Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

Sihanoukville, thuộc địa Trung Quốc ?


Vài chữ Hán và những số điện thoại hiện lên trên các tòa nhà và khu đất trống ở Sihanoukville, với các lời rao mua bán. Thành phố cảng Cam Bốt bên bờ vịnh Thái Lan, theo nhận xét của Le Monde Diplomatique, từ vài tháng qua đã trở thành vùng đất hứa cho các nhà đầu tư Trung Quốc. 
Trên quảng trường Độc Lập, hai tòa nhà đang xây dựng của phức hợp Blue Bay cao đến 38 tầng, đè bẹp tất cả quang cảnh xung quanh. Tại phòng giao dịch, các brochure (tài liệu quảng cáo) để sẵn được in bằng Hoa ngữ và tiếng Anh. Cô nữ nhân viên, trước ma-két dự án, giới thiệu : « Chúng tôi đã bán hết toàn bộ các căn hộ trong tòa tháp thứ nhất, và 65% của tòa tháp thứ hai. Khách hàng chúng tôi là người Trung Quốc, Cam Bốt và Singapore ».

Trên bãi biển, sẽ có một hồ bơi và các bungalow dạng nhà sàn. Trên đất liền, một casino và một trung tâm thương mại. Có đến 1.450 căn hộ sẽ được giao vào năm 2019 với giá từ 2.500 đến 3.500 đô la một mét vuông, với những cơ sở dịch vụ sang trọng chưa từng thấy tại thành phố này.

Ông Paul H., một nhân viên môi giới địa ốc cho biết : « Người Trung Quốc rất mê những địa điểm như thế này. Các khách hàng của tôi săn lùng những khu đất, chủ yếu là phải nhìn ra biển. Các chủ đất Cam Bốt sẵn sàng trục xuất những người đang ở thuê hiện nay để thu được khoản tiền thuê lớn hơn ». 

Một trực thăng của tập đoàn Trung Quốc Union Development hạ cánh trước một casino cũ ở Koh Kong, 06/05/2018.
Từ khi ông Tập Cận Bình đến thăm Cam Bốt hồi tháng 10/2016, số lượng du khách từ Hoa lục không ngừng tăng lên trên toàn quốc, đến cuối năm 2017 là khoảng 1,2 triệu khách (tăng 46%). Mỗi tuần có một chuyến bay nối liền Sihanoukville với Macao và bảy thành phố khác của Trung Quốc, ngoài ra chính quyền Phnom Penh sắp sửa cấp thêm khoảng 30 giấy phép bay khác.

Các nhà đầu tư làm cho người ta phấn khởi hay lo ngại ? Đó là tùy theo người đối thoại với bạn là ai. Kheng, một người lái xe tuk-tuk mỉa mai : « Các sở hữu chủ rất vui vì họ bán hoặc cho thuê với giá do họ đưa ra ». Ngược lại, đại đa số người dân Cam Bốt không thể đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội như vậy. 

Bãi biển bình dân Ochheuteal được những người có túi tiền eo hẹp ưa thích, là một ví dụ điển hình. Những tiệm ăn mà người ta có thể ngồi trên mái tôn hay ngay trên bãi cát để vừa ăn uống vừa ngắm biển, đã biến mất không còn dấu vết. Thay vào đó, một khách sạn năm sao và một casino sẽ xuất hiện. Đó là công trình của một công ty liên doanh giữa Royal Group - một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất Cam Bốt, do một người thân của thủ tướng Hun Sen làm chủ - và một đối tác Trung Quốc.

Cơn sốt đầu tư này khiến dân thành phố bức xúc. Một công ty du lịch địa phương cho biết : « Người Trung Quốc có mạng lưới riêng của họ. Những du khách vừa đến nơi là được đưa thẳng đến các khách sạn kiêm sòng bạc, và lưu trú ở đó ». Pheap, một công nhân xây dựng trẻ nhận xét : « Chúng tôi chẳng được lợi lộc gì từ lượng du khách người Hoa đông đảo, ngoài việc vật giá tăng lên ».
Trên 10.000 người lao động Trung Quốc – gồm các nhân viên casino, và đa số là công nhân xây dựng – sẽ đến làm việc tại đây. Khó thể biết được số lượng chính xác. Hồi tháng Giêng vừa qua, trong một báo cáo cho Bộ Nội vụ, được tờ Phnom Penh Post tiết lộ, chính thống đốc Sihanoukville đã cảnh báo chính phủ về một số biến tướng. Có thể kể : sự gia tăng các hoạt động tội phạm của bọn mafia, tác động tiêu cực của việc giá nhà tăng phi mã đối với vật giá địa phương, không có lợi ích nào từ các hoạt động kinh tế do người Trung Quốc kiểm soát và chỉ nhằm phục vụ người Trung Quốc.

Với viện trợ tiền mặt chiếm 1/3 trong tổng số 732 triệu đô la mà Phnom Penh nhận được năm 2016, người láng giềng khổng lồ phương Bắc đã trở thành đối tác kinh tế chủ chốt, qua mặt Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên Hiệp Châu Âu. Trao đổi thương mại song phương năm ngoái đạt 5 tỉ đô la, và sẽ tăng lên 6 tỉ đô la từ nay đến năm 2020, theo cam kết của hai chính phủ.

