Đó là đêm thứ ba của chúng tôi trên chuyến tàu liên vận Trans-Siberian Express, chạy vào trung tuần tháng Bảy, và chúng tôi đã bắt đầu quen dần với cái nóng. Những toa tàu thời tiền sử không có điều hòa nhiệt độ, cũng chẳng có vòi tắm hoa sen.
Dennis chồng tôi, không biết chữ tiếng Nga nào, bị bỏ mặc tiêu khiển một mình với chiếc máy quay camera mới, nhưng tôi thì may mắn hơn - tôi có thể nghe được những đoạn chuyện trò xung quanh.
Trong lúc tôi đứng ở lối hành lang chật hẹp trên tàu chờ đến lượt được dùng nhà tắm, có hai người đàn ông trung niên người Nga xếp hàng ngay phía trước tôi tranh luận nảy lửa về đoàn tàu chở kho báu khét tiếng từng chạy trên chính tuyến đường ray này hồi một thế kỷ trước.
"Vàng được chôn trong khu rừng ngay kia," một trong hai người nói, chỉ ngón tay ra phía bình nguyên Siberia rộng mênh mông bên ngoài cửa sổ. "Những kẻ canh gác đã nhân cơ hội trộm mất một mớ."
"Không, vàng đã rơi xuống [Hồ] Baikal! Cho nên giờ mới không ai tìm thấy vết tích gì."
Họ tranh cãi về một trong những huyền thoại bí ẩn nhất của Nga: kho vàng dự trữ của gia đình Sa hoàng Nicholas II, mà một phần lớn đã biến mất trong cuộc Cách mạng Nga hồi 100 năm trước.
Câu chuyện là một phần lý do khiến chúng tôi có mặt trên chuyến tàu này, cho nên tôi không thể bỏ lỡ cơ hội bắt chuyện với họ. "Chẳng phải các sử gia đã đồng ý rằng toàn bộ số vàng đã được tìm thấy, được kiểm kê sao?" tôi hỏi. "Tôi đọc được như vậy từ cuốn sách của Sergey Volkov, cuốn Bóng ma đoàn tàu chở vàng của Kolchak (The Ghost of Kolchak's Gold Train)."
Người đàn ông đứng phía đầu hàng cười lớn. "Vâng, phải. Chúng ta luôn tin vào những gì đọc được trong sách vở."
Cửa buồng tắm mở và một người phụ nữ lớn tuổi chen qua chúng tôi. Người đàn ông bước vào, nhưng trước khi đóng cửa, ông thò đầu ra ngoài và hạ cố nói với tôi, "Ai cũng có thể viết bất kỳ điều gì trong một cuốn sách nào đó. Nếu chị muốn biết câu chuyện thực sự thì chị cần phải lắng nghe thiên hạ."
Gia đình tôi chuyển từ Nga tới New York City gần 30 năm về trước, nhưng tôi vẫn bị ám ảnh về câu chuyện bí hiểm liên quan tới kho vàng bị mất của Sa hoàng.
Một trăm năm trước, hành trình đi từ Kazan tới Siberia bằng tàu hỏa phải mất tới hàng tháng.
Trước Đại chiến Thế giới I, Nga sở hữu kho dự trữ vàng lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Pháp. Khi chiến tranh nỗ ra, lực lượng ủng hộ Sa Hoàng, Bạch Vệ, đã chuyển gần 500 tấn vàng từ thủ đô St Petersburg, nơi họ cho là quá gần với biên giới phía tây của Nga, nơi khó có thể đảm bảo an toàn cho khối tài sản này, tới Kazan, quê hương tôi, một thành phố thương mại lớn nằm trên tuyến hỏa xa Trans-Siberia, cách Moscow chừng 640km về phía đông.
Lực lượng Hồng Quân của Bolshevik do Vladimir Lenin và vị chỉ huy Leon Trotsky lãnh đạo đã bao vây Kazan nhằm cướp kho báu từ tay binh lính của Sa Hoàng. Phe nào nắm được khối vàng là sẽ có đủ tiền để chi trả cho binh lính và cho việc trang bị vũ khí, và do đó sẽ có cơ thắng trong cuộc cách mạng.
Vào mùa hè 1918, sau cuộc giao tranh cay nghiệt với Bạch Vệ, Trotsky và phe Bolshevik chiếm được Kazan. Nhưng khi binh lính Hồng Quân chiến thắng tiến vào những bậc thềm của Ngân hàng Kazan, họ phát hiện ra là các kho chứa đã rỗng không. Kho báu đã trên đường được chuyển tới Siberia, nơi mà phe cách mạng vẫn chưa nắm được quyền kiểm soát. Trotsky lập tức chuẩn bị một chuyến tàu hỏa và lên đường đuổi theo.
Vốn đã chuẩn bị tinh thần cho chuyến hành trình trên tàu hỏa, tôi nằm trên chiếc giường nằm của mình, lướt lướt cuốn sách mà Volkov, một sử gia người Nga dành trọn đời nghiên cứu Siberia và Baikal, xuất bản hồi 2011, và mường tượng về hai đoàn tàu bọc thép hú còi chạy qua cùng khu rừng mà chiếc tàu Trans-Siberian Express đang chở tôi chạy qua.
Mất ba ngày để tôi từ Kazan đến được Siberia, nhưng hồi một thế kỷ trước thì hành trình tương tự sẽ phải mất đến hàng tháng trời.
Những con tàu được những người thợ máy xúc than đổ vào buồng máy di chuyển một cách chậm chạp. Quan trọng hơn nữa là do những trận chiến, do thiếu nhiên liệu, do tiết trời đông khắc nghiệt và do những biến động chung thời chiến, nên cả phe Bạch Vệ lẫn Bolsheviks đều không thể tiến nhanh được. Cuộc truy đuổi diễn ra một cách chậm chạp.
Các sư đoàn Czech vốn mắc kẹt tại thành phố Irkutsk sau Thế chiến thứ nhất đã chiếm kho vàng của Sa hoàng
Sau vài tháng đeo bám và đã đi qua được một nửa Siberia, đoàn tàu chở kho báu tới tay tướng Alexander Kolchak, vị tân chỉ huy trưởng của lực lượng Bạch Vệ.
Với việc lính của Trotsky đuổi sát phía sau, Kolchak ra lệnh cho đoàn tàu đi tiếp về phía đông, càng xa kẻ thù càng tốt. Ông đưa con tàu tới Irkutsk, một thành phố thương mại ở gần Hồ Baikal. Và đó chính là nơi mà con tàu tôi đi sẽ dừng trong chặng nghỉ tiếp theo.
Chúng tôi tới Irkutsk vào lúc đêm tối đen đặc, khi thành phố trông vắng vẻ tới mức thậm chí cả các tài xế taxi cũng không thấy bóng dáng đâu. Chỉ lờ mờ đoán khách sạn mình nằm ở đâu, tôi và Dennis kéo hành lý đi trên những đoạn phố đen kịt và phải né tránh bọn chó hoang trú trong những bụi cây rậm rạp.
Đèn đường có vẻ như không làm việc ở nơi này của thành phố, cho nên chúng tôi mất cả tiếng đồng hồ đi lòng vòng, chỉ nhờ vào ánh trăng sáng lờ nhờ. Thật khó tin được là chúng tôi cuối cùng đã may mắn tìm được khách sạn của mình, núp đằng sau những rặng cây cao.
Irkutsk là nơi mà các tiểu đoàn người Czech, vốn là lính đánh thuê cho Nga trong thời Thế chiến thứ nhất, bị mắc kẹt sau khi phe Bolshevik chiếm được phần đông Nga và cắt rời toàn bộ các tuyến đường nối với châu Âu.
Người Czech muốn về nhà, cho nên khi con tàu chở kho báu tới Irkutsk, họ đã bắt Kolchak cùng số vàng rồi đem trao nộp cho phe Bolshevik để đổi lấy việc được cho phép dong buồm ra khơi từ cảng Vladivostok thuộc vùng viễn đông của Nga. Cơ sở hạ tầng của vùng đông Nga vẫn chưa bị chiến tranh hay cuộc cách mạng tàn phá, cho nên người Czech vốn từng đi về hướng đông thì nay được an toàn hơn khi lên đường đi về hướng tây.
Tướng Bạch Vệ, Alexander Kolchak, vốn từng bị khắc họa như kẻ thù của đất nước, nay được vinh danh tại Irkutsk
Việc mặc cả tỏ ra hiệu quả.
Người Bolshevik lấy chỗ vàng, để người Czech bắt đầu ra đi và nhanh chóng bắn chết Kolchak, người mà trong suốt 70 năm sau đó được mô tả trong sách lịch sử Liên Xô như một kẻ thù của nhân dân và do đó đáng bị xử bắn.
Nhưng khi tôi và Dennis lang thang trên những con phố rộng rãi của Irkutsk vào ngày hôm sau, tôi đã phát hiện ra một điều đáng kinh ngạc. Tại một trong các quảng trường của thành phố, tôi tìm thấy một đài tưởng niệm Kolchak, vừa mới được dựng lên, vinh danh ông như một biểu tượng chính trị quan trọng.
Các sử gia người Nga rõ ràng là đã viết lại dòng biên niên sử cách mạng; tấm biển đồng gắn ở đài tưởng niệm ghi rõ ông đã chiến đấu cho lý tưởng của mình và đã hy sinh để bảo vệ kho báu của đế chế.
Câu chuyện Kolchak lên đến cao trào ở Irkutsk, nhưng hành trình của kho báu thì không.
Những người Bolshevik đã chất vàng lên một con tàu khác và chở quay lại Kazan.
Theo Volkov, kho báu đã được đưa trở lại nguyên vẹn. Nhưng một số sử gia thì nói rằng các con số không khớp nhau, với mức chênh lệch là 200 tấn thậm chí còn hơn nữa.
Câu chuyện địa phương nghiêng theo giả thuyết sau: với những khối tài sản khổng lồ như thế trong tay, liệu những người lính Czech đói khát, giận dữ và kiệt quệ do chiến tranh cho chịu trao hết cho Hồng quân mà không giữ lấy ít nhiều để mang về theo mình không?
Dân địa phương cho rằng binh lính Czech đã giấu bớt vàng trên những đoàn tàu riêng của họ khi đi về phía đông, đi qua những triền núi đá của Dãy Sayan, hầu như dựng đứng trước Hồ Baikal. Đoàn tàu chạy trên tuyến đường ra cũ ọp ẹp, nơi mà một trong những đoàn tàu chở quá tải được cho là đã mất đà, lộn nhào xuống đáy nước Baikal sâu cả km.
Huyền thoại nói rằng một phần kho vàng của Sa hoàng nay nằm dưới đáy Hồ Baikal
Và theo chuyện kể, thì nó ngày nay vẫn nằm ở đó.
Ngày hôm sau, chúng tôi lên chuyến tàu Circum-Baikal - một đoàn tàu kiểu cũ chạy bằng hơi nước đốt than, mà đầu tàu chỉ đủ sức kéo theo hai toa - để lần theo dấu vết của phần rất có thể là chặng cuối của hành trình kho báu.
Khi chúng tôi xuống khỏi tàu trong điểm khám phá đầu tiên, một rẻo đất bằng phẳng trên đỉnh một vách đá trông xuống Hồ Baikal, hướng dẫn viên tóc vàng có giọng nói rất nhẹ của chúng tôi, Tatiana cất tiếng cảnh báo. "Đi xuống phải rất cẩn thận nhé, triền núi rất là dốc!"
Chúng tôi đi qua những bà cụ già trong làng đang bán bánh mỳ và món omul xông khói, tức là một loại cá của Baikal, và đi men xuống lối đi mọc đầy cây lá han.
Nền đất sỏi khiến bàn chân trơn trượt, chúng tôi phải túm những cành cây, những hốc đá nhô ra cho khỏi ngã. Một số người dám mạo hiểm xuống nhúng mình vào làn nước lạnh ngắt của Baikal, có lẽ chưa tới 10 độ C, còn tôi thì ngồi trên một ụ đất, nhìn chằm chặp vào triền núi dốc đứng, dốc tới nỗi tôi không còn nhìn thấy đoàn tàu phía trên nữa. Vâng, bất kỳ toa tàu nào mất thăng bằng nơi đây cũng sẽ lộn nhào lăn xuống hồ.
Tatiana ngồi cạnh, và tôi không thể không hỏi, "Vậy đây chính là nơi đoàn tàu chở vàng nổi tiếng đã rớt xuống?"
Cô nhìn tôi và cười lớn. "Điều đó còn phụ thuộc vào người mà chị hỏi chuyện," cô nói. "Người Moscow thì không tin chuyện này - họ nghĩ là chúng tôi phịa ra. Nhưng những người già ở địa phương, vốn được nghe cha mẹ kể lại, thì biết rằng đã có chuyện xảy ra. Và nếu như chị nghĩ về nó, thì hồi đó các vụ tai nạn xảy ra thường xuyên. Các đoàn tàu cũ thì chạy nghiêng ngả, không giữ được thăng bằng."
Những lời cô nói khiến tôi băn khoăn không hiểu sẽ ra sao khi ngồi trên một đoàn tàu hỏa chạy qua đây hồi 100 năm trước, thế là tôi trèo lên phía trên núi, đi thẳng về phía nhóm các nhân viên lái tàu. Với một khoản tiền tip nho nhỏ, họ cho tôi và Dennis ngồi cùng họ trong khoang lái hơi nước cổ kêu phì phì, ngay bên cạnh lò than được những người thợ xúc than liên tục đổ vào.
Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, Bạch Vệ chuyển khối vàng của gia đình Sa hoàng Nicholas II từ St Petersburg tới Siberia
"Đi tìm vàng phải không?" một trong những nhân viên lái tàu hỏi tôi khi đoàn tàu hụ còi ồn ã để chuyển bánh. "Cha của bạn tôi là một thợ lặn chuyên nghiệp, có thể lặn dưới nước trong năm phút. Ông ấy đã lặn tìm vàng vào mọi mùa hè, mà đến giờ vẫn không tìm thấy gì. Baikal giữ kín mọi bí mật của nó."
"Tức là thực sự có vàng ở đó, nơi đáy hồ?" tôi hỏi.
Một nhân viên lái tàu khác góp chuyện. "Khi tàu nghiên cứu Mir lặn xuống Baikal hồi 2009, họ đã tìm thấy xác đoàn tàu ở độ sâu 700m. Họ thấy những vật thể nhỏ sáng lấp lánh phát qua những vết nứt trầm tích. nhưng không thể lấy chúng đưa lên được. Thế đó không phải là những thỏi vàng thì là gì, tôi hỏi chị?"
Đoàn tàu tăng tốc, kẽo kẹt trên những bánh sắt khổng lồ quá tải. Trong một tiếng đồng hồ tiếp theo, chúng tôi bị ném vào một khoang nhỏ, bị các cành cây che khuất nhưng chúng tôi vẫn cố nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Tôi chứng kiến cảnh đường tàu gần sát tới mức nào với rìa vách đá, và cảm giác mình như đang lơ lửng trên không, bên dưới không biết có cái gì không khiến tôi chóng cả mặt.
Tối hôm đó, tôi ngồi trên sân thượng ngoài trời của khách sạn tại một thị trấn nghỉ dưỡng cũ kỹ, thị trấn Listvyanka ở gần sát mỏm nam của Baikal, nhớ lại chuyến tàu mới đi và ngắm hoàng hôn trên hồ với mặt nước đổ màu vàng đỏ. Tôi nghĩ về một cuộc tranh luận khác nữa với một người địa phương - mà lần này là một phụ nữ đoan trang, người cũng có lập luạn tương tự về kho báu. Con trai bà, một cậu trông bặm trợn ngoài 20 tuổi, lặng lẽ ngồi nghe, nhưng bà thì tỏ ra bực khi tôi dám nghi ngờ câu chuyện. "Chị không thể chỉ tin vào những gì viết trong một cuốn sách," bà nói. "Chị phải lắng nghe nhân dân!"
Đến lượt tôi suy nghĩ. Tại Nga, vốn đã trải qua hàng thập niên tuyên truyền, thì những gì được in ra sẽ thay đổi từ chế độ này sang chế độ khác, thất thường hệt như thời tiết Baikal.
Đài tưởng niệm Kolchak mà tôi nhìn thấy ở Irkutsk là một ví dụ rõ rệt về chuyện đó. Nhưng trong lúc thông tin được đăng tải trong các cuốn sách và các ấn bản định kỳ có thể thay đổi theo, thì người dân, những người nhìn thấy, nghe thấy và kể lại cho người khác về những gì họ biết, và họ trở thành những sử gia của chính họ. Ngay cả khi họ có thêm thắt những chi tiết hay kịch tính gì vào, thì ký ức của họ có lẽ cũng lưu giữ nhiều sự thật hơn là những trang giấy báo.
Bất ngờ khi nhận ra điều này, tôi rơi vào im lặng, không trả lời người phụ nữ. Bà thì cho rằng tôi đã phớt lờ bà, cho nên tức giận bỏ đi. "Đây là chủ đề tế nhị trong gia đình tôi," cậu con trai bà giải thích. "Mẹ luôn kể với chúng tôi rằng ông nội của bà đã giúp những người lính chôn một số vàng trong rừng, nhưng khi ông quay trở lại thì đã không thể tìm được chỗ đó. Ông ấy đã dành tất cả các mùa hè để đi tìm, cho tới một năm ông ấy đi và không trở về nữa. Ông ấy thế là biến mất."
"Tôi rất lấy làm tiếc," tôi nói lời xin lỗi. "Tôi không có ý xúc phạm gì mẹ cậu. Tôi chỉ tò mò muốn biết xem liệu có thật là có số vàng bị biến mất hay không."
"Chúng tôi cũng vậy," cậu mỉm cười nói với tôi. "Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn câu chuyện huyền thoại đó sống mãi. Đó là một phần của nơi đây, một phần của Baikal, một phần của Siberia. Một câu chuyện quá đẹp, không thể để nó chết được."
Lina Zeldovich