Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Những toan tính của Mỹ đằng sau cuộc khủng hoảng Triều Tiên



PHẠM DOÃN TÌNH

(GDVN) - Hoa Kỳ nắm thế chủ động trong ván cờ này, còn Triều Tiên sẽ vừa là mục tiêu, vừa là “chất xúc tác” để Hoa Kỳ thực hiện những toan tính cho lợi ích của họ.
Kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hawsong-15 hôm 29/11 khiến căng thẳng leo thang, giới chức Hoa Kỳ đã ra sức chỉ trích Bình Nhưỡng và cảnh báo về một cuộc chiến tranh đang đến gần.
Phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan ở Simi Valley, California hôm 2/12, Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông HR McMaster cho rằng, Triều Tiên là “mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ” và khả năng về một cuộc chiến tranh chống Triều Tiên đang đến gần.
“Có nhiều cách để giải quyết vấn đề này để tránh một cuộc xung đột vũ trang, nhưng tôi cho rằng, nguy cơ chiến tranh đang tăng từng ngày và chúng ta không còn nhiều thời gian nữa”, ông McMaster nói.
Tên lửa Hawsong-15 của Triều Tiên phóng thử hôm 29/11 (Ảnh: AP)
Trước đó, đại sứ Hoa kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã cáo buộc vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên như một “hành động xâm lược”, đồng thời cảnh báo, nếu chiến tranh xảy ra, “Triều Tiên sẽ bị hủy diệt hoàn toàn”.
Bên cạnh những lời cảnh báo, hôm 3/12, Hoa Kỳ và Hàn Quốc cũng đã điều động tới 230 máy bay chiến đấu và hơn 12.000 binh sĩ để tiến hành một cuộc tập trận chung kéo dài một tuần. [1]
Điều này đã làm dấy lên những lo ngại thực sự về một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào.
Ngay cả Nga cũng đã nâng cao cấp độ cảnh giác cho quân đội nước này nhằm đề phòng tình huống chiến tranh Mỹ - Triều nổ ra.
Tuy nhiên, khi nhìn nhận và đánh giá một cách tổng thể và xuyên suốt, có thể thấy rằng, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên dường như đang nằm trong tính toán của Hoa Kỳ.
Washington có thừa sự tỉnh táo để hiểu rằng, Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân, dù có áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đến đâu, bởi đó là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự tồn vong nước này.
Thế nhưng, Hoa Kỳ vẫn liên tục gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng, khiến nước này bùng phát những phản ứng tiêu cực, mà vụ thử tên lửa Hawsong-15 vừa qua là một minh chứng.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, động cơ nào mà Hoa Kỳ phải liên tục gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, dù biết rằng động thái đó có thể khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp?
Căn cứ không quân Mỹ tại Futema Nhật Bản (Ảnh: AP)
Bán vũ khí
Có thể nhận thấy rằng, mục đích bán vũ khí cho các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản để ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn từ Triều Tiên là động cơ chính của Hoa Kỳ.
Mới đây, trong chuyến công du châu Á, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Trump đều gợi ý hai nước này nên mua các loại vũ khí mới của Mỹ để bắn hạ các tên lửa của Triều Tiên.
Chưa rõ hoạt động mua bán sau đó diễn ra như thế nào, nhưng nếu tình hình trên bán đảo Triều Tiên mà “yên lặng” như 75 ngày qua - tính đến trước thời điểm Triều Tiên phóng thử tên lửa Hawsong-15, thì chắc chắn sẽ ít có động lực để Hàn Quốc và Nhật Bản mua vũ khí mới của Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump - một nhà kinh tế chính hiệu, như hiểu rất rõ điều này, bởi vậy ông đã rất biết cách để châm ngòi cho những căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên, khi liệt Triều Tiên vào cái mà Hoa Kỳ gọi là “danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố”, khiến Bình Nhưỡng giận dữ.
Vụ phóng thử tên lửa Hawsong-15 vừa qua như là hệ quả tất yếu bởi những động thái gia tăng áp lực của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên, đúng như lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói “chính Hoa Kỳ đã kích động Bình Nhưỡng phóng tên lửa”.
Theo đó, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bùng phát trở lại, các cuộc tập trận giữa Hoa Kỳ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản lại có cớ để được kích hoạt và nguy cơ về một cuộc chiến tranh lại hiện hữu.
Lúc này Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước lo lắng nhất về một viễn cảnh tồi tệ - đó là chiến tranh.
Và để đảm bảo an toàn trước nguy cơ tiềm ẩn từ Triều Tiên, cũng như giảm thiểu thiệt hại nếu chiến tranh nổ ra, không gì bằng là Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục tăng chi cho ngân sách quốc phòng để mua sắm vũ khí mới của Mỹ.
Hiện tại, dư luận Hàn Quốc đang ngày càng ủng hộ tăng cường sức mạnh quân sự, bằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), mua sắm các loại vũ khí hiện đại, thậm chí còn muốn sở hữu vũ khí hạt nhân để đối phó với Triều Tiên.
Mới đây, Tổng thống Moon Jae-in đã quyết định tăng chi ngân sách cho quốc phòng, với mức dự kiến lên tới 38 tỷ USD trong năm 2018, cao hơn 3 tỷ USD so với năm 2017. [2]
Trong khi Nhật Bản đang cân nhắc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa Aegis trên đất liền (Aegis Ashore) và hệ thống phòng không Patriot PAC-3 cải tiến, để bắn hạ các tên lửa của Triều Tiên nếu xâm phạm không phận và lãnh thổ nước này.
Theo tính toán, hệ thống Aegis Ashore có thể bảo vệ được một khu vực rộng lớn, và chỉ cần hai tổ hợp là có thể bảo vệ được toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản [trên lý thuyết].
Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống Aegis Ashore sẽ mất vài năm, trong khi đơn giá lên tới 18,5 triệu USD cho mỗi quả tên lửa đánh chặn, một con số quá đắt đỏ, nhưng với tình thế hiện tại, xem ra rất khó để Nhật Bản không rút hầu bao.
Việc tăng cường tiềm lực quốc phòng của Seoul và Tokyo có thể sẽ dẫn đến một cuộc đua vũ trang trong khu vực.
Và như vậy, Hoa Kỳ sẽ là nước được hưởng lợi không nhỏ từ việc bán vũ khí cho các đồng minh của họ.
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tuần tra ở khu vực biên giới với Triều Tiên (Ảnh: AP)
Có lý do để tăng cường sự hiện diện quân sự
Ngoài vấn đề bán vũ khí, thì căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dường như đang là một lý do rất tốt để Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu đặt giả thiết Triều Tiên không còn là “vấn đề” nữa, thì có lẽ Hoa Kỳ sẽ không còn lý do chính đáng nào để lực lượng quân sự của họ xuất hiện ở khu vực này.
Bởi vậy, Hoa Kỳ cần có một sự đối đầu với Triều Tiên, để Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải thừa nhận rằng, họ cần phải có quân đội Mỹ bên cạnh để đảm đảm bảo an toàn cho họ.
Nhà phân tích chính trị Alexei Fenenko, Phó giáo sư tại khoa Chính trị Thế giới thuộc Đại học Quốc gia Moskva khẳng định:
“Người Mỹ đang cố đạt được những thứ đơn giản ở châu Á.
Đầu tiên, họ quá cần một sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bởi đó là lý do cho sự hiện diện quân sự của họ ở khu vực này”. [3]
Chính vì lẽ đó, mà xu hướng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay sẽ không thay đổi.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tìm mọi cách để gia tăng áp lực, thậm chí là kích động Bình Nhưỡng, giống như tuyên bố vừa qua về việc liệt Triều Tiên và “danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố” - được cho là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành động phóng tên lửa vừa qua của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, để đáp trả chính sách gia tăng áp lực từ phía Hoa Kỳ, Triều Tiên sẽ tiếp tục có những hành động khiêu khích.
Bởi họ hiểu được ý định của Mỹ, đồng thời cũng biết rằng, chiến tranh là điều khó xảy ra, vì còn liên quan đến hai siêu cường quân sự là Trung Quốc và Nga, cũng như sinh mạng của hàng chục triệu con người ở cả hai phía.
Thế nên, việc tạo ra sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hoàn toàn nằm trong tính toán của Hoa Kỳ, nhằm tiếp tục duy trì và tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở khu vực này.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (Ảnh: AP)
Giúp giảm chi phí cho lực lượng quân sự đóng ở nước ngoài
Vấn đề giảm chi phí quân sự đóng ở nước ngoài cũng được Washington khá coi trọng và đã có những hành động thúc đẩy trong nhiều năm.
Ngay từ khi Tổng thống Donald Trump tiến hành chiến dịch tranh cử, ông đã nhấn mạnh vào việc sẽ tiến tới cắt giảm chi phí đối với lực lượng quân sự của Mỹ đóng ở nước ngoài.
Thế nhưng việc cắt giảm chi phí này không phải là giảm bớt đầu tư quân sự, mà Hoa Kỳ muốn các nước có lực lượng quân sự của Mỹ đồn trú, sẽ chia sẻ thêm gánh nặng chi phí quân sự cho họ.
“Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê-út và nhiều quốc gia khác đã không chi trả cho chúng ta khoản tiền đáng nhẽ họ nên chi, mà đặt toàn bộ gánh nặng quốc phòng lên vai Mỹ, đó là sự vô lý”, ông Trump nói. [4]
Để thực hiện được mục đích này, không có gì tốt hơn là tạo ra một sự leo thang căng thẳng ở khu vực mà Mỹ cần, để các đồng minh của họ luôn nhận thấy một sự cần thiết hữu ích về sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Từ đó khiến các đồng minh sẵn sàng chi trả mạnh tay cho các chi phí quân sự của Hoa Kỳ.
Hiện tại, lực lượng quân sự của Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc là 28.500 quân.
Theo Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) đã ký giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc hồi năm 2014, sẽ hết hiệu lực vào tháng 12/2018, thì Hàn Quốc phải chi 1.000 tỷ won (900 triệu USD) mỗi năm để duy trì lực lượng quân sự của Mỹ đồn trú tại nước này.
Ngay cả việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, có chi phí khoảng 1 tỷ USD, Hoa Kỳ cũng đang hối thúc Hàn Quốc phải thanh toán cho khoản chi này.
Lý do là bởi Tổng thống Donald Trump luôn cho rằng, Hàn Quốc chịu phí tổn cho hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trước mối đe dọa tấn công từ Triều Tiên là điều “thích hợp”.
Tại Nhật Bản, lực lượng quân sự Mỹ đồn trú lên tới 47.000 quân, đóng tại 124 căn cứ lớn nhỏ trên toàn lãnh thổ Nhật Bản, trong đó có hơn một nửa đóng tại căn cứ Okinawa.
Theo thỏa thuận trước đây giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, Tokyo sẽ phải chi trả một khoản kinh phí hàng năm là 200 tỷ yên (1,9 tỉ USD), tương đương khoảng 75% chi phí cho các hoạt động của lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại nước này.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa bao giờ hài lòng với các khoản chi phí cho lực lượng quân sự Mỹ của cả Hàn Quốc và Nhật Bản. [5]
Theo đó, các cuộc đàm phán song phương giữa Hoa Kỳ với Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục được tiến hành trong tương lai;
Và đương nhiên, Tổng thống Donald Trump sẽ muốn Hoa Kỳ có được một tư thế tốt hơn trong các cuộc đàm phán, nhằm buộc Hàn Quốc và Nhật Bản phải tăng thêm chi phí cho lực lượng quân sự của Mỹ đồn trú tại nước họ.
Từ những phân tích trên, có thể rút ra nhận định rằng, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên sẽ khó có thể được giải quyết một cách triệt để và chiến tranh cũng khó có thể nổ ra.
Ván cờ này là do Hoa Kỳ hoàn toàn nắm thế chủ động, trong khi Triều Tiên sẽ vừa là mục tiêu, vừa là “chất xúc tác” để Hoa Kỳ thực hiện những nước đi của họ nhằm đem lại nhiều lợi ích hơn cho Washington.
Và như vậy, thế giới sẽ phải tiếp tục chứng kiến những căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên trong ván cờ mà có lẽ chỉ có Hoa Kỳ là người chơi.
Tài liệu tham khảo:

Dấu ấn tuần qua: Người Triều Tiên mòn mỏi chờ ngày Bắc Kinh và Bình Nhưỡng giải trình về tội ác với nhân dân


Khi nào Bắc Kinh và Bình Nhưỡng mới giải trình về những đau thương của người dân vô tội? (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)
Khi nào Bắc Kinh và Bình Nhưỡng mới giải trình về những đau thương của người dân vô tội? (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)
Dân đói, các nguồn tài chính của đất nước bị phong tỏa, nhưng chính quyền Kim Jong Un vẫn tiếp tục đốt tiền vào tham vọng vũ khí và thực hiện vụ phóng tên lửa lần thứ 16 trong năm nay.
Cuộc thử nghiệm ngày 29/11 thể hiện sự bất cần của Triều Tiên khi đất nước cô lập này đối mặt với các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Ba thế hệ lãnh đạo ông – cha – con họ Kim đã chi hàng tỷ USD để xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trong khi phần đông dân số vật lộn trong cảnh đói khát, lầm than.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) dự kiến sẽ họp bàn về cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên vào ngày 15/12, theo ông Koro Bessho, Chủ tịch Hội đồng Bảo an kiêm Đại sứ Nhật Bản tại LHQ.
Trước khi vấn đề tên lửa được bàn đến, LHQ cũng sẽ thảo luận về tình trạng nhân quyền của Triều Tiên vào ngày 11/12.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết hàng thập kỷ qua người dân Triều Tiên phải chịu đựng những vi phạm nhân quyền khủng khiếp như bị sát hại, hãm hiếp, bạo lực tình dục, tra tấn, giam cầm và đói khát.
Những người đào thoát khỏi Triều Tiên tiết lộ thông tin về cuộc sống bên trong đất nước bí hiểm nhất thế giới, những điều tưởng như chỉ có thể tồn tại nơi địa ngục, nhưng lại là điều quá đỗi bình thường dưới chính quyền họ Kim.
Trẻ em Triều Tiên (Ảnh: Free Republic)
Trẻ em Triều Tiên (Ảnh: Free Republic)
Những người từng trải qua cảnh tù đày ở Triều Tiên cho biết phần lớn các tù nhân bị bắt giữ một cách tùy tiện, hành vi phạm tội của họ có thể là để ảnh của nhà “lãnh đạo tối cao” bị bụi bẩn, hay theo một tôn giáo nào đó hoặc nghe đài nước ngoài.
Trung Quốc giúp triều đại họ Kim bức hại người dân
Hãng tin Reuters cho biết Trung Quốc đã từng tìm cách ngăn chặn 3 cuộc họp về nhân quyền của Triều Tiên tại LHQ nhưng bất thành. Cuộc họp về nhân quyền của Triều Tiên năm nay có sự ủng hộ của 9 thành viên Hội đồng Bảo an là Mỹ, Pháp, Anh, Italia, Nhật Bản, Senegal, Thụy Điển, Ucraina và Uruguay.
Không có chính phủ nào khác lại tạo điều kiện cho hoạt động áp bức của Bình Nhưỡng hơn Trung Quốc, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khẳng định trong báo cáo ngày 26/1/2017. Bắc Kinh lo ngại sự sụp đổ của chính phủ Bình Nhưỡng có thể khiến bán đảo Triều Tiên thống nhất về Hàn Quốc, và nền dân chủ của Hàn Quốc sẽ được mở rộng đến sát biên giới Trung Quốc.
Vào tháng 12 năm 2016, khi Đại hội đồng LHQ thông qua một nghị quyết đồng thuận lên án các hoạt động vi phạm nhân quyền tràn lan ở Triều Tiên, Trung Quốc đã tự tách rời khỏi sự nhất trí đó, HRW cho biết. Bắc Kinh phản đối nghị quyết và lặp lại một “lời kêu gọi vô nghĩa” về việc “đối thoại”, dù biết rằng Bình Nhưỡng đã liên tục từ chối đối thoại với LHQ về nhân quyền.
Theo HRW, Bắc Kinh cũng không mấy quan tâm đến việc “đối thoại” về những người Triều Tiên chạy trốn khỏi cuộc đàn áp ở quê nhà.
Hàng nghìn người Triều Tiên thống khổ đã liều mạng chạy trốn sang Trung Quốc, với hy vọng có cơ hội đến được Hàn Quốc, nơi họ được chính quyền Seoul chào đón. Tuy nhiên, Trung Quốc thường xuyên vi phạm Công ước Tị nạn LHQ năm 1951 bằng cách đưa người Triều Tiên trở về nước, dù biết những người này sẽ bị tra tấn, thậm chí giết hại vì tội bỏ trốn, theo ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW.
Tổ chức nhân quyền này cũng cho biết giới chức Trung Quốc từ chối cho phép các đại diện của Cao ủy Tị nạn LHQ tiếp cận với những người Triều Tiên xin tị nạn. Người tị nạn Triều Tiên có rất ít hy vọng đạt được bất kỳ tư cách nào ở Trung Quốc, dù nếu họ kết hôn với công dân Trung Quốc.
Theo HRW, Trung Quốc đã thể hiện rõ tại Hội đồng Bảo an rằng họ sẽ phủ quyết bất kỳ nỗ lực quốc tế nào đề cập đến khả năng đưa tình hình ở Triều Tiên tới Tòa án Hình sự Quốc tế. Bắc Kinh cũng đã từ chối hợp tác với các cuộc điều tra của Ủy ban LHQ Điều tra về vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên.
Vậy vì sao Bắc Kinh lại ra sức bảo vệ chính quyền họ Kim khỏi chịu trách nhiệm về tội ác đối với người dân? Điều này không quá khó hiểu, vì:
Điều tương tự đang diễn ra tại Trung Quốc
Các cuộc bức hại dân thường được tiến hành theo chu kỳ tại Trung Quốc suốt hàng chục năm qua, theo cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour.
Phát biểu tại diễn đàn TEDxMünchen 2015, ông Kilgour cho biết: “Cứ mỗi 10 năm hoặc lâu hơn, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại tiến hành đàn áp một nhóm người thiểu số, và tôi nghĩ mục đích chính là để gieo rắc nỗi sợ hãi cho phần đông dân chúng.”
“Chỉ xét 3 chiến dịch đàn áp đã diễn ra kể từ năm 1950. Cái gọi là Đại Nhảy Vọt đã khiến cho khoảng 40 triệu người chết đói. Cuộc Cách mạng Văn hóa, mà tôi chắc các bạn đều biết, diễn ra từ năm 1966 đến năm 1976, có lẽ đã giết thêm 2 triệu người nữa.”
Kế đến là Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ông Kilgour cho biết “quân đội [Trung Quốc] đã giết chết hàng ngàn người chỉ vì họ tìm kiếm sự công khai và dân chủ.”
Trong bài phát biểu công bố báo cáo Tự do Tín ngưỡng Quốc tế vào ngày 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề cập đến một trong các vi phạm nhân quyền lớn nhất hiện nay của Trung Quốc: Cuộc đàn áp nhằm loại bỏ Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp), môn khí công gồm 5 bài tập và các bài giảng về nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
“Pháp Luân Đại Pháp là một môn tập đem lại sức khỏe tốt hơn và nội tâm an hòa cho hàng triệu người trên khắp thế giới”, Thượng viện New York (Mỹ) cho biết trong Nghị quyết chào mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13/5/2017.
Trái ngược với Mỹ và phần lớn các quốc gia trên thế giới, chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999 khi cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân biết số lượng người tập Pháp Luân Công vượt quá số lượng Đảng viên.
Theo lệnh của ông Giang, 70-100 triệu người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc bỗng trở thành mục tiêu của cuộc bức hại toàn quốc. Các nhà điều tra đã chỉ ra một loạt những vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công, họ bị bắt bớ, sỉ nhục, tra tấn, cưỡng bức lao động, thậm chí bị giết hại để lấy nội tạng cho ngành cấy ghép trị giá hàng tỷ đô la của Trung Quốc.

Với những điểm tương đồng về cách hành xử với người dân, cả Triều Tiên và Trung Quốc đều đối mặt với sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Tháng 6 năm ngoái, Hạ viện Mỹ đã ra Nghị quyết 343 yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công và hoạt động mổ cướp nội tạng. Một tháng sau, Nghị viện châu Âu cũng có động thái tương tự.
Đối với Triều Tiên, một cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng về nhân quyền vẫn là một giấc mơ xa vời. Nếu có một sự kiện như vậy, nhân dân Triều Tiên vốn mòn mỏi suốt hàng chục năm qua xứng đáng được tham gia để chất vấn về sự thờ ơ của Bình Nhưỡng và Bắc Kinh về tình cảnh của họ, theo báo cáo ngày 26/1 của HRW.
Các quan chức cao cấp ở Bình Nhưỡng cũng biết rằng cuộc đàn áp của chính phủ không thể tiếp tục vô thời hạn và Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với thực tế đó, HRW khẳng định.
Chính quyền Trung Quốc cũng sẽ phải chấm dứt cuộc bức hại đối với những người Pháp Luân Công, theo nhận định của một số chuyên gia. Ông Kilgour cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, và chính quyền Bắc Kinh sẽ phải chịu trách nhiệm về những tội ác họ gây ra trong cuộc thảm sát này.
Mai Liên

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cách mạng 4.0: Tỷ lệ lao động Việt bị máy móc đào thải có thể cao nhất ASEAN

Lao động Việt nguy cơ thất nghiệp cao nhất Asian khi bước vào cuộc cách mạng 4.0. (Nguồn ảnh: Vietq.vn)
Lao động Việt nguy cơ thất nghiệp cao nhất Asian khi bước vào cuộc cách mạng 4.0. (Nguồn ảnh: Vietq.vn)
Theo báo cáo “Việt Nam với cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam được cho là có tỷ lệ lao động bị máy móc đào thải cao nhất ASEAN.
Báo cáo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với nhiều học giả trong và ngoài nước đưa ra, trong đó cho thấy Việt Nam là nước chịu tác động rất mạnh mẽ bởi Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay còn gọi là Cách mạng công nghệ 4.0, khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam được cho là có tỷ lệ lao động bị máy móc đào thải cao nhất ASEAN.
Các nhà khoa học giải thích đó là do bản chất ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện không có hiệu suất cao, lao động sử dụng không thông qua đào tạo chuyên sâu, chủ yếu lao động lắp ráp, chế biến giản đơn ở những công đoạn có thể dùng máy móc thay thế.
Dẫn thông điệp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), báo cáo trên chỉ rõ: “Lao động trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ rất lớn bị mất việc làm do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, lao động sản xuất theo dây chuyền lắp ráp, gia công sẽ bị ảnh hưởng trước tiên vì khả năng dễ dàng trong việc sử dụng robot trong hầu hết tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất”.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam có thể cao nhất Asian khi bước vào công nghiệp 4.0
74% trong tổng số lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam có thể bị thay thế do tự động hóa.
Theo báo cáo, hiện tổng số lao động của ngành chế biến, chế tạo Việt Nam năm 2010 là 6,6 triệu người, chiếm 13,5% trong tổng lao động cả nước. Năm 2015, con số này đã tăng lên 8 triệu người, tương ứng với 15,3% trong tổng số lao động toàn quốc.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật cao trong ngành chế biến, chế tạo chỉ chiếm trung bình 9% (có trình độ từ cao đẳng trở lên), trong khi với các nước phát triển, tỷ lệ này là 40-60%.
Báo cáo dự đoán sẽ có 74% trong tổng số lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ rủi ro cao, bị thay thế do tự động hóa. Con số này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, như Phillipines (54%), Thái Lan (58%) và Indonesia (67%).
Bên cạnh đó, báo cáo khẳng định những nguy cơ của cách mạng 4.0 đã được thế giới cảnh báo từ trước đây. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ năm 2016, với chủ đề về thế giới ứng phó cách mạng 4.0, các chuyên gia quốc tế khẳng định: Thế giới sẽ có sự suy giảm đáng kể số lượng việc làm trong các lĩnh vực hành chính, chế biến chế tạo và xây dựng trong giai đoạn 2015-2020.
Quan điểm này trùng hợp với báo cáo của ILO (2016) khi cho rằng lao động trong các lĩnh vực khách sạn và nhà hàng, bán lẻ, xây dựng, chế biến chế tạo ở các nước ASEAN-5 sẽ đối mặt với rủi ro cao bị thay thế bởi tự động hóa và robot.
Diệu Chi

Phần nhận xét hiển thị trên trang