Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

món ăn đặc sản Cần Thơ


https://baomai.blogspot.com/
https://baomai.blogspot.com/

Nằm ở Trung tâm của miền sông nước Tây Nam phần trù phú, Cần Thơ có những món đặc sản ngon khó cầm lòng được.

1. Bánh tét lá Cẩm:

https://baomai.blogspot.com/

Ở  Cần Thơ, bánh tét ngon nhất thuộc về gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thủy.  Con cháu họ Huỳnh đã làm cho đòn bánh tét độc đáo hơn bằng cách nấu lá Cẩm lấy nước xào nếp dẻo với nước cốt dừa và dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân.

Muốn bánh ngon phải lựa nếp thật tốt, không lẫn gạo tẻ mới làm cho đòn bánh dẻo, ngâm với lá Cẩm để có màu tím tự nhiên.  Lá Cẩm phải tươi, lá úa sẽ làm cho nước lá Cẩm xuống màu.  Thịt làm nhân phải là thịt tươi, ướp cho thịt tẩm thấm.  Sau đó, cho nếp xào với nước cốt dừa trước khi gói.  Bánh nấu từ 4 đến 5 tiếng là chín. Cắt bánh, vành ngoài ánh lên một màu tím mượt mà của nếp, bên trong là thịt, lòng đỏ trứng vịt muối, mỡ, và đậu xanh tỏa mùi thơm.

https://baomai.blogspot.com/

Cắn một miếng bánh tét màu tím, nếp dẻo, và cái vị ngọt của thịt, của hương thơm trứng muối như đọng trong đầu lưỡi. Nó khác với những đòn bánh tét đậu trắng, đậu đen nhân mỡ hành, nhân chuối theo kiểu truyền thống của người Việt.
Bánh tét từ lò Chín Cẩm, Tư Đẹp khá nổi tiếng, ngày thường bán ở chợ Xuân Khánh, An Thới, Mít Nài... nhiều du khách thập phương biết tiếng đều tới tận điểm bán hàng mua về làm quà.

2. Hủ tiếu khô Sa Đéc:

https://baomai.blogspot.com/

Hủ tiếu Sa Đéc trước nay được xếp vào hàng món ngon miền Nam, sánh ngang với hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho. Nhưng ẩm thực Sa Đéc có phần còn phong phú hơn, khi ngoài món hủ tiếu nước/khô, thì họ còn có thêm món hủ tiếu hấp, cũng thú vị không kém.

Bất ngờ đầu tiên là hủ tiếu được trình bày trong đĩa thay cho tô. Cọng bánh cũng to hơn bình thường và trắng ngà. Người ta để lên đó những tim, gan, và thịt heo xắt thành từng lát to che gần kín đĩa.

https://baomai.blogspot.com/

Món ăn trông hấp dẫn hơn nhờ một loại nước xốt màu vàng đậm được rưới lên trên, thoang thoảng mùi thơm. Đĩa hủ tiếu còn được tô điểm bằng vài cọng hẹ, cải xà lách xắt nhuyễn, và một ít hành phi. Nước dùng sền sệt, beo béo, và đậm đà quyện lấy từng sợi hủ tiếu vừa mềm vừa dai tạo một cảm giác thú vị đặc biệt.

Duy chỉ có điều với những ai không hảo ngọt và muốn thưởng thức món ăn ngon lành này, thì nên dặn trước chủ quán "đừng cho đường sống vào", vì vốn dĩ người dân Sa Đéc rất thích ăn ngọt. Chỉ cần điều nhỏ này thôi, bảo đảm món ăn sẽ không còn gì để chê.

3. Nem nướng Cái Răng:

https://baomai.blogspot.com/

Nem nướng thì vùng đất nào cũng có, nhưng mỗi nơi lại mang một hương vị, sắc thái riêng, gắn với con người và thổ nhưỡng nơi đó. Bên bờ kinh Cái Răng từ hơn nửa thế kỷ trước, đã nổi lên một đặc sản nem do chính tay người phụ nữ, mà dân trong vùng gọi là Tư Khem sáng tạo nên. Nem Cái Răng không chỉ nổi danh trong thời gian đó, mà lưu lại cho đến hôm nay, cho biết bao người khi đến vùng đất này phải tìm mà thưởng thức cho thỏa lòng.

Nem nướng Cái Răng ngon nhất vẫn là làm từ thịt lợn tươi, quết dẻo, rồi vo tròn nướng trên than hồng. Từng viên nem tròn trĩnh, xâu bởi thanh tre chuốt nhỏ, mướt rượt mỡ, vàng rượm do được nướng khéo. Tuốt nhẹ một cái, những viên nem đã nằm gọn trong đĩa, bên cạnh rê bánh hỏi trắng tinh, nhất là bánh hỏi Phong Điền thì không còn gì cho bằng.

https://baomai.blogspot.com/

Cũng như một vài món ăn khác, người phương Nam ưa dùng rau thơm gói bánh tráng. Món nem nướng Cái Răng lại càng cần rau thơm, chuối chát, dưa leo, dứa, khế... mà phải là loại khế chua thì mới thấm vị. Cầm một nửa chiếc bánh tráng nem mỏng tanh, gắp ít rau đặt thêm khoanh chuối chát, dứa, khế rồi để viên nem lên, cuốn lại, chấm vào chén tương xay đặc sệt. Tương xay vừa mịn, vừa ngọt thơm, rắc thêm nhúm đậu phộng và chút ớt đỏ mới nhìn đã thích mắt.  Ngoài món nước chấm bằng tương xay, thực khách có thể chấm cùng nước mắm chanh tỏi ớt pha thật khéo, thì ai một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên được.

Ngày nay, đến Cái Răng, mặc dù người tạo nên món ăn để đời này không còn, nhưng con cháu bà vẫn giữ lấy nghề. Hương vị không còn như xưa, nhưng đây vẫn là một món ăn du khách nên thưởng thức mỗi lần có dịp ngang qua.

4. Chuối nếp nướng:

https://baomai.blogspot.com/

Ở đâu thì người bán cũng nướng khoai, nướng chuối, nướng ngô theo cùng một kiểu, còn chuối nếp nướng lại khác. Sài Gòn thì trái chuối nếp thon dài, Mỹ Tho thì trái to bự ăn một quả là căng bụng, còn ở Cần Thơ, trái chuối nướng be bé, xinh xinh, không thon dài mà cũng không mập. Chuối nếp nướng ngon là những trái có màu nâu giòn của lớp nếp ngoài, màu trắng mềm của lớp nếp trong, màu vàng vừa chín tới của trái chuối không hề nhũn.

https://baomai.blogspot.com/

Trời mưa, cầm trái chuối nướng nóng vùi trong tấm lá chuối tươi vừa mua ở gánh hàng rong, vừa xuýt xoa thổi vừa cắn ngập hàm răng vào, vừa la ngon quá, là cũng đủ làm nên những phút giây hạnh phúc rồi. Không sơn hào hải vị, chỉ là thú ăn chơi, nhưng ăn một lần là ghiền luôn món chuối nướng thơm thảo mùi ruộng đồng dân dã này.

