Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Vụ án Đặng Văn Hiến: Một tình tiết mới




Mai Quốc Ấn
13-9-2018



Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Nông vừa có kết luận thanh tra hàng loạt sai phạm tại dự án nông lâm nghiệp của Công ty Long Sơn ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, Tuy Đức, Đắk Nông. Đây chính là tình tiết mới của vụ án người nông dân Đặng Văn Hiến nổ súng.

Công ty Long Sơn “được cho thuê đất khi thiếu năng lực tài chính, chuyên môn. Tự ý tổ chức giải phóng mặt bằng không đúng chức năng, thẩm quyền dẫn đến xung đột với người dân mà đỉnh điểm là vụ làm 3 người chết, 13 người bị thương…

Thanh tra tỉnh cho rằng góp phần vào sai phạm, khiếu kiện tại dự án này có trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông. Cụ thể, tại điều 2 của quyết định cho thuê 1.079ha đất, rừng có nội dung yêu cầu: Công ty thỏa thuận, hỗ trợ bồi thường thiệt hại đối với các hộ dân đang sử dụng đất và chỉ được sử dụng diện tích đất để sử dụng dự án trên khi được sự chấp thuận của chủ sử dụng đất cũ.” (trích)

Như vậy, tính chất sai phạm của việc giao đất do UBND tỉnh Đắk Nông đã rõ. Việc giao đất trên bản đồ, không hề đo đạc thực địa, không hề xác định việc người dân đã khai khẩn trồng trọt trước đó. Đây chính là nguyên nhân đầu tiên, điều kiện cần cho mâu thuẫn phát sinh.

Công ty Long Sơn với một loạt hành vi sai trái bằng bạo lực (đừng nói nhẹ là tự ý cưỡng chế) là nguyên nhân thứ 2, điều kiện đủ để bạo lực bùng nổ. Đã có rất nhiều đơn thư tố cáo hành vi chiếm đất bằng bạo lực của công ty Long Sơn từ người dân nhưng chính quyền không giải quyết.

Quay trở lại với trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Nông, cả đơn thư khiếu nại việc giao đất tới đơn thư tố cáo việc sử dụng bạo lực để chiếm đất đều không được cơ quan này giải quyết. Đó là hành vi thiếu trách nhiệm đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Thậm chí, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng chờ thanh tra song công ty Long Sơn vẫn tiến hành tấn công gia đình Đặng Văn Hiến và súng đã nổ khiến 3 người đã chết và 13 người bị thương. Nghĩa là UBND Đắk Nông không hề có một động thái nào giữ nguyên hiện trạng như chỉ đạo của Chính phủ.

Kết luận thanh tra còn có 1 điểm “sơ hở lớn” hay nói cách khác là làm giảm nhẹ tối đa bản chất vụ việc. “mục đích của nội dung này (điều 2, quyết định giao đất) là nhằm tránh thiệt thòi cho người dân có đất đã lấn chiếm, sang nhượng trái phép nhưng lại thiếu chặt chẽ, gây ngộ nhận cho người dân cố tình hiểu không đúng pháp luật về đất đai, yêu cầu bồi thường và đòi đảm bảo quyền lợi như chủ sở hữu đất hợp pháp.” (trích)

UBND tỉnh Đắk Nông đã cố tình “quên” rằng ngày 1/1/2004, Đắk Nông chính thức thành lập tỉnh, trong khi người dân đã vào trồng điều từ những năm cuối thập niên 90 và đầu những năm 2.000. Nói thẳng là những cách nói giảm, nói tránh ấy khó mà thuyết phục bất cứ người nào bởi ai cũng rõ làm gì có chuyện nhà nước có trước nhân dân?

Đã có tình tiết mới thì cần kháng nghị để có phiên giám đốc thẩm cho người nông dân Đặng Văn Hiến. Điều mà người dân trông đợi là một phiên tòa công minh- nơi những tình tiết vụ án không bị “lờ đi” như phiên sơ thẩm, phúc thẩm. Vì chắc chắn rằng UBND Đắk Nông có trách nhiệm khi giao đất và công ty Long Sơn không hung tàn khi chiếm đất sẽ không có tiếng súng nào.

