Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

10 điều ông Trump làm được sau một năm trở thành Tổng thống Hoa Kỳ


28/12/2017 Kể từ khi chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc hôm 21/1/2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nỗ lực không ngừng nghỉ để thực hiện lời hứa “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Từ một người không có kinh nghiệm chính trị, ông đã làm được gì sau 12 tháng qua để thực hiện cam kết trên?

Kết quả hình ảnh cho ông Trump

Kinh tế Mỹ trong hai quý cuối năm đã trở lại mức tăng trưởng trên 3%, sức sản xuất được giải phóng với hàng loạt các chính sách ưu đãi doanh nghiệp. Vị thế của nước Mỹ trên vũ đài quốc tế đã mạnh mẽ trở lại với những quyết định quyết đoán của ông Trump về vấn đề biến đổi khí hậu, hiệp định thương mại đa phương, chủ nghĩa khủng bố, đàn áp dân chủ, chương trình hạt nhân Bắc Hàn và Iran, cũng như vấn đề Jerusalem.

Dưới đây là 10 dấu ấn quan trọng mà Tổng thống Trump đã làm được trong năm 2017:


1. Đưa thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch vào Tối Cao Pháp Viện

Đề cử một người vào Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ là một quyền lợi và vinh dự hiếm khi xuất hiện trong một nhiệm kỳ Tổng thống do quy định tất cả 9 Thẩm Phán Tối Cao của Mỹ đều sẽ làm việc suốt đời. Tổng thống Mỹ chỉ được đề cử một người mới nếu có một vị qua đời hoặc tự từ chức. Tổng thống Obama đã thất bại trong khi cố gắng đưa một thẩm phán theo đường lối cấp tiến của ông vào vị trí này; ông Trump, với sự hỗ trợ của Quốc Hội đa số Đảng Cộng hòa, đã thành công.

Việc này đảm bảo cán cân quyền lực trong tổ chức cao nhất của ngành tư pháp Mỹ với tỷ số 5/4 nghiêng về những người bảo thủ theo đường lối của Đảng Cộng hòa. Với quy chế làm việc suốt đời, các chính sách bảo thủ của Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa sẽ thuận lợi hơn nhiều trong tương lai lâu dài khi ông Gorsuch mới 50 tuổi.

2. Thực hiện chính phủ giới hạn, ủng hộ tinh thần tư bản chủ nghĩa

Chính phủ giới hạn là một nguyên tắc quản lý của phe bảo thủ tại Hoa Kỳ, những người tin rằng chính phủ càng ít can thiệp vào cuộc sống của người dân thì xã hội càng phong phú và càng phát triển mạnh mẽ. Theo nguyên tắc này, ông Trump đã:

– Đưa ra quy định để chính phủ ra thêm một quy định hay luật lệ mới, 2 quy định cũ phải bị xóa bỏ;

– Hủy hàng trăm quy định hành pháp dưới thời Obama, đặc biệt là các rào cản môi trường khiến các ngành xây dựng và khoan dầu của Mỹ bị đình trệ;

– Giảm 110 nhân viên phục vụ tại Nhà Trắng so với thời Obama, tiết kiệm 22 triệu USD ngân sách 2017;

– Cắt giảm hàng chục ngàn vị trí công chức liên bang;

– Cấm công chức nhà nước nghỉ hưu trở thành người vận động hành lang trong một thời gian nhất định;

– Giới doanh nghiệp đặc biệt khích lệ trong một năm ông Trump làm Tổng thống. Tinh thần lạc quan đối với nền kinh tế đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp giảm và các dòng vốn nước ngoài liên tục cam kết sẽ rót vào nước Mỹ sau những chuyến công du của ông Trump.

3. Khôi phục quân đội, củng cố trật tự trong nước

– Thông qua gói ngân sách kỷ lục 700 tỷ USD cấp cho quân đội Hoa Kỳ;

– Cam kết xây dựng quân đội Hoa Kỳ đảm bảo vị thế vững mạnh nhất thế giới và thực hiện “hòa bình thông qua sức mạnh”;

– Đưa ra mục tiêu quân Mỹ phải mạnh tới mức “không bao giờ phải sử dụng đến nó”;

– Liên tục khẳng định sự ủng hộ đối với quân đội, tiến hành cải cách luật để chăm sóc cựu chiến binh tốt hơn;

– Thị uy với Iran, Bắc Hàn, Nga và Trung Quốc; khôi phục sự tôn trọng đối với quân đội Mỹ ở nước ngoài, vốn bị tổn hại nghiêm trọng dưới thời Obama;

– Siết chặt các quy định về nhập cư làm giảm 70% số lượng người vượt biên trái phép vào Mỹ so với năm 2016. Lực lượng tuần tra biên giới thực hiện hơn 300.000 vụ bắt giữ khắp cả nước và trục xuất hơn 200.000 người nhập cư trái phép;

– Ký luật hành pháp để thúc đẩy việc xây bức tường biên giới với Mexico. Quốc Hội đã thông qua gói ngân sách đầu tiên trị giá 1 tỷ USD để xây tường và các khuôn mẫu của bức tường đã được dựng xong.

4. Định hình lại chính sách ngoại thương và ngoại giao của Hoa Kỳ

– Thực hiện và quảng bá chính sách “nước Mỹ trên hết”, bảo vệ lợi ích Mỹ, doanh nghiệp Mỹ, đưa dòng vốn và việc làm trở lại nước Mỹ;

– Tuyên bố sẽ đánh thuế nặng các nước cạnh tranh không công bằng với Mỹ trong tất cả các chuyến công du nước ngoài;

– Rút khỏi hàng loạt các tổ chức đa phương giúp các nước khác trục lợi từ người dân Mỹ, chẳng hạn TPP, thỏa thuận khí hậu Paris; yêu cầu đàm phán lại NAFTA;

– Khẳng định Mỹ sẽ chú trọng vào hiệp định song phương, công bằng, đôi bên cùng có lợi;

– Yêu cầu các nước đồng minh trong khối NATO chi thêm tiền cho quốc phòng để công bằng với Mỹ;

– Ra lệnh cho Đại diện thương mại Mỹ tổ chức điều tra về việc Trung Quốc vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

– Áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp thương mại với mặt hàng nhôm của Trung Quốc.

