Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Thêm một bài dèm pha, đọc và tự ngẫm:

Khi an ninh, tình báo được mang đi … bán lẻ

Trân Văn

VOA - Chưa biết đến lúc nào thì scandal liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (tự Vũ “Nhôm”) lắng xuống và tất nhiên chưa biết scandal này sẽ kết thúc với kết quả ra sao (?). Tuy nhiên có thể khẳng định, scandal đó là hồi chuông báo tử cho tương lai quốc gia và vận mệnh dân tộc khi an ninh, quốc phòng được đem ra bọc những thương vụ đặc biệt.
***

Cho dù quốc phòng và an ninh là hai lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với tương lai của một quốc gia và vận mệnh của một dân tộc nhưng ở Việt Nam đã có những bằng chứng hết sức rõ ràng cho thấy, thay vì chuyên chú vào việc bảo vệ lãnh thổ, quân đội dường như chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền và tương tự, thay vì chuyên chú vào việc bảo vệ - thực thi pháp luật, duy trì an ninh, trật tự thì công an cũng… vậy.

Sau những scandal về việc biến hàng loạt phi trường quân sự từ Bắc tới Nam thành sân golf và vì nỗ lực thâu tóm đất đai nhân danh “quốc phòng” mà làm bùng phát biến cố Đồng Tâm (một xã thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội), giữa lúc các ông tướng quân đội đang ra sức biện bạch để bảo vệ chủ trương quân đội vẫn phải tham gia kinh doanh kiếm tiền thì tình thế đẩy Bộ Quốc phòng đến chỗ phải bắt ông Đinh Ngọc Hệ (tự “Út Trọc”) – một sĩ quan quân đội.

Đó không phải là “họa vô đơn chí”, đó là hệ quả tất nhiên khi hệ thống công quyền dành cho quân đội vô số đặc quyền, đặc lợi kể cả ưu đãi không bao giờ có thể tồn tại ở những xứ sở tôn trọng dân chủ, công bằng là… “bất khả xâm phạm” để quân đội chuyên tâm bảo vệ Đảng.

Do quân đội đã bắt “Út Trọc”, Bộ Công an bị hối thúc phải tính toán trường hợp Vũ “Nhôm”. Có lẽ chỉ Việt Nam mới có chuyện ai cũng biết một thường dân là… sĩ quan tình báo nên đành nhẫn và nhường suốt một thập niên, cũng như cơ quan đặc trách tình báo quốc gia hết mình hỗ trợ “sĩ quan nghiệp vụ” mở rộng sự nghiệp kinh doanh, thâu tóm đất đai và các bất động sản khổng lồ. Chẳng lẽ Bộ Công an Việt Nam – cơ quan vẫn được ca ngợi là có nhiều “biện pháp nghiệp vụ” hữu hiệu không hề hay biết Vũ “Nhôm” lạm dụng danh nghĩa sĩ quan tình báo để trở thành tỷ phú, không thể ngăn chặn Vũ “Nhôm” thu hồi vốn liếng sau khi bị “lộ” và đào tẩu ngay trước khi bị bắt (?).

Thế nhưng chỉ dè bỉu Tổng cục Tình báo của Bộ Công an là chưa… công bằng!

Thập niên trước, hàng loạt công thần của hệ thống công quyền Việt Nam, trong đó có hàng chục ông tướng, kể cả ông Võ Nguyên Giáp, liên tục đòi xử lý Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng vì những sai phạm tương tự, song kết quả cuối cùng chỉ là tướng Nguyễn Chí Vịnh thôi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quân đội để đảm nhận vai trò… Thứ trưởng Quốc phòng. Dường như chỉ có Việt Nam, dù thuộc quân đội hay công an thì với công dân, tình báo chẳng khác gì một thứ tình… tuyệt vọng. Dẫu buồn, giận đến mức nào người ta cũng chỉ có thể tự gặm, nhấm cảm xúc của mình chứ không thể làm gì khác.
***

Nhiều người cho rằng, Vũ “Nhôm” sẽ khiến mạng lưới tình báo của Việt Nam vỡ vụn vì đượng sự bị đẩy vào thế sẵn sàng “bán” mọi thứ để tự cứu mình. Với những “sĩ quan tình báo” như Vũ “Nhôm”, mạng lưới tình báo của Việt Nam có đáng phải bận tâm hay không? Nếu trước nay, mạng lưới an ninh, tình báo của Việt Nam không quan tâm đến chiến lược, chiến thuật của ngoại bang, chỉ chú ý tìm kiếm, ngăn chặn những hoạt động đòi dân chủ, công bằng, đe dọa quyền thống trị, toàn diện của Đảng CSVN thì có đáng bận tâm về việc mạng lưới đó còn hay vỡ?

