hỏi của Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng cho biết đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) đã đạt được một số bước tiến trong thời gian gần đây. Việt Nam vẫn đang tích cực cùng các nước khác thể hiện “tinh thần xây dựng và hợp tác”.

“Việt Nam mong muốn các nước liên quan sẽ tiếp tục các nỗ lực của mình, đóng góp tích cực cho quá trình đàm phám nhằm đạt được một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, góp phần duy trì hoà bình, ổn định, và an ninh trên Biển Đông nói riêng, và trong khu vực nói chung”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, các vòng đàm phán COC tới đây sẽ rất gay cấn:

“Chắc chắn là Trung Quốc sẽ bác bỏ tất cả những đề nghị này của Việt Nam vì chúng trái với mong muốn, ý đồ của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông. Ngược lại, Việt Nam và một số nước cũng sẽ bác bỏ các yêu sách của phía Trung Quốc”.

“Tuy nhiên, nếu các bên thực sự muốn đạt được một bản COC trong tương lai, thì các nước, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, sẽ có thể có những nhượng bộ nhất định ở những vấn đề không cốt lõi đối với lợi ích của họ”, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói thêm.

Khi được hỏi về những lợi thế mà Việt Nam có thể dùng để “mặc cả” với Trung Quốc, chuyên gia về quan hệ quốc tế đang làm việc tại Singapore này cho biết:

“Tôi nghĩ là không có nhiều, trừ áp lực của Mỹ và các nước đồng minh đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, đây là vấn đề hai mặt. Có thể vì áp lực mà Trung Quốc sẽ điều chỉnh, nhượng bộ theo hướng mềm mỏng hơn. Nhưng cũng có thể vì chính các áp lực này mà Trung Quốc sẽ "xù lông", sẽ cứng rắn hơn”.

Hồi tháng 8 năm nay, sau 15 năm kể từ ngày kí Tuyên bố Ứng xử Các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC) tháng 11/2002, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc tại Manila (Philippines) đã chính thức thông qua khung của một Bộ Quy tắc Ứng xử (gọi tắt là COC) nhằm điều chỉnh các hành vi, hoạt động tại Biển Đông. Bước đi này được các quan chức Trung Quốc và Đông Nam Á ca ngợi như một dấu mốc quan trọng, một bước đột phá trong việc giảm thiểu những căng thẳng gây ra bởi những tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt ra mục tiêu kí kết Bộ quy tắc ứng xử (COC) vào năm 2021. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, mục tiêu này rất khó để thực hiện. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tư liệu:

TRUNG QUỐC: MỘT SỰ SỤP ĐỔ CÓ THỂ LÀ MỘT TAI HỌA TOÀN CẦU

Nguyễn Gia Kiểng
Trước hết là một cảnh giác. Phải rất thận trọng với những con số về kinh tế Trung Quốc. Chúng có thể rất khác nhau và khiến cuộc thảo luận bế tắc ngay từ đầu.
Thí dụ như tổng sản lượng nội địa (GDP) của Trung Quốc. Con số này có thể là 23.000 tỷ, hay 12.000 tỷ hay 7.000 tỷ USD tùy theo nguồn gốc của nó và cách nhìn của mỗi người. Một con số mơ hồ như vậy có giá trị gì trong một cuộc thảo luận ? Tuy vậy chúng ta vẫn cần đến nó để theo dõi tỷ lệ tăng trưởng, một chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng kinh tế của một quốc gia.
Phải loại con số 23.000 tỷ USD. Đây là "GDP tính theo mãi lực" của Trung Quốc do Ngân Hàng Thế Giới ước lượng. Nó có nghĩa là "nếu so với vật giá ở Mỹ thì phải coi như GDP của Trung Quốc là 23.000 tỷ USD" và chỉ có mục đích giúp ta có một ý niệm về mức sống tại Trung Quốc chứ hoàn toàn không có một giá trị nào trong quan hệ kinh tế quốc tế. Còn lại là GDP danh nghĩa (GDP nominal). Sau nhiều bàn cãi con số được phần lớn các định chế tài chính và cơ quan truyền thông ghi nhận là 12.000 tỷ USD. Các ước lượng về mức tăng trưởng của Trung Quốc dựa trên con số này.