– Tuyên bố Mỹ không đồng ý công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tuyên bố công khai quan điểm của mình vệ thực trạng mô hình kinh tế của chế độ Bắc Kinh.
5. Tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo IS

– Ngay từ khi nhậm chức, ông Trump đã trao quyền cho các tướng lĩnh quân đội Mỹ chủ động tăng cường quân lính và khí tài để quyết tâm tiêu diệt IS tại Iraq và Syria.

– Vào tháng 10, Giám đốc CIA Mike Pompeo đã nói rằng cuộc chiến chống IS trong 8 tháng đã đem lại kết quả vượt trội hơn hẳn 8 năm dưới thời chính quyền Obama.

– Vào 3/11, chính phủ Syria tuyên bố đánh bật IS ở thành trì cuối cùng của nhóm phiến quân này tại Syria là Deir ez-Zor.

– Ngày 17/11, quân đội Iraq tuyên bố giải phóng Rawa – thành phố cuối cùng mà IS chiếm đóng tại Iraq.

– Ngày 9/12, Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi chính thức tuyên bố cuộc chiến 3 năm với IS đã kết thúc.

6. Công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel

– Ngày 6/12, Tổng thống Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và khởi động tiến trình chuyển Đại sứ Quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về thành phố thánh Jerusalem. Quyết định này phản ánh mong muốn của người Mỹ thể hiện trong Đạo Luật Sứ quán Jerusalam được Quốc hội Mỹ thông qua từ năm 1995, tuy nhiên các đời Tổng thống Clinton, Bush và Obama đều không thực hiện được.
>> Tại sao ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel?

7. Điều chỉnh chính sách với Cuba cộng sản

– Ngày 16/6 tại Little Havana, bang Miami, ông Trump đã tuyên bố đảo ngược một phần chính sách của Mỹ đối với Cuba của cựu Tổng thống Obama, trong đó có hạn chế người Mỹ tới Cuba kiềm chế giao dịch kinh doanh của Mỹ với các doanh nghiệp thuộc quân đội của quốc đảo Caribe;

– Ông Trump cũng cam kết rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi Cuba thả vô điều kiện các tù nhân chính trị và tổ chức bầu cử tự do;

– Ngày 8/11, chính phủ Hoa Kỳ một lần nữa công bố việc tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Cuba và các nhà chức trách Cuba, trong đó có các hạn chế thương mại và tài chính, cũng như việc công dân Mỹ đi du lịch tới Cuba đòi hỏi thủ tục phức tạp hơn.
Trump: Huỷ bỏ ngay lập tức thoả thuận Obama – Cuba (Video)
8. Xem xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran

– Ngày 13/10, Tổng thống Trump đã từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015, đe dọa có thể kết liễu thỏa thuận này và gia tăng trừng phạt lên Cộng hòa Hồi giáo.

– Ông Trump tố cáo Iran không đáp ứng thỏa thuận hạt nhân và cho biết mục tiêu của ông là phải làm sao bảo đảm Tehran không bao giờ sở hữu được vũ khí hạt nhân.

– Cơ quan lập pháp Mỹ sẽ phải quyết định liệu có viết lại thỏa thuận khung theo ‎ý của ông Trump, và ông Trump đã tuyên bố sẽ hủy luôn thỏa thuận với Iran nếu yêu cầu của ông bị khước từ.

9. Công bố chiến lược an ninh quốc gia mới

– Ngày 18/12, Tổng thống Trump tuyên bố chiến lược an ninh quốc gia mới của mình trong đó ông phác thảo các mục tiêu về hiện đại hóa quân sự, phát triển kinh tế và các đối thủ mà nước Mỹ sẽ phải đối mặt.

– Trong chiến lược này chính quyền Mỹ chỉ rõ Nga và Trung Quốc những “cường quốc địch thủ” và “cường quốc theo chủ nghĩa xét lại” – những quốc gia muốn định hình thế giới theo cách đối chọi với các giá trị và lợi ích của Hoa Kỳ.

– Điểm khác biệt của chiến lược an ninh quốc gia mới này với chiến lược của các chính phủ trước đó là chiến lược này làm nổi bật các vấn đề thương mại và kinh tế. Ông Trump nhấn mạnh an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia.

– “Chiến lược an ninh quốc gia là một loạt các biện pháp kinh tế đối với Trung Quốc”, cựu quan chức chính quyền Bush là Michael Allen cho biết, “Đây là phiến đá Rosetta chính trị ăn khớp với chủ đề tranh cử của Trump”.

10. Thông qua Luật giảm thuế

– Ngày 20/12 cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Dự luật việc làm và cắt giảm thuế. Đây sẽ là chiến thắng pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất của ông Trump trong năm 2017.

– Ngày 21/12, Tổng thống Trump đã tổ chức buổi tiệc chúc mừng tại Tòa Bạch Ốc. Giảm thuế để thúc đẩy kinh tế và gia tăng việc làm là một trong nhưng trụ cột quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử của ông.

