Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Cuộc đấu trí tại Đại hội đồng LHQ


Lịch sử ngoại giao nước ta từ xa xưa đến nay không thiếu các cuộc đấu trí với ngoại giao các quốc gia đối địch. Thời phong kiến có chuyện một nhà ngoại giao ta đi sứ. Triều đình đối phương cử một nhà ngoại giao của mình ra đón. Hai nhà ngoại giao đi qua một khúc sông bằng thuyền về kinh đô. Để thử tài người của ta, nhà ngoại giao quốc gia đối thủ đánh rắm và tuyên bố: “Sấm dậy nước Nam”. Nhanh trí, nhà ngoại giao VN đứng lên, đái xuống lòng thuyền và tuyên bố; “Mưa qua ải Bắc”. Đến giờ lịch sử ngành ngoại giao còn ca tụng người nước nam ta giỏi ngay từ ngày đó.

Hôm 26/9/2018 lại xảy ra một cuộc đấu trí giữa ngành ngoại giao nước ta chấp cả Đại hội đồng LHQ. Chuyện rằng các cuộc họp tại Đại hội đồng LHQ không có giờ giải lao ( tất nhiên giải lao bao gồm cả đi vào toilet) do vậy đại biểu các quốc gia toàn cầu tự chọn thời gian đi vào toilet theo đồng hồ sinh học cá nhân. Thật là có chủ đích khi hầu hết các đại diện quốc gia toàn cầu đều chờ đến thời gian dành cho thủ tướng Nguyễn Phúc của VN phát biểu mới nhẹ nhàng, tế nhị đứng dậy đi vào toilet. Cái cảnh hội trường vắng ngắt khi TT VN phát biểu không lọt qua được mắt một nhà ngoại giao Việt Nam, thông minh, ứng đối nhanh nhẹn tháp tùng Tt Phúc. Để đối lại, nhà ngoại giao VN này chờ đến thời điểm tất cả các đại diện quốc gia toàn cầu coi là quan trọng nhất thì lăn ra ngủ…
.
Các bạn đừng suy nghĩ nông cạn mà cho rằng nhà ngoại giao của VN không có văn hóa… Chính cách đối đáp vừa tế nhị, vừa kín đáo vừa cương quyết lại ở cửa trên của nhà ngoại giao trẻ mới diễn tả hết văn hóa truyền thống của ngoại giao Việt Nam. “Thủ tướng nước tôi phát biểu thì các ông đi đái. Thủ tướng các ông phát biểu thì tôi đi ngủ!
.
Nguồn FB. Nghia Xuan Nguyen


Phần nhận xét hiển thị trên trang

GSTSCA Yêm nhớ về GSTSCA Quang: Người trí thức CA


Hình như các vị lãnh đạo cao nhất của ngành công an đều là GSTS. Tác giả bài viết dưới đây là GSTS, ông Quang cũng vậy, ông Bộ trưởng kế nhiệm, thượng tướng Tô Lâm, cũng là GS.TS. Nhưng nghĩ cũng phải vì Bộ chính trị cũng gồm rất nhiều GS.TS. Ông Quang còn đặc biệt hơn, nghìn năm trước đây đất Việt chưa từng có người được như ông, và chắc nghìn năm tới cũng vậy. Tất cả các ông như ông Hồ, ông Giáp, ông Duẩn xưa kia hay ông Trọng hiện nay, dù vinh quang tột đỉnh, dù quyền lực tuyệt đối, dù được dân thờ cúng tin yêu... đều thua xa ông Quang, không toàn diện như ông Quang. Ông Quang về văn là Chủ tịch nước, về võ là Đại tướng, về học hành là Tiến sĩ, về đào tạo là Giáo sư... Quả thật thế giới nghìn năm qua cũng không có người tài giỏi siêu phàm như ông. Nhưng ngành công an thế nào, ông thế nào ? Xem bình luận của tôi ở bài vừa đăng:Tấm ảnh ngủ gật và cách chợp mắt ở LHQ. Ở VN có quyền là có tất cả. "Trí thứccông an" là loại trí thức gì ? Là trí thức "còn đảng còn mình"...
Nhớ về anh Trần Đại Quang, người trí thức Công an nhân dân tiêu biểu
TRUNG TƯỚNG, GS, TS NGUYỄN XUÂN YÊM 27/09/2018 - 
Nhớ về anh, tôi có một vài dòng tâm sự và coi đây như một nén tâm nhang thắp tưởng nhớ anh - Đại tướng, GS, TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng CS Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, người chỉ huy, lãnh đạo cao cấp của lực lượng Công an nhân dân, một nhà giáo, nhà khoa học.

Bộ trưởng Trần Đại Quang kiểm tra đúc tượng 
nhà giáo Chu Văn An tại Văn Miếu Học viện CSND.
Với đội ngũ trí thức Công an nhân dân (CAND) và cá nhân tôi, Đại tướng, GS, TS Trần Đại Quang là người đặc biệt. Trước hết GS, TS Trần Đại Quang là một nhà lý luận sắc bén, có trình độ chuyên môn cao và rất tâm huyết với việc phát triển hệ thống Lý luận Khoa học Công an Việt Nam và xây dựng đội ngũ trí thức CAND. Khi là Bộ trưởng Công an, anh đã đề xuất và thành lập Hội đồng Lý luận Bộ Công an và qua hơn bảy năm hoạt động, cơ chế hội đồng lý luận này đã góp phần quan trọng trong việc phát triển Khoa học Công an Việt Nam. Đây là hội đồng lý luận cấp Bộ duy nhất ở nước ta hiện nay. Khi anh làm Chủ tịch nước, Bộ trưởng, GS, TS Tô Lâm đảm nhiệm thay anh làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Bộ Công an. Hội đồng đã và đang vận hành tốt, cho ra “lò” nhiều sản phẩm Khoa học Công an có chất lượng.

Anh là người trực tiếp chỉ đạo biên soạn và xuất bản những công trình khoa học lớn như bộ sách Khoa học Hình sự Việt Nam gồm năm tập năm 2012, bộ sách Khoa học Trinh sát Việt Nam gồm ba tập năm 2013, bộ sách Tội phạm học Việt Nam gồm ba tập năm 2013. Và năm 2015 nhân kỷ niệm 70 năm CAND Việt Nam, anh đã cùng tôi làm Tổng chủ biên bộ sách lớn Khoa học Công an Việt Nam gồm tám tập bao quát toàn bộ hệ thống tri thức bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam: Tập 1: Lý luận và Phương pháp luận Khoa học Công an; Tập 2: Quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; Tập 3: Khoa học lãnh đạo, chỉ huy Công an nhân dân; Tập 4: Lý luận bảo vệ An ninh quốc gia; Tập 5: Lý luận bảo đảm Trật tự an toàn xã hội; Tập 6: Lý luận về Tình báo; Tập 7: Lý luận về Xây dựng lực lượng Công an nhân dân; Tập 8: Lý luận Hậu cần - Kỹ thuật Công an nhân dân.

