Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

BÁC ĐỖ MƯỜI



Lão Tạ



Tôi gọi bằng bác, vì ông hơn bố tôi gần mười tuổi. Ông lại là rể quê tôi. Vợ chính thất của ông, bà Tạ Thị Thanh, cùng họ, ở xã bên. Có ông con rể to cỡ bác Đỗ Mười đâu phải cứ muốn là được!

Khi bác Đỗ Mười làm quan lớn tỉnh Hà Đông rồi sau đó là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình… thì bố tôi mới/vẫn chỉ phọt phẹt quan xã. Nhưng sự cuồng tín chủ nghĩa cộng sản thì bố tôi ăn đứt bác. Tôi không nói vô căn cứ. Nếu bảo bác Đỗ Mười chứng minh lòng trung thành với Đảng bằng việc đòm chết thằng con, chắc chắn bác không làm. Nhưng nếu cấp trên có ý định thử bố tôi như vậy, thì tôi sẽ phải tìm cách trốn lên rừng thật nhanh! (Giờ nghĩ lại, may mà cụ khốt mình chỉ làm đến bí thư xã, rồi bị đuổi ra khỏi đảng khi mới ngoài bốn mươi tuổi, về vườn sớm, chứ vớ vẩn cụ mà leo lên đến chức đầu triều như bác Đỗ Mười thì không khéo đất nước còn tan hoang hơn). Suốt thời bé, bố hay kể cho chúng tôi nghe về giai thoại bác Đỗ Mười đóng giả dân thường để “thử” một số cán bộ Nhà nước như công an, mậu dịch viên, bác sỹ bệnh viện… Chẳng hạn như mấy chuyện sau đây.


1-Lần ấy bác Đỗ Mười (trong vai nông dân) vào cửa hàng ăn mậu dịch, khi bác rình thấy một anh công an đẹp trai cũng vào ăn. Cả bác và anh công an đều gọi phở thịt lợn (thời ấy gọi là phở có người lái). Lát sau cô mậu dịch viên bưng ra hai bát phở, bát nhiều thịt hơn thì đưa cho bác, còn bát kia lèo tèo mấy mụn thịt vụn thì đưa cho anh công an. Thấy vậy bác Đỗ Mười bảo với cô nhân viên là bác không ăn được thịt, muốn đổi cho anh công an. Cô mậu dịch viên bèn gắt ầm lên, bảo bác là vớ vẩn, không ăn thì bỏ thịt đi, không đổi chác gì cả. Nhưng bác Đỗ Mười vẫn tiếp tục kì kèo. Cuối cùng, có thêm ý kiến khách hàng, cô mậu dịch bất đắc dĩ phải đổi. Bấy giờ bác Đỗ Mười mới sục đũa xuống (vì bác biết tỏng) và moi lên những miếng thịt nạc rất ngon được cô mậu dịch viên khéo léo vùi bên dưới để che mắt thiên hạ nhưng không qua được mắt bác Đỗ Mười.

2- Cũng trong vai nông dân, lần này bác Đỗ Mười vào khám cùng với một phụ nữ trẻ, đẹp tại một bệnh viện cấp tỉnh. Thấy gái, anh bác sỹ tít mắt lên. Anh ta bỏ mặc “ông già nông dân” nằm rên hừ hừ, khám rất kĩ cho cô gái trẻ đẹp kia. Bác Đỗ Mười-trong vai nông dân-bèn nêu thắc mắc thì bị anh bác sỹ mắng té tát cho một trận nên thân.

Những chuyện kiểu như vừa kể đều hạ màn giống nhau: đó là ngay sau cuộc cãi vã với ai đó, lập tức có một chiếc xe con –biểu trưng của quyền lực lúc bấy giờ- xuất hiện đón bác Đỗ Mười, khiến cô mậu dịch, anh công an, anh bác sỹ… đều sợ tái xanh tái xám cả mặt mũi. Thật đáng đời! Vì khi họ biết là bác Đỗ Mười đi “vi hành” thì mọi chuyện đã muộn. 

Trừ một lần xuýt gặp hạn về cuốn sách có chút liên quan đến trách nhiệm của bác Đỗ Mười với Hiệp định dầu khí Việt-Xô, tôi không có ấn tượng gì đặc biệt với bác. Trước những lời kết tội bác là hung thần làm tan hoang miền Nam khiến hàng triệu người bỏ đất nước ra đi, hay những lời đồn dai dẳng về “mật ước” Thành Đô khiến Việt Nam quay trở lại lệ thuộc Trung Quốc, thì tôi chỉ biết rõ nhất một điều: Mình không đủ thông tin và trong cả hai sự kiện tai tiếng ấy, bác Đỗ Mười đều là người thực thi nhiệm vụ được giao. (Thời triệt hạ nền kinh tế miền Nam sau năm 1975, bác Đỗ Mười còn “bé tí” so với hàng chục ông lớn khác). Cơ chế ở ta là tập thể lãnh đạo, tập thể đưa ra quyết định. Một khi được giao nhiệm vụ, cỡ như bác Đỗ Mười có muốn thoái thác cũng khó! 

Nhưng tình cảm của bố tôi với bác Đỗ Mười thì đầy tính đảng và vì thế mà vô cùng bi kịch! Bố tôi luôn coi bác Đỗ Mời là thần tượng, là “bậc đàn anh trên con đường cách mạng”-như ông vẫn thường trang nghiêm bảo thế. Với bố tôi, bác Đỗ Mười là người mẫu mực về lòng tận tụy, về sự trong sạch và nghiêm khắc, mặc dù cụ khốt cũng chẳng hề có thông tin gì cụ thể mà chỉ nghe qua tuyên truyền. Bố và tôi cãi nhau khá nhiều, thậm chí có lúc đã gần tới mức bị cụ khốt từ mặt, chỉ vì bác Đỗ Mười. Nhớ nhất lần tôi kể chuyện đoàn cán bộ huyện Chương Mỹ ra chia buồn với bác Đỗ Mười về việc vợ đầu của bác từ trần. Sau khi đoàn vào lễ bái, họ cũng được bác Đỗ Mười tiếp. Nhưng thay vì cảm ơn, bác truy hỏi ông bí thư là huyện có bao nhiêu ngọn núi, cả huyện nuôi bao nhiêu con gà…khiến ông trưởng đoàn viếng tang sợ rúm vó và tất nhiên là…cứng họng! Có lẽ giọng kể của tôi có phần cợt nhả khiến bố tôi tím mặt và gầm lên: “Người ta quan tâm sát sao thế thì tốt hay xấu, hả?”

Lần khác tôi kể chuyện nghe từ một lãnh đạo Dầu khí, rằng khi sang thăm Hàn Quốc, bác Đỗ Mười được chủ nhà dẫn đi xem một nhà máy đóng tầu thủy rất hiện đại. Bác Đỗ Mười bị choáng ngợp trước những gì hiện ra trước mắt. Bác bèn quay lại bảo với những người trong đoàn, rằng các anh phải làm sao để nước mình cũng được thế kia. Trong đoàn có ông phó thủ tướng, khi nghe vậy bèn ghé tai vị lãnh đạo Dầu khí nói vụng: “Làm gì ông cũng cấm, thì cứ chờ đấy mà bằng người ta”. Tôi chỉ kể lại cho bố những gì nghe được, không hề bịa thêm tí ti. Nhưng bố tôi vẫn giận lắm. Ông bỏ cơm giữa chừng đi nằm, không chịu nổi thần tượng của mình bị giễu cợt, để nửa đêm trở dậy ngồi lẩm bẩm chửi tôi cho đến sáng. 