– Luật mới sẽ giảm thuế lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ từ 35% xuống 21% đồng thời giảm các loại thuế cá nhân. Các nội dung chính khác của luật thuế gồm: Giảm thuế thừa kế; Mở rộng tín dụng thuế cho gia đình có trẻ em; Giảm thuế đánh lên lợi nhuận ở nước ngoài.

– Ngoài ra luật mới còn có điều khoản cho phép khoan dầu ở Khu bảo Tồn Quốc gia Bắc Cực tại Alaska và bỏ điều khoản phạt thuế đối với công dân Mỹ không mua bảo hiểm theo quy định của ObamaCare.

– Kỳ vọng về luật giảm thuế và việc nó trở thành sự thật đã kích thích tinh thần lạc quan của người tiêu dùng và doanh nghiệp khắp nước Mỹ. Thị trường chứng khoán ở mức cao nhất trong lịch sử. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã thông báo tăng lương tối thiểu và tăng thưởng, cũng như tăng tiền tái đầu tư sản xuất trong nước sau khi có tin luật thuế được thông qua.

Tân Bình

http://trithucvn.net/the-gioi/10-dieu-ong-trump-lam-duoc-sau-mot-nam-tro-thanh-tong-thong-hoa-ky.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

SỰ NGHIỆT NGÃ CỦA THỜI GIAN





Luân Lê



Cách đây cũng không lâu, có vụ một thanh niên cậy tiền đè chết người và hống hách giữa đường thách thức người bị va chạm giao thông là mua được cả công an.

Đêm qua, một đám trẻ thanh niên cầm vũ khí đứng trên cầu để xin tiền các xe đi qua, và mấy thanh niên này vẫn thỉnh thoảng cho rằng thách công an nào làm gì được và bao cả công an luôn.


Điều gì đã thể hiện thông qua hai sự việc trên?

Đó là việc những kẻ có tiền, hoặc những kẻ được cho là có quan hệ với công quyền thì thường có một thái độ coi khinh người khác và coi thường luật pháp. Hơn nữa đó là việc, tư duy bỏ tiền ra để mua chuộc lực lượng thực thi công vụ có vẻ như đã trở nên phổ biến, hẳn nhiên, nó cũng tạo ra một hệ quả là chính những kẻ đó lại xem thường những người, những lực lượng mà chúng có thể chi phối được.

Trong một đất nước, nếu chính phủ mà không tôn trọng người dân và luật pháp thì đó chính là nguồn cơn gây ra loạn lạc cho xã hội. Xã hội loạn lạc, suy đồi thì lỗi đầu tiên cũng là trách nhiệm lớn nhất thuộc về nhà nước chứ không một ai khác. Vì nhà nước đã được lập ra và đại diện nắm quyền lực để thực hiện việc quản lý quốc gia.

Cần phải chỉnh đốn lại chính phủ (nhà nước) trước tiên, và phải xây dựng lại hệ thống luật pháp, thiết lập lại nền giáo dục để tạo nên những thế hệ văn minh và đầy đủ phẩm chất làm người.

Nếu không, mỗi ngày nhìn những cảnh tồi tệ xảy ra trên quê hương, chẳng một ai thấy được sự yên bình và có thể an tâm mà sống an lành.

Tối qua có người nói, anh có muốn định cư ở Mỹ không? Tôi hỏi lại, lý do để làm việc đó? Người đó trả lời là vì thế hệ con cái bởi môi trường sống (hệ thống giáo dục cùng điều kiện chăm sóc) tuyệt vời nhất thế giới mà hiếm nơi nào có được. Tôi đáp lại: người Do Thái lưu lạc mấy nghìn năm khắp thế giới chỉ mong một ngày được trở về quê hương, tổ quốc mà ngày nay mới được tạo lập khoảng vài chục nghìn kilomet vuông làm lãnh thổ cư trú, còn chúng ta có quê hương thì sao lại rời bỏ mà đi? Và nếu không ai xây dựng một vùng đất trù phú, tươi đẹp thì lấy đâu ra nơi chốn để một người muốn từ bỏ khỏi quê hương bất ổn của mình mà “tìm đến”?

Nếu ai cũng chạy trốn, thì ai sẽ xây dựng đất nước? Nếu ai cũng chỉ tàn phá, ai sẽ là người thiết tạo? Ai cũng chỉ sống ăn mòn, ai sẽ là những người bồi đắp?

Năm mới lại đến, năm cũ qua đi, nhưng dường như đại lượng thời gian ở nơi này có vẻ ngày càng khắc nghiệt hơn và là thứ để kiểm chứng mạnh mẽ những vòng xoáy đổ vỡ một cách ngày càng rõ ràng hơn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hài Tết 2018 Mới Nhất - Không Dành Cho Trẻ Em, Cực Hài - Hay Nhất 2018

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không gian chưa phù hợp, phố sách Hà Nội sẽ chết?


28/12/2017 TTO - Trong khi Đường sách TP.HCM hân hoan với doanh thu 'khủng' thì Phố sách Hà Nội vẫn loay hoay tìm hướng tồn tại và phát triển. Phải thay đổi tư duy để phố sách không chỉ là nơi bán sách, mà là nơi giới thiệu sách, giới thiệu các sự kiện văn hóa, giao lưu, gặp gỡ, khuyến đọc, khuyến học... Ông Nguyễn Kiểm (cựu phó chủ tịch Hội Xuất bản VN) 

Phố sách Hà Nội chưa tạo được không gian thu hút độc giả - Ảnh: Phương Chinh
Ngày 27-12, ông Nguyễn Cảnh Bình, chủ tịch HĐQT Công ty Alpha Books, gửi đến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất mô hình quản lý phố sách Hà Nội. Đề xuất này nêu sáng kiến mô hình quản lý và điều hành phố sách Hà Nội cùng các bước hành động cụ thể.

