Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

Dự thảo Luật ANM có nhầm giữa thực với ảo?

 

baomai.blogspot.com  
Nguyên tắc quản lý không gian mạng và người dùng internet đó chính là nguyên tắc tương xứng đời và ảo.

Các ý kiến quan ngại Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều mặt trong đời sống người dân và các quyền trong xã hội.

Tức là nếu một cá nhân có quyền và nghĩa vụ gì khi ở ngoài đời thật thì họ không được phép có nhiều hay ít quyền và nghĩa vụ hơn khi ở trên mạng. Mọi thứ phải như nhau.

Điều này có nghĩa là anh không có quyền núp đằng sau một nick ảo để phỉ báng một ai khác, cũng như không được phép lợi dụng không gian mạng để tiến hành lừa đảo.

Phỉ báng trên mạng hay phỉ báng ngoài đời thì cũng đều là phỉ báng. Trộm cắp ngoài đời hay trộm cắp trên mạng thì cũng là trộm cắp.

baomai.blogspot.com
  
Điều này áp dụng tương tự cho quyền lực của Nhà nước và nghĩa vụ của công dân.

Nhà nước không có quyền đánh thuế người kinh doanh trên mạng internet cao hơn người kinh doanh ngoài đời thực.

Nhà nước cũng có nghĩa vụ phải đối xử với các chỉ trích trên mạng tương tự như họ đón nhận những phản biện ngoài đời. Đó là nguyên tắc.

Internet là một công cụ liên lạc, lưu trữ, thông tin. Đừng nhầm lẫn nó là một thế giới khác.

Phải hiểu được nguyên tắc đó thì mới thấy Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng đáng lo ngại thế nào.

baomai.blogspot.com
  
Ở ngoài đời thật, không có một cơ chế nào cho phép Nhà nước thu thập thông tin (một cách hợp pháp và chính thức) liên quan đến những thứ được coi là tối riêng tư của công dân (sở thích, sở trường, thông tin sức khoẻ, thông tin tài chính, thói quen tìm kiếm, chat log), cũng như xâm phạm đến những tự do tuyệt đối của con người (quan điểm chính trị, niềm tin triết lý).

Ở ngoài đời thường, tất cả mọi tiếp cận hay hạn chế quyền công dân đều phải trải qua một tiến trình công bằng (due process) và nghiêm ngặt.

Chẳng hạn, công an muốn khám nhà thì bắt buộc phải có lệnh của toà án hoặc viện kiểm sát.

Cảnh sát muốn xâm phạm thư tín thì cần có trát tư pháp và do Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định.

Những thông tin mà cảnh sát thu thập mà bất hợp pháp thì cũng không dùng làm gì được (nguyên tắc quả trên cây sâu).

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta lại đòi hỏi quy trình khắt khe như vậy và có lẽ chỉ có thời chiến với tình trạng khẩn cấp thì người ta mới cho phép lược bỏ những thủ tục đó vì sự sống còn của quốc gia.

baomai.blogspot.com
  
Đọc vào những gì mà dự thảo nghị định đưa ra và soi chiếu với những nguyên tắc trên không khỏi khiến chúng ta phẫn nộ.

Cơ sở nào khiến Nhà nước nghĩ rằng họ có quyền tiếp cận những thông tin đó của người dân?
Quan điểm chính trị hay niềm tin cá nhân thì phục vụ gì cho việc bảo vệ Tổ quốc?

Vai trò của toà án và viện kiểm sát ở đâu để ngăn cản cảnh sát tiếp cận thông tin của người dân (mà còn hơn cả thông tin, đó có thể là đức tin và triết lý của họ)? Không một quy trình, không một trát lệnh.

Tất cả vỏn vẹn trong năm từ "phục vụ cho việc điều tra" rất mơ hồ và mông lung.

Nó khiến cho ta chỉ có thể đi đến một trong hai kết luận: hoặc chính quyền đã thực sự tuyên chiến chống một kẻ thù nào đó trên mạng internet, hoặc con người trên internet của ta không bằng con người ngoài đời thật của ta.

Dù là cách hiểu nào thì nó cũng đáng bị lên án.

Nó sẽ mở đường cho sự lạm quyền, theo dõi quần chúng, giám sát tư tưởng, hay tệ hơn là sự kiểm soát cá nhân mang tính thù ghét.

Và đã là con người thì không một ai muốn sống trong một đất nước như vậy.

baomai.blogspot.com
  
Người dân có thể không tin vào lá phiếu bầu của mình nhưng đôi lúc họ có thể chọn bầu bằng đôi chân ra đi của mình, để đến với một thế giới tự do hơn.

Và khi không còn ai ở lại, đất nước tất nhiên cũng không còn ý nghĩa gì nữa.



Lê Nguyễn Duy Hậu

baomai.blogspot.com

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TIN RẤT NÓNG CUỐI TUẦN


Trần Đức Anh Sơn

Trong bản tin phát lúc 9g40 phút sáng nay (14/10/2018) trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam đã “bắn” lên màn hình 3 logos của: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) để minh họa cho bản tin (ảnh 1).

Ảnh 1: Những logo trong tai nạn kinh hoàng của VTV1 sáng nay.