Về cuối đời, bố tôi khi đó thuộc thành phần rất bất mãn, có một sở thích tai quái là ngày nào cũng ngồi chửi nhau với cái..tivi, vào đúng chương trình thời sự tối. Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng…ông gọi tuốt tuột bằng thằng, đồ ăn hại, đồ toi cơm…Bố tôi, một chiến sỹ cộng sản trung kiên bị đuổi ra khỏi đội ngũ tinh hoa mà chửi thì chua chanh và ác khẩu vào loại nhất thế giới. Một lần bố không chửi như thường lệ, mà cứ hầm hè đầy vẻ ấm ức. Mãi sau, dường như không nín nhịn được nữa, ông hét lên: “Đ.mẹ các ông! Hóa ra tôi bị các ông lừa”. 

Tôi ở trong buồng tò mò ngó nhanh ra ngoài, thì thấy trên màn hình tivi lúc ấy bác Đỗ Mười đang “chém gió” bằng tay trái.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

1001 CHUYỆN VỀ BÁC ĐỖ MƯỜI



Phương Lý

CHUYỆN BÁC ĐỖ MƯỜI 

- Hồi Bố mình (một Nghệ sĩ và gạo cội của ngành Điện ảnh Việt Nam) mất, bác Đỗ Mười đi vắng. Khi về, bác đến nhà riêng thăm hỏi gia đình mình (ở Nghĩa Tân, HN). Lúc đầu mình rất cảm động, Mẹ mình mời bác uống nước chè xanh. Sau, thấy một cậu (chắc là thư ký), mượn và viết chia buồn vào sổ tang của Bố mình rồi đưa cho bác ý ký. Thế là mình không cảm động nữa.


- Chuyện khác là khi mình là phóng viên Ban Kinh tế của VOV, các bạn ở Văn phòng Bộ TM từng phải cuống lên tìm mình xin cái băng cát-xét ghi âm buổi nói chuyện của bác Đỗ Mười tại buổi họp (hình như sơ kết 6 tháng) của ngành mà mình có dự. Bác đến đột xuất nhưng (đứng) phát biểu hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Hồi ý chưa có từ “chém gió” nhưng bác nói chuyện mà hai tay luôn luôn chíu chíu vào không khí thật. Và chỉ đạo thì dân dã. Chi tiết buồn cười mình nhớ nhất - giờ vẫn không quên, là khi nói gì đó liên quan đến hoạt động thương nghiệp ở nông thôn, bác bảo “có cái bài báo viết, kể là khi đi hoạt động cách mạng ở vùng nông thôn, tôi đóng giả là anh hoạn lợn - (rồi bác bảo) : giả đâu, tôi làm thật chứ !”. Cả hội trường cười lăn ...

“May” hôm ý mình để mic và máy ghi âm trên bục hội trường, mà an ninh thì không cho đi lại để lên tắt máy nên máy cứ tự động record miệt mài, triền miên ....(Nhà VOV có điều kiện nghề mà, nên mỗi mình mình là có băng ghi âm đó). VP Bộ TM cảm ơn mình mãi.

Hôm nay, nghe tin bác, mong bác an nghỉ !
_______________

Ky Mai
22 Tháng 9 lúc 14:42 ·

Kỷ nịm với Bác...

Nhà mình ở Lò Đúc, đầu ngã 5. Đi vài chục mét là đến Phạm Đình Hổ, nơi Bác ở. Đối diện nhà Bác (bây giờ) là nhà Sơn "cá rán" một đại gia Đông Âu, cách nhà Bác một số nhà là nhà "năm chiếc cúc áo tố cáo tội ác" từng rúng động cả nước 35 năm trước.

Ngắn gọn để thấy, mình và Bác tuy xa về tuổi tác địa vị mà rất gần - nếu ở quê họ sẽ bảo "Chúng tôi lớn lên bên bờ tre gốc rạ, đi học về lại cưỡi trâu ra đồng hay đi đơm cá, bắt cua cùng nhau". Cùng phường gần phố cách vài chục số nhà, và thi thoảng đi học qua vẫn thấy Bác chui ra chui vào chiếc xe com-măng-ca đen xì mà.

Có lần thấy Bác đi dạo trên phố, Bác mặc bộ đại cán mầu ghi kiểu Tôn Trung Sơn, tóc bác chẻ ngôi bóng mượt, cả phố cúi zạp: Chào bác ạ, Bác khoẻ không ạ... Đi bên Bác luôn là hai chú cảnh vệ, lạnh te, gườm gườm - một chú mắt rất sáng một chú mắt lại hơi híp híp, dáng các chú không cao nhưng có gì đó hao hao như đội cận vệ của Chủ Tịch Kim Jong Un bên Bắc Triều.

Người lớn bảo, toàn người miền núi đấy. Họ mà bảo vệ lãnh tụ rất mực trung thành - chỉ một cái phẩy tay đầu chúng mày bay khỏi cổ. Nghe xong cả đám người lớn hiếu kỷ lẫn đám trẻ con hóng hớt sợ vãi mắt mèo. Hãi cực.

Có một ngày, trời trong xanh, mây bồng bềnh trắng, nắng đung đưa vàng, ve kêu inh ỏi trên hai hàng cây Sao đen lênh khênh đẹp nhất bang @Cò ỉa@, không muốn nói đẹp nhất bốn quận nội thành Hà Nội.

Hôm đó cả đám chúng mình đang ngồi đầu phố đánh ba cây ăn chun, ăn bi (thực ra ăn tiền). Mình, thằng Khoa, thằng Tiến, thằng Lâm, bốn thằng thuộc nhóm "nhẩy xe bò" nghịch nhất phố. Đúng lúc Bác đi qua, thế choá nào thằng Lâm om được "tam bát cửu" hay "nhị gâu gâu" gì đó, sướng quá nó nhẩy lên như thằng zồ:

"đỗ mười, đỗ mười, bố mày đỗ mười rồi".

Èng, eng... một không khí ghê zợn bao trùm

Thế là Bác dừng lại, Bác bước sang đường. Bên cạnh vẫn là hai chú cảnh vệ. Ngày đấy phố vắng lắm, không ồn ào bụi bẩn đông đúc như bây giờ.

Chắc Bác nghe thấy.

Thế là toi cả lút. Phen nảy không bị báo phường, ông tổ trưởng mách ông bà già chắc chỉ có no đòn bỏ nhà ra đi.

Chết cụ chúng mày rồi. Thằng Khoa cúi mặt lẩm bẩm chửi. Thằng Lâm sợ quá chạy mất

Nhưng không, lừ đừ Bác tiến lại, Bác ôn tồn mỉm cười xoa đầu bảo (xoa đầu mình, thế mới "bắc son" chớ):

- Các cháu chơi gì?
- Dạ, dạ, chơi bài ăn chun ạ. Mình mở miệng trong sợ hãi.
- Có thiếu chun và bi không, mai đi qua bác cho?

Ớ... Cá đám ngớ người,
vừa sợ vừa thích không nói được câu gì, chỉ dám lí nhí "cháu chào Bác" rồi thu bài té vội.

Bác đi rồi, hai chú cảnh vệ quay lại gườm gườm như thể đầu rơi máu chảy, còn đám nghịch ngợm chúng mình cứ thế đeo đẳng lần gặp đó cho đến nhiểu năm sau. Và hôm nay sực nhớ kể vội chút kỷ nịm... có lần được Bác hứa.

Bác là Bác Cống, một cậu thợ sơn nghèo học giỏi, một người thợ sơn vừa chăm chỉ, vừa yêu thương bạn bè đến nỗi mỗi khi sơn xong việc của mình cậu lại vác sơn đi sơn hộ các bạn khác, một nhà vật giá lương tiền thân thiện, giàu tình cảm, một nhà cải tạo công thương đại tài dù sau này ở chức vụ nào cũng luôn giản dị yêu mến và hứa với các cháu những điều tốt đẹp nhất.

...
Ps: Viết vội, trước khi báo chí và các người anh chị em báo chí "lên khuôn". Có gì nhanh nhẩu, mong được lượng thứ.