Tuy nhiên đặc tính chung của các số liệu của Trung Quốc là rất không chính xác, nhiều chuyên gia nói rằng GDP của Trung Quốc nếu tính lại một cách nghiêm chỉnh chỉ vào khoảng 7.000 tỷ USD. Họ cũng có lý nếu loại khỏi GDP những "sản lượng" vô ích chỉ được làm ra để nâng GDP lên và sẽ hư hao với thời gian, thí dụ như những thành phố ma.
Số nợ của Trung Quốc được biết rõ hơn. Hầu như mọi định chế tài chính đều đồng ý rằng khối nợ của Trung Quốc cuối năm 2017 là trên 31.000 tỷ, nghĩa là 260% GDP nếu dùng con số GDP 12.000 tỷ USD, trong đó chính phủ nợ 5.500 tỷ, các công ty quốc doanh nợ 19.000 tỷ, các gia đình nợ 6.000 tỷ, phần còn lại là nợ của các ngân hàng. Như vậy khối nợ công của nhà nước Trung Quốc (nợ chính phủ và nợ của các công ty nhà nước) là khoảng 25.000 tỷ USD, nghĩa là hơn hai lần GDP. Ngoài ra, các chính quyền tỉnh còn nợ còn nợ khoảng 6.000 tỷ USD. Không hiểu vì sao khối nợ này ít khi được kể vào khối nợ công. Có thể chỉ vì nó chưa đầy đủ, nghĩa là chưa bao gồm tất cả các khoản nợ của tất cả các tỉnh ? Nếu như thế thì khối nợ công của Trung Quốc phải ít nhất là 31.000 tỷ USD, nghĩa là hơn hai lần rưỡi con số GDP 12.000 tỷ USD mà Trung Quốc chưa chắc đã có.
Nhưng chưa hết, các ngân hàng Trung Quốc còn một thủ thuật khác mà họ học được từ các ngân hàng Mỹ để giấu nợ. Họ lập những công ty tài chính ma để cho vay, rồi kể tài sản của các công ty này (trong đó có các khoản cho vay) như là đầu tư thay vì nợ. Đây không phải là một nghi ngờ của các quan sát viên mà là một phát hiện của Ủy Ban Kiểm Tra Ngân Hàng của Trung Quốc, do chính ông chủ tịch Shang Fu-lin công bố. Các khoản tín dụng trá hình này được ước lượng là ở mức ít nhất 2.000 tỷ USD.
Tóm lại, tuy các con số của Trung Quốc rất thiếu chính xác nhưng chúng ta có thể khẳng định là mức nợ công của Trung Quốc rất cao, cao hơn tất cả những gì được công bố, cao một cách nguy ngập. Chính vì nhận định khối nợ công của Trung Quốc thực sự đã quá nguy ngập mà ngày 23/05/2017 cơ quan thẩm định Moody's đã hạ điểm tín nhiệm của Trung Quốc khiến cho lãi suất công trái của Trung Quốc đã dần dần leo lên tới 3,2% cho các công trái hai năm và chắc chắn sẽ còn leo lên nữa. Với lãi suất này, Trung Quốc từ nay sẽ phải trả 1.000 tỷ USD mỗi năm cho tiền lãi của nợ công. Để so sánh, lãi suất công trái hai năm của Mỹ là 0,5%, chính phủ Mỹ phải trả khoảng 100 tỷ USD cho tiền lãi nợ công, nghĩa là bằng 1/10 số tiền lãi mà Trung Quốc phải trả.
Sở dĩ nhiều người vẫn còn tin là kinh tế Trung Quốc chưa thực sự lâm nguy là vì khối ngoại tệ dự trữ của Trung Quốc vẫn còn khá lớn, dù đã giảm từ 4.000 tỷ USD xuống còn 3.000 tỷ USD. Nhưng nếu nhìn sát hơn thì trong khối dự trữ này 1.000 tỷ USD không còn động viên nhanh chóng được nữa vì đã được sử dụng trong các quỹ đầu tư, 2.000 tỷ USD còn lại chủ yếu để cấp cứu các ngân hàng, thị trường chứng khoán và đồng Nhân Dân Tệ.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm hơn 20%, Thẩm Quyến sụt gần 30% mặc dù chính quyền Trung Quốc không ngừng cứu giúp - Ảnh minh họa (zonebourse.com)
Khi tôi viết các dòng này thì từ đầu năm 2018 đồng Nhân Dân Tệ đã mất giá 9% so với đồng Đôla Mỹ, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm hơn 20%, Thẩm Quyến sụt gần 30% mặc dù chính quyền Trung Quốc không ngừng cứu giúp, trong khi các thị trường chứng khoán Mỹ, Nhật và Châu Âu hoặc thăng bằng hoặc chỉ sụt từ 5% tới 10%. Dự trữ của Trung Quốc tuy lớn nhưng vẫn thiếu.