Tuy nhiên, thay vì sử dụng logo của IMF có dòng chữ “International Monetary Fund”(ảnh 2):
.
 Ảnh 2: Logo của IMF thiệt.
.
thì VTV1 lại sử dụng logo troll của một “IMF khác” có dòng chữ International Mother Fuckers”:
.
Ảnh 3: Logo của IMF troll.
.
(Tui không dám dịch dòng này ra tiếng Việt vì sợ bị các “nhà đạo đức” ném đá, ai chưa biết nghĩa thì chịu khó nhờ google dịch nhé). 

Đây quả là một “tai nạn kinh hoàng” so với những “tai nạn” khác mà VTV đã nhiều lần gây ra trên sóng truyền hình quốc gia trong thời gian qua.

Dù VTV đã xóa đoạn này trên các hạ tầng của VTV, nhưng nó đã “kịp” lưu lại bởi nhiều khán giả là Fbkers và “được” tài khoản Troll ASEAN trên FB kịp thời đưa tin đến với cộng đồng troll ở các nước Đông Nam Á (ảnh 4):
.
Ảnh 4: "Vinh dự" được Troll ASEAN "tiếp sóng" và nhận hơn 1.000 tương tác, 
292 comments và 177 shares, tính đến 17:30 chiều nay.

Phen này chắc đồng chí Trần Bình Minh phải khăn gói qua Washington D.C (Hoa Kỳ), nơi đặt trụ sở của IMF, để “giải trình” với IMF rồi. 

Nếu không, thì e IMF sẽ dừng cho Việt Nam vay nợ nữa thì … chết cả nút.

NGƯỜI NƯỚC HUỆ (điểm tin từ Đà thành, Quảng Nam quốc)
------

Quý vị nào nghi ngờ bức ảnh trên là ảnh ghép thì có thể click vào link này để kiểm chứng: https://www.facebook.com/quanquyenquang111/videos/1694860760618478/?hc_location=ufi
hoặc: https://www.youtube.com/watch?v=JkjWCW7KCLU

Phần nhận xét hiển thị trên trang

LỊCH SỬ NHIỀU LẦN CHIA CẮT CỦA TRUNG QUỐC DỄ LẶP LẠI VÀO TÀN CUỘC CHIẾN TRANH MỸ - TRUNG



Trần Đình Thu

Lịch sử Trung quốc là lịch sử của sáp nhập, chia cắt và những cuộc phân hóa tranh giành quyền lãnh đạo. Sự phân chia thành các nước nhỏ có khi tới mức khó tưởng tượng. Thí dụ thời Xuân Thu, 771 – 476 TCN, Trung quốc có lúc tồn tại đến 170 nước khác nhau. 

Thời Chiến Quốc (475 đến 221 TCN), Trung quốc có đến 7 nước tồn tại.

Thời Tam quốc (220 đến 280) Trung quốc chia làm 3 nước, chiến tranh triền miên, là thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử Trung quốc.

Thời Ngũ Hồ Loạn Hoa (304 đến 349), Trung quốc bị phân chia đến 16 nước.

Thời Ngũ Đại Thập Quốc (907 đến 979) bắc Trung quốc có 1 nước mạnh làm trung tâm, kéo dài 5 đời vua. Phần còn lại hình thành đến 10 nước nhỏ vây quanh gọi là Thập Quốc (Ngũ Đại Thập Quốc có nghĩa là 5 đời 10 nước).

Và còn rất nhiều thời kỳ phân chia khác nữa rất phức tạp, thí dụ thời kỳ Nam Bắc Triều sau thời Ngũ Hồ Loạn Hoa, thời Nhà Kim – Nhà Tây Hạ sau thời Ngũ Đại Thập Quốc…

Xen giữa các thời kỳ phân chia này là thời kỳ thống nhất tạm thời của các triều đại Trung quốc.

Nghiên cứu về lịch sử Trung quốc chúng ta thấy đất nước này thường có xu hướng ly khai thành các nước nhỏ mỗi khi xuất hiện điều kiện thuận lợi.

Đây là một đặc điểm rất đáng để quan tâm và tôi cho rằng người Mỹ chắc chắn phải nghiên cứu rất kỹ về vấn đề này một khi họ muốn xóa đi nỗi sợ hãi về một đất nước Trung quốc lớn mạnh và nguy hiểm.

Hiện nay, trên thực tế Trung quốc tồn tại 2 nước là Trung hoa đại lục và Đài Loan, mặc dầu trên danh nghĩa Đài Loan không phải là một quốc gia độc lập do không được nhiều nước công nhận độc lập và không có tư cách thành viên trong Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên Đài Loan có tất cả những gì cần có của một quốc gia độc lập và nó sẽ mạnh lên khi Mỹ tiến đến việc công nhận độc lập cho Đài Loan. Khi đó việc đưa Đài Loan trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc sẽ không quá khó. Những tín hiệu ngày càng rõ nét khi Mỹ có một loạt các động thái ngoại giao mà đỉnh điểm là bán vũ khí cho Đài Loan như vừa qua.

Đây là một đòn giáng mạnh vào Trung quốc.

Ngoài Đài Loan, có nhiều vùng lãnh thổ hiện muốn ly khai khỏi Trung quốc mà Mỹ cũng đang rất quan tâm. Đó là Tây Tạng, Tân Cương, Mãn Châu, Hồng Kông và Ma Cao.

Tôi nghĩ rằng vào giai đoạn khi kinh tế Trung quốc thật kiệt quệ bởi sự bao vây toàn diện của Mỹ, thì việc hỗ trợ cho các vùng lãnh thổ này ly khai giành độc lập là giải pháp tất yếu của Mỹ.