5. Ốc nước tiêu:

https://baomai.blogspot.com/

Ốc được luộc sơ cho rồi bỏ lên lửa than nướng, vừa nướng vừa bỏ nước mắm đã làm sẵn gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt… khi thấy nước bên trong con ốc sôi lên, hơi cạn xuống, thì cho vào đĩa lót rau răm thơm phức. Ốc nướng như vậy rất vừa ăn, hơi cay, vừa ngọt mặn, vừa giòn, ăn thịt rồi mà húp nước ốc cũng rất tuyệt.  Hoặc ốc được nướng tươi sống trong lúc nướng cho nước mắm, lại có vị chua cay gia vị vào, nướng cho đến khi hơi khét vỏ, thì mùi thơm của nó càng hấp dẫn hơn, khi ăn rất giòn.

6. Bánh cống:

https://baomai.blogspot.com/

Bánh cống là thứ bánh dân dã, đã rẻ lại ngon, ai đã ăn một lần không dễ quên đâu.  Người Cần Thơ xem bánh cống là thứ quà vặt nên chỉ để ăn vào buổi chiều hay tối, từ khoảng 16, 17h trở đi.

Cái cống để đổ bánh là một vật dụng nhỏ và sâu lòng, hình dáng tựa như cái phin cà phê, lại có tay cầm dài như cái muôi múc canh.  Thời xa xưa, nó được đẽo gọt từ thân cây tre, sau này người ta làm cống bằng nhôm để bánh to hơn, sử dụng lâu hỏng hơn.

Nguyên liệu chính để làm bánh là bột, đậu xanh, và tôm.  Bột pha chế qua nhiều công đoạn.  Ba phần gạo, một phần nếp, ngâm một đêm rồi xay mịn.  Sau khi lọc bột gạo nếp trong một túi vải cho ráo nước, người ta lại pha vào bột gạo nếp này một phần ba bột mì loại ngon, thêm nước, hành lá xắt nhỏ và gia vị. Hỗn hợp bột này không được lỏng như bột đổ bánh xèo. Có người còn cho thêm vào bột vài quả trứng gà cho thêm phần thơm ngon nữa.

https://baomai.blogspot.com/

Đậu xanh đãi vỏ cho sạch, nấu chín mà không nát. Thịt heo băm nhuyễn, xào chín, trộn chung với đậu xanh. Sau cùng cho vào chút muối, chút bột nêm. Tôm tươi rửa sạch, để ráo, cắt bớt chân và râu. Tôm không nên bỏ vỏ, vì lột vỏ đi chiên lên mất giòn.

Sau đó chuẩn bị chảo loại sâu lòng. Dầu ăn cho vào chảo phải đủ ngập một cái cống.  Chờ cho dầu sôi, người ta cho ít bột vào cống, sau đó cho vào một muỗng đậu xanh và thịt làm nhân bánh.  Đổ thêm trên nhân bánh một lớp bột. Sau cùng để lên đó một vài con tôm. Nhúng cống ngập trong dầu đang sôi riu riu trong chảo. Lửa nhỏ bánh mới giòn đều từ ngoài vào trong. Chờ bánh chín vàng rồi mới nhấc cống ra, khéo léo đổ bánh ra đĩa.

Bánh cống ăn với nước mắm chua ngọt, và các loại rau diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế… Chỉ nhìn đĩa bánh vàng ươm và rổ rau tươi xanh là đã muốn thưởng thức ngay. Mùi đậu xanh, mùi thịt, mùi tôm chiên trộn lẫn vào nhau thơm nức mũi, bát nước mắm lấm tấm hạt ớt, tép chanh, trong veo mấy cọng dưa chua đu đủ. Đúng là một món ăn phong phú về cả mùi vị và màu sắc.

7. Bánh tầm bì:

https://baomai.blogspot.com/

Hương vị bánh tầm bì ở Cần Thơ rất đặc biệt: bánh được hấp trong cái xững trên bếp than, nên luôn nóng hổi. Những sợi bì óng ánh tươm mỡ, thơm ngon.  Còn nước mắm thì vàng sóng sánh, trong vắt.  Cái vị béo của nước cốt dừa luôn hoà quyện vào những sợi bánh tầm trắng phau đi cùng rau, giá, dưa chua.  Còn nếu thêm chút xíu mỡ hành nữa thì quá lại tuyệt vời.  Một món ăn sáng vừa rẻ tiền, lại vừa giản dị.  Cho dù đi nơi đâu, hay là người Cần Thơ xa quê hương sẽ luôn nhớ về hương vị ấy.

8. Bánh hỏi - heo quay Phong Điền:

https://baomai.blogspot.com/

Đến vùng đất Cần Thơ, nếu có dịp ghé thăm Phong Điền với những vườn trái cây trĩu quả, tham gia tour dã ngoại một ngày tập làm nông dân với các hoạt động như: hái rau vườn, bơi thuyền, và giăng lưới bắt cá, khách phương xa đừng quên ghé Nhà vườn Minh Cảnh, thưởng thức bánh hỏi – heo quay ngon tuyệt do chính nhà vườn làm ra.

Bánh hỏi là món ăn được làm từ bột gạo, được ăn kèm với thịt heo quay, rau thơm và chấm nước mắm, nước tương chua cay ngọt. Người miền Nam ăn bánh hỏi có tẩm mỡ hành. Người dân miền Trung ăn bánh hỏi thoa dầu lạc, hoặc dầu dừa, trộn với lá hẹ xắt nhỏ. Những cuốn bánh hỏi trắng tinh, nhỏ xíu, ăn kèm rau sống, heo quay nóng hổi, chấm nước mắm chua ngọt ăn thiệt dễ ghiền.

9. Bánh xèo:

https://baomai.blogspot.com/

Ở miền Tây, người ta không gọi là “làm” bánh xèo mà là “đổ” bánh xèo.  Khi đổ, người ta múc một chén bột đổ vào một chảo gang nóng bừng, nghe “xèo” một tiếng, cái tên bánh "xèo" cũng có lẽ khởi nguồn từ âm thanh vui tai ấy mà ra ?

Loại bột để đổ bánh xèo là bột gạo pha nước cốt dừa, nghệ củ cho có màu vàng tươi, và một ít hành lá thái mỏng tạo màu xanh non nổi bật trên chiếc bánh vàng rộm sau khi đổ.

Khi lớp vỏ bánh gần chín, người ta mới tiếp tục cho nhân bánh vào. Nhân bánh thông thường gồm có: tôm, thịt, giá sống, củ sắn sống, nhưng cũng có những quán muốn tạo hương vị đặc biệt, lạ miệng lại cho thêm củ hủ dừa, và thịt vịt xiêm sắt sợi nhỏ nữa.

https://baomai.blogspot.com/

Cái hồn để làm nên mùi vị bánh xèo đặc trưng, không lẫn vào đâu được là ở phần nước chấm. Nước chấm phải được pha chế đúng kỹ thuật mới làm tôn hương vị của món ăn nóng sốt này. Chính vì vậy, mỗi người lại có một bí quyết làm nước chấm riêng.

Bánh xèo ăn kèm với nhiều loại rau như: cải bẹ xanh, xà lách, cùng các loại rau thơm. Cũng như bánh cống, ăn bánh xèo đúng điệu phải dùng tay chứ không dùng đũa đâu !

10. Lẩu bần Phù Sa:

https://baomai.blogspot.com/

Sự hấp dẫn của lẩu bần không chỉ nằm ở cái tên “trái bần” đồng quê dân dã, mà chính là hương vị rất đặc trưng của món ăn. Vị chua của lẩu bần rất thanh và dịu. Tinh tế một chút khi thưởng thức lẩu bần, người ăn còn cảm nhận ra mùi thơm dịu nhẹ của hương bần, gợi thương, gợi nhớ về “hương đồng gió nội” nữa.

Nồi lẩu ngon, phải dùng bần chín bởi bần sống sẽ làm cho nồi lẩu có vị chát. Cũng có thể biến tấu các loại thực phẩm chính để nấu lẩu bần. Tùy theo mùa, đó có thể là các loại cá da trơn như: cá tra, cá ba sa, cá ngát, hoặc cá điêu hồng... sang hơn nữa, khách có thể thưởng thức món lẩu bần nấu ba ba, cua đinh.

https://baomai.blogspot.com/

Vào mùa nước nổi, rau ăn kèm với lẩu bần ngoài bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng, và một số loại rau canh chua thông thường khác, khách còn được thưởng thức bông điên điển - một loại bông dân dã nên rất “hợp tình hợp cảnh”.

Đặc biệt là khách đến khu du lịch Phù Sa, có thể gọi món lẩu bần vào bất cứ mùa nào dù đó là mùa không có bần chín, bởi nhà bếp ở đây đã có cách chiết xuất nước cốt trái bần để phục vụ du khách quanh năm luôn.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao Tổng thống Ba Lan thăm Việt Nam?



https://baomai.blogspot.com/
https://baomai.blogspot.com/
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda

Ý kiến nói chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda "đã kết thúc tốt đẹp" nhưng cộng đồng người Việt ở Ba Lan sẽ có tương lai thế nào vẫn luôn là câu hỏi hóc búa.

Chuyến đi thăm viếng chính thức của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda ở Việt Nam đã kết thúc, theo như những miêu tả của báo chí Việt Nam. Còn phía Ba Lan nói chung và cộng đồng người Việt ở Ba Lan nói riêng đã đánh giá như thế nào về chuyến đi này?

https://baomai.blogspot.com/

Những ai quan tâm tình hình chính trị ở Ba Lan đều biết là quốc gia này có một nền kinh tế đang phát triển khá nhanh trong khối Liên minh Châu Âu, nhưng về chính trị thì lại đang có một số khó khăn và cụ thể là đang có một sự chia rẽ rõ rệt trong dân tộc Ba Lan. Đảng cầm quyền ở Ba Lan (mà Tổng thống đương thời của Ba Lan cũng là do đảng này dựng lên) đang có xu hướng muốn xây dựng quốc gia này trở thành một đất nước hùng mạnh, với tinh thần/chủ nghĩa dân tộc cao.

Vậy là họ có xu hướng không đồng tình với Liên Âu trong nhiều lĩnh vực. Nhưng các đảng đối lập ở Ba Lan thì vẫn muốn Ba Lan phải luôn luôn gắn bó chặt chẽ mọi quan hệ với Liên Âu, để cùng phát triển. Do vậy, khi Tổng thống cùng đoàn tùy tùng của mình và 65 doanh nghiệp Ba Lan sang Việt Nam tìm những mối quan hệ hợp tác mới, thì người ta cũng đã có đưa một số ý kiến có vẻ coi thường chuyến đi này, nhấn mạnh là tại sao Ba Lan không củng cố những mối quan hệ với những quốc gia hùng mạnh ở châu Âu là Đức và Pháp (đầu tầu của Liên Âu), mà lại đi tìm những người bạn mới, ở tận Việt Nam, Kazachstan hay Etiopia (ngoài những quốc gia này, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng đã có chuyến đi thăm Trung cộng).

https://baomai.blogspot.com/

Nói chung đa số người dân Ba Lan đều được biết là Việt Nam hiện nay đang có những bước chuyển đổi khá mạnh mẽ. Họ cho là Việt Nam đang trở thành một con hổ của Châu Á. Mặc dù nền chính trị của hai quốc gia vẫn hoàn toàn khác biệt, nhưng họ biết là Việt Nam cũng ngày càng thoáng mở, nhất và về vấn đề phát triển kinh tế, nhà nước Việt Nam ngày càng quan tâm đến sự phát triển của những công ty tư nhân loại nhỏ và vừa.

Do vậy Ba Lan cho là cần tận dụng mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trong quá khứ, để tìm cách xâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường các nước ASEAN ở Đông Nam Á, tức là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Ba Lan có thêm những thị trường mới để xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt khi họ biết là chỉ tính riêng Việt Nam, đây là một thị trường rất rộng lớn, với con số trên 90 triệu người tiêu dùng.

Do vậy, nói chung người ta cho rằng chuyến đi của Tổng thống sang Việt Nam là một bước đi đúng đắn. Nhiều hợp đồng hợp tác trực tiếp đã được ký kết, thí dụ như về lĩnh vực y dược: Tập đoàn Adamed sẽ đầu tư 50 triệu USD vào công ty dược khá lớn và đang phát triển nhanh nhất ở Việt Nam là Đạt Vi Phú. Tổng Giám đốc của Tập đoàn Adamed là bà Małgorzata Adamkiewicz và ông Giám đốc của Đạt Vi Phú là Phạm Tài Trường đều vui mừng là ngành dược ở Ba Lan và Việt Nam cũng sẽ được phát triển nhanh trong tương lai nhờ có sự hợp tác này.

https://baomai.blogspot.com/
Quầy bán món ăn Việt Nam tại khu thương mại Wólka Kosowska

Theo như Tổng cục Thống kê của Ba Lan cho biết, hiện nay quốc gia này xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu các mặt hàng nông nghiệp, chủ yếu là động vật và các sản phẩm từ động vật (đặc biệt là gia cầm), ngoài ra trong các mặt hàng xuất khẩu còn có nhiều sản phẩm ngành hóa học công nghiệp và ngành thiết bị vận chuyển. Do vậy người ta đang tò mò muốn biết là công ty của Ba Lan Wawrzaszek chuyên sản xuất xe cộ đặc biệt cùng các doanh nghiệp khác sang Việt Nam với những ý tưởng hay với những hợp đồng gì lớn cụ thể?

Ngoài những hợp đồng trực tiếp giữa các doanh nghiệp, Ba Lan còn cho Việt Nam vay 250 triệu USD, để Việt Nam đặt mua hàng hóa của Ba Lan.

Văn phòng đại diện Cơ quan Đầu tư và Thương mại Ba Lan đã được thành lập ở TP Hồ Chí Minh ắt hẳn sẽ là trung tâm giao dịch và là địa điểm để nhiều công ty của Ba Lan và cả của Việt Nam tìm đến để có thể phát triển những mối quan hệ hợp tác trong tương lai.

https://baomai.blogspot.com/ 

Ít ai biết rằng ở TP Hồ Chí Minh còn có một cộng đồng người Ba Lan đang sinh sống ở Việt Nam khá đông đảo với con số vài chục người, họ đã thành lập là Hiệp hội người Ba Lan sinh sống ở Việt Nam với tên gọi "Polonia Sajgońska". Chủ tịch Hiệp hội này, ông Maciej Ryczko đến từ công ty Polviet Business Solutions in Vietnam cũng rất vui mừng là trong tương lai, mối quan hệ giữa hai quốc gia cũng sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Chung sống

Một văn bản hợp tác quan trọng đã được ký kết trong lĩnh vực giáo dục, do vậy cả hai bên có hy vọng là sự trao đổi khoa học và giáo dục giữa hai quốc gia sẽ ngày càng được nâng cao. Trong chuyến thăm, Tổng thống Andrzej Duda đã trao tặng các huân chương công trạng của Ba Lan cho một vài cựu nhân viên ngoại giao và một số dịch giả Việt Nam Trong tương lai, ắt hẳn sẽ có nhiều sinh viên Việt Nam sang Ba Lan học tập, bởi vì dù sao chi phí cho công việc học tập ở Ba Lan vẫn không cao so với các quốc gia phương Tây khác, mà ở Ba Lan cũng có khá nhiều trường đại học uy tín, vậy bằng cấp mà sinh viên Việt Nam nhận được ở quốc gia này sẽ có giá trị không chỉ ở Châu Âu, mà khi về Việt nam cũng sẽ được đánh giá ngày càng tốt hơn.

Hiện nay các trường đại học có thể trực tiếp ký kết với nhau về vấn để trao đổi sinh viên. Có một điều thú vị nữa là ở trường Đại học Tổng hợp Adam Mickiewicz ở TP Poznań đang có ngành Việt Nam học (bộ môn nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt), sinh viên Ba Lan vẫn đang tích cực học tiếng Việt, với hy vọng là sẽ được sang Việt Nam thực tập, thậm chí sang tìm việc làm ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp ngành học này.

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan cũng vui mừng khi mối quan hệ giữa Việt Nam và Ba Lan sẽ ngày càng phát tiển tốt đẹp. Cộng đồng này chưa thể được coi là cộng đồng dân tộc thiểu số ở Ba Lan, nhưng đang được phía Ba Lan đánh giá khá cao. Người ta cho là người Việt đã có khá nhiều đóng góp vào sự đa sắc tộc cho xã hội Ba Lan. Người Việt cũng có nhiều đóng góp vào nền kinh tế Ba Lan, đặc biệt là về vấn đề ẩm thực, vì hiện nay đã có rất nhiều người dân Ba Lan biết đến các món ăn ngon của Việt Nam như là món nem, mà người Ba Lan đã quen gọi với cái tên sajgonki, tức là nem Sài Gòn. Ngoài ra, người Ba Lan cũng đã phát âm tốt khi muốn đặt ăn món phở (Việt), mà không cần phải có một tên gọi riêng bằng tiếng Ba Lan.

https://baomai.blogspot.com/
Ông Ngô Hoàng Minh (phải) trong một buổi sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam tại Ba Lan

Người Việt thế hệ thứ hai ở Ba Lan đã khá nổi tiếng là rất chăm chỉ học hành, nhiều cháu đã và đang đạt được thành tích cao trong học tập. Do vậy, mặc dù có một số người Ba Lan hiện nay có xu hướng bài trừ người nước ngoài, nhưng nói chung người ta cho là trong tương lai người Việt sẽ không gây ảnh hưởng gì đến họ, mà hai dân tộc này có thể cùng hòa đồng chung sống với nhau.

Tuy nhiên, về chính sách di dân nói chung, Ba Lan vẫn khá thận trọng, không muốn cho nhiều người nước ngoài xâm nhập vào xã hội này (người Ucraina sang Ba Lan sinh sống và làm việc rất đông đảo, cũng chỉ vì là nhiều người Ba Lan đã và đang đi ra nước ngoài sinh sống, do vậy thị trường lao động ở Ba Lan đang cần nhiều nhân công). Vậy có thể phỏng đoán là Ba Lan cũng không sẽ không có chính sách dễ dàng mở cửa cho người Việt ồ ạt chuyển sang quốc gia này sinh sống, mà ngược lại, người ta đang tìm cách thắt chặt mọi vấn đề liên quan đến người nước ngoài ở Ba Lan, trong vấn đề cấp thẻ cư trú ở Ba Lan (muốn được nhận thẻ định cư, sẽ cần phải thông thạo ngôn ngữ Ba Lan).

Chính quyền Ba Lan đang rất quan tâm đến chuyện các công ty và người nước ngoài có chấp hành những nguyên tắc chặt chẽ về thuế má hay vấn đề đóng bảo hiểm hưu trí và y tế ở Ba Lan hay không, do vậy những cuộc kiểm tra của các cơ quan liên ngành vẫn liên tục xảy ra ở những khu có nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc.

https://baomai.blogspot.com/
Nhiều người Việt Nam làm nghề buôn bán quần áo tại Ba Lan

Như vậy, một mặt Ba Lan muốn giữ gìn mối quan hệ hữu nghị và tăng cường và phát triển những hợp tác làm ăn với Việt Nam, mặt khác cuộc sống và chuyện làm ăn của người Việt ở Ba Lan ắt hẳn vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong tình hình mới hiện nay. Cộng đồng người Việt ở Ba Lan sẽ có một tương lai như thế nào, sẽ vẫn luôn là một câu hỏi khá hóc búa không chỉ cho những người Việt đang sinh sống ở đây, mà còn cho cả những người đang có dự định chuyển sang đất nước tươi đẹp này sinh sống.

Dù sao, người Việt đang sinh sống ở Ba Lan đã vài chục năm nay, vậy có thể nói là hai dân tộc đã khá hiểu biết về nhau, vậy tất cả chúng ta có thể luôn nghĩ lạc quan về tương lai và nhớ đến một thực tế là nói chung người Ba Lan khá hiền lành và thân thiện, ngoài ra khi họ tồn tại được và ngày càng phát triển ở đất nước này, thì ắt hẳn người Việt cũng sẽ làm được như vậy, nếu tất cả chúng ta cùng cố gắng... làm theo như người Ba Lan, trong mọi lĩnh vực. Vậy là chúng ta sẽ hòa nhập tốt, chứ không phải lo sợ là chúng ta sẽ bị hòa tan.




Ngô Hoàng Minh



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Helmut Kohl viết về sự kiện sụp đổ Bức tường Berlin


Nguồn: Helmut Kohl, The Fall of the Wall RevisitedProject Syndicate, 11/04/1999.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Tôi hay tin về sự sụp đổ của Bức Tường Berlin trong chuyến thăm chính thức Ba Lan cách đây mười năm. Tối ngày 09/11/1989, đoàn của tôi được Thủ tướng Tadeusz Mazowiecki mời tới bữa tiệc tại cung điện trước đây của Hoàng tử Radziwill. Trước khi tới bữa tiệc, Thư ký Văn phòng Thủ tướng, Rudolf Seiters, đã gọi từ Bonn. Ông nói với tôi rằng vị chủ tịch của chính quyền cộng sản Đông Berlin đã bất ngờ công bố các quy định tạm thời cho phép các cá nhân công dân được đi lại. Giấy phép thăm Tây Berlin sẽ được cấp cho tất cả các những người nộp đơn ngay cả khi xin gấp.
Chỉ bằng quyết định đơn giản đó, tôi biết rằng lịch sử nước Đức rồi sẽ sớm thay đổi, vì di chuyển dễ dàng tức là ai cũng có thể vượt qua Bức tường Berlin. Dù vậy thì ban đầu tôi cũng không nhìn thấy trước được những buổi lễ ăn mừng hoành tráng và vui vẻ sắp diễn ra ở Berlin.
Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi luôn tin rằng: vào một ngày nào đó trong tương lai nước Đức rồi sẽ lại thống nhất. Nhưng tôi chưa bao giờ dám mơ rằng cuộc hội ngộ của Đông và Tây Berlin lại xảy ra trong thời gian tôi làm Thủ tướng. Nhưng Mikhail Gorbachev, cùng chính sách cải tổ (perestroika) và công khai hóa (glasnost) của ông, đã làm cho thống nhất trở thành một khả năng thực sự. Nếu không có Gorbachev và lòng dũng cảm của ông ấy, chuỗi sự kiện trên khắp châu Âu vào mùa thu năm 1989 sẽ không bao giờ có thể xảy ra.
Vì khi Gorbachev lên nắm quyền, ngày càng có nhiều người ở Đông Đức trở nên lạc quan hơn và không còn quá sợ hãi chế độ đàn áp của mình. Họ nhận ra rằng, sau cùng thì, tình trạng hiện tại của Đông Đức không phải là mãi mãi, và rằng có thể đạt được sự thay đổi, thứ mà nhiều nhà bất đồng chính kiến dũng cảm và những người ủng hộ quyền dân sự bị mắc kẹt đằng sau Bức tường kia đã đòi hỏi từ rất lâu. Đối với tôi, cam kết của họ chống lại sự bất công của chế độ cộng sản là một trong những chương hay nhất trong lịch sử nước Đức.
Việc mở cửa biên giới Hungary vào mùa thu năm đó và việc công dân Đông Đức xin tị nạn tại các đại sứ quán Tây Đức ở Prague và Warsaw đã làm rúng động bộ máy cai trị cộng sản và Bộ An ninh Quốc gia (Stasi).[1] Nhưng vào đêm ngày 09/11, khi Bức tường Berlin và những vòng dây thép gai quấn quanh nó – vốn dĩ đã thất bại trong việc chia rẽ người Đức suốt nhiều thập niên – bắt đầu sụp đổ, thì sự sụp đổ của chính chế độ cộng sản cũng trở nên không thể đảo ngược. Chúng tôi đã bước vào một kỷ nguyên mới. Từ ngày đó, bánh xe của lịch sử đã quay nhanh hơn.
Khi tôi trở về từ bữa tiệc tối để xem tin tức từ Berlin trên truyền hình, tôi đã quyết định cắt ngắn chuyến thăm Warsaw của mình. Thật không dễ dàng để thuyết phục những vị chủ nhà của tôi rằng, tại thời điểm lịch sử đó, vị trí của Thủ tướng Đức chỉ có thể là ở thủ đô cũ của chúng tôi, giữa đám đông đang ăn mừng. Bản năng kêu gọi tôi về nhà càng được kích động bởi những hình ảnh vào đêm hôm sau, ngày 10/11, trong một cuộc biểu tình ở phía trước Tòa thị chính Berlin.
Một đám đông những người cánh tả cực đoan đã thành công khi ngăn cản những bản thánh ca Đức được hát bởi những người đang kỷ niệm sự sụp đổ của Bức tường. Tôi đã quyết tâm chỉ ra rằng những kẻ cực đoan không phải là đại diện của người dân Berlin! Ngược lại: hầu hết mọi người chỉ đơn giản đang muốn thể hiện niềm vui hân hoan. Họ khao khát thống nhất, công lý và tự do cho quê hương mình.
Vậy nên tôi đã bay về Berlin, nhưng trước khi phát biểu với đám đông từ lan can Tòa Thị chính Schoeneberg, tôi đã nhận được một cuộc gọi từ Mikhail Gorbachev. Nhà lãnh đạo Liên Xô yêu cầu tôi kiểm soát sự nhiệt tình của công chúng để ngăn ngừa hỗn loạn và đổ máu. Ông đã nhận được báo cáo rằng tình hình đang ngày càng mất kiểm soát. Ông muốn biết liệu có đúng là đám đông giận dữ đã tấn công các căn cứ quân sự của Liên Xô hay không.
Một nhân viên đã chuyển câu trả lời của tôi cho Gorbachev. Tôi đảm bảo rằng thông tin ông có là sai, và ông đã tin tôi. Cũng may là chúng tôi đã có dịp hiểu con người của nhau và đã tin tưởng lẫn nhau khi Gorbachev đến thăm Đức vào tháng 06/1989. Dù có những quan ngại khác nhau, ví dụ như về “vấn đề nước Đức,” nhưng đối với cả hai chúng tôi, “hòa bình” không chỉ là một từ mà là một nhu cầu cơ bản cần thiết.
Sau đó, Gorbachev nói với tôi rằng ông đã nhận được thông tin sai lệch một cách có chủ ý, bởi những người phản đối cải cách, những người muốn quân đội Liên Xô ở Đông Đức can thiệp. Cho đến hôm nay, tôi vẫn cảm ơn Gorbachev vì đã chọn không nghe theo những lời kích động ấy, mà lắng nghe các lập luận của tôi. Khi phải lựa chọn hoặc để yên những xe tăng trong doanh trại hoặc đưa chúng ra đường phố, ông đã chọn hòa bình, và sau đó, với rất nhiều can đảm, chấp nhận thực tế mới mà người dân ở Đông Đức đã tạo ra. Vì tầm nhìn và lòng dũng cảm của mình, người ta có thể đặt tin tưởng vào Gorbachev.
Sau ngày 09/11, quá trình ngày càng trở nên mạnh mẽ. Trong thời gian ngắn không thể tin được, chỉ có mười một tháng, nước Đức thống nhất đã trở thành thực tế. Đối với tôi, đó là một giấc mơ có thật. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được hai nghĩa vụ mạnh mẽ cho tương lai. Nghĩa vụ thứ nhất là một cam kết có thể được mô tả đơn giản bằng hình ảnh nước Đức và châu Âu như hai mặt của cùng một đồng xu. Cái này sẽ không thể tồn tại nếu không có cái kia. Tôi cũng đã trình bày nghĩa vụ còn lại bằng cách nói về sự cần thiết của việc tạo ra “những phong cảnh nở rộ”[2] ở miền Đông nước Đức.
Cả hai đều là những nhiệm vụ khổng lồ và khó khăn. Trong mười năm kể từ khi Bức tường sụp đổ, tôi tin rằng cả hai mục tiêu, dù không hoàn toàn, nhưng đều đã đạt được một cách căn bản. Nước Đức thống nhất có một cam kết mạnh mẽ đối với cả châu Âu và Liên minh Xuyên Đại Tây Dương. Đối với các bang mới của Đức, cả quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ và một xã hội tự do, lẫn những thay đổi cơ cấu đối với nền kinh tế cộng sản cũ, đều đã thành công, mặc dù những nhiệm vụ này chắc chắn đòi hỏi năng lượng và công lao của nhiều thế hệ trước khi chúng hoàn toàn hoàn thành. Quan trọng nhất, người Đức ngày nay đã một lần nữa coi mình là người dân cùng một nước. Với sự trợ giúp của các chính sách lành mạnh, chúng tôi đã sẵn sàng trên tư cách một xã hội hiện đại để vươn lên trong tương lai.
Helmut Kohl là Thủ tướng Đức từ 1982 đến 1998. Ông vừa qua đời ngày 16/06/2017.
—————–
[1] Bộ An ninh Quốc gia (Ministerium für Staatssicherheit, MfS), thường được biết đến là Stasi (viết tắt tiếng Đức: Staatssicherheit, nghĩa là An ninh Quốc gia), là cơ quan tình báo nội vụ và hải ngoại của Cộng hoà Dân chủ Đức (hay còn gọi là Đông Đức). Nguồn: Wikipedia
[2] Vào ngày nước Đức thống nhất, Thủ tướng Helmut Kohl đã kêu gọi các công dân Cộng hoà liên bang thể hiện tình đoàn kết với đồng bào phương Đông, đồng thời cam kết sẽ tạo ra “những phong cảnh nở rộ” (blooming landscape) – ý chỉ một nền kinh tế thịnh vượng – nhằm cải thiện nhanh chóng điều kiện sống ở Đông Đức. Nguồn: German History

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Guy Fawkes: Bộ mặt của biểu tình hậu hiện đại


20141108_blp506
Biên dịch: Lê Hoàng Giang
Vào ngày 5/11 hàng năm, người Anh trên khắp mọi miền đất nước sẽ thắp sáng lửa hội và bắn pháo hoa kỷ niệm ngày Guy Fawkes, một kẻ khủng bố theo Công Giáo La Mã từ Thế kỷ 17, bị hành hình. Nhưng gần đây, các nhà hoạt động đã biến ngày này thành một dịp dành cho biểu tình quy mô lớn. Anonymous, một nhóm “hacktivist” (các tin tặc kiêm nhà hoạt động vì mục đích chính trị, xã hội…) đang khuyến khích mọi người tuần hành chống đối chính phủ của họ. Nhánh London của phong trào “tuần hành của hàng triệu chiếc mặt nạ” này sẽ tập trung bên ngoài Tòa nhà Quốc hội, nhiều người trong đó sẽ đeo mặt nạ có hình khuôn mặt Guy Fawkes đang nhoẻn miệng cười. Vậy làm thế nào Guy Fawkes lại trở thành khuôn mặt đại diện cho biểu tình trong thời kỳ hậu hiện đại?
Năm 1605, Fawkes đang là thành viên của một tổ chức Công giáo La Mã có âm mưu cho nổ tung Thượng viện Anh vào đúng dịp khai mạc Quốc hội. “Âm mưu Thuốc súng” (Gunpower plot) được thực hiện nhằm ám sát Vua James I, một tín đồ Tin Lành, và đưa con gái của ông khi đó mới 9 tuổi lên ngôi và trở thành một quân vương theo Công giáo. Nhưng Nhà Vua đã được báo lại về toàn bộ kế hoạch ám sát thông qua một lá thư nặc danh.
Fawkes sau đó đã bị bắt quả tang trong tầng hầm Tòa nhà Quốc hội cùng với 36 thùng thuốc súng. Ông ta đã bị tra tấn, và tất cả những kẻ cùng lên âm mưu đều đã bị khép tội mưu phản vào Tháng Một năm 1606. Chính phủ khi đó đã trừng trị vô cùng nặng tay những kẻ âm mưu ám sát nhằm răn đe những âm mưu khủng bố trong tương lai. Truyền thống thắp lửa hội và thiêu hình nhân Guy Fawkes đã được bắt đầu không lâu sau khi âm mưu thất bại, và đến tận bây giờ trẻ em vẫn còn thuộc lòng những vần điệu ma quái “Remember, remember the fifth of November” (“Hãy nhớ lấy, hãy nhớ lấy ngày mùng năm tháng Mười Một”).
Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, hai tác giả tiểu thuyết truyện tranh Alan Moore và David Lloyd đã cho ra đời tác phẩm truyện tranh, “V for Vendetta” (“V báo thù”), trong đó nhân vật chính là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ mặc áo choàng, đeo mặt nạ gương mặt nhoẻn cười của Guy Fawkes trong khi chiến đấu chống lại một nhà nước độc tài chuyên chế phát-xít. Các tác giả muốn tôn vinh Guy Fawkes bằng cách biến ông ta thành một hình tượng phản anh hùng trong thời kỳ hiện đại.
Năm 2006, cuốn truyện tranh gốc được chuyển thể thành phim, và mặc dù bộ phim khác với tác phẩm gốc theo một số cách, chiếc mặt nạ của nhân vật “V” vẫn là một chuyển thể trung thành với hình ảnh cách điệu từ trong cuốn truyện. Những chiếc mặt nạ để kỷ niệm ngày bộ phim ra mắt đã được phân phát cho người hâm mộ và được đem bán trên mạng.
Hai năm sau, vào Tháng Một năm 2008, Anonymous đã triển khai “Chiến dịch Chanology” – một đợt tấn công có tổ chức nhằm vào trang web của Giáo hội Khoa Luận giáo (Scientology) mà họ cho là đã có hành động kiểm duyệt thông tin.
Điều 17 trong Quy tắc Hành xử của Anonymous, được phát cho những người tham gia vào trước “cuộc biểu tình công khai thực sự ngoài đời đầu tiên” của nhóm vào Tháng Hai năm 2008 viết: “Hãy che mặt các bạn. Như vậy các bạn sẽ không bị nhận diện từ video mà các thế lực thù địch ghi lại”.
Với những người chọn cách đeo mặt nạ, quyết định là rất đơn giản: lấy cảm hứng từ cảnh cuối cùng trong bộ phim khi đám đông người đeo mặt nạ Guy Fawkes tập trung ở phía ngoài và chứng kiến Tòa nhà Quốc hội bị nổ tung, chiếc mặt nạ “V for Vendetta” chính là thứ vật che mặt mà Anonymous cần đến.
Kể từ đó, chiếc mặt nạ đã được sử dụng bởi phong trào Occupy (“Chiếm lĩnh”), và Julian Assange – người sáng lập WikiLeaks – cũng đã đeo một chiếc mặt nạ Guy Fawkes. Chiếc mặt nạ này cũng đã trở thành một điểm thường thấy trong nhiều cuộc biểu tình. Ông Lloyd đã gọi chiếc mặt nạ là “một biểu trưng thuận tiện để dùng chống lại bạo quyền… thật là độc đáo khi một biểu tượng của văn hóa đại chúng lại được sử dụng như vậy”.
Dù những chiếc mặt nạ chính thức từ bộ phim vẫn được bán trên mạng, phần lớn người biểu tình vẫn chọn cách tự in hoặc vẽ mặt nạ của riêng mình. Và kể từ năm 1485 cho đến tận ngày hôm nay, đội cận vệ của hoàng gia Anh (Yeomen of the Guard) vẫn thường xuyên lục soát kỹ tầng hầm Điện Westminster  trước mỗi dịp khai mạc Quốc hội. Trên nhiều khía cạnh, tinh thần của Guy Fawkes vẫn còn trường tồn.
Biên tập: Lê Hồng Hiệp | Bản gốc tiếng Anh: The Economist

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Luôn nhìn thấy lỗi lầm ở người khác: Nỗi bất hạnh lớn lao của những cái đầu chứa đầy thành kiến

mnm-03-1504710019649

“Cách mà chúng ta nhìn người khác, thực chất là đang phản ánh nội tâm của chính mình. Một người đang túng thiếu sẽ thấy khó chịu với những ai dư giả. Một người sân hận sẽ luôn thấy người khác công kích và chọc tức mình. Một người không thành thật sẽ thấy mọi người đầy giả trá. Tất cả những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực đó, đều khởi sinh từ một tâm thức thiếu bình an. Nên điều mà chúng ta cần làm, là quay trở vào bên trong để nuôi nưỡng mảnh đất tâm mình vốn đang ngập đầy giông bão.”
Cuộc đời này ngắn lắm, chúng ta không thể quyết định được chiều dài của sinh mệnh, nhưng có thể tùy ý sử dụng chiều sâu của sinh mệnh, nhìn thế giới một cách thông suốt, giữ cho tâm không phê phán, hơn thua.
Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi.
“Tấm vải bẩn thật” – Cô vợ thốt lên. “Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người chồng nhìn cảnh ấy nhưng vẫn lặng im. Thế là, vẫn cứ lời bình phẩm ấy thốt ra từ miệng cô vợ mỗi ngày, sau khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân.
Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: “Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?”
Người chồng đáp: “Không. Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.
Thực ra mỗi người trong chúng ta, ai cũng đều giống như cô vợ trong câu truyện kia. Chúng ta đang nhìn đời, nhìn người qua lăng kính loang lổ những vệt màu của cảm xúc, bám dày lớp bụi bặm của thành kiến và những kinh nghiệm thương đau. Chúng ta trở nên phán xét, bực dọc và bất an trước những gì mà tự mình cho là “lỗi lầm của người khác”.
Một điều dễ nhận diện là khi tâm trạng vui vẻ, chúng ta nhìn ai cũng thấy dễ chịu, gặp chuyện gì cũng dễ thứ tha. Chúng ta có thể mỉm cười trước những trò nghịch ngợm của lũ trẻ, đủ khoan thứ để nhẫn nại một lời nói khó nghe, những chuyện tưởng chừng khó chấp nhận, thì chúng ta cũng dễ dàng thỏa hiệp. Những lúc ấy, dường như cả thế giới đều trở nên hòa ái, mọi chuyện trôi qua một cách nhẹ nhàng.
Vậy mà, chỉ cần một chút lo lắng dâng lên trong lòng, những muộn phiền về quá khứ, nỗi sợ hãi về tương lai sẽ lập tức khiến cho cái thế giới vốn đang đẹp đẽ nhường kia liền biến thành một chốn đầy những chuyện xấu xa, phiền phức. Khi ấy những tiếng hò hét cười đùa của lũ trẻ sẽ trở thành những âm thanh khó chịu, một lời nói không vừa ý dễ dàng khiến cho ta sân giận hoặc tổn thương, những chuyện nhỏ mà lúc bình thường không đáng bận tâm, bỗng trở thành một nỗi phiền não quá sức chịu đựng.
Kỳ thực, không phải là thế giới có vấn đề, hay người khác quá sai quấy, mà vấn đề nằm chính ngay nơi tâm ta. Khi nhìn đời bằng cái tâm có vấn đề, mang đầy những cảm xúc và thành kiến tiêu cực, thì chúng ta thấy ai cũng thành sai quấy, đụng chuyện gì cũng hóa tổn thương.
Chúng ta luôn có hai xu hướng: nhìn những thứ mình thích, những người mình thương với cặp mắt kính màu hồng, và ngược lại, nhìn những việc mình không muốn, những người mình không ưa bằng chiếc kính tiêu cực màu đen.
Do thói quen phóng đại mọi ưu điểm của những người mình thích, họ trở nên quá lung linh, quá tuyệt vời trong cảm nhận của chúng ta. Mỗi lời họ nói, mỗi việc họ làm đều khiến chúng ta xem là chân lý, ngay cả lúc họ sai, chúng ta cũng khó lòng nhìn nhận cho thông suốt. Ví như những cặp đôi khi mới yêu nhau, thì riêng đối với họ, đối phương luôn đẹp đẽ, dễ thương và toàn ưu điểm. Nếu chẳng may phát hiện đối phương làm chuyện không tốt, thì chúng ta vẫn thừa khả năng và đủ lý lẽ để tự huyễn hoặc bản thân rằng họ không sai.
Hẳn nhiên, chính do cặp mắt kính màu hồng đã khiến cho cách nhìn của chúng ta hóa ra lệch lạc, chúng ta không thấy được mọi người đúng với bản chất chân thực như họ vốn là. Để rồi khi sự yêu thích bên trong mình giảm sút đi, thì hình tượng trong lòng cũng theo đó mà sụp đổ. Chúng ta nhìn ra ở đối phương ngày càng nhiều lỗi lầm và khuyết điểm, chúng ta trở nên hoang mang đau khổ, đến nỗi hoài nghi ngay cả chính bản thân mình.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với những người bị chúng ta coi thường, chỉ trích. Chúng ta xé to những sai lầm của họ, đi rêu rao những khuyết điểm mà chúng ta cho rằng thật khó chấp nhận làm sao. Rồi đến một lúc nào đó những người mà trong tâm trí ta vẫn xem như kẻ thù, lại sẵn sàng giúp đỡ và tử tế, thì liệu chúng ta có thể xem như không chút hổ thẹn với lương tâm?
Khi nói lỗi ở người khác, chúng ta vô tình truyền sang người nghe những cảm xúc tiêu cực, bất an. Dòng tâm thức của chúng ta cũng trở nên lộn xộn, đầy những rắc rối y như câu chuyện mà mình đang kể. Theo đó, ấn tượng mà ta để lại trong lòng những người khác chỉ là những cảm giác tiêu cực, để rồi một cách rất tự nhiên, họ sẽ áp dụng đúng sự phê phán, soi xét đó trở lại cho ta.
Hai thái cực nói trên, kể cả việc phóng đại những điều mình thích và phản ứng kịch liệt với điều mình không ưa, tựu chung đều là những cách nhìn thế giới còn chưa đúng đắn. Nên chăng, chúng ta hãy dùng cặp mắt sáng suốt của trí tuệ, dùng tâm thái thiện lương để nhìn nhận cuộc đời.
Thời gian đã khiến cho chúng ta mất đi cái nhìn trong sáng về thế giới, đánh mất những rung cảm hạnh phúc trước cuộc sống vốn đầy màu nhiệm và bình an. Chúng ta không có lúc nào dừng lại để chăm sóc chính mình, mà cứ mải chạy rong ruổi theo những suy nghĩ đúng sai, phải quấy về cuộc đời và về người khác.
Xét cho cùng, lỗi lầm dù của ai đi chăng nữa, vốn chẳng hề ảnh hưởng đến tư cách và phẩm chất của chúng ta. Nó chắc chắn không làm cho chúng ta trở nên đẹp đẽ gì hơn khi phê phán người khác. Mà chính thái độ tiêu cực, thói quen chỉ trích mới khiến chúng ta mắc lỗi với bản thân mình và xấu đi trong mắt của mọi người.
Tìm lỗi của người khác, là tự đem rác rưởi của họ về cất trong nhà. Mỗi phút chúng ta để tâm đến chuyện không tốt, thì mất đi một phút vui vẻ không thể lấy lại. Cuộc đời này ngắn lắm, sẽ chẳng ai có khả năng và trách nghiệm níu giữ cho ta những thời khắc sinh mệnh đang vùn vụt trôi qua. Vậy chúng ta có còn muốn phí hoài cuộc sống để đi phán xét những sai lầm của người khác?
Cách mà chúng ta nhìn người khác, thực chất là đang phản ánh nội tâm của chính mình. Một người đang túng thiếu sẽ thấy khó chịu với những ai dư giả. Một người sân hận sẽ luôn thấy người khác công kích và chọc tức mình. Một người không thành thật sẽ thấy mọi người đầy giả trá. Tất cả những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực đó, đều khởi sinh từ một tâm thức thiếu bình an. Nên điều mà chúng ta cần làm, là quay trở vào bên trong để nuôi nưỡng mảnh đất tâm mình vốn đang ngập đầy giông bão.
Bao nhiêu người trong số chúng ta vẫn đang hằng ao ước có được “một vé đi tuổi thơ”? Đã bao lâu rồi chúng ta không thể nở một nụ cười trọn vẹn? Chúng ta ao ước có được chút hồn nhiên, trong trẻo như trẻ nhỏ, để có thể dễ dàng hạnh phúc và dễ dàng thứ tha.
Nhưng tại ai đã làm cho chúng ta ngày càng trở nên khô cằn, nóng nảy và bất hạnh? Tại ai đã khiến chúng ta luôn cô đơn, lạc lõng ngay chính trong gia đình mình, giữa bạn bè mình và bên cạnh tám tỷ người trên trái đất này?
Là do chúng ta cố chấp mà đeo lên những cặp kính đầy phiền não, những cặp kính sai lầm ngăn cách chúng ta với hạnh phúc hiện tiền. Chỉ cần một lúc nào đó đủ dũng cảm tháo bỏ cặp kính ấy đi, thì cuộc đời sẽ hiện ra tươi mới, thế giới sẽ là chỗ để chúng ta trải nghiệm phúc lạc đủ đầy.
Nguồn: Trí thức trẻ

Phần nhận xét hiển thị trên trang