Bàn về tình hình kinh tế Trung Quốc cũng sẽ thiếu sót nếu bỏ qua những nét đặc thù có ảnh hưởng quan trọng, nhất là trong tình trạng khó khăn hiện nay. Ngoài hàng trăm tỷ USD đào thoát ra nước ngoài hàng năm còn có ít nhất hai hiện tượng cần được lưu ý.
Một là loại "tín dụng tay đôi" (crowd lending, hay peer to peer, viết tắt là P2P). Loại tín dụng này có ở hầu như mọi nước nhưng không đâu mạnh như ở Trung Quốc. Tầm vóc của nó tại Trung Quốc lớn hơn hẳn tất cả phần còn lại của thế giới. Một cách vắn tắt, đó là những công ty được thành lập chung quanh một trang Web và dùng trang Web này kêu gọi quần chúng trực tiếp cho các công ty vay. Các công ty P2P này đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa tư nhân cho vay và các công ty cần vay tiền để kinh doanh, thường thường là những công ty không đủ tiêu chuẩn để vay tiền tại các ngân hàng. Sự hấp dẫn của công thức này là lãi suất rất cao, có thể đến 15% mỗi năm, cao gấp 4 hoặc 5 lần lãi suất tiết kiệm. Ngược lại rủi ro rất cao và lừa bịp cũng rất nhiều. Chính quyền Trung Quốc trong cố gắng kích thích tăng trưởng để thoát hiểm sau cuộc khủng hoảng 2008 đã để mặc cho các công ty P2P này phát triển, thậm chí còn khuyến khích. Đã có hàng chục ngàn công ty P2P ra đời, lôi kéo hơn 50 triệu người ghi danh cho vay, huy động trên 10.000 tỷ USD. Gần đây chúng ồ ạt phá sản, nhiều chủ công ty P2P ôm tiền của khách hàng trốn ra nước ngoài. Những người cho vay mất trắng. Theo tờ Hoa Nam Tảo Báo (South China Morning Post) thì tới nay đã có hơn 4.500 công ty P2P phá sản, với 225 vụ phá sản riêng trong tháng 7/2018 vừa qua. Vụ phá sản được nói tới nhiều trên báo chí Trung Quốc là công ty eZubao làm mất 6,7 tỷ USD. Sự phá sản của phong trào P2P này, sau khủng hoảng của thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến năm 2015 đã làm cạn kiệt khối tiền tiết kiệm tư nhân, khiến chính quyền Trung Quốc không còn nguồn vốn trong nước để động viên nữa.
Các công ty P2P này đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa tư nhân cho vay và các công ty cần vay tiền để kinh doanh, thường thường là những công ty không đủ tiêu chuẩn để vay tiền tại các ngân hàng - Ảnh minh họa (P2P Construction-The Star)
Một hiện tượng khác mà báo chí Trung Quốc nói đến là các công ty quốc doanh sau khi vay được tiền ở các ngân hàng nhà nước với lãi suất thấp đem cho các công ty tư nhân vay lại với lãi suất cao hơn để lấy lời. Càng làm gia tăng nguy cơ sụp đổ dây chuyền.
Chúng ta sẽ không thể hiểu vì đâu Trung Quốc đến nông nỗi này nếu không ý thức được sự hốt hoảng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng năm 2008, khi kinh tế thế giới sụp đổ vì hai bong bóng địa ốc và chứng khoán bể tại Mỹ. Cuộc khủng hoảng này sau hơn mười năm vẫn chưa chấm dứt vì đa số các chính quyền vẫn còn đang phải gánh những khối nợ công ngang với GDP.
Trước năm 2008 mô hình kinh tế Trung Quốc có thể gọi tắt một cách chính xác là "mô hình tăng trưởng dã man". Đó là mô hình tăng trưởng bất chấp cả con người lẫn môi trường, chỉ nhắm sản xuất thật nhiều với giá thành thật rẻ để xuất khẩu tối đa. Nói cách khác, chính quyền cộng sản Trung Quốc xuất khẩu sự nghèo khổ mà chính họ là nguyên nhân. Mô hình này đã khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng liên tục trên 10% mỗi năm trong gần 30 năm, với cao điểm là 14% năm 2007 ngay trước cuộc khủng hoảng.