Quản lý phố sách phải hiểu về xuất bản, về sách

Dẫn lại chuyện hoạt động phố sách Hà Nội gần đây bắt đầu bộc lộ những khó khăn, bất cập, ông Bình khẳng định cần có thay đổi mạnh mẽ trong mô hình quản lý và khai thác phố sách.

"Phố sách hiện tại chưa thực sự có một đơn vị hay một ban quản lý điều hành đúng nghĩa, am hiểu về sách và hoạt động xuất bản, có khả năng kết nối trong những hoạt động chung cũng như chuyên sâu để phát triển văn hóa đọc" ông Nguyễn Cảnh Bình đặt vấn đề.

Vì vậy, ông đề xuất nên thành lập Công ty phố sách Hà Nội là doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận. Giám đốc điều hành công ty phải là người có năng lực, am hiểu về ngành sách và tâm huyết với sự phát triển văn hóa đọc, có tầm nhìn, sáng kiến.

Đề xuất của ông Bình cũng là ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và ông Nguyễn Kiểm - cựu phó chủ tịch Hội Xuất bản VN.

Ông Phạm Xuân Nguyên thẳng thắn: "Nên mạnh dạn suy nghĩ cải tạo, nâng cấp phố sách Đinh Lễ - Nguyễn Xí.

Nếu không thì cần gấp rút thành lập ban điều hành phố sách với sự tham gia của những người am hiểu về xuất bản, có kinh nghiệm, tâm huyết. Nếu vẫn quản lý theo cách máy móc hành chính thì phố sách Hà Nội sẽ chết".

Ông Nguyễn Kiểm đồng tình: "Thành phố xây dựng phố sách rồi giao quận Hoàn Kiếm quản lý. Quận lại nặng về quản lý hành chính, không có được các quyết sách mang tính chuyên môn và không hỗ trợ được các nhà sách, không am hiểu về ngành xuất bản".

Ông đề xuất thành phố nên giao Sở Thông tin - truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao chủ trì thành lập ban điều hành phố sách.

Phố sách Hà Nội khá gần phố sách Đinh Lễ, trong khi lại bất tiện hơn về vị trí nên ít cạnh tranh. Diện tích phố sách nhỏ, không có mái che, cơ sở hạ tầng đi kèm kém nên nếu thời tiết xấu, các sự kiện tổ chức ngoài trời khó có thể diễn ra. Phố sách không có nhiều hoạt động phong phú liên quan tới sách để thu hút độc giả tới. Dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Mấy ai đi bộ ra phố sách 19-12

Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sách TP.HCM - phân tích thời gian đầu phố sách Hà Nội đã tạo hiệu ứng tốt là công trình văn hóa thu hút nhiều người.

"Nhưng nếu chỉ dừng lại là một nơi bán sách sẽ làm phố sách không khác gì những cửa hàng, siêu thị sách vẫn tồn tại ở Hà Nội lâu nay. Chính điều đó làm phố sách không hấp dẫn.

Phố sách Hà Nội cần được tổ chức thành không gian văn hóa đọc, bên cạnh việc bán sách còn có các sự kiện như giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm mới, trưng bày sách, triển lãm, nghệ thuật... làm cho phố sách có linh hồn".

Muốn làm được như vậy, phố sách Hà Nội không thể được điều hành bởi một đơn vị hành chính, càng không phải là đơn vị không hiểu về nghề xuất bản.

Ông Lê Hoàng đề xuất mô hình vận hành thích hợp cho phố sách Hà Nội là doanh nghiệp gắn với tổ chức xã hội nghề nghiệp (hội xuất bản) và được điều hành bởi những người am hiểu về ngành nghề xuất bản.

Là người tham dự nhiều sự kiện tại đường sách Nguyễn Văn Bình và phố sách Hà Nội, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cảm nhận không gian phố sách Hà Nội hẹp và ít lôi kéo được người tham dự nên hiệu quả không cao.

"Đến đường sách Nguyễn Văn Bình, người ta được thư giãn, giải trí, hòa mình vào không gian văn hóa. Nhưng phố sách Hà Nội chưa tạo được không gian như vậy. Cần cải tạo phố sách Hà Nội trở thành không gian phù hợp với văn hóa đọc.

Hơn nữa, gần ngay đó là phố sách Đinh Lễ - Nguyễn Xí nằm cạnh hồ Gươm, rất thuận lợi để mọi người ghé vào, chứ mấy ai đi bộ ra phố sách 19-12 nữa" - ông Nguyên nói.


https://tuoitre.vn/khong-gian-chua-phu-hop-pho-sach-ha-noi-se-chet-20171228092950484.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vũ nhôm tiết lộ bí mật quốc gia đại sự gì, mà phải bị truy nã?


