Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Quá hùng hậu!

Hơn 10.000 người trong 'Lực lượng 47' đấu tranh trên mạng

25/12/2017 14:53 GMT+7

Hiện lực lượng Lực lượng 47 đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, "vừa hồng vừa chuyên", kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao.


Hơn 10.000 người trong Lực lượng 47 đấu tranh trên mạng - Ảnh 1.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - trình bày tại hội nghị ngày 25-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức tại TP.HCM ngày 25-12, cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng đã được đề cập nhiều lần.
Hơn 10.000 hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - cho rằng mới 20 năm kể từ khi nước ta bước vào thế giới của mạng internet, Việt Nam đã là một quốc gia phát triển nhanh, đến nay có 62,7% người dân sử dụng internet.
"Sự phát triển này có hai mặt. Ở mặt trái, các thế lực lợi dụng internet để chống phá. Nội dung chống phá không thay đổi, nhưng lực lượng, phương tiện, thủ đoạn, công nghệ thì rất mới", thượng tướng nói.
Thượng tướng cho biết Quân ủy trung ương xác định bảo vệ Tổ quốc thì quân đội vẫn là nòng cốt, tác chiến bây giờ không chỉ trên bộ, trên biển, trên không nữa mà có tác chiến trên cả không gian mạng, thậm chí tác chiến trên vũ trụ.
"Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng", phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị nói.
"Có người hỏi tôi thông tin này có thể công khai không. Tôi thấy các thế lực và nước khác cũng đang tuyên bố là đang có cuộc chiến tranh trên không gian mạng thực sự. Nên chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái".
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết hiện lực lượng này (gọi là lực lượng 47 - theo chỉ thị 47) đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, "vừa hồng vừa chuyên", kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ.
Lực lượng này đang hoạt động rất tích cực, hiện có ở tất cả các đơn vị cơ sở, mọi miền mọi lĩnh vực của quân đội"
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa 
Xuất hiện các biểu hiện chiến tranh phi truyền thống
Cũng phát biểu tại hội nghị, thượng tướng Nguyễn Văn Thành - thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng hiện nay các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống đều đã xuất hiện ở Việt Nam dưới dạng này hay dạng khác.
Hơn 10.000 người trong Lực lượng 47 đấu tranh trên mạng - Ảnh 3.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - thứ trưởng Bộ Công an - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nói về tình hình tội phạm xuyên quốc gia, thượng tướng Nguyễn Văn Thành lấy ví dụ tỉ lệ người Việt phạm tội ở Nhật Bản tăng lên. 
Bộ Công an điều tra thì thấy xuất hiện những nhóm người nước ngoài ở Nhật, phối hợp với một số tổ chức ở Việt Nam đưa người sang Nhật đào tạo, lao động với nhiều lời hứa hẹn. Nhưng sang tới nơi không có việc làm, dẫn tới phạm tội…
Một ví dụ khác là nạn buôn người sang các nước Trung Đông. Ông Thành kể khi sang Dubai (Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất), đến đại sứ quán đã thấy có người Việt đứng khóc vì bị lừa bán, ông phải chỉ đạo xử lý ngay.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị sau đó, ông Trần Quốc Vượng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên thường trực Ban Bí thư - nhận định cuộc đấu tranh trên không gian mạng là vấn đề khó khăn phức tạp không chỉ riêng ở Việt Nam.
"Vấn đề có quyết tâm, quan tâm và đầu tư không. Người ta đặt câu hỏi là một lực lượng làm công tác tuyên giáo hùng hậu như thế này, chúng ta có tới 800 tờ báo cách mạng, vậy mà chúng ta lại chịu thua trên mặt trận này? Đây thực sự là một thách thức", ông Vượng nói.
Phải có chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng - Ảnh 3.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Công tác tuyên giáo TP.HCM phải luôn đi trước một bước
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Những thách thức và nguy cơ về công tác tư tưởng mà TP phải đối diện rất gay gắt hơn nơi nào hết và hơn bao giờ hết. Điều đó đòi hỏi công tác tuyên giáo TP phải luôn đổi mới, luôn đi trước một bước".
Theo ông Nhân, TP.HCM có một Đảng bộ với hơn 220.000 đảng viên, là nơi tập hợp đông đảo các giới đồng bào, văn nghệ sĩ, trí thức, phóng viên, người lao động, sinh viên... cả nước tụ về, và luôn là nơi trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch.
"Nhiệm vụ phía trước của Đảng bộ TP là tiếp tục lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM", ông Nhân nói.
"Để biến thời cơ thành động lực, hiện thực cách mạng mới cần có sự tự tin, quyết tâm đổi mới cao độ, sự đồng thuận trước hết trong cấp ủy, bộ máy chính quyền, các doanh nghiệp, nhà khoa học, thanh niên, và cần sự ổn định chính trị".
Mai Hoa

https://tuoitre.vn/hon-10-000-nguoi-trong-luc-luong-47-dau-tranh-tren-mang-20171225150602912.htm


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hà Nội băm sáu phố phường được xem là tập tùy bút đầu tiên viết về Hà Nội với chủ đề ẩm thực. by


