Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Phải chăng, những điều bình thường đã trở nên bất thường và ngược lại?



Bùi Hoàng Tám
(Dân trí) - Ở ta lâu nay có hiện tượng rất lạ, đó là mừng những điều không thuộc diện mừng nhưng lại rất mừng, không đến mức khen nhưng lại được khen, không đáng để thề nhưng lại cũng thề bồi, hứa hẹn… Phải chăng những điều bình thường đã trở nên bất thường và ngược lại?

Ví như chuyện khen thưởng cho người không nhận hối lộ chẳng hạn. Ơ hay, nhận hối lộ là vi phạm pháp luật, nhẹ thì đuổi việc, nặng thì ra tòa. Thế thì không nhận hối lộ, sao lại được… khen nhỉ?

Rồi là cán bộ Hai quan, không tiêu cực, tham nhũng là đương nhiên, là bình thường chứ sao lại phải… 100% cán bộ ngành Hải quan thề không tham nhũng, tiêu cực nhỉ?

Mới đây nhất, tại buổi họp về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018 diễn ra chiều 2/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói: “Bây giờ chúng ta phải thẳng thắn và mạnh dạn với nhau, nếu làm không được việc thì phải chuyển chỗ khác, mời làm việc khác”.

Thật ra, câu này rất bình thường, tất yếu. Không làm được việc này thì cho đi làm việc khác. Thậm chí, ra khỏi đội ngũ để khỏi vướng chân “Đó rách ngáng chỗ”.

Thế nhưng, ông Chủ tịch cũng phải “rào đón” bằng những cụm từ “thẳng thắn, mạnh dạn” mới nói ra. Và dư luận thì mừng, nếu như ông Chủ tịch làm như thế thật!

Cũng trong ngày 2.8, tại buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng nói:

“Chúng ta kêu gọi xây dựng thành phố đáng sống mà tù mù hết thì làm sao? Ở các sở như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường, việc các sở cấp một giấy phép rồi công khai, tôi nghĩ không vấn đề gì. Giấy phép này cấp cho tòa nhà này và mọi người có thể biết được nó bao nhiêu tầng, tỷ lệ xây dựng, giải pháp xây dựng, quy mô như thế nào. Không có gì phải bí mật. Sổ đỏ đã cấp đương nhiên là phải công khai, chẳng có gì phải giấu giếm hay sợ tên ông này ông kia”.

Có thể nói, đây là câu nói bình thường về một chuyện cũng bình thường. đương nhiên “chẳng có gì phải giấu giếm…”. Thế nhưng dư luận cũng thấy mừng bởi hình như xưa nay, chuyện “giấu giếm”, “bí mật”, “tù mù” mới là bình thường, còn công khai, minh bạch mới là… bất thường.

Điều đáng suy nghĩ là hiện nay, có những điều không thuộc diện “mừng” nhưng lại… rất mừng, có những điều bình thường lại thành bất thường. Có điều, chỉ trong một môi trường bất thường thì điều bình thường mới trở thành bất thường và ngược lại, những điều bất thường lại trở thành bình thường.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những tâm hồn ..."quạ tha"



Mạnh Quân
(Dân trí) - Trong mấy tuần qua, ở nhiều địa phương, xảy ra những vụ tai nạn thương tâm. Nhưng buồn hơn, ở một số vụ tai nạn ấy, người ta thấy những hành động, cử chỉ xấu khó tưởng tượng của một số người và cả sự bàng quan, lạnh lùng của những người xung quanh khi thấy những câu chuyện xấu, những người xấu ấy.

Chuyện gần nhất, như Dân trí đã đăng tin ngày 11/8, có sự xác nhận của cơ quan chức năng: Tối ngày 10/8, tại đường 17/10 TP Lạng Sơn, một người lái xe ô tô, sau khi tông phải một bà cụ đi rất chậm qua đường, khiến cụ bà ngã, đập đầu xuống đất, nằm bất động. Người lái xe sau đó đã kéo nạn nhân vào vỉa hè rồi bỏ đi.

Chỉ sau khi clip trên được đăng tải trên mạng xã hội, thấy không thể trốn tránh được, người lái xe mới lên Công an thành phố Lạng Sơn trình báo.

Hành động và thái độ của người lái xe rõ ràng rất đáng lên án và người này chắc chắn sẽ bị xử phạt nặng. Nhưng điều đáng nói nữa, chứng kiến sự việc trên, như clip được đăng tải, có khá nhiều người dân ở khu vực đó và nhiều người đi qua đường chứng kiến sự việc, nhưng không ai ra giúp đỡ bà cụ, cứ để cụ bà nằm vạ vật ở vỉa hè rất lâu cho đến khi có người đến đưa bà vào bệnh viện.

Đã từ khi nào, người ta vô cảm đến vậy với nỗi đau của những người xung quanh mình, nhất là ở đây là một cụ già bất ngờ gặp tai nạn? Chắc cũng khó có thể phạt răn đe những người thấy người khác gặp nạn mà không cứu. Nhưng liệu có ai sẽ nhắc họ để tự vấn lương tâm mình?

Trước đó, cũng chỉ hơn 10 ngày, chắc ai cũng nhớ đến vụ đoàn xe rước râu gặp tai nạn trên quốc lộ 1A khiến 13 người chết, nhiều người bị thương, được đưa vào điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng.