Việc hỗ trợ cho Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, Mãn Châu, Hồng Kông và Ma Cao giành độc lập sẽ xé lẻ đất nước Trung quốc rộng lớn thành 7 quốc gia nhỏ.

Tình hình này cũng tương tự như khi Liên Xô sụp đổ, các nước nhỏ tách thành các quốc gia độc lập khiến cho nước Nga còn lại không quá mạnh như trước, làm giảm bớt nguy cơ đe dọa thế giới.

Với Trung quốc cũng vậy. Việc xé lẻ này sẽ giúp cho thế giới có thể thoát họa “Phát xít mới” từ Trung quốc.

Dĩ nhiên chưa thấy 1 tiết lộ nào từ Mỹ như thế này nhưng chúng ta nghĩ được thì Trump nghĩ được. Vì Trump giỏi hơn chúng ta rất nhiều. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CƯỜI CHÚT CHƠI CHÚ BA TÀU KỂ CHUYỆN VỀ **** ( ĐỒN )


Image may contain: one or more people, people standing and textCó một chú ba Tàu ở Sài Gòn đi xe gắn máy zô đường cấm bị cảnh sát giao thông thổi phạt.
Về nhà chú bức xúc kể với mấy ông bạn hàng xóm: Pữa lay, ngộ li xe pị tằng CS giao tông nó thủi còi , ngộ tấp vô, ló hỏi ngộ:
– Zái tò của ông lâu? Ngộ lói ngộ hỏng có lem zái theo, chỉ có lem cái cạc thui
Thế là ló pắt ngội về ***(đồn)… zồi ló chuyển ngộ từ ***(đồn) nhỏ qua ***(đồn) lớn, tới cái ***(đồn) lớn nhứt ở ngay trung tâm tành pố đó. Ối trời ơi, pữa lay là ngày lễ, ***(đồn) nhỏ còn đỡ lông (đông), chớ ***(đồn) lớn hả, lông wá trời lông (đông) luôn.
( ST )

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THẾ GIỚI MẠNG VÀ TÔI


Tạp bút của Nguyễn Thị Hậu
Nhiều năm trước, khi tôi dè dặt bước vào thế giới mạng lạ lùng và đầy hấp dẫn, một lần lang thang trên mạng, tình cờ gặp blog của một cô bé nào đó trang trí hình chú mèo kitty trắng thắt nơ hồng xinh xắn. Lướt qua những gì cô bé chia sẻ tôi thấy quen quen, sao giống con gái mình đến thế! Nhưng càng đọc tôi càng “hết hồn”, có lúc phát cáu vì vừa đọc vừa phải đóan xem cô bé viết gì. Trời ơi, từ ngữ kiểu gì mà tòan là bùn wé, chán như con gián, buồn như con chuồn chuồn, hồn nhiên như bà điên, em hok hỉu … Tóm lại là nhiều chỗ “hiểu chết liền”! Tôi bèn nhận xét “dạy dỗ” vài câu.Image result for Gia đình thời "lên mạng"
Ảnh minh họa
Vài hôm sau con gái tôi tròn mắt ngạc nhiên, sao mẹ vào được blog của con, con đã add mẹ đâu? Tôi cũng ngơ ngác mẹ không biết, tự nhiên thấy thì đọc. Mà con viết bằng ngôn ngữ ở đâu ra vậy?! Con gái cười hihi, mẹ ơi, bây giờ mọi người đều viết trên blog như thế, viết kiểu như mẹ “xưa rồi Diễm ơi” ai thèm xem? Mà sao blog của mẹ xấu thế, trông như “chuối cả buồng”. Ôi trời, tôi “chóang”!

Thế nhưng bây giờ blog đã trở thành thế giới quen thuộc của mẹ con tôi. Blog là nơi các con nói về tình yêu thương dành cho cha mẹ, về tình cảm bạn bè thân thiết, có lần con gái mượn blog để xin lỗi vì đã làm cho mẹ buồn lòng… Từ blog tôi gần con hơn, hiểu con hơn qua những entry như thế. Và con tôi cũng hiểu tôi hơn từ những gì tôi không thể nói bằng lời…

Tôi đã đến với thế giới mạng như vậy đấy.

***

Mỗi ngày lướt mạng ta có thể nhận ra muôn mặt của cuộc sống, và có khi, bất ngờ nhận ra khả năng “biến hóa” của chính mình.

Trên thế giới mạng ảo mà thật (lúc này lúc khác) bạn sẽ thể hiện sự kiêu ngạo/ yếu đuối/ hài hước/ lãng mạn/ nghiêm trang/ nhạt nhẽo/ thú vị/ độc đóan… Có thể bạn sẽ như một con người khác: nhà khoa học/ nhà thơ, nhà văn/ nhà phê bình/ thỏai mái bình luận về văn hóa nghệ thuật/ nhân vật/ sự kiện… Ở đó bạn có thể trở về thế hệ tuổi Teen khi bày tỏ cảm xúc “sến như con hến” về mùa thu về mưa về nắng… có thể bạn sẽ tự tin thể hiện mình giỏi giang/ duyên dáng/ đẹp trai/ xinh gái/… Ở đó bạn bình đẳng với tất cả khi được tự do tỏ bày/ bộc lộ/ bức xúc/ tán thưởng/ phản đối/ tranh luận/ đồng tình…

