Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

“Tiếng khóc kêu trong hũ” của Lê Minh Sơn


PV


(NB&CL) Nhiều tác phẩm mới của nhạc sĩ Lê Minh Sơn sáng tác trong 5 năm trở lại đây, sẽ được trình diễn trong đêm nghệ thuật mang tên “Tiếng khóc kêu trong hũ”, dự kiến diễn ra vào ngày 18/11/2016, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong đêm nghệ thuật này, qua các tác phẩm âm nhạc của Lê Minh Sơn, khán giả sẽ được trải nghiệm một Việt Nam đương đại, một Việt Nam hội nhập; nghe, nhìn, thấy một Việt Nam tràn đầy cảm xúc; khóc, cười, yêu Việt Nam đương đại…

Những tác phẩm được trình diễn trong đêm nhạc, sẽ là những tác phẩm thuần khiết Việt Nam, được chơi theo phong cách world music của ngôn ngữ âm nhạc dân gian Việt Nam, Lê Minh Sơn sẽ đưa khán giả đến với con người, thiên nhiên Việt Nam qua những âm thanh đương đại, để khán giả có thể trải nghiệm về một Việt Nam của ngày hôm nay hiện đại, thấm đẫm tính quốc tế với nhiều giác độ và cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đêm nhạc sẽ giới thiệu series gần 20 tác phẩm mới, chưa từng được công bố của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Đây là những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc về ngôn ngữ âm nhạc, có tính tư tưởng rất sâu sắc, điều mà chỉ những nghệ sĩ có khát vọng tận hiến, có tình yêu cuộc sống tha thiết mới làm được. Đó là câu chuyện về những bác nông dân trồng rau sạch, chuyện của một cu Sứt thời hiện đại, và đặc biệt là chuyện của nàng Cám – nhân vật mà Lê Minh Sơn ấp ủ sáng tác một vở nhạc kịch lớn…

Ngôn ngữ âm nhạc trong chương trình sẽ là sự pha trộn giữa tiếng guitar của nhạc sĩ với những nhạc cụ dân gian đặc sắc như kèn Pí Lè, đàn đáy… cùng với các nghệ sĩ, trong đó, có phần giới thiệu màn múa đương đại của Trần Ly Ly với hình tượng chú Tễu nổi tiếng trong nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giới trung lưu Venezuela phải ra đường cướp đồ ăn


Hồng Vân (Tổng hợp) 


VNExp - Bạo loạn, cướp bóc thực phẩm trên đường và những cuộc biểu tình của người nghèo đói ở Venezuela vẫn diễn ra từ trước đến nay. Tuy nhiên, những cuộc nổi dậy gần đây có vẻ khác hoàn toàn, bởi những người đi cướp lại thuộc tầng lớp trung lưu.

Theo đó, Carlos Del Pino, tài xế chuyên lái xe tải lương thực đã chứng kiến cảnh tượng ​​20 người Venezuela chặn đầu một chiếc xe tải phía trước và nhanh chóng cướp những bao tải ngô trên thùng hàng mà lẽ ra được mang tới nhà máy chế biến lương thực.

“Còn người lái xe thì bị một người khác đe dọa bằng một khẩu súng, khiến anh ta chẳng thể làm gì. Chứng khiến sự việc đó khiến tôi cảm thấy thực sự kinh hoàng”, Del Pino nói.

Chia sẻ với tờ Time, Del Pino cho biết, ông làm nghề lái xe chở lương thực đã được 14 năm, mỗi tháng ông kiếm khoảng 100 USD, đủ để nuôi vợ và hai con gái.

Tuy nhiên, bất chấp nỗi sợ hãi bị cướp hàng hóa giữa đường, ông vẫn thông cảm với các đồng hương nghèo khổ của mình, những người đang tuyệt vọng trong tình trạng thiếu lương thực lan tràn khắp Venezuela và lạm phát cao.

“Họ buộc phải cướp bóc để sống sót”, Del Pino nói.