 Thạch Lam (1910-1942) là nhà văn nổi tiếng thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Hà Nội băm sáu phố phường được xem là tập tùy bút đầu tiên viết về Hà Nội với chủ đề ẩm thực.
Nhà văn Thạch Lam.
Nhà văn Thạch Lam.
Tập sách còn viết về đời sống văn hóa, con người Hà Nội với góc nhìn tinh tế, lối hành văn nhẹ nhàng, thanh thoát. Nhà văn đã thể hiện sự yêu mến và hiểu biết về Hà Nội tường tận trong từng ngõ ngách của đời sống, cả trong không gian lẫn thời gian.
Hà Nội băm sáu phố phường gồm nhiều bài viết ngắn, được Thạch Lam viết rất nhanh để in trên báo như Những biển hàngNgười ta viết chữ TâyBánh đậuQuà Hà NộiPhụ thêm vào phở... khi ông mất, Tự lực văn đoàn thu thập và cho xuất bản năm 1943.
Trích đoạn trong tập tùy bút:
Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris, mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bực nào.
Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố rất nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội cũng như người Paris chính hiệu yêu mến Paris…
Trong những cuộc phiếm du - phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song, chỉ người Hà Nội có...
Trong Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam nhắc đến nhiều món ngon của đất Hà thành như phở, cốm, các loại bánh kẹo. Theo nhận xét của bạn đọc, qua những câu chữ nhẹ nhàng của nhà văn, Hà Nội xưa hiện lên khiến ai cũng phải xuýt xoa, gật gù, thèm thuồng.
Mỗi thứ quà trong Bún sườn và canh búnBánh đậuBánh khảo, kẹo lạc... được tác giả đặc tả một cách khéo léo, mang đến cho người đọc hình dung rõ nét và tinh tế nhất về phong vị Hà Nội. Trong bài Hàng nước cô Dần, ông viết về một hàng nước chè trước cửa chợ Đồng Xuân.
Cô Dần là một thiếu nữ hãy còn trẻ, cứ nghe tên cô thì đủ biết (cái lối đặt tên của cổ nhân ta nghĩ cũng thẳng thắn và thực thà mang cái tuổi trong tên mình, không cần giấu giếm). Tuy vậy cô là một thiếu nữ đảm đang. Một mình cô trông nom cái cửa hàng nước ở trước chợ Đồng Xuân, bên cạnh bà cô bán hàng xôi, và cũng như bà, cô bán hàng từ chín giờ tối, suốt đêm cho tới sáng.
Cửa hàng của cô cũng không có gì: một vài miếng trầu, một vài phong thuốc lào, một bao thuốc lá bán lẻ, vài cái bát uống nước, như cái bát uống nước ở tất cả các hàng nước Việt Nam, đặt úp xuống mặt chõng.
Nhưng hàng cô Dần có một chút đặt biệc hơn: cô không bán nước vối hay nước chè tươi. Cô bán nước chè, tôi cũng không biết chè mạn hay chè hột, chỉ biết là một thứ chè cũng dễ uống.
Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa nằm trong tập Gió đầu mùa xuất bản năm 1937. Câu chuyện bắt đầu bằng không gian của một buổi sáng mùa đông lạnh giá với hai nhân vật chính là chị em Sơn và Lan ở một phố huyện nghèo.
Sơn là đứa trẻ may mắn khi được thức dậy trong cái tung chăn ấm áp, được sưởi tay trong hỏa lò, được mẹ và chị chăm sóc kỹ lưỡng, lo cho từng "chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm". Cậu được mặc áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm.
Khi hai chị em Lan và Sơn ra chợ chơi, bọn trẻ con nhà nghèo sán lại gần, giương mắt ngắm và trầm trồ quần áo mới của Sơn. Lũ bạn của Sơn ăn mặc rách, da thịt thâm tím, run lên, hai hàm răng đập vào nhau khi mỗi cơn gió lùa đến.
Còn cái Hiên, đứa con gái bên hàng xóm bạn chỉ mặc một manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay, đứng co ro bên cột quản. Khi nghe Hiên nói "hết áo rồi, chỉ còn cái áo này", chị em Sơn động lòng thương.
Hai đứa trẻ hăm hở chạy về nhà lấy cái áo bông em Duyên - đứa em gái bé của Sơn, chết từ năm lên bốn tuổi - đem cho cái Hiên. Bà vú già biết chuyện, hai chị em lo mẹ đánh mắng, mãi đến tối mới dắt tay nhau khép nép về nhà.
Trong khi đó, mẹ cái Hiên thấy con mặc áo mới vội vàng mang đến trả. Mẹ Sơn cho mẹ Hiên vay năm hào về may áo cho con, rồi bà nhẹ nhàng ôm hai con vào lòng mà bảo: "Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?".
Truyện ngắn này từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học bậc phổ thông.
Hai đứa trẻ là truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, được in trong tập Nắng trong vườn (1938).
Gia đình hai đứa trẻ Liên và An ở Hà Nội lâm vào cảnh lao đao khi cha mất việc, phải bỏ về sinh sống ở quê. Hai chị em được mẹ giao trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu tại một phố huyện nghèo bên cạnh ga xe lửa.
Cũng như nhiều người dân lam lũ tại đây, hai chị em vừa bán hàng vừa trông chờ chuyến tàu đêm từ Hà Nội về, ầm ầm lăn bánh qua phố huyện rồi khuất dạng, im tiếng trong trời đêm sâu thẳm.
Lúc đó người buôn bán ở phố huyện mới dọn hàng sau một tối ế ẩm để trở về nhà. Còn hai đứa trẻ dần dần chìm vào giấc ngủ yên tĩnh.
Văn phong của Thạch Lam trong Hai đứa trẻ và nhiều truyện ngắn khác được nhận xét khá giản dị, trong sáng, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, thâm trầm.
Liên cầm tay em không đáp. Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình khư kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua.
Thạch Lam sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình công chức gốc quan lại, là con thứ sáu trong gia đình bảy người con. Tên ban đầu của ông do cha mẹ đặt là Nguyễn Tường Sáu, khi bắt đầu đi học, cha mẹ ông làm lại khai sinh là Nguyễn Tường Vinh.
Năm 15 tuổi, thấy mình học chậm, cần tăng thêm tuổi để học "nhảy" bốn năm, ông làm lại khai sinh lần nữa và đổi tên thành Nguyễn Tường Lân. Ông từng thi đỗ vào Cao đẳng Canh nông ở Hà Nội nhưng chỉ học một thời gian rồi vào trường Albert Sarraut để học thi Tú tài.
Thạch Lam có hai anh trai là các nhà văn nổi tiếng của nhóm Tự lực văn đoàn: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long). Ngoài Thạch Lam, ông còn có các bút danh là Việt Sinh, Thiện Sỹ.
Buổi đầu, ông gia nhập Tự lực văn đoàn, được phân công lo việc biên tập tuần báo Phong hóa và Ngày nay, đến tháng 2/1935 thì được giao làm chủ bút tờ Ngày nay.
Cha Thạch Lam là ông Nguyễn Tường Nhu (1881-1918), thông thạo chữ Hán và chữ Pháp, làm Thông phán Tòa sứ. Mẹ là bà Lê Thị Sâm, con gái đầu lòng cụ Lê Quang Thuật - người gốc Huế đã ba đời ra Bắc, làm quan võ ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).
Hồi đó, tri huyện Cẩm Giàng là ông Nguyễn Tường Tiếp (cha ông Nguyễn Tường Nhu), quê gốc Quảng Nam đã nhờ người mai mối hỏi cô Lê Thị Sâm về làm dâu họ Nguyễn Tường.
Ông bà Nhu lấy nhau hơn chục năm, rời phố Hàng Bạc (Hà Nội) về quê Cẩm Giàng, sau đó lại theo con cả Nguyễn Tường Thụy ở Tân Đệ (Thái Bình). Do buôn bán ở Thái Bình không mấy thuận lợi, bà Nhu lại đưa cả gia đình về Hà Nội.
Khi vợ Nguyễn Tường Thụy xin ra ở riêng, bà lại về Cẩm Giàng. Thuở nhỏ, Thạch Lam chủ yếu sống phố huyện này.
Người thân của Thạch Lam kể, ông thể trạng yếu, tuổi thơ nhọc nhằn cùng với cuộc sống lao lực vì miếng cơm manh áo đã làm nhà văn sớm mắc căn bệnh lao phổi. Nhà văn đi đứng nhẹ nhàng, cẩn trọng lời ăn tiếng nói, đối đãi cung kính với mọi người.
Giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa lúc xuất bản, Thạch Lam viết: "Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn". Đây được xem như tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn.
Ông mất ở tuổi 32 khi tên tuổi đang rực rỡ trên văn đàn.
Mạnh Tùng / VNExpress.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc “về tay chính chủ”



Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc “về tay chính chủ”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 2068/QĐ-TTg chuyển giao Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng sang Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thực hiện việc chuyển giao nguyên trạng dự án trong thời hạn không quá 60 ngày theo đúng quy định hiện hành.
Theo quyết định, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan quyết định đầu tư các dự án thành phần thuộc dự án, chịu trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.Hà Nội và các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng, Đại học Quốc gia Hà Nội để xử lý, giải quyết các vấn đề có liên quan đến công tác chuyển giao dự án theo quyết định này.
Đại học Quốc gia Hà Nội có quy mô khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và khoảng 6.550 cán bộ, nhân viên.
Về quy mô xây dựng công trình, đến năm 2025 bảo đảm đáp ứng cho 8 trường đại học, 5 khoa trực thuộc, 5 viện nghiên cứu trực thuộc, 10 trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và các trung tâm nghiên cứu liên hợp, 10 đơn vị phục vụ và các trung tâm phục vụ khác; với tổng diện tích khoảng 1.922.750 m2 sàn xây dựng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hoàn chỉnh.
Theo Vạn Xuân
BizLive

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGƯỜI VIỆT KHÔNG ĐOÀN KẾT VÀ GATO – VÌ SAO


Vô thẳng vấn đề để khỏi mất thời gian. Tôi đã làm việc với người Việt ở mọi thành phần – từ bần nông cho tới trí tức, trong và ngoài nước. So với những nhóm khác thì dân Việt Nam là nhóm ít hợp tác nhất với nhau.
Khi người nước ngoài khen người Việt Nam giỏi, thì cái giỏi ở đây chỉ là cá nhân. Còn một tập thể thì hoàn toàn không có điều đó. Khi một nhóm Việt Nam làm chung với nhau thì tôi bảo đảm, nó sẽ chẳng ra gì. Đã vậy còn có chuyện khoái dìm nhau.
Bạn có thể nói tôi thiển cận hay suy nghĩ cá nhân cũng được, chẳng sao cả. Nhưng những người suy nghĩ như tôi hơi bị nhiều. Đi đâu cũng gặp lời khuyên “tránh xa tụi Việt Nam ra.”
Vậy tại sao lại như vậy, tại sao người Việt không thể ngồi cùng nhau để làm việc lớn. Theo tôi có 2 nguyên nhân chính: nhiễm CNXH và GATO.
1. NHIỄM CNXH – Dân Việt vì sống dưới CNXH quá lâu nên đã bị nhiễm những thói xấu của nó, điển hình là Bắc Kỳ, dân Nam Kỳ thì đỡ hơn. Vì sống trong nghèo đói lâu nên họ khoái triệt hạ lẫn nhau để kiếm lợi ích, dù rất nhỏ. Thay vì có tư duy cả đôi bên đều thắng, thì họ chỉ suy nghĩ “làm sao để triệt thằng kia để tao lấy hết phần lời.” Cho nên hiếm khi bạn nào thấy dân Việt làm gì đó chung với nhau. Mấy thành tích ở nước ngoài chủ yếu là thành tích cá nhân, bình thường như bao sắc tộc khác, còn tập thể thì tìm hoài không thấy.
2. GATO – Từ nhỏ trẻ em Việt đã được dạy là hãy soi mói rôi lấy bạn bè để thi đua với nhau. Điều này tạo ra sự GATO không hề nhẹ. Khi lớn lên thì điều này phát sinh. Rồi khi đi làm thì máu GATO càng được thể hiện. Lạ ở chỗ là làm việc với người khác chủng tộc thì được, không vấn đề gì. Nhưng làm chung với Việt Nam thì sẽ có chuyện.
Một trong những câu chuyện điển hình là cách dân Việt đi định cư hay dìm nhau dựa trên số năm. “Tao qua đây đã lâu, éo chơi với tụi FOB mới qua” hay “Con kia mới qua, nó ABC.” Ở mấy sắc tộc khác thì không có chuyện này, cái này chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng lạ ở chỗ là dân Việt rất khoái dìm nhau trên cơ sở này. Chỉ là nhận xét cá nhân ngày Noel 2017, xin hết.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vũ “nhôm” – phải chăng là hồi chuông báo động về “tư bản thân hữu”?


>> Ai đã “tuồn” bản kê khai tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng ra ngoài?
>> Tính bảo hiểm xã hội kiểu mới từ 2018: Doanh nghiệp lẫn người lao động đều bị tổn thương?
>> Đà Nẵng: Ông Vũ “nhôm” kiếm hơn 140 tỉ từ dự án Harbour Ville bằng cách nào?
>> Nữ nhà báo lần đầu kể lại chi tiết cuộc đấu sống còn với ông trùm Vũ "nhôm"


Bích Diệp
(Dân trí) - Ngày 20/12 vừa rồi, cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi là Vũ “nhôm”) về tội “cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”. Từ trước đó, dư luận, báo chí đã liên tục đặt câu hỏi: “Vũ nhôm là ai?”.

“Vũ ‘nhôm’ là ai mà người ta đặt ra biệt danh mafia của Đà Nẵng? Tại sao để Vũ “nhôm” tác động nhiều đến Đà Nẵng như thế? Vũ “nhôm” không chỉ thao túng kinh tế mà còn thao túng cả chính quyền Đà Nẵng?” – câu hỏi này được cử tri Hoàng Ngọc Khang (phường Hòa Thọ Đông) đặt ra từ gần 3 tháng trước (ngày 4/10), tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Cẩm Lệ chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

Và mới đây, đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cũng lại tiếp tục đặt câu hỏi cho tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa: Có hay không việc người này gây sức ép buộc chính quyền TP phải thực hiện giải quyết nhà, đất công sản ở nơi thuận lợi, đắc địa của TP? Có hay không việc Vũ “nhôm” chỉ mặt và hăm dọa Chủ tịch UBND TP khi chính quyền không đồng ý yêu cầu của Vũ về một dự án nào đó?

Vị đại tá về hưu cũng đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra làm rõ “Phan Văn Anh Vũ là ai, thế lực và cá nhân nào đứng đằng sau để hà hơi, tiếp sức, tạo điều kiện, làm chỗ dựa để Vũ tự tung, tự tác khuynh đảo các cơ quan Nhà nước”.

Trên báo chí, bức chân dung của Vũ “nhôm” được “phác họa” là cán bộ công an, một đại gia bất động sản khét tiếng ở Đà Nẵng, còn khá trẻ (sinh năm 1975).

Vũ từng có vai trò quan trọng trong hàng loạt doanh nghiệp như Công ty TNHH The Sunrise Bay Đà Nẵng, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 ở Đà Nẵng, Công ty I.V.C, Công ty CP Nova Bắc Nam 79 ở TP.HCM… - được cho biết là những doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án “khủng”, nhà đất công trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

Vũ còn nổi tiếng vì có mối quan hệ rộng rãi với các quan chức qua nhiều thời kỳ. Vũ chính là chủ doanh nghiệp đã tặng xe cho Thành ủy Đà Nẵng để ông Nguyễn Xuân Anh (cựu bí thư Đà Nẵng) sử dụng từng khiến dư luận xôn xao. Chưa hết, Vũ còn cho ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng nhà 45-47 của công ty do Vũ làm chủ.

Tóm lại, Vũ “nhôm” là người có quyền, có tiền và có quan hệ! Và chừng đó yếu tố có lẽ đã phần nào đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi mà ông Khang, ông Thạnh đã đặt ra.

Tôi dám cá rằng, kiểu kinh doanh dựa trên quan hệ như Phan Văn Anh Vũ không phải là hiếm. Thậm chí đây là một lối làm ăn “truyền thống” vốn được đa số các ông chủ doanh nghiệp sử dụng. Quan hệ có khi “trong sáng” theo kiểu gặp gỡ, trò chuyện, đối thoại nhằm hiểu biết lẫn nhau. Nhưng không ít quan hệ doanh nghiệp – chính quyền lại nằm trong ngoặc kép: “quan hệ sân sau”, “quan hệ gầm bàn”, “quan hệ đút túi”, “bôi trơn”…

Làm ăn nhỏ thì có khi chỉ cần quan hệ với cán bộ thuế, công an khu vực. Nhưng lên tầm doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản thì quan hệ lại càng phải rộng và sâu, tới cấp quận, cấp tỉnh… Thế nên mới có chuyện, không ít “quan huyện”, “quan tỉnh” giàu lên nhờ “lộc, lá” là vì vậy.

Trong Nghị quyết Trung ương 5 nêu rất rõ về tình trạng này: “Thời gian qua đã xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân và cơ quan quản lý Nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách, để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”. Nghị quyết này nhấn mạnh quan điểm: phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính..

“Tư bản thân hữu” là gì? Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã khái quát rằng: “Một số doanh nghiệp dựa vào mối quan hệ này nọ bằng cách này cách khác để làm giàu, khi giàu rồi thì tìm mọi cách để can thiệp vào một số việc của chính quyền nhà nước” và ông Nghĩa cho rằng đây là một sự “sỉ nhục” với chính quyền, với hệ thống công quyền.

Bây giờ, Vũ “nhôm” đã bị phát lệnh truy nã và Bộ Công an cũng đã công bố điều tra việc mua, chuyển nhượng 9 dự án và 31 nhà, đất công sản ở Đà Nẵng (trong đó nhiều dự án, nhà đất công sản có liên quan đến Vũ “nhôm”).

Đến lúc này, một loạt câu hỏi mới lại tiếp tục được đặt ra và cần câu trả lời, đó là: Đã có lệnh truy nã, nhưng đến bao giờ thì Vũ “nhôm” bị bắt? Có hay không chính sách đã bị “bẻ cong” vì lợi ích của Vũ “nhôm”? Có hay không quan chức liên quan và nếu có, trách nhiệm của họ đến đâu và bị xử lý thế nào? Nhất là câu hỏi liệu có những Vũ “nhôm” nào nữa mà chưa lộ diện?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

Kéo và đẩy: Quan hệ Việt-Trung nhìn từ chuyến thăm của CT Tập Cận Bình


Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hà Nội vào ngày 12-13/11/2017 sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Đà Nẵng. Theo một nghĩa nào đó, chuyến thăm là một sự kiện quan trọng vì đó là chuyến thăm thứ hai của ông Tập tới Hà Nội trong vòng 2 năm. Hồi tháng 11/2015, khi ông Tập tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Việt Nam trong vai trò lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, quan hệ song phương mới chỉ phục hồi sau sự kiện khủng hoảng giàn khoan tháng 5/2014 vốn đứa quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong vòng hai thập niên. Ít nhất là trên bề mặt, chuyến thăm năm 2017 dường như giúp củng cố xu hướng tăng cường quan hệ song phương. Tuy nhiên, bối cảnh chiến lược và các động lực của quan hệ song phương đã có những thay đổi quan trọng trong vòng 2 năm qua khiến cho việc đánh giá tầm quan trọng thực sự của chuyến thăm đối với quan hệ song phương cũng như bối cảnh chiến lược khu vực trở nên khó khăn hơn.
Bài viết này đánh giá tầm quan trọng của chuyến thăm bằng cách định vị nó trong bối cảnh địa chính trị khu vực cũng như các động lực thường xuyên biến đổi của quan hệ song phương. Bài viết bắt đầu với phần điểm lại quan hệ song phương kể từ sau Khủng hoảng gian khoan năm 2014, sau đó xem xét các kết quả chính trong chuyến thăm của ông Tập. Tiếp theo, bài viết phân tích các yếu tố “kéo và đẩy” vốn vừa đưa hai nước xích lại gần nhau, vừa đẩy họ ra xa nhau. Cuối cùng, bài viết đánh giá tầm quan trọng của chuyến thăm đối với quan hệ song phương cũng như khu vực.
Quan hệ Việt – Trung kể từ sau Khủng hoảng giàn khoan 2014
Tháng 5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ HD-918 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự cố này đã làm bùng nổ hơn hai tháng đối đầu căng thẳng giữa lực lượng hàng hải của hai nước và châm ngòi cho hai cuộc bạo loạn chống Trung Quốc tại Việt Nam. Cuộc khủng hoảng đã làm sứt mẻ nghiêm trọng niềm tin song phương và đưa quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất kể từ sau khi bình thường hóa năm 1991.
Sau khi khủng hoảng kết thúc vào tháng 7/2014, hai bên đã có các bước đi nhằm khôi phục quan hệ với việc lãnh đạo hai nước trao đổi các chuyến thăm thường xuyên hơn. Vào tháng 4/2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc. Ông Trọng đã được Trung Quốc dành cho các nghi lễ lễ tân trang trọng nhất với màn chào mừng bằng 21 phát đại bác cùng các thiết đãi xa hoa trong dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cố gắng xoa dịu các mối quan ngại an ninh của Việt Nam và giành lại sự tin cậy chính trị từ Hà Nội. Vào tháng 11/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đáp lễ bằng một chuyến thăm Hà Nội và phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Đầu năm 2016, dàn lãnh đạo mới của Việt Nam đã được bầu lên tại Đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam. Ông Trọng đã cử đặc phái viên tới Bắc Kinh để báo cáo cho các lãnh đạo Trung Quốc về kết quả đại hội. Trung Quốc đáp lễ khi Chủ tịch Tập cũng cử đặc phái viên của mình tới Hà Nội sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành thành công Đại hội lần thứ 9 hồi tháng 10/2017.
Chỉ trong vòng một năm sau khi ban lãnh đạo mới của Việt Nam được bầu lên tại Đại hội 12, tất cả ba lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đều đã thăm Trung Quốc. Cuối tháng 9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc đã tham dự Hội chợ thương mại và đầu tư Trung Quốc- ASEAN tại Nam Ninh. Đầu năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một chuyến thăm khác tới Bắc Kinh và Hàng Châu, theo sau đó là chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Bắc Kinh hồi tháng 5/2017, trong đó ông cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường về Hợp tác Quốc tế. Chuyến thăm của ông Tập tới Hà Nội ngay sau khi ông tái đắc cử chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc càng củng cố hơn nữa sự cải thiện quan hệ giữa hai bên.
Quan hệ kinh tế song phương cũng đã chứng kiến những cải thiện vượt bậc trong vòng 2 năm qua. Cụ thể, theo Bộ Công thương Việt Nam, thương mại hai chiều đã tăng 7,9% lên mức 71,9 tỷ đô la năm 2016. Theo đó, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 20,5% tổng kim ngạch thương mại của cả nước. Việt Nam cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc trên toàn cầu. Đáng chú ý là thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, vốn là một mối quan ngại lớn của Chính phủ Việt Nam, đã giảm 13,67% năm 2016 và tiếp tục giảm xuống trong năm 2017 (Bạch Huệ, 2017; Minh Hữu, 2017).
Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Tới tháng 4/2017, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 tại Việt Nam với 1.616 dự án FDI trị giá 11,19 tỷ đô la Mỹ (Phúc Nguyên, 2017). Trong 5 tháng đầu năm 2017, đầu tư của Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước lên mức 1 tỷ đôla Mỹ, đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư của Việt Nam trong giai đoạn này, chỉ xếp sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore (CafeF, 2017). Sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc là một biểu hiện đáng chú ý nếu xét tới thái độ tiêu cực của công chúng Việt Nam đối với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc nói chung và đầu tư của Trung Quốc nói riêng. Các mối quan hệ thương mại và đầu tư được cải thiện đã giúp củng cố nền tảng kinh tế của quan hệ song phương và mang lại một điểm sáng trong bức tranh tổng thể của quan hệ Việt – Trung.
Các kết quả chính của chuyến thăm
Trước khi chuyến thăm bắt đầu, trong một động thái ngoại giao hiếm có, Chủ tịch Tập đã cho đăng một bài viết mang tựa đề “Mở ra cục diện mới hữu nghị Trung – Việt” trên tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam (Xi, 2017). Bài viết nhắc lại tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đặc biệt là sự giúp đỡ của Trung Quốc dành cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam. Sau khi đề cao việc “hợp tác thực chất giữa hai nước không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu”, ông Tập đã đưa ra năm tầm nhìn của mình cho quan hệ song phương, bao gồm: “nắm vững định hướng, mưu cầu tầm cao mới về tin cậy chiến lược”, “sâu sắc hợp tác, kiến tạo bố cục mới hội nhập lợi ích”, “mở rộng giao lưu, củng cố nền tảng mới tương thân, tương ái giữa nhân dân”, “tăng cường điều phối, tạo dựng điểm sáng mới hợp tác đa phương”, và “tập trung cho đại cục, tiếp tục viết nên trang sử mới láng giềng thân thiện”. Về vấn đề biển Đông, vốn vẫn là trở ngại lớn nhất trong quan hệ song phương, ông Tập gợi ý:
Chúng ta cần xuất phát từ đại cục cải cách, phát triển, ổn định của mỗi nước và hữu nghị Trung – Việt, kiểm soát các mâu thuẫn và bất đồng, kiên trì hiệp thương hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Chúng ta cần thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông”, tích cực thúc đẩy tham vấn về “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông”, cùng nhau giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Ðông (Xi, 2017).
Giọng điệu tích cực và mang tính xây dựng của ông Tập trong bài viết đã được phản ánh trong bản tuyên bố chung mà hai bên đưa ra cuối chuyến thăm. Bản tuyên bố chung đề cập nhiều hoạt động hợp tác khác nhau giữa hai nước cũng như giữa hai đảng cộng sản. Tuy nhiên, khoảng 90% nội dung của bản tuyên bố gần như y hệt bản thông cáo chung được đưa ra sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc hồi tháng Giêng 2017.
Một hoạt động hợp tác đáng chú ý được nêu trong bản tuyên bố chung là việc hai bên thỏa thuận thực hiện một bản ghi nhớ chung trước đó về việc kết nối Sáng kiến Vành đai và Con đường với sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” của Việt Nam vốn được thông qua hồi năm 2004. Điều này phù hợp với mong muốn của Trung Quốc là đưa các dự án hạ tầng hiện hữu hoặc đã có từ lâu vào trong khuôn khổ của Sáng kiến Vành đai và Con đường mới được đề xuất. Theo tuyên bố chung, hai bên đang lập kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn nối tỉnh biên giới Lào Cai với Hà Nội và Hải Phòng, có thể được tài trợ một phần bởi nguồn vốn từ Trung Quốc. Cho tới nay, bất chấp sự ủng hộ của Việt Nam dành cho Sáng kiến Vành đai và Con đường , chưa một dự án hạ tầng mới nào ở Việt Nam được xác định do Sáng kiến này bảo trợ. Trong khi đó, các sáng kiến hợp tác kinh tế khác được nêu trong bản tuyên bố chung bao gồm việc thiết lập các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới và việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong quan hệ đầu tư và thương mại song phương vẫn chưa đạt được những tiến triển đáng kể nào dù đã được thảo luận mấy năm nay.
Về hợp tác quân sự và an ninh, không có sáng kiến mới nào được nêu ra. Bản tuyên bố chỉ nhắc lại các cam kết song phương trước đây như tăng cường hợp tác quốc phòng – an ninh và thực thi pháp luật, thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn Chung về Hợp tác Quốc phòng tới năm 2025, sử dụng đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng một cách hiệu quả, tổ chức giao lưu quốc phòng biên giới và đối thoại quốc phòng chiến lược, và tiến hành các cuộc tuần tra chung trên Vịnh Bắc Bộ. Những biện pháp hợp tác này ít thực chất và dường như chủ yếu nhằm mục đích duy trì sự can dự giữa hai bên với nhau và làm cho quan hệ song phương trông có vẻ toàn diện hơn.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên không đưa ra một sáng kiến mới nào để quản lý tốt hơn các tranh chấp này mà thay vào đó nhắc lại các cam kết xử lý ổn thỏa các vấn đề và thúc đẩy hợp tác nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Hai bên cũng thống nhất đẩy nhanh đàm phán về việc phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và hướng tới việc sớm ký kết một Bộ Quy tắc Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (COC). Tuy nhiên, các cam kết này đã được đưa ra trong các bản tuyên bố chung trước đây và vẫn chưa có tiến triển thực chất. Trong khi đàm phán về việc phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đã bị bế tắc hơn 10 năm nay thì giữa hai bên vẫn tồn tại khác biệt rất lớn về lập trường đối với bản chất pháp lý cũng như phạm vi áp dụng của COC, khiến việc sớm ký kết một bản COC có hiệu quả vẫn là một khả năng xa vời.
Trong chuyến thăm hai bên đã ký 15 văn bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau và một số hợp đồng thương mại với giá trị không được tiết lộ. Chủ tịch Tập cũng đã khánh thành Cung Hữu nghị Việt – Trung và Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội. Tổ hợp này có giá trị đầu tư 800 tỷ đồng, hai phần ba trong số đó là do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại. Lễ động thổ công trình này được tiến hành năm 2004 nhưng mãi tới tháng 3/2015 việc xây dựng thực sự mới bắt đầu (Toàn Vũ, 2017). Vì vậy, công trình này có thể được xem như là một phần trong chiến dịch “tấn công quyến rũ” của Bắc Kinh nhằm cải thiện nhận thức của người Việt Nam đối với Trung Quốc vốn đã trở nên xấu đi rất nhiều sau sự kiện Khủng hoảng giàn khoan tháng 5/2014. Đây cũng là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng văn hóa của mình lên Việt Nam. Trớ trêu thay, Việt Nam dù là quốc gia Hán hóa mạnh nhất tại Đông Nam Á nhưng lại đang chống lại các ảnh hưởng văn hóa không mong muốn từ phương Bắc, một phần do tình cảm chống Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ xuất phát từ tranh chấp Biển Đông. Ví dụ, một đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số học giả nhằm đưa việc dạy tiếng Hoa vào chương trình giáo dục tiểu học đã bị phần lớn công chúng phản đối. Tương tự, chỉ mới có một Viện Khổng Tử hiện đang hoạt động tại Việt Nam so với 2 ở Malaysia, 4 ở Philippines,  6 ở Indonesia và 15 ở Thái Lan (Confucius Institute Headquarters, 2017).
Các nhân tố kéo – đẩy trong quan hệ Việt Trung
Chuyến thăm thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội trong vòng hai năm theo sau một loạt các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Trung Quốc có thể được xem như chỉ dấu rõ ràng của việc hai bên nỗ lực cải thiện sự tin cậy song phương và khôi phục quan hệ sau một số sự cố gần đây liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên xu hướng quan hệ song phương vẫn chưa chắc chắn. Một số nhân tố “kéo và đẩy” đã khiến cho quan hệ song phương biến hóa thành những trạng thái khác nhau và thường xuyên thay đổi phụ thuộc vào sự thay đổi trọng lượng tương đối của những nhân tố này theo thời gian. Phức tạp hơn, một số nhân tố kéo lại chứa đựng các yếu tố đẩy và ngược lại, khiến cho việc đánh giá bức tranh cũng như chiều sâu thực tế của quan hệ song phương trở nên khó khăn hơn.
Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất giúp kéo hay bên lại gần nhau trong vòng ba năm qua chính là mong muốn khôi phục quan hệ song phương sau sự cố giàn khoan năm 2014. Tuy nhiên, do tranh chấp Biển Đông vốn là nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng 2014 cũng như các căng thẳng song phương vẫn chưa được giải quyết nên việc quan hệ hai bên ấm lên trong thời gian gần đây dường như là một quá trình thụ động và không bền vững. Nếu các căng thẳng lớn trên biển tiếp tục bùng phát, các tiến bộ gần đây trong quan hệ song phương có thể bị đảo ngược.
Một nhân tố khác kéo hai bên lại gần nhau hơn là quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng sâu sắc giữa hai nước. Như đã đề cập ở phần trước, quan hệ thương mại và đầu tư song phương đã chứng kiến những bước tiến vững chắc trong những năm gần đây. Đặc biệt, thâm hụt thương mại được thu hẹp của Việt Nam với Trung Quốc và việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam đã làm cho quan hệ kinh tế song phương cân bằng hơn, mang lại một động lực lớn, đặc biệt là cho Việt Nam, nhằm duy trì quan hệ song phương thân thiết. Cùng lúc đó, các sáng kiến kinh tế khu vực mới của Trung Quốc như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á và Sáng kiến Vành đai và Con đường đã mang lại những không gian mới cho hợp tác kinh tế song phương. Nguồn vốn từ những sáng kiến này tỏ ra hấp dẫn đối với Việt Nam nếu xét tình trạng thâm hụt ngân sách lớn cũng như nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ngày một gia tăng của Hà Nội. Tuy nhiên, các quan ngại vẫn còn phảng phất trong quan điểm của Hà Nội về ảnh hưởng kinh tế không mong muốn của Bắc Kinh cũng như nhận thức tương đối tiêu cực của công chúng Việt Nam đối với các công trình hạ tầng và công nghiệp được tài trợ vốn bởi Trung Quốc (ví dụ, xem Hiep, 2017a, Chương 5) khiến cho tác động tích cực của các sáng kiến này lên quan hệ song phương bị hạn chế đáng kể.
Ý thức hệ cộng sản chung giữa hai nước từng là một yếu tố quan trọng giúp kéo hai nước lại gần nhau. Tuy nhiên, việc hai đảng cộng sản theo đuổi các cải cách kinh tế theo hướng thị trường tư bản chủ nghĩa và việc chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu đã làm suy giảm tầm quan trọng của các cân nhắc về ý thức hệ trong quan hệ song phương. Cùng lúc đó, chủ nghĩa dân tộc đã trỗi dậy trở thành một trụ cột ngày càng quan trọng trong tính chính danh của hai đảng cộng sản, khiến cho hai nước có xu hướng tách rời nhau ngày càng xa hơn khi mỗi đảng đều cố gắng thể hiện hình ảnh như là người bảo vệ tối hậu cho chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông. Do đó, giờ đây lợi ích quốc gia chứ không phải các lý tưởng cộng sản chung đang quyết định cách thức hai đảng cộng sản nhìn nhận và quản lý quan hệ song phương.
Cuối cùng, các thay đổi trong bối cảnh địa chiến lược khu vực cũng tạo ra các nhân tố “kéo và đẩy” mới, đóng góp vào các động lực vốn đã khó lường của quan hệ song phương. Do Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy, các đối thủ địa chính trị khu vực của nước này, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ, đã tăng cường quan hệ chiến lược với Việt Nam nhằm ứng phó lại sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Hà Nội ngay trước chuyến thăm của ông Tập là một ví dụ rõ ràng cho nỗ lực đó. Cảm nhận được áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam cũng cởi mở trước các động thái ngoại giao và chiến lược này của các cường quốc, điều có xu hướng đẩy Hà Nội ra xa Bắc Kinh.
Tuy nhiên, sự xích lại gần nhau giữa Việt Nam và các cường quốc cũng có xu hướng tạo ra một tác động “kéo” lên quan hệ Việt – Trung khi Bắc Kinh cũng cảm thấy cần kéo Việt Nam trở lại quỹ đạo của mình. Do vị trí địa lý quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc sẽ không muốn thấy Việt Nam tham gia vào một liên minh chống Trung Quốc cùng với các cường quốc khác. Do đó, trong khi tìm cách bánh trướng trên Biển Đông, Trung Quốc cũng cố gắng để ít nhất giữ Việt Nam trong tầm với và thuyết phục Hà Nội về các lợi ích chiến lược của việc duy trì quan hệ thân thiết với Bắc Kinh và giữ khoảng cách với các đối thủ chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt là Washington. Ví dụ, mặc dù Trung Quốc không đưa ra một phản ứng chính thức nào về chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Hà Nội nhưng tờ Hoàn Cầu thời báo đã cho đăng một bài xã luận ngày 12/11/2017 tuyên bố rằng hợp tác Việt-Trung là “xu thế lớn” và các cường quốc bên ngoài đừng hòng tìm cách can thiệp vào quan hệ song phương để chia rẽ hai nước (Global Times, 2017). Về phần mình, càng xích lại gần các cường quốc khác thì Hà Nội càng cảm thấy có nhu cầu thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh. Một cách tiếp cận như vậy là cần thiết để giúp Hà Nội trấn an Bắc Kinh về chính sách đối ngoại cân bằng của mình cũng như đề phòng các phản ứng thái quá của Bắc Kinh.
Kết luận
Phân tích trên cho thấy các cải thiện trong quan hệ Việt – Trung có thể không thực chất và mối quan hệ có vẻ gần gũi giữa hai quốc gia bạn-thù (frenemy) lâu năm này có thể chỉ là trên bề mặt mà thôi. Các yếu tố kéo và đẩy trong quan hệ song phương khiến cho hai nước không thật lòng muốn xích lại gần nhau. Các lợi ích song phương trong hợp tác kinh tế có thể biện minh cho các nỗ lực của hai bên nhằm duy trì một mối quan hệ ổn định và hòa bình nhưng chúng vẫn chưa đủ lớn để mang lại một mức độ thân mật chiến lược giữa hai nước. Sự thiếu hụt niềm tin và sự khác biệt về lợi ích chiến lược sẽ không được cải thiện trong đoản và trung kỳ. Thay vào đó, chúng có thể trở nên trầm trọng hơn do các căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông cũng như chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở cả hai nước.
Do đó, các tiến triển gần đây trong quan hệ song phương nói chung và chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam nói riêng sẽ khó có thể giúp chuyển biến quan hệ song phương một cách tích cực và có ý nghĩa. Tuy nhiên, hai bên sẽ tiếp tục cố gắng “ôm” lấy nhau. Trong khi Trung Quốc muốn giữ Việt Nam trong quỹ đạo của mình và ngăn Hà Nội ngã sâu hơn vào vòng tay của các đối thủ chiến lược thì Việt Nam, như tác giả đã nhận xét trong một bài viết gần đây(Hiep, 2017b, p. 7), cũng muốn tiếp tục “ôm chặt” Trung Quốc nhằm kiềm chế sự hung hăng của Bắc Kinh và tạo thuận lợi cho việc xích lại gần các cường quốc khác. Vì vậy, chuyến thăm ít có ý nghĩa đối với quan hệ song phương cũng như các động lực địa chính trị của khu vực.
Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên ISEAS Perspective, ngày 18/12/2017.
Tài liệu tham khảo
Bạch Huệ. (2017, 20 January). Kim ngạch 72 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. VnEconomy  Retrieved 4 December, 2017, from http://vneconomy.vn/thi-truong/kim-ngach-72-ty-usd-trung-quoc-la-doi-tac-thuong-mai-lon-nhat-cua-viet-nam-20170120125450465.htm
CafeF. (2017, 8 June). Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, mừng hay lo?  Retrieved 4 December, 2017, from http://cafef.vn/trung-quoc-o-at-dau-tu-vao-viet-nam-mung-hay-lo-2017052911012889.chn
Confucius Institute Headquarters. (2017). Confucius Institute/Classroom  Retrieved 6 December, 2017, from http://english.hanban.org/node_10971.htm
Global Times. (2017, 12 November). 社评:中越紧密合作大趋势外力休想篡改  Retrieved 7 December, 2017, from http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-11/11374852.html
Hiep, L. H. (2017a). Living Next to the Giant: The Political Economy of Vietnam’s Relations with China Under Doi Moi. Singapore: ISEAS Publishing.
Hiep, L. H. (2017b). Making Deals: President Trump’s Visit to Vietnam. ISEAS Perspective, 2017(86).
Minh Hữu. (2017, 1 October). 8 tháng đầu năm 2017 Việt Nam nhập siêu 17,7 tỷ USD từ Trung Quốc. Pháp luật Việt Nam  Retrieved 4 December, 2017, from http://baophapluat.vn/tieng-noi-da-chieu/8-thang-dau-nam-2017-viet-nam-nhap-sieu-177-ty-usd-tu-trung-quoc-358274.html
Phúc Nguyên. (2017, 10 April). Trung Quốc đầu tư hơn 11 tỷ USD tại Việt Nam. Thời báo Tài chính  Retrieved 4 December, 2017, from http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2017-04-10/trung-quoc-dau-tu-hon-11-ty-usd-tai-viet-nam-42312.aspx
Toàn Vũ. (2017, 13 November). Toàn cảnh Cung hữu nghị Việt – Trung mới khánh thành. Dan Tri  Retrieved 6 December, 2017, from http://dantri.com.vn/xa-hoi/toan-canh-cung-huu-nghi-viet-trung-moi-khanh-thanh-20171113160207776.htm
Xi, J. (2017, 9 November). Mở ra cục diện mới hữu nghị Trung – Việt  Retrieved 4 December, 2017, from http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/34654802-mo-ra-cuc-dien-moi-huu-nghi-trung-viet.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang