Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

Trịnh Xuân Thanh vẫn đang thi hành án ở Việt Nam



Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Tuổi Trẻ

Tuổi trẻ
08/11/2018 16:54 GMT+7

TTO - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Trịnh Xuân Thanh vẫn đang trong quá trình thi hành án ở Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội chiều 8-11, truyền thông nước ngoài đặt câu hỏi về những tin đồn liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh gần đây.

"Hiện giờ đang có những thông tin cho thấy đang có đàm phán giữa VN và Đức để đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Đức. Xin bà cho biết thêm về vấn đề này" - phóng viên của hãng tin Reuters hỏi. 


Trả lời câu hỏi này, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Thời gian vừa qua hai bên đã có những cuộc trao đổi và tiếp xúc để thúc đẩy quan hệ hai nước và Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước.

"Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật ở Việt Nam đã được đưa ra xét xử một cách công khai theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hiện đang trong quá trình thi hành án," bà Hằng khẳng định.

Phản đối Trung Quốc xây trái phép trạm quan trắc ở Trường Sa

Cũng trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ việc Trung Quốc xây các trạm quan trắc ở Trường Sa đầu tháng này đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Theo báo Bưu điện Nam hoa Buổi Sáng, ngày 1-11, chính quyền Trung Quốc đã khánh thành 3 trạm quan trắc khí hậu trên Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh đã bồi đắp thành các đảo nhân tạo và xây dựng một số cơ sở quân sự trái phép trên đó.

Ông Lục Khảng, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết những trạm quan trắc này chủ yếu sẽ được sử dụng để đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông.

"Các cơ sở này sẽ giúp Trung Quốc cung cấp những dịch vụ công cộng tốt hơn cho các quốc gia trong khu vực Biển Đông."

Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), các trạm quan trắc này được trang bị các thiết bị cơ bản để quan trắc trên mặt đất và trên không cũng như các radar khí hậu nhằm thu thập các chỉ số khí tượng trên khắp quần đảo Trường Sa và các nước xung quanh.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội chiều 8-11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc xây dựng cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nói trên, tuân thủ nghiêm thoả thuận những nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc và tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC, không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)," bà Hằng nhấn mạnh. 

Ngoài ra, bà Hằng khẳng định lại một lần nữa Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế. 

DIỆU AN - BÙI HÀ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Góc khuất nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam


Rất nhiều nơi trên đất Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Minh Triết là hơn 30 nơi thờ Triệu Vũ Đế.
Rất nhiều nơi trên đất Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Minh Triết là hơn 30 nơi thờ Triệu Vũ Đế.
 





Lịch sử Việt Nam thời kỳ mở nước, trước khi thoát hẳn khỏi ách đô hộ ngàn năm Bắc Thuộc còn nhiều góc khuất, thiếu thông tin, và gây ra sự tranh luận trong giới sử gia. Một phần nguyên nhân quan trọng là do chính sách của người Hán đối với người Việt, như đốt sách, đồng hóa, … Nhà Triệu do Triệu Vũ Đế - tức Triệu Đà lập nên năm 207 trước Công nguyên là một trong những phần lịch sử dân tộc còn tranh luận như vậy.
Phóng viên RFA tại Hà Nội ghi nhận ý kiến một số chuyên gia sử học Việt Nam về vấn đề này.

Nhà Triệu là một triều đại của Việt Nam hay không?

Theo chính sử của các triều đại phong kiến Việt Nam như Đại Việt Sử Ký, An Nam Chí Lược thời nhà Trần, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thời nhà Hậu Lê, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục thời nhà Nguyễn, và Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim đều nhìn nhận Nhà Triệu là triều đại chính thống trong lịch sử Việt Nam.
Trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi có viết:
"Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương."
Chúng ta đừng đặt vấn đề thờ Triệu Đà hay thờ An Dương Vương, mà An Dương Vương và Triệu Đà đều là người Hán, đã bị Việt hóa từ lâu rồi, và họ thành người Việt.
-PGS-TS Trương Sỹ Hùng
Tuy nhiên, một luồng quan điểm khác không công nhận Nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam, bắt nguồn từ sử gia Ngô Thì Sĩ thời vua Tây Sơn Nguyễn Huệ. Quan điểm lịch sử chính thống hiện nay được phản ảnh trong các bộ thông sử quốc gia, được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học, và các sử gia từ Đào Duy Anh cho đến Phan Huy Lê đều phủ nhận Nhà Triệu và coi là "kẻ xâm lược", Triệu Đà là ngoại bang đến cai trị người Việt.
Luồng quan điểm phủ nhận Nhà Triệu dựa trên căn cứ: Triệu Đà quê gốc ở Chân Định - nay thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc, nằm phía Bắc sông Dương Tử - phần đất không phải của Bách Việt; ông là tướng nhà Tần, theo lệnh Hoàng đế Trung Hoa là Tần Thuỷ Hoàng đem quân đánh chiếm vùng đất của các bộ tộc Bách Việt. Khi nhà Tần mất thì Triệu Đà mới tách ra cát cứ, do đó Triệu Đà là kẻ ngoại bang đến xâm lược.
Ngày 15/5/2018 vừa qua, Trung tâm Minh Triết kết hợp với Trung tâm Lý học Đông Phương, Trung tâm Nghiên cứu Khả năng và Hiện tượng Đặc biệt và Họ Triệu tại xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã tổ chức buổi Tọa đàm: Nhà Triệu - mấy vấn đề lịch sử nhân dịp lễ hội Làng nghề chạm bạc Đồng Sâm tưởng nhớ Triệu Vũ Đế.
Buổi Tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực: lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, mỹ thuật, khảo cổ, … Họ đều có chung quan điểm công nhận Triệu Vũ Đế  - Triệu Đà là hoàng đế đầu tiên của người Việt.
Cuộc chiến giữa Triệu Đà và Thục Phán An Dương Vương theo quan điểm lịch sử chính thống được ghi trong sách giáo khoa là cuộc chiến tranh xâm lược, mở đầu thời kỳ Bắc Thuộc. Tuy nhiên, theo PGS-TS Trương Sỹ Hùng nhìn nhận, đây thực chất chỉ là cuộc chiến để thống nhất các tiểu vương quốc, không phải quốc gia nọ xâm chiếm quốc gia kia.
"Cho nên chúng ta đừng đặt vấn đề thờ Triệu Đà hay thờ An Dương Vương, mà An Dương Vương và Triệu Đà đều là người Hán, đã bị Việt hóa từ lâu rồi, và họ thành người Việt."
Rất nhiều nơi trên đất Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Minh Triết là hơn 30 nơi thờ Triệu Vũ Đế.
Rất nhiều nơi trên đất Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Minh Triết là hơn 30 nơi thờ Triệu Vũ Đế. RFA PHOTO
Chia sẻ quan điểm với PGS-TS Trương Sỹ Hùng, Nhà giáo Vũ Thế Khôi cho rằng, chính sử của Trung Quốc coi nước Nam Việt của Nhà Triệu là vùng "biên viễn" cho đến khi xâm chiếm được vào năm 111 trước Công nguyên.
"Nguồn gốc xuất thân của người đứng đầu vương quốc này là người Hán hay người Việt không phải cái quyết định quan trọng, bởi vì Lý Bôn cũng người gốc Hán. Nhưng mà khi họ đã hội nhập với đất nước, giang sơn này, họ coi đất nước, giang sơn này là tổ quốc của họ, họ kiên quyết bảo vệ."
Một nguồn thông tin khác là "Cổ Lôi Ngọc Phả" hay "Bách Việt Ngọc Phả Truyền Thư" có giả thuyết cho rằng, Triệu Đà là cháu ruột của Hùng Duệ Vương - tức vua Hùng thứ 18, khi An Dương Vương đánh chiếm Văn Lang đã chạy về phương Bắc, được người họ Triệu thu nhận, nên mang họ Triệu.

Vai trò của Nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam

PGS-TS Trương Sỹ Hùng đánh giá, Nhà Triệu nổi bật nhất trong khía cạnh bảo vệ độc lập, tự chủ của nước Nam Việt trước cường quốc phương Bắc là nhà Hán - khi đó mới thành lập sau khi Hán - Sở tranh hùng.
"Bên cạnh đó, ông (Triệu Đà) trả lời một câu rất hay là: Nhưng mà tôi vẫn đặt quan hệ đi lại, bang giao - tức là để quan hệ bang giao thuận lợi hơn, mà không để giãn cách. Tôi cho rằng, bài học đấy không những bây giờ, mà mãi mãi về sau này, bởi vì cái sự tồn tại, độc lập dân tộc của mỗi quốc gia là riêng. Còn vấn đề lúc va chạm nhau là chuyện giải quyết thắng thua, rành mạch, sòng phẳng, sau đó chúng ta lại phải giữ quan hệ với nhau hữu hảo, lâu dài."
Nhà giáo Vũ Thế Khôi phân tích kỹ hơn, Nhà Triệu đã lập ra một quốc gia tự chủ cho người Việt, bằng cách tập hợp, thống nhất được sự đoàn kết của các sắc tộc cùng sinh sống trong lãnh thổ Nam Việt mà được gọi là "Hòa tập Bách Việt". Nhà Triệu cũng khôn khéo trong chính sách "Trong Đế - Ngoài Vương" và cương quyết bảo vệ nền độc lập trước nhà Hán khi bị xâm chiếm.
Để tồn tại được thì rất mềm mỏng, nhưng khi cần bảo vệ quốc gia thì cương quyết, không hèn nhát. Và chính vì thế, vương triều nhà Triệu cho đến bây giờ vẫn sống trong tâm thức người Việt. Rất nhiều nơi trên đất Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Minh Triết là hơn 30 nơi thờ Triệu Vũ Đế.
-Nhà giáo Vũ Thế Khôi
"Để tồn tại được thì rất mềm mỏng, nhưng khi cần bảo vệ quốc gia thì cương quyết, không hèn nhát. Và chính vì thế, vương triều nhà Triệu cho đến bây giờ vẫn sống trong tâm thức người Việt. Rất nhiều nơi trên đất Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Minh Triết là hơn 30 nơi thờ Triệu Vũ Đế."
Bên cạnh đó, Nhà giáo Vũ Thế Khôi cho rằng, để tạo ra sự thống nhất, Triệu Vũ Đế đã đưa chữ Hán vào đời sống chính trị, xã hội Nam Việt khi đó, chứ không phải do quân đội nhà Tần mang đến.
"Trong khi chữ Việt cổ bị mai một từ lúc nào đấy do hoàn cảnh lịch sử. Mà bây giờ các học giả đã chứng minh là nó có, mà chính người Trung Hoa xây dựng chữ tượng hình của họ trên cơ sở chữ Việt cổ đó. Nhưng lúc bấy giờ chữ Việt cổ không còn được sử dụng rộng rãi nữa, thì ông ấy sử dụng luôn chữ Hán, để làm công cụ truyển tải trong chính quyền của ông ấy."
Lịch sử Việt Nam thời kỳ dựng nước và bảo vệ nền độc lập từ ngày đầu còn nhiều điều mà hậu thế chưa rõ, và cả dân tộc này vẫn đang đi tìm hiểu lấp đầy những khoảng trống, giải quyết những khúc mắc.
PGS-TS Trương Sỹ Hùng cho biết, thời gian tới đây, các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ tiếp tục khảo sát những di chỉ khảo cổ, tìm kiếm tài liệu, thư tịch cổ về Nhà Triệu không chỉ tại miền Bắc Việt Nam, mà còn cả ở Quảng Đông, Quảng Tây - những vùng đất của người Bách Việt xưa, trong lãnh thổ Nam Việt thời Triệu Đà.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ' hay lịch sử bị chối bỏ?


Hình ông Petrus Ký trên bìa sách 'Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ', tác giả Nguyễn Đình Đầu.
Hình ông Petrus Ký trên bìa sách 'Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ', tác giả Nguyễn Đình Đầu.
Photo courtesy by vanviet.info

 














