Về phần người Mỹ, có lẽ do họ mới thu hồi nền độc lập từ năm 1776 và sự cách trở về địa lý nên hầu như ta không thấy bóng dáng của họ vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX.
Mãi đến ngày 7.10.1819, người ta mới ghi nhận sự kiện một trung úy hải quân Mỹ tên John White đến thăm Sài Gòn, dành nhiều thời gian để khảo sát thành Sài Gòn và miêu tả tòa thành này một cách thật chi tiết trong tác phẩm A voyage to Cochin-China (Chuyến du hành đến Việt Nam) xuất bản tại Luân Đôn năm 1824. Tài liệu có thể giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu khi cần tìm hiểu về thành cổ Sài Gòn xây xong năm 1790 và bị vua Minh Mạng ra lệnh san phẳng (để xây lên một tòa thành nhỏ hơn) năm 1836, sau khi tiêu diệt được cuộc nổi dậy ở thành Phiên An.
John White lưu lại Sài Gòn gần 4 tháng (7.10.1819 – 30.1.1820), chỉ mấy ngày sau khi ông ta rời Việt Nam, vua Gia Long thăng hà (3.2.1820). Phải chăng do căn bệnh trầm trọng của nhà vua mà White không có dịp diện kiến ông? Dù sao thì những tài liệu viết về chuyến đi này của White cũng cho thấy là ông ta chỉ đến Việt Nam với tư cách cá nhân, không mang theo một văn kiện ngoại giao nào. Phải chờ đến năm 1832 mới có một sứ bộ chính thức được cử sang Việt Nam, mang theo quốc thư của Tổng thống Mỹ Andrew Jackson. Sự kiện này được chính sử ghi nhận như sau:
“Tháng 11 (năm Nhâm Thìn – 1832), Quốc trưởng nước Nhã Di Lý (hoặc xưng là Hoa Kỳ, hoặc xưng là Ma-ly-căn) khiến hai người tới đưa quốc thư cầu thông thương, tàu đậu ở Vũng lâm, tỉnh Phú yên, Ngài khiến Viên ngoại Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phức qua hội với quan tỉnh tới tàu khoản đãi; lại cho bọn Tri Phương quyền chức Thương bạc làm tờ thơ đưa về”.
(Quốc triều chánh biên toát yếu – Nhóm Nghiên cứu Sử Địa – Sài Gòn 1972, trang 155)
Trong đoạn văn trên, từ Nhã Di Lý có thể phiên âm từ cụm từ Etats-Unis, còn Ma-ly-căn xuất phát từ chữ America. Trong một tài liệu khác là bộ Đại Nam thực lục chánh biên, người ta đọc thấy tên của Edmond Roberts, người cầm đầu sứ bộ, được phiên âm là Nghĩa-Đức-Môn La-Ba, còn tên thuyền trưởng tàu Peacock Georges Thompson được phiên âm là Đức Giai Tâm Đa.
Edmond Roberts vốn là một chủ tàu buôn thường qua lại vùng biển Đông của Việt Nam nên nhân việc này, Tổng thống Mỹ Jackson giao phó ông ta vai trò một đặc sứ để liên hệ với chính quyền các nước Việt Nam, Xiêm và Mascate. Ông ta lên tàu Peacock của hải quân Mỹ, mang theo thư do chính tay Tổng thống Jackson viết cho các nơi trên, ghé Manille (Philippines), rồi lưu lại Quảng Đông một thời gian ngắn trước khi cập bến Việt Nam.
Tàu Peacock đến Việt Nam vào tháng 12.1832 (có tài liệu ghi là tháng 2.1833), đậu ở Phú Yên, Roberts tiếp xúc với quan lại địa phương, nhờ chuyển về triều đình Huế bức ủy nhiệm thư của Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson. Thư đề ngày 31.1.1832, lưu trữ trong tập hồ sơ Cochinchine thuộc Văn khố của chính phủ Hoa Kỳ, tạm dịch nguyên văn như sau:
“Andrew Jackson, Tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ,
Kính gửi quý Hiền hữu,
Bức thư này được chuyển đến Ngài bởi ông Edmond Roberts, một công dân đúng mực của Hoa Kỳ. Ông ấy được cử làm Đặc phái viên của chính phủ chúng tôi để xin bàn bạc với Ngài những việc hệ trọng. Kính xin Ngài giúp đỡ ông ta trong khi thi hành nhiệm vụ được giao phó, đối xử với ông ta bằng lòng nhân hậu và tương kính và xin vững tin vào những gì mà ông ta thay mặt chúng tôi để trình bày, nhất là khi ông ta đảm bảo với Ngài về tình thân hữu trọn vẹn và tấm thịnh tình của chúng tôi đối với Ngài.