Người ta nói tới một phép mầu Trung Quốc mà không tìm hiểu tại sao các cấp lãnh đạo tuyệt đối không có một sự hiểu biết nào về kinh tế, hơn nữa còn suốt đời được đào tạo để phủ nhận kinh tế thị trường, lại có thể tạo ra một phép mầu như vậy. Trong cơn choáng váng người ta đã quên rằng mọi sự kiện đều có logic của chúng. Trung Quốc thật ra đã trả một giá kinh khủng cho sự tăng trưởng này. Môi trường đã bị tàn phá một cách triệt để và không thể phục hồi. Một phần lớn của miền Bắc Trung Quốc đã trở thành khô cằn ; hơn một nửa các dòng sông không còn nước, các con sông còn lại ô nhiễm tới mức mọi sự sống gần như biến mất.
Cuối năm 2007 tôi đã tham quan Trung Quốc và nhận xét rằng các thành tựu hoành tráng của Trung Quốc thực ra chỉ là những Vạn Lý Trường Thành mới tuy bề ngoài hào nhoáng nhưng chỉ làm Trung Quốc kiệt quệ về lâu về dài. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó.
Cũng không phải chỉ có thế, lý tưởng công bằng xã hội mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc đề cao để biện minh cho việc gây ra cái chết của hàng trăm triệu người Trung Quốc trong nội chiến cũng như trong các chiến dịch Bước Nhảy Vọt và Đại Cách Mạng Văn Hóa đã hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho một chênh lệch giầu nghèo chưa từng có, không chỉ giữa những con người mà còn cả giữa các vùng.
Tăng trưởng kinh tế chủ yếu tập trung ở khu vực Bắc Kinh và vùng bờ biển phía Đông, tổng cộng vào khoảng 1/5 lãnh thổ, nhưng ngay trong các vùng này bất công xã hội cũng cực kỳ thách đố. Hàng trăm triệu người đổ về Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải và các thành phố duyên hải để bán sức lao động, họ sống chen chúc trong những khu nhà chật hẹp và dơ bẩn.
Vào cuối năm 2007 tôi đã thấy một đám đông mà tôi chưa bao giờ thấy. Tại quảng trường trước nhà ga Bắc Kinh hàng triệu người chen chúc nhau. Họ đứng, ngồi và nằm bên cạnh những bao hành lý lớn. Đó là các công nhân từ các tỉnh chờ xe lửa để về quê thăm gia đình. Họ chỉ là một thiểu số trong số những người tha hương cầu thực bởi vì những người này trung bình chỉ về quê thăm gia đình mỗi năm một lần.
Trên thực tế phải nói Trung Quốc không phải là một nước với 1.400 triệu dân như cách nhìn bình thường. Đó là một nước với khoảng 300 triệu dân và một khối nô lệ hơn một tỷ người bị bóc lột thẳng tay.
Ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã hốt hoảng khi cuộc khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 nổ ra vì ít nhất hai lý do. Một là kinh tế Trung Quốc lúc đó chủ yếu dựa vào xuất khẩu trong khi xuất khẩu chắc chắn sẽ sút giảm rất nặng. Hai là, quan trọng hơn, chế độ Trung Quốc dựa trên một hợp đồng bất thành văn, theo đó chính quyền được quyền mặc sức hủy hoại môi trường và khai thác sức lao động của quần chúng cũng như của các tỉnh phía Tây, nhân danh một tỷ lệ tăng trưởng cao hứa hẹn một ngày mai tươi sáng ; hợp đồng này nếu không được tôn trọng sẽ đưa tới bạo loạn và ly khai.
Kết luận của Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc mà Ôn Gia Bảo đã là người đầu tiên nói ra là phải giữ tỷ lệ tăng trưởng ở mức 8%. Trong một bài trước tôi đã trình bày là họ đã tìm đủ mọi cách để giữ tỷ lệ tăng trưởng này, dù là một cách giả tạo. Họ đã cố phát triển thị trường nội địa, nhưng cố gắng này đã không thành công mà còn có kết quả ngược lại là khiến hoạt động xuất khẩu trở thành khó khăn hơn. Họ đã dồn tiền vào các thị trường chứng khoán với mơ ước biến Thượng Hải và Thẩm Quyến thành những trung tâm tài chính lớn như New York, Tokyo hay London để có thể huy động các nguồn tài chính thế giới ; dự án này không chỉ thất bại mà còn là một thảm họa đến nay vẫn còn tiếp tục tàn phá một nền tài chính vốn đã rất nguy ngập. Cố gắng chuyển hóa từ một nền kinh tế dựa trên khối lượng sang một nền kinh tế phẩm chất cao là đúng nhưng đòi hỏi thời gian và những yếu tố khác mà các chế độ độc tài không có : tự do, ý kiến và sáng kiến.