Giới học thuật, trí thức Việt Nam trong những ngày qua xôn xao về chuyện việc ra mắt cuốn sách nghiên cứu về nhân vật Trương Vĩnh Ký bị "lệnh miệng" đình lại.
Bị cấm ra mắt
Quyển sách ‘Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ’ ra đời như một công trình nghiên cứu có bề dày hơn 50 năm của tác giả, học giả Nguyễn Đình Đầu. Ông cho biết sách đã được Cục Xuất Bản chấp thuận và cấp phép lưu chiểu trong mấy tháng qua.
Thế nhưng, theo tin từ trang vanviet.info và sau đó được cộng đồng mạng chia sẽ rất nhiều, ngày 4/1/2017, một “lệnh miệng” được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách.
Chính học giả Nguyễn Đình Đầu cũng hoàn toàn không được biết trước
“Tôi mới được tin ngày hôm qua. Công ty Nhã Nam và NXB Tri Thức cũng không có văn bản, chỉ có chỉ thị bằng lời nói. Chính tôi cũng không biết là vì sao?”
Theo tôi được biết thì tác giả, cụ Nguyễn Đình Đầu, không đồng sửa chữa bất cứ nội dung nào đã viết trong sách. Cụ là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, cẩn trọng và có bản lĩnh.
- Giáo sư Chu Hảo
Khi được hỏi về khả năng những ấn bản đang được phát hành mấy tháng qua có bị thu hồi hết và buộc phải sửa chữa nội dung gốc theo yêu cầu của Cục Xuất Bản hay không, Giáo sư Chu Hảo, giám đốc NXB Tri Thức cho biết:
“Theo tôi được biết thì tác giả, cụ Nguyễn Đình Đầu, không đồng ý sửa chữa bất cứ nội dung nào đã viết trong sách. Cụ là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, cẩn trọng và có bản lĩnh. Xung quanh câu chuyện đánh giá một cách khoa học, khách quan về cuộc đời và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký vấn còn có ý kiến khác nhau. Thậm chí, mặc dầu nhà nước đã chính thức thừa nhận công lao của Trương Vĩnh Ký bằng việc lấy tên của ông đặt cho các đường phố và trừơng học, mà vẫn có người chửi bới ông ấy như là một " học giả Việt gian" cơ mà. Vì vậy tiếp tục trao đổi, tranh luận công khai những quan điểm của tác giả cuốn sách là cần thiết. Và giá cứ để cuộc giới thiệu sách diễn ra như đã định và tiếp tục phát hành bình thường thì có hay hơn chăng?”
Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng do tên gọi của quyển sách là "Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ" mà tác phẩm này đã không được ra mắt như đã định?
Tác giả quyển sách cho biết công trình của ông khảo cứu tất cả những người nói về Trương Vĩnh Ký, phê bình Trương Vĩnh Ký khi còn sống và sau khi qua đời.
“Trong tất cả giai đoạn thăng trầm lịch sử của Việt Nam, có những người khen Trương Vĩnh Ký, có người chê Trương Vĩnh Ký nhưng đều không dựa vào tài liệu chính thức. Vì thế tôi thấy muốn hoà hợp dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, thì tôi nghĩ đối với nhân vật lịch sử đặc biệt như Trương Vĩnh Ký, thì nên làm một hồ sơ về Trương Vĩnh Ký.”
Như thế, nếu chỉ là “Hồ sơ Trương Vĩnh Ký” thì sao? Giáo sư Chu Hảo cho biết:
“Đúng, có lẽ cái tựa sách ấy đã làm cho một số người kiên trì bài bác đến mức thóa mạ Trương Vĩnh ký phật ý và phản ứng mạnh mẽ. Phản ứng ấy khi được công bố công khai rộng rãi cũng mang lại it nhiều bổ ích cho nền học thuật nước nhà.”
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã thì nhận định rằng “nếu nói về nỗi oan, thì có thể dưới một góc độ về chính trị, thì cho ông Trương Vĩnh Ký là người thân Pháp hay gì đó thì không đúng vì một người học thuật như ông thì ở bất cứ ở đâu và thời gian nào họ cũng thể hiện tính cách và công trình của họ có giá trị muôn đời.
Một công trình hơn 50 năm
Trường Trung học Petrus Ký ở Saigon chụp năm 1972. Sau 1975 bị đổi tên thành trường Lê Hồng Phong.
Trường Trung học Trương Vĩnh Ký ở Saigon chụp năm 1972. Sau 1975 bị đổi tên thành trường Lê Hồng Phong. Photo by Caroline Thanh Huong
Ngay từ bài mở đầu của cuốn sách, Giáo sư Phan Huy Lê đã gọi đây là “một công trình như một hồ sơ Trương Vĩnh Ký mang tên "Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ.”
“Tôi coi đây là một công trình tổng hợp có giá trị về Trương Vĩnh Ký, cung cấp một hệ thống tư liệu khá đầy đủ và khách quan với nhiều góc nhìn khác nhau, cho tất cả các nhà khoa học trên mọi lĩnh vực muốn nghiên cứu sâu về nhà bác học Trương Vĩnh Ký.”
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người đã nhận được thư mời đến buổi ra mắt sách (nhưng đã không xảy ra) dùng hai từ “đặc biệt” để nói về Trương Vĩnh Ký, một người ông rất kính trọng.
“Theo tôi, một nhân vật như Trương Vĩnh Ký là một nhân vật rất đặc biệt, mà tôi vẫn cho là tiêu biểu cho thân phận của người Việt Nam. Ông sống ở thời kỳ Pháp thuộc, nơi đó lại là Nam kỳ, thuộc Pháp. Mà khi mình sống thời kỳ Pháp thuộc, mình sống như thế nào trong giới học thuật đó, mà để mãi với thời gian thì đó là một vấn đề rất quan trọng. Ông Trương Vĩnh Ký đã làm được điều đó. Những công trình nghiên cứu và con người, nhân cách của ông là muôn đời.”
Để gọi là một công trình như cách nói của Giáo sư  Phan Huy Lê và Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu, học giả Nguyễn Đình Đầu đã bỏ ra hơn 50 năm để sưu tầm những tài liệu có giá trị thực tiễn, bắt đầu từ năm 1960, khi ông là hội viên hội nghiên cứu Đông Dương.
Petrus Ký cũng trải qua nhiều sóng gió của khen – chê, tôn vinh – phê phán, nhưng cuối cùng xu thế khách quan, trung thực vẫn chi phối.
- Giáo sư Phan Huy Lê
“Lúc đầu tôi chỉ chú ý đến tờ báo Gia Định báo thời Trương Vĩnh Ký làm chủ bút. Tôi đọc những bài Trương Vĩnh Ký viết về chương trình học của trường Thông Ngôn. Tôi thấy rất đặc biệt vì trường Thông Ngôn vừa dạy cho người Pháp vừa dạy cho người Việt (bằng chữ Hán). Sau đó tôi tình cờ thấy trong thư viện có 1 hồ sơ để ở chỗ khá đặc biệt, của Đại tá Hải quân Pháp coi cái đạo quân chiếm đóng Sài Gòn 1960. Trong hồ sơ đó, tôi thấy có hai cái thư của vị đại tá gửi cho thống đốc nói về Trương Vĩnh Ký. Ông thống đốc muốn kiếm 1 người thông ngôn, nói rõ người đó là Petrus Ký.”
Từ đó, ông đã tìm những sách mà Trương Vĩnh Ký viết về Gia Định ngày xưa, về Nam Bộ hoặc những bài mà Trương Vĩnh Ký sưu tầm lại về Gia Định cổ, Gia Định thất thủ, Gia Định mới, lịch sử Nam Bộ, địa lý Nam Bộ bằng tiếng Pháp…và xem như đây là “một khám giá mới về sự hợp tác của Trương Vĩnh Ký với Pháp, sự nghiệp văn hoá của ông dựa trên tinh thần dân tộc chứ không phải theo thực dân.”
“Đến 1991, tôi có dịp đi Pháp tôi nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký, những tài liệu mà ở Pháp có mà nơi khác không có.”
Tại đây ông cho biết đã tìm được những tài liệu về thân thế của Trương Vĩnh Ký và cả những thơ văn của Trương Vĩnh Ký viết bằng tay nói về tình hình  Sài Gòn những năm 1860. Ông cất công tìm gặp cả người thầy của Trương Vĩnh Ký từ năm 1849, 1850 là ông Cố Long, vừa là một linh mục, vừa là nhà bác học.
Từ chối lịch sử
Một chiếc xe kéo chở khách trên một con đường ở Hải Phòng thời Pháp, khoảng năm 1900.
Một chiếc xe kéo chở khách trên một con đường ở Hải Phòng thời Pháp, khoảng năm 1900. AFP photo
Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo khi còn tại thế từng thốt lên rằng “Cho đến bây giờ chưa ai vượt được Trương Vĩnh Ký về pháp ngữ tiếng Việt viết bằng tiếng Pháp.”
Theo học giả Nguyễn Đình Đầu, các tài liệu của Trương Vĩnh Ký bằng tiếng Việt hoặc tiếng Pháp đều căn cứ trên di sản văn hoá chính thức của Việt Nam.
“Trương Vĩnh Ký luôn chủ trương người Việt phải dùng chữ Việt. Người Việt Nam phải dùng tiếng Việt để nói tiếng Việt; và muốn được sâu sát nữa về phương diện triết học, sử học và di sản văn hoá dân tộc thì phải biết chữ Hán nữa.”
“Tuy hợp tác với Pháp nhưng vẫn là giữ tinh thần quốc gia, tức tinh thần yêu nước, lúc đó là trung thân với ái quốc. Vì thấm nhuần tinh thần Thiên chúa giáo và tây phương nên thấm nhuần tinh thần dân chủ, nhưng vẫn giữ được các cốt cách của Việt Nam.”
Những phẩm chất, tinh thần văn hóa dân tộc của Trương Vĩnh Ký được học giả Nguyễn Đình Đầu và sự cộng tác của nhiều dịch giả khác đặt trọn trong Công trình “Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ”, như lời giới thiệu của giáo sư Phan Huy Lê:
Theo tôi, một nhân vật như Trương Vĩnh Ký là một nhân vật rất đặc biệt, mà tôi vẫn cho là tiêu biểu cho thân phận của người Việt Nam.
- Tiến sĩ Nguyễn Nhã
“Trong lịch sử Việt Nam, việc bình luận, đánh giá không ít nhân vật lịch sử thường bị chi phối bởi bối cảnh lịch sử như vậy. Nhưng xu hướng chung vẫn là sự thắng thế của kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc, khách quan và thái độ công minh trước lịch sử. Petrus Ký cũng trải qua nhiều sóng gió của khen – chê, tôn vinh – phê phán, nhưng cuối cùng xu thế khách quan, trung thực vẫn chi phối.”
Thế nhưng, xu thế khách quan, trung thực về một nhân vật của lịch sử đã không được phép giới thiệu đến hậu thế, như luật sư Lê Luân đã viết trên trang nhà của mình:
“Nhưng nhân vật ấy cho đến lúc này, khi vừa mới có cơ hội được trở lại với lịch sử thì cũng ngay lập tức đã bị ngăn trở lại một cách dứt khoát và quyết liệt đến ngỡ ngàng trước những sự phẫn nộ của nhiều người dân mà đã biết sự thật về Ông.”
Có một ngôi trường từng được mang tên Petrus Ký.
Nhưng sau 1975 bị đổi tên. Cũng sau năm đó, bức tượng của ông được dựng gần Bưu điện Sài Gòn từ năm 1927 bị bứng đi mất.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trường hợp tù chính trị Nguyễn Văn Hóa được trình lên Liên Hiệp Quốc