Có phiên giám đốc thẩm vẫn chưa đủ! Phải tách thành 2 vụ án rõ rệt: 1- Vụ án UBND Đắk Nông thiếu trách nhiệm khi giao đất, thiếu giám sát khi có chỉ đạo của chính phủ giữ nguyên hiện trạng và công ty Long Sơn nhiều lần tấn công người dân suốt 8 năm (2008-2016) cho đến khi nổ súng. 2- Vụ Đặng Văn Hiến nổ súng giữ đất sau nhiều năm bị tấn công, bị dồn nén uất ức.

Và cần xử vụ án 1 trước khi xử vụ án 2. Xử như vậy sẽ thấy được tính nghiêm minh của pháp luật và cũng sẽ gây được sự chú ý của người dân mất đất bất cứ đâu tại Việt Nam chứ không chỉ Tây Nguyên. Cho dân thấy chế độ còn công minh chính là cách giữ chế độ tốt nhất.

Hoặc ngược lại…

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Ông thủ tướng và người dân:

Tran Hoang Dung 
VIETNAMNET.VN
Thủ tướng đã tiếp Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa nhân dịp sang tham dự hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người trí thức khác với người làm khoa học thuần túy ở chỗ nào?

VTN

Trong một bài viết về lòng yêu nước trên trang  FB cá nhân 8-9-2018, tôi có nhắc tới một ý

Nếu bề ngoài, xã hội Việt Nam là do người Việt Nam làm chủ mọi phương diện, nhưng trong kinh tế, là yếu tố căn bản của một xã hội lại do người nước ngoài định đoạt, thì sự độc lập kia cũng chỉ là giả tạo.

Ý này không phải do tôi nghĩ ra mà do nghe được trong một buổi nói chuyện rông rãi của Trần Đại Nghĩa ( 1913-1997).

Đại ý ông bảo trong xây dựng đất nước thời hậu chiến, đừng ỷ vào tài nguyên mà phải dành nhiều quan tâm tới khâu quản lý, không quản lý tốt kinh tế không khác gì thùng không đáy. Đất nước được quản lý kém thì có độc lập cũng chỉ là độc lập hờ, độc lập giả.

Ngoài ra ông còn nói tới nhiều ý rất cơ bản đáng gọi là cương lĩnh xây dựng xã hội hậu chiến.

Những ý tưởng mà tôi đã được nghe từ 1976 này, tôi cứ nhớ mãi; tôi đã trình bày lại trong một bài viết in ở Thời báo kinh tế Sài gòn 2008 và đưa trên blog của mình ngày 13 – 12 - 2008.

https://vuongtrinhan.blogspot.com/2008/12/nhng-li-on-trng.html

Trước khi mời các bạn đọc một số ý cơ bản của bài này ở dưới, tôi muốn thêm một số suy nghĩ về một khía cạnh trong quan niệm "cái gì là chính trong sứ mệnh của người trí thức".

Trong các tài liệu chính thức, người ta chỉ nói Trần Đại Nghĩa như một quan chức và cùng lắm thì gọi ông là nhà trí thức mang kiến thức chuyên môn phục vụ đất nước.

Còn với chúng tôi – tôi tin có nhiều người cũng nghĩ như tôi – qua bài nói chuyện này thấy ông là một trí thức thực thụ với nghĩa không chỉ bó hẹp trong chuyên môn của mình mà còn quan tâm và có ý kiến về những vấn đề quan trọng nhất của đất nước và đó là những ý kiến đúng - những điều tiên tri.

Chỉ có một điều tôi để ý thì thấy những ý kiến loại này không bao giờ được ghi nhận trong các tài liệu chính thức về Trần Đại Nghĩa .

Người ta không bao giờ coi trọng những ý kiến này của ông.

Việc của người trí thức là thực hiện những điều cấp trên đã nghĩ, chứ không được bàn góp và nghĩ thay cấp trên, lại cũng không nên nói rộng ra các ý ấy với công chúng – chúng tôi được dạy bảo như vậy và thấy nguyên tắc này được áp dụng với cả công thần Trần Đại Nghĩa .

Giả sử như hôm ấy tôi không nghe ông nói chuyện thì chả bao giờ biết ông có ý ấy.

Trên con đường đi tới của mình, chúng tôi không được sự gợi mở của những người đi trước.