Có khi sau những lúc lang thang trên mạng như thế, bạn thấy nỗi cô đơn đang nén chặt trong mình dường như lõang ra, nhạt đi, và nhẹ đi…

Ở trên mạng bạn có thể nhảy từ “nhà” này sang “nhà” khác, ngó nghiêng nhìn ngắm các chủ nhà và những mối quan hệ của họ. Có khi bạn làm quen với người này người khác, cũng có khi bạn “cắt đứt” không thương tiếc với một ai đó… Có khi bạn tham gia vào câu chuyện của nhà này nhà kia, có khi đi qua không để lại dấu vết gì nhưng cũng như ngòai đời, những gì nhận được từ thế giới mạng có thể sẽ để lại trong bạn một ấn tượng khó phai.

Có khi sau những lúc lang thang như thế, dường như bạn càng thấy “cô đơn trên mạng” nhiều hơn…

Ở trên mạng bạn có thể nói/ viết bằng thứ ngôn ngữ do bạn lựa chọn, không quan tâm có phải/ có đúng là tiếng Việt “chính thống” hay là thứ ngôn ngữ “làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”, chỉ cần được là chính mình trong/ tại thời điểm đó. Dù viết gì và viết thế nào, những gì bạn viết trên mạng chắc chắn là một phần con người bạn. Và cũng như trong cuộc sống, những status và comment, những note và entry của bạn cũng phải chịu sự va đập của thế giới mạng. Bạn “ném” ra cái gì thì thế giới mạng sẽ trả lại bạn cái đó. Thật đấy! Thế giới mạng rất “tinh tướng”, không phải cứ đạo mạo lên mặt dạy đời chê bai tất cả thì “mạng” sẽ vì nể, hay bỗ bã tếu táo thậm chí ‘chửi” như hát hay thì “mạng” sẽ coi thường xa lánh.

Và cũng như trong đời sống, cái gì cũng có giới hạn của nó. Để nhận ra được cái giới hạn này, ở trên mạng hay ngòai đời, đều không dễ. Quá đi một chút, từ bỗ bã tếu táo trở nên đanh đá hỗn hào, từ nhận xét khen chê sẽ thành tâng bốc hay mạt sát… Sự tương tác tức thời và “không biên giới” của thế giới Mạng là một sức mạnh đồng thời cũng có sức quyến rũ mê hoặc ghê gớm. Thế giới mạng như một tấm gương của cuộc sống, chỉ có điều cần lưu ý, nó là tấm gương phóng đại nhiều lần sự tốt đẹp hay những khiếm khuyết, xấu xa của con người, của xã hội.

Biết vậy nhưng tôi vẫn lướt mạng mỗi ngày, bởi vì mạng cho tôi một cuộc sống phong phú đa dạng, nó luôn đặt tôi trước thử thách: khi đối diện “tấm gương phóng đại” hãy tỉnh táo nhận biết chân giá trị của mình, của người, của những gì diễn ra xung quanh. Và hơn hết, từ những mối quan hệ tưởng như “ảo” ở trên mạng tôi đã tìm được những người bạn thật sự.

Gia đình thời "lên mạng"


Chị bạn kể: Bà nội lần nào đi sinh hoạt tổ hưu trí về cũng gọi mấy đứa cháu và cả con trai con dâu dặn dò: mấy đứa không được lên mạng miếc gì nghe không! Trên đó toàn phản động với chuyện bậy bạ đó, hư thân hồi nào không hay!

Chị khác than: giờ về tới nhà cũng không nhìn thấy chồng con đâu nữa, ai nấy rút vô phòng riêng “lên mạng”, giờ ăn cơm còn cắm mặt vô điện thoại, ipad, nói không ai nghe không ai trả lời trả vốn gì hết… riết rồi mình như “bà khùng” vì cứ nói một mình.

Nhóm bạn ra “nghị quyết”: gặp nhau đứa nào không nói chuyện mà chỉ lướt mạng thì phải chịu phạt trả tiền cà phê. Nhưng rồi cả đám đứa nào cũng lo chụp hình viết status rồi post facebook nên… huề, tiền ai nấy trả. Lần nào cũng vậy.

Ngày nay, nhất là ở đô thị, những câu chuyện như trên rất phổ biến.

Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội với nhiều tính năng đã cho phép, thậm chí tạo điều kiện để con người giao tiếp với nhau trên không gian “ảo” mà không cần trực tiếp gặp mặt ở không gian “thực”. Lợi ích của sự giản tiện này là giúp thông tin nhanh hơn, trực tiếp hơn, tiết kiệm thời gian và nhiều chi phí khác, con người có thể mở rộng đời sống ra nhiều lĩnh vực, phát hiện và phát triển những khả năng tiềm ẩn ở mỗi người, đồng thời con người tự do vượt qua mọi không gian, thời gian, thế hệ, quan điểm chính trị, tôn giáo, đạo đức… tự do chọn lựa đối tượng để giao tiếp, va chạm, đấu tranh, xung đột, hòa hợp, kết nối, tập hợp… trong một thế giới ngày càng “phẳng”.

Sức hấp dẫn của “không gian ảo” là ở đó.

Nhưng quỹ thời gian một ngày 24 giờ, “sáu mươi năm cuộc đời” (hay bảy tám mươi năm) thì ai cũng như ai, “không gian ảo” làm cho con người bị cách ly khỏi không gian thật, một phần hay gần như toàn bộ thời gian vật chất.