Venezuela là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và đã từng là một trong những nước giàu có nhất châu Mỹ La-tinh. Nhưng sau gần hai thập kỷ cai trị đất nước lỏng lẻo và quản lý kém công ty dầu khí quốc doanh, Venezuela đã và đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử.

Thêm nữa, các biện pháp trừng phạt tài chính do chính quyền Trump đưa ra vào tháng 8 vừa qua chỉ làm tăng thêm tình trạng khốn khổ của người dân Venezuela.

Mới đây, hàng chục người đàn ông đã tấn công các cửa hàng trên một con phố nhỏ ở thành phố phía tây Barquisimeto. Các camera giám sát đã ghi hình được khi họ nhảy qua quầy kính và vơ vét sạch hàng hóa, đồ ăn của các cửa hàng chỉ trong vài phút.

Đáng nói, các hộ chăn nuôi gia súc cho biết ít nhất hai trang trại đã bị nhiều người dân Venezuela đột nhập và giết trộm bò.

Một video trên trang mạng xã hội Twitter cho thấy khoảng một chục người đàn ông trong tiểu bang Merida giết chết một con bò bằng đá và một con dao cạo, khi một người trong số họ hét lên: “Chúng tôi đang rất đói”.

Theo một tổ chức phi Chính phủ của Venezuela chuyên theo dõi tình trạng bất ổn của đất nước này, trong nửa đầu tháng 1 vừa qua, có ít nhất 110 vụ cướp bóc, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, thực phẩm và tiền mặt ngày càng trở nên khan hiếm, đặc biệt ở khu vực bên ngoài thủ đô Caracas. Và ngay cả khi người dân có tiền, giá cả thường vượt quá tầm với của họ bởi tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên trên 2.600% vào năm 2017.

Ông Roberto Briceno Leon, Giám đốc Cơ quan giám sát về bạo lực Venezuela của thủ đô Caracas, nhận định rằng, những vụ cướp bóc chiếm phần lớn trong các vụ phạm tội liên quan tới đói nghèo.

Briceno Leon cho biết, một số người đói không có tiền mua đồ ăn sẽ thường ăn cắp thực phẩm bằng cách ăn chúng ngay trong các cửa hàng.

“Vấn đề không phải chỉ ở chỗ bạn không có tiền mà còn ở chỗ rất ít tiền mặt được dùng để mua sắm và cũng chỉ có một vài sản phẩm để mua”, ông Briceno Leon nói.

Do đó, những người tài xế lái xe tải chở lương thực thực phẩm như ông Carlos Del Pino đã trở thành mục tiêu khi đỗ hoặc nghỉ chân tại các trạm giao thông.

“Ở đây vấn đề chỉ là đói. Nạn đói đang giết chết mọi người”, Del Pino nói.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khi Bộ trưởng Y tế lo chuyện... rượu chè


>> Nghĩ về những “ông vua con” và nỗi lo cơm áo của các cầu thủ trẻ
>> Ai cho phép công an Dương Đông bêu rếu người mua bán dâm?


ANH ĐÀO



















LĐO - Ngay trước Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn bày tỏ nỗi bức xúc trước tình trạng uống rượu, sản xuất rượu giả. Bà kiên quyết rằng: Không thể để xảy ra tình trạng xã hội ngày càng văn minh nhưng năm nào cũng có người chết đau đớn vì rượu trong những ngày lễ, tết.

Nỗi lo của Bộ trưởng hoàn toàn không thừa. 203 người đã chết vì TNGT trong “3 ngày tết” năm ngoái - không ít trong đó vì rượu. 4.500 người nhập viện vì... đánh nhau - có nguyên nhân từ rượu.

Có thể, con số bình quân 5.000 người ngộ độc và 26 người chết vì ngộ độc methanol mỗi năm không mấy ấn tượng. Nhưng những cái chết trực tiếp chỉ là một khía cạnh hậu họa của rượu.

Bởi bên cạnh, là những thống kê khủng khiếp dưới khía cạnh tác động xã hội: Chẳng hạn rượu là nguyên nhân của 31% các vụ đánh giết nhau, 33% các vụ hiếp dâm hay 18% nguyên nhân các vụ TNGT. Rượu cũng là “đầu vào” của khoảng 60% các loại bệnh tật.

Một bộ trưởng y tế lo chuyện rượu chè, suy cho cùng, cũng là phải, là chuẩn trách nhiệm thôi.

Nhưng cũng xin chia sẻ với Bộ trưởng, với ngành y tế. Sẽ chẳng giải quyết được điều gì nếu chỉ lo, chỉ chuẩn bị cho việc cấp cứu tai nạn từ rượu, sẽ chẳng giảm bớt hay chấm dứt được nếu chỉ chuẩn bị thuốc men, vật tư y tế cho việc cấp cứu ngộ độc rượu.

Một thống kê của ngành công thương cho thấy mỗi năm, có tới 270 triệu lít rượu được sản xuất và tiêu thụ, trong đó, không nhỏ là lượng rượu “ba không”: Không nhãn mác, không rõ nơi sản xuất, không biết chất lượng. Và chính những loại rượu ba không với không ít trường hợp pha bằng cồn công nghiệp methanol mang tính chất “thuốc độc” này đang là nguyên nhân trực tiếp gây ra ngộ độc và bệnh tật.

Thay đổi thói quen trà lá, rượu chè trong những dịp lễ tết là việc khó, cần thời gian. Nhưng kiểm soát chặt thị trường hạn chế các loại rượu thuốc độc, cấm tuyệt đối bán rượu cho người vị thành niên là việc có thể làm và làm ngay.

Có một chi tiết trong vụ 10 sinh viên ngộ độc rượu ngay tại thủ đô là có những trường hợp nồng độ methanol trong máu cao gấp cả trăm lần so với mức cho phép... và là nguyên nhân trực tiếp gây ra tử vong. Và để tránh tình trạng cồn công nghiệp biến thành rượu gây ra những hậu họa rất lớn, lại chỉ đơn giản bằng một quy định: Cồn công nghiệp được pha chất chỉ thị màu xanh, để người ta có muốn cũng không thể pha thành rượu.

Mỗi dịp lễ, tết lại tràn lan những cái chết vì rượu thì đúng là không thể chấp nhận được.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nghe quốc tế nói về điểm yếu kém của giới trẻ Việt Nam



Người nước ngoài ca ngợi thanh niên ta cũng lắm, như cần cù, nhạy bén, có chí tiến thủ nhưng đồng thời cũng phê phán ta nhiều điều. “Thuốc đắng dã tật”, chịu khó nghe người ta nói về những khiếm khuyết của mình cũng là một cách học hỏi.

Jean H. – một giáo viên trẻ người Pháp đã từng giảng dạy mấy năm ở nước ta, nhận xét thắng thắn về lớp trẻ Việt trong lĩnh vực giáo dục, rằng: “Thanh niên Việt nếu so sánh với các nước có phần kém tự tin và ít trưởng thành hơn. Tại lớp học, học sinh Việt không bao giờ đặt câu hỏi hoặc tranh luận với thầy giáo về bài giảng. Ngược lại ông thầy cũng chẳng mấy khuyến khích người học bày tỏ ý kiến, thậm chí còn tỏ ra bực bội nếu bị sinh viên chất vấn!Ở cơ quan cũng tiếp tục cái tinh thần đó, các bạn trẻ thường thụ động, ít dám đặt câu hỏi với các sếp. Cái gì cũng gật đầu vâng dạ, nhưng công việc thì khó hoàn tất… Tôi e ngại rằng với cung cách ứng xử kiểu này, các bạn khó thi đua cạnh tranh với người”.
Đối với lớp trẻ đô thị con nhà khá giả, tình hình còn tệ hơn, theo như mô tả của chị Shirley M. – người Mỹ: “Thăm viếng một số gia đình khá giả, tôi nhìn thấy con cái họ, nhất là con trai, về nhà là chơi, ít thấy học hành, tập thể dục hay giúp việc nhà. Bao nhiêu công việc đùn đẩy cả cho mẹ, chị em gái hoặc người giúp việc. Điều này thật khác xa ở phương Tây, con cái trong nhà đều tham gia phụ giúp làm việc nhà. Tôi nghĩ như vậy là không tốt, vì với cái lối cưng chiều như thế, một khi vào đời, làm sao họ có thể tự lập gánh vác việc gia đình và xã hội?”.
Anh Kumi Y. – người Nhật thuộc thế hệ mới, tuy không thích mấy lối làm việc cật lực của đồng bào mình, nhưng anh cũng lưu ý: “Sang Việt Nam, tôi mới thấy người Nhật chúng tôi làm việc quá mức. Ở nước tôi, người ta ở lại công sở làm việc đến khuya là chuyện bình thường.
Ở Việt Nam, tôi nhìn thấy nhiều người về nhà ngay sau giờ cơ quan đóng cửa, thậm chí còn có người về sớm hơn, nhất là ở các công sở. Công nhân viên thường đi làm trễ, nghỉ trưa quá dài!
Sống ở Việt Nam nhiều năm, tôi thấy nhiều bạn trẻ ít lưu ý đến kỷ luật bản thân, chỉ ham chạy theo các giá trị vật chất một cách vô tư”.
Anh P.M.X là một chuyên gia cao cấp Việt kiều được mời tư vấn đánh giá lại một số ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, nhận xét khi làm việc chung với nhiều nhóm chuyên viên trẻ trong nước: “Khi làm việc với một số công ty kiểm toán nước ngoài ở Việt Nam, tôi gặp gỡ không ít các em tốt nghiệp cử nhân hoặc thạc sĩ ở nước ngoài về. Đây là những thành phần ưu tú ở Việt Nam, nhưng tôi lại rất thất vọng về họ, vì đa số chưa biết cách tổ chức và làm việc. Có lẽ họ đã thành công khi lấy được bằng cấp ở nước ngoài nhưng rõ ràng là chưa nắm bắt được phong cách lẫn phương pháp làm việc tiên tiến của người”.
Những nhận xét trên có vẻ không dễ “xuôi tai” nhưng là những điều đáng để ta phải “nghĩ”, nhìn lại mình và tăng tốc cùng đất nước tích cực hội nhập và cạnh tranh với người.
Theo THANH NIÊN ONLINE
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nỗi bất an của con người trong thế giới hiện đại


Xã hội chúng ta có xu hướng đặt các giá trị cao nhất là thành đạt, chiếm hữu, địa vị xã hội. Sự lệch lạc này độc hại đối với tâm lý con người. Nhiều cuộc khảo sát đã chứng tỏ càng chạy theo vật chất thì con người càng cảm thấy bất an.
Trò chuyện với nhà tâm thần học và vật lý trị liệu Christophe André
“Sau cuộc khủng hoảng toàn cầu, chúng ta có nguy cơ đối đầu với những vấn đề ý tế nghiêm trọng” đấy là lời dự báo của Mare Dangon vào tháng 5/2009 tại Oslo (Na uy). Nhà y học này của Tổ chức YTTG sợ sẽ tăng lên chứng ưu tư, các bệnh tâm thần, các hành vi rủi ro. Để đề phòng, Christophe André khuyên chúng ta thăm dò tìm hiểu các tâm trạng của mình để tìm lại được sự thanh thản.
– Tâm trạng là gì?
– Đấy là hỗn hợp các ý nghĩ với cảm xúc. Nếu tôi gặp ai đó, rồi tôi tham gia một hoạt động khác, thì cuộc gặp gỡ ấy cứ tiếp tục theo tôi một cách kín đáo ở đằng sau các ý nghĩ và hành vi: có cảm tình, thích thú, tôi có thoải mái không?v.v? Và nhất là cuộc gặp gỡ này đã làm thay đổi gì trong tôi: tôi có hài lòng thư giãn, bị stess, nổi giận, buồn bã chăng…? Các tâm trạng đồng hành thường xuyên với chúng ta theo bước các hành vi và thể hiện cung cách chúng ta tiếp nhận thế giới. Khởi đầu đấy là một khái niệm văn học. Các nhà thơ, nhà văn đã thăm dò tìm hiểu rõ trước chúng ta những điều người ta cảm thấy, cũng là điều các bệnh nhân cảm thấy, đến nỗi tôi có ham muốn làm cầu nối giữa tri thức bằng trực giác ấy với tri thức các nhà tâm lý trị liệu.
– Vì sao quan tâm đến điều ấy?
– Tôi thấy hình như các nỗi chịu đựng của chúng ta phần lớn là do không hiểu rõ và điều tiết không tốt các tâm trạng của mình. Tôi đã ghi nhận rằng các bệnh nhân của tôi khó mà đọc được trong bản thân mình, mà tự đặt câu hỏi. “Tôi làm sao thế này nhỉ? Tại sao cuộc thất bại này lại có tầm cỡ như thế này, hoặc tại sao tôi không thể nào chờ đợi được? Có hai tình huống khó khăn trái ngự đắm mình trong các tâm trạng hay trốn chạy nó. Trường hợp thứ nhất, ta đầu độc mình. Trong trường hợp thứ hai, ta không muốn để chúng len vào: ta bị bối rối, bị xúc động vì cuộc sống, nhưng lại muốn trốn tránh mãi trong càng nhiều hành động, càng nhiều cuộc giải trí. Lối duy nhất chấp nhận được về lâu dài là lối trung gian – chấp nhận mình có những tâm trạng rồi thỉnh thoảng dường nghĩ và tự bảo: “ta ở đâu thế này?”
– Vào thời kỳ khủng hoảng chăm lo đến các tâm trạng của mình chẳng phải là thừa sao?
– Đâu có khi không có năng lực nội quan thì ta dễ bị tổn thương hơn bởi các tình huống bất hạnh. Cũng như chiếc thuyền buồm: khi gió nhẹ, dù không có tay nghề, ta cũng xử lý được; còn nếu gió mạnh lên mà không có kỹ thuật thì con thuyền bị lật. Ước vọng cân bằng nội tâm, thanh thản tâm hồn không được xem là sự thoát ly thế giới, mà là một dự trữ nội lực. Lợi ích: giúp cho hành động bình tĩnh nhất, không quá sợ hãi.
– Ông có mô tả một “bệnh duy vật chất”. Đấy là thế nào?
– Xã hội chúng ta có xu hướng đặt làm giá trị cao nhất là thành đạt, chiếm hữu, địa vị xã hội. Sự lệch lạc này độc hại đối với tâm lý con người. Nhiều cuộc khảo sát đã chứng tỏ càng chạy theo vật chất thì con người càng cảm thấy bất an. Người nào càng chạy theo vật chất thì càng tìm thấy cách giải quyết cảnh bất ổn tâm lý của mình bằng cách lánh mình trong sự giải trí (đi mua sắm, rượu chè, mạng………., giải trí là điều nên làm, nhưng về lâu dài, đấy không phải là điều tốt về chiến lược. Khi xã hội chúng ta có xu hướng loại trừ tình trạng không hoạt động. Vào lao động là một phần để tuân theo logic kinh tế nhưng lại trái chiều với sự cân bằng tâm thần, bởi lẽ các cuộc khảo sát đã chứng tỏ rằng sự nghỉ ngơi tạo thuận lợi cho óc sáng tạo. Mà trong cuộc sống mỗi người, thì luôn luôn phải “đang làm” việc gì đó loại trừ dần các “tiểu hưu” thì làm giảm đi các thời gian cho sinh hoạt nội tâm. Cũng như một người lái ô tô trước khi xuất phát phải kiểm tra máy xe, thì ta cũng phải xem tất cả đã ổn chưa trong bộ máy tâm thần của mình.
– Làm thế nào để chăm sóc các tâm trạng của mình?
– Phải chú ý đến chúng nhiều hơn viết nhật ký thì có thể làm sáng tỏ được, thấy được tác động của mỗi ngày đối với chúng ta. Một phương thức khác là ngồi nhiều “hoàn toàn ý thức” nhiều lần mỗi ngày, đưa sự chú ý vào nơi đây và thời điểm bây giờ: phải thôi nghĩ đến điều mình đang làm và điều mình sắp làm để theo dõi nhịp thở trong 2 – 3 phút, các âm thanh ánh sáng xung quanh, và theo dõi những cảm nhận của mình. Cũng có thể đi bộ 30 phút mỗi ngày một cách hoàn toàn ý thức thay vì cứ nghiền ngẫm trong lòng. Tất cả cái này sẽ cải thiện mức cân bằng nội tâm trong vài ba tuần.
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trái đất có thể sắp bị đảo cực, và hậu quả lần này rất khó lường


Trong quá khứ, Trái đất đã từng đảo cực rất nhiều lần. Tuy nhiên lần này hậu quả có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Bão Mặt trời có sức phá hủy rất ghê gớm. Đây chính là thủ phạm đã "giết chết" sự sống trên sao Hỏa hàng tỉ năm trước kia.
Sở dĩ Trái đất không chung cảnh ngộ với hành tinh Đỏ là nhờ phần lõi cực nóng, cho phép tích lũy một lớp từ trường rất mạnh để kháng lại gió Mặt trời. Lớp từ trường này trải rộng ra tận ngoài vũ trụ, và nó ảnh hưởng đến mọi thứ trên Trái đất.
Nhưng lớp từ trường quan trọng ấy, chỉ trong vòng 200 năm qua, đã yếu đi ít nhất là 15%. Và theo như các chuyên gia, đó có thể là dấu hiệu cho thấy cực từ của Trái đất sắp sửa bị đảo ngược.
Trái đất có thể sắp bị đảo cực, và hậu quả lần này rất khó lường - Ảnh 1.
Từ trường Trái đất đã yếu dần trong 200 năm qua
Cụ thể trong báo cáo mới đây của Daniel Baker - giám đốc Phòng thí nghiệm khí quyển và Vật lý không gian tại ĐH Colorado (Mỹ), ông khẳng định dấu hiệu này là thật.
Ông cho biết nếu hiện tượng đảo cực xảy ra, có thể một số khu vực trên hành tinh sẽ trở nên "không thể ở được", do mạng lưới năng lượng bị sụp đổ.
Kết quả của báo cáo Baker đưa ra được dựa vào một báo cáo khác do Alanna Mitchell biên soạn. Mitchell cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng về từ trường Trái đất. Tất cả đều dựa trên các dữ liệu do vệ tinh mới đây mang lại.
Trái đất có thể sắp bị đảo cực, và hậu quả lần này rất khó lường - Ảnh 2.
Trong lịch sử, 2 cực Bắc và Nam của Trái đất thực chất đã từng đảo ngược rất nhiều lần, với chu kỳ khoảng 200.000 - 300.000 năm/lần.
Tuy nhiên, lần gần nhất hiện tượng này xảy ra là vào 780.000 năm trước. Với ngần ấy thời gian, những gì con người có được ở thời hiện tại sẽ khiến tác động của việc đảo cực trở nên lớn hơn.
Đầu tiên, Trái đất gần như sẽ "phơi mình" ra trước những đợt tấn công của gió Mặt trời. Khí quyển - đặc biệt là tầng ozone - sẽ bị xé nát, xuyên thủng, qua đó tăng mật độ xuyên phá của tia cực tím độc hại.
Với sức công khá cực lớn của gió Mặt trời, mạng lưới năng lượng có thể sụp đổ, quá trình biến đổi khí hậu được đẩy mạnh, trong khi tỷ lệ ung thư thì tăng lên.
Trái đất có thể sắp bị đảo cực, và hậu quả lần này rất khó lường - Ảnh 3.
Trái đất có lớp từ trường để chống lại gió Mặt trời, nhưng lớp từ trường đang yếu dần đi
"Thực sự rất nghiêm trọng" - Richard Holme, giáo sư khoa học sinh thái tại ĐH Liverpool chia sẻ.
"Tưởng tượng hệ thống cung cấp điện sẽ sụp đổ trong vài tháng thì sẽ như thế nào? Trong khi gần như mọi thứ trong cuộc sống được vận hành nhờ điện?"
Quá trình biến đổi khí hậu cũng vậy, vì từ trường mất đi sẽ khiến tốc độ nóng lên của Trái đất tăng thêm.
Một nguy cơ khủng khiếp hơn nữa, đó là mật độ tiếp xúc với bức xạ từ vũ trụ cũng tăng thêm. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta không phải gánh chịu nguy cơ ấy. Nhưng theo Holme, khi hiện tượng này xảy ra, mỗi năm sẽ có hàng trăm ngàn người có thể chết vì tiếp xúc với các bức xạ vũ trụ.
Trái đất có thể sắp bị đảo cực, và hậu quả lần này rất khó lường - Ảnh 4.
"Bức xạ có thể ở mức độ cao hơn từ 3 - 5 lần so với những gì phát ra từ lỗ hổng tầng ozone vì tác động của con người. Hơn nữa, các lỗ hổng sẽ trở nên rộng hơn, khó khép lại hơn." - trích lời Colin Forsyth từ ĐH College London (UCL).
Và nếu như cường độ từ trường vẫn tiếp tục giảm như vậy, thì số phận của Trái đất sẽ chẳng khác gì sao Hỏa (dù quá trình này cần đến vài tỉ năm). Các đại dương trở nên khô cạn, và chẳng nơi nào hỗ trợ được sự sống nữa.
"Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể xác định chính xác liệu từ trường có đảo cực không, và thời điểm chính xác nó diễn ra." - Tiến sĩ Forsyth cho biết.
"Khoa học mới chỉ theo dõi từ trường Trái đất trong khoảng 170 năm trở lại đây. Nhưng nếu nó xảy ra, từ trường sẽ yếu đi trong ít nhất vài ngàn năm."
Nguồn: Daily Mail

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Tội lớn không gì nặng bằng”...




Mạc Văn Trang




Hình: Thanh Đại Long đao của Mạc Thái tổ, được lưu giữ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, Dương Kinh, Hải Phòng.

Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn (1528-1594) là đại thần nhà Mạc. Năm 1592, nhà Mạc thất thủ Thăng Long, rút lên Cao Bằng, thì tháng 7 năm 1594, Mạc Ngọc Liễn ốm nặng. Khi sắp mất ông để lại thư dặn vua Mạc Kính Cung như sau:

Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Dân ta là người vô tội mà khiến để phải mắc nạn binh đao, ai nỡ lòng nào! Chúng ta nên lánh ra ở nước khác, nuôi dưỡng uy lực, chịu khuất đợi thời, chờ khi nào mệnh trời trở lại mới làm được, chứ không thể lấy lực chọi với lực. Khi hai con hổ tranh nhau, tất phải có một con bị thương, không có ích gì cho công việc. Nếu thấy quân họ đến đây thì chúng ta nên tránh đi, chớ có đánh nhau với họ, cốt phòng thủ cẩn thận là chính; lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”.

Tinh thần của tướng quân Mạc Ngọc Liễn chắc hẳn là được quán triệt xuyên suốt từ thời Thái tổ Mạc Đăng Dung. Mặc dù ông chỉ làm vua 3 năm rồi trao quyền cho con, Mạc Đăng Doanh, nhưng năm 1540 đã phải gánh chịu một trách nhiệm vô cùng nặng nề.

Sau 6 lần người của Lê - Trịnh sang khẩn cầu, vua Minh đã sai tướng lĩnh cùng 22 vạn quân sang “hỏi tội nhà Mạc”(?)(*). Cựu hoàng Mạc Đăng Dung đứng trước tình cảnh vô cùng ngặt nghèo: Giặc nhằm giữa lúc Vua Mạc Đăng Doanh anh minh vừa mất, ông mới lập cháu nội còn nhỏ tuổi lên ngôi, bên trong quân nhà Lê trung hưng đang đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa... Ông đã quyết định trong thì bố phòng chặt chẽ, ngoài thì đành chịu đầu hàng, để đẩy lui hơn 20 vạn quân giặc ra khỏi biên cương, cứu đất nước thoát khỏi họa xâm lược tàn khốc; nhất định không để quân Minh vào dày xéo đất nước ta, tàn sát dân ta... Vì đó là “TỘI LỚN KHÔNG GÌ NẶNG BẰNG”! Hẳn đây là quyết định khó khăn, đau đớn nhất đời ông. Ông là võ tướng với cây đại long đao nặng hơn 20 kg, từng đánh đông, dẹp bắc, nếu quyết chiến một trận với giặc cho hả và chết giữa trận tiền, ông sẽ thành anh hùng dân tộc. Nhưng ông đành nuốt hận, mang nỗi nhục vào thân và năm sau thì mất, mới 59 tuổi!

Tinh thần “chớ mời người Minh vào”... càng được quán triệt suốt năm đời vua nhà Mạc ở Cao Bằng đằng đẵng hơn 80 năm. Năm 1677 khi Cao Bằng thất thủ trước quân Lê - Trịnh, nhà Mạc đã “bàn giao” lại một giải biên cương Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái đến Quảng Yên, không có bóng quan, quân nhà Minh, nhà Thanh nào vượt biên, xâm chiếm nước ta. Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và suốt dải biên cương... vẫn luôn luôn thuộc về Đại Việt.

Cảm ơn ông cha đã có tầm nhìn sáng suốt và bản lĩnh phi thường, để có quyết định sinh tử, đúng đắn: vương quyền dẫu mất, dòng họ dẫu ly tán bốn phương, nhưng nhất định không mắc vào “TỘI LỚN KHÔNG GÌ NẶNG BẰNG”! Vương triều nào cũng chỉ nhất thời; Tổ quốc, nhân dân mới trường tồn mãi mãi! Còn dòng tộc ư? Chẳng hề sợ mất! Sau 400 năm con cháu họ Mạc ly tán bốn phương, mai danh, ẩn tích, thay tên đổi họ, cuối cùng đã tìm lại nhau, quy về một mối... Ngày nay con cháu họ Mạc đã đông hàng triệu người, dẫu ở đâu, cũng hướng về:

Long Động văn chương quang nhật nguyệt,
Cổ Trai đế nghiệp tráng sơn hà”!
với lòng biết ơn và niềm tự hào về Tổ tiên.

Ôi! Nếu như... Nếu như ông cha ta thiển cận, ích kỷ, đặt sự tồn tại của vương quyền và lợi ích của dòng tộc lên trên Dân, trên Nước, cam tâm làm tay sai cho giặc, rước giặc vào dày xéo đất nước ta, giết hại đồng bào ta, thì đã mắc vào “TỘI LỚN KHÔNG GÌ NẶNG BẰNG”, sẽ mang nỗi nhục muôn năm với Lịch sử! Con cháu dòng tộc đời đời sao còn dám ngẩng mặt nhìn trời xanh, hiên ngang đứng giữa cõi đời!...

Viết đến đây, bao cảm xúc dâng trào, lòng biết ơn và thương kính Tổ tiên nghẹn ngào khôn tả!

1/2/2018
M.V.T.
__________
(*) Xem bài: “MẠC ĐĂNG DUNG ĐÃ TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI HOẠ XÂM LĂNG, ĐẨY LÙI CUỘC CHIỀN TRANH CỦA NHÀ MINH NĂM 1540, GS. TSKH. Phan Đăng Nhật, 2015, mục Nghiên cứu và Trao đổi, mactoc.com)

Phần nhận xét hiển thị trên trang