Tôi không muốn các bạn trẻ hơn lặp lại bi kịch của chúng tôi, nên đã tìm cách phổ biến lại những ý của Trần Đại Nghĩa và có bài dưới đây.

NHỮNG LỐI ĐOẠN TRƯỜNG

Thư viện quốc gia Hà Nội hàng tháng thường có những buổi nói chuyện về đủ loại vấn đề đang được dư luận quan tâm.
 Một ngày hè 1976, tôi có dịp được nghe một buổi nói chuyện loại đó mà diễn giả là kỹ sư Trần Đại Nghĩa.
 Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, ông cũng như nhiều người nghĩ nhiều đến sự phát triển kinh tế, trong đó có việc học hỏi kinh nghiệm nước ngoài.
Bấy giờ nước Nhật còn là cái gì xa xôi lắm. Trần Đại Nghĩa kể ở Tokyô, các kỹ sư đứng ở ngã tư, để nghe mọi người phát biểu về kinh tế, ai nói họ cũng ghi để tham khảo, ai nói hay họ còn trả tiền.
 Quay về mình ông bảo đừng ỷ vào tài nguyên mà phải dành nhiều quan tâm tới khâu quản lý, không quản lý tốt kinh tế không khác gì thùng không đáy. Đất nước được quản lý kém thì có độc lập cũng chỉ là độc lập hờ, độc lập giả.
Nước mình lạ lắm, càng những ngành then chốt càng lạc hậu, ông nói tiếp.
Về hướng phát triển ông gợi ý đủ chuyện từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn. Chuyện nhỏ ( đúng ra phải nói “có vẻ là nhỏ “ ) đào tạo công nhân lành nghề khó lắm, thợ hàn cao áp ở VN đào tạo 100 người chỉ đậu được 4 người. Chuyện lớn ( cái này thì lớn thật ) - phải hiện đại hóa về giao thông và thông tin. Phải tiêu chuẩn hóa mọi chuyện.
Tiêu chuẩn hóa là công cụ để đạt tới hiệu lực, biến khó thành dễ.
 Một điều lạ nữa với bọn tôi là ở chỗ tuy làm khoa học kỹ thuật, nhưng Trần Đại Nghĩa lại xem trọng khoa học xã hội. Ông báo động là cả nước 50 triệu người mà gần như không có ai nghiên cứu tâm lý. Hiểu và xử lý đúng tâm lý xã hội tâm lý nhân dân không tốt, thì cũng quản lý kinh tế không tốt.

Tổng quát hơn ông nói đến cái sự mình phải minh bạch với mình, rành mạch với mình.
Bấy giờ là những năm tháng đầu tiên sau chiến tranh nên cái sự giấu giấu giếm giếm còn tạm tha thứ được. Song Trần Đại Nghĩa đã thấy đủ những tai hại mà cái lối “gì cũng coi là bí mật “ ấy gây ra. Theo Trần Đại Nghĩa, trong quản lý xã hội phải xác định bằng được số liệu chính xác. Vì đây là bước đầu để đi tới mình nắm được mình, tự xác định được vị trí của mình trên thế giới.

Lần giở lại những trang ghi chép được hôm ấy tôi thấy nó giống như một lời tiên tri. Bởi nó đúng quá, đúng cả với “thời gian lớn” là hơn ba chục năm nay, cả với “thời gian nhỏ” là khoảng dăm bảy năm nay. Cả cái cách nó bị quên lãng nữa chứ ! Và tôi thầm nghĩ sao lịch sử oái oăm vậy, những suy nghĩ đúng thì không được thực hiện, những cảnh báo đúng thì không được đề phòng, khiến cho đất nước cứ ì ạch mãi.