Anh rất quan tâm tới hoạt động của các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học trong ngành như Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Viện Khoa học Hình sự, Viện Kỹ thuật Công an và nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học khác.

Từ năm 2007, khi làm Bộ trưởng Công an, anh đã cho phép Học viện CSND thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm và đây là trung tâm nghiên cứu đầu tiên về Tội phạm học ở Việt Nam. Năm 2013, anh lại cho phép Học viện thành lập Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông và cuối năm 2015 đã cho phép thành lập Viện Khoa học Cảnh sát trực thuộc Học viện CSND. Đồng thời anh cũng cho phép thành lập Viện Khoa học An ninh trực thuộc Học viện An ninh nhân dân.

Dưới sự chỉ đạo của anh và lãnh đạo Bộ Công an, đội ngũ trí thức CAND Việt Nam ngày càng phát triển và trưởng thành, trong đó anh cũng là một nhà khoa học, nhà giáo rất tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giáo dục - đào tạo CAND. Cho đến nay, lực lượng CAND đã có hơn 50 Giáo sư, gần 200 Phó Giáo sư và hơn 1.000 Tiến sĩ và đây là đội ngũ nòng cốt để phát triển giáo dục - đào tạo CAND và phát triển Khoa học Công an Việt Nam.

Cá nhân anh đã tham gia làm Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Khoa học An ninh nhiệm kỳ 2009-2014 và được mời làm Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Luật nhiệm kỳ 2009-2014.

Với Học viện Cảnh sát nhân dân, nơi tôi có bốn năm làm Phó Giám đốc và hơn chín năm làm Giám đốc, dấu ấn của Thứ trưởng Trần Đại Quang rồi Bộ trưởng Trần Đại Quang rất đặc biệt. Anh thường xuyên vào thăm và kiểm tra nhà trường, dự các lễ khai giảng năm học mới, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam và tham dự các lễ trao bằng Tiến sĩ, trao chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư cho các cán bộ, học viên nhà trường.

Năm 2012, cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, anh đã vào dự trao danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới cho Học viện. Năm 2015 với tư cách là Bộ trưởng Công an, anh đã ký quyết định công nhận Học viện CSND trở thành Trường trọng điểm của ngành Công an. Và mới đây tháng 5 năm 2018, anh với tư cách là Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ 2 cho nhà trường.

Đến thăm Học viện CSND Việt Nam hôm nay sẽ thấy trong khuôn viên gần 20 ha của nhà trường có rất nhiều công trình giáo dục văn hóa - truyền thống như cụm Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cố Bộ trưởng Nội vụ, Bộ Công an các thời kỳ; Văn Miếu Học viện CSND với Tượng nhà giáo Chu Văn An; Bảo tàng Dân tộc học có nhà sàn của đồng bào Tày và nhà rông của đồng bào Ba Na; Khu chủ quyền đất nước; Thư viện Lê Quân 12 tầng hiện đại; Tượng đài các thế hệ anh hùng; Ao cá Bác Hồ... Đây là những công trình văn hóa còn rất ít có ở các học viện, trường đại học ở nước ta. Phần lớn các công trình văn hóa này đã được xây dựng với sự ủng hộ cả về vật chất và tinh thần của anh.

Một trong các công trình văn hóa tiêu biểu này là Văn Miếu Học viện CSND, nơi thường tổ chức trao bằng, vinh danh các Tiến sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư của nhà trường.

Được xây dựng vào năm 2012, Khu Văn Miếu Học viện CSND mô phỏng mô hình Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Đây là Văn Miếu đầu tiên và cho đến nay là duy nhất được xây dựng trong khuôn viên của một trường đại học, học viện ở Việt Nam, là công trình văn hóa tiêu biểu tại Học viện CSND nhằm góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ cha ông cho các sĩ quan Cảnh sát tương lai của nước nhà trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đồng thời thúc đẩy toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên không ngừng phấn đấu thi đua học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của nhà trường.

Hậu cung Văn Miếu là nơi đặt tượng danh sư Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An (1292 -1370), người được tôn là “Vạn thế sư biểu”, người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam. Đây là bức tượng đẹp đúc bằng đồng nguyên chất nặng 1,5 tấn do kiến trúc sư Trần Hiếu Lễ thiết kế và đúc tại Công ty đúc Thắng Lợi (huyện Ý Yên, Nam Định). Bức tượng Nhà giáo Chu Văn An do Đại tướng, GS, TS Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an tặng nhà trường.

Công lao của anh với đất nước, với lực lượng Công an nói chung, với Học viện CSND nói riêng là rất lớn. Dù anh đã mất nhưng chúng tôi vẫn luôn coi anh là một người lãnh đạo, chỉ huy tâm huyết, luôn quan tâm tới sự phát triển và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân và đội ngũ trí thức Công an nhân dân. Anh là một trí thức Công an nhân dân tiêu biểu.

Hà Nội, ngày 21-9-2018

http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-chinhtri/baothoinay-chinhtri-diemnhan/item/37749702-nho-ve-anh-tran-dai-quang-nguoi-tri-thuc-cong-an-nhan-dan-tieu-bieu.html
Được đăng bởi 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tư liệu quý về việc xóa sổ Đảng XH Việt Nam năm 1988