Phan Văn Anh Vũ biệt danh Vũ nhôm được biết đến với hàng loạt sai phạm như thao túng chính quyền Đà Nẵng, dựa vào mối quan hệ thân hữu mà y có được nhiều nhà công sản không qua đấu giá và hàng loạt dự án, nhằm mua đi bán lại để kiếm chênh lệch. Vũ hoàn toàn không có những dự án bất động sản, đi cướp đất của nông dân nghèo, khiến họ phải đi khiếu kiện như Quyết còi FLC. Thế nhưng khi sai phạm của vị đại gia này bị phanh phui, thì y bị truy nã với tội danh cố ý làm lộ bí mật nhà nước, không liên quan gì với những gì y đã làm và được báo chí phanh phui. Như vậy, xin hỏi một danh nhân bình thường thì nắm được bí mật gì của nhà nước? Liệu đây có phải là đòn trả thù của những kẻ bị Vũ làm “bẽ mặt” chăng?
HÌnh minh họa
Khi cơ quan An ninh điều tra-Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với Vũ “nhôm” với tội danh cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 263 BLHS. Khiến nhiều người bất ngờ, vì trước đó hàng loạt tờ báo tập trung nói về những dự án bất động sản và nhà công sản mà Vũ có dính líu.
Phát lệnh truy nã Vũ nhôm vì tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Tờ Dân trí ra ngày 22/12/2017 có bài: “Điểm mặt những dự án, nhà công sản đang bị điều tra ở Đà Nẵng”. Sau đó hàng loạt tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên…đồng loạt viết bài phanh phui sai phạm.
Theo đó, 9 dự án và 31 nhà, đất của Vũ “nhôm” đều nằm ở những vị trí đắc địa của Đà Nẵng. Và chúng được chuyển nhượng trải qua một thời gian dài gần 20 năm, và qua 5 đời chủ tịch TP Đà Nẵng. Trong đó, nhà 11 Phạm Hồng Thái được bán vào năm 2001 khi ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch. Còn lại 30/31 căn nhà trong số trên được chuyển nhượng từ năm 2004 đến nay. Những dự án trên đều bị kết tội là “Mua bán, chuyển nhượng không qua đấu giá”.
Không chỉ thế báo chí còn kết tội Vũ “nhôm” tự tung tự tác, lộng hành và khuynh đảo cả lãnh đạo Tp. Đà Nẵng. Khi thực hiện việc thao túng thị trường BĐS Đà Nẵng, những ai dám động đến y đều bị trả đũa bằng những thủ đoạn hèn hạ nhất. Điều đẩy đưa Vũ đến tình cảnh hôm nay có lẽ là, khi không được lãnh đạo UBND TP phê duyệt dự án tại khu đất Cục Hải Quan TP. Đà Nẵng số 252 Bạch Đằng. Vũ “nhôm” đã chỉ mặt và hăm dọa Chủ tịch UBND TP sẽ bứng luôn ghế.
Ngay sau đó, dư luận bất ngờ với bảng kê khai tài sản của ông Thơ được trườn lên khắp các mặt báo. Tài sản nhiều vô số nào là đất ở thành phố, đất nuôi tôm, trồng rừng, đất ven biển khu sinh thái rồi đầu tư vào 5 công ty “sân sau” hàng trăm tỷ đồng.
Điển hình là công ty thép Dana Ý, gây sự cố môi trường ô nhiễm, người dân xung quanh phản đối đòi di dời nhà máy đi chỗ khác, thì ngay lập tức Chủ tịch Thơ cho giải toả ngay người dân.
Chưa hết, hàng loạt sai phạm từ các công ty này cũng được báo chí mổ xẻ. Điển hình là công ty thép Dana Ý (ông Huỳnh Đức Thơ có cổ phần lên tới 500 tỷ đồng), gây sự cố môi trường ô nhiễm, người dân xung quanh phản đối đòi di dời nhà máy đi chỗ khác, thì ngay lập tức Chủ tịch Thơ cho giải toả ngay người dân. Cũng liên quan đến vụ thi công trái phép 40 móng biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp tại bán đảo Sơn Trà, bởi khi xây dựng dự án nơi đây sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống của các loài động vật quý hiếm và làm lộ bí mật quốc phòng (ở nơi đây chúng ta thể đếm từng chiếc tàu ở Vùng 3 Hải quân). Thế nhưng ông Thơ lại “giơ cao đánh khẽ” không hề xử lý mà còn khuyến khích “Bây giờ sai thì đình chỉ, xử phạt theo đúng quy định. Đồng thời xem xét để chủ đầu tư bổ sung đầy đủ giấy tờ, cho phép chủ đầu tư tiếp tục thi công”. Bởi dự án này do em vợ của ông làm chủ đầu tư.
Có lẽ Vũ đã hành xử quá lố khi vuốt phải râu hùm, việc làm của Vũ khiến y không còn đường thoái lui.
Theo nguồn tin đáng tin cậy, ông Thơ thuê hẳn một nhà báo bên tờ Tạp Chí Giao Thông Vận Tải có tên là Dương Hằng Nga viết bài tấn công nhôm. Những bài viết này, đơn thuần soi vào những cái gọi là sai phạm kinh tế. Điều khiến dư luận càng tin rằng đây là đòn trả thù, khi mà Tạp Chí Giao Thông chuyên viết về mảng giao thông, kể cả những tiêu cực tờ báo này đề cập từ trước đến nay đều xoay quanh nội dung liên quan đến ngành Giao Thông Vận Tải. Nhưng nay BBT lại cho đăng tải những bài báo của Nga, đi ngược lại với tôn chỉ.