Hàng ngày có nhiều việc khiến tôi hối hận. Ai mà chẳng thế, có làm là có sai. Nhưng tôi nhớ nhất một số trường hợp rất lạ, trước đó mình đã nghĩ đúng rồi, vậy mà khi bắt tay hành động, vẫn lầm lỡ thảm hại.
 Những lần như thế khiến tôi đau xót và tiếc nuối bội phần. Tại sao mình lại đổ đốn vậy? Do dốt một phần. Nhưng tôi nghĩ đến một thủ phạm nữa là những thói quen cũ không chế ngự nổi.
 Để chỉ cái tình trạng lưỡng phân rất đáng tiếc này, người xưa có nhiều cách nói thú vị Hòn chì thì mất hòn đất thì còn, Hoa thường hay héo có thường tươi, Răng cắn phải lưỡi…
Nghe hơi tục thì có câu Miệng khôn trôn dại.
 Nhưng tôi thích hơn cả là câu trong Truyện Kiều Ma đưa lối quỷ đưa đường, lại tìm những lối đoạn trường mà đi.
 Đoạn trường ở đây có nghĩa là đứt ruột. Có những lầm lỡ làm người ta tiếc đến đứt ruột, và e sợ hình như ở đây đã có vai trò của ma quỷ.
Cá nhân mắc nạn loại này đã đau lắm rồi. Đến như cả cộng đồng cả xã hội, nếu không tránh được, thì sự đời chẳng phải là oan nghiệt quá sao ?

Phụ lục
Khi bài này đua trên fb, anh bạn Trần Tâm có đoạn "còm- mèn'  như sau

Chào anh Nhàn. Xin phép anh điểm lại 2 câu chuyện về GS Trần Đại Nghĩa. Thứ nhất, lần đầu tiên tôi được nghe ông nói chuyện ở UBKHNN 39 Trần Hưng Đạo 1973 về công nghiệp hóa và cải cách quản lý kinh tế. Khi nói về ý nghĩa của công nghiệp hóa, ông bắt đầu bằng câu “thu nhập quốc dân của Việt Nam trên đầu người, từ thời Hai Bà Trưng đến nay chưa có gì thay đổi cơ bản”. Về cơ giới hóa nông nghiệp “vấn đề chính của cơ giới hóa nông nghiệp là giải quyết nhân lực dư thừa của quá trình cơ giới hóa”. Về quản lý kinh tế “với qui mô như nền kinh tế Việt Nam hiện tại, ở Mỹ người ta chỉ cần 15-20 nhà quản lý”. Cán bộ trẻ chúng tôi shock nặng.
Thứ hai, năm 1980 trong một cuộc nói chuyện của ĐT Võ Nguyên Giáp (Phó TT phụ trách Khoa học kỹ thuật) tại Nghĩa Đô, ông Giáp nêu rất nhiều yêu cầu về đột phá công nghệ cho khoa học kỹ thuật Việt Nam. GS Trần Đại Nghĩa (Viện trưởng VKHVN lúc đó) đã nhẹ nhàng phản biện từng mục và khẳng định, rằng cơ sở kỹ thuật (kể cả quốc phòng) của Việt Nam về mặt kỹ thuật quá yếu để thực hiện những yêu cầu như vậy, còn nền kinh tế thì càng yếu hơn để đầu tư và tiếp nhận kết quả nghiên cứu.
Ngay cả việc tiếp nhận công nghệ Liên Xô cũng không có ý nghĩa về 2 phương diện. Một, rất tốn phí nguyên liệu và nhiên liệu. Hai, không tương thích với công nghệ Phương Tây và cụ thể là những nền tảng còn lại ở miền Nam sau 1975. Tóm lại, không có triển vọng vì trước sau cũng phải làm lại.
Ông Giáp rất giận và nạt trước bàn dân thiên hạ “Anh Nghĩa, tại sao anh toàn bàn lùi, nếu nói như anh chúng ta làm sao thắng được Mỹ”. Ông Nghĩa chỉ nhẹ nhàng trả lời “Công nghệ là bài toán kinh tế. Làm kinh tế khác với tiến hành chiến tranh” và sau đó hoàn toàn im lặng.
Vâng anh Nhàn con người GS Trần Đại Nghĩa là như vậy. Những người kế tục ông ở những cương vị khác nhau, cả trong công nghiệp quốc phòng lẫn khoa học đều không có được cách hành xử như vậy.




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lời ai điếu cho mô hình Trung Quốc?


Arvind Subramanian và Josh Felman

Phạm Nguyên Trường dịch

Sau mấy thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định, Trung Quốc đã nổi tiếng vì ổn định về kinh tế, ngay cả khi các khoản nợ ở trong nước đang gia tăng nhanh chóng. Nhưng triển vọng xuất khẩu giảm, cùng với việc đồng tiền đang ngày càng yếu đi, có thể làm cho nước này trật khỏi quỹ đạo phát triển bất chấp nợ nần của mình.