 Tổ chức Freedom Now lên tiếng cho Nguyễn Văn Hóa 



RFA
2018-11-08

Kiến nghị về trường hợp tù chính trị trẻ Nguyễn Văn Hóa được tổ chức Freedom Now và Công ty luật toàn cầu Dechert LLP thay mặt gửi đến Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ tùy tiện và yêu cầu có hành động ngay lập tức về trường hợp này.

Thông báo đề ngày 6 tháng 11 do Freedom Now phát đi với nội dung vừa nêu.

Tổ chức này nêu rõ Việt Nam tiếp tục giam giữ anh Nguyễn Văn Hóa là vi phạm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như Tuyên Ngôn Nhân quyền Quốc Tế

Ông Kate Barth, Giám đốc pháp lý của Freedom Now nói rằng anh Nguyễn Văn Hóa không phải là tội phạm mà chỉ là một nhà báo công dân tường thuật về thảm họa môi trường, và việc tiếp tục giam giữ anh Hóa là một bằng chứng Việt Nam đang hình sự hóa hoạt động báo chí.

“Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam thả anh Hóa ngay lập tức và vô điều kiện. Chúng tôi tin rằng Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ tùy tiện cũng sẽ có kết luận tương tự”, ông Barth nói thêm.

Vào tháng 4 năm 2016, bốn tỉnh miền Trung Việt Nam gánh chịu thảm họa môi trường do Nhà máy thép Fomosa Hà Tĩnh xả thải trực tiếp ra biển khiến cá chết hàng loạt, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề chưa từng có. Các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân phản đối nhà máy thép Fomosa diễn ra khắp nơi dưới sự đàn áp của nhà cầm quyền.

Anh Nguyễn Văn Hóa là nhà hoạt động tham gia tích cực vào các hoạt động phản đối Nhà máy thép Formosa gây ra thảm họa biển miền Trung và giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này.

Cũng theo Freedom Now thì trước khi bị bắt, Nguyễn Văn Hóa quay phim cho ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do. Hóa là người đầu tiên sử dụng flycam để thu lại hình ảnh hơn chục ngàn người biểu tình trước cổng công ty Formosa vào tháng 10/2016.

Nguyễn Văn Hóa bị bắt vào ngày 11/1/2017 nhưng đến ngày 6/4/2017 chính phủ mới chính thức ra thông báo bắt giữ. Anh bị tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự trong phiên xử hôm 27/11/2017.

Phiên xử không hề được thông báo trước, không có luật sư bào chữa và diễn ra chóng vánh chỉ trong hai tiếng rưỡi.

Vào ngày 24/10 vừa qua, thân nhân anh Nguyễn Văn Hóa công khai bức thư anh gửi về cho gia đình, cho biết Phó giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đã đánh đập anh tại phòng cách ly của Tòa án khi anh được đưa đến để làm chứng trong phiên xử ông Lê Đình Lượng vào ngày 16 tháng 8 năm 2018. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đanh thồi!


ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng trao đổi nhanh với PV các cơ quan báo chí 
đầu giờ chiều nay, 9/11. 
 
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Chấp hành mọi quyết định của cấp có thẩm quyền

Tiền Phong

TPO - Đầu giờ chiều nay (9/11), đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xuống Trung tâm Báo chí, Nhà Quốc hội trao đổi nhanh với PV các cơ quan báo chí xoay quanh nội dung chất vấn gây tranh cãi mấy ngày qua.

Bộ Công an lên tiếng về ý kiến của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng 
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Không có chuyện tôi bịa ra tất cả 
 
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói: Với tư cách là một đảng viên, theo đúng các quy định của Điều lệ Đảng, theo đúng quy định của pháp luật, đây là vấn đề rất quan trọng, chúng tôi nhận thức được việc chấp hành các quy định của Đảng là rất cần thiết, và đây cũng là trách nhiệm của tất cả các đảng viên.

