Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

THƯ CỦA HỘI KHOA HỌC KINH TẾ VIỆT NAM VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẶC KHU


.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự di - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 3/6/2018
Kính gửi :
  • - Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt nam
  • - Đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang
  • - Đồng chí Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc,
  • - Đồng chí Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Hội Khoa học Kinh tế Việt nam xin kính gửi các đồng chí lời chào trân trọng và xin được trình bày vấn đề sau đây.

Liên quan đến dự luật "Đặc Khu Kinh tế..." đang được Quốc Hội xem xét trong kỳ họp này, Hội Khoa học Kinh tế nhận thấy tuy đã được chỉnh sửa để có nhiều quy định tốt hơn, nhưng vẫn còn nhiều điểm rất quan trọng chưa hoàn chỉnh. Nếu để thông qua dự luật với một ít sửa đổi trong kỳ họp này có thể gây ra các hậu quả khó lường vì các đặc khu kinh tế sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chiến lược phát triển quốc gia trong dài hạn, trong khi nguồn lực đang cần được phân bổ hợp lý hơn trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đúng chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng một cách toàn diện theo hướng phát triển bền vững. Hơn nữa, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều chuyển biến nhanh chóng trong thời gian qua nên các quyết sách liên quan đến các đặc khu kinh tế cũng cần được điều chỉnh một cách căn cơ hơn, mang tính dự báo tầm nhìn dài hạn tốt hơn.

Vì lẽ đó, Hội Khoa học Kinh tế Việt nam xin gửi ý kiến kèm theo liên quan đến dự luật "Đặc khu kinh tế..." và đề xuất kiến nghị các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước chủ động xin lui dự án này để hoàn thiện thêm và Quốc Hội sẽ xem xét trong kỳ họp tiếp theo.
Xin kính chào các đồng chí.
TM TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC KINH TẾ VIỆT NAM
GS-TSKH PHAN VĂN TIỆM GS-TSKH NGUYỄN QUANG THÁI 
Phó Chủ tịch Hội Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Khoa học Kinh tế Việt Nam
Nguyên Bộ trưởng

NHẬN XÉT LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT
 
I- Nhận xét chung.

1.1. "Đặc khu kinh tế" (gọi tắt của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) có thể coi là kết quả học hỏi kinh nghiệm các nước, như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... Nhưng ở các nước, người ta không làm tràn lan vì họ coi các Đặc khu là "phòng thí nghiệm" để từ kinh nghiệm có được (cả thành công và chưa thành công) về cơ chế, chính sách (gọi chung là thể chế) sẽ mở rộng ra toàn quốc, chứ không mở thêm nhiều đặc khu riêng lẻ sau thử nghiệm (Trung Quốc không mở rộng), khác kiểu Ấn độ mở hàng trăm đặc khu nên đạt hiệu quả ít, thậm chí thất bại. Ngoài ra, cũng lưu ý trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu đã tự do hoá như hiện nay, nhiều nước không còn quan tâm phát triển các “đặc khu” đơn lẻ nữa.

1.2. Kinh nghiệm vận hành 17 Khu kinh tế ven biển cho đến nay cho thấy cần "tập trung hơn", vì 17 khu kinh tế ven biển này có diện tích khoảng 800 nghìn ha, bằng 10 lần hơn tổng diện tich của hơn 300 khu công nghiệp, nên không đủ vốn triển khai. Ngay Khu kinh tế mở Chu Lai, KKT Dzung Quất hy vọng một thời cũng rất "bí", hiệu quả thấp dù ngay từ đầu đã gắn kết với dầu khí (Dung quất) hay ô tô Trường Hải và sân bay lớn (Chu Lai), nhưng sau hơn 15 năm từ khi thành lập, cả khu kinh tế (mở) Chu Lai và tỉnh Quảng Nam hay Khu kinh tế Dung Quất và tỉnh Quảng Ngãi đều khó, nhất là lúc ban đầu. Đến nay khi cả nước có nhiều cực tăng trưởng thì khó khăn lại tăng lên vì nguồn lực có hạn.

1.3. Việc thiếu nhà đầu tư chiến lược, nên thiết kế các khu kinh tế chưa tương xứng yêu cầu có tầm cỡ để "xây ổ cho phương hoàng đẻ trứng", thiết kế kém tầm nhìn xa, kém chất lượng, thiếu gắn kết... trong khi hội nhập cả nước đã đi vào bề sâu, với các Hiệp định FTA thế hệ mới, lại gần nền kinh tế khá thành công như Trung Quốc, Singapore và cạnh tranh gay gắt, dù có tham gia CPTPP.

Quốc Hội đang bàn dự thảo Luật đặc khu kinh tế là một việc làm nhắm đổi mới thể chế, nhưng có lẽ nên làm chậm mà chắc, còn hơn chỉ cố thông qua theo lịch trình đã có.

II- Ưu điểm lần dự thảo này

2.1. Quốc Hội đã xem xét góp ý một lần trong kỳ họp cuối năm 2017, lãnh đạo cấp cao cũng đã có ý kiến chỉ đạo. Bộ KHĐT cũng rất nỗ lực tiếp thu, giải trình, sửa đổi, dù việc chuẩn bị các dự thảo Nghị định đi kèm còn chậm do hướng đi còn lúng túng.

2.2. Từng điạ phương cũng góp thêm "áp lực" để sớm thông qua... vì cũng đã và đang triển khai một số hoạt động đa dạng, nhất là Phú Quốc và Vân Đồn đã có một số hoạt động triển khai lớn, như làm mạnh các công trình đường điện, sân bay, du lịch.... dù hướng phát triển chưa thật rõ do chưa có nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ quốc tế.

2.3. Lưu ý: Tình trạng "đầu cơ" đất đang diễn ra rất phức tạp, kể cả người nước ngoài "nhờ" người tranh mua, gây khó dễ nếu Chính phủ thiếu hành động quản lý mạnh tay trừng phạt những kẻ gom đất đầu cơ.

III- Một số điểm xin góp thêm (Phần chính)

3.1. Luật đặc khu của cả nước hay Luật dành cho ba khu của ba tỉnh? Có hạ cấp đặc khu?

a/ Tên Luật được điều chỉnh làm phạm vi của Luật quá hạn chế? Ngay trong trang đầu, bản dự Luật đã nêu là Luật này dành cho ba Khu thuộc ba tỉnh. Có thể hiểu là đặc khu cũng "thấp cấp" (không phải là cấp quốc gia, mà đã được "hạ cấp" (Huyện thuộc tỉnh, dù Luật tổ chức chính quyền địa phương không bắt buộc như vậy) vì sẽ chịu sự quản lý cả trung ương và địa phương, khó có cơ chế vượt trội như trước đây Khu Kinh tế mở Chu Lai trực thuộc Trung ương (sau mới chuyển về tỉnh) làm khó khăn cho triển khai ?

Hơn nữa, dự luật này vừa quy định chung cho các Khu, vừa quy định chi tiết từng khu nên làm cho Luật thiếu khái quát, thậm chí lại cụ thể hóa khá chi tiết về ba đặc khu. Chẳng may, nếu qua thực tiễn vài ba năm nữa phải giải tán 1 khu hoặc thêm 1 khu khác là lại sửa Luật, trong khi có thể làm Luật chung, rồi Quốc Hội hay Ủy ban TVQH ra Nghị quyết qui định chi tiết thêm cho từng Khu, sẽ linh hoạt hơn chăng? Điều này cũng phù hợp với chủ trương vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉnh sửa dần.

Về quy mô, cả ba đặc khu này dù đã lớn hàng vạn ha, nhưng lớn nhất diện tích đất liền chỉ bằng1/2 Hông Kong và 1/4 Thâm Quyến (cạnh Hong Kong) nên việc lựa chọn "chiến lược" mỗi khu cũng rất nên thận trọng, vì khó "điều chỉnh". Chẳng hạn với Vân đồn và Phú Quốc, dù đã nêu định hướng "rộng", nhưng nếu chỉ tập trung làm du lịch thì "phí" cơ hội làm các lĩnh vực tài chính hay công nghệ cao.... Còn nếu làm hạ tầng biển cho Bắc Văn Phong thì có sợ nhỏ chăng, vì Vân Phong có địa thế ra biển thì tốt, nhưng "hậu phương" lại có thể bị chặn bởi vị trí địa lý. Cần cân nhắc kỹ về chức năng của các Khu này. Hơn nữa đến nay vẫn thiếu nhà đầu tư chiến lược tiềm năng nên sự phát triển có thể lạc hướng khó cho triển khai khi các nhà đầu tư nhỏ làm lạc mất tầm nhìn chiến lược dài hạn.

b/ Giải thích thuật ngữ về nhà đầu tư chiến lược thì có thể có hàng chục "chiến lược" như làm casino 2 tỷ$ (triển khai giải ngân thực hiên 8 năm); đầu tư kết cấu hạ tầng trên 500-600 tr$ (triển khai giải ngân thực hiện 5 năm); dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên 300 tr$ (thực hiện giải ngân không quá 3 năm); còn quy định khá mơ hồ về "giá trị gia tăng đột biến"... Nêu casino đặc biệt quá chăng, vì sau này mấy chục năm thì KHCN tiến bộ, có thể nhiều kiểu cách khác, chơi qua mạng. Do đó, chiến lược phát triển có thể bị "lạc hậu" chăng, khi mới thấy địa ốc, du lịch và casino là chính, chưa thấy công nghệ cao, tài chính, ngân hàng. Hơn nữa, về chế tài nếu nhà đầu tư vi phạm nên thu hồi giấy phép hay phạt thế nào, chưa được làm rõ?

c/ Chủ tịch UBND và Trưởng đặc khu:

Khi đọc kỹ vào nội dung bên trong, nhất là về quản lý của Khu, ta thấy ngay việc "hạ cấp" rất rõ. Đó là vị trí của Trưởng đặc khu. Cụ thể, trong đặc khu vẫn tổ chức HĐND và UBND như cấp huyện (dưới tỉnh), dù đã cho phép có một số ưu đãi và yêu cầu "tinh gọn”. Với không quá 7 đơn vị giúp việc (kiểu cấp Huyện, không hiểu Chủ tịch UBND có đủ thời gian xem xét và quyết định về các dự án và vấn đề của Đặc khu? Thậm chí cơ quan công an mà chỉ cấp Huyện thì khó xử lý băng đảng Mafia quốc tế sẽ hình thành và di chuyển tới? ...).

Trưởng đặc Khu như kiểu một người thừa hành dưới cấp Chủ tịch UBND Huyện thì có bé quá không. Thậm chí muốn sửa đổi quy định nào thì Trưởng Đặc khu không được Báo cáo trực tiếp Thủ tướng, mà phải trình Chủ tịch UBND đặc khu để sau khi rà soát, Chủ tịch UBND đặc khu mới Trình Thủ tướng xem xét, quyết định, thì có chậm không ? Thậm chí Chủ tịch UBND đặc khu cũng không thật là "cấp cao", do đó, trong một số trường hợp như sân bay, bến cảng,... đấu thầu khó xử lý các vấn đề phát sinh thì nên là liên ngành Chính Phủ mới đủ chất lượng chăng.

3.2. Quy hoạch đặc khu và "đặc sản"

Bản quy hoạch có trường hợp cần lấy ý kiến trên phạm vi quốc gia hay vùng kế cận, không nhất thiết chỉ lấy ý kiến cư dân trong khu (kể cả người ngoại quốc làm việc tại đó). Khi đó, các "đặc sản" như casino, du lịch đẳng cấp có cạnh tranh áp đảo so với các nước kế cận vì đã có nhiều "van" an toàn. Còn phát triển công nghệ cao hay trung tâm tài chính thì không rõ. Thậm chí làm logistic ở Bắc Vân Phong có cạnh tranh được không khi vấn đề vận tải biển hiện đang bị thao túng toàn cầu rất nghiêm trọng. 

Với các ưu đãi đất đai và thuế rất có thể các đặc khu vướng vào giới săn nhà đất của nước bạn, khi nhu cầu của họ tăng lên mấy lần mấy năm gần đây. 3.3. Luật nhấn mạnh ưu đãi hay minh bạch.

Nhiều nhà nghiên cứu lo lắng về mức độ ưu đãi quá đáng cho ba đặc khu, nhưng hiệu quả mang lại chưa rõ khi tình hình thế giới và bản thân các nhà đầu tư vào khu còn khá mờ để có vượt trội, khi thế giới đã có hơn 4000 đặc khu nhưng hiệu quả rất khác nhau.

Ba khu hành chính kinh tế đặc biệt có nhiều lợi thế, đã được đầu tư lớn của Việt Nam, nay lại thêm ưu đãi thì định "đánh đổi" lấy cái gì? Nếu không sẽ là nơi thua thiệt của NSNN, mà không biết có thu hồi vốn được không, bằng con đường nào ... Thậm chí nếu ưu đãi quá lớn thì một số năm đầu đăc khu sẽ là nơi thu hụt NSNN nhiều chăng? Các ưu đãi với Vân Đồn là ví dụ rất không an toàn khi đầu tư nhiều mà không thấy khả năng hoàn trả nhanh như mong muốn. Cơ quan tài chính đã thử tính nguồn thu dựa vào kinh nghiệm ưu đãi thuế của khu cửa khẩu Lao Bảo trên đường hành lang Đông Tây...

Ngân sách đặc khu là ngân sách cấp Huyện thì có hạn chế qúa không, mâu thuẫn với cơ chế đặc thù..., dù có để lại từ nguồn thu nội địa và có sự hỗ trợ ngân sách Trung ương, nên chưa rõ nhờ đặc khu thì lợi gì, cho ai (lợi GDP danh nghĩa thì "chắc", nhưng Ngân sách Nhà nước hy vọng có bội thu không?). Cơ quan tài chính cũng nên dự kiến nguồn chi và sự phân bổ từ Trung ương bao nhiêu năm sau khi có quyết định lập ba Khu khi cân đối NSNN hiện khó khăn.

Việc ưu đãi này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kiếm lời ngắn hạn, không thu hút được nhà đầu tư chất lượng dài hạn, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, làm phát sinh tiêu cực như lách luật, trốn thuế, chuyển giá? Nếu chúng ta quá chú trọng đến thu hút đầu tư theo kiểu bằng mọi giá thì cái giá phải trả cũng sẽ lớn. Đó là phải chạy theo các đòi hỏi của nhà đầu tư vì lợi ích cá nhân của họ mà giảm nhẹ hay bỏ qua các lợi ích của cả nền kinh tế, người dân và xã hội. Mâu thuẫn hay xung đột lợi ích này sẽ trở thành rủi ro cả về chính trị và pháp lý đối với Nhà nước Việt Nam.

Một thể chế quản trị vượt trội mới mong có thể đạt được năng lực cạnh tranh mạnh của các đặc khu, nhưng dường như chưa thể hiện trong dự Luật đặc khu hiện có.

3.4. Về thời hạn sử dụng đất.
 
Tại sao lại trao nhất loạt quyền đến 70 năm (dễ dãi với một cấp Huyện, khi trước đó phải là Thủ tướng Chính phủ mới có quyền, như rút kinh nghiệm Formosa) và 99 năm ít ràng buộc, mang tính nhất loạt. Theo nhiều người tham gia thảo luận ở Hội Khoa học Kinh tế chỉ nên quy định 50 năm và với 70 năm thì có xem xét như cơ chế hiện nay. Còn việc nâng lên 70 năm và đặc biệt 99 năm có thể gây nhiều phiền toái, như Hông Kong mãi mới về lại Trung Quốc. Do đó, nói chung cần cho thuê đất theo đời dự án, có phân biệt theo dự án công nghiệp phần lớn là mấy chục năm, trong khi các dự án khu đô thị hiện đại hay tài chính... có thể dài 50 năm hay lâu hơn. Lưu ý thêm rằng trong thời đại công nghiệp 4.0, vòng đời các dự án càng ngắn, đâu cần tới sử dụng đất 50, 70 hay tới 99 năm. 

Nhiều nhà nghiên cứu lo lắng về thời hạn 99 năm có thể gây nên tình trạng đầu cơ dất với những hứa hẹn khó kiểm chứng sau gần 100 năm, trong khi nhà đầu tư có thể chế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng, kể cả ngân hàng trong nước, theo “kiểu lấy mỡ nó rán nó”. Với ngân hàng nước ngoài, nếu dự án đổ bể thì nước ngoài sẽ "chiếm" đất đặc khu, kiếm lời do "bán" đất? 

3.5. Vấn đề an ninh và chủ quyền 

Có vấn đề nguy cơ thế nào nếu các nhà đầu tư nước ngoài dùng mưu mẹo mua "vét" đất? Nhất là đối với “nhà đầu tư chiến lược”, họ đăng ký dự án lớn, làm dần dần nhưng có quyền mặc cả về cơ chế và ràng buộc bằng pháp lý quốc tế. Nếu có tranh chấp, ta khó tránh bị khởi kiện và bồi thường. Khi miễn thị thực vào Vân Đồn với công dân TQ thì với kiểu du lịch "O" đồng, Vân Đồn có thể thành nơi xả rác và đầu cơ địa ốc hay chơi cờ bạc mà không thấy rõ đầu tư chiến lược là gì khi phải cạnh tranh với Hải Nam là khu kinh tế tự do cực lớn của Trung Quốc? 

Công dân Căm-pu-chia cạnh Phú quốc vào "tự do" khi TQ lại thuê 90km ven biển thì việc xin hộ chiếu CPC không khó, và nguy cơ an ninh có cần cân nhắc không, trong khi với ASEAN thì đi lại tự do rQuoosc??? Như vậy ngay với Phú Quốc cực Nam Tổ quốc cũng cần rất lưu ý.

Giao Chủ tịch UBND Bắc Văn Phong quyết định cơ quan quản lý cảng biển có "thấp" không, khi nhiều vấn đề vượt thẩm quyền cấp tỉnh ? Tình trạng mua bán đát của người nước ngoài và tranh chấp ở biển Đông rất đáng lưu tâm đến chiến lược phát triển khu kinh tế tầm cỡ toàn cầu.

IV- Kết luận và kiến nghị

Có lẽ nên thận trọng xem xét, nhất là tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức xã hội nghề nghiệp sâu rộng, tránh tình trạng "dựa dẫm" ý kiến nhau (?), nhất là đã có ý kiến chỉ đạo của cấp cao, nên khó cho Luật và cả cho thi hành. (Kinh nghiệm khi thông qua dự án đường sắt cao tốc, cấp cao đã dành quyền để các đại biểu cân nhắc, nên thực tiễn mấy năm qua cho thấy đó là quyết định hoàn toàn chính xác, trong khi quyết định về bauxit Tây nguyên có gì cần rút kinh nghiệm không?). Thậm chí có ý kiến nên xem xét đẩy mạnh cải cách toàn diện Việt nam để tăng sức mạnh cạnh tranh quốc gia hơn là chỉ làm ba đặc khu.

Kiến nghị nên lùi chậm một kỳ nữa (đến cuối năm) thì hay hơn. Như vậy, chậm mà chắc ! 

Trong khi chờ đợi một đặc khu kinh tế Việt nam tầm cỡ toàn cầu, cần đẩy mạnh các quyết sách đã có của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững.

Những người đóng góp ý kiến, tham gia phát biểu và đã tham vấn khi xây dựng kiến nghị gồm:

- GS-TSKH Phan Văn Tiệm, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng Chính phủ, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt nam phụ trách phía Nam

- GS-TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt nam  và các thành viên đã tham gia thảo luận trong các lần tư vấn trong và ngoài Hội Khoa học Kinh tế (xếp ABC) như

- TS Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Thư ký Trung ương Hội, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế học

- PGS-TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, ủy viên BCH TƯ Hội Khoa học Kinh tế

- TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương CIEM, ủy viên Trung ương Hội, thành viên tư vấn của Ủy ban phát triển thuộc LHQ

- TS Dương Đình Giám, ủy viên Trung ương Hội, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách công nghiệp.

- TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, nguyên thành viên Tư vấn Thủ tướng Phan Văn Khải, ủy viên trung ương Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, Hanoi

- Nhà nghiên cứu Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký- Phó chủ tịch VCCI, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải

- Luật gia Nguyễn Tiến Lập, TPHCM

- TS Phạm Sỹ Liêm, ủy viên trung ương Hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

- PGS-TSKH Võ Đại Lược, ủy viên Thường vụ Trung ương Hội, ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ, Tổng Giám đốc Trung tâm Châu Á - Thái Bình dương VAPEC, nguyên thành viên tư vấn Thủ tướng Phan văn Khải

- Nhà nghiên cứu Trần Đức Minh, Phó Tổng Thư ký Trung ương Hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương.

- PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội kế toán Kiểm toán, thành viên HĐKH Viện Nghiên cứu phát triển Việt nam

- TS Hàn Mạnh Tiến, ủy viên Trung ương Hội, Chủ tịch Hiệp Hội các nhà quản trị doanh nghiệp

- PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ủy viên Trung ương MTTQ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế của MTTQ

- TS Bùi Trinh, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu phát triển Việt nam

- GS-TSKH Vũ Huy Từ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt nam 
và nhiều nhà nghiên cứu khác.
Nguồn: Hoang Hung

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một vài suy nghĩ về đặc khu

Đặc khu KT: Bấm thông qua sẽ biến VN thành Giao Chỉ (?)


Nguyễn Tiến Tường, 01/06/2018 Đối với các vị trí nhạy cảm như Vân Đồn, Bắc Vân Phong mà giao đất 99 năm là “mạo hiểm”. Nhất là khi tiệm cận hoặc lọt vào “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Vịnh Vân Phong chỉ cách Nha Trang 30km, khu vực cảng rộng lên tới 43.500 héc ta gấp 3 lần so với vịnh Cam Ranh. Đây là một vị trí chiến lược. Với thời hạn giao đất 99 năm, kịch bản con ngựa thành Troy không phải là không thể. Thông qua đặc khu sẽ là một quyết định vội vã. Một nút bấm thông qua, chưa chắc đã biến những làng chài thành thiên đường. Nhưng nó có thể sẽ biến tương lai trở lại với quá khứ Giao Chỉ, với dã tâm vô giới hạn của chính quyền Trung Quốc.
Vị trí của 3 đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú Quốc 
trên lãnh thổ quốc gia. (Đồ họa: vnexpress.net)
1. Tương quan
Người ta nói đến đặc khu với hình tượng Thẩm Quyến và Thượng Hải mà ngó lơ con số của Ngân hàng Thế giới (WB): 50% đặc khu trên toàn thế giới thất bại thảm hạiĐặc khu, là một canh bạc 5-5. Và, có vẻ như nó đã lỗi thời so với thời điểm Thẩm Quyến từ một làng chài thành thiên đường, thập niên 80 của thế kỷ trước, thời tương quan kinh tế dĩ nhiên lạc hậu hơn.

Trong 5 yếu tố làm nên thành công một đặc khu: Vị trí chiếm số 1, chiến lược giữ vị trí số 2. Tức là kiến tạo giá trị lõi để khi nhắc đến, người ta biết giá trị của nó là gì. Ví dụ: Thẩm Quyến là một thung lũng công nghệ. Thượng Hải là thủ phủ tài chính.

Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, cho đến bây giờ chưa định hình được “giá trị lõi” đó. Tôi đọc báo 1 ngày, chưa thấy mỗi đặc khu sẽ mang một giá trị nhận diện gì. Ngoài những thứ chung chung như công nghệ cao, du lịch, casino.

Làm công nghệ cao thì không biết bắt đầu từ đâu cả. Ngay cả TP.HCM và HN cũng chưa thành công. Du lịch, thì có lẽ không cần đặc khu. Còn casino? Anh Nguyễn Duy Hưng ở SSI nói: Tôi chả thấy ở nơi đâu mà xây dựng giá trị của đặc khu dựa trên casino cả!

Yếu tố thứ 3 quyết định thành công của đặc khu: Chính sách và đột phá thể chế.Điều này, chưa hiển hiện ở cả ba khu vực, chỉ là những “ý định” chung chung chứ chưa định khung những luật lệ, quy định riêng cho đặc khu, và từng đặc khu.

Một sự thay đổi le lói ở Phú Quốc, Bí thư Nguyễn Thanh Nghị từng đề xuất thiết chế Trưởng đặc khu, thay cho chủ tịch và bí thư. Hợp nhất cả các đoàn thể. Đến nay, bặt vô âm tính. Đương nhiên nó vướng quá nhiều ở thực tế.

Để thấy rằng, việc hình thành các đặc khu có vẻ như chỉ đang luẩn quẩn trong ý chí cục bộ (hoặc toan tính) của vài người. Ba tòa cung điện mơ mộng, tổng vốn đầu tư 1.300.000.000.000.000 (1,3 triệu tỷ đồng) đang không có nền móng đủ chắc.
Đề xuất tự do lưu hành đồng USD tại đặc khu Phú Quốc

2. Thực trạng

Thực trạng chung của Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là “sốt đất”. Đất tăng giá vài chục lần. Cơn sốt đất đang khiến 3 khu vực này quay cuồng. Mua 800 triệu, bán 18 tỷ. Nạn mua bán tràn lan phá vỡ quy hoạch.

Thực tế đó sẽ đặt nhà cầm quyền vào một thách thức lớn khi quyết tâm làm đặc khu: Đó là xung đột xã hội khi muốn có quỹ đất sạch.

Cơn sốt đất lan rộng trên phạm vi toàn quốc, đẩy giá trị bất động sản (BĐS) lên cao, đương nhiên là giá trị ảo. Dòng vốn chảy vào 3 “thiên đường BĐS này”, phần lớn từ giới lắm tiền nhiều của, khách phía Bắc chiếm phần đông.

Cơn sốt đất, như Phú Quốc chẳng hạn, có từ rất lâu trước khi công bố ý tưởng đặc khu. Nghĩa là có nhiều cá nhân, pháp nhân đã gom đất chờ sẵn. Gợn bóng dáng tham nhũng chính sách.

Nếu thông qua đặc khu, tức là tạo ra sự thiên lệch về đối tượng thụ hưởng chính sách và “bảo hộ” cho các thị trường đất đai tự phát.

Sự ô trọc của hòn đảo

3. Thuê đất 99 năm và… Trung Quốc

Như đã nói ở trên, quy hoạch “giá trị lõi” cho 3 đặc khu chưa hiển hiện. Làm sao xác định các đặc thù của từng đặc khu để xác định thời hạn giao đất phù hợp?

Đối với các vị trí nhạy cảm như Vân Đồn, Bắc Vân Phong mà giao đất 99 năm là “mạo hiểm”. Nhất là khi tiệm cận hoặc lọt vào “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Vịnh Vân Phong chỉ cách Nha Trang 30km, khu vực cảng rộng lên tới 43.500 héc ta gấp 3 lần so với vịnh Cam Ranh. Đây là một vị trí chiến lược. Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Việt Nam ngăn không cho phép Nga sử dụng căn cứ quân sự ở vịnh Cam Ranh.

Với thời hạn giao đất 99 năm, kịch bản con ngựa thành Troy không phải là không thể. Thực tế quản lý của Bouxite Tây Nguyên và Formosa đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Những cộng đồng người TQ, đường phố tên Trung Quốc được hình thành.

Formosa thậm chí còn không cho quan chức địa phương vào kiểm tra, bên trong còn xây dựng cả công trình tôn giáo.

Thử tưởng tượng, người Trung Quốc, từ Hoàng Sa và một phần Trường Sa đi vào, có những “trạm trung chuyển” là 2 đặc khu với những cơ sở giao đất 99 năm thì sẽ như thế nào?

Chưa hết, vốn đầu tư của Trung Quốc vào bất động sản, nhất là phân khúc nghỉ dưỡng ven biển đang gia tăng. Cộng hưởng với dòng vốn tín dụng đổ vào các doanh nghiệp BĐS lập dự án ở các vị trí “nhạy cảm” trong thời gian gần đây. Nó là một dạng quyền lực mềm mà chẳng có ai giỏi bằng TQ.

Tại Nha Trang, dài đến Đà Nẵng, tình trạng người Trung Quốc mua nhà đất, cư trú tràn lan trong một thời gian rất dài.



Nếu nghĩ về một kịch bản xâm chiếm quy mô kết hợp với du kích, có lẽ nhiều người sẽ nói tôi hoang tưởng. Nhưng những gì hiển hiện trước mắt và trải dài qua một thời đoạn, có lẽ cũng sẽ khiến không ít người chột dạ.

Thông qua đặc khu với những thực trạng như trên sẽ là một quyết định vội vã. Một nút bấm thông qua, chưa chắc đã biến những làng chài thành thiên đường. Nhưng nó có thể sẽ biến tương lai trở lại với quá khứ Giao Chỉ, với dã tâm vô giới hạn của chính quyền Trung Quốc.

Theo Facebook Nhà báo Nguyễn Tiến Tường

(*) Bản đăng có chỉnh sửa chi tiết nội dung so với nguyên bản.

https://trithucvn.net/blog/mot-vai-suy-nghi-ve-dac-khu.html

Bị sáp nhập vào Trung Quốc, người Tây Tạng mất dần ngôn ngữ


Bị Trung Cộng xâm lược vào năm 1950, người Tây Tạng đã trải qua vài lần nổi dậy nhưng bất thành. Đã 10 năm kể từ cuộc nổi dậy gần đây nhất, khu vực này dường như đã ổn định trở lại nhưng người dân tại vùng đất được coi là Thánh địa Phật giáo này đã mất đi nhiều điều quý giá. “Chúng tôi đang đối mặt với nhiều câu hỏi khắc nghiệt về tương lai của chúng tôi, mà chúng tôi không thể tìm thấy câu trả lời”, một người Tây Tạng cho biết.

Ảnh trái: Hiện diện an ninh dường như bớt đi trong các lễ hội thường niên xung quanh các ngôi chùa Tây Tạng tại Tongren, tỉnh Qinghai (Nikkei), Ảnh phải: Kumbum Monastery,còn gọi là tu viện Taer ( Ta’er Monastery) (Ảnh: chinadiscovery)



Bắc Kinh dường như muốn phụ trách cơ chế "tái sinh" Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng?


Từ thời điểm quân đội Trung Cộng triển khai quân đội tại cả hai khu vực Vùng tự trị Tây Tạng (Tibet Autonomous Region) và tỉnh lân cận Thanh Hải vào năm 2008, khu vực dường như đã ổn định trở lại. 

Hiện nay dấu hiệu căng thẳng dân tộc dường như rất ít sau 10 năm. Đáng chú ý, hành vi tự thiêu để phản đối sự cai trị của Trung Cộng ngày càng hiếm hoi.

Tại Tu viện Taer (Taer Monastery), một thánh địa của dòng Hoàng Mạo Giáo (Yellow Hat) của Phật giáo Tây Tạng nằm tại ngoại ô thủ phủ tỉnh Thanh Hải của Xining, nhiều người dân gần đây đã cung cấp những dịch vụ cho khách du lịch với vai trò hướng dẫn viên.

Một phụ nữ khoảng 30 tuổi, đã giải thích ý nghĩa lịch sử và tôn giáo của nhiều hình ảnh Phật trong đền thờ, nói rằng tất cả các hình ảnh và tài liệu liên quan tới lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong, Đạt Lai Lạt Ma, đã bị chính quyền cấm và xóa bỏ. Bởi Trung Cộng coi Đạt Lai Lạt Ma là một người ly khai và là một kẻ thù của nhà nước. 



Mất dần ngôn ngữ riêng

Khi được hỏi người dân Tây Tạng nghĩ gì về lệnh cấm, người phụ nữ hạ giọng nói “Chúng ta hãy nói về chủ đề đó sau”. Đi ra xa ngôi đền, đến nơi có rất ít người xung quanh, người phụ nữ mới sẵn sàng trả lời câu hỏi. “Tôi kính trọng Đạt Lai Lạt Ma, nhưng chúng tôi không thể trưng bày ảnh của ông ấy vì những lý do chính trị”, cô cho biết. “Vì chính phủ sẽ không cho phép điều đó, chúng tôi không thể làm điều gì cả”, cô bổ sung và có chút xúc động. 

Người phụ nữ kiếm sống bằng cách làm hướng dẫn viên cho các khách du lịch người Hán từ Trung Cộng. Cô cho biết có thể nói giọng Trung Hoa chuẩn, nhưng tiếng Tây Tạng không nhiều, và thậm chí không thể đọc.

Hầu hết những người sống gần ngôi đền đã mất ngôn ngữ Tây Tạng, một người đàn ông sống tại một phần khác của tỉnh Thanh Hải cho biết “Chúng tôi phân biệt họ (người Tây Tạng) bằng cách gọi họ là “Người Tây Tạng của đền Taer” ( the Tibetans of the Taer Temple).

Người đàn ông nói thêm rằng đứa con trai của ông đã mất đi giọng Tây Tạng đúng gốc trong khi theo học tại một trường tiểu học ngôn ngữ tiếng Trung.

“Thật buồn khi mất truyền thống, nhưng tôi không có lựa chọn khác ngoài việc để cho con tôi có được nền giáo dục ngôn ngữ Trung Hoa cho tương lai của chính nó”.
Sự hiện diện quân sự trong các sự kiện tôn giáo
Tại một ngôi chùa ở quận Tongren, khoảng 150km từ Xining, gần 2.000 cư dân địa phương đã tụ tập cho một lễ hội Phật giáo với âm thanh bi ai của những chiếc kèn được trang trí sặc sỡ. Dường như không có nhiều sự hiện diện chính thức của an ninh, chỉ có 2 chiếc xe cảnh sát đỗ phía trước cổng chùa.

Một cư dân địa phương nói các biện pháp an ninh mạnh mẽ hiếm gặp trong những ngày này, không giống như vài năm trước, khi các phương tiện cảnh sát vũ trang thường tuần tra trong những dịp như vậy.

Các vụ tự thiêu giảm rõ rệt

Tình hình an ninh tại tỉnh Thanh Hải nhìn chung ổn định hơn khu vực tự trị Tây Tạng, người đàn ông cho biết. Số lượng tự thiêu, vốn đã xảy ra thường xuyên cho tới vài năm trước, đã giảm mạnh.

Những vụ tự thiêu biểu tình giảm đi không phải do sự kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ, mà vì Đạt Lai Lạt Ma và những cao tăng khác đã lên tiếng chống lại hành vi tự sát.
Khoảng 2 năm trước, một người thanh niên trẻ đã chết sau khi tự thiêu trước một bức tượng Phật để phản đối quyền tự do thờ cúng. Khoảng 1.000 người trong làng đã tập trung cho nghi thức của người đàn ông này theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiềm chế những người ly khai cực đoan bằng cách kêu gọi bất bạo động. Ông cũng kêu gọi ưu tiên đấu tranh cho quyền tự chủ của Tây Tạng, hơn là cho độc lập hoàn toàn.

Dù các vụ tự thiêu đã giảm hẳn, chính phủ Trung Cộng vẫn không tỏ dấu hiệu sẽ nương tay hơn đối với Đạt Lai Lạt Ma.
Bắc Kinh muốn phụ trách cơ chế ‘tái sinh’ Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng?
Với việc Đạt Lai Lạt Ma năm nay đã 82 tuổi, nhiều người Tây Tạng lo lắng cho sự kế vị của ông. Trong nhiều thế kỷ, vị trí này được kế tục thông qua một cơ chế “tái sinh”.
Bắc Kinh dường như rất muốn phụ trách quá trình này, và người Tây Tạng lo sợ chính phủ có thể sử dụng nghi lễ truyền thống để kiểm soát khu vực tự trị.

“Chúng tôi đang đối mặt với nhiều câu hỏi khắc nghiệt về tương lai của chúng tôi, mà chúng tôi không thể tìm thấy câu trả lời”, một người Tây Tạng cho biết.
An Hòa

MÀY CHỚ LO BÒ TRẮNG RĂNG


Nguyễn Duy Xuân
Buổi sáng. Nhà chỉ có hai bố con.
Người con đến trước mặt bố, vẻ khúm núm:
- Bố ơi!
- Gì thế?
Image result for ĐẶC KHU KINH TẾ

- Dạ con muốn…
- Tiền hả?
- Dạ… không!
- A, chuyện lạ. Thế thì mày muốn gì?

- Dạ… nhưng bố cho phép con mới dám nói.

- Hôm nay ra vẻ ngoan nhẩy? Nói đi!

- Dạ, bố… bố đừng cho người ta thuê nhà trăm năm nữa.

- Ơ! Cái thằng này! Bao nhiêu năm là quyền tao, mày dám cản hả?

- Dạ, con đâu dám. Nhưng…

- Nhưng cái gì?

- Dạ, bố mà cho họ thuê trăm năm thì… con cháu con mai sau lấy chỗ đâu mà ở?

- Hừm! Sao mày cứ lo bò trắng răng thế. Bao nhiêu năm thời bao cấp khổ sở thế đủ rồi, bây giờ tao phải lo hưởng thụ cái đã.

- Thì bố tiền bạc như núi còn gì. Rồi nào là biệt phủ, dinh thự…

- Nhiêu đó nhằm nhò chi mày.

- Con là lo cho các cháu mai sau…

- Tao đã bảo rồi, mày chớ có lo bò trắng răng con ạ. Trời sinh voi sinh cỏ. Không có chỗ thì chúng nó thuê trọ, nhe!

- Bố!

- …

- Bố đừng để mai sau con cháu nó oán.

- Tao cần đếch gì cái mai sau đó, thằng mất dạy!

Người con nhìn bố, nuốt nước mắt:

- Bố ơi là bố!!!

Nguồn: http://trannhuong.net/tin-tuc-53434/may-cho-lo-bo-trang-rang.vhtm


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

5 khác biệt giữa đặc khu kinh tế cho TQ thuê với khu phố Tàu (Chinatown)


Huỳnh Chí Viễn, 01/06/2018 • Nhân dịp có một Đại biểu Quốc hội phát biểu so sánh rằng đặc khu kinh tế cho Trung Quốc thuê thì có khác gì các khu phố Tàu (Chinatown) mà thành phố lớn nào trên thế giới cũng có (*), tôi xin đưa ra 5 khác biệt lớn của hai hình thức dân cư nói trên để phản bác lại ý kiến này.Con đường ban đêm dưới cổng vòm vào khu phố Tàu tại Manila, Philippines, ngày 3/5/2018. (Ảnh: Carlo Gauco/Bloomberg qua Getty Images)

1. Về chính trị:

Những khu phố Tàu có mặt hầu hết khắp nơi trong các thành phố lớn trên thế giới, là nơi người Hoa di dân sang để sống tại đất nước đó. Người Hoa ở các khu phố Tàu phần lớn là những người dân tị nạn chính trị và họ ra đi vì không công nhận sự tồn tại của chính thể đang cai trị tại quê hương họ.

Còn dân của các đặc khu kinh tế cho Trung Quốc thuê là do Chính phủ đưa sang và cài cắm vào đó với mục đích biến đặc khu đó thành đất của chính phủ Trung Quốc về lâu về dài. Cả bộ máy hành chính của đặc khu cũng được đưa từ Trung Quốc sang. Mỗi đặc khu là một đất nước Trung Quốc thu nhỏ về mặt chính trị và hành chính.

2. Về quy mô và vị trí:

Các khu phố Tàu tại các thành phố lớn thường có quy mô nhỏ, chỉ vài con đường. Khu Chợ Lớn được xem là Chinatown lớn nhất thế giới và lâu đời nhất cũng chỉ có quy mô vài quận.

Một đặc khu kinh tế thì quy mô hoàn toàn khác hẳn, rộng lớn hơn rất nhiều, diện tích ít nhất cũng bằng một thành phố nhỏ.

Các khu phố Tàu không hề có ranh giới biệt lập với khu dân cư bản địa, vì nó là một phần của thành phố bản địa, ra vào không cần phải xuất trình giấy tờ đặc biệt cũng không phải nhất thiết là người Hoa mới vào được.

Các đặc khu kinh tế Trung Quốc tuy nằm trên đất Việt Nam nhưng lại tách biệt hoàn toàn, người Việt Nam nếu không có giấy tờ đặc biệt cũng không được vào.

3. Về tư cách công dân:

Dân cư khu phố Tàu qua nhiều thế hệ hòa nhập với dân địa phương và trở thành một phần của cộng đồng nơi đó. Họ nhập tịch của quốc gia sở tại, nếu lập gia đình với người bản địa hoặc với người đồng hương thì con cái của họ vẫn mang quốc tịch nước sở tại chứ không mang quốc tịch Trung Quốc. Con cái họ lớn lên đi học nền giáo dục địa phương, nói tiếng địa phương song song với tiếng Hoa.

Dân cư đặc khu kinh tế Trung Quốc mang quốc tịch Trung Hoa, nếu có lấy vợ người bản địa thì con cái họ vẫn mang quốc tịch Trung Hoa. Họ học chương trình giáo dục Trung Quốc và không cần phải học tiếng địa phương của nước sở tại.

Chợ Bình Tây nằm ở khu phố Tàu ở TP.HCM, ngày 6/1/2013. (Ảnh: Munshi Ahmed/Bloomberg qua Getty Images)

4. Về việc chấp hành pháp luật:

Dân cư khu phố Tàu chịu sự chế tài của pháp luật nước sở tại và thực hiện quyền lợi cũng như nghĩa vụ của công dân nước sở tại. Họ làm việc, đóng thuế cho nhà nước sở tại và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cộng đồng.

Dân cư đặc khu kinh tế Trung Quốc tuân theo pháp luật Trung Quốc, thực hiện nghĩa vụ công dân với Trung Quốc nhưng lại được hưởng nhiều ưu đãi về mặt quyền lợi kinh tế mà ngay cả doanh nghiệp bản địa cũng không được hưởng. Họ làm việc, đóng thuế cho quốc gia của họ và khai thác tài nguyên nước sở tại góp phần làm giàu cho Trung Quốc.

5. Về quân sự:

Ở các khu phố Tàu, việc thành lập quân đội hay lực lượng cảnh sát riêng là điều không thể xảy ra vì chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ mọi thứ trong khi những đặc khu kinh tế, nơi tách biệt hoàn toàn với nước sở tại và chính quyền địa phương không có quyền hành kiểm soát mọi hoạt động bên trong, việc thành lập một căn cứ quân sự hay xây nhà máy sản xuất vũ khí là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 

Nếu có xảy ra xung đột giữa dân địa phương và dân trong đặc khu, chính quyền Trung Quốc hoàn toàn có thể đưa quân đội sang với cớ là bảo vệ công dân nước mình. Lúc đó trong đánh ra ngoài đánh vào thành thế gọng kìm coi như ta không thế nào trở tay kịp.

Theo Facebook Huỳnh Chí Viễn

(*) Trong cuộc phỏng vấn trên Nhadautu.vn (9/5/2018), trả lời câu hỏi: “Về vấn đề an ninh – quốc phòng, ông có lo ngại khi thời gian thuê đất dài và các đặc khu nằm ở vị trí khá nhạy cảm?”, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đặt luận điểm: “Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ… đều có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không?…”

https://trithucvn.net/blog/xa-luan/5-khac-biet-giua-dac-khu-kinh-te-cho-tq-thue-voi-khu-pho-tau-chinatown.html

Xem thêm:
Một vài suy nghĩ về đặc khu
Sập ‘bẫy nợ’: Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng trong 99 năm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao vội vã thông qua luật đặc khu?


Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong một phát ngôn tại Quốc hội đã tuyên bố “Phải bàn để cho ra được Luật Đặc khu.” Lý do: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo Luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật”… Hiểu đơn giản nhất là sẽ phải có Luật đặc khu từ việc thông qua dự luật Đặc khu. Hiểu đơn giản hơn, đặc khu là điều không thể không làm. Nhưng có mấy vấn đề cần làm rõ trước khi bàn về luật đặc khu:

Thứ nhất, tuyên bố “Một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục, hàng trăm đồng.” của bà Chủ tịch Quốc hội dựa trên cơ sở nghiên cứu kinh tế nào. Từ “một đồng hút hàng chục đồng” khác xa với từ “một đồng hút về hàng trăm đồng”. Tỉ lệ lợi nhuận ấy liệu có phi lý không khi ngay cả ngành hot nhất Việt Nam hiện nay là logicstic cũng chỉ có tỉ lệ lợi nhuận là 25%/năm, nghĩa là từ “một đồng thu về 0,25 đồng”. 25% đã là một tỉ lệ lợi nhuận rất cao! Vậy từ “Một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục, hàng trăm đồng.” là tỉ lệ lợi nhuận thu được hàng năm hay… 99 năm. Cơ sở khoa học nào đảm bảo cho việc đó? Một vốn mấy chục lời xưa nay được biết tới có một “hình thức kinh doanh” nổi tiếng là… bán ma túy mà thôi.

Thứ hai, bà Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích về ngân sách đầu tư “số tiền trên 1 triệu tỷ đồng cần có phải khẳng định phần lớn là từ thu hút vốn đầu tư chứ không phải là từ ngân sách”. Vậy “phần lớn” là bao nhiêu % vốn thu hút đầu tư để xác định ngân sách phải đầu tư là bao nhiêu, dựa trên nghiên cứu nào, tại sao chưa công bố cho dân hoặc chí ít để các ĐBQH tiếp cận rõ ràng hơn trước khi biểu quyết? Dòng tiền thu hút đầu tư từ đâu, đã có các tập đoàn nào cam kết, mức độ uy tín của các cam kết đó ra sao, việc triển khai thế nào và trong bao lâu theo nghiên cứu (nếu có) cho số tiền 1 triệu tỉ đồng ấy?

Thứ ba, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu về đặc khu là “Dọn chỗ đón phượng hoàng” nhưng liệu có cả quạ đen, diều hâu hay kền kền “đáp” vào đặc khu hay không? Việc tham gia hoạch định chính sách đặc khu trước khi triển khai, việc áp dụng luật quốc tế vào đặc khu, việc kinh doanh vũ khí,… chính là những tử huyệt không chỉ ảnh hưởng đến đặc khu mà là cả đất nước. (Tôi sẽ có bài riêng phân tích những phi lý trong dự luật Đặc khu).

Giả sử dự luật Đặc khu được thông qua thành luật Đặc khu, khi ấy những “con buôn” nhảy vào hoạch định chính sách cho đặc khu thì họ sẽ luôn nghĩ đến quyền lợi bản thân đầu tiên. Quyền lợi Quốc gia, dân tộc không phải là thứ những kẻ vì lợi nhuận mà “treo cổ bố chúng nó lên chúng nó cũng làm” quan tâm.

Một dự luật bị “nợ đọng” nhiều năm như dự luật Biểu tình tới giờ vẫn chẳng thấy đâu. Trong khi đó dự luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu gây tranh cãi lại sốt sắng thông qua. Khi đã “chấp nhận im mồm” (dự luật An ninh mạng) và chấp nhận “sắp đặt lịch sử” (dự luật Đặc khu) thì điểm cuối của chính thể nói riêng và Tổ quốc nói chung sẽ đi về đâu?

“Không có thể chế chính trị nào, cho dù độc tài tập thể hay độc tài cá nhân, lại có thể coi thường các bài học lịch sử và cảm xúc thâm căn của dân chúng.” (Nhà báo Huy Đức) Tôi thì nhớ câu ngắn hơn của anh Đàm Hà Phú: “Tất cả chính quyền chống lại nhân dân đều có chung kết cục!”

Chỉ là bọn bán nước “nhìn xa” hơn chúng ta để học câu “Tập đại đế vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!” bằng tiếng Trung từ hôm nay chăng? (Biết đâu có kẻ một ngày nào đó được nghe câu “Nam vương thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế!” nhờ chuyến tài trợ vài nhà báo sang Thâm Quyến mới đây chăng?)

Mai Quốc Ấn
(FB Mai Quốc Ấn)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tạ Duy Anh - Trước khi Quốc hội bấm nút về đặc khu




Có thể trên thực tế Quốc hội dưới sự lãnh đạo của đảng đã bấm nút về Luật Đặc khu rồi, hoặc ai không định bấm rồi sẽ phải bấm (như biểu quyết sáp nhập Hà Tây vào với Thủ đô) nhưng tôi vẫn kiên nhẫn nói thêm với các vị đôi điều.

Các vị đã từng cho phép thành lập những Tập đoàn kinh tế nhà nước, với lý lẽ để tạo nhiều quả đấm thép đưa nước ta bắt kịp Hàn Quốc. Khi đó ai nói khác đi là bị dọa “Bộ Chính trị đã đồng ý”. Giờ thì nhìn đấy, mô hình Tập đoàn kinh tế là thảm họa chưa có lối thoát cho đất nước, là nơi công nghệ rác thải của Trung Quốc làm mưa làm gió trên lưng người dân Việt. Và thay vì mau mau sánh kịp Hàn Quốc, chúng ta tụt lại so với họ thêm một quãng dài miên man.

Các vị đã từng cho phép khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên cũng với lý lẽ để tạo nguồn thu cho ngân sách và tăng trưởng quốc gia. Khi đó giới trí thức ra sức can ngăn, đều bị quý vị bỏ ngoài tai còn người can ngăn thì bị coi là phá hoại, là thế lực thù địch. Trong Quốc hội nếu có ai nói khác đi là bị dọa “Bộ Chính trị đã đồng ý”. Giờ thì các vị đã thấy trắng mắt ra chưa? 

Lỗ nặng chưa phải là thảm họa đáng sợ nhất. Môi trường bị tàn phá tan nát chưa phải là thảm họa kinh khủng nhất. Hãy hình dung mấy chục năm các cơ sở của Trung Quốc không làm kinh tế, mà chuẩn bị cho việc to lớn hơn là thôn tính lãnh thổ, thì điều gì xảy ra hẳn các vị có thể hình dung, mặc dù thực lòng tôi nghi ngờ lòng yêu nước và trí tuệ của đa số quý vị.

Các vị đã từng cho phép khu công nghiệp Formosa, tập đoàn kinh tế bị xua đuổi khắp nơi vì gây ô nhiễm, vào tọa chiếm vùng xung yếu về an ninh của bờ biển Hà Tĩnh, với thời hạn tới 70 năm. Cũng vẫn với lý lẽ để tạo cú huých cho tăng trưởng kinh tế, tạo bức tranh sáng cho đầu tư nước ngoài, vực dậy một vùng nghèo đói và nào là đánh thức tiềm năng…Giờ thì quý vị thấy hậu quả đã nhãn tiền. 

Tôi dám đảm bảo, thứ mà Formosa tạo ra cho đất nước chúng ta, chỉ bằng một phần rất nhỏ thứ mà nó làm mất đi của đất nước. Đấy là chưa kể, trong 70 năm dài dằng dặc, sẽ còn bao nhiêu sự cố kinh hoàng như đã xảy ra, đi kèm sẽ là những cuộc nổi loạn không ai dám nói trước có thể kiểm soát của ngư dân.

Tôi không phải là người cứ muốn là nói lấy được, càng không là tín đồ của chủ nghĩa dân tộc một mực bài Trung Quốc. Có nhiều thứ chúng ta còn xa mới làm được như Trung Quốc. Đó là một sự thật. Nhưng sự thật mà tôi muốn nói ra trước tiên, là chúng ta đang tự trở thành miếng mồi ngon dưới con mắt của con sư tử Đại Hán chưa khi nào tàn bạo và tham lam như hiện nay.

Còn quá nhiều ví dụ khác mà tôi không còn hứng thú và sức lực để dẫn ra. Nhưng những thứ mà tôi đã dẫn và chưa dẫn, không phải để khía thêm nỗi bẽ bàng mà các quý vị đã và sẽ nhận đủ. Mà chỉ để nhắc các vị nhớ lại, trước khi quyết định một vấn đề to lớn hơn tới vận mệnh và số phận của đất nước: Vấn đề thành lập các đặc khu kinh tế. 

Tôi cho rằng, mạng xã hội, với tình cảm quá sốt sắng, đang có sự nhầm lẫn khi hướng chú ý vào sự lựa chọn giữa hậu quả nhỏ và hậu quả lớn. 99 năm hay 70 năm, hay 50 năm không phải là vấn đề. Vấn đề là có cần phải thành lập các đặc khu trong bối cảnh hiện nay (xét cả về xu hướng phát triển, tiến bộ công nghệ, đòi hỏi của hoàn cảnh đất nước, và nhất là KHI MÀ CHÚNG TA, BAO GỒM CẢ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, BIẾT RÕ TRUNG QUỐC đang muốn gì ở cái mảnh đất hình chữ S này?). Mục tiêu cuối cùng của họ là biến cả Việt Nam thành một ĐẶC KHU của họ. 

Nếu tôi là Tập Cận Bình, thì tôi cũng sẽ làm thế, nhân danh lợi ích dân tộc Trung Hoa. Vì thế (tôi đang nói với tất cả) thay vì trách họ nham hiểm (trách Trung Quốc nham hiểm khác nào trách sao họ có tới một tỉ rưỡi người!), hãy trách mình trước: Vì sao mình lại dại dột để cho họ dắt mũi, vì sao mình không có chiến lược bài bản như họ, vì sao mình thiếu vắng những nhà lãnh đạo có tầm nhìn như họ…

Vấn đề đó không ai giải quyết thay người Việt, vì thế, không ai có lỗi ngoài chính chúng ta. (Tôi thấy lạ, khi tận giờ này vẫn có người lập luận rằng chúng ta gặp khó vì Hoa Kỳ nước đôi, vì Nga thực dụng, vì Camphuchia hai ba bốn mặt, vì Lào thân Trung Quốc hơn, vì thế giới tối mắt trước lợi ích…).

Trở lại chuyện đang bàn. Đừng lấy ví dụ thành công của Thâm Quyến hay bất kỳ sự thành công của các đặc khu nào khác, làm lý lẽ thuyết phục cho sự ủng hộ luật đặc khu. Cũng không cần phải mang sự thất bại của mô hình này ở đâu đó ra, để tăng trọng lượng cho ý kiến phản đối. Chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của thế giới, nhưng đã đến lúc người Việt phải tập thói quen độc lập khi đưa ra những quyết định liên quan đến sự tồn vong của mình. 

Trên tinh thần đó, tôi đồng ý với nhà báo Huy Đức là chúng ta không cần phải có đặc khu kinh tế, không cần ưu đãi nơi này hơn nơi khác khiến đất nước thêm chia rẽ, trong khi tốn tiền xây thành trì cho tội phạm và tư bản thân hữu. Mà hãy tạo một không gian mà sự kiếm sống để hưởng hạnh phúc của người dân trở nên thuận lợi, nhân bản cho cả cái đất nước này. 

Đừng hành hạ dân, hãy tạo ra một thể chế mà không quan chức nào muốn và có thể tự biến mình thành con mối chúa kéo theo cả đàn mối đục khoét đất nước. Đừng bỏ rơi người tài chỉ vì họ không thích thú với các nguyên tắc chính trị hiện hành, hay khi họ căm ghét sự xu nịnh, không chịu nói như vẹt. Và xin đừng cố gắng biến nhân dân thành vật thế chấp cho các mục tiêu tù mù…Chỉ cần ngần ấy thôi, tự đất nước sẽ thanh bình, sẽ phát triển, sẽ giầu có mà không cần phải “lót ổ cho phượng hoàng” khi biết trước là diều cắt, cú vọ sẽ nhảy vào trước.

Các quý vị có tự hỏi và có biết là người dân đang hỏi: Vì sao Quốc hội lại sốt sắng với luật Đặc khu đến thế? Một bộ luật đụng chạm đến an nguy quốc gia, đến sự tồn vong của nòi giống, đến cuộc sống của nhiều thế hệ tương lai, mà sao lại cập rập trong thảo luận, trong tập hợp ý kiến người dân? Khôn ngoan của người Việt để đâu hết cả rồi? Tôi không muốn làm kẻ nói bừa, nhưng tôi tin rằng nhất định là có khuất tất.

Vài hôm nữa, với danh nghĩa là cơ quan quyền lực tối cao, quý vị có thể bấm nút thông qua luật đặc khu, bất chấp mọi sự phản đối và lo lắng của người dân cùng với giới sĩ phu (tôi muốn dùng lại từ này). Nhưng tôi muốn chân thành khuyên quý vị, làm diễn viên tồi quá lắm chỉ đáng chê cười vì thế, nếu vì miếng cơm manh áo mà phải thủ vai thì cũng được. Nhưng đừng tự biến mình thành tội đồ, khi biết rõ hoặc linh cảm thấy khả năng đó là rất cao. 

Dân tộc này có thể tha thứ mọi tội lỗi-như lịch sử từng cho thấy-trừ tội theo chân Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống.

Nhà văn TẠ DUY ANH 03.06.2018

Phần nhận xét hiển thị trên trang