Thử xem một ngày chúng ta có bao nhiêu thời gian dành cho giao tiếp trong gia đình, cho người thân? Trên lý thuyết ít nhất có 1/3 tức là khoảng 8 tiếng (2/3 thời gian để làm việc và ngủ nghỉ). Trong 8 tiếng ấy còn hao hụt vì đi lại, cho những nhu cầu khác… vậy là chỉ còn khoảng 4 – 5 tiếng cho các thành viên gia đình có thể nhìn thấy nhau, chủ yếu trong bữa ăn tối và buổi sáng trước khi đi làm. Thế nhưng không gian công cộng nhỏ hẹp như phòng ăn, phòng khách hay phòng ngủ của gia đình cũng bị chia cắt bởi chiếc điện thoại thông minh, mỗi người, nhất là người trẻ, tự cô lập mình với nhu cầu riêng trên không gian “ảo” mà quên mất rằng, mình còn có nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu của người thân trong không gian “thực” là gia đình: trò chuyện, chia sẻ, tìm hiểu, giúp đỡ… qua ngôn từ, bằng hành vi cử chỉ…

Sức “phá hoại” của “không gian ảo” đối với cộng đồng nhỏ là gia đình (hay cộng đồng lớn hơn là xã hội) cũng chính ở sự hấp dẫn của nó, bởi vì nó thúc đẩy quá trình “cá nhân hóa” nhanh hơn, phá vỡ tính cộng đồng truyền thống một cách triệt để, nhất là với người trẻ ở đô thị.

***

Trở lại những câu chuyện trên.

Một ngày bà nội than nhớ đứa cháu đích tôn đang đi học xa, lâu rồi nó chưa về. Bữa hôm nghe nói nó đi làm thêm ngoài giờ học, lấy tiền phụ thêm học phí đỡ cho cha mẹ, không biết còn mập như hồi ở nhà hay là ốm nhom? Thấy vậy cô cháu gái vui vẻ nói: nó mập ù nội ơi, mà cao hơn nên trông chững chạc lắm. Ủa chớ nó gởi hình về hồi nào sao không đưa cho nội coi? Dạ không, tụi con chat với nhau. Để con kêu nó nói chuyện với nội nghen. Sau bữa đó bà nội đòi “lên mạng” hoài, vì bà còn được gặp lại bao nhiêu người thân quen mà lâu nay tưởng đã bặt tin. Rồi bà nội xem báo mạng nhiều hơn vì muốn coi báo nào cũng có, coi lúc nào cũng được… Không thấy bà nội rầy la chuyện “lên mạng” nữa.

Chị bạn cũng phải tìm cách “hội nhập” vào mạng bằng cách tạo cho mình một cái nick, “làm bạn” với chồng và các con với nguyên tắc “chung sống hòa bình” trên facebook. Từ đó chị biết thêm về sinh hoạt và bạn bè của các con, hiểu hơn và chia sẻ với chồng những vấn đề xã hội mà anh quan tâm… Giao tiếp trên mạng cũng làm cho khoảng cách giữa anh chị và các con như gần lại, bữa cơm gia đình không còn cảnh ai nấy dán mắt vào điện thoại nữa mà đầm ấm hơn dù vẫn chuyện trò về học hành, công việc, xã hội…

Nhóm bạn thân vẫn thường off line, share (chia sẻ) tin tức trên facebook với nhau, nhất là những việc làm thiện nguyện. Qua mạng xã hội họ tổ chức những nhóm đi về vùng sâu vùng xa, tùy điều kiện mà góp phần giúp đỡ người dân ở đó. Việc làm này được duy trì nhiều năm, ngày càng chuyên nghiệp và có hiệu quả. Không chỉ vậy, bất cứ có ai khó khăn hay việc gì cần giúp đỡ, chỉ cần một lời kêu gọi từ facebook thì nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng, như chuyện người dân thành phố tham gia “giải cứu” hành, tỏi, dưa hấu… cho nông dân, như chuyện đi bộ xuyên Việt để kêu gọi “sách hóa nông thôn” của một facebooker nổi tiếng.

Facebook vẫn là “thế giới riêng” của từng người. Ở đó họ duy trì những mối quan hệ sẵn có và phát triển thêm những mối quan hệ xã hội mới. Ở đó, nhờ tính năng kỹ thuật của mạng, họ có quyền lựa chọn cho mình bạn bè và những mối quan tâm. Người dùng facebook cũng như blog trước đây, dần dần sàng lọc được một phạm vi trong đó có những người, những lĩnh vực hữu ích cho mình, đồng thời cũng được “rèn luyện” bản lĩnh trong môi trường “ảo” mà sự tương tác rất thật, tức thời và trực diện. Những lợi, hại của facebook, của internet là do mỗi người sử dụng nó như thế nào.

Sự thích nghi với MẠNG với NET của mỗi gia đình cũng giống như sự thích nghi với giao thông hiện đại: từ phương tiện cá nhân (xe máy, xe hơi) đến việc làm quen và thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng (xe bus, metro, skytrains…), từ một cái nick riêng đến một home chung trên facebook , ở đó việc bày tỏ thái độ xã hội bằng ngôn từ đến thực hiện bằng hành xử ngày càng được mọi người có ý thức.

Đó còn là triết lý sống, rằng khi ta đóng góp cho một xã hội tốt hơn, chính ta, con cái ta và những đứa trẻ cùng lứa với con cái ta sẽ được hưởng trở lại từ sự tốt hơn ấy.

Từ thế giới MẠNG và nhờ thế giới MẠNG đã góp phần làm nên điều đó.

Riêng tư... trên mạng?


Cứ thử hình dung một ngày chúng ta không có Internet. Thì sao nhỉ?

Chúng ta có còn liên hệ với ai không khi mà không email, không mạng xã hội, không báo mạng, không tài liệu ebook, không nghe nhạc xem phim trực tuyến, không game, không status không note không comment không like…?

Có lẽ như vậy cũng không luôn cả máy tính, bởi vì cần gì máy tính khi chức năng nối mạng không còn?

Chúng ta không còn cả cảm giác “cô đơn trên mạng”, bởi vì có còn gì còn ai đâu, ngoài chính mình. Những mối liên hệ “thực” ngoài đời trở nên nhạt nhoà bởi thiếu đi sự lung linh khi giao tiếp với nhau qua mạng.

Ồ, bỗng nhiên chúng ta chợt nhận ra mình có được sự riêng tư – trạng thái rất cần thiết của mỗi con người nhưng phần lớn đã đánh mất từ khi chúng ta hoà mình vào mạng.

Ta không cần “phơi” tâm trạng, “phô” hành động như một thói quen khi nhìn thấy câu hỏi “bạn đang nghĩ gì?” trên FB; buồn vui sến sủa, bực tức cáu giận, chửi đổng mỉa mai, yêu đương hay căm ghét, tâng bốc hay ném đá, đi ăn đi chơi, xem phim, cãi lộn… Thậm chí, xin lỗi cả nhà, đến chuyện “đang vui thì đứt dây đàn/nàng đang khó chịu thì chàng đến chơi” cũng nhất định phải cho “cả làng” biết;

Ta không phải tức khắc trả lời một câu còm của ai đó có vẻ hiểu sai hay khiêu khích về một status của ta; Ta không phải lạ lùng khi những điều hay ho ta viết ra đã bị ai đó chôm mất và đăng ở nơi nào đó, tự nhiên cứ như là của họ;

Ta không ngại khi bất ngờ một ai trong nhóm bạn đang ngồi cà phê với nhau bỗng dưng đưa điện thoại lên chụp hình ta trong một tư thế không đẹp lắm, ăn nhồm nhoàm hay cười ha ha hay hoa tay múa chân… làm mất “hình tượng” ta đã cố công xây dựng lâu nay trên mạng. Ta cũng không phải phiền lòng khi những hành ảnh bạn chụp ta cứ hồn nhiên được đưa lên mạng, dù là với lòng yêu quý… nhưng đấy là khoảng khắc riêng tư của “chúng mình” cơ mà?

Ta không phải lo lắng khi bất cứ ai cũng có thể biết được “vị trí bạn đang ở” nếu quên tắt chức năng định vị của điện thoại. Một anh bạn, bữa đó ngồi họp ở cơ quan ngay đầu cầu Chương Dương, nhắn tin cho vợ là về trễ, nhưng vợ anh ta thì lại thấy “đang ở nhà nghỉ gần Gia Lâm”. Chuyện tiếp theo thế nào chắc mọi người đoán được.

Ta cũng không sợ phải bất ngờ khi nhìn thấy ảnh mình trên một trang báo mạng, trên facebook của ai đó kèm với câu chuyện rất là kinh khủng khiếp, nhưng quên mất dòng chú thích tối thiểu “ảnh chỉ có tính chất minh hoạ” dù rõ ràng không được phép sử dụng hình ảnh người khác một cách tuỳ tiện như thế;

Ta không phải bực mình khi câu chuyện vui vẻ chia sẻ với bạn bè trên mạng chỉ nhẹ như “một chiếc lông gà” bỗng dưng biến thành “một chị gà mái rụng hết lông” khi nó quay ngược về facebook của ta;

Ta không cần quan tâm tới những câu hỏi hay tiếng xì xào rằng, sao cô/anh ấy chẳng hay kể gì về chồng/vợ gì nhể? Chắc là vợ chồng nhà ấy làm sao…? Ta không phải hối hận khi chuyện yêu đương của ta ngày nào cũng xuất hiện để rồi khi hết yêu cả thế giới cũng biết;

Tóm lại, nếu không có internet thế giới riêng tư của ta được bảo toàn trong một phạm vi nhất định: gia đình, người thân, và với nhiều người, chuyện riêng tư chỉ là của chính mình.

Thế nhưng ngày nay “không có internet” chỉ là giả tưởng, cũng như vài chục năm trước đây mạng xã hội cũng là “giả tưởng”. Internet – trong đó cũng có những thông tin riêng tư của chúng ta – góp phần làm cho thế giới ngày càng “phẳng”.

Thời tiền sử thế giới cũng phẳng, nhưng phẳng trong tình trạng không có thông tin, của cá nhân cũng như của những cộng đồng.

“Thế giới phẳng” có thực sự Phẳng, khi sự riêng tư của mỗi chúng ta đang có thể “lâm nguy”? Và liệu có đến lúc nào đấy, con người phải từ chối thông tin để có một “thế giới phẳng” của riêng mình?

