Từ thuở ấu thơ, Alexander Đại đế đã được rèn luyện để trở thành thủ lĩnh của Macedonia.
Vương quốc nhỏ ở miền bắc Hy Lạp này luôn trong tình trạng chiến tranh triền miên với các nước láng giềng, nhất là với là xứ Ba Tư. Điều đó có nghĩa là Alexander phải học cách cầm quân đánh trận.
Khi phụ vương bị ám sát và Alexander lên ngôi, ông nhanh chóng vượt tất cả mọi kỳ vọng.
Ông không chỉ giữ yên bình cho vương quốc mà còn đánh bại toàn bộ Đế quốc Ba Tư và chinh phục một vùng lãnh thổ rộng lớn, trải dài từ Ai Cập đến bắc Ấn Độ.
Sách gối đầu giường
Alexander còn sở hữu thêm một vũ khí nữa: Trường ca Iliad của Homer.
Thuở nhỏ, ông học đọc và viết bằng trường ca này. Nhờ vào thầy dạy học của ông, triết gia Aristotle, ông đã nghiền ngẫm Iliad với sự tập trung cao độ khác thường.
Khi ông bắt đầu các cuộc chinh phục, câu chuyện kể của Homer về một chuyến viễn chinh đến Tiểu Á trước đó của quân Hy Lạp đã làm thành cẩm nang của ông. Ông đã dừng ở Troy, ngay cả khi thành phố này không có ý nghĩa về mặt quân sự, để tái hiện những cảnh trong Iliad.
Trong toàn bộ chuyến viễn chinh này, ông đã gối đầu bên cạnh quyển sách của mình.
Bất chấp vị trí của nó trong văn học, trường ca sử thi của Homer có tác động vượt xa bên ngoài các thư viện và những đống lửa trong doanh trại ở thời Hy Lạp cổ đại.
Nó giúp định hình toàn bộ một xã hội, đạo đức của nó.
"Homer… đã vẽ nên 'những dạng thức suy nghĩ của sơ kỳ văn hóa Hy Lạp," Howard Cannatella viết.
"Câu chuyện này sẽ chỉ ra xã hội ngày xưa như thế nào để thể hiện, để sống và tái hiện… những sự kiện được sáng tác nhằm giúp độc giả thấy được, bằng một cách chấp nhận được, những lựa chọn đạo đức trong cuộc sống, chẳng hạn như phải dũng cảm, sẽ có tác động như thế nào đối với công chúng nói chung."
Alexander Đại đế được nhà triết học Aristotle dạy dỗ, và ảnh hưởng của người thầy thể hiện rõ nét trong cách nhà lãnh đạo quân sự áp dụng các chiến lược ngoại giao và chinh chiến
Ảnh hưởng giữa Iliad và Alexander Đại đế là tác động hai chiều.
Lấy cảm hứng từ sử thi, Alexander đã đền đáp cho Homer bằng cách đưa tiếng Hy Lạp trở thành ngôn ngữ chung của một vùng rộng lớn, nhờ đó đặt cơ sở để đưa Iliad trở thành văn chương thế giới.
Những người kế tục Alexander đã cho xây những thư viện vĩ đại Alexandria và Pergamum để gìn giữ những tác phẩm của Homer cho hậu thế.
Đó là bằng chứng cho thấy những câu chuyện có tầm quan trọng bên ngoài những trang sách.
Triết gia Plato đòi hỏi nghệ thuật "chứng tỏ rằng nó không chỉ giúp con người mua vui mà còn có ích cho các định chế và nhân sinh" - như Cannatella đã lập luận: "Thi ca đối với Aristotle (cũng giống như Plato) không chỉ khơi dậy những phản ứng tình cảm mãnh liệt mà còn thúc đẩy con người trở nên tốt đẹp hơn."
Trường ca Iliad là điển hình của những tác phẩm ban đầu như Sử thi về Gilgamesh xứ Mesopotamia hay truyện Popol Vuh của người Maya.
Văn học sử thi như thế này làm thành điểm tham chiếu chung cho toàn bộ nền văn hóa, giúp cho độc giả biết được rằng họ từ đâu đến và họ là ai.
Nền tảng của văn học Trung Hoa
Tuy nhiên, không phải truyền thống văn học nào cũng bắt đầu với những áng sử thi về các vị vua dũng mãnh và các cuộc chinh phạt.
Văn học Trung cộng dựa trên Kinh Thi, một tuyển tập những bài thơ xem qua thì có vẻ đơn giản nhưng đã khiến người đời tốn không biết bao nhiêu bút mực để diễn giải, bình luận.
Thơ ca không phải chỉ là lãnh địa của những nhà thơ chuyên nghiệp.
Một người có chí muốn leo cao trong chốn quan trường của Trung cộng phải trải qua những khoa thi gắt gao của triều đình vốn đòi phải nắm tường tận về thơ phú, và các bậc đại thần phải có khả năng 'ứng khẩu thành thơ'.
Kinh Thi đã đưa thi ca trở thành hình thức văn học quan trọng nhất trên khắp Đông Á (Khi Nhật Bản tìm kiếm sự độc lập về văn hóa từ Trung cộng, họ đã tự tạo tuyển tập thơ riêng cho mình).
Tầm quan trọng của thi ca cũng đã định hình một trong những tiểu thuyết kỳ vĩ đầu tiên của văn học thế giới: Câu chuyện về Genji.
Cuốn Câu chuyện về Genji của tác giả Murasaki Shikibu khắc họa bức tranh về cuộc sống chốn cung đình với tường tận các chi tiết và những chiêm nghiệm về tâm lý, tạo thành một tuyệt tác có độ dài lên đến hơn ngàn trang giấy
Tác giả của truyện, Murasaki Shikibu, đã phải tự học thơ chữ Hán bằng cách nghe lóm những buổi học của huynh trưởng của bà với sư gia, do phụ nữ không được phép học Hán văn.
Khi trở thành cung nữ trong cung đình Nhật Bản vốn mang tính kín đáo, bà đã vận dụng hiểu biết này để khắc họa nên một bức tranh về cuộc sống chốn cung đình với tường tận các chi tiết và những chiêm nghiệm về tâm lý, tạo thành một tuyệt tác có độ dài lên đến hơn ngàn trang giấy.
Để cho cuốn tiểu thuyết này trở thành văn chương hàn lâm, bà đã đưa vào gần 800 bài thơ.
Công nghệ in ấn
Khi ngày càng có nhiều nơi trên thế giới trở nên biết đọc biết viết, các công nghệ mới, mà trên hết là công nghệ làm giấy và in ấn, đã mở rộng tầm phủ sóng cũng như ảnh hưởng của những câu chuyện được ghi chép lại.
Điều này có nghĩa là có thêm những độc giả mới có thể đọc được những câu chuyện trong sách vở. Và độc giả mới cũng có nghĩa là xuất hiện thêm những câu chuyện mới để đáp ứng thị hiếu và mối quan tâm của những độc giả này.
Diễn biến đó đặc biệt thấy rõ trong thế giới Ả-rập, vốn đã học được bí quyết làm giấy từ Trung cộng và biến nó thành một ngành công nghiệp thịnh vượng.
Lần đầu tiên, những câu chuyện vốn trước đây chỉ có thể lưu truyền qua phương thức truyền miệng đã được đưa vào sách vở và được tập hợp lại trong những tuyển tập truyện kể như Ngàn Lẻ Một Đêm.
Phát triển ngôn ngữ
Đa dạng hơn những câu chuyện sử thi cổ hơn trước đó hay những tuyển tập thơ, Ngàn Lẻ Một Đêm vừa là hình thức giáo dục vừa là hình thức giải trí, được đóng khung trong câu chuyện không thể nào quên của nàng Scheherazade và vị vua mà đã thề sẽ giết bất cứ người đàn bà nào đã chăn gối với ông một đêm.
Nàng Scheherazade kể hết câu chuyện này đến câu chuyện khác cho đến khi nhà vua giải được cơn uất hận chết chóc của ông ta - giúp cho Scheherazade không chỉ trở thành hoàng hậu của ông mà còn là nữ anh hùng trong thế giới truyện kể
Đứng trước cái chết kề cận, Scheherazade bắt đầu kể hết câu chuyện này đến câu chuyện khác cho đến khi nhà vua giải được cơn uất hận chết chóc của ông ta - giúp cho Scheherazade không chỉ trở thành hoàng hậu của ông mà còn là nữ anh hùng trong thế giới truyện kể.
Các tuyển tập thơ, các tuyển tập truyện và các câu chuyện sử thi đã để lại một cái bóng quá lâu lên lịch sử văn học sau đó.
Khi nhà thơ Ý Dante Alighieri bắt đầu nắm bắt và giải thích quan điểm của Thiên chúa giáo về Địa ngục, Sự chuộc tội và Thiên đường, ông đã chọn hình thức thơ ca sử thi, do đó cạnh tranh với các tác giả kinh điển (ông đã khôn ngoan bỏ qua Homer do Homer sống trước thời đại của Chúa Jesus).
Ông đã sáng tác vở Thần Khúc không phải bằng tiếng Latin vốn được mọi người ngưỡng vọng mà là trong phương ngữ nói của vùng Tuscany.
Quyết định này của ông đã giúp đưa phương ngữ đó thành ngôn ngữ chính thống mà ngày nay chúng ta gọi là tiếng Ý, một sự đóng góp cho tầm quan trọng của văn học trong việc định hình ngôn ngữ.
Sự thống trị của tiểu thuyết
Thay đổi đơn lẻ lớn nhất trong sự thăng trầm của văn học là phát minh ra kỹ thuật in ở Bắc Âu của Johannes Gutenberg (học theo kỹ thuật của người Trung Hoa), người đã khởi đầu thời kỳ sản xuất sách báo đại trà và biết đọc biết viết phổ cập như thế giới của chúng ta ngày nay.
Trên khía cạnh văn học, thời kỳ này nằm dưới sự thống trị của tiểu thuyết, vốn được gọi tên trong tiếng Anh là 'novel', tức là sự mới mẻ mặc dù trước đó đã có tác phẩm tiên phong quan trọng như Lady Muraski.
Tiểu thuyết không có hành trang của những thể văn chương cổ và do đó tạo điều kiện cho những kiểu tác giả và độc giả mới xuất hiện, nhất là phụ nữ, vốn sử dụng thể thức linh hoạt này để đương đầu với những vấn đề nhức nhối nhất của xã hội hiện đại.
Tác phẩm Frankenstein của Mary Shelley nằm ở điểm xuất phát của thể loại mà về sau này được gọi là khoa học viễn tưởng, vốn bị giằng xé giữa những hứa hẹn không tưởng của khoa học và khả năng tàn phá của nó.
Ảnh hưởng chính trị
Cùng lúc, tiểu thuyết cũng được những quốc gia mới nổi sử dụng để khẳng định nền độc lập, như những gì đã xảy ra trong cái gọi là thời kỳ 'bùng nổ của Mỹ Latin' vào những năm 1960 với tác phẩm Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez, một tiểu thuyết xuyên qua nhiều thế hệ với hy vọng nắm bắt được toàn bộ một nền văn hóa.
Độc lập về chính trị đòi hỏi phải độc lập về văn hóa và tiểu thuyết chứng tỏ là cách tốt nhất để thực hiện được điều này.
Mặc dù những tác giả này và nhiều tác giả khác được hưởng lợi từ kỷ nguyên biết chữ đại trà, những ấn bản in cũng khiến việc kiểm soát và kiểm duyệt văn chương trở nên dễ dàng hơn.
Điều này trở thành một vấn đề đặc biệt nhức nhối đối với những tác giả sống ở các chế độ toàn trị như Đức Quốc xã hay Liên Xô, nơi có hệ thống những ấn bản ngầm để tránh sự kiểm duyệt.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một cuộc cách mạng khác về công nghệ viết, một cuộc cách mạng ít nhất cũng quan trọng như phát minh ra giấy và kỹ thuật in của Trung cộng hay việc phát minh lại kỹ thuật in ở Bắc Âu.
Mạng Internet đang thay đổi cách chúng ta đọc và viết, cách văn học được truyền bá và những ai có thể tiếp cận được nó.
Chúng ta đang ở điểm khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong văn học - thế giới văn chương chắc chắn sẽ biến đổi thêm một lần nữa.
Martin Puchner