Xin chia xẻ cùng các bạn một đoản văn khác của Duyên Anh, cũng viết cho một chương trình nhạc của Thúy Nga [tôi đoán là] 1989. Trong đoản văn này, Duyên Anh viết về Sài Gòn, Hà Nội, Huế, và Đà Lạt. Mỗi nơi, Duyên Anh trích dẫn những nét tiêu biểu thời sau 1975. Có cả thi sĩ hoàng tộc Tôn Nữ Thu Hồng nữa (ai còn nhớ đến thi sĩ này?) Tôi đoán rằng những cô gái Huế đọc đoản văn này chắc ... thích lắm, vì có những câu "nịnh" Huế hay lắm.
Duyên Anh tự viết tiểu sử mình như sau: “Học lực: Trung học. Kiến thức văn hóa: Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng. Chạy giặc Tây về quê 1946. Hồi cư: 1951. Di cư vào Sài Gòn 1954. Vào tù ra khám: 1976-1981. Vượt biển: 1983. Cổ tích Việt Nam yêu nhất: Thạch Sanh.”
Hình: Nhà văn Duyên Anh (1935-1997). (Hình của Nhà văn Viên Linh)
"Hãy nhìn cái nôi tình tự quê hương. Kể từ 1975, người quê hương ta khắc khoải rời xa tình tự đi về đâu chẳng biết. Năm hướng biển, năm cõi chết. May mắn cho người Việt Nam còn sống để được ngoại nhân phong thần thánh là "thuyền nhân". Thoát cái, đã xa xứ 14 năm. Và, mỗi năm danh từ "thuyền nhân" bám bụi, mù khơi dần dần, để 14 năm sau ai còn nhớ mình vượt biển, mình đói khổ, mình cay đắng, mình rời rã. Nhưng đói khổ, cay đắng, rời rã không còn ở hôm nay nữa. Thuyền nhân vinh quanh đã tự làm cho quê hương cái hảo mùi che lấp đời người. Thế thì họ nghĩ gì nhỉ? Họ nghĩ đến cái nôi tình tự quê hương. Nhất định thế. Họ thèm mùi khói đất Việt Nam, ngửi thấy được ở bất cứ không gian và thời gian nào. Cứ như thuyền nhân nọ đến bãi bờ tự do, nhưng anh vẫn ngồi hiu hắt ở đầu cầu để anh hướng tâm hồn về quê hương.
Khép mắt lại. Sài Gòn được quên đi. Không đâu. Một thành phố anh thuyền nhân đã sống trọn vẹn thời thơ ấu, thời thanh niên không làm sao quên được. Anh nhắm mắt tức là mở mắt. Sài Gòn bây giờ còn giản dị lắm. Nhưng bất cứ cái vẻ giản dị nào của Sài Gòn cũng dễ thương cả. Anh đang nhớ Sài Gòn thì chợt bà mẹ ốm đau thức tĩnh trong lòng mắt. Mẹ anh? Không. Mẹ chúng ta đang lõm bõm nhặt những mảnh vụn của chiến tranh để lại và chào mừng cách mạng bằng những tan nát Sài Gòn đã chìm, lại đau chịu. Bố chúng ta cũng thoáng hiện, nhìn vào những cánh cửa khóa ngoài thương tiếp người ra đi và buồn quá hôm nay họ ở đâu.
Trở về thuở xa xôi một chút. Một chút của lịch sử mà đã 21 năm. Hai mươi mốt năm tính từ 1954. Và, tính đến 1989 thì lịch sử vụt qua nhẹ nhàng 35 năm. Trong cái một chút của lịch sử, tâm hồn ta là nặng trĩu, ngổn ngang những kỉ niệm vui buồn. Kỉ niệm buồn ta khó quên. Ta cũng có một lần vượt biển từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Tưởng thế là chờ đợi ngày về giải phóng quê hương. Cho nên, những bước chân ta đi thật mạnh trên đường di tản. Rồi ta hướng mắt về Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn vật. Ta hướng về và ta thở dài thương xót thủ đô nghèo nàn của ta. Ngàn năm văn vật thời nào nhỉ? Có lẽ thời của anh hùng liệt nữ. Bây giờ họ chết cả rồi. Đất ngàn năm văn vật biến thành đất tàn mạt. Nhưng người thời nay vẫn không ngần ngại hét vang Hà Nội: thủ đô của phẩm cách con người. Hà Nội đang lọt vào trong mắt ta là Hà Nội 1954. Hà Nội 1954 đã chán nản, mưu sinh. Nó không thay đổi gì cả mà càng ngày khôi hài cái ý nghĩa phẩm cách của con người. Có chăng vẫn còn giáo hội thầm lặng rảo bước hôm qua, rảo bước hôm nay và rảo bước mãi mãi.
Ta trở về thăm xứ Huế của ta. Với ta, Huế là vẻ đẹp muôn màu. Đôi khi ta lãng mạn cực độ. Ấy là, lúc ta tương tư Huế và ta bàng hoàng nhớ người thơ Huế ngày xưa. Nàng tên là gì, ta cũng chẳng nhớ nữa. Nàng hay nhiều hay vừa thôi. Điều đó không cần thiết. Cái cần thiết là nàng muốn làm con gái. Con gái như đóa hoa nở trên cành, chẳng rụng, chẳng héo. Ồ, ta tưởng đã quên tên nàng rồi. Muốn quên một tên tuổi đã hiên ngang đi vào lòng ta không dễ gì. Nàng ấy, người thơ ấy: Tôn Nữ Thu Hồng. "Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái / Hoa nồng hương, mà trái lắm khi chua." Nàng Thu Hồng chỉ mơ ước hãy là hoa. Giấc mơ của nàng là muôn đời đẹp, muôn đời thơ. Ta thích hoa nồng hương và ghét trái chua. Cho nên người ta bảo yêu gái Huế là nhất. Nhưng lấy gái Huế thì không nên. Vì vậy, yêu gái Huế ta cứ tưởng ta là Hàn Mặc Tử. "Học trò trong Quảng ra thi / thấy cô gái Huế chân đi không rời." Và, hãy yêu tha thiết. Nhưng yêu đương như Xuân Diệu: "Không gian như có dây tơ / Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu." Ta yêu gái Huế vì cảnh trí không bao giờ thay đổi. Huế thay Việt giữ lại cái phần lịch sử của dân tộc mình. Ôi, dân tộc ta, nếu người nào cũng tự hào về Huế, tự hào về đủ phương diện. Người dân xứ Huế trải qua các triều đại xa cách người ngoại quốc, mới thấy rằng người Việt Nam nguyên vẹn. Chỉ có dân Huế, giàu và nghèo, và ta rất hãnh diện về thăm lại xứ Huế của ta.
Rất vội vàng ta trở về Đà Lạt. Những khung cảnh thần tiên của nó. Nhạc đã thừa ca ngợi. Thơ đã thừa bồng bế. Ta còn biết nói gì thêm nữa. À, còn một gã thi sĩ đã định nghĩa tình yêu ở Đà Lạt. Ai đã nghe định nghĩa đó chưa? Hàn Mặc Tử đó. Hàn Mặc Tử bước chân đến chỗ nào là chỗ ấy thành bất hủ. Một thời xa xôi lắm, Hàn Mặc Tử tới Đà Lạt, ngồi suốt đêm bên bờ hồ Xuân Hương, và nghĩ dùm anh, dùm tôi, dùm em một bài học về yêu đương. Nhưng Hàn Mặc Tử đã nghĩ về yêu đương như thế nào? Trong Đà Lạt Trăng Mờ, Xuân Diệu đã nghĩ về tình yêu trước Hàn Mặc Tử kia. Hãy nghe Xuân Diệu kể: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu / Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều / Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt / Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu." Hàn Mặc Tử không chịu Xuân Diệu. Khi một thi sĩ nói về tình yêu: tưởng chim đã ngưng hót, tưởng lá đã ngừng bay, vì tình yêu ngây ngất lắm. Thế mà, cần nói tình yêu như thế nào, anh là thi sĩ, anh lại "làm sao cắt nghĩa được tình yêu"! Hàn Mặc Tử khó chịu quá, nhấn bút sáng tạo thi ca: "Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều / Để nghe dưới đáy, nước hồ reo / Để nghe tơ liễu run trong gió / Và để nghe Trời giảng nghĩa yêu." Thôi thì ta hãy nghe lời Hàn Mặc Tử khi ta nhớ quê hương. Đà Lạt là nơi ta gửi hồn về, lắng tai nghe Trời giảng nghĩa yêu."
Duyên Anh
Phần nhận xét hiển thị trên trang