Giải pháp cứu nguy còn lại là xây dựng, xây dựng trong nước rồi xây dựng ngoài nước khi không còn xây dựng thả cửa ở trong nước được nữa.
Như tôi đã viết trong một bài trước (2), giải pháp này, được gọi là "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (Belt and Road Initiative), thực ra chẳng có gì là độc đáo để đáng được gọi là một sáng kiến. Nó chỉ là một giải pháp dễ dãi. Ai cũng biết ngành xây dựng có tác dụng lôi kéo rất nhiều ngành khác. Người Pháp có câu "Khi xây dựng lên thì tất cả đêu lên" (Quand le bâtiment va, tout va).
Ngành xây dựng dễ tăng cường vì không đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp lại có hiệu ứng lôi kéo lớn nên nó luôn luôn là cám dỗ của các chính quyền hoặc muốn tăng trưởng nhanh hoặc muốn thoát hiểm trong một bối cảnh kinh tế khó khăn. Điều mà một số người không lưu ý đúng mức là ngược lại khi ngành xây dựng bế tắc nó cũng khiến rất nhiều ngành khác bế tắc theo và gây khủng hoảng lớn. Đó là điều đã xảy ra tại Mỹ năm 2008 khi chiếc bong bóng địa ốc xì hơi. Đó cũng là lý do khiến Espana và Hy Lạp khốn đốn từ mười năm nay. Xây dựng có hiệu quả tức khắc nhưng nguy hiểm về lâu về dài. Nó như một thứ thuốc kích thích phải được sử dụng một cách rất thận trọng. Ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc chắc chắn phải biết điều này vì nó quá sơ đẳng nhưng họ không còn chọn lựa nào khác.
Vấn đề của Bắc Kinh là họ không thể giảm bớt các hoạt động xây dựng vì ngành này và những ngành gắn bó chặt chẽ với nó đang nuôi sống hàng trăm triệu gia đình. Giảm xây dựng là dồn họ vào thế tuyệt vọng và chắc chắn sẽ có bạo loạn.
Khó khăn của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Ngoài đe dọa kinh tế Trung Quốc còn phải đương đầu một cách tuyệt vọng với một tai họa còn to lớn hơn nhiều : môi trường. Một phần lớn của đất nước Trung Quốc gần như đã bị hy sinh trên bàn thờ thần Tăng Trưởng.
Năm 2007, khi bầu trời Bắc Kinh và Hà Bắc đã đen nghịt khói, tôi đọc được nhiều tài liệu cho biết là Trung Quốc dự định xây thêm mỗi năm hơn một ngàn nhà máy nhiệt điện than và nhiều ngàn nhà máy chạy bằng than khác như thép, phân bón, giấy v.v. Trong suốt một tháng đi đâu trên khắp Trung Quốc (xin nhấn mạnh là trên khắp Trung Quốc !), tôi cũng gặp những đoàn du lịch của Tổng Công Ty Than Khoáng Sản Việt Nam. Trung Quốc mua tất cả khối lượng than mà Việt Nam có thể bán. Đó là thời vàng son của than. Rồi đùng một cái các nhà lãnh đạo Trung Quốc khám phá ra là thời đại của than đã chấm dứt và thời đại của dầu khí cũng sắp chấm dứt nhường chỗ cho năng lượng tái tạo được, chủ yếu là năng lượng mặt trời. Họ không biết phải làm gì với những thiết bị đã chế tạo ra cho những nhà máy chạy bằng than được dự định thành lập nhưng sẽ không thành lập nữa. Chỉ còn một giải pháp là xuất khẩu chúng bằng mọi giá.