Tác giả: theo Blog Tễu

.KD: Khi đọc bài này, chợt nhớ năm 1988- khi đó rậm rịch Công cuộc Đổi mới, nghe tin Đảng XH giải tán, mình nói với người bạn thân nhất của mình: “Đúng là dở hơi. Vào đúng thời điểm này, mới cần sự có mặt của các vị, để có sự cạnh tranh lành mạnh thì các vị lại tự giải tán”. Bạn mình tủm tỉm cười, không nói gì, nhưng đôi mắt lặng lẽ, đầy nghĩ ngợi…
Nên nhớ, những năm tháng đó thật kinh khủng vì sự  thăm dò và theo dõi tư tưởng. Một quan chức báo ND rất hồn nhiên phát biểu trong chi bộ về quan điểm, ông ủng hộ… “đa đảng”. Chao ôi, ngay sau đó lập tức, đang từ Vụ trưởng, xuống… chuyên viên.
Đọc bài này, hiểu “nỗi đau khó nói nên lời” của ông Nguyễn Xiển. Người trí thức, lại được đào tạo (cử nhân) tại Pháp vốn lịch lãm, văn hóa, có lòng với đất nước. Nhưng trí thức- ai nghe?
Đọc bài này, mới thấy ông giáo Nguyễn Lân là người thế nào? Xét cho cùng, hành động đó thật nhất quán với tính cách, tư cách “thật” của NL.
Và câu nói của Phạm Thế Duyệt: “Đã làm tròn sứ mệnh lịch sử”. Thật là “chính trị”  😀
Chân dung, diện mạo của từng con người với vị thế của họ, trong bài, cứ hiện lên, rõ mồn một
.Một cậu chuyện của quá khứ, đã thuộc về lịch sử.
Đọc có thêm thông tin, tư liệu để hiểu. Vậy thôi. Mình cũng ko muốn đưa lên mạng FB để làm gì. Không thích phải nghe đủ kiểu tranh cãi, mệt đầu!
————- 
Ông Đỗ Mười thăm gia đình Ông Nguyễn Xiển, Tết năm 1995-1996
Tư liệu cực quý, do gia đình cụ Nguyễn Xiển đưa ra. Có cắt cho ngắn bớt nhưng ko làm thay đổi nội dung.
Giáo sư Nguyễn Xiển là Phó tổng thư ký Đảng Xã hội từ năm 1946, Tổng thư ký liên tục từ 1956 đến năm 1988 đó (và thời điểm này còn đương kiêm Phó chủ tịch Quốc hội). Ông Lê Quang Đạo là Chủ tịch Quốc hội kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước – không chỉ một lần đến tận nhà vận động ông Xiển giải thể Đảng Xã hội với lý do đảng này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Ông Xiển chần chừ thoái thác, bởi là người rất nguyên tắc ông đòi hỏi “phải họp toàn thể đại biểu Đảng Xã hội để thông qua, vì vấn đề này quá quan trọng…”.
Thông tin nhanh chóng lọt ra ngoài, rất xôn xao trong số các đảng viên Xã hội đa số lúc đó đều đứng tuổi rồi. Ông Nguyễn Khắc Viện tuy đảng viên Đảng cộng sản Pháp và Đảng cộng sản Việt Nam nhưng tìm bằng được người đàn em bên Paris năm xưa là Lê Tâm – con rể cụ Xiển – để nhắn cụ nên cân nhắc thật kỹ đấy, đừng nên đi ngược lại trào lưu quốc tế…
Ông Xiển còn đang trao đổi với các đồng chí khác của mình thì nghe tin sửng sốt: ông Nguyễn Lân đã ký quyết định đồng ý giải thể Đảng Xã hội Việt Nam và “gửi lên trên”?! Đảng Xã hội Việt Nam được coi là giải thể vào đúng ngày kỷ niệm 40 năm thành lập, tức 22/7/1988.
Các chất vấn của ông Xiển đối với ông Lân không có lời giải đáp thỏa đáng, rằng trên cơ sở gì và ai cho ông Lân quyền tự ký một văn bản quan trọng như vậy. Tại sao không phải ông Xiển, hay ông Giáo sư Hoàng Minh Giám (Phó tổng thư ký) hay Luật sư Phan Anh… mà là ông giáo Lân?
Và thế là hai cụ già Nguyễn Xiển và Hoàng Minh Giám cùng nhau viết một lá thư, cho con trai mang đi gửi bảo đảm, đến địa chỉ Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam, đề nghị không công nhận nội dung của quyết định giải thể mà ông Nguyễn Lân đã ký kia. Một thời gian sau ông Xiển nhận được bức thư trả lời từ ông Phạm Thế Duyệt, lúc này là Thường trực Ban bí thư TW Đảng CS và Bí thư Hà Nội. Nội dung cũng về việc “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”. Sự đã rồi… Sự việc này cũng còn được nhắc lại vài lần những khi ông Đỗ Mười – tổng bí thư ĐCSVN khóa sau – tới thăm chúc Tết các cụ lão thành như ông Xiển, hay khi con cháu ông Xiển có dịp trao đổi với ông Phạm Thế Duyệt sau này.
_________________________________
THƯ GỬI ĐỒNG CHÍ ĐỖ MƯỜI
Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 1994
Kính gửi: Đồng chí Đỗ Mười
……
Vậy tôi xin trình bày với anh một số thắc mắc, băn khoăn của anh em để anh xem xét. Họ nói với tôi nhiều vấn đề nhưng chủ yếu là hai điều chính sau đây:
Một là mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng.
Hai là quan hệ giữa Đảng với trí thức.
Họ nói: “Đảng luôn tuyên bố là Đảng hoàn toàn vì dân, thậm chí là đầy tớ trung thành của dân. Nhưng trong thực tế, từ trung ương đến địa phương, người dân ngoài Đảng hoàn toàn bị lép vế, thậm chí như là thứ dân”.
Họ cho rằng số đảng viên so với toàn dân chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, nhưng từ ban lãnh đạo xã đến chính phủ trung ương, rất hiếm có người ngoài Đảng tham gia. Trong hội đồng nhân dân các cấp cũng như trong Quốc hội, có mấy ai là người ngoài Đảng.
Nhớ lại khi Bác Hồ mới về lãnh đạo đất nước, họ thấy trong Chính phủ của Bác cũng như ở các cơ sở, đa số là những người ngoài Đảng tin Bác và tin Đảng, tận tụy công tác đến cuối đời. Nhìn lại thấy rất ít người mắc khuyết điểm.
