Method-2 được coi là robot đầu tiên trên thế giới được điều khiển bằng người qua hệ thống hai bàn đạp ở chân
Tại sân bay quốc tế Incheon (ICN) nằm ở ngoại vi thủ đô Seoul của Hàn Quốc, một nhóm nhân viên dễ chịu sẽ giúp bạn tìm được cửa lên máy bay hay dẫn bạn đến phòng chờ gần nhất.
Họ được huấn luyện tốt, ngoài ra còn ứng xử đúng mực và nói được bốn ngôn ngữ.
Tuy nhiên, những nhân viên này không giỏi nói chuyện phiếm. Bởi vì đó là những người máy.
Nhiều robot ra đời
Hướng dẫn viên robot ở sân bay, do tập đoàn điện tử khổng lồ LG Electronics của Nam Hàn phát triển, đã làm việc bên cạnh con người kể từ cuối tháng 7/2017. Có chiều cao 1,4 mét, chúng có thể tự thân di chuyển trên phần đế có gắn bánh xe, hiển thị một màn hình LCD cung cấp thông tin và xác định phương hướng bằng camera, sóng siêu âm, laser và cảm ứng mép rìa. Chúng cũng có thể nhận diện giọng nói và xử lý ngôn ngữ.
Những nhân viên này không phải là người máy duy nhất xuất hiện trên tít báo vào lúc quốc gia này đang chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Mùa đông năm 2018 từ ngày 9 đến 25/2 tại thành phố đông bắc Pyeongchang.
Sân bay Incheon của Nam Hàn gần đây được trang bị các robot hướng dẫn hành khách
Các robot khác gồm có con Method-2 cao kều của hãng Hankook Mirae Technology vốn được cho là robot đi bằng hai chân có người điều khiển đầu tiên trên thế giới, và con DRC-HUBO, người máy có hình người và có khả năng biến hình do Viện Khoa học Kỹ thuật Cao cấp Hàn Quốc sáng chế và là robot chiến thắng trong Thử thách Tự động hóa năm 2015 do Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng cao cấp (DARPA) tổ chức.
Hãng LG cũng phát triển một con robot sân bay khác - một người máy quét dọn sử dụng công nghệ bản đồ và công nghệ tránh chướng ngại vật để tính toán đường đi hiệu quả nhất và giữ cho không gian sân bay luôn sáng loáng.
Hàn Quốc, cùng với nước láng giềng Nhật Bản, đã từ nhiều năm qua được biết đến là quốc gia cho ra đời những thiết kế mũi nhọn thông minh. Hàn Quốc đã triển khai các người máy giáo viên, công nhân hãng xưởng và nhân viên dịch vụ. Các người máy này làm thành lực lượng lao động tương lai khi các thiết bị tự động tiến đến thay thế vai trò của con người.
Truyền thuyết lập quốc
"Trong quan điểm của chúng tôi, trí tuệ nhân tạo, robot và các giải pháp có liên quan không chỉ là những thiết bị đồ chơi mới mà còn là công nghệ chìa khóa để hỗ trợ cho con người," ông Jae-myoung Hong, kỹ sư cao cấp của Bộ phận Giải pháp Thông minh của hãng điện tử LG, cho biết. "Trong một số trường hợp, robot sẽ làm các công việc vốn quá nguy hiểm hay quá phức tạp đối với các công nhân bình thường."
Những câu chuyện truyền thuyết có thể đã góp phần tạo ảnh hưởng khiến Nam Hàn luôn trân trọng công nghệ hiện đại
Trong lúc Hàn Quốc đang tiến thẳng đến một thế giới mới đầy táo bạo thì nước này vẫn gìn giữ cội rễ xa xưa từ một thế giới cũ kỹ quen thuộc của họ. Đó chính là di sản ngàn năm với những con vật cũng có ước mơ và hy vọng của chúng, cây cối có linh hồn và núi non có tâm linh mà bằng cách nào đó đã góp phần ảnh hưởng lên nền công nghệ hiện đại của Hàn Quốc.
Cường quốc sáng tạo này thậm chí còn không thể nào tồn tại ở ngày nay - ít nhất nếu văn học dân gian Triều Tiên có giải thích về việc này - nếu không có câu chuyện một con gấu vừa kiên cường vừa lạc quan hồi nào.
Con gấu này, theo truyền thuyết hơn 4.300 năm trước, ngự trị trên một đỉnh núi cao cùng với một con hổ. Cả hai con vật này đều khao khát được trở thành người. Thương cảm cho chúng, con trai Ngọc Hoàng đã ban cho chúng hai món ăn thiêng là tỏi và ngải cứu, và bảo chúng ăn một cách tằn tiện và tránh ánh nắng Mặt Trời trong vòng 100 ngày.
Không đủ kiên nhẫn, con hổ đã nhanh chóng bỏ cuộc.
Trong khi đó, con gấu kiên trì thực hiện thử thách đến cùng và biến thành một người phụ nữ. Người phụ nữ này sau đó đã lấy con trai của Ngọc Hoàng và sinh ra một đứa con trai. Được đặt tên là Dangun, người con trai này sau đó đã lên ngai vàng và trở thành người cai trị đất nước. Do đó, sự ra đời của Vương quốc Triều Tiên bắt nguồn từ một loài vật đã đạt được nguyện vọng làm người.
Loài vật có linh hồn
Truyền thuyết về sự ra đời của quốc gia này, được kỷ niệm vào ngày 3/10 hàng năm, chỉ là một trong tập hợp các truyền thuyết vật linh vốn là hòn đá tảng của tôn giáo lâu đời nhất ở quốc gia này: đạo Thần. Thậm chí ngày nay, các quan niệm đạo sỹ vẫn ăn sâu vào nếp nghĩ của người Triều Tiên, có ảnh hưởng đến 'kinh doanh, chính trị và cuộc sống hàng ngày,' theo ông Kwang-yeong Shin, giáo sư xã hội học thuộc Đại học Chungang ở Seoul.
Theo niềm tin của đạo Thần Triều Tiên mà nhiều yếu tố chủ yếu đã được hòa lẫn vào Phật giáo thì không có gì là lạ khi cho rằng một con chim bay ngang qua có thể mang linh hồn được đầu thai của người chú đã qua đời của bạn, hay thậm chí một vật kỷ niệm nhiều ý nghĩa hoặc một nhạc cụ được đặc biệt yêu mến có thể cũng có linh hồn thiêng liêng của chúng. "Chúng ta có thể nghĩ rằng bất cứ sinh vật nào ngoài con người cũng có thể có sức mạnh tâm linh hay quyền thuật vượt quá khả năng của con người, cho dù đó có là sinh vật được sinh ra từ tự nhiên hay đồ vật do con người tạo ra," Shin nói.
Nam Hàn trong năm 2016 bán ra hơn 41.000 robot
Tất cả những điều này khiến cho ý nghĩa về những thứ phi nhân - chẳng hạn như robot - có đặc tính của con người không phải là nguyên nhân gây ra sự cảnh giác trong xã hội Hàn Quốc.
"Cũng là điều hợp lý khi các đặc điểm vật linh của đạo Thần phù hợp với người máy vốn không phải là sinh vật nhưng mang các đặc điểm của con người," Dong-kyu Kim, một học giả về đạo Thần tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo của Đại học Sogang, cho biết.
Như thế, truyền thống tâm linh cả ngàn năm có thể đã khiến cho người dân Hàn Quốc cởi mở hơn về mặt xã hội và văn hóa đối với các thiết bị tự động hơn người dân ở các nước phương Tây. Với thái độ chấp nhận này, Hàn Quốc đã trở thành một nơi ươm mầm và là thị trường tiêu thụ lý tưởng cho các phát minh cao cấp về người máy.
Không lo ngại
Vào năm 2016, Hàn Quốc đã bán ra hơn 41.000 robot, xếp thứ hai trên thế giới, theo Liên minh Quốc tế về Robot IFR. Con số đó chiếm gần phân nửa của Trung Quốc, vốn đông dân hơn 25 lần và lãnh thổ rộng hơn 95 lần.
Thật vậy, Nam Hàn có độ tập trung robot công nghiệp cao nhất trên thế giới. Trong ngành công nghiệp sản xuất thì cứ mỗi 10.000 công nhân lại có đến 631 người máy, theo IFR. Và trong ngành công nghiệp ô-tô, cứ mỗi 10.000 công nhân lại có 2.145 robot.
Sau Cuộc chiến Triều Tiên, chính phủ Nam Hàn chú trọng phát triển ngành công nghiệp sản xuất
Người dân Hàn Quốc thật sự cảm thấy quan ngại rằng tình trạng này sẽ dẫn đến ít công ăn việc làm cho họ. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của nhiều người, quan ngại của họ chỉ đến đó. "Truyền thông dự đoán rằng nhiều người dân Hàn Quốc sẽ mất việc. Tuy nhiên chỉ vậy mà thôi," Kim nói. "Kể từ đó, hiếm khi chúng ta nghe nói về những lo ngại về robot."
Trong khi đó ở Mỹ thì kịch bản ngày tận thế được mô tả trong điện ảnh chính quy, từ phim 'Kẻ hủy diệt' cho đến 'Ma trận' và 'Tôi là Robot' cũng như bởi một số lãnh đạo công nghệ ở nước này, chẳng hạn như Elon Musk. (Theo một khảo sát mới đây của Pew, thì 72% người Mỹ rất lo ngại hoặc phần nào đó lo ngại về tương lai tự động hóa).
Do đó, trong khi một số người cảm thấy lo sợ rằng robot không chỉ cướp việc làm của họ mà còn phát triển được trí tuệ siêu đẳng mà không gì có thể ngăn cản được, tiến hành đảo chính và trong số phận như trong truyện kinh dị Frankenstein, sẽ hủy diệt chính người đã tạo ra chúng thì người dân Hàn Quốc lại không hề hoảng sợ như thế.
Đương nhiên, vấn đề phức tạp hơn nhiều. Người dân Hàn Quốc luôn ý thức được sự cần thiết của ngành công nghiệp robot.
Cần để phát triển đất nước
Sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo bằng cách đặt ngành công nghiệp sản xuất lên phía trước và ở trung tâm. Điều này đã dẫn đến yêu cầu cần phải phát triển lĩnh vực công nghệ cao và một lực lượng lao động có trình độ cao - hai điều này đã giúp cho Hàn Quốc viết nên câu chuyện thành công về kinh tế ngày nay. Hàn Quốc đã được xếp hạng là quốc gia sáng tạo nhất thế giới trong bốn năm liên tục, theo Chỉ số Sáng tạo Bloomberg và quốc gia này chi tiền nhiều hơn bất cứ nước nào khác cho nghiên cứu và phát triển trong năm 2014, tính theo tỷ lệ trên GDP, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD.
Trong năm 2014, Nam Hàn đã chi nhiều hơn bất kỳ nước nào khác cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ
Rành về công nghệ, có tính cộng đồng và hết sức thực dụng, người Hàn Quốc có lẽ háo hức hơn nhiều thị trường khác trong việc xem trí tuệ nhân tạo là một phần của giải pháp chứ không phải vấn đề. Thay vì lo lắng về ngày tận thế do trí tuệ nhân tạo gây ra, họ đang suy nghĩ bằng cách nào robot sẽ giúp cuộc sống của họ trở nên tốt hơn và giúp đỡ giải quyết một loạt các vấn đề xã hội từ những vấn đề rất nhỏ cho đến vấn đề lớn đang hiển hiện trước mắt.
Ví dụ như hãng LG đang làm việc để phát minh ra nhiều loại robot khác nhau vừa có thể tối ưu hóa công việc nhà - từ máy cắt cỏ tự động cho đến các thiết bị gia dụng thông minh - vừa phục vụ ở các môi trường khác chẳng hạn như khách sạn, khu mua sắm, trung tâm du lịch và các địa điểm công cộng khác. "Mục tiêu của chúng tôi là xác định những lĩnh vực mà tự động hóa có thể đem đến nhiều giá trị nhất," ông Hong nói. Ông cho biết một số loại robot của công ty sẽ được sẵn sàng để chào bán trên thị trường trong vòng từ một đến hai năm tới.
Những ứng dụng của robot trong tương lai cũng có thể giúp cho Hàn Quốc không chỉ thay thế lực lượng lao động vốn đang già đi và nghỉ hưu nhanh chóng mà còn chăm sóc cho những lao động này. Và có lẽ càng khẩn cấp hơn, trí tuệ nhân tạo còn có thể đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phòng việc khu vực phi quân sự với Bắc Triều Tiên.
Trở lại với Incheon, nơi các người máy dẫn đường đang sắp hoàn tất chương trình thử nghiệm, sân bay này đang chuẩn bị chào đón một số trong nhóm các người máy này trở thành nhân viên làm việc toàn thời gian kể từ đầu năm 2018.
Vậy nên nếu bạn ghé qua sân bay này, hãy để ý tìm các nhân viên này nhé, chúng sẽ rất phấn khởi đưa bạn đi lại các nơi.
Ann Babe