Thân mật thế nhỉ?
Thế là nhôm đã bị “sờ gáy” liệu những bài viết chỉ là cái cớ để bắt nhôm? Bởi những bài báo của Nga phanh phui về sai phạm kinh tế thì làm gì có sức mạnh khiến nhôm phải thanh bại danh liệt, nếu không có bàn tay ma thuật của ông Thơ? Nhiều đại gai như Trịnh Văn Quyết, Lê Thanh Thản, Nguyễn Thị Nga…cũng bị báo chí lề trái, lề phải vạch trần sai phạm, thế nhưng đến nay họ vẫn bình an đấy thôi.
Bàn về cái tội mua bán bất động sản không qua đấu giá của nhôm đây là tội về lĩnh vực kinh tế, người cần phải xử lý là trước tiên là các cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là các đời chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chứ người mua là Vũ “nhôm” thì làm sao có tội? Tội của ý là lộng quyền khi có mối quan hệ thân hữu với một số lãnh đạo TP, thao túng cả thị trường bất động sản Đà Nẵng. Như vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi, một danh nhân như Vũ “nhôm”, chỉ kinh doanh bất động sản, thì làm sao lại biết được bí mật nhà nước mà làm lộ?
Chưa hết ngoài ông Thơ, ngày tân Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng liên tục gây sức ép để bắt nhôm. Tại buổi gặp mặt các cán bộ quân đội cấp tướng nghỉ hưu trên địa bàn nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập QĐND VN, diễn ra vào ngày 20/12/2017, ông Nghĩa đã tiết lộ một thông tin rất quan trọng, “Quân đội vừa xử lý, bắt Út ‘trọc’ rồi. Công an hiện cũng đang làm và phải trả lời câu hỏi về Vũ “nhôm”…. Lời nói của ông Nghĩa ám chỉ điều gì? Phải chăng ông Nghĩa đang cùng hội cùng thuyền với ông Thơ?
Tình cảnh của Vũ nhôm hôm nay có phải là do bàn tay ông Thơ đạo diễn, hay còn thế lực nào đứng sau? Chuyện đại gia làm ăn kiếm lời từ chênh lệch giá là lẽ đương nhiên, nên khi bắt nhôm vì mục đích trả thù riêng thì người ta quy cho y cái tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”? Và bí mật ở đây là “khối tài sản khổng lồ của Chủ tịch TP.Đà Nẵng” chăng? Thiết nghĩ tài sản của quan chức phải công bố với dân, sao gọi là bí mật nhà nước.
(Red VN)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện cuối năm: có lột xác được không?


Lữ Giang - Chúng ta đã từng đọc cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” dày 116 trang của Bá Dương do Nguyễn Hồi Thủ dịch, nhiều người rất thích thú. Năm 2012, Dan Huynh lại kể chuyện “Người Việt ‘xấu xa’” làm cho một số người cảm thấy xốn xang. Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Hoa Kỳ (American Institute for Social Research) sau khi nghiên cứu, đã nói lên 10 đặc tính căn bản của người Việt.

Phúc Lộc Thọ, trụ sở “Quốc hội Bolsa”
Chúng tôi đã tổng hợp những tài liệu này lại và nghiên cứu thêm rồi viết bài “Vì bản chất dân tộc Việt?” Đây là những chuyện rất nhiều người biết và thường đem ra bàn luận với nhau, nhưng ít ai phổ biến trên các cơ quan truyền thông vì sợ phản ứng của những người bị chạm nọc. Tuy nhiên, cha ông mình đã nói: “Thuốc đắng đã tật”. Bá Dương cũng đã nghĩ như vậy khi viết cuốn “Người Trung Quốc xấu xí”.

Câu chuyện được Dan Huynh kể trong bài “Người Việt ‘xấu xa’” đại khái như sau: Có hai người đi bắt cua, họ bỏ cua Việt và cua Mỹ vào hai thùng khác nhau. Một người bảo người kia chỉ cần đậy nắp thùng cua Mỹ, không cần đậy nắp thùng của Việt. Được hỏi tại sao, người này giải thích: “Cua Mỹ khác hẳn cua Việt vì nó biết cách nằm chồng lên nhau, cho các con khác bò lên người để ra khỏi miệng thùng, còn cua Việt Nam thì con nào vừa định ngoi lên đã có con bên cạnh níu chân kéo xuống nên không bao giờ lên đến miệng thùng, khỏi cần đậy nắp!”

Một câu hỏi được đặt ra: Cùng những cơ hội gióng nhau, tại sao Đại Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore ngóc đầu lên được, còn Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Mã Lai, Miến Điện… không ngóc đầu lên nổi? Phải chăng vì “bản chất dân tộc”? Hôm nay chúng tôi cũng chỉ nhắc lại một số sự kiện và nhận xét chính với hy vọng người Việt sẽ suy đi nghĩ lại.

NGƯỜI MỸ NHÌN NGƯỜI VIỆT

Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Hoa Kỳ (American Institute for Social Research) sau khi nghiên cứu đã nói lên 10 đặc tính căn bản của người Việt, xin tạm dịch như sau:

1.- Cần cù lao động nhưng dễ thỏa mãn.

2.- Thông minh, sáng tạo khi phải đối phó với những khó khăn ngắn hạn, nhưng thiếu những khả năng suy tư dài hạn và linh hoạt.

3.- Khéo léo nhưng ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng các thành phẩm của mình.

4.- Vừa thực tế vừa có lý tưởng, nhưng lại không phát huy được xu hướng nào thành những nguyên lý.

5.- Yêu thích kiến thức và hiểu biết nhanh, nhưng ít khi học sự việc từ đầu đến cuối, nên kiến thức không có hệ thống hay căn bản. Ngoài ra, người Việt không học vì lợi ích của kiến thức (lúc nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện hay vì những việc làm tốt) [when small, they study because of their families; growing up, they study for the sake of prestige or good jobs]

6. Cởi mở và hiếu khách nhưng sự hiếu khách của họ không kéo dài.

7. Tiết kiệm, nhưng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô nghĩa (vì sĩ diện hay muốn phô trương) [to save face or to show off].

8.- Có tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau chủ yếu trong những tình huống khó khăn và nghèo đói, còn trong điều kiện tốt hơn, đặc tính này ít khi có.

9.- Yêu hòa bình và có thể chịu đựng mọi thứ, nhưng thường không thẳng thắn vì những lý do lặt vặt, vì thế hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích của những mục tiêu nhỏ.

10.- Và sau cùng, thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh (một người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc; 2 người làm thì kém, 3 người làm thì hỏng việc) [one person can complete a task excellently; 2 people do it poorly, and 3 people make a mess of it].

Những phân tích trên đây cho chúng ta thấy người Mỹ đã hiểu rất rõ người Việt. 

Tại sao người Việt lại có những đặc tính như thế này?

NGƯỜI XƯA CŨNG ĐÃ NHẬN RA

Học giả Trần Trọng Kim (1883 – 1953) khi viết bộ Việt Nam Sử Lược, ấn hành lần đầu tiên năm 1919, cũng đã phân tích khá rõ ràng những đặc tính của người Việt và những yếu tố tạo nên những đặc tính đó. Đa số người Việt lớn tuổi, khi còn nhỏ đều đã được học bộ sử này. Trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ xin trích lại dưới đây một số đoạn mà ông đã nói về đặc tính của người Việt.

Trong bài tựa, ông nói ngay:


“Thời đại Bắc thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có một điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được. Những nhà chính trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu tâm về việc ấy, thì sự biến cải mới có công hiệu vậy.”


Bảo tồn “văn hóa dân tộc…”

Ở Chương VI nói về “Kết Quả của Thời Bắc Thuộc”, ông có nhận định rõ hơn:


“Khi những đạo Nho, đạo Khổng, đạo Phật phát đạt bên Tàu, thì đất Giao châu ta còn thuộc về nước Tàu, cho nên người mình cũng theo những đạo ấy. Về sau nước mình đã tự chủ rồi, những đạo ấy lại càng thịnh thêm, như là đạo Phật thì thịnh về đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, mà đạo Nho thì thịnh từ đời nhà Trần trở đi.

“Phàm phong tục và chính trị là do sự học thuật và tông giáo mà ra. Mà người mình đã theo học thuật và Tông giáo của Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả. Nhưng xét ra thì điều gì mình cũng thua kém Tàu, mà tự người mình không thấy có tìm kiếm và bày đặt ra được cái gì cho xuất sắc, gọi là có cái tinh thần riêng của nòi giống mình, là tại làm sao? ...

“Địa thế nước mình như thế, tính chất và sự học vấn của người mình như thế, thì cái trình độ tiến hóa của mình tất là phải chậm chạp và việc gì cũng phải thua kém người ta vậy.”

“TRƯỚC LÀ ĐẸP MẶT SAU LÀ ẤM THÂN”

Nước Việt Nam bị Pháp đô hộ gần 100 năm, đã cởi bỏ dần nền học vấn của Trung Hoa, tiếp thu nền học vấn mới của phương Tây, nhưng vẫn còn giữ lại nhiều nét căn bản của nền văn hóa Trung Hoa. Có nhiều hủ tục trong quan, hôn, tang, tế mà cuộc Cách Mạng Văn Hoá của Trung Quốc đã phá sạch, nhưng nhiều người Việt vẫn cố giữ lại như những thứ “quốc hồn quốc túy” của mình!

Bài tục giao sau đây vẫn còn là tiêu chuẩn và mục tiêu thăng tiến của gia đình và con người Việt Nam:

Con ơi! muốn nên thân người
Lắng tay nghe lấy những lời mẹ cha

Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa

Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa

Mai sau nối được nghiệp nhà
Trước là đẹp mặt sau là ấm thân

Bây giờ người con gái không còn chỉ “giữ việc trong nhà”, và người con trai không còn chỉ “đọc sách ngâm thơ” mà đã đi vào khắp mọi lãnh vực của cuộc sống, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn chỉ là “TRƯỚC LÀ ĐẸP MẶT, SAU LÀ ẤM THÂN”.

Trong nước, tiêu chuẩn của cuộc sống là có nhà sang cửa rộng, có xe hơi, có con đi du học ngoại quốc... Tiêu chuẩn ở hải ngoại cũng thế thôi: Đi đâu cũng nghe khoe nhà trên cả triệu bạc, xe loại sang trọng nhất, con đang học bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư... Ít nghe ai khoe những công trình đang nghiên cứu hay thực hiện để đưa con người, cộng đồng hay đất nước đi lên. Tất cả chỉ tập trung vào hai tiêu chuẩn là “ĐẸP MẶT” và “ẤM THÂN”.

Với mục tiêu như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi nhìn ra phố Bolsa, thủ đô của VNCH nối dài, đa số các cơ sở kinh doanh lớn đều không phải của người Việt. Tuy bên ngoài người Việt gốc Hoa đứng tên, nhưng đàng sau là các bang hội của Tàu. Thương xá Phúc Lộc Thọ vốn được coi là “Quốc Hội VNCH” ở Bolsa, nhưng phía trước là tượng các danh nhân Trung Hoa và tên thương xá được viết vừa bằng chữ Tàu vừa bằng chữ Việt. Houston cũng thế thôi.

Nếu mỗi gia đình và mỗi cá nhân chỉ lấy những mục tiêu như trên làm mục tiêu của cuộc sống và truyền từ đời nọ sang đời kia, còn lâu cộng đồng và đất nước với ngóc đầu lên được.

RỒI SẼ ĐI TỚI ĐÂU?

Cuộc kiểm tra năm 2010 cho thấy ở Mỹ hiện nay người Hoa chiếm 1%, còn người Việt là 0,5%, tức 1.548.449. Người Việt ở Cali là 581.946 nguời.

Tại Little Saigon ở Orange County, được coi thủ đô của VNCH nối dài, thành trì chống cộng của thế giới tự do và tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á, có đến 3 chính phủ và ba ban đại diện cộng đồng. Mặc dầu lực lượng hùng hậu như thế, nhưng khi nhóm VietWeekly chưa đến 10 người nổi lên ủng hộ Hà Nội giữa phố Little Saigon, chọc tức các đoàn thể chống cộng và cộng đồng mà chẳng ai làm gì được. Trong khi đó, các “chiến sĩ chống cộng” vẫn tiếp tục chụp mũ nhau không ngừng nghĩ trên các diễn đàn.