Các cơ sở hạ tầng được Trung Quốc tài trợ trong khuôn khổ dự án « Con đường tơ lụa mới » mọc lên khắp nơi. Trên 2.700 kilomet đường bộ đã được cải tạo – theo Bộ Công chánh ; một xa lộ nối liền Phnom Penh với Sihanoukville, một cảng nước sâu tại Kampot và một sân bay rộng mênh mông ở phía nam thủ đô đã được chính thức lên kế hoạch. Chưa kể các đập thủy điện đang được xây dựng, hay các dự án dọc theo dòng sông Mêkông. Chính quyền Cam Bốt còn nhờ Bộ Công An Trung Quốc hỗ trợ để đấu tranh chống « khủng bố » và tội phạm mạng.
Chỉ trong vài năm, Cam Bốt đã trở thành con tốt đắc lực nhất của Bắc Kinh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Cho đến nỗi năm 2012 và sau đó là năm 2016, Cam Bốt đã chận lại bản dự thảo tuyên bố chung của ASEAN phản đối thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, và việc quân sự hóa các đảo nhỏ mà Trung Quốc tranh giành với Việt Nam, Philippines.

Ảnh hưởng của Trung Quốc từ giữa thập niên 90 bắt đầu mạnh mẽ hơn, ngày càng tăng thêm với việc phương Tây chỉ trích Cam Bốt không tôn trọng nhân quyền. Tháng Ba năm nay, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tái khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Cam Bốt « để bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích », cũng như việc tổ chức bầu cử vào tháng Bảy. 

Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt thương mại nếu phe đối lập không được tham gia tranh cử. Từ đầu tháng Năm, Ủy ban Châu Âu loan báo có thể sẽ tổ chức điều trần về sáng kiến Tout Sauf les Armes (Tất cả đều có thể, trừ vũ khí - TSA), theo đó Liên Hiệp Châu Âu miễn thuế hải quan cho đại đa số mặt hàng của 48 quốc gia kém phát triển nhất – điều hết sức quan trọng đối với hàng dệt may của Cam Bốt. Hiện giờ thì chưa có biện pháp nào được dự kiến.
Dù sao đi nữa, thủ tướng Cam Bốt cũng chẳng quan tâm đến một phương Tây hay « giảng moral », nhắc nhở rằng trong thập niên 80, phương Tây vẫn làm ngơ cho phe Khmer Đỏ chễm chệ tại Liên Hiệp Quốc. Và hồi tháng Hai, ông Hun Sen còn nhấn mạnh :« Các đại diện Trung Quốc tôn trọng tôi, đối xử với tôi như ngang hàng ».

Còn về việc Bắc Kinh ủng hộ phe Khmer Đỏ (từ 1975 đến 1979) hay xâm lược Việt Nam năm 1979, đối với Hun Sen chỉ là những chi tiết của một lịch sử mà ông ta không muốn quay lui lại. Ngày nay, hai đối tác Trung Quốc – Cam Bốt đều vui vẻ trước mối quan hệ « đôi bên cùng có lợi ». Và như ông Sok Eysan, phát ngôn viên đảng Nhân Dân Cam Bốt cầm quyền đã tuyên bố, Trung Quốc hoạt động rất tốt với chế độ độc đảng. Thế thì tại sao Cam Bốt lại không thể như vậy ?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

MADE IN CHINA 2025 (SẢN XUẤT TẠI TRUNG QUỐC



TBT Trong 30 năm qua, những công ty ngoại quốc mang các thiết bị từ nhiều công ty đa quốc gia đến Trung Quốc, ráp lại, rồi đem bán với xuất xứ là “Made in China”, khiến ai cũng tưởng xứ này thành một trung tâm xuất cảng khắp thế giới.
  Trung Quốc thật sự chỉ là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất những hàng hóa kỹ thuật cao, và tính bình quân, người Hoa chỉ được hưởng khoảng 5% giá bán một món hàng đó. Tập Cận Bình muốn chấm dứt tình trạng này, nên đã công bố chương trình Made in China 2025, lấy năm 2025 làm mục tiêu cải thiện nền tảng công nghiệp, để đuổi kịp các quốc gia Tây phương.
madeinchina2025 (1).jpg
  “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc, 中國製造) là một kế hoạch lớn của Tập Cận Bình. Ông ra lệnh giới kinh doanh Trung Quốc phải gia tăng nghiên cứu, đầu tư vào mười lãnh vực chiến lược. Bảng liệt kê đầy tham vọng nêu tên ngành tin học, với các hệ thống 5G cho thế hệ mới; các máy móc tự điều khiển, robotics; xe hơi chạy bằng điện; ngành hàng không và không gian; các nông cụ mới; nghiên cứu sản xuất năng lượng mới; sáng chế vật liệu mới; dược phẩm sinh học và dụng cụ y học; semiconductors dùng trong ngành trí khôn nhân tạo (AI, artificial intelligence); vân vân.
 Hoa Kỳ và Châu Âu đều coi “Made in China 2025” là mối đe dọa kinh tế tương lai. Họ lo lắng người Hoa sẽ ăn cắp những kỹ thuật cao mà dân trong nước họ sáng chế và tìm cách ngăn cản các công ty Tây phương cạnh tranh với các xí nghiệp bản xứ khi vào thị trường Trung Quốc. Họ đã hành động chứ không ngồi yên xem Tập “chơi” mình: 
TẬP CẬN BÌNH TỈNH MỘNG
Ngô Nhân Dụng
Hôm Thứ Năm, 28 Tháng Sáu, Tổng Thống Donald Trump tới khai trương một cơ xưởng của công ty Foxconn tại Wisconsin, khen ngợi công ty này mang công việc làm tới cho người lao động ở Mỹ. Foxconn sẽ đầu tư $10 tỷ vào nhà máy này.
madeinchina trumpfoxconn-696x391.jpg
 Foxconn cũng là một trong những công ty Đài Loan đã mở màn quá trình phát triển của kinh tế Trung Quốc trước đây 30 năm, khi mở một nhà máy ở Thẩm Quyến (Shenzhen), tỉnh Quảng Đông. Từ đó, các công ty Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn bắt đầu đem công việc lắp ráp máy móc sang làm ở nước Tàu, vì lương công nhân rẻ mạt so với xứ họ.
  Trong 30 năm qua, những công ty ngoại quốc như Foxconn đã thiết lập một mạng lưới tiếp liệu toàn cầu, đem các bộ phận từ nhiều quốc gia đến Trung Quốc, ráp lại, rồi đem bán ra ngoài. Những thứ hàng hóa đó đề “Made in China” khiến người ta có cảm tưởng China là một xứ tiến bộ, biến xứ này thành một trung tâm xuất cảng khắp thế giới.
Khi điện thoại lưu động iPhone của Apple được đưa từ Trung Quốc qua nước khác bán, số tiền thu nhờ xuất cảng tăng lên, trong khi đó, nhiều người quên rằng nước này đã phải nhập cảng những bộ phận để ráp thành những cái iPhone đó.