Vậy thì điều gì đáng bận tâm nhất? Hình như là những người đứng đầu và lối điều hành mạng lưới an ninh, tình báo của cả quân đội lẫn công an. Khi những người đứng đầu mạng lưới an ninh, tình báo – lá chắn cho quốc phòng và an ninh của một quốc gia sẵn sàng bửa lá chắn ra để bán lẻ cho những cá nhân như Vũ “Nhôm”, những du đãng là đàn em của ông trùm Năm Cam thì lấy gì bảo đảm họ sẽ không bán sỉ phần còn lại cho ngoại bang? Khi an ninh và quốc phòng được điều hành một cách tùy tiện như thế, dễ bị tiền lũng đoạn đến như vậy thì tương lai quốc gia và vận mệnh dân tộc ra sao?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hoàng Sa và âm mưu 70 năm trước


Minh Tự

TTO - Đầu năm 1956, lợi dụng lúc Pháp vừa rút quân khỏi Đông Dương, các bên của Việt Nam bận rộn thực thi Hiệp định Genève, Trung Quốc bí mật đưa quân ra chiếm một số đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa.

Đó là sự thật, nhưng Trung Quốc thay trắng đổi đen bằng việc tổ chức cái gọi là “lễ kỷ niệm 70 năm thu hồi Hoàng Sa - Trường Sa”.

Sự thật này đã được các nhà nghiên cứu sử học nhắc lại tại hội thảo “Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử” vừa tổ chức ở Huế ngày 12-12 với những tư liệu đã được cả thế giới biết đến, nhất là tư liệu ghi lại diễn biến liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn sau khi Hiệp định Genève được ký kết (1954).

Sự thừa nhận mang tính pháp lý quốc tế

PGS.TS Trần Nam Tiến (Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết vào năm 1938, Nhật đã chiếm ba đảo Phú Lâm, Lincoln và Hữu Nhật của quần đảo Hoàng Sa và đổi tên Hoàng Sa thành Hirata Gunto, mở màn cuộc “khủng hoảng Hoàng Sa” giữa Pháp - Nhật.

Chính quyền của Pháp tại Đông Dương (lúc đó là chủ thể đại diện Chính phủ triều Nguyễn trong việc quản lý toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam) đã phản ứng với những hành động đáp trả quyết liệt. Đến tháng 8-1945, Nhật thua trận và đầu hàng.

Toàn bộ lãnh thổ của các nước mà Nhật đã chiếm đóng, trong đó có Việt Nam, phải được phân định bằng một hiệp ước được ký kết tại hội nghị tổ chức ở thành phố San Francisco (Mỹ) từ ngày 4 đến 8-9-1951 với 52 nước tham gia (không có Trung Quốc).

Tiếp đó, khi Nhật Bản tuyên bố từ bỏ chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa, các quốc gia tham gia hội nghị cũng đã phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc và mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền đó thuộc về Việt Nam, do chính thể Quốc gia Việt Nam (của quốc trưởng Bảo Đại) đại diện đang có mặt tại hội nghị.

Cũng theo PGS.TS Trần Nam Tiến, ngày 7-9-1951 trong phiên họp toàn thể lần thứ bảy của hội nghị, thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Văn Hữu - trưởng phái đoàn của Quốc gia Việt Nam - đã tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa!”.

Tuyên bố đó không gặp một sự phản đối nào của đại diện 51 quốc gia có mặt tại hội nghị. “Việc 92% quốc gia đồng minh thành viên Liên Hiệp Quốc thừa nhận chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là có giá trị pháp lý bắt buộc” - PGS.TS Trần Nam Tiến nhấn mạnh.

Kết quả của hội nghị cũng khiến tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền không thể xâm phạm đối với các đảo trên Biển Đông” của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai vào 20 ngày trước đó trở nên vô giá trị.

