|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
|
Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Phillipine và bằng 87,4% của Lào...
Thông tin trên được TS. Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết khi có bài tham luận tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2017 ngày 13/12.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 92,1 triệu đồng/lao động (tương đương 4.118 USD/lao động).
Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 5,9% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.
Theo nhận định của ông Nguyễn Bích Lâm, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, dù có cải thiện nhưng năng suất lao động Việt Nam vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.
"Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Phillipine và bằng 87,4% của Lào", ông Lâm nói.
Đáng chú ý theo ông Nguyễn Bích Lâm, chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng .
Theo vị này, có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp và còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN.
Thứ nhất, cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp.
Cụ thể, năm 2017, vẫn còn tới 21,7 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm trên 40% lao động của cả nước), trong khi năng suất của khu vực này chỉ bằng 38,5% mức chung của nền kinh tế; bằng 30,2% năng suất khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 31,3% các ngành dịch vụ.
"Nếu tính theo số giờ thực tế làm việc bình quân, năng suất lao động khu vực này cũng cải thiện không đáng kể, chỉ bằng 43,8% mức năng suất lao động chung; bằng 38,3% khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 37,6% năng suất của khu vực dịch vụ", ông Lâm nói.
Cũng theo vị này, khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch lao động từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản nhưng thực tế lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chủ yếu lại chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp, hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn hạn chế, chưa tác động tăng năng suất nội ngành.
Như vậy, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản hiện có tới 40,3% lao động của cả nước nhưng khu vực này mới chỉ tạo ra 15,5% GDP. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho năng suất lao động của Việt Nam thấp.
Thứ hai, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp. Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, đến cuối năm 2016, chỉ có 20,6% lao động cả nước đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó khu vực nông thôn chỉ có 12,8%. Cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao.
"Tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến. Việc khai thác, sử dụng lao động đã làm việc và học tập ở nước ngoài trở về nước còn nhiều hạn chế", ông Lâm nói.
Thứ ba theo ông Lâm, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế. Qua tính toán từ kết quả điều tra doanh nghiệp cho thấy, năm 2014 năng suất lao động khu vực doanh nghiệp (giá hiện hành) gấp 3,8 lần mức của toàn nền kinh tế, nhưng tốc độ tăng lại thấp hơn.
"Thực tế hiện nay quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước, phần lớn doanh nghiệp chưa đạt được quy mô tối ưu (50-99 lao động) để có được mức năng suất lao động cao nhất", lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp lớn còn ít (chỉ chiếm 2,1%) lại chưa xâm nhập được vào các thị trường, trung tâm công nghệ của thế giới, do đó chưa thực hiện được chức năng cầu nối về công nghệ tri thức của thế giới vào thị trường trong nước.
Trình độ công nghệ của doanh nghiệp lạc hậu, phần lớn doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang . Doanh nghiệp tham gia các hoạt động liên quan đến sáng tạo còn thấp .
Bên cạnh đó theo ông Lâm, doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp nội địa hầu như chưa kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty/tập đoàn xuyên quốc gia lớn nên chưa tận dụng được tính lan toả của tri thức, công nghệ và năng suất lao động từ các công ty/tập đoàn xuyên quốc gia vào doanh nghiệp trong nước.
"Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt được như yêu cầu, chưa có sự quan tâm, chú trọng đến vấn đề định giá tài sản trí tuệ, thương hiệu, tài sản vô hình trong quá trình cổ phần hóa; hiệu quả thấp, việc phân bổ nguồn lực của các doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều hạn chế", ông Lâm nói.
Ngoài ra ông Lâm cũng cho biết một số yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua như: Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp; còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính…
theo Bizlive
|
Ngày 16.12.2017, nguồn tin từ Quốc hội Đức cho thoibao.de biết, một vị nghị sĩ của đảng cầm quyền Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sẽ sang Việt Nam vào đầu tháng 1.2018 trong dịp mở phiên tòa xét xử và một nữ nghị sĩ của Đảng Cánh tả (Die Linke) cũng đang cân nhắc cùng đi, quyết định cuối cùng của bà sẽ được đưa ra vào thứ 3 tuần tới.
Gần đây, ngay sau khi ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên bố trên truyền thông nhà nước sẽ đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra xét xử tại Hà Nội vào đầu năm 2018, các chính trị gia Đức lập tức hướng sự quan tâm đến vụ việc này. Việc điều tra vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc được Tổng công tố liên bang Đức coi là `` cuộc điều tra vì tình nghi hoạt động gián điệp (§ 99 Bộ luật Hình sự) cũng như bắt cóc (§ 239 Bộ luật Hình sự)``.
Phát biểu trước đó, ông Martin Patzelt, nghị sĩ quốc hội của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bày tỏ: "Việc bắt cóc thật là kinh khủng. Nếu Việt Nam muốn hòa nhập với các quốc gia văn minh, họ phải tôn trọng nhân quyền."
Bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh cho biết thêm: ´´Thực tế có 4 luật sư đã được gia đình ông Trịnh Xuân Thanh thuê để biện hộ cho quyền lợi pháp lý của ông tại Hà Nội, nhưng tới nay mới có 1 người được cấp giấy phép bào chữa cho ông vào tháng 10, một người khác vừa được cấp phép vào hôm thứ 5 ngày 14.12 vừa qua, 2 luật sư còn lại vẫn đang phải đợi Chính quyền Việt Nam cho phép. Thông tin hiện có 3 luật sư bào chữa cho ông Thanh là chưa đún´´.
Sự việc gần đây trở nên nóng lên khi hôm 8.12 vừa qua, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng cũng bị bắt giam vì có liên quan đến các vụ việc tại Tổng công ty dầu khí Việt Nam PVN nơi ông đã có thời gian làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009-2011, đây cũng là nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng công tác trong vai trò Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khí thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo các hồ sơ được đóng dấu ´´ Mật ´´ mà thoibao.de cũng như một số hãng truyền thông quốc tế nhận được, vụ việc này liên quan đến nhiều tầng, nhiều lớp lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam.
Chính phủ Đức trong thời gian nhiều năm qua luôn cố gắng hỗ trợ Việt Nam xây dựng một nhà nước pháp quyền thông qua các chương trình trao đổi, đào tạo luật pháp. Đến thời điểm hiện nay, đối với vụ xét xử ông Trịnh Xuân Thanh. Đức vẫn cương quyết đưa ra quan điểm ”yêu cầu Việt Nam áp dụng quy trình tố tụng theo tiêu chuẩn một nhà nước pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế”.
Khi các nghị sĩ Đức trực tiếp đến Hà Nội để quan sát phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh, thì có nghĩa họ rất quan tâm và mong muốn Việt Nam sẽ có một nhà nước pháp quyền, coi đây như là một điều kiện để nước này có thể hội nhập với thế giới văn minh.
Lê Anh / Thoibao.de
|