Người Trung Quốc chỉ được hưởng khoảng 5% giá bán một chiếc iPhone, từ $500 đến $1000 mỗi chiếc. Từ thời Foxconn đến thời Apple, vai trò của nước Trung Hoa vẫn không thay đổi bao nhiêu, chỉ là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất những hàng hóa kỹ thuật cao.
Ông Tập Cận Bình muốn chấm dứt tình trạng chậm tiến đó. Ông đã công bố chương trình Made in China 2025, lấy năm 2025 làm mục tiêu cải thiện nền tảng công nghiệp, để đuổi kịp các quốc gia Tây phương.
Tập Cận Bình yêu cầu các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật phải biến Trung Quốc thành một cường quốc kỹ thuật cao, trong khi chính phủ Mỹ đang ra lệnh cấm bán các bộ phận cho ZTE, một công ty sản xuất khí cụ truyền thông lớn hàng thứ hai ở nước Tàu.
ZTE đã vi phạm luật cấm vận của Mỹ, khi bán cho Iran các dụng cụ dùng bộ phận do Mỹ sản xuất. Nếu bị cấm vận, ZTE sẽ phải ngưng hoạt động vì phần lớn công việc tùy thuộc vào những món phụ tùng mua từ Mỹ. Tổng Thống Trump muốn cứu ZTE, nhưng quốc hội Mỹ ngăn cản. Công ty này đã phải trả tiền phạt $1.4 tỷ để được miễn chấp.
Vụ ZTE cho thấy ngành kỹ thuật cao của Trung Quốc còn khập khiễng không thể đứng trụ một mình. Công ty này đã “bi thảm hóa” tình trạng của họ bằng một thủ thuật có tính chất hài hước. Họ thông báo cho nhân viên ngưng sử dụng một nhà cầu đang bị hư, vì công ty không được phép mua đồ sửa chữa của hãng American Standard, tiểu bang New Jersey, nước Mỹ, trong lúc còn bị chính phủ Mỹ cấm vận!
“Made in China 2025” (Trung Quốc Chế Tạo, 中國製造) là một kế hoạch lớn của Tập Cận Bình. Ông ra lệnh giới kinh doanh Trung Quốc phải gia tăng nghiên cứu, đầu tư vào mười lãnh vực chiến lược. Bảng liệt kê đầy tham vọng nêu tên ngành tin học, với các hệ thống 5G cho thế hệ mới; các máy móc tự điều khiển, robotics; xe hơi chạy bằng điện; ngành hàng không và không gian; các nông cụ mới; nghiên cứu sản xuất năng lượng mới; sáng chế vật liệu mới; dược phẩm sinh học và dụng cụ y học; semiconductors dùng trong ngành trí khôn nhân tạo (AI, artificial intelligence); vân vân.
 Để thực hiện chương trình này, Tập Cận Bình sẽ cho lập năm trung tâm sáng chế công nghiệp trên tòa quốc để tiến tới 40 trung tâm ở 48 tỉnh vào năm 2025. Bắc Kinh sẽ đầu tư $1.5 tỷ vào chương trình này, và các địa phương sẽ góp $1.6 tỷ. Mục tiêu là sản xuất những hàng kỹ thuật cao, không lệ thuộc vào dây chuyền tiếp liệu từ nước khác, đặc biệt là trong những ngành công nghiệp tự động hóa. Các chi tiết sẽ tính sau!
Chính phủ Mỹ và các nước Châu Âu đều chú ý đến dự án “Made in China 2025,” coi như một mối đe dọa kinh tế tương lai. Họ lo lắng người Trung Hoa sẽ ăn cắp những kỹ thuật cao mà dân trong nước họ sáng chế. Trung Quốc cũng có thể tìm cách ngăn cản các công ty Tây phương, không cho cạnh tranh với các xí nghiệp bản xứ khi vào thị trường Trung Quốc.
Và Mỹ đã phản ứng. Trong số những hàng hóa của Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ, chính quyền Trump sẽ đánh thuế 25% trên $50 tỷ hàng nhập, phần lớn nằm trong kế hoạch Made in China 2025, bắt đầu từ ngày 6 Tháng Bảy tới.
Trước phản ứng của Mỹ và Châu Âu, Tập Cận Bình đã thấy mình dại! Ông lại được nghe giới doanh nghiệp và các nhà kinh tế trong nước lên tiếng cảnh cáo không nên to mồm lớn tiếng nói chuyện xa vời quá. Tập Cận Bình đã ngầm ra lệnh các cơ quan truyền thông bớt to mồm, không nói đến Made in China 2025 nhiều như trước nữa!
Trong 12 tháng qua, Bắc Kinh đã cho đăng 190 bài cổ động cho Made in China 2025. Nhưng trong ba tháng vừa rồi, con số tụt giảm dần, trong 30 ngày gần nhất chỉ còn một bài thôi.
Giáo Sư Trọng Vĩ (仲伟, Zhong Wei), trường Đại Học Sư Phạm Bắc Kinh, là một nhà giáo đã khuyên Trung Quốc không nên nói nhiều về Made in China 2025, trong lúc sức còn quá yếu. Ông nêu trường hợp ZTE như là một tấm gương chứng tỏ mình còn thua xa các nước Tây phương. Phương pháp duy nhất để tiến bộ là hợp tác với các nước tiến bộ trước mình! Nên coi Made in China 2025 chỉ là một viễn kiến, không phải là một chương trình! Nó khác những kế hoạch ngũ niên, vì chưa có chi tiết cụ thể nào về ngân sách, nhân sự, và tài nguyên.
Trong tuần qua, chủ bút tờ Khoa Kỹ Nhật Báo đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc không nên nuôi ảo tưởng rằng mình có thể sớm đuổi kịp các nước Tây phương. Ông Lưu Á Đông (Liu Yadong, 刘亚东), đọc bài diễn văn ở Bắc Kinh hôm Thứ Năm tuần trước, sau khi tờ báo của ông đăng một loạt bài nêu rõ còn 29 lãnh vực kỹ thuật mà người Trung Quốc còn thua kém các nước tiên tiến. Một trong các bài đó nêu câu chuyện ZTE bị cấm không được mua các bộ phận làm ở Mỹ.
Lưu Á Đông nói rằng mặc dù Trung Quốc đã phát triển kỹ thuật đáng kể, song vẫn còn nhiều chướng ngại khiến cho họ chưa đủ sức cạnh tranh với các nước Âu Mỹ.
Trung Quốc còn chậm tiến trên nhiều mặt. Thí dụ, ngành nghiên cứu khoa học thuần túy chưa phát triển; trong khi ai cũng biết tất cả các tiến bộ kỹ thuật đều bắt nguồn từ những khám phá mới trong khoa học thuần túy. Trung Quốc cũng còn thiếu “tay nghề” trong nhiều ngành kỹ thuật vì thiếu kinh nghiệm. Một trở ngại khác Lưu Á Đông nêu ra là tinh thần làm việc của người Trung Quốc còn thấp kém, họ không kiên trì thực hiện các công trình dài hạn.
Lưu Á Đông nêu thí dụ một bài của Tân Hoa Xã, trong đó họ đề cao bốn “sáng chế lớn” của dân lục địa. Bài này đăng từ mùa Thu năm ngoái, rồi được truyền bá rộng rãi trên các mạng xã hội. Bốn “sáng chế” được nêu danh là xe lửa cao tốc, mua bán trên mạng, thanh toán tiền tiền trên mạng, và xe đạp sử dụng chung (bike sharing) ở các thành phố.
Ông Lưu Á Đông (Liu Yadong, 刘亚东)
Nhưng, Lưu Á Đông vạch ra, tất cả các “sáng chế” này đều đã được tìm ra và sử dụng ở nước khác! Người Trung Hoa không hề “sáng chế” mà chỉ áp dụng các kỹ thuật được tìm ra ở các nước phương Tây hoặc Nhật Bản! Với dân số hơn một tỷ, cái gì làm ở Trung Quốc cũng rất lớn, rất rộng. Đường xe lửa cao tốc dài nhất thế giới, Alibaba bán hàng trên mạng nhiều nhất thế giới, Alipay chuyển nhiều tiền trên mạng nhiều nhất. Nhưng rốt cục vẫn chỉ là bắt chước các sáng kiến của người ta!
Lưu Á Đông đã buộc tội những quan chức chính quyền, các cơ quan truyền thông (Tân Hoa Xã trong đó) đã thổi phồng những “thành tựu” không có thật, lừa gạt giới lãnh đạo đảng, khiến họ “tưởng bở!” Đó là thói quen “báo cáo hay” trong tất cả các nước Cộng Sản! Tháng Tư năm nay, một cuốn phim đề cao nước Tàu được rất nhiều người coi mang tên “Kinh Thán Trung Quốc” (惊叹中国), chỉ để ca ngợi các thành công dưới thời Tập Cận Bình!
Chính phủ Donald Trump đã nhắm vào Made in China 2025 khi ra lệnh ngưng hoặc hạn chế không xuất cảng sản phẩm kỹ thuật cao sang Trung Quốc, vì sợ bị ăn cắp. Ông bộ trưởng tài chánh khéo léo chữa lại, nói lệnh này áp dụng cho tất cả các nước, không riêng gì nước Tàu. Sau đó, ông Trump chữa lại lần nữa, cho biết ông sẽ chuyển tất cả vấn đề xuất cảng kỹ thuật cao cho quốc hội Mỹ quyết định.
Nhưng Tập Cận Bình đã tỉnh giấc kịp thời. Giấc mộng của ông, Trung Quốc Mộng, đã va chạm thực tế: Trung Quốc vẫn còn chạy theo sau các nước Âu Mỹ về khoa học kỹ thuật; còn rất lâu mới bắt kịp.
Bài diễn văn của Lưu Á Đông được truyền đi trên mạng để cảnh tỉnh người dân trong lục địa. Nhưng điều đáng kể nhất là tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tiếng nói chính thức của Cộng Sản Trung Quốc, đã lên tiếng ca ngợi các ý kiến của ông!
Cộng Sản Trung Quốc đã xuống thang tuyên truyền. Chính quyền đã ngầm ra lệnh bớt nói đến kế hoạch Trung Quốc Chế Tạo, Made in China 2025!
Trong một cuộc họp báo ngày 26 Tháng Sáu vừa qua ở Bắc Kinh của nhân viên Bộ Khoa Học Kỹ Thuật và Bộ Công Nghiệp và Tin Học, họ không nói đến những chữ đó một lần nào, mặc dầu mục đích của họ là để thông báo cuộc Triển lãm “Công nghiệp Thông minh” đang khai mạc ở Trùng Khánh! 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHỦ NGHĨA THỰC DÂN MỚI