Một tai nạn khủng khiếp và thương tâm như vậy nhưng thật khó tin, như báo Pháp luật TPHCM và nhiều tờ báo khác đã đăng tải: Bệnh viện đã xác định có một số người giả danh làm người nhà của các bệnh nhân để nhận tiền của các nhà hảo tâm, của những người dân gửi tới hỗ trợ gia đình các nạn nhân tại bệnh viện này.

Thật không thể tưởng tượng được tại sao lại có những con người xấu xa như vậy. Trong một hoàn cảnh rất tang thương, họ có thể nhẫn tâm giả mạo, ăn chặn tiền từ thiện, hỗ trợ các nạn nhân của vụ tai nạn đó.

Tất nhiên, những người này có thể coi là đã lừa đảo và cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xác minh, bắt giữ để xử lý nghiêm những người có hành vi tồi tệ trên, bắt họ phải trả lại tiền cho gia đình các nạn nhân để họ có thêm tiền chữa bệnh cho người nhà.

Ở cả các vụ việc như trên, có thể nói, trong xã hội, vẫn có những hành động, việc làm của những kẻ mà khó có thể gọi đó là những việc của con người làm. Những người có việc làm, thái độ xấu như vậy quả không có chút nào tình người. Nếu vẫn có cái gì đó gọi là tâm hồn ở những người nay, ta chỉ có thể gọi đó là dạng tâm hồn... quạ tha.

Tất nhiên là trong xã hội, ngay ở những nước phát triển, cũng vẫn luôn có nhiều người tốt, đa số là người tốt, nhưng vẫn có những người xấu. Như ở Nhật, chúng ta đã thấy vừa qua, tại thành phố Matsudo Nhật Bản, một bé gái người Việt đã bị hành hạ đến chết bởi một người đàn ông tên là Yasumasa Shibuya và tên này đã bị tòa kết án chung thân.

Hệ thống giáo dục dù ưu việt mấy, thì vẫn có thể có những con người xấu, có hành vi phi đạo đức. Nhưng quan trọng hơn, có lẽ, cần có hệ thống giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở địa phương. Và đáng tiếc, ở ta, hiệu quả giám sát của hệ thống này cũng chưa bao giờ được đánh giá cao.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

Người Iceland sinh tồn bằng xác động vật thối rữa


https://baomai.blogspot.com/ 
Tuyết rơi cao xung quanh chái nhà ngoài nhỏ của nhà hàng mà tôi đang ngồi, chỉ cách đại dương rét buốt vài ba mét, nhưng bên trong này thì ấm áp, được trang trí với những chiếc lưới cá và mai cua và thi thoảng là hình ảnh vài chú lùn.

Trên chiếc đĩa trước mặt tôi là món xúc xích gan được chế biến bằng nước sữa chua, thịt cừu xông khói từ lửa nhóm bằng phân và một chút cá thối rữa có mùi khai nồng.

Món xúc xích gan chua vừa phải và món thịt cừu thì cho ta thấy rõ rằng bọn cừu tiêu hóa không tốt cho lắm - tức là ta cũng có thể gọi đó là món thịt cừu thui cỏ.

Mùi vị kinh khủng

Khi tôi giơ chiếc nĩa lên với miếng cá đầu tiên, có một giọng nói từ phía bên kia căn phòng la với sang phía tôi.

"Skata! Ha!"

https://baomai.blogspot.com/ 
Skate, hay món cá thối, là món ăn truyền thống ở Iceland

Đó là một anh chàng Băng Đảo trong độ tuổi từ khoảng 25-29, lùn, để râu cằm và trông phục phịch một chút - một người hướng dẫn du lịch đưa vào vài du khách Trung cộng.

Tên anh là Gísli, người là hướng dẫn của tôi vào đêm trước đó ở thị trấn nhỏ miền bắc Akureyri này. Chúng tôi đã có một buổi tối đáng nhớ đuổi theo Bắc Cực quang trong chiếc xe thể thao SUV của anh, nghe tiếng đàn glockenspiels, tiếng chập cheng, tiếng đàn guitar và giọng gió vốn bao trùm trong âm nhạc nổi tiếng là êm dịu và thanh thoát của Băng Đảo.

"Ngon chứ? Anh thích chứ?" Gísli cất giọng ồm ồm. Tôi nói với anh ấy là tôi vẫn chưa ăn thử.

"Anh sẽ thích nó! Nó thật kinh khủng!"

https://baomai.blogspot.com/ 

Sau đó tôi ăn thử. Món cá đuối nóng hổi do chỉ vừa được lấy khỏi lò, nhưng cái độ phỏng mà tôi cảm giác trên đầu lưỡi là hiệu ứng hóa học - kết quả của phản ứng hóa học mạnh mẽ đang diễn ra trên miếng cá đang phân hủy. Tôi đã cau mày nhăn mặt.

"Ha!" Gísli quay lại ở phía bên kia căn phòng với nhóm khách của mình nhưng vẫn để mắt tới tôi. "Kinh khủng phải không? Ha, tôi rất thích món này. Họ đưa tôi một miếng, tôi sẽ ăn hết và xin thêm. Món ăn ngon của người Viking! Nồng! Ha!"

Khó mà đoán biết được dưới chiếc áo ấm dày cộp và chiếc áo khoác to dầy của anh ấy trông thế nào, nhưng có lẽ với tiếng 'ha' sau cùng anh ấy đã ưỡn ngực lên.

Quan hệ đặc biệt với thức ăn

Tôi ăn hết miếng cá còn lại và quay trở lại tiệc buffet để lấy một ít thịt thủ cừu. Đó là ngày thứ hai trong chuyến đi kéo dài một tuần của tôi, và chỉ mới là bữa ăn thứ ba.

https://baomai.blogspot.com/ 

Nhưng ngay tại bữa trưa vào ngày hôm trước ở một nơi gọi là Kaffi Kú (Quán ăn Bò), nơi tôi đã ăn một tô bò hầm to trong một phòng ăn mà xung quanh là kính nhô ra bên trên chuồng gia súc nơi những con bò trước khi được đưa đi chế biến món ăn đang đi qua đi lại.

Tôi đã có ấn tượng rằng người dân Băng Đảo có một mối quan hệ khác với thức ăn của họ so với hầu hết các dân tộc khác.

Đưa con người đến sát với nguồn gốc thức ăn của họ là điều hợp lý đáng ngưỡng mộ, nhưng món cá thối đó thì không hề chút nào. Khi tôi ăn ở các nơi dọc đường đến thủ đô Reykjavik và khắp các chỗ trong thành phố, được ăn những món ăn thối hơn, chua hơn và được xông khói bằng phân nhiều hơn, tôi đã có cảm giác rằng nền văn hóa ẩm thực Băng Đảo không chỉ lạ lùng mà còn đặc trưng nữa.

https://baomai.blogspot.com/ 

Mặc dù việc ăn những bộ phận rẻ tiền hơn và thường là ít có vẻ ngon lành hơn của động vật và cây cỏ không có gì là lạ - mỗi nền ẩm thực quốc gia khác mà tôi đã từng thử qua đều tự hào họ đã chế biến được ngon như thế nào món bao tử bê (người Bulgaria gọi là shkembe), món óc cừu (người Ma-rốc gọi là mokh mchermel) hay món đuôi bò (món đuôi bò hầm của người Jamaica).

Nhưng dường như những người Băng Đảo như Gísli lại thích thú với việc món ăn truyền thống của họ tệ đến mức nào.

Không phải người Viking

Mọi người thường nghĩ rằng người Viking đối với người Băng Đảo cũng gần giống như người La Mã đối với người Ý. Và người Viking thì khét tiếng là chì - họ cười thẳng vào mặt gian khổ, họ có thể chịu đựng đến cùng cực và đánh thẳng vào ngay giữa lòng kẻ thù.

https://baomai.blogspot.com/ 

Nhưng đây mới là vấn đề: người Băng Đảo không phải là người Viking. Chưa bao giờ.

Theo một chú dẫn tương đối khiêm tốn ở gần điểm bắt đầu của cuộc triển lãm thường trực 871±2 tại Bảo tàng Thành phố Reykjavik, người Băng Đảo chủ yếu là hậu duệ của những nông dân Na Uy muốn thoát khỏi ách của người Viking và canh tác trên cánh đồng của họ và chăn nuôi gia súc một cách yên bình.

"Đó là một trong những điều mới mẻ tuyệt vời," ông Jesse Byock, tác giả của cuốn 'Băng Đảo trong Kỷ nguyên Viking' và là giáo sư lịch sử Băng Đảo thời ban sơ và văn học saga Na Uy cổ tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA) và đồng thời ở Đại học Băng Đảo, cho biết.

"Người Băng Đảo chưa bao giờ thật sự gắn kết họ với thế giới của người Viking, họ luôn là người Băng Đảo. Tuy nhiên những người trẻ thì rất háo hức về người Viking, và tất cả bọn họ đều cố gắng để chứng tỏ rằng họ có thể ăn những thứ này."

https://baomai.blogspot.com/ 

Người Băng Đảo luôn ăn món ăn này - những thanh thịt cá mập thối rữa nổi tiếng có tên gọi là hákarl có bán ở các cửa tiệm thông thường bên đường ở Reykjavik - nhưng khi ngành du lịch vượt qua ngành nông nghiệp và đánh cá, chiếm 31% tổng doanh thu xuất khẩu vào năm 2015 thì thế hệ trẻ đã chấp nhận cái vỏ bọc Viking mà du khách thích thú - có thể họ đã xem mình gắn bó hơn với di sản này.

Lịch sử đói kém

Tuy nhiên theo ông Byock thì lịch sử thật sự đằng sau món ăn này, và mối quan hệ của người Băng Đảo hiện đại với nó, thì thú vị hơn nhiều so với những chòm râu xồm xoàm và những chiếc mũ có chóp nhọn của người Viking.

https://baomai.blogspot.com/ 

Khi những người dân Scandinavia đầu tiên ra đến Băng Đảo vào năm 871 (có thể là sớm hơn hay muộn hơn đôi ba năm - đó là lý do cuộc triển lãm đó có tên gọi 871±2), họ đã tìm thấy một hòn đảo có cây cối rậm rạp vốn dường như thích hợp để canh tác.

Nhưng khi những người định cư bắt đầu xuất hiện trong vòng 100 năm kế tiếp, nói cho đúng ra họ thật sự đến vào khoảng thời gian năm 1.000, họ đã dần dần nhận ra được tất cả những cánh rừng mà họ đã chặt xuống để lấy gỗ xây nhà và lấy củi sưởi ấm thì không mọc trở lại, và đàn cừu của họ thì gặm cỏ ở khắp nơi.

Khi không còn cây cối nữa, lớp đất mặt bắt đầu bị xói mòn, khiến cho việc trồng trọt hoặc chăn nuôi gia súc trở nên rất khó khăn và thường là không thể làm được.

Họ ở cách lục địa châu Âu tới mức không thể nhập khẩu thực phẩm và do đó nền văn hóa và xã hội Băng Đảo đã phát triển trong một trạng thái gần như lúc nào cũng thiếu đói, lúc nào cũng bên bờ vực bị chết đói, và họ phải ứng biến với tất cả những thứ gì mà họ có thể chộp lấy và săn tìm, và sử dụng phân khi không có gỗ để sưởi ấm và nấu nướng.

"Giả sử xảy ra một cơn bão," ông Byock nói. "Một con cá voi bị chết và chìm xuống dưới đáy rồi sau nổi lên, trôi dạt vào bờ biển, anh sẽ có hàng tấn thịt. Anh sẽ làm gì đây? À, trước hết, anh phải chém giết lẫn nhau để xem ai có thể có được nó, sau đó anh kéo nó lên, anh có những thùng nước sữa và bỏ những tảng lớn thịt cá voi vào trong đó."

https://baomai.blogspot.com/ 

Tổ tiên của người Băng Đảo là những người kiên cường, nhưng họ không phải là người Viking. Họ là những người nông dân đang chết dần mòn vì đói và phải làm mọi thứ để sinh tồn.

Bí quyết sinh tồn

Mặc dù giờ đây người Băng Đảo không còn ăn xác cá voi trôi dạt vào bờ nữa, nhưng cách tìm xác chết để làm thức ăn này chính là nguồn gốc của món hákarl, phiên bản nhẹ nhàng hơn của món cá đuối thối mà tôi ăn ở Akureyri.

Mặc dù thịt của những cá mập Greenland khổng lồ thường là độc đối với con người - nồng độ urea cao dẫn đến những khó chịu ở da, mắt và hệ hô hấp - nhưng một khi được để cho thối rữa một chút, theo cách làm truyền thống là trong một cái hốc ở bãi biển (ngày nay đặt trong những cái thùng nhựa), thì nó sẽ trở thành một nguồn protein quý giá.

https://baomai.blogspot.com/ 

Cá đuối và các loại các mập lớn khác cũng có độc như vậy, nhưng cũng có thể ăn được khi được để cho thối rữa hoặc lên men. Và do nó đã bị thối rữa, nó cũng được bảo quản rất tốt.
Cho nên qua hàng trăm năm, những thực phẩm có mùi vị kinh tởm này lại chính là làm nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Khả năng của người Băng Đảo chịu được mùi vị thật sự khủng khiếp là chìa khóa quan trọng giúp cho họ tồn tại và sự phát triển của Băng Đảo cũng như tầm quan trọng của khả năng người Viking thứ thiệt đối phó với những gian khổ trong việc đi xa và đánh trận đối với bán đảo Scandinavia.

Với hai triệu du khách đến thăm mỗi năm, ẩm thực quốc gia của Băng Đảo đã thay đổi trong vòng ba thập niên qua và nghiêng nhiều về phía pizza, mì ống và burger. Nhưng đây vẫn là một quốc gia nhỏ, với chỉ 330.000 dân, và truyền thống của họ không chỉ là những điều thu hút du khách; đó là điều giúp neo giữ những người Scandinavia đã phải rời bỏ quê hương này với quá khứ và kết nối họ với nhau.

https://baomai.blogspot.com/ 

Mỗi mùa Giáng sinh, và mỗi tháng Þorri - tháng cổ của người Băng Đảo tương ứng với cuối tháng Giêng và đầu tháng Hai - là thời gian được dành cho các món ăn truyền thống mà, bên cạnh các loại cá thối rữa còn có món tinh hoàn cừu (súrsaðir hrútspungar), thủ cừu luộc với phần lông được thui (svið), thịt cừu xông khói (hangikjöt), chi trước của hải cẩu (seishreifar) và mỡ cá voi được ủ trong sữa chua (súr hvalur).

Bạn có thể tìm thấy những suối nước nóng như Đầm Xanh nổi tiếng và những đồng băng bao phủ nội địa của hòn đảo ở một số nơi, nhưng tôi không biết có quốc gia nào khác mà lịch sử, sự phát triển và sự sống còn của nó lại gắn chặt một cách có ý thức và được tôn vinh trong nền ẩm thực đến như vậy.

Và thật lòng mà nói, món thịt thủ cừu thì rất ngon.




Bert Archer

https://baomai.blogspot.com/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

để yêu và tuyệt vọng



tôi tự gọi mình là nhà thơ
tôi ngồi ở đây
một mình
mùi cà phê chảy qua
tĩnh mạch cổ tay
với những bài hát nàng đã lén mang đi đâu
mất
chỉ tôi vẫn còn ở đây
viết về những gì đang xảy ra
nhàm chán
tôi tự gọi mình là nhà thơ
nhưng tôi không thể sử dụng phép ẩn dụ
tôi cũng không thể mô tả đầy đủ
những gì tôi cảm thấy
tôi tự gọi mình là nhà thơ
nhưng tôi là ai?
tôi chỉ là một đứa trẻ
sợ cuộc sống
tìm mọi cách để đối phó
tìm kiếm ai đó
để yêu
và tuyệt vọng
bạn thấy không?
bạn không thấy sao?
tôi muốn tin rằng đây là một giấc mơ
hay
một cơn ác mộng
nhưng cuối cùng
tôi mong ước tôi có thể ở bên bạn
hoặc
có thể là do bạn đã chết
tôi khao khát bạn
tôi thèm bạn
với ly cà phê thức dậy trong giác quan của tôi
chảy trong mạch máu
mùi cà phê sau khi đi đái
như một đứa trẻ trong mùa hè thức
dậy sớm để đi chơi với bạn bè
tôi ước mọi thứ
vì tôi không phải ước mơ gì...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nền giáo dục dối trá sẽ tạo ra đất nước toàn dối trá


 
Phạm Dương Ngọc - Nền giáo dục nước nhà, nói thẳng ra, thì dối trá từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Chẳng có đất nước nào mà tiến sĩ, giáo sư nhiều như Việt Nam, phải nói là nhiều như lợn con. Một đất nước mà lắm giáo sư, tiến sĩ, lẽ ra phải mừng, vì đó là nước mạnh, có nền giáo dục tốt. Ấy thế nhưng, vì nó toàn là dối trá, nên nó biến thành trò hề cho thiên hạ.Gốc rễ của đất nước, chính là giáo dục. Nhưng nhìn lại nền giáo dục nước nhà, thực sự là một thảm họa, chưa nhìn thấy lối thoát.

Giáo sư tiến sĩ nhiều như thế, mà đố có công trình nghiên cứu nào ra hồn. Các đề tài khoa học chủ yếu là để đốt tiền dự án nhà nước, là thuế của dân, xong vứt cho mọt ăn. Chiếc xe đạp làm không nổi, con ốc vít làm không xong, máy cày phải để nông dân tự mày mò sáng chế. Dược liệu cây thuốc thì gần như mù tịt, không biết một cái gì, để nông dân và con buôn “cầm chim cho thằng Tàu đái”, một cách nhục nhã.

Cái xã hội trọng bằng cấp và bằng cấp phần nhiều là đi mua, chạy chọt và tào lao, thì nó là sự dối trá và mục ruỗng toàn diện.

Không chỉ mua bằng mua cấp, mà ngay cả những người ở trong ngành giáo dục, thầy cô, cũng phải chạy chọt để có được việc làm, được biên chế, thì sự dối trá đã lan xuống tận lớp học. Không trách được các thầy cô, bởi không chạy chọt thì hiển nhiên là không có việc. Như cô thủ khoa sư phạm xuất sắc ở Hà Giang là một ví dụ, ra trường mấy năm, mà không xin được việc làm, dù rất yêu quê hương và muốn được cống hiến.

Kỳ thi tốt nghiệp PTTH suốt mấy chục năm qua, là một sự dối trá toàn diện, ai cũng biết, ai cũng thấy, và có lẽ cả lãnh đạo cao nhất của bộ này cũng coi sự dối trá đó là hiển nhiên. Nói thẳng băng ra, nếu việc tổ chức thi cử, coi thi, chấm điểm nghiêm túc, thì 70-80% học sinh sẽ trượt tốt nghiệp. Quả thực rất khó để một học sinh học tốt toàn diện, cả tự nhiên, xã hội lẫn ngoại ngữ, để tốt nghiệp được kỳ thi, nhất là đạt điểm cao. Ấy thế mà, từ xưa đến nay, học sinh thi đỗ tốt nghiệp PTTH toàn 98-99%, thì chỉ có “ngẫn” mới tin nổi. Kỳ thi này là một sự dối trá khủng khiếp nhất, to lớn nhất và toàn diện nhất.

Kỳ thi này, đánh dấu sự ra đời, trưởng thành, bước ngoặt vào đời của một con người. Sau đó, sẽ chọn lựa nhân tài, đào tạo đại học, là nòng cốt, tương lai cho đất nước. Thế nhưng, nó đã bị sự dối trá dẫn đường. Cho nên, tiếp đó, giảng đường đại học, sẽ tạo ra rất nhiều cử nhân vừa ngu dốt vừa mang tâm thế của những kẻ dối trá phục vụ xã hội.

Thử nghĩ xem, rường cột của đất nước toàn là sự giả dối, lươn lẹo, hình thức, thì tương lai đất nước này sẽ đi về đâu? Khắp nơi chỉ thấy chạy chọt, đục khoét, chọc ngoáy kiếm ăn, cán bộ thì ngày 8 tiếng nghĩ cách đục đẽo để hoàn vốn, để đầu tư thăng tiến, thì quả thực, nhìn mãi chẳng thấy tương lai tươi sáng cho đất nước ở chỗ nào.

Căn bệnh dối trá và ưa hình thức của ngành giáo dục, chính là cái gốc rễ gây ra sự trì trệ cho đất nước này. Nền giáo dục lệch lạc và lươn lẹo đã đào tạo ra những lớp người toàn thủ đoạn, chẳng có lương tâm và không có chút tự trọng, chỉ đặt lợi ích bản thân lên đầu. Không có tự trọng, thì sẽ không biết nhận sai, không biết sợ, không nhận trách nhiệm và không bao giờ từ chức.

Câu chuyện của Hà Giang là một ví dụ điển hình cho sự thối nát của nền giáo dục một cách có hệ thống. Ai dám khẳng định các giáo viên, kể cả cắm bản không phải chạy chọt để có chỗ làm việc? Ai dám khẳng định rất nhiều giáo viên không ăn bớt miếng thịt của học sinh? Sự thối nát hệ thống giáo dục đã tạo ra lớp quan chức chính quyền đểu cáng, đã tạo ra một Sầm Đức Xương điển hình của sự tồi tệ đốn mạt đến không tưởng tượng nổi, đã bắt cả chục học sinh vị thành niên của mình đi phục vụ tình dục cho quan chức tỉnh, trong đó có cả chủ tịch tỉnh.

Lẽ ra, Sầm Đức Xương cùng cả chục quan chức đó phải lên máy chém để làm gương cho thiên hạ, ngành giáo dục phải xem xét lại toàn diện, ấy thế nhưng, chỉ có Xương và chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô bị vài năm tù, còn lại thoát hết, lại tiếp tục thăng quan. Sự dối trá, lừa lọc chạy chọt, bao che, bất chấp dư luận, là cái Nhân để tạo ra cái Quả dối trá khổng lồ, đó là vụ sửa điểm, chạy điểm cho toàn con quan ở Hà Giang hôm nay.

Đã có thông tin, việc thanh tra ở một số tỉnh khác có thể không tìm ra sai phạm. Cũng có thông tin người ta muốn gói gọn sự việc lại, bởi sợ bung bét ra thì kinh khủng lắm. Nếu không làm đến cùng, thanh tra toàn diện và nghiêm túc, cho nó bung bét hẳn ra, thì thực sự cái ung nhọt này chưa bị vỡ, chưa được cắt bỏ. Và, cái Quả thảm khốc trong tương lai thì đất nước này lãnh đủ.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

một bí ẩn chính trị.


Nhà báo - Đại tá Bùi Tín

Trần Đình Thu

NHỚ LẦN ĐƯỢC GẶP NHÀ BÁO BÙI TÍN 

Gặp ở đây là được nghe ông nói chuyện giữa hàng ngàn cử tọa trong hội trường thôi, chứ không phải là gặp gỡ ông. Đó là vào năm 1984, khi đó tôi là sinh viên mới nhập học ở Đại học Tổng hợp Huế. Vào trường khoảng 10 ngày gì đó thì sinh viên bọn tôi nhận thông báo lên số 3 Lê Lợi để nghe nhà báo Thành Tín nói chuyện thời sự. Hồi đó tôi nhớ người ta giới thiệu ông là nhà báo Thành Tín chứ không giới thiệu Bùi Tín. Bùi Tín là sau này mới nghe dùng.
...


Quãng năm 1984 thì ông mới năm sáu năm bảy tuổi, tướng tá cao lớn đẹp trai trí thức, đến nói chuyện với sinh viên trong tư cách là Phó tổng biên tập báo Nhân Dân, oai phong ghê gớm. Quá lâu rồi tôi không nhớ ông nói những nội dung gì, chỉ nhớ ấn tượng về một ông cán bộ cao cấp đến nói chuyện với sinh viên mà thôi.
...
Đến năm 1990, thông tin ông đi công tác ở Pháp rồi xin ở lại tị nạn chính trị rộ lên. Tôi nhớ lúc ấy đài BBC liên tục nói về chuyện này. Vào lúc ấy chưa có vấn đề bất đồng chính kiến như bây giờ mà xã hội khá bình lặng, nên câu chuyện của ông là một ca lạ.
...
Về phần ông, dường như ông cũng chưa bao giờ tiết lộ lý do thật vì sao ở lại Pháp, trong khi ông đang ở một vị trí rất dễ lên cao. Có lẽ đây cũng là một bí ẩn chính trị.
...
Về mặt sâu xa, ông không phải là một nhà bất đồng chính kiến như ông Cù Huy Hà Vũ, dù rằng sau này ông có viết sách và trả lời phỏng vấn như một nhà bất đồng chính kiến. Lý do ở lại Pháp là một bí ẩn không bao giờ được tiết lộ vì nay ông đã mãi mãi đi xa.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

TÔI “LIÊN LỤY” BÙI TÍN





Phạm Xuân Nguyên

Nhân ông Bùi Tín mất (1927 – 2018) tôi nhớ lại chuyện này. Tôi không gặp ông trong đời. Nhưng cuốn sách “60 ngày ở Sài Gòn” ông viết (với bút danh Thành Tín) về thời gian tham gia ủy ban quân sự liên hợp bốn bên sau hiệp định Paris 1973, tôi đã đọc từ hồi học phổ thông. Tôi cũng đã đọc các cuốn “Mặt thật”, “Hoa xuyên tuyết” ông viết khi đã đi khỏi nước. Sau ngày ông sang Pháp và quyết định ở lại làm một “dissident” (người ly khai, bất đồng chính kiến) ông đã có nhiều bài viết và bài trả lời phỏng vấn trên các báo chí hải ngoại. Và một trong những bài đó đã khiến tôi bị “liên lụy”.

Đó là một ngày tháng hai năm 1992, đúng ngày rằm tháng Giêng Nhâm Thân. Chi bộ Viện Văn học đang họp tại trụ sở cơ quan 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ngồi họp tôi thấy có mấy tờ photocopy ai đó để trên bàn và các đảng viên tranh thủ cầm đọc. Tôi cũng cầm lên đọc xem là cái gì. Thì ra đó là bài phỏng vấn nhà báo Bùi Tín, hình như là trên tạp chí “Diễn Đàn” của nhóm trí thức người Việt tại Paris thì phải, tôi không nhớ rõ. Ngoài những chuyện về chính trị, trong bài phỏng vấn có mấy câu hỏi và trả lời liên quan đến chuyện văn chương khi ông Bùi Tín kể về mối giao tình xướng họa thơ giữa thân phụ ông là cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban thường trực Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (khóa I) với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc thời kháng Pháp. Thấy hay hay tôi tính sẽ photo lại bản photo này làm tư liệu. Nghĩ là làm, đến giờ giải lao cuộc họp chi bộ tôi cầm lấy một bản trên bàn đi ngay. Có mấy anh chị đảng viên hỏi tôi cầm bản đó đi đâu, tôi bảo là đi photo, họ dặn làm cho họ mấy bản luôn và còn nói là đi nhanh nhanh về mà họp tiếp. Tôi vâng và đi ra cửa hàng photocopy ở 21 Tràng Thi là nơi tôi hay đến làm vì gần cơ quan và giá rẻ. Tới nơi cửa hàng khá đông người và tôi đặt làm bốn bản, kể cả bản mang đi coi như bản gốc nữa là năm bản. Khi tôi đang đứng cạnh cái máy chờ lấy các bản photo mang đi thì bỗng có hai thanh niên mặc đồ trắng đứng sát tôi từ lúc nào không biết cầm mấy tờ giấy lên lật lật xem xem rồi nói: - Anh photo gì đây, à tài liệu của Bùi Tín, mời anh đi theo chúng tôi. Thú thực nghe họ nói thế tôi lạnh cả người vì đây là lần đầu tiên tôi bị lâm tình huống với công an. Vâng, khi họ nói thế tôi biết chắc hai người đó là công an. Khi đó là khoảng mười giờ sáng. Họ cầm tập giấy photo đưa tôi về đồn công an quận Hoàn Kiếm (2 Tràng Thi). Tôi được dẫn lên tầng hai vào một căn phòng vắng vẻ. Vừa ngồi xuống họ hỏi ngay: Anh lấy tài liệu này ở đâu, ai đưa cho, đưa lúc nào, ai bảo đi photo, nhằm mục đích gì. Tôi tình thật kể toàn bộ sự việc như đã viết ở đoạn trên. Tôi nhấn mạnh: tôi đi photo tập tài liệu này là vì đọc thấy trong đó có mấy chỗ liên quan đến văn học vì tôi làm nghiên cứu văn học hiện đại, chỗ các anh đây và chỗ cơ quan tôi đều ở bên này bên kia Hồ Gươm, tôi đang họp chi bộ, các anh cho tôi gọi điện về báo để chi bộ biết và có thể cho người sang làm chứng, hoặc các anh gọi điện đến thì rõ mọi việc, hoặc nữa các anh cho người sang đó thì biết. Họ không cho và cứ hỏi xoáy vào tài liệu này ai đưa, qua cách hỏi tôi biết họ muốn truy tìm tổ chức vì nghĩ đây chắc là hoạt động của một tổ chức nào đó. Trong lúc người hỏi thì có người gọi điện (điện thoại bàn, hồi ấy chưa có điện thoại di động) mà nghe qua câu chuyện thì tôi biết là báo cáo sự việc của tôi lên một A nào đó trên Bộ Công an, tôi nghe loáng thoáng như là A16 thì phải. Rồi họ để tôi ngồi chơ chỏng đó một lát, sau đó một người đi vào đưa giấy bút bảo tôi viết lời khai. Tôi hỏi khai gì. Họ bảo cứ khai toàn bộ sự việc. Nói rồi anh ta bỏ đi. Tôi viết như tôi đã nói. Viết xong để trên bàn, tôi ngồi một mình ngó ngông trong phòng và nghĩ ở cơ quan cuộc họp chi bộ tiếp tục mọi người không thấy mình về chắc lại cho thằng Nguyên kiếm cớ bỏ họp đi đâu rồi (điều này quả nhiên đúng, về sau mọi người đều trách tôi kiếm cớ bỏ họp nửa chừng).

Tôi cứ ngồi thế cho đến khoảng mười một rưỡi thì một loạt người kéo vào phòng. Nghe qua những lời trò chuyện, đối đáp của họ thì tôi tạm biết: có người trên Bộ xuống và phần nhiều là các trinh sát vừa từ ở các chùa chiền về, khi đó tôi mới hay hôm nay là Rằm Giêng. Tất cả đều mặc thường phục. Tôi như không có mặt ở trong phòng, cho đến lúc một cô - một trinh sát nữ - ngó thấy tôi lạ mắt mới cất tiếng hỏi đồng nghiệp và biết được sự việc. Nghe xong cô này bảo với anh kia: ô hay quá, em cũng nghe nói ông Bùi Tín mà chưa biết thế nào, cho em mượn một tập về xem nhé. Mấy người khác nghe nói thế cũng xúm vào. Thế là năm tập tài liệu tôi photocopy phút chốc biến mất. Cảm giác của tôi lúc đó là một sự bực tức còn nhớ mãi đến nay. Tôi nghĩ trong đầu: mấy cô cậu kia là cái quái gì mà được đọc tài liệu đó, còn mình là dân nghiên cứu muốn lấy nó làm tài liệu chuyên môn thì bị bắt!

Ồn ào một lúc tất cả bọn họ về nhà hoặc rủ nhau đi ăn trưa. Tôi lại bị bỏ mặc một mình trong cảnh vắng vẻ mà gần ngay ngoài cửa sổ là Hồ Gươm và bên kia hồ là cơ quan mình làm việc. Tôi nghĩ không biết việc này rồi thế nào, có lẽ tối nay mình sẽ bị tam giam. Nếu thế phải ứng phó ra sao.

Giờ trưa đi qua không ăn không uống, không hỏi không nói. Đầu giờ chiều thảng có người tạt vào phòng nhưng không động gì đến tôi. Tới khoảng ba giờ thì tôi mới lại được “làm việc”. Họ bảo bây giờ sẽ cho tôi về. Tôi bảo muốn lấy lại mấy bản photo, họ nói không được. Vậy tôi chào về. Vừa bước chân chưa ra khỏi cửa phòng bỗng có tiếng gọi giật lại: - Chúng tôi sẽ cho hai cán bộ theo anh về nhà để thu giữ những tài liệu như thế này có ở nhà anh. Vâng, trong cuộc khai hỏi hồi sáng tôi có nói là kiểu những tài liệu liên quan đến văn học như thế này từ sách báo hải ngoại thì tôi có vì để phục vụ công việc chuyên môn, cũng như nhà tôi toàn là sách ngoại quốc thôi. Vậy là ba giờ chiều ngày 18/2/1992, sau khi ngồi đồn sáu tiếng đồng hồ, tôi bước chân ra khỏi trụ sở công an quận Hoàn Kiếm ở số 2 Tràng Thi, đi bộ lững thừng về Viện Văn học số 20 Lý Thái Tổ, sau lưng có hai thanh niên cùng đi.

Nhà tôi khi đó là căn phòng 9 mét vuông ở bên hông cơ quan. Khi tôi cùng hai "khách lạ" về đến nơi thì vợ tôi đang cùng mấy người trong khu tập thể đứng trò chuyện trước cửa nhà. Tôi nói qua với vợ đây là hai người khách rồi đưa họ vào căn phòng hẹp mà chiếc giường đôi đã chiếm gần hết diện tích. Tôi lục lọi trên giá sách lấy ra những bản photocopy các sách báo hải ngoại (như bài Nam Chi – bút danh của nhà nghiên cứu Đặng Tiến – viết về bộ tiểu thuyết “Mùa biển động” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác) đem cho họ. Sau đó họ ra về trong lặng lẽ. Khi những người khách không mời đã đi khuất, vợ tôi hỏi ngay: - Anh có chuyện gì vậy? Tôi kể hết đầu đuôi sự việc. Vợ tôi nói: - Hèn gì trưa nay không biết anh đi đâu em rất nóng ruột, bồn chồn, không phải như mọi lần. Nếu phải là em thì em đã không để cho họ vào nhà!

Từ ngày đó, vụ việc “photo tài liệu Bùi Tín” của tôi trở nên nghiêm trọng. Viện trưởng Viện Văn học - giáo sư Phong Lê và bí thư chi bộ của Viện - tiến sĩ Đào Tuấn Ảnh là hai người bị “quần” nhiều nhất, họ đã phải vất vả, khó chịu với những sự điều tra, truy vấn của cơ quan an ninh hòng tìm câu trả lời cho câu hỏi chính: tài liệu này xuất phát từ đâu, ai đưa và ai nhận. Tôi thì không bị động đến nữa nhưng không khí bao quanh là rất nặng nề. Cho đến hơn một năm sau chi bộ được triệu tập họp. Tại đó ông trưởng ban tổ chức cán bộ của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cơ quan chủ quản của Viện Văn học), một người nghe nói từng là thư ký riêng của một ông thứ trưởng Bộ Công an, đã thông báo kết luận về vụ việc này. Tôi chỉ bị nhắc nhở, không phải chịu hình thức kỷ luật gì. Ông trưởng ban tổ chức nói khá dài những gì đến nay tôi đã quên hết, duy chỉ có một điều này thì tôi nhớ. Khi nói về việc tôi đi photocopy tài liệu ông bảo là anh Nguyên không biết rằng các quán photo thường đều là cơ sở của công an, không may cho anh Nguyên đã đến một quán như vậy và ở đó họ đã báo cho cơ quan có trách nhiệm biết. Ông vừa nói thế tôi liền buột miệng nói to giữa cuộc họp chi bộ: - Đúng rồi! Đúng rồi! Đồng chí nói rất đúng! khiến mấy người ngồi cạnh phải vội giật giật áo tôi và nói nhỏ: - Ngậm miệng lại, đừng chọc tức họ nữa, họ không kỷ luật gì là may rồi.

Câu chuyện tôi “liên lụy” Bùi Tín là vậy. Hồ sơ của tôi ở cơ quan an ninh chắc bắt đầu có từ đó. Sau này tôi có hỏi một anh cùng đồng môn khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng học trước mấy lớp và là sĩ quan ở A25, về các bản tài liệu tôi đã photo hồi đó, anh bảo mày có thích lấy lại thì lên anh cho. Ông Bùi Tín thì không bao giờ biết chuyện này. Tôi cũng lần đầu viết chuyện này ra, nhân biết tin ông qua đời. Cầu cho ông thanh thản ở trời bên kia.

Hà Nội 12.8.2018

Phần nhận xét hiển thị trên trang