Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Nguyễn Tất Nhiên




Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên
(1952-1992)
Sài Gòn năm 1976, khu vực chung quanh bùng binh chợ Bến Thành là một trong những nơi tập trung đông đảo dân bán chợ trời.
Người ta bán không thiếu thứ gì: hàng quán thức ăn, thuốc Tây, quần áo cũ, cá thịt ướp sẵn từng nồi, sách báo “đồi trụy”, “nhạc vàng”…và cả súng.
Nguyễn Tất Nhiên thường leo xe lửa từ Biên Hòa và xuống ga Sài Gòn vào giờ trưa. Chúng tôi gặp nhau ở đó, bữa đói bữa no ở đó và nhận ra nhau rõ hơn cũng ở đó.
*Chúng tôi quen nhau năm 1973, trong đêm sinh hoạt do Phong Trào Du Ca tổ chức tại hội trường quân đội trên đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn, để tưởng niệm Giang Châu, huynh trưởng của Phong Trào vừa qua đời vì bạo bệnh.
Buổi sinh hoạt sắp bắt đầu, tôi đang đứng xớ rớ thì Chủ Tịch Phong Trào, nhà báo Đỗ Ngọc Yến, giới thiệu tôi với một chàng cao lêu nghêu, “mặt vác lên trời”: Nguyễn Tất Nhiên.
“Nghe đại danh, hôm nay mới hân hạnh gặp mặt”, tôi nói thế. Nhiên nhếch mép, nụ cười “kẻ cả” lắm. Thấy cử chỉ đó của Nhiên, anh Yến chỉ nhỏ nhẹ, đêm nay Thái sẽ giới thiệu Nhiên lên đọc thơ nhé.
Hai đứa tôi quen nhau như thế đó.

*

Nhiên kiêu lắm. Nhiều khi đến “ngông cuồng”.
Nhiều đêm, Nhiên ngủ lại nhà tôi, chàng “ngôn” rằng, 20 tuổi sẽ đoạt giải Nobel Văn Chương.
Hiểu được.
Vì mới 16 tuổi, Nhiên đã lừng danh với những bài thơ do “phù thủy âm nhạc” Phạm Duy phổ thành ca khúc. Điều đáng tiếc là Nhiên chưa hề đọc một tác phẩm nào đoạt giải Nobel. Tôi mua tặng bạn hai cuốn: Câu Chuyện Giòng Sông của Hermann Hesse và Lời Dâng của Rabindranath Tagore.
Nhiên thông minh lắm. Chàng nhận ra ngay và buông một câu chen tiếng “Đan Mạch”: “Đ.M, họ viết hay thiệt”. Từ đó, không thấy Nhiên nhắc lại mộng Nobel Văn Chương nữa.

*

Nhiên hiền, ít nói, khi cười, mặt hếch cao, nhe hàm răng lởm chởm.
Không biết nói Nhiên mang “lời nguyền truyền kiếp” là mê con gái Bắc có đúng không? Vì trong thơ và trong đời thường, con gái Bắc làm khổ Nhiên lắm:
“Em nhớ giữ tánh tình con gái bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt.”
Trong đám bạn chung thời sau 1975, H. tóc dài, giọng Bắc nhẹ “như thơ”. H. đã có bạn trai, Nhiên biết, nhưng vẫn công khai nói, “tớ chết đi được mỗi khi nghe H. buột miệng hai tiếng ‘Trời ơi’”. Và Nhiên cứ lặng lẽ với chính cái bóng đối với cuộc tình “con gái Bắc” này.
Lần đầu Nhiên gặp H., nụ cười “chết khiếp” của Nhiên đã đẩy H. ra xa. Hôm đó, cả bọn rủ nhau đi ăn cơm thịt kho hột vịt. Đang ăn, Nhiên ngẩng mặt rú lên cười, hai hàm răng bệt lòng đỏ trứng. “Trời ạ”, có Thánh mới chịu nổi. Nhưng đó là Nhiên, cho tới tận ngày bỏ lại mọi muộn phiền sau lưng ra đi vĩnh viễn, vẫn nụ cười đó, vẫn hàm răng đó.
Thân nhau, tôi có cảm tưởng Nhiên không sống ở cõi này. Nhiều lần, đang nói chuyện, Nhiên chợt trôi vào im lặng. Và nhiều lần, Nhiên nói, chắc có ngày tui tự tử quá ông ơi! Nghe lần đầu, còn lo lắng cho Nhiên, nhưng nghe mãi thì biết, bạn mình nói thế để xả một nỗi đau, mối sầu nào trong lòng mà thôi.
Nhiên nghèo, có sao sống vậy, quần ống thấp ống cao, đi chơi với nhau, bạn rủ gì ăn nấy, không đủ tiền thì nhịn.
Một buổi chiều đi ngang một quán cóc ở đường Lê Thánh Tôn, thấy Nhiên ngồi một mình, trước mặt là ly cà phê đã cạn đến giọt chót. Thấy tôi, Nhiên bảo, có tiền trả giùm ly cà phê; ngồi từ sáng đến giờ không đủ tiền trả, chủ quán nhắc khéo nhiều lần mà chịu, cứ phải ngồi lỳ thôi.
Thương Nhiên ở cái tính đó.

*

Tết 1976, cái đói hành hạ. Đói đến độ có lần đi ngang hàng phở, phải quay mặt đi, vậy mà nước bọt cứ tứa ra, đau quặn cả ruột. Đói, cả cái chuông cái mõ trên bàn thờ Phật, tôi cũng đem ra bán ở chợ trời.
Nhiên biết gia đình tôi đói; và Nhiên cũng đói.
Một hôm, đang đứng bán thuốc Tây ở sân ga Sài Gòn, thấy Nhiên dắt cái xe đạp cũ kỹ, tài sản duy nhất của chàng, lững thững đi tới. Yên ghế ngồi phía sau là một bọc ni lông. Nhiên bảo, ông già vừa mua cho cái quần, tui đưa ông bán nhé, bọn mình ăn bữa … thịt chó.
Nhìn thằng bạn chiếc quần cũ mèm ống bên trái “chửi bố” ống bên phải, thương bạn, xúc động vì tấm lòng của bạn, tôi không biết nên cười hay nên khóc.
Bữa thịt chó hôm đó, ăn xong vẫn còn thòm thèm. Cái quần mới của Nhiên quy thành tiền, nếu gọi thêm một xị đế và món rựa mận khoái khẩu thì không đủ trả.
Sau bữa thịt chó cuối năm đó, tôi bị bắt, không biết Nhiên ra sao.

*

Ra khỏi tù năm 84, nghe bạn bè nói Nhiên đi Pháp rồi.
Nhiên đi là phải. Chế độ đang cai trị đất nước này coi dân như kẻ thù, ai đi được cũng phải đi thôi. Nhớ có đêm lang thang với Nhiên trên đường Duy Tân, phố vắng dần, chỉ có từng toán công an võ trang đi tuần tra, Nhiên đọc cho nghe hai câu thơ:
“Chúa Phật còn lui chân trước gông cùm chế độ
Huống hồ chút thanh danh Nguyễn Tất Nhiên thống khổ.”
Đây không phải lần đầu Nhiên làm thơ với khẩu khí như thế. Trong bài “Hai Năm Tình Lận Đận”, Nhiên viết:
Nhiên bảo tôi, đúng ra Nhiên muốn viết “Chúa có gầy hơn ta chăng mà đòi khoe xương sườn trên Thánh Giá” nhưng lại thôi, vì ngại làm phật lòng người theo đạo.
Gặp lại nhau tại California năm 1985. Nhiên từ Pháp đã qua Mỹ vài năm trước đó, còn tôi vừa từ trại tỵ nạn chân ướt chân ráo đến sau.
Thăm Nhiên tại căn nhà trọ ở Quận Cam, bạn mình gầy hơn, nói chuyện có lúc như đang trôi vào cơn mê sảng. Nhiên nói đi nói lại nhiều lần, ông đuổi bà bán hàng rong giùm tôi, mới sáng bảnh mắt mà bả rao hàng ồn quá.
Tôi hoảng! Nhiên “hỏng” rồi.
Nhưng rồi Nhiên cũng trở lại Nhiên của khổ đau dai dẳng. Nhiên đọc tôi nghe đoạn thơ:*
Nhiên hiền, nhưng lúc sửng cồ, cũng ác miệng lắm.
Một hôm trong buổi họp mặt tại nhà Nhà văn Nhật Tiến ở đường King, thành phố Santa Ana, Nhiên kể tôi nghe vụ lời qua tiếng lại giữa Nhiên và nhà văn Mai Thảo liên quan đến thơ văn. Nhiên hỏi anh Mai Thảo, “nếu anh viết về thảm kịch của các cô gái vượt biên bị hải tặc hiếp, anh có đặt tựa bài là ‘Mười Đêm Ngà Ngọc Không?’”
Nhiên không nói, nhưng tôi đoán, anh Mai Thảo chắc không giận Nhiên. Vì anh luôn chủ trương chữ nghĩa không thể dùng để cãi cọ, chửi mắng nhau.
Một lần khác, khi Nhiên nói sẽ viết nhạc, nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang nói đùa, coi chừng cậu đi lộn giầy đó nhé. Nhiên sững cồ với anh Quang. Nhiên nói, size giầy của anh Quang nhỏ lắm, không đủ cho Nhiên xỏ chân vào.