         

     Nghĩa từ nguyên của 2 chữ THỰC DÂN là cấy người , trồng người ( thực : trồng ). Chủ nghĩa thực dân là thứ chủ nghĩa chuyên đi cướp nước nhược tiểu để đưa dân mình đến cư ngụ rồi đồng hóa dân thuộc địa . Chủ nghĩa thực dân cũ đã cáo chung từ sau thế chiến thứ 2 - với chủ trương giải thực của chính phủ Hoa Kỳ , buộc giải tán chế độ thuộc địa , trả độc lập tự do cho các nước bị trị từ thế kỷ XV . Nhưng rồi trong thế kỷ này bỗng xuất hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới mà Trung Quốc là trường hợp điển hình !

     Trung Quốc - từ khi bắt tay làm ăn buôn bán với Mỹ phất lên làm giàu ( không phải dân giàu mà là đảng giàu )- có một kho dự trữ đô la trong quốc khố để thực thi chủ nghĩa bành trướng . Sau khi có của ăn của để , TQ mơ " giấc mộng Trung Hoa " để thỏa mãn cơn đói cá , khát dầu ; đồng thời giải quyết nạn nhân mãn . Chủ nghĩa thực dân kiểu mới ra đời xuất phát từ khát vọng và nhu cầu đó.
    Điểm giống nhau của chủ nghĩa THỰC DÂN CŨ & chủ nghĩa THỰC DÂN MỚI là ở chỗ đều dùng chiêu bài "ĐẾN ĐỂ KHAI HÓA ". Còn điểm khác nhau là chủ nghĩa TDM không đi chinh phạt bằng súng đạn mà bằng hình thức thuê đất , mua đất làm khu tự trị dưới vỏ bọc là ĐẶC KHU KINH TẾ ! Thường thì các quốc gia nhược tiểu đói nghèo , yếu kém nên phải dựa vào nước lớn ; trước là giữ vững chế độ , sau là để vay mượn , xin xỏ . Đó là trường hợp của Việt Nam , Sri Lanka, Lào ,Campuchia ,...và các quốc gia châu Phi .TQ là cường quốc kinh tế , đất rộng , dân đông ; trên vai lại mang túi bạc kè kè , trên tay lay lăm le khẩu súng , khiến các nước yếu thế , lệ thuộc đều tuân phục nghe theo răm rắp . Những quốc gia yếu kém , suy trầm về kinh tế đều trở nên con nợ của TQ. Nợ vay lâu ngày chồng chất thành núi không trả xiết ; thế là TQ xiết đất cấn nợ hoặc thuê với giá rẻ mạt để làm đặc khu . Những đặc khu này bao giờ cũng nằm dọc theo tuyến đường MỘT VÀNH ĐAI phòng thủ của TQ.
    Đảng CS Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay dựa vào TQ, được TQ chống lưng với mối quan hệ 4 TỐT , 16 CHỮ VÀNG  với nhiều cái chung : cùng một thể chế , cùng theo đuổi một ý thức hệ , cùng lý tưởng thế giới đại đồng ,...Trong cuộc chiến với VNCH , đảng CSVN đã nhận sự giúp đở của CSTQ về súng đạn , khí tài với khẩu hiệu " CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC "; nhưng thực chất là đánh cho TQ giữ vững an ninh ở phía Nam . Sau chiến tranh , TQ lại " giúp " VN xây dựng những tuyến đường thông thương TRUNG - VIỆT ! TQ không những không muốn VN phát triển mà còn chỉ muốn nuôi dưỡng tình trạng yếu kém , suy trầm kinh tế của VN để dễ dàng biến VN thành con nợ . Và trên thực tế VN chẳng những đã là con nợ của TQ mà còn là con nợ của quốc tế nữa . Nợ mà không có khả năng trang trải sẽ dẫn đến bán tháo tài nguyên thiên nhiên , bán tháo đất đai để trả nợ . Các dự án khu công nghiệp trải dài từ Bắc vào Nam của nước ta đều rơi vào tay các nhà thầu TQ. Khu công nghiệp Vũng Áng Formosa , với thời hạn thuê đất 70 năm nay đã thành TÔ GIỚI  của TQ. Công nhân trong khu công nghiệp này đều là người Hoa . Ngoài ra , khách du lịch người Hoa tấp nập vào VN . Họ mua đất cất nhà , lập khu phố ,...ở những nơi hiểm yếu . Lợi nhuận ở những khu công nghiệp đều chảy về mẫu quốc - một số ít chi cho các quan tham địa phương để ra sức bảo vệ khu công nghiệp . Hiện nay dân TQ tràn ngập khắp nơi trên đất nước VN. Một khi đã đưa dân vào rồi thì tiến trình Hán hóa sẽ được xúc tiến bằng các bước sau :
    - Hủy diệt văn hóa : hủy hoại , tàn phá di sản văn hóa của dân tộc ; bôi nhọ và hạ bệ các thần tượng anh hùng dân tộc .
   - Dùng tiếng Tàu thay cho tiếng Việt , dùng đồng tiền Tàu thay cho đồng tiền Việt .
   -Đồng hóa chủng tộc
   - Mọi cơ cấu , đặc quyền kinh tế nằm trong tay người Tàu .
   -...

   Chủ nghĩa TDM do TQ hoạt hiện trên toàn thế giới không những là hiểm họa đối với VN mà cho cả nhân loại - dễ châm ngòi cho thế chiến thứ 3 bùng nổ . TQ một mặt tuyên bố với các cường quốc Tây phương rằng TRỖI DẬY TRONG HÒA BÌNH và rằng GIỮ VỮNG HÒA BÌNH & ỔN ĐỊNH khu vực và thế giới . Nhưng mặt khác TQ quân sự hóa các đảo mới cưỡng chiếm hầu thực hiện ý đồ thâu tóm biển Đông . Chính sách TDM của TQ nhằm mở rộng vòng đai an ninh ; thoát ra ngoài lục địa để vươn ra biển lớn , bá chủ Đông Nam Á ; trong đó VN chính là KHÔNG GIAN SINH TỒN  của TQ. Chiêu bài HÒA BÌNH , ỔN ĐỊNH  của VN cũng như TQ là những viên thuốc an thần trấn an thế giới và đặt các cường quốc vào " chuyện đã rồi ". Mới đây văn công Tạ Minh Tâm cũng đã dùng giọng lưỡi của tuyên giáo đã phát biểu :" Những người đi biểu tình trong ngày vừa qua là những kẻ phá hoại . Chỉ có sự yên bình thì chúng ta mới có toàn tâm toàn ý , có thời gian để chúng ta điều chỉnh , sửa đổi và phát triển ...". Cái gọi là YÊN BÌNH mà họ Tạ muốn nói là HÒA BÌNH ỔN ĐỊNH  của họ TẬP .

       So với Sri Lanka, Tây Tạng , Lào , Campuchia ,...VN ta còn chút may mắn là còn thời gian ( dù rất ít oi ) để vùng lên , thoát ra khỏi nanh vuốt của chủ nghĩa TDM . Nếu chúng ta cứ mãi cam chịu , nhẫn nhục , buông xuôi ...thì cái họa diệt vong , mất nước là không tránh khỏi .
   Đất nước VN , dân tộc VN tuy trải qua một cơn suy trầm , yếu kém song hồn thiêng sông núi vẫn còn ;
truyền thống bất khuất , ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm vẫn trường tồn bất diệt trong huyết quản của những người con VIỆT !


Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRÍ THỨC NGÀY NAY



Giới trí thức ngày nay chung số phận bi đát cùng giới bình dân . Tiểu thương , nông dân , công nhân ,...muốn làm người tử tế , sống đời hiền lương cũng không dễ dàng gì nói chi đến trí thức . hai chữ trí thức tự nó vốn dĩ cao quý ; từ xưa được xếp hàng đầu trong tứ dân ( sĩ , nông , công , thương ) . Vì sao tình trạng trí thúc ngày nay khốn đốn như vậy ? Phải chăng trong một xã hội điên đảo , nhiễu nhương ,...thì mọi thứ đều không chính danh ; và vì bởi không chính danh mới ra nông nỗi !
   
      Ngày xưa những người có may mắn được học hành , hiểu nhiều , biết rộng ,...được gọi là KẺ SĨ  ( chữ kẻ không hề có ý gì khinh rẻ cả ) . Còn người tầm thường dốt nát , hèn kém thì người ta gọi là THẤT PHU. Cái học ngày xưa là Nho học . Cái học  này hàm chứa đạo học nên còn gọi là Nho giáo . Người thâm Nho gọi là Nho gia . Nho học không đơn thuần là tri thức mà còn là đạo đức và cả chính trị - chính trị diễn dịch từ đạo đức . Dạy đạo đức chính trị là dạy cách làm người  (cả cách làm Vua , cách làm quan , ...). Muốn đạt mục tiêu này thì từ thiên tử cho đến thứ dân phải qua cửa Khổng , sân Trình .
  Một khi đã hiển đạt , thành danh rồi thì kẻ sĩ có hai con đường để lựa chọn : xuất và xử . Nếu gặp minh quân thì "xuất ", gặp hôn quân thì "xử"- lui về ẩn cư mở trường dạy học , bảo tồn sĩ tiết . Dù xuất hay xử thì kẻ sĩ bao giờ cũng chánh tâm thành ý , cương thường , hiếu nghị . Giữa Vua và kẻ sĩ  có sự tương tác hài hòa . Vua có quyền , kẻ sĩ có học . cả hai cùng có CHUNG TRÁCH NHIỆM hợp tác để định quốc an dân . Có ba điều mà kẻ sĩ cấm kỵ :
    - Nghèo khó không thay đổi ( bần tiện bất năng di )
    - Giàu có không xa xỉ ( phú quý bất năng dâm )
    - Đứng trước bạo quyền không khuất phục ( uy vũ bất năng khuất )
  Kẻ sĩ được đa số dân chúng tin cậy , ca ngợi với nhiều mỹ từ SĨ KHÍ , SĨ HẠNH , SĨ TIẾT ,..
       Nho học đến thời Pháp thuộc được thay thế bởi tây học , chẳng còn ai mặn mà với " cái học nhà Nho " , bởi " mười người đi học chín người thôi " . Sau khi hòa bình lập lại , dưới thời VNCH những tinh hoa cổ học nói chung được kế thừa , bảo tồn và bồi đắp ...
  Ngày nay , Nho học cáo chung , kẻ sĩ không còn , sĩ khí sĩ hạnh cùng chung số phận .
     Trí thức ngày nay khác kẻ sĩ ngày xưa ở CÁI HỌC  ( nội dung giáo dục). Cái học ngày xưa không tách rời TRI THỨC với ĐẠO ĐỨC . Cái học ngày nay thì khoa học và đạo đức tách thành hai bộ môn . Bộ môn đạo đức diễn dịch từ chính trị ; lên đến đại học trở thành giáo trình " tư tưởng HCM". Về phương pháp học tập của Nho sĩ xưa cũng không cưỡng chế , áp đặt : học đi liền với vấn . Trong chữ học có bộ môn ngoài và chữ khẩu trong . Vào cửa Khổng sân Trình là phải hỏi ; hỏi thì phải hỏi cho ra lẽ ( thẩm vấn ) . Suy nghĩ thì suy nghĩ cẩn thận ( thận tư ) . Biện luận thì phải cho rõ ràng (minh biện ). Phương pháp giáo dục này hoàn toàn khác với phương pháp áp đặt , cưỡng chế , nhồi nhét buộc người học phải nghĩ một chiều , nhìn một hướng , nói cùng một kiểu , làm cùng một cách ,...Phương pháp GD này làm thui chột tính sáng tạo , độc lập , ...của người học .
    Số phận của kẻ sĩ xưa và trí thức nay đều thăng trầm theo từng giai đoạn lịch sử . Dưới thời Tần Thủy Hoàng , nho sĩ đã từng bị chôn sống vì chủ trương "phần thư khanh nho " ( đốt sách chôn nho ) ; rồi sau đó được phục hưng dưới thời Hán Cao Tổ . Ở VN thời cải cách ruộng đất , giới trí thức được coi là đối tượng nguy hiểm số một , cần phải " đào tận gốc , trốc tận rễ ". Ngày nay trí thức XHCN được nhiều ân sủng để làm nhiệm vụ " gác cổng bảo vệ chế độ ".  Do vậy nảy sinh sự phân hóa trầm trọng trong giới trí thức . Khái niệm về hai chữ trí thức không còn chính danh nguyên nghĩa như nó vốn có . Trí thức hiểu đúng danh nghĩa là người VỪA SỐNG ĐỜI TỈNH THỨC , VỪA ĐÁNH THỨC MỌI NGƯỜI CÙNG THỨC . Người trí thức phải ưu thời mẫn thế , phải luôn thao thức , quan tâm đến nhân tâm thế đạo , đến sự hưng vong của đất nước . Không phải hễ có học thức , có tri thức thì là người trí thức !
     Người trí thức cũng có 3 loại :Thiện trí thức , ác trí thức và ngụy trí thức . Ranh giới phân biệt 3 loại này cũng rất mong manh . Trong thời buổi vàng thau lẫn lộn khó lòng phân định ai chân ai  ngụy ai thiện ai ác . Do môi trường GD , do bối cảnh xã hội ,...loại ngụy trí thức chiếm đa số . Người ta châm biếm gọi giới này là " trí ngủ " hoặc "trí thức trùm chăn " . Trần Tế Xương mỉa mai , chua xót : " Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả , Tội gì ta thức một mình ta ". Những trí thức này sống cầu an , bàng quan , thờ ơ , lãnh đạm trước những bất công xã hội , trước tình hình của đất nước , ... Loại này chủ trương " không quan tâm đến chính trị " . Họ không hề biết đến câu " Quốc gia hưng vong , thất phu hữu trách".
  Loại nguy hiểm nhất là loại ác trí thức . Nguy hiểm là vì loại này có tài , nhưng thiếu cái tâm .Sở học , sở đạt , sở kiến của họ không dùng để giúp ích cộng đồng , phục vụ quốc gia dân tộc , mà dùng để mưu cầu danh lợi bằng con đường a dua , xu nịnh . Họ là những cố vấn mẫn cán của quan chức và các nhà đầu tư  . Họ là những cánh tay nối dài của quyền lực . Họ là những nhà văn , nhà báo bẻ cong ngòi bút , đổi trắng thay đen . Họ là những nhà giáo không có lòng yêu thương học sinh - vì hiện tại và vì cả tương lai của các em! Giáo sư Lý Linh - người Trung Quốc đã cảnh giác về mức độ nguy hiểm của loại trí thức này . Ông cho rằng loại nảy mang trong đầu rất nhiều điều không tưởng , họ chỉ thực sự hữu dụng khi nằm ngoài quyền lực và giữ vai trò phê phán nhà cầm quyền . Khi có quyền lực trong tay họ sẽ trở nên nguy hiểm , thậm chí thảm họa cho quốc gia . Ông viết " Giới trí thức , với mắt bén , đầu sáng , có thể trở nên độc tài hơn bất cứ ai . Đặt gươm đao phủ vào tay họ , thì kẻ đầu tiên mất mạng sẽ chính là những trí thức khác" . Bọn học phiệt thường dùng học vị của mình để phế truất , bôi đen những thiện trí thức . Dân gian có câu " cả vú lấp miệng em " là vậy . Điển hình như giáo sư lão thành Vũ Khiêu đã lợi dụng chức danh , học vị của mình tiếp tay cho Đỗ Minh Xuân bôi bẩn truyện Kiều . Vừa rồi có một ông giáo sư , hiệu phó trường ĐH KHXHNV tiếp tay với công an đưa một Sv của mình vào tù ; một ông hiệu trưởng khác  làm ngơ trước cảnh GV của trường bị một phụ huynh bắt quỳ gối . Loại " trí thức " này có học mà không có hạnh , có sĩ mà không có khí , có phẩm mà không có tiết !
  Làm Thầy mà không bảo vệ cho quyền lợi chính đáng cho học trò của mình . Làm quản lý mà không bảo vệ được danh dự cho nhân viên của mình . Làm báo mà tiếp tay với nhà sản xuất đầu độc người dân như trường hợp báo tuổi trẻ ra một quảng cáo thông báo là nước C2 , rồng đỏ an toàn cho người sử dụng , trong khi C2 và rồng đỏ có lượng chì vượt ngưỡng cho phép 4 đến 9 lần ! Những trường hợp trên đây  rõ ràng là điển hình của loại ác trí thức !

      Giới trí thức dù bị phân hóa , khốn đốn cỡ nào cũng vẫn còn giá trị cố hữu của 2 chữ trí thức . Muôn đời trí thức vẫn còn giữ tinh thần của tầng lớp của mình . muôn đời trí thức vẫn là người cầm bó đuốc tinh thần của nhân loại ; nắm giữ vai trò dẫn dắt quần chúng ; lãnh trách nhiệm lãnh đạo tinh thần của dân tộc . Phải nhớ rằng " Quốc gia hưng vong , thất phu hữu trách " huống chi là sĩ phu !
   

nhận xét hiển thị trên trang

Tỷ lệ nghịch




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hãy ngậm mồm, đừng kêu than nóng quá!