Từ Argentina đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ Nam Phi đến Indonesia, các thị trường mới nổi lại bị những sự hỗn loạn trên thị trường tài chính làm cho bối rối. Nhưng xin hãy đừng quên nước lớn nhất và có thể là rắc rối nhất: Trung Quốc.

Trong mấy thập vừa kỷ qua, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc dường như trái với những quy luật kinh tế cơ bản. Ví dụ, quy luật Stein nói rằng nếu một cái gì đó không thể đi mãi mãi, thì nó sẽ dừng lại. Nhưng, các khoản nợ của Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng.

Thật vậy, theo Quỹ tiền tệ quốc tế, trong thập kỷ vừa qua, nợ công ty, nợ chính phủ và nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 23 nghìn tỷ USD, và tỷ lệ nợ trên GDP đã tăng khoảng 100%, tức là hơn 250%. Thông thường, đó là mức mà vượt qua nó thì khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra.

Chắc chắn là, một số khoản nợ của Trung Quốc đã được sử dụng nhằm mở rộng cơ sở công nghiệp và cơ sở hạ tầng của nước này. Nhưng phần lớn trong số đó cũng được sử dụng nhằm giữ cho bằng được các doanh nghiệp quốc doanh thua lỗ và đầu tư không ngừng nghỉ vào các công trình công cộng và nhà ở với hiệu quả rất thấp.

Sự mất cân bằng ở trong nước của Trung Quốc cho thấy một quy luật kinh tế khác mà nó đã tìm cách phá vỡ. Đối với bất kỳ quốc gia bình thường nào, xây dựng năng lực quá dư thừa sẽ dẫn đến sụt giảm mạnh trong đầu tư và tăng trưởng GDP. Và đến lượt nó, điều đó sẽ làm kiệt quệ về tài chính, kéo theo cuộc khủng hoảng, nếu các dấu hiệu cảnh báo bị lờ đi. Nhưng ở Trung Quốc thì khác. GDP tăng chậm lại, nhưng đầu tư vẫn mạnh, và hệ thống ngân hàng không hề căng thẳng.

Một cách giải thích phổ biến về việc khả năng không bị thương tổn thấy rõ của Trung Quốc là nước này có khoản tiết kiệm lớn ở trong nước và dự trữ ngoại hối khổng lồ (trên 3 nghìn tỷ USD), đấy là những khoản có thể được chi tiêu nhằm khắc phục khủng hoảng tài chính. Và bởi vì cân đối của chính phủ vẫn mạnh, đủ sức cứu các công ty tài chính không còn khả năng chi trả, chính phủ có thể giải quyết tất cả các nguồn gốc căng thẳng mới xuất hiện trong lĩnh vực quan trọng này.

Cách giải thích phổ biến khác là chính trị. Quá trình ban hành quyết định tập quyền hóa cao độ tạo điều kiện cho người ta thực hiện những hành động tức thời, có phối hợp, ví dụ, kiểm soát dòng ngoại hối đi ra. Và trong xã hội được kiểm soát – và có thể kiểm soát – có một không hai như thế - những căng thẳng xã hội sinh ra từ những vụ đổ vỡ về kinh tế có thể được quản lý một cách dễ dàng.

Dù những luận cứ này có đúng đến mức nào thì cũng đã đến lúc cần phải xem xét lại. Tính chất đặc biệt của nền kinh tế Trung Quốc hiện đang bị cơn bão của những căng thẳng hiện nay đe dọa - cụ thể là quá trình tích tụ nợ ở trong nước - và những rắc rối mới, trong đó có các rào cản thương mại của Mỹ, sự phản đối về mặt địa chính trị trước dự án Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc, nhất là ở Mỹ.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã chuyển mô hình kinh tế ra khỏi xuất khẩu và hướng về các nguồn tăng trưởng ở trong nước. Nhưng việc tái cân bằng đòi hỏi phải vay thêm và đầu tư thêm, và do đó, rủi ro sụp đổ cũng lớn hơn. Kết quả là, chính phủ đã phải thận trọng, họ chỉ tạo ra những kích thích vừa phải, khi cần. Không có hướng dẫn cách thức quản lý hoạt động cân bằng này. Chính sách can thiệp tưởng như vừa phải một lúc nào đó có thể trở thành can thiệp quá mức. Một lúc nào đó, quy luật của Stein sẽ có hiệu lực.