ThS Nguyễn Quang Trung Tiến (Trường ĐH Khoa học Huế) cho biết thêm đến Hội nghị Genève bàn việc lập lại hòa bình ở Đông Dương (năm 1954) với sự có mặt của các quốc gia và cả Trung Quốc, các nước tiếp tục tuyên bố tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuộc xâm chiếm bí mật 1956

Theo ThS Nguyễn Đình Dũng (ĐH Phú Xuân - Huế), tháng 4-1956, khi quân Pháp vừa rút khỏi Đông Dương, quân đội Quốc gia Việt Nam và tiếp đó là quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) ra tiếp quản quần đảo Hoàng Sa thì chỉ còn nhóm đảo phía tây.

Trước đó vào thời điểm đầu năm 1956, Trung Quốc đã cho người bí mật chiếm đóng nhóm đảo phía đông Hoàng Sa, trong đó có đảo lớn nhất là Phú Lâm và Lincoln.

Các nhà sử học cho rằng hành vi này của Trung Quốc vi phạm chính sự xác nhận của họ khi Trung Quốc là một trong những nước đã ký vào cam kết của hội nghị.

Đây là cuộc xâm chiếm lén lút mà Trung Quốc cho rằng họ đã “thu hồi” quần đảo Hoàng Sa từ phía Việt Nam. Để rồi ngày 8-12-2016, họ đã tổ chức cái gọi là “lễ kỷ niệm 70 năm” thực hiện hành vi lén lút đó.

TS Nguyễn Nhã (TP.HCM) cho biết cũng với ý đồ như thế, 10 năm trước đó, tháng 12-1946 lợi dụng việc giải giáp quân Nhật thua trận, quân đội Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch cũng ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa, chính là nhóm đảo mà năm 1956 quân đội Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã bí mật ra chiếm đóng trở lại.

Cũng theo ThS Nguyễn Đình Dũng, suốt thời gian sau đó Trung Quốc liên tục khiêu khích và tìm cách xâm nhập các đảo phía tây Hoàng Sa mà quân đội VNCH đang trấn giữ.

Trong đêm khuya 20 rạng sáng 21-2-1959, Trung Quốc lén lút đưa ngư dân (thực chất là lính) bí mật đổ bộ lên các đảo Cam Tuyền, Duy Mộng, Quang Hòa của Hoàng Sa. Hải quân VNCH đã ngăn chặn quyết liệt.

Tàu Trung Quốc vẫn không rút lui, khiến hải quân VNCH phải nổ súng, bắt giữ 82 người và 5 thuyền đánh cá của Trung Quốc.

Sau sự kiện này, VNCH liên tục có các hoạt động mạnh mẽ về ngoại giao, hành chính, kinh tế nhằm bảo vệ chủ quyền trong tình trạng Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn. Và đỉnh điểm là cuộc cưỡng chiếm của Trung Quốc với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19-1-1974.

Đánh giá về sự kiện bí mật xâm chiếm năm 1956 và công khai cưỡng chiếm năm 1974 của Trung Quốc, TS Nguyễn Nhã đã dẫn lại kết luận của luật gia Monique Chemillier-Gendreau (người Pháp, giáo sư môn công pháp và khoa học chính trị của ĐH Paris VII) trong cuốn sách La souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys xuất bản tại Paris giữa những năm 1990:

“Các quyền của Việt Nam lâu đời hơn và vững chắc hơn, mặc dù các đòi hỏi của Trung Quốc đã được cụ thể hóa nhờ việc chiếm đóng bằng vũ lực cách đây 39 năm đối với một bộ phận quần đảo và cách đây 21 năm đối với bộ phận kia...”.
***

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử từ chính sử, châu bản, địa chí, các văn bản đứng đầu nhà nước từ thời chúa Nguyễn, Tây Sơn, các hoàng đế triều đình nhà Nguyễn đến các lãnh đạo chính quyền qua các thời kỳ lịch sử từ đầu thế kỷ XVII đến nay. Đã khẳng định: chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các hải đảo khác hợp với luật pháp quốc tế, là chiếm hữu thực sự mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình”...

(Trích quyết nghị của hội thảo “Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử” ngày 12-12-2016 tại Huế)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ghế của quan chức là lực cản sáp nhập các bộ



LÊ THANH PHONG 
LĐO - Nhập Bộ KHĐT với Bộ Tài chính thành Bộ Kế hoạch - Tài chính; thành lập Bộ Giáo dục và Khoa học trên cơ sở nhập Bộ GDĐT và Bộ KHCN; thành lập Bộ Đất đai - Thủy lợi - Xây dựng - Môi trường trên cơ sở nhập Tổng cục Thuỷ lợi của Bộ NNPTNT với phần môi trường, đất đai của Bộ TNMT vào Bộ Xây dựng.

Như vậy, Bộ TNMT chỉ còn phần tài nguyên khoáng sản nhập với Bộ Công Thương sẽ giảm thêm 1 bộ nữa. Theo phương án này, sẽ chỉ còn 15 bộ thay vì 18 như hiện nay.

Trên đây là đề xuất của nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão.

Dĩ nhiên cần phải có thời gian nghiên cứu để tính toán việc tách nhập các bộ khoa học, hiệu quả nhất, nhưng phải khẳng định, sáp nhập để giảm là xu hướng nên làm.

Ví dụ như nhập Bộ GDĐT và Bộ KHCN thành Bộ Giáo dục Khoa học là rất đáng ủng hộ.

Còn nhiều bộ khác, quản lý chồng chéo, không hiệu quả và tiêu phí ngân sách cho việc nuôi bộ máy. Nuôi một bộ từ cấp trung ương đến địa phương tốn kém là một việc, nhưng vận hành bộ máy nặng nề, quan liêu, cản trở nhau là việc lớn hơn. Cũng theo ý kiến của ông Vũ Mão, muốn giảm gánh nặng quản lý của các bộ thì không quản lý doanh nghiệp như hiện nay. Đúng là không “ôm” doanh nghiệp, các bộ bớt đi nhiều việc, bởi vì không lo nhân sự, tài chính và nhiều can thiệp khác vào doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ. Nhập thành bộ đa ngành rõ ràng ai cũng thấy hướng có lợi nhiều hơn, nhưng làm được không dễ vì sẽ gặp hai cản trở lớn.

Một, đó là không bộ nào muốn nhả doanh nghiệp ra, ôm doanh nghiệp không màu cũng mỡ.

Hai, đó là nhiều người mất ghế hoặc xuống ghế, liệu có ai nghĩ đến lợi ích quốc gia để sẵn sàng từ bỏ cái ghế của mình, e rằng có nhưng hiếm. Ông Vũ Mão nói về sự mất ghế rằng: “Đấy chính là rào cản nhưng phải kiên quyết làm vì lợi ích chung. Vì vậy phải từng bước giải quyết, tất nhiên khi sắp xếp lại phải có đụng chạm. Chứ cứ để như bây giờ hàm vụ trưởng, vụ phó nhiều quá”.

Sắp xếp, sáp nhập để giảm được một bộ là giảm từ bộ trưởng đến các thứ trưởng, vụ trưởng, cấp sở ở 63 địa phương. Nhà nước sẽ tiết kiệm từ trụ sở, xe cộ, quỹ lương và chi tiêu khác rất nhiều. Giảm được 3 bộ thì không lo chi chuyện tích lũy để trả nợ.

Muốn tăng lương cho công chức, viên chức, sẽ không có nguồn nào tốt hơn bằng chính tinh giản biên chế.

Muốn giảm gánh nặng thủ tục trong quan hệ Nhà nước - công dân, không có cách gì tốt hơn tinh gọn bộ máy, bỏ bớt các cơ quan có chức năng chồng chéo thì hiệu quả quản lý sẽ cao lên ngay.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRƯỜNG HỌC HAY QUÁN BAR ?


Vũ điệu tại trường THPT Bất Bạt, Ba Vì, Hà Nội ngày 25-12-2017
Đinh Bá Truyền - Một clip với dàn chân dài, diện trang phục sexy, biểu diễn múa kích dục ngay trong hành lang trường THPT Bất Bạt, Ba Vì, Hà Nội hôm 25/12/2017, vừa được đăng tải trên mạng gây xôn xao dư luận. Sau khi được đăng tải, clip đã bị chỉ trích "giáo dục hay kích dục", “nhà trường như vũ trường”, "trường học giống quán bar" ... Nhiều người phản đối vì cho rằng môi trường giáo dục không nên có những tiết mục văn nghệ phản cảm đến như vậy.



Ông hiệu trưởng Hoàng Châu Tuấn cho biết đây không phải là màn biểu diễn của nữ sinh trường Bất Bạt, mà là màn quảng cáo tuyển sinh của các sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương. Ô hô, ai tai ! Thế cái trường Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương nó đào tạo ra các cô giáo Thảo à?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những hệ lụy nguy hiểm của chính sách bổ nhiệm cán bộ


Nguyễn Ngọc Chu - Khi ông Phan Văn Sáu không đủ sức khỏe xin thôi chức Tổng Thanh Tra Chính Phủ, ông chẳng những không được nghỉ hưu mà lại được đánh giá là đủ sức khỏe và năng lực để bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh Sóc Trăng, là lúc chính sách bổ nhiệm cán bộ đã đạt đến đỉnh điểm lo sợ. Chính TBT Nguyễn Phú Trọng, trong Hội nghị cán bộ toàn quốc về quán triệt nghị quyết đại hội XII, đã nhắc lại câu vè dân dã về phương thức bổ nhiệm cán bộ : “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”. Đến TBT của Đảng mà còn lo ngại thì con dân làm sao không lo sợ.

Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính (giữa) trao quyết định cho bà Lâm Phương Thanh (Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ) làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn thay ông Trần Sỹ Thanh về làm Chủ tịch PVN. Ảnh: VNN
NHỮNG CON “DAO PHA” LÀM NGUY ĐẤT NƯỚC

Sáng nay được tin Bộ Chính Trị phân công ông Trần Sỹ Thanh, UVTƯĐ, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn đi giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và bà Lâm Phương Thanh, UVTƯĐ, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương đi nhận chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn thay ông Trần Sỹ Thanh.

Ông Trần Sỹ Thanh làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn được 2 năm 53 ngày (29/10/2015-24/12/2017). Trước đó, ông được giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang 2 năm 254 ngày (13/2/2012- 29/10/2015). Trước nữa, ông Thanh từng là Phó tổng giám đốc Kho Bạc Nhà nước rồi Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.

Còn bà Lâm Phương Thanh từng là Bí thư TƯ Đoàn TNCS HCM khóa VII, IX. Bà được điều về làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 18/11/2011 rồi bổ nhiệm lại hồi tháng Ba năm 2017.

Theo cách điều động cán bộ của Đảng thì có thể ví ông Trần Sỹ Thanh và bà Lâm Phương Thanh là những con “dao pha” của Đảng. Tổng quát, mỗi UVTƯĐ là một con “dao pha”. Chức vụ lãnh đạo nào cũng đảm nhận được.

Một cách nôm na, dao pha là loại dao lưỡi lớn sắc bén đa năng. Ví người như con dao pha là nói người sắc bén toàn năng, sử dụng được trong nhiều trường hợp, đặc biệt là vào những hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng chức vụ lãnh đạo không phải là trò đùa. Tổng thống Obama tuy xuất chúng như vậy, nhưng rất khó nói là ông sẽ làm tốt được trong vai trò tổng giám đốc của một tập đoàn kinh tế, chẳng hạn như tập đoàn dầu khí ExxonMobil.

Nay Bộ chính trị điều ông Trần Sỹ Thanh về đảm nhận vị trí quan trọng, đứng đầu PVN, thì không chỉ khó cho PVN phát triển mà còn tiềm ẩn nguy hại cho chính ông Trần Sỹ Thanh. Ông Trần Sỹ Thanh không am hiểu về kỹ thuật dầu khí, mà lại nắm trong tay nguồn tài sản sinh tiền lớn nhất của Việt Nam hiện nay thì nguy nhiều hơn an. Ông không đủ năng lực để xác định hướng đầu tư của dầu khí Việt Nam. Ông không đủ chuyên môn để đàm phán các hợp đồng khai thác dầu khí với các đối tác quốc tế. Ông Đinh La Thăng dường như tỏ ra nhiều kinh nghiệm và năng lực hơn ông Trần Sỹ Thanh, được nhiều người cho là giỏi, thế mà còn gục ngã tại chính PVN sau khi đã tàn phá ngành dầu khí Việt Nam. Ông Trần Sỹ Thanh nếu trong sạch, không tham nhũng, thì cũng khó đủ chất xám để đảm đương một vị trí hệ trọng mang lại nhiều tiền bạc như Chủ tịch ngành dầu khí Việt Nam.

Trường hợp bà Lâm Phương Thanh là cán bộ đoàn, cán bộ tuyên giáo, mà nay bổ nhiệm làm người đứng đầu tỉnh Lạng Sơn thì thật khó có cơ hội cho Lạng Sơn phát triển giàu mạnh. Nguy hơn, Lạng Sơn là tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc, có các cửa khẩu quan trọng, nên là địa bàn trọng điểm về an ninh quốc gia và bán buôn qua biên giới, thực sự là nơi tiền tiêu đầu sóng ngọn gió. Đứng đầu Lạng Sơn phải là người giỏi. Bà Lâm Phương Thanh rõ ràng khó tương năng với vị trí người đứng đầu tỉnh trọng điểm Lạng Sơn.