Đến nay thì từ chủ tịch xã, phường đến chánh, phó chủ nhiệm các khoa, trưởng phó phòng hành chính, tuyệt đại bộ phận đều phải là đảng viên. Mà buồn thay trong cái quốc nạn tham nhũng hiện nay thì có thể nói thủ phạm phần nhiều là những đảng viên, vì chỉ họ mới có quyền để mà tham nhũng!
Hôm trước, tôi có báo cáo với anh Phạm Văn Đồng là nhiều người rất thắc mắc về có ý định đưa ảnh bà Nguyễn Thị Định vào thờ trong đền Hai Bà Trưng. Anh Đồng đã cho đi điều tra. Tôi mong sẽ ngăn ngừa được những việc làm thiếu thận trọng như vậy cũng như việc xâm phạm Tháp Rùa trên Hồ Gươm.
Về vấn đề trí thức, anh chị em có nhiều thắc mắc. Họ hỏi tôi: Có phải trí thức ngày nay kém các bác ngày xưa mà trong chính phủ, các cơ quan, kể cả các viện khoa học, hầu như không có một người lãnh đạo nào là người ngoài Đảng.
…….
Họ nói: Gần đây, Đảng tuyên bố trí thức là một trong ba thành phần cơ bản của nhân dân, nhưng sao trí thức ngoài Đảng lại không được Đảng tin tưởng? Trái lại, họ còn bị rẻ rúng nữa. Một nhà trí thức lớn như Trần Đức Thảo đã từng tranh đấu thắng lợi với một nhà tư tưởng trứ danh như Jean-Paul-Sartre mà chỉ vì nói thẳng trong vụ Nhân văn – Giai phẩm mà bị bỏ rơi trong bao nhiêu năm. Đến khi ông ta chết ở Pháp, dược Pháp trọng thị, thì ta mới đề cao trong báo chí. Anh em cho đó là một việc đáng buồn! Một trí thức khác như Nguyễn Mạnh Tường, 22 tuổi đỗ hai bằng tiến sĩ ở Pháp, khi về nước tham gia kháng chiến được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng và hoàn thành xuất sắc, nhưng chỉ vì phát biểu không đúng theo chủ trương của Đảng mà bị bắt ngồi xó trong bao nhiêu năm, đến nỗi trở thành một người bất mãn, khiến gần đây cho xuất bản quyển “Un excomunié” rất tệ hại.
Gần đây, một trí thức lớn là Nguyễn Khắc Viện đã có công to trong kháng chiến chống Pháp và trong phổ biến văn hoá Việt Nam, thế mà tuy đã là đảng viên, nhưng chỉ vì nói thẳng mà bị coi như một kẻ phản động.
Một trí thức lỗi lạc khác là Phan Đình Diệu, một nhà khoa học được nhiều trường Đại học trên thế giới ca tụng nhưng chỉ vì trình bày thẳng thắn những ý kiến của mình mà bị hắt hủi, đến nỗi các báo chí không được đăng những bài đáp lại những lời phê phán của người khác.
Chắc anh còn nhớ lại nội dung câu chuyện giữa chúng ta trong buổi trao tặng huân chương sao vàng cho Đảng Xã hội Việt Nam trước khi kết thúc 40 năm hoạt động. Tôi có nói với Anh tại sao tôi không gia nhập Đảng Cộng sản: “Hồ Chủ tịch đã giao cho tôi làm Phó tổng thư ký rồi Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam. Bây giờ đã già rồi, tôi vào Đảng Cộng sản làm gì!”.
Sau khi tuyến bố thôi hoạt động thì chúng tôi an phận thủ thường. Tuy không nhắc lại chuyện cũ, nhưng cũng thật khó hiểu vì sao khi đăng tin cáo phó hoặc mừng thọ một số đảng viên Xã hội hay Dân chủ, kể cả các nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương, thì báo chí ta không dám nói đến khía cạnh hoạt động này của họ. Trường hợp đưa tin mừng đại thọ 90 tuổi của anh Hoàng Minh Giám trên báo Nhân dân (có đăng ảnh anh đến thăm gia đình) là một ví dụ điển hình. Vì sao lại không dám nhắc đến việc làm Phó Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam của anh ấy trong mấy chục năm qua, nhưng lại nêu đã từng làm Phó chủ tịch Quốc hội (một chức vụ anh Giám chưa bao giờ làm). Tôi đã đích thân yêu cầu Báo Nhân Dân đính chính nhưng đã không được đáp ứng đúng mức. Việc viết lịch sử cách mạng Việt Nam gần đây, trong đó có lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, thường quá chú trọng đến thành tích quy công cho Đảng, nhưng lại chưa nêu đúng mức hoặc bỏ qua những sai lầm, khuyết điểm (thậm chí có lúc nghiêm trọng) cũng như vai trò, đóng góp của quần chúng, những người ngoài đảng. Bản sơ thảo lịch Quốc hội khoá I là một ví dụ. Những bài viết về đăng trên một số báo gần đây không dám đề cập đến 40 năm của tôi trong Đảng Xã hội Việt Nam.
Tôi xin nêu thí dụ gần đây nhất: Nhà báo Hoàng Phong có viết một bài về sự nghiệp của tôi đăng trên báo Đoàn kết của Hội Việt kiều tại Pháp. Mặc dù rất thân, song cũng không dám đả động gì đến 40 năm làm Phó rồi Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam của tôi. Một số bạn thân có đề nghị tôi nhắc lại trong dịp này, những ý kiến mà tôi đã phát biểu ở Mặt trận và Quốc hội mà không được chấp nhận. Tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ, chỉ đề nghị những việc gì Đảng nhận thấy sai thì phải sửa. Nếu Đảng tiếp tục đối xử với Anh Nguyễn Khắc Viện, Anh Phan Đình Diệu như hiện nay thì sẽ không được lòng tin ở trong nước cũng như trí thức Việt kiều ở ngoài nước. Trí thức Việt Nam khao khát độc lập, tự do, dân chủ, không thể bằng lòng với chế độ chưa có tự do báo chí – ngôn luận như hiện nay. Xin Đảng phải sáng suốt hơn các Đảng khác, phải thay chế độ “đảng trị” bằng chế độ “đức trị”.
Xin chân thành cảm ơn.
Kính chúc anh dồi dào sức khoẻ, hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
Kính thư
Đồng kính gửi:
– Các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị.
– Đồng chí Cố vấn Phạm Văn Đồng.”