____________

CHUYỆN ÔNG MƯỜI CÚC DẶN ÔNG MƯỜI CỐNG

Có câu chuyện truyền tụng rằng: Ông Nguyễn Văn Linh khi nghỉ chức Tổng bí thư, bàn giao cho Ông Đỗ 10 xong. Một chiều thư thả, ông Mười Cúc (Linh) mời ông Mười Cống (Mười) đến tư gia uống trà trò chuyện thong dong cả buổi chiều. Lúc ra về, thấy ông Mười có vẻ lo lắng, rất thân mật, ông Linh vỗ vỗ vai ông Mười:

- Anh cứ yên tâm mà làm. Mọi việc tôi đã thiết kế đâu đấy rồi. Anh cứ thế mà làm. Cứ tôi làm gì thì anh làm thế. Cứ thế mà làm, anh nhé...

Ông Mười chỉ biết gật gật. Rồi, ông Linh ghé tai ông Mười:

- À mà này, có việc này tôi dặn anh nhớ kỹ này: Anh cứ thế mà làm, cứ theo tôi mà làm. Nhưng riêng việc viết :"Những việc cần làm ngay" thì anh đừng làm theo tôi. Tuyệt đối không làm theo đấy nhé.

Ông Mười chưa hiểu ra sao, cũng không dám hỏi lại. Cứ gật gật, vâng dạ rồi ra về mà trong lòng vô cùng lo lắng, thao thức cả đêm không ngủ được. 

Sáng hôm sau, đến văn phòng, ông mới hỏi thư ký Hà Nghiệp: "Ông Mười Cúc nói vậy ý là thế nào?". Ông Hà Nghiệp chỉ cười... Ông Mười gặng mãi mới dám nói.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đỗ Mười, một lần biết ông



KTS Nguyễn Tuấn Khanh (Vũng Tàu)


 
Khi khoá chúng tôi đang làm đồ án tốt nghiệp thì ông lúc đó là bộ trưởng bộ xây dựng đến thăm. ( trường đại học kiến trúc trực thuộc bộ xây dựng). Lượn một vòng, nhìn đồ án của thằng này thằng kia cái nào cũng khen, ổng nói các cậu vẽ đẹp thế cứ cất đi khi nào nước mình giầu đem ra xây. Rồi ông hỏi ra trường các cậu nguyện vọng gì? Một ông đi bộ đội về làm bí thư đoàn có lẽ được trường phân công ra để trả lời bộ trưởng: chúng cháu học nghề này theo lời Đảng Bác để kiến thiết đất nước, bây giờ đất nước mình khó khăn quá, ăn không đủ nói gì xây dựng, chúng cháu ra trường chắc thất nghiệp. Ông cười nói thiếu gì việc làm, công trường thuỷ điện Sông Đà đang thiếu nhiều lắm ra trường lên đó hết. 

Thưa bác, công trường đang thi công họ chỉ cần kỹ sư thuỷ lợi, giao thông, xây dựng... chúng cháu học kiến trúc chỉ biết vẽ thôi lên đó biết làm gì? Cậu kia hồi nhiên hỏi lại. 

Thế à, để tôi nói nhà trường dậy lại để các cậu trở thành kỹ sư- ông nói rất chân thành.

Cứ tưởng là chuyện cho có, ai ngờ nhà trường bắt chúng tôi ở lại học thêm một năm nữa để thành kỹ sư xây dựng, tất nhiên là chỉ những thằng không con cháu, không xin được việc về bộ này bộ kia, những thằng con cháu hoặc có quan hệ thì đều đi làm và đa số làm những việc chả liên quan gì đến nghề. 

Mình thuộc loại không con cháu cho nên được thêm một cái bằng nữa sau này chả bao giờ dùng, thậm chí còn giấu biến sợ họ đưa lên Sông Đà thì có khi bây giờ thành Đình La Thăng! 

Chuyện này đã quên rồi nhưng hôm nay bao nhiêu người khoe kỷ niệm được gặp ông. Tôi cũng khoe, sợ gì!

Vĩnh biệt! See you again!

_________________

Chu Vĩnh Hải (Vũng Tàu):

SAO KHÔNG ĐƯA NHÀ MÁY VÀO TRONG HANG NÚI?

Tôi đã 3-4 lần nhìn thấy ông Đỗ Mười, và đã có một lần tháp tùng ông ấy nguyên cả ngày. Hồi ấy, tôi làm ở báo Bà Rịa- Vũng Tàu. Ông Đỗ Mười dù trong vai trò gì, chủ tịch hội đồng bộ trưởng(thủ tướng bây giờ), tổng bí thư hay cố vấn, đều thích đến Vũng Tàu để nghỉ ngơi. Ông chỉ nghỉ trong hệ thống khách sạn của Công ty du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam( OSC Vietnam). Bao giờ ông cũng mang theo người con trai khù khờ, rụt rè và có vẻ thiểu năng. Cứ đi được khoảng 10 bước chân ông lại ngoảnh nhìn, tìm kiếm người con trai với vẻ lo lắng. Rõ ràng, ông rất yêu quý người con trai này.

Khoảng đầu năm 1998, trong vai trò cố vấn, ông vào Bà Rịa- Vũng Tàu, đi thăm thú và xem xét một số nơi. Vì thiếu người nên tòa soan báo Bà Rịa- Vũng Tàu cử tôi tháp tùng ông Đỗ Mười để làm tin. Đầu tiên, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bố trí ông thăm một hộ nông dân sản xuất giỏi ở huyện Châu Đức. Đoàn xe dừng lại ở một ngôi nhà khá hoành tráng của người nông dân. Tôi nhanh chóng xuống xe, và tiến lại gần ông Đỗ Mười. Ông Đỗ Mười đưa mắt nhìn xung quanh, rồi chợt ông sầm mặt lại. Ông hỏi với giọng gắt gỏng:

-Các ông đưa tôi đi đâu thế này?

Một người tôi không quen biết, có thể là thư ký của ông Đỗ Mười, vội vàng nói:

-Thưa bác, chương trình bố trí đưa bác đến thăm một hộ nông dân sản xuất giỏi ạ.

-Tôi đã đến thăm nhiều nông dân sản xuất giỏi rồi. Các ông thật vớ vẩn.

-Bác thông cảm ạ!

Ông Đỗ Mười dịu khuôn mặt lại, rồi từ tốn đi vào ngôi nhà người nông dân. Khi phía tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu giới thiệu rằng người nông dân này trồng mì- sắn để bán cho công ty Vedan của Đài Loan, ông Đỗ Mười chợt bừng tỉnh và hồ hởi. Ông nhanh chóng đặt câu hỏi:

-Công ty Vedan là của nước nào? Là tư bản hay ta?

Một đại diên chính quyền Bà Rịa- Vũng Tàu nói:

-Thưa bác, Công ty Vedan của Đài Loan ạ. Họ mua mì-sắn để làm bột ngọt(mì chính) ạ.

-Tầm bậy tầm bạ. Sao lại để cho nó thoải mái đi lại, mua bán trên đất nước ta? Tình hình đất nước đang rất phức tạp, hãy kiểm soát bọn nước ngoài thật chặt, không được để cho nó muốn làm gì thì làm.

Phía chủ nhà Bà Rịa- Vũng Tàu mặt ngẩn tò te, không dám nói câu nào. Có người còn thẳng thắn bày tỏ cảm xúc ngạc nhiên và thất vọng về cách nhìn của ông Đỗ Mười.

Khi ra đi, ông Đỗ Mười không chào người chủ nhà nông dân.

Sau đó, phía chủ nhà chính quyền Bà Rịa- Vũng Tàu đưa ông Đỗ Mười đi thăm khu công nghiệp khí- điện- đạm Phú Mỹ đang được gấp rút triển khai xây dựng. Đây là khu công nghiệp lớn, quan trọng và có các công nghệ hiện đại chưa từng có ở Việt Nam. Sau khi đi một vòng (ngồi trên xe hơi) và trực tiếp xem mô hình các dự án trên sơ đồ, ông Đỗ Mười thẳng thắn phán:

-Thế này thì hỏng. Các nhà máy lớn như thế này mà nằm chình ình trên đất trống. Nếu có chiến tranh, chỉ mấy quả bom là nhà máy bị phá hủy ngay. Sao các anh không đưa nhà máy vào trong hang núi?