Vận mệnh một tỉnh, một tập đoàn kinh tế lớn của nước nhà, không thể là vật thí nghiệm diễn tập của các cán bộ phong trào.

NHỮNG HỆ LỤY NGUY HIỂM TRONG CHÍNH SÁCH BỔ NHIỆM CÁN BỘ

Không có nước nào có cách lựa chọn cán bộ lãnh đạo kỳ lạ như Việt Nam.

Những cán bộ được dự kiến cơ cấu vào UVTƯĐ (gọi là cán bộ nguồn), thường được điều động đến các tỉnh làm phó bí thư hay phó chủ tịch. Thời gian ngắn sau đó (ít tháng cho đến vài năm) là điều động đi nơi khác với chức cao hơn. Kỳ đại hội tiếp theo là cơ cấu thành UVTƯĐ.

Những cán bộ dạng này, vì biết trước là ngồi tạm để di chuyển, nên không nắm việc, không hành động. Còn địa phương thì cũng biết trước chỉ là ghế ngồi nhờ, nên không quan tâm.

Thế mà họ trở thành UVTƯĐ. Họ đương nhiên được làm bộ trưởng. Họ đương nhiên được làm bí thư tỉnh ủy, đứng đầu một tỉnh cai quản sinh mệnh hàng triệu dân.

Một con đường tiến thân khác nữa để trở thành UVTƯĐ là làm cán bộ đoàn, cán bộ tuyên giáo.

Bởi vậy, chính sách bổ nhiệm cán bộ mới dẫn đến hệ lụy nguy hiểm. Không đi vào diễn giải, xin liệt kê các hệ lụy cơ bản.

1. Không khoa học nên không chọn được người giỏi.

2. Ngồi tạm không ấm chỗ nên không nắm được việc.

3. Sợ va chạm nên không hành động.

4. Lợi dụng quan hệ ruột thịt họ hàng.

5. Thúc đẩy kẻ dưới hối lộ chạy chức.

6. Nuôi dưỡng kẻ trên tham nhũng.

7. Là con đường xây dựng thế lực, phe phái, bè nhóm.

Tại sao lãnh đạo biết những hệ lụy nguy hại của chính sách bổ nhiệm cán bộ hiện nay mà vẫn không loại trừ được?

Tại sao chỉ chữa các bệnh ngoài da mà không chữa các bệnh căn nguyên trong tâm can?

Trong 7 điểm nêu trên, quan trọng nhất là điểm số 1. Nếu đưa ra một quy trình khoa học để tuyển chọn cán bộ thì quyền lực của những người ra quyết định, cụ thể ở mức cao nhất, là Ban Bí Thư, Ban tổ chức Trung ương và Bộ Chính Trị, sẽ không còn uy lực nữa.

Nói một cách khác, quy trình khoa học tuyển chọn cán bộ sẽ loại trừ quyền lực lãnh đạo độc tôn. Quy trình khoa học tuyển chọn cán bộ không chỉ loại trừ một cá nhân, một tập thể mà cả một đảng phái.

Bởi thế đang nắm quyền lãnh đạo, không ai muốn đưa ra quy trình khoa học để loại bỏ chính mình. Ngoại trừ những bậc thánh nhân yêu nước tha thiết.

Nhưng chính sách bổ nhiệm cán bộ không chỉ ảnh hưởng đến quyền lực lãnh đạo của Đảng, mà hệ trọng hơn là nó sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự cường thịnh của đất nước. Đây là lúc phải đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích giai cấp.

Tiếc thay, chưa nhìn thấy thánh nhân. Số phận đất nước vì thế sẽ còn rất gian truân.

Nguyễn Ngọc Chu
FB Nguyễn Ngọc Chu


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hiểu đúng về “Lực lượng 47”


Bài báo đưa tin về Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, có rất nhiều ý kiến của nhiều cá nhân được trích dẫn, tại sao lại lựa chọn ý kiến của thượng tướng Nghĩa để đặt tiêu đề và giật tít theo cách dễ khiến người đọc hiểu sai vấn đề. Tại sao không trích dẫn nguyên văn lời phát biểu của thượng tướng mà lại diễn đạt theo ý hiểu của phóng viên ? Phải chăng phóng viên Mai Hoa cố tình dắt mũi dư luận tới luận điểm “chính phủ trả lương 10.000 người thuộc “Lực lượng 47″ nhằm định hướng dư luận trên mạng xã hội”. Đọc những bình luận về chủ đề này trên mạng xã hội cho thấy tác giả đã dắt mũi dư luận rất thành công.

Hoàng Lệ , 26/12/2017 - “Hơn 10.000 người trong ‘Lực lượng 47’ đấu tranh trên mạng” – là tiêu đề được báo Tuổi trẻ giật tít cho bài phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam – tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức tại TP.HCM ngày 25-12 vừa qua.

Ngay lập tức, bài viết đã được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ, trong đó những người tự xưng là “nhà đấu tranh” hả hê tuyên bố rằng những người phản đối họ trên mạng là những thành viên thuộc “Lực lượng 47”, được trả lương để “định hướng dư luận”. 

Và như vậy, thông qua bài báo này thì kể từ bây giờ bất cứ cá nhân nào không có tư tưởng chống chính quyền hay có lời lẽ bênh vực chính quyền đều có thể bị quy chụp là thành viên “Lực lượng 47”. Vậy thực hư về lực lượng này là như thế nào ? Có giống như những gì báo Tuổi trẻ viết mà muốn người đọc nghĩ đến hay không !?!

“Lực lượng 47” là tên gọi dựa theo chỉ thị 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 về những điều đảng viên không được làm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một trong các trách nhiệm của các cán bộ này là giám sát việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet TRONG QUÂN ĐỘI, quản lý báo chí, xuất bản, khai thác các ấn phẩm văn hóa, KHÔNG ĐỂ VĂN HÓA PHẨM XẤU ĐỘC XÂM NHẬP VÀO ĐƠN VỊ MÌNH.

Thành viên trong lực lượng 47 thường là Thủ trưởng các phòng Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật; các Chủ nhiệm Chính trị, báo cáo viên của các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và cán bộ thuộc lực lượng cơ quan bộ, ban chỉ huy quân sự. Lực lượng này có chức năng giám sát, quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet TRONG QUÂN ĐỘI, quản lý báo chí, xuất bản, khai thác các ấn phẩm văn hóa, ngăn chặn các luồng thông tin độc hại xâm nhập vào các đơn vị trong quân đội.

Xem toàn văn nghị định tại : https://thuvienphapluat.vn/…/Quy-dinh-47-QD-TW-nhung-dieu-d…


Như vậy đã rõ, Lực lượng 47 mà Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhắc đến có nhiệm vụ bảo vệ an ninh thông tin TRONG QUÂN ĐỘI. Đây là một phần trong chiến lược tác chiến không gian mạng, nhằm đối phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống mà các chiến lược khác (trên không, trên biển, trên bộ,…) không thể đảm nhận được.

Quay trở lại với bài báo trên Tuoitre.vn khi trích dẫn lời của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa. Bắt đầu trích “Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng…..Có người hỏi tôi thông tin này có thể công khai không. Tôi thấy các thế lực và nước khác cũng đang tuyên bố là đang có cuộc chiến tranh trên không gian mạng thực sự. Nên chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái“- ngưng trích. 

Về cái gọi là Lực lượng 47, bài báo viết “Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết hiện lực lượng này (gọi là lực lượng 47 – theo chỉ thị 47) đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, “vừa hồng vừa chuyên”, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ” – đây là cách diễn đạt lại lời của thượng tướng Nghĩa theo ý hiểu của phóng viên chứ không hoàn toàn là lời của thượng tướng – một cách lập lời, đánh tráo khái niệm.

Bài báo đưa tin về Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, có rất nhiều ý kiến của nhiều cá nhân được trích dẫn, tại sao lại lựa chọn ý kiến của thượng tướng Nghĩa để đặt tiêu đề và giật tít theo cách dễ khiến người đọc hiểu sai vấn đề. Tại sao không trích dẫn nguyên văn lời phát biểu của thượng tướng mà lại diễn đạt theo ý hiểu của phóng viên ? Phải chăng phóng viên Mai Hoa cố tình dắt mũi dư luận tới luận điểm “chính phủ trả lương 10.000 người thuộc “Lực lượng 47″ nhằm định hướng dư luận trên mạng xã hội”. Đọc những bình luận về chủ đề này trên mạng xã hội cho thấy tác giả đã dắt mũi dư luận rất thành công.

http://hoangthinhatle.com/bai-noi-bat/hieu-dung-ve-luc-luong-47/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xét xử ngày 8-1, ông Đinh La Thăng đối diện án 10-20 năm tù


27/12/2017 TTO - Trong vụ cố ý làm trái tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN và công ty con PVC, ông Đinh La Thăng bị truy tố theo khung hình phạt có mức án cao nhất tới 20 năm tù. Hành vi của bị can Đinh La Thăng phạm vào tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Quá trình điều tra, bị can thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án với tư cách là người đứng đầu PVN. 