Ở Hà Nội những ngày nắng nóng kinh khủng này, tất cả những đối tượng:
. Từng thờ ơ chuyện chặt cây xanh hàng loạt ở thủ đô
. Từng ủng hộ chính quyền Hà Nội chặt cây
. Từng phản đối, dè bỉu, chửi bới hay chống lại những người biểu tình, xuống đường phản đối vụ chặt cây
. Từng dùng câu chữ viết bài ủng hộ chủ trương Thay Cây...
HÃY NGẬM MỒM, ĐỪNG BAO GIỜ KÊU THAN NẮNG NÓNG!
Các vị không đủ tư cách để kêu. Rõ chưa?!

fb Nguyen Son
nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

Sách Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử, lời tri ân của những người đang sống


AN NHIÊN

  
(GDVN) - Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử là cuốn sách đặc biệt với mục đích tri ân và kể lại câu chuyện ít được nhắc tới về 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh.
Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử là cuốn sách đặc biệt do First News khởi xướng từ đầu năm 2014 với mục đích tri ân và kể lại câu chuyện ít được nhắc tới về 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì biển đảo tổ quốc vào ngày 14/3/1988 trên bãi đá san hô Gạc Ma (tiếng Anh là Johnson Cliffs) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sau bốn năm ròng rã, với sự tham gia biên soạn của 68 người, gồm các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu sử học, các nhà báo, các cựu chiến binh Gạc Ma, cuốn sách đã được chỉnh sửa hàng trăm lần, với 48 lần biên tập, cập nhật, qua 14 nhà xuất bản, cuối cùng Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử  cũng vừa được cấp phép phát hành, kịp ra mắt bạn đọc nhân tháng tri ân Anh hùng - Liệt sĩ (27/7).
Cuốn sách Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử.
Đây là cuốn sách được báo chí trong và ngoài nước, cũng như mạng xã hội, đề cập và tranh luận nhiều nhất trước khi sách được cấp phép…
Hàng trăm câu chuyện xúc động và nước mắt đằng sau hành trình thực hiện cuốn sách này…
Trong hành trình đó, để cho câu chuyện 64 liệt sĩ Gạc Ma lan tỏa rộng rãi tới bạn đọc Việt Nam, First News – Trí Việt đã lên ý tưởng, vận động tổ chức thành công cuộc đấu giá Bức tranh Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử của họa sĩ Bùi Lệ Trang trong 49 ngày để giúp đỡ cho 64 gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh Gạc Ma.
Sau đó, cùng Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Đại lễ Tưởng niệm Cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma, các tử sĩ Hoàng Sa tại chùa Vĩnh Nghiêm ngày 22/7/2015 với hơn 3.000 người tham dự.
Nhóm biên soạn đã tổ chức các cuộc phỏng vấn trực tiếp 22 người lính “Gạc Ma” còn sống và 9 cựu chiến binh Gạc Ma bị Trung Quốc bắt vào ngày 14/3/1988 như Thượng úy Nguyễn Văn Chương, Trương Văn Hiền, Dương Văn Dũng, hồi ký viết tay của cựu binh Lê Hữu Thảo.
Đặc biệt, trong bài Bị mổ sống trong nhà giam Trung Quốc, nhóm biên soạn đã phỏng vấn có ghi âm trực tiếp từng cựu tù binh “Gạc Ma”… 
Tổ chức thành công cuộc đấu giá Bức tranh Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử của họa sĩ Bùi Lệ Trang.
Ngày 14/3/1988, trong khi đang làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền tại đảo nổi san hô Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, những chiến sĩ Hải quân Việt Nam, không hề có vũ khí phòng vệ, đã phải hứng chịu những loạt đạn pháo 37mm, 100mm hạ nòng bắn thẳng hết sức tàn bạo và dã man của Hải quân Trung Quốc, nhằm tàn sát và ngăn cản họ bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng khẳng định, giữ gìn phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Những người chiến sĩ Hải quân Việt Nam trong nỗ lực tuyệt vọng giữa làn đạn pháo dồn dập, xối xả của quân Trung Quốc đã cùng nắm tay nhau kết thành một vòng tròn quyết tâm bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc.
Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi hy sinh đã hô to:“Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”.
Vòng tròn bất tử đó đã trở thành một huyền thoại bi thương lay động lòng người và mãi mãi còn là một nỗi đau đớn bi tráng trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Máu các chiến sĩ đã nhuộm đỏ biển Đông. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp thành căn cứ quân sự hiện đại từ đó đến giờ.

Tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma

64 chiến sĩ của chúng ta đã vĩnh viễn không bao giờ trở về, hài cốt còn nằm lại dưới đáy biển sâu suốt 30 năm qua.
9 chiến sĩ bị Trung Quốc bắt và mang về Đảo Hải Nam rồi giam cầm trong nhà tù Trung Quốc, sau hơn ba năm mới được trao trả.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, đồng thời, tôn vinh và trân trọng ghi ơn những chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, First News - Trí Việt nhiều năm liền đã tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử với hy vọng tái hiện lại khoảnh khắc bi hùng ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao sáng 14/3/1988.
Để thực hiện cuốn sách này, First News - Trí Việt đã tìm cách liên lạc và tổ chức nhiều chuyến đi về các địa phương gặp gỡ các nhân chứng lịch sử trở về từ Gạc Ma, thân nhân các gia đình liệt sĩ để thu thập tư liệu, hình ảnh và ghi chép lại những ký ức bi tráng, từ đó lắp ghép nên bức tranh Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử hoàn thiện và trung thực.
Sách do Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh Hùng Lực Lượng vũ trang Nhân Dân – Ủy viên Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam chủ biên, và các cố vấn:
Thiếu tướng - Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, ông Đào Văn Lừng - Nguyên Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương, Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc Hội.