Chẳng có ai trả lời câu hỏi này của ông Đỗ Mười.

Kết thúc ngày tham quan của ông Đỗ Mười, mọi người tháp tùng ông tỏ rõ vẻ mệt mỏi. Tôi nhẹ nhàng nói với mấy người ngồi trên xe:

-Cụ Đỗ Mười Một này có tư duy thời chiến đậm đặc quá, không hề có tư duy thời bình chút nào!

Mọi người cười nhẹ nhàng. Và rồi một giọng nói Nam Bộ vang lên trong xe:

-Có tư duy ấy nên cụ đã hoàn thành xuất sắc việc cải tạo công thương nghiệp miền Nam đấy!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Cuộc cách mạng bị ngưng trệ của Cuba - Ban lãnh đạo mới có thể làm tan băng chính trị Cuba sau thời Castro?


Richard E Feinberg và Ted Piccone (*) 

- Với Cuba, năm 2018 đánh dấu điểm kết thúc một thời đại. Lần đầu tiên trong gần sáu thập niên, chủ tịch nước không còn là một người mang họ Castro – không phải là Fidel, cựu chiến sĩ du kích, nhà độc tài cách mạng hoặc biểu tượng quốc tế, mà cũng không phải người em Raul, ít tiếng tăm hơn, người kế tục Fidel làm chủ tịch năm 2008. Tháng Tư vừa rồi, quyền cai trị được giao cho cựu phó chủ tịch Miguel Diaz-Canel, một chính trị gia thời hậu cách mạng, trẻ trung hơn, người làm nổi lên những niềm hy vọng trái ngược nhau về sự tiếp nối lẫn sự thay đổi.
Nhưng với những ai hình dung rằng thời kỳ hậu Castro sẽ nhanh chóng mang lại những cuộc cải cách quan trọng thì nhiệm kỳ của ông Diaz-Canel cho đến nay chỉ là một sự thất vọng. Trong 5 tháng qua, sự tiến bộ của đất nước diễn ra chậm chạp hoặc không tiến bộ gì cả. Nền kinh tế của đảo quốc tiếp tục đi xuống như nó đã từng như vậy kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ gần 30 năm về trước, bất chấp những đợt cải cách được suy tính cẩn trọng mà ông Raul Castro khởi xướng năm 2011. Mức đầu tư thấp một cách đáng báo động, ngoại tệ khan hiếm, và tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng lan rộng. Nhiều người Cuba bất mãn, đặc biệt là giới trẻ có học thức, tiếp tục di cư để tìm cuộc sống khá hơn, những lựa chọn nghề nghiệp tốt hơn, làm cạn kiệt nguồn lao động hiện tại và tương lai.

Những người theo xu hướng cải cách và những người bảo thủ cứng rắn vẫn tiếp tục đấu với nhau trong đảng Cộng sản Cuba. Một bản dự thảo hiến pháp mới hứa hẹn sự tiến bộ, đáng chú ý là quyền về giới và của người đồng tính, nhưng cũng khẳng định sự độc quyền của đảng Cộng sản Cuba và thể chế hóa tư tưởng kinh tế đã lỗi thời. Những sáng kiến gần đây của chính phủ đã hạn chế thêm nữa quyền tự do cá nhân trong kinh doanh, nghệ thuật và truyền thông. Trong khi đó, chính phủ Trump đã gần như quay trở lại luận điệu thời tiền-Obama về thay đổi chế độ, với thái độ thù địch và cô lập.

ĐẤT NƯỚC TRÌ TRỆ

Diaz-Canel thừa hưởng một nền kinh tế đang trong thời kỳ chuyển đổi. Trong suốt thời gian cai trị một thập niên của mình, ông Raul Castro đã xé bỏ một số rào cản ý thức hệ về chính sách kinh tế từng bị cấm đoán. Ông tích cực đưa Cuba vào thương mại quốc tế, mở cửa hòn đảo cho đầu tư nước ngoài và thúc đẩy một khu vực tư nhân nội địa mới manh nha. Ông cũng nới lỏng những hạn chế về du lịch nước ngoài, cho phép lập các thị trường tư nhân về bất động sản và xe hơi, dần dần mở rộng quyền tiếp cận công nghệ di động và mạng xã hội. Khu vực tư nhân cất cánh. Đến năm 2017, kinh tế tư nhân cung cấp việc làm và thu nhập cho khoảng bốn phần mười số người Cuba trong độ tuổi lao động. Lượng du khách tăng hơn 80 phần trăm trong thời gian cầm quyền của ông Raul. Mặc dù du khách Mỹ đã ít thấy trên các đường phố của thủ đô Havana trong năm 2017, khi sự thúc đẩy của ông Obama nhường chỗ cho sự giới hạn của ông Trump, du lịch một lần nữa vẫn là mặt sáng nhất của nền kinh tế Cuba.

Thế nhưng, kinh tế Cuba nhìn chung hoạt động yếu kém. Trong suốt thập niên cầm quyền của ông Raul Castro, GDP của Cuba tăng bình quân 2,4 phần trăm mỗi năm – ít nhất là theo thống kê của chính phủ. Có những lúc, tăng trưởng GDP đình trệ ở mức dưới 2 phần trăm mỗi năm. Năm phần trăm là mức tăng tối thiểu cần thiết để kinh tế của Cuba được coi là phát triển bền vững.

Chính phủ đã không tạo ra được một môi trường kinh doanh thật sự dễ dàng, và ngoài lĩnh vực du lịch tăng trưởng mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn hoài nghi. Sự lao dốc mạnh của xuất khẩu hàng hóa của Cuba là điềm đặc biệt xấu, báo hiệu các doanh nghiệp nhà nước của đất nước này không có sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Năm 2016, xuất khẩu hàng hóa giảm chỉ còn chưa đầy 3 tỉ đô la, mức thấp nhất trong hơn mười năm qua. Để ứng phó, chính phủ giảm mạnh nhập khẩu, từ mức đỉnh gần 15 tỉ đô la năm 2013 xuống còn 10,4 tỉ đô la năm 2016. Sự suy giảm nhập khẩu đã khiến các cửa hiệu ở Cuba vắng hẳn các mặt hàng tiêu dùng căn bản nhất, từ bia và sản phẩm giấy đến phụ tùng thay thế cho đồ dùng gia đình. Đồng thời, những hạn chế việc đưa tư liệu sản xuất vào trong nước tiếp tục làm trầm trọng thêm sự thiếu thốn đã trầm trọng sẵn về máy móc cho các nhà xưởng và công cụ cho sản xuất nông nghiệp.

Không thể sớm thực hiện sự thay đổi. Chính phủ của ông Diaz-Canel, bận rộn với việc quản lý những chính sách khắc khổ, vẫn chưa đề ra được một chương trình hoạch định chính sách kinh tế mới, nói gì tới một tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển dài hạn. Hồi tháng Bảy, chính phủ ban hành những quy định mới cứng rắn hơn cho khối doanh nghiệp tư nhân đang nổi lên của đảo quốc. Với mục tiêu ngăn ngừa các công ty tư nhân và công dân tích lũy của cải – và bóp chết từ trong trứng nước mọi thách thức tiềm tàng đối với sự độc quyền của nhà nước về quyền lực kinh tế và chính trị - những quy định mới này cho thấy rằng các nhà lãnh đạo Cuba vẫn hết sức lo ngại, nếu không nói là thù địch thẳng thừng, với doanh nghiệp tư nhân.

BÌNH MỚI RƯỢU CŨ

Chính trị Cuba cũng phản kháng tương tự với sự thay đổi. Ông Raul Castro vẫn đang hiện diện – với tư cách là người đứng đầu đảng Cộng sản Cuba cho đến năm 2021 và là người lãnh đạo những nỗ lực hiện hành để chỉnh sửa hiến pháp. Có vẻ như mỗi bước đi của tiến trình kế vị tương đối suôn sẻ đều đã được thiết kế để báo hiệu một sự tiếp nối với tốc độ thay đổi có tính toán, đánh dấu nhiệm kỳ cầm quyền của Raul Castro, gói gọn trong câu châm ngôn của ông “sin prisa, pero sin pausa” – không vội vàng, nhưng không dừng lại. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi ông Diaz-Canel nói với quốc hội trong dịp nhậm chức chủ tịch rằng “đồng chí Raul dẫn dắt các quyết định cho hiện tại và tương lai của đất nước”.

Ông Diaz-Canel có tính khí nhẹ nhàng hơn và ít e ngại máy quay phim hơn người tiền nhiệm của ông, nhưng liên quan tới việc hoạch định chính sách, cho đến nay ông vẫn chưa tạo được sự thay đổi nào. Ông vẫn giữ lại một đội ngũ các quan chức cao cấp mà phần lớn ông kế thừa từ người tiền nhiệm, và những phát biểu của ông trước công chúng ít nói về chương trình canh tân đất nước hơn là về duy trì sự thống nhất của đảng. Cứ cho rằng, đây có thể là một thái độ tạm thời nhằm trấn an các quan chức lãnh đạo già nua của đảng trong thời gian ông xây dựng một tầng lớp kỹ trị độc lập hơn đảm nhiệm việc quản trị đất nước. Nếu diễn giải theo cách đó thì nhà chính trị 58 tuổi này đang thận trọng vun đắp một cơ sở quyền lực của chính ông để tiến tới trong phần sau của nhiệm kỳ chủ tịch 5 năm, đặc biệt là sau khi ông Raul rút ra khỏi vị trí lãnh đạo đảng vào năm 2021.

Về phương diện thể chế, những sự thay đổi gần đây là một mớ lộn xộn. Quốc hội được bầu chọn hồi tháng Ba bao gồm những khuôn mặt mới và cũ. Hơn một nửa số đại biểu là người mới, 53 phần trăm là phụ nữ và 41 phần trăm là người da màu hoặc đa sắc tộc. Tương tự như vậy, hội đồng nhà nước, do ông Diaz-Canel đứng đầu và thực tế quản trị đất nước quanh năm, đã có thêm ba phó chủ tịch trong độ tuổi từ 48 đến 52 – một lớp lãnh đạo trẻ cho một đất nước từ lâu được cai trị bởi các nhà cách mạng cựu trào ở độ tuổi bảy mươi hoặc cao hơn. Những luật lệ mới quy định rằng đại biểu quốc hội không được phục vụ quá hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm và chỉ được ứng cử vào quốc hội khi tuổi đời chưa quá 60. Kết hợp lại, những sự thay đổi này cho thấy các nhà lãnh đạo đảng đã hiểu tầm quan trọng của việc làm cho các cán bộ trẻ tiếp cận được lợi ích của cơ quan công quyền và đa dạng hóa các tầng lớp tinh hoa cai trị đất nước.

Trong khi đó, công cuộc cải cách hiến pháp được đề nghị đã hứa hẹn một sự cởi mở về chính trị dù khiêm tốn nhưng tiềm tàng nhiều ý nghĩa. Dự thảo hiến pháp mới phân chia quyền lực giữa một chủ tịch đóng vai trò nguyên thủ quốc gia và một thủ tướng điều hành các công việc hàng ngày của chính phủ. Nó chuyển giao thêm nhiều quyền tự chủ các công việc địa phương cho chính quyền các tỉnh thành, mặc dù các thống đốc và tỉnh trưởng vẫn còn phải do chủ tịch bổ nhiệm. Những điều khoản khác đề xuất một sự phân chia lớn hơn giữa nhà nước và đảng, mặc dù sự trùng lắp về nhân sự có lẽ vẫn duy trì ở mức cao. Một hội đồng bầu cử quốc gia mới sẽ giúp cải thiện hình ảnh của các cuộc bầu cử, nếu không cải thiện được tính liêm chính thật sự của các cuộc bầu cử ấy. Công dân nào thu thập được ít nhất 10.000 chữ ký sẽ có thể đề xuất luật; những ai thu thập được từ 50.000 chữ ký trở lên sẽ có khả năng khởi động công cuộc cải cách hiến pháp.

Dự thảo hiến pháp cũng đã trao nhiều quyền dân sự quan trọng và nguyên tắc xét xử công bằng, bao gồm cả quyền tạm giam tạm giữ, nguyên tắc suy đoán vô tội, quyền đòi bồi thường những sự vi phạm mà nhân viên nhà nước gây ra, nguyên tắc không phân biệt đối xử bất kể xu hướng giới tính và tự do tôn giáo. Nhưng dự thảo hiến pháp cũng quy định những quyền căn bản đó là quyền có điều kiện, phụ thuộc vào “an ninh tập thể, sự thịnh vượng chung, tôn trọng trật tự công cộng, hiến pháp và luật pháp”. Văn bản dự thảo đầy dẫy những khe hở mâu thuẫn nhau như vậy để cuối cùng khẳng định quyền lực tối cao của nhà nước đứng bên trên quyền con người căn bản của công dân.

Đừng lầm lẫn, ngay cả nếu các nhà cải cách muốn mở rộng một số khe hở trong guồng máy độc quyền thống nhất của nhà nước thì Cuba vẫn tiếp tục là một hệ thống độc đảng cứng nhắc. Dự thảo hiến pháp tái ghi khắc đảng Cộng sản Cuba là “lực lượng lãnh đạo đứng trên xã hội và nhà nước [Cuba]”. Chủ nghĩa xã hội Cuba và các hệ thống chính trị, xã hội của nó vẫn là “không thể hủy bỏ”.

Về nền kinh tế, dự thảo hiến pháp bổ sung kinh tế kế hoạch hóa nhà nước và sở hữu nhà nước với một số không gian cho tư bản nội địa và tư bản tư nhân nước ngoài nhưng những sự thay đổi này không đề cập tới việc chấp nhận chính thức một chế độ lai (hybrid) và thực sự cân bằng hơn, chẳng hạn như mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Việt Nam.

Hiện nay đảng Cộng sản đang tổ chức nhiều diễn đàn tranh luận về dự thảo hiến pháp trên khắp đảo quốc. Những diễn đàn này mở ra nhiều cuộc thảo luận trong giới tinh hoa có quan tâm, nhưng người ta cho rằng chúng chỉ có thể đem lại một vài sự điều chỉnh khiêm tốn cho những vấn đề được tóm tắt ở trên. Một khi được cơ quan lập pháp phê chuẩn và được cuộc trưng cầu dân ý thông qua – những rào cản dễ vượt qua – thì bản hiến pháp mới sẽ củng cố di sản của dòng họ Castro bằng những điều khoản hiến pháp, luật pháp và thực tế, trong khi nó cũng dành một sự chính danh chính trị nào đó cho nhóm lãnh đạo thời hậu cách mạng mà giờ đây ông Diaz-Canel đang dẫn dắt. Với nhiều người Cuba đang khao khát có mức lương bổng cao hơn, nhiều hàng hóa tiêu dùng hơn thì có rất ít sự khuây khỏa trong tầm mắt.