Rất nhiều “nhân tài” của người Việt đang chuẩn bị ra tranh cử các chức vụ dân cử tại địa phương, thành phố, tiểu bang và có thể liên bang, trong các cuộc bầu cử sắp đến. Mục tiêu được mô tả là để bảo vệ và nói lên tiếng nói của cộng đồng. Trái lại, chúng tôi không thấy có một tổ chức chính trị nào của người Tàu hoạt động ở đây và không nghe nói họ sẽ đưa ai ra tranh cử.

Tôi nhớ lại trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2004, lúc đó liên danh George W. Bush đang tranh với liên danh John Kerry. Tôi có nhờ ông Tăng Kiến Hoa dẫn đến gặp một vài bang trưởng Tàu xem họ bầu cho ai. Họ cười và nói: “Quy luật bầu cử là phù thịnh bất phù suy”. Cứ thấy ai chắc thắng là đóng tiền cho người đó, không cần biết đường lối họ như thế nào. Họ đã nhận tiền là khi đắc cử họ sẽ giúp mình. Nếu hai người ngang ngữa, đóng tiền cho cả hai. Tôi hỏi người Tàu không có ai ra tranh cử dân biểu hay nghị sĩ gì sao. Họ cũng cười và nói: Người mình có vào được quốc hội cũng chẳng làm được chuyện mình muốn. Cứ thấy người nào có thế lực là đóng tiền cho người đó.


Diễn hành Tết tại Bolsa

Thì ra người Tàu bầu cử bằng tiền chứ không phải bầu cử bằng phiếu như người Việt!

Tôi nhớ lại trong cuộc bầu cử năm 2000, vì hai liên danh George W. Bush và Albert A. Gore ngang ngữa, nên người Tàu đóng tiền cho cả hai. Tây An Tự và Thiền Sư Thanh Hải ở Los Angeles đã đóng tiền cho liên danh Gore nhưng lập danh sách giả những người góp tiền, bị đổ bể nên chúng ta mới biết được.

Chúng ta không mong người Việt có những nhà phát minh làm thay đổi nhân loại như John V. Blankenbaker (phát minh ra máy vi tính 1971), Bill Gates, Steve Jobs..., chúng ta chỉ mong người Việt biết quan tâm đến nhũng thiện ích chung nhiều hơn. Nhưng điều này quá khó. Đúng như người Mỹ đã nhận xét:

“Người Việt vì những lý do vớ vẫn, có thể hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích của những mục tiêu nhỏ (như kiếm chút danh chẳng hạn) [sacrifice important goals for the sake of small ones]

Người Việt thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh. Một người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc; 2 người làm thì kém, 3 người làm thì hỏng việc!

Nhiều người vẫn hy vọng thế hệ sắp đến, không bị vướng mắc với quá khứ, học được nhiều cái hay của xứ người, sẽ đưa cộng đồng và đất nước đi vào một hướng đi mới tốt đẹp hơn.

Ngày 21.12.2017
Lữ Giang

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên uống thuốc độc tự tử?


Đăng Nguyễn 

(Dân Việt) Một nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên bỏ trốn sang Trung Quốc đã uống thuốc độc tự tử khi bị Bắc Kinh trục xuất về nước.


   
 nha khoa hoc hat nhan trieu tien uong thuoc doc tu tu? hinh anh 1
Nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo Daily Mail, người đàn ông Triều Tiên ngoài 50 tuổi, là nhà nghiên cứu làm việc tại trung tâm vật lý thuộc Viện Khoa học Quốc gia ở Bình Nhưỡng
Nhà khoa học giấu tên nằm trong số những người Triều Tiên đào tẩu bị bắt giữ ở thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc vào ngày 4.11. Ông bị buộc phải trở về Triều Tiên ngày 17.11.
Người đàn ông này uống thuốc độc tự tử sau khi bị biệt giam ở thành phố Sinuiju, Triều Tiên. Thành phố này nằm sát biên giới với Trung Quốc.
“Ông ấy chết trước khi bị thẩm vấn về lý do đào tẩu, ai đã giúp ông ta bỏ trốn và ông ta bỏ trốn bằng con đường nào”, nguồn tin giấu tên nói trên Daily Mail.

 nha khoa hoc hat nhan trieu tien uong thuoc doc tu tu? hinh anh 2
Binh sĩ Triều Tiên tuần tra ở khu vực biên giới.

Người đào tẩu nhiều khả năng đã bị lục soát nhiều lần trước khi bị trả về Sinuiju, vì vậy không rõ nhà khoa học Triều Tiên giấu chất độc ở đâu.
Trước khi bỏ trốn sang Trung Quốc, người đào tẩu bị cho nghỉ việc ở viện khoa học vì “dấu hiệu trầm cảm liên quan đến dự án nghiên cứu”, nguồn tin giấu tên nói
“Người đàn ông bất ngờ xuất hiện ở biên giới Trung Quốc-Triều Tiên mà gia đình không hề hay biết. Ông ta cũng không mang giấy tờ hợp lệ”, nguồn tin nói. “Khi biết được rằng mình đang bị truy đuổi thì ông ấy biến mất”.
Nhà khoa học Triều Tiên được gọi là Hyun Cheol Huh, nhưng đây cũng có thể chỉ là tên giả.
Triều Tiên hiện đang điều tra xem người đàn ông đã bỏ trốn qua sông Áp Lục như thế nào và gặp gỡ những người đào tẩu khác ra sao. Phía Trung Quốc không biết người đàn ông là nhà khoa học hạt nhân khi trục xuất ông này về nước.

Phần nhận xét hiển thị trên trang