Thưa quý Hiền Hữu, tôi cầu mong Thượng Đế luôn dành cho Ngài sự chở che thánh thiện. Để làm bằng, chúng tôi đã đóng dấu của chính phủ Hoa Kỳ trên văn kiện này.
Làm tại thành phố Washington ngày 31 tháng 1 năm 1832 và là năm độc lập thứ 56 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Andrew Jackson
Ký thay Tổng thống
Edw. Livingston Bộ trưởng Ngoại giao”.
Edw. Livingston Bộ trưởng Ngoại giao”.
(BAVH, số 3, 1941, tr. 321)
Nhà nghiên cứu Hunter Miller, tác giả quyển Các thỏa ước và văn kiện quốc tế khác của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, nêu rõ chi tiết nhiệm vụ được giao phó cho Roberts, đó là bàn bạc các thỏa ước với Việt Nam, Xiêm và Mascate (Oman) theo bản hướng dẫn ban hành ngày 27.1.1832. Ông ta được cấp một chứng thư đề ngày 26.1.1832 do Bộ trưởng Livingston ký, chỉ định ông ta như là Phái viên của chính phủ Mỹ cạnh triều đình Việt Nam, triều đình Xiêm và chính quyền thủ phủ Mascate.
Theo chính sử, khi được tin phái bộ Mỹ đến, vua Minh Mạng cử Viên ngoại Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức hội cùng tỉnh thần Phú Yên tiếp xúc với họ để biết rõ mục đích chuyến đi của họ. Sau khi họ cho biết là đến Việt Nam chỉ với mục đích giao hiếu, thông thương mà thôi, nhà vua đã dụ rằng:
“Chúng nó từ xa tìm tới, bản ý là cung thuận. Triều đình ta với tinh thần mềm dẻo quý mến người phương xa, không tiếc gì mà không dung nạp họ. Tuy nhiên, họ mới tới lần đầu, các chi tiết lễ nghi về ngoại giao thông hiếu chưa được am tường; có thể sai quan Thương bạc viết tư văn thông báo cho nước họ biết, nếu muốn thông thương mậu dịch với nước ta, ta cũng không cự tuyệt, nhưng phải tuân theo những hiến định đã có từ trước đến nay. Từ nay, nếu có thương thuyền tới, thì cho phép được ghé vào cửa Đà Nẵng, Trà Sơn Úc, bỏ neo tại đó, chứ không được tự ý lên bộ. Đó là ý cảnh giác phòng gian nằm trong chính sách ngoại giao mềm dẻo của ta vậy”.
(Minh Mệnh Chính Yếu – NXB Thuận Hóa – Huế 1994, trang 394)
Tiếp đó, vua Minh Mạng ban dụ cho Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức, với tư cách Thương bạc đại thần, trả lời phía Mỹ rằng triều đình Việt Nam không cản trở gì đối với dự định giao dịch buôn bán của họ, bù lại, họ phải chấp hành triệt để luật lệ của Việt Nam, khi đến nước ta, tàu phải neo đậu ở vịnh Trà Sơn (Đà Nẵng) và không được cất nhà trên bộ để ở. Sau khi tiếp nhận những thông báo trên, Edmond Roberts cho tàu nhổ neo rời khỏi Việt Nam, mang theo bản chính ủy nhiệm thư của Tổng thống Mỹ. Trong tác phẩm kể trên, Hunter Miller có cho biết là trong chuyến đi, Roberts hoàn thành được hai nhiệm vụ, đó là ký kết các thỏa ước với chính quyền ở Xiêm và Mascate.