Ông Đinh La Thăng - Ảnh: T.T.
Sáng 27-12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã ra Quyết định số 464/2017/HSST-QĐ về việc đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào ngày 8-1-2018. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong các ngày từ ngày 8 đến 21-1. Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa. 

Ba kiểm sát viên: Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội), Nguyễn Minh Đồng (kiểm sát viên cao cấp), Nguyễn Mạnh Thường (kiểm sát viên cao cấp) thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự tại phiên tòa.

Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nộ còn bố trí 2 kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa.

Như đã thông tin, ngày ngày 26-12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí VN (PVC).

Bị can Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch HĐTV PVN; Phùng Đình Thực, nguyên tổng giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó tổng giám đốc PVN, cùng 9 bị can bị truy tố về tội cố ý làm trái.

Có 8 bị can bị truy tố về tội tham ô tài sản. Riêng hai bị can Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT PVC và Vũ Đức Thuận - nguyên tổng giám đốc PVC - cùng bị truy tố về cả hai tội danh.

Theo cáo trạng, từ năm 2008-2012, PVC do Trịnh Xuân Thanh là chủ tịch HĐQT và Vũ Đức Thuận là tổng giám đốc đã thi công 67 công trình.

Công ty mẹ PVC trực tiếp thi công 20 công trình thì trong đó có 12 công trình có dòng tiền bị mất cân đối do chi phí phát sinh ngoài hợp đồng.

Năm 2010, PVC góp vốn đầu tư vào 46 công ty với tổng giá trị hơn 3.000 tỉ đồng, đến năm sau tiếp tục góp vốn vào 43 đơn vị gần 3.500 tỉ đồng.

Tổng mức đầu tư tài chính vượt gần 1.000 tỉ đồng so với vốn điều lệ, làm mất cân đối dòng tiền đầu tư của PVC.

Từ năm 2011, PVC đã phải trích lập dự phòng tài chính cho các khoản đầu tư vào các công ty con.

Để tạo điều kiện cho PVC, ngày 13-4-2010, ông Đinh La Thăng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề xuất ủy quyền cho PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu.

Mặc dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, nhưng ngày 18-6-2010, ông Thăng đã ký nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.

Cáo trạng thể hiện trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng với vai trò là chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo Điện lực dầu khí (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Hợp đồng có nhiều nội dung không có thật, được lập và ký khi chưa được HĐTV của chủ đầu tư phê duyệt...

Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỉ đồng.

Hành vi của bị can Đinh La Thăng phạm vào tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Quá trình điều tra, bị can thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án với tư cách là người đứng đầu PVN.

Ông Thăng bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố theo khoản 3, điều 165 với khung hình phạt từ 10 đến cao nhất là 20 năm tù.

Cho rằng ông Thăng đã thừa nhận sai phạm, từng có nhiều thành tích trong công tác nên Viện KSND tối cao đề nghị cơ quan xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt

Ra cáo trạng "thần tốc" là có căn cứ

Luật sư Vũ Thị Nga, trưởng văn phòng luật sư Công Lý Việt, nhận định việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra cáo trạng chỉ trong vòng một tuần sau khi có kết luận điều tra có thể coi là "thần tốc" nhưng cũng hoàn toàn có căn cứ bởi Viện KSND đã giám sát quá trình điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án.

"Luật không quy định kể từ khi kết thúc điều tra trong thời gian ít nhất bao nhiêu ngày được ra cáo trạng, nên khi thấy đầy đủ cơ sở, đủ căn cứ thì Viện KSND có thể ban hành cáo trạng.

Quan trọng là các bước tố tụng phải đúng quy định, khách quan và cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được hành vi phạm tội của các bị can, chứ thời gian không phải là vấn đề quan trọng nhất" - bà Nga nói.

https://tuoitre.vn/xet-xu-ngay-8-1-ong-dinh-la-thang-doi-dien-an-10-20-nam-tu-20171227075535511.htm


Phần nhận xét hiển thị trên trang