“Kể từ giờ phút này, không phỏng vấn và đưa tin tất cả những vấn đề liên quan đến vấn đề này, liên quan đến tôi. Những vấn đề mà tôi có thể “tâm sự” ngoài lề sáng nay thì không coi đó là cuộc phỏng vấn và đề nghị các bạn không đăng tải những vấn đề này nữa để chờ ý kiến, quyết định của Đảng đoàn Quốc hội.

Và cũng xin báo cáo là Ban Dân nguyện không có bất cứ chỉ thị hay cho phép nào đối với tôi để trả lời phỏng vấn báo chí. Có nghĩa là tôi phải chấp hành nghiêm túc các vấn đề mà Đảng đoàn Quốc hội, chờ ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội.

Nếu đăng tải bài viết (dạng phỏng vấn bên lề) trong ngày hôm nay (9/11) mong các bạn gỡ chờ các quyết định chung.

“Tôi sẽ chấp hành mọi quyết định của cấp có thẩm quyền. Đến lúc đó, trở lại với vấn đề báo chí tôi sẽ tiếp tục sẽ trả lời PV báo chí. Tôi rất hạnh phúc được làm việc với anh em báo chí”, ôngLưu Bình Nhưỡng chia sẻ.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm theo dõi qua phát thanh và truyền hình trực tiếp. Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an với nội dung: “Đối với lĩnh vực Công an tôi rất ủng hộ cuộc cách mạng trong lĩnh vực Công an vừa qua nhưng mà qua báo cáo thì mới thấy rằng như thế này, vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100% vân vân, tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong việc này”. 
Về ý kiến này, tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng cung cấp thông tin đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho thấy đánh giá tình hình của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng không chính xác. 
Ngay sau đó, Bộ Công an cũng đã lên tiếng về vấn đề này nêu rõ, quan điểm của Bộ Công an là không chấp nhận các vi phạm trong hoạt động điều tra và đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm hạn chế các vi phạm. Tuy nhiên, các ý kiến đánh giá cần khách quan, thận trọng, không chỉ nhìn ở khía cạnh tiêu cực mà cần đánh giá tổng thể để cử tri và nhân dân cả nước hiểu đúng vấn đề. 
Luân Dũng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐÂY CÓ LẼ LÀ KẺ DẠI NHẤT THẾ GIỚI ???


Khắc Thiện Đinh

Là tỷ phú đô la, đang sống trong một dinh thự nguy nga giữa trung tâm của cái thành phố lớn nhất thế giới. Có khu du lịch sinh thái riêng, có sân gôn đẳng cấp thế giới, có máy bay riêng, có du thuyền triệu đô, có vợ đẹp, con khôn... tức là có tất cả những gì mà một con người bình thường chỉ có thể mơ (vâng, chỉ có thể mơ) !
Nhưng rồi một phút mơ mộng, lại từ bỏ tất cả.... để làm cái việc rỗi hơi, không công, mỗi năm chỉ lĩnh được 1USD.. Rồi suốt ngày bị chửi bới, bị soi mói...!
Ở một số ít nước khác thì người ta gọi là đang làm cách mạng, hy sinh vì nhân dân.... Nhưng tại nước Mỹ thì không có cái chuyện làm cách mạng giả mạo đó; nên lão chỉ có thể là một kẻ dại !
Đó chính là Donald John Trump - đương kim tổng thống Hoa Kỳ./.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Một trăm năm cách mạng Nga: Ba sai lầm chết người và một lời hứa vô căn cứ của Karl Marx.

Phạm Nguyên Trường

Karl Marx 1818-1883

Chủ nghĩa Marx tất nhiên là có nhiều sai lầm và vì vậy mà đã gây ra nhiều tai họa cho nhân quần, nhưng thời gian có hạn, chỉ xin bàn 3 sai lầm mà người viết cho là những sai lầm quan trọng nhất.

1. Bãi bỏ sở hữu tư nhân 

Trong tất cả các loài động vật sống thành bày đàn/xã hội, chỉ có ba loài là ong, kiến, mối là toàn tâm toàn ý, sống chết với đàn mà thôi. Các thành viên của những loài động vật sống thành bày khác như trâu rừng, linh dương đầu bò, chó sói, sư tử… tuy sống trong đàn, nhưng vẫn giữ cho mình mức độ độc lập nhất định, thậm chí nếu bị con đầu đàn o ép quá thì có thể bỏ đi. Loài người cũng như thế. Không có người nào muốn để cho người khác chi phối hoàn toàn cuộc sống của mình. Chỉ có một khác biệt: con người không thể bỏ xã hội, con người giữ độc lập bằng cách có sở hữu riêng. Đấy là lý do câu châm ngôn của người Anh: “Nhà tôi là pháo đài của tôi”.

Không có sở hữu tư nhân, không thể tự kiếm sống, con người trở thành nô lệ. Cả xã hội đều là nô lệ. Đấy là lí do vì sao trong lòng xã hội dựa trên sở hữu tập thể luôn luôn và bao giờ cũng có những người đứng lên chống lại nó. Đấy là những người còn giữ được tính người, còn chứa trong tim mình khát vọng tự do, tự chủ. Số người đứng lên chống lại cái xã hội phi nhân đó, trái với suy nghĩ của các ông trùm cộng sản, lại ngày càng đông thêm. Nếu có xã hội bên ngoài để người ta so sánh thì thời gian tồn tại của xã hội dựa trên sở hữu tập thể sẽ không thể lâu. Đấy là lí do vì sao các xã hội dựa trên sở hữu tập thể phải dựng lên những bức màn sắt, nhằm ngăn chặn cả con người lẫn thông tin, nội bất xuất ngoại bất nhập.

Tuyên ngôn cộng sản

Không có sở hữu tư nhân, người ta không thể mạo hiểm với những quy trình sản xuất hay sản phẩm mới. Lưỡi gươm: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng lúc nào cũng treo ngay trên đầu. Tất tất đều phải chở chỉ đạo của cấp trên. Xã hội không thể nào phát triển được.

Những người hoạt động trong các ngành nghệ thuật cảm nhận được chuyện này rõ ràng nhất. Bộ trưởng văn hóa có là người tài giỏi và phóng khoáng đến đâu thì cũng chỉ là người thích một số bộ môn nào đó mà thôi. Những bộ môn không được ông/bà ta ưa thích tất nhiên là sẽ không được nhà nước tài trợ và không phát triển được. Chỉ có xã hội dựa trên sở hữu tư nhân, tức là chính người nghệ sĩ là những người giàu có hoặc được những người giàu có tài trợ thì nghệ thuật mới đa dạng và đơm hoa kết trái.

Vì vậy mà, xã hội dựa trên sở hữu tập thể là xã hội đơn điệu, nghèo nàn, bàng bạc, thiếu sức sống, thậm chí là thoái hóa dần cả về vật chất lẫn nhân cách.

2. Thuyết vế giá trị lao động 

Đây là học thuyết nói rằng, lượng lao động hao phí của con người trong việc sản xuất ra sản phẩm sẽ quyết định giá trị của sản phẩm. Hay lao động là cội nguồn của mọi giá trị.