Đe dọa trước hết đối với tăng trưởng của Trung Quốc là chính sách thương mại của Mỹ. Cho đến nay, chỉ có khoảng 50 tỷ USD giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị chính quyền Trump tăng thuế mà thôi. Nhưng trong tháng 7, Trump đã công bố vòng thuế mới nhắm vào số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Thấy được khả năng bị tổn thương ngày càng tăng, phản ứng của Trung Quốc trước những đe dọa liên tục của Trump là đặc biệt nhẹ nhàng.

Đe dọa thứ hai trước các đòi hỏi từ bên ngoài là do chính sách trọng thương của Trung Quốc đã kiệt lực. Trong những năm 1990 và 2000, Trung Quốc đã phát triển công nghiệp xuất khẩu đặc biệt lớn, một phần là do họ đã để đồng tiền của mình bị đánh gia thấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nước này tiếp tục cách tiếp cận như thế bằng những phương tiện khác, mà cụ thể là Một Vành Đai, Một Con Đường – tài trợ cho những hàng hóa và dịch vụ từ Trung Quốc. Gọi là Chủ nghĩa trọng tương Trung Quốc 2.0.

Vấn đề là Chủ nghĩa trọng thương 2.0 hiện đang bị tấn công, cả về chính trị lẫn kinh tế. Về chính trị, các nước nhận các khoản vay của Trung Quốc - từ Sri Lanka đến Malaysia, rồi Myanmar - đã và đang phản đối Một Vành Đai, Một Con Đường và mùi đế quốc chủ nghĩa tân thời của nó. Về kinh tế, các điều khoản tài chính Một Vành Đai, Một Con Đường nặng nề đã dẫn đến những khoản nợ lớn, ít nhất là ở tám nước, đấy là theo số liệu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development).

Ví dụ, Malaysia đã hủy bỏ các dự án được Trung Quốc hậu thuẫn, trị giá tới 22 tỷ USD. Sri Lanka đã quay sang IMF nhờ giúp đỡ, đấy là do nước này đã nhập khẩu quá nhiều hàng hóa của Trung Quốc. Và có thể chẳng bao lâu nữa Pakistan cũng sẽ bị buộc phải làm như vậy. Khi nhiều quốc gia cảnh giác với Một Vành Đai, Một Con Đường, họ sẽ vay và nhập ít hơn hàng hóa từ Trung Quốc.

Trong khi đó, lãi suất ở Mỹ gia tăng liên tục là cú sốc thứ ba. Khi lãi suất ở Mỹ lớn hơn lãi suất ở Trung Quốc, vốn sẽ chảy ra khỏi Trung Quốc, cũng như chảy ra khỏi những thị trường mới nổi khác trong năm nay. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng khó xử kinh điển của thị trường mới nổi. Nếu để đồng nhân dân tệ yếu, trong ngắn hạn, họ có thể làm trầm trọng thêm việc tuồn vốn ra nước ngoài và Mỹ sẽ tung ra những cáo buộc về thao túng tiền tệ. Nhưng nếu muốn giữ giá đồng tiền, họ có thể phải chi một ngàn tỷ USD dự trữ nữa, như đã từng làm vào năm 2015.

Ngoài ra, chính phủ có thể sử dụng lại các biện pháp kiểm soát vốn khắt khe. Nhưng, làm như thế là bóp nghẹt nhu cầu từ bên ngoài, phá hoại ngầm công tác quản lý kinh tế rộng lớn hơn, và làm mất niềm tin vào tuyên bố về vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của nước này (trong đó có quốc tế hoá đồng nhân dân tệ).

Giữa cơn bão do những thách thức kinh tế gây ra, càng ngày người ta càng nghi ngờ về việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang làm chủ được các sự kiện - ông ta muốn mọi người nghĩ như thế. Tập Cận Bình nên nhớ không chỉ quy luật Stein, mà cả quy luật Rüdiger Dornbusch nữa – Luật này nói rằng, “Cuộc khủng hoảng mất nhiều thời gian để tới hơn là bạn nghĩ, và sau đó nó xảy ra nhanh hơn hẳn, chứ không như bạn nghĩ”.

Trước sau gì, mô hình đặc biệt Trung Quốc cũng sẽ nhường chỗ cho các quy luật kinh tế. Thế giới nên tự chuẩn bị. Hậu quả có thể nghiêm trọng - và khác hẳn những hiện tượng đã xảy ra trong lịch sử gần đây.

Arvind Subramanian, là cựu cố vấn trưởng về kinh tế của chính phủ Ấn Độ, là giáo sư thỉnh giảng tai Harvard’s Kennedy School of Government. Ông là tác giả cuốn Eclipse: Living in the Shadow of China’s Economic Dominance.

Josh Felman là giám đốc công ty tư vấn JH.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hà Nội thời bao cấp qua ống kính người Anh


https://baomai.blogspot.com/
Tác giả chụp ảnh Hà Nội khi làm công tác ngoại giao từ năm 1980 đến năm 1982

Cuốn sách ảnh mang tên 'Hanoi After the War' - Hà Nội sau chiến tranh - của tác giả John Ramsden vừa được nhà xuất bản Skira cho ra mắt tháng Tám 2018.

Đây là một cuốn sách 150 trang gồm 100 bức ảnh đen trắng về cuộc sống của người dân Hà Nội thời kỳ nghèo khó sau những tàn phá của chiến tranh, trước khi có đổi mới.

https://baomai.blogspot.com/ 
  
Ông John Ramsden là một nhà ngoại giao Anh làm việc tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1982.

Với ham mê nhiếp ảnh ông đã ghi lại được những bức ảnh tư liệu quý giá về đời sống của người dân tại thủ đô mà các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất vẫn tiếp tục được phân phối theo chế độ tem phiếu thời bao cấp.

https://baomai.blogspot.com/ 
  
Những bức ảnh của ông Ramsden giúp thế hệ trước sống lại hồi ức những năm tháng sau chiến tranh và giúp các thế hệ sau được "tận mắt" hình dung cuộc sống mà họ từng được nghe cha mẹ, ông bà kể lại.

Cảnh phụ nữ, với những chiếc nón truyền thống mà ngày nay không mấy phụ nữ sống tại Hà Nội còn đội, xếp hàng dài trước cửa hàng rau mậu dịch hay cửa hàng gạo; tình trạng thiếu nước sinh hoạt hàng ngày được ghi lại qua hình ảnh những chiếc thùng sắt xếp rồng rắn chờ tới giờ nước máy chảy để hứng về nhà.

https://baomai.blogspot.com/
Một buổi giới thiệu sách ở sứ quán Việt Nam tại London tháng 9/2018

Chế độ phân phối mua hàng thời bao cấp cũng được thể hiện khá rõ nét qua những bức ảnh những chiếc lốp xe đạp được treo tại cửa hàng chuyên chỉnh sửa kích cỡ lốp (vì lốp được bốc thăm mới được mua lại có chu vi to hơn vành xe của mình); hay hình ảnh người ngồi đầu đường bơm xe đạp kiếm sống.

Ngày đó vẫn còn những cửa hàng bán nước sôi - một điều chắc hẳn rất lạ với người phương Tây - do tình trạng thiếu chất đốt nên mang phích đi mua nước sôi (được đun bằng bếp than) sẽ rẻ hơn tự đun tại nhà bằng bếp dầu hoả mua theo tiêu chuẩn tem phiếu.

https://baomai.blogspot.com/
Thời bao cấp đã xa

Hà Nội vào những năm đầu 1980 không thể thiếu hình ảnh chiếc tàu điện cửa sổ và cửa lên xuống trống hoác hay cả gia đình bốn người đèo nhau trên một chiếc xe đạp Thống Nhất, hoặc cảnh hành khách bám cửa xe buýt đông đúc - bức ảnh được tác giả chọn làm ảnh bìa.

https://baomai.blogspot.com/   
Hà Nội từng có tàu điện

Ông John Ramsden cho biết ông thường dùng thời gian rảnh rỗi đi bộ quanh Hà Nội với chiếc máy ảnh của mình và tất nhiên khi chụp ảnh thường phải khá kín đáo, không muốn gây chú ý vì ngày đó có rất ít người phương Tây tại Hà Nội.

Mọi tiếp xúc đáng kể nào với người dân đều không được phép tuy nhiên ông có thể tự do đi lại trong thành phố hay cả tới vùng ngoại ô Hà Nội.

https://baomai.blogspot.com/ 
  
Với con mắt của một người nước ngoài, những bức ảnh của ông đã ghi lại được những góc độ khác nhau của một Hà Nội thời hậu chiến, người dân kiếm sống bằng các nghề thủ công như cảnh cưa gỗ làm đồ chơi bán ở góc phố Tô Tịch, hay buôn bán nhỏ như cảnh mua bán, gánh hàng dong hay Chợ Đồng Xuân, và cả những bức ảnh vùng ngoại ô Hà Nội thanh bình, các đền chùa tĩnh lặng thời kỳ đó đã giúp người xem biết về một thành phố vừa thoát khỏi chiến tranh và chưa chịu ảnh hưởng của toàn cầu hoá.

https://baomai.blogspot.com/
Người dân kiếm sống bằng các nghề thủ công như cảnh cưa gỗ làm đồ chơi bán ở góc phố Tô Tịch

Mỗi bức ảnh đen trắng đều có lời giới thiệu của sử gia Dương Trung Quốc bên cạnh những kỷ niệm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà biên kịch kiêm nhà báo Phạm Tường Vân và sử gia, cựu Giám đốc Viện Tư liệu Quốc gia Vũ Thị Minh Hương, giúp người xem, nhất là độc giả quốc tế, hiểu thêm về bối cảnh của thời kỳ đó.

https://baomai.blogspot.com/
Một thành phố vừa thoát khỏi chiến tranh

Lần đầu tiên những bức ảnh này được giới thiệu với công chúng là vào năm 2010 trong một triển lãm nhỏ ở Bảo tàng Đông Á tại thành phố Bath ở miền trung nước Anh nhân kỷ niệm 1000 Năm Thăng Long.

Tới năm 2013 một triển lãm lớn hơn được thực hiện tại London vào tháng Năm (do hai cộng đồng người Việt tại Anh Vietpro và KREU đồng tổ chức) và vào tháng Mười tại Hà Nội. Và thành công của triển lãm này đã dẫn tới sự ra đời của cuốn sách ảnh bằng tiếng Việt mang tên "Hà Nội một thời" (Nhà xuất bản Nhã Nam) năm 2016.

https://baomai.blogspot.com/
Hà Nội năm 1981

Trong buổi giới thiệu sách hôm 7/9/2018 tại Đại sứ quán Việt Nam ở London, nhân dịp 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh Quốc (do Đại sứ quán kết hợp với Hội sinh viên Việt Nam tại Anh (SVUK) và Hội tri thức trẻ Việt Nam (Việt Pro) tổ chức), ông Ramsden mở đầu bằng bức ảnh chụp pano cổ động với hàng chữ "Tiến tới Đại hội Đảng V".

Ông nói cuốn sách này là một hành trình đưa ông về lại một thời kỳ rất khác.

https://baomai.blogspot.com/   
  
"Cuốn sách đã gợi lại rất nhiều kỷ niệm. Nó cũng đem lại cho tôi những mối quan hệ bạn bè mới. Với tất cả những thay đổi tốt đẹp hơn từ những năm 1980 với tôi thì thay đổi lớn nhất đó là tôi có thể tự do làm việc với những đối tác Việt Nam để thực hiện dự án này."

Lần đầu tiên những bức ảnh này được giới thiệu với công chúng là vào năm 2010 trong một triển lãmh nhỏ ở Bảo tàng Đông Á tại thành phố Bath ở miền trung nước Anh nhân kỷ niệm 1000 Năm Thăng Long.

https://baomai.blogspot.com/
Ông John Ramsden và Đại sứ Việt Nam Trần Ngọc An

Cuốn Hanoi After the War sẽ chính thức được ra mắt tại Bảo tàng Nhiếp ảnh gia (The Photographers' Gallery) vào ngày 29 tháng 11 năm 2018. Ông John Ramsden cho biết toàn bộ phim âm bản sẽ được giao cho Thư viện Anh Quốc lưu giữ.

https://baomai.blogspot.com/   




Hà Mi

https://baomai.blogspot.com/

Phần nhận xét hiển thị trên trang