Ba năm rưỡi sau, tháng 5.1836, tàu Mỹ trở lại Việt Nam, thả neo ở vịnh Trà Sơn theo đúng quy định đã được Nguyễn Tri Phương thông báo cho họ. Lần này, người cầm đầu phái bộ Mỹ vẫn là Edmond Roberts, tàu vẫn là tàu Peacock của hải quân Mỹ, thuyền trưởng là E.P. Kennedy. Tàu khởi hành từ New York ngày 23.4.1835, thực hiện cuộc hành trình đi Xiêm, qua Rio de Janeiro, Zanzibar, Mascate, Bombay, Colombo và Batavia. Sau khi hoàn thành công tác ở Xiêm, ngày 20.4.1836, Roberts khởi hành sang Việt Nam. Ông ta có trong tay một văn kiện đề ngày 20.3.1835 hướng dẫn việc thảo luận một thương ước với Việt Nam và một thỏa hiệp tương tự với Nhật Bản.
Khi được báo về việc này, vua Minh Mạng đã đặt vấn đề với quần thần: “Trẫm nhận thấy ý hướng và lời lẽ của những người này đầy vẻ tôn kính và lịch sự. Vậy ta có nên đồng ý với lời thỉnh cầu của họ không?”. Hộ bộ Thị lang Đào Trí Phú là người lên tiếng trước: “Tâu Bệ hạ, đây là những kẻ ngoại nhân, ta không rõ những tình cảm họ đã biểu lộ là chân hay giả. Hạ thần nghĩ rằng ta cứ cho phép họ đến kinh đô, cho họ ở tại Sở Thương bạc, cắt cử quan lại tiếp họ và thăm dò xem ý định thực sự ra sao.” Tiếp theo đó là ý kiến của Hoàng Quỳnh (BAVH ghi là Huỳnh Quỳnh), Thị lang Nội các (Văn phòng của nhà vua): “Tâu Bệ hạ, nước họ rất xảo quyệt, hạ thần đề nghị cắt đứt mọi quan hệ với họ. Khoan nhượng với họ lần này sẽ mở đường cho những phiền nhiễu về sau. Cổ nhân đóng chặt biên giới đất nước là để đóng cánh cửa mở ra những nước Tây Dương và như vậy là tự phòng vệ trước họa xâm lăng của bọn man rợ. Đó là chính sách đúng đắn.”
Trước những lời tâu trên, vua Minh Mạng suy nghĩ hồi lâu rồi truyền rằng:“Bọn họ đi xa 40.000 dặm biển do bởi tình cảm trân trọng đối với quyền uy và thế lực của triều đình ta. Nếu ta dứt khoát cắt đứt mọi quan hệ với họ, ta sẽ cho họ thấy là nước ta không bao giờ có thiện chí cả” (BAVH – sđd – trang 119-120). Sau đó, nhà vua cắt cử Đào Trí Phú và Lại bộ Thị lang Lê Bá Tú làm viên chức Thương bạc, với nhiệm vụ “bàn bạc trong tình thân hữu với họ và đánh giá tình hình”. Khi các quan lại này ra đến nơi, Roberts cáo bệnh không tiếp, cũng không cử người thay mặt mình để tiếp. Bất ngờ trước cách ứng xử kỳ lạ này, hai viên quan Thương bạc cử một thông ngôn xuống tàu để thăm họ, nhưng chỉ nhận được lời cảm ơn suông. Ngay ngày hôm đó họ giong buồm ra khơi.
Câu chuyện thật khó lý giải. Một phái bộ lặn lội hàng chục ngàn dặm biển, đến một đất nước Viễn Đông xa xôi để mong được thiết lập quan hệ ngoại giao và buôn bán, đến khi được nước chủ nhà cử người ra tiếp thì lặng lẽ giong buồm ra khơi. Sau sự kiện ngoài dự kiến này, Đào Trí Phú dâng một tờ tấu lên vua Minh Mạng, kể lại những việc đã thừa hành, trong đó có đoạn viết:“Họ vội vàng đến, rồi vội vàng đi. Sự thực là họ đã chứng tỏ thiếu lịch sự…”. Nhà vua phê vào tờ tấu một bài thơ tứ tuyệt, nội dung đại ý như sau: “Không chống lại việc họ đến, không truy đuổi khi họ bỏ đi là ta đã theo những quy tắc cư xử lịch sự của một quốc gia văn minh…” (BAVH – sđd, trang 320).
Các nhà chép sử ở Quốc sử quán cùng các nhà nghiên cứu ở thế kỷ XIX và các thập niên đầu thế kỷ XX đành chịu khoanh lại điều bí ẩn này. Mãi đến năm 1939, nó mới được giải mã bởi L. Sogny, Chánh sở Mật thám Pháp, một cây bút thường viết cho tập san BAVH. Năm 1937, Sogny viết một bài đăng trên tập san BAVH, trích dẫn các tài liệu lấy trong văn khố của triều đình Huế liên quan đến hai lần tới Việt Nam của phái bộ Mỹ. Tiếp tục tìm hiểu sự việc, ông ta đọc được trên tạp chí The American Foreign Service Journal (Nhật ký Ngoại vụ Mỹ), tập XII, số 1, phát hành tháng 1.1939, ở các trang 18-19, 44-45, 52, một bài viết nhan đề: “Sire, their nation is very cunning…” (Tâu Bệ hạ, nước họ rất xảo quyệt…) của W. Everett Scotten, từng làm Phó Lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn. Bài viết dựa vào những tư liệu mà Scotten đã đọc được trong văn khố của triều đình Huế, trong đó có bộ Đại Nam thực lục chánh biên, vì câu nói của Thị lang nội các Hoàng Quỳnh in trong bộ sử này đã được viên Phó Lãnh sự trích làm nhan đề của bài báo. Từ nội dung bài báo đó, Sogny phát hiện được nguyên nhân của cách hành xử khó hiểu của Edmond Roberts và phái bộ Mỹ vào năm 1836. Đó là vì khi các quan Thương bạc Việt Nam xuống đến tàu Peacock thì Roberts đang mắc một căn bệnh mà ông ta đã nhiễm phải từ lúc còn ở Xiêm, tàu buộc phải giong buồm đi nhanh để tìm nơi chữa bệnh cho ông ta. Cuối cùng, vào ngày 12.6.1836, khi tàu đến Macao thì Roberts qua đời. Từ Quảng Đông, thuyền trưởng Kennedy gửi một báo cáo cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ báo tin về cái chết của Roberts và lý do vì sao tàu Peacock phải đột ngột rời khỏi vịnh Tourane vào ngày 21.5.1836.
Như vậy, phải chờ đến 103 năm sau cái chết của Roberts, phái viên chính thức của chính phủ Mỹ, các nhà nghiên cứu sử Pháp và Việt Nam mới biết được lý do vì sao mà cơ hội thiết lập mối quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước Việt-Mỹ lại bị “đổ vỡ” nửa chừng. Từ sau thập niên 40 của thế kỷ XIX, có lẽ do những biến động trong xã hội Việt Nam, nhất là mối quan hệ căng thẳng giữa triều đình Huế và thực dân Pháp mà những cơ hội tương tự không còn có nữa.
Câu chuyện về mối quan hệ bất thành giữa phái bộ Mỹ và triều đình Huế cho thấy phần nào lập trường của triều đình nhà Nguyễn về mặt đối ngoại. Nó chứng tỏ là sự chống đối mối quan hệ giữa triều đình Huế và phái bộ Mỹ chỉ là lập trường cá nhân của một vài quan lại, không hề phản ánh quan điểm và chủ trương của vua Minh Mạng và triều đình nói chung. Tất nhiên câu chuyện này không tiêu biểu cho một chính sách nhất quán và lâu dài của triều Nguyễn, song nó góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu về một chủ đề vẫn được nhiều cây bút xác định như đinh đóng cột. Dù đồng tình hay phản bác lại quan điểm cho rằng “nhà Nguyễn bế quan tỏa cảng”, việc nghiên cứu kỹ và viện dẫn những tư liệu khả tín, những luận điểm có tính thuyết phục vẫn là điều kiện tối thiểu cho mọi hình thức trao đổi, thảo luận hay tranh luận, tránh vết xe đổ của những phê phán dựa vào các định kiến chủ quan, được “đổ khuôn” sẵn, như chúng ta đã thấy từ trước đến nay.
Trích từ cuốn Xã Hội Việt Nam Qua Bút Ký Của Người Nước Ngoài, in lần thứ ba, đã phát hành.
Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn
Phần nhận xét hiển thị trên trang