Tương tự như quan điểm địa tâm, học thuyết về giá trị lao động bề ngoài dường như là hợp lý, vì thường thường, dường như món hàng cần nhiều sức lao động có giá trị cao hơn. Nhưng, tương tự như những câu chuyện trong môn thiên văn học, lý thuyết ngày càng trở nên phức tạp khi nó tìm cách giải thích một số mâu thuẫn hiển nhiên. Bắt đầu từ những năm 1870, trong kinh tế học đã diễn ra cuộc cách mạng tương tự như cuộc cách mạng của Copernicus, đấy là khi lý thuyết chủ quan về giá trị (subjective theory of value) được nhiều người sử dụng để giải thích giá trị của hàng hóa và dịch vụ. Hiện nay, thuyết về giá trị lao động chỉ còn rất ít tín đồ, đấy là nói trong số các nhà kinh tế học chuyên nghiệp, nhưng trong các môn học khác, cũng như trong dân chúng nói chung, nó vẫn được nhiều người sử dụng khi thảo luận các vấn đề kinh tế.

Luận cứ cho rằng chủ nghĩa tư bản bóc lột công nhân được xây dựng chủ yếu trên quan điểm cho rằng lao động là nguồn gốc của tất cả các giá trị và lợi nhuận của nhà tư bản, vì vậy mà người công nhân - những người xứng đáng được hưởng những giá trị này đã bị tước đoạt. Nếu không có thuyết về giá trị lao động, thì không rõ lời phê phán chủ nghĩa tư bản của Marx còn giá trị đến mức nào.

Trong kinh tế học, câu trả lời xuất hiện khi, tương tự như Copernicus, một số nhà nhà kinh tế học nhận ra rằng cách giải thích cũ đã thuộc về quá khứ. Điều này đã được trình bày một cách rõ ràng trong tác phẩm của Carl Menger, cuốn Những nguyên lý của kinh tế học của ông không chỉ đưa ra lời giải thích mới về bản chất của giá trị kinh tế, mà còn tạo ra nền tảng của trường phái kinh tế học Áo.

Menger và những người khác khẳng định rằng, giá trị là chủ quan. Nghĩa là, giá trị của một món hàng không được xác định bởi những yếu tố đầu vào có tính vật lý, trong đó có lao động, giúp tạo ra nó. Thay vào đó, giá trị của một món hàng hình thành trong nhận thức của con người về tính hữu dụng của nó đối với những mục đích cụ thể mà người ta có tại một thời điểm cụ thể nào đó. Giá trị không phải là một cái gì đó khách quan và siêu nghiệm. Nó là một chức năng của vai trò mà đối tượng đóng như là phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu vốn là một phần của những mục đích và kế hoạch của con người.

Nói một cách đơn giả: Món hàng mà bạn làm ra chỉ có giá trị khi có người mua, còn món hàng mà bạn làm ra, dù mất bao nhiêu công sức nhưng xã hội không có nhu cầu về món hàng đó thì công sức bạn của bạn là dã tràng xe cát biển đông. Cụ thể hơn: Nếu bạn có sức khỏe nhưng không có tài đắp tượng bằng cát thì có bỏ ra bao nhiêu công xúc cát trên bãi biển bạn cũng chẳng được ai trả đồng tiền công nào. Nhưng nếu bạn có tài đắp tượng cát, thu hút du khách tới ngắm tượng của bạn thì chắc chắn công ty du lịch địa phương sẽ trả tiền cho bạn.

Tóm lại: Lao động phải tạo ra sản phẩm mà xã hội có nhu cầu thì mới có giá trị.

Những người cộng sản, sau khi giành được chính quyền đã áp dụng học thuyết về giá trị lao động, được tóm tắt bằng câu: “Làm theo năng lực hưởng theo lao động” để trả lương cho người lao động.

Xin nói về vế thứ nhất: “Làm theo năng lực”. Xin hỏi: Ai biết năng lực của bạn? Không ai biết, chính bạn cũng không biết. Năng lực của bạn được thể hiện qua thử và sai. Trừ những người có năng lực quá kém, còn nói chung, trong cuộc đời mình, tất cả mọi người đều thử làm khá nhiều việc, cho đến khi tìm được công việc phù hợp nhất với mình. Cách đây 20 năm, người viết những dòng này không thể nào ngờ được rằng mình sẽ là người dịch sách, càng không thể ngờ được là một lúc nào đó mình sẽ viết những dòng chữ như thế này. Năm 1954, ai dám bảo vị tướng quân lừng danh, đánh đông dẹp bắc một ngày nào đó bỗng có năng lực quản lí về món kế hoạch hóa gia đình. Không ai biết được năng lực của người khác, cho nên nếu để cho tổ chức phân công thì người có thực tài có thể phải đi rửa bát, quét nhà; còn bọn ba lăng nhăng ăn không nên đọi, nói không nên lời, nhưng con ông cháu cha thì lại có quyền to chức lớn. Năng lực được thể hiện qua thử và sai. Và vì vậy kinh tế thị trường là nơi rèn luyện và kiểm tra năng lực của người làm kinh tế; còn chế độ dân chủ là nơi rèn luyện và kiểm tra năng lực của người làm chính trị. Không có cách nào khác.

Xin bàn sang vế thứ hai: “Hưởng theo lao động”. Đây là việc làm bất khả thi. Bởi vì, ví dụ, trong một ngày một người thợ thịt giết thịt được 5 con bò, còn ông bác sĩ phẫu thuật thì mổ ruột thừa cho 3 người. Lương của ai cao hơn và cao hơn bao nhiêu lần? Không ai trả lời được câu hỏi này. Làm theo năng lực hưởng theo lao động hóa ra chỉ áp dụng được cho những người làm trong cùng ngành nghề và là những ngành nghề đơn giản: Người thợ may may được 3 cái áo tất nhiên sẽ được nhận lương bằng 3/5 người thợ may may được 5 cái áo trong cùng thời gian.

Tất cả những giải pháp, cải tiến, cải lùi đều chẳng đi đến đâu. Cuối cùng, nhà cầm quyền chỉ còn 2 lựa chọn: Cào bằng hay trả theo cấp bậc. Cào bằng thì chẳng ai còn muốn làm, mà trả theo cấp bậc thì sẽ dẫn đến những bất hợp lý và đẩy tất cả mọi người vào cuộc đua tranh giành quyền chức.

Một trong những nguyên nhân dẫn xã hội dựa trên sở hữu tập thể lâm vào bế tắc, dẫm chân tại chỗ chính là không tìm được cách trả lương nhằm khuyến khích người lao động.

Học thuyết về giá trị lao động mà Marx dựa vào còn dẫn đến sai lầm quyết định hơn, đấy là công thức để đo lường giá trị thặng dư: GT= C+ V+ m => m= GT - (C+V).

3. Gía trị thặng dư 

Giá trị thặng dư là một trong những khái niệm trung tâm của kinh tế chính trị học Marxist. Công thức như sau:

GT= C+ V+ m => m= GT - (C+V), trong đó: trong đó: GT là giá trị sản phẩm bán được, m là giá trị thặng dư;

C là phần tư bản bất biến được chuyển vào giá trị hàng hóa. C bao gồm 02 bộ phận là c1 và c2. c1 là phần khấu hao tài sản cố định phân bổ cho mỗi đơn vị hàng hóa, phần này không tăng lên hay giảm đi trong quá trình sản xuất mà nó chỉ chuyển dịch giá trị từ tổng tài sản cố định vào giá trị hàng hóa, sau đó nhà tư bản thu hồi lại bằng trích quỹ khấu hao. c2 là giá trị nguyên, nhiên, vật liệu, phụ liệu, phụ gia, phụ phẩm... và giá trị công cụ, dụng cụ rẻ tiền, mau hỏng phân bổ cho mỗi đơn vị hàng hóa. Phần này được chuyển hết 01 lần vào giá trị của hàng hóa Cả c1 và c2 đều không trực tiếp tạo ra giá trị mới (nên nó mới có tên gọi là tư bản “bất biến”), mà nó chỉ là phương tiện để sinh ra giá trị thặng dư mà thôi, chính đặc điểm này đã che đậy giá trị thặng dư, được biểu hiện ra bên ngoài bằng lợi nhuận;

V là phần tiền công mà nhà tư bản bỏ ra để mua sức lao động của người công nhân, nó còn gọi là lao động sống tạo ra giá trị mới của hàng hóa. Phần giá trị tăng thêm này cũng được hình thành do hao phí lao động trừu tượng của người công nhân kết tinh vào hàng hóa (khả biến), nhưng bị nhà tư bản chiếm đoạt, không trả cho người tạo ra nó, tức là nhà tư bản đã mua giá trị lao động thấp hơn giá trị thật của nó, phần chênh lệch gía trị thật của sức lao động này với giá trị mà nhà tư bản bỏ ra để mua sức lao động của công nhân chính là Giá trị thặng dư - vấn đề cốt lõi đang bàn tới.

Công thức được coi là thiên tài nói trên thiếu hai thành tố cực kì quan trọng: Tiền lãi trả cho C và kĩ năng quản lí của người chủ hay của giám đốc điều hành doanh nghiệp.

1. Lãi suất: Tại sao người có vốn lại được hưởng lãi? Câu trả lời là như sau: Nếu có 100 USD (100 ngàn hay 1 triệu thì cũng thế), tôi có thể tiêu dùng ngay trong ngày hôm nay. Nhưng doanh nhân/ngân hàng có thể nói với tôi: Đưa cho tôi số tiền đó, đúng ngày này, tháng này sang năm anh sẽ có 105 USD (lãi suất 5%). Cơ chế đơn giản là: Hoãn tiêu dùng trong hiện tại để có thể được tiêu dùng nhiều hơn trong tương lai và hiện tượng đó được gọi là tích lũy tư bản. Không có tích lũy tư bản (nôm na là tiết kiệm) thì nhân loại mãi mãi chỉ có mấy hòn đá để ném chim và ném nhau mà thôi. Nhưng công thức thiên tài của Karl Marx không có thành tố này. Xin hỏi Marx thông minh, trí tuệ hơn người ở chỗ nào?

2. Kĩ năng quản lí/kinh doanh. Hồi ông Phan Văn Khải còn làm thủ tướng, đi đâu ông cũng hỏi: “Trồng cây gì? Nuôi còn gì?”. Có thể nói một cách tồng quát hơn là: “Sản xuất cái gì?” Đấy là câu hỏi cực kì khó, thậm chí, “Mua cây giống/con giống ở đây? Rồi bán sản phẩm ở đâu?” cũng là những câu hỏi rất khó. Chỉ có một ít người biết câu trả lời cho những câu hỏi nói trên. Họ chính là doanh nhân/quản trị doanh nghiệp. Họ chính là những người có công rất lớn trong quá trình phát triển của nền văn minh. Có những doanh nhân thiên tài như Bill Gates, Mark Elliot Zuckerberg… họ là những người đã đưa nền văn minh thế giới lên những nấc thang mới, họ đã đưa chiều kích mới vào nền tự do của nhân loại. Nhưng Marx đã bỏ qua công lao của họ. Mà nói những chuyện đó làm gì cho xa xôi, Marx không biết cái điều mà ngay từ xa xưa người đàn bà Việt Nam nào cũng biết: “Một người hay lo bằng một kho người hay làm”. Marx không biết và không tính đến cái điều đơn giản ấy. Xin hỏi lại một lần nữa: Marx thông minh, trí tuệ hơn người ở chỗ nào?

Không những Marx không thông minh hơn người mà công thức đó còn tố cáo rằng Marx không có hiểu biết trung bình về kinh tế học, cũng như chưa từng làm gì hay buôn bán bất cứ thứ gì. Ông ta chỉ là con mọt sách tự sướng mà thôi.

Những người đã từng giảng đến rách mép cái công thức ấy không thể nào trả lời được câu hỏi bên trên. Nhưng họ lại rỉ tai những người công nhân đang ù tai vì tiếng động cơ/máy móc rằng: “Các anh bị bọn tư bản bóc lột đến tận xương tủy. Hãy vùng lên. Đấu tranh này là trận cuối cùng. Hãy tước đọat của những kẻ đã và đang tước đoạt các anh. Một ngày không xa, khi thế giới đại đồng các anh sẽ làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”.

4. Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu 

Nói đấy là lời hứa vô căn cứ vì 2 lí do sau đây:

1. Con người, cho đến nay, là sinh vật duy lí và tư lợi, muốn thỏa mãn một cách cao nhất những nhu cầu của mình với ít đau khổ nhất, hay nói nôm na là muốn ăn mà không muốn làm. Chính vì thế người ta mới lừa dối nhau, tranh giành nhau, chém giết nhau; các quốc gia thì gây chiến tranh hao người tốn của với nhau để tranh giành đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Nếu được làm theo năng lực mà lại được hưởng theo nhu cầu thì bạn có thức khuya dậy sớm, có cố gằng học cho bằng được một kĩ năng hay một môn ngoại ngữ nào hay không? Bạn có bắt con, em mình đi học thêm đến mụ người như hiện nay hay không? Và nói chung là có cố gắng tiết kiệm, cố gắng làm bất cứ chuyện gì hay không? Câu trả lời tất nhiên là Không! Bạn không, tôi và những người khác tất nhiên là cũng Không!