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 9-10-18

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG LẠ LÙNG

 
Khi con lớn, mẹ sẽ kể con nghe
về đất nước mình những ngày này con ạ
đất nước của sự tận cùng vô cảm
nơi họ có thể xây nhà hát ngay trên mảnh đất vừa chiếm được hôm qua!

Đất nước của những tréo ngoe
nơi mọi đứa trẻ đều phải "sống, phấn đấu" theo lý tưởng của ai đó
không phải cha ông, dòng tộc... của mình
Đất nước của sự lạ lùng
nơi họ dạy con phải luôn yêu nước
nhưng nếu con yêu nước khác họ
họ sẽ gọi con là... "phản động" ngay thôi!

Đất nước không chấp nhận lòng yêu nước tự thân
mọi thứ đều phải "đúng quy trình"
con đường xấu không được làm cho đẹp;
dân khốn khó không được quyên tiền giúp,
họ sẽ chặn đường, thu cả gói mỳ tôm.

Đất nước của những chụp giật vô lương
mỗi lúc có chuyện vui buồn là xăng đều tăng giá
đá bóng thua hay quốc tang đều vậy
họ "ăn dày" trên những thây ma

Đất nước của những kẻ bê tha
thản nhiên nhìn bao đứa trẻ đến trường bằng bọc
lăn ngụp qua sông giữa mùa mưa lũ,
Rồi tuyên bố "bình thường" không khác kẻ vô nhân!

Đất nước của những giáo điều hoa mỹ học cho vui
đừng vin hoàn toàn vào câu ca dao "Bầu ơi thương lấy bí cùng" học ở trường con ạ
lý thuyết và thực tế
như hai đường thẳng song song khó chạm vào nhau
...
Mẹ không biết bắt đầu từ đâu
và kết thúc ở đâu khi còn ngàn điều chưa nói
chỉ mong con sẽ không cắt lời mẹ kể
rằng "đã thấm gì so với thời đại của con!"...

Trần Thị Hoàng Trúc


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cách mạng 4.0


Tho Nguyen - Người Việt coi mình là lãnh đạo cách mạng thế giới nên tự phát minh ra “Cách mạng 4 chấm không“. Họ coi từ việc „Kéo đám mây điện toán về VN để bảo đảm an ninh“, đến việc dùng smartphone để chạy Uber, hay vào FB để bán hàng xách tay là đang tiến hành cuộc cách mạng đó :-)

Nhiều người hay nói về cuộc „Cách mạng 4.0“ mà có lẽ không biết đang nói gì ? Tiều phu chỉ coi cách mạng là các sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt đối với xã hội. Trong khoa học cũng vậy, người ta chỉ nói đến các cuộc Cách mạng Kỹ thuât CMKT (Technical revolution) khi nó gắn với các sự kiện thay đổi cuộc sống loài người.

- Thời kỳ đồ đồng vào khoảng từ 3000 đến 2000 năm trước Công nguyên đã giúp con người biết làm dụng cụ canh nông và vũ khí. Vũ khí đã thúc đẩy hình thành các chế độ nô lệ và phong kiến, xóa bỏ cuộc sống bộ lạc. Cho dù về sau người ta đã tiến tới sắt thép và súng thần công sử dụng thuốc nổ lưu huỳnh, nhưng đồ Đồng là một cái mốc. Nhẽ ra, sử dụng kim khí này đáng được coi là cuộc CMKT lần thứ nhất. Nhưng vì không xác định được niên đại và xuất xứ nên hòa cả làng, coi như cuộc cách mạng số 0.

- Cuộc CMKT lần thứ nhất: Phát minh ra máy hơi nước của James Watt năm 1759, mở đầu cho quá trình công nghiệp hóa và ra đời CNTB. Trước đó, loài người chỉ biết dùng sức cơ bắp. Sức nước và sức gió, tuy đã được sử dụng, nhưng không khống chế được. Cũng nhờ máy hơi nước mà hàng hải phát triển, chủ nghĩa thực dân từ Châu Âu tràn sang châu Á, Phi và Mỹ La tinh. Nhờ đó, các cụ nhà ta bắt đầu nhìn thấy cái bóng đèn lộn ngược và ông giám mục Tây Đắc Lộ (Alexander de Rhode) được xóa nạn mù chữ tiếng Việt :-).

- CMKT lần thứ hai: Băng chuyền công nghiệp xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 mà đặc trưng là dây chuyền sản xuất máy móc do Henry Ford phát minh (1). Vua hề Sác-Lô đã nổi tiếng bằng bộ phim chế diễu sản xuất dây chuyền. Băng chuyền cũng sản sinh ra giai cấp vô sản bị bần cùng hóa và kết quả của nó là cuộc Cách mạng 1917 ở Nga. Hai chế độ đối nghịch là XHCN và TBCN kéo nhau lên vũ đài. Quê choa được lịch sử chọn làm nơi tỷ thí vào cuối thời kỳ này.

- CMKT lần thứ ba là cuộc cách mạng tự động hóa, xuất hiện vào đầu những năm 1970, khi người ta chế từ Silicon ra các vi mạch. Từ đó các vi máy tính dùng các bộ vi xử lý (Microprocessor nay ta gọi là CPU) ra đời (Máy Apple I năm 1976). Năm 1973 bác Việt kiều André Trương Trọng Thi đã chế ra máy vi tính Micral ở Pháp (2), nhưng bác Thi tiếp thị không giỏi bằng hai tay Steve kia (3) nên thua.

Mặc dù IBM đã làm ra các máy tính Mainframe từ những năm 60, nhưng không thể phổ cập được vì giá thành quá cao và cồng kềnh. Trước 1975, ở Miền Nam có một số máy tính IBM. Ví dụ máy IBM360/50 ở bộ tổng tham mưu Quân lực VNCH, dùng để quản lý lương và hồ sơ cho khoảng 700.000 quân sỹ và gia binh. Các nhà khoa học ngoài Bắc vào đã tròn mắt nhìn cái máy chạy bằng hàng chục ngàn bóng transitor và băng đục lỗ.

Cuộc cách mạng này đã đưa tự động hóa vào sản xuất, đẩy các nền công nghiệp đại cơ khí vào góc tối. Câu nói của Lenin: “XHCN là chính quyền Xô Viết cộng với điện khí hóa (công nghiệp hóa)“ bổng trở nên lỗi thời.

Trước đó tuy kém phương tây về mức sống, nhưng bên tư bản làm được cái gì, bên XHCN cũng có. Ví dụ như xe ô tô Lada, Trabant, Skoda so với BMW, Volvo hay Toyota. Rồi máy bay Ilyuschin IL 86 hay Tupolev TU 144 chọi với Boeing hay Airbus. Tuy động cơ XHCN tốn xăng hơn, nhưng vì được bao cấp bởi Liên Xô, vốn bán xăng rẻ hơn nước Kwatsch nên không hề chi.

Đến khi phương tây có các loại máy vi tính và máy cơ khí CNC thì bên XHCN ngắc ngư. Ngày đó mấy ông việt kiều ở Tây Đức sang Đông Đức kiếm vợ, thủ được cái máy PC-AT 286 theo là cả một làng VN ở Berlin sống khỏe. Cô bồ bán máy đó cho ông phòng bên giá gấp 2. Ông ta mang đến cho ông đội trưởng biết tiếng Đức, bán gấp ba. Ông đội trưởng đem bán cho một nhà máy hoặc trường đại học nước bạn, lại kiếm gấp 3. Đắt mấy nước bạn cũng phải mua.

Có thể nói cuộc cách mạng KHKT lần thứ ba góp phần xóa sổ CNXH đông Âu, kết thúc chiến tranh lạnh.

- CMKT lần thứ tư nổ ra vào cuối thế kỷ 20, được gọi là cuộc cách mạng thông tin. Sự cáo chung của nền kinh tế XHCN tập trung quan liêu, cộng với sự bùng phát của mạng Internet smartphone, mạng xã hội, từ hơn 20 năm qua đã biến trái đất từ tròn sang bẹt (phẳng). Nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới: Toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa không chỉ có nghĩa là mang các sáng chế từ phương tây sang sản xuất ở các nền kinh tế mới được giải phóng sức lao động, giá cả thấp. Nó còn xuất khẩu các tư tưởng, lối sống phương tây sang các nước đang phát triển. Ngược lại nó biến sức lao động và mạng người rẻ trở thành đối thủ nguy hiểm, cạnh tranh với các nền công nghiệp lâu đời có phúc lợi cao. Một trong các kết quả của "Toàn cầu hóa" là sự trỗi dậy một đế quốc mới: Trung Quốc.

Từ đó đến nay chưa có cuộc CMKT nào khác. Các phát minh như trí tuệ nhân tạo, xe ô-tô điện hay Cloud computing vẫn chỉ là các sản phẩm của cuộc CMKT lần thứ 4. Khái niệm „Công nghiệp 4.0“ (4) được đưa ra vài năm gần đây chỉ là áp dụng các tiến bộ của cuộc CMKT 4 vào sản xuất công nghiệp trong một thế giới toàn cầu hóa về mặt chính trị và nối mạng bằng internet cao tốc mà thôi.

Công nghiệp 4.0. chưa đủ để được gọi là cách mạng, vì nó không gắn với một biến cố xã hội nào. Nó chỉ là: Một sản phẩm có thể thiết kế từ 3 nước khác nhau, sản xuất từ 5 nơi khác nhau và được giao đến nơi thứ 6 đúng lúc (Just in time) để làm ra đúng số lượng thành phẩm được đặt hàng mà không tốn vật liệu tồn kho. Cũng các cơ sở trên hôm nay có thể làm ra 1000 sản phẩm A, mai lại làm 2000 sản phẩm B, tiết kiệm rất nhiều tài nguyên và sức lao động.

Người Việt coi mình là lãnh đạo cách mạng thế giới nên tự phát minh ra “Cách mạng 4 chấm không“. Họ coi từ việc „Kéo đám mây điện toán về VN để bảo đảm an ninh“, đến việc dùng smartphone để chạy Uber, hay vào FB để bán hàng xách tay là đang tiến hành cuộc cách mạng đó :-)

Köln 12.10.2018

Bài sau: Chủ nghĩa tư bản số liệu và nền độc tài số (Digital Capitalism & Digital Dictatorship)
-----------
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Henry_Ford
(2) https://vi.wikipedia.org/…/Tr%C6%B0%C6%A1ng_Tr%E1%BB%8Dng_T…
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Apple_I
(4)https://www.lmis.de/im-wandel-der-zeit-von-industrie-1-0-bi…

Phần nhận xét hiển thị trên trang