Để có thể xuất khẩu Trung Quốc đề nghị với tất cả các nước những hợp đồng xây dựng và lắp ráp các kết cấu hạ tầng cũng như các nhà máy với những điều kiện thật dễ dãi. Các ngân hàng của Trung Quốc, hoặc do Trung Quốc tài trợ như AIIB, cho các nước đối tác vay để trả tiền các công trình do các công ty quốc doanh Trung Quốc đấu thầu thực hiện. "Vành đai và Con đường" là một cụm từ mơ hồ bao gồm tất cả những công trình mà Trung Quốc thi công ở nước ngoài. Để thực hiện những công trình này, Trung Quốc cho vay để khách hàng thanh toán cho mình, và cho vay bất chấp cả khả năng hoàn trả của khách hàng. Những món nợ này dĩ nhiên là mất không trong đa số các trường hợp.
Nhưng Trung Quốc lấy tiền đâu để cho vay ? Câu trả lời giản dị là họ đi vay, chủ yếu của các quỹ đầu tư đủ loại trên thế giới. Từ vài năm nay tình hình kinh tế Trung Quốc có thể tóm tắt như sau : Trung Quốc nợ ngập đầu, phải vay nợ mới để trả nợ cũ, phải vay thêm để tiếp tục cho vay, và cho vay những con nợ ít khả năng hoàn trả. Tình trạng điên loạn này dĩ nhiên không thể kéo dài.
Bao giờ và phải như thế nào ?
Nhưng bao giờ nó phải chấm dứt ?
Cho tới nay nhiều chuyên gia đã dự đoán sự sụp đổ nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc. Các dự đoán này đều hợp lý nhưng đã không thành sự thực vì ít nhất ba lý do :
Một là, các chuyên gia này đã phạm sai lầm là lý luận về Trung Quốc như là một nước trong khi Trung Quốc là một đế quốc và một đế quốc -hiểu theo nghĩa nhiều nước phục tùng một trung tâm- sụp đổ một cách khác, phức tạp hơn và lâu hơn.
Hai là, trong tình trạng của Trung Quốc hiện nay sự sụp đổ kinh tế có mọi triển vọng sẽ kéo theo cả sự sụp đổ của chế độ cộng sản và sự tan vỡ của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh vì vậy phải tìm mọi cách để trì hoãn nó bằng mọi giá. Họ kháng cự tới cùng vì không còn gì để mất và để sợ.
Ba là, các ngân hàng và các quỹ đầu tư đã cho Trung Quốc vay quá nhiều tiền cho nên mắc kẹt và dù muốn hay không cũng vẫn bắt buộc phải tiếp tục cho Trung Quốc vay vì sự sụp đổ của kinh tế Trung Quốc rất có thể sẽ kéo theo sự khủng hoảng, thậm chí sự sụp đổ, của chính họ và do đó một khủng hoảng lớn cho thế giới.
Tuy vậy, vào lúc này, ta có thể nói là khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc không còn xa vì những dấu hiệu chắc chắn của khủng hoảng đã rõ ràng và ngày càng nhiều. Khối nợ kinh hoàng của Trung Quốc là điều mà cả thế giới đã biết và chỉ có thể tăng lên chứ không thể giảm đi, dự trữ của Trung Quốc rất mỏng manh, thị trường chứng khoán của Trung Quốc liên tục xuống nhanh chóng dù ngân hàng trung ương phải không ngừng cứu trợ, lãi suất của các trái phiếu Trung Quốc đã vượt quá 3% và còn đang tiếp tục lên. Các tin xấu đến hầu như hàng tuần.
Chúng ta không biết ngày nào nhưng chúng ta có thể biết khi nào Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế. Đó là lúc Trung Quốc không còn vay nợ được nữa và lúc đó không còn xa bởi vì các cơ quan giám định, như Moody's, đã đánh giá các món nợ Trung Quốc là rủi ro. Lãi suất các trái phiếu Trung Quốc hiện nay đã ở mức 3,2%. Nó sẽ tiếp tục tăng lên ngày càng nhanh và khi nó đạt tới mức 6% hay 7% thì không còn quỹ đầu tư nào dám chối bỏ sự thực để tiếp tục cho Trung Quốc vay nữa ; lúc đó kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ với những hậu quả rất nghiêm trọng cho Trung Quốc và cho cả thế giới nếu sự sụp đổ đến một cách đột ngột.
Tháng trước tôi có nói chuyện với hai người bạn chuyên gia cao cấp. Chúng tôi chia sẻ cùng một phân tích về tình hình Trung Quốc, kể cả nhận định rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ vì những sai lầm của chính nó chứ hoàn toàn không phải vì cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Nhưng khi tôi nói rằng Trung Quốc có thể lâm vào khủng hoảng trong vòng hai năm nữa thì họ dè dặt. Theo họ kinh tế Trung Quốc đáng lẽ đã phải khủng hoảng lâu rồi nhưng nó vẫn còn đứng được chừng nào vẫn còn nhiều định chế tín dụng, dù tự nguyện hay miễn cưỡng, tiếp tục cho Trung Quốc vay và những định chế này vẫn còn khá nhiều.
Năm 2013, khi chính thức lên làm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc kiêm chủ tịch nước, Tập Cận Bình đã long trọng công bố "Sáng kiến Một vành đai Một con đường".
Tập Cận Bình được bầu làm phó chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa từ đầu năm 2008 để chuẩn bị thay thế Hồ Cẩm Đào. Như vậy ông đã có vai trò quyết định trong chính sách kinh tế ngay khi cuộc khủng hoảng 2008 nổ ra. Năm 2013 khi chính thức lên làm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc kiêm chủ tịch nước ông đã long trọng công bố "Sáng kiến Một vành đai Một con đường". Năm 2017 cũng ông đặt cho nó một tên mới : "Vành đai và Con đường". Ông có thể được coi như là cha đẻ của chính sách kinh tế của Trung Quốc trong hơn mười năm qua, một chính sách nhắm trước hết cứu nguy đảng và chế độ cộng sản Trung Quốc. Chính vì thế mà ông đã được Đảng Cộng Sản Trung Quốc dành cho mọi vinh dự và quyền lực. Tuy vậy có mọi triển vọng chính sách này sẽ làm kinh tế Trung Quốc sụp đổ, làm chấn động thế giới, làm sụp đổ chế độ cộng sản và làm Trung Quốc sau đó tan vỡ làm nhiều khối. Có triển vọng cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra ngay trong nhiệm kỳ thứ hai này của ông. Tại sao không ai tranh giành quyền lực với ông ? Có thể vì không ai muốn chịu trách nhiệm về một thảm bại chắc chắn sẽ đến.
Người ta có lý do chính đáng để ghét chế độ cộng sản Trung Quốc và mong nó sụp đổ nhưng không phải vì thế mà mong nó sụp đổ ngay tức khắc. Đừng quên là cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008 đã nổ ra khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phá sản. Lần này một sự phá sản đột ngột của kinh tế Trung Quốc sẽ kéo theo sự phá sản không chỉ của một mà nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư lớn. Chấn động sẽ dữ dội gấp nhiều lần và không chỉ nhân dân Trung Quốc khốn khổ mà nhiều nước, kể cả Việt Nam, cũng sẽ phá sản theo với những bi kịch không lường được.
Khủng hoảng của kinh tế sắp tới của Trung Quốc vì thế phải được chuẩn bị và quản lý với tất cả thận trọng. Giải pháp đương nhiên là phải để các công ty quốc doanh Trung Quốc lần lượt phá sản theo một nhịp độ mà các định chế đầu tư có thể tiêu hóa được. Muốn như thế thì không thể đột ngột ngừng cho vay hàng loạt các công ty lớn của Trung Quốc. Chắc chắn thế giới đã rút được bài học Lehman Brothers.
Ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ như thế nào ?
Nếu như thế thì ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ không quá nghiêm trọng. Các đế quốc khác với các quốc gia ở chỗ chúng không hung hăng gây hấn với nước ngoài khi bị khủng hoảng nội bộ. Chúng ta sẽ không sợ những hành động liều lĩnh của Trung Quốc, kể cả trên Biển Đông. Tuy vậy cuộc khủng hoảng sắp tới tại Trung Quốc sẽ rất lớn và Việt Nam sẽ như sống bên cạnh một núi lửa đang phun trong một thời gian dài. Việt Nam cần những người lãnh đạo có kiến thức và tầm nhìn để tránh những tai họa đáng lẽ có thể tránh được. Cho đến nay những người kế tiếp nhau lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đều không chứng tỏ khả năng đó.
Một bằng chứng là họ rập khuôn theo Trung Quốc mà không nhìn thấy sự khác biệt căn bản giữa hai nước. Việt Nam có thể chuyển hóa về dân chủ mà vẫn nguyên vẹn với cùng một lãnh thổ và dân số trong khi đó không phải là trường hợp của Trung Quốc.
Nguyễn Gia Kiểng
(12/12/2018)

Phần nhận xét hiển thị trên trang