*

“Em bây giờ có lẽ
toan tính chuyện lọc lừa
anh bây giờ có lẽ
xin làm người tình thua
chuông nhà thờ đổ chậm
tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ có lẽ
xuống trần gian trong mưa
(dù sao thì Chúa cũng
một thời làm trai tơ
dù sao thì Chúa cũng
là đàn ông... dại khờ)”
Thơ Nhiên lúc nào cũng lấp ló đâu đó nỗi đau dai dẳng về một hình bóng, một cuộc tình tan vỡ.
Thân nhau, nhưng Nhiên ít cho biết đã thương bao nhiêu người con gái và có bao nhiêu bóng hình đã làm khổ đời Nhiên. Chỉ thấy trong thơ Nhiên tràn ngập những nhớ thương dai dẳng :
“…Em hết thương ta rồi phải không?
Thôi thế cho ta bớt não nùng
Thôi thế cho đời ta ngậm đắng
Còn nghe vị ngọt của tình nhân!...
….Giữ cho nhau một chút tình
Giữ cho nhau một ánh nhìn thiên thu
Giữ long lanh, giữ sa mù
Giữ phai nhạt, giữ đền bù nhạt phai…”
Phải chăng, buồn, cô quạnh, là định mệnh của người làm thơ như Nguyễn Tất Nhiên?
Còn nhớ, những năm Nhiên sống ở Quận Cam, một số bạn thân của Nhiên đêm đêm vẫn thường nghe tiếng gọi cửa xin ngủ nhờ. Và bạn bè hẳn vẫn còn nhớ hai câu Nhiên viết thời điểm đó:
“Buồn ơi hãy để ta buồn nữa
Trong tiếng làm thinh của ghế bàn”
Có lần Nhiên đến nửa đêm, phòng tôi trọ chỉ có tấm nệm trải dưới đất, Nhiên nhất định nằm trên miếng khăn trải giường. Tôi đọc Nhiên nghe hai câu thơ tương truyền của Phó Đức Chính:
“Cửu tuyền vô khách điếm
Kim dạ đáo thùy gia”
(Suối vàng không lữ quán
Đêm nay trọ nhà ai)
Nhiên cười, bảo không biết dưới đó có … “Motel 6” không?

*

Một chiều chớm Thu năm 1992, hai đứa ngồi bên lề đường trước trụ sở báo Người Việt trên đường Moran. Tôi rủ Nhiên vào tòa soạn kiếm chút gì ăn, Nhiên bảo “thằng sắp chết không ăn.” Biết Nhiên hay nói như thế từ thủa còn ở quê nhà, tôi không ngạc nhiên, chỉ bảo, “ừ, không ăn thì hút điếu thuốc.” Nhiên bảo, “thằng sắp chết không hút thuốc.”
Một tuần sau, Nhiên tự chọn cho mình cái chết. Năm ấy, Nhiên tròn 40 tuổi.
Anh Mai Văn Hiền báo cho tôi biết tin. Lúc đó, tôi đang chạy chiếc máy in Imperial của nhà in ABC vừa mua chưa được một tuần với giá hơn 20 ngàn. Nghe anh Hiền nói Nhiên chết trong một chiếc xe cũ, đậu ở sân một ngôi chùa. “Để không làm phiền đến ai.” Tôi lên cơn điên bất ngờ, cầm cây búa đập thủng một lỗ lớn ngay trục quay chiếc máy. Chắc lúc đó tôi khóc!

*

Hôm đi bên quan tài Nhiên ra huyệt mộ, nghe tiếng kèn trumpet của một người bạn chung thổi bài “Thà Như Giọt Mưa”, tôi ý thức rõ rằng, Nhiên “BIẾN” rồi. Biến như trong một bài thơ Nhiên đọc cho tôi nghe vào một lúc tôi đoán Nhiên sầu hận nhất (tôi đã cố tìm mà không còn ai nhớ nguyên văn cả bài):
“Tôi hô BIẾN cái tôi buồn,
Tôi hô BIẾN nỗi thuồng luồng đời tôi
Tôi hô BIẾN VỢ
Tôi hô BIẾN CON
Tôi HÔ BIẾN CÁI NÀO NÓ HIỆN RA CÁI NẤY”.
Có ai còn nhớ NGUYỄN TẤT NHIÊN?
(Cuối tháng 12, 2017)

Đinh Quang Anh Thái


Phần nhận xét hiển thị trên trang

3 mối đe dọa với kinh tế thế giới trong năm 2018


HÀ THU 
Dù các nhà kinh tế học lạc quan về năm nay nhưng vẫn có phần lo lắng về những vấn đề như Bitcoin hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
3 mối đe dọa với kinh tế thế giới trong năm 2018
Chính sách của các ngân hàng trung ương, chiến tranh thương mại và bong bóng đầu cơ được dự đoán là những rủi ro trong năm 2018. Nguồn: Fortune
Sau một năm kinh tế được đánh giá tương đối tốt, các nhà phân tích đã đưa ra dự báo tương tự cho năm 2018 với đà tăng trưởng theo hướng sẽ còn cao hơn năm 2017. Các nhà kinh tế học đều đang rất tự tin, dù vậy, họ cho rằng vẫn có 3 mối đe dọa lớn với kinh tế thế giới trong năm nay, xuất phát từ những ngân hàng trung ương, thương mại và bong bóng đầu cơ.
Ngân hàng trung ương giảm nới lỏng tiền tệ
Thành công của kinh tế toàn cầu năm 2017 một phần đến từ sự kết hợp giữa chính sách nới lỏng tiền tệ ở mức kỷ lục và các nỗ lực của những ngân hàng trung ương nhằm giúp thế giới quen dần với việc rút kích thích.
Tuy nhiên, sang năm 2018, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ nâng lãi thêm 3 lần nữa. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang dần giảm quy mô chương trình mua lại tài sản. Còn Trung Quốc cũng đang nâng lãi suất tham chiếu.
Những động thái này đều được các nhà hoạch định chính sách cân nhắc rất kỹ. Tuy vậy, sai lầm vẫn có thể xảy ra. Bất kỳ "cú sang số" mạnh tay nào cũng có thể khiến tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh.Link bài viết
FED tiếp tục nâng lãi suất!
Ví dụ, theo Hiệp hội Các thị trường Tài chính và Chứng khoán Mỹ (SIFMA) thì nợ doanh nghiệp hiện tại của nước này là gần 8.800 tỷ USD. Con số này đã tăng 35% kể từ năm 2010 và là một lực đẩy lớn đối với sự phát triển của các công ty.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế 2018, ông Chetan Ahya, nhà nghiên cứu tại Morgan Stanley, nhận định: "So với rủi ro về bình ổn giá, rủi ro về ổn định tài chính là mối đe dọa nghiêm trọng hơn với tăng trưởng".
Việc các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ để kiềm chế tăng trưởng quá nóng hoặc lạm phát sẽ khiến tín dụng thiếu hụt. Nguy cơ này không chỉ có ở Mỹ, mà còn xảy ra tại cả châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại toàn cầu
Một rủi ro khác có thể kể đến với tăng trưởng toàn cầu là chính sách thương mại của Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định quan điểm "Nước Mỹ trên hết" (America First). Khi nhậm chức, ông cũng đã thực hiện hàng loạt động thái nhằm bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ, đặc biệt trong vấn đề thương mại.
Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mở cuộc điều tra về thép nhập khẩu và yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tăng, bất chấp hàng xuất khẩu tăng. Còn thâm hụt với Trung Quốc tuy giảm, nhưng vẫn chưa khiến ông Trump hài lòng.
Trong chuyến viếng thăm châu Á hồi tháng 11 năm ngoái, ông đã đăng trên trang Twitter của mình rằng: "Những khoản thâm hụt thương mại khổng lồ này cần phải được giảm nhanh chóng".
thuong-mai-my-trung-doanhnhans-7561-4156
Giới quan sát dự báo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ nổ ra. Nguồn: Bombs and Dollars
Nếu những lời nói này thành sự thật thì kinh tế năm 2018 có thể sẽ nhanh chóng chuyển sang tình trạng khắc nghiệt. Giới quan sát đều dự báo rằng trong nửa đầu năm 2018, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ nổ ra.
Ông Trump đưa ra ý tưởng đánh vào thương mại với hy vọng gây sức ép nhằm buộc Trung Quốc có động thái giúp kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trong vòng vài tháng tới, ông Trump và quan chức thương mại Mỹ được kỳ vọng sẽ thông báo kết quả từ các cuộc điều tra lớn (với các vấn đề như thép hay sở hữu trí tuệ), có thể khiến hàng Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu. Trung Quốc tháng trước cũng kêu gọi Mỹ từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và "ngừng bóp méo" về các dự định chiến lược của nước này.
Bong bóng nổ tung
Các loại bong bóng đầu cơ rất khó đong đếm cho đến khi chúng nổ tung. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm từ 4,4% trong năm 2000 xuống còn 1,9% trong năm 2001 khi "bong bóng dotcom" phát nổ. Khủng hoảng tài chính cũng khiến tăng trưởng giảm từ 4,3% năm 2007 xuống -1,7% năm 2009.
Việc bất chợt mất các công cụ tài chính sẽ khiến các công ty và người tiêu dùng ngừng chi tiêu, khiến tăng trưởng giảm sút, lao động bị sa thải và châm ngòi cho hàng loạt vụ vỡ nợ. Năm 2017 đã chứng kiến rất nhiều bong bóng mà trong đó Bitcoin là rõ ràng nhất.
bitcoin-doanhnhansaigon-3651-1515036699.
Nếu bong bóng Bitcoin nổ tung, nó sẽ ảnh hưởng đến các thị trường tài chính truyền thống. Nguồn: The Sun
Đồng tiền mã hóa này có lúc tăng tới gần 20 lần trong năm qua mà không có nền tảng vững chắc nên đã khiến nhiều nhà kinh tế cảnh báo đây là "bong bóng của các bong bóng". Nếu Bitcoin vỡ, ảnh hưởng của nó có thể sẽ còn lan đến các thị trường tài chính truyền thống, như chứng khoán.
Theo VnExpress 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thời khắc quyết định của Venezuela


Ricardo Hausmann 
Pham Nguyên Trường dịch

Khi các điều kiện sống ở Venezuela ngày càng xấu đi, cần phải xét đến những giải pháp mà trước đây không thể nào tưởng tượng được. Chuyển đổi chính trị thông qua đàm phán vẫn là lựa chọn được nhiều người ưa thích, nhưng can thiệp bằng quân sự của liên minh các lực lượng trong khu vực có thể là biện pháp duy nhất, nhằm chấm dứt nạn đói do con người tạo ra, đang đe dọa mạng sống của hàng triệu người.

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela đang chuyển động không ngừng nghỉ, từ thảm hoạ đến không thể tưởng tượng nổi. Cảnh nghèo đói, đau khổ và tàn phá đã đạt đến điểm mà cộng đồng quốc tế phải suy nghĩ lại về những biện pháp giúp đỡ.

Hai năm trước, tôi đã cảnh báo nạn đói đang tiến vào Venezuela, tương tự như Holomodor ở Ukraine trong những năm 1932-1933. Ngày 17 tháng 12, tờ The New York Times đưa lên trang nhất những bức ảnh về thảm hoạ do chính con người gây ra.

Tháng 7, tôi mô tả tính chất có một không hai của thảm hoạ kinh tế ở Venezuela, bằng cách trưng ra sự sụp đổ về sản lượng, thu nhập, mức sống và chăm sóc y tế. Có lẽ số liệu thống kê mà tôi trích dẫn làm người choáng váng nhất là lương tối thiểu (lương của người công nhân trung bình) được đo bằng số calorie từ những món ăn rẻ nhất đã giảm từ 52.854 calo/ngày vào tháng 5 năm 2012 xuống còn 7.005 calo/ngày vào tháng 5 năm 2017 (tức là giảm 7,5 lần trong vòng 5 năm – ND) - không đủ để nuôi một gia đình gồm 5 nhân khẩu.
Tỷ lệ lạm phát của Venezuela vượt qua 220%, theo Viện Johns Hopkins. Đồng 100 bolivar - chỉ trị giá 0,04 đô la vào cuối năm ngoái.

Từ đó trở đi, các điều kiện ngày càng xấu đi nhanh chóng. Tháng trước, lương tối thiểu đã giảm xuống chỉ còn 2.740 calo/ngày. Protein còn được cung cấp ít hơn nữa. Tất cả các loại thịt đều khan hiếm đến nỗi giá một kg trên thị trường còn cao hơn lương tối thiểu trong một tuần.

Điều kiện y tế cũng đã và đang xấu đi, đấy là do thiếu dinh dưỡng và quyết định của chính phủ không cung cấp sữa bột cho trẻ sơ sinh, không cung cấp vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm, thuốc chữa AIDS, ghép tạng, ung thư và bệnh nhân chạy thận và không cung cấp cho các bệnh viện thông thường nữa. Kể từ ngày 1 tháng 8, giá của một đô la Mỹ đã tăng thêm một chục lần, và từ tháng 9, lạm phát cao hơn 50%/ tháng.

Theo số liệu của OPEC, sản lượng dầu của nước này đã giảm 16% kể từ tháng 5, tức là giảm hơn 350.000 thùng/ngày. Nhằm ngăn chặn đà suy giảm, chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro đã không biết làm gì ngoài việc bắt giữ 60 nhà quản lý cao cấp của công ty dầu quốc khí doanh PDVSA và bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng chẳng có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này làm tổng giám đốc.

Không những không thực hiện những bước đi nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo, mà chính phủ còn sử dụng cuộc khủng hoảng để thắt chặt quyền kiểm soát về chính trị. Trong khi từ chối những khoản trợ giúp, thì chính phủ nước này lại dành nguồn lực để mua các hệ thống kiểm soát đám đông, do Trung Quốc sản xuất, nhằm ngăn cản các cuộc biểu tình của dân chúng.

Nhiều nhà quan sát bên ngoài tin rằng nền kinh tế xấu đi thì chính phủ sẽ mất quyền lực. Nhưng, phe đối lập chính trị có tổ chức hiện yếu hơn so với hồi tháng 7, mặc dù đã có những nỗ lực ngoại giao to lớn. Sau đó, chính phủ đã thành lập Hội đồng Lập hiến không phù hợp với hiến pháp với đầy đủ quyền lực, xóa tên ba đảng đối lập chính, sa thải các thị trưởng dân cử và đại biểu được bầu và làm giả kết quả ba cuộc bầu cử.

Với tất cả các giải pháp hoặc không thực tế, không khả thi, hoặc không thể chấp nhận, hầu hết người dân Venezuela đều muốn một deus ex machina (vị thần từ trên trời rơi xuống – ND) để cứu họ thoát khỏi tình trạng bi thảm này. Kịch bản tốt nhất là các cuộc bầu cử tự do và công bằng để bầu ra chính phủ mới. Đây là Kế hoạch A để cho phe đối lập Venezuela tổ chức xung quanh Mesa de la Unidad Democratica (Liên minh bàn tròn Thống nhất Dân chủ), và đang được người ta tìm kiếm trong các cuộc đàm phán ở Cộng hòa Dominica.
Kiềm sống

Nhưng không thể tin được là chế độ sẵn sàng để cho hàng triệu chết đói nhằm nắm giữ quyền lực lại sẵn sang trao quyền trong các cuộc bầu cử tự do. Ở Đông Âu trong những năm 1940, các chế độ Stalinist đã củng cố được quyền lực mặc dù bị thua trong các cuộc bầu cử. Sự kiện là, chỉ trong năm 2017, chính phủ Maduro đã giả mạo kết quả ba cuộc bầu cử và đã ngăn cản không cho các đảng phái mà chính phủ đang đàm phán tham gia tranh cử, bất chấp sự quan tâm của cộng đồng quốc tế - cho thấy rằng các cuộc bầu cử trong tương lai sẽ không thành công.

Một cuộc đảo chính quân sự do các lực lượng trong nước tiến hành nhằm khôi phục lại chính quyền hiến định là phương án không dễ chịu đối với nhiều chính trị gia dân chủ , vì họ sợ rằng sau đó binh lính có thể không trở về doanh trại. Quan trọng hơn, chế độ của Maduro là chế độ độc tài quân sự, các sĩ quan đang nắm giữ nhiều cơ quan của chính phủ. Các sĩ quan cấp cao của Lực lượng Vũ trang đã suy thoái đến tận xương tủy, dính líu với buôn lậu suốt nhiều năm liền, phạm tội về tiền bạc và mua sắm, buôn bán ma túy và giết người mà không qua xét xử, tỷ lệ những vụ giết người như thế trên đầu người cao gấp ba lần so với tỷ lệ ở Philippin thời Rodrigo Duterte. Nhiều sĩ quan cao cấp tử tế đã bỏ nước ra đi.

Những biện pháp trừng phạt theo mục tiêu, do Văn phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài của Hoa Kỳ (US Office of Foreign Assets Control - OFAC) điều hành, đang làm cho nhiều kẻ cai trị ở Venezuela đau khổ. Tuy nhiên, với hàng chục ngàn người có thể tránh được cái chết và hàng triệu người tị nạn Venezuela nữa phải ra đi trước khi lệnh trừng phạt mang lại hiệu quả mong muốn, thì phải coi những biện pháp này là quá chậm, đấy là nói trong trường hợp tốt nhất. Còn trong trường hợp xấu nhất, những biện pháp này sẽ chẳng có tác dụng gì. Xét tới cùng, những biện pháp trừng phạt đó đã không dẫn tới thay đổi chế độ ở Nga, Bắc Triều Tiên hay Iran.

Chỉ còn biện pháp can thiệp quân sự quốc tế, giải pháp làm cho đa số chính phủ các nước Mỹ Latin sợ hãi, vì trong quá khứ từng có những hành động hiếu chiến nhằm chống lại quyền lợi quốc gia của họ, đặc biệt là ở Mexico và Trung Mỹ. Nhưng đây có thể là phép loại suy sai lầm. Xét cho cùng, Simón Bolívar đã giành được danh hiệu Người Giải Phóng của Venezuela do có cuộc xâm lăng năm 1814 được Nueva Granada (hiện nay là Colombia) tổ chức và tài trợ. Trong giai đoạn 1940 đến 1944, Pháp, Bỉ, và Hà Lan không thể giải thoát khỏi chế độ áp bức nếu không có hành động quân sự quốc tế.

Hàm ý là rõ ràng. Tình hình Venezuela đang trở nên không thể tưởng tượng được, cần phải xét đến những giải pháp phi thường. Quốc hội được được bầu một cách hợp lệ, với phe đối lập chiếm tới 2/3 số ghế, đã bị Tòa án Tối cao được bổ nhiệm một cách vi hiến pháp tước đoạt quyền lực một cách vi hiến. Còn quân đội thì sử dụng sức mạnh để đàn áp các cuộc biểu tình và buộc nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có các thẩm phán Tòa án Tối cao do Quốc hội bầu vào tháng 7, phải lưu vong.
Các nhà chức trách Venezuela đã cố gắng ngăn chặn các cuộc biểu tình chống chính phủ bằng cách bắt giữ các nhà lãnh đạo phe đối lập gồm: Leopoldo Lopez, Antonio Ledezma và Henrique Capriles.

Khi tìm giải pháp, tại sao lại không xem xét giải pháp sau đây: Quốc hội có thể luận tội Maduro và phó tổng thống Tareck El Aissami, một kẻ buôn lậu ma túy, đang bị OFAC trừng phạt và bị chính phủ Hoa Kỳ tịch thu hơn 500 triệu USD. Quốc hội có thể bổ nhiệm chính phủ mới và đến lượt mình, chính phủ này có thể yêu cầu giúp đỡ về quân sự từ liên minh các nước có thiện chí, trong đó có các nước Mỹ Latin, Bắc Mỹ và các nước ở châu Âu. Lực lượng này sẽ giải phóng Venezuela, tương tự như người Canada, người Úc, người Anh và người Mỹ giải phóng Châu Âu trong những năm 1944-1945. Gần hơn, sẽ tương tự như Hoa Kỳ đã giải phóng Panama khỏi chính phủ áp bức của Manuel Noriega, dẫn tới chế dân chủ và kinh tế phát triển nhanh nhất ở Mỹ Latin.

Theo luật pháp quốc tế, không có sự kiện nào trong đó cần phải được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua (Nga và Trung Quốc có thể phủ quyết), vì lực lượng quân sự sẽ được mời bởi chính phủ hợp pháp đang tìm sự ủng hộ nhằm duy trì bản hiến pháp của đất nước. Lựa chọn như thế thậm chí có thể thúc đẩy triển vọng của các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Cộng hòa Dominica.

Vụ sụp đổ của Venezuela không có lợi cho hầu hết các nước. Và những điều kiện sống ở đây là tội ác chống lại loài người, phải được chấm dứt trên cơ sở đạo đức. Sự thất bại của Operation Market Garden vào tháng 9 năm 1944 (Chiến dịch Market Garden là chiến dịch của quân đội Đồng Minh, bắt đầu ngày 17 tháng 9 năm 1944, tấn công vào các cầu lưu thông tại Hà Lan và phía tây nước Đức. Đây là cuộc tấn công bằng lực lượng lính dù lớn nhất trong lịch sử quân sự từ trước đến nay – ND) - đã được cuốn sách và bộ phim mang tên A Bridge Too Far biến thành bất tử - dẫn tới nạn đói ở Hà Lan vào mùa đông năm 1944-1945. Nạn đói của người Venezuela hiện nay còn tệ hại hơn. Bao nhiêu người nữa sẽ phải chết trước khi lực lượng trợ giúp đến được nước này?

Ricardo Hausmann, là cựu Bộ trưởng Bộ kế hoạch của Venezuela và cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển liên Mỹ, hiện là Giám đốc trung tâm phát triển quốc tế ở đại học Harvard (Harvard University) và Giáo sư kinh tế ở Harvard Kennedy School.


Nguồn https://www.project-syndicate.org/commentary/venezuela-catastrophe-military-intervention-by-ricardo-hausmann-2018-01

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phát súng thức tỉnh sự vô cảm, quan liêu


LS Nguyễn Duy Bình Hãy sát cánh cùng hàng ngàn nông dân nghèo, oan trái Đăk Nông ! Kết tội chưa đúng, tuyên quá nặng do bỏ qua loạt sai phạm của tỉnh, huyện và đám doanh nghiệp côn đồ đã giết, cướp, hành hung, hà hiếp nhân dân trong cả chục năm ròng.

04/01/2018 Hiếm có vụ án nào ngay sau khi tòa tuyên tử hình một bị cáo phạm tội "Giết người" mà dư luận lại "dậy sóng" như với trường hợp của bị cáo Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông. Điều lạ là ở chỗ thay vì lên án, hô hào trừng phạt nghiêm khắc hơn, thậm chí phải sớm loại bỏ ngay kẻ thủ ác ra khỏi đời sống như vẫn thường thấy ở nhiều vụ án hình sự thì Hiến và các bị cáo lại đang nhận được nhiều sự chia sẻ của dư luận.
Kết quả hình ảnh cho Đặng Văn Hiến
Đây là vụ án giết người, che giấu tội phạm và hủy hoại tài sản xảy ra tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) vào tháng 10-2016, từng gây chấn động dư luận, vừa được đưa ra xét xử sơ thẩm.



Đặng Văn Hiến (1976) cùng các bị can khác đã xả súng săn vào những người của Công ty TNHH Đầu tư - Thương Mại Long Sơn (gọi tắt là Công ty Long Sơn) làm 3 người chết và 13 người khác bị thương.

Hiến và các bị can đã gây ra tội ác nên phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Đấy là sự nghiêm khắc và công bằng. Điều lạ là ở chỗ thay vì lên án, hô hào trừng phạt nghiêm khắc hơn, thậm chí phải sớm loại bỏ ngay kẻ thủ ác ra khỏi đời sống như vẫn thường thấy ở nhiều vụ án hình sự thì Hiến và các bị cáo lại đang nhận được nhiều sự chia sẻ của dư luận.

Thực ra không lạ, bởi trước khi trở thành tội phạm thì Hiến và các bị cáo đều là nạn nhân của một hệ quả về tranh chấp đất đai dẫn họ đến chỗ không kiềm chế nổi và mất kiểm soát hành vi.

Hiến và các bị cáo không tranh chấp đất với ai cả mà chính là Công ty Long Sơn (doanh nghiệp, ở tỉnh Bình Phước được tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 1.000 ha đất lâm nghiệp tại xã Quảng Trực để thực hiện dự án trồng cây hằng năm) muốn sử dụng đất được cho thuê nhưng không muốn sòng phẳng với những người dân đã bỏ công khai hoang phục hóa trên diện tích đất này. Những người dân này chỉ đơn giản là bảo vệ miếng cơm manh áo của họ.

Theo lời của một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông được báo chí ghi tại hiện trường khi xảy ra vụ án thì trên vùng đất này trước đó đã có nhiều hộ dân vào khai hoang, canh tác. Trong quá trình thỏa thuận đền bù, hỗ trợ đã xảy ra nhiều vụ ẩu đả giữa người dân địa phương với nhân viên Công ty Long Sơn. Đến thời điểm xảy ra vụ án, Công ty Long Sơn chỉ mới đền bù cho người dân được hơn 400 ha đất. Đền bù chưa xong mà đã định "cướp" miếng cơm manh áo, mồ hôi nước mắt của người ta thì đến ai chịu cho thấu, chưa kể những người dân này sống trong núi sâu rừng thẳm nên hẳn là hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế.

Nhưng Công ty Long Sơn hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ không dám manh động để sử dụng hàng chục người lẫn phương tiện đến vườn tược của người dân để hiện việc cưỡng chế, kể cả khi người dân có chiếm đất trái phép. Vì hoạt động cưỡng chế là của nhà nước. Doanh nghiệp nếu được cho thuê đất mà chỉ được giao trên giấy chứ không có trên thực địa thì có quyền gọi "chủ đất" mà hỏi. Những người dân ở đây nếu chiếm dụng đất trái phép thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm xử lý để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Nếu quan chức trong bộ máy chính quyền các cấp từ xã Quảng Trực đến huyện Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông không "vô cảm" với doanh nghiệp và người dân, xử lý rốt ráo từ đầu thì đã không có chuyện những người của Công ty Long Sơn cùng những người như Hiến hành động như ở chốn vô pháp.

Chính HĐXX khi tuyên án cũng nhận định đối với cơ quan chức năng huyện của Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông, trong công tác quản lý, nắm địa bàn, xử lý đối với người dân xâm canh, phá rừng trái phép không kịp thời dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất rừng trái phép diễn ra phức tạp, người dân sau khi khai phá đất rừng hoặc mua bán trái phép đã ổn định sinh sống. Tranh chấp kéo dài giải quyết không dứt điểm để các bên tự giải quyết tranh chấp trái pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án này, vì thế phải được khẳng định chính là từ sự vô cảm của những quan chức trong bộ máy chính quyền các cấp từ xã Quảng Trực đến huyện Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông lúc bấy giờ.

Cho nên, nếu muốn không còn những "án tử Đặng Văn Hiến" thì không còn cách nào khác là bộ máy chính quyền của tỉnh Đắk Nông, và cả các địa phương khác, phải thanh lọc ngay những công chức hưởng lương đều đều nhưng chỉ "tọa sơn quan hổ đấu", vô cảm đến mức mặc doanh nghiệp và dân chúng tự hành xử như đã xảy ra ở vụ án này.

Trước mắt, điều cần làm ngay cho công chúng thấy, chính là truy cứu và xử lý nghiêm khắc các công chức và quan chức đã vô trách nhiệm trong vụ này.


Lương Duy Cường
http://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-phat-sung-thuc-tinh-su-vo-cam-quan-lieu-20180104112757838.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TQ "lao như tên bắn" vào Pakistan khi Mỹ vừa "buông tay"


Với chính sách ai nhả ra thì Trung Quốc sẽ nhảy vào. Vừa qua Mỹ đã làm một cú khiến Pakistan "bật ngã". Không chần chừ, Trung Quốc nhào vô luôn. Hôm 2/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhanh chóng có lời lẽ bảo vệ Pakistan chỉ vài giờ sau khi đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lần đầu tiên tuyên bố Mỹ sẽ cắt khoản viện trợ trị giá 255 triệu USD cho Pakistan. Ngay sau đó, vào ngày 3/1, ngân hàng trung ương Pakistan đã ra thông báo sử dụng đồng nhân dân tệ trong hoạt động thương mại và đầu tư song phương với Trung Quốc.


Pakistan treo băng rôn in hình ông Tập Cận Bình nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới quốc gia này hồi năm 2015. 


Theo Business Insider, Trung Quốc và Pakistan đã duy trì mối quan hệ thân thiết lâu nay. Cụ thể, Pakistan là một trong số ít quốc gia đầu tiên công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau hơn 2 năm thành lập. Thủ tướng Pakistan cũng từng nhấn mạnh, Trung Quốc là “bạn thân nhất và đáng tin nhất” của quốc gia này. Ngoài ra, hai nước còn duy trì mối quan hệ đối tác thương mại chiến lược khăng khít lâu nay.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc giang tay hỗ trợ Pakistan giữa lúc Mỹ quyết định cắt viện trợ đã cho thấy tham vọng giành ưu thế địa chiến lược của Bắc Kinh trước Washington ở khu vực Trung Đông.

Hôm 2/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhanh chóng có lời lẽ bảo vệ Pakistan chỉ vài giờ sau khi đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lần đầu tiên tuyên bố Mỹ sẽ cắt khoản viện trợ trị giá 255 triệu USD cho Pakistan.

“Pakistan đã có những nỗ lực và hy sinh lớn cho cuộc chiến chống khủng bố cũng như đáng góp phần đáng kể trong cuộc chiến khủng bố toàn cầu. Trung Quốc và Pakistan hiện là những đối tác tốt của nhau. Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác để mang lại lợi ích cho cả hai bên”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Ngay sau đó, vào ngày 3/1, ngân hàng trung ương Pakistan đã ra thông báo sử dụng đồng nhân dân tệ trong hoạt động thương mại và đầu tư song phương với Trung Quốc.

Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc tại Pakistan cũng khẳng định, Trung Quốc sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào dự án cơ sở hạ tầng tại Pakistan mang tên “Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan” (CPEC). Dự án này là một phần của sáng kiến “Vành đai và con đường” nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng thương mại của Trung Quốc trên toàn cầu.

Theo ông Terry McCarthy, Chủ tịch kiêm CEO Hội đồng Đối ngoại Los Angeles, Trung Quốc sẽ nhanh chóng tận dụng cơ hội để mở rộng quan hệ với Pakistan.

“Trung Quốc phải cạnh tranh với cả Mỹ và Ấn Độ. Do đó, Trung Quốc sẽ sử dụng Pakistan như chiếc mỏ neo để phục vụ chính sách Vành đai và con đường”, ông McCarthy chia sẻ với Business Insider.

Cũng theo ông McCarthy, Pakistan hiện giữ vai trò chiến lược trong tham vọng mở rộng sức mạnh của Trung Quốc và còn là lối vào quan trọng ở điểm cuối phía nam của sáng kiến "Vành đai và con đường", cắt ngang qua Pakistan. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa người lao động sang Pakistan cũng như các mặt hàng cung ứng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Pakistan cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Nói cách khác, theo ông McCarthy, Pakistan sẽ sử dụng mối quan hệ đồng minh với Trung Quốc để “đối trọng” với Mỹ và đối thủ Ấn Độ. Điều đáng nói, Trung Quốc sẽ không cung cấp các khoản viện trợ lớn cho Pakistan mà sẽ hỗ trợ để “duy trì kinh tế ổn định” thông qua các dự án và cơ sở hạ tầng.

Điều quan trọng nhất khi Pakistan hợp tác với Trung Quốc là, “không giống như Mỹ, Trung Quốc không đưa ra những lời chỉ trích về vấn đề nhân quyền”. Trong khi đó, Mỹ nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ trước nghi ngờ Islamabad hỗ trợ phiến quân Haqqani, lực lượng có mối quan hệ với tổ chức Taliban ở Afghanistan.

Ông McCarthy cho rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan được cải thiện thông qua việc Bắc Kinh hỗ trợ Islamabad chống chọi khi bị Mỹ cắt viện trợ. Song thực tế, Mỹ vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng đối với Pakistan.

“Không phủ nhận là quan hệ Mỹ và Pakistan hiện không mặn mà. Nhưng cuối cùng, Pakistan vẫn cần quan hệ với Mỹ bởi Pakistan sẽ không nhận được mọi thứ từ phía Trung Quốc”, ông McCarthy kết luận.

http://vietbf.com/forum/showthread.php?t=1126004


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bắt được Vũ “nhôm” có thể làm sáng tỏ dấu hiệu vi phạm hình sự khác



Thế Kha - Tuấn Hợp
Dân Trí - TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, trước mắt bị can Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") sẽ bị xem xét về việc có tới 3 hộ chiếu như phía Singapore đề cập. Việc tại sao trong thời gian ngắn Vũ Nhôm có thể thâu tóm rất nhiều nhà, đất công sản ở vị trí đắc địa ở Đà Nẵng cũng sẽ được làm rõ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 5/1, TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao, cho biết, Bộ Nội vụ Singapore xác nhận đã trục xuất bị can Phan Văn Anh Vũ về Việt Nam vì vi phạm đạo luật nhập cư Singapore.

Bị can Vũ đã nhập cảnh vào Singapore với hộ chiếu Việt Nam nhưng không đúng tên thật của mình, mặc dù khi đó bị can Vũ cũng mang theo trong người một hộ chiếu Việt Nam với tên thật của mình. Ngoài ra, bị can Vũ còn mang theo một hộ chiếu thứ ba.

“Singapore phát hiện bị can Phan Văn Anh Vũ mang hộ chiếu giả nên theo nguyên tắc đã trục xuất, trả về nơi xuất cảnh là Việt Nam. Bị can Vũ đang bị truy nã nên Bộ Công an tiếp nhận trường hợp này là đúng pháp luật. Như vậy có thể thấy bị can Vũ đã sử dụng 2 hộ chiếu và sẽ bị xem xét về việc này theo quy định của luật. Tới đây Bộ Công an sẽ điều tra làm rõ bị can Vũ đã sử dụng hộ chiếu như thế nào, ai là người giúp sức nếu có việc làm giả hộ chiếu ?”- ông Biểu nhận định.

TS Dương Thanh Biểu cho rằng, việc bắt được bị can Phan Văn Anh Vũ sẽ giúp Cơ quan điều tra Bộ Công an giải đáp toàn bộ những bí ẩn, thắc mắc bấy lâu của dư luận xung quanh nhân vật này và tại sao chỉ trong thời gian ngắn lại có thể thâu tóm rất nhiều nhà, đất công sản ở vị trí đắc địa như vậy tại Đà Nẵng?.

Bên cạnh đó, TS Dương Thanh Biểu phản ánh, hiện nay dư luận xã hội cũng đang bàn tán xôn xao về nhân thân của Phan Văn Anh Vũ.

“Nhiều người gọi điện cho tôi hỏi về chuyện này, nhưng thực hư ra sao thì đến nay chưa ai giải đáp. Chính vì thế, tôi cho rằng việc bắt được bị can Vũ sẽ là điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng làm rõ những vấn đề nêu trên và sẽ có giải thích rõ với công luận”- ông Biểu nói.

Chung quan điểm, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích, trước mắt cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của ông Vũ Nhôm theo tội danh “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” đã khởi tố trước đó.

Trong quá trình điều tra phát hiện thêm hành vi vi phạm pháp luật khác thì cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý theo quy định. Ngay từ thời điểm này, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, ông Phan Văn Anh Vũ có thể mời luật sư để bào chữa và hỗ trợ cho mình trong quá trình bị điều tra.

Đồng thời với đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tại sao bị can Phan Văn Anh Vũ lại có tới 3 hộ chiếu như phía Singapore đề cập. Nếu đó là giấy tờ giả thì ai giúp làm giả giấy tờ này để xuất cảnh đi Singapore trái phép? Luật sư Phất cho rằng, trong trường hợp như vậy, bị can Vũ Nhôm có thể bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) về sử dụng con dấu hoặc tài liệu, giấy tờ giả của cơ quan tổ chức.

“Có thể thấy rằng những hành vi có dấu hiệu vi phạm hình sự của ông Phan Văn Anh Vũ mà công chúng biết tới không phải là làm lộ bí mật nhà nước. Dư luận kỳ vọng việc khởi tố tội danh này chỉ là bước đầu để điều tra những dấu hiệu tội phạm tiếp theo”- luật sư Phất nói.

Cùng trao đổi với PV về vụ việc này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, việc cơ quan điều tra bắt giữ được Phan Văn Anh Vũ sẽ giúp nhiều bí mật được hé lộ. Quá trình điều tra nếu phát hiện ông Vũ phạm tội khác thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố bổ sung.

Theo luật sư Trương Anh Tú, ông Vũ bị khởi tố về tội “cố ý làm lộ bí tài liệu mật nhà nước” và đã bỏ trốn làm quá trình điều tra bị gián đoạn.

Như các vụ án hình sự khác, khi bị bắt về Việt Nam, Vũ "nhôm" sẽ bị tạm giam ngay để phục vụ quá trình điều tra. Vụ án sẽ trải qua các tiến trình tố tụng điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Ông Vũ đã bỏ trốn ra nước ngoài nên trường hợp ông này được tại ngoại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử là điều không thể.

Đặc biệt, việc bắt và điều tra Vũ "nhôm" sẽ trả lời được những câu hỏi mà dư luận đã đặt ra trong thời gian qua: Vũ "nhôm" đã làm lộ những bí mật gì? Ai là người đã báo tin trước khi Vũ bị điều tra, khởi tố để bị can bỏ trốn?...

Quá trình điều tra vụ án, nếu phát hiện tội phạm khác, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an sẽ khởi tố bổ sung.

Làm rõ thắc mắc của Bí thư và Chủ tịch Đà Nẵng mới đây

Luật sư Phạm Văn Phất nhấn mạnh, việc bắt được Vũ "nhôm" sẽ giải đáp những thắc mắc trước đó của Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mới đây.

Cụ thể, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương cả nước ngày 25/12/2017, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói: “Dư luận Đà Nẵng cho rằng các vụ việc nổi cộm của ông Vũ tại Đà Nẵng chủ yếu liên quan đến đất đai, bất động sản, nhưng quyết định khởi tố chỉ nói liên quan đến việc “làm lộ bí mật Nhà nước”. Trong một thời gian dài, đối tượng đã có đủ thời gian để xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản, đất đai, chứng cứ”. Hiện nay khối lượng nhà đất liên quan đến ông Vũ tại Đã Nẵng rất đáng kể nhưng khi các cơ quan chức năng đang điều tra thì ông Vũ đã rút vốn ra khỏi 5 công ty và nhiều công ty khác cũng như chuyển nhượng nhiều tài sản cá nhân.

Chiều 3/1/2018 vừa qua, tại buổi nói chuyện với các cán bộ lão thành cách mạng đang sinh hoạt trong CLB Thái Phiên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói: “Từ câu chuyện đất cát, rất nhiều câu hỏi đặt ra trong dư luận, báo chí là tại sao Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") lại mua được nhiều đất công như thế mà không phải người khác?. Điều đó cần xem lại quy trình, nguyên tắc quản lý của chúng ta như thế nào".

Thông báo của Bộ Công an chiều qua (4/1) cho thấy, ông Phan Văn Anh Vũ (SN 1975; trú tại số 82, Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã vi phạm pháp luật Việt Nam và bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Ngày 21/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ. Khi bỏ trốn ông Vũ đã vi phạm Luật di trú của Singapore và bị trục xuất. Ngày 4/1/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGUYỄN TRỌNG TẠO: NGƯỜI BƯỚC RA TỪ CA DAO LỤC BÁT


(Chân dung nhà văn- Đỗ Trường)
Mãi đến cuối tháng bảy, dường như nước Đức mới thực sự vào hè. Nắng không gắt như ở quê nhà, nhưng đã đủ sức kéo cái nóng ngoài trời lên đến gần 30 độ. Cơn gió chiều cuốn theo hơi nước, từ những dòng sông chạy quanh thành phố, như phả trên mặt đường. Những cánh rừng xanh ngát, vươn lên như hai cánh tay ôm chặt lấy thành phố. Ngày cuối tuần, Leipzig như chìm vào trong giấc ngủ. Thi thoảng đâu đó có tiếng động cơ xe hơi, xe máy lạc lõng, rộ lên. Nếu không phải đi Mannheim, dự đám cưới con gái ông bạn từ thuở hàn vi, của những ngày đầu sang Đức, giờ này, có lẽ chúng tôi thong thả đạp xe, cùng dòng người đổ về bãi tắm ngoài trời, hay những khu nhà vườn của thành phố.
Từ Leipzig đến Mannheim khoảng chừng 500 km, nên chúng tôi đi chung một xe do Tiến Bọ cùng đội lò mổ cũ, cầm lái. Thằng này trước đây là bộ đội đặc công, đã có mấy năm đánh đấm ở biên giới phía Bắc. Nghe nó kể, nhiều lần quần nhau tay bo với giặc Tầu, nhưng chưa hề bị thương. Nó cũng được liệt vào dân anh chị về cái khoản rượu bia. Phân xưởng pha thịt, có mấy chục thằng Tây, Ta nhưng chỉ có nó và một thằng người Đức đủ sức, mỗi ca kéo hàng ngàn con lợn nặng cả tạ trên dây chuyền xuống cho vào máy cưa. Phải nói thật làm công việc giết mổ, trong nhà lạnh, nếu không có chút men rượu không thể làm nổi (dù có luật cấm). Trong một lần tơ lơ mơ như vậy, nó bị cưa thiến đứt phăng hai ngón tay. Từ đó, nó thề không bao giờ uống rượu nữa.
Đường xa, lại được ngồi ghế sau, nên chúng tôi thủ sẵn bia rượu và đồ nhậu. Lên xe, Tiến Bọ bật nhạc ầm ĩ. Mà hình như CD của nó chỉ có rặt một loại nhạc của Nguyễn Trọng Tạo(NTT). Lúc đầu, rượu mới dạo hiệp một, lại được úp mặt vào sông quê, nghe ngọt ngào quá, mấy thằng tôi sướng tởn lên. ..Rồi xe chạy được nửa đường, rượu đã ngấm, vẫn thấy Khúc Hát Sông Quê với Làng Quan Họ réo rắt, tua đi đảo lại đều đều. Thì ra, mấy bài hát này, nó thu nhiều lần trong một CD. Ông bạn ngồi cạnh, cằn nhằn, nhạc ông Tạo hay thì hay thật, nhưng nghe nhiều nhàm, đề nghị thay đĩa khác. Nó cười cười, ấn CD bên cạnh. Giời đất ạ! Lại bác Tạo. Không hiểu nó lấy đâu ra cái CD, bác Tạo hát bo (không nhạc đệm) những bài của mình. Khi bác Tạo vừa dứt, lại thấy giọng ông ổng, tồ tồ nhão nhoẹt của nó cất lên. Nghe nhạc đệm và tiếng hát của nó lạc làm hai phía, như đang chửi nhau vậy. Chịu hết nổi, chúng tôi đồng thanh: Tắt máy. Nó quắc mắt, các bố uống say thì ngủ đi, tôi không nghe nhạc bác Tạo, ngủ gật, chết cả lũ đấy.
Lúc về, tưởng thoát, nhưng không, lên xe, nó lại chương trình thơ bác Tạo. Qủa thật, tôi chưa thấy ai yêu điên cuồng Nguyễn Trọng Tạo như thằng này. Đàn bà mà cuồng kiểu này, có lẽ bác Tạo gặp rắc rối to rồi. Nó sưu tầm tất cả những bài thơ của bác Tạo, đã được đọc và ghi âm ở thư viện Audio, hay ở đâu đó vào đĩa CD, để trên xe. Cứ lên xe là nó bật nghe cho đến lúc dừng xe tắt máy, dù đường đi có bao xa và cũng không cần biết cảm giác của người ngồi bên. Nếu như trong phê bình văn chương, bác Tạo cho bác Hảo (Trần Mạnh Hảo) là người cực đoan, thì cái thằng này cực đoan vào dạng bác Hảo phải gọi là sư phụ. Ai mà đi xe của nó, chỉ cần một câu chê thơ, nhạc của Nguyễn Trọng Tạo, bảo đảm bị đuổi xuống xe ngay. Tôi thân nó đã mấy chục năm, nhưng cũng không ngoại lệ, ức quá bảo, lần sau không ké xe của nó nữa. Nhưng đi hội hè, đình đám, gặp bạn bè, có bia rượu, mấy thằng sâu rượu chúng tôi không sao cưỡng lại được, lúc về đều khật khừ cả, nên lại tranh nhau trèo lên xe của nó.
Không chỉ chúng tôi, mà còn rất nhiều người thích, yêu thơ, nhạc NTT, nhưng cả ngàn cây số, mất tám, chín giờ chạy xe, dện ròng rã, duy nhất nhạc, thơ NTT, có lẽ chỉ có nó là một.
Dài dòng một chút, kể lại câu chuyện trên, cũng để khảng định một điều nữa, dù ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, người thưởng ngoạn, không bao giờ ngoảnh mặt, quay lưng lại với thi ca. Nếu như lời thơ và câu hát đó gõ được vào ký ức và tâm hồn, hay lột tả những gì đang diễn ra trong cuộc sống thường nhật của họ, một cách chân thật nhất. Trong tình trạng thơ ca và xã hội hiện nay, Nguyễn Trọng Tạo, là một trong số rất ít các nhà thơ đã làm được điều này.
Nguyễn Trọng Tạo là một người đa tài, trong lãnh vực nào ông cũng để lại một số tác phẩm ghim vào lòng người. Vì vậy, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha có lý, khi anh cho rằng, sau Văn Cao, Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Trọng Tạo. Điều này, có lẽ Nguyễn Thụy Kha chỉ muốn nhắc đến sự tài hoa trong nhiều lãnh vực, chứ không có ý so sánh tài năng của họ. Vì tài năng khí chất trong thi ca, cũng như tính cách Nguyễn Trọng Tạo rất khác so với Nguyễn Đình Thi.
Có thể nói, nếu như Nguyễn Trọng Tạo không được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Miền Trung sắt se đầy nắng gió, có những lời ru câu hát làm mát rượi trưa hè, thì có lẽ tài năng của ông sẽ đi theo con đường khác. Những điệu Ví, lời ru ấy như dòng sữa mẹ, đã nuôi lớn tâm hồn thi ca Nguyễn Trọng Tạo. Do vậy, sau tài năng của nhà thơ hương đồng gió nội Nguyễn Bính, người mà tôi nghĩ đến phải là Nguyễn Trọng Tạo. Cái chất ca dao, lục bát từ tiền nhân đã được NTT nhân lên, và làm mới đi rất nhiều, nhưng sự mượt mà, gần gũi của trời đất, con người, đồng quê vẫn còn đó. Đồng Dao Cho Người Lớn, là một trong những bài tiêu biểu:
“…Có cha có mẹ có trẻ mồ côi
Có ông trăng rằm nào phải mâm xôi
Có cả đất trời mà không nhà ở
Có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
Mà thuyền vẫn sóng mà xanh vẫn cỏ
Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
Có thương có nhớ có khóc có cười
Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi“.
Không được đọc NTT một cách có hệ thống, nhưng tôi cảm giác, dường ông làm thơ, viết nhạc từ những cảm hứng bất chợt, hay một ký ức xa xăm nào đó đột nhiên trở về. Thơ của NTT đa dạng, từ ngữ mộc mạc, nhiều khi không theo một trình tự nhất định, nên hay tạo ra được những hiệu quả làm bất ngờ cho người đọc. Có lẽ trong văn học sử Việt Nam, chỉ có NTT mới dám gửi gắm tâm sự, ví tình yêu của mình với những chồn cáo, nồi niêu, xoong chảo…rồi đưa thẳng nó đến với thi ca. Những câu tầm thường, cửa miệng ấy trong thơ ông, đọc lên ta thấy cay cay, ngồ ngộ:
“ Anh cây chổi tựa mòn góc bếp
Anh cái chảo mốc meo
Anh con mèo đói kêu khan
Anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối
Ngày không em
Anh làm gì với gió
Gió mềm mại dáng em
Anh làm gì với lửa
Lửa cháy môi em
Anh làm gì với cơn mưa giật liên hồi tiếng nấc…” (Ngày Không Em)
Văn hóa nói chung và thi ca nói riêng, đều có tính kế thừa, chuyển tiếp như những ngành khoa học tự nhiên khác. Yếu tố địa lý cũng quyết định một phần không nhỏ cho sự phát triển, sàng lọc tạo nên nét văn hóa đặc trưng vùng miền, hay của một quốc gia. Nếu không có sự chuyển tiếp, kế thừa này thì xã hội không khác gì một cơ thể có những tế bào bị biến dị tạo nên căn bệnh ung thư, và như người bị chối bỏ cuội nguồn, đánh mất đi phần linh hồn. Cuộc sống Nguyễn Trọng Tạo có nhiều khúc gấp, nên phải bươn trải sống ở nhiều vùng miền. Những văn hóa đặc trưng vùng miền ấy, đã thổi vào tâm hồn ông một cách tự nhiên, với những sắc thái khác nhau. Do vậy, khi nghe và đọc thi ca NTT, ta vẫn thoáng nhận ra, âm sắc của từng làn điệu, dân ca dù đã hòa trộn vào nhau. Sự hòa trộn ấy, tạo nên một cái gì đó mới lạ nhưng cũng rất gần gũi. Sự dung hòa giữa cũ và mới, đã làm mát dịu hồn thơ NTT. Linh hồn Việt, nhưng đã tạo dựng nên dáng hình rất Tây của bài thơ Mùa Thu Áo Ấm dưới đây là một thí dụ:
“Đồi núi. Thông xanh. Villa. Biệt thự
áo ấm. Dù hoa. Má đỏ. Tóc mềm
những con đường. Những con đường. Cao.Thấp
ngày bốn mùa. Đà lạt. Chập chùng. Em.
Em cười nói tự thuở nào thác đổ
Langbian. Nghiêng. Thung lũng tình yêu
Ôi! Sự sống nơi đỉnh trời chân cỏ
thoáng heo may. Nghe mình chợt sang chiều.
Tôi bạn bè cùng mùa rau xứ lạnh
cùng cải chua. Cà muối. Khô nai
cùng rượu chát
Cùng đớn đau thông rụng
Giọng buồn tôi run rẩy phát qua đài.
Những hồ, bãi tắm tự nhiên ở Đức, hình như nơi nào cũng giành một khu, cho những ai muốn tắm, phơi nắng trần truồng. Ngày mới sang, chúng tôi thấy mới nên khoái, rủ nhau ra hồ. Đến nơi chẳng thằng nào đủ dũng khí cởi quần áo, trần như nhộng giống những người xung quanh. Mặc nguyên quần áo thấy kỳ, nên chúng tôi giả vờ đến Imbiss mua bia, lai rai. Tắm chán, đói, các cô mười sáu, mười bảy, mảnh mai, thon thả đến các bà sồn sồn, tồng ngồng, lên mua đồ ăn. Chà chà…trắng, vàng, hồng, rực cả một góc trời, nhìn như một bầy thiên nga đang hạ thế. Ấy vậy, chỉ một vài lần chúng tôi chán, không còn hứng thú ra bãi tắm nữa. Sau này có mấy bác già vụ trưởng, thứ trưởng của Bộ Nông Nghiệp, sang công tác, công teo gì đó, nhờ chúng tôi đưa đi. Có bác hăng lên, mang theo cả ống nhòm, đứng núp từ bụi cây xa “mục sở thị”. Vài lần như vậy, rồi không thấy bác nào nhắc, nhờ đưa đi bãi tắm tiên nữa. Từ đó, tôi rút ra một điều, những cảnh trần trụi, kịch đường tầu như vậy đã làm giảm mất sự tò mò, khám phá lâu dài. Hơn nữa, nó không thích hợp với nếp suy nghĩ, tâm hồn, văn hóa sinh hoạt của người Việt và những nước Á Châu, chịu ảnh hưởng lâu đời của Phật giáo, nho học.
Tôi có thằng bạn thân, từ thuở khố rách áo ôm, ba, bốn đứa chung nhau một cái quần, thay nhau mặc mỗi lần đi tán gái. Học xong đại học, nó vào Sài Gòn làm việc. Đánh đấm, dẫm đạp lên nhau mấy chục năm, rồi nó cũng mò lên được chức Tổng giám đốc. Có lẽ chấm mút được, nhiều tiền đâm rửng mỡ, hôm rồi gọi điện cho tôi khoe, con nó gửi học trường quốc tế từ nhỏ, nên chỉ nói được tiếng Anh, tiếng Việt rất bập bẹ. Tôi bảo, con mày sẽ là người ngoại quốc ngay chính trên quê hương của nó. Không tiếng Việt, nó mất đi linh hồn. Mất văn hóa, sống trên quê hương mà như không còn Tổ Quốc. Những thứ đó tiền của mày không thể mua được. Nó không cãi lại, nhưng không vui. Từ đó, chúng tôi ít gọi điện cho nhau, nếu có, câu chuyện cũng vô cùng nhạt nhẽo.
Có thể khảng định, một trăm phần trăm những gia đình Tây Ta ở thành phố tôi cư ngụ, đổ vỡ, (có cặp đã sống với nhau ba, bốn chục năm) do không thể hòa đồng về văn hóa. Như vậy, văn hóa nói chung, thi ca nói riêng giữa Đông và Tây dù có hòa nhập hay cưỡng, ép hôn, nó chỉ nằm ở mức độ giao thoa, chứ tuyệt đối không bao giờ hòa tan. Cảm nhận từ những thực tế trên, tôi thấy việc cải tiến thơ ca của một số nhà thơ trong nước, dù có theo chiều hướng nào, nhưng mất đi bản sắc cội nguồn, nó chỉ là những tế bào biến dị. Những tế bào dị dạng này, trước sau sẽ tự đào thải, hoặc bị cắt bỏ mà thôi.
Tôi mang những bài thơ, chỉ có thể hiểu bằng tâm, phân thức…hoặc tâm phải rời khỏi xác, trở về cõi u u, mê mê nào đó mới hiểu được, (như một số nhà phê bình ca, viết) cho ông giáo già, du học từ năm 1964, là tiến sĩ ngôn ngữ, văn học Đức. Đọc xong, ông lắc đầu không hiểu. Theo ông đây là những bài viết với thứ ngôn ngữ tắc tị, chứ chẳng ăn nhập gì với thi ca của Phương Tây cả.
Phọt phẹt ngoại ngữ như tôi, hứng lên, đôi lúc đọc một, vài bài thơ tiếng Đức, tuy không hiểu hết cái hay, cái đẹp và những ý sâu xa, bóng bẩy, nhưng cũng hiểu được nghĩa thực của nó. Thế mà, tôi tắc tị, khi đọc thơ của những Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn… Bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ, với mớ kiến thức đã tu luyện mười bốn, mười lăm năm trên ghế nhà trường ở quê nhà.
Ta hãy đọc lại bài Vô Đề của Nguyễn Trọng Tạo, lời thơ rất lạ, rất mới (tôi cho rằng không thể mới hơn) từ cách đảo từ đến nhịp của cả bài thơ. Nhưng nó vẫn giữ được sự trong sáng, mềm mại, dễ hiểu:
“…Anh đã để em ra đi vô cớ
Đến một ngày không thể hiểu vì đâu
Em hút bóng dừa xanh vào khép gió
Không bao giờ quay lại mối tình đầu.
Anh chót để ngôi sao bay khỏi cát
Biếc xanh em, mãi chớp sáng vòm trời
Điều có thể đã hóa thành không thể
Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi”
Bài Thiên Thần, thoáng đọc lên ta cả thấy rất vô lý, nhưng cái vẻ đẹp thiên thần của em đã hút hồn người thi sĩ được toát ra từ nghìn năm trước và nghìn năm sau sau ấy, đã đấy cả bài thơ đến những điều có thể. Từ ngữ mộc mạc, nhưng rất mới trong lối miêu tả ẩn dụ(lấy thời gian để miêu tả vẻ đẹp) của Nguyễn Trọng Tạo. Đọc xong, ta thấy thoang thoảng hương của những bài vịnh, hay trào phúng xưa trở về:
“Em mười chín tuổi, nghìn năm trước
Sao đến bây giờ mới hai mươi
Môi mềm ngực nõn vòng tay xiết
Anh là tượng đá cũng tan thôi.
Cứ tưởng một lần cho đỡ khát
Nào ngờ bùa ngải lú trời xanh
Nghìn năm gặp lại…Em hăm mốt
Môi ngực vòng tay vẫn thiên thần”
Song song với các cuộc thi hoa hậu, ứ hậu, chắc chắn ở trong nước cũng sắp bội thực các buổi hội thảo thơ ca, do các cơ quan văn học tổ chức. Đọc những bài tham luận lạc đề, sặc mùi tụng ca của những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Minh Tuấn…trong tọa đàm thơ Nguyễn Quang Thiều. Hay của những quan chức cao cấp trong hội thảo thơ của “nhà thơ bổ củi” Hoàng Quang Thuận, làm ta liên tưởng đến những nhân vật hài trong các vở tuồng, khen có thưởng vậy. Không cần bàn đến chất lượng của thơ, một đêm Hoàng Quang Thuận bổ ra được 121 bài, thì mấy ông thợ bổ củi, vai u thịt bắp, mồ hôi dầu, cũng phải vái chào. Cái đẹp là bùa mê, thuốc lú để nghìn năm sau hồn thi sĩ (Nguyễn Trọng Tạo) vẫn còn ngắc ngư, nghĩ đã thấy kinh. Thế mà, Hoàng Quang Thuận còn hãi hơn, dám đưa cả tâm linh, thánh thần, Phật Tổ ra để làm bùa mê thuốc lú dối mình, lừa người. Làm cho ông Tiến sĩ ngôn ngữ, văn học Đức, thở dài: Không ở đâu dễ lừa người, và bị người lừa như ở quê ta. Giời đất ạ! Văn thơ thời nay, nó rẻ như bèo, nhìn các văn sĩ, ông nào cũng ngây ngây, màng túi bị viêm kinh niên. Thế mà đường đường là ông GS-TS , Viện trưởng viện khoa học, giầu sang ngất ngưởng, lại nhảm nhí, làm công việc phản khoa học như vậy. Cứ tưởng, một mình ông GS-TS Hoàng Quang Thuận, mắc chứng bệnh tâm thần, không ngờ nhiều ông chức cao trọng vọng cũng mắc phải căn bệnh này.
Đầu những năm thập niên tám mươi, chúng ta vẫn còn đang ngất ngây, men nồng của người chiến thắng. Nhịn không được, một nhà thơ đã phải thốt lên: Chân dép lốp bước lên tầu vũ trụ. Dù lúc đó cái đói như ngọn roi quất vào con ngựa phi nước đại với giá- lương- tiền. Bài thơ, Tản Mạn Thời Tôi Sống, ra đời trong hoàn cảnh xã hội như vậy. Về nghệ thuật, cũng như bố cục, câu từ, nó không nằm trong số những bài thơ hay của Nguyễn Trọng Tạo, nhưng lại là bài thơ có sức sống lâu dài, và số phận đặc biệt, được nhiều người yêu mến. Trong lúc các văn sĩ cùng thời, đang hòa vào dòng thác ngợi ca, thần thánh hóa con người, cuộc sống, xã hội, thì NTT cả gan cầm bút chắn ngang dòng thác ấy.” Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ/ Như con chiên ngoan đạo chợt bàng hoàng/ Nhận ra chúa chỉ ghép bằng đất đá”. Tản Mạn Thời Tôi Sống, đã bóc trần bộ mặt gian dối, lừa lọc đang diễn ra trong xã hội đương thời, và kéo giấc mơ không có thật trở về với thực tại, nhưng nó đã đẩy con người và cuộc sống NTT đến tận cùng, không lối thoát:
“Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
Rồi một ngày thần tượng ta tan rã
Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn
Sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà, muốn chiếm nhà ta ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu nghĩ có một lần..”

Cái thời cả nước hừng hừng dắt tay nhau cùng lên đồng và chỉ được phép tô, trát lên mặt một mầu hồng duy nhất. Nhà thơ nổi tiếng Chế Lan Viên sướng quá, cũng chịu hết nổi, thốt lên: “ Ôi! Tổ Quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?”. Thì Nguyễn Trọng Tạo lại vẽ lên mặt một màu tang thương, xám xịt:
“Nhưng cái thời tôi sống hẳn khác xưa
Trong bài hát thêm bom rơi và súng
Hai mươi năm không ngày nào vắng người chết đạn
Khăn tang bay, người sống trắng mái đầu
Gạo cửa hàng nhiều khi không đủ bán
Con phe sục khắp ga tầu bến cảng
Giá chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương”

Nếu như thơ văn chính luận của Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo vang lên và thẳng tưng, đầy uy lực như Quan Vũ, Trương Phi trên cầu Trường Bản, thì Nguyễn Trọng Tạo lại uyển chuyển, nhẹ nhàng có những cơn sóng ngầm công phá, như Tử Long xung trận Đương Dương. Cũng viết về biển đảo, nhưng NTT có cách viết rất khác. Trong cái dữ dội, gào thét của sóng biển, dưới nanh vuốt lăm le của quân thù, ta vẫn thấy lời thơ đằm thắm, nhẹ nhàng nhưng rất quyết liệt, can trường:
“Chẳng lẽ anh yêu biển gào dữ dội
Át cả tiếng em ở phía đất liền?
Chẳng lẽ anh yêu những đêm ngủ hầm kèo
Báo đến chậm hai ba tuần vẫn gọi là “Báo mới”
Lá thư tình đọc chung đồng đội
Lúc nghe đài là lúc gặp quê hương
Chẳng lẽ anh yêu những ngày tháng thẳng căng
Đêm bật dậy mấy lần báo động
Nhưng em ơi! Giữa muôn trùng biển sóng
Anh đã yêu như vậy ngày ngày
Như yêu em đắm say
Yêu giấc ngủ, hằng đêm về bờ cát
Nếu lòng anh đổi khác
Giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây.
(Anh Đã Yêu Em Như Vậy)
Có thể nói NTT là nhà thơ cách tân, đổi mới nhất trong các nhà thơ mới hiện nay. Những năm tháng tuổi trẻ ông đã viết rất tự nhiên, như theo một bản năng. Tôi rất thích những bài thơ hồn nhiên viết trong thời kỳ đó của ông. Sau này, ông viết có kỹ thuật và sâu hơn và luôn đổi mới nhưng những nét hồn nhiên không còn đậm nét nữa. Có lẽ sau những năm tháng nổi trôi, ông đã trầm tĩnh hơn chăng?. Rất may, gần đây, qua bài thơ viết về em bé tật nguyền đi biểu tình, tôi lại bắt gặp những nét hồn nhiên ấy trong thơ ông:
“ Em hô Việt Nam-Hoàng Sa-Trường Sa
Anh gọi tên em Tổ Quốc, Sơn Hà…
..Đất nước già nua tâm hồn tươi trẻ
Em đi biểu tình-Anh đẩy xe lăn
Không kẻ thù nào có thể cản ngăn”

Ngày và đêm, trái đất vẫn quay, tất cả đều nằm trong vòng tròn của qui luật đó. Không có gì tồn tại vĩnh cửu. Cái cũ sẽ được thay bằng cái mới, như “ Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa”. Đó như là một triết lý sống, từ hơn ba mươi năm trước, Nguyễn Trọng Tạo đã cảnh báo trong thơ.
Leipzig- 16-8-2012
Đỗ Trường

Hiển thị thêm cảm xúc

Phần nhận xét hiển thị trên trang