Cách mạng là ngày hội của quần chúng

Khi mọi người đều không cố gắng làm bất cứ chuyện gì thì lấy đâu ra mà hưởng thụ? Đấy là chưa nói hưởng theo nhu cầu, ngày nào cũng tôm hùm, trứng cá hồi đen, thịt bò Úc, rượu vang Pháp, whisky Scotland… Cá nhân tôi, nếu được hưởng theo nhu cầu thì không những chỉ ăn những món ngon như thế mà thìa dĩa cũng phải bằng bạc nguyên chất, bồn tắm mạ vàng, mỗi năm phải đi Hawaii tắm biển vài lần..v.v. Và làm sao đáp ứng được cái nhu cầu khủng khiếp như thế của tất cả mọi người?

2. Đây là lúc chúng ta bàn về nguồn lực. Nói chung, tất cả các nguồn lực, kể cả thời gian sống của một con người, đều là của hiếm và có giới hạn. Hiện nay mới chỉ có đa số người dân ở các nước Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật, Australia, New Zealand và một phần dân chúng ở một số nước khác là có cuộc sống xứng đáng với đời sống của con người mà thôi. 3 tỷ người hiện sống với thu nhập chưa tới 2 USD một ngày, trong đó 1,2 tỷ người có thu nhập chưa bằng nửa số đó; 2 tỷ người sống thiếu điện, 1,5 tỷ người thiếu nước sạch. Thế mà tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt, nước và không khí đã bị ô nhiễm trầm trọng. Chỉ cần hơn một tỉ dân Trung Quốc và hơn một tỉ dân Ấn Độ được hưởng mức sống như người dân Tây Âu thì thế giới chắc chắn sẽ mất cân bằng thật sự, thậm chí là cạn kiệt tài nguyên và loài người có thể bị diệt vong.

Như vậy là, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu là lời hứa vô trách nhiệm, quá nhẩm nhí, một cái utopia, không thể nào xứng đáng với một người tự nhận hay vẫn được coi là triết gia biện chứng số 1. Nhưng tác hại và di hại của nó thì vô cùng khủng khiếp. Những nước mắc phải cái bả utopia này đã phải gánh chịu biết bao nhiêu đau thương, cả về người, về của, lẫn đạo đức, phong tục.

5. Vĩ thanh 

1. Lịch sử nhân loại là lịch sử của quá trình vươn tới tự do, vươn tới tình trạng ngày càng tự do hơn. Không cần đọc lịch sử, cũng chẳng cần đọc triết học cũng có thể cảm nhận được điều này. Có thể nói, hiện nay những người trên bốn mươi tuổi ở nước ta đều cảm thấy chân trời tự do ngày càng mở rộng ngay trước mắt mình, làn gió tự do đang mơn man ngay trên da thịt, tuy chân trời chưa thật rộng và làn gió tư do chưa đủ mạnh như một số người mong muốn. Và, điều đặc biệt là càng tự do hơn thì chúng ta càng sung túc hơn: Mức độ tự do của xã hội quyết định mức độ thịnh vượng của xã hội đó.

Nhưng, có thể nói, bằng tuyên bố “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu”, Marx và các đồ đệ của ông ta muốn đưa nhân loại vào chế độ nô lệ toàn triệt chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Bởi vì, như lịch sử thành văn đã cho thấy, ngay cả thời của các pharaoh, trong các chế độ nô lệ hay các bạo chúa khủng khiếp nhất vẫn có những người giữ được khoảng cách nhất định với nhà nước, giữ được quyền tự kiếm sống. Khi nhà nước nắm tất cả phương tiện sản xuất thì không có cá nhân nào còn được độc lập với nhà nước nữa. Trotsky, một trong những lãnh tụ của cuộc Cách mạng Tháng mười Nga từng nói: “Ở đất nước mà nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất thì đối lập nghĩa là chết đói một cách từ từ. Nguyên tắc cũ: Không làm việc thì không được ăn, đã được thay bằng nguyên tắc mới: Không vâng lời thì không được ăn”. Xã hội loài người, nếu thực hiện triệt để nguyên tắc này của Tuyên ngôn cộng sản, sẽ trở thành một tổ mối vĩ đại với những con người chẳng còn chút nhân tính nào, tức là trở thành những con vật vẫn đi bằng hai chân, nhưng không phải giống người trong quan niệm của chúng ta hiện nay.

2. Lý thuyết về giá trị lao động và công thức tính giá trị thặng dư là hoàn toàn sai, còn lời hứa về “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” là hoàn toàn vô căn cứ. Nhưng đây lại là những khẩu hiệu tuyên truyền, kích động, là động lực của “đấu tranh này là trận cuối cùng”. Giai cấp công nhân, được những đồ đệ của Marx - thực ra đều là những người chỉ biết lí thuyết suông, chưa từng sản xuất hay kinh doanh bất cứ thứ gì - kích động, đã làm được những cuộc cách mạng bạo lực long trời lở đất và đã thiết lập được các chế độ chuyên chính vô sản với kinh tế tập thể là chủ đạo. Nhưng hóa ra kinh tế tập thể và kế hoạch hóa, không sử dụng cơ chế thị trường, không thể phân bố một cách hiệu quả các nguồn lực. Xã hội lâm vào khủng hoảng thiếu triền miên. Tình trạng khủng hoảng kinh tế thường trực như thế sẽ dẫn đến những lời kêu gọi kế hoạch hóa nhiều hơn nữa. Nhưng kế hoạch hóa kinh tế thù địch với tự do. Vì trong xã hội tự do, người ta không thể đồng ý với nhau về một kế hoạch duy nhất, việc tập trung hoá quá trình ra quyết định về kinh tế phải song hành với tập trung hóa quyền lực chính trị vào tay một nhóm nhỏ. Cuối cùng, thất bại của kế hoạch hóa tập trung trở thành hiện tượng không thể nào phủ nhận được, các chế độ toàn trị thường bịt miệng những người bất đồng chính kiến - đôi khi bằng những vụ giết người hàng loạt. Đàn áp và dối trá gia tăng. Còn thiếu thốn thì càng tạo ra nạn ăn cắp, móc ngoặc và hối lộ. Thiệt hại lớn nhất mà chủ nghĩa xã hội gây ra không phải là kinh tế mà là tinh thần.

3. Cuối cùng, tất cả các nước từng đi theo con đường mà Marx và các đồ đệ của ông ta vẽ ra đều phải quay trở về với chế độ dân chủ và kinh tế thị trường tự do. Nhưng, do con người trong những xã hội đó đã quen với lối sống tùy tiện, vô đạo đức, hối lộ, móc ngoặc, coi thường pháp luật, cho nên ở các quốc gia đó người ta thường thấy chế độ độc tài và nền kinh tế tư bản hoang dã cực kì vô liêm xỉ. Có thể nói, chủ nghĩa xã hội chính là con đường rất dài và đầy đau khổ để đi từ chủ nghĩa tư bản có trật tự sang chủ nghĩa tư bản hoang dã. Nghe đồn rằng cách đây 40-50 năm người ta đã thấy trên bàn sinh viên trong trường đại học ở Đức có câu: “Vô sản toàn thế giới hãy tha tội cho tôi”.

HẾT. 
Phần nhận xét hiển thị trên trang