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện Trang tử

Nguyên tác Chu Mộng Long. Phóng tác từ giai thoại Trang tử.
Hôm nay Trang lại ngủ vùi. Quá giờ Tỵ Trang vẫn còn ngủ. Có con bướm đậu lên mũi. Trang giật mình nhìn theo con bướm chớp cánh bay đi. Trang cũng bật dậy chớp chớp hai tay làm cánh bay theo con bướm. Bay đến bờ sông, Trang thẩn thờ nhìn con bướm chấp chới rồi biến mất trong sương mù.
Người ta nói lúc đó Trang không biết “ta là bướm hay bướm là ta?” Lại còn bịa chuyện trong mơ Trang gặp cao nhân chỉ giáo, rằng con bướm đó có từ trong uyên nguyên của vũ trụ nay hóa thành Trang thỉnh thoảng cứ vật vờ trong mơ.
Sự thực là lúc đó Trang nhìn bướm mà nhớ vợ. Nếu lúc đó Trang nhảy ùm xuống sông mà biến mất thì may ra giai thoại trên là đúng. Người ta thêu dệt câu chuyện nằm mơ hóa bướm từ Nam Hoa kinh của Trang. Trong quyển sách người đời sau truyền đọc ấy, Trang nói thực ảo biến hóa khôn lường.
Vợ Trang chết đã ba năm. Lúc đầu Trang mừng, Trang vỗ bồn mà hát, nhưng bây giờ thì buồn thúi ruột. Từ khi vợ chết, Trang sống một mình trong trang trại. Đứa tiểu đồng cũng bỏ đi. Trang ăn một mình, ngủ một mình và ngẩn ngơ một mình. Bây giờ thì Trang hiểu cuộc sống thiếu đàn bà như mùa xuân thiếu bướm. Trang khóc. Nước mắt Trang lã chã rơi xuống sông và tan theo ánh nắng luênh loang trên mặt sông.
Lúc ấy có một sư cụ đi qua. Nhìn nét mặt hoang hoải của Trang, sư cụ hỏi: “Vì sao con khóc?” Trang cố gạt nước mắt và hỏi giật ngược một cách ngạo nghễ: “Ngươi giúp được gì ta mà hỏi?”. Sư cụ lần tràng hạt và lẩm bẩm: “A Di Đà Phật. Ái, ố, sân, si… làm cho kiếp người đau khổ”. Mắt Trang lờ đờ nhìn cái tràng hạt trên tay sư cụ và vẫn quen hỏi lại: “Ngươi là Bụt hiện ra giúp người chăng?”. “Không, ta là người!”, sư cụ nắm tay Trang để khẳng định ta là người thật việc thật.
Trang nghe bàn tay sư cụ ấm nóng, nhưng cũng không tin đó là Bụt hay là sư. Trang lại hỏi: “Làm cách nào để thoát khỏi ái, ố, sân, si…?” Sư cụ đáp gọn một từ “Niết Bàn”. Trang lù mù với hai chữ Niết Bàn, dù Trang đã đọc không biết bao nhiêu kinh sách. Sư cụ giải thích nghiệp của Trang rất nặng nên khó giải thoát, trừ phi Trang quy y may ra mới đến Niết Bàn. Trang ngửa mặt lên trời cười nhạo rằng Trang cốt cách Tiên, từng hoan lạc triệu năm ở Thiên đình, nay lỡ bước xuống trần gian làm người, làm người chán thì quy Tiên, quy y  cửa Phật thì được gì? Sư cụ nói: “Nhưng con đã phạm tội sát hại thê nhi, phận con còn bị đày đọa thêm triệu năm nữa!”. Trang nổi giận mắng thẳng vào mặt sư cụ: “Bịa đặt. Vợ đầu ta chết vì bệnh. Vợ thứ hai của ta lẳng lơ nên chỉ bị ta đuổi đi. Còn Điền thị phản trắc nên chết là phải!”
Nói đến đó thì Trang lại khóc. Điền thị là con nhà quan to, nhan sắc khuynh thành, được gả cho Trang khi Trang chu du sang Tề. Trang từ chối mọi vinh hoa mà mang nàng về Nam Hoa Sơn để vui thú điền viên. Nói nàng chết là do Trang cũng phải mà không do Trang cũng phải. Ấy là lần Trang ra sau núi thấy có người góa phụ ngồi bên cạnh nấm mồ mà quạt đến toát mồ hôi như tắm. Trang hỏi góa phụ sao lại quạt mồ. Góa phụ nói trước khi chồng mất, chồng có dặn dò, rằng chờ khi nào mồ khô, cỏ xanh thì hãy lấy chồng. Nay mưa nhiều, cỏ úng không mọc được, biết bao giờ nàng lấy được chồng. Trang chửi, mẹ cha bọn Khổng – Mạnh bày đạo tam tòng, và cầm quạt giúp góa phụ quạt mồ. Trang lấy hết công lực quạt một loáng là mồ khô, xong lấy cỏ phủ lên xanh um. Góa phụ cảm ơn rối rít và tặng luôn Trang cây quạt. Trang mang cây quạt về nhà. Điền thị hỏi: “Quạt này ai cho?”. Trang kể chuyện góa phụ quạt mồ và hỏi Điền thị, rằng nếu ta chết thì nàng làm sao? Điền thị nói ngay, rằng thiếp sẽ ở vậy suốt đời hoặc xin chết theo chàng. Đêm hôm đó Trang chết thật. Đứa tiểu đồng cho Trang vào cỗ quan rồi tỏ ra sợ hãi đến mức trùm chăn ngủ. Điền thị và anh hàng xóm tình nguyện canh cỗ quan. Nửa đêm anh hàng xóm ôm lấy Điền thị, Điền thị run bần bật và ngã hẳn vào lòng anh hàng xóm. Đúng lúc đó Trang bật nắp quan ra và bắt quả tang. Anh hàng xóm chạy thoát. Còn Điền thị thì quá xấu hổ chạy ra bờ sông và tuẫn tiết. Chuyện chỉ có vậy, lẽ nào Trang mắc tội giết người?
Kể đến đó, Trang chuyển khóc thành cười và hát:
Trần gian là cõi tiêu dao
Vui buồn nếm cả lẽ nào chán chê
Đi đi rồi sẽ về về
Ngoài thương trong ghét ê chề ghét thương…
Sự cụ nhíu mày trước câu hát rối rắm như tơ ấy. Trang hỏi sư cụ: “Ta nghe nói người đời cúng Phật mâm cao cỗ đầy, từ tiền trăm triệu đến bạc tỉ, liệu đến Niết Bàn được chăng?” Sự cụ cười: “Thật vô minh, vô minh! Phật không thưởng không phạt. Đã là nghiệp thì phải gánh. Muốn thoát nghiệp thì khi sống phải quy y tam bảo chứ không tiền bạc nào mua được”. Nói đoạn sư cụ tặng cho Trang bộ kinh Phật, chuỗi tràng hạt và căn dặn Trang về Phật pháp. Nói xong, sư cụ cứ thênh thênh bước trên mặt sông mà sang bờ bên kia.
Trang nằm dài đọc kinh Phật ba ngày ba đêm vẫn không hiểu gì, vì trong đó chẳng có gì giống như lâu nay Trang nghĩ. Đọc thêm ba năm nữa thì lờ mờ nhận ra thứ “sắc sắc không không” trong đó có điều giống như Trang nghĩ. Nhưng Niết Bàn thì vô vọng. Đọc một hồi ra cả một thế giới Kim Cang, Mã Não, Trân Châu, Lưu Ly,… Thì ra đó là thế giới thoát dục, kiên cố đến bất luân hồi. Hóa ra bọn thầy chùa ăn tiền cúng rồi bịa Ma ra Phật. Thảo nào có bao nhiêu vua quan đi lễ chùa cúng kính linh đình tưởng sẽ thoát tội, kết cục bọn ma quái vẫn không tha, cứ lần lượt bẻ cổ từng đứa đến bất đắc kì tử. Nhiều vua  quan hoặc đi tù hoặc chết mặt mày xám xịt như thể ăn trúng thực phẩm bẩn hay bị nhiễm độc vậy.
Dẫu đọc kinh Phật đến trăm lần nhưng kết cục Trang vẫn quyết không quy y Phật pháp. Trang hiểu có thành Kim Cang, Mã Não, Trân Châu… cũng không thoát khỏi tay bọn phàm phu tục tử. Có ngày chúng mang ra mua bán ở chợ giời.
Nghĩ đến đó Trang lại ra bờ sông ngồi khóc vợ. Ngọn Nam Hoa Sơn lừng lững in bóng xuống dòng sông với những nét nhòe làm cho mặt sông tràn trề như ưỡn tấm ngực non trần hứng lấy bóng người đàn ông lực lưỡng. Trang như sống lại cái lần ái ân cùng Điền thị suốt ba canh giờ trong ngày đầu đưa nàng về Nam Hoa trang. Đang mơ màng theo cánh bướm chập chờn bay trên mặt sông, thì một ông già khác xuất hiện ngay bên cạnh Trang. Ông già này không hỏi như sư cụ hỏi theo cách của Bụt “Vì sao con khóc?” mà hỏi theo cách nhà quan: “Khóc lóc là trò nữ nhi thường tình!”. Trang nhận ra ngay đó là cụ Khổng. Trang nói: “Ta cười chán rồi khóc, khóc chán rồi cười. Thế gian có khóc có cười, sao lại phân biệt nữ nhi với giới mày râu?” Khổng trêu: “Ta e rằng ngươi không còn đủ sức mà cười nữa!”. Trang vốn ghét Khổng, kẻ mà mẹ mình cũng xem thường thì không đáng trò chuyện, nhưng đã gặp thì hỏi luôn: “Ta nghe trò của ông từng hỏi: Chết rồi có còn không? Ta muốn nghe ông trả lời lần nữa”. Khổng phất tay áo tỏ ra lịch lãm, nho nhã mà nói: “Ta nói chết rồi mà còn thì ngươi coi cái chết như không, không chừng ngươi sẽ nhảy xuống sông mà chết. Còn nói chết rồi là hết thì ngươi chẳng thèm cúng tế tổ tiên, cha mẹ của mình và trở thành đại bất hiếu”. Nghe đến câu trả lời đã nhàm tai ấy thì Trang đứng phắt dậy chỉ tay thẳng vào mặt Khổng: “Đồ tham ăn! Cách trả lời nước đôi của ông chỉ có thể sinh ra kẻ tham sống sợ chết, thậm chí đến chết rồi mà vẫn còn tham ăn nên chưa chết đã chăm lo cái chết. Được rồi, hai ngàn năm sau người ta vẫn sẽ tin ông còn sống, người ta lập nhiều lăng miếu cho ông và người ta vẫn cúng ông nhiều thứ cao lương mỹ vị. Nhưng khi ấy, ông sẽ ăn toàn những thứ độc hại mà người sống không dám ăn. Hiểu chưa!”
Nói đoạn, Trang nhìn lên Nam Hoa Sơn mà nghêu ngao hát, tiếng hát dội vào vách núi rồi vang ra làm lao xao cả mặt nước:
Đời phù du hề thân ta phù du
Cung Tiên nào ai biết Niết Bàn nào ai hay?
Tiền bạc phù vinh hề công danh cũng phù vinh
Vua cũng chết mà chó cũng chết
Chết là hết nếu còn ai tham sống?
Thân xác hề linh hồn hề thành chợ bán buôn
Trần gian mặc cả cõi thần tiên
Cung điện thành gò hề lăng tẩm cũng bị quật
Chỉ có nước sông hề cuốn trôi cả lụy phiền…
Hát đến đấy, Trang nhảy ùm xuống sông và biến mất. Khổng trố mắt nhìn dòng sông duềnh lên dưới ngọn Nam Hoa Sơn. Có đôi cánh bướm chập chờn rồi biến vào trong hang núi. Bất giác Khổng rùng mình và ộc ra một bãi máu tươi rồi đổ vật xuống nền cỏ dại…
Trung thu 2018
CML
———-

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đất Thủ Thiêm – Kỳ VII: Tao bắn nát đầu bọn bay!


"Ông trở về, hàng ngày nhìn cảnh xe ủi, xe cuốc cùng với nhân viên công lực đi cướp bóc, đập phá nhà cửa xung quanh mà trào dâng căm phẫn, thương xót cảnh tan nhà nát cửa của bà con. Nhiều lúc không kềm chế được, ông muốn ra tay… Nhưng ông kịp nghĩ, nếu bắn thì phải bắn mấy thằng “đầu sỏ”, chớ cái đám nầy chỉ là tay sai … Ông Hải đã bỏ ra nhiều ngày để nghiên cứu địa hình gia cư của những tay “đầu sỏ”, vào lối nào, ra lối nào, nhà có chó dữ hay không … Ông đã lên “phương án tác chiến”, đặt ra những tình huống bất trắc, và, ông viết sẵn mấy bản cáo trạng kể tội từng người. Xử xong người nào, đặt bản cáo trang lên ngực người đó rồi rút lui. Ông nói, khẩu súng của ông sẽ chừa sẵn hai viên đạn cho mình nếu gắp tình huống bất trắc.
Mười lăm ngàn hộ dân với hơn sáu vạn con người ở Thủ Thiêm đã xem các anh 
“đầu sỏ” là kẻ thù không đội trời chung, các anh “đầu sỏ” đã tự dựng cho mình tấm bia ở Thủ Thiêm, sẽ vĩnh cửu ngàn năm vì nó là bia miệng".
Đất Thủ Thiêm – Kỳ VII: Tao bắn!
Võ Đắc Danh: Ba ngôi nhà còn sót lại giữa cái hoang tàn đổ nát như sau một trận bom trên đường Lương Định Của, thuộc khu phố 1, phường Bình An là nhà của chị Vinh, ông Lực và Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải. Nó còn sót lại, có lẽ là vì, với chị Vinh và ông Lực, người ta không dám ném ra đường một người phụ nữ tật nguyền phải nương nhờ vào đôi nạng gỗ và một ông già chín mươi mốt tuổi đời, bảy mươi tuổi đảng bị tai biến nằm liệt giường. Còn với Thiếu tướng Hải, có lẽ vì người ta sợ cái câu: Đứa nào tới, tao bắn…!
Thiếu Tướng Trinh Sát Đặc Công HỒNG MINH HẢI
Khi chúng tôi tới thăm ông, ông hỏi các anh chị là nhà báo nhưng thuộc phe nào? Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông nói báo chí bây giờ nhiều phe quá, chẳng biết tin ai. Khi cuộc tiếp xúc đến hồi thân thiện, ông Hải kể rằng, năm 1968, sau khi đậu Tú tài, ông được tuyển vào khoa không quân trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, lúc bấy giờ ông đang là biệt động thành Sài Gòn. Cấp trên yêu cầu ông nên đi học sĩ quan để tiếp tục “hoạt động trong lòng địch” khi ra trường, nhưng ông từ chối, bỏ học vào chiến khu rồi theo đơn vị trinh sát đặc công. Chúng tôi ngồi nghe ông kể những câu chuyện “xuất quỷ nhập thần” của lính đặc công như huyền thoại, bất kỳ những đồn bót, những căn cứ quân sự của đối phương, lính đặc công vào ra như có phép tàng hình.

Sau chiến tranh Campuchia, ông được phong hàm Thiếu tướng, Tư lệnh phó binh chủng đặc công miền Nam.

Khi xảy ra câu chuyện Thủ Thiêm, bí thư kiêm chủ tịch quận Tất Thành Cang tới nhà ông thương lượng rất chân tình, rằng sẽ đổi căn nhà 160 mét vuông của ông bằng hai nền nhà gần siêu thị điện máy Chợ Lớn trên đường Lương Định Của, nghĩa là ông sẽ được đền bù thỏa đáng. Ông nhẩm tính, hai nền nhà kia trị giá tương đương chín tỷ đồng, ông sẽ lên quận 9 mua được hơn hai ngàn mét vuông đất vườn chỉ hơn năm tỷ, còn lại xây nhà, hai vợ chồng cùng hai đứa con ông sẽ có cuộc sống thanh nhàn, vui thú điền viên.

Nghĩ thế, ông bằng lòng trao đổi. Nhưng một hôm, ông Cang gọi ông lên cáo lỗi, rằng quỹ đất không còn, chỉ đổi với ông một nền. Sau một hồi tranh cãi, ông đứng lên nói thẳng: “Người lớn với nhau không thể nói hai lời. Vậy thì tao không đi đâu cả, tụi bây cứ tới cưỡng chế, nhưng nên nhớ phải mặc áo giáp và đội nón sắt đàng hoàng, đứa nào bước vô tao bắn… ! Máu tao đã đổ ngoài chiến trường nhiều rồi, giờ nầy tao không còn tiếc gì nữa, nhưng trước khi chết tao sẽ bắn nát đầu bọn cướp“.

Ông trở về, hàng ngày nhìn cảnh xe ủi, xe cuốc cùng với nhân viên công lực đi cướp bóc, đập phá nhà cửa xung quanh mà trào dâng căm phẫn, thương xót cảnh tan nhà nát cửa của bà con. Nhiều lúc không kềm chế được, ông muốn ra tay… Nhưng ông kịp nghĩ, nếu bắn thì phải bắn mấy thằng “đầu sỏ”, chớ cái đám nầy chỉ là tay sai …

Ông Hải đã bỏ ra nhiều ngày để nghiên cứu địa hình gia cư của những tay “đầu sỏ”, vào lối nào, ra lối nào, nhà có chó dữ hay không … Ông đã lên “phương án tác chiến”, đặt ra những tình huống bất trắc, và, ông viết sẵn mấy bản cáo trạng kể tội từng người. Xử xong người nào, đặt bản cáo trang lên ngực người đó rồi rút lui. Ông nói, khẩu súng của ông sẽ chừa sẵn hai viên đạn cho mình nếu gắp tình huống bất trắc.

Tôi hỏi vì sao ông không cùng với bà con đi kiện mà nghĩ tới chuyện mạo hiểm như vậy? Ông nói tôi là lính, không thích dây dưa, khi đã xem chúng nó là kẻ thù của nhân dân thì tôi ứng xử theo cách của người lính, hoặc là tấn công, hoặc là rút lui, hoặc là phòng thủ và tử thủ. Ngắn gọn như thế, không cần phải dài dòng.

Thế là hết Thủ Thiêm ơi!

Từ chị Phượng chủ tịch phường xin lỗi nhân dân đến anh Thiếu tá công an Trần Vĩnh Phúc treo cổ tự tử, giờ tới lượt Thiếu tướng Hồng Minh Hải luôn sẵn sàng trong tư thế tấn công, huống chi đến hàng trăm, hàng ngàn con người thấp cố bé miệng từng ngày ứa gan kêu cứu, gần hai mươi năm khổ đau chờ công lý đến mỏi mòn.

Hôm qua có một cô gái nhắn tin: “Chú ơi, con đã đọc nhiều câu chuyện đau lòng của chú viết về Thủ Thiêm, con mong chú kể tiếp câu chuyện của con, khổ lắm, nhà con bị cưỡng chế đập nát hết, con che tấm bạt dưới gốc cây lót tạm cái giường để hai mẹ con tá túc nhưng cũng bị họ cưỡng chế thêm lần nữa …”

Tôi đành phải nhắn tin xin lỗi cô gái, cháu ơi, làm sao chú đủ sức đủ tài để kể hàng trăm, hàng ngàn tấn thảm kịch Thủ Thiêm, bởi tội ác cứ nối dài tội ác và đau thương cứ chồng chất đau thương. Chú xin lỗi cháu! Mỗi con người, mỗi gia đình trên ĐẤT THỦ THIÊM giờ đây giống như những trang tiểu thuyết mà bản thân chú không đủ sức đủ tài.


Tan nát Thủ Thiêm

ĐÔI ĐIỀU VỚI CÁC ANH

Các anh là ai? Tôi biết các anh một cách mập mờ, loáng thoáng mà Thiếu Tướng Hồng Minh Hải đã viết sẵn cáo trạng định xử các anh.

Hầu hết các anh đều ít nhứt cũng có tấm bằng đại học, dù nó thật hay giả, dù các anh đã học phổ thông hay bổ túc văn hóa, thì điều chắc chắn rằng các anh đã học qua dòng văn học hiện thực phê phán mà trong đó có những tác giả lừng danh một thời như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan . . . với những tác phẩm tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến. Những tác giả ấy cũng đã bị phê phán rằng họ chỉ nhìn thấy hiện thực tối tăm, chỉ nhìn thấy cái tiền đồ tối đen như mực của chị Dậu mà không nhìn thấy cái tiền đồ rạng rỡ của dân tộc bởi chỉ vài năm sau, Đảng Cộng sản ra đời!

Nhưng, nếu giờ đây Ngô Tất Tố có đội mồ sống dậy, ông sẽ nói rằng nhân vật chị Dậu mà ông hư cấu làm gì so sánh được với những con người có thật như chị Vinh, chị Phượng, bà Giáp, cô Mỹ… ở Thủ Thiêm?

Giờ đây nếu Nguyễn Công Hoan có đội mồ sống dậy, ông sẽ nói rằng câu chuyện Nghị Lại bày mưu cướp đất của anh Pha mà ông hư cấu làm gì so sánh được với câu chuyện có thật của ông Hùng, anh Truyền bán gas, ông Nguyễn Hồng Quang … ở Thủ Thiêm?

Giờ đây nếu Nam Cao có đội mồ sống dậy, ông sẽ nói rằng Chí Phèo trước khi chết còn giết được Bá Kiến, huống chi anh Thiếu tá Công an Trần Vĩnh Phúc treo cố chết âm thầm.

Những nhà văn tài hoa ấy không thể hư cấu nổi một nhân vật như Thiếu Tướng đặc công Hồng Minh Hải, không thể hư cấu nổi chuyện phá đình, quật mộ tiền nhân, đập chùa, cướp bóc cả một cơ sở tâm linh và từ thiện của Mục sư Nguyễn Hồng Quang …

Nói chung, không thể có một nhà văn nào trên trái đất nầy có đủ sức tưởng tượng để hư cấu ra những câu chuyện mà chính các anh đã tạo ra ở Thủ Thiêm, một hiện thực đầy bi thương và tội ác, thậm chí rất man rợ xảy ra ngay trên đất nước nầy, bên cạnh một thành phố được nhân danh là VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, NGHĨA TÌNH, những khẩu hiệu mà chính các anh đã đẻ ra, treo đầy trên phố xá.

Cùng các anh (không quý mến)!

Tôi có đứa con gái út, cách đây gần mười năm, lúc đó cháu học lớp mười trường Quốc tế Mỹ tại Sài Gòn. Có lần cháu dịch một bài luận văn của cháu làm từ tiếng Anh sang tiếng Việt để nhờ tôi góp ý (Tôi còn nhớ rõ đó là thời điểm các anh đang cướp Eden bằng khói cay để giao cho Vincom), đại khái thầy giáo người Mỹ ra một đề văn nghị luận chính trị xã hội như thế nầy: “Bạn hãy chọn một vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm đề bày tỏ hai thái độ: Một là đồng tình, hai là phản biện”.

Cháu đã viết: Hiện nay, dư luận xã hội ở Việt Nam đang quan tâm nhất là vấn đề đất đai, những mâu thuẫn xảy ra giữa nông dân với chính quyền và các nhà đầu tư ở các dự án xây dựng khu công nghiệp và khu đô thị. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, muốn phát triển, ngoài mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao thì mục tiêu công nghiệp hóa và đô thị hóa là hai mục tiêu lớn và chính đáng. Nhưng vấn đề đặt ra là đất ở đâu để phát triển các khu công nghiệp và đô thị? Chỉ có một câu trả lời duy nhất là sử dụng đất nông nghiệp. Vì vậy, việc sử dụng đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp và đô thị là một vấn đề tất yếu, không có sự lựa chọn nào khác.

Đó là thái độ đồng tình.

Tuy nhiên, đất nông nghiệp là quyền lợi, là sự sống của người nông dân mà mục tiêu phát triển công nghiệp và đô thị là để phát triển kinh tế xã hội, vì vậy, trước khi sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng các dự án khu công nghiệp và khu đô thị thì chúng ta phải làm cho người nông dân, những chủ sở hữu đất nông nghiệp đó có dời sống tốt hơn trước, họ phải là người hưởng lợi đầu tiên trong các khu công nghiệp và đô thị đó. Nhưng với cách làm của Chính quyền Việt Nam hiện nay, họ dùng biện pháp gọi là “Thu hồi, giải tỏa, đền bù”, họ đẩy người dân ra khỏi quyền lợi ngay trên mảnh đất vốn là sự sống của họ, nghĩa là trả cho họ một số tiền tượng trưng rồi lấy đất của họ giao cho doanh nghiệp kinh doanh, người đã giàu thì giàu thêm, người dân vốn đã nghèo còn bị tước đoạt quyền lợi, thậm chí lâm vào cảnh khốn cùng. Đó là những nghịch lý đã trở thành bức xúc trong dư luận xã hội.

Cùng các anh (không quý mến)!

Đó là góc nhìn, là suy nghĩ của một đứa bé mười lăm tuổi, cháu chưa biết làm chính trị và cũng chưa có khái niệm về chính trị.

Còn tôi, cha của cháu bé ấy, chỉ nhân danh là người kể chuyện, có thể kể hay và cũng có thể kể rất dở. Chỉ được cái là kể rất chân tình và chân thành, chân thật, kể một cách không né tránh dù có những câu chuyện cay đắng, phủ phàng.

Tôi kể về bài tập làm văn ngây thơ và hồn nhiên của con tôi như một câu chuyện để tham khảo cho các nhà chức trách. Tôi kể chuyện bà con Thủ Thiêm để chúng ta cùng chia sẻ nỗi đau, (cũng chẳng hy vọng gì sự chia sẻ từ những trái tim lạnh và “bàn tay sắt”). Tôi kể câu chuyện về những dự định của Thiếu Tướng Đặc Công Hồng Minh Hải để các anh, ai là người trong cuộc biết được mà tự vệ, đề phòng.

Mười lăm ngàn hộ dân với hơn sáu vạn con người ở Thủ Thiêm đã xem các anh là kẻ thù không đội trời chung, các anh đã tự dựng cho mình tấm bia ở Thủ Thiêm, sẽ vĩnh cửu ngàn năm vì nó là bia miệng.

Cuối cùng, xin chào các anh (không thân mến)!

Người nông dân cầm bút:Võ Đắc Danh

(Chưa dám hứa sẽ còn tiếp)

(FB Võ Đắc Danh)

Phần nhận xét hiển thị trên trang