NHỮNG CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ

Tình trạng trì trệ về kinh tế và chính trị của Havana đã làm cho Washington còn rất ít dư địa để kích hoạt những cuộc cải cách tiến bộ hơn. Hoa Kỳ hoặc có thể chấp nhận thực tế của Cuba và tìm những con đường chung sống hòa thuận để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, hoặc có thể duy trì và thậm chí gia tăng nỗ lực theo đuổi một cuộc thay đổi chế độ thông qua các biện pháp trừng phạt. Chính sách trừng phạt này, được thực hiện suốt sáu thập niên qua, đã được chứng minh là thất bại, nhưng điều không may là nó đã được cố định trong luật pháp của Mỹ, do Quốc hội Mỹ đã pháp chế hóa lệnh cấm vận kinh tế chống Cuba năm 1996. Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã rút lại nhiều biện pháp cởi mở mà Tổng thống Obama ban hành, có những khối cử tri quan trọng ủng hộ việc cấm vận Cuba, tập trung ở bang Florida và ông không thể sớm thay đổi đường lối vào một lúc nào đó. Trong thực tế, những người có quan điểm cứng rắn ở Miami, Florida đã giành lại được ảnh hưởng từ các khối cử tri đa dạng phản đối cấm vận Cuba dưới thời Obama. Đây có lẽ cũng là điều tốt cho những người theo quan điểm cứng rắn ở chính Cuba, bởi vì nó cho họ khoảng không gian rộng rãi để tìm các mối quan hệ tốt hơn với châu Âu, Nga và Trung Quốc mà không màng tới Washington.

Hoa Kỳ và Cuba vẫn hợp tác với nhau ở một số lĩnh vực, nhưng những cuộc trao đổi như vậy đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Du lịch của du khách Mỹ tới đảo quốc này, đặc biệt là du lịch tàu biển, đang có dấu hiệu hồi phục sau một đợt suy giảm mạnh trong năm 2017 và đầu năm 2018. Hợp tác song phương trong lĩnh vực thực thi pháp luật, di cư và môi trường sinh thái vẫn lặng lẽ tiếp diễn nhưng sự thiếu hụt nhân sự ở cả đại sứ quán Mỹ và đại sứ quán Cuba, một phần do một làn sóng lo ngại về một căn bệnh bí hiểm mà các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Cuba báo cáo hồi năm ngoái, đã cản trở những hoạt động căn bản về ngoại giao và lãnh sự. Hoạt động của quốc hội Hoa Kỳ với Cuba cũng đã dừng lại, ngoại trừ những nỗ lực giải tỏa những hạn chế về tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp. Tính chung lại, cả chính sách ngoại giao nhợt nhạt và chính sách cấm vận để trừng phạt của Hoa Kỳ đều không thể thúc đẩy Havana tiến tới thực thi những cuộc cải cách nhiều tham vọng hơn.

Đối nội, chính phủ của ông Diaz-Canel có khả năng sẽ tách đất nước theo những đường ranh thế hệ. Với nhiều người Cuba lớn tuổi, sự gắn bó của chính phủ mới với những nguyên tắc đã dẫn dắt thời đại Castro làm họ yên tâm. Nhiều người Cuba tuổi trung niên sẽ chào đón những lời bảo đảm mới về an ninh kinh tế và phúc lợi do nhà nước tài trợ. Có thể một số người đã nhìn thấy những tia sáng lờ mờ về một chính thể bình thường hơn, rộng mở, dễ tiếp cận hơn, và họ sẽ hăng hái đi theo sự ủng hộ của ông Diaz-Canel với công cuộc mở cửa dần dần, được giám sát cẩn thận cho đầu tư nước ngoài, mạng Internet và doanh nghiệp tư nhân được kiểm soát. Mặt khác, giới trẻ đang lo âu của Cuba có khả năng chỉ nhìn thấy nhiều cơ hội bị lỏ lỡ hơn, dù là trong cuộc cải cách hiến pháp dành ưu tiên cho sự tiếp tục hơn là sự thay đổi, hay là ở vị chủ tịch mà cho đến nay đã tỏ ra là một người cổ vũ cho hiện trạng hơn là người mang lại cuộc cải cách. Điều bi thảm là người Cuba thuộc mọi tầng lớp, kể cả rất nhiều người tốt nhất, sáng láng nhất, vẫn sẽ tiếp tục đi tìm cơ hội ở những nơi khác.

(*) Richard E. Feinberg là giáo sư kinh tế chính trị học quốc tế, trường Chính sách và Chiến lược toàn cầu thuộc Đại học California, San Diego. Ông cũng là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại viện Brookings. Ông Feinberg cũng từng phục vụ trong cương vị giám đốc cao cấp Văn phòng các vấn đề Liên châu Mỹ thuộc Hội đồng An ninh quốc gia, ở Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính.

Ted Piccone là chủ tịch và nghiên cứu viên cao cấp bộ phận Sáng kiến châu Mỹ Latin và Dự án về Trật tự và Chiến lược quốc tế của viện Brookings. Ông đã phục vụ 8 năm với tư cách cố vấn chính sách đối ngoại cho Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ.


Richard E. Feinberg and Ted Piccone Cuba’s Stalled Revolution
Foreign Acffairs, 20-9-2018
Người dịch: Huỳnh Hoa


Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/articles/central-america-caribbean/2018-09-20/cubas-stalled-revolution?cid=int-lea&pgtype=hpg


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vị đại sứ 99 tuổi và 3 lần làm cứng họng Bộ Ngoại giao Trung Quốc


Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh - nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc


Tuấn Nam 
Trí Thức Trẻ 
26/02/2014 07:30

(Soha.vn) - Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh nói: "Cảng TP. Hồ Chí Minh và cảng Hải Phòng đâu phải là cái ao nhà của Trung Quốc mà họ tự ý quyết định đưa tàu vào được”.

LTS: Là một vị tướng quân đội nhưng ông đã có “cú tạt ngang” sang ngành ngoại giao cực kỳ ấn tượng khi đã có 13 năm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Trung Quốc trong những khoảng thời gian đặc biệt căng thẳng giữa hai nước (giai đoạn 1974 – 1987). Đã có lần, khi gặp người tiền nhiệm của mình là ông Ngô Thuyền, ông đã nói rằng: “Anh thì sang Trung Quốc uống rượu, tôi thì sang cãi nhau!”. Quả thật với những gì đã thể hiện tại Trung Quốc trong thời kỳ mối quan hệ giữa hai nước có những trục trặc thì lời nói đùa đó quả không ngoa. Chính phần thắng của những lần cãi nhau đó luôn thuộc về phía Đại sứ Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc giữ trọn Quốc thể của Việt Nam tại Trung Quốc. Ông chính là Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng đoàn ngoại giao tại Trung Quốc - nhân vật chính trong câu đối: Làm cố vấn miền Tây, nhớ lời Bác, không làm “lão Toàn quyền”, luôn nhớ chữ “chủ quyền của Bạn”/ Đi đại sứ nước Tàu, theo ý Đảng, chẳng ngại “người Đại quốc”, giữ trọn điều “Quốc thể về ta”.

Chúng tôi tìm đến nhà Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (SN 1916) vào một ngày giữa tháng 2 rét buốt. Năm nay đã 99 tuổi nhưng ông vẫn giữ được sức khỏe và sự minh mẫn. Khi biết về ý định của chúng tôi muốn khai thác những câu chuyện về cách ứng xử của Đại sứ Việt Nam trước cách ứng xử của phía Trung Quốc trong thời kỳ quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc không còn được nồng ấm như dưới thời Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1974 – 1987), ông cười và nói ông rất sẵn lòng.

“Số là, đầu năm 1974, tôi kết thúc nhiệm kỳ làm trưởng đoàn cố vấn giúp nước bạn Lào, tôi trở về nước. Trong khi thấy tôi chưa nhận nhiệm vụ nào mới, trong khi đồng chí Ngô Thuyền vốn là Đại sứ của Việt Nam bên Trung Quốc đau ốm xin về nên Trung ương Đảng quyết định cử tôi sang làm Đại sứ bên Trung Quốc”, ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một sự giải thích như thế.

Trong quan hệ ngoại giao giữa các nước, việc cử một ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng sang làm Đại sứ ở một nước khác là một điều khá đặc biệt. Vị “lão” Đại sứ giải thích về sự đặc biệt đó: Hồi đó, Việt Nam coi trọng Liên Xô là anh cả và Trung Quốc là anh hai nên Trung ương Đảng cử một Ủy viên Trung ương Đảng sang Liên Xô và cử một ủy viên dự khuyết (cấp thấp hơn) sang “anh hai”.

Ông có biết tiếng Trung khi bắt đầu sang làm Đại sứ bên Trung Quốc không ,thưa Thiếu tướng?”. “Không, tôi không biết”. “Vậy, hẳn là ông sẽ có cảm thấy bối rối, lo lắng khi nhận nhiệm vụ như thế?”. “Không, tôi chẳng có gì phải bối rối cả. Sang bên đó, thời gian đầu có nhờ phiên dịch. Sau đó, tôi tự học và bây giờ cũng chỉ nói được chứ chưa thành thạo lắm”. Trước khi kể lại quãng thời gian là Đại sứ bên Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh sang làm Đại sứ bên Trung Quốc được một thời gian, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Trung Quốc có những dấu hiệu “lạnh đi”. Và những người ở Đại sứ quán Việt Nam cũng có thể cảm nhận được những thay đổi đó qua cách đối xử của nước bạn đối với mình. Và chính trong hoàn cảnh đó, qua câu chuyện với vị “lão” Đại sứ ở tuổi 99, chúng tôi có thể cảm nhận được niềm vui của ông sau các cuộc đấu lý với phía nước bạn.

Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh nhớ lại: “Khi tôi cho trưng bày hình ảnh Pol – Pot đánh phá biên giới Tây Nam nước ta ở bảng thông tin của Sứ quán (đặt ngoài hàng rào) thì phía Trung Quốc đã mời tôi lên Bộ Ngoại giao Trung Quốc để gặp Thứ trưởng Hàn Niệm Long. Tại đây, ông ta lên tiếng phản đối, đòi ta phải dỡ bỏ những hình ảnh và những lời tố cáo đó.

Khi đó, tôi đã đáp lại rằng: “Những việc mà tôi trưng bày ra, đó đều là sự thật. Chẳng lẽ Trung Quốc lại sợ sự thật? Hơn nữa, cái bảng thông tin mà chúng tôi treo ảnh trên hàng rào Sứ quán đó là nằm trong phạm vi chủ quyền của nước tôi, tôi không dỡ bỏ”. Ông ta nói: “Trung Quốc không cho phép nước nào nói xấu nước thứ 3 trong lãnh thổ nước Công hòa nhân dân Trung Hoa”.

Nghe thấy vậy, tôi liền đáp lại: “Đồng chí nói sai rồi, cách đây 3 hôm, tôi thấy đồng chí còn giúp cho Đại sứ của Pol – Pot họp báo nói xấu Việt Nam chúng tôi và cuộc họp báo đó có nhiều cán bộ Trung Quốc làm phiên dịch cho họ”.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho hay: “Nói xong tôi ra về mà phía Trung Quốc không nói thêm được một lời nào”.

Một trong những vấn đề được Trung Quốc đưa ra để làm cái cớ khiêu khích ta là vấn đề về Hoa kiều. Họ luôn cho rằng chúng ta “bức hại Hoa Kiều” nhưng sự thực thì không có chuyện đó.

Ông Vĩnh nhớ lại: “Trong năm 1976, Trung Quốc mời tôi lên rồi tranh cãi về vấn đề Hoa kiều và người Hoa. Hai bên đều nhất quyết bảo vệ ý kiến của mình, không bên nào chịu bên nào. Sau khi đấu khẩu như vậy, Trọng Hi Đông – thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (nguyên là tướng trong quân đội) nói: “Sống hòa bình với nhau thì tốt hơn, chiến tranh thì phức tạp đấy” với hàm ý đe dọa. Nhưng tôi cũng nói lại rằng: “Tôi cũng đã là tướng, tôi cũng biết thế nào là chiến tranh. Và chúng tôi đã thắng Pháp và thắng Mỹ”. Vậy là ông ta im lặng, không nói được gì nữa”.

Có lẽ, bởi ông xuất thân là một vị tướng nên những đối đáp của ông vừa có sự mềm mỏng của một nhà ngoại giao nhưng cũng rất quyết liệt của một vị tướng. Điều đó cũng được thể hiện trong cách ứng xử của ông khi ở vào một tình thế khác.

“Một lần khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại mời tôi lên gặp một Thứ trưởng Ngoại giao. Ông ta nhờ tôi gửi công hàm về cho Chính phủ ta, đồng thời thông báo: “Do Chính phủ Việt Nam bức hại Hoa kiều nên Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã quyết định đưa hai tàu Trường Lực và Minh Hoa vào cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn để đón nạn kiều của chúng tôi”. Tôi nói: “Tôi sẽ chuyển công hàm về cho Chính phủ. Nhưng trước hết tôi nói ở Việt Nam không có nạn kiều. Và Chính phủ chúng tôi còn xem xét, tàu Trường Lực và Minh Hoa có được phép vào Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh hay không đã, vì hai cảng đó thuộc chủ quyền của Việt Nam, không ai được tự tiện vào”.

Khi tôi từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra về, các phóng viên báo chí quốc tế xúm lại hỏi tôi, tôi nói lại sự việc vừa rồi và nói thêm: “Cảng TP. Hồ Chí Minh và cảng Hải Phòng đâu phải là cái ao nhà của Trung Quốc mà họ tự ý quyết định đưa tàu vào được”. Sau đó các phóng viên đã đưa tin ra thế giới và tỏ ý thú vị với cách ông Đại sứ nói “cảng Việt Nam không phải là cái ao nhà của Trung Quốc””, ông Vĩnh kể .

(còn nữa)
Nguồn: Soha. 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lùm xùm quanh Giải Nobel Văn học 2018 (*): Lời khai của nạn nhân


Từ ngày phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục "MeToo" lan rộng khắp thế giới, một số nạn nhân của Jean-Claude Arnault đã mạnh dạn tố cáo và khiếu kiện ông ta
Phóng viên Mathilda Gustavsson của tờ Dagans Nyheter (DN) cho biết phong trào "MeToo" đã khiến cô mạnh dạn điều tra ông Jean-Claude Arnault. Quan trọng hơn, cô được Trưởng Ban Văn hóa DN khuyến khích và "chống lưng". Rào cản lớn nhất đối với Gustavsson là thế lực quá lớn của "nhà văn hóa nổi tiếng" Arnault vào thời điểm cô thực hiện cuộc điều tra. Vả lại, công luận Thụy Điển xưa nay không quá khắt khe về chuyện quấy rối tình dục, trừ các vụ hiếp dâm.
Hiệu ứng "MeeToo"
Gustavsson đã bỏ ra nhiều tháng để tiếp cận các nạn nhân. Cô đã tìm ra hơn 20 người từng bị Arnault quấy rối và bạo hành tình dục, trong đó có cả một số viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển (SA).
Lùm xùm quanh Giải Nobel Văn học 2018 (*): Lời khai của nạn nhân - Ảnh 1.
Viện trưởng Sara Danius mất chức vì chống lại Arnault và phe ủng hộ ông ta ở SA Ảnh: EPA
Hiệu ứng domino của "MeToo"đã thúc đẩy tất cả nạn nhân đồng ý cho đăng những gì họ kể lại với nhà báo với điều kiện không bị nêu tên hay hình ảnh. Chỉ có 4 người can đảm cho đăng ảnh chân dung kèm theo bài báo.
Gustavsson kể lại: "Vạn sự khởi đầu nan nhưng đến người thứ 15, mọi việc trở nên dễ dàng". Nhiều người còn tìm đến cô để tâm sự. Cuối cùng, Gustavsson đã chọn 18 trường hợp để viết bài báo gây chấn động hồi tháng 11-2017.
Bài báo không nêu đích danh ông Arnault mà chỉ nói "một nhân vật nổi tiếng trong giới văn hóa". Các chi tiết rất ấn tượng, đọc xong nhiều người thấy tởm lợm. Sờ soạng thân thể, tấn công bằng vũ lực rồi thực hiện giao cấu khi đối phương tê liệt vì "quá sợ hãi" là "chiêu" mà Arnault thường dùng.
Nạn nhân phần lớn là phụ nữ trẻ, ít nhiều thần tượng Arnault - vốn nổi tiếng khắp nước và có vẻ ngoài đạo mạo của một người lớn tuổi. Lợi dụng sự non nớt, ngây thơ của nạn nhân, ông ta thường đạt mục đích mà không sợ bị lên án hay kiện cáo. Mấy chục năm trôi qua, ông ta vẫn bình an vô sự.
Trước đây là vậy nhưng giờ, nó trở thành vụ xì-căng-đan mà cả Thụy Điển đều biết. Hầu hết những người xưa nay tỏ ra khoan dung khi báo chí đề cập những vụ quấy rối tình dục đã xoay ngược 180 độ.
"Rồi, ông ta lại giở trò"!
Nữ văn sĩ Elize Karlsson là một trong những người tố cáo Arnault trên báo DN. Karlsson đã nhiều lần bị quấy rối nhưng đáng nhớ nhất là vào năm 2008, khi cô làm việc ở Trung tâm Văn hóa Forum do ông ta làm giám đốc.
"Thình lình, tôi cảm thấy một bàn tay sờ soạng cơ thể mình. Khi ấy, giám đốc Arnault đứng sau lưng tôi. Bị sốc, tôi quát lớn "đừng đụng vào người tôi". Nói xong, tôi tát vào mặt ông ta rồi bỏ chạy" - Karlsson nhớ lại.
Hậu quả là hôm sau, Arnault thông báo Karlsson "bị sa thải". Ông ta còn chì chiết cô là "nghệ sĩ đáng ghét".
Chuyện của Gabriella Hakansson, một nữ nhà văn trẻ nay đã thành danh, ly kỳ hơn. Năm nay 50 tuổi, sinh sống ở Malmo - thành phố lớn thứ ba của Thụy Điển, bà là một trong 4 người cho phép DN đăng ảnh chân dung.
Mùa thu 2007, khi Hakansson và bạn trai được mời tới dự một cuộc tọa đàm về văn học ở Stockholm, ông Arnault tìm đến bà để đàm đạo. "Chúng tôi mới nói được vài câu thì bàn tay ông ấy đã luồn vào người tôi. Sự việc diễn ra nhanh quá sức tưởng tượng. Tôi phản ứng bằng một cái tát trời giáng" - bà kể.
Đến giờ, Hakansson vẫn nhớ rõ thái độ của nhiều người xung quanh. Dù chứng kiến tận mắt nhưng họ chỉ cười và kháo nhau: "Rồi, ông ấy lại giở trò". Bạn trai của Hakansson đòi đấm Arnault do không biết ông ta là ai nhưng cô đã can ngăn vì "không muốn gặp rắc rối với nhân vật nổi tiếng".
Hakansson lý giải: "Hồi đó, với lớp trẻ chúng tôi và cả thế hệ đi trước, Arnault là một người được trọng vọng. Tôi là một phụ nữ hấp dẫn, từng có nhiều đàn ông theo đuổi tán tỉnh nhưng chưa bao giờ bị sàm sỡ thô tục như vậy".
Mười năm sau, Hakansson cùng 7 người đồng cảnh ngộ quyết định thưa Arnault ra tòa. Thế nhưng, có đến 7 lá đơn bị bác bỏ vì quá thời hiệu khiếu kiện hoặc chứng cứ thiếu rõ ràng. Lá đơn còn lại được chấp nhận đã khiến Arnault ra tòa hôm 19-9 vừa qua.
Im lặng đáng sợ
Không phải là viện sĩ SA nhưng ông Arnault được nhiều người có vai vế bênh vực. Đến nay, người ta vẫn nhớ bài báo "Hung thần trong giới tinh hoa văn hóa" của tuần báo Expressen đăng ngày 5-4-1997. Tác giả bài báo đã phanh phui cách đối xử thô bỉ với phụ nữ của Arnault tại Forum.
"Một nhân vật nổi tiếng trong giới văn hóa đã bị tố cáo quấy rối tình dục nhân viên ở Forum. Một nạn nhân bị ông ta cưỡng dâm đã viết thư tố cáo lên SA và các cơ quan văn hóa nhưng không có kết quả vì nhân vật này được bảo vệ hết mình" - bài báo viết.
Nạn nhân đó - không được nêu tên trong bài báo vì lý do an ninh - nay được xác định là Anna-Karin Bylund, một nghệ sĩ trẻ. Ông Sture Allen, Viện trưởng SA lúc bấy giờ, chỉ cho biết đã nhận được và đọc toàn bộ lá thư của Bylund mà không bình luận gì rồi "án binh bất động". Bà Frostenson, vợ ông Arnault, cũng im thin thít và từ chối tiếp phóng viên Expressen.
Bà Lena Andersson - nhà văn, nhà phê bình văn học và là nhà báo nổi tiếng ở Thụy Điển - nhìn nhận: "Không ai không biết thói dâm dật của Arnault. Song, trước khi có phong trào "MeToo", người ta tin rằng đó là thuộc tính của những người thượng lưu, của giới cha chú và gia trưởng. Chuyện họ tán tỉnh phụ nữ quá đà một chút cũng không hệ trọng gì. Ai cũng biết Arnault là một kẻ sát gái và hình như vợ ông ta cũng chấp nhận chuyện đó".
Mất chức vì chống "yêu râu xanh"
Ba ngày sau khi DN đăng bài báo gây chấn động giới văn hóa Thụy Điển, nhà bình luận và phê bình văn học Sara Danius, Viện trưởng SA (tên gọi chính thức là thư ký thường trực), triệu tập một phiên họp khẩn cấp. Sau 2 giờ 30 phút thảo luận, bà Danius thông báo với báo chí rằng SA đã biểu quyết đồng loạt đình chỉ hợp tác với Arnault và chấm dứt tài trợ cho Forum.
Theo bà Danius, một số thành viên SA cùng vợ và con gái họ đã cam chịu những "hành vi không phù hợp" của ông Arnault hoặc "bị sờ mó thô bỉ". Bà yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra nội bộ, đồng thời kêu gọi giới luật sư xem xét về mặt pháp lý các khoản trợ cấp cho Forum và hành vi nhơ nhớp của Arnault. Cũng vì quan điểm này, bà đã bị các viện sĩ SA thuộc phe Arnault gây áp lực buộc phải từ chức ngày 12-4.
Theo Nguyễn Cao / NLĐ
Phần nhận xét hiển thị trên trang

CỤ ĐỖ MƯỜI ĐÃ LÊN HÀNG BỒ TÁT


Nhà xuất bản Dân trí vừa ấn hành cuốn sách "Những câu chuyện về Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam" do Diệu Ân biên soạn.

Sách có bài "Cụ Đỗ Mười có đầy đủ những đức tính của một vị Bồ Tát thị hiện" của đồng chí Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì Chùa Hương, Hà Nội. 

Xin chúc mừng Cụ Đỗ Mười! Nghe đồn hồi hoạt động bí mật cụ làm nghề hoạn lợn để che mắt địch. Không biết trong đời hoạt động cách mạng của cụ thì đã có bao nhiêu chú lợn bị cụ hoạn, nhưng dù ít dù nhiều, như thế cũng là gây nghiệp. Vậy mà nay, về già, cụ được một chức sắc tôn giáo nhận định cụ là một vị Bồ Tát thị hiện thì thật là mừng cho cụ!

Theo những gì đồng chí Thích Minh Hiền cho biết thì "Cụ Mười ứng xử với Phật giáo không phải là động thái ngoại giao, cụ có lòng kính tín Tam Bảo, cụ có đầy đủ đức tính của một vị Bồ Tát thị hiện". 

Kính chúc cụ trường thọ để cứu vớt chúng sinh, sắp đặt nhân gian và giúp những kẻ sơ cơ, muốn biết điều gì thì cụ nói cho rõ ra, xóa hết u minh, đưa mọi người về nơi bến giác!

Thiện tai! Thiện tai!
A Di Đà Phật!






2.11.2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang